Thần tích thần sắc làng Áng Phao, tổng Thủy Cam, phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông

Phụng sao tích thánh

Bản phả chép về một vị Đại vương công thần triều Hán Chiêu Đế và hai vị Đại vương âm phù

Xưa nguyên Thánh tổ Hùng Vương mở vận lịch đồ hơn hai ngàn năm. Hùng Vương lập nước núi xanh vạn dăm, dựng nền cung điện đô thành, nước xanh một dải, khởi đầu đạo các đế thánh vua sáng, độ vật giúp người, thống trị 15 bộ, gọi là khởi tổ của Bách Việt.

Hùng đồ 18 đời truyền nối khi vận mạt, ý lớn kết thúc, trải qua các triều đại tới thời nhà Tây Hán, ở đất Long Biên có một người gốc Quảng Tín Thương Ngô. Ông họ Dương, có tổ tiên được phong ơn lộc, lấy người địa phương làm vợ là Tạ Thị, húy Cẩn, cũng là một gia đình có truyền thống thi lễ trâm anh, môn đăng hộ đối. Ông tinh thông y thuật, hay hành thiện giúp người. Cả hai vợ chồng đều làm việc thiện, cứu người. Ông tuổi đã 50 còn Tạ Thị ngoài bốn mươi mà chưa có con trai.

Một tối Tạ Thị nằm mơ thấy một tinh rắn nhập vào. Từ đó thấy trong người có mang. (Ngày 8 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ) sinh được một con trai, tư chất lạ thường. Vợ chồng ông rất yêu quý. Nuôi nấng được 3 năm, tính cách hình dạng đã nên. Ông mới đặt tên là Cư Sĩ, để có thể biết lễ nghĩa, biết kính nhường, biết học văn, nghe hiểu âm nhạc. Bảy tuổi đi học, sách vở đọc một lần là nhớ, lại thông kinh sử, biết võ nghệ. Các học trò đương thời đều rất thán phục, cùng gọi là Thánh đồng.

18 tuổi, cha mẹ đều mất. Sĩ Công tìm đất tốt làm lễ an táng. Ba năm chịu tang, hương lửa trong nhà phụng thờ theo nghi lễ. Ông lại có tâm khuyến khích sự học, dạy giỗ người dân. Thấy sự giáo hóa ở Giao Châu chưa được mạnh đủ, Ông dần dần khuyên dụ lễ nghĩa trong dân. Phong tục tốt đẹp của Nam Châu là công của Ông vậy. Nhân dân đều kính mộ, tôn Ông là Châu trưởng.

Khi Hán Chiêu Đế sai Chu Chương làm Thái thú Giao Châu, nghe nói Sĩ Công giáo hóa phục dân đã dâng biểu tấu. Vua bèn phong cho Ông là Liệt hầu. Ông nhận tước phong, theo mệnh Vua đi các huyện ấp, xem xét phong tục nhân dân.

Một ngày Sĩ Công đến trại Áng Phao, huyệnThanh Oai, phủ Phụng Thiên, thấy phong tục nhân dân còn lạc hậu, việc học còn yếu. Ông bèn xem xét vùng đất này, thấy một địa thế có thế cục sông núi cùng chầu, rồng bao xung quanh, cũng là một nơi phong quang thắng cảnh. Ông liền truyền cho quân sĩ cùng nhân dân lập một học đường ở trại Áng Phao để dạy dân văn tự. Được một năm, nhân dân kính mộ, trở thành một làng có lễ nghĩa.

Khi đó các tù trường 7 quận Chu Nhai, Đam Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngung, Lộc Lãnh làm loạn, xáo động nhân dân. Do đó Vua nghe vậy hỏi vấn các đình thần để định kế sách. Vua mới phong Sĩ Công làm Thái thú ở châu. Vua cử Công có đức cao phục người, tất có khả năng yên định, có thể dẹp giặc. Một ngày Ông về học đường ở trại Áng Phao, truyền quân sĩ cùng với người trong trang mổ trâu làm lễ tế cáo trời đất, cầu đảo núi sông trăm thần đến hưởng. Sĩ tử các trang, nhân dân nơi nơi đều tin phục. Tối đó, Ông nằm trong học đường, tới đầu canh 4, thấy mông lung vào mộng,

Thấy hai người nam, quần áo chỉnh tề, hình dáng cao lớn, tay cầm kiếm, theo đường trên mà tới, tự xưng chúng tôi là dòng dõi nhà họ Hùng, tên một người là Tri Huyễn, người thứ hai là Đông Tẩy. Thấy Ông có đức lớn dạy dân chữ viết, lễ nghĩa có oai. Nay Ông vâng mệnh Hoàng đế cử Ông đi dẹp giặc. Ông lại về học đường bái yết trời đất trăm thần, lòng Trời cảm động, đã sai anh em chúng tôi linh thiêng phụng mệnh Thiên đình, chúng tôi hiện đến, tự nguyện kết làm anh em, âm phù trợ giúp. Dẹp được giặc dữ. Ngày sau xin được cùng phối phụng thờ.

Thần nhân dứt lời thì bay lên không mà biến (thần mộng ngày 10 tháng 3). Sau khoảnh khắc Ông tỉnh lại, biết có 2 vị linh thần âm phù trợ giúp. Rạng ngày Ông làm lễ bái tạ. Phụ lão ở trại tâu rằng:

– Từ khi Ông làm ở học đường dạy dân mà được yên ổn, lấy đức phục người. Trang này xin được báo đáp. Nhân nay thỉnh lấy chỗ đang là học đường, sau là nơi thờ cúng.

Ông đồng ý, và nói:

– Trại của các ngươi đã có lòng sâu với ta, sẽ trọng mệnh của ta muôn năm sau ở trại này.

Tối qua ta nằm mộng thấy 2 vị linh thần âm phù trợ giúp, tự xưng tên một người là Tri Huyễn, một người là Đông Tẩy, giúp ta dẹp giặc. Ta cho các ngươi 10 hốt vàng để ngày sau dùng cho việc thờ phụng. Cũng cung thỉnh cả 2 vị linh thần tên như vậy cùng phối thờ.

Ông tuyển lấy ở trại các sĩ tử cùng các đệ tử cường tráng trong trang, được 300 người, lấy làm gia thần theo Ông dẹp giặc.

Rạng ngày thấy sứ thần mang chiếu thư đến triệu Ông đem binh về kinh. Vua mới ủy quyền cho Ông truyền hịch đi các phủ huyện để nhân dân giúp lương gạo. Trong ngày đó Thái thú Sĩ Công xuất 2 vạn binh đến thẳng quận Cửu Chân. Ông truyền cho tướng sĩ phân các nơi giữ yên thế thủ, không được khiêu chiến.

Một này Ông soạn văn rồi sai mang chiếu dụ về việc tín nghĩa và họa phúc. Giặc đều xem văn mà sợ, đều bỏ giáp lại hàng. Từ đó quận được yên. Vua triệu Ông khải hoàn trở về, mở tiệc lớn chiêu đãi, phong cấp cho các tướng sĩ có công. Sĩ Công tâu rằng:

– Bảy quận được dẹp yên là nhờ có thần âm phù trợ giúp.

Vua nghe được việc này là đang chờ được phong hậu. Vua liền phong cho Sĩ Công làm Thái thú ở nhậm sở tại huyện Thanh Oai, phủ Phụng Thiên, đạo Sơn Nam Thượng (sau đổi sang thành Thăng Long).

Một ngày trời mùa đông, Ông đang ngồi ở phủ đường bỗng thấy trời đất hiện một đám mây vàng lớn, như hình một dải lụa đỏ, từ trên trời mà giáng hạ vào trong doanh trại. Bỗng thấy Ông thân theo mây mà bay đi. Cho tới khi trên lầu không nhìn không thấy nữa tức là Ông đã hóa (vào ngày 10 tháng 11). Nhân dân và quân sĩ đều kinh sợ hành lễ, tấu lên triều đình. Hán Đế sai sứ đến sắc phong cùng với dụ chỉ tế văn đến nơi. Sắc phong tên gốc thần hiệu cùng với thần hiệu của 2 vị âm phù, sai sứ sắc phong thần hiệu cho ba vị:

Phong Cư Sĩ Hiển ứng Đại vương. Tặng phong Phúc nhân Tế thế Hộ quốc Khang dân Thượng đẳng phúc thần.

Phong Tri Huyễn Linh quang Đại vương.

Phong Đông Tẩy Linh ứng Đại vương

Tặng phong hai vị Linh thông Bảo khao Hiển hữu Trợ thắng Đại vương.

Từ đó về sau đều có nhiều sự linh ứng, cũng có nhiều đời đế vương gia phong thê mỹ tự

Cho trại Áng Phao cùng các sĩ tử ở trong các khu trang phụng thờ lâu dài. Tốt thay!

Đến hoàng triều Cảnh Hưng năm thứ 44 ngày 16 tháng 7 sắc phong.

Hoàng triều Cảnh Thịnh năm thứ 2, ngày 26 tháng 1 sắc phong.

Hoàng triều Đồng Khánh năm thứ 2, ngày 1 tháng 7 sắc phong.

Hoàng triều Tự Đức năm thứ 33, ngày 24 tháng 1 sắc phong.

Hoàng triều Duy Tân năm thứ 3, ngày 11 tháng 8 sắc phong.

Hoàng triều Khải Định năm thứ 9, ngày 15 tháng 7 sắc phong.

Phụng sao tích thánh y như bản cũ.

Chính hương hội xã Áng Phao Nguyễn Thư Thành

Xã trưởng Nguyễn Thư Thiện

Quan hệ Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Chămpa: nhận định của Sử thuyết Hùng Việt

Trong bài trích từ sách của tác giả Lâm Thị Mỹ Dung đã dẫn một số ý kiến của các học giả, chủ yếu là các nhà khảo cổ học, bàn về mối liên hệ giữa nền văn hóa Sa Huỳnh với quốc gia Lâm Ấp và Chămpa. Sau đây là một số nhận xét theo Sử thuyết Hùng Việt giúp giải tỏa những vướng mắc trong mối quan hệ phức tạp của giai đoạn hơn 1000 năm lịch sử phương Nam này.
Trước hết là các học giả đều nhất trí, với sức sản xuất của nền văn hóa Sa Huỳnh, không kém gì văn hóa Đông Sơn, thì khu vực này chắc chắn đã phải xuất hiện “Nhà nước”. Nhưng tại sao sử sách không hề ghi chép gì về một nhà nước nào đã tồn tại ở miền Trung Việt Nam vào thời kỳ trước Công nguyên (niên đại của văn hóa Sa Huỳnh)?

Chien Quoc

Vị trí các nước thời Chiến Quốc theo Sử thuyết Hùng Việt.

Sử thuyết Hùng Việt giải đáp rõ ràng câu hỏi này. Khu vực miền Trung Việt cũng như miền Bắc Việt vào thời kỳ Đông Sơn – Sa Huỳnh đã hình thành các nhà nước quân chủ với trình độ phát triển cao. Đây là thời kỳ mà Hoa sử gọi là thời Xuân Thu Chiến Quốc. Các nhà nước lúc này chính là các nước chư hầu của Trung Hoa, bao phủ trên toàn cõi Đông Nam Á. Cụ thể:
– Bắc Việt lúc đó là đất của nhà Đông Chu, nơi có thành Lạc Dương ở Cổ Loa của thiên tử Chu.
– Bắc Trung Bộ (Thanh Nghệ) và Tây Bắc – Lào là đất của nước Lỗ. Nước này vốn là đất phong của Chu Công Đán, quê hương của Khổng Tử, Lỗ Ban.
– Khu vực quãng từ Quảng Bình đến Nha Trang là đất của nước Yên, hoặc còn có tên khác là nước Cam. Cam = Chàm = Chiêm. Hoặc Cam Yên thiết Chiêm. Dấu vết của nước này là địa danh Cam Ranh – ranh giới phía Nam nước Cam. Hoặc trong cái tên An Chiêm mà Trần Nhân Tông từng gọi khi ông đi thăm khu vực Khánh Hòa. Nước này vốn là đất phong của Thiệu Công Thích, vị đại thần lập quốc của nhà Chu.
– Phía Nam của Cam Ranh là nước Phan với các địa danh Phan Rang (Phan Ranh), Phan Thiết… Sử cũ gọi là Phù Nam vì Phù Nam thiết Phan. Đây là nước không thấy nhắc đến trong thời Chiến Quốc, nhưng là đất phong của Tất Công họ Phan, vị quân chủ thứ 3 của Đông Đô nhà Chu. Sử Việt gọi là Phan Tây Nhạc.
Khoảng giữa thời kỳ Sa Huỳnh và Lâm Ấp các nhà khảo cổ biết rõ là có sự xen lẫn thời kỳ các hiện vật “Hán” phương Bắc. Tuy nhiên, sự xen lẫn này không phải bắt đầu vào thời Hán (dù là Tây Hán) mà trước đó 1 triều đại. Nhà Tần đã tấn công diệt Đông Chu từ năm 256 TCN dưới thời Tần Chiêu Tương Vương. Sau đó Tần Thủy Hoàng tiếp tục diệt các nước Lỗ và Yên ở phía Nam. Biên giới phía Nam nhà Tần khi thống nhất lục quốc đã tới miền “Bắc Hộ”, miền nhà cửa quay về hướng Bắc, tức là vùng Nam Trung Bộ Việt. Có thể Tần chưa chiếm tới vùng đất Phan ở xa hơn nữa về phía Nam.

Cac quan thoi TanCác quận cực Nam của nhà Tần.

Trên khu vực này Tần đặt ra các quận gồm:
– Lấy đất Đông Chu đặt thành quận Tam Xuyên hay Long Xuyên, là vùng Bắc Bộ Việt và một phần Quảng Tây.
– Nước Lỗ và một phần phía Bắc nước Yên xưa thành quận Lang Gia (Lang Gia thiết La = Lỗ).
– Hậu duệ nhà Chu được ân sủng đặc biệt của Tần đế, ban cho một vùng đất để sinh sống gọi là Đông Chu quân. Vùng đất này có thể chính là thành Châu Sa (Sa là thủ lĩnh, Châu = Chu) ở Quảng Ngãi.
Cũng vì khu vực Trung Bộ đã thuộc nhà Tần nên sang thời nhà Triệu vùng đất này thuộc luôn về đất của Nam Việt. Ta không hề thấy các vua Triệu cần phải đánh đấm gì ở phía Nam cả mà vẫn có vùng “Nhật Nam” sau đó ở Trung Bộ Việt. Các hiện vật khảo cổ khẳng định giai đoạn “thuộc Hán” hiện diện trên khu vực văn hóa Sa Huỳnh ở Trung Bộ.
Sang đến giai đoạn Lâm Ấp, có điểm quan trọng phải làm rõ. Các sử gia hiện tại đang hết sức sai lầm khi cho rằng Khu Liên khởi nghĩa và lập nước Lâm Ấp chỉ là khu vực Nam Trung Bộ. Chỉ cần điểm qua vài thông tin về khởi nghĩa Khu Liên cũng thấy sự thật không phải thế. Nơi Khu Liên khởi nghĩa được Thiên Nam ngữ lục chép là Tượng Quận. Các tài liệu khác gọi là vùng Tượng Lâm. Khởi nghĩa của Khu Liên đã giết cả thứ sử Giao Châu là Chu Phù. Như vậy Khu Liên không thể khởi nghĩa ở tận Nam Trung Bộ vì ở đó làm gì có Tượng Quận và làm gì có thứ sử Giao Châu nào ở tít trong đó. Khởi nghĩa Khu Liên thực chất nổ ra ở giữa vùng Tượng Quận – Quế Lâm, tức là từ đó đổ về Nam là đất của Lâm Ấp, bao gồm cả Giao Châu, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ.
Chỉ khi nhận ra điểm kết nối này thì mới giải thích được tính liên tục của văn hóa Sa Huỳnh sang Lâm Ấp. Toàn bộ khu vực phương Nam từ vùng Tượng – Lâm ở Quảng Tây kéo dài xuống tới miền Bắc Hộ xưa của nhà Tần là nước Lâm Ấp của Khu Liên. Khu Liên mất, lịch sử Lâm Ấp lúc này mới tách dòng. Ở phía Bắc (Giao Châu) người kế tục Khu Liên là Sĩ Nhiếp, được nhà Hán buộc phải công nhận là thứ sử Giao Châu 7 quận gồm cả vùng Quảng Đông, Quảng Tây. Phần Tây Bắc và có thể cả Bắc Trung Bộ thuộc một thủ lĩnh khác trong cùng liên minh Lâm Ấp là Mạnh Hoạch.

Lam Ap

3 phần của Lâm Ấp thời hậu Khu Liên.

Ở phần cực Nam của Lâm Ấp, Sĩ Nhiếp giao cho con của mình là Phạm Hùng cai quản. Tộc phả họ Phạm ở Quảng Ngãi chép là Đại lang Phạm Duy Hinh, con Phạm Duy Minh ở Đằng Châu (Giao Châu), làm vua cai quản tại thành Châu Sa – Quảng Ngãi.
Các nhà khoa học đã nhận định rất chính xác rằng Lâm Ấp ban đầu vốn là một quốc gia nói tiếng Nam Á, thuộc dòng Âu Lạc (xem bài đã dẫn của Lâm Thị Mỹ Dung). Bởi vì Lâm Ấp do Phạm Hùng cai quản hiển nhiên là dùng tiếng như ở Giao Châu (Phạm Hùng là con của Sĩ Nhiếp – Phạm Tu).
Một phát hiện gần đây cho biết Sĩ Nhiếp là một tu sĩ theo đạo Bà La Môn, thờ Tứ pháp, là đặc tính của thần Đế Thích – Indra trong Bà La Môn giáo. Khu vực mà Phạm Hùng cai quản do vậy cũng theo đạo này. Rất có thể cái tên Indrapura (chỉ phần đất/tộc người phía Bắc Chiêm Thành) là bắt nguồn từ tên thần Indra của Bà La Môn.
Sau khi Sĩ Nhiếp mất, Giao Châu thuộc về nhà Đông Ngô của Tôn Quyền. Hậu duệ của Sĩ Nhiếp bị Tôn Quyền phế bỏ. Với sự phát triển của dòng Thiền Phật giáo như Khương Tăng Hội ở Luy Lâu thì Giao Châu chuyển sang tín Phật. Trong khi đó khu vực còn lại của Lâm Ấp xưa ở Nam Trung Bộ do họ Phạm nắm giữ,  không thuộc Đông Ngô, vẫn tiếp tục truyền thống cũ của đạo Bà La Môn. Chỉ từ lúc này khái niệm Lâm Ấp mới dùng để chỉ riêng vùng Nam Trung Bộ Việt.
Họ Phạm ở Nam Trung Bộ sau đó nhiều lần tiến đánh đòi lại đất đai cha ông ở miền Bắc, cũng như mở rộng thêm các diện tích xa hơn về phía Nam. Lâm Ấp họ Phạm tồn tại mãi tới khi tướng Tùy là Lưu Phương dẫn quân tiến đánh năm 605 mới tạm chấm dứt. Cho tới lúc đó rõ ràng ngôn ngữ chính của Lâm Ấp là tiếng Việt – Nam Á.
Cần nói thêm rằng Nam Trung Bộ Việt là nơi hội tụ các ngôn ngữ của cả 2 dòng Nam Á và Nam Đảo rất sâu rộng. Ở đây (như trên Tây Nguyên) có thể bắt gặp các tộc người sống ngay cạnh nhau nhưng thuộc 2 nhóm ngôn ngữ khác nhau này. Đồng thời, tuy gọi là khác nhau nhưng mức độ hòa lẫn, giao thoa của các ngôn ngữ địa phương này lại rất lớn. Ngay tiếng Chăm ngày nay cũng có rất nhiều yếu tố Nam Á. Phải nói rằng Nam Trung Bộ là nơi xuất phát gốc của cả 2 dòng ngôn ngữ Nam Á và Nam Đảo. Vì thế, ở đây không thể hoàn toàn dùng ngôn ngữ để xác định lịch sử hay dân tộc được, khi không thể phân biệt đâu là Nam Á, đâu là Nam Đảo trong ngôn ngữ, ai là ngọn, ai là gốc.
Dù như thế nào thì từ góc nhìn của Sử thuyết Hùng Việt văn hóa Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Chămpa là sự tiếp nối và phát triển liên tục. Chính sự phát triển theo tiến trình của lịch sử mới dẫn đến những phân hóa về dân tộc và ngôn ngữ như ngày nay. Nhưng tất cả tộc Chăm và Việt vốn đều cùng một nguồn gốc ban đầu. Vùng Trung Bộ Việt vốn là đất phong Lỗ, Yên, Tề, Phan của những đại công thần lập quốc của nhà Chu. Tức là tất cả cùng một bà mẹ Âu Cơ sinh Bách Việt dưới thời thiên tử Chu của thiên hạ Trung Hoa.

Giao Châu Đặng cư sĩ

Đại Việt sử ký toàn thư: Kỷ thuộc Tây Hán: Đến cuối đời Vương Mãng, châu mục Giao Châu là Đặng Nhượng cùng các quận đóng chặn bờ cõi để tự giữ. Tướng nhà Hán là Sầm Bành vốn quen thân với Nhượng, gửi thư cho Nhượng bày tỏ uy đức của nhà Hán. Thế rồi [Nhượng] bảo Thái thú Giao Chỉ là Tích Quang và Thái thú các quận là bọn Đỗ Mục sai sứ sang cống hiến nhà Hán. Nhà Hán đều phong cho những người ấy tước hầu. Bấy giờ là năm Kỷ Sửu thời Hán Quang Vũ năm Kiến Vũ thứ 5.
Người đứng đầu 7 quận Giao Châu cuối đời Vương Mãng là Đặng Nhượng. Thân thế vị châu mục này thế nào sử sách cũ không cho biết rõ. Đặng Nhượng là người Việt hay người Hán? Có thật các thái thú Đặng Nhượng, Tích Quang, Đỗ Mục sau khi “đóng chặt bờ cõi để tự giữ” đã hàng nhà Đông Hán và được phong hầu không?
Thời Tây Hán, trị sở của Thái thú đặt tại Long Uyên, tức là Long Biên”. Long Biên ngày nay còn một di tích liên quan đến đoạn sử bản lề giữa Tây Hán và Đông Hán này trên đất Việt. Đó là ngôi đình của thôn Gia Lâm, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đình này hiện còn giữ được một tấm bia khắc ngọc phả năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740).

Dinh Gia Lam

Đình Gia Lâm, Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội

Theo ngọc phả đình Gia Lâm thì đình thờ Hộ Pháp cư sĩ họ Đặng. Ông sinh năm 26 TCN. Năm 18 tuổi cha mẹ đều mất, ông đang học ở Gia Lâm, sau Hán Chiêu Đế cử làm Thái thú Giao Châu. Đi đánh giặc, ông phủ dụ bảo ban lễ nghĩa, quân giặc xin hàng. Nhân lúc nhàn rỗi ông quay lại dạy bảo dân điều ân nghĩa, dân chúng đều bái tạ. Đến đời Ai Đế, Vương Mãng làm loạn, ông đem quân trấn giữ quan ải, bị bao vây, ông phá vòng vây chạy về đến Long Biên và mất vào ngày 10 tháng 8 âm lịch. Vua nghe tin bèn ban sắc cho làm phúc thần, lại cho các quận Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, Hải Dương, Gia Lâm cùng rước mỹ tự về thờ. Đình Gia Lâm dựng trên nền lớp học cũ của ông.
Thái thú Giao Châu cuối thời Tây Hán họ Đặng thì rõ ràng là Đặng Nhượng. Trong khu vực huyện Gia Lâm còn có xã Đặng Xá, tức là làng những người họ Đặng. Đặng Nhượng là người họ Đặng được nhắc đến sớm nhất trong sử sách Việt, có thể coi là tổ của dòng họ Đặng ở nước ta.
Cha mẹ Đặng Nhượng mất khi ông 18 tuổi, đang học ở Gia Lâm. Có thể thấy Đặng Nhượng là người Việt chính gốc. Làm sao có thể gọi lịch sử nước ta thời kỳ Tây Hán là “mất nước” khi người Việt còn làm thái thú đứng đầu 7 quận của Giao Châu?
Ngọc phả đình Gia Lâm cho thông tin hoàn toàn khác với chính sử. Châu mục Đặng Nhượng đem quân trấn giữ quan ải, bị bao vây và đã mất ở Long Biên. Hoàn toàn không có chuyện Đặng Nhượng nghe lời Sầm Bành mà triều cống Đông Hán và được phong hầu. Đặng Nhượng đã “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng” và đền nợ nước tại Giao Châu.
Vì Đặng Nhượng vẫn còn giữ ải tới thời khi Sầm Bành dẫn quân Hán tấn công nên Giao Châu không phải chống lại nhà Tân của Vương Mãng, mà là chống lại sự bành trướng của nhà Đông Hán xuống phương Nam. “Cuối đời Vương Mãng” tức là lúc lũ Lục Lâm thảo khấu (Hán quân) nổi loạn, đoạt ngai vị của người Trung Hoa. Giao Châu Đặng Nhượng là người Việt, là người Trung Hoa chính thống, chống lại sự xâm lược của Hán quân là hoàn toàn hợp lẽ.
Đặng Nhượng, cùng các thái thú các quận Tích Quang, Đỗ Mục, là các “cừ súy” – quí tộc Việt ở Giao Châu đã kiên cường chống lại giặc Hán, giữ yên Giao Châu hàng chục năm, cuối cùng đã bỏ mình vì nước khi Mã Viện tấn công. Mã Viện đây có thể chính là Sầm Bành, tướng nhà Đông Hán lúc này.
Đặng Nhượng, Tích Quang, Đỗ Mục, những vị anh hùng thời loạn này đã được “phong hầu”, không phải là tước hầu của nhà Đông Hán, mà là sự sắc phong của các triều đại người Việt sau đó. Ngọc phả đình Gia Lâm cho biết “Đời Hán ông [Đặng Nhượng] được phong Phổ Tế cư sĩ đại vương. Đời Trần được phong là Đương cảnh thành hoàng Hộ Pháp cư sĩ đại vương. Đời Lê Thái Tổ phong làm Phổ Tế cương nghị anh linh, ban sắc chỉ cho trang Gia Lâm tu sửa lại đền miếu để thờ phụng.
Câu đối ở đình Gia Lâm:
武勇扶陳名芳北國
文淵濟世顯赫南邦
Vũ dũng phù Trần danh phương Bắc quốc
Văn uyên tế thế hiển hách Nam bang.
Dịch:
Võ dũng phù Trần, danh vang Bắc quốc
Văn sâu tế thế, hiển hách Nam bang.
Bên cạnh công lao là một vị tướng đánh giặc giữ nước Đặng Nhượng còn là một kẻ sĩ văn tài uyên bác (được sắc phong là “cư sĩ”), mở trường dạy học cho dân chúng. Đình Gia Lâm tương truyền được dựng trên nền trường học cũ của Đặng Nhượng. Như vậy công tích và hành trạng của Đặng Nhượng hoàn toàn giống với Sĩ Nhiếp. Kẻ sĩ nhiếp chính vào cuối thời Vương Mãng ở Giao Chỉ chính là các vị Đặng Nhượng, Tích Quang, Đỗ Mục mà trong đó Đặng Nhượng là người đứng đầu.
Ở thôn Gia Lâm ngoài đình làng thờ quan họ Đặng làm thành hoàng còn có ngôi nghè riêng để thờ cúng vị cư sĩ này. Thôn Gia Lâm của xã Lệ Chi nằm ven bờ sông Đuống, ngay sát với khu vực thành Luy Lâu, trị sở của Sĩ Nhiếp ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Xem lại câu đối ở đền Sĩ Nhiếp tại Tam Á (Thuận Thành):
Huynh đệ liệt quận hùng phong trì Ngụy Ngô khởi uy trị gia dĩ đặc sắc
Thi thư giáo nhân hóa lý bổ Nhâm Tích dẫn văn minh phái ư tiền hà.
Dịch:
Anh em các quận, hùng phong lan đến Ngụy Ngô, dậy uy trị nhà đủ đặc sắc
Sách vở dạy người, lẽ bảo thêm cho Nhâm Tích, dẫn đầu văn minh hơn ngày xưa.
Khởi uy trị gia” đây không chỉ có nghĩa là quản lý gia đình. Chữ “gia” ở đây phải hiểu nghĩa rộng hơn. Thời Sĩ Nhiếp – Đặng Nhượng, “quốc” là nước của Vương Mãng đã rơi vào tay giặc Hán. Chỉ còn “gia” là khu vực Giao Châu được Sĩ Nhiếp cai quản, gìn giữ.
Địa danh Gia Lâm rất có thể có nghĩa là trị sở (Gia) của … Lâm Ấp (Lâm) thời Sĩ Nhiếp, tức là trị sở của khu vực phía Nam Trung Hoa. Sĩ Nhiếp cai quản Lâm Ấp còn được nhắc đến trong câu đối ở đền Tam Á:
Khởi trung nghĩa công thần tâm kì, bỉ hà thì thử hà thì, an đắc lục bách tải di dung năng nhiếp Lâm Ấp.
Thị sự nghiệp văn khoa cử tích, trị diệc tiến loạn diệc tiến, tối củ tứ thập niên chính sách chửng biểu Giao Châu.
Dịch:
Há tấm lòng công thần trung nghĩa lớn, đây thời nào đấy thời nào, yên ổn sáu trăm năm khoan dung ấy giúp quản Lâm Ấp.
Là thi cử văn khoa sự nghiệp xưa, trị cũng tiến loạn cũng tiến, qui củ bốn mươi thu chính sách kia cứu tỏ Giao Châu.
Việc xác định Giao Châu Đặng Nhượng là Sĩ Nhiếp, một người Việt quê ở Gia Lâm, cho thấy rõ bản chất của cuộc chiến cuối thời nhà Tân là cuộc đấu tranh của người Việt Giao Chỉ chống quân Hán xâm lược. Những kẻ sĩ đã bỏ mình vì nước đã được các triều đại sau đó tôn vinh, phụng thờ. Việt Điện u linh đặt Truyện Sĩ Nhiếp lên đầu tiên trong các thần linh đất Việt là hoàn toàn hợp lẽ. Nhà Trần sắc phong cho Đặng Nhượng là Hộ Pháp cư sĩ đại vương, cho Sĩ Nhiếp là Gia ứng thiện cảm linh vũ đại vương là những danh hiệu vô cùng cao quí, ghi nhận đúng công lao của các bậc tiền nhân này.