Hindu giáo trong văn hóa Việt cổ

Ảnh hưởng của Ấn Độ đến văn hóa Việt tưởng chừng bắt đầu sớm nhất là Phật giáo. Chứng tích thường được dẫn một cách “chắc chắn” là chuyện Man Nương và Phật Tứ Pháp dưới thời Sỹ Nhiếp. Tuy nhiên, thực tế Phật giáo không phải là tín ngưỡng sớm nhất đến nước ta từ Ấn Độ.

duong long
Tháp Dương Long ở Tây Sơn, Bình Định, gồm 3 tháp thờ bộ ba vị thần Hindu giáo là Brahma, Visnu và Shiva.

Truyện Dạ Xoa Vương trong Lĩnh Nam chích quái:
Xưa về thời thượng cổ, ngoài nước Âu Lạc của nước Nam Việt có nước Diệu Nghiêm, hiệu là Dạ Xoa Vương, có người gọi là Trường Minh Vương, có người gọi là Thập Đầu Vương. Nước ấy phía Bắc giáp nước Hồ Tôn Tinh. Nước Hồ Tôn Tinh gọi là Thập Xoa Vương, Thái tử gọi là Vy Tư.
Vợ Vy Tư gọi là Bạch Tinh Hậu Nương, dung mạo mỹ lệ, đời ít ai có; Dạ Xoa Vương nghe tiếng mà thích bèn đem dân chúng vây đánh nước Hồ Tôn Tinh, bắt được nàng Bạch Tinh Hậu Nương.
Vy Tư giận mới thắng lĩnh bọn di hậu dẹp núi lấp biển hết thảy hóa ra đất bằng, phá nước Diệu Nghiêm, giết Dạ Xoa Vương, lại đem nàng Tinh Hậu trở về.
Nước Hồ Tôn Tinh là tinh của loài khỉ bây giờ là nước Chiêm Thành vậy.
Truyện này chép rằng nước Nam Việt – Âu Lạc là một nước, song song cùng thời với nước Văn Lang (mà biên giới phía Nam giáp Hồ Tôn). Điều này chứng tỏ Văn Lang và Âu Lạc là tên của cùng một quốc gia thời Hùng Vương mà thôi. An Dương Vương lập nước Âu Lạc cũng là Hùng Vương dựng nước Văn Lang.

da xoa duong long
Hình chạm đá các Dạ Xoa trên tháp Dương Long ở Tây Sơn, Bình Định.

Phía Nam của nước Văn Lang – Âu Lạc có nước Hồ Tôn. Câu chuyện thái tử Vy Tư nhờ khỉ tinh cứu vợ Bạch Tinh Nương dễ thấy là mang bóng dáng của sử thi Ramayana, kể về chuyện giữa chàng Rama và nàng Sita.
Vợ Rama, nàng Sita, tình nguyện theo Rama vào rừng sống ẩn, luyện tập võ nghệ. Quỷ vương Ravana ở đảo Lanka lập mưu cướp nàng Sita đem về làm vợ. Hắn dụ dỗ và ép buộc nàng nhưng nàng đã kịch liệt chống cự. Mất Sita, Rama đau buồn khôn xiết. Chàng quyết tâm cứu bằng được vợ trở về. Trên đường đi, Rama gặp và giúp đỡ vua khỉ Xugriva, sau đó chàng được tướng khỉ Hanuman cùng đoàn quân khỉ giúp. Cuối cùng Rama cũng c­ứu được Sita.
Rama là một hóa thân của thần bảo tồn Visnu, một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo. Có thể tên gọi Trường Minh Vương cùng nghĩa với thần bảo tồn – Visnu.

khuong my
Hình khỉ trên tháp Khương Mỹ (Quảng Nam).

Hình tượng khỉ gặp trên trang trí các tháp Chăm cổ ở Quảng Nam như ở Trà Kiệu hay Khương Mỹ.
Phía Nam của nước Hồ Tôn là nước Dạ Xoa của Thập Đầu Vương. Dạ Xoa là bộ chúng của thần quỷ Kubera. Cũng có chỗ Dạ Xoa đồng nghĩa với quỷ La Sát (Rakshasa). Thủ lĩnh của quỷ La Sát là Ravana có 10 đầu, là kẻ thù của Rama đã bắt cóc nàng Sita trong sử thi Ramayana. Như thế Thập Đầu Vương là hình tượng của chúa quỷ La Sát Ravana. Và Truyện Dạ Xoa Vương hoàn toàn khớp với sử thi Ramayana.

300px-ravanaChúa quỷ La Sát Ravana (ảnh internet).

Truyện Dạ Xoa Vương cho biết Hindu giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc đến vùng Trung Bộ và Nam Trung Bộ Việt từ thời Hùng Vương. Còn ở miền Bắc Việt liệu có ảnh hưởng của tôn giáo này không?
Dấu chứng rõ ràng của đạo Hindu – Bà La Môn ở Bắc Việt là Truyện Man Nương. Dưới thời Sỹ Nhiếp, vị đạo sĩ Bà La Môn đến từ Ấn Độ tên là Khâu Đà La đã có quan hệ với một người con gái địa phương là Man Nương, từ đó sinh ra 4 vị thần Tứ Pháp là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Tứ pháp được thờ và cầu mưa trong tín ngưỡng dân gian ở miền Bắc Việt.
Vị thần mưa trong Hindu giáo là thần Indra. Còn gọi là thần Đế Thích. Vị này có màu sắc chủ đạo là màu nâu đỏ, nay còn thấy trong việc thể hiện của tục thờ Tứ pháp dùng màu mận chín cho các tượng thờ.
Thần Indra còn có các tên Hán là Kiều Thi Ca (Kaucika) và Nhân Đà La. Có thể thấy những cái tên này rất gần với tên Khâu Đà La trong Truyện Man Nương.
Một trong những tính chất của thần Indra là tính thác loạn. Tính chất này cũng thể hiện trong quan hệ với Man Nương, sinh ra đứa bé gái. Hoặc truyền thuyết dân gian vùng Thuận Thành kể về thần Thạch Quang ban đêm thường xuyên hiện hình cưỡng hiếp phụ nữ ở trong làng. Hình của Thạch Quang Phật ở chùa Dâu được nhiều người nhận xét rằng đó là một dạng Linga. Mà Linga là biểu tượng của thần Shiva trong Hindu giáo. Đây là bằng chứng rất rõ ràng rằng tục thờ Tứ Pháp ở Bắc Việt chính là đạo Hindu.

p1150359
Tượng Thiên Vương trong tháp Hòa Phong của chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Đặc biệt là hình ảnh Tứ pháp cầu mưa tương ứng với hình tượng hộ pháp Tứ đại Thiên Vương của Hindu giáo.  Trong truyện Phong thần diễn nghĩa, Tứ đại thiên vương được coi là bốn vị thần cai quản mưa thuận gió hóa – “Phong Điều Vũ Thuận” gồm Nam phương Tăng Trưởng Thiên Vương, Đông phương Trì Quốc Thiên Vương, Bắc phương Đa Văn Thiên Vương và Tây phương Quảng Mục Thiên Vương. Như vậy chức năng làm mưa làm gió của các vị thiên vương này đã chuyển vào văn hóa Việt dưới dạng thần Tứ pháp.
Ở chùa Dâu, tượng Tứ đại thiên vương được đặt bên trong tháp Hòa Phong. Tên tháp Hòa Phong cùng một nghĩa với cầu mưa thuận gió hòa.

cuu chua dau
Con “cừu” ở chùa Dâu.

Trước tháp Hòa Phong ở chùa Dâu và lăng Sỹ Nhiếp tại Thuận Thành, Bắc Ninh có tượng con cừu đá. Con cừu đá này tương truyền là của Khâu Đà La.

bo nandi
Bò Nandi trước đền Preah Ko ở Strung Treng (Cambodia).

Thực ra đây là hình ảnh bò thần Nandi, vật cưỡi của thần Shiva trong Hindu giáo. Hình ảnh con vật nằm phục 4 chân là đặc trưng của bò thần Nandi. Ở Ấn Độ có loại bò sừng cong vặn xuống tương tự như tượng ở chùa Dâu. Bản thân thần Indra cũng có hóa thân là con bò đực.

shiva chua dauTượng sáu tay ở chùa Đậu.

Thêm một liên hệ nữa là ở chùa Đậu (Thường Tín) người dân đã tìm thấy một bức tượng lạ, hình dáng như một đạo sĩ đang ngồi thiền, nhưng lại có 6 cánh tay. Đây không phải là một vị bồ tát hay Quan Âm vì vị này đội mũ như đạo sĩ và không ngồi trên tòa sen. Nhiều khả năng bức tượng này thể hiện một vị thần của Hindu giáo, có thể là thần Shiva.

shiva chien dan
Tượng thần Shiva cưỡi trên con bò thần ở tháp Chiên Đàn (Quảng Nam).

Như vậy, Truyện Man Nương dưới thời Sỹ Nhiếp là dấu ấn sâu sắc của Hindu giáo chứ không phải đạo Phật. Rất nhiều hình tượng của Hindu giáo sau này được thấy trong điêu khắc thời Lý Trần như hình chim thần Garuda (Kim Sỉ Điểu), người chim Kinara (Khẩn Na La), nhạc công thiên thần Ganharva (Cát Thàn Bà) hay vũ nữ Apsara chưa chắc đã là ảnh hưởng của văn hóa Chăm, mà có thể chúng đã sớm xuất hiện trong văn hóa Việt từ những năm đầu Công nguyên.

 

 

 

 

Sự thực về thủy tổ của dòng họ Ban – Phan

Theo dòng thời sự… nhân sự kiện Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon đến dâng hương ở nhà thờ họ Phan Huy ở Sài Sơn, thử bàn xem thủy tổ của họ Ban – Phan là người nước nào.
Họ Phan ở Trung Quốc, Việt Nam hay Hàn Quốc đều công nhận thủy tổ của mình là Tất Cao Công, một trong những đại công thần của nhà Chu. Ví dụ tộc phả họ Ban – Phan của Hàn Quốc chép rằng bọn họ là hậu duệ của Quý Tôn Công. Quý Tôn Công là con thứ (Quý là thứ ba) của Tất Công Cao. Tuy nhiên, vấn đề chính là ở chỗ Tất Công Cao là người ở đâu?
Một ông họ Phan ở Hà Nam Trung Quốc phát biểu: Chỉ cần trong tộc phả có ghi “thủy tổ Quý Tôn Công” là đủ để chứng minh họ Ban Hàn Quốc có gốc gác từ tỉnh Hà Nam. Vị họ Phan Trung Quốc này hơi “lạc quan” quá. Theo sách vở ghi lại Tất Cao Công đến từ đất Huỳnh Dương, nhưng Huỳnh Dương này không chắc là ở Hà Nam – Trung Quốc.
Tư liệu họ Phan ở Việt Nam chép: Theo truyền thuyết vào đầu đời nhà Chu tại một bộ tộc phía Nam sông Trường Giang gần hồ Phiên Dương, vùng đất Việt Thường thuộc Dương Việt (Giang Tây), có người tù trưởng giỏi nghề cấy lúa, biết lợi dụng sông ngòi, lấy nước vào ruộng, tránh được nạn hạn hán làm cho mùa màng tươi tốt, nhân dân no đủ, ai cũng mến phục. Tin ấy truyền về vua Chu, Chu bèn mời người đó về triều giúp đỡ nhân dân cách dẫn nước vào ruộng cấy lúa nước, dần dần nhân dân sung túc, thiên hạ thái bình. Ðể đền ơn, lúc người ấy về bộ tộc, vua Chu cho được hưởng ruộng lộc tức là thái điền ở bộ tộc đó và đặt tên họ ghép 2 chữ Thái điền với ba chấm thủy đọc là chữ “Phan”. Họ Phan bắt đầu ra đời từ đấy. Người tù trưởng đó là Tất Công họ Phan, bộ tộc Phan.
Vậy đất Phiên Dương hay Huỳnh Dương, quê của Tất Công là ở Hà Nam hay Giang Tây, hay ở chỗ khác nữa?…
Theo chính sử Trung Hoa, Tất Công Cao mang họ Cơ, là con thứ 15 của Chu Văn vương Cơ Xương, em khác mẹ của Chu Vũ Vương Cơ Phát. Khi Cơ Phát lên nối nghiệp cha, ông giúp anh đánh đổ nhà Ân, dựng lên nhà Chu. Sau khi Chu Vũ vương mất, ông theo giúp Chu Thành Vương. Khi Chu Thành Vương sắp qua đời, ủy thác thái tử Chiêu cho Tất Công Cao và Thiệu Công Thích. Cơ Chiêu lên nối ngôi, tức là Chu Khang Vương. Thiệu Công Thích cùng Tất Công Cao hết sức phò tá Khang Vương.
Tất Công là người đã nối nghiệp Chu Công và Quân Trần cai quản Lạc Ấp, nơi an trí “đám dân ngoan ngạnh” của nhà Ân. Kinh Thư có bài Tất mệnh, là lời của Chu Khang Vương, nói về việc này:
Than ôi! Cha Thái sư! Sự yên nguy của nước chỉ là trông bọn dân Ân ấy. Không cương, không nhu, đức mới thực tu! Duy Chu Công cẩn thận được ban đầu. Duy Quân Trần hòa hiệp được khoảng giữa. Duy ông thành toàn được đoạn cuối.
Ở đây Chu Khang Vương gọi Tất Công là “Cha Thái sư”. Vì công đức cai quản Lạc Ấp, hoàn tất (“thành toàn”) được công việc yên dân nên Cơ Cao được ban gọi là “Tất Công”.
Đặc biệt tại nhà thờ họ Phan Văn ở thị trấn Yên Thành (Nghệ An) tới nay còn lưu được câu đối về thủy tổ Tất Công:
采田氏自畢公芳留統譜
松嶽降爲崇郡恩諭髙門
Thái Điền thị tự Tất Công, phương lưu thống phả
Tùng Nhạc giáng vi Sùng Quận, ân dụ môn cao.
(Phiên âm và biên chép chữ Nho từ tư liệu của họ Phan đã chỉnh lý dựa theo nghĩa)
Dịch:
Họ Thái Điền từ Tất Công, tiếng thơm lưu truyền đời mãi
Thần Tùng Nhạc trị Sùng Quận, ơn đức tỏ tộc môn cao.
Thái Điền 采田 là chiết tự của họ Phan 潘 như tư liệu của họ Phan ở trên đã cho biết. Ở vế đối đầu họ Phan (Thái Điền) bắt đầu từ Tất Công thì đã rõ. Nhưng còn vế đối sau “Tùng Nhạc giáng vi Sùng Quận” thì phải hiểu thế nào?
Xem lại diễn biến đầu thời Chu. Khi Chu Văn Vương Cơ Xương khởi nghiệp đã chiếm nước Sùng (của Sùng Hầu Hổ) rồi đóng đô ở đất Phong. Nước Sùng chính là khu vực miền Bắc Việt Nam ngày nay. Đoạn sử này được truyền thuyết Việt chép là Âu Cơ quê ở Lăng Xương (Cơ Xương) lấy Sùng Lãm (Lạc Long Quân), rồi đem các con về Phong Châu lập nên nước Văn Lang (tức là Văn Vương).
Sau khi Chu Vũ Vương, truyền thuyết gọi là Vũ Ninh, cùng Thánh Gióng diệt nhà Ân, dời kinh đô về đất Cảo, thì đất Sùng là Lạc Ấp, nơi nhà Chu an trí đám ngoan dân của nhà Ân. Tất Công là vị quân chủ thứ 3 tại Lạc Ấp nên trong vế đối mới nói đến việc cai trị Sùng Quận (“vi Sùng Quận”). Bản thân tên gọi Cao Công cũng có thể là từ chữ Sùng mà ra vì Sùng chữ Nho nghĩa là Cao.
Xét “sơ yếu lý lịch” của Tất Công như trên thì đất Phiên Dương hay Huỳnh Dương, nơi xuất xứ và thành nghiệp của Tất Công, phải là ở Lạc Ấp. Lạc Ấp còn gọi là Lạc Dương. Dương là hướng Đông. Lạc Dương là kinh đô của thời Đông Chu sau đó. Nơi Tất Công làm nên sự nghiệp là ở đất Sùng – Cao tại Lạc Dương – Bắc Việt, chứ chẳng phải ở tận Hà Nam hay Giang Tây.
Đôi câu đối ở nhà thờ họ Phan tại Yên Thành còn cho một thông tin bất ngờ khác. “Tùng Nhạc giáng vi Sùng Quận” ứng với việc Tất Công cai quản đất Sùng. Như vậy Tất Công còn được gọi là “Tùng Nhạc”. Thông tin này liên hệ tới một vị Thủy tổ khác của họ Phan Việt Nam là Phan Tây Nhạc.
Theo truyền thuyết Việt thì Phan Tây Nhạc là một vị tướng theo Sơn Tinh giúp vua Hùng đánh giặc. Ở Hà Nội 2 làng Hòe Thị và Thị Cấm của xã Xuân Phương, Từ Liêm đã lập Phan Tây Nhạc làm thành hoàng làng. Lễ hội của 2 làng này còn lưu giữ tục lệ chạy thi – kéo lửa – thổi cơm, tương truyền do vợ của ông là Hoa Dung công chúa từng tổ chức để tuyển người giỏi nuôi quân. Phan Ông Tây Nhạc cùng vợ sau khi chiến tranh kết thúc về làng dạy nhân dân ở khu vực Phương Canh cấy lúa, dệt vải và sửa sang nghi lễ phong tục… 

Thi CamHội làng ở đình Thị Cấm.

Câu đối ở đình Thị Cấm:
貉鴻神將四千餘載聲靈水之汲與火之鑽漿食之爭迎猶彷彿之故壘行宮此地
瀘傘仙墟七十二祠胖嚮士於朝及農於埜工賈於廛市寔頂戴於陽扶陰助其間
Lạc Hồng thần tướng tứ thiên dư tải thanh linh, thủy chi cấp dữ hỏa chi toàn, tương thực chi tranh nghênh, do phảng phất chi cố lũy hành cung thử địa
Lô Tản tiên khư thất thập nhị từ phán hưởng, sĩ ư triều cập nông ư dã, công cổ ư triền thị, thực đính đái ư dương phù âm trợ kỳ gian.
Dịch:
Thần tướng buổi Lạc Hồng, bốn nghìn năm lẻ linh thiêng, lấy nước kíp giữ lửa, đua tranh nấu đồ uống thức ăn, còn như lũy xưa cung cũ phảng phấp đất nọ
Mộ tiên nơi Lô Tản, bảy mươi hai đền kính hướng, quan triều tới nông dã, chợ quán có thương gia thợ nghề, thực là phù dương trợ âm đứng đầu chốn đây.
Trong sự tích về Phan Tây Nhạc có thể thấy rõ công lao chính của vị này không phải là đánh giặc mà là an định dân tình nơi đô thị, giống như công nghiệp của Tất Công kể trong Kinh thư hay như trong tư liệu khởi nguồn của họ Phan về Tất Công. Tùng Nhạc và Tây Nhạc cùng một nghĩa vì Tùng = Tuấn (Sơn Tinh Nguyễn Tuấn có nơi chép là Nguyễn Tùng) = Tốn, là quẻ chỉ hướng Tây.
Phan Tây Nhạc theo Sơn Tinh ở đây không phải là theo Tản Viên Sơn Thánh của thời kỳ đầu dựng nước. Sơn Tinh ở đây là vị quê ở Lăng Xương, là hình ảnh của Âu Cơ (quê cũng ở Lăng Xương), tức là Cơ Xương – Chu Văn Vương. Như vậy sự tích của Phan Tây Nhạc hoàn toàn trùng khớp với Tất Công, vị Thái sư phụ trách an dân ở Lạc Dương đầu thời Chu.
Họ Phan Việt Nam hoàn toàn đúng khi nhận Phan Tây Nhạc làm Thượng thủy tổ của mình. Phan Tây Nhạc cũng là Tất Công nên truyền thuyết nguồn gốc họ Phan ở Việt Nam, Trung Quốc hay Hàn Quốc đều trùng nhau. Chỉ có điều, Thượng thủy tổ họ Phan là người Việt, lập công nghiệp lưu truyền đời thế ở đất Lạc Việt.

Văn Nhân thêm ý:
Theo lễ chế từ thời thái cổ, tùy từng thời dựa theo hình thế đất đai thiên hạ (có lúc rộng lúc hẹp), người ta chọn ra 5 ngọn núi tiêu biểu cho vùng giữa và 4 phương Nam Bắc Đông Tây gọi là Ngũ Nhạc để định kì Thiên tử vi hành đến nơi làm lễ tế trời đất, xem xét dân tình và thưởng người có công phạt kẻ có tội. Vì thế Ngũ Nhạc hay 5 ngọn núi thiêng tiêu biểu của 4 phương Thiên hạ mỗi thời mỗi khác. Ngũ Nhạc thời Nghiêu Thuấn không phải Ngũ Nhạc thời Tần Thủy Hoàng…, Thái Sơn trong câu ca dao “Công cha như núi Thái sơn” không phải là Thái Sơn thời Tần ở Sơn Đông, Trung Quốc.
Rất có thể ông Phan Tây Nhạc không phải là ông họ Phan tên là Nhạc mà nghĩa là ông họ Phan ở miền núi thiêng phía Tây. Luận xét trong cổ sử Việt thì Tây Nhạc thời kì này rất có thể là núi Tản Viên. Tản Viên chính xác là Tốn Vương, trong Hùng triều thế phổ là Hùng Việt vương Tuấn Lang. Gọi là núi Tản viên vì núi ấy được dành riêng thờ Tuấn Lang. Tản, Tán, Tốn, Tuấn đều có gốc từ quẻ Tốn, tượng của phong gió, chỉ phía Tây (nơi đấy cũng gọi là Phong Châu), ngược với quẻ Chấn, tượng của Sấm sét ở phía Đông, tức vùng đất có Đông Nhạc.
Tóm lại, Tây Nhạc cũng là miền Phong Châu, trong cổ sử là miền núi Tản sông Đà ngày nay.
Thông tin “Vua Châu ban cho con cháu Tất công đất Phan…” cũng có thể hiểu đất Phan là miền đất thiên tử Châu ban cho dòng họ Phan (lấy tên đất làm họ hay lấy họ đặt tên tên đất?).
Đất Phan nay ở đâu trên bản đồ?
Sử thuyết Hùng Việt cho đất Phan chính là lãnh thổ nước Phù Nam (phu nan thiết Phan), khởi lập từ Hỗn Điền sau đến Hỗn Bàn. Đời vua thứ 3 là Hỗn Bàn Bàn thì bị họ Phạm cướp mất miền đất ban đầu gây dựng (không phải cướp ngôi). Vua quan Hỗn Bàn Bàn phải chạy về Đông bán đảo Mã Lai và lập kinh đô mới ở đấy. Tư liệu lịch sử gọi là nước Pan Pan (pan – bàn – phan chỉ là biến âm).
Có lẽ thông tin về nước Phù Nam rút ra từ tư liệu lịch sử gốc viết bằng ngôn ngữ hệ Tạng Miến. Hỗn là biến âm của Hãn, nghĩa là chúa, là vương không phải họ. Điền lấy từ chữ Thái và Điền, ghép nên tên họ Phan chữ Nho. Thực sự Hỗn Điền nghĩa là chúa họ Phan hay vua nước Phan, nhưng do… “tứ sao thành … bản khác…” nên đời sau nhận không ra… Sự thể rõ hơn ở tên 2 vua Hỗn Bàn và Hỗn Bàn Bàn, theo nghĩa là vua họ Phan hay vua nước Phan, không có ai họ Hỗn tên Bàn Bàn và cũng chẳng hề có Brahman Ấn Độ nào tên là Kaudinya.
Ranh giới phía Bắc nước Phù Nam hay nước Phan chính là miền Phan Rang ngày nay. Đúng ra là Phan Ranh, không phải rang… Cam Ranh cũng có tư liệu chép là Cam Rang, ranh với rang chỉ là biến âm. Cam Ranh cạnh Phan Ranh là bằng chứng không thể chối bỏ về 1 miền biên giới của 2 nước ‘cổ’ tưởng là đã mất tích trên bán đảo Đông Dương. Nước Phan nhận ra được nhờ phiên thiết Hán văn ‘phù nam thiết phan’, còn nước Cam không thể là nước nào khác ngoài nước Chàm hay Campapura độc âm hóa khi viết bằng chữ Nho.
Chỉ cần phủi nhẹ lớp bụi mỏng là 1 quá khứ Đông Nam Á khác hoàn toàn hiện ra … Nhìn bản đồ phân bố trống đồng đã tìm được là thấy ngay… Đã đến lúc người Đông Nam Á phải chủ động xem xét lại toàn bộ lịch sử của mình.