Các cuộc khởi nghĩa của chúa nước Nam thời Bắc thuộc

Thiên Nam vân lục của Nguyễn Hãng thế kỷ XVI có Truyện Nam Chiếu, tuy về căn bản giống với truyện trong Lĩnh Nam chích quái, nhưng có một số thông tin bổ sung thêm. Xin dịch lại câu chuyện này và so sánh diễn biến nước Nam Chiếu trong lịch sử Việt.

Thời kỳ Nam Triệu

Xưa vào thời Triệu Vệ Dương Vương, quân Hán xâm lược phương Nam, tể tướng Lữ Gia tử thủ, họ Triệu vong. Hán yên định nước này, phân đặt các quan thú lệnh cai quản. 

Đoạn khởi đầu của Truyện Nam Chiếu nói về việc nhà Tây Hán diệt nước Nam Việt của họ Triệu năm 111 TCN. Sự kiện này không chỉ ảnh hưởng đến kinh đô Nam Việt ở Phiên Ngung mà còn là nguyên nhân dẫn đến một cuộc khởi nghĩa lớn ở miền Bắc Việt. Chính sử còn ghi đó là khởi nghĩa của Tây Vu Vương, chiếm Cổ Loa thành mà xưng Vương. Tư liệu dân gian ở Vĩnh Phúc gọi là Tây Lý Vương, cho biết vị Vương này là con cháu nhà Triệu mang họ Lý. Bởi vì vị vua lập nên nước Nam Việt là Triệu Vũ Đế cũng là Nam Việt Đế – Lý Bôn.

Cuộc di cư của con cháu họ Triệu và Lữ Gia từ Phiên Ngung về Bắc Việt sau khi nước Nam Việt sụp đổ là ghi chép lịch sử cho một cuộc thiên di lớn của nhóm dân tộc Tai-Kadai (nhóm Tày Thái) từ Lưỡng Quảng về vùng Tây Bắc Việt (Phong Châu). Đây là nguyên nhân vì sao người Thái ở Tây Bắc Việt và người Tày Nùng ở Đông Bắc Việt cùng với người Tráng ở Quảng Tây có ngôn ngữ rất gần nhau, tới nay vẫn có thể hiểu được tiếng nói của nhau.

Khởi nghĩa của Tây Vu Vương sau đó bị dập tắt, nhưng nhà Tây Hán chưa bình định được vùng Bắc Việt. Tư liệu dân gian ở các di tích còn cho biết, con gái của thừa tướng Lữ Gia là Ả Lã đã phất cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát Môn, đánh đuổi thái thú Tô Định nhà Hán ở Long Biên, lên ngôi lấy hiệu là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Trưng triều như vậy cũng là một tiếp nối của nhà Triệu nước Nam Việt.

Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau tụ tập lại ở Thần Phù, Hoành Sơn, đóng tàu thuyền, tùy thời theo đường biển nhập vào cướp bóc ven biển, giết các quan thủ lệnh, làm dân chúng khiếp sợ, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai thành Nam Chiếu, nhân đó lấy làm tên hiệu. 

Truyện Nam Chiếu đã gọi đích danh giai đoạn đầu của con cháu họ Triệu ở vùng Bắc Việt là Nam Triệu. Người chống lại nhà Hán sau khởi nghĩa của Trưng Vương ở vùng Thần Phù – Hoành Sơn (Thanh Hóa hay đất Cửu Chân) được chép là tướng Đô Dương của Trưng Vương. Đồng thời đây cũng tương ứng với giai đoạn của Mạnh Hoạch ở vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, vẫn được ghi như trong thần tích vùng Thạch Thất (Sơn Tây). Man Vương (vua xứ Mường) Mạnh Hoạch thực ra mang họ Lý, là dòng dõi nhà Triệu duy trì được sau khởi nghĩa của Trưng Vương, chiếm cứ vùng đất dọc sông Mã từ Thanh Hóa lên Tây Bắc Việt.

Đến thời Tam Quốc, Ngô Tôn Quyền sai Đái Lương, Lã Đại cùng làm thú mục để quản. Nam Chiếu từ núi Thiên Cầm, huyện Kỳ Hoa, xã Hà Trung cho đến cửa biển, một vùng bờ biển dài, trời cao nước sâu, sóng gió hiểm trở, không có vết người ở, thường lấy việc cướp bóc làm chi phí. Các quan thú lệnh không ngăn được. Khi chúng nhiều thịnh lên mới lấy châu ngọc biếu nước Bà Dạ (nay là đạo Nghĩa An), cầu kết hôn nhân để cùng cứu trợ lẫn nhau. 

Một phát hiện bất ngờ: cuộc nổi dậy ở vùng Thanh Hóa (Cửu Chân) chống lại nhà Ngô thời Đái Lương, Lã Đại làm thú mục theo chính sử là khởi nghĩa của Bà Triệu. Sách Giao Chỉ chép: Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái em họ Triệu, vú dài 3 thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các huyện trong quận… Mô tả về Bà Triệu trong sách này thật không khác gì lời kể của Truyện Nam Chiếu.

Bà Triệu thực chất là dòng dõi của nhà Triệu nước Nam Việt. Người anh Triệu Quốc Đạt đã hy sinh trước đó có thể thủ lĩnh là Đô Dương ở giai đoạn trên. Bà Triệu đã làm chủ một vùng ven biển như mô tả trong Truyện Nam Chiếu, nên xưng là Lệ Hải Bà Vương. Lệ = Lê = La, là từ chỉ phương Xích đạo. Lệ Hải nghĩa là vùng biển La ở phương Nam. Từ Bà trong Bà Vương và Bà Dạ không phải chỉ người nữ mà là từ chỉ thủ lĩnh trong ngôn ngữ người Chiêm Bà.

Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa.

Đến cuối thời Tấn, thiên hạ đại loạn, có các thổ tù là Ngụy Ông, Lý Dịch, cũng là dòng dõi họ Triệu. Anh em đông đúc, dũng lược hơn người, được nhân dân địa phương tôn trọng, cùng Nam Chiếu kết liên, quân lính tới vài vạn người. Lại lấy châu ngọc hiến cho nước Bà Dạ, xin một vùng đất trống để ở. Nước Bà Dạ đồng ý. 

Nước Bà Dạ ở đạo Nghĩa An, tức là vùng Nghệ An, là người địa phương gốc, tức là dòng tộc Mon-Khmer, là người La Lồi con cháu của Đế Nghi – Đế Lai xưa. Chữ La cùng nghĩa với chữ Lệ, Lê chỉ phương Nam như đã nói ở trên. Người La còn gọi là người Hời hay người Chiêm (Chiêm Bà). Truyện Nam Chiếu như thế đã cho biết vào thời điểm này 2 tộc người Tày Thái di cư và La Chiêm bản địa đã kết liên với nhau ở quãng vùng Thanh Nghệ.

Thế là một dải bờ biển ban đầu còn lẫn lộn, được chia thành 2 lộ: Một lộ trên từ Phong Sơn, dưới tới Diễn Châu, do Ngụy Ông, Lý Dịch của Nam Chiếu đóng; Một lộ trên từ Quỳ Châu, dưới đến Hoan Châu, là lộ Như La do Bà Dạ đóng. Cùng giao ước kết làm các nước anh em. Thế rồi Nam Chiếu xây thành ở làng Cao Xá, tự lập làm Vua, có đất đai Đông tới biển, Tây đến Ba Thục, Nam tiếp với Bà Dạ, Bắc giáp với Cửu Chân. 

Nam Triệu xưng Vương ở làng Cao Xá – Diễn Châu. Ngụy Ông Lý Dịch trong Lĩnh Nam chích quái ghi là Triệu Ông Lý. Chính sử Việt chép là Lý Phật Tử, hay Hậu Lý Nam Đế, người nối tiếp dòng dõi của Triệu Vũ Đế Lý Bôn của nước Nam Việt trước đây.

Lộ Như La trong Lĩnh Nam chích quái chép là Già La (hai chữ Như 茹 và Già 笳 viết gần giống nhau). Rõ ràng đây là chỉ tộc người La của nước Bà Dạ (Già). Theo như phân chia giữa Nam Triệu và Bà Dạ thì Nam Triệu ở vào vùng Thanh Hóa, còn Bà Dạ ở vào vùng Nghệ An. 

Nhà Đông Tấn sai Tào Nhĩ dẫn quân đến đánh. Quân Tấn đến thì quân Nam Chiếu chia tán, quân Tấn đi thì lại về tụ lại. Mai phục ở rừng núi hiểm trở nơi đầu nguồn sông mà đánh, rồi nấp ở cuối non, ngoài biển, sáng ra tối vào, cầm cự hơn 4, 5 tháng, thường không đối trận. Quân Tấn không chịu nổi lam chướng, chết hơn quá nửa, bèn rút quân về. 

GS. Lê Mạnh Thát đã phát hiện ra một vị Vương thời Nam Bắc triều mang họ Lý là Lý Miễu qua 6 bức thư gửi cho một vị đại sư ở phương Bắc. Lý Miễu hẳn là một trong những vị vua của Nam Triệu ở thời kỳ Hậu Lý Nam Đế. Quân Nam Triệu tránh đối đầu với quân Tấn, thường trốn vào vùng rừng núi, tức là vùng phía Tây Thanh Nghệ và Tây Bắc Việt. Đây cũng là vùng đất của người Thái ngày nay.

Thời kỳ Nam Chiếu

Nam Chiếu khởi lên từ Tây Hán, lập vào cuối thời Tấn, trải tới thời Tùy Đường lại trở nên cường thịnh. Đường Ý Tông sai Cao Biền đến đánh, cũng không khắc chế được. 

Năm 602 Lý Phật Tử  đầu hàng nhà Tùy. Nước Nam Triệu cùng với dòng dõi nhà Triệu họ Lý chấm dứt ở đây. Nhưng còn “huynh đệ quốc” là nước Bà Dạ thì chưa dứt. Tại vùng đất Nam Đàn của Nghệ An đã phát hiện di tích đền Nhạn Tháp với hộp xá lị và gạch thời Đường. Cũng tại nơi đây có tòa thành Lồi, chỉ đúng tên gọi của tộc người La Lồi xưa.

Nam Đàn có tên xưa là Nam Đường, cũng là Đường Lâm, quê hương của Phùng Hưng. Khởi nghĩa ở vùng này thời Đường là khởi nghĩa của Mai Thúc Loan và ngay sau đó là Phùng Hưng. Di tích thờ Phùng Hưng ở Nghệ An nay là đền Quỳnh Tụ, xã Quỳnh Xuân, huyện Hoàng Mai, khá gần với địa danh làng Cao Xá ở Diễn Châu.

Có lẽ Mai Thúc Loan là người La tộc của nước Bà Dạ, còn Phùng Hưng là Thái tộc của Nam Triệu trước đó. Cả 2 cuộc khởi nghĩa này đều rất lớn, quân số hàng vạn người, đánh chiếm cả vùng miền Bắc Việt (thành Tống Bình). Ngay cái tên La thành của Hà Nội cũng chính là tên của La tộc và khả năng xuất hiện dưới thời Mai Thúc Loan – Phùng Hưng chiếm giữ thành Tống Bình.

Đất đai của giai đoạn Nam Chiếu thời Đường mở rộng tới tận Ba Thục (Tứ Xuyên?), được chính sử ghi là sự nổi lên của 6 chiếu ở Vân Nam do Bì La Các cầm đầu. Bì La Các chẳng qua là tên gọi khác của Bố Cái của người La, tức Phùng Hưng.

Tới thời Ngũ Đại, Thạch Kính Đường sai quan tư mã Lý Tiến dẫn quân đến đánh. Nam Chiếu thua to, chạy sang nhờ đất Ai Lao, mới lấy hiệu là nước Đầu Mô. Tên hiệu lớn là Tử Mô Lang. Thường hay làm việc cướp bóc, lúc đánh lúc nghỉ, chưa hề ngừng, cho đến nay cũng vậy.

Cái tên Đầu Mô tương đương với danh xưng Bố Cái vì Đầu chỉ thủ lĩnh, cũng là Bố. Mô là lớn, cũng nghĩa là Cái. Các thủ lĩnh của Nam Chiếu được gọi là Bố Cái, chứ không chỉ riêng vị thủ lĩnh đầu tiên là Phùng Hưng.

Tên Tử Mô Lang có thể giải nghĩa như sau:

– Tử là màu tím, màu tượng trưng của phương Bắc trong Ngũ hành, còn dùng bằng màu Đen. Nên Tử tương đương với Hắc.

– Mô – Mơ – Mai

– Lang là từ chỉ thủ lĩnh, tương đương với Đế.

Tử Mô Lang = Mai Hắc Đế. Tương tự từ Bố Cái, Mai Hắc Đế là một danh xưng cho triều đại Nam Chiếu ở giai đoạn này, không nhất thiết chỉ 1 vị Đế ban đầu là Mai Thúc Loan.

Miếu thờ Mai Hắc Đế ở Hùng Sơn, Nam Đàn, Nghệ An.

Truyện Nam Chiếu là truyện lịch sử rất ngắn, hoàn toàn không có màu sắc “chích quái” hay “u linh” nào cả, nhưng đã tóm tắt đầy đủ các cuộc khởi nghĩa không ngừng của người Nam chống lại phương Bắc. Đó là Tây Vu Vương và Trưng Vương thời Tây Hán, Man Vương Mạnh Hoạch thời Đông Hán, Lệ Hải Bà Vương thời Tam Quốc, Hậu Lý Nam Đế thời Tấn và Tùy, Bố Cái Đại Vương và Mai Hắc Đế thời Đường và Ngũ đại.

Ngọc phả về đức Thánh mẫu Triệu Thị Khoan Hòa ở Xuân Lãng

Ngọc phả được ghi trong bản khai thần tích thần sắc năm 1938 của Thôn Miêng Lương, làng Yên Lan, tổng Xuân Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Yên. 

Chùa Quảng Hựu (Thanh Lãng)

Hiệu ngài là Quốc mẫu Hoàng hậu Công chúa, húy là Khoan Hòa, tên gọi thường là đức Quốc mẫu.

Ngài là: Thiên thần.

Ngài vốn là dòng dõi vua Thục An Dương Vương, ngày sinh không biết, ngày hóa là ngày 11 tháng 11. Ngài hiển thánh về đời vua Trần Nhân Tôn và vua Trần Dụ Tôn.

Sự tích hiện có sách ngọc phả. Sách ngọc phả ấy từ Hồng Phúc nguyên niên, mạnh hạ cát nhật, Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn. Đến Cảnh Hưng nhị thập ngũ niên, trọng xuân cát nhật Quản giám Bách thần Tri điện Hùng Lĩnh Bá thần tái nguyên bản phụng tả.

Cứ theo trong ngọc phả sao diễn ra rằng:

Ngài vốn là dòng vua Thục An Dương Vương lấy cháu sáu đời vua Triệu Vũ Đế là vua Vệ Dương Vương. Nhưng gặp thời nhà Triệu thất quốc, bên Hán sai tướng là Lộ Bác Đức với Dương Bộc hai tướng đem quân sang đánh nhà Triệu, bắt sống vua Vệ Dương Vương về Hán. Nghe ngài là người nhan sắc phương phi, nhân gian tuyệt phẩm, lại sai quân muốn bắt đem về. Nhưng ngài lánh đi được, đến huyện Chu Diên, xã Thanh Lãng (tức là xã Yên lan, chùa Quảng Hựu). 

Ngài trú ở chùa ấy, nhưng nghĩ rằng phải lúc nhà vua mất nước, không lòng cấm tịch phong lưu, lâu đài phú quí mới cắt tóc làm người ni, dốc lòng niệm Phật, thú vị thiền lâm. Được một hai năm thanh nhàn tự tại, gặp lúc trời quang trăng sáng ra đón mát ở cửa gác chuông, rồi ra tắm mát ở cái giếng phía Đông chùa ấy. Khi về nằm nghỉ, đến nửa đêm mộng có một thần nhân, đầu đội mũ lông, mình mặc án hoa từ trên trời sa xuống đứng trước mặt ngài bảo rằng:

– Người là Hoàng vương hậu phu. Tôi là Áp thần bản thổ. Sao bây giờ mới biết nhau.

Ngài chợt tỉnh dậy mới biết rằng thần nhân lại hiếp. Trong lòng có khác. Đầy kỳ sinh được một bọc năm trứng, tục gọi là nhất bào ngũ noãn. Càng ngày càng lớn. Hương nhân lấy làm điềm lạ, được 90 ngày sinh hóa được 5 vị con giai. Ngài nhân lấy làm y như mộng trung sơ kiến mới đặt tên năm ông là Áp Lương. Kịp đến khi năm ông trưởng thành, tài sức hơn người, văn hay võ mạnh, có chí phù vương giúp nước. Nhưng đến bấy giờ là ngày mồng mười tháng mười một năm ấy, ngài tuổi 60. Ngài mất ở chính tẩm chùa ấy.

Năm ông con cùng người làng mấy đạo trang đem nghinh táng ngài ở xứ gò Minh Lương. Ba năm xong trở, gặp thời vua Đông Hán sai Tô Định sang làm Thái thú bên này. Tô Định là người tham tàn bạo ngược, giết hại nhân dân, các nơi dứt khổ. Bà Trưng phu nhân là người huyện Mê Linh, thực là nữ trung anh kiệt, quyết đoán sự cơ, tài nghề vũ dũng, muốn đem lại giang sơn nước nhà, thu được nữ tốt hai ba nghìn người, nhưng chưa tìm được người đàn ông thao lược ninh cơ. 

Bấy giờ năm vị con đức Thánh mẫu chúng con, cùng nhau họp tập được tướng tài quân sĩ hơn nghìn người ra yết kiến bà Trưng ở cửa sông Hát Giang. Bà Trưng trông thấy năm người đều là anh hùng kiêu dũng, nan đệ nan huynh, gươm đòng sáng quắc, quân mạnh tướng bền. Bà Trưng lấy làm mừng rõ, có thể giúp ta lấy lại được giang sơn. Nhân đặt yến đại hội thết đãi năm ông cùng quân sĩ. Hỏi rõ họ tên năm ông, bấy giờ mới phong một ông làm Triều Đình Áp Lương tướng quân. Một ông phong làm Giám Sát Nhung Vụ tướng quân. Một ông phong làm Điều Lương tướng quân chuyên vận xướng mễ. Một ông phong làm Cương Đoán tướng quân, hướng tiền đại lộ. 

Phong tước xong rồi, bấy giờ Bà Trưng mới di hịch cho các quận huyện châu trang động sách, kịp quan lang phụ đạo đều đem quân đến thề, cùng cố sức cần vương, đồng tâm báo quốc, dẹp yên Tô tặc, đều hưởng giàu sang.

Trong một tháng Bà Trưng thu được năm sáu vạn người, binh uy cả nước. Đánh được quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố các quận. Bà Trưng lại sai năm ông đem quân thủy lục đều tiến, thuyền kỵ song hành, đến thành Tô Định đánh nhau với giặc hơn mười trận, được thua chưa quyết. Các quân sĩ không quen thủy thổ chẳng chịu sương hàn. Nhiều người phải bệnh sâu sương. Quân không đi đánh được.

Áp Lương tướng quân bắt tìm lấy trứng chim vịt để làm thuốc, nhưng lấy toàn lòng đỏ đổ cho quân sĩ. Vì thế quân sĩ được khỏi cả. Trong quân reo sướng gọi Triều Đình Áp Lương là Nga Hoàng Đại vương. Quân sĩ gắng mạnh, một người địch được trăm người, đánh một trận Tô tặc cả thua, chết không biết bao nhiêu mà kể. Đuổi được Tô Định về Tàu đem lại Lĩnh Nam hơn 60 thành.

Bà Trưng mới lên ngôi làm vua, phong cho em là bà Trưng Nhị làm Bình Khôi công chúa. Bà Trưng lấy năm ông làm thủy ứng nghĩa kỳ, có công lao lớn. Nhân ngày trước cùng trong quân sở xưng gia ban cho năm ông đều được Đại vương hai chữ, đều có phong ấp truy tặng cho đức Quốc mẫu là Quốc mẫu Hoàng hậu Công chúa. Còn các tướng tá trở xuống đều được hành thưởng.

Vừa thời ấy gội tắm đức vua, đượm nhuần ơn thánh. Mới được ba năm, vua nhà Đông Hán lại sai Mã Viện, Lưu Long hai tướng đem 30 vạn quân sang đánh vào thành Lạng Sơn. Hơn 1 năm được thua chưa quyết. Bà Trưng nấp quân ở sông Tam Kỳ đánh lại không được. Bên Hán quân sĩ mạnh, thịnh thế không chống nổi, lui giữ ở Cấm Khê. Chẳng may quân sĩ vỡ tan. Hai Bà Trưng thế cô chết ở trong trận. Năm ông ở trong trùng vi đánh phá đem được thánh thể Hai Bà Trưng về chôn ở núi Hi Sơn, rồi lại đánh quân Hán chém được hơn hai trăm người, vừa đánh vừa chạy.

Tướng Hán thấy năm ông là người anh hùng kiêu dũng, muốn bắt sống đem về, truyền trong quân không được bắn tên vì có thế năm ông được thoát đến đêm chạy về đến bản ấp. Quân Hán theo ríp năm ông tiến lui đều khó, chạy ra xứ Cổ Rùa gần lăng đức Quốc mẫu, liệu không chống được, năm ông đều khấn rằng:

– Hoàng Thiên soi xét, chết rồi có thiêng được gặp Bà Trưng ở dưới Hoàng tuyền để giả cái ơn tri ngộ.

Đương ngày ấy là ngày 10 tháng 5. Khấn xong năm ông đều tự tận. Đến ngay mai mối đắp thành gò. Hương dân sửa lễ cúng tế. Được một hai tháng gà gáy chó cắn, nhân vật không được yên, mới dựng đền để thờ.

Rồi đến đời vua Trần Nhân Tôn, nhà Nguyên sai tướng Ô Mã Nhi đem quân sang đánh. Vua Trần cùng Hưng Quốc Công tự tướng đem quân đi đánh giặc Nguyên. Đi qua đền Quốc mẫu dừng quân ở đây, trông thấy có bốn chữ Quốc mẫu Triều Đình, đòi hương nhân ra hỏi. Hương nhân đều lấy thực tâu. Vua Trần khấn rằng:

– Nhất môn mẫu tự vạn cổ anh thanh. Tôn thần có thiêng giúp ta dẹp được giặc Nguyên. Dẹp yên rồi là sẽ trọng thưởng gia phong.

Đêm hôm ấy vua Trần mộng thấy một mẹ năm con bái yết tâu rằng:

– Chúng tôi là thành hoàng bản xứ. Xin âm phù để đánh giặc Nguyên, giả ơn triều đình, rửa giận ngày trước.

Rồi vua Trần tiến quân đến sông Bạch Đằng đánh giặc Nguyên. Giặc Nguyên cả thua. Vua Trần kính làm sách mệnh sắc phong là phúc thần. Cấp thêm cho ngân tiền bảo hương nhân sửa sang chốn đền thờ cho nghiêm cẩn.

Rồi đến đời vua Trần Dụ Tôn giời nắng không mưa. Vua Trần Dụ Tôn đi tuần thú bốn phương đi qua đền đức Quốc mẫu trông thấy miếu vũ nguy nga uy dung nghiễm nhược, mệnh Uy Tĩnh Thiền sư vào mật đảo, được một phút giời cả mưa to. Vua Trần mệnh đem bạch mễ thanh tiền tế tạ. Rồi thấy gạo trắng hóa làm gạo đen. Vua Trần lấy làm linh ứng, đều y tôn hiệu trước gia ban là Thượng đẳng phúc thần, cúng tế muôn đời, hương nhân dựng đền thờ cúng mãi mãi sau này.

Trước Bà Trưng, sau Bà Triệu, cùng một bậc người

Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Hát Môn có lẽ đã là người lập “Hội phụ nữ” đầu tiên của nước Nam. Dưới cờ Nhị Trưng Vương có rất nhiều tướng lĩnh là nữ, cùng chung chí hướng, “đền nợ nước, trả thù nhà”. Nhưng người phụ nữ đầu tiên nắm quyền lãnh đạo đất nước có lẽ phải kể đến tiền nhân của Hai Bà Trưng là… Lữ Hậu.

Lữ Hậu, tên cúng cơm là Trĩ, người Đồng Xâm (Kiến Xương, Thái Bình). Tại đây bà được gọi là Hoàng hậu Trình Thị (thiết Trĩ). Lữ Trĩ là người vợ từ thủa hàn vi của Lưu Bang, được truyền thuyết Việt chép là Lý Bôn. Lưu Bang khởi nghĩa tại đất Bái, được chép là đất Thái Bình, cũng là Triệu Vũ Đế quê ở Chân Định (tên cũ của huyện Kiến Xương). Lưu Bang là người Tuấn kiệt, đã lãnh đạo nhân dân Việt kháng Tần thắng lợi, lên ngôi Hiếu Cao Tổ, Lữ Trĩ trở thành Lữ Hậu.

ly-bon

Lý Nam Đế và hoàng hậu Đỗ Thị Khương, tranh thờ ở Thái Bình.

Lưu Bang mất, Lữ Hậu nắm toàn quyền, phân phong cho họ Lữ những chức vụ quan trọng nhất, nắm binh quyền. Đáng chú ý là có tước Lữ Vương, là người cai quản vùng đất quê họ Lữ, tức là vùng đất Bái – Thái Bình xưa.

Lữ Hậu mất, họ Lữ định làm cuộc đảo chính nhưng không thành. Anh em Lữ Lộc, Lữ Sản bị các cận thần của Lưu Bang giết chết. Tuy nhiên, họ Lữ không tuyệt đường ở đây. Vị Lữ Vương ở phương Nam đã tôn một người cháu của Lưu Bang lên làm vua, lập nước Nam Việt, gọi là Triệu Đà, còn bản thân mình làm thừa tướng Lữ Gia. Họ Lữ ở Nam Việt “con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em, tôn thất của vua“, nắm quyền hành lớn.

Năm 111 TCN Hiếu Vũ Đế cử Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức tấn công Nam Việt. Phiên Ngung thất thủ, Lữ Gia cùng vua Triệu Vệ Dương Vương và gia quyến lên thuyền đi về phía Tây. Tới cửa Đại Ác (cửa sông Đáy đổ ra biển ở Nam Định) cả vua Triệu và Lữ Gia bị bắt, giết.

Nhưng họ Lữ vẫn còn người. Hai hoàng phi nhà Triệu là Trưng Trắc, Trưng Nhị, truyền tích gọi là Ả Lã, con gái của Lữ Gia, đã chạy thoát về Phong Châu. Từ đây Nhị Trưng lập đàn thề ở cửa sông Hát, tưởng nhớ tới chồng là Triệu Vệ Dương Vương tử nạn ở cuối sông, phất cờ Quang Phục, đánh Tô Định, chiếm Luy Lâu, xưng là Tây Vu Vương hay gọi là Lang Tề (Nàng Đê).

Với thân phận là hoàng phi nhà Triệu nên khởi nghĩa Trưng Vương đã được sự tham gia đông đảo của con cháu các quan lại nhà Triệu trước đó, nhiều người là nữ, có hoàn cảnh cha hay chồng bị giết trong cuộc bình định Nam Việt của nhà Hiếu. Truyền thống nữ trung hào kiệt từ Lữ Hậu cùng với nợ nước thù nhà đã làm nên một “Hội thề” Hát Môn hùng tráng, lập nên quốc gia Hoàng Đinh độc lập.

Khởi nghĩa của các hoàng phi nhà Triệu dưới thời Hiếu – Tây Hán giành thắng lợi. Trưng Trắc lên ngôi vua của nước Tây (Đinh), là Tây Vu Vương. Nhưng chỉ ít lâu sau nhà Hiếu cử Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức, người từng đại phá Nam Việt, dẫn quân xuống đánh dẹp. Những trận đánh ác liệt giữa hai bên nổ ra ở Lãng Bạc – Bạch Đằng, rồi Cấm Khê, kết thúc bằng cái chết của Nhị Trưng Vương. Thiên hạ Trung Hoa lại thống nhất về một mối.

Nhà Hiếu truyền đời mấy trăm năm thì bị đại thần Vương Mãng soán ngôi. Vương Mãng mang hoài bão phục cổ, xây dựng một thế giới lý tưởng, đã thực hiện hàng loạt cải cách ảnh hưởng toàn diện đến xã hội. Nhân lúc Trung Hoa suy yếu người Hán tụ tập thành lũ giặc cỏ ở núi Lục Lâm, rồi diệt nhà Tân của Vương Mãng, biến Trung Hoa của người Hoa Việt thành Hán quốc (Đông Hán).

Trên đất Giao Châu các châu mục, thái thú lúc này là Đặng Nhượng, Tích Quang, Đỗ Mục cai quản, vừa lo chống giặc Hán bên ngoài, vừa dung nạp các hiền sĩ chạy loạn về phương Nam nương nhờ, mở trường dạy học, nêu cao văn hiến. Đặng Nhượng là Đặng cư sĩ thờ ở làng Lệ Chi, Gia Lâm. Đỗ Mục có thể là vị cư sĩ được thờ ở khu vực Thanh Oai – Chương Mỹ ngày nay (Đỗ Lang). Các vị này đã kiên cường chống lại sự bành trướng của Hán tộc xuống phương Nam và bỏ mình vì nước, như thần tích các nơi thờ cho biết.

Ang Phao

Đình Áng Phao, Cao Dương, Thanh Oai, Hà Nội, nơi thờ một vị Cư sĩ chống giặc thời Hán.

Giao Châu bị Mã Viện của Đông Hán chiếm, bắt hàng trăm các “cừ súy” Việt về Bắc. “Cừ súy” thiết “quý”, chỉ các quý tộc, tầng lớp lãnh đạo của người Việt. Truyền tích Việt trong các nơi thờ cúng chép thành “cư sĩ“. “Cư sĩ” cũng thiết “quý”. Đây là bằng chứng cho thấy cuộc tấn công của Mã Viện chiếm Giao Châu bắt các cừ súy Việt xảy ra vào thời đầu Đông Hán, đánh các “cư sĩ” là các châu mục, thái thú của nhà Tân.

Chiếm được Giao Châu Mã Viện xóa bỏ luật Việt, áp đặt luật Hán, thiết lập chế độ cai trị hà khắc ở Giao Châu. Sử ta đã lầm lẫn giữa cuộc hành quân của Lộ Bác Đức đánh Trưng Vương thời nhà Hiếu với cuộc tấn công xâm lược Giao Châu của Mã Viện thời Đông Hán.

Nước Nam mất, nhưng Hán tộc không được lúc nào yên ở phương Nam. Sử ghi trong hàng chục năm của thế kỷ thứ 2 người Nhật Nam, Cửu Chân liên tục nổi dậy. Đặc biệt khởi nghĩa của Khu Liên ở đất Tượng Lâm đã thành công, lập nên nước Lâm Ấp ở phương Nam. Khu Liên hay Khu Đạt, cũng là Triệu Quốc Đạt, cũng là Chu Đạt, người đã cầm đầu người Di khởi nghĩa ở Nhật Nam – Cửu Chân, buộc nhà Đông Hán phải cắm cột đồng phân giới Bắc Nam ở Man Thành Quảng Tây.

Em của Triệu Quốc Đạt là Triệu Thị Trinh, hay Bà Triệu, trong cuộc chiến này đã nổi danh là một nữ tướng xinh đẹp, dũng mãnh. Bà Triệu đi guốc vàng, mặc áo vàng, đầu voi phất ngọn cờ vàng, nối tiếp truyền thống nước Hoàng Đinh của Trưng Vương, chống giặc. Mã Viện lúc này đã buộc phải xây lũy đắp đê ở Cửu Chân, ngăn cản sự nổi dậy của cơn sóng khởi nghĩa phương Nam của Lệ Hải Bà vương.

Khu Liên – Triệu Quốc Đạt mang họ Lý của Lý Bôn – Lưu Bang, cũng được truyền thuyết Việt gọi là Lý Nam Đế vì đã lập nên nước Nam – Lâm Ấp. Hai Bà Trưng mang họ Lữ của Lữ Hậu, còn Bà Triệu mang họ Lý của Lưu Bang. Cái cội nguồn truyền thống, mối liên thông lịch sử giữa các triều đại của thời kỳ này cho giải thích về khí phách và chiến công của các vị nữ vương, nữ tướng người Việt.

Câu đối ở đình Luật Ngoại tại xã Quang Lịch, Kiến Xương, Thái Bình:
Trăng thu trải cuộc bể dâu, Nam nước Việt, Bắc giặc Lương, ghi ngàn đời sử.
Sông Bài nổi gương tiết nghĩa, trước Bà Trưng, sau Bà Triệu, cùng một bậc người.

Nhân ngày phụ nữ Việt Nam, xin ôn xưa kể cũ để biết phụ nữ Việt truyền thống anh hùng bất khuất thế nào. Chúc mừng các bà, các mẹ, các chị em người Việt Nam, con cháu Bà Trưng, bà Triệu, nhân ngày này.

Phạm Tô – Sĩ Nhiếp

Vấn đề Lý Phục Man và Phạm Tu là 1 hay 2 người nay đã có lời giải rõ ràng. Thánh Giá Lý Phục Man ở Lã Xá – Yên Sở không ai khác là thừa tướng Lữ Gia của nhà Triệu Nam Việt, đã tử tiết ở núi Gôi đất Vụ Bản – Nam Định, được con cháu là Nhị Trưng Vương (Trương Hống, Trương Hát) đưa về an táng tại khu vực núi Sài sông Hát. Còn để nhận rõ về Thượng thủy tổ họ Phạm là Phạm Tu, quê ở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội, thì câu chuyện cần bắt đầu bằng những dấu tích về … Mã Viện và Bà Triệu.
Sơ học kí – Châu quận bộ (thời Đường do Từ Kiên soạn) có truyện Đê đá guốc vàng:
Nam Việt chí chép: “Mã Viện mở thông núi Cửu Chân, lại chất đá làm đê để ngăn sóng biển, do đó không còn bị (hại) bởi biển dâng nữa.” Lại chép: “Có người con gái huyện Quân An tên là Triệu Ẩu thường ở trong núi tụ họp bè đảng đánh cướp quận huyện, mặc áo giáp vàng đi guốc răng vàng, thường cưỡi đầu voi mà chiến đấu”.
Đoạn truyện này nói tới sự kiện Mã Viện sau khi đánh thắng quân của Hai Bà Trưng, tiếp tục tấn công Đô Dương ở Cửu Chân và cho … đắp đê đá để ngăn sóng biển dâng… Mã Viện đánh Cửu Chân chỉ vẹn vẹn có 1 năm (năm 44) sau đó đã bị triệu hồi về nước. Thế mà trong thời gian đó lại kịp đắp đê biển ngăn mặn, giúp người Cửu Chân làm nông nghiệp?! Sự thật chắc chắn không phải vậy.
Nguyên văn phiên âm đoạn Mã Viện làm đê đá là: Mã Viện tạc thông Cửu Chân sơn. Hựu tích thạch vi để, dĩ át hải ba, do thị bất phục quá trướng hải.
“Tướng danh” của Mã Viện là Phục Ba tướng quân, ý nói là tướng đã áp phục cơn sóng khởi nghĩa của nhân dân ở Giao Chỉ, Cửu Chân. Đoạn phiên âm trên vừa có “Hải Ba” vừa có “Phục”, chính là thông tin giải nghĩa danh hiệu Phục Ba của Mã Viện. Như vậy Mã Viện làm đê đá không phải để ngăn sóng biển, mà là đắp lũy để ngăn cơn “Hải Ba” của hậu quân Hai Bà Trưng tại Cửu Chân. Cửu Chân là nơi Mã Viện đã phải dừng bước, cắm mốc phân giới (cột đồng) sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Lũy đá ở đây là một dạng mốc biên giới như cột đồng Mã Viện, được dựng lên để ngăn sự tấn công của của hậu quân Trưng Vương.
Mã Viện đã phải cắm mốc cột đồng và đắp lũy phòng thủ chống lại ai ở Cửu Chân? Phần dưới của đoạn trích trên trong truyện Đê đá guốc vàng cho biết, đó chính là với Triệu Ẩu, tức là Mã Viện đã phải cắm mốc phân biên với Bà Triệu. Bà Triệu còn có tên là Lệ Hải bà vương, là cơn “Hải Ba” được nói đến trong truyện. Bà Triệu chính là hậu quận của Hai Bà Trưng đã chặn Mã Viện ở Cửu Chân.
Theo nhà nghiên cứu Văn Nhân thì Đô Dương – người chặn Mã Viện ở Cửu Chân là Khu Đạt hay Khu Liên, người đã khởi lập nước Lâm Ấp. Khu Đạt cũng là Triệu Quốc Đạt, anh của Bà Triệu. Còn tộc phả họ Phạm ở Quảng Ngãi thì cho biết người xưng vương xứ Lâm Ấp là Lý Khu Kiên. Lâm Ấp tức là nước Nam. Lý Khu Kiên – Khu Đạt là vua Lâm Ấp, tức là Lý Nam Đế trong chuyện này là Triệu Quốc Đạt.
Trong cuộc chiến chống quân Đông Hán anh em Triệu Quốc Đạt, Triệu Thị Trinh đã hy sinh nhưng Mã Viện và Hán quân đã bị cầm chân, buộc phải cắm trụ đồng và đắp lũy đá phân ranh đất Hán và Giao Chỉ ở Khâm Châu – Quảng Tây. Lúc này phía Đông Giao Chỉ độc lập, do một kẻ sĩ nắm giữ quyền hành, không xưng vương, nên sử gọi là Sĩ Nhiếp.
Như trên, vì Lý Nam Đế là Triệu Quốc Đạt – Khu Liên nên Sĩ Nhiếp là một đại tướng của Lý Nam Đế, đã chống Hán quân giữ yên Giao Châu. Năm Canh Dần (210) Sĩ Nhiếp theo về với Ngô Vương Quyền, được Ngô Vương phong làm Tả tướng quân. Sau đó Sĩ Nhiếp lại chiêu dụ thổ hào ở Ích Châu về phụ thuộc nước Ngô nên Tôn Quyền càng khen, thăng làm Vệ tướng quân, tước Long Biên hầu.
Câu đối ở đình Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội)
骨氣不埋呉鼎國
文風初啟越儒邦
Cốt khí bất mai Ngô đỉnh quốc
Văn phong sơ khải Việt nho bang.
Dịch:
Cốt cách không phai đỉnh nước Ngô
Văn phong khởi lập Nho đất Việt.

IMG_9726 (2)Đình Dục Tú ở Đông Anh, Hà Nội

Nhờ có sự thần phục của Sĩ Nhiếp Ngô Vương đã có được một khu vực đất đai rộng lớn mà Mã Viện đã không thể chiếm được trước đó, gồm toàn bộ Giao Châu, lại thêm cả Ích Châu. Do vậy Sĩ Nhiếp được coi là một đại tướng quân trụ cột của Đông Ngô. Long Biên hầu tức là vị hầu tước của vùng Long Biên. Long Biên ở đây là Long Xuyên hay quận Tam Xuyên dưới thời Tần, gồm phần lớn vùng Giao Chỉ và Quảng Tây.
Những danh hiệu, chức vụ và hành động của Sĩ Nhiếp hoàn toàn trùng với lão tướng Phạm Tu. Phạm Tu nhờ có công đánh dẹp Lâm Ấp và tham gia khởi nghĩa nên được Lý Nam Đế giao trọng trách làm Tả Tướng, đứng đầu Ban Võ. Theo thần tích đình Ngoại ở Thanh Liệt thì sau khi mất Phạm Tu được phong là Long Biên hầu. Đặc biệt Phạm Tu còn được sắc phong là Cảm ứng cư sĩ. Câu đối ở đình Lý Nhân tại Thanh Liệt, nơi thờ Phạm Tu:
廟宇香燈神感應
亭村奉祀德靈長
Miếu vũ hương đăng thần cảm ứng
Đình thôn phụng tự đức linh trường.
Dịch:
Hiên miếu hương đèn thần cảm ứng
Thôn đình cúng tế đức thiêng dài.

P1110017Đình Lý ở Lý Nhân, Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.

Còn Sĩ Nhiếp được nhà Trần sắc phong là Gia ứng Thiện cảm Linh vũ Đại vương. Có thể thấy Tả tướng quân Long Biên hầu Cảm ứng cư sĩ Phạm Tu là vị Sĩ Nhiếp, người đã giữ yên và cai quản Giao Châu sau khi Lý Nam Đế – Triệu Quốc Đạt hy sinh.
Sau khi Sĩ Nhiếp mất con là Sĩ Huy đã chống cự lại nhà Ngô. Còn theo tư liệu của họ Phạm thì Phạm Tu có con là Phạm Tĩnh theo giúp Hậu Lý Nam Đế. Con Phạm Tĩnh là Phạm Hiển, sau khi Lý Phật Tử bị quân nhà Tuỳ bắt về Bắc đã chiêu binh chống Tùy trong 3 năm và bị thất bại. Phạm Hiển như vậy là Sĩ Huy.
Sĩ Nhiếp – Phạm Tu còn được người Việt thành kính tôn thờ dưới tên một vị thần nữa. Tên Phạm Tu đúng ra phải là Phạm Tô, là vị thần của dòng sông Tô Lịch. Phạm Tu sinh ra ở làng Thanh Liệt bên sông Tô. Theo truyền thuyết thì ông chống giặc giữ cửa sông Tô Lịch và hy sinh tại đó.
Truyện sông Tô Lịch trong Lĩnh Nam chích quái kể Cao Biền đã gặp một cụ già ở giữa dòng sông, cho biết họ Tô tên Lịch. Biền biết là thần nhân nên đặt tên sông là sông Tô Lịch.
Một buổi sớm khác, Biền ra đứng nhìn ở bờ sông Lô Giang, phía đông nam thành La, thấy giữa sông có gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng, rực rỡ một khoảng trời, chập chờn lên xuống trên không… Đêm đến Biền nằm mộng thấy thần nhân tới nói rằng: “Chớ yểm ta, ta là thần Long Đỗ, đứng đầu các vị thần đất. Nhà ngươi đến xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép?”…
Bản dịch tấm bia cổ ở lăng Sĩ Nhiếp (Thuận Thành – Bắc Ninh) khắc vào năm đầu Vĩnh Trị (1676) có đoạn viết: “… bổ làm huyện lệnh Vu Dương, chuyển tới làm thái thú Giao Châu, được phong Long Độ Đình Hầu”. Sĩ Nhiếp có tước phong là Long Độ đình hầu. Long Độ = Long Đỗ. Thần Long Đỗ, vị thành hoàng của thành Đại La – Thăng Long thì ra chính là Sĩ Nhiếp – Phạm Tô (Tu).
Sĩ Nhiếp được biết thọ tới 90 tuổi mới mất. Còn Phạm Tu là lão tướng 66 tuổi mới tham gia khởi nghĩa cùng Lý Nam Đế. Vị thần sông Tô Lịch hiện linh trước Cao Biền cũng dưới hình dạng một cụ già.
Còn một liên hệ nữa về lão tướng Phạm Tu. Sử sách cho biết người đã nối nghiệp ở Lâm Ấp sau khi Khu Liên mất là họ Phạm, họ bên ngoại của Khu Liên. Như vậy Phạm Tu là họ bên ngoại của Triệu Quốc Đạt.
Tộc phả họ Phạm ở Quảng Ngãi thì viết: Cuối đời Hùng Duệ Vương (258 TCN) con trai trưởng của Phạm Duy Minh ở xứ Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay là Đại lang Phạm Duy Hinh cùng Lý Thành (con Lý Thân – Lý Ông Trọng) trấn thủ đất Nam Hà…
Đằng Châu Phạm Duy Minh do vậy có thể cũng là Phạm Tu. Thần Long Đỗ, Long Biên hầu và Vua Mây họ Phạm là một người vì vua của Mây tức là rồng (Long). Sĩ Nhiếp – Phạm Tu như vậy là một trong Tứ linh Hương Bổng Đổng Đằng của tín ngưỡng Việt.

Phạm Tu có thụy hiệu là Đô Hồ đại vương. Đô Hồ nghĩa là thủ lĩnh của người Hồ. Người Hồ hay Hời là người Lâm Ấp – Chiêm Thành sau này. Vì Phạm Tu là người kế tục sự nghiệp của Khu Liên và con cháu họ Phạm nối tiếp cai quản Lâm Ấp nên Phạm Tu được gọi là Đô Hồ. Thông tin này cũng tương tự như câu đối trên cổng đền thờ Sĩ Nhiếp ở Tam Á (Thuận Thành, Bắc Ninh):

豈忠義功神心祁彼何辰此何辰安得六百載遺容能攝林邑
是事業文科舉昔治亦進乱亦進最矩四十年政策拯表交州
Khởi trung nghĩa công thần tâm kì, bỉ hà thì thử hà thì, an đắc lục bách tải di dung năng nhiếp Lâm Ấp.
Thị sự nghiệp văn khoa cử tích, trị diệc tiến loạn diệc tiến, tối củ tứ thập niên chính sách chửng biểu Giao Châu.
Dịch:
Há tấm lòng công thần trung nghĩa lớn, đây thời nào đấy thời nào, yên ổn sáu trăm năm khoan dung ấy giúp quản Lâm Ấp.
Là thi cử văn khoa sự nghiệp xưa, trị cũng tiến loạn cũng tiến, quy củ bốn mươi thu chính sách kia cứu tỏ Giao Châu.

Truyền tích về Sĩ Nhiếp và Tứ pháp ở chùa Dâu (Truyện Man Nương) cho thấy Sĩ Nhiếp được dân gian gắn với các thần mây mưa sấm chớp. Còn Phạm Tu ở đình Ngoại Thanh Liệt vốn được coi là Thủy thần phán quan, hay ở đình Ngọc Than (Quốc Oai, Hà Nội) là Đông Hải đại vương.
Vị thủy thần sông Tô, vua Mây ở Đằng Châu, Long Biền hầu Sĩ Nhiếp và Tả tướng Phạm Tu cùng là một, là vị anh hùng có công chặn quân Đông Hán, gìn giữ Giao Châu trong 40 năm, đức độ và dòng dõi để lại tiếp tục phù trợ cho họ Phạm ở Lâm Ấp tồn tại hàng trăm năm tiếp theo.

Bà Triệu

Sau khởi nghĩa của Trưng Vương: “Quý Mão, [Trưng Vương, năm thứ 4], Mùa xuân, tháng giêng, Trưng Nữ Vương cùng em gái là Nhị chống cự lại với quân nhà Hán, thế cô, đều thua chết. Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót là bọn Đô Dương. Đến huyện Cư Phong thì [bọn Đô Dương] đầu hàng, [Viện] bèn dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán.”

Chỉ một thời gian ngắn sau cũng tại Cư Phong – Cửu Chân nổ ra khởi nghĩa của Chu Đạt chống lại chính quyền Đông Hán. Chu Đạt chiêu mộ dân binh vây giết chết huyện lệnh, giải phóng toàn bộ quận Cửu Chân rồi tấn công quận trị Tư Phố giết chết thái thú Nghê Thức nhà Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa tập hợp lực lượng có tới 5.000 người, quản trị Cửu Chân được 4 năm.

Điều lạ là cuộc khởi nghĩa Chu Đạt chỉ được sử Trung Quốc ghi lại mà sử Việt không hề nói tới. Ở Cửu Chân, sử Việt chỉ nói tới khởi nghĩa của … Triệu Quốc Đạt, anh của Bà Triệu.
– Chu hay Châu = Chúa
– Triệu = Chúa.
Chu Đạt chỉ là tên khác của Triệu Quốc Đạt. Đạt hay Đoạt là quẻ Đoài chỉ hướng Tây. Cư Phong là Cả Phong, cũng là vua hướng Tây.

Vua Đông Hán cử đô úy Ngụy Lãng đem quân đàn áp, buộc Chu Đạt phải lui vào Nhật Nam. Tại đây thanh thế nghĩa quân mạnh lên, lực lượng lên tới hàng vạn người.
Như vậy Chu Đạt hay Chúa Đạt cũng chính là Đạt Vương của người Choang ở Quảng Tây (Nhật Nam).

Việc xác định Chu Đạt là Triệu Quốc Đạt cho thấy khởi nghĩa của Bà Triệu chống lại giặc Ngô là giặc phương Bắc – Đông Hán chứ không phải nước Đông Ngô của Tôn Quyền. Với sự rút lui của Đô Dương về Cư Phong – Cửu Chân thì có thể thấy khởi nghĩa Chu Đạt – Triệu Quốc Đạt là phần nối tiếp khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Bà Triệu cưỡi voi trắng ra trận là nối tiếp ngai vàng của nước Tượng – Đinh – Tây của Trưng Vương chống lại giặc Ngô – Hán.

DenBaTrieu

Đền thờ Bà Triệu ở Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Theo truyền thuyết Việt thì Bà Triệu hy sinh ở núi Tùng (Tượng), Phú Điền – Hậu Lộc – Thanh Hóa. Tại đây có lăng và đền thờ Bà Triệu. Thần tích còn chép Lý Nam Đế khi hành quân qua đây đi dẹp giặc Lâm Ấp được Bà Triệu hiển linh phù trợ. Điều này khá kỳ lạ vì theo sử Việt Lý Nam Đế không hề thân chinh xuống phương Nam mà sai Lý Phục Man / Phạm Tu đi dẹp giặc. Vậy mối liên hệ giữa Bà Triệu là Lý Nam Đế là gì?

Câu đối ở đền thờ Bà Triệu ở Thanh Hóa:
Phấn tích đương niên, chính khí phôi thai Tiền Lý Đế
Triệu nhân tư thổ, thần cao đối trĩ Nhị Trưng Vương.

Dịch:
Hùng tích năm nào, chính khí dẫn sinh triều Lý Đế
Kính chúa đất nọ, linh thần tương sánh vị Trưng Vương.

Theo sử hiện tại thì khởi nghĩa của Lý Bí nổ ra sau khởi nghĩa Bà Triệu hơn 300 năm, ở Giao Chỉ. Vậy mà khởi nghĩa Bà Triệu ở Cửu Chân lại là “phôi thai Tiền Lý Đế”. Câu đối này cho thấy khởi nghĩa của Bà Triệu đã dẫn đến cuộc khởi nghĩa tiếp theo của Lý Bí – Lý Phật Tử.

Ở đền Bà Triệu tại Thanh Hóa còn nhắc đến “ba anh em họ Lý” người Bồ Điền, quê ngoại của Bà Triệu (mẹ Bà Triệu họ Lý). Ba anh em Lý Hoằng (Lý Hoàng?), Lý Mỹ, Lý Thành là những người đã tham gia khởi nghĩa với Bà Triệu từ ngày đầu, giúp Bà Triệu lập bảy đồn lũy ở Bồ Điền, chiến đấu cho tới phút cuối cùng. Ba anh em họ Lý được thờ cùng Bà Triệu tại đền ở Hậu Lộc.

Câu đối:
Nhất thốc sùng từ, Na Lĩnh căn cơ kim Tượng Lĩnh
Thiên thu thắng tích, Phú Điền phong cảnh cổ Bồ Điền.
Dịch:
Một nóc đền cao, nền Na Lĩnh nay là Tượng Lĩnh
Nghìn thu dấu tích, cảnh Phú Điền xưa chính Bồ Điền.
Ba anh em họ Lý như vậy là những tướng lĩnh quan trọng trong cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Có thế đây chính là anh em Lý Thiên Bảo – Lý Phật Tử, những người làm nên nhà Thục sau này.

Vào thời gian cuối nhà Đông Hán, sử Việt còn nói đến một cuộc khởi nghĩa khá lớn của Lương Long (178-181). Lương Long “lãnh đạo nhân dân các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố chống lại chính quyền đô hộ Đông Hán. Lực lượng nghĩa quân lên tới hàng vạn người, liên kết với người Ô Hử (tổ tiên người Tày) ở biên giới Việt-Trung, người Choang ở Quảng Tây, thái thú quận Nam Hải là Khổng Chi nên thanh thế rất mạnh, nổi dậy đánh chiếm được các quận huyện và nhiều vùng đất từ Giao Chỉ đến Hợp Phố và từ Cửu Chân đến Nhật Nam. Thứ sử Giao Châu là Chu Ngung phải đóng cổng thành cố thủ và xin viện binh. Mùa hè năm 181 Đông Hán vương cử huyện lệnh Lan Lăng là Chu Tuấn mang 5000 quân sang đánh dẹp, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt.”

Lương Long có lẽ là Lang Lương, tức là vua của người Tày – Nùng (Ô Hử – Choang) ở phía Đông.

Khởi nghĩa Lương Long nổ ra trên một địa bàn rất rộng từ Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Quảng Tây, Nam Hải, không kém gì khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Khởi nghĩa làm chủ đất nước cũng 4 năm. Khởi nghĩa lớn như vậy mà nhà Hán chỉ cử “huyện lệnh Lan Lăng” Chu Tuấn mang có 5000 nghìn quân thì đánh dẹp làm sao được? Phải chăng Chu Tuấn đây chính “Hữu trung lang tướng Chu Tuấn”, người được cử đi đánh dẹp khởi nghĩa Khăn Vàng? Khởi nghĩa Lương Long là một phần của khởi nghĩa Khăn Vàng?

Phải chăng Lương Long là Dương Đình Nghệ trong sử Việt, người theo sử chép có hàng nghìn con nuôi. Một trong số con nuôi đó là Ngô Quyền. Dương là chỉ phương Đông. Đình Nghệ hay Diên Nghệ có lẽ là một danh hiệu tôn xưng. Dương Diên Nghệ và Lương Long rất cận nghĩa.

Nếu khởi nghĩa của Chu Đạt – Bà Triệu mở đầu cho nhà Thục của Lưu Bị – Lý Phật Tử ở phía Tây thì khởi nghĩa Lương Long ở phía Đông có thể là nguồn gốc nhà Đông Ngô của Tôn Quyền.

Văn nhân góp ý:

Cuộc khởi nghĩa Khăn vàng do bà Trưng bà Triệu lãnh đạo không hề chết yểu mà ngược lại phải nói là Thành công rực rỡ. Sử Tàu có bẻ cong bẻ quẹo cắt đoạn thế nào chăng nữa  người ngày nay vẫn thấy … chí ít thì dòng Bách Việt cũng làm chủ được phương nam (ngày nay) với 2 quốc gia Tây Thục và Đông Ngô. Cái gọi là Thời Tam quốc thực ra chỉ là tập 2 … của cuộc khởi nghĩa Trưng vương mà thôi . Than ôi ! oanh liệt 1 thời nhưng tiếc thay … cơ trời vận nước nên … anh hùng đành ôm hận nghìn thu mà thác xuống tuyền đài. Mãi đến 300 năm sau thì Vũ văn Giác vua nhà Bắc Châu mới lai … học theo Hán – Trung hoa (?Nguyên văn của sách sử Tàu) mà chế triều nghi ???