Bàn về hai chữ Giang, Hà và bài thơ Hán quảng trong Kinh Thi

Wikipedia tiếng Trung về danh từ Hà lưu 河流, tức Sông ngòi có đoạn, nội dung dịch đại ý như sau: Thời thượng cổ Trung Quốc, nghĩa của hai chữ Hà và Giang đều khác bây giờ. Hà chỉ Hoàng Hà, Giang chỉ Trường Giang, cổ nhân tạo ra hai chữ Giang và Hà từ bộ Thủy, thoạt kỳ thủy gọi Hoàng Hà là Hà thủy, Trường Giang là Giang thủy. Sau thời Nam Bắc triều do quan sát thấy Hà thủy có màu hơi vàng nên gọi là Hoàng Hà, còn Giang thủy do có chiều dài nhất nên gọi là Trường Giang, từ đó gọi sông ngòi phía Bắc là Hà, sông ngòi phía Nam là Giang.
Quan niệm rằng Hà là từ của phương Bắc chỉ sông, thậm chí cụ thể là sông Hoàng Hà trong cổ thư, còn Giang là từ của phương Nam, trong cổ thư chỉ sông Trường Giang khá phổ biến hiện nay. Nghe chừng quan điểm này có vẻ có lý… vì người Trung Quốc cổ sinh sống ở vùng giữa Hoàng Hà và Trường Giang…
Thế nhưng khi xem xét kỹ những trường hợp sử dụng hai từ Giang và Hà trong cổ thư thì quan niệm này hoàn toàn không đúng, thậm chí chỉ là ngụy giải, ngụy biện thiếu căn cứ. Nhiều trường hợp đã dẫn đến hiểu sai, hiểu ngược ý của cổ thư, nhất là trong Kinh Thi, do sự định vị định kiến của người Tàu rằng Hà là Hoàng Hà, Giang là Trường Giang.
Đã không ít người chứng minh rằng Giang 江 là từ có nguồn gốc ngôn ngữ Nam Á, còn dấu tích trong âm K’long chỉ sông ở Tây Nguyên. Bản thân phần tượng thanh trong chữ Giang là chữ Công 工 cho phép khẳng định âm cổ của Giang thực ra vốn là Sông. Phải nói thẳng “ngôn ngữ Nam Á” đây là tiếng Việt (chí ít cũng là Bách Việt), là đại tộc nắm giữ vùng từ sông Trường Giang đổ về phía Nam thời cổ đại. “Giang” như vậy là từ tiếng Việt, rõ không cần bàn.
Còn từ Hà cũng chẳng phải là “tiếng Tàu” gì. Đơn cử ngay trong Chu Nam, phần đầu tiên của Kinh Thi, đã bắt gặp cả 2 từ Giang và Hà.
Bài Quan thư, bài thơ đầu tiên của Kinh Thi có 2 câu mở đầu nói ngay đến từ Hà 河:
關關雎鳩, 在河之州
Quan quan thư cưu. Tại hà chi châu.
Nhưng cũng trong phần Chu Nam cùa Kinh Thi bài thứ 9 là Hán quảng thì lại có từ Giang 江:
江之永矣, 不可方思
Giang chi vĩnh hĩ. Bất khả phương ti.
Kinh Thi là tác phẩm được tập hợp san định bởi Khổng Tử, tức là thời nhà Chu, khoảng trong nửa đầu thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên. Chu Nam là chính phong, là phong dao vùng thực ấp của Cơ Đán, tức Chu Công. Ấp phong này nằm trên phạm vi vùng đất khởi nghiệp của nhà Chu. Vậy nếu hiểu Giang là Trường Giang, Hà là Hoàng Hà như các học giả hiện đang chú giải Kinh Thi, thì một thực ấp như Chu Nam nằm ở chỗ nào mà có thể vừa có Hà lại vừa có Giang?
Còn nếu hiểu Chu Nam là nước phong của Chu Công, tức là nước Lỗ, hiện được xác định ở bán đảo Sơn Đông thì cũng không thể vừa có Hoàng Hà vừa có Trường Giang chảy qua.

P1260299 (2)Địa đồ các nước trong Quốc phong, Kinh Thi do Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu biên vẽ.

Kiểu diễn giải gán ghép với ý nguồn gốc của người Trung Quốc là ở giữa Hoàng Hà và Trường Giang là vô lý. Làm gì có tộc người nào mà mới sinh ra lại có thể ở cả trên 2 cái nôi, cách nhau xa cả ngàn cây số như vậy.
Giang và Hà trong Kinh Thi hoàn toàn không phải Hoàng Hà và Trường Giang. Đơn giản đây là 2 từ chỉ các con sông nói chung, được sử dụng trong cùng một thứ ngôn ngữ, của cùng một tộc người. Vì thế không thể kết luận đất Chu Nam hay Kinh Thi được sáng tác ở vùng giữa Hoàng Hà và Trường Giang.
Chính xác hơn, ý nghĩa gốc của 2 từ Giang Hà được kiến giải như sau. Giang tương đương với Giêng, là số 1. Số 1 trong Hà thư và tượng Nước (giang) là hành Thủy trong Ngũ hành để chỉ hướng lạnh (hướng Bắc nay).
Còn hay Hồ, tương đương với Hai, số 2, là những tượng số chỉ phương Xích đạo (hướng Nam nay). Ví dụ nước ở phía Nam nước Văn Lang được gọi là nước Hồ Tôn.
Cặp từ Giang – Hà tạo thành từ ghép “Giang hồ” với nghĩa Bắc – Nam, hay khắp nơi. Sông và Hồ rõ ràng là những từ tiếng Việt, chẳng phải tiếng “Tàu Nam” hay “Tàu Bắc” nào cả.
Còn có cặp Hà – Lạc có nghĩa là Bắc – Nam, Trên – Dưới, Trời – Đất. Lạc = Nác = Nước, cũng tương tự như Giang. Hà đồ (chính xác hơn là Hà thư) không phải là đồ hình tìm thấy ở sông Hà (Hoàng Hà), mà là Thiên thư, là sách trời. Còn Lạc thư (chính xác hơn là Lạc đồ) không phải cuốn sách thấy ở sông Lạc, mà nghĩa là Địa đồ, là bản vẽ mặt đất.
Với nhận định như vậy, việc đọc giải Kinh Thi cần có nhiều điều phải xem lại. Ví dụ bài Hán quảng (chương 1):
南有喬木
不可休息
漢有遊女
不可求思
漢之廣矣
不可泳思
江之永矣
不可方思
Nam hữu kiều mộc
Bất khả hưu tức
Hán hữu du nữ
Bất khả cầu ti
Hán chi quảng hĩ
Bất khả vịnh ti
Giang chi vĩnh hĩ
Bất khả phương ti.
Tương tự như những chữ Giang và Hà, chữ Hán 漢 ở đây hoàn toàn không phải sông Hán Thủy ở vùng Nam Thiểm Tây – Hồ Bắc Trung Quốc. Vùng này vốn là khu vực nước Tần và Sở. Làm sao có thể có chuyện đất Chu Nam của thiên tử Chu hay của Chu Công lại nằm ở vùng “Man Di” Tần Sở được?
Đối chiếu trong bài thơ thì chữ “Hán” được dùng đối lập hoặc đẳng lập với chữ “Nam”. Nam hữu kiều mộc (nghĩa là Bên Nam có cái cây cao) đối với: Hán hữu du nữ. Hán như vậy là từ chỉ phương hướng. Hán là hướng Bắc (nay), ví dụ như sao Hán là sao Bắc đẩu. Câu thơ Hán hữu du nữ có nghĩa là Bên Bắc có người con gái đang bơi lội. Phải dịch đúng nghĩa chính của từ “Du” là “đang bơi” thì mới liên quan đến nội dung của đoạn thơ tiếp theo.
Đoạn điệp khúc “Hán chi quảng hĩ. Bất khả vịnh ti. Giang chi vĩnh hĩ. Bất khả phương ti” cũng cần hiểu lại vì chẳng có sông Hán Thủy, Trường Giang nào ở đây cả. Giang có nghĩa là sông nói chung, còn Hán là chỉ phía Bắc, bờ Bắc của sông.
Chữ “Vịnh” 泳 với nghĩa thông thường là “Lặn”. Nghĩa này tỏ ra không phù hợp với bối cảnh bài thơ. “Lặn sang sông” để cầu cô gái? Sao thơ lại có ý thô tục vậy?
Ở đây chữ Vịnh phải hiểu với nghĩa rộng hơn, hay hiểu theo nghĩa bóng. Vì bờ Bắc ở xa (Hán chi quảng hĩ) nên việc đi qua (xuyên qua, lặn lội qua) là không thể (Bất khả vịnh ti). Bờ Bắc cũng là nơi cô gái đang bơi nên một cách bóng gió phương Hán và dòng sông đây chính là cô gái. “Lặn” qua nghĩa là vượt qua khó khăn, đi được vào lòng cô gái.
Tương tự trong 2 câu cuối. Chữ “Phương” 方 dịch là “đi bè” thì vô lý (bè trôi dọc sông, chứ sao lại sang ngang sông?), và bản thân từ này không hề có nghĩa nào là làm bè hay đi bè.
Chữ “Phương” 方 ở đây có thể hiểu: vì sông dài (Giang chi vĩnh hĩ) nên không thể đi song song (song phương, đi dọc) sông được. “Giang” ở đây cũng là tấm lòng của cô gái đang du bơi nên không đi cùng được, cũng giống như không cầu được vậy. Như thế bài thơ nêu sự đối lập Nam – Bắc (Nam – Hán) và rộng – dài (vịnh – phương), rất chỉnh và đúng ngữ cảnh.
Dịch lại bài thơ Hán quảng:
Bên bờ Nam cây cao chót vót
Bóng không nhiều chẳng mát nghỉ ngơi
Cô gái bên Bắc du bơi
Khó lòng quân tử trao lời cầu mong
Kìa bờ Bắc xa trông vời vợi
Biết làm sao vượt được ngang sông
Sông dài nước chảy không cùng
Sánh sông chẳng thể mãi lòng người ta.
Những bài thơ trong Kinh Thi là bằng chứng xác đáng rằng Hà không phải là Hoàng Hà và Giang không phải Trường Giang. Xuất phát điểm của thiên hạ Trung Hoa nhà Chu không nằm ở Hoàng Hà cũng như Trường Giang. Ngôn ngữ mà thiên hạ “Trung Hoa” từng dùng không phải tiếng Tàu, mà là tiếng Việt chính cống.

Kính nhi viễn chi

Thành ngữ “kính nhi viễn chi” có nguồn gốc từ một câu nói của Khổng Tử trong Luận ngữ – Ung dã: Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị tri hĩ. Tạm dịch như sau: Làm việc nghĩa, có ích cho dân, tuy phải kính trọng quỷ thần nhưng nên tránh xa quỷ thần, đó là trí.
Tư tưởng “kính mà xa” này của Khổng Tử thực ra không phải là cách xử thế đối với chốn quan trường hay trong triều đình như vẫn được giải thích. Đây là cách mà Khổng Tử nói tới nên ứng xử như thế nào đối với các tín ngưỡng dân gian (việc quỷ thần). Đặc biệt Khổng Tử, như một nhà sử học đầu tiên của Trung Hoa (viết Kinh Thư), đã có một quan điểm rất đúng đắn khi xử lý các truyền thuyết, tín ngưỡng trong việc biên chép sử. Vừa phải tôn trọng (kính) những thông tin trong truyền thuyết, nhưng cũng vừa phải lùi xa, nhìn rộng, suy thấu một cách thực tế thì mới có thể thấy được sự thật của quá khứ.

P1060168Chiếc lịch ba chân thời Tây Chu với hoa văn Thao thiết và Quỳ long.

Một ví dụ thường được lấy về quan điểm của Khổng Tử đối với những chuyện quỷ thần trong truyền thuyết khi biên sử là chuyện về Hoàng Đế. Theo thần thoại, Hoàng Đế là một vị thần có 4 mặt để trông coi 4 phương. Thông tin này được Khổng Tử giải thích rằng Hoàng Đế đã phái 4 người đi trị vì 4 phương. Cách giải thích này đúng là vừa “kính”, tức là vừa tôn trọng thông tin, không bác bỏ nó, nhưng cũng vừa “viễn”, tức là nhìn nhận và lý giải thông tin một cách thực tế.
Ví dụ khác về hình ảnh “Quỳ nhất túc”, tức là con Quỳ có một chân. Khổng Tử đã bác bỏ sự hoang đường để giải thích là con Quỳ hung ác chỉ cần có 1 điểm khả thủ đó là việc giữ chữ Tín là đủ. Hay Quỳ đã biến thành một nhạc quan của vua Thuấn và người như Quỳ chỉ cần 1 là đủ. Như vậy thay vì đi tìm loài thú 1 chân, hình ảnh Quỳ nhất túc được hiểu thành thông điệp “một là đủ”.
Tinh thần “kính mà xa” việc quỷ thần của Khổng Tử bị các Nho gia đời sau hiểu không chính xác, dẫn đến sự khô cứng gò bó của Nho gia trong chép sử. Lỗ Tấn đã nhận xét: Khổng Tử ra đời, lấy những điều thực dụng sửa mình, yên nhà, trị nước, bình thiên hạ làm giáo lý, không muốn nói việc quỷ thần, những thuyết hoang đường thời thái cổ đều là những điều nhà Nho không muốn nói, cho nên về sau, chẳng những không làm gì được cho sáng sủa lớn lao thêm mà còn để cho tản mác, mất mát đi nữa (Lịch sử truyền thuyết Trung Quốc).
Cũng Lỗ Tấn đã cho rằng trong các truyền thuyết xa xưa luôn chứa đựng những điều đáng kể về lịch sử: Lịch sử của bất cứ một dân tộc nào khi bắt đầu toàn là những sự kiện mông lung, nhiều mâu thuẫn. Đó là tình hình chung và không có cách nào khắc phục được của lịch sử các dân tộc. Nhưng sau khi đã nói xong mọi câu chuyện truyền thuyết, vô luận thế nào, những truyền thuyết rất xa xưa đó về mặt lịch sử mà nói, đều có những yếu tố và hạt nhân đáng kể, chứ không phải bịa đặt hoàn toàn.

IMG_1860Hoa văn con Quỳ trên nắp một chiếc bình thời Tây Chu.

Tinh thần “kính nhi viễn chi” của Khổng Tử đã từng được các nhà Nho Việt Nam áp dụng trong soạn những bộ sử đầu tiên của đất nước. Danh nhân thời Trần là Hồ Tông Thốc, người viết cuốn Việt Nam thế chí, một cuốn sử sớm của nước ta là người đi đầu trong việc này. Quan điểm sử học của Hồ Tông Thốc khi đưa những huyền thoại, truyền thuyết vào chính sử được nêu trong bài tựa của tác phẩm Việt Nam thế chí:
Sách chép về thế phả, vốn có từ lâu, khảo xét các đời đã qua để rõ nguồn gốc lưu truyền, kê cứu những điều truyền văn, để rõ những tiêu chuẩn xưa nay. Hiềm vì chuyện tin chuyện ngờ lẫn nhau, có điều chưa hợp hẳn với lòng người. Nhưng việc đời biến đổi khác nhau thì làm sao lại khỏi có những điều quái gở. Nghìn năm về sau, khó lòng biết được đầy đủ, mà tìm trong sách vở cũng không thể tra cứu vào đâu được. Bởi vậy, ghi chép về nguồn gốc thực là nhọc lòng lắm.
Có người hỏi tôi rằng: Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?
Tôi đáp rằng: Thời thái cổ còn hỗn mang, chưa phân biệt trời đất, ngay trung thổ cũng còn có nhiều thuyết hoang đường, như những chuyện vá trời, húc núi, lấy chân ngao làm cột trời, mười mặt trời cùng mọc, v.v…, đời sau cứ theo sách mà bàn luận, không kê cứu vào đâu được, đúng hay không đúng, vẫn còn ghi chép trong sử sách. Huống chi đất Việt ta ở vào cõi xa, sự hiểu biết cũng khác, từ đời hồng hoang thời gian xa cách, trong lúc mới mở mang, sách vở chưa đầy đủ, lễ nhạc chưa làm, nếu cho là có thực thì bởi đâu mà biết? Nếu cho là không có, thì do đâu mà xét ra?
Cho nên những chuyện góp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá; thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử; tôi đâu tự dám cho ý mình là thoả đáng.
Vả lại, nước Nam ta ở vào dải đất nóng nực, trong cõi mênh mông, vua sáng đời nào cũng có. Dẫu rằng núi sông rộng lớn, chia biệt mỗi lúc một khác, nhưng từ xưa đến nay, chỉ căn cứ vào tục truyền và dấu vết, hỏi việc về dĩ vãng thì nhờ các cụ già kể chuyện lại; xét nghiệm ở tương lai thì có những đền miếu cúng thờ…
Chính nhờ tinh thần vừa tôn trọng truyền thuyết, tín ngưỡng, vừa cẩn trọng tìm kiếm đối chiếu với các tư liệu có được, qua người già kể lại, tại đền miếu cúng thờ, mà Hồ Tông Thốc đã làm được một việc lớn cho việc biên chép sử Việt, đó là đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử. 18 triều đại vua Hùng, kéo dài trên 2000 năm vốn chỉ được biết qua các truyền thuyết huyền sử. Nhìn nhận đúng thời đại Hùng Vương chính là trở về đúng với cội nguồn của dân tộc.
Bài học “Kính quỷ thần nhi viễn chi” của Khổng Tử, Lỗ Tấn, Hồ Tông Thốc tuy vẫn hiện hữu, nhưng ngày nay các sử gia Việt chỉ biết có “Viễn” mà không biết “Kính”. Thái độ “hủ Nho” này là nguyên nhân làm cho sử Việt trở thành khô khan, rời rạc, cụt lủn, mất mát đi quá nửa. Những câu hỏi lớn của lịch sử cổ và trung đại của nước Nam không được giải đáp một cách thỏa đáng, dẫn đến hàng loạt những điều vô lý, tới mức người ta không dám đem thời kỳ lịch sử này ra để thi cử bao giờ, vì ngay ban giám khảo cũng không biết trả lời thế nào là đúng.
Điểm qua vài vấn đề lớn trong sử Việt, liên quan đến chuyện “quỷ thần”:
– Lạc Long Quân giống Rồng lấy Âu Cơ là nòi Tiên sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm người con trai, là khởi nguồn của trăm giống Việt. Ý nghĩa của việc “sinh trăm trứng” này là gì?
– Sơn Tinh dùng cây gậy thần và sách ước biến hóa sinh tử, lấy được công chúa Mỵ Nương, đánh thắng Thủy Tinh. Phép thuật “gậy thần sách ước” của Tản Viên là gì?
– An Dương Vương xây thành Cổ Loa, cứ xây lại đổ, phải nhờ thần Kim Quy bắt Bạch Kê tinh thì thành mới xây được. Sự thật điều gì đã làm cho thành Cổ Loa bị đổ?
– Thần Kim Quy cho An Dương Vương chiếc móng thần để làm lẫy nỏ, bắn một phát cả trăm mũi tên. Rồi “Nỏ thần sơ ý trao tay giặc, nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu”… “Móng rùa” ở đây là gì?
– Triệu Việt Vương được thần nhân ở đầm Nhất Dạ cho chiếc móng rồng, làm mũ đâu mâu, đánh đâu thắng đó, rồi bị Lý Phật Tử đánh tráo mà thất bại, cùng đường đi vào biển mà mất. “Móng rồng” ở đây là thứ gì?
Có lẽ không thể kể hết được những chuyện “quỷ thần” trong sử Việt vì nó luôn có mặt từ những trang sử đầu tiên đến cuối cùng. Đó là cách thức chép sử của dân gian, luôn tồn tại song song với sử sách của nhà nước. Những chuyện quỷ thần đó không phải vô lý vô nghĩa, mà thực sự mang những thông tin xác thực, đầy ý nghĩa. Cần tôn trọng những dữ liệu dân gian và có sự so sánh đối chiếu thực tế về ý nghĩa của những dữ liệu đó thì mới có thể giải đáp được những khúc mắc trong sử Việt, trả lại sự thật về quá khứ huy hoàng 4000 năm của người Việt.

Những sự tích trên miền đất tổ

Vùng đất Phong Châu ở Vĩnh Phúc – Phú Thọ theo truyền thống được chia  thành 3 khu vực văn hóa dân gian (folklore) chính, bao gồm:
– Khu vực Hùng Vương
– Khu vực Thánh Tản
– Khu vực Hai Bà Trưng.
Cách chia này tỏ ra hợp lý vì nó phản ánh được sự phong phú của những phong tục, lễ hội, truyền thuyết trên vùng đất tổ. Những di tích, sự tích lưu lại ở vùng đất này cũng là những minh chứng cho những thời kỳ lịch sử của dân tộc mà Phong Châu đóng vai trò trung tâm chính trị văn hóa trong quá khứ.

Vinh Phu

Vị trí các địa danh trong bài viết.

HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC
Rất không chính xác khi cho rằng những vị Hùng Vương được thờ ở vùng Phong Châu đều là hàng con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Thời đại Hùng Vương không phải bắt đầu từ vị Hùng Quốc Vương, con cả của Âu Cơ. Vị vua Hùng đầu tiên phải là Đế Minh, cháu 3 đời Viêm Đế Thần Nông, người mở sử Việt như được chép trong Truyện họ Hồng Bàng:
Cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần thú phương Nam, tới miền Ngũ Lĩnh, gặp con gái bà Vụ Tiên, đem lòng yêu thích, lấy về, sinh ra Lộc Tục.
Tại vùng Vĩnh Phú Đế Minh được thờ với cái tên Đột ngột Cao Sơn. Chính vị thờ ở đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ) có bài vị ghi Đột ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương. “Đột ngột” nghĩa là bất ngờ xuất hiện, ý nói tới người đầu tiên. Cao = Cả là từ chỉ thủ lĩnh. Sơn là núi, là quẻ Cấn trong Bát quái, chỉ phương Nam xưa (Bắc nay). Đột ngột Cao Sơn hiểu nôm na là vị vua đầu tiên của trời Nam. Vị vua đầu tiên của trời Nam, mở đầu 18 đời Hùng Vương thì phải là Đế Minh.

IMG_0176Hùng Vương miếu ở Đình Chu.

Ở xã Đình Chu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) có đình và miếu Hùng Vương, đặc biệt chỉ thờ riêng Đột Ngột Cao Sơn. Câu đối ở miếu Hùng Vương tại Đình Chu:
十 八 葉 璽 符南 國 初 頭 第 一
億 萬 年 香 火 西 天 上 等 最 靈
Thập bát diệp tỉ phù, Nam quốc sơ đầu đệ nhất
Ức vạn niên hương hỏa, Tây thiên thượng đẳng tối linh.
Dịch:
Mười tám đời ấn phù, nước Nam ban đầu thứ nhất
Ức vạn năm hương khói, trời Tây thượng đẳng tối linh.
Trời Tây được nói tới đây là vùng đất Phong Châu hay vùng Tây Thổ của các vua Hùng. Bản thân chữ Chu trong tên Đình Chu cũng có nghĩa là hướng Tây vì Chu = Châu = Chiêu = Chiều. Chu Đề (tên cũ của xã này) nghĩa nôm na là vị đế của vùng trời Tây. Đình Chu là cái “đình” hay nơi đóng quân phía Tây.
Đất Phong Châu là nơi Đế Minh đóng đô dựng nước đầu tiên nên còn gọi là Minh Đô. Còn Tây Thiên cũng là vùng đất của bà Tây Thiên Quốc Mẫu, vị nữ thần núi Tam Đảo. Tây Thiên Quốc Mẫu có tên Lăng Thị Tiêu, chính là “con gái bà Vụ Tiên” được nhắc tới trong chuyện của Đế Minh. Vùng chân núi Tam Đảo là phạm vi của tín ngưỡng thờ Tây Thiên Quốc Mẫu với hàng chục các di tích khác nhau. Cách không xa Hùng Vương miếu của xã Đình Chu là đền Đại Lữ (Đồng Ích, Lập Thạch, Vĩnh Phú), tương truyền là nơi Tây Thiên quốc mẫu đã tập hợp quân đội giúp vua Hùng đánh giặc. Như vậy Đình Chu chính là nơi tưởng nhớ sự gặp gỡ của vua Hùng Đế Minh với Tây Thiên quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, dẫn đến lập đô ở đất Phong Châu, mở ra thời đại Hùng Vương của người Việt.

P1210820Tam Đảo linh từ ở Đại Lữ.

Đế Minh cũng là Hoàng Đế Hiên Viên, người mở đầu của Hoa sử. Còn bà Tây Thiên là Mẫu chủ của Thiên phủ hay Cửu Thiên Huyền Nữ, cũng là Tây Vương Mẫu trong Đạo Giáo. Hoàng Đế và Tây Vương Mẫu được người Hoa và người Việt tôn là ông Trời, bà Trời vì là những vị tiên tổ đầu tiên khai sinh ra quốc gia, giống nòi.
Câu đối khác ở miếu Đình Chu:
西 州 堯 舜 垂 衣 日
南 粤 鴻 厖 拓 土 年
Tây Châu Nghiêu Thuấn thùy y nhật
Nam Việt Hồng Bàng thác thổ niên.
Dịch:
Tây Châu rủ áo ngày Nghiêu Thuấn
Nam Việt năm mở đất Hồng Bàng.
Thành ngữ “thùy y củng thủ” nghĩa là “chắp tay rủ áo”, chỉ sự cai trị thiên hạ một cách thái bình, yên vui. Nghiêu Thuấn là Đế Nghiêu và Đế Thuấn, những vị vua thời thịnh trị của cổ sử Trung Hoa. Tưởng là ở đây chỉ dùng điển ngữ để nói tới sự thịnh trị thời Hùng Vương, nhưng sự thực thì…
Truyện họ Hồng Bàng tiếp: Đế Minh thấy thế, lấy làm lạ, cho nối vua, nhưng Lộc Tộc cố nhường cho anh là Đế Nghi, không dám vâng mệnh. Đế Minh vì vậy lập Đế Nghi thay mình cai trị đất Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ.
Đế Nghi là Đế Nghiêu của Hoa sử, người đã tiếp ngôi Hoàng Đế – Đế Minh. Còn Lộc Tục, con của Đế Minh với dòng Vụ Tiên là Đế Thuấn. Đế Nghi và Lộc Tục hay Đế Nghiêu và Đế Thuấn được thờ ở vùng Phong Châu cùng với Đế Minh dưới tên Ất SơnViễn Sơn, như trong bài vị tại Đền Hùng (Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ). Người Việt tôn 3 vị vua Hùng đầu tiên này làm quốc tổ của mình, thành kính thờ cúng hàng năm trong quốc lễ.

P1210805Lịch Sơn (núi Sáng) và Lôi Trạch (hồ Suối Sỏi ở xã Lãng Công, Lập Thạch).

Lộc Tục hay Đế Thuấn là dòng của Tây Thiên quốc mẫu ở dãy Tam Đảo. Di tích còn lại ở đây khẳng định thêm điều này. Phía bắc liền dãy với Tây Thiên Tam Đảo là dãy Lịch Sơn, nằm giữa huyện Sơn Dương của Tuyên Quang và huyện Sông Lô của Vĩnh Phúc. Ngọn núi cao nhất của dãy Lịch Sơn là núi Sáng, trên có cánh đồng Bách Bung nơi Đế Thuấn đi cày và chân núi có hồ Lôi Trạch nơi Đế Thuấn bắt cá…
Như vậy tục thờ Hùng Vương ở vùng đất Phong Châu trước hết là thờ 3 vị thánh tổ khai mở đầu tiên của nước Nam gồm 2 dòng Nam và Bắc thời cổ. Đế Minh và Đế Nghi – Đế Nghiêu là dòng Viêm Đế Thần Nông ở phương nóng bức (phương Bắc xưa). Bà Tây Thiên và Lộc Tục – Đế Thuấn là dòng phương Nam xưa. Phong Châu là vùng Minh đô thời Hùng Vương, nơi hội tụ của 2 dòng Nam Bắc thời mở nước.

SƠN TINH – THỦY TINH
Sự tích về Tản Viên Sơn Thánh ở vùng Phong Châu không chỉ bó hẹp ở mỗi nhân vật Tản Viên. Đây là giai đoạn tiếp theo của thời Hùng Vương dựng nước trong Truyện họ Hồng Bàng:
Kinh Dương Vương có tài xuống Thủy Phủ, lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm, ấy là Lạc Long Quân, thay cha trị nước.
Kinh Dương Vương ở đây là Tản Viên Sơn Thánh, hay vua Đại Vũ, người đã nhận lại ngôi từ Đế Thuấn theo lối truyền hiền (con rể vua Hùng). Một số hành cung Tản Viên như đền Thính và đền Tranh (Yên Lạc) nằm trên đất Vĩnh Phúc. Quê hương Tản Viên là Lăng Xương ở Thanh Thủy, Phú Thọ.
Sơn Thánh sau khi được cây gậy thần đầu sinh đầu tử trên núi Tản đã cứu sống con rắn thần bên sông, là Thủy Tinh, con của Long Vương Động Đình. Đây là chuyện Kinh Dương Vương lấy Long Nữ Động Đình được kể đến, là sự kết hợp của Lạc tộc (Lộc Tục) với Long tộc để hội tụ đầy đủ 4 phương Đông Tây Nam Bắc trong buổi đầu dựng nước. Thần Long Hồng Đăng Ngạn, bà mẹ của Lạc Long Quân, được thờ là Mẫu Thoải trong tín ngưỡng Tứ phủ và có đền thờ riêng là đền Tiên Cát ở Việt Trì.

IMG_8998Đền Tiên Cát ở Việt Trì.

Diễn biến tiếp theo của thời kỳ này là sự xuất hiện của Lạc Long Quân. Truyện họ Hồng Bàng kể: Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Nhân khi phương Bắc vô sự, nhớ đến chuyện ông mình là Đế Minh đi tuần thú phương Nam gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn bảo kẻ bề tôi thân cận là Xuy Vưu, thay mình giữ nước, rồi đi tuần du nước Xích Quỷ ở phương Nam. Đến nơi, Đế Lai thấy Lạc Long Quân đã về Thủy Phủ, trong nước vô chủ, bèn để cho ái nữ Âu Cơ và những kẻ hầu hạ ở lại nơi hành tại, còn mình thì đi dạo chơi trong thiên hạ, xem khắp các nơi hình thắng. Thấy những hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, tê tượng đồi mồi, bạc vàng châu ngọc, tiêu quế nhũ hương, trầm đàn các vị, cùng sơn hào hải vật không thiếu một thứ nào. Bốn mùa khí hậu lại không lạnh không nóng, Đế Lai lòng yêu thích, quên cả chuyện về. Nhân dân nước Nam khổ vì cảnh phiền nhiễu, không được yên lành như xưa, ngày đêm mong Long Quân trở lại, bèn cùng nhau cất tiếng gọi rằng: “Bố ở nơi nao, hãy mau về cứu chúng con!”. Long Quân thoát nhiên trở về, thấy Âu Cơ đang một mình, dung mạo tuyệt mỹ. Long Quân lấy làm yêu thích, bèn hóa thành một chàng trai hình dáng xinh đẹp, tả hữu trước sau có đông đảo kẻ hầu người hạ, tiếng ca tiếng nhạc vang lừng đến nơi hành tại. Âu Cơ thấy Long Quân, lòng cũng xiêu xiêu. Long Quân đón về ở động Long Trang. Đến lúc Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần, biến hóa ra trăm hình vạn vẻ, nào yêu tinh quỷ mị, nào rồng rắn hổ voi, làm cho kẻ đi tìm sợ hãi không dám lục sạo, Đế Lai đành phải trở về phương Bắc.
Tản Viên Sơn Thánh do nhận ngôi từ dòng vua Hùng Đế Minh nên khi mất muốn truyền lại cho con cháu dòng này là Đế Lai. Đế Lai tức là Đế Lửa, hoặc còn gọi là Đế Ai, tức là Đế Hai (Ất, Ích, số 2 chỉ phương xích đạo). Đế Lai thuộc dòng tộc phương Nóng (phương Bắc xưa của Viêm Đế Thần Nông). Tuy nhiên, con của Tản Viên là Long Quân không đồng ý, đã làm ra cuộc chiến với Đế Lai để đoạt lấy nàng Âu Cơ (hình ảnh của vương vị). Nhờ sự trợ giúp của dòng tộc bên mẹ là Long Nữ Động Đình, Long Quân đã dành chiến thắng. Dòng Đế Lai thất bại phải bỏ xứ mà đi.
Dấu tích của cuộc nội chiến giữa 2 dòng tộc này được truyền thuyết ở vùng Vĩnh Phú kể lại dưới một loạt các hình ảnh:
– Âu Cơ và Lạc Long Quân thủy hỏa xung khắc, chia đàn con Bách Việt làm 2, kẻ lên rừng, người xuống biển.
– Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh đoạt Mỵ Nương (vương vị), gây ra cuộc chiến dữ dội liên miên.
– Vua Hùng đánh thắng giặc Thục với sự giúp đỡ của Sơn Tinh.
Trong nhóm sự tích về Sơn Tinh – Thủy Tinh có chuyện Hùng Hải trị nước như ở đình Đào Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ). Hùng Hải chính là Hải Lang Lạc Long Quân. Tam Công, ba người con của Hùng Hải là các vị quan lớn đã giúp Long Quân trong cuộc chiến Hùng – Thục. Những sự tích về các thủy thần, sinh ra trong một bọc trứng, giúp vua Hùng đánh Thục ở vùng Phong Châu về thực chất là chuyện Lạc Long Quân đánh dòng Đế Lai – Âu Cơ. Hai vị thần sông Bạch Hạc là Thổ Lệnh và Thạch Khanh cũng là 2 vị quan lớn đệ Tam và đệ Ngũ trong Thoải phủ, là những anh em đã giúp Lạc Long quân trong cuộc chiến Hùng Thục.

P1220064Tranh bơi thuyền rồng ở đền Tam Công tại Đào Xá.

Trong tam vị Tản Viên (Ba Vì) thì ngoài Tản Viên còn có các vị Cao Sơn và Quý Minh. Cao Sơn ở đây chỉ dòng Lạc tộc từ Tây Thiên quốc mẫu ở núi cao Tam Đảo phía Nam xưa. Còn Quý Minh là chỉ dòng dõi Long tộc của Long Nữ Động Đình vì Quý là số 3 (trong thứ tự Mạnh, Trọng, Quý), chỉ phương Đông, Thoải phủ (phủ Tam). Bản thân bà Mẫu Thoải gọi là Quý Nương.
Trong cuộc chiến Hùng – Thục dòng Đế Lai – Âu Cơ tuy thất bại, phải rời xứ nhưng cuộc chiến giữa 2 dòng tộc này như chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh vẫn xảy ra hàng năm không dứt. 1000 năm sau, kết thúc thắng lợi của Thục An Dương Vương trước Hùng Vương là sự tích Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi lập nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Đền thờ mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương (Phú Thọ). 2 dòng tộc Âu và Lạc lại một lần nữa hòa hợp thành nước Âu Lạc. Thục An Dương Vương lên ngôi ở núi Nghĩa Lĩnh, dựng cột đá thề thề trung thành nối tiếp cơ nghiệp của dòng họ Hùng từ Hoàng Đế Đế Minh.

LỮ GIA VÀ TRƯNG VƯƠNG
Sau nước Văn Lang của mẹ Âu Cơ có một quãng thời gian khá dài đất Phong Châu không đóng vai trò trung tâm chính trị của nước Nam. Phải tới khi nhà Triệu Nam Việt sụp đổ, Trưng nữ Vương phất cờ khởi nghĩa ở đất Phong Châu thì vùng đất này lại dày đặc những sự tích, di tích của cuộc khởi nghĩa kỳ lạ này.
Chuyện về khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Phong Châu phải kể từ thừa tướng nhà Triệu là Lữ Gia. Sau khi kinh đô của Nam Việt ở Phiên Ngung thất thủ Lữ Gia đã rút về vùng đất Phong Châu tiếp tục chống giặc. Những di tích của Lữ Gia gặp ở nhiều nơi hai bên bờ sông Lô, tương truyền là phòng tuyến cuối cùng của họ Lữ.
Một di tích thờ Lữ Gia là đình Sen Hồ (Thái Hòa, Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Căn cứ vào các sắc phong thì đình Sen Hồ thờ hai vị thành hoàng là:
1. Ông Nguyễn Triêu Lệ, tướng nhà Triệu
2. Bà An Bình Phu Nhân, tức bà Quý Lan là tướng của Trưng Trắc.
Nguyễn Triêu Lệ là tên thờ của Lữ Gia ở vùng Vĩnh Phúc.
Ở chính gian đình Sen Hồ có câu đối:
宮粧戚譜聫輝世紀二徴存野史
廟貌山容相映地隣三島壯神居
Cung trang thích phả liên huy, thế kỷ nhị Trưng tồn dã sử
Miếu mạo sơn dung tương ánh, địa lân Tam Đảo tráng thần cư.
Dịch:
Phả ngoại trang cung nối ngời, thời kỷ Hai Trưng còn dã sử
Dáng núi mặt đền cùng rọi, đất bên Tam Đảo mạnh nơi thần.
Thông tin của câu đối nói tới “thích phả”, nghĩa là gia phả dòng tộc bên ngoại. Bên ngoại ở đây là như thế nào? Liên quan gì tới Lữ Gia và vị phu nhân thời Hai Bà Trưng?
Nhà Triệu Nam Việt từ Triệu Vũ Đế tồn tại tới năm 111 TCN thì bị tướng Lộ Bác Đức của nhà Hiếu (Tây Hán) dẫn quân tấn công kinh đô Phiêng Ngung ở Quảng Đông. Lữ Gia cùng vua Triệu Vệ Dương Vương và gia quyến lên thuyền chạy về đất Giao Chỉ. Triệu Vệ Dương Vương bị truy sát, bị bắt giết ở vùng cửa sông Đáy đổ ra biển. Truyền thuyết Việt lưu giữ sự kiện này dưới truyện Triệu Quang Phục bị Lý Phật Tử đuổi, chạy tới cửa Đại Ác thì đi ra biển mà mất. Lữ Gia về vùng Phong Châu, chiến đấu một thời gian rồi cũng hy sinh.
Tuy nhiên, con gái Lữ Gia là Ả Lã, cũng là hoàng phi của vua Triệu đã nối tiếp ý chí của cha, dựng cờ khởi nghĩa ở cửa Hát thề đền nợ nước (Nam Việt) trả thù nhà (cho vua Triệu). Ả Lã là Trưng nữ Vương. Vì vậy Lữ Gia mới là dòng dõi bên ngoại được nói đến trong câu đối ở đình Sen Hồ. Cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương tại Phong Châu không phải chống lại nhà Đông Hán, mà là chống lại nhà Hiếu (Tây Hán) sau khi nước Nam Việt thất thủ.

P1250850Đình Sen Hồ và dải núi Tây Thiên.

Theo tư liệu của nhà nghiên cứu dân gian Lê Kim Thuyên tại Vĩnh Phúc:
Vào thời Triệu Võ đế huý là Đà, ở bộ Cửu Chân, huyện Lôi Dương, phủ Nghệ An có một gia đình ông họ Lữ tên huý là Tạo, có nghề làm thuốc trị bệnh cứu người. Vợ là con gái nhà họ Trương tên là Châu, gọi là Trương Thị Ninh người bộ Vũ Ninh (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Hai người sinh được 07 người con nhưng đều đã mất sớm. Đến năm ông ở tuổi 60, mới sinh tiếp một con trai vào ngày 10 tháng 02 năm Tân Hợi (?), đặt tên là Gia. Khi lớn lên lại đặt tên là Lệ. Đến năm 15 tuổi thì cha mẹ đều qua đời…
Bởi thế ông mới qua bờ Bắc sông Nhĩ Hà đến nhờ người cậu ruột là Trương Viêm. Được tròn 03 năm, ông Viêm bị người bộ trưởng ở Vũ Ninh là Đào Trịnh mưu sát hại, chí muốn báo thù nhưng vì tuổi còn nhỏ, sức mỏng nên chưa thể làm nổi. Bởi vậy mới chuyển đến ở đất Ô – Lí thuộc Lâm Ấp, nương nhờ vào vị Thiền sư chùa Hoàng Long đạo hiệu là Huyền tông.
Ở đất Ô – Lí Gia ngày đêm vẫn mưu tính báo thù cho người cậu. Tự thân ông khổ công không nguôi, mới chiêu nạp được độ vài trăm người nghĩa binh, rồi dùng thuyền từ Linh Giang huyện Chí Linh tiến xuống cửa sông Bạch Đằng, bỏ thuyền lên bờ, gặp ngay bọn Đào Trịnh ở khe núi Chung Sơn. Ông hăng hái tiến đánh một trận giết chết bọn chúng. Rồi ông quay trở lại chỗ nhà người cậu, bàn bạc với người nhà làm lễ tế cậu chu tất. Rồi mới trở lại đất Lâm Ấp. Rồi cũng ở Lâm Ấp, ông kết hôn với 02 con gái nhà bộ trưởng đất ấy họ Hùng là Lâu Bảo Hoa và Nhĩ Bảo Hoa, rồi xin trở về quê nhà…
Đoạn tư liệu trên cung cấp thông tin liên quan giữa Lữ Gia với họ Trương. Đây là liên hệ để sau đó có cuộc khởi nghĩa của Trương Hống, Trương Hát hay Nhị Trưng Vương, là con của tể tướng Lữ Gia. Đoạn trên cũng đề cập tới quan hệ giữa Lữ Gia với đất Lâm Ấp. Chuyện này được kể đến trong sự tích Lý Phục Man, người đã đánh dẹp Lâm Ấp thời Tiền Lý. Lý Phục Man cũng là một cách kể khác của câu chuyện về Lữ Gia nhà Triệu.
Tể tướng Lữ Gia còn được truyền thuyết Việt lưu giữ dưới tên Đỗ Động tướng quân, tức tướng quân Đỗ Cảnh Thạc. Ở Vĩnh Phúc có khu vực đình Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) thờ 6 vị thành hoàng là:
– Chính vị: Ngô Xương Ngập (Thiên Sách hoàng đế) và mẹ (Linh Quang thái hậu)
– Đông vị: Ngô Xương Văn (Quốc vương thiên tử) và vợ (Ả Lã nương nương)
– Tây vị: Đỗ Cảnh Thạc và vợ (Thị Tùng phu nhân)
Khu vực Vĩnh Phúc không phải là vùng đất liên quan tới nhà Ngô của Ngô Quyền. Nhà Ngô ở đây là chỉ Phiên Ngô, Phiên Ngu ở phía Bắc, tức nhà Triệu Nam Việt. Nhận diện những vị thành hoàng được thờ ở cụm di tích Tam Canh như sau:
– Đỗ Động tướng quân là thừa tướng Lữ Gia. Di tích thành Quèn ở Quốc Oai (Hà Nội) với những di vật thời Hán xác nhận việc này.
– Ả Lã Nương Nương, chính xác hơn là Ả Lã Nương Đề, hay Ả Lữ Lang Tề, chính là Trưng Vương họ Lữ làm thủ lĩnh phương Tây (Lang Tề = Lang Tây hay Tây Vu Vương).
– Ngô Xương Văn chồng của Ả Lã như vậy ứng với vua Triệu Vệ Dương Vương.
– Linh Quang thái hậu chỉ Thái hậu Cù Thị của nhà Triệu, hay nàng Cảo Nương trong truyền thuyết Triệu Quang Phục, liên quan tới cái móng rồng (Linh Quang thần trảo) bị đánh tráo.
– Ngô Xương Ngập ở đây như vậy là Triệu Ai Vương, con của Cù hậu.
Di tích và tục thờ các nhân vật triều Ngô ở Tam Canh như vậy là gợi ý để xác định lại thông tin về nhà Ngô trong sử Việt, thực chất là chuyện của nhà Triệu nước Nam Việt.
Hai Bà Trưng đóng đô ở Mê Linh, không phải chỉ là vùng huyện Mê Linh ngày nay. Mê Linh đọc thiết âm là Minh, là vùng Minh đô của vua Hùng từ thời Đế Minh dựng nước. Mê Linh là đất Phong Châu của thời Hùng Vương. Vùng đất Tây Thổ Phong Châu, từ Minh Đô của vua Hùng đến Mê Linh của Trưng Vương là nơi ghi dấu của những triều đại, những cuộc khởi nghĩa, đấu tranh dựng nước và giữ nước oanh liệt trong lịch sử nước Nam.

Tể tướng Lữ Gia

Bài viết của nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên ở Vĩnh Phúc.

Có môt thời kì lịch sử mà giới sử học Việt Nam tranh cãi là có nên chép vào lịch sử nước Việt Nam hay không, đó là kỉ Nhà Triệu của Triệu Đà. Ở thế kỉ XV Nguyễn Trãi viết câu đầu trong bài Bình Ngô đại cáo:
 … Xét như nước Đại Việt ta
Thực là một nước văn hiến
Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Trải Triệu, Đinh, Lí, Trần, Lê nối đời dựng nước
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt không bao giờ thiếu.
Sang thế kỉ XVIII, nhà sử học Ngô Thì Sĩ trong sách “ Việt sử tiêu án” lại chưa tán đồng quan điểm này. Nhưng đó là truyện của lịch sử.

1. Nước Nam Việt của Triệu Đà
Họ Triệu, tên là Đà là viên quan uý, người huyện Chân Định nước Hán,  nhân lúc nhà Tần ở phía bắc suy yếu đã nổi dậy cướp lấy đất Quế Lâm và Tượng quận, tự lập làm Nam Việt Vũ vương, xưng đế đóng đô ở Phiên Ngung tức đất Quảng Châu Trung Quốc ngày nay. Đất đai của Đà  chiều ngang có hàng vạn dặm, gồm cả đất đai của nước Âu Lạc thời Thục An Dương vương, đi xe mui lụa màu vàng, cắm cờ tả đạo, mệnh gọi là “ chế”, chẳng kém gì hoàng đế Trung Hoa. Truyền 05 đời làm vua: Trỉệu Vũ vương ( 207-136Tcn), Triệu Văn vương ( 136-124Tcn), Triệu Minh Vương (124-112Tcn), Triệu Ai vương (112Tcn), Triệu Thuật Dương vương ( 111Tcn). Việt sử thông giám tổng luận của Lê Tung in lên đầu sách Toàn thư của họ Ngô có đoạn viết: Triệu Vũ đế nhân loạn nhà Tần, chiếm lấy đất Lĩnh Biểu, đóng đô ở Phiên Ngung, cùng với Hán Cao Tổ, đều làm đế một phương; có lòng nhân thương dân, có mưu trí giữ nước. Vũ công khiến Tàm Tùng phải kính sợ, văn giáo khiến Tượng quận được chấn hưng, lấy thi thư mà biến đổi tục nước, lấy nhân nghĩa mà cố kết lòng người, dạy dân cày trồng, nước giầu binh mạnh, đến như các việc sai sứ (sang nhà Hán) thì lời lẽ khiêm tốn, Nam Bắc chung vui, thiên hạ vô sự, hưởng nước hơn trăm năm, đúng là bậc vua anh hùng tài lược. Còn có một nhân vật lịch sử thời thời nhà Triệu trước công nguyên được nhắc đến nhiều ở huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay, đó là ông Lữ Gia, vị tể tướng thuộc kỉ nhà Triệu.
Vậy ông là ai?

2. Ông Lữ Gia là người Việt
Vào thời Triệu Võ đế huý là Đà, ở bộ Cửu Chân, huyện Lôi Dương, phủ Nghệ An có một gia đình ông họ Lữ tên huý là Tạo, có nghề làm thuốc trị bệnh cứu người. Vợ là con gái nhà họ Trương tên là Châu, gọi là Trương Thị Ninh người bộ Vũ Ninh (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Hai người sinh được 07 người con nhưng đều đã mất sớm. Đến năm ông ở tuổi 60, mới sinh tiếp một con trai vào ngày 10 tháng 02 năm Tân Hợi (?), đặt tên là Gia. Khi lớn lên lại đặt tên là Lệ. Đến năm 15 tuổi thì cha mẹ đều qua đời, mà nhà thì quá nghèo nàn, chẳng có gì lo việc tang ma. Mới tự than rằng: Cha ta có tài, làm thuốc chữa được hàng nghìn con người, thế mà chẳng thể cứu được bệnh nghèo của con mình. Người xưa có câu rằng “ lương y chi tử, tất tử hồ”, nghĩa là chữ “ tử” là con của lương y cũng đồng nghĩa với chữ “ tử” là chết vậy!
Bởi thế ông mới qua bờ bắc sông Nhĩ Hà đến nhờ người cậu ruột là Trương Viêm. Được tròn 03 năm, ông Viêm bị người bộ trưởng ở Vũ Ninh là Đào Trịnh mưu sát hại, chí muốn báo thù nhưng vì tuổi còn nhỏ, sức mỏng nên chưa thể làm nổi. Bởi vậy mới chuyển đến ở đất Ô – Lí thuộc Lâm Ấp, nương nhờ vào vị Thiền sư chùa Hoàng Long đạo hiệu là Huyền tông.
Ở đất Ô – Lí Gia ngày đêm vẫn mưu tính báo thù cho người cậu. Tự thân ông khổ công không nguôi, mới chiêu nạp được độ vài trăm người nghiã binh, rồi dùng thuyền từ Linh Giang huyện Chí Linh tiến xuống cửa sông Bạch Đằng, bỏ thuyền lên bờ, gặp ngay bọn Đào Trịnh ở khe núi Chung Sơn. Ông hăng hái tiến đánh một trận giết chết bọn chúng. Rồi ông quay trở lại chỗ nhà người cậu, bàn bạc với người nhà làm lễ tế cậu chu tất. Rồi mới trở lại đất Lâm Ấp. Rồi cũng ở Lâm Ấp, ông kết hôn với 02 con gái nhà bộ trưởng đất ấy họ Hùng là Lâu Bảo Hoa và Nhĩ Bảo Hoa, rồi xin trở về quê nhà.
Ở quê được 02 năm thì gặp lúc Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) thăng hà, Triệu Văn vương lên nối nghiệp (136 Tcn), các châu quận cử những người ngay thẳng, có trình độ hiếu liêm (người có học hạnh mà do địa phương tiến cử), văn võ đầy đủ học vấn rộng rãi về bộ Cửu Chân cùng dự thi tuyển ở trường Nghệ An. Đến khi vào gặp nhà vua, ông lại có tài ứng đối nên được phong làm chức “Thị tòng tham quan” dùng để rèn luyện nghi thức chính sự trong triều. Lại kiêm chức “Đốc lĩnh thuỷ đạo Long chu, tả súy đô thống chế đại vương”. Sáu năm sau, lại được bái phong làm tể tướng (Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên chép, vào năm 124 Tcn Minh vương nhà Triệu lấy Lữ Gia làm chức Thái phó, tức là vào hàng “tam công” của triều đình nhà Triệu). Bia đền Cả xã Liễn Sơn chép: Cùng với Triệu Minh vương, vua tôi hợp đức, thiên hạ thái bình, muôn dân no đủ, bốn biển yên vui phồn thịnh, Triệu Minh vương vì ông có công nên ban cho một chiếc búa “phủ việt”, tỏ ý trường tồn cùng đất nước.

3. Vai trò của Lữ Gia trong triều đình nhà Triệu
Về việc này, Sử kí của Tư Mã Thiên chép khá tường tận: Lữ Gia là thừa tướng 03 đời vua, tuổi cao, chức trọng. Họ hàng làm quan trường lại đến hơn 70 người. Con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em tôn thất của vua, lại thông gia với Tần vương ở Thương Ngô. Ông ở trong nước rất được tôn trọng. Người Việt tin ông, nhiều người làm tai mắt cho ông. Ông được lòng dân hơn vương.

4. Những lục đục trong triều đình
Năm 113 Tcn, Minh vương khi còn làm thế tử, sang làm con tin cho nhà Hán ở Trường An có lấy người con gái họ Cù ở Hàm Đan. Đến khi về nước lên ngôi, giấu ấn của tiên đế là Triệu Đà, dâng thư sang nhà Hán xin lập Cù thị làm hoàng hậu, Hưng làm thế tử. Năm ấy Minh ương mất, con thứ là Hưng lên nối ngôi, tức là Ai vương, tôn mẹ làm thái hậu.
Khi trước, ở nước Hán, khi chưa lấy Minh vương, hậu đã từng thông dâm với người ở Bá Lăng họ tên là An Quốc Thiếu Quý. Năm này, nhà Hán sai Thiếu Quý sang dụ nhà vua và thái hậu vào chầu. Khi ấy vua còn ít tuổi, Cù hậu đến là người Hán, Thiếu Quý đến lại tư thông. Người trong nước biết, phần nhiều không theo thái hậu. Thái hậu sợ loạn nổi, muốn dựa uy nhà Hán, nhiều lần khuyên vua và các quan xin nội phụ nhà Hán. Bèn nhờ sứ giả dâng thư, xin theo như các chư hầu ở trong, cứ 03 năm một lần vào chầu, triệt bỏ cửa quan ở biên giới.
Năm 112 Tcn, thái hậu đã sửa soạn hành trang lễ vật quý giá để vào chầu, Lữ Gia nhiều lần dâng thư can ngăn, vua không nghe, nhân thế có lòng muốn phản lại thái hậu, thường cáo ốm không tiếp sứ giả nhà Hán. Sử Toàn thư chép tiếp: Các sứ giả nhà Hán, đều chú ý đến Gia, nhưng chưa thể giết được. Vua và thái hậu cũng sợ bọn Gia khởi sự trước, muốn nhờ sứ giả nhà Hán trù mưu giết bọn Gia. Thái hậu bày tiệc rượu mời sứ giả đến dự, các đại thần đều ngồi hầu rượu. Em Gia làm tướng, đem quân đóng ở ngoài cung. Tiệc rượu mới bắt đầu, thái hậu bảo Gia rằng: Nam Việt nội thuộc (Trung Quốc) là điều lợi cho nước, thế mà tướng quân lại cho là bất tiện là tại sao? Cốt để chọc tức sứ giả. Sứ giả còn đang hồ nghi, chần chừ chưa dám làm gì. Gia thấy tai mắt họ có vẻ khác thường, lập tức đứng dậy đi ra. Thái hậu giận muốn lấy giáo đâm Gia, vua ngăn lại. Gia bèn ra chia lấy quân lính của em dẫn về nhà, cáo ốm không chịu gặp vua và sứ giả. Ngầm cùng các đại thần mưu làm loạn. Vua vẫn không có ý giết Gia. Gia cũng biết thế, vì vậy đến mấy tháng không hành động gì. Thái hậu muốn một mình giết Gia nhưng sức không làm nổi.

5. Binh biến trong triều đình
Trước tình trạng đó, thiên tử nhà Hán sai Hàn Thiên Thu và em của Cù thái hậu là Cù Lạc đem 2000 quân tiến vào đất Việt. Thấy vậy, Lữ Gia  bèn hạ lệnh cho người trong nước biết rằng: “Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu vốn là người Hán lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán, đem hết đồ châu báu của tiên vương (Triệu Đà) dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, đem theo nhiều người đến Trường An rồi bắt bán cho người ta làm đầy tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời”. Bèn cùng với em đem quân đánh, giết vua và thái hậu, cùng tất cả bọn sứ giả nhà Hán, rồi sai người đi báo cho Tần vương ở Thương Ngô và các quận ấp, lập con trưởng của Minh vương là Thuật Dương hầu Kiến Đức làm vua, gọi là Thuật Dương vương vào năm 111 Tcn.

6. Phá Hàn Thiên Thu
Tháng 11 mùa đông, quân của Hàn Thiên Thu đã vào cõi, đánh phá một vài ấp nhỏ. Lữ Gia bèn mở một đường thẳng để cắp lương cho quân. Khi quân của nhà Hán đến còn cách Phiên Ngung 4o dặm (mỗi dặm bằng 444,44m), thì Lữ Gia xuất quân đánh giết được bọn Hàn Thiên Thu. Sai người đem cờ tiết sứ giả của Thiên Thu cho vào hòm để ở trên núi Tái Thượng (tức là đèo Đại Dũ), dùng lời khéo để tạ tội vói thiên tử nhà Hán, mặt khác, lại phát binh giữ các chỗ hiểm yếu,  lập trận, chất đá ở giữa sông gọi là Thạch Môn.

7. Thế yếu bại binh
Nghe tin sứ giả Hàn Thiên Thu bị giết, Hán Vũ đế sai Phục ba tướng quân Lộ Bác Đức xất phát từ Quế Dương; Lâu thuyền tướng quân xuát phát từ Dự Chương; Qua thuyền tướng quân tên là Nghiêm xuất phát từ Linh Lăng; Hạ lại tướng quân tên là Giáp đem quân xuống Thương Ngô; Trì Nghĩa hầu tên là Quý đem quân Dạ Lang xuống sông Tường Kha, đều hội ở cả Phiên Ngung.
Mùa đông năm 111 Tcn, tướng Hán là Dương Bộc đem 9000 quân tinh nhuệ vay hãm Tam Hiệp, phá tan trận Thạch Môn, lấy được thuyền thóc của Nam Việt, kéo luôn cả các thuyền ấy đi, đem mấy vạn người đợi Lộ Bác Đức. Bác Đức cùng Bộc hội quân tiến đến Phiên Ngung. Bấy giờ Bác Đức có hơn 1000 người cùng tiến với số quân đi trước của Dương Bộc, gặp vương và Lữ Gia đang giữ thành. Dương Bộc tự chọn chỗ thuận tiện ở mặt đông nam, Bác Đức đóng ở mặt tây bắc. Vừa chập tối, Dương Bộc đánh bại quân Triệu, phóng lửa đốt thành. Bác Đức không biết quân trong thành nhiều hay ít, bèn đóng doanh, sai sứ chiêu dụ. Ai ra hàng đều được Đức cho ấn thao và tha cho về để chiêu dụ nhau. Dương Bộc cố sức đánh, đuổi quân Triệu chạy ngược vào dinh quân của Lộ Bác Đức. Đến tờ mờ sáng thì trong thành đầu hàng. Vua và Lữ Gia cùng vài trăm người đang đêm chạy ra biển. Bác Đức lại hỏi những người đầu hàng biết chỗ ở của Lữ Gia bèn sai người đuổi theo.
Về phần này bản ngọc phả ở đình Nhân Lạc chép: Nước Việt đã mất, ông mưu tính việc khôi phục, mới đem theo số nghĩa binh mới mộ vài nghìn người, giữ vững miền thượng lưu sông Lô, cùng với hai phu nhân đóng doanh riêng cố thủ. Dựa vào thế hiểm của núi Long Động trên núi Thét (núi ở xã Quang Yên huyện Sông Lô) bí mật lẻn ra đánh tập kích quân Hán. Quân Hán mấy lần bị thua, buộc phải trở lại kinh thành, Lộ Bác Đức sai người kết giao với bộ tướng của ông là Chu Năng, bàn với Năng phản lại ông, hứa rằng sau sẽ cho Năng làm Toàn Việt vương. Năng cùng quân Hán đánh lại ông ở bên sông Nhân Mục trên sông Lô, nhưng trận chẳng thành. Chu Năng lại theo đường núi Lãng Sơn (núi Sáng) đánh úp, ông phải rút lui về bến Bạch Hạc (Phong Châu) đóng quân. Ngày hôm sau, Lộ Bác Đức đem quân đến vây, quân giặc cả bốn bề xông lên. Ngựa không còn dùng được quân Việt tán loạn, chỉ còn một mình ông tả xung hữu đột, thế khó đương nổi. Ông mới ngửa mặt lên giời than rằng:
出師為捷申先死
長史英雄淚滿衾
Xuất sư vi tiệp, thân tiên tử
Trường sứ anh hùng lệ mãn khâm.
Nghĩa là:
Ra quân chưa thắng, thân đã chết
Khiến bậc anh hùng lệ chứa chan.
Ông đánh tiếp một hồi, liền sau đó ông bị một viên tướng Hán chém một đao sát thương ngay trong trận. Lữ Gia chết, nước Nam Việt cũng mất.
Bình luận về việc này, trong sách Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận in lên đầu sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư của sử thần Ngô Sĩ Liên do Lê Tung biên soạn có đoạn: Minh vương buổi đầu nối nghiệp, yên vui buông thả. Cù Hậu được yêu, vợ Việt bị bỏ, trong nước không hoà, kỉ cương đại loạn. Ai vương tuổi ấu thơ, chưa biết lẽ trị nước, mẫu hậu kiêu dâm, quyền thần chấp chính, mà cơ nghiệp họ Triệu rút cuộc lụn bại. Thuật Dương vương là anh Ai Vương, lập nên bởi tay quyền thần, trí kém sức yếu, giặc mạnh xâm lấn mà cơ đồ nhà Triệu từ đấy xụp đổ. Xét tai hoạ của Ai Vương, tuy ở Lữ Gia, nhưng thực ra là do ở Minh Vương yêu chiều Cù Hậu mà gây ra. Nữ sắc làm nghiêng đổ nước nhà như thế, phải lấy làm răn.
Bình luận như thế là đúng với thời cục lúc đó của triều đinh nhà Triệu, nhưng có phần khe khắt với Lữ Gia vì dù sao ông cũng chỉ là vị tướng già có lòng rất biết tự tôn và xả thân vì nước đến cuối cùng.
Từ đó, nhà Hán lấy nước Nam Việt chia làm 09 quận là: Nam Hải (quận của nhà Tần, sau là đất Quảng Đông của nhà Minh). Thương Ngô (nhà Đường gọi là Ích Châu, xưa là đất Âu Lạc, đất của nước Việt ta). Uất Lâm (nhà Tần là quận Quế Lâm, Hán Vũ đế đổi là tên này). Hợp Phố (nhà Tần là Tượng Quận, đời Minh thuộc Liêm Châu). Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (đều là Tượng Quận đời Tần). Châu Nhai, Đạm Nhĩ (nay là vùng đất đảo Hải Nam). Bắt đầu đặt chức Thứ sử cai trị một châu, Thái thú cai trị một quận. Quận là cấp dưới của châu.

8. Câu truyện hậu Lữ Gia ở Sông Lô
Truyện trong ngọc phả đình làng Nhân Lạc chép lại rằng: Sau khi bị một viên tướng Hán chém một nhát trọng thương, Ông Lữ Gia vẫn cứ tả xung hữu đột phá vòng vây, chạy đến thôn Lữ Chỉ huyện Thiên Bản (nay thuộc tỉnh Nam Định), gặp một bà lão. Ông mới hỏi rằng:
– Từ xưa đến nay, nguời không có đầu sống được chăng?

Bà lão liền trả lời:
– Người ta có sống được là nhờ ở thân thể được toàn vẹn. Chưa từng nghe thấy người không có đầu mà có thể sống được bao giờ!
Bà lão vừa nói dứt lời, ông từ trên mình ngựa thét lên một tiếng, rồi nói:
一言封得英雄骨
萬古遺來恨淚長
Nhất ngôn phong đắc anh hùng cốt
Vạn cổ di lai hận lệ trường.
Nghĩa là:
Một lời nói đổ xương anh kiệt
Muôn năm mắt lệ hận còn dài.
Nói xong đổ gục ngay xuống chỗ đất ấy. Trong chốc lát mối đã đùn lên thành ngôi mộ lớn. Nhân dân thôn Lữ Chỉ dựng ngôi miếu thờ cúng ông. Sau khi Tể tướng đa hi sinh nơi chiến trường, như các tổng, huyện, xã nơi ông từng đi qua từ nơi chiến trận, những địa phương ngựa chạy máu rơi đầm đìa, nhân dân đều lập đền thờ phụng. Người đời sau có thơ vịnh rằng:
生為名將死為忠臣
萬古綱常係一身
江上土堆秋月桉影
往來人說呂公墳
Sinh vi danh tướng, tử vi trung thần
Vạn cổ cương thường hệ nhất thân
Giang thượng thổ đôi thu nguyệt ảnh
Vãng lai nhân thuyết Lã công phần.
Nghĩa là:
Sống là danh tướng, chết làm trung thần
Muôn thủa cương thường một tấm thân
Gò đống trên sông trăng sáng tỏ
Người qua ngắm mãi Lã công phần.
Truyền thuyết ở huyện Sông Lô kể lại rằng: Khi Lữ Gia chết trận, có một con  “chó ngao” ngậm lấy đầu, chạy đến đầu núi trang Yên Thiết (tức núi Thét), liền bị thần núi ấy hiện lên lấy lại, chôn cất ở phía nam núi ấy.
Do là con “ chó ngao” là con vật mà ông rất yêu mến. Phàm mỗi khi hành quân hay dừng lại ở đâu, đều dắt theo “ chó ngao” cùng đến đó. Cho nên khi ông bị chém, con “ chó ngao” cảm nhớ ơn đức ấy, ngậm lấy đầu mà chạy trốn đi, đến khi thần núi lấy lại, chôn cất ở phía Nam núi ấy, con “chó ngao” tự vẫn chết. Ngày hôm ấy xã Yên Thiết lập miếu thờ phụng, gọi là ‘Đền Am”, địa điểm ở xứ “Gò Chùa”, di tích đến nay hãy còn. Năm 2012. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp băng di tích LS – VH cấp Tỉnh – Thành phố.
Lại nói, hai phu nhân họ Hùng của ông cùng với ba thị nữ đem 300 quân đi trên 05 chiếc thuyền theo sông Lô mà theo sau. Đến làng Thượng Nha, Hạ Nha huyện Phù Khang (nay là Phù Ninh) rồi đỗ lại đấy. Đó là ngày 12 tháng 05. Vừa thiêm thiếp đi, hai bà bỗng thấy một người học trò, mình mặc áo xanh, tay cầm cờ vuông có đề chữ rằng:
天本瀘江已顯神
扶康立石望邊津
Thiên Bản, Lô Giang dĩ hiển thần
Phù Khang, Lập Thạch vọng biên tân.
Nghĩa là:
Thiên Bản, Lô Giang đã hiển thần
Phù Khang, Lập Thạch ngóng bên sông.
Chính phu nhân choàng tỉnh dậy mới biết là vừa nằm mơ. Hai phu nhân phán đoán chưa rõ là điềm gì thì ngay lúc đó dời thuyền lên bờ ở bến Thượng Nha, truyền binh sĩ thiết lập đồn luỹ doanh trại đợi tin tức. Đến ngày 30 tháng 05 bỗng thấy quân Hán kéo đến ngày một mhiều, cờ xí rợp đất, khí giới đầy trời, rồi vây kín hai phu nhân vào giữa. Hai phu nhân không thể giải vây, ứa nước mắt mà than rằng: Tướng công ở nơi nao, nay sự việc xảy ra với thiếp là cùng đường rồi.
Tin tức ngầm cũng không thông do những người qua lại đưa tin đều bị quân Hán giết chết. Đến giữa canh ba đêm đó, bỗng thấy mưa to gió lớn nổi lên kín trời, sấm vang dậy đất, thấy ông từ phương đông bắc lọt vào giữa vòng vây của quân Hán, gặp gỡ hai phu nhân nói cho biết rằng ông đã bị quân Hán giết hại rồi. Nay hai phu nhân lại bị vây khốn ở nơi đây, cho nên hiển linh để cứu giúp.
Giờ dần (03 – 05 h) ngày hôm sau, ông sai một đạo quân thuỷ đến tổng Nhân Mục lấy 10 con trâu đem về doanh trại ở Thượng Nha, mở tiệc khao quân. Lại giết ba con gà trống, lấy máu ăn thề, cùng nhau giết giặc để rửa sạch mối hận anh hùng. Xong tiệc khao quân, ông biến thành đám sương trắng bay ngang qua sông từ bến Nhân Mục đến bến Thượng Nha thẳng lên trời. Rồi lại thấy ông cưỡi ngựa, đội mũ hoa, thân mang giáp, tay cầm thương vàng dài 10 thước từ trên không trung miệng thét lớn xuống dưới quân Hán:

-Ta sinh làm tôi trung, chết làm thần. Ngày nay chúng bay sao phản lại được ta, thát sao khỏi lưới trời!
Nói xong ông cầm đao “ thất hoả” xông vào giữa vòng vây quân Hán, chém tướng Hán là Chu Năng và các quân sĩ tới hơn trăm người. Quân Hán rối loạn ở sông Lô, phải rút lui tan tác. Rồi ông bay lên không mà đi.
Đến vùng trên bến sông Nhân Mục, bỗng thấy có hai chiếc thuyền con, hai phu nhân bước lên thuyền rồi nhìn theo. Bỗng thấy chiếc thuyền bị vỡ ra một mảnh, phu nhân nhặt lấy nhìn xem chỉ thấy 04 chữ “phục ẩn thánh thần” (dấu ở trong có thánh thần), hai phu nhân cảm tưởng như có dẫn đường mới trở lại bến Thượng Nha, đến giữa dòng mới cùng nhau nhảy xuống sông tự vẫn.
Dân hai bên bến sông lập miếu phụng thờ hai bà. Bốn thôn Thượng Nha, Hạ Nha huyện Phù Khang lập đền chính. Đền miếu nơi đây linh ứng rõ ràng. Hàng năm cúng giỗ chính vào ngày 01 tháng 06.

Còn như đầu của ông, từ khi chó ngao ngậm lấy, về sau máu chảy thấm những nơi chạy qua, tất cả đều lập miếu thờ. Còn ở Phong Châu nơi chính sảy ra chiến trận xưa, nhân dân lập đền thờ phụng. Lễ chính vào ngày 20 tháng 05.
Khi trở về trang Nhân Mục huyện Lập Thạch (nay là huyện Sông Lô), sau khi ông mất, dân lập lại đền thờ chính, huý là Nguyễn Triêu Lệ đại vương. Lệ tiệc giỗ chính vào ngày 10 tháng 05.
Xã Yên Thiết tổng Bạch Lưu nơi mộ chính chôn đầu ông, lập miếu thờ phụng. Còn các xã của tổng Đạo Kỉ, tổng Nhân Mục, các xã tổng Bạch Lưu nơi máu chảy đều lập miếu thờ. Các di tích hiện còn.
Đời sau có thơ vịnh rằng:
生為忠將死為神
萬古綱常舊更新
夫婦一心同此節
留傳祠宇兩邊津
Sinh vi trung tướng, tử vi thần
Vạn cổ cương thường cựu canh tân
Phu phụ nhất tâm đồng thử tiết
Lưu truyền từ vũ lưỡng biên tân.
Dịch là:
Sống làm trung tướng, chết làm thần
Muôn thủa cương thường chẳng đổi thay
Chồng vợ một lòng cùng khí tiết
Lưu tuyền đền miếu hai bên sông.
Cũng vì sự tích ông chọn lấy 10 con trâu ở tổng Nhân Mục mở tiệc khao quân, mà ở tổng này có tục giết trâu hiến tế. Sử sách ghi lại rằng: Xã Bạch Lưu Hạ huyện Lập Thạch , hàng năm nuôi 20 con trâu, cứ ngày 18 tháng giêng hoặc ngày 28 tháng 12 đặt đàn tế thần ở ngoài nội, cho trâu uống rượu, rồi lùa vào trong cái chuồng có tường đất xung quanh cho trâu chọi nhau, con nào bị thua thì giết lấy thịt để tế thần.
Còn làng Nhân Mục có tục thi bơi để tưởng lệ hai phu nhân. Có ngôi “đền Bơi” để tổ chức các cuộc thi bơi đó.
Năm 2002, tục hội chọi trâu đẫ được khôi phục lại, gọi là “Hội chọi trâu xã Hải Lựu” để tưởng nhớ Lữ Gia. Tổ chức vào ngày 17 tháng giêng, có bài chúc văn làm theo lối mới tuyên đọc rất nhiều ý nghĩa. Bài văn ấy có đoạn mở đầu như thế này:
Nhớ Đại vương xưa,
Sinh vi tướng, tử vi thần
Đức sánh càn khôn, tài xoay vũ trụ.
Trung dũng vẹn toàn, võ văn gồm đủ.
Lòng trung ái trong triều, ngoài nội, thương xót muôn dân
Chí kinh luân dọc đất, ngang trời, giúp vì nước Tổ.
Bao trận sông Lô sôi nổi, giặc Hán hồn kinh
Mấy năm núi Thét vang lừng, trời Nam mặt tỏ.
Dư uy mặt nước réo ầm ầm
Chính khí đỉnh non soi rực rỡ.
Đầu dẫu mất, thề không thua giặc, một thời lẫm liệt oai động lân bang
Kiếm chưa mòn, sông núi reo thiêng, danh truyền lịch sử…
Sơn Đông. Ngày 30 tháng 08 năm 2011

Tài liệu chính dùng để viết bài:
1. SỬ KÝ. Tư Mã Thiên.  Đời Hán (Trung Hoa).
2. ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ. Ngô Sĩ Liên. Thế kỉ 15.
3. Việt sử tiêu án. Ngô Thì Sĩ. Thế kỉ 18.
4. Bia thần tích Đền Cả xã Liễn Sơn Huyện Lập Thạch, Có tên: VIỆT THƯỜNG THỊ ĐẠI LA THÀNH PHÙ KÍ TỨC HÀ THƯỢNG CỔ ĐẠI PHU HỰU PHỤ MINH PHU NHÂN NGỌC PHẢ CỔ LỤC CHÍNH BẢN.
5. Ngọc phả đình Nhân Lạc xã Đôn Nhân huyện Sông Lô: VIỆT THƯỜNG ĐẠI LA THÀNH DŨNG THÁNH ĐẠI VƯƠNG NGỌC PHẢ CỔ TRUYỀN.

Địa chỉ:  Thôn Quan Tử xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc.
ĐT;  02113828069. DĐ:  0984550547. Email: thuyenlk@gmail.com