Lời thề sông Hát

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng bắt đầu từ việc ông Thi Sách, chồng bà Trưng Trắc bị quân Hán giết. Theo sử sách thì vì nợ nước thù nhà mà Hai Bà đã tụ quân lập đàn thề ở Hát Môn, dựng cờ khởi nghĩa. Lời thề Hát Môn được ghi lại:
Một, xin rửa sạch quốc thù
Hai, xin khôi phục nghiệp xưa họ Hùng
Ba, kẻo oan ức lòng chồng
Bốn, xin vẻn vẹn sở công lênh này.

Dan the Hat Mon

Đàn thề Hát Môn

Tuy nhiên, nguyên nhân “vì chồng bị giết” mà dẫn đến cuộc khởi nghĩa lớn của Trưng Vương xem ra… không hợp lẽ cho lắm. Thi Sách chết trước hay sau khi Hai Bà khởi nghĩa thì các sử gia còn đang đặt nghi vấn. Ông Thi Sách họ gì thì lại càng là cả một điều bí ẩn…

Gần Hát Môn ở Nại Xá (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) xưa có miếu Đinh Nguyên thờ Thi Sách. Tương truyền nơi đây là Tử Khê, là nơi Thi Sách tử tiết. Khi Trưng Vương khởi nghĩa đã cho lập miếu thờ chồng ở đây. Thần tích miếu Nại Tử mở đầu như sau:

Xưa vào niên hiệu vua Quang Vũ triều Đông Hán có lạc tướng đất Mê Linh – Phong Châu tên là Trưng Nghĩa Dũng, tức là Phúc Bố, vợ là bà Hồng Thị Đào tuổi đã đều trên 40 mà khó sinh con đã sắm sanh lễ vào chùa Hương Tích cầu có con nối dõi. Lòng thành của họ đã được trời đất ban phúc báo mộng sẽ cho họ một bậc anh hùng quốc chủ giúp nước an dân. Quả nhiên sau đó vợ chồng sung sướng khi tin vui có thai và vào giờ sửu ngày 10 tháng 4 bà Hồng đã sinh ra Kim Tiên nữ dáng mạo đoan trang, cốt cách hơn người và đặt tên là Trắc thường gọi là Ả Lã và khi lớn gọi là nàng Đê có mày cong trăng non, mắt tựa như làn thu thủy…

Lúc đó có người Chu Diên cũng con của lạc tướng (Dương Thái Bình, mẹ là Hồ Thị Nhữ) tên là Dương Thi Sách tuổi đã 29, sinh ngày 10 tháng 6. Nghe nói Ả Lã nàng Đê có nhan sắc kiều diễm vẫn chưa lấy chồng. Chàng Dương Thi Sách thưa với bố sang xin kết duyên với nàng. Lạc tướng Dương Thái Bình nói rằng: Ta và Lạc tướng Phong Châu trước đã có nguyện ước nay nghe có nàng Ả đó phải chăng là duyên tiền định vậy và cho người đến hỏi đón về. Đất Chu Diên hai họ đến cùng vui mừng.

Thần tích này cho biết Thi Sách họ Dương, còn Trưng Trắc vốn có tên là Ả Lã. Thông tin về tên họ của Thi Sách và Trưng Vương đã chỉ ra mối liên hệ giữa khởi nghĩa Hai Bà Trưng với … nhà Triệu Nam Việt.

Thần tích Nại Xá cho biết Dương Công Thi Sách đã được tôn phong là “Quốc vương Thiên tử Đông Hán Đại vương”. Phải hiểu chữ “Đông Hán đại vương” ở đây là thế nào? Thi Sách sao lại là đại vương của Đông Hán?

Họ Dương của Thi Sách thực ra là chỉ hướng Đông. Đây cũng là chữ Dương trong tên của Vệ Dương Vương, vị vua cuối cùng của nhà Triệu Nam Việt. “Đông Hán” là nước Nam Việt, có kinh đô đóng ở Dương Thành (Phiên Ngung – Quảng Đông) nên gọi là Đông. Còn gọi là “Hán” bởi vì Nam Việt và Tây Hán đều cùng một gốc từ Hán Cao Lưu Bang – Triệu Vũ Đế cả.

Khi Lộ Bác Đức nhà Tây Hán tấn công Dương Thành, Triệu Vệ Dương Vương cùng thừa tướng Lữ Gia đã lên thuyền đi về phía Tây, trở lại đất Phong Bái của Triệu Vũ Đế. Trong thần tích Nại Xá bố của Thi Sách tên là Dương Thái Bình, rất có thể Thái Bình đây chỉ đất Bái xưa.

Vệ Dương Vương bị bắt ở cửa Đại Nha, là cửa sông Đáy đổ ra biển tại Nghĩa Hưng, Nam Định ngày nay. Truyền thuyết Việt chép thành Triệu Quang Phục bị Lý Phật Tử đuổi chạy tới cửa Đại Nha thì mất. Nơi đây còn đền Độc Bộ lưu dấu sự kiện này.

Thần tích đền Độc Bộ có một chi tiết thêm so với những thần tích khác về Triệu Việt Vương. Thần tích này cho biết Triệu Quang Phục là “cháu đời xa của Triệu Vũ Đế”. Thông tin này thật chính xác. Triệu Vệ Dương Vương thì rõ là cháu mấy đời của Triệu Đà. Triệu Quang Phục cùng đường ở Đại Nha chính là Triệu Vệ Dương Vương.

Dương Thi Sách là Triệu Vệ Dương Vương, vậy Ả Lã Trưng Trắc là hoàng phi của vua Triệu.
Sách Thư mục thần tích thần sắc do Viện Thông tin khoa học xã hội biên soạn xuất bản năm 1996 thống kê ở 11 tỉnh thành trong cả nước có 56 làng thờ Ả Lã Nàng Đê làm thành hoàng. Nhân vật này được biết chủ yếu hoặc là một nữ tướng thời Trưng Vương hoặc là phi nhân của Triệu Quang Phục (các thần tích vùng Yên Lãng, Mê Linh, Hà Nội). Với nhận định Thi Sách là Triệu Quang Phục (Triệu Vệ Dương Vương), Ả Lã là Trưng Vương thì 2 tích về Ả Lã Nàng Đê trên đều chỉ là một chuyện.

Ả Lã mang họ Lã hay Lữ của thừa tướng Lữ Gia. Nhà họ Lữ có nhiều con gái được gả cho vua Triệu Nam Việt. Trưng Trắc hẳn là một trong số đó. Triệu Vệ Dương Vương bị bắt. Gia quyến nhà Triệu cùng Lữ Gia đã lui về châu Phong, từ đó làm nên của khởi nghĩa của Trưng nữ vương họ Lữ.

Lịch sử Việt Nam đã chép 2 cuộc khởi nghĩa khác nhau vào một khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Cuộc khởi nghĩa đầu nổ ra vào thời Tây Hán ngay sau khi nhà Triệu Nam Việt thất thủ. Khởi nghĩa này đúng là đền nợ nước, trả thù nhà của các hoàng phi nhà Triệu họ Lữ. Vua Tây Hán lúc này là Hiếu Vũ Đế chứ không phải Hán Quang Vũ đã cử Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức đi dẹp loạn. Sau thất bại ở Lãng Bạc, Ả Lã tử tiết ở Cấm Khê.

Cuộc khởi nghĩa Trưng Vương thứ hai vào cuối thời Đông Hán là khởi nghĩa Khăn Vàng của anh em Trương Giác, Trương Lương, Trương Bào. Đây mới là cuộc khởi nghĩa nổ ra trên một diện rộng ở Lĩnh Nam. Khởi nghĩa đang thắng lợi thì thủ lĩnh Trương Giác ốm mất, đúng như Thiên Nam ngữ lục chép:
Chị em nhiễm bệnh yên hà
Nửa đêm bỏ đất ruổi ra lên trời.

Người lãnh đạo quân khởi nghĩa tiếp theo là Đô Dương Triệu Quốc Đạt cùng em là Triệu Thị Trinh đã “đầu voi phất ngọn cờ vàng”, chặn được quân Hán ở Cửu Chân, buộc Mã Viện phải cắm mốc phân giới ở Man Thành (Quảng Tây)…

Cua Dai Nha

Cửa sông Đáy bên đền Độc Bộ

Câu đối ở đền Độc Bộ:
Độc mộc phá Lương binh, Nam quốc đồng bào giai xích tử
Đồi ba chướng hải khẩu, phù sa thác thực hữu thanh xuân.

Dịch:
Độc mộc phá quân Lương, nòi giống nước Nam cùng máu đỏ
Sóng dồn che cửa bể, cỏ hoa bồi đắp hóa xuân xanh.

Câu chuyện bên cửa sông Đáy của hơn 2 ngàn năm trước nay đã bị sóng biển dồn che, phù sa bồi lấp. Anh hùng đã “thác hóa xuân xanh”, Triệu Vệ Dương Vương được gọi đổi thành Dương Thi Sách. Làng Nại Xá nơi có miếu thờ Thi Sách nay cũng đã lở trôi theo dòng nước sông Hồng. Trưng Trắc chọn Hát Môn làm nơi phát lời thề khởi nghĩa đền nợ nước, trả thù nhà cũng là có lý do. Hát Môn là nơi bắt đầu của sông Hát hay sông Đáy. Nơi kết thúc của sông Hát chính là cửa Đại Nha. Ả Lã Trưng Vương khởi nghĩa và lập miếu thờ chồng ở đầu sông Hát là để tưởng nhớ tới vua Triệu đã tử tiết ở cuối sông tại cửa Đại Nha.

Giếng Việt

Trong Lĩnh Nam chích quái có câu chuyện thần tiên khá kỳ lạ là Truyện Giếng Việt. Truyện mở đầu như sau:
Giếng Việt ở miền Trâu Sơn huyện Vũ Ninh. Đời vua Hùng Vương thứ ba, nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới núi Trâu Sơn. Hùng Vương cầu cứu Long Quân, Long Quân truyền đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ thì sẽ dẹp được giặc. Sóc Thiên vương ứng kỳ mà sinh, cưỡi ngựa sắt đánh giặc. Tướng sĩ nhà Ân đều bỏ chạy. Ân Vương chết ở dưới chân núi, biến thành vua ở địa phủ, dân phải lập miếu thờ, lâu năm suy dần đền miếu bỏ hoang.
Nhà Ân của Trung Hoa ở tận Hoàng Hà. “Nước ta” ở đâu mà Thánh Gióng lại có thể đánh giặc Ân? Các sử gia đành phải suy đoán, giặc Ân đây là một giặc Ân khác… Nhưng Truyện Giếng Việt viết tiếp:
Qua đời Chu tới đời Tần, có người nước ta là Thôi Lượng làm quan cho nhà Tần đến chức ngự sử đại phu, thường qua vùng này thấy cảnh suy tàn, chạnh lòng thương cảm, bèn sửa sang sang lạ đền miếu…
Ở đây truyện đã tính rất đấy đủ: “… Qua đời Chu tới đời Tần”, rõ ràng coi thời Ân là thời kỳ trước đời Chu của Trung Hoa.
Cũng trong Lĩnh Nam chích quái, Truyện Đổng Thiên Vương cho biết Ân Vương đã chết trong cuộc chiến ở Trâu Sơn. Ít người để ý đến chi tiết này nhưng Truyện Giếng Việt một lần nữa khẳng định: Vua Ân đã bỏ mạng trong trận đánh với Thánh Gióng. Người đã đánh đổ nhà Ân, buộc vua Ân bỏ mạng thì không ai khác phải là Ninh Vương Cơ Phát của nhà Chu. Truyền thuyết Việt chép thành nơi mất của vua Ân là Vũ Ninh. Thánh Gióng đã theo lời hiệu triệu của Ninh Vương diệt Trụ, lập nên cơ nghiệp thiên tử ngàn năm của triều Chu ở chính trên đất Việt.
Bài thơ do Thôi Lượng đề ở miếu Ân Vương:
Cổ nhân truyền đạo thị Ân Vương
Tuần thú đương niên đáo thử phương
Sơn tú thủy lưu không kiến miếu
Tinh thăng tích tại thượng văn hương
Nhất chiêu thắng bại vô Ân đức
Vạn tải linh thanh trấn Việt Thường
Bách tính lòng từ giai phụng sự
Mặc phù quốc tộ vĩnh vô cương.

Xin dịch:
Người xưa kể chuyện thủa Ân Vương
Tuần thú năm nay tới chốn đường
Nước chảy non xanh trơ miếu đó
Hóa thần lưu dấu tại văn hương
Thắng thua một cuộc không Ân đức
Vạn thế linh thiêng trấn Việt Thường
Trăm họ một lòng cùng thờ phụng
Xin phù tổ quốc mãi yên phương.

Thế nào mà vua Ân lại phù hộ cho nước “Việt Thường”? Vua Ân là “giặc” cơ mà? Bởi vì nước Việt Thường cũng chính là nước của nhà Ân Thương. Ân Vương là vua Việt, ở Giếng Việt là vậy.

P1130929 (2)Một chiếc quang hình chim thú thời Thương.

Một điều thu lượm nữa từ Truyện Giếng Việt là Thôi Lượng, “người nước ta”, nhưng lại làm quan cho nhà Tần đến chức “ngự sử đại phu”. Cũng tương tự như chuyện Lý Ông Trọng làm phò mã của nhà Tần, chuyện này cho thấy nhà Tần đã chiếm “nước Nam ta” và trọng dụng những người nước Nam làm những chức vụ quan trọng nhất trong triều Tần. Tần như vậy cũng là một triều đại Việt mà thôi.
Tiếp truyện Giếng Việt đề cập đến sự kiện: Sau các tướng Nhâm Hiêu, Triệu Đà đem quân xâm chiếm phương Nam (đời An Dương Vương) trú quân ở dưới núi, sai tu sửa lại miếu mạo, nghiêm cẩn khấn thờ.
Hóa ra ngay khi Nhâm Hiêu còn sống, Triệu Đà đã từng sang vùng núi Vũ Ninh ở Bắc Ninh ngày nay. Theo chính sử lúc đó Nhâm Hiêu là quan quận Nam Hải, Triệu Đà đang là huyện lệnh Long Xuyên, sao lại có mặt ở Vũ Ninh là thế nào? Thôi Lượng đã là ngự sử đại phu nhà Tần, sao lúc này lại còn An Dương Vương nào ở đây trên đất Việt?
Nhâm Hiêu theo như truyện này thì đóng ngay tại Vũ Ninh. Đoạn trên chỉ có thể hiểu khi Long Xuyên nơi Nhâm Hiêu làm quan lệnh hoặc quan úy, rồi nối tiếp Triệu Đà đảm nhận chức vụ này chính là vùng Long Biên – Bắc Ninh ngày nay. “Đời An Dương Vương” có Nhâm Hiêu, Triệu Đà lúc này phải là đời Tần. An Dương Vương là một cách gọi khác của nhà Tần khi dẹp yên Dương Việt.
Truyện Giếng Việt kể con Thôi Lượng là Thôi Vỹ đã chữa bệnh bướu cho Nhâm Hiêu và được Nhâm Hiêu trọng dụng. Thôi Vỹ gặp nạn ngã xuống hang sâu, gặp Ân hậu và được khoản đãi. Vừa kíp thì có người báo:
Ngày 13 tháng Giêng, người phương Bắc là Nhâm Hiêu đã bị thần Xương Cuồng đánh chết”.
Sự kiện Nhâm Hiêu bị chết lại được Ân hậu rất quan tâm. Bởi vì sự kiện này đánh dấu sự suy vong của nhà Tần, khởi đầu của một triều đại mới của Trung Hoa. Ngày 13 tháng Giêng có lẽ là ngày mà Nhâm Hiêu đã bị nhân dân đất Bái nổi dậy giết chết để tôn Lưu Bang – Triệu Đà lên làm thủ lĩnh đất Long Xuyên, mở đầu cuộc khởi nghĩa của Bái công Lưu Bang chống Tần.
Ân hậu cho quan dê (Dương quan) đưa Thôi Vỹ về, rồi lại gả tiên nữ, tặng ngọc Long Tụy cho Thôi Vỹ. Viên ngọc Long Tụy này “suốt từ đời Hoàng Đế tới triều Ân vẫn được lưu truyền là vật quí ở đời. Trong cuộc chiến trận ở Trâu Sơn, Ân Vương đeo ngọc đó mà chết, ngọc bị vùi xuống đất mà hào quang của nó vẫn chiếu tỏa tới tận trời. Thời binh hỏa đời Tần, báu ngọc đều cháy hết, người ta xem linh khí mà biết rằng viên ngọc quý Long Tụy vẫn còn ở nước Nam.”
Ân Vương chết ở đất Việt Thường, ngọc báu từ đời Hoàng Đế Trung Hoa ngàn năm sau còn tỏa sáng là minh chứng cho gốc tích của Ân Vương. Một mối liên hệ xuyên suốt qua các triều đại Ân – Chu – Tần tới Nam Việt Triệu Đà được thể hiện trong tuyệt phẩm Truyện Giếng Việt. Tất cả những thời Tam – Tứ đại này đều là của người Việt cả, đều từ cùng một khơi nguồn Giếng Việt mà ra. Thần thánh luôn dõi theo những gì đang diễn ra trên trần thế. Vải thưa không thể che nổi mắt thánh. Những người có tâm đức như Thôi Lượng, Thôi Vỹ sẽ thấy được chân tướng lịch sử và gặp được thần tiên.