Cao Sơn đại vương ở khu vực Thường Tín là ai? (tiếp)

Cùng là Cao Sơn đại vương, cùng ở một khu vực của tổng Hà Hồi – Thường Tìn, cùng chung lễ hội rước thần hàng năm nhưng ở làng Hà Hồi lại có ý kiến khác về thân thế của vị thành hoàng Cao Sơn đại vương ở đây. Theo lời thủ từ đình Hà Hồi thì người làng Hà Hồi đã bỏ công tìm hiểu và nhận thấy rằng các ngày giỗ nhật của thành hoàng Hà Hồi hoàn toàn trùng khớp với những ngày tương ứng của Cao Sơn đại vương – vị thần trấn Nam của kinh thành Thăng Long có đền thờ ở đình Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội). Ngày rước chính của thần Cao Sơn ở khu vực Kim Liên và khu vực Thường Tín đều là ngày 16 tháng 3 Âm lịch.
Sự tích của thần Cao Sơn ở Kim Liên được biết thông qua tấm bia cổ thời. Nội dung bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh tịnh tự” cho biết: Khi vua Lê Tương Dực dấy binh ở Tây Đô đánh Lê Uy Mục có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng mang quân đi chinh phạt. Đến địa phận huyện Phụng Hóa (nay là Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp, có vùng sâu tên là Lầm, bên trên gò núi có ngôi đền cổ, bên trong dựng một tảng đá ghi bốn chữ “Cao Sơn đại vương”. Rất lấy làm lạ, các quan bèn khẩn cầu thần phù trợ. Quả nhiên sau mười ngày đã thành công. Vì thế, năm Hồng Thuận thứ ba (1510) vua Lê Tương Dực cho xây dựng đền thờ thần Cao Sơn ở Phụng Hóa và lập bia.

Bia Kim Lien

Cao Sơn thần từ bi minh ở đền Kim Liên.

Tấm bia này được ghi làm năm Hồng Thuận thứ ba (1510) cho đền thờ thần Cao Sơn ở Phụng Hóa nhưng bia lại rất kỳ ảo khi xuất hiện sau đó ở thành Thăng Long. Sách Hà Nội danh thắng và di tích cho biết: “Bia vốn ở huyện Phụng Hóa, đến đời Hoằng Định (1600-1619) lại nổi lên bến Bồ Đề và được dân phường Kim Liên kéo đưa rước về đặt ở di tích như ngày nay”. Còn theo thông tin của đền Kim Liên thì “Bia dựng ngày 1 tháng trọng thu năm Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772)”. Một vị thần ở Ninh Bình trở thành trấn Nam của kinh thành Thăng Long không rõ lý do.
Quay lại thần Cao Sơn ở đình Hà Hồi. Bổ sung vào sự trùng khớp ngày lễ thần ở Hà Hồi và Kim Liên, trên ngũ môn quan của đình Hà Hồi có đôi câu đối ghi rõ các niên hiệu:
大顺前扶襄翼敏集大勲奉化岑崗著跡當初?傳此地
弘定後至景興稔彰靈應昇龍廟貌明禋?終古及群方
Đại Thuận tiền phù Tương Dực mẫn tập đại huân, Phụng Hóa sầm cương trứ tích đương sơ truyền thử địa
Hoằng Định hậu chí Cảnh Hưng nhẫm chương linh ứng, Thăng Long miếu mạo minh yên chung cổ cập quần phương.
Dịch:
Đại Thuận trước phò Tương Dực nhanh lập công to, Phụng Hóa núi cao, nổi tích cổ truyền nơi đất đó
Hoằng Định sau tới Cảnh Hưng linh thiêng sáng tỏ, Thăng Long đền miếu, kính tế nay cùng với mọi nơi.

Ngu monNgũ môn quan đình Hà Hồi.

Rõ ràng câu đối này nói tới các sự kiện của thần Cao Sơn trấn Nam Thăng Long, từ việc năm Hồng Thuận (bị nhầm thành Đại Thuận trong câu đối vì chữ Hồng 洪 cũng có nghĩa là to lớn như chữ Đại 大) đã phù giúp Lê Tương Dực nhanh chóng đánh Lê Uy Mục và lên ngôi vua, rồi di tích của thần ở Phụng Hóa nằm trên một gò núi. Hoàn toàn đúng khớp với thông tin trên tấm bia ở đền Kim Liên. Vế đối sau nhắc tới sự linh ứng của thần ở các niên hiệu Hoằng Định và Cảnh Hưng và thần đã trở thành một vị thần được cúng tế tại Thăng Long (một trong tứ trấn đất kinh thành).
Cao Sơn đại vương cũng là một trong Hoa Lư tứ trấn của Ninh Bình mà di tích ở đây ngoài đền Phụng Hóa ở Nho Quan còn là khu vực Bái Đính. Như vậy vùng Hà Hồi – Thường Tín là điểm nối giữa 2 khu vực thờ Cao Sơn ở Thăng Long và ở Hoa Lư.
Kết hợp thần tích của đình Khê Hồi và thông tin của đình Hà Hồi cho một kết luận “đáng giật mình”: Cao Sơn đại vương, vị thần trong Thăng Long và Hoa Lư tứ trấn chính là Cao Biền thời Đường. Vị này đã hiển ứng dưới thời Lê ở Ninh Bình và Thăng Long.
Việc dân gian lựa chọn Cao vương Biền làm thần bảo hộ kinh thành cũng hoàn toàn hợp lý. Người khởi dựng xây thành Đại La – Thăng Long chính là Cao Biền. Còn người xây dựng Hoa Lư cũng là Cao Biền. Những viên gạch Giang Tây quân của thời Đường chỉ đích danh Tĩnh Hải tiết độ sứ, tức là chức danh của Cao Biền sau khi dẹp loạn Nam Chiếu và cai quản đất Tĩnh Hải. Giang Tây cùng nghĩa với Tĩnh Hải vì Tĩnh là tính chất của phía Tây trong Dịch học. Giang hay Dương, đại dương là biển, Hải.
Gạch Giang Tây quân là lớp gạch sớm nhất được tìm thấy cả ở thành Hoa Lư và hoàng thành Thăng Long. Điều này cho thấy chính Cao Biền là người đã khởi dựng những tòa thành này. Truyền tích về Cao Biền ở khu vực Hoa Lư cũng không ít. Ví dụ như chuyện Cao Biền cưỡi diều giấy qua đây bị một đạo sĩ bắn gãy cảnh, rơi xuống thành núi Cánh Diều (nay ở thành phố Ninh Bình). Hay chuyện Cao Biền đào sông Điềm Giang, đầm Phù Chẩn để cắt yểm long mạch. Điềm giang hay Đàm giang là sông Hoàng Long ở Ninh Bình. Còn Phù Chẩn đọc thiết âm là Phấn, tức là sách Bông, quê của Đinh Bộ Lĩnh ở Gia Viễn (Ninh Bình).
Vì thành tích chính của Cao Biền là đánh quân Nam Chiếu (thần tích Khê Hồi ghi thành đánh nhà Hồ) nên vị này được chọn làm trấn Nam của kinh thành Thăng Long. Và ở Hoa Lư cũng vậy. Cao Sơn đại vương phải là thần trấn Nam, không phải trấn Tây, của cố đô Hoa Lư.

Cong Ha Hoi

Cổng làng Hà Hồi với dòng chữ Hồi hương quan (quay về quê hương).

Một vấn đề tồn tại là theo sự tích ở Ninh Bình thì Cao Sơn đại vương ở đây lại là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân. Cũng ở nghi môn đình Hà Hồi còn có câu đối:
德大安民同心千古盛
雄朝護國德化萬年恩
Đức đại an dân đồng tâm thiên cổ thịnh
Hùng triều hộ quốc đức hóa vạn niên ân.
Dịch:
Đức lớn yên dân, cùng lòng ngàn xưa thịnh
Triều Hùng giúp nước, cảm đức vạn năm ơn.
Lạc tướng Vũ Lâm thời Hùng Vương thì là vị chúa họ Sùng thời Ân Thương vì Sùng = Cao, chỉ vùng đất Lạc thời đó. Vị chúa họ Sùng này được truyền thuyết Việt gọi là Sùng Lãm trong Truyện họ Hồng Bàng (Lạc Long Quân húy Sùng Lãm). Sùng Lãm là Bắc Bá Hầu Sùng Hầu Hổ của nhà Ân, cai quản vùng đất Lạc (đất Sùng) ở phía Nam (phương vị Nam Bắc nay đã bị đảo lộn).
Tuy nhiên, không rõ đây là sự lầm lẫn hay sự ghép nối của tín ngưỡng dân gian giữa Sùng Hầu Hổ và Cao Vương Biền. Cần chú ý là Cao Biền cũng có danh là Lạc tướng, còn lưu trong chuyện về ông ta bắn một phát tên trúng 2 con chim điêu và được phong là Lạc điêu ngự sử. Đại Nam quốc sử diễn ca kể:

Cao Biền là tướng Lạc điêu,
Tài danh sớm đã dự vào giản tri.

Thực ra tên Lạc Điêu của Cao Biền chính xác phải là Lạc Giao, tức là vị tướng cai quản vùng Lạc Việt – Giao Chỉ. Địa danh Vũ Lâm có nghĩa là “vua Nam”. Điều này như đã nói, Cao Sơn đại vương là thần trấn Nam.
Như vậy, so sánh các thông tin của Cao Sơn đại vương ở 2 làng Khê Hồi và Hà Hồi thì nhiều khả năng vị thần trấn Nam của Thăng Long và Hoa Lư là Cao vương Biền thời Đường, người đã làm “quốc chúa” ở phương Nam và khởi dựng 2 tòa thành Hoa Lư và Đại La.

Cao Sơn đại vương ở khu vực Thường Tín là ai?

Trong thần điện Việt Cao Sơn là tên thần có nhiều sự tích rất khác nhau tùy từng nơi. Nhưng ở đầu thì Cao Sơn cũng được tôn sùng, xếp vào hạng thượng đẳng thần. Tín ngưỡng thờ Cao Sơn không phải là thờ thần núi vì nói chung người Việt không thờ núi mà luôn thờ những nhân vật có công lao, có sự nghiệp với dân với nước thật sự.
Ở phía Nam Hà Nội có hội rước thần thành hoàng Cao Sơn đại vương trong lễ hội đình của 7 làng thuộc tổng Hà Hồi xưa, nay thuộc 3 xã của huyện Thường Tín (Hà Nội). Trong đó các làng Hà Hồi, Phú Cốc, Hoà Lương, Khê Hồi thuộc xã Hà Hồi; làng Đức Trạch thuộc xã Quất Động; các làng Bạch Liên và Phương Quế thuộc xã Liên Phương, vì 7 ngôi đình của 7 làng này đều thờ Thành hoàng Cao Sơn đại vương. Ngày đản (sinh) của thần vào 16 tháng 3 âm lịch, đã trở thành ngày hội làng của cả tổng Hà Hồi. Đám rước thành hoàng Cao Sơn đại vương của dân 7 làng trong tổng Hà Hồi xưa kia, đã trở thành một hội rước lớn khá nổi tiếng của cả vùng Thường Tín ở phía nam Kinh thành Thăng Long thời phong kiến.

IMG_4774Mô tả đồ rước trong lễ hội Khê Hồi.

Một vị thượng đẳng tối linh thần quan trọng như vậy nhưng khi xem về gốc tích của Cao Sơn đại vương ở Thường Tín có nhiều vấn đề chưa rõ ràng và thống nhất. Theo bản thần tích thành hoàng làng Khê Hồi viết ngày mùng 1 đầu xuân năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) do quan Lễ bộ Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn thì:
Cao Sơn đại vương là con của ông Cao Khánh ở núi Bảo Thái, quận Quảng Nam bên Bắc quốc. Tới cuối đời nhà Nguyên gia đình ông sang nước Nam buôn bán. Khi đến trại Mái Nhà (sau đổi là Phú Ốc) huyện Yên Mô phủ Trường Yên Ái Châu thì ở lại đấy. Ông lấy bà Trần Thị Tố người xã Quang Liệt thuộc bản huyện. Hai ông bà hiếm muộn mới sinh được một con trai đặt tên là Hiển, tự là Trường Cửu. Sau khi vợ mất cha con ông trở về Bắc quốc. Cao Hiển theo học Chu Đường tiên sinh. Năm Khánh Lịch thứ 6 triều Minh ông Cao Hiển ứng thí đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ, được ban cho chức Mục thủ Ích Châu, tặng hàm Quang lộc đại phu. Ông làm quan triều hay giữ thú mục, đánh Đông dẹp Bắc, lập được nhiều kỳ công, nên được vua phong làm Thái phó, sau lại được phong chức Thừa tướng.
Bấy giờ ở nước ta Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Vua Minh cho ông Hiển sang An Nam phò giúp đánh nhà Hồ, lại cho tìm kiếm con cháu nhà Trần về lập làm vua. Ông bắt được hai vua Hồ là Quý Ly và Hán Thương rồi trở thành chúa tể nước ta…
Một lần ông đến xã Trùy Khê huyện Giao Thủy phủ Thiên Trường đạo Sơn Nam, lập hành cung ở đó, mở yến tiệc mời dân gian đến cùng dự yến, ban cho nhân dân 5 hốt vàng làm vốn chung mua ruộng. Nhân dân nhận vàng vái lạy xin làm dân thần tử, đội ơn công đức của ngài như cha mẹ vậy…
Ông là chúa tể một phương được hơn mười năm. Năm 78 tuổi ông xin trở về quê nhà ở núi Bảo Đài. Nhà vua phong ông làm Sinh thần đại vương, hiệu là Cao Sơn quốc chủ đại vương. Ông mất năm 103 tuổi. Nhà vua tặng cho sắc chỉ: Cao Sơn quốc chủ đại vương. Truyền cho nhân dân Bảo Đài lập miếu thờ phụng. Lai ban chiếu truyền bảo các xã trong nước Nam trước đây có lập cung điện đều phải viết thần hiệu là Cao Sơn quốc chủ đại vương để thờ phụng, tất cả gồm 172 nơi…
Hoành phi trong đình Khê Hồi ghi: Bảo Sơn dục linh 寶山毓靈 chỉ núi Bảo Đài, quê của Cao Sơn đại vương.

IMG_4702Chính điện đình Khê Hồi có hoành phi Bảo Sơn dục linh.

Bản thần tích của đình Khê Hồi xem ra chẳng ăn khớp gì với lịch sử cả. Trung Quốc không có quận nào mang tên Quảng Nam, nơi có Bảo Đài. Nhà Minh của Trung Quốc không có niên hiệu Khánh Lịch, chỉ có Vạn Lịch của Minh Thần Tông. Thời Minh Thần Tông (1572 – 1620) thì nhà Hồ ở Việt Nam đã bị diệt từ lâu rồi. Lịch sử cũng không hề kể có vị tướng nào họ Cao của nhà Minh diệt nhà Hồ rồi làm chủ nước Nam. Và càng vô lý hơn khi người Việt lại thờ một vị tướng của giặc Minh làm Quốc chủ đại vương như thế. Rõ ràng đây là một sự lầm lẫn. Cao Sơn đại vương ở đây không hề sống và lập công tích ở thời kỳ Trần Hồ hay Minh.
Câu đối ở nghi môn đình Khê Hồi chép:
偉烈播人寰大曆甲榜弘定御碑特其遺蹟
崇祀遍天下芳桂公祠溪洄别廟同仰洪庥
Vĩ liệt bá nhân hoàn, Đại Lịch giáp bảng, Hoằng Định ngự bi, đặc kỳ di tích
Sùng tự biến thiên hạ, Phương Quế công từ, Khê Hồi biệt miếu, đồng ngưỡng hồng hưu.
Dịch:
Công lớn tỏa nhân gian, giáp bảng đời Đại Lịch, bia ngự năm Hoàng Định, di tích đặc biệt
Tôn tế khắp thiên hạ, đền chung Phương Quế, miếu riêng Khê Hồi, cùng đội ơn sâu.
Đền Phương Quế là miếu hàng tổng của Hà Hồi, nơi 7 làng ở đây chung rước thần Cao Sơn trong lễ hội. Làng Phương Quế nay nằm ở xã Liên Phương của huyện Thường Tín.
Câu đối trên nêu ra một niên hiệu khác cho thời Cao Sơn đại vương: năm Đại Lịch. Đại Lịch là niên hiệu của Đường Đại Tông (766 – 780). Đây là thời gian của khởi nghĩa Phùng Hưng tại nước ta. Với thông tin này thì có thể thấy Cao Sơn đại vương mà thần tích Khê Hồi kể đến chính là Cao Vương Biền. Cao Biền đúng là người đỗ đạt dưới thời Đường, được cử sang nước ta để dẹp loạn Nam Chiếu. Nam Chiếu tức là người Hồ ở phía Nam, bị thần tích Khê Hồi chép thành họ Hồ của Hồ Quý Ly. Cao Biền sau khi dẹp xong loạn Nam Chiếu đã được nhà Đường phong làm Tiết độ sứ và ở lại phụ trách vùng Tĩnh Hải (Bắc Việt). Ông cho xây thành Đại La và một loạt những công trình khác, có ân đối với người dân ở nhiều nơi. Ông được tôn làm Cao Vương như Lý Thái Tổ từng nói đến trong Chiếu dời đô.
Danh hiệu Cao Sơn quốc chủ như vậy rất khớp với công tích của Cao Biền tại nước Nam. Cao Biền sau thời gian phụ trách ở đất Tĩnh Hải cũng về Bắc quốc và mất ở phương Bắc như thần tích kể. Ở nước Nam do đó có nhiều nơi thờ Cao Biền nhưng dưới tên Cao Sơn đại vương. Đặc biệt là các khu vực miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình,… Cao Hiển, Cao Các, Cao Sơn đều là những tên gọi của vị Tiết độ sứ đầu tiên này trên vùng Tĩnh Hải. Về tục thờ Cao Sơn – Cao Các – Cao Biền ở miền Trung xin được bàn dẫn ở một bài khác…
Ngay bên kia sông Hồng ở làng Kim Lan (Gia Lâm) là nơi Cao Biền đã đóng quân, dạy dân làm nghề gốm, đúc những viên gạch có chữ Giang Tây quân để xây thành Đại La mà tới nay còn lưu trong di chỉ khảo cổ tại Kim Lan. Cùng phía bên này sông có làng Mỹ Ả (Thanh Trì) cũng là nơi thờ Cao Biền.

IMG_4815Cổng đình Khê Hồi.

Như thế, đã xác định được vị Cao Sơn đại vương theo thần tích ở làng Khê Hồi là Tiết độ sứ Cao Biền, người đã đánh dẹp người Hồ (Nam Chiếu) ở phía Nam và xây dựng vùng đất Tĩnh Hải quân. Tuy nhiên, chuyện về Cao Sơn đại vương ở Thường Tín chưa dừng ở đây… vì ở làng Hà Hồi, trung tâm của tổng Hà Hồi xưa lại cho những thông tin khác về Cao Sơn đại vương…

Những phò mã của An Dương Vương chống Tần kháng Triệu

Sách Việt sử những chuyện hay tích lạ của Lê Thái Dũng có dẫn truyện về một vị tướng thời Thục An Dương Vương như sau:
Theo một tài liệu dã sử “Tình sử Mỵ Châu” thì người con gái cả của An Dương Vương là công chúa Quỳnh Anh. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tần xâm lược, rất nhiều vị tướng đã lập công lớn, trong đó có tổng binh Võ Quốc.
Bấy giờ thấy con gái đã trưởng thành, “xuân xanh tới tuổi, đến tuần cập kê”, An Dương Vương liền tổ chức cuộc thi võ để kén chồng cho công chúa, rất nhiều anh tài võ tướng trẻ tuổi hứng khởi tham gia đua tranh thi đấu quyền cước, đao kiếm, cưỡi ngựa bắn cung. Cuối cùng, người giành chiến thắng trong đám quần kiệt ấy chính là Võ Quốc.
Sách “Tây Hồ chí” cũng có phần nhắc đến sự tích của tướng Võ Quốc, theo đó ông người ở bến Lâm Ấp, trang Long Đỗ, võ nghệ siêu quần lại có tài dụng binh. Nhờ có công dẹp phản loạn ở động Nghê Trà, bộ Dương Tuyền), lại có công đánh giặc Tần nên được vua gả công chúa Quỳnh Anh cho làm vợ.
… Khi Trọng Thủy được ở rể, mua chuộc chia rẽ các Lạc hầu, Lạc tướng và đã nắm hết nội tình triều chính Cổ Loa, phá bỏ được vũ khí thần diệu của nước Âu Lạc là nỏ Liên châu (Linh quang kim trảo thần nỏ) rồi lấy cớ trở về nước thăm cha thì lập tức, Triệu Đà đem quân tấn công Âu Lạc; vì chủ quan, An Dương Vương thua trận. Nghe tin cấp báo, phò mã tổng binh Võ Quốc cùng công chúa Quỳnh Anh dẫn quân về cứu thành Loa nhưng không kịp.
Trong trận chiến ác liệt dưới chân thành, Võ Quốc cùng người em kết nghĩa là dũng tướng Võ Trung tử trận, công chúa Quỳnh Anh được các tùy tướng hộ vệ phá vây chạy về làng Cháy ở đất Đông Ngàn (nay là làng Phù Chẩn, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh).
Giặc kéo đến vây kín, chống không nổi các tướng chỉ huy là ông Đống, ông Vực, bà chúa Quả Cảm… đã tuẫn tiết; công chúa Quỳnh Anh bị giặc bắt nhưng nàng đã dùng cây kim thoa bằng đồng tự sát để giữ lòng trung trinh, tiết hạnh.
Chuyện về vị tướng Võ Quốc (hay Võ Trung) thời An Dương Vương cũng được cuốn Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ của cụ Đăng Xuân Khanh (soạn năm 1956) nhắc tới:
Võ Trung người động Lâm Ấp đất Long Đỗ. Ông võ nghệ cao cường làm quan dưới triều Thục Vương đến chức Chưởng lĩnh tiền quân nguyên soái. Dẹp loạn Phí Công Nguyên được vua gia tặng chức Đô Thống thái bảo, lại gả cho công chúa Quỳnh Anh. Đến năm thứ 41 Triệu Đà sang xâm lược, ông phụng mệnh ra trận…
Địa danh Lâm Ấp như thế có từ thời An Dương Vương.
Trong các chuyện trên có một điểm lạ. Tướng quân Võ Quốc (hoặc Võ Trung) có công đánh quân Tần và lấy con gái An Dương Vương là công chúa Quỳnh Anh. Nhưng sau đó An Dương Vương mắc kế của Triệu Đà khi gả công chúa Mỵ Châu cho Trọng Thủy, dẫn đến mất nước.
Các nhà sử học Việt Nam hiện nay đang nghiêng về giả thuyết cho rằng Triệu Đà nổi lên ở Nam Hải (Quảng Đông), rồi tới sau khi Cao Hậu nhà Tây Hán mất (năm 180 TCN) mới đánh chiếm nước Âu Lạc của An Dương Vương. Nhưng nếu vậy tính từ lúc quân Tần đánh Việt, muộn lắm là năm 218 TCN, tới năm Cao Hậu mất có tới gần 40 năm. Hai công chúa Quỳnh Anh và Mỵ Châu hẳn có độ tuổi xấp xỉ nhau, mà công chúa Quỳnh Anh lấy chồng vào thời Tần (phò mã Võ Quốc chống Tần) cho tới thời Hán sau đó 40 năm thì công chúa Mỵ Châu tuổi đã ngoài 50, còn lấy chồng làm sao? Rõ ràng câu chuyện Trọng Thủy – Mỵ Châu phải xảy ra vào thời Tần, cùng thời với tướng Võ Quốc – công chúa Quỳnh Anh.
Một vị phò mã khác của An Dương Vương là Cao Tứ. Thần tích về Cao Tứ vẫn còn lưu giữ ở làng Hương Nghĩa (nay là khu vực đầu phố Đào Duy Từ, Hà Nội) được kể như sau:
Thời An Dương Vương ở châu Vũ Ninh có một dòng họ lớn là Cao Giai lấy bà Mãn người trong huyện… sinh ra Cao Tứ… Thời đó An Dương Vương mở khoa thi, Cao Tứ ứng tuyển, ứng đối lưu loát được sắc chỉ cho làm tham mưu. Ba năm sau làm thập đạo thống lĩnh trông coi thành Đại La. Thấy Kiên Nghĩa và Hương Bài có khí thiêng tốt đẹp ông lấy làm đồn binh hành cung. Năm đó ông 38 tuổi mà vẫn chưa đẹp duyên cùng ai. Vua bèn gả công chúa Phương Minh cho ông (công chúa Phương Minh là em gái công chúa Mỵ Châu), phong tước Tứ dương hầu. Được sau bảy năm quốc gia vô sự.
Sau Triệu Đà sai hiệu úy Đồ Thư đánh Lĩnh Nam. Vua sai phò mã thống lĩnh thủy đạo lãnh 5 vạn quân… chống cự với Triệu bảy tám năm, Quân Triệu thua trận chết vô số. Lần đó Triệu Đà đem đại quân đến Bắc Giang. Ông vâng mệnh vua đến thẳng Bắc Giang đánh một trận lớn. Quân Triệu đại bại chạy về núi Vũ Ninh. Chúng lập mưu gian, giảng hòa xin cho Trọng Thủy làm rể vua. Y dụ dỗ Mỵ Châu lấy trộm nỏ thần ngầm làm hỏng lẫy nỏ rồi lấy cớ trở về nước, bàn mưu với Triệu Đà đem quân đến đánh…

IMG_4635Đền Hương Nghĩa.

Đền thờ Cao Tứ nay vẫn còn, là đền Hương Nghĩa (2 làng Kiên Nghĩa và Hương Bài xưa sát nhập thành làng Hương Nghĩa) ở số 13B Đào Duy Từ, gần Ô Quan Chưởng. Tư liệu khác của đền Hương Nghĩa kể:
Cao Tứ là em Cao Lỗ – người sáng chế ra nỏ thần giúp vua Thục An Dương Vương. Cao Tứ sinh ngày 10 tháng giêng năm Đinh Hợi thời vua Hùng Vương thứ 18. Ông là người tinh tú, sức khoẻ hơn người. Khi vua An Dương Vương mở khoa thi tại Cổ Loa ông đã ứng thí. Văn võ toàn tài được vua phong: “Trấn thủ Đại La thành” sau đổi thành Thăng Long.Cao Tứ giỏi võ nghệ, làm tướng dưới thời vua Thục, đóng quân ở khu Hương Bài, Hương Nghĩa trên bờ sông Tô Lịch và được vua gả con gái là Phượng Minh công chúa. Cao Tứ lập hành cung ở Hương Nghĩa, ông chỉ huy quân thuỷ chống lại quân Tần và đã chiến thắng vẻ vang. Khi Triệu Đà xâm lược nước ta, Cao Tứ đã được phong làm Thuỷ đạo tướng quân lập 5 đồn trên sông Tô Lịch chống lại quân Triệu Đà trong suốt 7, 8 năm trời, quân Triệu Đà đã bị thua. Khi ấy, Trọng Thuỷ lợi dụng việc hoà hiếu gửi rể An Dương Vương rồi đánh cắp nỏ thần đem về nước, sau đó lại đem quân sang cướp nước ta. Cao Tứ được lệnh dàn quân trên sông Tô Lịch, chống lại quyết liệt và tử trận. Công chúa Phượng Minh sau khi biết tin chồng mình hy sinh, tự trẫm mình ở sông Bắc Giang để giữ trọn khí tiết, chung thuỷ với chồng.
Trong đền Hương Nghĩa còn câu đối nói về công nghiệp của Cao Tứ như sau:
閲我南前通鑑遺編水化孤忠標節義
建螺城三名祠峙立地靈勝蹟對馨香
Duyệt ngã Nam tiền thông giám di biên, thuỷ hoá cô trung tiêu tiết nghĩa
Kiến La Thành tam danh từ trĩ lập, địa linh thánh tích đối hinh hương
Dịch:
Xem nước Nam gương sáng xưa còn ghi, sông hóa lòng trung nêu tiết nghĩa
Dựng La Thành ba đền cao sừng sững, đất thiêng vết thánh đượm hương thơm

IMG_4659
Bốn chữ Tứ Dương linh ứng 賜陽靈應 trên mái đền Hương Nghĩa.

Thần tích Hương Bài về Tứ dương hầu Cao Tứ đặc biệt có câu: “Triệu Đà sai hiệu úy Đồ Thư đánh Lĩnh Nam”. Các nhà nghiên cứu (Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Duy Hinh) khi dịch thần tích này đã chú thích rằng chi tiết này không đúng với chính sử. Không đúng với chính sử không có nghĩa là sai. Chi tiết này, trái lại, là một chỉ định lịch sử rất chính xác. Triệu Đà trong cuộc chiến với An Dương Vương là người đã sai Đồ Thư đánh Lĩnh Nam. Nói cách khác, Triệu Đà chính là vua Tần vì Đồ Thư là tướng Tần.
2 vị tướng, 2 phò mã của An Dương Vương là Võ Quốc và Cao Tứ đều chống quân Tần rồi sau “vụ án” Mỵ Châu – Trọng Thủy đã hy sinh khi kháng quân Triệu. Không thể nói khác, chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy phải xảy ra vào thời Tần và Triệu Đà – bố của Trọng Thủy chính là vua Tần. Chính sử Việt ngày nay đã nhầm lẫn khi lấy Triệu Đà trong truyền thuyết Việt ghép với Triệu Đà nổi lên vào thời Tây Hán của Sử ký Tư Mã Thiên. Sự chắp nối râu ông nọ cắm cằm bà kia này đã dẫn đến những sự lộn xộn, vô lý về tuổi tác, thời gian của các nhân vật, như tính ra công chúa Mỵ Châu ngoài 50 tuổi mới lấy chồng hay Triệu Đà có tuổi thọ đến 121 tuổi!?
Bản chất của việc Trọng Thủy ở rể là âm mưu chiếm nước Âu Lạc của nước Tần. Nhìn nhận lại thời điểm của mối nhân duyên Tần – Việt Mỵ Châu – Trọng Thủy cho phép sắp xếp lại chính xác chân thực hơn những sự kiện và nhân vật của giai đoạn bản lề khá ngắn ngủi này khi chuyển tiếp giữa các triều đại: Hùng – Thục – Tần – Hán – Triệu và cho đầu mối rõ hơn về bí mật đã mất của chiếc nỏ thần Âu Lạc.

Bên Cánh đồng Chum

Cánh đồng Chum ở Xiêm Khoảng, Lào là một địa điểm đầy bí ẩn kể từ khi nó được phát hiện bởi nhà khảo cổ Colani người Pháp từ năm 1935. Những thám sát đầu tiên này cho thấy xung quanh những chiếc chum này từng có các ngôi mộ và các chiếc chum có liên hệ trực tiếp tới táng tục của người ở đây.
Colani nhận định niên đại của những chiếc chum này ở vào thời kỳ đồ sắt. Bà cũng đã phát hiện được một số mảnh gốm có hoa văn tương tự như gốm nhà Hán Trung Hoa hoặc văn hóa Sa Huỳnh của Việt Nam.
Trong dòng sử thuyết mới, khu vực Cánh đồng Chum là địa bàn của nước Lỗ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Rất có thể chính Lỗ Ban là người đã khởi xướng cho việc chế tác đá để tạo thành những chiếc chum khổng lồ này. Mộ Lỗ Ban như vậy có thể là một trong những ngôi mô từng được chôn ở đây.
Mối liên hệ khác, trước cửa Nam khu vực Angkor Wat ở Campuchia có ngôi đền Bakheng được sứ giả Chu Đạt Quan (thời Nguyên) ghi nhận là có mộ Lỗ Ban. Việc chế tác đá của Angkor có thể cũng có khởi nguồn từ nước Lỗ với những chiếc chum khổng lồ còn mãi tới nay.

Site 1 1

Vị trí 1.

Site 1 2

Chum có nắp đậy ở Vị trí 1.Site 1 3

Vị trí 1.Site 2 1

Nắp đậy ở Vị trí 2.Site 2 2

Vị trí 2.Site 2 3

Vị trí 2.
Site 3 1

Vị trí 3.Site 3 2

Vị trí 3.Site 3 3

Vị trí 3.

Giả nhời vài câu “học rởm” về quốc tổ Hùng Vương

Trong thời gian gần ngày giỗ tổ Hùng Vương mấy năm nay có khá nhiều học giả, chữ nghĩa đầy mình, viết những bài “phân tích” truyền thuyết và tục giỗ tổ Hùng Vương của người Việt một cách rất hồ đồ và ngạo ngược. Các học giả này phần lớn đều “làu thông kinh sử”… của Tàu, lấy đó làm thước để “đo” truyền thuyết Việt, lấy cách nhìn “lịch sử” hiện đại để soi huyền sử cổ đại… Họ có ngờ đâu rằng đó chỉ là cách nhìn phiến diện và sai lệch. Riêng ở thái độ bất kính với tổ tiên, với quá khứ cũng đủ vứt những bài viết đó vào sọt rác, khỏi cần đọc làm gì.

cong-den-hungCổng lên đền Hùng ở Phú Thọ: Cao Sơn Cảnh Hành.

Bài này điểm qua một số câu hỏi… “hơi ngu” của các học giả này và giải đáp nó dưới ánh sáng của Sử thuyết Hùng Việt.

1. Tại sao 18 đời Hùng Vương lại kéo dài hơn 2000 năm? Có phải mỗi vị vua Hùng như vậy trung bình thọ trên trăm tuổi?
Câu hỏi này tưởng là khó trả lời, nhưng nó lại thể hiện ngay sự hiểu biết lệch lạc cơ bản của người hỏi. 18 đời và 18 vị vua là khác nhau. Các thư tịch, minh văn chép về Hùng Vương nói là “Thập bát thế”, nghĩa 18 triều đại, chứ có phải 18 vị vua đâu. Mỗi một triều đại Hùng Vương có cả hàng chục vị vua nhưng đều mang cùng một danh hiệu của triều đại đó như Hùng Quốc Vương, Hùng Hiền Vương… 18 triều đại kể ra hàng trăm vị vua Hùng, kéo dài 2000 năm có lẽ còn hơi ít. Phải trên 3000 năm mới đúng nếu kể cả những vị vua thời từ tiền lập quốc.

2. Các vua Hùng họ gì?
Có chuyên gia phân tích rằng bố của Lạc Long Quân là Kinh Dương Vương, cũng từng được coi là thuộc 18 vua Hùng, mà Kinh Dương Vương tên là Lộc Tục. Suy ra các vua Hùng mang họ của Kinh Dương Vương là họ Lộc… Thật sự là một sự khôi hài.
Các vua Hùng thì chẳng mang họ Hùng thì còn mang họ gì nữa? Nhưng họ Hùng là một họ đặc biệt, là “họ tộc” của cả đại tộc Việt chứ không phải của 1 dòng họ. Vị vua đầu tiên là Hữu Hùng Hoàng Đế, tức Đế Minh, là vua của Hữu Hùng Thị hay tộc họ Hùng. 18 đời Hùng Vương là 18 triều đại nên hiển nhiên không phải chỉ có 1 họ. Mỗi triều đại có thể mang một họ riêng hoặc cũng có thể trùng với một vài triều đại trước đó. Với 3000 năm lịch sử thời đại Hùng Vương thì việc một dòng họ có thể nắm quyền vài triều đại là bình thường.

3. Tại sao tên các vua Hùng lại đều là “tên Tàu”?
Các vị vua Hùng đều có những cái tên Hán Việt như Hùng Vũ Vương, Hùng Huy Vương… Vậy vua Hùng là người Tàu hay là vốn vua Hùng có các “tên Nôm” khác mà nay đã bị thất truyền?
Thực ra tên các vua Hùng được đặt bằng âm Hán Việt chẳng nói lên được là các vua Hùng là người Hán. Ngược lại, điều này nói lên rằng âm Hán Việt vốn là âm tiếng Việt thời cổ. Tại sao không gọi là âm Việt – Hán cho chính xác? Chữ mà được ngày nay gọi là chữ Hán thực ra vốn là chữ Việt, do người Việt sáng tạo ra và dùng nó cả vài ngàn năm nay.

4. Hùng Vương hay Lạc Vương?
Đây là một trong những câu hỏi đầy suy diễn của các học giả từ trước tới giờ. Họ thường viện dẫn các tài liệu nói rằng nước ta có các Lạc hầu, Lạc tướng,… nên phải có Lạc Vương và từ đó suy ra Hùng Vương phải là Lạc Vương chỉ vì do… “lỗi đánh máy”. Họ không thể nghĩ đơn giản hơn được hay sao?
Lạc Vương là Hùng Vương, không sai, nhưng điều ngược lại thì không đúng. Hùng Vương có thể không phải là Lạc Vương vì Lạc Vương chỉ là vua ở một phạm vi tương đối nhỏ ở Bắc Việt – Quảng Tây trong một thời kỳ đầu của lịch sử. Còn Hùng Vương có tới 18 triều đại, phạm vi trên toàn cõi Đông Nam Á và Hoa Nam. Làm sao lại gán ghép Hùng Vương với Lạc Vương được.

bach-viet-13Phạm vi nước Văn Lang thời Hùng Vương.

5. Nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương làm sao có thể bao trùm toàn bộ vùng Nam sông Dương Tử?
Đúng là không thể có quốc gia nào có phạm vi mênh mông như vậy ở thời Kinh Dương Vương. Nhưng đây là sự gán ghép tư liệu lịch sử, lấy đất đai của nước Văn Lang của Hùng Vương gán vào nước Xích Quỷ từ thời Kinh Dương Vương. Đồng thời diễn giải lệch lạc phạm vi đã được mô tả rõ của nước Văn Lang: Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn. Với mô tả này nước Văn Lang không chiếm toàn bộ vùng Nam Dương Tử mà là phần Tây Nam Trung Hoa ở Bắc Việt, Vân Nam, Quý Châu và Quảng Tây. Việc tự phóng đại phạm vi nước của Hùng Vương lên và gán cho nó vào thời kỳ đầu của Kinh Dương Vương để bảo thông tin đó là vô lý là một sự ngụy xảo, “gắp điều xằng bậy bỏ mồm người khác”.

6. Chuyện Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở trăm trai là vô lý.
Truyền thuyết Trăm trứng chẳng có gì là vô lý từ góc độ truyền thuyết cả. Nó “vô lý” chỉ vì các học giả đang đeo những lăng kính “lịch sử” mà nhìn truyền thuyết. Câu cuối cùng trong truyền thuyết họ Hồng Bàng này đã minh định ngay ý nghĩa của hình ảnh trăm trứng: “Trăm người con trai chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy”. Lạc Long Quân và Âu Cơ là đại diện của 2 dòng tộc Tiên và Rồng, Âu và Lạc đã kết hợp với nhau mà sinh ra các chi Bách Việt. Đây là cách thể hiện tóm tắt nguồn gốc sự phát triển lịch sử của Bách Việt. Đâu có phải hiểu theo nghĩa đen (đúng thật là “đen”, tối) như mấy học rởm ngày nay diễn giải.Chiếc trống đồng có 4 con cóc trên mặt trống, nhưng lại được trang trí bằng hoa văn Hủy long, dạng hoa văn đặc trưng của văn hóa Thương Chu.

7. Có nhiều vua Hùng vậy thì chẳng nhẽ tất cả các vua Hùng đều là quốc tổ và được thờ, giỗ?
Những vị vua Hùng được thờ ở đền Hùng không phải là con cháu của Lạc Long Quân. Ở đền Hùng Phú Thọ (và các di tích khác trong khu vực này) thờ 3 vị vua Hùng là:
– Đột ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế truyền thánh vương
– Ất Sơn thánh vương
– Viễn Sơn thánh vương.
Đây hoàn toàn không phải 3 vị “thần núi” như các học giả đang tưởng tượng. Sơn là từ chỉ hướng Bắc (nay) vì là quẻ Cấn trong Bái quái. Từ Sơn ở đây tương đương với từ Lạc, cũng là chỉ hướng Bắc. “Cao Sơn thánh vương” tương đương với tên gọi “Lạc Vương”. Như thế 3 vị quốc tổ được thờ là 3 vị Lạc Vương mà vị đầu tiên là Đột ngột Cao Sơn (“đột ngột” – bất ngờ xuất hiện, trước đó chưa có ai), chính là Đế Minh của truyền thuyết Việt. 2 vị Lạc Vương còn lại là Đế Nghi và Lộc Tục. Đây mới đúng là các quốc tổ đã bắt đầu thời đại Hùng Vương được thờ cúng tại đền Hùng.

8. Tại sao lại lấy ngày 10-3 làm ngày giỗ tổ Hùng Vương?
Tháng 3 trong Âm lịch là tháng Thìn hay tháng của Rồng. Số 10 trong Thập can là Kỷ hay Kỵ. 10-3 nghĩa là ngày “kỵ long”, tức là ngày giỗ vua. Ý nghĩa của việc giỗ tổ là bên cạnh việc tưởng nhớ đến những vị vua đã có công dựng nước, nó còn mang ý nghĩa như ngày Quốc khánh. Theo chế độ phong kiến trước đây, ngày mất của vua cha cũng là ngày thái tử đăng quang, bắt đầu một triều đại mới. Ngày quốc khánh thì cả nước phải ăn mừng và được nghỉ lễ là quá đúng rồi…

Có lẽ còn nhiều câu hỏi “đểu” tương tự như vậy nữa của các học giả… không đến nơi đến chốn, khinh thường văn hóa truyền thống này. Nhưng thôi cứ để cho các vị ấy tự mãn với các sở học của mình. Rồi đến lúc khắc biết thế nào là quả báo khi phạm đến tổ tiên và thần linh Việt.