Khảo cứu mới về Hoa Lư tứ trấn

Cố đô Hoa Lư của thời Đinh Lê tại Ninh Bình có 4 vị thần được tôn là Tứ trấn, tương tự như ở đất Thăng Long. Hiện nay việc sắp xếp trấn phương của các vị thần này như sau: Trấn Đông là thần Thiên Tôn, Trấn Tây là thần Cao Sơn, Trấn Bắc là thần Không Lộ, Trấn Nam là thần Quý Minh. Người ta cho rằng như vậy trong tứ trấn thì có 3 thiên thần và 1 nhân thần.
Thực sự thì những vị thần này là ai và phương vị của họ nêu trên có đúng không? Khảo cứu những tư liệu dân gian ở đây cho hiểu biết thêm về thời kỳ cổ sử ở khu vực Ninh Bình cũng như cho toàn miền Bắc Việt Nam.

Hoa_Lu_tu_tran-ModelBản đồ Hoa Lư tứ trấn (theo Wikipedia).

Trấn Bắc: Thiên Tôn
Thần Thiên Tôn ở Hoa Lư có nơi thờ chính là bản quán của thần tại thôn Đa Giá (Ninh Mỹ, Hoa Lư). Tại đây có động Thiên Tôn và đền Đa Giá thờ thần. Thiên Tôn là Huyền Thiên Trấn Vũ với sự tích tương tự như ở Trấn Vũ Quán của thôn Ngọc Trì (Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội). Thần là Huyền Thiên Thượng Đế Đăng Ma Thiên Tôn, bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian. Thần đã đầu thai nhiều kiếp, sau đó làm hoàng tử ở Tĩnh Lạc Quốc, rồi đi vào Vũ Đương Sơn tu luyện…

Cong chua Thien TonCổng chùa Thiên Tôn.

Thực ra Huyền Thiên Trấn Vũ chẳng phải ai khác chính là Lão Tử, vị giáo chủ của Đạo Giáo. Trong Đạo Giáo Lão Tử được tôn làm Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn. Còn Tĩnh Lạc quốc của Huyền Thiên là Tĩnh Hải Lạc Việt, tức là khu vực nước Nam thời nhà Đường.
Điều đáng ghi nhận là truyền thuyết ở Hoa Lư cho biết làng Đa Giá chính là quê hương của thần Thiên Tôn. Rất có thể đây chính là quê hương của Lão Tử. Một số thần tích ở Hà Nam (đình Phù Vân, Phủ Lý) cũng cho biết Thái Thượng Lão Quân (tức Lão Tử) cũng là người ở vùng này.
Trong đền Đa Giá có bức hoàng phi cổ: “Bắc phương chính khí”. Huyền Thiên là phương trời phía Bắc, có màu đen. Do đó thần Thiên Tôn ở Hoa Lư phải là trấn Bắc chứ không phải trấn Đông.
Động Thiên Tôn là di tích cổ, tương truyền do “Cao Đô Đường Thái sư” cho xây dựng. Cao Đô Đường thái sư tức là Cao Biền. Cũng ở khu vực động Thiên Tôn khảo cổ đã tìm thấy 2 loại gạch: Giang Tây quânĐại Việt quốc quân thành chuyên. Giang Tây quân là gạch của Tĩnh Hải quân nhà Đường, điều này khẳng định truyền thuyết về Cao Biền xây di tích này thờ thần Thiên Tôn.

Bac phuong chinh khiHoành phi “Bắc phương chính khí” ở đền Đa Giá.

Tấm bia đá ở ngoài cửa động khắc bài ký của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị (1805-1881) có đoạn:
Nước Nam ta thờ thần (Thiên Tôn) từ thời An Dương Vương. Thần trừ diệt yêu ma, được xếp vào bậc nhất danh thần. Tại động núi Vũ Đương xã Đa Giá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình trước đây có tượng đế quân bằng gỗ, tay chống lên kiếm, chân đạp lên rùa và rắn. Phía Đông có ngôi đền thờ rất linh ứng.”
Động Thiên Tôn nằm ở chân núi Dũng Đương. Chữ Dũng hẳn là lấy từ từ ghép “vũ dũng”. Dũng Đương cũng là Vũ Đương. Ngọn Vũ Đương hay Võ Đang của Lão Tử lại nằm ở Ninh Bình.
Câu đối ở chùa Thiên Tôn:
Thiên Tôn động cổ lưu danh thần Trấn Vũ
Hoa Lư thành ngoại điển tích núi Dũng Đương.

Nha bia Thien Ton
Nhà bia động Thiên Tôn và sử tử đá thời Lý.

Bài thơ khắc trên vách núi ở bên trái cửa động Thiên Tôn do Đoan trai Lương Quy Chính đề năm Thành Thái thứ 12 (1900):
Cửu du trùng phỏng Thiên Tôn động
Linh tích cung chiêm Trấn Võ thần
Thục đế sơn hà kim tạc mộng
Hà Nam thủ kiếm diệt yêu phân.
Dịch (Trần Lâm Bình):
Thiên Tôn động cổ trở về thăm
Dấu thiêng Trấn Vũ bái vọng thần
Thục đế non sông qua giấc mộng
Tay kiếm trừ yêu mấy khó khăn.
Cả trong văn bia và bài thơ vách núi đều nói tới chuyện thần Thiên Tôn Trấn Vũ đã giúp Thục An Dương trừ yêu diệt quỷ. Bởi vì Huyền Thiên Trấn Vũ cũng là người được thờ ở đền Sái (Thụy Lôi, Đông Anh, Hà Nội) với công trạng là giúp An Dương Vương trừ Bạch Kê Tinh xây thành Cổ Loa.
Như vậy sự hiện diện của Huyền Thiên hay Lão Tử trong chuyện thời An Dương Vương không phải chỉ có ở Cổ Loa. Đây là chứng tích cho thấy Lão Tử là người đã giúp An Dương Vương xây thành. Vua Chủ An Dương Vương không phải ai khác ngoài thiên tử Chu của thời Lão Tử. Lão Tử quê ở Ninh Bình, tu luyện ở núi Sái, là vị thầy thuốc chữa dịch bệnh cho nhân dân và giúp vua Chu dời đô về Cổ Loa.

Den Da GiaĐền Đa Giá và những chạm trổ cầu kỳ trên gỗ, đá.

Trấn Đông: Quý Minh
Nơi thờ chính của Quý Minh ở Hoa Lư là đền Trần hay đền Nội Lâm trong khu danh thắng Tràng An. Đức Thánh Quý Minh Đại Vương ở Hoa Lư được coi là một vị thủy thần, là người có công trấn giữ vùng chiêm trũng ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng 18.
Theo thần tích làng Ngâm Mạc (Gia Bình, Bắc Ninh): vào đời Hùng Duệ Vương có hai vợ chồng người Hồng Châu đến chùa Thiên Thai cầu tự. Từ đấy sinh ra một bọc hai con trai, đặt tên là Cao Sơn và Quý Minh. Khi Hùng Duệ Vương cho tìm người tài, cả hai bèn đến chầu, Vua phong cho làm Đô chỉ huy sứ Tướng quân. Thục Phán dấy quân, vua sai hai người đem quân đi bình giặc. Hai người cùng đem quân đến núi Sóc Sơn, đạo Kinh Bắc, mới đánh một trận giặc Thục thua chạy…
Hội đền Trần được tổ chức với hàng trăm chiếc thuyền bơi dọc sông, rước nước tế thần.
Câu đối ở cột đá đền Nội Lâm:
Khuông phù Hùng quý trung hưng tướng
Tĩnh trấn Nam thiên thượng đẳng thần.
Dịch:
Phù giúp thời Hùng trung hưng tướng
Yên trấn trời Nam thượng đẳng thần.
Chuyện Quý Minh sinh ra trong bọc trứng và là thủy thần có công đánh Thục cho thấy đây là chuyện thời vua cha Bát Hải Động Đình hay Lạc Long Quân của Thoải phủ (Thủy phủ). Ngay trong đền Nội Lâm còn có tượng thờ Hoàng phi Quý Nương. Quý Nương là tên của bà mẹ đã sinh 3 con Hoàng xà, sau là Vĩnh Công Bát Hải và 2 người em.
Quý Minh nghĩa là người con thứ 3 vì Quý là thứ ba trong thứ tự Mạnh, Trọng, Quý. Nói cách khác thần Quý Minh ở Hoa Lư là vị Quan lớn đệ Tam ở đền Lảnh (Duy Tiên, Hà Nam), cũng là thần Thổ Lệnh trong truyện Bạch Hạc Tam Giang và là Trung thành phổ tế đại vương của vùng Phú Xuyên – Hà Nam.
Khi đã xác định như vậy thì phương vị trấn của Quý Minh không thể là trấn phương Nam. Quan đệ Tam là trấn Đông vì 3 là con số chỉ hướng Đông trong Hà thư. Ngay bản thân cái tên của đền thờ Quý Minh là đền Trần (trong khi không hề thờ vua Trần) cho thấy đây là thần trấn Đông vì Trần là Đông A, tức là vùng đất phía Đông.

Den Noi LamKhu vực Tràng An.

Trấn Nam: Cao Sơn
Thần Cao Sơn được thờ trong khu vực chùa Bái Đính. Nhưng chính đền thì phải ở đất Nho Quan. Thần tích của đền Kim Liên, trấn Nam của Thăng Long cho biết quê của Cao Sơn ở Phụng Hóa (Nho Quan, Ninh Bình). Nay là đền Láo tại xã Văn Phú của huyện Nho Quan.
Theo thần phả đình làng Lỗi Sơn (Gia Phong, Gia Viễn, Ninh Bình), thì Tản Viên Sơn Thánh đã đưa quân về vùng Tràng An lập đồn. Tản Viên Sơn Thánh truyền binh sĩ chia làm ba chủ: Sùng Công đóng đồn ở khu Ðồi Khoai (thuộc xã Yên Lão, Phụng Hóa, Nho Quan). Hiền Công lập đồn ở xã Vân Cái làm phòng tuyến, còn Sơn Thánh lập đồn ở xã Sơn Dược.
Sùng Công là Cao Sơn vì chữ Sùng là dịch Nho của chữ Cao. Hiển Công là Quý Minh vì Hiển là dịch Nho của chữ Minh.
Trong các thần tích thì Cao Sơn được gọi là Lạc tướng Vũ Lâm. Tên này có thể giải nghĩa như sau. Sơn là quẻ Cấn trong Bát quái, chỉ hướng Nam xưa, nay là hướng Bắc. Cao nghĩa là thủ lĩnh, vua. Vì thế Cao Sơn tương đương với một loạt các từ Lạc Vương, Nam vương. Vũ Lâm như vậy là ghi âm của từ “vua Nam”.
Truyền tích Cao Sơn ở Ninh Bình còn gắn với loài cây búng báng là loài cây được Cao Sơn phát hiện có thể dùng làm bột bánh thay bột gạo cho nhân dân ở đây. Vì thế loài cây này được gọi là Quang Lang… Thực ra Quang Lang hay Quan Lang nghĩa là vua Nom (Quan là nhìn, là nom), cũng là Nam vương ở trên.
Những cái tên Vũ Lâm, Quan Lang trong truyền tích Cao Sơn khẳng định thêm nhận định Cao Sơn là thủ lĩnh phương Nam. Vì thế phương trấn của Cao Sơn phải là phía Nam, không phải phía Tây như vẫn nghĩ.

Trấn Tây: Không Lộ
Đền thờ Không Lộ thiền sư Nguyễn Minh Không là đền đức thánh Nguyễn ở xã Gia Thắng (Gia Viễn). Nguyễn Minh Không có tên là Chí Thành, đã được phong là Lý Triều Quốc Sư với sự tích chữa bệnh cho Lý Thần Tông. Các văn bia tại đền đức thánh Nguyễn đều gọi là Minh Không Quốc Sư. Tuy nhiên có vấn đề là Hoa Lư là kinh đô của hai nhà Đinh và Tiền Lê, tới Lý Thái Tổ đã dời đô về Thăng Long. Vậy tại sao một “Lý triều quốc sư” lại thành một trấn của Hoa Lư được?

Nghi mon thanh NguyenNgoại môn đền đức thánh Nguyễn “Lý triều quốc sư” ở Đàm Xá.

Câu đối ở nghi môn đền đức thánh Nguyễn:
海笠囊銅奇事傳聞南以北
象山龍水靈臺屹對古而今
Hải lạp nang đồng, kỳ sự truyền văn Nam dĩ Bắc
Tượng sơn long thủy, linh đài ngật đối cổ nhi kim.
Dịch:
Biển nón túi đồng, kỳ sự truyền lan Nam đến Bắc
Núi Tượng sông Long, đài thiêng cao đối cổ tới nay.
Sự tích về Nguyễn Minh Không còn có nhiều điều kỳ lạ và lẫn lộn. Rất khó phân biệt Nguyễn Minh Không ở Hoa Lư và Dương Không Lộ ở Thái Bình – Nam Định. Cả hai đều là những nhà sư thời Lý, chữa bệnh cho vua Lý. Cả hai đều được thờ là ông tổ của nghề đúc đồng vì chuyện ông Khổng Lồ sang phương Bắc, thu đồng đen trong túi mang về, đúc chuông. Khi chuông đánh lên Trâu Vàng nghe tiếng chạy theo về, thành đầm Kim Ngưu (Hồ Tây)… An Nam tứ đại khí đồ đồng cũng liên quan tới Không Lộ thiền sư.
Câu đối khác ở chính điện đền đức thánh Nguyễn
瞿越降生覺海心如海
太平出世通玄道亦玄
Cồ Việt giáng sinh, Giác Hải tâm như hải
Thái Bình xuất thế, Thông Huyền đạo diệc huyền.
Theo câu đối này thì Nguyễn Minh Không đã giáng sinh từ thời nước Cồ Việt, tức là nước của Đinh Bộ Lĩnh lập và đóng đô ở Hoa Lư. Đoạn nói về Giác Hải và Thông Huyền là theo bài thơ của vua Lý Nhân Tông được chép trong Lĩnh Nam chích quái, Truyện Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải.
Cần nói thêm là khái niệm Tứ trấn chỉ áp dụng cho kinh thành vì 4 trấn là 4 vị tướng ở 4 hướng, còn ở trung tâm phải là nơi có vua ngự, khi kết hợp lại thì mới thành 5 phương vị của Ngũ hành. Vì thể không thể có một thần trấn phương mà lại xuất hiện khi nơi chính không còn là kinh đô nữa.
Như vậy Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không phải là một nhân vật ít nhất là từ thời Đinh Lê. Điều này chỉ có thể hiểu từ nhận định mới về lịch sử của giai đoạn này. Hai nhà Đinh Lê là hai vị vua Lý đầu tiên, còn đang ẩn họ Lê tại Hoa Lư. Lý Thái Tổ – Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tông – Lê Hoàn vẫn nhận chức Tiết độ sứ của nhà Tống. Đến vị vua Lý thứ ba là Lý Thánh Tông mới dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long và xưng nước Đại Việt độc lập.
Tham khảo thêm bài thơ Trường An thành hoài cổ của Nguyễn Trung Ngạn thời nhà Trần:
Mộc lạc hòa đao đế nghiệp di,
Lý gia thu đắc bản đồ quy.
Sơn vi cố quốc quy mô tiểu,
Thảo ám hoang thành cảnh vật phi.
Cổ tự tăng chung xao lạc nhật,
Đoạn khê ngưu địch lộng tà huy.
Anh hùng cựu sự vô tầm xứ,
Độc ỷ giang đình khán thúy vi.
Bản dịch của Nguyễn Huệ Chi như sau:
Cơ nghiệp Tiền Lê đã đổi thay,
Bản đồ, nhà Lý nắm vào tay.
Đô xưa bé nhỏ non vây kín,
Thành bỏ hoang vu cỏ lấp đầy.
Chùa cổ chuông khua vầng ác lặn,
Ngòi ngăn, sáo giỡn bóng chiều rây.
Anh hùng dấu cũ tìm đâu thấy,
Đứng tựa đình sông ngắm núi mây.
Mộc lạc hòa đao” là chiết tự của họ Lê 梨. Hai câu đầu chỉ Hoa Lư là kinh đô của nhà Tiền Lê, sau chuyển sang nhà Lý.
Câu “Sơn vi cố quốc quy mô tiểu” cho giải thích về cái tên nước Cồ Việt của thời Đinh Lê. Cồ hay Cù thực ra nghĩa Nôm là Cổ, Cũ. Đại Cồ Việt nghĩa là nước Đại Việt cũ, vì đó là nước Đại Việt được lập bởi Lưu Cung, với bằng chứng là những viên gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên ở Hoa Lư và ở Hoàng thành Thăng Long.
Câu thơ:
Cổ tự tăng chung xao lạc nhật,
Đoạn khê ngưu địch lộng tà huy.
Là nói tới chùa Địch Lộng. Chùa này cũng là nơi chính thờ Nguyễn Minh Không ở đất Hoa Lư.

Den thanh NguyenĐền đức thánh Nguyễn.

Sau khi xét phương vị của 3 vị thần trong Hoa Lư tứ trấn đều phải xoay lại một góc 90 độ thì phương vị của thần Không Lộ cũng phải chỉnh lại. Vị thần này phải là Trấn Tây. Nguyễn Minh Không cùng quê với Đinh Bộ Lĩnh ở Gia Viễn (Ninh Bình). Có câu: “Đại Hữu sinh vương, Đàm gia sinh thánh”. Đại Hữu là quê của Đinh Bộ Lĩnh. Đàm Xá là quê của Nguyễn Minh Không. Lý triều quốc sư thời Đinh Lê trên đất Tĩnh Hải. Đinh và Tĩnh đều chỉ hướng Tây.
Khi xác định Đinh Bộ Lĩnh là Lý Thái Tổ thì Lý triều quốc sư cùng quê cùng thời với Đinh Bộ Lĩnh thì phải là thiền sư Vạn Hạnh, người đã phò tá Lý Thái Tổ lên ngôi. Thiền sư Vạn Hạnh theo truyền tích ở Cổ Pháp cũng mang họ Nguyễn. Liên hệ giữa Nguyễn Minh Không và Nguyễn Vạn Hạnh cho phép hiểu thêm, tại sao Nguyễn Minh Không lại được các triều đại Đinh Lê Lý coi trọng như vậy. Hợp lý mà nói thì Vạn Hạnh mới xứng đáng tôn là Lý triều quốc sư vì là công thần khởi lập của triều Lý. Vạn Hạnh là vị thiền sư từ thời Lê Đại Hành nên chắc chắn ở Hoa Lư phải có di tích thờ ông. Thời gian đã làm lu mờ sự tích, dẫn đến thiền sư Vạn Hạnh được thờ dưới tên Đức thánh Nguyễn ở Hoa Lư.
Câu đối ở đền đức thánh Nguyễn:
神遊天上三靈化
福在人間四寳傳
Thần du thiên thượng tam linh hóa
Phúc tại nhân gian tứ bảo truyền.

Gac chuong thanh NguyenGác chuông ở đền đức thánh Nguyễn.

Các vị thánh được nói đến đều có phép bay trên trời như chuyện Nguyễn Minh Không đưa thuyền của quân lính từ Hoa Lư về kinh thành chầu vua trong 1 đêm. Không Lộ nghĩa là con đường trên không, là sự giác ngộ đạt đến cảnh giới, thân hình tự nhiên nhẹ nhàng, có thể bay lên không (chuyện về Dương Không Lộ). Có thể đó cũng là hình ảnh của một vị thiền sư đã “mở đường” cho sự lên ngôi của một triều đại.
Nguyễn Minh Không còn là một vị thần trong Tứ bất tử. Thần bất tử nghĩa là một nhân vật có phép, có khả năng “bất tử”, tái sinh chuyển thể. Chữ “tam linh hóa” ở câu đối không rõ chỉ những hóa thân nào của thần (có thể là Nguyễn Minh Không – Dương Không Lộ – Vạn Hạnh). Nhưng rõ ràng sự tích của Nguyễn Minh Không không phải chỉ ở một thân, trong một thời.
Tóm tắt lại, Tứ trấn là khái niệm các thần trấn phương của kinh thành. Hoa Lư tứ trấn chỉ 4 vị thần trấn 4 phương của kinh thành Hoa Lư thời Đinh Lê, bao gồm:
Trấn Bắc: Thiên Tôn Huyền Thiên Lão Tử, người đã khiển quy xà, giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa thời Chu. Quê hương của Lão Tử ở làng Đa Giá, nay gần thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư.
Trấn Đông: Quý Minh Đại Vương, người anh em của Lạc Long Quân – Bát Hải Động Đình thời nhà Hạ, là Quan lớn đệ Tam của Thoải phủ.
Trấn Nam: Cao Sơn Lạc tướng Vũ Lâm, là Sùng Công, cai quản vùng đất Cao – Sùng thời Thương.
Trấn Tây: Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không thời Đinh Lê, có thể chính là thiền sư Vạn Hạnh, công thần lập quốc của nhà Lý.

Những vị thần Cao Sơn và cổ sử Việt

Trong thần điện Việt thì Cao Sơn là một vị thần rất phổ biến, gặp ở hầu hết các khu vực trên miền Bắc nước ta. Tuy nhiên cái tên này không phải chỉ là 1 nhân vật, mà có nhiều vị thần Cao Sơn ở các thời khác nhau. Ở đây không bàn đến những vị Cao Sơn của thời kỳ sau Công nguyên mà thông qua xem xét sự tích các vị thần Cao Sơn của thời cổ sử cũng đã đủ hình dung về thời kỳ dựng nước của người Việt.
Nhiều người nghĩ rằng đã gọi là Cao Sơn thì nghĩa là tục thờ thần núi. Điều này hoàn toàn sai. Người Việt không thờ các nhiên thần, mà thờ những nhân vật lịch sử có thật, có công đức với nhân dân, tôn sùng mà thờ. Sự tích của những nhân vật này càng xa so với nay thì càng mờ ảo, càng mang tính huyền thoại. Nhưng không phải vì thế mà cốt lõi con người và lịch sử của thần tích bị biến mất.
Truyện Họ Hồng Bàng, truyền thuyết khởi nguồn của dân tộc Việt chép: Đế Minh cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục mặt mày sáng sủa, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh liền lập Đế Nghi làm người nối ngôi cai trị đất phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước.
Tam quan den ThuongNghi môn đền Thượng trên núi Hùng (Phú Thọ).
Đế Minh, vị nguyên thủy tổ của người Việt được thờ với tên Đột Ngột Cao Sơn tại đền Hùng (Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ) và các vùng lân cận trên miền đất Phong Châu. Các thần tích Việt thường được bắt đầu bằng Hùng Vương Thánh Tổ Cao Sơn Minh Vương Hoàng Đế hay Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ, là người mở vận trời Nam nước ta. Vị Cao Sơn thứ nhất là vua Hùng Đế Minh, hoàn toàn chẳng phải thần núi thần non nào cả.
Đế Minh được thờ như vị vua Hùng khai thủy bởi vì là người đầu tiên lập nên nước của họ Hùng. Thiên nam ngữ lục chép về Đế Minh:
Tự vua Viêm Đế sinh ra
Thánh nhân ngưu thủ họ là Thần Nông
Trời cho thay họ Hữu Hùng
Con cháu nối nghiệp cha ông thủ thành.
Trong Hoa sử Đế Mình được chép là Hoàng Đế Hiên Viên, vua của nước Hữu Hùng. Chữ Minh dịch ra tiếng Hán là Hiển nên Đế Minh – Minh Vương tam sao thất bản biến thành Hiên Viên.
Ở đền Hùng, ngoài Đột Ngột Cao Sơn còn thờ 2 vị là Ất Sơn thánh vươngViễn Sơn thánh vương. Khi đã xác định Đột Ngột Cao Sơn là thánh tổ Đế Minh thì hai vị được thờ ở đền Hùng phải là 2 vị vua kế tiếp, là Đế Nghi và Lộc Tục trong truyền thuyết.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài đã đối chiếu hiệu thờ 3 vị thần thờ ở đền Hùng với bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền của đền Vân Luông (Vân Phú, Việt Trì, Phú Thọ) và cho biết: Viễn Sơn thánh vương có tên là Hùng Nghi Vương, còn Ất Sơn thánh vương là Hùng Huy Vương. Đây là chỉ dẫn cho thấy Viễn Sơn là Đế Nghi hay Đế Nghiêu. Còn Ất Sơn là Hy Thị hay Đế Thuấn, người đã được Đế Nghiêu cử đi “định Nam Giao”. Hy hay Huy chỉ là biến âm của Hai, cũng là Ất trong thập can.
Thần tích xã Nhạn Tái (Đông Anh, Hà Nội) mở đầu như sau: “Xét xưa kia nước Việt gây dựng cơ đồ bờ cõi, phương nam phân chia theo địa phận sao Dực sao Chẩn, non sông thống nhất một mối xa thư, các châu thuộc địa phận An Nam đều phụ thuộc cả vào đó, còn phía Bắc phân phong theo địa phận sao Ngưu sao Đẩu. Kinh đô của nước Giao Chỉ thuộc hàng Thi Lễ, Ngũ đế thay nhau cai trị trải dài rộng khắp, nói rõ trong thiên Nghiêu điển ban mệnh cho Hy Thúc đến lập nghiệp ở vùng Giao Nam có ghi rõ đất bằng hai chữ Minh Đô.”
Đất Giao Chỉ có mặt trong truyền thuyết về Hoàng Đế. Nam Giao là nơi Hy Thúc lập nghiệp. Minh đô là nơi Đế Minh định đô ở Phong Châu. Thời Ngũ đế của Trung Hoa chính là giai đoạn mở đầu của quốc gia họ Hùng tại vùng đất Việt ngày nay.
Truyền thuyết Việt chép Đế Minh lấy con gái bà Vụ Tiên. Còn Sử ký Tư Mã Thiên, Ngũ đế bản kỷ cho biết “Hoàng Đế ở gò Hiên Viên, cưới vợ là người con gái của Tây Lăng”.
Người con gái Tây Lăng là Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, cũng là con gái bà Vụ Tiên, được người Việt tôn làm Tây Thiên quốc mẫu, làm Mẫu thượng thiên trong tín ngưỡng Tứ phủ. Bà Tây Thiên là Tam Đảo sơn trụ quốc mẫu, cầm đầu bộ tộc phía Bắc (nay) là Lang Tiên thị, đã giúp vua Hùng (Đế Minh) đánh bại bộ tộc Cửu Lê của Xuy Vưu, lập quốc gia đầu tiên của người họ Hùng.
Chữ Tiên 仙 gồm một chữ Nhân 人và chữ Sơn 山 ghép lại. Người ở trên núi là Tiên. Do vậy bộ tộc của Vua Tiên (Lang Tiên thị) còn có tên là Cao Sơn.
Ca dao xưa:
Tam Đảo núi mẹ
Tản Viên núi cha
Cùng tổ Nghĩa Lĩnh là ba trường thành.
Đế Minh, vị Cao Sơn đầu tiên (Đột Ngột Cao Sơn), đóng đô ở núi Hùng Nghĩa Lĩnh. Tam Đảo là ngọn núi Côn Lôn của bà mẹ trời Lang Tiên. Còn núi Tản là nơi ngự trị của Tản Viên Sơn Thánh. Theo thần tích về Sơn Thánh thì Tản Viên được mẹ nuôi là bà Ma Thị Cao Sơn làm di chúc để lại cho toàn bộ vùng núi Tản sông Đà. Đây có thể là hình ảnh Đại Vũ kế ngôi của Đế Thuấn theo phép truyền hiền. Vùng đất đai của Cao Sơn Đế Minh gây dựng được truyền lại cho Lộc Tục Kinh Dương Vương, cũng là Tản Viên Sơn Thánh.
Den ThuongĐền Trung trên núi Tản (Ba Vì).
Trong các thần tích về Tản Viên còn chép thánh Tản có 2 người anh em là Cao Sơn và Quý Minh. 3 người hợp lại cho cái tên Ba Vì. Quý Minh tức là bộ tộc từ dòng của Đế Minh ở hướng Nam. Còn Cao Sơn là bộ tộc của dòng Lang Tiên ở núi Tam Đảo phía Bắc. Cùng với Tản Viên Nguyễn Tuấn, là dòng tộc ở phía Tây, 3 dòng tộc đã hợp sức trong công cuộc trị thủy, xây dựng đất nước thời lập quốc.
Lộc Tục Kinh Dương Vương lấy Long nữ Động Đình hay Tản Viên Sơn Thánh đã “cùng vui ở với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh”, cứu con rắn con Long Vương là Thủy tinh. Long nữ Động Đình là bộ tộc ở phía Đông. Như vậy người Việt cổ đã đi hết một giai đoạn lập quốc đầu tiên, hội đủ 4 phương, bắt đầu một thời đại mà Hoa sử gọi là nhà Hạ.
Hạ Vũ Sơn Tinh mất, ngôi báu định truyền lại cho dòng dõi của Hoàng Đế (Cao Sơn Đế Minh) là ông Bá Ích. Nhưng con của Đại Vũ là Hạ Khải không thuận. Hạ Khải với sự giúp đỡ của các vị quan lớn bên dòng mẹ ở Động Đình (biển Đông) đã tấn công lật đổ, buộc Bá Ích và dòng dõi phương Nam của Hoàng Đế ly tán đi bốn phương (Tứ Di). Hạ Khải lên ngôi, chấm dứt thời kỳ truyền hiền. Xã hội Việt Hoa chính thức bước vào chế độ thế tập, cha truyền con nối. Hạ Khải được người Việt gọi là cha Lạc Long Quân vì là vị quân chủ của cả 2 vùng đất: đất Lạc từ thời Kinh Dương Vương và đất Long của Long nữ Động Đình.
Dòng Hoa Hạ từ Lạc Long Quân phát triển dọc theo biển, tiến lên phía Đông Bắc. Con cháu nhà Hạ thời Trung Hưng khai phá vùng cửa sông Dương Tử (Phúc Kiến Chiết Giang), lấy đó làm đất thờ Hạ Vũ. Vùng đất này sau thành nước Việt, với Việt Câu Tiễn, một trong Xuân Thu Ngũ Bá. Đây cũng là dẫn chứng cho thấy Hoa Hạ là Việt, chứ không hề đồng nghĩa với Hán. Hán tộc thời kỳ này còn chưa ra đời.
Nhà Thương thay nhà Hạ, tiếp tục tiến lên phía Bắc. Dân chúng theo Bàn Canh vượt sông Dương Tử, sau nhiều lần đã tới định đô ở Hà Nam, bắt đầu thời Ân Thương.
Dưới thời Ân vùng đất tổ Giao Chỉ (đất Lạc xưa) do các vị chúa họ Sùng cai quản. Sùng Hầu Hổ là vị hầu tước dưới thời Trụ Vương đã dèm pha làm Cơ Xương bị Trụ Vương bắt nhốt ở Dĩu Lý. Truyền thuyết Việt cũng không bỏ quên lưu lại thông tin về giai đoạn này.Kim LienĐền Kim Liên (Hà Nội).
Sùng là chữ dịch của chữ Cao. Ví dụ Cao Sơn, anh em của Tản Viên, còn có tên là Sùng Công. Vì thế còn có thần Cao Sơn ứng với thời kỳ đất Sùng của nhà Ân Thương. Thần tích ở Bình Đà (Thanh Oai) cho biết Lạc Long Quân có 4 người anh em là:
– Hùng Nghiêm tự là Pháp Phong
– Hùng Quyền tự là Pháp Vân
– Hùng Lãm tự là Pháp Lôi
– Hùng Huề tự là Pháp Điện.
Pháp Lôi Hùng Lãm là Lạc Long Quân. Truyền thuyết họ Hồng Bàng chép Lạc Long Quân húy là Sùng Lãm. 4 đời chúa họ Sùng như vậy có tên Sùng Nghiêm, Sùng Quyền, Sùng Huề và Sùng Lãm, được tôn là Tứ Pháp.
Vì Sùng = Cao nên đây là thần Cao Sơn trấn Nam ở kinh thành Thăng Long. Theo thần tích đền Kim Liên (Hà Nội) thì Cao Sơn đại vương có gia đình (vợ và mẹ) ở gần đó và quê gốc ở Nho Quan (Ninh Bình). Thần Cao Sơn cũng là một trong Hoa Lư tứ trấn, ở Hoa Lư được gọi là Lạc tướng Vũ Lâm. Vì đất Sùng là vùng đất Lạc xưa nên Cao Sơn được gọi là Lạc tướng.
Tóm tắt lại nhận diện 3 vị thần Cao Sơn trong cổ sử:
– Đột Ngột Cao Sơn là Đế Minh hay Hoàng Đế Hiên Viên ở vùng đất tổ Phong Châu
– Cao Sơn Ba Vì là bộ tộc của bà Lang Tiên hay Tây Thiên quốc mẫu.
– Cao Sơn Lạc tướng trong tứ trấn là chúa đất Sùng ở phía Nam của nhà Ân Thương.