Bảo đỉnh truyền quốc của Hùng Duệ Vương

Trang sách Ngự chế minh văn cổ khí đồ có bài minh trên Phỏng Thương sách mệnh đỉnh và hình Phỏng Thương Phụ Ất đỉnh (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia).

Năm Kỷ Hợi 1838 vua Minh Mạng cho phỏng theo các cổ khí thời Thương Chu mà đúc 33 đồ vật bằng đồng, rồi vua tự mình soạn ra các bài minh viết trên từng đồ đồng đó. Ý định của nhà vua thể hiện ngay trong bài minh trên đồ vật đầu tiên là chiếc đỉnh phỏng theo việc nhận mệnh trời của nhà Thương (Phỏng Thương sách mệnh đỉnh), như sau:

Ta nhận mệnh sáng của Trời và của vua cha, lên quản ngự nước Đại Nam, lấy nhân nghĩa là phép nước, để được như Ngũ Đế mà sánh với Tam Đại.

Nhà Thương lên ngôi thiên tử của thiên hạ bắt đầu từ Thành Thang diệt Hạ Kiệt. Chiếc đỉnh đồng lớn hình vuông của nhà Thương tượng trưng cho ngôi vị thụ mệnh trời này.

Tại sao vua Minh Mạng khi nhận mệnh trời lên cai quản nước Đại Nam lại muốn noi gương Tam Đại Hạ Thương Chu của Trung Hoa? Để hiểu được nguồn căn của việc này, xin điểm qua lịch sử Hạ Thương Chu theo dòng lịch sử Hùng Việt.

Giai đoạn Hùng Vương thánh tổ dựng nước ở vùng Minh đô Ngũ Lĩnh kết thúc bởi sự kiện Lạc Long Quân nối ngôi cha, khởi đầu chế độ phụ đạo kế truyền, được các thần tích Việt gọi là Kinh triều, lấy theo danh hiệu của Kinh Dương Vương. Lãnh thổ ban đầu của Lạc Long Quân là kết hợp 2 vùng đất: vùng đất Lạc của cha Lộc Tục ở miền Bắc Việt và vùng đất Long của mẹ Thần Long ở phía Đông (Quảng Tây ngày nay). Lạc Long Quân còn mang tên Sùng Lãm nên vùng đất Bắc Việt và Quảng Tây sau đó còn được gọi là nước Sùng, do thủ lĩnh mang họ Sùng, con cháu của Lạc Long Quân kế trị.

Hoa sử gọi triều đại của Lạc Long Quân là triều Hạ, triều đại đầu tiên trong Tam đại Trung Hoa. Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả gọi Lạc Long Quân là Hùng Hoa Vương, húy Pháp Hải Lang, chính là nói đến vị vua của Hoa Hạ đã phát triển đất nước về hướng biển Đông. Biểu tượng của Lạc Long Quân là con Rồng, con thần thú của hướng Đông trong Tứ linh.

Nhà Hạ sau thời gian gián đoạn bởi sự giành ngôi của Hậu Nghệ, từ Hạ Thiếu Khang bắt đầu thời kỳ Hạ Trung Hưng. Kinh đô Hạ Trung Hưng đóng ở Dương Thành, tức vùng Quảng Đông ngày nay. Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả gọi là thời Hùng Uy Vương, húy Hoằng Hải Lang, với nghĩa là mở rộng lãnh thổ về phía biển.

Vị trí các thuộc quốc thời nhà Ân Thương

Nhà Hạ truyền tới Hạ Kiệt, là một vị vua hoang dâm tàn ác, nhân dân khắp nơi oán thán. Thành Thanh là thủ lĩnh của Miêu tộc ở vùng phía Bắc (nay) nhà Hạ đã diệt Hạ Kiệt, lên nắm thiên hạ, mở đầu nhà Thương. Thương Thang đóng đô ở đất Bạc, nay có thể là di chỉ Ngô Thành ở tỉnh Giang Tây. Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả gọi thời kỳ này là Hùng Huy Vương, húy là Long Tiên Lang, tức là vẫn duy trì dòng Long theo cha Lạc Long Quân khai mở miền biển về phía Bắc (nay).

Thương Thang truyền 19 đời, đến vua Bàn Canh đã cho di dân dời đô nhiều lần từ vùng Nam (nay) sông Dương Tử lên phía Bắc (nay), đi qua các nơi, lưu lại di tích ở Bàn Long Thành (Hồ Bắc), Trịnh Châu Thành (Hà Nam), rồi cuối cùng dừng lại ở phía Bắc tỉnh Hà Nam, nơi có di chỉ Ân Khư được biết. Bắt đầu từ việc Bàn Canh dời đô, nhà Thương được gọi là nhà Ân hay Ân Thương. Còn Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả và các thần tích chép thời kỳ này dưới danh hiệu Hùng Duệ Vương.

Truyền thuyết Việt kể rằng Hùng Vương truyền 18 đời đến Hùng Duệ Vương thì xảy ra cuộc giao tranh với quân Thục. Hùng Duệ Vương tuy là người có hùng tài đại lược nhưng do không có con trai nối dõi nên đã nhường ngôi cho Thục Phán, kết thúc Kinh triều truyền từ Kinh Dương Vương. Đây là sự kiện quân Tây Kỳ của Văn Vương Cơ Xương tiến đánh Trụ Vương ở kinh đô Triều Ca. Chu Vũ Vương Cơ Phát toàn thắng lên ngôi xưng thiên tử và phân phong các chư hầu. Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả gọi Cơ Xươnglà Hùng Chiêu Vương, còn Cơ Phát làHùng Quốc Vương, tức người con cả của mẹ Âu Cơ dựng nước Văn Lang.

Điểm so lịch phả Tam đại Trung Hoa và Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả về thời kỳ này để thấy lịch sử thời Hùng Vương của người Việt đã theo chân những người con của cha Lạc Long tiến về miền Đông Bắc, làm chủ cả vùng đất Nam Dương Tử cũng như từ Dương Tử tới Hoàng Hà. Những bằng chứng vật chất rõ ràng về những thời đại lập quốc trên vùng đất này đã ngày càng lộ rõ.

Tương truyền rằng Hạ Vũ đã dùng đồng cống phẩm của 9 châu mà đúc thành cửu đỉnh, tượng trưng cho vương quyền tuyệt đối trên đất Trung Hoa. Vị vua lập Thương đầu tiên là Thành Thang, có tên hiệu là Thiên Ất, cũng chính là người được nhắc đến trong đồ cổ khí thứ hai của vua Minh Mạng trên chiếc Phỏng Thương Phụ Ất đỉnh. Bài minh trên chiếc đỉnh hình tròn này như sau:

Niệm khai sáng chi gian nan, tư thủ thành chi bất dịch. Tử tử tôn tôn, vĩnh bảo dụng thử khí.

Dịch nghĩa:

Nhớ sự gian nan khi khai sáng mà giữ gìn thành quả không đổi. Con cháu đời đời mãi được dùng bảo khí này.

Bắt đầu từ thời Lạc Long Quân người Việt bước vào chế độ phụ đạo cha truyền con nối. Do đó, những vị thủ lĩnh lúc này không gọi là Vương, mà là Phụ, tức là Cha. Lạc Long Quân trở thành vị Quốc phụ đầu tiên của người Việt. Còn Thành Thang là Phụ Ất như vua Minh Mệnh đã đề trên chiếc đỉnh.

Đỉnh thời Ân Thương (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Một chiếc đỉnh cổ thời Thương thực sự như vậy được thấy ở Việt Nam. Đỉnh có đường kính 28 cm, cao 26 cm, kích thước tương đương với chiếc đỉnh Phỏng Thương của vua Minh Mạng ở trên. Đỉnh có hình tròn, chia làm phần, có 3 chân tròn. Đồ vật có chân như vậy là đặc trưng của dòng văn hóa đồ đồng đỉnh vạc Thương Chu. Những chiếc chân lớn như chân rùa đó được gọi là Bá hạ hay Bí hí, một trong những đứa con của rồng.

Trên thân của chiếc đỉnh, mỗi phần được thể hiện bằng hình hai con rồng lớn, hướng vào nhau và quay đầu. Xung quanh trang trí hoa văn làm cho mỗi phần nhìn như một bộ mặt Thao thiết có hai mắt lớn. 6 con rồng lớn trên phần thân tròn nổi của đỉnh đã thể hiện vương quyền uy nghi của chủ nhân chiếc đỉnh này.

Một cặp Rồng trên thân đỉnh

Phần vành đỉnh có 2 quai vuông, chia thành 2 phần. Mỗi phần vành được trang trí bằng 2 cụm hoa văn rồng, mỗi cụm gồm 2 cặp rồng cuộn đối nhau, nối đuôi ở giữa. Dạng rồng 2 đầu này tương tự được thấy trên các chuông cổ thời Thương Chu, được gọi là Bồ lao.

2 quai đỉnh hình vuông, trang trí bằng 2 đường song song viền thành các hình tròn, đường cong, tạo cho chiếc quai hình dáng vững chắc. Phần chân của quai được trang trí bằng cụm hoa văn rồng 2 đầu như phần vành đỉnh.

Hoa văn Bồ lao trên vành đỉnh

Toàn bộ hình đúc và trang trí trên chiếc đỉnh như vậy gồm 6 con rồng lớn tạo thành 3 cụm Thao thiết và 6 cụm Bồ lao, mỗi cụm 2 con rồng 2 đầu. Chiếc đỉnh mang đúng hoa văn và phong cách trang trí của thời Ân Thương với biểu tượng chính là Rồng, nhấn mạnh tới vương quyền theo dòng dõi của Quốc phụ Lạc Long Quân.

Giá trị nhất là giữa phần thân và phần vành đỉnh có khắc dòng chữ gồm 31 chữ ở dạng Kim văn. Có nhiều chữ bị mờ, không đọc được. Tuy nhiên vẫn còn nhận rõ cụm từ “hành đỉnh dụng” 行鼎用, cho thấy đây là chiếc đỉnh dùng để sử dụng khi chủ nhân của nó đang sống. 

Chữ Hành đỉnh dụng

Đặc biệt là cụm từ: “dư đa hữu Phụ” 余多友父, tạm hiểu là có nhiều việc giúp cho Vua, trong đó chữ Phụ chỉ thủ lĩnh của nhà Thương như đã nói ở trên. Đỉnh này không đề tên cụ thể vị vua nào, có lẽ cũng là do nó vốn là đồ ngự dụng, không phải bồi táng.

Chữ Đa hữu Phụ

Rõ nhất là dòng chữ “kỳtử tử tôn tôn vĩnh bảo dụng其子子孫孫永寶用, là cụm từ giống hoàn toàn với bài minh của vua Minh Mạng trên chiếc đỉnh Phỏng Thương Phụ Ất. Có thể thấy đây là chiếc đỉnh của một vị vua Ân Thương, được đúc khi vua lên ngôi làm đồ tế lễ trời đất và cầu chúc truyền ngôi báu phép nước cho con cháu đời đời sau.

Chữ Kỳ tử tử tôn tôn vĩnh bảo dụng

Những chiếc đỉnh của nhà Thương Ân dùng hoa văn chủ đạo là Rồng và những đứa con của rồng (Thao thiết, Bí hí, Bồ lao…) thể hiện nhà Thương Ân là dòng dõi Lạc Long quân, là Cha (phụ) Rồng đã khởi đầu dòng khai phá vùng ven biển, trải qua 2 thời kỳ Hạ và Thương, Bắc chiếm tới tận Hoàng Hà.

Những bài minh văn khắc đúc trên cổ khí đồ Thương Chu luôn mang có ý nghĩa lịch sử to lớn. Xin dẫn lại lời của quan triều Nguyễn đã nói về ý nghĩa của những bài minh này trong bộ Ngự chế cổ khí đồ thời vua Minh Mạng:

Tựu trung là kính Trời Pháp Tổ, chuyên cần trị nước, yêu dân. Cũng là xét kỹ tiền nhân, truyền dạy hậu thế. Đều là đạo tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tùy theo cảm xúc mà có ngụ ý. Không có gì tốt đẹp mà không bao quát hết. Thực là, cùng với bài minh trên mâm của vua Thành Thang, bài minh trên ngai và trượng của vua Vũ Vương, suốt từ nghìn xưa vẫn cùng chung một đạo. Càng xem đồ vật của người xưa, càng thấy dựa vào minh văn để truyền lại đạo của thánh nhân, dựa vào hình thể của đồ vật mà truyền nghìn đời không mai một.

Khái luận lịch sử qua Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả

Các vua Hùng đã có công dựng nước“, câu nói của Bác Hồ bên đền Hùng là một đánh giá lịch sử chính xác. Nhưng lịch sử thời dựng nước của các vua Hùng tính từ lúc nào? 4.000 năm lịch sử như cha ông ta từng lưu truyền? Hay 5.000 năm ngang với Tam Hoàng Ngũ Đế Trung Hoa? Hay chỉ “vài ngàn năm” như hội thảo gần đây về thời Hùng Vương mới “kết luận”?…

Ngọc phả Hùng Vương biên soạn qua các thời kỳ là sự ghi chép và hệ thống hóa của chính quyền phong kiến nước ta từ các thần tích và truyền thuyết được dân gian lưu truyền hàng ngàn năm. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà lại giàu có về huyền thoại và truyền thuyết như nước Nam ta. Những truyền thuyết Việt đã được kể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có những truyền thuyết từ thời khai thiên lập địa khi con người còn đang ăn hang ở hốc cho tới những thời kỳ gần hơn của sử trung đại.

Truyền thuyết Việt không như truyện thần thoại phương Tây, mà là những truyện “cổ tích” thực sự, nghĩa là những vết tích của những gì đã từng xảy ra trong quá khứ xa xưa. Đằng sau mỗi câu chuyện cổ được lưu truyền là lịch sử chân xác của quốc gia, của dân tộc. Lịch sử đã bị lãng quên, bị bôi đen, bóp méo bởi kẻ thù phương Bắc. Truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian là những ký ức lịch sử lưu lại được khi người Việt phải trải qua gần ngàn năm thống khổ cùng cực, lúc nào dao cũng kề cổ. Cộng thêm những hành động đốt sạch, phá sạch, tận diệt, tận xóa vết tích văn hóa văn minh trên đất Việt của không ít kẻ thù đã làm cho việc nhận ra chân lịch sử Việt đúng là thiên nan vạn nan.

Để tìm về cội nguồn và bản ngã dân tộc thì không thể thiếu những truyền thuyết lịch sử rất phong phú lưu truyền trong tín ngưỡng và văn hóa dân gian. Tục thờ thành hoàng là những nhân vật lịch sử từ xưa làng nào cũng có. Những ngọc phả, thần tích kể lại nguồn gốc và công trạng của các thần thánh được thờ phụng có niên gian ghi chép không thua gì những quyển sử chính thống. Những hoành phi câu đối trên cổng đình, trong điện thờ thực sự là những minh văn quí giá, cô đọng, hàm ý súc tích, sâu xa về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Những nét văn hóa trong các lễ hội làng, hội tổng được hình thành trên cơ sở những sự kiện từng xảy ra nên mang trong đó những thông tin lịch sử chân thực.

Tín ngưỡng dân gian Việt Nam rất đặc biệt. Thần linh của người Việt không phải là những đấng siêu nhiên, tạo ra từ trí tưởng tượng của con người. Thần tiên Việt rất thật, rất người bởi vì họ vốn là những con người thật sự được tôn thờ lên. Công lao, sự nghiệp, đạo đức của họ làm nên tinh thần bất diệt, khiến họ “hóa thần” trong tín ngưỡng và văn hóa dân tộc. Đằng sau mỗi thần tích, mỗi huyền thoại về các vị thần người Việt đều là những nhân vật, những sự kiện có thật từng xảy ra.

Đã có không ít các công trình của những học giả danh tiếng xưa và nay muốn “đọc” lịch sử qua những câu truyện truyền thuyết để tìm lại mấy ngàn năm lịch sử bị khuất lấp. Điều này quả thật không dễ dàng vì muốn vậy phải có dữ liệu để đối chiếu giữa huyền thoại và lịch sử. Trong thời gian trước đây việc này hầu như không thể làm được vì nguồn đối chiếu duy nhất cho các sử gia Việt lại là sách Tàu, tức là sách của chính những kẻ đã cố tình nhào nặn, biến hóa sử Việt. Các sử gia đành chép lại những truyền thuyết dân gian lưu vào sử để đợi đời sau giải mã, tìm lại lịch sử chân thực của dân tộc.

Hãy nghe Hồ Tông Thốc, người viết Việt Nam thế chí, một trong những quyển sử sớm nhất của nước ta, nói về việc này:

Có người hỏi tôi rằng: Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?

Tôi đáp rằng: … Cho nên những chuyện góp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá, thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử, tôi đâu tự dám cho ý mình là thoả đáng.

Ngày nay những truyền thuyết mang tiếng vang hình bóng của lịch sử đã có những nguồn để đối chiếu và kiểm chứng tin cậy. Trước hết là khảo cổ học, mà một trong những thành tựu đầu tiên của ngành khảo cổ học Việt Nam là xác định sự tồn tại của thời đại Hùng Vương qua văn hóa đồ đồng Đông Sơn huy hoàng. Cùng với những phát hiện khảo cổ, từng chiếc nha chương, từng trống đồng, thạp đồng phát lộ lại càng thấy lịch sử Việt cần được viết lại và những nhân vật từ trong huyền thoại đang dần bước ra, hiện rõ lên trước mắt chúng ta.

Kết hợp những kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại với những dữ liệu dân gian phong phú và nguồn thư tịch văn bản còn lại nay đã cho phép nhìn ra chân tướng cổ sử nước Nam. Việt Nam – suối nguồn của văn minh phương Đông, sự thực ấy đang ngày càng sáng tỏ. Giải mã các truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian lúc này càng trở nên cần thiết cho việc nhìn nhận đúng lịch sử nước nhà. Nhìn lại lịch sử để nhận lại cha ông, nòi giống, nhận lại nền văn hóa huy hoàng mà tiền nhân hàng ngàn năm đổ mồ hôi và xương máu xây dựng và gìn giữ.

Ngọc phả Hùng Vương kể rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con trai, là tổ của Bách Việt. Cha Lạc Long dẫn 50 người con đi khai phá vùng biển Đông. Mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng, về đất Phong Châu, lập con cả làm vua, gọi là Hùng Vương. Người Việt ngày nay là con cháu của trăm người con trai đó, tức là một phần của cả dòng họ, đồng bào Bách Việt xưa, cùng chung một nguồn cội họ Hùng.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ”.

Phạm vi nước Văn Lang trên bản đồ ngày nay

Cương vực 15 bộ mênh mông của nước Văn Lang thời Hùng Vương, với Tây giáp Tứ Xuyên (Thục), Bắc tới Hồ Nam (hồ Động Đình?), làm các sử gia nghi ngờ rằng đó là lãnh thổ của cả dòng Bách Việt chứ không chỉ của “nước Việt” ngày nay. Nghi ngờ này thực không có cơ sở vì thời Hùng Vương thì làm gì có “nước Việt” với phạm vi chỉ bó hẹp ở vùng Bắc Bộ như sau này. Truyền thuyết và chính sử đều ghi rõ vua Hùng là vua của cả dòng Bách Việt nên nước Văn Lang rộng lớn, bao trùm cõi Lĩnh Nam là tất yếu.

Nếu nhìn nhận các truyền thuyết lịch sử Việt tách rời khỏi không gian và thời gian mà chúng hình thành sẽ dẫn đến những lệch lạc vô cùng lớn, làm cho những truyện truyền thuyết trở nên không thể hiểu nổi. Khi nhìn bằng “tầm nhìn thời đại” ngày nay thì những chuyện “trâu ma rắn thần” của thời cổ sử bị biến thành không “chích quái” thì cũng là “u linh”, mờ ảo. Thế nhưng, quá khứ xa xôi của người Việt lại nằm chính ở những dòng huyền sử lắng đọng đó. Chối bỏ huyền sử tức là quay mặt lại với quá khứ, với tổ tiên nòi giống.

Người Việt ngày nay là một phần của đại tộc Bách Việt. Điều này thật rõ, rõ ngay từ cái tên gọi. Vì thế lịch sử Bách Việt cũng là lịch sử của người Việt. Sách Hán thư viết: “Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Cối Kê ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình.” Bách Việt là một cộng đồng các dân tộc cùng nguồn gốc sinh sống ở phía Nam sông Dương Tử cho tới bán đảo Đông Dương từ thời trước Công nguyên.

Ngọc phả Hùng Vương cũng như những truyền thuyết lịch sử Việt được chép trong Việt Điện u linh, Lĩnh Nam chích quái là thu nhặt những chuyện kể trong dân gian từ thời Lý Trần. Những câu đối, hoành phi trong các đền miếu ngày nay còn giữ lại được phần lớn là từ thời Nguyễn. Có vẻ niên đại của những minh văn này không đủ xa, đủ lâu so với những thư tịch chính sử… được mang từ bên Tàu về. Nhưng giá trị của những tư liệu dân gian này là ở chỗ nó không bị chỉnh lý bởi quan niệm sử chính thống, hay bị bóp nặn theo ý đồ của ai đó. Những thần phả, thần tích địa phương ở nước ta được chép từ quan điểm Bách Việt rõ ràng.

Nhận định lịch sử nước Nam thời cổ đại là lịch sử Bách Việt cho phép giải mã được phần lớn các truyền thuyết lịch sử Việt. Nước Nam của thời đầu Công nguyên có lãnh thổ hoàn toàn không giống với nước Đại Việt thời Lê hay với nước Việt Nam thế kỷ 21 này. Những sự kiện, những nhân vật lịch sử nước Nam thời cổ và trung đại có tầm vóc, phạm vi vượt ra ngoài khuôn khổ lãnh thổ quốc gia ngày nay bởi đó là lịch sử ghi chép theo quan điểm dân tộc Bách Việt trên địa bàn Lĩnh Nam rộng lớn.

Lĩnh Nam chích quái là truyền thuyết của vùng Lĩnh Nam, tức là của cả vùng đất Bách Việt. Giải mã, đối chiếu truyền thuyết và lịch sử của nước Nam không thể chỉ hạn chế ở ranh giới nước Việt ngày nay. Một khi nhìn nhận cương vực lãnh thổ nước Văn Lang thực sự như truyền thuyết và chính sử xưa chép thì những sự kiện như Thánh Dóng đánh giặc Ân đến từ vùng Hoàng Hà hay An Dương Vương từ đất Xuyên Thục đánh Hùng Vương trở nên hoàn toàn có thể về mặt địa lý.

Bên cạnh phạm vi lãnh thổ và thời gian, để hiểu đúng truyền thuyết còn cần lùi cách nhìn nhận lại vào đúng không gian ngôn ngữ văn hóa của thời kỳ mà truyền thuyết được hình thành. Ví dụ từ “cửu trùng” hiểu như ngày nay là “9 tầng” thì sẽ dẫn đến những điều vô lý, không tồn tại. Đúng hơn, xưa lên ngôi vua gọi là lên “ngôi cửu trùng”. Đền Thượng thờ vua Hùng ở Phú Thọ gọi là Cửu trùng thiên điện, không phải nghĩa là điện thờ ở 9 tầng trời, mà là điện thờ Vua, thờ ông Trời. Thành Cổ Loa không phải có 9 vòng thành, mà là tòa thành từng được gọi là “Cửu trùng thành”, nghĩa là thành nơi có Vua. Cửu trùng hay trùng cửutrường cửu là từ mượn âm, dùng để xưng tụng, tung hô với nghĩa như từ “vạn tuế”. Đời vua Hùng Vương 18 không phải là đời vua Hùng cuối cùng, mà ngược lại, 18 là trùng cửu (9×2), là con số chỉ sự trường tồn của thời đại Hùng Vương.

Ngọc phả, truyền thuyết không phải là lịch sử, nhưng nếu truyền thuyết được quy chiếu vào đúng hệ tọa độ không gian – thời gian – ngôn ngữ – văn hóa sẽ trở thành lịch sử thật sự. Một trong những tọa độ căn bản của văn hóa phương Đông xưa là Dịch học, là Hà thư Lạc đồ, là Âm dương Ngũ hành. Hà là trời, Lạc là đất. Hà thư là những cặp số sắp xếp theo phương vị để chỉ 4 phương trời và một phương trung tâm. Do đó Ngũ Lĩnh là 1 ngọn núi tên là Ngũ, tức là ngọn núi ở trung tâm. Kinh Dương Vương đi tuần ở Ngũ Lĩnh, không phải là nơi có 5 ngọn núi ở bên Tàu. Bát Hải không phải là có 8 cửa biển mà là biển nằm ở phương Tám, tức là phương Đông. Vua cha Bát Hải Động Đình củaThoải phủ trong Đạo Mẫu do vậy không hề xuất xứ từ đầm nước ở Hồ Nam, mà là vị vua của biển Đông, là cha Lạc Long đã dẫn 50 người con xuống khai phá miền duyên hải.

Ngọc phả, thần tích, truyền thuyết Việt không hề “u linh” hay “chích quái” một khi chúng được sọi nhìn bằng “lăng kính” thích hợp. Truyền thuyết là hình bóng của lịch sử. Từ cái bóng đó cái hình cốt lịch sử thật sự có thể được phục dựng nếu có được “hệ quy chiếu” đúng với không gian và thời gian mà lịch sử đã xảy ra.

Một trong những đặc điểm dễ thấy của truyền thuyết lịch sử Việt là khi kể về các nhân vật, dân gian không dùng tên thật của những vị vua này, mà dùng các danh xưng, tên hiệu. Tên gọi Lộc Tục thực ra nghĩa là Lạc tộc, chỉ vị thủ lĩnh đứng đầu tộc Lạc ở phương Nam xưa. Lạc Long Quân cũng nghĩa là vị thủ lĩnh của hai vùng đất Lạc và đất Long của cha Tiên (Kinh Dương Vương) và mẹ Rồng (Thần Long) hợp nhất. Những danh hiệu trong truyền thuyết lịch sử do vậy là những gợi ý, dẫn chứng rõ ràng về công nghiệp của các bậc tiền nhân.

Cũng vì tên của các nhân vật trong truyền thuyết là các danh hiệu nên cùng một tên gọi có thể chỉ 2, 3 người hoặc cả một triều đại trong lịch sử. Truyền thuyết là những chuyện kể không hạn chế về thời gian. Trong ngọc phả, mỗi danh xưng Hùng Vương là chỉ một “chi”, hay 1 triều đại, 1 giai đoạn lịch sử của cùng một vị vua khai sáng. Chuyện của cả một vương triều có thể đều được ghi chép chung vào trong một tên gọi, một danh xưng của vị vua đã sáng lập ra triều đại đó. Cũng giống như tập tục thờ cúng của người Việt thường chỉ thờ vị tổ đầu tiên của dòng họ vậy.

Ví dụ, danh xưng An Dương Vương bao gồm một triều đại kéo dài hơn 800 năm, từ khi Thục Vương tử đánh nước của Hùng Vương, Thục Phán lên ngôi lập cột đá thề trung thành với họ Hùng, tới khi vua Thục xây thành Cổ Loa, rồi vị vua cuối cùng của Thục triều thất quốc, cầm sừng văn tê bảy tấc mà đi ra biển. Thời gian trong ngọc phả và truyền thuyết được tính bằng triều đại, bằng nhân vật và sự kiện, chứ không phải bằng năm bằng tháng như truyện lịch sử.

Cách gọi các chi Hùng Vương như trong Ngọc phả đã giải nghĩa rõ ràng cho việc một đời Hùng Vương kéo dài hàng trăm năm, bởi một tên gọi Hùng Vũ Vương, Hùng Hy Vương… không phải chỉ 1 vị vua, mà là một triều đại do 1 vị vua khởi đầu và làm đại diện. Cũng chính điều này giải thích ý nghĩa của các cuộc hôn nhân trong cổ sử. Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ là câu chuyện về sự tranh giành ngôi vị giữa con của Kinh Dương Vương với hậu duệ chính dòng từ Đế Minh là Đế Lai. Âu Cơ lúc đó là hình tượng của vương quyền truyền từ Đế Nghi. Phân biệt với hình tượng mẹ Âu Cơ sau đó dẫn người con trưởng lên núi, lập quốc ở Phong Châu, là chuyện xảy ra ở thời kỳ 1.000 năm sau Lạc triều của Lạc Long Quân.

Những sự tích, những câu chuyện được kể lại trong ngọc phả Hùng Vương đều xuất phát từ thực tế lịch sử, cho dù những sự kiện này đã được cách điệu hóa, hình tượng hóa. Sự kiện mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng, nở ra trăm trai không hề hoang đường vô nghĩa, mà nó phản ánh cội nguồn của đại tộc Bách Việt từ 2 dòng Âu và Lạc ban đầu. Hay những hình tượng cụ thể như cây gậy thần và quyển sách ước của Tản Viên Sơn Thánh có thể truy nguyên là những kiến thức trong Hà đồ Lạc thư mà vua Đại Vũ đã nắm bắt được trong quá trình trị thủy. Chiếc móng rùa mà thần Kim Quy trao cho An Dương Vương là cuốn Đạo Đức kinh mà Huyền Thiên Lão Tử đã để lại cho đời…

Trang đầu của Nam Việt Hùng Vương ngọc phả

Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền mở đầu như sau: Kỷ Hồng Bàng Thị: Xưa tại Đại quốc Trung Hoa, đô đóng ở thành Thiên Thọ Bắc, lăng phần mộ tổ trời táng ở núi Côn Lôn, cùng năm hồ, biển lớn, núi Nam hội chầu chính đường. Ban đầu là từ cháu ba đời Viêm Đế dòng Thần Nông Thị, từ Hy Hoàng tới đó, truyền ngôi quốc bảo chính thống Nam Bang, để lại cho con cháu đời sau vậy.

Câu mở đầu Ngọc phả này làm cho không ít các sử gia đời nay lúng túng. Tại sao Hồng Bàng Thị lại là “Đại quốc Trung Hoa”? Mộ tổ các vua Hùng sao lại ở núi Côn Lôn? Khởi đầu của sử Việt lại từ Tam Hoàng Ngũ Đế như Thần Nông, Phục Hy, Hoàng Đế? Liệu các Hàn lâm học sĩ thời phong kiến khi soạn Ngọc phả có nhầm không? Hay do họ “thiếu hiểu biết” và muốn “đua đòi” cho bằng “nước lạ”?

Hoàn toàn không phải vậy. Nhầm là những cách nhìn nhận hạn hẹp và thiếu hiểu biết của con cháu ngày nay, không dám nghĩ rằng tổ tiên cha ông mình đã từng là một “Đại quốc” có lịch sử trên 5.000 năm, là nơi hội tụ tinh hoa của trời Đông (tức là Trung – Hoa).

Không thiếu những dẫn chứng từ thư tịch, bia đá của tất cả các triều đại phong kiến nước ta từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều xưng mình là Trung Hoa, Trung Quốc, Trung Hạ. Bởi vì dưới thời phong kiến, Trung Hoa thực sự chính là nước Việt ta. Ở bên kia chiến tuyến, nhà Nguyên không phải Trung Hoa, mà là Mông Cổ. Nhà Thanh không phải Hoa, mà là Mãn… Lịch sử Việt cổ đại là lịch sử Trung Hoa, một nhận thức rất rõ ràng từ Ngọc phả Hùng Vương.

Lịch sử của một đất nước, một dân tộc tính từ đâu phụ thuộc vào mốc tính: thế nào là “bắt đầu lịch sử”. Lịch sử hoàn toàn không phải bắt đầu từ khi có chữ viết vì không thiếu gì dân tộc cho tới tận ngày nay không hề có chữ viết riêng. Lịch sử được tính bằng những mốc, những nấc thang phát triển của thể chế xã hội. Đối với người Việt, những nấc thang lịch sử ban đầu đích thực là do các vua Hùng đã gây dựng nên. Những cuốn ngọc phả Hùng Vương còn lưu truyền lại cho tới ngày nay cung cấp chính xác những mốc phát triển của xã hội Việt thời dựng nước.

Bằng cách đối chiếu các ngọc phả Hùng Vương, các thần tích trong các di tích thờ Hùng Vương được lưu giữ đến nay với những thư tịch lịch sử của Việt Nam và Trung Hoa, thời đại Hùng Vương có thể được chia thành 4 thời kỳ phát triển gồm 18 đời (triều đại) Hùng Vương như trong sơ đồ sau.

Cổ Việt Hùng Thị phả đồ

Trên đất Việt mỗi độ hoa đào nở
Cành mai vàng rực rỡ trước gió xuân
Có nhớ chăng công sức của tiền nhân
Dựng nghiệp nước mấy ngàn năm lịch sử?

Ngọn núi Đọ quê hương người Việt cổ
Bên sông Chu, sông Mã chảy muôn đời
Hạt lúa vàng thẫm đẫm giọt mồ hôi
Thuở khai quốc của Thần Nông, Viêm Đế.

Xuân đất nước chuyện bao mùa còn kể
Kỷ Hồng Bàng khai phá đất phương Nam
Cánh chim hồng, chim hộc lượn trên ngàn
Dòng Lạc Việt lớn lên cùng đất nước.

Gian nan thay các vua Hùng lập quốc
Gương Tản Viên trị thủy lũ sông Đà
Dãy Hoàng Liên ý chí Việt vượt qua
Cơn hồng thủy của hàng nghìn năm trước.

Mở bờ cõi cha Lạc Long tiếp bước
Mặt biển Đông dậy con sóng Lạc Hồng.
Đậm tình người câu chuyện lá trầu không
Têm cánh phượng cho nước màu đỏ mãi.

Tuổi lên ba chí anh hùng có phải?
Giữ xuân đời ngựa Gióng đuổi giặc Ân.
Tiếng trống đồng giữa trời đất còn ngân
Vang như tiếng nỏ thần dân Âu Lạc.

Ngẫm vuông tròn bánh chưng ai chế tác?
Đạo âm dương gói trời đất xa gần
Để ngàn đời tỏa sáng một chữ “văn”
Dòng lịch sử nước Văn Lang chảy mãi.

Vua Lý Bôn mong quốc gia vạn đại
Thuận lòng người đặt tên nước Vạn Xuân.
Quê hương ơi, trải mưa nắng bao lần!
Vầng nhật nguyệt có khi mờ khi tỏ
Đánh giặc mạnh bao phen bon ngựa đá
Thắng thiên tai bao đất mới khai hoang
Vẫn ngọt ngào, đầm ấm giọng hò khoan
Trên đất mẹ những năm dài khó nhọc.

Nụ cười tươi át đi bao tiếng khóc
Mùa xuân về rừng lại thắm hoa xoan
Áng mây hồng bay trên đỉnh đại ngàn
Một nước Việt trong vạn mùa xuân mới.

Trọng Thủy và Mỵ Châu thời nhà Triệu

Bản “Ký sự đền linh họ Triệu” của khu vực thờ Trọng Thủy và Triệu Vũ Đế ở Từ Sơn (Bắc Ninh) nêu ra những thông tin rất khác lạ so với truyền thuyết vẫn được kể về mối nhân duyên bi thương Mị Châu – Trọng Thủy. Lạ nhất là 2 chi tiết sau: Khi Trọng Thủy lần theo dấu vết Thục Vương và Mỵ Châu thì dẫn theo cả 2 tướng là Trương Hống, Trương Hát. Thứ hai là ở đoạn kết cho biết nhà Triệu từ Triệu Văn Đế đến Triệu Thuật Dương Vương được 4 đời rồi kết thúc bởi chuyện “móng rồng”.

Chuyện “móng rồng” là chuyện của Triệu Quang Phục được thần nhân trao cho móng rồng ở đầm Dạ Trạch mà lên ngôi vua, sau bị con của Hậu Lý Nam Đế là Nhã Lang đánh tráo, nhà Triệu diệt vong. Còn Trương Hống và Trương Hát cũng là 2 vị tướng trung thành của Triệu Quang Phục, đã bất khuất chống lại Lý Phật Tử rồi gieo mình xuống sông tự vẫn. Như vậy sự tích đền linh họ Triệu ở Từ Sơn có ý nói rằng Trọng Thủy thuộc về thời kỳ nhà Triệu của Triệu Quang Phục, có các tướng là Trương Hống, Trương Hát và kết thúc bởi việc tráo móng rồng. Theo những gì đang được diễn giải hiện nay thì Trọng Thủy ở thời kỳ quãng năm 207 trước Công nguyên, còn Triệu Quang Phục ở thế kỷ 6 sau Công nguyên. Vậy phải hiểu mối liên hệ này như thế nào?

Đình làng Đình Vỹ, nơi thờ Trọng Thủy ở vùng Từ Sơn

Thời kỳ của Triệu Quang Phục đã từng được xác định là thời kỳ nước Nam Việt của nhà Triệu, bắt đầu từ Triệu Vũ Vương đến Triệu Vệ Dương Vương. Như vậy, Trọng Thủy ở đây là tiền tổ của Triệu Quang Phục vì Trọng Thủy là con của Triệu Đà, vị Cao tổ của nhà Triệu.

Đã từng có tác giả dựa trên ghi chép của Cổ Lôi ngọc phả cho rằng Lý Ông Trọng ở Chèm chính là Triệu Đà, từng sang Tần làm con nuôi của Triệu Cao, rồi về lập quốc Nam Việt. Lý Ông Trọng lấy vợ là Bạch Tĩnh công chúa, con gái của Tần Thủy Hoàng. Khi kết hợp thông tin này với Ký sự đền linh họ Triệu ở trên sẽ đi đến nhận định, Lý Ông Trọng chính là Trọng Thủy được nói đến. Còn Mị Châu, con gái Thục Vương là Bạch Tĩnh công chúa của nhà Tần.

Đây là một giả thuyết hết sức lạ, nhưng lại tỏ ra rất hợp lý để có thể lý giải những khúc mắc của các dòng tư liệu lịch sử thời kỳ này. Có thể tường thuật tóm tắt các sự kiện như sau. Tần Thủy Hoàng lên ngôi thống nhất thiên hạ, có gả một người con gái là Bạch Tĩnh công chúa cho Tư lệ hiệu úy Lý Thân, rồi cử Lý Thân trấn giữ cai quản vùng đất Lâm Thao (Lâm Ấp?), tức miền Tây Nam của nhà Tần. Khi Lưu Bang (Nam Đế Lý Bôn) khởi nghĩa kháng Tần từ Chân Định (thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ), chắc chắn có sự đụng độ với đại tướng Lý Thân của Tần ở vùng Phong Châu. Có thể Lý Thân đã có mối quan hệ dòng dõi nào đó với Lưu Bang, mà theo Cổ Lôi ngọc phả thì Cao Tổ nhận Lý Thân làm con nuôi. Đây là giải thích cho việc Trọng Thủy – Lý Thân là con của Triệu Đà – Lý Bôn trong truyền thuyết.

Tượng thờ đình Chèm: Bạch Hạc Quan Trung Đại vương Lý Đương Thì, Tả Nương Ba Ca Công chúa, Hoàng Đồng Cối Cái Đại vương (từ trái qua phải)

Sau cuộc Hán Sở tranh hùng, Lưu Bang lên ngôi thiên tử, phong vương cho các công thần. Lý Thân lúc này đã mất, nhưng con của ông ta với Bạch Tĩnh công chúa có thể đã được phong Vương, phụ trách vùng đất Tây Nam Trung Hoa mà Lý Thân trấn giữ trước đó. Tục thờ ở đền Chèm cho biết con của Lý Thân là Bạch Hạc Quan Trung Đại vương Lý Đương Thì. Còn thần tích ở vùng Từ Sơn gọi là Triệu Lạc Linh.

Lữ Hậu mất, phía Bắc Trung Hoa thuộc về nhà Hiếu của chính dòng Lưu Bang. Nhưng ở miền Nam lại nổi lên nước Nam Việt của nhà Triệu. Có thể Lý Đương Thì, vị Quan Trung Đại vương, chính là Triệu Vũ Vương đã lập quốc Nam Việt vào lúc này. Triệu Vũ Vương không lấy họ Lý, là họ cha nuôi của Lý Thân, mà lấy họ Triệu theo họ mẹ, tức họ của nhà Tần. Nhà Tần vốn mang họ Triệu từ tổ là Tạo Phụ thời Chu Mục Vương được phong đất ở Triệu thành. Việc lấy họ Triệu của nhà Tần làm quốc tính ý muốn nói đến tính chính thống đế vương từ Tần Thủy Hoàng, đối lập với nhà Hiếu của họ Lý. 

Phần tiếp theo thì như đã biết, thừa tướng Lữ Gia (dòng dõi Lữ Hậu hoặc thừa tướng Lã Bất Vi của Tần) đã phò tá nước Nam Việt cho tới thời Triệu Vệ Dương Vương thì bị Hiếu Võ Đế tấn công, chiếm kinh đô Phiên Ngung. Hậu quân nhà Triệu chạy về Phong Châu, đất gốc tổ của Lý Ông Trọng và làm nên cuộc khởi nghĩa của Tây Vu Vương Lý Thị, hay khởi nghĩa của Trưng Vương Ả Lã.

Các ngọc giản Tần Vương tìm thấy ở Sóc Sơn, tương tự các hốt ngọc trên tượng thờ ở đình Chèm

Như vậy có 2 lần câu chuyện Trọng Thủy – Mị Châu xảy ra trên đất Việt. Lần đầu là chuyện của Dị Nhân Tử Sở vào làm con tin, lấy công chúa của nhà Chu Thục, rồi Tần diệt Chu đoạt thiên hạ. Con của Tử Sở và Châu Cơ (Triệu Cơ) thống nhất Trung Hoa, xưng Tần Thủy Hoàng Đế. Lần thứ hai là Lý Ông Trọng, con nuôi của Lý Bôn, lấy Bạch Tĩnh công chúa của Tần Thủy Hoàng, sinh ra Triệu Lạc Linh. Triệu Lạc Linh được Cao Tổ Lưu Bang phong Vương ở vùng “Bạch Hạc Quan Trung”, sau khi Lữ Hậu mất thì tự lập quốc Nam Việt, xưng là Triệu Vũ Vương (Triệu Vũ Đế).

Do đó, trong truyền thuyết Việt có tới 3 vị cùng được kể dưới tên Triệu Đà. Triệu Đà 1 là Tần Chiêu Tương Vương, người đã diệt nhà Chu Thục năm 257 TCN. Triệu Đà 2 là Hiếu Cao Lưu Bang, người đã diệt nhà Tần năm 207 TCN. Triệu Đà 3 là con của Lý Ông Trọng, Triệu Lạc Linh, người đã quang phục nước Nam Việt nhà Triệu sau năm 180 TCN.

Giản đồ thời Chu – Tần – Hiếu – Triệu

Ký sự đền linh họ Triệu

Thần tích làng Đa Vạn, Song Tháp, Đình Vỹ tổng Yên Thường, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Đình làng Đình Vỹ, nơi thờ Trọng Thủy

Ngàn thu tiết tại năm Canh Thân ngày mồng một tháng 6 (nay đã là tháng 4)

Triệu Võ Hoàng đế họ Triệu, húy Đà, chữ đệm là Úy, ở ngôi 72 năm, thọ 114 năm, quê ở huyện Chân Định, người xã Đường Thâm. Từ năm 32 tuổi Đế nhận chiếu phong của Tần Hoàng làm quan lệnh Long Xuyên, Nhâm Hiêu làm Thái thú Nam Hải. Đến khi Tần loạn, Nhâm Hiêu nói với Úy Đà rằng:

– Thiên hạ đại loạn. Duy có họ Hạng là mạnh. Nay chúng ta binh lương ít, lực khó chống lại sức mạnh của họ Hạng. Ông là quan lệnh Long Xuyên có chí lớn, xin tùy Ông khởi binh, đánh Nam Giao Ngũ Lĩnh để chống lại loạn Tần, lưu danh thiên cổ.

Đà nghe lời đó bèn nói với Nhâm Hiêu rằng:

– Hai người chúng ta là tương đắc, sao phải phân hơn kém vậy.

Bèn phát quân Nam Hải, Long Xuyên. Đế cho Nhâm Hiêu dẫn quân đến vùng sơn cước, định đoạt được vùng Trung Nam của Ngũ Lĩnh. Nhâm Hiêu nhân đó dẫn quân đánh chiếm đất phía Tây.

Đế tự dẫn quân đánh Thục, đóng quân ở núi Tiên Du của Bắc Giang, cùng giao chiến với tướng Thục. Yến Vương lấy nỏ thần ra bắn. Đế nhiều lần thua chạy, mới biết Thục Vương tất có thần giúp, bèn nói:

– Binh uy của quân ta như vậy, lẽ ra đánh tất thắng, công tất được. Như thế này ta lại không thể chống được Thục. Chắc chắn có nỏ thần, nay không thể đánh lại.

Bèn sai con trưởng húy là Toán, tên chữ là Trọng Thủy, vào làm con tin ở Thục. Dâng hiến một cặp ngọc bích trắng, 17 cuộn vải gấm, đến chầu để cầu kết hòa, hợp hôn với con gái Vương là Mị Châu. Vương đồng ý nhận. Từ đó hai nước tương hòa, không xảy ra binh đao. Khi quốc gia có việc, Vương gọi đến hỏi thì Trọng Thủy ứng đối trôi chảy, lời nói có lý. Vương rất yêu mến, nói với Toán rằng:

– Cha của con đúng là một vị chủ anh hùng, đã cùng với Trẫm kết hòa, quốc gia vô sự, ta có gì phải lo. Con đúng là hiền tế mà ta có được. Trẫm chỉ có một con gái là Mị Châu, nay gả cho con, coi con như con trai.

Toán dập đầu tạ Vương. Mị Châu cùng với Toán cá nước kết duyên, được vài tháng Châu có thai. Được 12 tháng sinh được một nam nhi, vẻ rồng mũi chim. Vương do có nỏ thiêng, nhân tên đó đặt là Linh. Khi biết nói thì tỏ ra ngoan ngoãn, yêu kính. Vương nói:

– Nay tuy còn nhỏ, sau thành nền tảng của xã tắc.

Trọng Thủy nhân đó tạ Vương mà nói:

– Tới nay tiểu tử con vào triều, ngày dài đã được hơn 4 năm. Nay được Vương ban gả cho Châu nương, lại được lâu dài cùng với đức của nước nhà. Vợ chồng thần duyên tình tương hợp, sinh được một con là Linh. Nay đã 3 tuổi. Vậy xin bái tạ ơn điển quốc gia, cho thần dẫn thê tử về thăm Cha của thần sức khỏe ra sao, để được làm tròn chữ Hiếu. Cha con ông cháu vui yến sum họp, cho đến kỳ mùa xuân sẽ cùng quay về triều. Vạn mong được hưởng sự chiếu cố của bề trên.

Vương đồng ý, lại cười nói rằng:

– Nay lúc thiên hạ đại loạn, con đi hãy quay về để giữ yên cho nước nhà.

Trả lời rằng:

– Hán Sở tương tranh, thiên hạ đại loạn. Nước nhà không dễ được bảo toàn. May là nước nhà cùng với Cha của thần đã cùng kết hòa. Hưng vong là do số trời. Vương xin đừng lo lắng nhiều.

Vương cười rằng: – Tất nhiên.

Toán tạ Vương rời triều, trở về Đông các, trần tình cùng Mị Nương, kể lại rằng:

-Chuyện nước nhà như vậy. Vương đã cho phép sau một ngày vợ chồng con cái chúng ta cùng về Bắc thăm sức khỏe của Cha. Đến mùa xuân lại cùng trở về triều. Như vậy trung hiếu đôi đường đều vẹn.

Mị Châu nói:

– Vương chỉ có mình thiếp là con gái, tình cảm ngày đêm không rời khỏi bên Vương. Nay lúc thiên hạ đại loạn, nước nhà chưa biết có được yên ổn hay không. Thiếp không nỡ rời xa Vương. Thân thiếp đã gửi cho Lang quân được gần 5 năm, tâm trí đều một lòng. Nhưng nay việc lễ với vua cha của chàng thiếp đành cam chịu bất hiếu. Nhờ Lang quân cùng với Linh về thăm sức khỏe của Đế. Sau là cho thiếp được một lạy kính cẩn bái chúc Vua cha.

Toán đồng ý, lại dụ Châu rằng:

– Ta vẫn chưa được biết nỏ thần thật sự là như thế nào.

Châu bèn đem nỏ thần đến. Trọng Thủy xem nỏ, lại dấu lẫy nỏ đi, rồi tiếp tục dụ Mị Châu:

– Nay lúc thiên hạ đại loạn, nước nhà chưa chắc đã được bảo toàn. Còn ta lại Nam Bắc cách biệt. Nhỡ chẳng may không kịp quay về, vạn nhất nước nhà xảy ra việc gì, tình cảm vợ chồng, lấy gì để làm dấu tích?

Châu nói:

– Trong nhà có một con Ngỗng. Lông ngỗng rơi ra, thiếp thường nhặt cho vào trong túi. Còn một cặp thoa vàng mà Lang quân vẫn thường thấy. Đó là những dấu tích. Vạn nhất nước nhà có xảy ra chuyện, mong phu quân theo tình vợ chồng mà không chia biệt.

Toán nghe lời quay lại nói với nàng rằng:

– Hãy cẩn thận! Cẩn thận!

Sáng ngày vào bái tạ Vương. Vương sai sứ dẫn cha con Linh về Chân Định, nói với Toán rằng:

– Đến mùa xuân cha con nhà con liệu có lại triều nữa thật không?

Toán bái tạ Vương nói:

– Xin đúng như lời vậy.

Hôm đó phụng mệnh quay về, dẫn Linh vào bái tạ Vương và Châu. Châu gặp nói với Linh rằng:

– Đến mùa xuân mẹ con lại gặp lại.

Linh đáp: – Tất nhiên.

Phút chốc cha con cùng với sứ giả trở về Chân Định, vào triều kiến Vua cha, báo cáo lại sự việc, đã lấy được lẫy nỏ.

Nhâm Hiêu nằm trên giường bệnh nói:

– Hiêu ta nay mắc bệnh chắc sẽ chết. Việc thiên hạ quyết chính thế nào, Đế hãy làm.

Đế nói:

– Không phải là ta, mà hãy để cơ hội này cho Toán.

Đến khi Hiêu mất, Đế nói với Toán rằng:

– Trước đây hơn một tuần, thường thấy có mây lành tụ hợp. Nay đã qua 4 năm con vào Thục làm con tin, được lẫy nỏ, được con trai, đắc ý trở về. Đó là trời cho khởi sự, sao không thể thành?

Triệu tiến quân đánh Thục, tới thành Ốc. Yến Vương không biết đã mất lẫy nỏ, nên cười rằng:

– Đà không sợ nỏ thần của ta sao?

Quân Triệu tới gần. Vương bắn nỏ. Lẫy nỏ bị gãy. Vương đành thua chạy qua phía Tây, vượt qua Mỹ Lương, Chương Đức, qua Thanh Hóa đến núi Lạc Xá cửa biển Biện. Vương hô rằng:

– Ta xây thành thì được giúp, nay lúc mất nước, Kim Quy hiện ở đâu?

Dứt lời thấy Kim Quy hiện trên mặt nước, hô với Vương rằng:

– Giặc ở sau lưng!

Phía sau chỉ có Mị Châu. Mị Châu theo Vương nói:

– Thiếp ngu dốt nghe theo người ngoài, nay chắc phải chết. Nếu có lòng phản trắc, chết sẽ thành cát bụi. Còn nếu không có lòng phản, chết xin thành kim ngọc.

Vương rút kiếm chém Mị Châu, rồi theo Kim Quy mà đi. Sau vài tháng Trọng Thủy, Trương Hống, Trương Hát dẫn quân đuổi tới cửa Biện, thấy thi thể Mị Châu đeo một chiếc túi, hai chiếc thoa vàng, đúng là tích vật. Trọng Thủy cầm túi mà khóc, tình vợ chồng từ nay li biệt. Rồi ôm Mị Châu trở về thành Ốc, an táng ở núi Yên Phụ. Tháng 4 vào đầu giờ Dần ngày mồng 5, lấy dao trúc mà giết Ngỗng tế Mị Nương. Do cảm động nghĩa tử thê lương, người dân Yên Phụ đắp một mộ phần phụng sự. Đến xã Nội Trà ngày 10 tháng 4 nằm mộng mà chết. Dân Nội Trà cũng đắp một mộ phần. Nhân dân phụng sự đem về thành Loa an táng thành mộ phần. Tới tháng 6 ngày 10, thấy bóng hình Mị Châu ở trên giếng, thấy Toán tâm tính mất hết mà ra đi. Toán quay đầu muốn đuổi theo ôm lấy bóng hình mà không được, rơi xuống đáy giếng mà chết.

Nhân đó gọi là giếng Ngọc. Đến khi định được thiên hạ, Đế đã 43 tuổi. Tháng 5 mùa hè Đế lên ngôi ở bến Nghĩa Lĩnh, đóng đô Trung Nam, xe mui lụa vàng, lông mao cắm trái, không kém Hán Đế. Tháng 8 mùa thu lập Trình Thị làm Hoàng hậu, Hàn Thị làm Phi nhân. Trình Hậu sinh được 3 con trai. Hàn Phi sinh được 4 con trai. Xưng là Toán, viết Đô thống Càn Ngọ Tướng lang. Toán từ khi Đế là quan lệnh Long Xuyên, lấy con gái họ Khương sinh ra Toán. Khi trưởng thành Đế sai làm con tin ở Thục, lấy Mị Châu sinh được một con trai. Thục chủ có nỏ thần, nhân đó mà đặt tên là Linh. 3 tuổi về Triệu. Đế được lẫy nỏ thất lạc của Thục nên thêm chữ đệm là Lạc, gọi Triệu Lạc Linh. Triệu được thiên hạ đều nhờ công của Toán. Thiên hạ được yên định nhưng mẹ con Khương Thị đều đã mất. Đế nhớ công của Trọng Thủy, thấy Triệu Lạc Linh tài đức vẹn toàn, xứng là người cai trị tốt. Đế rất yêu mến, gọi là Hoàng thế tôn.

Đế sinh được 8 người con trai, nước giàu quân mạnh, cùng với Hán binh đao không ngừng. Tới thời Văn Đế mới hiến ngà voi, sừng tê, hai nước kết hòa, nước nhà vô sự. Thọ 114 năm. Ở ngôi 72 năm. Khi viết xưng là Lão phu. Khởi xướng cơ nghiệp đế vương. Thực ra vị chủ anh hùng. Công cao khó vượt.

Năm Quý Tỵ tháng 11 sang năm Tân Dậu tháng 12 Đế mất, an táng Trường lăng ở Nghĩa Lĩnh. Triệu Lạc Linh hiệu Hoàng thế tôn lên ngôi, tức là Văn Đế. Đế khi mới nối ngôi nghe lời Hoàng tổ, cảm trước công của cha mình mới có được như ngày nay, đã lại truy phong tôn Hoàng tổ khảo, gia phong cho cha mình mỹ tự, hiệu là Quý Minh Đại vương. Đế giữ nước khó khăn, phải sai con trai vào Hán làm con tin. Truyền tới Minh Vương, Ai Vương, Thuật Dương Vương thì hết. Bốn đời hưởng quốc được hơn 200 năm. Nước giàu dân mạnh. Không việc binh đao. Sau này mất cơ đồ bởi do móng rồng, vận nước cáo chung.

Chim cú núi Thất Diệu và lá thư của Mẫu Bạch Kê

Người Việt ai cũng biết câu chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thành cứ xây xong lại đổ. Vua lập đàn cầu khấn thì được một Lão ông đến chỉ cách đón thần Kim Quy về giúp đỡ, trừ diệt con Gà trắng tu luyện ngàn năm thành tinh, đã tụ tập yêu quỷ trong núi phá thành. Truyện về Ma gà và Quỷ núi ở Cổ Loa là một trong những câu chuyện thần bí đáng sợ nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt. Nhưng liệu đằng sau truyền thuyết này ẩn chứa sự thực nào trong lịch sử người Việt?
Truyện Rùa Vàng của Lĩnh Nam chích quái kể: “Cái tinh khí ở núi này là con vua đời trước, muốn báo thù cho nước. Lại có con gà trắng sống lâu ngàn năm, hóa thành yêu tinh ẩn ở núi Thất Diệu. Trong núi có quỷ. Có người nhạc công triều trước chôn ở đây, hóa thành quỷ. Ở bên cạnh, có một quán trọ cho khách vãng lai, chủ quán tên là Ngộ Không, có một người con gái và một con gà trắng, vốn là dư khí của quỷ thần, phàm có khách qua đường nghỉ đêm ở quán, thì quỷ tinh lại biến hóa muôn hình vạn trạng, làm hại người chết rất nhiều. Nay giết được con gà trống trắng và con gái chủ quán ấy thì trấn áp được yêu tinh. Con tinh ấy sẽ hóa ra một lá thư của yêu, cho con chim cú mèo ngậm bay đậu lên trên cây chiên đàn, tâu cùng Thượng đế để xin phá thành”.
Tìm hiểu bản chất của đoạn truyện trên, xin đi sâu vào từng nhân vật được nói tới trong sự tích là Ma gà, Quỷ núi, Chim cú và Lão ông.

Mẫu Bạch Kê – Vua bà Ma Lôi

Trong truyện Rùa vàng, Bạch Kê tinh ẩn hình trong người con gái của quán trọ ở chân núi tại làng Ma Lôi. Nói cách khác Bạch Kê là tinh nữ và có tên là Ma Lôi. Chữ Ma thực ra là âm đọc sai của Má – Mụ – Mẫu.
Ở núi Thất Diệu nay là xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, có đền Bạch Kê thờ một vị Mẫu, tương truyền là công chúa con vua Hùng. Cổng đền có đôi câu đối:
鴻 貉 遺 風 粧 體 勢
僊 龍 餘 裔 啟 洪 基
Hồng Lạc di phong trang thể thế
Tiên Long dư duệ khải hồng cơ.

Dịch nghĩa:
Phong tục Lạc Hồng hình thể đẹp
Dòng dõi Rồng Tiên mở cơ đồ.

Nghi môn miếu Bạch Kê

Trong cấm cung của đền có bức tượng chính bằng gỗ thể hiện một vị Mẫu, xưa đội mũ hình đầu gà, gọi là Mẫu Bạch Kê. Như vậy Bạch Kê là dòng dõi Lạc Hồng, miêu duệ Rồng Tiên của vua Hùng. Điều này tương ứng với câu nói của thần Kim Quy: Cái tinh khí ở núi này là con vua đời trước. Thục An Dương Vương đã đánh dẹp triều Hùng rồi xây thành. Bạch Kê là một vị nữ, dòng dõi của nhà Hùng, hiện lên báo oán ở núi Thất Diệu, làm cho thành cứ xây lại đổ.
Ở Yên Phụ mẫu Bạch Kê được gọi là Bà chúa Núi và cũng được thờ ở đình và đền Yên Phụ trên núi Thất Diệu. Ở đình và đền Yên Phụ thờ vị đức Vua bà Ma Vương, là tên thần hiệu sùng kính mà dân gian vùng Yên Phụ thường tôn xưng. Sắc phong, mỹ từ của Vua bà được chép trong Hương ước của Tứ Yên (Yên Phụ, Yên Hậu, Yên Tân, Yên Vĩ) như sau:
“Phương Dung trinh liệt, Nhân hiếu từ thuận đoan trang, Trinh tiết u nhàn, Khoan hoà ý đức, Thuận tắc thận hạnh, Khắc cẩn ôn hoà, Gia huệ cẩn tiết, Hậu đức chí nhân, Phổ tế trinh thục, Tuy lộc diên tường, Thuần nhất huy nhu, Diên phúc long khánh, Túc nghi gia phạm, Hồng từ thục chất, Trinh thuận hiển linh, Huy gia trinh nhất Ngọc chất nương Hậu phi Phu nhân Đại vương“.
Tài liệu ở Yên Phụ cho thấy, Mẫu Bạch Kê là một vị Hậu phi họ Ma (Ma Lôi). Đối chiếu với truyền thuyết về Ma Cô Tiên trong Truyện Giếng Việt ở núi Châu Sơn thì Mẫu Bạch Kê chính là Ân Hậu, vợ của vua Ân trong cuộc chiến với Thánh Dóng. Ân Hậu cũng là tướng cầm đầu quân đội nhà Ân sang đánh nước Văn Lang, được ngọc phả Hùng Vương gọi là Thạch Linh thần tướng.
Cuộc chiến giữa Hùng và Thục ở đây như thế là nói tới sự kiện nước Văn Lang với Phù Đổng Thiên Vương chống lại giặc Ân. Khu vực núi Thất Diệu nằm ở giữa của Sóc Sơn, là căn cứ của Thánh Dóng, và Châu Sơn, là căn cứ của tướng Ân. Hẳn vùng Yên Phong này đã là chiến trường chính trong cuộc đụng độ giữa nước Thục Văn Lang và Hùng Ân Vương. Kết quả như đã biết trong Truyện Giếng Việt: “Ân Vương chết ở dưới chân núi, biến thành vua ở Địa phủ”. Người tử trận không phải là Ân Vương, mà là Ân Hậu, tức Vua bà họ Ma hay Mẫu Bạch Kê.

Mẫu Bạch Kê

Vua Chờ – Lạc Công Quý Minh

Truyện Rùa Vàng kể: Trong núi có quỷ, có người nhạc công triều trước chôn ở đây, hóa thành quỷ.
Khu vực núi Thất Diệu từng có nhiều hài cốt, nhiều đến mức nơi đó có tên là phố Sọ. Những cái tên có chữ Yên/An (Yên Phụ, Yên Phong, An Ninh) cho thấy đây là nơi an táng yên nghỉ những binh sĩ, tướng lĩnh của một thời. Vị “nhạc công” triều trước ở trong núi là ai mà lại hóa thành quỷ chống phá Thục Vương xây thành?
Nằm không xa núi Thất Diệu tại thị trấn Chờ có ngôi đền rất cổ là đền Hàm Sơn, hay còn gọi là đền Chờ Cả. Đền này thờ một vị Đại vương có tên trong quốc tự điển là Quý Minh. Người dân địa phương gọi thần là Vua Chờ. Trong đền có mộ của Quý Minh. Thần tích kể rằng Quý Minh là một trong 3 người anh em của Tản Viên Sơn Thánh. Cùng với Cao Sơn, Quý Minh đã được bà mẹ nuôi là Ma Thị Cao Sơn Thần nữ gửi cho em là Ma Lôi nuôi dưỡng. Sau này Quý Minh tham gia trận chiến chống lại quân Thục.
Có thể nhận ra, vị “nhạc công” ở trong núi chính là Quý Minh. Từ “nhạc” còn có phát âm là “Lạc”. Nhạc công tức là Lạc Công, chỉ vị thủ lĩnh đất Lạc lúc đó. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: Đền thần Quý Minh ở đỉnh núi Hàm Sơn, thuộc xã Nội Trà, huyện Yên Phong. Tương truyền thần là con của của Lạc Long Quân”. Đây chính là lý do mà Quý Minh đã được gọi là Lạc Công, rồi đọc thành “nhạc công” ở núi Thất Diệu.
Quý Minh là một trong Tam vị Tản Viên Sơn tinh nên mới được truyện Rùa Vàng kể là “quỷ trong núi”. Thần tích cũng cho thấy mối liên quan trực tiếp giữa Quý Minh Đại vương và Ma Lôi, tức mẫu Bạch Kê ở núi Thất Diệu. Quý Minh là một đại tướng của Hùng Vương chống lại Thục Vương, cũng giống như mẫu Ma Lôi Bạch Kê đã nói ở trên.
Truyện Rùa Vàng kể An Dương Vương xây thành ở đất Việt Thường. Việt Thường là tên triều đại do Lạc Long Quân khai sáng mà Quý Minh Đại vương là thủ lĩnh cuối cùng ở vùng đất Lạc. Bản thân nhà Ân Thương cũng được gọi là Việt Thường, như bài thơ đề miếu Ân Vương trong Truyện Giếng Việt:
Thắng thua một cuộc không Ân đức
Vạn thế linh thiêng trấn Việt Thường.

Cổng sau đền Hàm Sơn

Chim Cú mèo

Truyện Rùa Vàng kể sau khi An Dương Vương cùng thần Kim Quy giết con Gà trắng trong quán Ma Lôi, Vua liền sai đào núi Thất Diệu, lấy được nhiều nhạc khí cổ và xương cốt, đốt tan thành tro đem đổ xuống dòng sông. Trời gần tối, Vua và Rùa Vàng leo lên núi Việt Thường thấy quỷ tinh đã biến thành con chim cú, ngậm lá thư bay lên chiên đàn.
Việc Thục Vương đào được nhiều nhạc khí cổ ở núi Việt Thường, rồi thấy chim Cú mèo (Si – hưu) ngậm lá thư bay lên chiên đàn không ngờ lại là một hình ảnh rất thật của thời đại nhà Ân Thương cách nay hơn 3.000 năm. Trên nhiều đồ đồng tế khí của nhà Ân thường dùng hình chim Cú trong tạo hình. Một đôi bình đồng có hình chim Cú như vậy được thấy ở Việt Nam.

Chiếc bình chim Cú thời Ân Thương (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Mỗi chiếc bình có tiết diện hình trứng, chiều ngang chỗ rộng nhất 10 cm, chiều rộng chỗ rộng nhất 9cm, chiều cao cả nắp 20 cm. Mỗi một mặt bình được đúc nổi ở giữa là mặt một con chim Cú với 2 mắt tròn to, có mi mắt, mỏ nhọn. Phía trên có 2 tai to nhọn (tai mèo). Phần thân Cú có cánh và chân ở 2 bên. Xung quanh con Cú được trang trí bằng những hình rồng quỳ nhỏ.
Nắp của chiếc bình có hình 4 con rắn với đầu to, đang há miệng, lộ cả 2 chiếc răng nanh. Thân rắn ngắn, được trang trí bằng các họa tiết tạo bởi 2 hình thoi lồng vào nhau, một dạng họa tiết rất đặc trưng ở đồ đồng thời Ân Thương. Ở đỉnh nắp có núm cầm hình thang chóp nhọn.
Toàn bộ chiếc bình được trang trí nền bằng hoa văn vân lôi vuông hoặc tròn, phủ một màu đồng cổ xanh lam độc đáo và đẹp mắt. Đôi mắt Cú mèo tròn to đúc nổi ở giữa thân bình tạo một ấn tượng rất trang nghiêm. Nhìn tổng thể chiếc bình có cảm tưởng như hình một chiến binh đang đứng thẳng, rất dũng mãnh với đầy đủ mũ giáp, áo giáp, mắt to tai lớn, có nanh có mỏ.

Phần thân của chiếc bình Cú thời Ân Thương thứ hai (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Ở nghi môn miếu Bạch Kê tại Yên Phụ có đôi câu đối nói tới những đồ đồng từng được khai quật tại đây:
Thiên thu hỏa điền tiền vương trạch
Bách Việt sơn hà cố quốc ân.

Dịch nghĩa:
Hỏa điền ngàn năm lộc vua trước
Núi sông Bách Việt ơn nước xưa.

Trong đó, 2 chữ “hỏa điền” 鈥鈿 dùng bộ Kim 金, chỉ các vật dụng bằng kim loại (đồng).
Những đồ dùng hình chim Cú mèo của nhà Ân có dáng vẻ của một tướng quân hùng dũng. Rất có thể đây là những đồ “nhạc khí” hay “hỏa điền” của Quý Minh Đại vương, vị Lạc tướng của nhà Ân đã chống Thục trên miền đất Việt Thường vào thời hơn 3.000 năm trước.

Lá thư của yêu tinh

Truyện Rùa Vàng kể, Bạch Kê tinh sau khi bị giết hóa thành một lá thư. Rùa vàng liền biến thành con chuột theo sau, cắn vào chân Cú, lá thư rơi xuống đất. Vua vội nhặt lấy, lá thư đã bị mọt ăn quá nửa.
Điều hết sức bất ngờ là dưới chân chim Cú trên đôi bình thời Thương lại cũng có một “lá thư”. Đó là những chữ tượng hình cổ được khắc lớn và sâu. Dưới đáy mỗi bình có 10 chữ dạng Kim văn, loại chữ của thời Ân Thương dùng trên đồ đồng. Đây chính là lá thư mà chim Cú đã ngậm khi bay lên chiên đàn ở Cổ Loa.
Những chiếc bình đồng hình chim Cú cho phép hiểu ý nghĩa câu kể: khi chim Cú bị cắn rơi lá thư, lá thư đã bị “mọt ăn” (đổ thực) mất quá nửa. Ý nói là mảnh đáy bình có khắc chữ đã bị rỉ mất phân nửa, nên có nhiều chữ không đọc được.

Kim văn trên đáy bình Cú thứ nhất (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Những chữ Kim văn trên đáy một chiếc bình Cú có thể đọc được như sau:
亡宗兵西士宫追? 民?
Vong tông binh Tây sĩ cung truy ? dân ?
Cho dù không đọc được hết những dòng chữ này nhưng rõ ràng là nội dung viết về hành động của quan (sĩ) binh. Như thế có thể liên hệ chiếc bình này với Quý Minh đại vương, thủ lĩnh cầm quân vùng đất Lạc chống lại Thục Vương.
Lá thư thứ hai dưới đáy chiếc bình Cú có các chữ:
女行享金至王?毛? ?
Nữ hành hưởng kim chí vương ? mao ?  ?

Kim văn trên đáy chiếc bình Cú thứ hai (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Trong đó chữ đầu tiên là chữ Nữ 女, chỉ phụ nữ. Còn có chữ Vương 王 ở dạng tượng hình sớm (nét ngang dưới cùng được cách điệu). Đặc biệt “lá thư” này có chữ Mao 毛 chỉ lông của động vật và một chữ không đọc được nhưng rất đẹp, có tượng hình đầu chim. Có thể nói “lá thư” này do một Vương nữ (Hậu phi) dưới hình một loài chim biến thành cũng không phải là so sánh vô lý.
Hình tượng chim là tín ngưỡng thờ vật tổ của nhà Thương, bắt nguồn từ sự tích bà Giản Địch nuốt trứng chim Huyền điểu mà sinh ra Tử Tiết, là ông tổ của nhà Thương. Kinh Thi có câu: “Thiên mệnh Huyền Điểu, giáng nhi sinh Thương“, nghĩa là: Trời cho chim đen giáng hạ thành Thương. Huyền điểu không phải là con chim màu đen mà là con chim tượng trưng cho phương Bắc nay. Huyền điểu theo một số tác giả cũng có thể chính là chim Cú, loài chim hoạt động trong bóng tối.
Những nghiên cứu trước đây như của GS. Trần Quốc Vượng cho rằng Truyện Rùa Vàng nói tới sự xung đột giữa bộ tộc Núi thờ Chim và bộ tộc Nước thờ Rùa của người Việt. Nhưng thật bất ngờ khi biết rằng “bộ tộc thờ Gà trắng” trong truyền thuyết ấy là nhà Thương Ân. Và như thế, “bộ tộc thờ Rùa vàng” của Thục An Dương Vương phải là nhà Chu, triều đại đã lật đổ nhà Ân mà lên ngôi thiên tử của thiên hạ.

Huyền Thiên Lão Tử

Còn một nhân vật nữa trong sự tích Sát quỷ ở thành Côn Lôn (cách gọi thành Cổ Loa thời nhà Đường) là vị Lão ông đã cử thần Kim Quy đến giúp An Dương Vương. Vị Lão ông này không phải ai khác mà chính là Lão Tử, người được thờ ở làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), cách núi Thất Diệu không xa.
Bia “Cung sao sự tích thánh” ở đình Thổ Hà cho biết, vị thần ở đây thờ có họ là Lý, tên là Lão Đam, tên chữ Lý Bá Dương, lại có tên là Thái Thượng. Thời An Dương Vương, Vua xây thành có những u hồn và tà ma quấy nhiễu. Vua lo lắm, liền xa giá đến Thổ Hà trang cầu đảo. Chợt có thần nhân hiện lên bảo Vua rằng: xin Vua cứ hồi kinh, không lo ngại gì. Rồi ngay hôm đó Người sai Thanh giang sứ, hiệu là Thần Quy, đến giúp trừ phép quỷ, giết Bạch Kê. Lại đào trong núi Thất Diệu được nhạc khí thời cổ cùng hài cốt, đem đốt đi. Từ đó yêu ma tan hết.

Bia Cung sao thánh tích ở đình Thổ Hà

Như vậy, Lão ông trong Truyện Rùa Vàng chính là Lão Tử hay Thái Thượng Lão quân, sau được truyền thuyết hóa thành Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần bảo hộ của thành Cổ Loa. Tiểu sử của Lão Tử được ghi trong bài Lão Tử minh như sau: Lão Tử là quan coi thư viện nhà Chu. Thời U Vương, vùng Tam Xuyên bị động đất. Lão Tử dựa vào những biến động của nhị khí âm dương về thời Hạ, Thương, để cảnh cáo nhà vua.
Đoạn trích “nhị khí âm dương về thời Hạ, Thương” đã ghi rất đúng câu chuyện ở núi Thất Diệu. “Âm khí thời Thương” là Mẫu Bạch Kê hay Ân Hậu Ma Lôi. Còn “Dương khí thời Hạ” là Lạc tướng Quý Minh, vốn gốc là dòng dõi nhà Hạ từ Lạc Long Quân.
Để hiểu được dòng chảy lịch sử Việt trong câu chuyện này có thể điểm lại những sự kiện thời Tam đại Hạ Thương Chu trên đất Việt. Sơ khai Nam Việt hữu Kinh Dương Vương, Hoa sử ghi là ông Đại Vũ. Khi Kinh Dương Vương mất, quyền hành định giao lại cho Đế Lai, là dòng dõi từ Viêm Đế – Đế Nghi. Thế nhưng, con của Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân đã làm cuộc đảo chính đuổi Đế Lai, giành lấy quyền hành (chiếm nàng Âu Cơ). Đế Lai được Hoa sử gọi là ông Bá Ích, đã phải bỏ vùng đất Lạc mà đi về phía Tây, gây dựng đất Âu.

Sơ đồ Tam đại Hạ Thương Chu ở đất Việt

Lạc Long Quân được Hoa sử gọi là Hạ Khải, bắt đầu nhà Hạ với chế độ cha truyền con nối. Dòng Lạc Long Quân phát triển mở mang đất đai về phía Đông, truyền tới Hạ Kiệt vô đạo, bị Thành Thang, thủ lĩnh bộ tộc phương Bắc nay (với biểu tượng là chim “Huyền điểu”) lật đổ. Thành Thang dựng nên nhà Thương.
Nhà Thương là chế độ phụ đạo chiếm hữu nô lệ nên các vua Thương được gọi là Phụ (cha), các hậu phi được gọi là Ma/ Mẫu/ Phụ (mẹ). Giai đoạn cuối của nhà Thương gọi là nhà Ân. Vị vua cuối cùng của dòng theo cha Lạc Long này được gọi là Hùng Duệ Vương, hay Ân Trụ Vương.
Dòng Đế Lai đi về phía Tây lập nên vùng đất Âu. Tới thời Ân dòng này trở thành một trong những chư hầu lớn nhất miền Tây khi đó, là Tây Bá Hầu Cơ Xương. Sử Việt gọi là Thục Vương hay Âu Cơ. Trụ Vương thất đức, thiên hạ oán hận. Thục hầu Cơ Xương dưỡng đức trước thiên hạ, theo thiên mệnh mà khởi binh chống Ân. Nhưng đầu tiên ông tiến đánh nước ở phía Bắc xưa (phía Nam nay) của Bắc Bá Hầu Sùng Hầu Hổ. Sùng Hầu Hổ là thủ lĩnh vùng đất Sùng hay đất Lạc, vùng đất tổ của Kinh Dương Vương xưa. Các anh em họ Sùng lúc này được gọi là các Lạc tướng (Lạc công) mà Quý Minh là một trong số đó. Đây là điều giải thích vì sao Quý Minh lại là dòng dõi của nhà Hạ (do Hạ Khải – Lạc Long Quân khởi dựng).
Họ Sùng của các Lạc tướng Cao Sơn, Quý Minh thất bại. Cơ Xương dời đô về Phong Châu, lập nên nước Văn Lang, lấy theo tên hiệu của Cơ Xương là Văn Vương. Hiền Vương Cơ Xương mất ở đất Hiền Lương, nơi Âu Cơ đã hóa tại vùng Hạ Hòa, Phú Thọ ngày nay. Con trai của Cơ Xương là Cơ Phát lên nắm quyền. Trụ Vương bị mất đất Lạc (Sùng) bèn cử đại tướng, cũng là vợ của mình, là Ân Hậu Ma Lôi dẫn quân tấn công nước Văn Lang. Quân Ân đóng ở vùng núi Châu Sơn bên Lục Đầu giang.
Thục Phán Cơ Phát cùng Lã Vọng Thánh Dóng lập căn cứ ở Sóc Sơn, giao chiến với Ma Bà ở vùng Vũ Ninh (Bắc Ninh), cuối cùng toàn thắng. Vùng Vũ Ninh mà Yên Phong là đất chính, là chiến trường ác liệt xưa của cuộc chiến này. Lạc tướng Quý Minh chống Thục mất ở đây. Ân Hậu hóa thành Mẫu Bạch Kê, ẩn mình trong vùng đất Vũ Ninh.
Thục Phán lên ngôi thiên tử, lập ra nước Âu Lạc, là sự kết hợp của 2 vùng đất Âu và Lạc trước đây. Chu Võ Vương dời đô về Cảo Kinh ở Vân Nam, bắt đầu thời kỳ Tây Chu. Nhà Tây Chu trải mấy đời tới Chu U Vương vô đạo, bị Khuyển Nhung tấn công Cảo kinh, buộc phải dời đô về lại vùng đất Lạc (Dương) ở phía Đông. Khi xây thành ở vùng đất Tam Xuyên (Tam Giang) này gặp những trận động đất lớn. Lão Tử khi đó đang là “thủ thư” và là quốc sư của nhà Chu đã nhân đó bày chuyện tế trời, lấy tấm gương của hai nhà Hạ và Thương để khuyên răn vua Chu.

Ban thờ miếu Bạch Kê trên núi Thất Diệu với đôi bình chim Cú thời Ân

“Chiên đàn” 旃壇 theo đúng nghĩa là đàn tế có cắm cờ. Huyền Thiên Lão Tử đã đăng đàn ở núi Thất Diệu, nơi chiến trường xưa của 2 dòng Đông (Hạ Thương) và Tây (Chu Thục) khi Văn Vương và Vũ Vương dựng nghiệp nhà Chu. Mẫu Bạch Kê Ma Lôi và Lạc Công Quý Minh được tái xuất trên đàn tế qua những đồ tế khí đồng thau cổ của thời Ân Thương như những chiếc bình hình chim Cú mèo và những dòng chữ Kim văn khắc sâu dưới chân chim. “Lá thư” của Mẫu Bạch Kê được chim Cú ngậm dâng tấu trên chiên đàn là lời nhắc nhở đấng quân vương không được thất đức, bỏ dân, coi thường các nước chư hầu anh em của Bách Việt mà đánh mất mệnh trời. Nếu không sẽ mất nước và phải chịu hậu quả thảm khốc với sự giày vò của Ma Quỷ. Ma Gà là Mẫu Địa phủ. Còn Quỷ Núi là Sơn tinh Quý Minh. Thần thánh luôn ở trên hai vai. Lời nhắc của Lão Tử đã ghi vào Đạo Đức kinh, gửi trong chiếc móng của thần Kim Quy để làm phép cai quản đất nước ngàn năm.