Thượng Ngàn Sơn Tinh công chúa

Mẫu Thượng Ngàn ở đền Măng Sơn (Sơn Tây, Hà Nội)

Ở khu vực Hòa Bình bên cạnh việc thờ Tản Viên Sơn Thánh là đức vua Ba Vì, người dân tộc Mường còn trang trọng thờ vị Quốc Mẫu vua Bà. Dân chúng Mường quen gọi Bà là Chúa Thượng Ngàn. Tại đây còn có ngọn núi được gọi là núi Vua Bà, với dòng suối Ngọc, xưa thuộc châu Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình.Theo ngọc phả cổ của xã Đào Lãng tổng Bằng Lộ, châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay là xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) thì Quốc Mẫu vua Bà sinh ra tại động Đào Lãng, mang họ Đinh tên là Điên Nương. Bà lấy ông Nguyễn Cao Hành ở động Lăng Sương rồi sinh ra Thánh Tản.

Như vậy Mẫu Thượng Ngàn ở đây được quan niệm là mẹ của Tản Viên Sơn Thánh. Trong cuốn Di tích đền thờ Tản Viên Sơn (ngọc phả của làng Ngọc Nhị, Ba Vì) cho biết Thánh Tản tên là Hương Lang, là người con đầu trong số 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi. Quốc Mẫu Vua Bà rõ ràng chính là Quốc Mẫu Âu Cơ, mẹ của Tản Viên Sơn Thánh. Quốc mẫu là người đã đem các con lên khai phá vùng rừng núi nên được tôn là Mẫu Thượng Ngàn, còn gọi là Thượng Ngàn Sơn Tinh công chúa hay Lâm Cung Thánh mẫu trong Tứ phủ.

Tượng Hổ (thần Xương Cuồng) bên giếng nước nơi sinh Thánh Tản ở Lăng Sương

Trong các chuyện kể Mẫu Thượng Ngàn luôn gắn với việc chinh phục hổ như trong ngọc phả bà Ngọc Nương ở Lăng Sương được hổ ngậm đá đỡ đẻ, hay trong Sự tích cây ngàn quả và con ruồi, Sự tích Hùng Vương thứ 9 hóa hổ. Trong các sự tích này Mộc Tinh – thần Xương Cuồng nguyên hình là con hổ (Bạch Hổ), đã phải khuất phục trước Mẫu Thượng Ngàn. Mộc Tinh hay Chúa Sơn Lâm không phải là cái cây lớn, mà là ông Ba mươi, tức là ông Hổ.

Một điều rõ ràng nữa là Mẫu Thượng Ngàn liên quan mật thiết đến Sơn Thánh. Hoặc là vào thời Kinh Dương Vương (tức Tản Viên Sơn Thánh) đánh đuổi Mộc Tinh. Hoặc là mẹ của Sơn Thánh trong thần tích Lăng Sương và Quốc Mẫu vua Bà. Hoặc là mẹ nuôi Sơn Thánh trong sự tích Mẫu Thượng Ngàn và Sơn Tinh. Hoặc là con của Tản Viên Sơn Thánh trong chuyện Mẫu Thượng Ngàn đầu thai và La Bình công chúa.

Đền Suối Mỡ ở Bắc Giang, thờ Quế Hoa công chúa

————-

Sự tích cây ngàn quả và con ruồi

Sau khi bị Kinh Dương Vương đánh đuổi, Mộc Tinh sợ hãi chạy về hướng Tây Nam, tại đây nó vẫn giở trò cũ thường xuyên bắt người dân trong vùng làm lễ tế người. Mẫu Thượng Ngàn biết chuyện giận lắm, định dùng rìu để chặt đổ cây, nào ngờ thân cây quá cứng dù chặt bao nhiêu lần cũng không sứt mẻ tí nào. Mẫu Thượng Ngàn bèn dùng phép hóa thành một con sâu tinh rồi chui vào trong thân cây khiến Mộc Tinh đau đớn vô cùng vội vàng xin tha. Nó hứa rằng sẽ không ăn thịt người nữa và tặng bà một giống thần sau đó hóa thành một con hổ rồi chạy mất. Mẫu Thượng Ngàn đem hạt giống này về trồng, không lâu sau nó lớn thành một cái cây to thật là to, cành lá xum xuê che phủ một nửa bầu trời, hàng năm đều mọc ra hàng trăm thứ quả khác nhau. Bà thu hoạch tất cả và đem cho cha mình và các vị thần cùng ăn, ai nấy dùng xong đều tấm tắc khen ngon chỉ trừ một tiên nữ chê dở. Nghe vậy Mẫu Thượng Ngàn quyết định không bao giờ cho mọi người được ăn loại quả này nữa. Về phía cô gái kia thì bị các vị thần phạt hóa thành con ruồi để suốt phần đời còn lại chỉ được ăn đồ thừa của con người mà thôi.

Sự tích Hùng Vương thứ 9 hóa hổ

Hùng Vương thứ 9 là một vị vua anh minh, thương dân như con, cũng vì vậy mà được trời phù hộ giúp cho con đàn cháu đống. Nào ngờ trong một lần đi săn, ông vô tình bị Quỷ Xương Cuồng ăn thịt. Nó nhân cơ hội này dùng phép hóa thành ông để trở thành vua. Từ ngày làm vua thì Quỷ Xương Cuồng không màng việc nước, chỉ đam mê rượu chè và gái đẹp, những người chống đối đều bị nó ăn thịt cả. Lần này Mẫu Thượng Ngàn quyết không để cho Quỷ Xương Cuồng có thể chạy thoát được nữa nên hóa thành một cô gái xinh đẹp có tài thổi sáo. Chẳng bao lâu danh tiếng của bà truyền tới tai nhà vua nên được mời vào cung giúp vui. Quỷ Xương Cuồng biết bà là Mẫu Thượng Ngàn bèn bảo một khi tiếng sáo mà dừng thì bà sẽ bị giết. Khi tiếng sáo của bà vừa cất lên thì ai nấy đều cảm thấy thư thái, mọi âu lo đều bị quên lãng, thời gian trôi qua lúc nào không hay. Tới đêm thứ bảy khi tiếng sáo vừa dứt thì Quỷ Xương Cuồng đã hiện nguyên hình thành một con hổ khiến mọi người hoảng loạn bỏ chạy. Mẫu Thượng Ngàn dùng phép nhốt con hổ vào lồng và luôn giữ nó bên mình. Từ đó về sau phàm những ai phạm tội phá rừng đều bị bà đem cho hổ ăn thịt cả.

Mối liên hệ với Sơn Tinh

Một lần khi đang đi dạo trong rừng, Mẫu Thượng Ngàn phát hiện thấy xác một đứa trẻ chỉ còn lại bộ xương khô bên gốc cây. Tiếc thương vì cậu bé đã chết khi còn quá nhỏ nên Mẫu Thương Ngàn đã dùng phép hòa lẫn xương cậu cùng gan hùm, tay gấu, ruột ngựa, mắt diều hầu, chân báo cùng quả tim của bà để hồi sinh cậu. Mẫu vốn không có con cái gì, lại thấy cậu bé lanh lợi nên đã quyết định nhận cậu làm con nuôi, đặt tên là Sơn Tinh, giao cai quản vùng núi Ba Vì.
Một số truyện đề cập rằng bà mất trong cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sau khi mất thì bà trở lại Thiên Phủ sống cùng cha mình nhưng vì quá thương con nên bà đã cầu xin cha được phép trở lại trần gian. Ngọc Hoàng đồng ý bèn cho bà được đầu thai trở lại làm con gái của Sơn Tinh.

Hương Lang, vị thần đứng đầu Tứ linh thần đất Việt

Lời tiếm bình Việt Điện u linh của tiến sĩ thời Lê là Cao Huy Diệu chép “Hương, Bổng, Đổng, Đằng là bốn vị tối linh của nước ta”. 

Các tác giả trước đây cho rằng vị thần Hương là Lý Ông Trọng thời Tần, quê ở làng Thụy Hương, Từ Liêm, Hà Nội. Sự tích về Lý Ông Trọng tại đình Chèm kể về việc ông Lý Thân làm tới chức Tư lệ hiệu úy của nhà Tần, được Tần Thủy Hoàng gả con gái là Bạch Tĩnh công chúa, rồi cho đi trấn giữ người Hồ ở Lâm Thao. 

Nghi môn đình Chèm

Nhưng sự tích đình Chèm còn kể ông có công… giúp Sơn Tinh đánh Thủy Tinh. Thần tích đình Chèm ghi việc đức thánh Chèm chém thuồng luồng, là đại tướng của Thủy Tinh, ở đoạn sông Hồng chảy qua làng.
Hay trong bản thần tích bằng thơ đình Vật Lại (Ba Vì, Hà Nội) Sự tích thánh Tản Viên diễn ca cũng kể về việc quân của Thủy Tinh khi tấn công Sơn Tinh đi qua Chèm đã ăn thịt mẹ Đức thánh Chèm. Do vậy Đức thánh Chèm nổi giận, chăng lưới đón lõng quân của Thủy Tinh:

Ông Chèm báo oán Long Vương
Lưới giăng ngăn khúc bến giang đón về.
Thuở ấy Long tộc Thủy tề
Đem quân lên đánh Ba Vì Tản Viên.

Khi quân Thủy Tinh bị Sơn Tinh đánh thua chạy rút về thì:

Thủy quân nẻo cũ quen về
Ngày sau tức thì đến xã Từ Liêm.
Tiên binh xung lưới ông Chèm
Ai hòa chẳng được càng thêm lo lường.
Hội đồng cá rắn biên giang
Ông Chèm ra thấy lòng càng mừng thay.
Trả ơn thân mẫu khi nay
Dạng chân sông cả, đôi tay vơ quàng.
Bủa vây mọi khúc biên giang
Rắn rồng bắt lấy bật ngang vào đồi.

Thủy Tinh buộc phải chạy trốn theo đường sông Hát mà ra biển, không dám qua sông Hồng nữa. Đoạn sông Hồng gần Chèm nay còn có bãi bồi lớn giữa sông tên là Võng La, có lẽ nhắc tới tích Thánh Chèm giăng lưới bắt thủy quái ở đây.

Mảng chạm đình Chèm

Câu đối ở đình Chèm tóm tắt sự tích này như sau:

銅影怯彊夷終古神威揚北塞
鉄羅消水怪億年聖力護南邦

Đồng ảnh khiếp cường di, chung cổ thần uy dương Bắc tái
Thiết la tiêu thủy quái, ức niên thánh lực hộ Nam bang.

Dịch:

Tượng đồng khiếp cường di, ngàn xưa oai thần vang ải Bắc
Lưới sắt trừ thủy quái, vạn năm sức thánh giúp nước Nam.

Thành tích trừ thủy quái của Thánh Chèm xem ra không ăn nhập gì lắm với việc Lý Ông Trọng trấn quần Hồ thời Tần. Một đại tướng, phò mã của Tần Thủy Hoàng, một nhân vật lịch sử rõ ràng, sao lại có truyền thuyết gắn với Sơn Tinh – Thủy Tinh?

Thần tích về Tản Viên Sơn Thánh giúp giải đáp khúc mắc này về Đức thánh Chèm. Cuốn Di tích đền thờ Tản Viên Sơn cho biết Vương tên Hương Lang, tức là tôn húy Tản Viên Tam Vị Đại vương vậy. Hương Lang là người con đầu trong số 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi.

Cũng trong thần tích này kể: Vương bèn chuẩn bị sính lễ đến trước, đón Mị Nương về động trên núi. Sau ba ngày, Thủy Tinh mới tới, tức giận không được nên dẫn các loài thủy tộc mà đánh đến mà chiếm lấy. Vương và Hùng Vương ngầm buông lưới sắt ở bến Thụy Hương của huyện Từ Liêm mà ngăn binh thủy tộc không tiến được. Thủy Tinh mới mở riêng một dải sông nhỏ cắt ngang từ Lị Nhân tới vùng sơn cước Quảng Oai nối lên thượng ngạn cửa sông Hát, ra sông Cái nhập vào sông Đà mà tấn công sau núi Tản Viên. Lại mở một sông nhỏ cắt ngang, gọi là sông Bờ theo mặt trước của núi Tản Viên.

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể chi tiết hơn về sự kiện này: Sơn Tinh tâu lên vua cha Hùng Vương. Duệ Vương vô cùng tức giận, lệnh sai quân lính lấy một vạn cân sắt, truyền cho trăm thợ rèn đúc thành một tấm lưới sắt, dài 236 trượng, cao rộng 50 trượng, đem giăng ngang sông ở bến Thụy Hương huyện Từ Liêm, ngăn cắt quân của Thủy Tinh không thể qua lại được.

Như vậy chính Sơn Thánh đã buông lưới sắt chặn Thủy Tinh ở bến Thụy Hương tại Từ Liêm. Rõ ràng là sự tích đức thánh Chèm diệt thủy quái ở Võng La là chuyện của Tản Viên Sơn Thánh, người mang tên thần Hương hay Hương Lang. Phải là Tản Viên Sơn Thánh mới là vị thần đứng đầu các linh thần Việt, chứ Lý Ông Trọng thời Tần khó mà xếp ở hàng đầu trong Tứ linh Hương Bổng Đổng Đằng, trên cả Phù Đổng Thiên Vương được.

Bài thơ ở đình Chèm nói tới núi Tản và sự tích lưới sắt chặn thủy quái:

Viễn ủng Viên phong khống Nhị hà
Từ Liêm cố quận duyệt sương hoa
Lạc đô vĩnh điện sơn hà tráng
Mã sử trường lưu tính tự hoa
Vạn lý ngọc quan kim hữu ảnh
Thiên tầm thiết võng thủy vô ba
Dư linh bàng bạc di Nam Bắc
Suất thổ thần triêm vũ lộ đa.

Dịch nghĩa:

Xa ôm núi Tản, Nhị hà quanh
Quận cũ Từ Liêm sương trải mành
Vững mãi Lạc đô sông với núi
Lưu truyền Mã sử ngưỡng thanh danh
Ải xa vạn dặm in đồng tượng
Lưới sắt nghìn tầm chắn sóng dềnh
Phảng phất oai linh trời Nam Bắc
Nơi nơi thấm đẫm thánh ân lành.

Vì sao ngã ba sông Từ Liêm lại là một nơi xảy ra cuộc giao tranh giữa thần Hương (Tản Viên Sơn Thánh) với Thủy Tinh? 

Truyền Hồ tinh trong Lĩnh Nam chích quái kể:

Thành Thăng Long ngày xưa gọi là đất Long Biên, đời Thượng cổ đã có người ở rồi… Buổi đầu, chỗ đất này về phía Tây có một ngọn núi đá, dưới núi có một cái hang, có một con cáo (Hồ) chín đuôi sống hơn một nghìn năm thành ra yêu quái, biến hóa vạn trạng, có lúc hóa người, lúc hóa khỉ, đi khắp cả nhân gian. Lúc bấy giờ ở dưới chân núi Tản Viên có giống người mọi gác cây kết cỏ mà ở; trên núi có một vị thần được người mọi phụng thờ. Vị thần ấy dạy cho người mọi cày ruộng, dệt vải, may áo trắng mà mặc, nhân đó gọi là Bạch Y man.

Cáo chín đuôi hóa ra người áo trắng nhập vào trong bọn mọi, cùng lũ mọi ca hát, dụ dỗ được người con trai con gái nào thì đem về nhốt ở hang đá; người mọi lấy làm khổ sở về việc ấy. Long Quân mới sai bộ hạ Thủy phủ dâng nước lên đánh phá núi Tiểu Thạch Sơn, đào thành một cái đầm lớn, chính giữa thành có một chiếc vực sâu, gọi là Thi Hồ Trạch (nay là hồ Tây) rồi lập chùa quán để trấn yểm nữa (nay là Thiên Niên quán) …

Trong truyện này có vị thần núi Tản Viên đã dạy cho người dân cày ruộng, dệt vải, may áo… Rõ ràng đây chính là Tản Viên Sơn Thánh. Con cáo chín đuôi (cửu vĩ hồ) ở Tiểu Thạch Sơn hóa thành người dân của núi Tản. Cửu vĩ hồ ở đây là biểu tượng cho quân của Tản Viên Sơn Thánh, của dòng lên núi.

Sau đó xảy ra cuộc đụng độ giữa Lục bộ Thủy phủ của Lạc Long Quân với Cửu vĩ Hồ ở phía Tây của đầm nước Hồ Tây. Làng Thụy Hương của Từ Liêm cũng chính nằm ở phía Tây hồ. Lạc Long Quân là Thủy Tinh trong truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh. Phía Đông của hồ Tây vốn là kinh đô Lạc (như được nói đến trong bài thơ ở đình Chèm) của Lạc Long Quân hay là Thủy phủ Động Đình của Thủy Tinh. Vì thế mà quãng sông trước đình Chèm mới là “chiến trường” tuyến đầu trong cuộc chiến giữa Tản Viên Sơn Thánh với Thủy Tinh Động Đình.

Tản Viên Sơn Thánh với gốc tích nguyên sơ ban đầu trong sự tích về Hương Lang được tôn là thần Hương, đứng đầu trong Tứ linh thần, cũng là đứng đầu trong các bách thần đất Việt.

Gốc gác ngày Tết Trùng cửu trong văn hóa Việt

Ngày tết Trùng cửu là ngày Thái Dương, khi trời đất kết thúc một vòng tuần hoàn âm dương tiêu trưởng, để lên một nấc thang mới, đăng cao đắc đạo thành tiên, mang lại mùa màng và phúc ấm cho nhân gian.

Trong các ngày Tết, ngày lễ cổ truyền dân gian có một ngày rất quan trọng là Tết Trùng cửu, diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm. Con số 9 được coi là số dương, do sự lặp lại hai lần số 9 nên gọi Trùng cửu hay Trùng dương. Tết Trùng cửu cũng được coi là Tết người cao tuổi hay Tết người già. Vì sao lại như vậy? Tết Trùng cửu có nguồn gốc sâu xa và ý nghĩa như thế nào trong văn hóa Việt?

Nguồn gốc Tết Trùng cửu được sách cổ kể rằng, đời Hậu Hán có Hoàng Cảnh theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo Cảnh: “Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du, uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn”. Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết. Vì tích trên, nên về sau hằng năm, đến ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, người ta lên núi, uống rượu hoa cúc để cầu may…

Về ngày Trùng dương, thiền sư Huyền Quang, vị tổ Trúc Lâm thứ ba thời Trần, có câu thơ:

Trong núi năm tàn không có lịch. 

Thấy hoa cúc nở biết Trùng dương.  

Tết Trùng dương ở Việt Nam là lúc hoa Dã quỳ (cúc dại) nở vàng rộ ven các triền núi. Thu ngắm hoa Dã quỳ nở, thưởng rượu hoa Cúc trong không khí thoáng đãng trên núi cao quả là những thú tao nhã của các tiên nhân, mặc khách xưa.

Ý nghĩa của ngày Trùng dương trước hết là từ khái niệm về sự tuần hoàn của vũ trụ theo mô hình Thái cực. Trùng dương ứng với tượng Thái Dương, là lúc hoàn thành một chu kỳ Tứ tượng từ Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm đến Thái Dương. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu sấm truyền “Cửu cửu càn khôn dĩ định”, cũng là chỉ ngày mồng 9 tháng 9, lúc mà “càn khôn” âm dương đã đi hết một vòng tiêu trưởng. Số 9 trong số đếm Giáp, Ất, Bính… là con số áp cuối trong thập can, trước khi chuyển sang một nấc bậc mới.

Mô hình Tứ tượng được hình tượng hóa thành bốn con vật thiêng là Long, Ly, Quy, Phụng, hay là Tứ linh thú trong phong thủy là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. Đồ hình Tứ linh gặp phổ biến trên các gương đồng cổ bắt đầu thời Tây Hán. Những chiếc gương này cũng thường được tìm thấy trong các mộ cổ xây gạch, gọi là mộ dạng Hán, gặp ở nhiều nơi ở nước ta như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh…

Gương Tứ linh thời Hán thường có đúc chữ 12 địa chi Tý, Sửu, Dần, Mão… ở trong hình vuông tại trung tâm. Vòng ở giữa thể hiện 4 linh thú và các thụy thú khác. Ở vòng ngoài có dòng chữ là một bài thơ có vần. Thường gặp trong bài thơ có đoạn mô tả bố cục quy củ của chiếc gương là: 

Rồng trái Hổ phải xua tan điều xấu. 

Chu Điểu, Huyền Vũ điều hòa âm dương.

Thái Dương là vị trí Âm tiêu đến cùng cực, là số không và bắt đầu đi lên. Chính sự quay đầu của khí âm, bắt đầu cho chu trình Âm Dương tiêu trưởng, mới khiến cổ nhân chọn con Quy (Rùa) làm đại biểu cho tượng Thái Dương. Quy có nghĩa là quay về, cũng là từ phát âm gần với Quay trong tiếng Việt, nghĩa là điểm quay đầu, thay đổi trong sự phát triển.

Gương có Tứ linh điều hòa âm dương, xua dữ cầu lành còn có những dòng cầu chúc với nội dung cầu phúc cho con cháu, cầu thọ cho song thân, cầu mưa thuận gió hòa, ngũ cốc được mùa, cầu quan vị tôn hiển, nghi đạt. Còn có sự tích rằng Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Hoa đã tổ chức hoạt động cúng tế chúc mừng mùa màng bội thu vào tháng 9 âm lịch hằng năm trên khắp cả nước. Ngày Trùng dương cũng là ngày mùa màng cho thu hoạch, kết thúc một vòng tuần hoàn sinh trưởng của cây cỏ thiên nhiên trong năm.

Một sự tích khác về ngày Trùng cửu được chép trong sách “Phong thổ ký” rằng cuối đời nhà Hạ vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng đế giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, nhân dân chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn…

Hạ Kiệt là vị vua cuối cùng của nhà Hạ, đã bị vua Thành Thang nhà Thương tiêu diệt. Triều Hạ khởi đầu từ Hạ Khải – Lạc Long Quân nên có biểu tượng là nước (Lạc). Sự tàn bạo của Hạ Kiệt được truyền thuyết hóa thành cơn thủy tai cuối thời Hạ. Người dân lên núi lánh nạn, tức là đi theo Thành Thang, vốn là bộ tộc ở phía Bắc xưa, có biểu tượng là Núi. Ngày mồng 9 tháng 9 là ngày chấm dứt triều đại nhà Hạ, khởi đầu nhà Thương, chấm dứt cơn thủy tai đại nạn do Hạ Kiệt gây ra, mở ra một triều đại mới trong lịch sử.

Gương Tứ linh thời Hán tìm thấy ở Bắc Việt

Trên những chiếc gương đồng trong mộ Hán thường gặp bài minh tả cảnh như sau:

Trên có tiên nhân không biết tuổi

Khát uống suối ngọc, đói ăn táo

Quanh trên núi thiêng hái dược thảo

Ngao du thiên hạ khắp bốn biển

Thọ như đá vàng, nên thiên đạo.

Thật bất ngờ khi nhận ra rằng những bài thơ trên đồng kính thời Hán lại như đang mô tả cảnh ngày Tết trùng dương, lên núi gặp lão tiên trường thọ, ăn uống thanh khiết, thưởng hoa hái thuốc. Ngày Trùng dương như vậy theo quan niệm của đạo Thần Tiên thời Hán là ngày có thể “đắc thiên đạo”, trở thành trường sinh bất tri lão. Tục ăn bánh “cao” ngày Trùng cửu giống như chuyện tiên nhân ăn táo. Tục uống rượu hoa cúc cũng như uống nước suối ngọc.

Một tục khác vào ngày Tết Trùng Cửu là tục cài lá Thù du hay còn gọi là Châu du. Cài lá Thù du là một phong tục có từ thời Đường, mọi người nhất là trẻ em và phụ nữ thường giắt lá vào người hay cho vào trong những túi vải để trừ tà. Trái cây Thù du là một vị thuốc vô cùng tốt có thể khử hàn độc, ôn nhiệt. Có thể thấy việc cài lá Thù du tương tự việc tiên nhân bồi hồi ngao du đi tìm “chi thảo” như được mô tả trên gương đồng cổ.

Trong kinh điển Đạo Giáo có chuyện Tần Thủy Hoàng nhiều lần đi ra bờ biển Đông gặp đạo sĩ Yên Kỳ Sinh bên đình Phụ Hương hỏi cách trường sinh bất lão. Di tích nay còn là núi Yên Tử ở Quảng Ninh nước ta, tương truyền là nơi Thiên Tuế Ông Yên Kỳ Sinh đi hái cây thuốc Thạch xương bồ, mọc trên các khe đá ở vùng núi cao. Gần đây, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện tại di chỉ Thiên Long Uyển ở xã Yên Đức, thị xã Đông Triều một bãi cột gỗ, có niên đại được xác định vào thế kỷ thứ III, IV trước Công nguyên. Đây là bằng chứng trực tiếp cho một kiến trúc đình đài dựng bằng gỗ tại khu vực Quảng Ninh bên bờ biển Đông vào thời Tần.

Gạch mộ kiểu Hán ở chân núi Yên Tử

Sách “Phong Thổ Ký” chép: “Đời Hán vua Văn Đế cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy”. Vương hậu của Văn Đế là Đậu hoàng hậu, một người theo chủ trương Vô vi của đạo Giáo. Đậu hoàng hậu sau trở thành Thái hậu rồi Thái hoàng thái hậu, nắm quyền nhiếp chính trong các đời Cảnh Đế và Vũ Đế tiếp theo. Đây là lý giải cho sự tích vua Văn Đế xây đài lên cao vào ngày Trùng dương, gắn với tư tưởng thăng tiên của Đạo Giáo. Phí Trường Phòng cũng là một tiên nhân thời Hán. Có thể thấy sự tích ngày Trùng dương lên cao gặp tiên đều bắt nguồn từ thời Tây Hán, tương đương với niên đại của những chiếc gương Tứ linh ở trên.

Cần nói thêm rằng nhà Tây Hán có các vị vua đều mang hiệu là Hiếu, như Hiếu Văn Đế, Hiếu Cảnh Đế, Hiếu Vũ Đế… như được ghi trong “Sử ký Tư Mã Thiên”. Nên chính xác phải gọi đây là nhà Hiếu, một triều đại của người Bách Việt. Nhà Hiếu do Cao Tổ là Lưu Bang, một người Việt chính cống sáng lập, cùng với các công thần lập quốc như Hàn Tín, Mai Thừa, Anh Bố, Văn Ông, Tiêu Hà, Tào Tham đều đã được ghi nhận trong “Bách Việt tiên hiền chí” của sử gia Âu Đại Nhậm thời Minh.

Tượng Hồ Công và Phí Trường Phòng ở núi Xuân Đài, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Truyền thuyết về nguồn gốc ngày Trùng cửu với vị tiên Phí Trường Phòng còn tương đồng với một sự tích cùng nhân vật ở Thanh Hóa nước ta. Ở động Hồ Công thuộc huyện Vĩnh Lộc, tương truyền xưa kia có một ông già vai đeo quả bầu nhỏ thường ra chợ bán thuốc chữa bệnh, tối đến ông lại về động, thu mình chui vào quả bầu để ngủ. Có người là Phí Trường Phòng thấy lạ mà hỏi. Hồ Công liền hóa phép cho anh ta chui vào trong quả bầu thì thấy trong đó có đủ trời, đất, trăng sao, nhà cửa… Sau này Phí Trường Phòng cũng đắc đạo thành tiên. Hai thầy trò ở trong động đá trên dãy núi Xuân Đài rồi đi vào bất tử để lại hình hài hóa thành hai pho tượng đá trong động Hồ Công ngày nay.

Quan niệm thành tiên thời kỳ đầu Công nguyên được Cát Hồng, một đạo sĩ đời Tấn đề cập. Cát Hồng có hiệu là Bão Phác Tử, từng làm quan lệnh ở huyện Câu Lậu, thuộc miền Bắc nước ta. Về sau ông tìm cầu thuật trường sinh bất tử, hết sức đề xướng thần tiên Đạo giáo. Trong cuốn “Bão phác tử luận tiên” Cát Hồng đã dẫn sách “Tiên kinh” cho biết tiên nhân được chia thành ba thứ bậc: “Người bậc trên bay thân hình lên trời là Thiên tiên. Người bậc giữa lên núi cao du ngoạn là Địa tiên. Người bậc dưới sau khi chết thoát xác gọi là Giải tiên”. Như thế, việc đăng cao lên núi là một trong những cách để thành tiên trong quan niệm thời này. Còn việc thoát xác thành tiên được thể hiện qua các đồ tùy táng như các gương đồng hay vải liệm lụa có vẽ tranh trong các ngôi mộ Hán.

Những chiếc gương đồng trong mộ cổ thời Hán không chỉ là đồ dùng bồi táng theo người đã mất mà nó có ý nghĩa là giúp cho người chết trong quá trình thoát khỏi thân xác phàm tục mà thăng tiên. Trong các nghi lễ cúng xưa của người Việt các thầy phù thủy cũng từng dùng gương đồng như một pháp cụ hành lễ. Vì vậy, các họa tiết biểu tượng và minh văn trên gương đồng cổ thể hiện tư tưởng tín ngưỡng và tâm linh của con người đương thời.

Trong sự tích Việt cũng có truyền thuyết lên núi gặp tiên được phúc như thần tích về Tản Viên Sơn Thánh. Hai anh em ông Nguyễn Cao Hành một hôm đi săn lên núi Thu Tinh, gặp một Lão ông mang theo một bầu rượu và một cái la bàn. Hai anh em xin Lão ông chọn cho một huyệt mộ để táng hài cốt của thân phụ, nhờ đó sinh được các bậc tiên thánh là ba vị Nguyễn Tuấn, Cao Sơn và Quý Minh. Nguyễn Tuấn trở thành Tản Viên Sơn Thánh, vị thần bất tử đứng đầu linh thần Việt. Cao Sơn và Quý Minh là hai vị Tả hữu kiên thần, có công chống giặc Thục, yên định giang sơn. Khi hai vị Cao Sơn và Quý Minh hóa, cũng lại quay về núi Thu Tinh mà thăng thiên.

Cảnh đi săn trên gương đồng hình hoa Cúc thời Đường

Truyền thuyết táng mộ ở núi Thu Tinh cũng giống như quan niệm ngày Trùng cửu lên núi gặp tiên, uống rượu hoa cúc. Lão ông ở núi Thu Tinh cầm bầu rượu và cái la bàn, không khác gì là cầm một chiếc gương phong thủy. Mục đích là tìm cầu sinh con quý tử và thọ lão, thành tiên lúc quay về trời.

Cuối cùng xin lấy bài thơ của lão tiên nhân đã ngâm đọc trên núi Thu Tinh để kết thúc bài viết về ngày tết Trùng cửu của người Việt:  

Từ đế vương cùng muôn triệu dân

Quay về sẽ phải tụ tinh thần

Sự truyền khó luận chân hay ảo

Nhớ tên núi đó, lẽ như chân.

Cung trăng bất tử dưới góc nhìn của người Việt

Cung trăng được “hình thành” bởi vũ khúc “Nghê Thường” của cặp thần tiên Hậu Nghệ – Thường Nga, cũng là Chử Đồng Tử và Tiên Dung trong truyền thuyết Việt ở đầm Nhất Dạ đã một đêm bay lên trời hóa thành bất tử.

Từ xa xưa Trung Thu đã trở thành một lễ hội truyền thống của dân tộc Việt. Lễ hội này được tiếp nối qua nhiều thế hệ và cho đến nay vẫn vẹn nguyên sự háo hức, niềm ước vọng về những điều viên mãn, tròn đầy như ánh trăng ngày rằm tháng 8. Đối với Người Việt nói đến mặt trăng là nói đến chú Cuội, chị Hằng, cây Đa, Thỏ ngọc và Cóc vàng. Những hình tượng của cung trăng này mang ý nghĩa gì trong văn hóa Việt?

Bài văn giáng bút “Dạ Trạch tiên gia phú” của Thánh Chử do Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh chép và khắc ở đình làng Quan Xuyên, xã Thành Công, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

1. Theo quan niệm phương Đông trong vòng tuần hoàn của Tứ tượng thì phía Đông là ban ngày, mùa Xuân, thần chủ là mặt Trời. Ngược lại rằm tháng 8 là giữa Thu, thuộc phía Tây, ban đêm, do mặt Trăng làm thần chủ. Chính vì thế Trung Thu trở thành ngày Tết của chị Hằng – thần mặt Trăng. Về chị Hằng, thần thoại Trung Hoa kể, Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga, là những vị thần bất tử sống trên thượng giới. Lúc đó, mười người con trai của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Hậu Nghệ, bằng tài bắn cung của mình, đã bắn hạ chín mặt trời, chỉ để lại một mặt trời. Ngọc Hoàng bèn trừng phạt, đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới. Thấy Hằng Nga rất đau khổ vì bị mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh trong một cuộc hành trình dài và đầy gian khổ, nguy hiểm để hai người có thể trở lại cuộc sống bất tử. Hậu Nghệ đã gặp được Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu cho Hậu Nghệ một viên thuốc để trở thành bất tử. Hậu Nghệ mang viên thuốc về nhà và cất nó trong một cái hộp. Khi ông đi vắng, Hằng Nga tò mò mở chiếc hộp và vô tình Hằng Nga đã nuốt viên thuốc. Ngay lập tức Hằng Nga bay lên trời, bay mãi cho đến khi đến Mặt Trăng.

Thần thoại Hằng Nga – Hậu Nghệ trên đã chỉ rõ thế nào là thần bất tử trong quan niệm xưa. Khả năng bất tử là khả năng đặc biệt mà chỉ một số ít các vị thần mới có. Hậu Nghệ đã phải vượt muôn ngàn gian khổ mới đến gặp và xin được thuốc bất tử của Tây Vương Mẫu về. Khái niệm bất tử là mắt xích thú vị khi kết nối thần thoại Trung Hoa với tích cổ của người Việt. Trong tín ngưỡng dân gian thì Chử Đồng Tử được tôn là vị thần bất tử, đứng hàng thứ hai trong Tứ bất tử nước Nam.

Câu chuyện về Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được tóm tắt trong câu đối ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên) như sau:

Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ.
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Chử Đồng Tử vì hiếu thuận với cha nên đã kỳ ngộ gặp được Tiên Dung ở bãi Tự Nhiên. Sau đó nhờ thành tâm học đạo đã được tiên ông truyền cho phép màu ở núi Quỳnh Lâm. Phép màu của Chử Đồng Tử là ở cây gậy và chiếc nón thần.

Tam vị bất tử nhà Chử ở đền Đa Hòa

2. Xem chuyện Đầm Nhất Dạ có thể nhận ra nhiều điểm tương đồng với thần thoại Hậu Nghệ – Hằng Nga về tên gọi cũng như nội dung lịch sử. Cổ sử Trung Hoa cho biết sau khi Hạ Khải mất, con là Thái Khang lên nối ngôi. Thái Khang ham chơi bời, thích săn bắn, không quan tâm việc chính sự. Hậu Nghệ vốn là vua của nước Hữu Cùng, là một chư hầu của nhà Hạ. Hậu Nghệ thường đi theo phục vụ Thái Khang. Thấy Thái Khang bỏ bê triều chính, Hậu Nghệ nảy sinh ý định giành ngôi. Một hôm Thái Khang rời kinh đô đi săn ở đất Lạc. Hậu Nghệ bí mật tập kích kinh đô nhà Hạ, chiếm được kinh thành. Sau đó mang quân ra chặn bờ sông, phong tỏa lối về của Thái Khang. Thái Khang bị buộc phải lưu lạc đến hết đời.

Liên hệ giữa Chử Đồng Tử và Hậu Nghệ thấy rõ nhất là về ngôn ngữ và những yếu tố lịch sử. Có từ “chư hầu”, chỉ ra mối tương thông Chử – Hậu. Hậu Nghệ là một chư hầu đã làm gián đoạn nhà Hạ, đuổi Hạ Thái Khang lưu lạc nơi đất Lạc. Bốn mươi năm sau nhà Hạ phải tới Thiếu Khang mới lại trung hưng. Chử Đồng Tử đã lấy con gái vua Hùng mà không được phép nên vua Hùng tức giận, đem quân đến đánh vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung, cho thấy có một cuộc đụng độ đã xảy ra vào thời này.

Trong thần thoại Trung Hoa, Hậu Nghệ có công bắn mặt trời, diệt các loài quái vật nên được nhân dân tôn thờ là thần Tông Bố, tổng quản các loài ma quỷ trong thiên hạ. Còn Chử Đồng Tử tu tiên, có được phép cải tử hoàn sinh đi cứu người, chữa bệnh, được tôn là Chử Đạo Tổ. Theo phép phiên thiết, “Tông Bố” đọc lướt là “Tổ”. Như vậy cách gọi Tông Bố Hậu Nghệ trùng cả họ và tên với Chử Đạo Tổ.

Lý do để Chử Đồng Tử là thần bất tử chính là ở phép cải tử hoàn sinh. Gậy và nón là hình ảnh của vuông – tròn, âm – dương. Thần tích ở Đa Hòa còn kể tại đây có vị thần Cá (thần Dí) đã vật chết voi của nhà vua, nhưng khi được yêu cầu làm voi sống lại thì không làm được, bởi “phép cải tử hoàn sinh chỉ có Tản Viên Sơn Thần và Đức thánh Chử Đồng Tử là làm được”. Điều này cho thấy không phải “thần” nào cũng có thể “cải tử hoàn sinh”. Chỉ có 2 vị thần bất tử là Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử là có phép thuật này.

Thần Cá ở đền Đa Hòa

3. Hậu Nghệ đi tìm thuốc trường sinh gặp Tây Vương Mẫu cho thuốc tiên. Hậu Nghệ nghĩa là vị Hầu ở xứ Nghệ, cũng là nơi tu hành của Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử đi vào đất Quỳnh Lâm (Nghệ An) gặp lão Phật Quang và được gậy nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Thần tích ở đền Đa Hòa còn kể Chử Đồng Tử lấy thêm một người vợ nữa là Tây Sa công chúa. Vị công chúa này là người có phép thuật, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cho nhân dân. Ba người (Chử Đồng Tử, Tiên Dung, Tây Sa) dùng phép thuật của mình cứu dân, xây dựng lâu đài, để rồi một đêm cùng bay về trời. Câu đối ở đền Đa Hòa miêu tả lại chuyện này:

Cảnh hóa đó năm nào, đây bãi Tự Nhiên, một đêm thành đầm trạch.
Kỳ duyên trùm thiên cổ, vợ chồng nhân gian, lên trời biến thần tiên.

Về mặt chữ nghĩa thì Hằng thông nghĩa với Thường nên Hằng Nga cũng là Thường Nga. Mặt khác trong Ngũ hành thì hành Hoả ở phía trên, hành Thủy ở phía dưới. 2 nhân vật Hậu Nghệ và Thường Nga làm thành một cặp đối ứng theo phép lưỡng lập. Trong đó, chữ “Nghệ” nghĩa là đỉnh cao, đối phản với “Thường”, tiếng Việt là bình thường, sàn sàn như nhau, không có gì nổi trội.

Về mặt trăng nổi tiếng nhất là tích cổ kể chuyện vua Đường Huyền Tông nằm mơ rong chơi trên nguyệt cung. Ông nghe thấy tiếng nhạc và các tiên nữ múa trong y phục mang sắc màu cầu vồng được làm bằng lông chim. Tiếng hát của tiên nữ vô cùng huyền diệu, điệu bộ thanh thoát, bay bổng. Sau khi tỉnh dậy, vua đã hồi tưởng lại giấc mơ và chép lại vũ điệu, nhạc khúc. Vũ khúc đêm trăng có tên Nghê Thường vũ y khúc. Nếu để ý, sẽ thấy Nghê Thường rất gần với Nghệ – Thường. Trong đó Nghệ là Hậu Nghệ, Thường là Thường Nga. Y phục lông chim mang sắc cầu vồng tức là năm sắc của Ngũ hành.

Gương đồng Nguyệt cung thời Đường

4. Ngũ tượng Trung Thu ngoài Hậu Nghệ – Thường Nga là trục trên dưới hay Nam – Bắc, thì trục Đông Tây được lập bởi hình ảnh Thỏ Ngọc và Cây Đa. Từ khoá Cây giúp nhận ra hành Mộc của phía Đông. Cuội có thể là biến âm của “cội”, nghĩa là “gốc”, ứng với câu “Thằng Cuội ngồi gốc cây Đa”. Hoặc cũng có thể đó là biến âm từ “cối” trong từ kép “cây cối”, “cối” có thể là từ Việt cổ cũng nghĩa là “cây” mà ngày nay không còn dùng nữa. Trên gương đồng cung trăng thời Đường thường thể hiện một cái cây lớn (cây Đa hay cây Quế) với một cái u to ở giữa thân. Liệu cái u này có phải là nói đến cái “cội” hay “cối” trong tên của chú Cuội không?

Cây Đa đã là hành Mộc phía Đông thì còn lại biểu tượng Thỏ Ngọc phải là tượng trưng của phía Tây. Dịch học Việt xác định phía Tây thuộc hành Thổ, nghĩa là đất đá khoáng vật nói chung (gồm cả Ngọc) và vì thế đối phản với thực vật ở phía Đông. “Thỏ” âm Hán Việt là “Thố”, chính là biến âm của “Thổ”. Phía Tây trong Ngũ hành có sắc Trắng, nên Thỏ trên cung trăng gọi là Bạch Thố. Như thế trong câu truyện dân gian về Trăng thu, Thỏ Ngọc cùng với Cây Đa đã tạo thành trục Đông Tây, hợp với trục trên dưới là Hậu Nghệ và Thường Nga, hoàn chỉnh mặt phẳng đứng trong không gian 2 chiều. Thỏ Ngọc có chiếc chày giã thuốc bất tử, tương ứng với Tây Sa công chúa, người vợ thứ hai của Chử Đồng Tử trong truyện Đầm Nhất Dạ.

Gương đồng Tiên nhân cưỡi thú thời Đường

Còn lại vị trí trung tâm của cung trăng được biểu hiện bằng chú Cóc vàng, tên chữ là Kim thiềm (Thiềm thừ). Mặt trăng cũng được gọi là Thiềm cung. Màu Vàng là màu của Trung cung trong Ngũ hành. “Con cóc là cậu ông Trời”. Hóa ra cậu ông Trời lại “ngự” ở chính cung trăng. Trên những chiếc gương đồng thời Đường có hình cung trăng có thể hiện Cóc vàng đang giơ cả 4 chân, như chỉ về 4 hướng. Bởi vì Cóc vàng ở Trung tâm, Nghệ – Thường ở hướng Nam – Bắc, Cây – Thỏ ở hướng Đông – Tây. Tất cả xếp thành một mô hình Ngũ hành đầy đủ, toàn mĩ trên Cung trăng.

Trong bài “Dạ Trạch tiên gia phú” lưu truyền ở vùng Khoái Châu, Hưng Yên, Thánh Chử đã giáng bút đề: “Tích cũ còn ghi trong sách khó tin. Gót tiên như áng mây trôi bất diệt”. Sách “Thái Bình hoàn vũ ký” chép: “Người Lạc Việt, cứ mùa thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý thì lấy nhau”. Câu chuyện về cặp vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung hay Hậu Nghệ – Thường Nga còn là biểu tượng cho sự kết hợp tròn đầy của âm dương, ngũ hành, là biểu tượng cho sự đoàn tụ và những khát vọng về viên mãn thường hằng, bất tử./.

MINH THI