Lâm Ấp và Giao Châu (phần 3)

Về Sĩ Nhiếp người cùng thời có thư mô tả như sau:
Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn hai mươi năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn, dẫu Đậu Dung giữ đất Hà Tây cũng không hơn được… Anh em ông làm quan coi quận, hùng trưởng một châu, ở lánh ngoài muôn dặm, uy tín không ai hơn. Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo hầu, người đương thời ai cũng quý trọng, các man di đều sợ phục, dẫu Úy Đà (Triệu Đà) cũng không hơn được.
Người Hồ đi theo xe Sĩ Nhiếp đốt hương ở đây là người Hời hay người Chăm, của đất Hồ Tôn từ thời Hùng Vương. Các Man Di đều sợ phục…
Những mô tả trên cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa Giao Châu Sĩ Nhiếp và vùng đất Hời ở Nam Trung Bộ. Các thái thú các quận của Giao Châu cũng là họ hàng của Sĩ Nhiếp, bao gồm cả quận Nhật Nam, nơi khởi lập của Lâm Ấp.
Năm 226 Sĩ Nhiếp mất, thọ 90 tuổi. Nhà Ngô muốn tập trung quyền lực của mình ở Giao Châu, xóa bỏ quyền tự trị của họ Sĩ, nên đã chia Giao Châu thành 2 phần, là Giao Châu ở phía Nam và Quảng Châu ở phía Bắc, cử 2 thứ sử mới đến cai trị, đẩy Sĩ Huy, con Sĩ Nhiếp đi cai quản 1 quận xa. Sau khi Sĩ Huy bị giết 2 châu này lại nhập lại thành Giao Châu như cũ, thể hiện rõ sự chia tách này là nhằm phế truất quyền lực của họ hàng Sĩ Nhiếp.
Đây là một sai lầm lớn của nhà Ngô, đặc biệt là việc Lữ Đại đã lừa giết Sĩ Huy. Hành động này đã phá vỡ liên minh 3 vùng Đông Giao Châu, Tây Giao Châu và Trung Bộ Việt đã hình thành từ thời Khu Liên, dẫn đến tình trạng bất ổn ở Giao Châu và sự đánh phá, phục thù liên tục của họ Phạm từ miền Trung sau này. Bắt đầu từ đây khái niệm Lâm Ấp mới bó hẹp là chỉ khu vực miền Trung Việt do họ Phạm cai quản.
Khởi nghĩa của anh em Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh mà chính sử cho là nổ ra vào thời gian này ở Cửu Chân thực ra là đã nhầm lẫn giữa 2 sự kiện. Triệu Quốc Đạt là Khu Liên (Khu Đạt), người đã chống quân Đông Hán ở Cửu Chân, lập nước Lâm Ấp từ vùng Tượng Lâm đổ về phía Nam. Còn sự phản kháng nhà Ngô sau khi Sĩ Nhiếp mất ở Giao Châu – Cửu Chân là của con cháu Sĩ Nhiếp họ Phạm khi nhà Ngô phế bỏ quyền tự trị của dòng họ này.
Mất đi người lãnh đạo có uy tín và công đức như Sĩ Nhiếp, Giao Châu dễ dàng lâm vào cảnh bạo loạn. Năm 263, khi Ngụy diệt hậu duệ của Lý Bí (Lưu Bị) ở phía Bắc, viên lại Lã Hưng giết chết thái thú Giao Châu là Tôn Tư, giành quyền cai trị. Sau đó Lã Hưng theo về nhà Tấn. Phần phía Nam Giao Châu rơi vào tay Hán tộc. Một phần đất Giao Châu nhà Ngô còn giữ được ở phía Bắc buộc phải tách ra thành Quảng Châu.
Nhà Ngô tìm cách chiếm lại Giao Châu nhưng mấy lần đều thất bại, thậm chí còn mất thêm quận Uất Lâm của Quảng Châu. Phải tới năm 269, tướng Ngô là Đào Hoàng mới thắng trận một cách vất vả, giành lại được Giao Châu và Cửu Chân từ tay quân Tấn. Nhà Ngô phong cho Đào Hoàng làm Giao Châu mục.
Đặc biệt đáng chú ý là việc Đào Hoàng mở mang đất đai cho Giao Châu. Tấn thư kể: Vũ Bình, Cửu Đức, Tân Xương đất đai hiểm trở, Di Lão hung hãn, trải nhiều đời không phục, Đào Hoàng chinh phạt, mở đặt 3 quận, cùng với Cửu Chân thành hơn 30 huyện.
3 quận mới lập này của Giao Châu được Đào Duy Anh xác định như sau: Vũ Bình là phía Nam vùng Tây Bắc Việt, nơi có huyện Phong Khê đời Hán. Tân Xương là phía Bắc vùng Tây Bắc, nơi có thành Văn Lang. Còn Cửu Đức là vùng Nghệ An.
Đào Hoàng đã thảo phạt ai để mở 3 quận mới? Theo vị trí các quận trên thì vùng Tây Bắc Việt không thuộc Giao Châu thời trước Đào Hoàng, cũng không thuộc đất đai của nhà Tấn. Đây chính là vùng đất người Di Lão do Mạnh Hoạch cai quản. Còn chuyện thảo phạt đất Nghệ An đặt quận Cửu Đức cũng lạ kỳ. Vì như vậy thì ra vùng đất từ Thanh Nghệ đổ vào Nam không hề thuộc Giao Châu thời Ngô, mãi tới Đào Hoàng mới mở thêm được 1 quận ở quãng Bắc Trung Bộ. Tức là quận Nhật Nam không thể là vùng Trung Bộ Việt như đang được định vị.
Thoi Dao Hoang

Vị trí các quận Giao Châu thời Đào Hoàng.

Sự kiện Đào Hoàng đánh người Di Lão mở 3 quận Vũ Bình, Cửu Đức, Tân Xương đã chứng tỏ đây vốn là khu vực đất đai thuộc Nam Triệu – Mạnh Hoạch quản lý. Nhà Ngô đã loại bỏ con cháu Sĩ Nhiếp, tấn công Mạnh Hoạch ở Tây Bắc và Thanh Nghệ, tiến sát vào vùng đất Lâm Ấp từ Hoành Sơn đổ về Nam của Phạm Hùng. Đất đai của nhà Ngô được mở rộng nhưng liên minh chống Hán hình thành từ thời Lâm Ấp – Khu Liên đã hoàn toàn bị phá vỡ. Đó là điều đau xót khi vì những lợi ích mâu thuẫn riêng mà nhà Ngô đã quên mất giặc ngoài của người Việt là Hán tộc, đang là nhà Tấn ở phương Bắc. Tấn là từ phiên thiết Tây Hán, chỉ rõ một triều đại của người Hán.
Từ góc độ người dân Việt ở Giao Chỉ thì Đào Hoàng là một vị châu mục có công đức lớn, đã giải phóng Giao Châu khỏi sự thống trị của Hán tộc (Tấn). Chính vì vậy mà khi Tôn Hạo định thuyên chuyển Đào Hoàng đi làm đô đốc Vũ Xương, dời đến Hợp Phố đã có nghìn người Giao Châu xin cho Hoàng ở lại. Tôn Hạo bèn cho Đào Hoàng ở lại Giao Châu.
Năm 280, nhà Tấn đem quân diệt Ngô, hạ Kiến Nghiệp, bắt sống Tôn Hạo. Tôn Hạo đích thân viết một bức thư khuyên Đào Hoàng quy thuận nhà Tấn. Đào Hoàng khóc suốt mấy ngày, sau cùng mới chịu, sai sứ đưa ấn bao về Lạc Dương. Nhà Tấn cho ông giữ nguyên chức cũ, lại ban tước Uyển Lăng hầu, Quan quân tướng quân.
Một vị tướng người Việt, đã vất vả giành giật Giao Châu từ tay quân Tấn, nay lại phải đầu hàng, thật đau xót, mới phải khóc suốt mấy ngày trước khi nộp lại ấn tín. Thời thế đã thay đổi. Đào Hoàng không thể theo gương Sĩ Nhiếp mà chống lại nhà Tấn nữa khi Ngô chủ đã hàng. Nhưng ông cũng đã tiếp tục giữ yên Giao Châu trong thời gian tiếp theo, không để nhà Tấn áp bức ở khu vực này.
Tấn thư còn ghi chuyện vua Tấn muốn giảm quân đội ở Giao Châu, Đào Hoàng dâng sớ nói:
Giao Châu khuất nẻo riêng một miền, chen vào giữa núi và biển, ngoài cách với Lâm Ấp chỉ có bảy trăm dặm. Tướng Di là Phạm Hùng mấy đời làm giặc lẩn lút, thường cướp phá trăm họ. Lại kết liên với Phù Nam, hăng vào quấy rối: nào đánh phá quận – huyện; nào giết hại quan, dân… Tôi khi xưa được nước cũ kén dùng, đóng quân ở miền Nam có hơn mười năm. Tuy trước sau đánh dẹp, giết được bọn Cừ Khôi nhưng trong núi, thẳm, hang cùng, vẫn còn có những quân nấp náu. Vả lại đám quân của tôi coi, vốn có hơn tám nghìn người. Đất miền Nam nóng ẩm, phần nhiều có khí độc. Lại thêm liên năm đánh dẹp, chết mòn mãi đi, hiện nay còn có hai nghìn bốn trăm hai mươi người. Nay bốn biển hỗn đồng, không đâu là không thần phục. Cố nhiên nên cuốn giáp, bỏ gươm chăm về lễ, nghĩa. Nhưng người trong châu này, chán chuyện yên vui thích gây họa loạn! Lại bờ biển phía nam Quảng Châu vòng quanh hơn sáu nghìn dặm, không chịu tòng phục đến hơn năm vạn nhà! Cùng với những bọn bất kham ở Quế Lâm cũng đến vạn nhà nữa! Đến như bọn chịu gánh vác việc quan, chỉ có hơn năm nghìn nhà. Môi răng của hai châu, vững được chỉ trông nhờ quân lính. Lại Ninh Châu. Hưng Cổ, tiếp giữ thượng lưu, cách quận Giao Chỉ nghìn sáu trăm dậm. Đường thủy, đường bộ đều thông. Giữ gìn lẫn cho nhau. Quân trong châu chưa nên rút bớt, để tỏ ra vẻ mảnh rẻ, trống rỗng…
Đào Hoàng đã viện lý do trong châu hay có bạo loạn, phải đối phó với Phạm Hùng ở Lâm Ấp… nên không thể giảm quân đội. Thực ra việc chống loạn và chống Lâm Ấp chỉ là một phần sự thật. Điều chính là Đào Hoàng không chịu giảm quân để duy trì vị thế tự trị của Giao Châu trước nhà Tấn. Vua Tấn đã không đạt được mục đích khi định hạn chế quyền lực của Đào Hoàng ở Giao Châu.

P1150393 (2)

Trán bia Tấn cố sứ trì tiết quan quân tướng quân Giao Châu mục Đào liệt hầu.

Năm 300 Đào Hoàng qua đời, người cả châu kêu khóc như chết mất cha mất mẹ. Người dân ở Giao Châu lập miếu thờ Đào Hoàng tại thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh, ngay cạnh thành Luy Lâu, trị sở của Giao Châu lúc đó. Tại đây còn lưu giữ được tấm bia chữ Hán cổ nhất Việt Nam mang tiêu đề Tấn cố sứ trì tiết quan quân tướng quân Giao Châu mục Đào liệt hầu. Mặt trước bia khắc niên hiệu Kiến Hưng thứ 2 (314), thời Tấn.

Mieu Dao HoangMiếu thờ Đào Hoàng ở thôn Thanh Hoài, Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Câu đối ở miếu thờ Đào Hoàng tại thôn Thanh Hoài:
威徳青藩吴北牧
恩施赤子越南慈
Uy đức thanh phiên Ngô Bắc mục
Ân thi xích tử Việt Nam từ.
Dịch:
Ngô Bắc mục oai đức rạng phiên
Mẹ Việt Nam ơn bày con đỏ.

Tục thờ Giao Châu mục Đào Hoàng như vậy vẫn còn tới nay. Người Việt hoàn toàn đúng khi coi vị châu mục này như từ mẫu, và thờ cúng hương hỏa không ngớt. Đào liệt hầu là người đã giải phóng Giao Châu khỏi tay nhà Tấn và duy trì sự yên ổn, tự trị cho vùng đất này ngay cả sau khi đã phải hàng Tấn.

Lâm Ấp và Giao Châu (phần 2)

Vào thời Hán Mạt, tại khu vực Giao Châu Đô Dương Khu Liên đã tiếp nối sự nghiệp của Nhị Trưng Vương, chặn Hán quân tại khu vực Tượng Lâm, là vùng đất nằm giữa Cửu Chân và Nhật Nam hay Quý Châu và Quảng Tây. Khu Liên có lẽ đã tử trận trong cuộc chiến này, nhưng cả một vùng đất phương Nam rộng lớn từ Nhật Nam đổ về đã thoát khỏi sự thống trị của Hán tộc.
Đối với vùng đất Lâm Ấp, nhà Hán thực hiện theo chính sách mà Lý Cố đề ra (Hậu Hán thư):
Quân ta ở Nhật Nam đơn chiếc và thiếu lương, giữ không được, đánh cũng không xong, chỉ có thể dời hết cả lại dân (người Trung Quốc) về Bắc để dựa vào Giao Chỉ. Việc yên rồi sẽ khiến trở về. Mộ người Man Di khiến họ tự đánh họ, lại chở vàng, lụa để tự cấp cho họ. Kẻ nào có thể phản gián, khiến giặc đầu thú được thì hứa thưởng bằng cách phong hầu cấp đất.
Nhà Đông Hán đã không thể đánh dẹp được những cuộc khởi nghĩa ở phương Nam, đành phải rút hết người Hán về, để quyền quản lý cho người bản xứ, chấp nhận phong hầu cấp đất. Chính tình thế này đã làm xuất hiện Sĩ Nhiếp ở Giao Châu.
Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ Sĩ Vương chép: Đinh Mão năm thứ 1 (187) (Hán Trung Bình năm thứ 4). Vương có 3 người em trai là Nhất, Vĩ và Vũ. Bấy giờ thứ sử Chu Phù bị giặc Di giết chết, châu quận rối loạn, vương (Sĩ Nhiếp) bèn dâng biểu cử Nhất làm thái thú Hợp Phố, Vĩ làm thái thú Cửu Chân, Vũ làm thái thú Nam Hải.
Thứ sử Chu Phù đã bị giết chết trong cuộc khởi nghĩa của Khu Liên. Anh em Sĩ Nhiếp nhân đó đã được phong nhận làm thái thú các quận của Giao Châu (Giao Chỉ, Nhật Nam, Hợp Phố, Cửu Chân, Nam Hải). Theo như chính sách mà Lý Cố đã đề ra thì có thể thấy anh em Sĩ Nhiếp là những người bản xứ, được phủ dụ phong hầu cấp đất tại Giao Châu. Năm 203 theo đề nghị của Sĩ Nhiếp, nhà Đông Hán đã buộc phải công nhận 7 quận phía Nam gộp lại thành Giao Châu, do Sĩ Nhiếp quản lý. Nhìn từ góc độ của người Việt ở phương Nam thì Sĩ Nhiếp chính là người đã tiếp quản nước Lâm Ấp của Khu Liên, dưới danh nghĩa chư hầu của nhà Đông Hán. Vì vậy mặc dù Sĩ Nhiếp không lên ngôi nhưng sử Việt vẫn gọi là Sĩ Vương và dành hẳn một kỷ trong sách sử cho thời kỳ này.
Trong khi đó nhà Đông Hán suy sụp sau khởi nghĩa Khăn Vàng của Trưng Trắc Trưng Nhị (Trương Giác, Trương Lương). Người Bách Việt ở Hoa Nam đã dành thắng lợi trước quân Hán ở khu vực Nam Trường Giang. Tôn Quyền dựng nên nước Ngô ở phía Đông. Anh em Lưu Biểu Lưu Bị làm nên nước Thục ở vùng Kinh Châu, Quý Châu và Ích Châu. Năm 210 Sĩ Nhiếp đem Giao Châu về với Ngô Quyền, được phong làm Tả tướng quân, rồi Long Biên hầu.
Truyền thuyết Việt lưu lại công đức của Sĩ Nhiếp dưới tên danh tướng Phạm Tu của Lý Nam Đế. Lý Nam Đế ở đây là Khu Liên, người khởi dựng nước Nam – Lâm Ấp. Phạm Tu cũng có các danh phong Tả tướng quân, Long Biên hầu. Sĩ Nhiếp mang họ Phạm vì sử sách cho biết người kế tục ở Lâm Ấp là cháu bên ngoại của Khu Liên họ Phạm.
Câu đối ở cổng đền thờ Sĩ Nhiếp tại thôn Tam Á, xã Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh:
豈忠義功神心祁彼何辰此何辰安得六百載遺容能攝林邑
是事業文科舉昔治亦進乱亦進最矩四十年政策拯表交州
Khởi trung nghĩa công thần tâm kì, bỉ hà thì thử hà thì, an đắc lục bách tải di dung năng nhiếp Lâm Ấp.
Thị sự nghiệp văn khoa cử tích, trị diệc tiến loạn diệc tiến, tối củ tứ thập niên chính sách chửng biểu Giao Châu.
Dịch:
Há tấm lòng công thần trung nghĩa lớn, đây thời nào đấy thời nào, yên ổn sáu trăm năm khoan dung ấy giúp quản Lâm Ấp.
Là thi cử văn khoa sự nghiệp xưa, trị cũng tiến loạn cũng tiến, quy củ bốn mươi thu chính sách kia cứu tỏ Giao Châu.
Với ân đức của Sĩ Nhiếp duy trì yên ổn Giao Châu trong 40 năm trong vòng vây của quân Hán và dưới thời Ngô, Sĩ Nhiếp còn được dân gian tôn thần, trở thành vị thành hoàng của thành Thăng Long. Thần Long Đỗ thực ra là danh phong Long Độ đình hầu của Sĩ Nhiếp. Vị thần sông Tô Lịch là Phạm Tu hay Phạm Tô, cũng chính là Sĩ Nhiếp.
Sĩ Nhiếp trở thành một vị thủy thần, bảo hộ cho thành Thăng Long. Hơn nữa Sĩ Nhiếp còn là người tác lập nên tục thờ Tứ pháp, đứng đầu là Pháp Vân (thần Mây) ở khu vực Luy Lâu cũ (Bắc Ninh – Hưng Yên). Phạm Tu Sĩ Nhiếp cũng là vua Mây họ Phạm ở đất Đằng Châu (Hưng Yên).

Me DauBan thờ Sĩ Nhiếp ở đình Mễ Đậu, Việt Hưng, Văn Lâm, Hưng Yên.

Trong khi ở phía Đông Giao Chỉ Sĩ Nhiếp nắm quyền cai quản thì ở phía Tây, trên các khu vực miền núi Mường Mán, người lãnh đạo lúc này là Mạnh Hoạch. Mạnh Hoạch là dòng dõi của nhà Triệu Nam Việt, sau khởi nghĩa của Trưng Vương họ Lữ không thành, vẫn hoạt động ở các khu vực miền núi Tây Bắc, Lào và Thanh Nghệ như trong Truyện Nam Chiếu chép:
Người Nam Chiếu là con cháu vua Vũ Đế Triệu Đà. Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau trở về Thần Phù, Hoành Sơn, là những xứ vắng vẻ không người. Khi bộ hạ đông đúc họ bèn đóng tàu thuyền thỉnh thoảng ra bể đột nhập vào nội địa cướp người ven bể, giết các quan lệnh của nhà Hán. Dân đều sợ phục, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai là Nam Chiếu.
Không rõ Mạnh Hoạch có tham gia trong khởi nghĩa của Khu Liên hay không, nhưng chắc chắn khu vực Tây Bắc Việt vẫn bất phục Đông Hán từ trước. Phải mãi tới khi Vũ Hầu Gia Cát dẫn binh xuống và dùng chính sách chiêu dụ thì Mạnh Hoạch mới phục tùng nhà Thục, nhưng vẫn giữ quyền tự trị ở phương Nam.
Tộc phả họ Phạm Công ở Quảng Ngãi cung cấp những thông tin rất xác đáng về thời kỳ này: Cuối đời Hùng Duệ Vương con trai trưởng của Phạm Duy Minh ở xứ Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay là Đại lang Phạm Duy Hinh cùng Lý Thành (con Lý Thân – Lý Ông Trọng) trấn thủ đất Nam Hà gồm 2 châu là Ái Châu (Bình Trị Thiên) và Trung Châu (gọi là xứ Lâm Ấp) – tức là Nam Trung Bộ ngày nay.
Sau khi Triệu Đà chống lại nhà Nam Hán, lập nên nước Nam Việt (207 TCN) sáp nhập nước Âu Lạc vào Nam Việt và thu gom cả đất Nam Hà (xứ Lâm Ấp). Chỉ đến khi nhà Hán xâm chiếm lại Nam Việt, nhà Triệu bị diệt vong (111 TCN) thì họ Lý xưng vương xứ Lâm Ấp. Mãi đến đời Lý Khu Kiên mất, họ Phạm kế vị với 19 đời vua trải qua gần 500 năm (140-605), đóng đô tại thành Châu Sa (xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi ngày nay).
Đời Hùng Duệ Vương ở đây có thể hiểu là thời Vương Mãng. Vương Mãng nghĩa là vị vua cuối cùng (Mãn) của họ Hùng (người Bách Việt). Cuối thời Tân của Vương Mãng là thời Đông Hán. Phạm Duy Minh trong tộc phả này là Đằng Châu Sĩ Nhiếp Phạm Tu. Lý Thành là đại diện cho nước Nam Triệu ở vùng Tây Bắc, hay Mạnh Hoạch. Vùng Nam Trung Bộ do con của Sĩ Nhiếp là Phạm Duy Hinh vào trấn thủ. Cả 3 khu vực này đều bắt đầu từ nước Lâm Ấp của Khu Liên khởi dựng trước đó, có quan hệ mật thiết với nhau, cùng là đồng minh chống Hán.

Lam Ap Tam quoc

Lâm Ấp thời Tam quốc.

Câu đối ở đình Mễ Đậu (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên) về Sĩ Nhiếp:
於北朝當吳蜀之衝保全一境
衍南海以孔孟之道徳澤千秋
Ư Bắc triều đương Ngô Thục chi xung, bảo toàn nhất cảnh
Diễn Nam Hải dĩ Khổng Mạnh chi đạo, đức trạch thiên thu.
Dịch:
Đối đầu Ngô Thục ở Bắc triều, giữ vẹn toàn cảnh sắc
Lấy đạo Khổng Mạnh truyền Nam Hải, thấm công đức ngàn thu.
Sĩ Nhiếp, vị tướng họ Phạm đã kế tục sự nghiệp của Khu Liên tại Lâm Ấp không thể bị lãng quên. Mối liên hệ Giao Châu và Lâm Ấp rất gắn bó trong thời kỳ này.

Lâm Ấp và Giao Châu (phần 1)

Dưới thời Hiếu Vũ Đế Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức tấn công tiêu diệt nước Nam Việt của nhà Triệu. Đất Nam Việt cũ được chia thành 9 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô, Đam Nhĩ, Châu Nhai. Theo sử sách hiện tại vào năm 40 tại Giao Chỉ đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống lại nhà Hán. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Hai Bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương.
Câu đối ở cổng đền thờ Trưng Vương tại Hát Môn, tương truyền do Cao Bá Quát đề:
縱不金刀天再造
未應銅柱地分疆
Túng bất kim đao thiên tái tạo
Vị ưng đồng trụ địa phân cương.
Trong vế đối thứ nhất có cụm từ “kim đao” 金刀 là chiết tự của chữ Lưu 劉, họ của các vua Hán. Câu đối này có thể được dịch như sau:
Mặc không Lưu Hán trời riêng tạo
Chẳng nhận cột đồng đất rạch biên.
Vế đối thứ nhất nói tới chí khí của Trưng Vương đã khởi nghĩa chống quân Hán, lập nên một “thiên hạ”, một mảnh trời riêng của mình. Vế đối thứ hai nói tới cột đồng do Mã Viện nhà Đông Hán dựng nên, nhưng ở đây lại là để đánh dấu phân giới đất đai với Trưng Vương. Trưng Vương thậm chí còn không bằng lòng với vị trí cột đồng phân giới này.

IMG_8025 (2)Đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội).

Quan niệm rằng đồng trụ Mã Viện là dùng để phân giới hai nước Hán – Trưng cũng được Thiên Nam ngữ lục nhắc tới:

Viện bèn cắt giới phân cho
Man Thành đắp lũy ấy là Tư Minh
Đồng trụ cắm ở Man Thành
Hán – Trưng hai nước dẫn binh cùng về.

Khởi nghĩa Trưng Vương đã không thất bại mà đã buộc nhà Hán phải giảng hòa và đắp lũy, dựng cột phân biên. Biên giới nước của Trưng Vương lúc đó là ở Man Thành – phía Bắc Quảng Tây.
Tấn thư chép: Nước Lâm Ấp vốn là huyện Tượng Lâm thời Hán, là nơi Mã Viện dựng cột đồng.
Như vậy cột đồng Mã Viện dựng ở Tượng Lâm là ở phía Bắc Quảng Tây. Phía Nam cột đồng là nước Lâm Ấp. Tức là Lâm Ấp chính là nước hình thành từ khởi nghĩa của Trưng Vương thời Đông Hán.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: Quý Mão, mùa xuân, tháng Giêng, Trưng Nữ Vương cùng em gái là Nhị chống cự lại với quân nhà Hán, thế cô, đều thua chết. Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót là bọn Đô Dương. Đến huyện Cư Phong thì [bọn Đô Dương] đầu hàng, [Viện] bèn dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán.
Cư Phong được chú là ở Cửu Chân – Thanh Hóa. Mã Viện tiến quân đến đất Cửu Chân thì dừng lại, dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng. Như vậy khu vực từ Nghệ An đổ về Nam Trung Bộ không bị Mã Viện tấn công, hay không nằm trong đất của nhà Đông Hán từ sau cuộc tấn công của Mã Viện. Khu vực Trung Bộ Việt này được cho là quận Nhật Nam, là quận đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương. Điều lạ là cũng tại Nhật Nam sau đó Khu Liên đã khởi nghĩa lập nước Lâm Ấp. Quận “Nhật Nam” ở miền Trung Việt chưa hề bị quân Đông Hán chiếm, thì làm sao Khu Liên, con của công tào địa phương lại phải khởi nghĩa giết huyện lệnh?
Hậu Hán thư chép: Năm thứ 12 hiệu Vĩnh Nguyên (100)… hơn 2.000 người Man Di huyện Tượng Lâm, quận Nhật Nam cướp bóc trăm họ, đốt phá chùa, công quán, quận, huyện phát binh đánh, chém được bọn tướng giặc còn dư chúng thì đầu hàng. Bấy giờ đặt chức Tướng binh trưởng sự ở Tượng Lâm để phòng hậu họa…
Năm thứ 2 hiệu Vĩnh Hòa (137) người Man Di ngoài cõi là bọn Khu Liên ở Tượng Lâm, quận Nhật Nam, mấy nghìn người đánh huyện Tượng Lâm, đốt thành và chùa, giết trưởng lại, thứ sử Giao Chỉ là Phàn Diễn phát binh 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân hơn vạn người đến cứu. Quân sĩ sợ đi xa bèn phản trở lại đánh bản phủ. Hai quân tuy đánh phá được bọn làm phản nhưng thế giặc trở lại thịnh. Gặp có quan Thị lang sứ là Giã Xương đương đi sứ ở quận Nhật Nam, bèn cùng với chây quận hợp sức đánh giặc. Đánh không được lại bị giặc vây, hơn 1 năm mà binh khí lương thực đều không gửi đến được. Vua Hán lấy làm lo. Năm sau bèn vời công khanh bách quan cùng các thuộc quan 4 phủ để hỏi phương lược mọi người đều bàn nên sai đại tướng phát 4 vạn quân các châu Kinh Dương Duyên Dự đi đánh, nhưng quan Đại tướng quân tòng sự trung lang là Lý Cố bác đi nói rằng: “… Quân ta ở Nhật Nam đơn chiếc và thiếu lương, giữ không được, đánh cũng không xong, chỉ có thể dời hết cả lại dân (người Trung Quốc) về Bắc để dựa vào Giao Chỉ. Việc yên rồi sẽ khiến trở về. Mộ người Man Di khiến họ tự đánh họ, lại chở vàng, lụa để tự cấp cho họ. Kẻ nào có thể phản gián, khiến giặc đầu thú được thì hứa thưởng bằng cách phong hầu cấp đất…”. Theo lời bàn của Lý Cố, lấy Chúc Lương làm Thái thú Cửu Chân… Lương đến Cửu Chân một mình vào giữa giặc, bày phương lược, lấy uy tín mà chiêu hàng, kẻ hàng có hơn vạn người, đều vì Lương mà xây dựng lại thành và chùa…
Năm đầu hiệu Kiến Phong (144) hơn nghìn người Man Di quận Nhật Nam lại đánh đốt huyện ấp, rồi phiến động cả dân Cửu Chân, liên kết với họ. Thứ sử Giao Chỉ là Hạ Phương, người Chử Giang, mở ơn chiêu dụ, giặc đều hàng phục…
Năm thứ 3 hiệu Vĩnh Thọ (157) huyện lệnh Cư Phong tham bạo vô độ, người trong huyện là bọn Chu Đạt cùng người Man Di họp đánh giết huyện lệnh đông đến 4.000 – 5.000 người, rồi tiến đánh quận Cửu Chân. Thái thú Cửu Chân là Nghê Thức tử trận… Đô úy Cửu Chân là Ngụy Lãng đánh phá được…
Bọn tướng của giặc còn đóng quân giữ Nhật Nam, chúng lại trở nên cường thịnh. Năm thứ 3 hiệu Diên Hy (160) (vua Hán) lại bổ Hạ Phương làm Thứ sử Giao Chỉ. Phương vốn uy tín đã nổi tiếng, quân giặc ở Nhật Nam nghe tiếng thì rủ nhau đến hàng Phương đến hơn 2 vạn người…
Năm đầu hiệu Quang Hòa (178) người Man ở Giao Chỉ, Hợp Phố, Ô Hử làm phản, chiêu dụ người Cửu Chân và Nhật Nam mấy vạn người đánh lấy quận huyện. Năm thứ 4 Thứ sử Chu Tuấn đánh phá được. Năm thứ 6, nước ở ngoài cõi Nhật Nam lại trở lại triều cống.
Những thông tin của Hậu Hán thư cho thấy suốt thời Đông Hán khu vực Giao Châu không lúc nào yên. Bắt đầu từ khi quân Đông Hán chiếm được Giao Châu từ tay các thái thú châu mục Đặng Nhượng Tích Quang, người Việt luôn quật cường nổi dậy. Đọc lịch sử lúc này mới hiểu thế nào là lấy máu xương đắp đổi núi sông. Hàng ngàn, hàng vạn người nối tiếp nhau đứng dậy, ngã xuống vì độc lập ở các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.
Căn cứ theo các thông tin trên thì quận Nhật Nam là một quận lớn nằm trong đất nhà Đông Hán. Như vậy Nhật Nam không thể là khu vực vùng Trung và Nam Trung Bộ ngày nay được vì Mã Viện đã xác nhận mốc giới nhà Đông Hán ở Cửu Chân, nằm phía Bắc hơn nhiều so với miền Trung.
Nhật Nam phải là khu vực Quảng Tây. Huyện Tượng Lâm nơi Khu Liên khởi nghĩa là vùng đất nằm giữa Tượng Quận và Quế Lâm, tức là quãng giữa Vân Nam – Quý Châu – Quảng Tây. Quý Châu được chép thành Cửu Chân, không phải ở đất Thanh Hóa. Có như vậy thì mới có thể hiểu cột đồng Mã Viện trên đất Cửu Chân – Tượng Lâm lại là ở Man Thành – Quảng Tây.

Lam ApVí trí các quận phía Nam nhà Đông Hán.

Thời điểm Khu Liên lập quốc qua các sử liệu không rõ ràng. Lúc thì là năm 137 Khu Liên khởi nghĩa. Lúc thì tới tận năm 192 mới giết Thứ sử Chu Phù, lập nước Lâm Ấp. Hai thời gian này cách nhau tới 55 năm. Khu Liên khởi nghĩa từ năm 137 tới năm 192 thì đã ngoài 80 tuổi rồi, còn làm vua gì nữa?
Cũng trong quãng thời gian giữa 137 và 192 ở Cửu Chân và Nhật Nam lại có khởi nghĩa lớn hàng vạn người của Chu Đạt. Vậy lúc đó Khu Liên ở đâu? Rõ ràng chỉ có thể Chu Đạt chính là Khu Liên (còn có tên là Khu Đạt).
Cột đồng mà Mã Viện làm mốc giữa hai nước Hán và Lâm Ấp như vậy phải là được dựng ở thời kỳ này. Đô Dương cũng là Khu Liên – Chu Đạt, người đã buộc quân Hán phải dừng bước ở Cửu Chân (Quý Châu), cắm cột đồng ở Tượng Lâm (Quảng Tây). Nước Lâm Ấp từ Khu Liên là toàn bộ khu vực phía Nam từ Quảng Tây tới miền Trung Việt.
Tùy thư xác nhận mối liên quan giữa Khu Liên và khởi nghĩa Trưng Vương: Lâm Ấp trước đây, nhân loạn người con gái Trưng Trắc ở Giao Chỉ thời Hán Mạt, con viên công tào trong huyện là Khu Liên giết huyện lệnh tư xưng làm vua.
Khu Liên chính là Đô Dương, người đã tiếp nối thành công sự nghiệp của Trưng Vương trên đất Lâm Ấp, khởi dựng một quốc gia phương Nam rộng lớn không thuộc Hán. Thắng lợi của Khu Liên làm tiền đề cho các vùng đất phương Nam thoát khỏi sự xâm lược của Hán tộc trong hàng trăm năm tiếp theo.