Khởi nghĩa của Triệu Đà

THỦA ĐẦU KHỞI NGHĨA
Nói về việc nhà Tần tiến đánh phương Nam Sử ký Tư Mã Thiên chép: Năm thứ 33,Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ.

Còn Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép: … (Tần Thủy Hoàng năm thứ 33) nhà Tần phát những người trốn tránh, người ở rể người đi buôn, ở các đạo ra làm binh, sai hiệu úy Đồ Thư đem quân lâu thuyền, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi sâu vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất Lục Dương, đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận; cho Nhâm Ngao làm Nam Hải úy, Triệu Đà làm Long Xuyên lệnh.
Tần chiếm đất Lục Lương, chia làm ba quận Quế Lâm, Tượng Quận và Nam Hải. Tượng Quận đã xác định là Vân Nam, có thể cả một phần Tây của Giao Chỉ; Quế Lâm là vùng Quí Châu và một phần phía Bắc của Quảng Tây. Vậy quận thứ ba phải là đất Đông Giao Chỉ và phần Nam Quảng Tây vì trong đợt tiến quân này Tần đã chiếm vùng Giao Chỉ. Quận thứ ba này do đó phải là quận Tam Xuyên, chứ không phải Nam Hải.
Sách Hoài Nam tử cho biết, khoảng năm 218 TCN Tần Thủy Hoàng sai Úy Đồ Thư phát 50 vạn binh, chia làm 5 đạo quân tấn công Bách Việt. “Trong 3 năm, [quân Tần] không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh sĩ đào cừ cho thông đường lương để đánh nhau với người Việt. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống. Nhưng người Việt đều vào trong rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người Tuấn kiệt lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư“.
Xét về không gian và thời gian lúc này thì “người tuấn kiệt” lãnh đạo người Việt kháng Tần ở đây không phải là Thục An Dương Vương vì An Dương Vương đã làm vua trước đó từ lâu và Thục đã bị Tần diệt. Người tuấn kiệt ở đây phải là Triệu Đà, cầm đầu một nhóm người Việt, dựa vào rừng núi mà chống Tần.
Chuyện người Tuấn kiệt này cũng là chuyện của Lưu Bang. Sử ký Tư Mã Thiên cho biết Lưu Bang vốn là một đình trưởng nhỏ, khi thay mặt huyện đưa những người bị đày đến Lịch Sơn, giữa đường nhiều người bỏ trốn. Lưu Bang tự xét đến nơi thì tất cả đều sẽ trốn hết, cho nên khi đến cái đầm ở phía Tây ấp Phong thì dừng lại, đang đêm, thả tất cả những người bị đày ra rồi cùng họ vào núi Mang Đường trốn tránh.
Mang Đường ở giữa Phong và Bái có thể là vùng tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Triệu Đà – Lưu Bang dựa vào vùng rừng núi Thái Nguyên “đánh du kích”, theo kiểu “Lương Sơn Bạc”. Cứ vậy hơn chục năm, cho tới khi Tần Thủy Hoàng mất.
CHIẾM LONG XUYÊN
Như trên đã nói, quận Tam Xuyên thời Tần vốn là đất của Đông Chu đã bị cạo sửa thành quận Nam Hải. Tam Xuyên còn gọi là Long Xuyên vì hai chữ Tam và Long dùng đổi cho nhau, Tam là con số 3 chỉ phương Đông, phương của Rồng trong Dịch học.
Nhâm Ngao được nhà Tần bổ làm quan ở quận Long Xuyên chứ không phải Nam Hải. Dẫn chứng rõ ràng là Truyện Mộc tinh trong Lĩnh nam trích quái: … khi Tần Thủy Hoàng bổ Nhâm Ngao làm quan lệnh Long Xuyên, Nhâm Ngao cấm không được nạp lễ người sống, thần Xương Cuồng tức giận vật chết Nhâm Ngao.
Triệu Đà cũng làm quan của huyện Long Xuyên và sau đó được Nhâm Ngao trao lại quyền hành. Như vậy Nhâm Ngao phải là quan tiền nhiệm của Triệu Đà ở Long Xuyên. Có vậy thì việc Nhâm Ngao trao quyền cho Triệu Đà mới hợp lẽ. Nếu Nhâm Ngao ở Nam Hải, Triệu Đà ở Long Xuyên thì làm sao mà trao quyền được?
Tại sao Nhâm Ngao trao quyền lại cho Triệu Đà? Vì sao mà quan của một quận lớn lại dễ dàng từ bỏ chức vụ quyền hành cho người khác? Lý do việc này đã được Sử ký Tư Mã Thiên chép trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện:
Nhâm Ngao, ốm sắp chết, mời huyện lệnh Long Xuyên là Triệu Đà đến nói:
– Tôi nghe bọn Trần Thắng làm loạn. Nhà Tần làm điều vô đạo, thiên hạ khổ cực. Bọn Hạng Vũ, Lưu Quý, Trần Thắng, Ngô Quảng đều dấy binh tụ tập quân sĩ, tranh giành thiên hạ. Trung Quốc loạn lạc chưa biết lúc nào yên. Những người hào kiệt phản Tần đều đứng lên cả. Nam Hải ở nơi xa lánh, tôi sợ quân giặc xâm lấn đến đây, nên định dấy binh chặn đứt con đường mới để tự phòng bị, đợi chư hầu có sự thay đổi.

Nhâm Ngao ốm sắp chết thì còn quan tâm chuyện thiên hạ làm gì? Nguyên nhân sâu xa của việc mời Triệu Đà đến là Nhâm Ngao thấy thiên hạ nổi lên chống Tần khắp nơi, sợ hại đến mình, muốn tự phòng bị nên gọi Triệu Đà đến để gánh đỡ gánh nặng này.
Chuyện Nhâm Ngao – Triệu Đà này hoàn toàn giống chuyện của Lưu Bang lúc mới khởi nghĩa từ diễn biến tới thời gian. Sử ký Tư Mã Thiên chép về cuộc khởi nghĩa của Lưu Bang như sau:
Năm thứ nhất đời Tần Nhị Thế (209 trước công nguyên) mùa thu, bọn Trần Thắng nổi lên ở đất Kỳ, khi đến đất Trần thì xưng vương là Trương Sở. Nhiều quận và huyện giết bọn quan lại cầm đầu hưởng ứng theo Trần Thiệp. Viên huyện lệnh ở Bái sợ, muốn đem quân Bái theo Trần Thiệp. Người chủ lại Tiêu Hà và quan coi ngục Tào Tham nói với viên lệnh:
– Ông làm quan nhà Tần, mà lại muốn phản lại và đem con em đất Bái theo thì sợ họ không nghe. Xin ông triệu tập những người tránh ở ngoài, có thể được vài trăm người, để gây uy thế làm áp lực với họ. Như thế, người ta nhất định phải nghe theo.
Viên lệnh sai Phàn Khoái mời Lưu Quý đến. Bè đảng của Lưu Quý lúc bấy giờ đã có ngót trăm người. Phàn Khoái bèn theo Lưu Quý đến.

Viên huyện lệnh của đất Bái vì sợ chư hầu nổi dậy nên đã mời Lưu Bang đến để thêm vây cánh. Lưu Bang lúc này là một thủ lĩnh của vài trăm người đóng ở vùng rừng núi Mường Đăng gần đó, chống lại Tần đã cả chục năm, tính từ lúc thả dân phu khi đi Lịch Sơn. Có thể thấy viên huyện lệnh đất Bái này và Nhâm Ngao trong chuyện Triệu Đà là một.
Tiếp theo:
Sau đó, viên lệnh hối hận sợ thời thế thay đổi chăng, bèn sai đóng cửa thành và giữ thành, ý muốn giết Tiêu Hà và Tào Tham. Tiêu Hà, Tào Tham sợ, trèo qua tường trốn tránh ở nhà Lưu Quý. Lưu Quý bèn viết chữ lên lụa bắn tên vào thành bảo với các vị phụ lão quận Bái:
– Thiên hạ cực khổ vì nhà Tần đã lâu rồi. Nay các cụ tuy giữ thành cho viên huyện lệnh nhưng chư hầu đều nổi lên, họ sẽ làm cỏ quận Bái. Nhân dân đất Bái hãy cùng nhau giết chết viên lệnh, chọn con em nào đáng lập thì lập lên để hưởng ứng chư hầu. Làm như thế cửa nhà sẽ được nguyên vẹn, nếu không, cha con đều bị giết sạch, chẳng còn lối thoát.
Các vị phụ lão bèn cầm đầu bọn con em cùng nhau giết viên lệnh, mở cửa thành đón Lưu Quý. Họ muốn mời Lưu Quý làm huyện lệnh đất Bái….
Lưu Quý mấy lần nhường, nhưng mọi người không ai dám làm nên lập Lưu Quý làm Bái công.

Nhâm Ngao không ốm chết mà … bị thần Xương Cuồng tức giận “vật chết”. Thực ra viên huyện lệnh Long Xuyên là Nhâm Ngao đã bị nhân dân đất Bái nổi dậy giết chết, rồi họ tôn Lưu Bang lên làm thủ lĩnh (Bái Công), vì ai cũng sợ chống Tần không thành công, phải chịu hậu quả.
XUẤT THÁI BÌNH
Sử ký Tư Mã Thiên chép: Bái công sai làm lễ thờ Hoàng Đế, tế Xuy Vưu ở Bái Đình, lấy máu bôi lên trống, cờ xí đều màu đỏ vì câu chuyện con vua Xích Đế giết rắn là con vua Bạch Đế, cho nên ông ta chuộng màu đỏ;
Bọn trai tráng, thân hào, quan lại như Tiêu Hà, Tào Tham, Phàn Khoái đểu tập hợp hai ba nghìn con em đất Bái theo Quý. Quý đánh quận Hồ Lăng và quận Phong Dư rồi về giữ đất Phong.

Nơi Triệu Đà khởi nghĩa là Long Xuyên. Long Biên hay Long Xuyên chỉ là 2 cách đọc khác nhau của quận Tam Xuyên thời Tần. Ở Long Biên nay còn di tích điện Long Hưng (đình Xuân Quan), là nơi Triệu Vũ Đế đóng quân. Câu đối ở điện Long Hưng:
Nhất chỉ dĩ vô Tần, vạn lý khai tiên Mân Lạc tuyệt
Lưỡng lập hà nan Hán, ức niên xương thủy đế vương cơ.

Dịch:
Một vùng vắng bóng Tần, vạn dặm mở ra vời xa Mân Lạc
Hai ngôi sánh cùng Hán, ngàn năm gây nền vững vàng đế vương.

Long Xuyên cũng là đất Bái nơi Lưu Bang tế cờ. Bái Đình đọc phản thiết là Thái Bình, là quê của Lý Bôn. Lý Bôn khởi nghĩa đầu tiên đánh đuổi thứ sử Tiêu Tư (Thiên Nam ngữ lục chép là Tiêu Ý) ở thành Long Biên. Như vậy Tiêu Tư là Nhâm Ngao, là viên huyện lệnh đất Bái thời Lưu Bang.

TronghoiVanXuanHội làng Giang Xá – Hoài Đức thờ Lý Nam Đế.

Ở tỉnh Thái Bình ngày nay, nơi huyện Chân Định (tên quê của Triệu Đà, nay là Kiến Xương) còn đền Đồng Xâm thờ Triệu Vũ Đế và vợ là Hoàng hậu Trình Thị.
Câu chuyện Nhâm Ngao ở đất Bái càng củng cố cho nhận định 3 nhân vật lịch sử Triệu Đà – Lưu Bang – Lý Bôn là một, được chép từ góc nhìn của các dòng sử khác nhau mà thôi.
KIẾN QUỐC NAM VIỆT
Đại Việt sử ký toàn thư: Giáp Ngọ, năm thứ 1 [207 TCN], (Tần Nhị Thế năm thứ 3). Vua (Triệu Đà) chiếm lấy đất Lâm Ấp và Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vương. Còn Sử ký Tư Mã Thiên ghi: Khi nhà Tần bị tiêu diệt, Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương.
So sánh 2 sách trên thì thấy rõ: Quế Lâm trong Sử ký Tư Mã Thiên chính là Lâm Ấp trong Việt sử. Địa danh Lâm Ấp xuất hiện từ thời Triệu Đà, chứ không cần đợi đến thời Khu Liên lập quốc. Ở đây Lâm Ấp tương đương với quận Quế Lâm, là phần Quí Châu – Bắc Quảng Tây.
Năm Tần Nhị Thế thứ ba cũng là năm Lưu Bang dẫn quân vào Quan Trung đánh Tần. Nếu năm này Triệu Đà chiếm Lâm Ấp và Tượng Quận thì có thể thấy 2 quận này chính là đất Quan Trung. Lâm Ấp như vậy có thể là kinh đô của nhà Tần, nơi mà Tần Thuỷ Hoàng đã dời về vùng đất giữa hai nhà Chu để lập đô.
Triệu Đà – Lưu Bang như vậy đã chiếm đủ 3 quận thời Tần của đất Lục Lương trước đây gồm Quế Lâm, Tượng Quận và Long Xuyên/Nam Hải. Vùng đất này sau thành nước Nam Việt của nhà Triệu.
Khởi nghĩa của Triệu Đà nổ ra không phải vì những mưu tính sâu xa, dự định tranh hùng tranh bá thiên hạ ngay từ đầu như sử cũ vẫn chép. Triệu Đà – Lưu Bang buộc phải cầm đầu cuộc khởi nghĩa vì chế độ phu phen hà khắc của nhà Tần và vì khi Tần Thủy Hoàng mất, thiên hạ đại loạn, nếu không tự khởi nghĩa thì không chết vì Tần cũng chết vì Sở. Thời thế tạo anh hùng. Nhà Tần sụp đổ đã tạo ra một Triệu Đà – Lưu Bang, khai nghiệp đế vương cho cả 2 triều đại Bắc Nam của Trung Hoa là nhà Hiếu và nhà Triệu Nam Việt.

Hậu Lữ Gia và Nhị Trưng Vương (TT)

Truyền tích về Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa và năm anh em chàng Vịt mang đến một suy nghĩ bất ngờ. Khởi nghĩa của Nhị Trưng Vương không phải xảy ra vào những năm 40 dưới thời Đông Hán, mà là ngay sau thất bại của nhà Triệu Nam Việt, thời Tây Hán. Ý tưởng này nghe thật vô lý, nhưng có lẽ lại là có lý nhất trong chuyện về Trưng Vương, giải đáp và gắn kết được phần lớn những di tích, truyền thuyết còn lại trong dân gian với sử sách.
Den Thanh Mau Đền Thánh Mẫu Triệu Thị Khoan Hòa ở Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc.

Nguyên nhân khởi nghĩa Trưng Vương là “đền nợ nước, trả thù nhà” hoàn toàn chính xác. “Nước” ở đây là nước Nam Việt đã bị mất trong tay nhà Hán (Tây Hán). “Nhà” là vua Triệu Vệ Dương Vương, đã tử tiết ở cửa Đại Ác. Trưng Vương là vợ của Triệu Việt Vương, chuyện này quá “ly kỳ”, thật khó tin, nhưng không có gì hợp lý hơn để giải thích giai đoạn lịch sử khúc mắc này.

Thi Sách là người huyện Chu Diên… Triệu Quang Phục cũng là người Chu Diên. Chu Diên tức là Châu Dương, là phần Đông nước Nam Việt thời nhà Triệu.

Ở Mê Linh, xã Tiền Phong có Miếu Bà thờ Ả Lã Nàng Ngu, tương truyền là thứ phi của Triệu Quang Phục về sống ở đây. Có thể thấy các vị hoàng hậu và vương phi nhà Triệu đã thoát về vùng Mê Linh này. Nhiều người trong số đó (như Ả Lã) mang họ Lã (Lữ) của Lữ Gia.

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng có nhiều nữ tướng tham gia bởi vì… đó là gia quyến của nhà Triệu, con cháu họ Lữ, noi gương anh hùng của nữ tiền nhân là … Lữ Hậu. Nếu Trưng Vương không phải là hoàng phi nhà Triệu thì làm sao “hô một tiếng” cả 7 quận Nam Việt cũ lại nhất tề đứng dậy đi theo được? Theo truyền thuyết thì cả Trưng Trắc và Trưng Nhị đều lấy Thi Sách. Nếu Thi Sách chỉ là con quan huyện thì làm sao lấy nhiều vợ được? Còn vua Triệu thì chắc chắn có nhiều hoàng phi.

Phần Đông Nam Việt thất thủ. Gia quyến nhà Triệu rút về phía Tây cùng Lữ Gia, tức là về vùng đất Phong Châu. Cũng từ nơi này khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã nổ ra. Phong Châu là Minh Đô thời vua Hùng nên còn gọi là Mê Linh vì Mê Linh thiết Minh (Đô kỳ đóng cõi Mê Linh). Đây cũng gọi là vùng Tây Vu hay Tây Lý, được đề cập đến trong cuộc hành quân của Mã Viện. Có thể Trưng Vương chính là Tây Vu Vương, tức là vua phía Tây thời này.

Từ miền Tây thổ Phong Châu Hai Bà Trưng đã đánh xuống trị sở của Giao Chỉ ở Long Biên, đuổi thái thú là Tô Định về Nam Hải:
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.

Có thể Tô Định chính là Thạch Đái, viên thứ sử đầu tiên của nhà Tây Hán ở Giao Chỉ.

Giao Chỉ rơi vào tay Trưng Vương. Nhà Hán (Tây Hán) cử Phục Ba tướng quân đối phó, tức là Lộ Bác Đức, người đã đánh dẹp Nam Việt trước đó, chứ không phải Mã Viện của nhà Đông Hán sau này. Cuộc hành quân của Mã Viện mà sử sách ghi chép nhiều khả năng là cuộc hành quân của Lộ Bác Đức cùng với đoàn lâu thuyền tấn công Giao Chỉ.

Trận chiến lớn giữa Trưng Vương và Lộ Bác Đức nổ ra ở Lãng Bạc. “Sông Bạch Đằng phá giặc” trong câu đối về năm anh em chàng Vịt là dòng Lãng Bạc thời Trưng Vương. Lãng Bạc và Bạch Đằng đều chung một nghĩa là “sóng trắng” mà thôi. Có thể dòng Lãng Bạc là sông Cầu, hay sông Nguyệt Đức, nơi năm anh em chàng Vịt đã giúp Trưng Vương đánh giặc theo thần tích ở đền Mẫu Thanh Lãng.

Quanh vùng huyện Mê Linh ngày nay, một số làng như Thanh Lâm – Thanh Tước hay Cư An – Tam Đông còn tục thờ Phục Ba tướng quân. Đây là thờ Lộ Bác Đức của nhà Hiếu chứ không phải Mã Viện. Người xây Kiển Thành ở Cổ Loa chắc cũng là Lộ Bác Đức. Huyện Mê Linh ngày nay trước có tên là Yên Lãng. Có thể tên này cũng là do Lộ Bác Đức đặt, với nghĩa là “yên sóng” như danh Phục Ba. Phục Ba Lộ Bác Đức đã dẹp yên cơn sóng khởi nghĩa của hậu duệ nhà Triệu và Lữ Gia.

Nhận định khởi nghĩa Hai Bà Trưng là của gia quyến nhà Triệu Nam Việt, họ Lữ khi rút về Phong Châu đã chống lại nhà Hiếu, còn đem tới một liên hệ khác. Tinh thần “chống Lý trung Triệu” lúc này còn có anh em Trương Hống, Trương Hát. Rất có thể chuyện Trương Hống, Trương Hát chỉ là một cách kể khác của khởi nghĩa Trưng Vương mà thôi.

Khi nhà Triệu mất, Trương Hống Trương Hát bỏ về núi Phù Long ở ẩn. Phù Long thiết Phong, tức là về vùng Phong Châu, giống với chuyện của Hai Bà Trưng. Trương và Trưng rõ ràng là gần âm, nghĩa là “trưởng”, “chủ”.

Liên tưởng xa hơn:
– Hống nghĩa là lớn. Trương Hống là vị chủ cả. Hát có thể là Hai, Trương Hát là vị chủ thứ hai. Như vậy Trương Hống, Trương Hát rất gần với Trưng Trắc, Trưng Nhị.
– Hống còn có thể là Hồng, chỉ dòng sông Hồng. Hát thì vốn là tên của sông Đáy. Hai Bà Trưng đọc lời thề, khởi nghĩa ở Hát Môn, là nơi bắt đầu sông chia 2 nhánh Hồng và Hát. Trưng Trắc đóng ở Long Biên hay Cổ Loa bên bờ sông Hồng nên có nghĩa là vị chủ sông Hồng (Trương Hống). Trưng Nhị đóng ở thành Dền, đối diện cửa sông Đáy, nên có nghĩa là vị chủ sông Hát (Trương Hát).

Dòng Lãng Bạc trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng có thể là sông Nguyệt Đức, tức là dòng Như Nguyệt của thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát). Khi khởi nghĩa thất bại Hai Bà Trưng nhảy xuống sông Hát tự vẫn. Còn Trương Hống, Trương Hát kiên quyết không theo Lý Phật Tử, cũng nhảy xuống sông Như Nguyệt mà chết.

Trương Hống Trương Hát được gọi là đức thánh Tam Giang. Tam Giang đây không phải là chỉ ngã ba sông Cà Lồ và sông Cầu. Tam Giang là vùng đất của 3 sông Đà Lô Thao hội tụ ở Phong Châu. Ở Vĩnh Phúc, bên bờ sông Lô có huyện Tam Dương, chân núi Tam Đảo. Dương = Giang. Có thể đây chính là vùng Tam Giang, nơi Trương Hống, Trương Hát rút về.
Dinh Bi La Đình Bì La, xã Đồng Ích, Lập Thạch, Vĩnh Phúc.

Ở vùng Tam Dương – Lập Thạch (Vĩnh Phúc) còn có đình Bì La (xã Đồng Ích) thờ Triệu Việt Vương và Trương Hống, Trương Hát. Nếu đúng sách vở hiện nay thì không hiểu tại sao ở đây lại thờ những vị này. Triệu Việt Vương chia đôi đất nước với Lý Phật Tử, lấy bãi Quân Thần ở Chèm làm ranh giới. Như vậy vùng Tam Dương thuộc đất của Lý Phật Tử, tại sao thờ Triệu Việt Vương làm gì? Trương Hống, Trương Hát thờ dọc sông Như Nguyệt (sông Cầu), mà vùng Tam Dương thì còn cách sông Cầu cả một dãy núi Tam Đảo.

Truyền thuyết và lịch sử Việt Nam còn đầy những điều kỳ bí, cần làm sáng tỏ. Lịch sử luôn theo những qui luật tự nhiên, thông suốt, nối từ triều đại này sang triều đại kia. Tìm được mối liên hệ giữa các triều đại, các sự kiện tức là thấy được lịch sử đích thực.

Hậu Lữ Gia và Nhị Trưng Vương

Năm 112 TCN, nước Nam Việt, thừa tướng nhà Triệu là Lữ Gia lập Kiến Đức lên ngôi vua, gọi là Triệu Vệ Dương Vương, kiên quyết chống lại nhà Hiếu (Tây Hán). Lữ Gia là tể tướng ba đời vua Triệu từ Triệu Văn Vương, nắm quyền hành lớn ở Nam Việt. “Họ hàng [Lữ Gia] làm quan trường lại đến hơn bảy mươi người. Con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em, tôn thất của vua, lại thông gia với Tần vương ở quận Thương Ngô” (Sử ký Tư Mã Thiên). Kiến Đức cũng lấy vợ Việt, khác với Triệu Minh Vương lấy người Hán trước đây.

Năm 111 TCN nhà Hiếu cử Lộ Bác Đức làm Phục Ba tướng quân, cùng Lâu thuyền tướng quân Dương Bộc tiến đánh Nam Việt. Phiên Ngung thất thủ. “Lữ Gia cùng Kiến Đức từ đêm đã cùng gia thuộc vài trăm người, chạy trốn ra biển, lấy thuyền đi về phía Tây” (Sử ký Tư Mã Thiên).

Phía Tây của Phiên Ngung tức là Giao Chỉ. Triệu Vệ Dương Vương cùng Lữ Gia lên thuyền đi về Giao Chỉ nhưng bị quân nhà Hiếu truy sát. Cả 2 đều đã bị bắt tại vùng cửa biển Nam Định – Ninh Bình, xưa gọi là cửa Đại Ác hay Đại Nha. Câu chuyện của nhà Triệu Nam Việt được lưu giữ trong truyền thuyết Việt dưới truyện của Triệu Quang Phục. Triệu Việt Vương bị Lý Phật Tử đuổi, tới cửa Đại Nha thì cùng đường, “một bước” đi ra biển mà mất. Tại vùng này nay có đền Độc Bộ thờ Triệu Việt Vương, nằm ở ngã ba sông Đáy và sông Đào, lưu dấu nơi kết thúc một triều đại trong sử Việt.

Đền Độc Bộ ở Ý Yên, Nam Định

Câu đối ở đền Độc Bộ (Ý Yên, Nam Định):
Chu Diên chung tú khí, đế liệt lẫm thiên thu, Lương khấu tảo trừ an điện nội
Mộ Trạch hiển thần cơ, vương huân lưu vạn cổ, long trảo uy nghi thánh tích truyền.

Dịch:
Đầm Mộ Trạch rạng tỏ danh thần, tên vua vạn thế sáng soi, nghiêm vuốt rồng truyền lưu tích thánh.
Đất Chu Diên đúc nên hào khí, oai đế ngàn thu oanh liệt, trừ quân Lương đất nước yên bình.

Cách đền Độc Bộ không xa là núi Gôi (Vụ Bản – Nam Định), tương truyền là nơi Lữ Gia tử trận. Nay các làng quanh núi Gôi đều còn thờ Lữ Gia. Không phải ngẫu nhiên mà nơi mất của Lữ Gia cũng là nơi Triệu Quang Phục cùng đường. Lữ Gia đã cùng Triệu Vệ Dương Vương chạy về vùng cửa biển này thì nơi Lữ Gia mất thì cũng phải là nơi Triệu Vệ Dương Vương bị bắt. Do đó người được thờ ở đền Độc Bộ chính là Triệu Vệ Dương Vương.

Nhà Triệu Nam Việt kết thúc, nhưng câu chuyện về Lữ Gia thì chưa. Lữ Gia tức là gia đình họ Lữ, chứ không phải chỉ 1 vị thừa tướng duy nhất. Gia đình họ Lữ như Sử ký Tư Mã Thiên đã chép đều là hoàng thân quốc thích của nhà Triệu và vài trăm gia quyến của vua và thừa tướng Nam Việt này đã lên lâu thuyền chạy về Giao Chỉ. Đó đúng là “mầm họa” cho nhà Hiếu (Tây Hán) vì những người này đều mang dòng máu đế vương của cả Lưu Bang và Lữ Hậu, lại lui về đất tổ của 2 vị tiền nhân này ở Phong Bái (Giao Chỉ).

Tiếp theo ngay sau chuyện xảy ra ở cửa Đại Nha là sự chống đối của nhà họ Lữ ở vùng Phong Châu. Nơi đây còn dày đặc các di tích, truyền thuyết về Lữ Gia. Đó là Quán Linh Tiên, nơi Lữ Gia gặp tiên đánh cờ ở Hoài Đức, đình Liên Hà bên sông Hồng (Đan Phượng). Là vùng Tam Dương (Vĩnh Phúc) với đền Bạch Trì thờ các tướng lĩnh theo Lữ Gia chống Lộ Bác Đức. Là núi Thầy nơi có hang Cắc Cớ, tương truyền là nơi các chiến sĩ của Lữ Gia tuẫn tiết. Là hai bên sông Lô với bến Bạch Lựu (xã Lập Thạch – Vĩnh Phúc) và Tràng Đông (xã Trưng Vương – Phú Thọ), tương truyền là phòng tuyến cuối cùng của Lữ Gia.
Tuong Lu Gia
Tượng Lữ Gia ở Quán Linh Tiên
Ở các di tích tại Vĩnh Phúc, Lữ Gia được thờ dưới cái tên Nguyễn Triệu Lệ. Nguyễn có lẽ là từ họ Lý đổi sang. Triệu thì quá rõ, đó là họ vua Triệu Nam Việt. Lệ liệu có phải là họ Lữ/Lã?

Sự chống trả của họ Lữ ở vùng ven sông Lô thất bại. Nhưng… họ Triệu vẫn còn hậu duệ. Khởi nghĩa của Tây Vu Vương hay Tây Lý Vương đã được sử sách ghi lại ở đây. Sau Tây Vu Vương, tiếp đó vẫn còn có một chuyện thật khó hiểu…

Ở xã Thanh Lãng huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc có tục thờ Thánh Mẫu và năm anh em chàng Vịt. Câu chuyện tóm tắt như sau. Bà Triệu Thị Khoan Hòa là hoàng phi của Triệu Vệ Dương Vương, chạy lánh nạn về ở chùa Quảng Hựu – Thanh Lãng. Bia ở đền thậm chí còn chép bà là hoàng hậu của Vệ Dương Vương. Một đêm bà nằm mơ thấy một người kỳ dị, sau đó sinh được 5 quả trứng, nở ra 5 anh em trai có tài bơi lội, nên gọi là 5 chàng Vịt. Các chàng trai này lớn lên đầu quân cho Trưng Vương, tham gia đánh trận trên sông Nguyệt Đức, phá Tô Định. Khi Nhị Trưng Vương hy sinh, 5 anh em chàng Vịt đã xông pha đem được thi hài của các nữ Vương về táng ở Hy Cương.
Su tich Thanh Mau
Bia ghi sự tích ở đền Thánh Mẫu
Câu đối ở đền Thánh Mẫu tại Thanh Lãng:
Thanh Lãng tự sinh thần, Bắc đồng Giản Địch Nam đồng Việt
Bạch Đằng giang phá tặc, mẫu vị Dương Vương tử vị Trưng.

Dịch:
Chùa Thanh Lãng sinh thần, Bắc tựa Giản Địch, Nam tựa Việt
Sông Bạch Đằng phá giặc, mẹ vì Dương Vương, con vì Trưng.

Giản Địch là tổ của nhà Thương trong tích “chim huyền điểu sinh Thương”. Vế đối đầu muốn nói tới việc bà Triệu Thị Khoan Hòa sinh trứng nở ra 5 chàng Vịt như bà Giản Địch, hay như truyền thuyết Việt về Âu Cơ sinh bọc trăm trứng.

Chỗ khó hiểu chính là ở vế đối thứ hai. Thời Trưng Vương thì phá giặc trên “sông Bạch Đằng” lúc nào? Vấn đề quan trọng hơn, bà Triệu Thị Khoan Hòa là cung phi của Triệu Vệ Dương Vương từ năm 111 TCN. Còn khởi nghĩa Hai Bà Trưng lại nổ ra vào năm 40 sau CN. Tính ra có đến trên 150 năm. Làm sao có thể “mẹ vì Dương Vương, con vì Trưng” được?

Trên miền Bắc Việt Nam có rất nhiều di tích thờ Trưng Vương và các tướng thời Trưng Vương. Các thần tích về thời kỳ này gần như nhiều nhất, nếu so với thời gian của khởi nghĩa Trưng Vương rất ngắn (3 năm). Rõ ràng đã có một khởi nghĩa của Trưng Vương xảy ra trên đất Giao Chỉ:

Bà Trưng quê ở châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
(Đại Nam quốc sử diễn ca)

Nhưng nếu xét thời Đông Hán thì Mã Viện chưa hề đặt chân lên Giao Chỉ vì cột đồng phân giới Hán Trưng nằm ở tận Man Thành, Bắc Quảng Tây. Vậy khởi nghĩa Trưng Vương ở Giao Chỉ là khởi nghĩa nào? Những trận đánh Long Biên, đuổi Tô Định, chống Phục Ba ở Lãng Bạc, hy sinh ở Cấm Khê… là thế nào?
(Còn tiếp)