Lên núi xuống biển

Truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng xin cưới con gái Hùng Vương. Sơn Tinh đến trước, mang đầy đủ lễ vật, đã rước được công chúa Mỵ Nương về núi Tản Viên. Thủy Tinh chậm chân, nổi cơn giận dữ, dâng nước lên đuổi đánh Sơn Tinh. Nước dâng càng cao thì núi càng cao… Cuối cùng Thủy Tinh thua, bỏ chạy, nhưng vẫn không từ bỏ mối thù, hàng năm lại dâng nước gây ngập lụt, đòi lại Mỵ Nương…

Câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh của thời huyền sử ăn sâu vào tâm trí hàng ngàn năm nay của người Việt như vậy nhưng trong Thiên Nam ngữ lục, trường ca thơ sử của thế kỷ 17, chuyện này lại không hề được nói đến. Vì điều này mà các nhà nghiên cứu đã cho rằng Thiên Nam ngữ lục có tính “thảng thốt” và mang hạn chế khi phản ánh lịch sử.

Tuy nhiên, không hẳn như vậy. Sơn Tinh và Thủy Tinh vẫn có mặt trong tác phẩm thơ sử “ngoại kỷ” quí giá này, nhưng ở một bối cảnh khác.

Thiên Nam ngữ lục kể về Lạc Long và 50 người con xuống biển như sau:

Cha con xuống ở thủy cung
Mở mang chế độ, quan phòng đông nam.
Trăm ngòi ngàn lạch tuôn đem
Nước làm thế giới, sóng làm uy linh
Ngư hà, long miết là binh
Giao long phù tá côn kình vào ra
Có quan Hà Bá có nhà thủy tiên.

Lạc Long Quân ở Thủy Cung, “có quan Hà Bá, có nhà Thủy tiên”. Như vậy chính Lạc Long Quân và những người con xuống biển đã làm nên Thủy phủ. Hay nói cách khác Lạc Long Quân là Thủy Tinh.

Thông tin Lạc Long Quân cai quản Thủy phủ một lần nữa cho thấy Vua cha Bát Hải Động Đình, người đứng đầu Thủy phủ trong đạo Tứ phủ, cũng chính là Lạc Long Quân.

Còn Âu Cơ và 50 con lên núi thì được Thiên Nam ngữ lục kể:

Mẹ đem lên ở Tản Viên
Sửa sang giếng mối, giữ gìn qui mô
Bao nhiêu đồi núi đống gò
Lũy thành bày đặt, cõi bờ chia phôi
Binh dùng cáo thỏ hươu nai
Hùm ngôi tướng soái, sói ngôi công hầu
Sơn Tinh xưng hiệu ở đầu
Cây cao là tán, hang sâu là đền.

Âu Cơ lên núi Tản, xưng hiệu Sơn Tinh. Vậy nhánh theo mẹ Âu Cơ là Sơn Tinh… Thiên Nam ngữ lục nhầm chăng?

Thần tích Đền Âu Cơ ở Yên Thế, Bắc Giang cũng kể các con theo Lạc Long Quân đi về vùng bể lập các bộ Thuỷ Tinh trị nhậm vùng sông nước. Các con theo Âu Cơ đi ngược sông Hồng, lập các bộ Sơn Tinh trấn giữ miền rừng núi.

Nơi sinh của Tản Viên Sơn Thánh được chép là ở Lăng Xương (Thanh Thủy, Phú Thọ). Lăng Xương cũng là quê của Âu Cơ theo thần tích ở đền Hiền Lương.

Thông tin từ Thiên Nam ngữ lục và thần tích Đền Âu Cơ ở Bắc Giang đã cho thấy cuộc phân ly Lạc Long và Âu Cơ như vậy đã được hình ảnh hóa thành cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh trong truyền thuyết. Hai truyền thuyết này đều kể về thời kỳ dựng nước của người Việt và về một cuộc phân tách lớn của dân tộc theo hai hướng Tây và Đông Nam.

Đây cũng là cuộc phân tách Hoa – Di trong Hoa sử, bắt đầu từ Hạ Khải đánh Bá Ích tranh giành vương vị sau khi Đại Vũ mất. Cuộc chiến Hoa – Di kéo dài dai dẳng gần 1.000 năm không ngừng. Nhà Hạ bắt đầu một thời gian không lâu thì Hậu Nghệ, tức là vị Hầu dòng Đế Nghi (Đế Nghiêu) đã chiếm ngôi nhà Hạ. Nhà Hạ trung hưng sau đó. Rồi tới thời Ân Thương, Sùng Hầu Hổ là quí tộc nước Sùng lại dèm pha Tây Bá Hầu Cơ Xương với Trụ Vương. Cơ Xương bị bắt nhốt ở Dĩu Lí. Sau khi thoát được cảnh tù đày, Cơ Xương đã chiêu binh mãi mã, tiến chiếm nước Sùng. Huyền sử Việt chép là Âu Cơ lấy Sùng Lãm, rồi lập nước Văn Lang…

Đúng là hàng năm dòng “Thủy Tinh” của Lạc Long vẫn dâng nước lên đánh dòng “Sơn Tinh” của Âu Cơ không thôi. Hai nhánh Âm – Dương, Thủy – Hỏa, Sơn – Xuyên, cha Rồng – mẹ Tiên vừa mẫu thuẫn đối lập, vừa kết hợp hài hòa để “sinh ra bọc trăm trứng”, hình thành Bách Việt từ chung một bào…

Đôi nhà phân cõi sơn xuyên
Từ Ngã Ba Hạc, dưới trên cùng thề
Ngô đồng cỗi bãi Việt Trì
Nước Đông phỉ tiến, nước Tây thuận dòng.

(Thiên Nam ngữ lục)

Lưu Ẩn ở thành Long

Thiên Nam ngữ lục kể lại, sau khởi nghĩa của Phùng Hưng thì các quan cai trị Giao Châu của nhà Đường lần lượt là Tăng Cổn, Thông Đình, Lý Trác rồi đến … Lưu Ẩn:

Sau thằng Lưu Ẩn nó rày tới nơi

Khoe khoang trí ngõ hơn người

Đời Tống Chu Miện nên trai anh hùng

Binh sang ở giữa thành Long

Phúc thay nó lại có lòng cứu dân.

Lưu Ẩn là Thanh Hải tiết độ sứ nhà Đường, là anh của Lưu Cung, người lập nên nước Nam Hán ở Quảng Đông.

Mặc dù Thiên Nam ngữ lục cho rằng Lưu Ẩn “giả nhân giả nghĩa”:

Trong xem nó cũng giả nhân

Mưu danh chuộc nghĩa một tuần sức trang

nhưng cũng phải công nhận cách cai trị của Lưu Ẩn với Giao Châu là “có lòng cứu dân“.

Còn Khúc Thị Kỷ của Tam vị chủ (Tiên chủ Khúc Thừa Dụ, Trung chủ Khúc Thừa Hạo và Hậu chủ Khúc Thừa Mỹ) theo Thiên Nam ngữ lục lại là thời gian sau khi Lưu Ẩn cai quản Giao Châu.

Dinh tho ho Khuc

Đình làng Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, nơi thờ Khúc tam vị chủ

Thông tin của Thiên Nam ngữ lục quá là kỳ lạ vì như vậy thì ra Lưu Ẩn đã làm chủ Tĩnh Hải quân từ trước khi họ Khúc dựng nghiệp. Họ Khúc làm sao có thể tiếp quản Long Thành một cách dễ dàng như sử ta vẫn chép khi mà Lưu Ẩn còn đang đóng binh và được lòng dân ở đó?

Lưu Ẩn nối nghiệp cha là thứ sử Phong Châu, chiếm đất Thanh Hải rồi xưng Nam Hải vương. Như vậy thì cả đất Thanh Hải và Tĩnh Hải đã thuộc về Lưu Ẩn từ khi còn chưa có Khúc Tiên chủ, đâu cần đợi đến Lưu Cung đánh Khúc Thừa Mỹ nữa.

Thông tin Lưu Ẩn cai quản Giao Châu vào cuối thời Đường cho thấy Lưu Ẩn chính là Khúc Thừa Hạo và người nối nghiệp Khúc Thừa Mỹ chính là Nam Hán Lưu Cung. Tam vị chủ họ Khúc là những người đã phục hưng nước Đại Việt vào thời Ngũ Đại.

Quê của Khúc tam vị chủ là làng Cúc Bồ, xã Kiến Quốc. Điều này cho thấy Khúc = Cúc. Các nhà nho xưa đã khéo léo ghi lại thành ra họ Khúc và thêm chữ “Thừa” vào cho giống tên họ của người và có lẽ cũng để nhắc nhở âm đọc thực sự của Khúc là Cúc.
Phiên thiết tên 3 vị chủ họ Khúc như vậy là:
– “Khúc Thừa” Dụ = Cúc Dụ = Cụ, là người già đáng kính.
– “Khúc Thừa” Hạo= Cúc Hậu = Cậu, ông cậu.
– “Khúc Thừa” Mỹ = Cúc Mỹ = Kỷ = Cả, vua kiến quốc.

Khu Linh người nước Nam ta

Thiên Nam ngữ lục đoạn nói về khởi nghĩa của Khu Liên như sau:

Khu Linh người nước Nam ta
Bình sinh tập dụng can qua một mình
Bèn vào Tượng quận dấy binh
Toan làm sự cả công danh ở đời.

Trong phần chú dẫn viết: Việt sử cương mục chép: “Tháng tư mùa hạ (137), người Man ở Tượng Lâm (Nhật Nam) là Khu Liên làm phản.”

Thiên Nam ngữ lục cho thông tin rất rõ ràng:
– Khu Linh hay Khu Liên là “người nước Nam ta“. Khu Liên chẳng phải người Chăm ở tận đâu kéo về.
– Nơi Khu Liên khởi nghĩa là “Tượng quận“. Quận chứ không phải huyện Tượng Lâm.

Câu chú của Việt sử cương mục cũng cho thấy, chẳng hề có chữ “huyện” nào hết. Tượng Lâm (Nhật Nam) nghĩa là: Tượng Lâm là quận Nhật Nam.

Như vậy Tượng Lâm gồm phần Tượng là Tượng Quận và phần Lâm là Nhật Nam. Tượng Quận thời Tần ở khoảng Quí Châu – Quảng Tây – Vân Nam. Nhật Nam như vậy ắt hẳn là vùng Quảng Tây. Thời Tam quốc vùng này là phạm vi của nhà Thục. Điều này
cho thấy khởi nghĩa Khu Liên cuối thời Đông Hán chính là khởi nghĩa của anh em Lưu Bị – Lưu Biểu. Lâm Ấp chỉ là tên gọi khác của nhà Thục khi Lưu Bị chưa tiến lên phía Bắc.

Cao bình Vân cứ

Tại làng Mỹ Ả – Đông Mỹ – Thanh Trì – Hà Nội có ngôi đình nhỏ thờ một vị thành hoàng làng là Cao Biền, viên quan đô hộ An Nam thời Đường. Vào khoảng những năm Đường Hàm Thông Cao Biền được nhà Đường cử làm đại tướng sang An Nam để giải quyết vấn đề Nam Chiếu. Cao Biền hạ được thành Đại La do quân Nam Chiếu đang trấn giữ, đánh bại được các thổ mán, sát hại hơn một nửa quân Nam Chiếu. Từ đó Cao Biền ở lại Giao Châu làm tiết độ sứ.

CIMG0527

Cổng đình Mỹ Ả.

Câu đối ở đình Mỹ Ả:
Phụng ấn Đường triều, Bắc quốc thiên thu công tại xứ
Cao bình Vân cứ, Nam bang vạn cổ ngưỡng hồng ân.
Vế đối thứ hai có từ “Vân” cần hiểu Vân là Vân Nam, thủ đô của quân Nam Chiếu. “Vân cứ” là quân cát cứ từ Vân Nam, hay quân Nam Chiếu.
Dịch:
Vâng ấn triều Đường, nghìn thu Bắc quốc công nghiệp ở xứ
Giỏi dẹp Nam Chiếu, vạn thế Nam bang ngưỡng mộ ân sâu.
Tuy nhiên trong Thiên Nam ngữ lục lại ghi một thông tin hoàn toàn khác với chính sử. Cao Biền sang An Nam và đã đánh dẹp quân của … nhà Hậu Lý Nam Đế:

Sơ vâng chiếu chỉ bước sang
Đến miền Gia Định, Quế Dương dần dà
Những quan Hậu Lý ngày xưa
Con em hợp quẩy được và ngàn quân
Hợp làm tiết nghĩa trung thần
Tiểu nhi bái tướng, phụ nhân anh hùng.

Làm sao Nam Chiếu lại là tàn quân của Lý Phật Tử được?

Dinh Kim LanĐình Kim Lan.

Ở một nơi khác thờ Cao Biền là làng gốm Kim Lan, nay thuộc Gia Lâm – Hà Nội, tại bái đường đình Kim Lan có câu đối:
Thảo Nam Chiếu trúc Đại La thành, khai Thiên Uy banh lưu ngọc kỷ
Khuyến nông tang truyền chân đào nghệ, an dân tế thế hựu kim xương.
Dịch:
Dẹp Nam Chiếu đắp Đại La thành, khơi kênh Thiên Uy, công nghiệp còn lưu sàng ngọc
Khuyến nông tang truyền nghề làm gốm, yên dân giúp thế, ân đức mãi ghi hộp vàng.
Về việc Cao Biền đắp thành Đại La và truyền nghề nông nghề gốm xin bàn trong một bài khác. Ở đây muốn nói tới thông tin Cao Biền “khai Thiên Uy banh”, mở kênh Thiên Uy. Chuyện này tóm tắt như sau. Cao Biền đi thị sát đến “châu Ung, Quảng” thấy đường biển nhiều ghềnh đá làm đắm thuyền, vận chở không thông nên cho quân đến đục đá mở đường. Nhưng lòng kênh ở đây có một chỗ đá cứng như sắt, búa đục không được. Cao Biền cáo trời khiến sấm sét phá tan ghềnh đá. Vì thế kênh đào xong gọi là kênh Thiên Uy.
Vấn đề xác định kênh Thiên Uy ở đâu đã được nhiều người bàn luận. Người thì cho là ở bên Quảng Tây. Người thì bảo ở Vân Nam. Chỉ có ở Việt Nam còn lưu vết khá rõ con kênh này là Kênh Sắt (Thiết Cảng) ở Diễn Châu Nghệ An. Vẫn còn lưu được bia Thiên Uy kính tân tạc hải phái bi có niên hiệu Hàm Thông nhà Đường (năm 870), văn bia do Bùi Hình, Chưởng Thư ký của Tiết độ sứ Giao Châu Cao Biền soạn. Đây là một trong những văn bia cổ nhất còn giữ được ở nước ta.
Diễn Châu Nghệ An cũng là nơi có nhà thờ họ Cao “Bột Hải triều Nam” ở Nho Lâm Diễn Thọ. Dòng họ này nổi tiếng làm nghề khai mỏ luyện quặng sắt. Điều này cho thấy rõ ràng địa chất khu vực này có nhiều quặng sắt ngầm, lòng sông bị hóa sắt nên việc khai mở kênh mới khó khăn như vậy. Họ Cao ở Diễn Thọ cũng có thể có quan hệ với Cao Biền.
Còn có bài thơ Quá Thiên Uy kính của Cao Biền để lại như sau:
Sài lang khanh tận khước triều thiên,
Chiến mã hưu tê chướng lĩnh yên.
Quy lộ hiểm hy kim thản đãng,
Nhất điều thiên lý trực như huyền.
Dịch (Lê Nguyễn Lưu):
Sài lang chôn sạch lại chầu vua
Ngựa chiến thôi kêu cõi núi mờ
Đường hiểm nay về bằng phẳng rộng
Một lèo nghìn dặm thẳng như tơ.
Bài thơ trên cho thấy kênh Thiên Uy do Cao Biền mở nằm gần nơi mà Cao Biền đã đi đánh dẹp quân Nam Chiếu. Tới đây thì sự việc trở nên khó hiểu. Kênh Thiên Uy không thể nằm ở Vân Nam vì đây là “Vân cứ” của quân Nam Chiếu. Nam Chiếu cho tới tận thời Đại Lý chưa hề mất vùng đất Vân Nam vào tay nhà Đường. Cao Biền không thể đào kênh ở Vân Nam được. Kênh Thiên Uy ở cửa biển Quảng Tây thì còn vô lý hơn vì chỗ đó chưa từng bao giờ có quân Nam Chiếu. Còn Kênh Sắt ở Nghệ An thì liên quan gì tới Nam Chiếu?
Thiên Nam ngữ lục lại một lần nữa cho thêm thông tin mới về kênh Thiên Uy :

Việt Nam bốn bể chín châu
Biền thu về một lầu lầu bản chương
Chơi tuần đến Lâm Ấp hương
Dưới sông đá mọc, trên ngàn núi ngăn.

Kênh Thiên Uy ở vùng đất của Lâm Ấp. Như vậy thì Kênh Sắt ở Nghệ An là phù hợp vì vùng này từng là vùng của Lâm Ấp. Nghệ An cũng là vùng đất mà Mai Hắc Đế đã đắp thành luỹ khởi nghĩa duới thời Đường.
Truyền thuyết Việt còn kể chuyện Cao Biền trảm long sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), phá long mạch của Nam Chiếu. Trà Khúc là đất Lâm Ấp chứ Nam Chiếu đi đằng nào mà vào đến đây?
Nam Chiếu – Hậu Lý Nam Đế – Lâm Ấp cuối cùng thì có quan hệ gì với nhau? Vấn đề này chỉ trở nên sáng tỏ dưới ánh sáng của Sử thuyết họ Hùng.
Hậu Lý Nam Đế – Lý Phật Tử chính là Khu Liên, người lập nước Lâm Ấp. Dật sử chép nhà Tùy thu phục Lý Phật Tử và Bát Lang là hình ảnh cuộc đánh dẹp của quân Tùy diệt nước Lâm Ấp sau 600 năm tồn tại của quốc gia này.
Nhưng tàn quân Lâm Ấp chưa hết. Họ Phạm (họ vua Lâm Ấp) vẫn quay lại cùng khởi nghĩa với Mai Thúc Loan và Phùng Hưng. Phạm Thị Uyển là Mai hoàng hậu lúc 18 tuổi, đã chiến đấu chống quân Đường hy sinh bên sông Tô Lịch. Hai anh em song sinh của bà là Phạm Miện, Phạm Huy là tướng của Phùng Hưng. Câu “Tiểu nhi bái tướng, phụ nhân anh hùng” phải chăng có phần nào liên quan đến việc này?
Khởi nghĩa của Mai Hắc Đế và Bố Cái Phùng Hưng từ Đường Lâm – Tây Thanh Nghệ, vùng đất Lâm Ấp xưa, chính là khởi đầu của nước Nam Chiếu. Phùng Hưng đã tiến lên chiếm toàn bộ vùng Tây Bắc (Phong Châu đô hộ phủ) gồm cả Vân Nam. Hậu Lý – Lâm Ấp – Nam Chiếu là một phần lịch sử phía Tây và Nam của nước ta đã bị lãng quên trong chính sử.

Văn nhân góp ý:
…Diễn Châu Nghệ An cũng là nơi có nhà thờ họ Cao “Bột Hải triều Nam” ở Nho Lâm Diễn Thọ. Dòng họ này nổi tiếng làm nghề khai mỏ luyện quặng sắt… Cao Biền có tước hiệu là Bột hải công …, khai kênh thiên uy tránh sóng dữ biển Đông được phong Bột hải công … điều này giúp khẳng định: Bột hải là chép sai, chính xác phải là Bạt hải hay Bát hải nghĩa là biển Đông, số 8 là số chỉ phương đông trong Hà Thư (Đồ).

Phần hương, Quế Hải

Câu đối ở trước cửa đình Gia Phương, quê Đinh Bộ Lĩnh ở Gia Viễn – Ninh Bình.
Phấn hương trở đậu thiên thu tại
Quế Hải dư đồ nhất thống sơ.

Dịch:
Làng Phấn nay nghìn thu lễ cúng
Quế Hải xưa qui thống địa đồ.

Phấn hương” với nghĩa làng Phấn, là địa danh khá thú vị. Tương truyền Đinh Bộ Lĩnh sinh tại thôn Văn Bòng, thuộc sách Bông, nay là Gia Phương – Gia Viễn – Ninh Bình. Rất có thể Phấn là từ ký âm hay cách đọc cổ của tên làng Bông.

Một cách giải thích khác là Phấn có thể là ghi sai của từ Phần. “Phần hương” được hiểu là từ tích quê của Hán Cao Tổ có cây Phần, cây Du mọc ở đầu làng nên Phần hương là quê hương… Giải thích kiểu “word by word” này mà vẫn khối người tin. Hiếu Cao Tổ Lưu Bang người “huyện Bái đất Phong”, chứ làm gì có cây phần cây du nào.

Đại Nam quốc sử diễn ca viết về Lý Bôn như sau:

Cỏ cây chan chứa bụi trần
Thái Bình mới có Lý Phần hưng vương.

Lý Phần là tên khác của Lý Bôn. Dã sử Hoa đã lấy tên “Phần” này cho rằng là chỉ quê quán của Lưu Bang. Ngược lại dã sử Việt thì lấy tên Hưng vương (Hơn vương hay Hán vương) của Lưu Bang lắp vào thành quê Long Hưng – Thái Bình của Lý Bôn. Đây là vết tích cho thấy Lưu Bang Hán Cao tổ và Lý Phần Hưng vương của Việt chỉ là một.

Thiên Nam ngữ lục có câu:

Cho nên con chẳng có cha
Lang bồn lẩn lút người ta dày vò.

Chữ “lang bồn” tác giả khảo cứu Thiên Nam ngữ lục đành chịu, không biết là thành ngữ gì. Chỉ cần thay “bồn” bằng “bang” thì sẽ rõ. “Lang bang”, hay “lang ba lang bang” nghĩa là đi khắp nơi. Nói cách khác “bồn” là cách đọc cổ của “bang”.

Có thể thấy rõ liên hệ sau:
Bang (trong Lưu Bang) = bồn (như trên) = phần (trong Phần Du, quê của Lưu Bang)
Bôn (trong Lý Bôn)= Phần (tên Lý Phần) = Bông (sách Bông hay thôn Bông, quê Đinh Bộ Lĩnh) = Phấn (trong câu đối Phấn hương).

DinhGiaPhuong

Đền vua Đinh ở thôn Văn Bòng, Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình

Trong câu đối trên vế sau có nói Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất vùng Quế Hải. Cũng như trong lời tựa của Lĩnh Nam chích quái có mở đầu: “Quế Hải tuy ở ngoài cõi Lĩnh ngoại…“. Như vậy Quế Hải là chỉ nước ta thời trung đại.

Quế Hải thường được giải nghĩa là: Quế = Quế Lâm hay Quảng Tây, Hải = Nam Hải hay Quảng Đông. Tuy nhiên như vậy thì Quế Hải thời Đinh đâu có vươn tới Quảng Đông. Làm sao Đinh Bộ Lĩnh có thể nhất thống cả Quế Lâm lẫn Nam Hải được?

Còn cách giải thích “Nam Hải có cây quế, nên gọi là Quế Hải” thì không thể tin được. Giữa biển làm gì có cây quế nào? Quế Hải cũng không tương đương với Nam Hải.

Chính xác hơn:
– Quế = Quí, một trong thập can chỉ hướng Tây (tương tự như trong Quế Lâm hay Quí Châu).
– Hải là … Hải.
Quế Hải là từ tương đương với Tĩnh Hải, chỉ vùng đất phía Tây của biển Đông, tương ứng chính xác với tước phong Tĩnh Hải tiết độ sứ của nhà Đinh Lê. Từ đời Đinh Lê về sau người ta không dùng từ Tĩnh Hải nữa mà thay vào đó bằng Quế Hải như trong Lĩnh Nam chích quái. Phải chăng bởi vì quốc gia đã độc lập, không lấy từ “Tĩnh Hải” của thời tiết độ sứ nội thuộc?

Thiên Nam ngữ lục trong đoạn về Cao Biền còn có một số địa danh nữa:

Sơ vâng chiếu chỉ bước sang
Đến miền Gia Định Quế Dương dần dà.

Gia Định được chú thích là Gia Bình – Bắc Ninh ngày nay. Nhưng như vậy không ổn vì Gia Định là nơi Cao Biền đánh dẹp quân Hậu Lý – Nam Chiếu:

Ngày sau Biền mới ra quân
Gia Định yên trần quét sạch như tro.

Gia Định ở đây phải là vùng đất có phạm vi lớn hơn. Rất có thể:
–    Định = Đinh, chỉ phía Tây.
–    Gia với nghĩa là phủ, trị sở.
Gia Định là trị sở phía Tây. Có thể Gia Định tương đương với “Đinh Bộ” của Đinh Bộ Lĩnh.

Còn Quế Dương rõ ràng là từ tương đương với Quế Hải vì Dương = Hải (đại dương nghĩa là biển).

Một loạt những tên địa danh Gia Định, Quế Dương, Quế Hải, Giang Tây đều là những từ chỉ vùng Bắc và Bắc Trung Việt ngày nay, là Tĩnh Hải sứ từ thời Đường.

Ai đã đặt tên thành Thăng Long?

Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì tên gọi thành Thăng Long là do Lý Công Uẩn đặt khi dời đô từ Hoa Lư về Đại La:
«Mùa thu, tháng 7, vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long».

Nhưng theo Thiên Nam ngữ lục, một quyển sử khác viết không lâu sau Toàn thư, thì tên gọi Thăng Long là do … Triệu Đà đặt. Triệu Đà khi tiến quân từ Quảng Đông đánh An Dương Vương đã thấy rồng xuất hiện trên sông:

Binh phân chi dực hữu chi
Triệu thuyền thẳng tới đỗ kề bên sông
Bỗng đâu thấy rồng nổi lên
Dự mừng thánh chúa lập nên cơ đồ.

Khi họ Triệu diệt được An Dương Vương, xưng vua thì do đó mà đổi tên thành Thăng Long:

Hiệu xưng là Triệu Vũ Hoàng
Chín lần xem trị bốn phương đẹp lòng
Long Biên thành hiệu Thăng Long
Vì xưa rồng dậy dưới sông Nhị Hà.

Tư liệu này nghe qua thật là quá hoang đường. Hóa ra như vậy thì tên Thăng Long đã có từ trước khi Lý Công Uẩn dời đô cả nghìn năm. Nhưng suy ngẫm thêm thì có thể sự kiện này có phần nào sự thật:
–    Người đặt tên thành Thăng Long không phải là Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên của nhà Lý.
–    Người đặt tên thành Thăng Long là người từ Quảng Đông, đã đánh chiếm vùng Bắc Việt và lập quốc xưng vương.
Trong lịch sử Việt thì ngoài Triệu Đà chỉ còn có một người nữa từ Quảng Đông đánh chiếm Bắc Việt là … Lưu Cung, vua Nam Hán, diệt Khúc Thừa Mỹ vào thời hậu Đường. Gộp những sự kiện này lại thì có thể thấy Lưu Cung cũng chính là Lý Công Uẩn, người mở đầu nước Đại Việt gồm 3 miền Việt Đông, Việt Tây và Việt Nam…
Ngoài ra còn có thể suy đoán Triệu Đà (Đào) không nhất thiết là tên riêng, mà có nghĩa là Chúa đất Đào, là vùng đất gồm 3 miền Việt ở trên. Lưu Cung xưng vương Đại Việt ở vùng này nên cũng có thể được gọi là Triệu Đà.

Văn nhân góp ý:
Quá khứ từ thời cha ông người Việt dựng nướcnay còn lại những mảng tin như muôn ngàn mảnh vỡ của cái bình, làm sao có thể ráp ghép muôn ngàn mảnh vỡ đó, phục hồi nguyên vẹn hình dạng kích cỡ màu sắc đúng y như cái bình vốn là… Thực vô vàn khó khăn … chưa kể bản thân từng mảnh vỡ đã phong hoá trong thời gian ngàn năm… cong vênh phai màu… thậm chí có mảnhđã bị ai đó cố tình sơn lên màu khác …
Lịch sử Hùng Việt …Ôi… thiên nan vạn nan …

Nam minh, Tinh Vệ

Thiên Nam ngữ lục kể về việc kết hôn của Kinh Dương Vương:

Kinh Dương ngày ấy đi chơi
Thuyền trăng buồm gió tếch vời Nam minh.

Ở chốn Nam minh ấy Kinh Dương Vương gặp con gái Thần Long:

Nàng rằng: thiếp con Động Đình
Thần Long là hiệu, Nam minh là nhà.

Nam minh được chú dẫn là «bể rộng ở phía Nam».
Sách Trang Tử, Nam hoa kinh có câu «Bằng chi tỉ ư Nam minh đã, đoàn phù dạo nhi thường giả cửu vạn lý».
Dịch nghĩa: Chim bằng khi rời biển Nam, vỗ cánh trong làn gió cuốn mà bay lên chín vạn dặm tầng không.
Như vậy Nam minh chính là biển Nam. Trong lịch sử Hoa Việt thì rõ ràng đây là vùng biển Đông ngày nay. Theo Thiên Nam ngữ lục như trên thì Nam minh là nơi gặp gỡ của Kinh Dương Vương và con gái Thần Long Động Đình. Hay Động Đình chính là biển Đông, là biển chứ không phải hồ Vân Mộng ở Hồ Nam.
Thiên Nam ngữ lục tả cảnh con gái Thần Long khi xuất hiện ở Nam minh:

Nhơn nhơn có khí tự nhiên
Ngỡ nhìn Tinh vệ lại lên chơi bời.

Liên hệ với câu chuyện Tinh Vệ điền hải (Tinh Vệ lấp biển), có xuất xứ từ thiên Bắc Sơn Kinh thuộc sách Sơn Hải Kinh, là một bộ cổ tịch thời Tiên Tần của Trung Quốc :
«Núi Phát Cưu có nhiều cây dâu chá. Có loài chim đậu trên đó, trông như con quạ, đầu có hoa văn sặc sỡ, mỏ trắng, chân đỏ, tên là Tinh Vệ, tiếng kêu như gọi tên nó. Đó là người con gái trẻ của vua Viêm đế, tên là Nữ Oa. Nữ Oa đi chơi ở biển Đông, bị chết đuối không về được, hóa thành chim Tinh Vệ, thường ngậm gỗ đá ở núi Tây để lấp biển Đông».
Thần thoại Trung Hoa thời Viêm Đế mà lại có biển Đông thì Viêm Đế phải ở chỗ nào? Chắc chắn Viêm Đế không thể ở tận Hoàng Hà. Thậm chí Viêm Đế cũng không ở vùng sông Dương Tử, để có dòng «Thần Nông Bắc» là người Hoa, «Thần Nông Nam» là người Việt như ý kiến của một số nhà nghiên cứu. Viêm Đế Thần Nông ở ngay trên vùng «đất thiêng Khương Thủy chính tông», giáp với biển Đông, tức là vùng Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay. Đây đúng là đất gốc tổ của người Hoa Việt từ thời thần thoại.
Con của Kinh Dương Vương và Thần Long Động Đình là Lạc Long Quân, lấy nàng Âu Cơ sinh trăm trứng, nở trăm con trai:

Làm tổ Bách Việt từ đây
Đã gồm phúc thọ lại rày đa nam.

Cũng như các sách sử khác ở đây khẳng định Lạc Long Quân và Âu Cơ là quốc tổ của chung cộng đồng Bách Việt. Diễn giải cách khác thì dòng Lạc Việt là suối nguồn của cả Bách Việt.
Khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay, 50 người con theo cha xuống biển:

Cha con xuống ở thủy cung
Mở mang chế độ, quan phòng đông nam.

Câu này cho thấy Lạc Long Quân đã mở mang đất nước theo hướng Đông Nam, chính là vùng thủy cung Nam minh, quê mẫu Thần Long Động Đình. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Lạc Long Quân đã mở nước theo vùng ven biển Đông lên phía Nam (phía Bắc ngày nay). Việc này trùng khớp với khu vực của văn hóa khảo cổ Hạ Long từ quanh vịnh Bắc Bộ sang Quảng Đông, Phúc Kiến, tới cả Philippin.
Còn 50 người con theo mẹ lên núi :

Mẹ đem lên ở Tản Viên
Sửa sang giếng mối, giữ gìn qui mô.

Sau đó con trai cả lên ngôi Hùng Vương ở Phong Châu:

Thốt sự Hùng Vương là anh
Thay cha lên trị cung xanh cửu trùng
Làm đô ở đất Phong Châu
Việt Trì thế khỏe muôn thu nước nhà.

Tản Viên – Phong Châu là vùng Tây thổ trong truyền thuyết Hùng Vương, hay là núi Tây trong chuyện Tinh vệ lấp biển ở trên. Việt Trì có thể không phải là Ao Việt như vẫn dịch, mà Trì có nghĩa là «thế khỏe muôn thu». Việt Trì là nước Việt vững bền.
Trang Tử, Nam Hoa kinh, Tiêu dao du:
Biển Bắc có con cá gọi là cá Côn, mình dài không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim gọi là chim Bằng, lưng rộng khỏang biết mấy ngàn dặm, khi tung cánh bay thì cánh nó như đám mây trên trời. Biển (Bắc) động thì nó dời về biển Nam, biển Nam là Ao trời.”
Trang Tử sống vào thời Tiên Tần, lúc đó Trung Hoa theo chính sử còn chưa tiến xuống phương Nam. Vậy làm sao Trang Tử có thể biết có cõi biển Nam (Nam minh), lại còn có hình cái Ao (mô tả chính xác hình ảnh của biển Đông)?
Rất có thể Trang Tử người nước Tống, là vùng đất Quảng Đông bây giờ, phía Nam đất này giáp biển Đông. Vì vậy trong tác phẩm Nam hoa kinh ông thường dùng nhiều hình ảnh về biển Đông hoặc biển Nam Hải.

Thục An Dương Vương

Một đoạn trong Thiên Nam ngữ lục về “Thục Kỷ – An Dương Vương”:

Thủa ấy có An Dương Vương
Người quê Ba Thục ở đàng phương tây
Anh hùng trí lực ai tày
Mới sai trấn cõi giáp rày Văn Lang.
Dòm Hậu Hùng nghiệp trễ tràng
Lăm le ý sắm mở mang xa gần
Vân Nam bèn mới dấy quân
Của mượn tượng mã, lưới ngăn nhân tài.

 

Như vậy ở thế kỷ XVII người ta vẫn xác định An Dương Vương người nước Thục ở phương Tây, dấy binh đánh Hùng Vương từ Vân Nam. Thế mà chẳng hiểu sao thời nay các sử gia lại đoán già đoán non là nước Thục của An Dương Vương gốc ở Cao Bằng, cố tình lờ đi sự đồng nhất về văn hoá và khảo cổ của vùng Vân Nam, Quảng Tây với Bắc Việt (trống đồng) với thời Hùng Vương.

Còn có tư liệu cho rằng Thục Phán là người ở Ai Lao. Thực ra Ai Lao Di hay Di Lão là tên của tộc người sinh sống ở vùng Vân Nam Quí Châu. Thục Phán ở Ai Lao cũng đồng nghĩa với Thục Phán xuất phát từ vùng Vân Quí.

Thêm một chi tiết trong giải mã câu chuyện An Dương Vương trong Thiên Nam ngữ lục: Câu chuyện kết thúc với việc Trọng Thuỷ nhảy xuống giếng tự tử và tương truyền ngọc trai biển (do Mỵ Châu hoá thành) rửa ở giếng này sẽ rất sáng. Trong TNNL về việc này có câu:

Vì chưng duyên cũ vợ chồng
Hiệu Tẩy Chu tỉnh ở trong Loa Thành.

Tẩy Chu tỉnh” chính là giếng ngọc (giếng rửa hạt châu).
Như vậy Mỵ Châu hoá thân thành hạt châu, và chữ Châu ở đây còn gọi là Chu như trong câu thơ trên. Điều này hoàn toàn phù hợp với giải thích Mỵ Châu là con gái vua Chu trong Sử thuyết họ Hùng.
Dùng nước giếng để rửa châu cũng ám chỉ chữ “Thuỷ” là nước trong Trọng Thuỷ. Nước giếng là hình tượng của Trọng Thuỷ, ngọc châu là Mỵ Châu. Thuỷ cũng là chỉ phương Bắc, như trong tên của Tần Thuỷ Hoàng.
Câu chuyện An Dương Vương đúng là đã gói một giai đoạn lịch sử rất dài của dân Hoa Việt, từ:
– Nhà Thương sang nhà Chu: An Dương Vương kế Hùng Vương. Rồi việc sứ giả Thanh Giang trao cho Thục Vương Qui Tàng Dịch (móng của Kinh Qui).
– Xây dựng nhà Chu: qua việc Cao Lỗ xây thành Cổ Loa.
– Nhà Chu sang nhà Tần: với chuyện tình Mỵ Châu – Trọng Thủy, hay giữa con gái vua Chu (vua Chủ Cổ Loa) và chàng rể phương Bắc.

Long Hưng

Đại Việt sử ký toàn thư chép về Tiền Lý Nam Đế:
Vua họ Lý, tên húy là Bí, người Thái Bình [phủ] Long Hưng“.

Theo thần phả Tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ truyền ở đền Giang Xá, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội, bản chính do Nguyễn Bính soạn năm Nhâm Thân (1572) thì “vua Lý tên Bí (còn gọi là Bôn), tên chữ là Cử Long Hưng. Bố ông tên Lý Toản, mẹ là Lê Thị Oánh…

Như vậy “Long Hưng” không chỉ là tên quê mà còn là tên gọi Lý Nam Đế. Long Hưng tương ứng với “Hưng vương” như trong câu đối trên đền thờ Lý Nam Đế:
Hưng Vương vĩ lược cao thiên cổ
Tế thế phong công ký Vạn Xuân.

“Hưng” hay “Hên, Hơn”, đọc trệch ra thành “Hớn, Hán”.

Đại Nam quốc sử diễn ca (thế kỷ XIX) về sự xuất hiện của Lý Nam Đế:
Cỏ cây chan chứa bụi trần
Thái Bình mới có Lý Phần Hưng Vương.
Và khi vua lên ngôi:
Vạn Xuân mới đặt quốc danh
Cải nguyên Thiên Đức, đô thành Long Biên
Lịch đồ vừa mới kỷ niên
Hưng Vương khí tượng cũng nên một đời.
Thậm chí trong tác phẩm không hề nói tới tên Lý Nam Đế mà chỉ gọi là Hưng Vương. Không thể phủ nhận được, Hưng Vương chính là tên gọi của Lý Nam Đế cho mãi tới gần đây vẫn được sử dụng.

Văn nhân góp ý
Tôi nghĩ cụm từ Cử long Hưng không phải là họ và tên.
Cử là ký âm sai chữ Cả nghĩa là to nhất đứng đầu, tương tự Long là Lang nghĩa là chúa. Cử long Hưng chính xác là Cả lang Hưng tiếng Việt nghĩa là vua hay chúa đầu tiên tên Hưng.

Thủy tổ thần thoại

Câu mở đầu sử kỷ nước Nam trong TNNL:

Nhớ từ Thái cực sinh ra
Trên trời, dưới đất, giữa hòa dân gian.

Câu này thể hiện rõ quan niệm Tam tài: thiên, địa, nhân. Con người sinh ra cùng lúc và sánh ngang với trời đất.  Có thể so sánh với việc ông Bàn Cổ dùng rìu bổ vỡ hỗn mang, khai thiên lập địa.
Tiếp theo thời Thần Nông:

Tự vua Viêm Đế sinh ra
Thánh nhân ngưu thủ họ là Thần Nông
Trời cho thay họ Hữu Hùng
Con cháu nối nghiệp cha ông thủ thành.

Trong Hoa sử Hữu Hùng là nước của Hoàng Đế Hiên Viên, thủy tổ của người Hoa. Một lần nữa Thiên Nam ngữ lục khẳng định thông tin trong Đại Việt sử ký: «Thủa Hoàng Đế mở muôn nước», công nhận Hoàng Đế là thủy tổ của mình, của họ Hữu Hùng.
Dị bản chép:

Đất thiêng Khương Thủy chính tông
Cháu con nối dõi tổ tông thủ thành.

Khương Thủy đây có thể là sông Mễ Cương (Mê Kông). Họ Khương còn được nhắc đến trong tên bà Vụ Tiên:

Xưng danh là ả Khương Tiên
Có tinh Cửu vĩ là em ngoan ngùy.

Khi Kinh Dương vương lên ngôi ở phương Nam, nhân dân đến phục tùng:

Bao nhiêu rợ mọi gái trai
Làm hang đệm tổ cửa ngoài nẻo trong

Gần xa mến đức dái uy
Thói «hữu sào» ấy bỏ đi chẳng nhìn.

Ở đây lại nhắc đến Hữu Sào, cũng là một nhân vật của Hoa sử. Khi đọc sử Việt, dù là chính sử hay ngoại kỷ, ta đều thấy người Việt đều nhận những nhân vật thần thoại Bàn Cổ, Hoàng Đế, Hữu Sào là tổ tiên của mình. Trong khi theo Hoa sử đó là tổ tiên người Hoa Hạ. Người Việt nhầm lẫn, chịu ảnh hưởng của văn hóa Tàu chăng? Hay là người Hoa chính là người Việt?

Văn nhân góp ý:
Xin nhấn mạnh Viêm đế –Thần nông là nhân vật thần thoại tổ 3 đời của đế Minh không phải là Viêm đế anh em cùng cha khác mẹ với Hoàng đế.
Hoàng đế và Viêm đế cùng là con của Hùng quốc quân Thiếu Điển (có sách chép là Thiếu Khúc) là những nhân vật thời sơ sử Trung Hoa.
Khương thủy có tên Việt thời cận đại là Khung giang, các từ Khương – Cương – Khung – Khang theo Dịch học đều có nghĩa là hướng tây – phía tây.
Khương thủy hay Khung giang có cùng 1 nghĩa, chỉ con sông nằm ở phía tây đất Trung tâm (Giao chỉ?) ngày nay thường gọi là Mê kông hay Cửu long.

Điều rất quan trọng là Thiên nam ngữ lục xác định họ Thần nông sau đổi là họ Hữu Hùng vì vậy người Việt mới có 18 đời vua Hùng. Hùng vương quốc tổ thì mọi người Việt mặc nhiên công nhận nhưng thông tin Hoàng đế là vua Hữu Hùng quốc thì … chẳng ai để ý đến … trái khoáy hơn nữa đại đa số coi đó là ông vua tổ của người Tàu???