Thần tích thôn Mễ Đậu, xã Mỹ Xá, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Ngọc phả xưa ghi lại sự tích một vị Đại vương Nam Giao học tổ thời Hán Chiêu Đế

Chi Cấn, Bộ Thượng đẳng. Chính bản lưu của Bộ Lễ triều ta.

(Bản dịch từ cuốn Thần tích tỉnh Hưng Yên, tập 3 của Bảo tàng Hưng Yên và Viện nghiên cứu Hán Nôm).

Xưa Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ, trời Nam lên ngôi báu, kế nối nghiệp lớn hơn hai ngàn năm. Các ngài xây dựng đất nước núi xanh vạn dặm sáng nền móng kinh thành cung điện, nước biếc một dòng mở ra đạo trị nước của các bậc vua hiền, khơi vật cứu người, thống nhất 15 bộ, là Tổ của Bách Việt vậy.

Sơ khai Nam Việt tự Kinh Dương
Nhất thống sơn hà thập bát vương
Thập bát thế truyền thiên cổ tại
Ức niên hương hỏa, ức niên phương.

Tạm dịch:

Nước Việt mở đầu từ Kinh Dương
Thống nhất non sông mười tám vua
Mười tám đời truyền lưu thiên cổ
Ngàn năm hương hỏa, ngàn năm thơm.

Bấy giờ cơ nghiệp họ Hùng suy yếu, ý trời đã định đến hồi cáo chung. Tới thời Đông Hán, các vua đều ngự ở trong triều. Nghe nói ở trong vùng đất Long Biên nước ta có một ông họ Đặng tên húy là Tứ, người huyện Quảng Tín, quận Thương Ngô. Tổ tiên đời trước nhận phong, đời đời thừa phúc ấm mà lấy một người trong quận tên Tạ Thị Cẩn, truyền đời thi thư lễ nhạc, một nhà trâm anh, quả là môn đăng hộ đối. Ông họ Đặng từ nhỏ đã tinh thông y thuật, lại có lòng làm việc thiện, thường hay phát chẩn cứu tế. Ông năm nay đã gần 50 tuổi, bà họ Tạ cũng đã hơn 40 tuổi mà chưa có điềm lành con cái.

Sau bà họ Tạ mơ thấy xà tinh nhập mà có mang. Ngày 8 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ sinh hạ một người con trai, trời sinh thông minh, hình dáng khác người, bèn đặt tên là Tiếp. Ba tuổi đã thông hiểu lễ nghĩa thông thường, lại có lòng kính trên nhường dưới, không học mà biết được âm luật. Bảy tuổi bắt đầu học hành, các sách xem qua một lần là nhớ, không cần phải ghi lại. Năm 13 tuổi biết hết các sách của muôn nhà, lại biết võ nghệ. Các sĩ tử đương thời đều thán phục, khen là thần đồng. Năm 18 tuổi cha mẹ đều qua đời. Ông Tiếp bèn chọn ngày lành làm lễ an táng ở gia đường, hương hỏa thờ phụng theo nghi lễ ba năm. Sau khi chịu tang xong bèn có lòng dạy dỗ muôn dân. Nghe Giao Châu còn chưa được cương thường, đạo nghĩa soi sáng, ông bèn tìm đến để giúp dân hiểu lễ nghĩa. Các vùng đất phương Nam nhờ công lao của ông mà được mở mang. Người dân ở đây suy tôn ông là Châu trưởng.

Bấy giờ Hán Chiêu Đế sai Chu Chương là Thái thú Giao Châu. Chương nghe ông giáo hóa phục nhân, bèn tâu với vua. Vua rất mừng, phong cho ông là Liệt Hầu công. Ông nhận mệnh đi du ngoạn khắp huyện ấp xem dân tình sống ra sao. Một ngày ông đến trại Lũng Triền, trang Thanh Tương, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc (xưa gọi là quận Vũ Ninh), thấy dân chúng chưa được học hành nhiều. Lại thấy một cuộc đất non nước hữu tình, rồng hổ ôm ấp mà giếng nước rất thuận tiện. Nghĩ đây là vùng đất thắng cảnh. Ông lập tức truyền cho binh sĩ cùng người dân đắp thành ở vùng đất này (gọi là thành Luy Lâu), dựng trường học dạy chữ viết. Bấy giờ truyền một liễn đối rằng:

Học y Luy Lâu tầm tiên tích
Danh thượng hòa phong đính Phật kinh.

Tạm dịch:

Học theo Luy Lâu tìm dấu tiên
Danh hướng Hòa Phong chữa kinh Phật.

Trải qua được một năm, người dân rất ái mộ. Bấy giờ có người đứng đầu của 7 quận là Hữu Trị, Nhai Châu, Đam Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngu, Mê Linh làm loạn làm hại người dân. Vua nghe vậy hỏi đình thần trù tính mưu lược. Bấy giờ Thái thú châu ta là Sầm Bành tiến cử ông đức lớn phục nhân, ắt có thể dẹp yên được. Vua đồng ý ban cho ông là Thái thú Giao Châu, sai đi bình giặc. Sau đó ông nhận mệnh tuyển được người dân, gia thần, sĩ tử hơn 500 người. Đưa hịch đi khắp các quận huyện tới giúp đến bài nghìn người. Ông cho quân chia đồn đóng tại quận Cửu Châu ra lệnh chỉ cố thủ mà không được ra khiêu chiến. Cho sử giả đưa hịch đến chỉ cho biết những điều tín nghĩa, lại nói rõ họa phúc. Giặc nghe hiểu ra liền cởi giáp quy hàng. Nhờ thế 7 quận được yên ổn. Việc xong, ông liền quay về châu phủ (tức vùng đất Long Biên). Từ đó ông là Thái thú hình phạt nghiêm minh. Nhân dân đều yên ổn làm ăn. Sau ông lại quay về trại Lũng Triền, ban ơn cho người dân ở vùng này. Mọi người cảm tạ và xin được dựng trường học, lập một ban để ngày sau thờ phụng. Ông bèn đồng ý, ban cho 15 hốt vàng để ngày sau tu sửa đền thờ, mua ruộng ao lấy hoa màu để lo việc cúng tế.

Một ngày, ông quay về châu phủ sai gia thần chuẩn bị lễ vật cống cho vua Hán. Bấy giờ ông đã 70 tuổi, đang ngồi trong phủ đường ở kinh thành Thăng Long, chợt thấy một luồng sáng đỏ, mây lành vần vũ bốn phía. Có một áng mây lớn từ trên trời giáng xuống phủ đường. Ông chợt thấy thân thể nhẹ bỗng mà bay ra khỏi phủ đường đến địa phận trang Tam Nha thì không thấy đâu nữa (lúc ấy là ngày mùng 1 tháng 8). Một lát sai khí lành mới tan, trời đất tạnh ráo. Đám côn trùng ùn lên thành một ngôi mộ lớn. Người dân đều rất kinh hãi, bèn làm biểu dâng tấu lên vua Hán. Vua nghe vậy sai sứ ban sắc phong là Thượng đẳng thần. Đọc tế văn, dựng miếu thờ ở đây cùng đất nước chung hưởng sự yên ổn vĩnh hằng.

Kính cẩn thay!

Phong là Sĩ Tiếp Tế thế Hộ quốc Đại vương. Các màu vàng, đỏ khi làm lễ đều cấm. Lại chuẩn cho trại Lũng Triền, trang Thanh Tương dựng đền thờ đề chữ rằng: Nam Giao Học Tổ từ (nghĩa: Đền Nam Giao Học Tổ) để phụng thờ. Đến đời Bình Đế nghe tên tuổi, sự tích ở Hán có công bèn sai sứ ban sắc phong cho vị là Khải mưu Tá tích Quang hoa Mạc thắng Đại vương.

Đến niên hiệu Thái Bình vua Tống sai Hầu Nhân Bảo đem 20 vạn binh chia hai đường thủy bộ cùng tiến, xâm phạm nước Nam. Bấy giờ Lê Đại Hành sai 10 vạn tinh binh cự chiến, tiến đến huyện Siệu Loại cho binh chia đường đến. Vua bèn đóng quân ở trại Lũng Triền, trang Thanh Tương. Đêm hôm ấy vào trong đền thờ cầu khấn thần âm phù giúp vua đánh giặc, bình giặc xong sẽ ban sắc gia phong Thượng đẳng. Vua thấy chữ đề: Nam Giao Học Tổ từ, vua bèn cho gọi các vị phụ lão trong thôn đến hỏi cho rõ. Mọi người tâu rõ sự việc quả là trong trại có thờ phụng thần hiệu như vậy. Ngày hôm sau vua đem binh đánh giặc Tống là Hầu Nhân Bảo thu được đại thắng, bắt được đại tướng, khải hoàn về kinh thành. Các tướng sĩ đều tâu rằng:

  • Giặc Tống sớm bình được đều nhờ công thần ngầm giúp

Bèn gia phong cho trăm thần.

Phong cho một vị Thiện tiếp Tế thế Hộ quốc Khang dân Phù vận Dương vũ Dực thánh Bảo cảnh Hiển ứng Hậu đức Chí nhân Phu cảm Hiển ứng Triệu mưu Tá tích Thiện văn Bác tế Phổ thi Từ ý Hậu ân Hoằng mô Viễn lược Cương nghị Đốc thực Thùy hưu Quả đoán Hùng nghị Phúc diễn Thông minh Duệ trí Hùng lược Dũng quyết Anh uy Linh cảm Diệu thông Hùng kiệt Đại vương.

Lại nói, từ đó về sau đều hiển hiện sự linh ứng, cho nên các đời đê vương đều có gia phong mỹ tự cho Đại vương. Đến đời Trần Thái Tông có giặc Nguyên sang xâm phạm, kinh thành bị bao vậy. Trần Quốc Tuấn vâng mệnh cầu khấn trăm thần ở các đền thờ. Đại vương lại hiển ứng ngầm giúp bình được giặc Mã Nhi. Thái Tôn ban phong cho Đại vương là Linh ứng Anh triết Hiển hựu Trợ thuận.

Đến thời Lê Thái Tổ khởi nghĩa bình giặc Minh, chém được Liễu Thăng, thiên hạ thái bình. Thái Tổ bèn gia phong mỹ tự cho Đại vương là Phổ tế Cương nghị Anh linh. Sắc chỉ ban cho trại Lũng Triền, trang Thanh Miếu tu sửa miếu điện để thờ phụng.

Vâng mệnh khai ngày sinh, ngày hóa, các lễ tịch cùng tên húy tự. Bốn chữ Tứ, Cẩn, Sĩ, Tiếp cấm khi làm lễ. Lại chuẩn cho trại Lũng Triền trang Thanh Tương thờ phụng.

Ngày thần sinh: ngày mùng 8 tháng Giêng. Chính lệ lễ dùng trên có một bàn chay dưới có lợn đen, xôi, rượu, bánh chưng, bánh giầy, có ca hát.

Ngày thần hóa: ngày mùng 1 tháng 8. Chính lệ lễ dùng trên có một bàn chay, dưới có lợn đen, xôi, rượu, bánh chưng, bánh giầy, cấm không được ca hát.

Vào các ngày lệ như tế xuân, tế thu, kỳ phúc ngày 15 tháng 8. Chính lệ lễ dùng tùy theo năm.

Ngày tốt tháng Giêng niên hiệu Hồng Phúc năm đầu (1572) Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, thần, Nguyễn Bính vâng mệnh soạn.

Ngày tốt tháng 8 Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ 6 (1740) Nội các bộ Lại tuân theo bản chính vâng mệnh viết.

Ngày 15 tháng 2 năm Duy Tân thứ 10 (1916) các vị kỳ lý trong thôn chép lại theo bản chính.

Thần tích thần sắc làng Áng Phao, tổng Thủy Cam, phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông

Phụng sao tích thánh

Bản phả chép về một vị Đại vương công thần triều Hán Chiêu Đế và hai vị Đại vương âm phù

Xưa nguyên Thánh tổ Hùng Vương mở vận lịch đồ hơn hai ngàn năm. Hùng Vương lập nước núi xanh vạn dăm, dựng nền cung điện đô thành, nước xanh một dải, khởi đầu đạo các đế thánh vua sáng, độ vật giúp người, thống trị 15 bộ, gọi là khởi tổ của Bách Việt.

Hùng đồ 18 đời truyền nối khi vận mạt, ý lớn kết thúc, trải qua các triều đại tới thời nhà Tây Hán, ở đất Long Biên có một người gốc Quảng Tín Thương Ngô. Ông họ Dương, có tổ tiên được phong ơn lộc, lấy người địa phương làm vợ là Tạ Thị, húy Cẩn, cũng là một gia đình có truyền thống thi lễ trâm anh, môn đăng hộ đối. Ông tinh thông y thuật, hay hành thiện giúp người. Cả hai vợ chồng đều làm việc thiện, cứu người. Ông tuổi đã 50 còn Tạ Thị ngoài bốn mươi mà chưa có con trai.

Một tối Tạ Thị nằm mơ thấy một tinh rắn nhập vào. Từ đó thấy trong người có mang. (Ngày 8 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ) sinh được một con trai, tư chất lạ thường. Vợ chồng ông rất yêu quý. Nuôi nấng được 3 năm, tính cách hình dạng đã nên. Ông mới đặt tên là Cư Sĩ, để có thể biết lễ nghĩa, biết kính nhường, biết học văn, nghe hiểu âm nhạc. Bảy tuổi đi học, sách vở đọc một lần là nhớ, lại thông kinh sử, biết võ nghệ. Các học trò đương thời đều rất thán phục, cùng gọi là Thánh đồng.

18 tuổi, cha mẹ đều mất. Sĩ Công tìm đất tốt làm lễ an táng. Ba năm chịu tang, hương lửa trong nhà phụng thờ theo nghi lễ. Ông lại có tâm khuyến khích sự học, dạy giỗ người dân. Thấy sự giáo hóa ở Giao Châu chưa được mạnh đủ, Ông dần dần khuyên dụ lễ nghĩa trong dân. Phong tục tốt đẹp của Nam Châu là công của Ông vậy. Nhân dân đều kính mộ, tôn Ông là Châu trưởng.

Khi Hán Chiêu Đế sai Chu Chương làm Thái thú Giao Châu, nghe nói Sĩ Công giáo hóa phục dân đã dâng biểu tấu. Vua bèn phong cho Ông là Liệt hầu. Ông nhận tước phong, theo mệnh Vua đi các huyện ấp, xem xét phong tục nhân dân.

Một ngày Sĩ Công đến trại Áng Phao, huyệnThanh Oai, phủ Phụng Thiên, thấy phong tục nhân dân còn lạc hậu, việc học còn yếu. Ông bèn xem xét vùng đất này, thấy một địa thế có thế cục sông núi cùng chầu, rồng bao xung quanh, cũng là một nơi phong quang thắng cảnh. Ông liền truyền cho quân sĩ cùng nhân dân lập một học đường ở trại Áng Phao để dạy dân văn tự. Được một năm, nhân dân kính mộ, trở thành một làng có lễ nghĩa.

Khi đó các tù trường 7 quận Chu Nhai, Đam Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngung, Lộc Lãnh làm loạn, xáo động nhân dân. Do đó Vua nghe vậy hỏi vấn các đình thần để định kế sách. Vua mới phong Sĩ Công làm Thái thú ở châu. Vua cử Công có đức cao phục người, tất có khả năng yên định, có thể dẹp giặc. Một ngày Ông về học đường ở trại Áng Phao, truyền quân sĩ cùng với người trong trang mổ trâu làm lễ tế cáo trời đất, cầu đảo núi sông trăm thần đến hưởng. Sĩ tử các trang, nhân dân nơi nơi đều tin phục. Tối đó, Ông nằm trong học đường, tới đầu canh 4, thấy mông lung vào mộng,

Thấy hai người nam, quần áo chỉnh tề, hình dáng cao lớn, tay cầm kiếm, theo đường trên mà tới, tự xưng chúng tôi là dòng dõi nhà họ Hùng, tên một người là Tri Huyễn, người thứ hai là Đông Tẩy. Thấy Ông có đức lớn dạy dân chữ viết, lễ nghĩa có oai. Nay Ông vâng mệnh Hoàng đế cử Ông đi dẹp giặc. Ông lại về học đường bái yết trời đất trăm thần, lòng Trời cảm động, đã sai anh em chúng tôi linh thiêng phụng mệnh Thiên đình, chúng tôi hiện đến, tự nguyện kết làm anh em, âm phù trợ giúp. Dẹp được giặc dữ. Ngày sau xin được cùng phối phụng thờ.

Thần nhân dứt lời thì bay lên không mà biến (thần mộng ngày 10 tháng 3). Sau khoảnh khắc Ông tỉnh lại, biết có 2 vị linh thần âm phù trợ giúp. Rạng ngày Ông làm lễ bái tạ. Phụ lão ở trại tâu rằng:

– Từ khi Ông làm ở học đường dạy dân mà được yên ổn, lấy đức phục người. Trang này xin được báo đáp. Nhân nay thỉnh lấy chỗ đang là học đường, sau là nơi thờ cúng.

Ông đồng ý, và nói:

– Trại của các ngươi đã có lòng sâu với ta, sẽ trọng mệnh của ta muôn năm sau ở trại này.

Tối qua ta nằm mộng thấy 2 vị linh thần âm phù trợ giúp, tự xưng tên một người là Tri Huyễn, một người là Đông Tẩy, giúp ta dẹp giặc. Ta cho các ngươi 10 hốt vàng để ngày sau dùng cho việc thờ phụng. Cũng cung thỉnh cả 2 vị linh thần tên như vậy cùng phối thờ.

Ông tuyển lấy ở trại các sĩ tử cùng các đệ tử cường tráng trong trang, được 300 người, lấy làm gia thần theo Ông dẹp giặc.

Rạng ngày thấy sứ thần mang chiếu thư đến triệu Ông đem binh về kinh. Vua mới ủy quyền cho Ông truyền hịch đi các phủ huyện để nhân dân giúp lương gạo. Trong ngày đó Thái thú Sĩ Công xuất 2 vạn binh đến thẳng quận Cửu Chân. Ông truyền cho tướng sĩ phân các nơi giữ yên thế thủ, không được khiêu chiến.

Một này Ông soạn văn rồi sai mang chiếu dụ về việc tín nghĩa và họa phúc. Giặc đều xem văn mà sợ, đều bỏ giáp lại hàng. Từ đó quận được yên. Vua triệu Ông khải hoàn trở về, mở tiệc lớn chiêu đãi, phong cấp cho các tướng sĩ có công. Sĩ Công tâu rằng:

– Bảy quận được dẹp yên là nhờ có thần âm phù trợ giúp.

Vua nghe được việc này là đang chờ được phong hậu. Vua liền phong cho Sĩ Công làm Thái thú ở nhậm sở tại huyện Thanh Oai, phủ Phụng Thiên, đạo Sơn Nam Thượng (sau đổi sang thành Thăng Long).

Một ngày trời mùa đông, Ông đang ngồi ở phủ đường bỗng thấy trời đất hiện một đám mây vàng lớn, như hình một dải lụa đỏ, từ trên trời mà giáng hạ vào trong doanh trại. Bỗng thấy Ông thân theo mây mà bay đi. Cho tới khi trên lầu không nhìn không thấy nữa tức là Ông đã hóa (vào ngày 10 tháng 11). Nhân dân và quân sĩ đều kinh sợ hành lễ, tấu lên triều đình. Hán Đế sai sứ đến sắc phong cùng với dụ chỉ tế văn đến nơi. Sắc phong tên gốc thần hiệu cùng với thần hiệu của 2 vị âm phù, sai sứ sắc phong thần hiệu cho ba vị:

Phong Cư Sĩ Hiển ứng Đại vương. Tặng phong Phúc nhân Tế thế Hộ quốc Khang dân Thượng đẳng phúc thần.

Phong Tri Huyễn Linh quang Đại vương.

Phong Đông Tẩy Linh ứng Đại vương

Tặng phong hai vị Linh thông Bảo khao Hiển hữu Trợ thắng Đại vương.

Từ đó về sau đều có nhiều sự linh ứng, cũng có nhiều đời đế vương gia phong thê mỹ tự

Cho trại Áng Phao cùng các sĩ tử ở trong các khu trang phụng thờ lâu dài. Tốt thay!

Đến hoàng triều Cảnh Hưng năm thứ 44 ngày 16 tháng 7 sắc phong.

Hoàng triều Cảnh Thịnh năm thứ 2, ngày 26 tháng 1 sắc phong.

Hoàng triều Đồng Khánh năm thứ 2, ngày 1 tháng 7 sắc phong.

Hoàng triều Tự Đức năm thứ 33, ngày 24 tháng 1 sắc phong.

Hoàng triều Duy Tân năm thứ 3, ngày 11 tháng 8 sắc phong.

Hoàng triều Khải Định năm thứ 9, ngày 15 tháng 7 sắc phong.

Phụng sao tích thánh y như bản cũ.

Chính hương hội xã Áng Phao Nguyễn Thư Thành

Xã trưởng Nguyễn Thư Thiện

Bạch Mã – Long Đỗ – Sĩ Nhiếp

Thần Bạch Mã được xếp là vị thần trấn Đông của kinh thành Thăng Long. Sự tích về thần tóm tắt như sau: Xưa Cao Biền sang nước ta xây thành Đại La, thần hiện lên xem, Cao Biền cho là yêu quái nên dùng bùa trấn áp. Thần bèn hiển ứng phá tan bùa yểm. Biền sợ phải quay về Bắc. Sau này Lý Thái tổ dựng đô, thần lại hiển linh chúc mừng, được phong làm Thăng Long Thành hoàng Đại vương. Thời Trần ba lần hoả hoạn mà không cháy đến đền.
Câu đối ở đền Bạch Mã Hà Nội:
馬駕自天來扶李抑高靈蹟古
龍編傳地勝襟蘇帶珥正祠尊
Mã giá tự thiên lai, phù Lý ức Cao linh tích cổ
Long Biên truyền địa thắng, khâm Tô đái Nhĩ chính từ tôn.
Dịch:
Giá ngựa từ trời qua, ngăn Cao giúp Lý dấu thiêng cũ
Long Biên truyền đất tốt, dải Nhĩ vạt Tô tôn chính đền.

Den Bach Ma.jpg
Đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm, Hà Nội.

Tuy nhiên, Bạch Mã là vị thần nào thì hiện không thấy ai giải đáp. Cũng do không xác định được Bạch Mã là ai mà xưa đã từng có lúc đền Bạch Mã ở Thăng Long bị nhận thành nơi thờ tướng Hán Phục Ba là Mã Viện. Sự việc này được Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập bác bỏ như sau:
Đến mùa thu năm Giáp Ngọ, vô tình tôi được kiểm tra sách vở cũ, đọc được Việt điện u linh tập, trong đó ghi chép việc thờ phúc thần ở Việt Nam, mà thần ở chợ phía Đông của Đông Đô là Quảng Lợi vương, xưa hiển linh ở thời Cao Biền nhà Đường và khoảng triều Lý Thái tông. Về sau cứ đến dịp lễ đón xuân, tế trâu cầu phúc, đều tế ở đó. Hỏi thăm người già, thì nói: “Thần trong lúc xây thành, có công giúp dân giúp nước, hiện rõ ràng là con ngựa trắng, anh linh rực rỡ, chẳng gì hơn được! Rồi đặt tượng Mã Nhiếp ở đó, cho nên nay nhiều cầm thú đi qua đền đều chết ngay tức thì. Vì vậy phong làm Bạch Mã Đại vương là như vậy.” Mà khách phương Bắc đi buôn bán ở phương Nam cho lời nói bậy là thực, vơ đất xây tường, tôn sùng và khen thưởng. Lại ngộ nhận hai chữ Bạch Mã, là tướng quân Mã Phục Ba người Đông Hán đi bình đất Giao Châu…
Đoạn sách trên cho thông tin rất quan trọng:
– Thần Bạch Mã có thể là một tướng thời Hán sang nước ta.
– Thần từng được gọi Mã Nhiếp.
Tướng thời Hán mang tên “Nhiếp” thì không phải là Mã Viện. Người làm chủ vùng Giao Châu thời Hán có tên này phải là Sĩ Nhiếp.
Về thần Tô Lịch, cũng là vị Đô thành hoàng của Thăng Long như thần Bạch Mã, các truyện trong Việt điện u linhLĩnh Nam chích quái cho biết: thần họ Tô, tên Lịch, ở đất Long Đỗ, nhà không giàu có lắm, nổi tiếng là người có hiếu, thời Tấn từng được đề cử là người hiếu hạnh, vì thế mà lấy tên Tô Lịch làm tên làng.
Như thế khả năng vị thần này ở vào trước thời Tấn, tức là thời Tam Quốc, tại vùng đất Long Biên (Long Độ). Sĩ Nhiếp cũng chính là nhân vật ở thời kỳ này.
Theo các thư tịch cũ thì thần Bạch Mã còn có tên là thần Long Đỗ hay Long Độ. Sách Trấn Vũ quán lục cho thấy rằng “Long Độ” vốn là tên đất Long Biên vào cuối đời Hùng Vương. Còn Sĩ Nhiếp khi làm Thái thú Giao Châu, cũng được phong tước “Long Độ đình hầu” hay “Long Biên hầu”. Sĩ Nhiếp đóng trị sở ở đất Long Biên. Như vậy Long Độ chính là tên theo chức hầu tước của Sĩ Nhiếp, hay thần Long Đỗ Bạch Mã cũng chính là Sĩ Vương.

Long Do dinh hau.jpgDòng chữ “phong Long Độ đình hầu” trên tấm bia thời Lê Vĩnh Thịnh ở đền thờ Sĩ Nhiếp tại Tam Á.

Rất kỳ lạ là ở các đền thờ Sĩ Nhiếp tại Thuận Thành, còn lưu giữ tượng một con ngựa trắng, dùng trong đám rước kiệu thánh vào các ngày lễ hội. Một con ngựa cổ như vậy thấy ở đình Mễ Đậu (Gia Đông, Văn Lâm, Hưng Yên), là nơi thờ Sĩ Vương. Đây là dẫn chứng khác cho thấy thần Bạch Mã cũng là Sĩ Nhiếp.

IMG_8336.JPG
Ngựa trắng ở đình Mễ Đậu.

Ở thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn của Gia Lâm còn có đền riêng thờ thần Bạch Mã. Theo truyện kể ở đây thì đền này mới là đền thờ gốc. Đền Bạch Mã ở Thăng Long được lấy chân nhang từ đây về lập đền mà thờ dưới triều Lý. Điều này cũng hợp lý vì Long Độ chỉ vùng Long Biên, thần Bạch Mã đầu tiên phải ở Long Biên chứ không phải ở trong thành Thăng Long Hà Nội.
Sĩ Nhiếp là người có công trong việc cai quản thành Long Biên – Luy Lâu trong một thời gian dài nên việc ông được phong thần trấn giữ Long Biên (thần Long Đỗ) và là Đô thành hoàng Thăng Long là hợp lý.
Câu đối ở đền Bạch Mã tại Khoan Tế:
駒蹄靈蹟傳江北
龍肚英聲振斗南
Câu đề linh tích truyền giang Bắc 
Long Đỗ anh thanh chấn đẩu Nam.
Dịch:
Sự thiêng vó ngựa truyền sông Bắc
Tiếng tốt rốn rồng động đẩu Nam.

IMG_8513.JPG
Gian tiền tế của đền Bạch Mã ở Khoan Tế.

Liên hệ xa hơn nữa, ở miền Nam Trung Bộ từ Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… vị Bạch Mã Thái giám là một vị thần được thờ rất phổ biến, là thành hoàng của nhiều làng xã. Tầm ảnh hưởng xa như vậy về phương Nam cũng đúng với Sĩ Nhiếp, vì Sĩ Nhiếp là con của Sĩ Tứ, vốn là thái thú quận Nhật Nam. Sĩ Nhiếp khi tiếp quản và thành lập Giao Châu đã gồm 7 quận, gồm cả quận Nhật Nam ở phương Nam.
Ảnh hưởng sâu sắc của Sĩ Nhiếp đến vùng đất phương Nam – Lâm Ấp còn được ghi lại bằng đôi câu đối trên cổng đền Sĩ Nhiếp ở Tam Á (Thuận Thành, Bắc Ninh):
豈忠義功神心祁彼何辰此何辰安得六百載遺容能攝林邑
是事業文科舉昔治亦進乱亦進最矩四十年政策拯表交州
Khởi trung nghĩa công thần tâm kì, bỉ hà thì thử hà thì, an đắc lục bách tải di dung năng nhiếp Lâm Ấp. 
Thị sự nghiệp văn khoa cử tích, trị diệc tiến loạn diệc tiến, tối củ tứ thập niên chính sách chửng biểu Giao Châu.
Dịch:
Há tấm lòng công thần trung nghĩa lớn, đây thời nào đấy thời nào, yên ổn sáu trăm năm khoan dung ấy giúp quản Lâm Ấp.
Là thi cử văn khoa sự nghiệp xưa, trị cũng tiến loạn cũng tiến, quy củ bốn mươi thu chính sách kia cứu tỏ Giao Châu.

img_8197.jpgMặt trong nghi môn đền Sĩ Nhiếp ở Tam Á.

Cần nói thêm rằng Sĩ Nhiếp là một tu sĩ Bà La Môn, là người khởi xướng hoặc ít nhất cũng là người cho phổ cập Bà La Môn giáo ở đất Việt qua truyện Khâu Đà La – Man Nương và Tứ pháp. Vì vậy, khi Sĩ Nhiếp mất, có thể dân gian đã hình tượng hóa ông bằng một vị thần của Bà La Môn. Vị thần phương Đông có hình tượng là con Ngựa trong Bà La Môn là thần Nhật Thiên, hay thần mặt trời, cưỡi con Hỏa mã. Có thể vì vậy Sĩ Nhiếp khi hiển hóa đã được hình tượng dưới hình ảnh Bạch Mã.

Châu trưởng Đặng Thiện Quang và di tích đình làng Lý Đỏ

Cuốn sách CHÂU TRƯỞNG ĐẶNG THIỆN QUANG VÀ DI TÍCH ĐÌNH LÀNG LÝ ĐỎ của 2 tác giả Vũ Đình Toàn, Nguyễn Đức Tố Lưu, xuất bản bởi NXB Dân trí, tháng 7/2019. Tổng số 150 trang. Sách được biên soạn và hỗ trợ xuất bản bởi Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt.

dang-thien-quang-1.jpg

LỜI NGỎ
Trên miền đồng bằng Bắc Bộ, mỗi làng quê Việt đều mang những nét cổ kính, đậm đà, sâu lắng, gắn bó với mỗi người dân làng. Làng Việt đã trải qua hàng ngàn năm gió mưa, dông tố của lịch sử dựng và giữ nước đầy gian nan, nhưng hình bóng của nó vẫn còn lưu đậm trong tâm khảm con dân Việt cho tới ngày nay.
Làm nên văn hiến của làng xã trước hết là bởi các vị thành hoàng làng, những người đã có công lao to lớn không chỉ đối với quê hương mà còn đối với đất nước. Công đức, sự nghiệp của các vị được dân làng ghi sâu, khắc đậm và các vị đã trở thành điểm dựa tinh thần cho mỗi người dân làng, trở thành biểu tượng cao đẹp, hội tụ dân làng qua những lễ tục đầy chất nhân văn và thấm đẫm tinh thần uống nước nhớ nguồn của người Việt.
Thành hoàng, linh hồn của làng trước hết an ngự trong đình làng. Đình làng cùng với những công trình kiến trúc tín ngưỡng khác trong làng như đền, chùa, miếu, mạo hợp thành một tổng thế tâm linh, tín ngưỡng dân gian, rất riêng của làng quê Bắc Bộ.
Làng Lý Đỏ ở xã Tân Việt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương là một ngôi làng cổ như vậy. Ngôi đình làng trải qua hàng trăm năm khắc nghiệt của chiến tranh, của thời cuộc, vẫn còn lưu giữ được nhiều kiến trúc và những minh văn cổ, nói về một truyền thống văn hóa, một vị nhân thần mang tầm vóc quốc gia: Châu trưởng Giao Châu Đặng Thiện Quang, vị Thái thú nước ta thời kỳ đầu Công nguyên.
Là con em trong làng, tác giả đã sưu tầm, tuyển chọn, biên dịch những tư liệu còn lưu giữ lại được ở quê hương Lý Đỏ. Khi tìm hiểu sâu hơn vào vị thành hoàng của làng, chúng tôi đã thấy đây là một vị tiền nhân danh tiếng trong lịch sử Việt Nam, được thờ phụng ở nhiều nơi. Để tiện đường so sánh, đối chiếu, chúng tôi đã sưu tầm các thần tích, văn bia, hoành phi câu đối từ những di tích thờ phụng này, tập hợp trình bày trong cuốn sách nhỏ mà các bạn đang có. Kết hợp các thông tin tư liệu từ những nguồn khác nhau, thu thập qua sử sách, qua di tích góp phần làm sáng tỏ rất nhiều điều trong thân thế và sự nghiệp của Châu trưởng Đặng Thiện Quang, khẳng định sự hợp lý của dân làng trong việc thờ phụng, tri ân tiền nhân có công có đức với làng xã, với đất nước.
Cuốn sách là tấm lòng của một người dân làng, một người dân Việt để tri ân cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tác giả: Vũ Đình Toàn

dang-thien-quang-3.jpg

Vế đối trên cổng đền thờ Sĩ Nhiếp ở Tam Á, Thuận Thành, Bắc Ninh ghi nhận chính xác công nghiệp của các cư sĩ – thái thú Giao Châu Đặng Nhượng – Tích Quang.
汶陽幾辰遷為軍將為州牧為教育師儒恩信遍蒼梧七郡外
龍编何日事此城郭此人民此江河運會文采傳武寧一部中
Vấn Dương kỉ thời thiên, vi quân tướng, vi châu mục, vi giáo dục sư Nho, ân tín biến Thương Ngô thất quận ngoại
Long Biên hà nhật sự, thử thành quách, thử nhân dân, thử giang hà vận hội, văn thái truyền Vũ Ninh nhất bộ trung.
Dịch nghĩa:
Vấn Dương mấy lúc dời, là quân tướng, là châu mục, là giáo dục Nho gia, bảy quận ngoài Thương Ngô ơn nghĩa trải khắp
Long Biên sự ngày nọ, đây thành quách, đây nhân dân, đây non sông vận hội, toàn bộ trong Vũ Ninh văn đức còn truyền.
Căn cứ vào hành trạng, rõ ràng Đặng Thiện Quang, Đặng Nhượng – Tích Quang là một anh hùng trong lãnh vực văn hóa, đồng thời cũng là anh hùng chống ngoại xâm của Việt tộc, nên việc thờ kính của người đời sau là hoàn toàn xứng đáng.

Nguyễn Quang Nhật

logo-den-mieu-viet.jpg

Liên hệ đặt sách với tác giả:
Vũ Đình Toàn: vudinhtoan1982@gmail.com
Nguyễn Đức Tố Lưu:
 bachviet18@yahoo.com

MỤC LỤC
LÀNG VIỆT CỔ TRUYỀN VÙNG BẮC BỘ

Khái quát về làng Việt
Cổng làng
Đền chùa miếu mạo
Đình làng
Thành hoàng làng
Lễ hội làng

XỨ ĐÔNG – HẢI DƯƠNG VÀ TRẠI TRIỀN ĐỔ – THÔN LÝ ĐỎ

Xứ Đông, trấn Hải Đông, trấn Hải Dương
Phủ Bình Giang, huyện Đường An
Trại Triều Đổ – làng Lý Đỏ
Hương lệ xã Lý Đỏ

DI TÍCH ĐÌNH LÀNG LÝ ĐỎ

Lịch sử đình làng
Nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc
Di sản Hán Nôm

TỤC THỜ CHÂU TRƯỞNG ĐẶNG THIỆN QUANG Ở LÀNG LÝ ĐỎ

Thân thế và sự nghiệp đức Đặng Thiện Quang
Sắc phong thành hoàng làng Lý Đỏ
Lễ hội làng Lý Đỏ

THÁI THÚ GIAO CHÂU TRONG QUỐC SỬ

Giao Châu thời Hán
Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ thuộc Tây Hán
Nhâm Diên truyện
Thăng Long cổ tích khảo

CHÂU TRƯỞNG GIAO CHÂU QUA CÁC THẦN TÍCH

Gia Lâm thần tích bi ký
Thần tích làng Nga My Thượng
Thần tích ba thôn Liên Bạt
Thần tích thôn Yên Mỹ, Dương Quang, Gia Lâm
Thần phả về thánh Tam Trinh

HOÀNH PHI, CÂU ĐỐI VỀ CHÂU TRƯỞNG GIAO CHÂU

Thôn Gia Lâm, Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội
Đình Nga My Thượng, Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội
Đình Áng Phao, Cao Dương, Thanh Oai, Hà Nội
Ba thôn Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội
Nghè Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội

KHẢO LUẬN VỀ CHÂU TRƯỞNG GIAO CHÂU ĐẶNG THIỆN QUANG

Nam Giao học tổ
Dẹp loạn Giao Châu
Bỏ mình vì nước
Châu trưởng Tam Trinh
Thay lời kết

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Châu trưởng Tam Trinh hay cuộc chiến của Trưng Vương thời Đông Hán

Làng Mai Động nay là quận Hoàng Mai, Hà Nội thờ vị tướng tên là Tam Trinh, chống giặc Đông Hán. Bản thần tích của làng được lưu giữ cẩn thận tại đình và được sao chép cho một số thầy đồ, thầy cúng lưu ở tư gia. Thần tích kể:
Về đời (nội thuộc) nhà Đông Hán, đất Long Biên cũng bị chiếm luôn. Thời kỳ này có một người tên là Triệu Cẩn, là nhà từng có quyền thế trong vùng, vợ là bà Tạ Thị Thành, cũng thuộc dòng dõi trâm anh, thi lễ, hai bên xứng đôi, kết nghĩa vợ chồng. Hai ông bà chuộng nghĩa, hay làm phúc, làm việc thiện cứu giúp mọi người.
Nhưng ông Triệu Cẩn đã ngoài 60 tuổi, bà Tạ Thị Thành đã bốn mươi tư mà vẫn chỉ có vài mụn con gái. Hai người khao khát có được một cậu con trai nối nghiệp. Một đêm, bà Thành nằm mộng thấy một ông tiên đi từ trên núi xuống, hẹn cho một viên ngọc trắng. Bà Thành liền cho vào miệng nuốt ngay. Khi chợt tỉnh, bà liền nói với chồng. Triệu Cẩn cho là điềm lành. Từ đó bà Thành thụ thai, đến ngày mồng 5 tháng Giêng năm Nhâm Dần vào giờ Dần sinh được một con trai, tướng mạo khác thường, có cốt cách khác các trẻ em khác.
Đoạn đầu thần tích trên đặc biệt gợi liên tưởng đến thần tích của vị Giao Châu cư sĩ họ Đặng thờ ở đình Gia Lâm (Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội). Cũng là thời Hán, cũng ở Long Biên. Cũng là ông dòng dõi gia thế, bà dòng dõi trâm anh. Ông 60 tuổi, bà  hơn 40 mới chỉ có mấy con gái, rồi mới sinh con trai. Thậm chí tên Cẩn cha của đức Tam Trinh trùng với tên mẹ của Đặng cư sĩ, còn họ của mẹ là Tạ thị thì cả hai đều giống nhau.

IMG_1000
Hội làng tại đình Mai Động.

Thần tích Mai Động kể tiếp:
Ba tuổi đã biết lễ nghĩa, hay kính nhường, nghe người ta học mà biết chữ, biết thưởng thức âm thanh.
Bẩy tuổi, cậu bé được đi học, năm 13 tuổi kinh sử đã làu thông. Cậu lại còn tinh tường võ nghệ, sĩ tử đương thời ai cũng thán phục, đều coi như là con nhà Thần Thánh. Thầy học yêu lắm mới đặt tên cho là Tam Trinh. 
Đoạn này cũng hoàn toàn giống thần tích của Đặng cư sĩ ở Gia Lâm. Nguyên văn thần tích hẳn Tam Trinh được coi là “Thánh Đồng” như bên Gia Lâm vì đã thông kinh sử từ năm 13 tuổi. Đặc biệt đoạn này cho thông tin về xuất xứ của cái tên Tam Trinh, là do thầy học yêu quý đặt cho. Thử hiểu xem Tam Trinh nghĩa là gì?
Trinh ở đây hẳn là tượng trưng cho quẻ Khôn của Kinh Dịch, vì nó liên quan đến việc học hành (thầy giáo đặt cho). Tam là hào thứ 3. Tam Trinh như vậy là hào tam của quẻ Khôn. Lời hào tam: Hàm chương khả trinh, hoặc tòng vương sự, vô thành hữu chung. Nghĩa là người có chương trình hành động lâu dài thì khi làm việc lớn không thành công cũng có thành tựu nhất định.
Như vậy Tam Trinh là “Hàm chương khả trinh”, chỉ người có kiến thức, có văn chương và có tương lai lâu dài.
Thần tích Mai Động kể tiếp:
Năm 18 tuổi, cha mẹ ông đều mất, ông Trinh liền chọn đất tốt và đặt mộ cha mẹ vào đấy. Sau ba năm chôn cất, ông ra mở trường dạy học trò, nhờ vậy mà đất Nam Châu (bãi phía Nam) từ dân không biết chữ đã trở thành vùng đất văn hóa. Nhân dân mến mộ ông lắm và tôn ông lên làm Châu trưởng. Ông chăm lo đời sống trong châu, sắp xếp mọi việc làm ăn, mở mang việc học, dân chúng rất được nhờ cậy. 
Đoạn này cũng hoàn toàn trùng khớp với thần tích Gia Lâm. Tam Trinh đã giáo hóa nhân dân ở “Nam Châu” và được tôn làm Châu trưởng. “Châu” ở đây không phải là “bãi phía Nam” như bản dịch. Châu đây là Giao Châu thời Hán. Châu trưởng Giao Châu thời Hán thì còn ai khác ngoài Đặng Nhượng?
Đoạn tiếp theo thần tích kể Tam Trinh đến trại Mai Động và lập trường dạy học cho dân. Còn trong thần tích về Đặng cư sĩ cho biết ông cũng lập hành cung và dạy học tại Gia Lâm.
Cần nói rõ đây chính là vị thầy giáo có công phổ biến văn hóa chữ viết rộng rãi trong nhân dân, tức chính là “Nam Giao học tổ“, danh hiệu đã gán cho Sĩ Nhiếp.
Câu đối ở đình Mai Động:
Đức bác thánh văn truyền Việt địa
Uy dương thần vũ trấn Nam thiên.
Dịch (theo Vũ Tuân Sán):
Văn thánh đức cao truyền đất Việt
Võ thần vui mạnh dậy trời Nam. 
“Văn giáo” như thế là công lao chính của thánh Tam Trinh, cũng với võ công của ông.

IMG_1008
Tiền tế đình Mai Động.

Tiếp theo thần tích Mai Động kể việc Tam Trinh đã theo Trưng Vương khởi nghĩa, đánh đuổi quân Tô Định xâm lược, thu được non sông nước Nam cũ 65 thành trì. Tam Trinh được phong là Liệt hầu. Còn thần tích Gia Lâm thì kể Đặng cư sĩ đã dẹp loạn các tù trưởng ở 7 quận của Giao Châu, và cũng được phong là Liệt hầu, và được cho làm chức Thái thú cai quản Châu.
Tiếp nữa, thần tích Mai Động kể quân Hán (Mã Viện) kéo sang, Tam Trinh được cử ra trấn giữ cửa ải. Quân Hán tràn vào, bao vây ông ở Mai Động. Ông phá vây chạy ra ngoài, ngửa mặt lên trời than rồi hóa.
Trong khi đó, thần tích Gia Lâm kể y hệt. Thời Vương Mãng, Đặng thái thú cũng ra đóng quan ải, không giao ước với Hán quân. Quân Hán phá ải, vây ông ở Long Biên. Ông phá vây, ngửa mặt lên trời than rồi cũng hóa (ngày 10/2 trùng với thần tích của vị họ Đặng ở làng Lý Đỏ, Tân Việt, Bình Giang, Hải Dương).
Câu đối ở nghè Mai Động:
鄊而師國而將而文而武
生為英死為灵為聖為神
Hương nhi sư, quốc nhi tướng, nhi văn nhi võ
Sinh vi anh, tử vi linh, vi thánh vi thần.
Dịch:
Thầy với làng, tướng với nước, vừa văn vừa võ
Sống anh hùng, chết linh thiêng, là thánh là thần.

Đến về sau, các lần linh hiển phù trợ quốc gia của thần Mai Động và Gia Lâm cũng giống y nhau. Một lần vào thời Lê Đại Hành phá Tống (theo thần tích ở làng Lý Đỏ), một lần thời Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên, chém Ô Mã Nhi (hiển linh tại Gia Lâm), một lần thời Lê Thái Tổ bình Minh Liễu Thăng.
Như vậy, cả về thời gian, sự tích của Tam Trinh ở Mai Động và Đặng Nhượng ở Gia Lâm đều hoàn toàn giống nhau, nếu chỉ cần thay “Trưng Vương” bằng “Vương Mãng”. Tam Trinh chính là Đặng thái thú của Giao Châu 7 quận vào cuối đời Tây Hán và nhà Tân của Vương Mãng, đã hy sinh chống cự lại sự xâm chiếm của quân Đông Hán tới vùng này.
Câu đối ở nghè Mai Động:
一陣黑雲除漢寇
千秋香火應洲區
Nhất trận hắc vân trừ Hán khấu
Thiên thu hương hỏa ứng Châu khu.
Dịch:
Một trận mây đen trừ giặc Hán
Nghìn thu hương lửa ứng châu Nam.

IMG_1086
Hoành phi Thông minh Duệ trí ở nghè Mai Động.

Dấu vết di tích, sự tích của các vị cư sĩ Nam Giao học tổ (Sĩ Vương) dạy học cho nhân dân và hy sinh chống giặc ngoại xâm còn lại ở khá nhiều nơi, trải dài từ Gia Lâm, Mai Động, Hưng Yên, Thanh Oai, Ứng Hòa. Đây là những dẫn chứng rất rõ ràng rằng, sự kiện các cư sĩ địa phương là châu mục và thái thú Giao Châu Đặng Nhượng, Tích Quang chống lại quân Đông Hán xâm lược đã bị gán thành chuyện Mã Viện đánh dẹp Hai Bà Trưng trong chính sử. Khởi nghĩa Trưng Vương thực sự xảy ra dưới thời Tây Hán, là hậu chiến của nước Nam Việt chống Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức.

 

Thần phả về thánh Tam Trinh ở Mai Động

Bản thần tích về Thánh Tam Trinh do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính (người làng Sơn Đồng huyện Hoài Đức tỉnh Hà tây) làm ở bộ Lễ triều Lê biên soạn vào niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên (1572) đời vua Lê Anh Tông. Năm 1737 bản thần tích này lại được Nguyễn Hiền giữ chức Quản giám bách thần chép lại vào niên hiệu Vĩnh Hựu (1735 – 1740) đời vua Lê Ý Tông. Sau này thần tích được lưu ở bộ Lễ triều Nguyễn (1802 – 1945).
Bản dịch theo sách Làng cổ Mai Động (Đức thánh Tam Trinh) do GS. Vũ Ngọc Khánh chủ biên, Trần Lan Châu sưu tầm biên soạn, xuất bản năm 2003.

Chép trong bản chính của Bộ Lễ nhà Nguyễn tập thứ 3.
Đời Hùng Vương là đời vua dựng nên non sông đất nước, truyền ngôi suốt 2000 năm, lập nên đất đai muôn dặm, dựng kinh đô, gây nghiệp lớn, mở nước theo nghĩa của nhà vua sáng suốt, công bằng. Vua giúp dân, xây đời no ấm, mở mang suốt mười lăm bộ, gọi là Bách Việt, xứng đáng là Vua Tổ vậy.

Đến cuối đời Hùng, thần linh của sông núi, cũng hay ứng hiện dưới cõi đời, đầu thai làm con cái các nhà dân chúng, nhằm giúp nước cứu dân, nhà nào có phúc thì gặp thần ứng vào.
Tương truyền rằng:
Đời Hùng Vương truyền được đến 18 đời thì vận trời đã hết. Tiếp đến về đời (nội thuộc) nhà Đông Hán, đất Long Biên cũng bị chiếm luôn. Thời kỳ này có một người tên là Triệu Cẩn, là nhà từng có quyền thế trong vùng, vợ là bà Tạ Thị Thành, cũng thuộc dòng dõi trâm anh, thi lễ, hai bên xứng đôi, kết nghĩa vợ chồng. Hai ông bà chuộng nghĩa, hay làm phúc, làm việc thiện cứu giúp mọi người.
Nhưng ông Triệu Cẩn đã ngoài 60 tuổi, bà Tạ Thị Thành đã bốn mươi tư mà vẫn chỉ có vài mụn con gái. Hai người khao khát có được một cậu con trai nối nghiệp. Một đêm, bà Thành nằm mộng thấy một ông tiên đi từ trên núi xuống, hẹn cho một viên ngọc trắng. Bà Thành liền cho vào miệng nuốt ngay. Khi chợt tỉnh, bà liền nói với chồng. Triệu Cẩn cho là điềm lành. Từ đó bà Thành thụ thai, đến ngày mồng 5 tháng Giêng năm Nhâm Dần vào giờ Dần sinh được một con trai, tướng mạo khác thường, có cốt cách khác các trẻ em khác. Ba tuổi đã biết lễ nghĩa, hay kính nhường, nghe người ta học mà biết chữ, biết thưởng thức âm thanh.
Bẩy tuổi, cậu bé được đi học, năm 13 tuổi kinh sử đã làu thông. Cậu lại còn tinh tường võ nghệ, sĩ tử đương thời ai cũng thán phục, đều coi như là con nhà Thần Thánh. Thầy học yêu lắm mới đặt tên cho là Tam Trinh. Năm 18 tuổi, cha mẹ ông đều mất, ông Trinh liền chọn đất tốt và đặt mộ cha mẹ vào đấy. Sau ba năm chôn cất, ông ra mở trường dạy học trò, nhờ vậy mà đất Nam Châu (bãi phía Nam) từ dân không biết chữ đã trở thành vùng đất văn hóa. Nhân dân mến mộ ông lắm và tôn ông lên làm Châu trưởng. Ông chăm lo đời sống trong châu, sắp xếp mọi việc làm ăn, mở mang việc học, dân chúng rất được nhờ cậy. Ít lâu sau ông dời đến phía Nam đất Long Biên. Đến trại Mai Động, huyện Thanh Đàm (năm 1752 vì kiêng húy vua Lê Duy Đàm đổi là Thanh Trì, phủ Thường Tín) thấy dân chúng còn trong tình trạng nghèo khổ, làng xóm tiêu điều, không được học chữ, liền cắm đất dựng nhà ở đó (chính là bên sông Kim Ngưu xưa). Ông lại mở trường dạy học, chỉ vừa một năm, dân chúng đã rất mến trọng. Đức độ của ông truyền xa và được nhiều người lấy làm gương.
Cũng năm ấy, có tên Tô Định cất quân xâm phạm bờ cõi, xâm chiếm vùng đất rộng lớn của nước ta, dân chúng điêu linh, chưa có ai ra tay cứu vớt. May sao có cháu xa của vua Hùng tên Trắc là người con gái tài giỏi bậc thần, bậc thánh ở cõi đời, dấy binh lừng lẫy, đem quân đánh giặc Hán. Khi khởi binh, bà Trưng làm lễ cầu các bậc thần linh, Bà Trưng mật xin thần núi Tản Viên họp bách thần lại, ở cửa sông Hát Môn, lập đàn tế cáo trời đất, xin các thần linh ứng vào một người dưới trân gian, được non sông muôn vật ủy thác, được muôn dân tin cậy, cây cỏ trông nhờ…
Vua Trưng khấn trời: “Xét như nước mình các đời trước đều có các bậc anh minh, đời đời sáng nghiệp, là đất nước nhân nghĩa, có giáo hóa nên nhân dân yên ổn vui đời, làm lụng chuyên cần, chẳng biết đến binh đao. Nay Tô Định là loài dê chó, thường hống hách lộng quyền, tàn bạo ức hiếp ngược đãi dân ta, đất trời, thần linh, người người đều căm giận. Tôi (tức vua Trưng) là cháu xa Hùng Vương nhắc đến dân tình là ssa nước mắt, hôm nay đau lòng vì nước, dựng cờ nghĩa vì nước trừ kẻ hung tàn bạo ngược, xin các vị thần linh về đàn tế chứng giám cho. Tôi nguyện dấy binh dẹp giặc, cứu nước cứu dân, dựng lại nghiệp xưa của tông tổ, cứu dân chúng khỏi vòng nước lửa, lầm than, không phụ lòng của Trời cao, không phụ vẻ linh thiêng của tông miếu, xin các Tiên tổ ở dưới suối vàng, hô mây, gọi gió, dồn âm binh, hàng trăm hàng nghìn đội, truyền hịch khắp nước Nam, từ các châu huyện đến các trang ấp, ai là người thông minh tài trí, đức độ hơn người thì cho đến giúp dân”.
Phiên thần đến mách tin cho Tam Trinh, nói rõ chiếu cầu bậc trạng nguyên trong thiên hạ. Ông cảm động lắm, ngay từ hôm ấy, liền chọn lấy trai tráng tuyển làm 5000 quân đều từ trại Mai Động. Các bậc già làng thấy ông làm vậy, đều đến sửa lễ vật (xin với vua Trưng) làm thần tử. Tam Trinh thề với bách thần sông núi, khao thưởng quân lính, tiến đến dinh Trưng Nữ Vương, vào làm lễ xin theo. Vua Trưng đang kén người tài, thấy ông đang sức trai, tài thao lược vị tất ai đã được thế, trên hiểu thiên văn, dưới tường địa lý, không điều gì là không am hiểu, liền phong ông chức Đô úy, cử ông chia đường tiến binh đánh vào dinh lũy của Tô Định. Một trận dẹp tan, Tô Định thua chạy, ta chém được chánh tướng, lấy đầu vài nghìn thuộc hạ của giặc. Từ đấy ông theo Vua Trưng bình định được cả 65 thành, thu về nước Nam như cũ.
Bà Trưng lên ngôi vua, ở ngôi 3 năm, đến khi có giặc Mã Viện sang đánh, liền phong cho Tam Trinh chức Liệt hầu, giao quyền phụ chính lo việc trị loạn, sai ông đem quân giữ cửa ải. Quân ông vừa đến, chưa kịp bài binh bố trận thì quân Hán đã đến. Giặc đang sung sức, đánh sẽ bất lợi, cho nên ông sai đóng cửa ải, không nghênh chiến, không chịu nộp cửa ải! Tướng Hán cả giận, phá cửa tiến vào bờ cõi nước ta. Ông thấy quân Hán đang mạnh, liền dẫn binh về trại Mai Động (sau gọi là trang Mai Động) đóng quân lại xem sao. Quân Hán đêm đến bủa vây. Ông cưỡi ngựa ra đón đánh, phá vây mà ra. Đến quãng đường, khu có nhiều đồi núi, ông nghe nói Vua Trưng đã lỡ cơ trời, liền ngửa mặt lên trời than rằng: Than ôi, cơ đồ của Vua Trưng như giấc mông xuân vậy! Việc thần, việc người vua lo liệu đến thế, biết ta bây giờ chỉ có Trời mà thôi. Ông liền ruổi ngựa chay lên đỉnh núi rồi biến mất. Đó là ngày mông 10 tháng 2. Nhân dân thương tiếc, dâng lễ và lập đền thờ…
Ghi thêm:
– Đời vua Đại Hành nhà Lê, xét phong các thần linh thấy linh hiển liền gia phong làm thần hoàng địa phương: “Tối linh đại vương, thần hiệu là: Nam Sơn Tam Trinh hiển ứng đại vương”. Hành lễ kiêng hai màu trắng và màu đỏ.
– Tam Trinh Nam Sơn đại vương linh ứng ở nhiều nơi. Đời Trần Thái Tông đánh Nguyên Mông, có cho người đến tế cầu phù hộ, ông linh ứng giúp vua đánh bại tướng Ô Mã Nhi. Liền gia phong thêm các chữ hiệu: “Anh triết Hộ quốc Hộ dân Bảo cảnh Hiển hiệu Đại sĩ”.
– Thời Lê Thái Tổ đánh quân Minh Liễu Thăng, thần lại linh ứng giúp, vua bèn gia phong thêm các chữ: “Phổ tế Cương nghị Anh linh”, truyền chiếu chỉ cho dân Mai Động trùng tu miếu điện.
Ngày sinh tế mồng 5 tháng Giêng, giết lợn đen, làm bánh chưng, bánh dày, hát múa, mở hội kéo co, đánh cờ, vật, liền trong 3 ngày.
Ngày hóa tế mồng 10 tháng 2, giết trâu và lợn làm tế lễ, bánh chưng, bánh dày, rượu, trầu cau.
Ngày lễ tiệc mở vào 14 tháng 8, lễ vật như trên, hát xướng 3 ngày.
Năm đầu Hồng Phúc, tháng Giêng, ngày tốt.

Thần tích Giao Châu Đặng thái thú ở nghè Gia Lâm

Tấm bia thời Lê lưu tại nghè Gia Lâm, xã lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội khắc sự tích vị Thái thú Giao Châu họ Đặng thời Hán, có công giáo dân hóa lý, dẹp yên 7 quận, hy sinh vì nước, hiển ứng nhiều đời.

IMG_4310

Gia Lâm xã thần tích bi ký  嘉林社神跡碑記

漢昭帝時累朝一位大王譜籙(艮支部上等)國朝禮部正本
昔雄王山原聖祖啟運應圖二十年餘雄王建國青山萬里創雄都宫殿之基碧水一泓開聖帝明王之道以度物濟人統十五部號之百越為肈祖焉
詩云
初開南越自涇陽一統山河十八王十八世傳千古在億年香火億年芳
却説
粤昔西漢時內地龍編猶屬我國間有鄧公諱 運其先人繼世承資蔭配本郡人謝氏諱謹傳家詩禮累世簪纓所謂當門而配公課童頗精醫術樂能行善事賑資救苦無一人不遂其生無一物不寧其养小善亦為十堊不作半點害人休着意毫利己莫私心此地方皆稱其積善之家必有餘慶
公年近六旬謝氏年四十餘然男子尚晚後謝氏夣見蛇精入懷而有孕時(甲午年二月十一日)生下一男天資穎異相貌殊常三歲而知禮義能敬讓聞學而知聽音而審七歲入學經史精通才能武蓺命名曰居士當時士子多嘆服之共稱為聖童公年十八父母皆爼落三年喪畢公潛心墳典教誨士民聞交州教化未明綱疇未叙公循循然善誘之而後民知禮義也南州華風公之功也
民皆暮之共推為州長時漢昭帝命周章為交州太守章聞公教化服人為之疏舉帝大嘉之封列 侯公既受命行縣邑觀民風適至京北道 (古號北江郡)順安府嘉林縣嘉林寨見民風樸陋學術寡聞公乃傳設行在于嘉林寨地頭以教文字
纔得一年民皆慕之值珠崖儋耳蒼梧廣信番禺麓冷七郡商長作亂騷動民生帝聞之咨廷臣疇能了此以為本州太守岑彭舉公德望服人必能安集帝許之命為州守 使平賊
公乃選嘉林寨得家下二百餘移檄諸郡縣來附者以萬数刻日直擣九真命将士分屯堅守不得挑戰因遣文吏移檄論之以信義示之以祸福賊聞之感悟束甲來降七郡告平公遂振旅還州府(即龍編地)
自公為太守刑罰清省民皆安業公暇復詣嘉林行在曉人以恩誼民皆拜謝請因此舍為後為祀所公許之日卽遂並囘州府居之
及至哀帝時間有王莽亂公将兵守開公兵方至安南不意漢兵猝至公曰漢兵方拒莽何故往南.使閉關不約漢将大忿破關門直入境.公見漢兵盛至卽引兵退囘州府無何漢兵夜至重園公騎馬拒戰解得園出至龍編處仰天而嘆曰人臣事君必死無二不圖至此知我者.其天乎遂爼于龍編地不見卽化矣(時八月初十日)
一項間江濤湧沸蛟龍送出漢兵皆驚遂引去以事聞之帝遣使諭祭于龍編地勅封福神準許府民立廟祀之餘如九真南海日南海陽加林等處常被公教化者皆迎美字囘民奉事
及至平帝聞公名績表見於漢有功遣使勅封一封濟世護國居士大王
曁至陳太宗時寇元來侵京城被陷陳國俊奉命祈禱百神各諸祠經一日適至京北順安府嘉林縣嘉林區(陳時為庄)夜宿神祠祈神陰扶討賊俟平勅封上等神
夜至四更末國俊公乃朦朧睡去忽夢見一老翁上頭白髮從此而來自稱居士靈神謂曰我北朝正氣南國遺踪學富五車直擬青雲得路聞将軍東往平冦自願從乃陰扶護法立功勿可憂之神人言訖没变矣項間将公醒出暗想夢中顯有靈神所助定明日拜謝返囘京國已而出戰於白藤江忽然天地晦冥風濤湧出帥将帥兵神靈發動蛇蛟向扶於水上陳國公乃刀戰一陣馬兒大敗斬得正将與裨将數萬頭血可船行屍如山積自此
盡除元冦陳國公反囘奏于太宗曰元賊早平亦賴於神助太宗乃加封陰扶一位當境城隍護法居士大王興國同休永為𢗝武欽哉
却説自以而後稔着靈應故多有帝王加封美字
迨至黎太祖起義平明柳昇及得天下太祖乃加封一位普濟剛毅英靈勅旨頒嘉林庄重修廟殿以奉祀之猗歟休哉
一奉開生化各节與諱字切禁運謹居士準許嘉林庄奉祀
一生神二月十一日正例禮用上齊盤下黑猪𥸷酒唱歌三日卽止
一化神八月初十日正例禮用上齊盤下牛猪𥸷酒白方圓餅
一例慶賀祈福三月初十日禮用上齊盤下随宜唱歌十日卽止
洪福元年孟春吉日翰林禮院東閣大學士臣阮炳奉撰正本
皇朝永祐六年仲秋吉日管監百靈知殿雄嶺少鄉臣阮賢再遵舊正本

Phiên âm:
Gia Lâm xã thần tích bi kí
Hán Chiêu Đế thời lũy triều nhất vị đại vương phổ lục (cấn chi bộ thượng đẳng) quốc triều lễ bộ chính bản.
Tích Hùng Vương Sơn nguyên Thánh tổ khải vận ứng đồ nhị thập niên dư. Hùng Vương kiến quốc thanh sơn vạn lí sáng hùng đô cung điện chi cơ, bích thủy nhất hoằng khai thánh đế minh vương chi đạo. Dĩ độ vật tế nhân thống thập ngũ bộ hiệu chi Bách Việt vi triệu tổ yên.
Thi vân:
Sơ khai Nam Việt tự Kinh Dương
Nhất thống sơn hà thập bát vương
Thập bát thế truyền thiên cổ tại
Ức niên hương hỏa ức niên phương.
Tức thuyết:
Việt tích Tây Hán thời nội địa Long Biên do thuộc. Ngã quốc gian hữu Đặng Công húy Vận, kỳ tiên nhân kế thế thừa tư ấm, phối bản quận nhân Tạ Thị húy Cẩn, truyền gia thi lễ lũy thế trâm anh, sở vị đương môn nhi phối. Công khóa đồng pha tinh y thuật, lạc năng hành thiện sự, chẩn tư cứu khổ, vô nhất nhân bất toại kỳ sinh, vô nhất vật bất ninh kỳ dưỡng, tiểu thiện diệc vi thập ác bất tác bán điểm hại nhân, hưu trứ ý hào lợi kỷ mạc tư tâm, thử địa phương giai xưng kỳ tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh.
Công niên cận lục tuần, Tạ Thị niên tứ thập dư nhiên nam tử thượng vãn. Hậu Tạ Thị mộng kiến xà tinh nhập hoài nhi hữu dựng. Thời (Giáp Ngọ niên nhị nguyệt thập nhất nhật) sinh hạ nhất nam, thiên tư dĩnh dị, tướng mạo thù thường, tam tuế nhi tri lễ nghĩa, năng kính nhượng, văn học nhi tri, thính âm nhi thẩm. Thất tuế nhập học kinh sử tinh thông, tài năng vũ nghệ mệnh danh, viết cư sĩ đương thời. Sĩ tử đa thán phục chi Công, xưng vi Thánh đồng. Công niên thập bát, phụ mẫu giai trở lạc.
Tam niên tang tất, Công tiềm tâm phần điển giáo, hối sĩ dân. Văn Giao Châu giáo hóa vị minh, cương trù vị tự. Công tuần tuần nhiên thiện dụ chi nhi hậu dân tri lễ nghĩa dã. Nam Châu hoa phong công chi công dã. Dân giai mộ chi cộng thôi vi Châu trưởng.
Thời Hán Chiêu Đế mệnh Chu Chương vi Giao Châu thái thú. Chương văn Công giáo hóa phục nhân vi chi sớ cử đế đại gia chi phong Liệt hầu. Công ký thụ mệnh hành huyện ấp, quan dân phong thích chí Kinh Bắc đạo (cổ hiệu Bắc Giang quận) Thuận An phủ Gia Lâm huyện Gia Lâm trại, kiến dân phong phác lậu, học thuật quả văn. Công nãi truyền thiết hành tại vu Gia Lâm trại địa đầu dĩ giáo văn tự. Tài đắc nhất niên dân giai mộ chi.
Trị Châu Nhai Đam Nhĩ Thương Ngô Quảng Tín Phiên Ngu Lộc Lĩnh thất quận thương trưởng tác loạn, tao động dân sinh. Đế văn chi tư đình thần trù năng liễu thử dĩ vi bản châu Thái thú. Sầm Bành cử Công đức vọng phục nhân, tất năng an tập. Đế hứa chi mệnh vi châu thú sử bình tặc.
Công nãi tuyển Gia Lâm trại đắc gia hạ nhị bách dư, di hịch chư quận huyện lai phụ giả dĩ vạn sổ. Khắc nhật trực đảo Cửu Chân, mệnh tướng sĩ phân truân kiên thủ, bất đắc thiêu chiến. Nhân khiển văn lại di hịch luận chi dĩ tín nghĩa kì chi dĩ họa phúc. Tặc văn chi cảm ngộ thúc giáp lai hàng. Thất quận cáo bình. Công toại chấn lữ hoàn châu phủ (tức Long Biên địa).
Tự công vi thái thú hình phạt thanh tỉnh, dân giai an nghiệp. Công hạ phục nghệ Gia Lâm hành tại hiểu nhân dĩ ân nghị. Dân giai bái tạ, thỉnh nhân thử xá vi hậu vi tự sở. Công hứa chi nhật tức toại tịnh hồi châu phủ cư chi.
Cập chí Ai Đế thời gian hữu Vương Mãng loạn. Công tương binh thủ khai công binh phương chí An Nam bất ý Hán binh thốt chí. Công viết Hán binh phương cự Mãng hà cố vãng Nam, sử bế quan bất ước. Hán tướng đại phẫn, phá quan môn trực nhập cảnh. Công kiến Hán binh thịnh chí tức dẫn binh thối hồi châu phủ. Vô hà Hán binh dạ chí trọng viên. Công kị mã cự chiến giải đắc viên xuất, chí Long Biên xứ ngưỡng thiên nhi thán viết: Nhân thần sự quân tất tử vô nhị bất đồ chí thử tri ngã giả, kì thiên hồ, toại trở vu Long Biên địa bất kiến tức hóa hĩ (thời bát nguyệt sơ thập nhật).
Nhất hạng gian giang đào dũng phí giao long tống xuất. Hán binh giai kinh toại dẫn khứ. Dĩ sự văn chi Đế khiển sứ dụ tế vu Long Biên địa, sắc phong phúc thần, chuẩn hứa phủ dân lập miếu tự chi dư như Cửu Chân Nam Hải Nhật Nam Hải Dương Gia Lâm đẳng xứ, thường bị Công giáo hóa giả giai nghênh mĩ tự hồi dân phụng sự.
Cập chí Bình Đế văn Công danh tích biểu kiến vu Hán hữu công, khiển sứ sắc phong Nhất phong Tế thế Hộ quốc Cư sĩ Đại vương.
Kỵ chí Trần Thái Tông thời khấu Nguyên lai xâm, kinh thành bị hãm. Trần Quốc Tuấn phụng mệnh kì đảo bách thần các chư từ kinh nhất nhật, thích chí Kinh Bắc Thuận An phủ Gia Lâm huyện Gia Lâm khu (Trần thời vi trang) dạ túc thần từ, kì thần âm phù thảo tặc sĩ bình sắc phong thượng đẳng thần.
Dạ chí tứ canh mạt Quốc Tuấn Công nãi mông lông thụy khứ, hốt mộng kiến nhất lão ông thượng đầu bạch phát tòng thử nhi lai, tự xưng Cư sĩ linh thần, vị viết: Ngã Bắc triều chính khí, Nam quốc di tung, học phú ngũ xa trực nghĩ thanh vân đắc lộ. Văn tướng quân Đông vãng bình khấu, tự nguyện tòng nãi âm phù hộ pháp lập công, vật khả ưu chi thần nhân ngôn cật một biến hĩ hạng gian.
Tướng Công tỉnh xuất ám tưởng mộng trung hiển hữu linh thần sở trợ, định minh nhật bái tạ, phản hồi kinh quốc dĩ nhi xuất chiến vu Bạch Đằng giang. Hốt nhiên thiên địa hối minh, phong đào dũng xuất, suất tướng suất binh thần linh phát động xà giao hướng phù vu thủy thượng. Trần Quốc công nãi đao chiến nhất trận Mã Nhi đại bại, trảm đắc chính tướng, dữ tì tướng sổ vạn đầu huyết khả thuyền hành thi như sơn tích tự thử. Tận trừ Nguyên khấu Trần Quốc Công phản hồi tấu vu Thái Tông viết Nguyên tặc tảo bình diệc lại vu thần trợ. Thái Tông nãi gia phong Âm phù Nhất vị Đương cảnh Thành hoàng Hộ pháp Cư sĩ Đại vương Hưng quốc Đồng hưu Vĩnh vi Kỳ vũ khâm tai.
Tức thuyết: Tự dĩ nhi hậu nhẫm trứ linh ứng, cố đa hữu đế vương gia phong mĩ tự.
Đãi chí Lê Thái Tổ khởi nghĩa bình Minh Liễu Thăng, cập đắc thiên hạ. Thái Tổ nãi gia phong Nhất vị Phổ tế Cương nghị Anh linh, sắc chỉ ban Gia Lâm trang trùng tu miếu điện dĩ phụng tự chi y dư hưu tai.
Nhất phụng khai sinh hóa các tiết dữ húy tự thiết cấm Vận Cẩn Cư sĩ, chuẩn hứa Gia Lâm trang phụng tự.
Nhất sinh thần nhị nguyệt thập nhất nhật chánh lệ lễ dụng thượng trai bàn, hạ hắc trư tế tửu xướng ca tam nhật tức chỉ.
Nhất hóa thần bát nguyệt sơ thập nhật chánh lệ lễ dụng thượng trai bàn hạ ngưu trư tế tửu bạch phương viên bính.
Nhất lệ khánh hạ kì phúc tam nguyệt sơ thập nhật lễ dụng thượng trai bàn hạ tùy nghi xướng ca thập nhật tức chỉ.
Hồng Phúc nguyên niên mạnh xuân cát nhật. Hàn lâm lễ viện Đông các Đại học sĩ, thần, Nguyễn Bính phụng soạn chính bản.
Hoàng triều Vĩnh Hữu lục niên trọng thu cát nhật. Quản giám bách linh tri điện Hùng lĩnh thiểu hương, thần, Nguyễn Hiền tái tuân cựu chính bản.

Dịch nghĩa:

Bia ký thần tích xã Gia Lâm
Bản phả lục một vị đại vương công thần triều Hán Chiêu Đế (chi Cấn bộ thượng đẳng), Bộ Lễ quốc triều chính bản.
 Xưa Hùng Vương Sơn nguyên Thánh tổ khai vận mở đồ hơn hai mươi năm. Vua Hùng lập nước núi xanh vạn dặm, xây kinh đô Hùng, dựng nền cung điện, nước biếc thăm thẳm, bắt đầu đạo đế thánh vua minh, giúp vật giúp dân, thống nhất 15 bộ lấy tên là Bách Việt, là tổ tiên đầu tiên vậy.
Có thơ rằng:
Ban sơ Nam Việt từ Kinh Dương
Thống nhất núi sông mười tám vương
Mười tám đời truyền ngàn xưa đó
Vạn năm hương lửa vạn năm hương.
Truyền rằng:
Xưa nước Việt ta, Long Biên còn thuộc về Tây Hán. Bấy giờ có ông họ Đặng, tên húy là Vận, tổ tiên ngày trước đã được ban tước phong, đời nay kế thừa gia tài phúc ấm. Ông lấy vợ người bản quận, họ Tạ, tên húy là Cẩn, con nhà thi lễ, dòng dõi trâm anh, hai người rất xứng đôi. Thủa nhỏ ông rất tinh thông y thuật, thích làm điều thiện, vốn tính hay ban chẩn, giúp đỡ người nghèo, không ai là không giúp đỡ sinh sống, không vật nào bệnh tật mà không chăm dưỡng, từ việc nhỏ đến việc ác lớn đều không phạm, không có ý tư lợi cá nhân, được người địa phương đều nói là tích thiên thì gia đình sẽ gặp nhiều điều phúc.
Năm ông gần 60 tuổi, Tạ Thị đã ngoài 40 mà chưa có con trai. Về sau Tạ Thị nằm mơ thấy một con rắn tinh nhập vào mà có thai. Vào ngày 11 tháng 2 năm Giáp Ngọ, bà sinh được một cậu con trai, tướng mạo khác thường, thiên tư kỳ lạ. Năm lên 3 tuổi đã biết lễ nghĩa, thường hay kính nhường, theo học mà hiểu, nghe nhạc biết thẩm thấu. Lên 7 tuổi cho đi học, tinh thông kinh sử, rất giỏi võ nghệ, là một Cư sĩ đương thời. Sĩ tử ai nấy đều thán phục và gọi Ông là “Thánh đồng” (Thánh trẻ con). Năm 18 tuổi, cha mẹ qua đời. Ba năm phục tang xong, trong lòng ông thầm nghĩ phải lấy điển lễ lớn để dặn dạy sĩ dân.
Bấy giờ dân Giao Châu học hành chưa thấu, tam cương, cửu trù chưa biết thứ bậc. Ông liền thuận theo tự nhiên khuyên bảo những điều tốt lành. Nhờ đó mà dân biết được lễ nghĩa. Phong cách tốt đẹp của Nam châu có được cũng có công của Ông. Cảm phục sĩ dân mến mộ và cùng tôn ông làm Châu trưởng.
Thời Hán Chiêu Đế sai Chu Chương làm Thái thú Giao Châu. Chu Chương nghe danh tiếng Ông giáo hóa quy phục được dân chúng bèn dâng sớ tiến cử lên vua. Vua rất vui mừng, liền phong ông chức “Liệt Hầu”. Ông nhận mệnh đi xuống huyện ấp xem xét cuộc sống dân tình và phong cảnh nơi đây. Đến đạo Kinh Bắc (tên xưa là quận Bắc Giang), phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, trại Gia Lâm, thấy phong tục tập quán nơi đây còn lạc hậu, kỹ nghệ còn sơ sài, Ông liền truyền thiết lập một nơi tại trại Gia Lâm để dạy học cho nhân dân. Mới được một năm, nhân dân đều ngưỡng mộ kính phục.
Gặp lúc tù trưởng của 7 quận: Châu Nhai, Đam Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngung, Lộc Lĩnh, (Quế Lâm?) làm loạn, quấy nhiễu dân sinh. Vua nghe tin liền nói đình thần nào có thể dẹp yên sẽ cho làm Thái thú bản châu. Sầm Bành tiến cử ông có đức vọng, quy phục được lòng người, tất sẽ dẹp được. Vua bằng lòng lệnh ông cho cầm đầu châu đi dẹp loạn.
Ông tuyển chọn ở trại Gia Lâm được hơn 200 người, lại truyền hịch đi các quận huyện đến giúp thêm được vài vạn người. Ngay hôm đó tiến thẳng đến Cửu Chân, lệnh cho các tướng sĩ phân ra các đồn để giữ vững, không được khiêu chiến. Nhân đó, sai quan văn truyền hịch, khuyên cho họ hiểu tín nghĩa, bảo họ thấy rõ điều họa phúc. Giặc nghe thấy tỉnh ngộ bỏ binh khí, mũ giáp ra hàng, 7 quận giặc loạn đã được dẹp yên. Ông cho rút quân về phủ (tức đất Long Biên).
Từ khi ông làm Thái thú, hình phạt được giảm nhẹ, dân chúng đều được yên ổn làm ăn. Ông lại thong thả đến cung Gia Lâm, dạy cho dân hiểu về ân nghĩa và tình đoàn kết. Nhân dân thấy đó mà cảm phục bèn thưa với Ông “nơi đây ngày nay là học đường, ngày sau làm nơi phụng thờ”. Ông bằng lòng, rồi cùng sĩ tốt về châu phủ.
Tới thời Ai Đế gặp lúc Vương Mãng nổi loạn, Ông mang quân đi trấn giữ cửa ải. Quân ông đi đến An Nam, bất ngờ quân Hán kéo đến. Ông nói, quân Hán đang đánh nhau với Vương Mãng thì cớ gì lại kéo sang nước Nam, liền sai đóng cửa quan không cho vào. Tướng Hán rất tức giận sai phá cửa quan tiến thẳng vào. Ông thấy quân Hán thế rất mạnh, liền rút quân về châu phủ. Chẳng bao lâu quân Hán đến kịp, nhân lúc đêm tối, chúng bủa chặt vòng vây. Ông cưỡi ngựa cự chiến, thoát vòng vây chạy ra ngoài. Đến Long Biên, ông ngửa mặt lên trời mà than rằng: Kẻ bề tôi vì vua mà chết, không có hai lòng, ta đến nông nỗi này có lẽ chỉ có trời mới hiểu vậy! Rồi quay lại không nhìn thấy Long Biên mà hóa (nhằm ngày 10/8). Một dải sông rộng nổi sôi sóng, giao long đưa tiễn.  Quân Hán kinh sợ quay đầu chạy.
Việc này đến tai vua, vua sai sứ giả đến cúng tế ở đất Long Biên, phong làm phúc thần, cho người dân trong phủ lập miếu thờ, cùng với các nơi như Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, Hải Dương, Gia Lâm, là những nơi Ông đã có công giáo hóa nhân dân, đều đón mĩ tự về phụng thờ.
Đến vua Bình Đế nghe sự tích của Ông có công giúp Hán đã sai sứ giả sắc phong Nhất phong Tế thế Hộ quốc Cư sĩ Đại vương.
Tới tời Trần Thái Tông, giặc Nguyên xâm phạm, kinh thành bị vây. Trần Quốc Tuấn phụng mệnh cầu đảo bách thần, các đền miếu đều ghé qua, tới đạo Kinh Bắc, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, khu Gia Lâm (thời Trần là trang), ban đêm trú trong miếu thần, cầu thần âm phù dẹp giặc, sẽ phong là thượng đẳng thần.
Tới cuối canh tư Quốc Tuấn Công chợp mắt, bỗng mơ thấy một ông lão đầu bạc trắng tiến đến, tự xưng là Cư sĩ linh thần, nói rằng: ta là chính khí của Bắc triều, vết lưu của nước Nam, học vấn phong phú 5 xe, con đường sự nghiệp có thể coi là thành đạt, nay nghe tướng quân sang Đông dẹp giặc, tự nguyện theo âm phù giúp phép lập công, xin chớ lo lắng. Dứt lời thì biến mất trong không gian bao la. Tướng công tỉnh dậy, nhớ lại giấc mộng có thần thiêng hiển hiện trợ giúp, định ngày lành bái tạ, về lại kinh đô mà xuất chiến ở sông Bạch Đằng. Bỗng thấy trời đất mờ tỏ, gió to sóng lớn xuất hiện, quân tướng xuất hiện, thần linh phát động rắn rồng nổi lên mặt nước. Trần Quốc Công vung đao xông trận, Mã Nhi thua to, chém được tướng cầm đầu, còn tì tướng đầu rơi cả vạn, máu chảy thành sông, thây chất như núi.
Trừ hết giặc Nguyên, Trần Quốc Công về tâu lên Thái Tông rằng dẹp giặc Nguyên là có sự trợ giúp của thần. Thái Tông liền gia phong Âm phù Nhất vị Đương cảnh Thành hoàng Hộ pháp Cư sĩ Đại vương Hưng quốc Đồng hưu Vĩnh vi Kỳ vũ, kính vậy.
Truyền rằng: Từ đó về sau, đều linh thiêng hiển ứng, cho nên được nhiều các bậc đế vương phong thêm mĩ tự.
Đến đời Vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa dẹp giặc Minh Liễu Thăng, lấy được thiên hạ, Thái Tổ liền phong thêm: “Nhất vị Phổ tế Cương nghị Anh linh”. Sắc chỉ ban cho trang Gia Lâm trùng tu miếu điện để phụng thờ Ngài một cạnh trọng thể.
Phụng khai các tiết ngày sinh, ngày hóa cùng chữ húy “Vận, Cẩn, Cư sĩ” nhất thiết cấm. Cho phép trang Gia Lâm được phụng thờ.
Nhất sinh Thần ngày 11 tháng 2, theo lệ chính: lễ dùng trên mâm chay, dưới thịt lợn đen, xôi, rượu, ca hát, 3 ngày thì dừng.
Nhất hóa Thần ngày mùng 10 tháng 08, chính lệ lễ dùng trên mâm chay, dưới trâu lợn, xôi, rượu, bánh dày.
Nhất lệ khi làm lễ mừng cầu phúc ngày 10 tháng 3, lễ dùng trên mâm chay, dưới tùy nghi hành lễ, ca hát mười ngày thì dừng.
Ngày lành tháng Giêng mùa Xuân năm Hồng Phúc nguyên niên bậc bề tôi Đại học sĩ Đông các của Viện Hàn Lâm là Nguyễn Bính phụng soạn bản chính.
Ngày lành tháng đầu Thu Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ 6 bậc bề tôi là quan Bộ Lại Nội các, tuân theo bản chính cũ viết.

 

Thần tích Giao Châu Đặng thái thú ở trang Triền Đổ, Hải Dương

Đình làng Lý Đỏ, xã Tân Việt, huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương hiện còn lưu được một tấm bia đá khắc sự tích vị thần được thờ ở làng, là một vị họ Đặng, làm Thái thú Giao Châu dưới thời Tây Hán, có công dạy học cho nhân dân và dẹp loạn ở bảy quận Giao Châu.

IMG_5144

TÔN THẦN SỰ TÍCH BI CHÍ 尊神事迹碑誌

Hán Chiêu đế triều công thần nhất vị đại vương phổ lục (cấn chi bộ thượng đẳng) quốc triều lễ bộ chính bản.
Tích Hùng Vương Sơn nguyên Thánh tổ khải vận ưng đồ nhị thập niên dư. Hùng Vương kiến quốc thanh sơn vạn lý, sáng hùng đô cung điện chi cơ, bích thủy nhất hoằng, khải thánh đế minh vương chi đạo, độ vật tế nhân, thống thập ngũ bộ hiệu chi Bách Việt, vi triệu tổ yên.
Hựu thi vân:
Sơ khai Nam Việt tự Kinh Dương
Nhất thống sơn hà thập bát vương
Thập bát thế truyền thiên cổ tại
Ức niên hương hỏa ức (niên?) phương.
Tức thuyết:
Việt tích Tây Hán thời nội địa Long Biên do thuộc ngã quốc gian, hữu Đặng Công húy Vận, kì tiên thụ phong thế thừa tư ấm, phối bản quận nhân Tạ Thị húy Cẩn, truyền gia thi lễ lũy thế trâm anh, sở vị đương môn nhi phối. Công khóa đồng pha tinh y thuật, lạc hành thiện sự hảo chẩn tế.
Công niên cận ngũ tuần, Tạ Thị tứ thập dư nữ hữu sổ nhân, nam tử thượng vãn. Hậu chí Giáp Ngọ niên bát nguyệt thập nhất nhật sinh hạ nhất nam, tướng mạo thù thường, thiên tư dĩnh dị, tam tuế tri lễ nghĩa, thường năng kính nhượng, văn học nhi tri, minh âm nhi thẩm. Thất tuế nhập học nãi mệnh danh viết Thiện Quang. Thập hữu tam tuế thông sử tử pha tri vũ nghệ. Đương thần sĩ tử đa thán phục chi cộng xưng vi “thánh đồng”.
Thập hữu bát tuế khảo tỉ giai thư lạc hĩ. Tam niên tang tất, Công tiềm tâm phần điển giáo hối sĩ dân. Văn Giao Châu giáo hóa vị minh cương trù vị tự. Công tuần tuần nhiên yên dụ chi nhi hậu dân tri lễ nghĩa dã. Nam châu hoa phong công chi Công dã. Dân giai mộ chi cộng thôi vi Châu trưởng.
Thời Hán Chiêu Đế mệnh Chu Chương vi Giao Châu thái thú. Chương văn Công giáo hóa phục nhân vi chi sớ cử Hán đế đại hỉ chi phong “liệt hầu”.
Công ký thụ mệnh hành huyện ấp, quan dân phong thích chí Hải Dương đạo (tích hiệu Hồng Châu) Thượng Hồng phủ, Đường An huyện, Triền Đổ trại, kiến dân phong phác lậu, học thuật quả văn, nãi truyền thiết lập học đường dĩ giáo văn tự. Tài nhất niên dân giai mộ chi.
Trị Châu Nhai, Đam Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngu, Lộc Lãnh (Quế Lâm?) thất quận thương trưởng tác loạn, tao động dân sinh. Đế văn chi tư đình thần trù năng liễu? thử dĩ vi bản châu Thái thú. Sầm Bành cử Công đức vọng phục nhân tất năng an tập. Đế hứa chi mệnh vi châu thủ sử Công bình tặc.
Công tuyển đắc cường tráng bản trang nhị thập bát nhân, di hịch chư quận huyện lai phụ giả dĩ vạn sổ, khắc nhật trực đảo Cửu Chân, mệnh tướng sĩ phân truân kiên thủ bất đắc thiêu chiến. Nhân khiển văn lại di hịch luận chi hiểu dĩ tín nghĩa kì dĩ họa phúc. Tặc văn chi cảm ngộ thúc giáp lai hàng. Thất quận cáo bình. Công toại chấn lữ hoàn phủ (tức Long Biên địa).
Tự công vi Thái thú hình phạt thanh tỉnh, dân giai an nghiệp. Công hạ phục nghệ vu Triền Đổ trang hành tại hiểu nhân dĩ ân nghị. Dân giai bái tạ, thỉnh nhân thử kim vi học đường hậu vi tự sở. Công hứa chi toại dữ sĩ tốt quang tịnh hồi châu phủ sử đại trí cống vu Hán đế.
Thời Công niên thất tuần nhất nhật tọa phủ đường hốt kiến xích quang tự thân trung phi xuất đằng không tự biến tức nhật vô bệnh nhi một hĩ (thời Bính Ngọ niên nhị nguyệt sơ thập nhật).
Nhân dân gia thần sĩ tốt giai đại kinh nãi hành biểu tấu vu Hán đế, toại dĩ sự văn chi khiển sử dụ tế vu thử địa (Long Biên), sắc phong phúc thần, chuẩn hứa phủ dân lập miếu tự chi dư như Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, Hải Dương, Triền Đổ đẳng xứ thường bị Công giáo hóa giả giai nghênh mĩ tự hồi dân lập miếu tự chi.
Hất chí Hán Bình Đế danh tích biểu kiến vu Hán hữu công, nãi khiển sử sắc phong nhất phong bản cảnh thành hoàng Đông biên Uy quốc Duệ trí Anh linh Thiện quang Tự công Linh phù Tôn thần, chuẩn hứa Triền Đổ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, Hải Dương chư từ ? gian phụng sự.
Chí Tống Thái Bình gian khiển Hầu Nhân Bảo ? tướng binh nhị thập vạn thủy lục tịnh tiến ? đạo Nam xâm. Thời Lê Đại Hành tự tướng đại phát tinh binh thập vạn cự chiến, tiến chí Thượng Hồng phủ Đường An huyện chu binh viết thủy khiển tiến chí đế dữ tướng suất nhập vu thử từ (miếu?) chí túc vu thần từ chi thần âm phù thảo tặc Hầu, bình gia phong Thượng đẳng.
Minh nhật đề binh xuất chiến Nguyên binh quả (hiệu?) kỳ tướng Nhân Bảo cập khâm ? đẳng giai tựu hí hựu
? đại tướng Biện. Phụng huân hoàn kinh sư khải hoàn, hậu hưởng tướng sĩ, nhân vị viết Nguyên tặc tảo bình diệc lại vu âm phù mặc trợ toại gia phong bách thần, nhất phong Thiện Quang Tế thế Hộ quốc Tí dân Phù vận Dương vũ Dực thánh Bảo cảnh Hiển hỗ Hậu đức Chí nhân Phu cảm Hiển ứng Triệu mưu Tá tỵ Thiện văn Bác tể Phổ thí Từ huệ Hậu ân Hoành mô Viễn lược Cương nghị Đốc thật Thùy hưu Quả đoạn Hùng nghị Phúc diễn Thông minh Duệ trí Hùng (?) Dũng quyết Anh uy Linh cảm Diệu thông Hùng kiệt đại vương.
Tức thuyết: Tự thử dĩ hậu giai nhẫm trứ linh ứng cố đa hữu niên vương gia phong mĩ tự.
Đãi chí Trần Thái Tông thời Nguyên Khương lai xâm, kinh thành bị hãm. Trần Quốc Tuấn mệnh kỳ đảo bách thần các chư từ, kinh nhất vị đại vương diệc hữu hiển ứng âm phù cập bình đắc Mã Nhi tặc. Thái Tông nãi hoài phong mĩ tự Nhất vị Đại vương Linh ứng Anh triết Hiển hữu Trợ thuận.
Kỵ chí Lê Thái Tổ khởi nghiệp bình Minh Mộc Liễu Thăng, cập đắc thiên hạ. Thái Tổ nãi gia phong Nhất vị Phổ tể Cương nghị Anh linh, sắc chỉ ban Triền Đổ trại trọng tu miếu điện dĩ phụng chi y thứ hưu tai.
Hoàng triều Cảnh Hưng niên gian toại gia phong Duyên phúc Tích khánh.
Phụng khai sanh hóa các tiết dữ húy tự thiết cấm Thiện Quang, chuẩn hứa Triền Đổ trại tự chi.
Nhất sinh thời bát nguyệt thập nhất nhật chính lệ nhập biển tự sơ lục nhật lệ hữu khai đình, lễ mộc dục, lễ dụng thượng trai bàn, hạ sinh mễ tế tửu, bạch viên bính, xướng ca, chí nhất thập nhất nhật tức chỉ.
Nhất hóa thần nhị nguyệt sơ thập nhật chính lệ, lễ dụng thượng trai bàn, hạ tùy nghi hành lễ xướng ca tịnh cấm.
Hồng Phúc nguyên niên mạnh xuân cát nhật Hàn Lâm Lễ Viện Đông Các đại học sĩ thần Nguyễn Bính phụng soạn chính bản.
Hoàng triều Vĩnh Hữu lục niên thu nguyệt cát nhật, Nội các Lại bộ tái tuân cựu chính bản phụng.
Vi Duy Tân nhị niên lục nguyệt nhị thập tứ nhật phụng tuyên.

Dịch nghĩa:
Bản phả lục một vị đại vương công thần triều Hán Chiêu Đế (chi Cấn bộ thượng đẳng), Bộ Lễ quốc triều chính bản.
Xưa Hùng Vương Sơn nguyên Thánh tổ khai vận mở đồ hơn hai mươi năm. Vua Hùng lập nước núi xanh vạn dặm, xây kinh đô Hùng, dựng nền cung điện, nước biếc thăm thẳm, bắt đầu đạo đế thánh vua minh, giúp vật giúp dân, cai quản 15 bộ lấy tên là Bách Việt, là tổ tiên đầu tiên vậy.
Có thơ rằng:
Ban sơ Nam Việt từ Kinh Dương
Thống nhất núi sông mười tám vương
Mười tám đời truyền ngàn xưa đó
Vạn năm hương lửa vạn năm hương.
Truyền rằng:
Xưa nước Việt ta, Long Biên còn thuộc về Tây Hán. Bấy giờ có ông họ Đặng, tên húy là Vận, tổ tiên ngày trước đã được ban tước phong, đời nay kế thừa gia tài phúc ấm. Ông lấy vợ người bản quận, họ Tạ, tên húy là Cẩn, con nhà thi lễ, dòng dõi trâm anh, hai người rất xứng đôi. Thủa nhỏ ông rất tinh thông y thuật, thích làm điều thiện, vốn tính hay ban chẩn, giúp đỡ người nghèo.
Năm ông gần 50 tuổi, Tạ Thị đã ngoài 40, sinh được mấy người con gái mà chưa có con trai, về sau, vào ngày 11 tháng 8 năm Giáp Ngọ, bà sinh được một cậu con trai, tướng mạo khác thường, thiên tư kỳ lạ. Năm lên 3 tuổi đã biết lễ nghĩa, thường hay kính nhường, theo học mà hiểu, nghe nhạc biết thẩm thấu. Lên 7 tuổi cho đi học, liền đặt tên là Thiện Quang. Năm 13 tuổi, tinh thông kinh sử, rất giỏi võ nghệ, sĩ tử đương thời ai lấy đều thán phục và khen là “Thánh đồng” (Thánh trẻ con).
Năm 18 tuổi chẳng may cha mẹ
qua đời. Ba năm phục tang xong, trong lòng ông thẩm nghĩ phải lấy điển lễ lớn để dặn dạy sĩ dân. Bấy giờ dân Giao Châu học hành chưa thấu, tam cương, cửu trù chưa biết thứ bậc, ông liền thuận theo khuyên bảo những điều tốt lành. Nhờ đó mà dân biết được lễ nghĩa. Phong cách tốt đẹp của Nam Châu có được cũng có công của ông. Cảm phục sĩ dân mến mộ và cùng tôn ông làm Châu trưởng.
Lúc này, Hán Chiêu Đế sai Chu Chương làm Thái thú Giao Châu. Chu Chương nghe danh tiếng ông giáo hóa quy phục được dân chúng bèn dâng sớ tiến cử lên vua. Vua rất vui mừng, liền phong ông chức “Liệt Hầu”. Ông nhận mệnh đi xuống huyện ấp xem xét cuộc sống dân tình và phong cảnh nơi đây. Đến trại Triền Đổ, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, đạo Hài Dương (xưa gọi là Hồng Châu), thấy phong tục tập quán nơi đây còn lạc hậu, kỹ nghệ còn sơ sài, ông liền truyền cho nhân dân thiết lập một học đường để dạy học cho nhân dân. Mới được một năm, nhân dân đều ngưỡng mộ kính phục.
Gặp lúc tù trưởng của 7 quận: Châu Nhai, Đam Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngung, Lộc Lĩnh, (Quế Lâm?) làm loạn, quấy nhiễu dân sinh. Vua nghe tin liền nói đình thần nào có thể dẹp yên sẽ cho làm bản châu Thái thú. Sầm Bành tiến cử ông có đức vọng, quy phục được lòng người, tất sẽ dẹp được. Vua bằng lòng lệnh ông cho cầm đầu châu đi dẹp loạn.
Ông tuyển chọn trai tráng của bản trang được 28 người, lại truyền hịch đi các quận huyện đến giúp thêm được vài vạn người. Ngay hôm đó tiến thẳng đến Cửu Chân, lệnh cho các tướng sĩ phân ra các đồn để giữ vững, không được khiêu chiến. Nhân đó, sai quan văn truyền hịch, khuyên cho họ hiểu tín nghĩa, bảo họ thấy rõ điều họa phúc. Giặc nghe thấy tỉnh ngộ bỏ binh khí, mũ giáp ra hàng, 7 quận giặc loạn đã được dẹp yên. Ông cho rút quân về phủ (tức đất Long Biên).
Từ khi ông làm Thái Thú, hình phạt được giảm nhẹ, dân chúng đều được yên ổn làm ăn. Ông lại thong thả đến học đường ờ trang Triền Đổ, dạy cho dân hiểu về ân nghĩa và tình đoàn kết. Nhân dân thấy đó mà cảm phục bèn thưa với ông “nơi đây ngày nay là học đường, ngày sau làm nơi phụng thờ”. Ông bằng lòng, rồi cùng sĩ tốt về châu phủ, sai người thay tiến cử lên Hán Đế.
Năm đó ông vừa tròn 70 tuổi. Một hôm, ông đang ngồi tại phủ đường, bỗng một ánh sáng đỏ bay lên không trung rồi biến mất. Hôm đó là ngày 10 tháng 02 năm Bính Ngọ. Nhân dân, gia thần, sĩ tốt đều rất hoảng sợ, bèn làm biểu tâu lên Hán Đế. Đế liền sai sứ về dụ tế tại nơi đất này (Long Biên) và ban sắc phong phúc thần. Cho phép dân trong phù lập miếu phụng thờ. Còn các nơi như Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, Hải Dương, Triền Đổ là những nơi do ông giáo hóa đều đón mỹ tự về phụng thờ.
Đến thời Hán Bình, vua biết được danh tiếng cúa ông có công lao với nhà Hán, liền sai sứ mang sẳc đến phong tặng cho ngài là: “Bản cảnh Thành hoàng Đông biên Uy quốc Duệ trí Anh linh Thiện quang Tự công Linh phù tôn Thần”. Cho phép Triền Đổ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, Hải Dương các nơi cùng thờ phụng.
Đến đời nhà Tống, niên hiệu Thái Bình, vua Tống sai bọn Hầu Nhân Bảo mang 20 vạn quân thủy bộ sang xâm chiếm nước ta. Vua Lê Đại Hành tự mình mang 10 vạn quân tinh nhuệ đến cự chiến với giặc. Quân ta tiến đến huyện Đường An, phủ Thượng Hồng thì gặp quân Tống theo đường thủy kéo vào. Vua cùng tướng soái bèn cho quân vào đền Thần ở bên sông trú binh. Đêm cầu khấn Thần âm phù giúp đánh giặc, sau khi dẹp yên quân giặc sẽ tấn phong “Thượng đẳng”. Sáng hôm sau đề binh xuất chiến, quân giặc Nguyên quả nhiên bị thất bại nặng nề. Tướng Hầu Nhân Bảo cùng các tướng và quân giặc đều bị giết, bắt sống được đại tướng Biện. Quân ta chiến thắng trở về.
Sau đó, Vua khao thưởng tướng sĩ, nhân đó nói rằng: “Quân giặc Nguyên sớm dẹp được yên là nhờ có Thần âm phù trợ giúp”, gia phong cho thần là: Thiện Quang Tế thế Hộ quốc Tí dân Phù vận Dương vũ Dực thánh Bảo cảnh Hiển hỗ Hậu đức Chí nhân Phu cảm Hiển ứng Triệu mưu Tá tỵ Thiện văn Bác tế Phổ thí Từ huệ Hậu ân Hoành mô Viễn lược Cương nghị Đốc thật Thùy hưu Quả đoán Hùng nghị Phúc diễn Thông minh Duệ trí Hùng (?) Dũng quyết Anh uy Linh cảm Diệu thông Hùng kiệt đại vương.
Truyền rằng: Từ đó về sau, đều linh thiêng hiển ứng, cho nên được nhiều các bậc đế vương phong thêm mỹ tự.
Đến thời Trần Thái Tông, giặc Nguyên Khương xâm lấn nước ta, kinh thành bị vây hãm. Trần Quốc Tuấn phụng mệnh cầu đảo bách thần ờ các đền, Đại vương cũng linh thiêng ứng hợp âm phù, dẹp tan được giặc Mã Nhi, Thái Tông bèn phong mỹ tự: “Nhất vị Đại vương Linh ứng Anh triết Hiển hựu Trợ thuận”.
Đến đời Vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa dẹp giặc Minh, chém tướng Mộc Liễu Thăng, lấy được thiên hạ, Thái Tổ liền phong thêm: “Nhất vị Phổ tế Cương nghị Anh linh”. Sắc chỉ ban cho trại Triền Đổ trùng tu miếu điện để phụng thờ Ngài.
Hoàng triều Cảnh Hưng (1740 – 1786), được phong thêm “Diên phúc tích khánh”.
Phụng khai các tiết ngày sinh, ngày hóa cùng chữ húy “Thiện Quang” nhất thiết cấm. Cho phép trại Triển Đổ được phụng thờ.
Nhất sinh Thần ngày 11 tháng 8, theo lệ chính: Từ ngày mùng 6 mở cửa đình, lễ mộc dục (tắm gội); lễ dùng trên mâm chay, dưới thịt, xôi, rượu, bánh dầy, ca hát, đến ngày 11 thì dừng.
Nhất hóa Thần ngày mùng 10 tháng 02, chính lệ lễ dùng trên mâm chay, dưới tùy nghi hành lễ, cấm ca hát.
Ngày lành tháng Giêng mùa Xuân năm Hồng Phúc nguyên niên bậc bề tôi là Đại học sĩ Đông các của Viện Hàn Lâm – Nguyễn Bính phụng soạn bản chính. Ngày lành tháng đầu Thu – Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ 6 bậc bề tôi là quan Bộ Lại Nội các, tái tuân theo bản chính cũ phụng viết.
Ngày 24 tháng 6 năm Duy Tân thứ 2 cung kính phụng khắc bia./.

Nho văn:
漢昭帝朝功神一位大王譜籙(艮支部上等)国朝礼部正本
昔雄王山原聖祖啟運膺圖二十年餘雄王建国青山萬里創雄都宫殿之基碧水一泓啟聖帝明王之道以度物濟人統十五部號之百越為肈祖焉
又詩云
初開南越自涇陽
一統山河十八王
十八世傳千古在
億年香火億(年)芳
却説
粤昔西漢辰內地竜編猶属我国間有鄧公諱運其先受封世承姿蔭配本郡人謝氏諱謹傳家詩礼累世簪纓所謂當門而配公課童頗精醫術樂行善事好賑济
公年近五旬謝氏四十餘女有数人男子尚晚後至甲午年八月十一日生下一男相貌殊常天資穎異三歲知禮義常能敬讓聞學而知明音而審七歲入學乃命名曰善光十有三歲通史子頗知武藝當辰士子多嘆服之共稱為聖童十有八歲考妣皆狙落矣三年喪畢公潛心墳典教誨士民聞交州教化未明綱疇未叙公循循然焉誘之而後民知禮義也南州華風公之功也
民皆暮之共推為州長辰漢昭帝命周章為交州太守章聞公教化服人為之疏舉漢帝大喜之封列侯
公既受命行縣邑觀民風適至海陽道(昔号洪州)上洪府唐安縣繵堵寨見民風樸陋學術寡聞乃傳設立學堂以教文字纔一年民皆慕之
值珠儋耳蒼梧廣信番禺麓冷(?)七郡商長作乱騷動民生帝聞之咨廷臣疇能(了?)此以為本州太守岑彭舉公德望服人必能安集帝許之命為州守使公平賊
公選得强壯本庄二十八人移檄諸郡縣來附者以萬数刻日直擣九真命將士分屯坚守不得挑戰因遣文吏移檄論之曉以信義示以祸福賊聞之感悟束甲來降七郡告平公遂振旅還府(即龍編地)
自公為太守刑罰清省民皆安業公暇復詣於纏堵庄
行在曉人以恩誼民皆拜謝請因此今為學堂後為祀所公許之遂與士卒光並回州府使代致貢于漢帝
辰公年七旬一日坐府堂忽見赤光自身中飛出騰空自変即日無病而没矣辰(丙午年二月初十日)
人民家臣士卒皆大驚乃行表奏于漢帝遂以事聞之遣使諭祭于此地(竜編)敕封福神準許府民立廟祀之餘如九真南海日南海陽纏堵等處常被公教化者皆迎美字囬民立庙祀之
迄至漢平帝名績表見於漢有功乃遣使敕封一封本境城隍東邊威国睿智英灵善光字公灵扶尊神準許瀍堵九真南海日南海陽諸祠?間奉事
至宋太平間遣侯仁宝?将兵二十萬水陸並進?道南侵辰黎大行自将大發精兵十萬拒戰進至上洪府唐安縣週兵曰水遣進至帝與将帥入于此祠(庙?)至宿于神祠祗神陰扶討賊侯平加封上等明日提兵出戰元兵果(𪵊?)其将仁宝及欽?等皆就戲又𫉬大将卞奉勲還京師凱還後享将士因謂曰元賊早平亦賴於陰扶黙助遂加封百神一封善光濟世護国庇民扶運揚武翊聖保境顯祜厚德至仁孚感顯應肇謀佐𨐓善文博济普施慈惠厚恩宏謨遠畧剛毅篤寔垂休果断雄毅福衍聰明睿知雄勇厥英威灵感妙通雄傑大王
却説自此以後皆稔著灵應故多有年王加封美字
迨至陳太宗辰元羌來侵京城被陷陳国俊命祈禱百神各諸祠經一位大王亦有顯應陰扶及平得馬兒賊太
宗乃褱封美字一位大王灵應英蜇顯佑助順曁至黎太祖起業平明木柳昇及得天下太祖乃加封一位普济剛毅英灵勅旨頒瀍堵寨重修庙殿以奉之猗次休哉
皇朝景興年間遂加風延福錫慶
奉開生化各节與諱字切禁善光準許纏堵寨祀之
一生辰八月十一日正例入扁自初六日例有開庭礼沐浴礼用上齊盘下牲粢酒白圓餅唱歌至一十一日即止
一化神二月初十日正例礼用上齊盘下随宜行礼唱歌並禁
鴻福元年孟春吉日韩林礼院東阁大學士臣阮炳奉撰正本
皇朝永佑六年秋月吉日內阁吏部再遵舊正本奉
為維新二年六月二十四日奉鐫

Hindu giáo trong văn hóa Việt cổ

Ảnh hưởng của Ấn Độ đến văn hóa Việt tưởng chừng bắt đầu sớm nhất là Phật giáo. Chứng tích thường được dẫn một cách “chắc chắn” là chuyện Man Nương và Phật Tứ Pháp dưới thời Sỹ Nhiếp. Tuy nhiên, thực tế Phật giáo không phải là tín ngưỡng sớm nhất đến nước ta từ Ấn Độ.

duong long
Tháp Dương Long ở Tây Sơn, Bình Định, gồm 3 tháp thờ bộ ba vị thần Hindu giáo là Brahma, Visnu và Shiva.

Truyện Dạ Xoa Vương trong Lĩnh Nam chích quái:
Xưa về thời thượng cổ, ngoài nước Âu Lạc của nước Nam Việt có nước Diệu Nghiêm, hiệu là Dạ Xoa Vương, có người gọi là Trường Minh Vương, có người gọi là Thập Đầu Vương. Nước ấy phía Bắc giáp nước Hồ Tôn Tinh. Nước Hồ Tôn Tinh gọi là Thập Xoa Vương, Thái tử gọi là Vy Tư.
Vợ Vy Tư gọi là Bạch Tinh Hậu Nương, dung mạo mỹ lệ, đời ít ai có; Dạ Xoa Vương nghe tiếng mà thích bèn đem dân chúng vây đánh nước Hồ Tôn Tinh, bắt được nàng Bạch Tinh Hậu Nương.
Vy Tư giận mới thắng lĩnh bọn di hậu dẹp núi lấp biển hết thảy hóa ra đất bằng, phá nước Diệu Nghiêm, giết Dạ Xoa Vương, lại đem nàng Tinh Hậu trở về.
Nước Hồ Tôn Tinh là tinh của loài khỉ bây giờ là nước Chiêm Thành vậy.
Truyện này chép rằng nước Nam Việt – Âu Lạc là một nước, song song cùng thời với nước Văn Lang (mà biên giới phía Nam giáp Hồ Tôn). Điều này chứng tỏ Văn Lang và Âu Lạc là tên của cùng một quốc gia thời Hùng Vương mà thôi. An Dương Vương lập nước Âu Lạc cũng là Hùng Vương dựng nước Văn Lang.

da xoa duong long
Hình chạm đá các Dạ Xoa trên tháp Dương Long ở Tây Sơn, Bình Định.

Phía Nam của nước Văn Lang – Âu Lạc có nước Hồ Tôn. Câu chuyện thái tử Vy Tư nhờ khỉ tinh cứu vợ Bạch Tinh Nương dễ thấy là mang bóng dáng của sử thi Ramayana, kể về chuyện giữa chàng Rama và nàng Sita.
Vợ Rama, nàng Sita, tình nguyện theo Rama vào rừng sống ẩn, luyện tập võ nghệ. Quỷ vương Ravana ở đảo Lanka lập mưu cướp nàng Sita đem về làm vợ. Hắn dụ dỗ và ép buộc nàng nhưng nàng đã kịch liệt chống cự. Mất Sita, Rama đau buồn khôn xiết. Chàng quyết tâm cứu bằng được vợ trở về. Trên đường đi, Rama gặp và giúp đỡ vua khỉ Xugriva, sau đó chàng được tướng khỉ Hanuman cùng đoàn quân khỉ giúp. Cuối cùng Rama cũng c­ứu được Sita.
Rama là một hóa thân của thần bảo tồn Visnu, một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo. Có thể tên gọi Trường Minh Vương cùng nghĩa với thần bảo tồn – Visnu.

khuong my
Hình khỉ trên tháp Khương Mỹ (Quảng Nam).

Hình tượng khỉ gặp trên trang trí các tháp Chăm cổ ở Quảng Nam như ở Trà Kiệu hay Khương Mỹ.
Phía Nam của nước Hồ Tôn là nước Dạ Xoa của Thập Đầu Vương. Dạ Xoa là bộ chúng của thần quỷ Kubera. Cũng có chỗ Dạ Xoa đồng nghĩa với quỷ La Sát (Rakshasa). Thủ lĩnh của quỷ La Sát là Ravana có 10 đầu, là kẻ thù của Rama đã bắt cóc nàng Sita trong sử thi Ramayana. Như thế Thập Đầu Vương là hình tượng của chúa quỷ La Sát Ravana. Và Truyện Dạ Xoa Vương hoàn toàn khớp với sử thi Ramayana.

300px-ravanaChúa quỷ La Sát Ravana (ảnh internet).

Truyện Dạ Xoa Vương cho biết Hindu giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc đến vùng Trung Bộ và Nam Trung Bộ Việt từ thời Hùng Vương. Còn ở miền Bắc Việt liệu có ảnh hưởng của tôn giáo này không?
Dấu chứng rõ ràng của đạo Hindu – Bà La Môn ở Bắc Việt là Truyện Man Nương. Dưới thời Sỹ Nhiếp, vị đạo sĩ Bà La Môn đến từ Ấn Độ tên là Khâu Đà La đã có quan hệ với một người con gái địa phương là Man Nương, từ đó sinh ra 4 vị thần Tứ Pháp là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Tứ pháp được thờ và cầu mưa trong tín ngưỡng dân gian ở miền Bắc Việt.
Vị thần mưa trong Hindu giáo là thần Indra. Còn gọi là thần Đế Thích. Vị này có màu sắc chủ đạo là màu nâu đỏ, nay còn thấy trong việc thể hiện của tục thờ Tứ pháp dùng màu mận chín cho các tượng thờ.
Thần Indra còn có các tên Hán là Kiều Thi Ca (Kaucika) và Nhân Đà La. Có thể thấy những cái tên này rất gần với tên Khâu Đà La trong Truyện Man Nương.
Một trong những tính chất của thần Indra là tính thác loạn. Tính chất này cũng thể hiện trong quan hệ với Man Nương, sinh ra đứa bé gái. Hoặc truyền thuyết dân gian vùng Thuận Thành kể về thần Thạch Quang ban đêm thường xuyên hiện hình cưỡng hiếp phụ nữ ở trong làng. Hình của Thạch Quang Phật ở chùa Dâu được nhiều người nhận xét rằng đó là một dạng Linga. Mà Linga là biểu tượng của thần Shiva trong Hindu giáo. Đây là bằng chứng rất rõ ràng rằng tục thờ Tứ Pháp ở Bắc Việt chính là đạo Hindu.

p1150359
Tượng Thiên Vương trong tháp Hòa Phong của chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Đặc biệt là hình ảnh Tứ pháp cầu mưa tương ứng với hình tượng hộ pháp Tứ đại Thiên Vương của Hindu giáo.  Trong truyện Phong thần diễn nghĩa, Tứ đại thiên vương được coi là bốn vị thần cai quản mưa thuận gió hóa – “Phong Điều Vũ Thuận” gồm Nam phương Tăng Trưởng Thiên Vương, Đông phương Trì Quốc Thiên Vương, Bắc phương Đa Văn Thiên Vương và Tây phương Quảng Mục Thiên Vương. Như vậy chức năng làm mưa làm gió của các vị thiên vương này đã chuyển vào văn hóa Việt dưới dạng thần Tứ pháp.
Ở chùa Dâu, tượng Tứ đại thiên vương được đặt bên trong tháp Hòa Phong. Tên tháp Hòa Phong cùng một nghĩa với cầu mưa thuận gió hòa.

cuu chua dau
Con “cừu” ở chùa Dâu.

Trước tháp Hòa Phong ở chùa Dâu và lăng Sỹ Nhiếp tại Thuận Thành, Bắc Ninh có tượng con cừu đá. Con cừu đá này tương truyền là của Khâu Đà La.

bo nandi
Bò Nandi trước đền Preah Ko ở Strung Treng (Cambodia).

Thực ra đây là hình ảnh bò thần Nandi, vật cưỡi của thần Shiva trong Hindu giáo. Hình ảnh con vật nằm phục 4 chân là đặc trưng của bò thần Nandi. Ở Ấn Độ có loại bò sừng cong vặn xuống tương tự như tượng ở chùa Dâu. Bản thân thần Indra cũng có hóa thân là con bò đực.

shiva chua dauTượng sáu tay ở chùa Đậu.

Thêm một liên hệ nữa là ở chùa Đậu (Thường Tín) người dân đã tìm thấy một bức tượng lạ, hình dáng như một đạo sĩ đang ngồi thiền, nhưng lại có 6 cánh tay. Đây không phải là một vị bồ tát hay Quan Âm vì vị này đội mũ như đạo sĩ và không ngồi trên tòa sen. Nhiều khả năng bức tượng này thể hiện một vị thần của Hindu giáo, có thể là thần Shiva.

shiva chien dan
Tượng thần Shiva cưỡi trên con bò thần ở tháp Chiên Đàn (Quảng Nam).

Như vậy, Truyện Man Nương dưới thời Sỹ Nhiếp là dấu ấn sâu sắc của Hindu giáo chứ không phải đạo Phật. Rất nhiều hình tượng của Hindu giáo sau này được thấy trong điêu khắc thời Lý Trần như hình chim thần Garuda (Kim Sỉ Điểu), người chim Kinara (Khẩn Na La), nhạc công thiên thần Ganharva (Cát Thàn Bà) hay vũ nữ Apsara chưa chắc đã là ảnh hưởng của văn hóa Chăm, mà có thể chúng đã sớm xuất hiện trong văn hóa Việt từ những năm đầu Công nguyên.

 

 

 

 

Các vị Nam Giao học tổ bên sông Hát

Bản thần tích đình Nga My Thượng (Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội) được sao y bản chính từ bản thần tích lưu giữ ở Đền Hùng vào năm Thành Thái thứ 11 kể về 2 vị thành hoàng làng là Thiện Nguyên và Quang Lai như sau:
Thời Long Biên nước ta còn nội thuộc vua Hán Chiêu Đế. Bấy giờ có ông họ Đặng, tên húy là Vận, tổ tiên được tước phong, con cháu nối đời tập ấm. Ông lấy người trong quận họ Tạ, tên huý là Thị Cẩn, cũng là con nhà thi lễ, dòng dõi trâm anh, thật là môn đăng hộ đối. Ông dạy học song lại giỏi chữa thuốc thường thích làm việc thiện và cứu giúp những người nghèo khổ.
Ông đã ngoài 60, vợ cũng ngoài 40 tuổi mà chỉ sinh được mấy người con gái, chưa có con trai. Vì thế ông bà đem người cháu tên là Quang (sinh giờ Mão, ngày mồng 9 tháng Giêng năm Kỷ Dậu) vốn không có nơi nương tựa về nuôi.
Về sau ông bà sinh hạ được ông Thiện (sinh giờ Sửu, ngày 12 tháng 11 năm Giáp Ngọ), tướng mạo khác thường, thông minh dĩnh ngộ. Mới 3 tuổi đã hiểu lễ nghĩa, biết kính, nhường, nghe học đã thuộc, nghe nhạc nhớ ngay. Bảy tuổi đến trường học, 13 tuổi thông hiểu sử sách, lại giỏi cả võ nghệ, sĩ tử đương thời đều bái phục và xưng tụng là Thánh đồng.
Năm 18 tuổi, cha mẹ đều qua đời (ngày mùng 5 tháng 5 Giáp Thân). Ba năm cư tang xong, ông cùng người em họ là Quang rất quan tâm đến việc đạo nghĩa để dạy dỗ sĩ dân.
Nghe tin ở Giao Châu giáo hóa chưa được rõ ràng, tôn ty trật tự chưa có nề nếp, ông dần dần đem điều thiện cải hóa mọi người, khiến dân chúng sau này đầu biết lễ nghĩa, phong tục tốt đẹp ở Nam Châu đều nhờ công lao của ông
Dân chúng rất kính trọng, suy tôn ông làm Châu trưởng. Lúc đó vua Chiêu Đế nhà Hán sai Chu Chương làm Thái thú Giao châu. Nghe tin ông đã dạy dỗ và được dân cảm phục, liền dâng sớ tiến cử, vua Hán rất khen ngợi, phong cho ông vào hàng các quan lớn tước Hầu.
Nhận chức xong, ông liền đi thăm thú các huỵện ấp, xem xét dân tình. Chợt đến Trại Nga My bên bờ sông, thấy dân chúng nơi đây chất phác, ít được học hành, ông bèn truyền lệnh dựng nhà ngay trên bờ sông để dạy dân chữ nghiã. Mới được một năm, dân ở đây ai cũng kính trọng ông.
Gặp lúc quận trưởng của 7 quận: Châu Nhai, Đạm Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngung, Lộc Lãnh nổi loạn, đời sống của dân chúng náo động. Vua biết tin, hỏi ý các đình thần để trù tính kế sách dẹp giặc.
Thái thú bản Châu là Sầm Bành biết ông là người đức độ, được dân mến phục, ắt có thể dẹp được loạn, liền tiến cử vua. Nhà vua ưng thuận sai ông làm chức Châu thú đem quân đi dẹp giặc. Ông bèn trao cho ông Quang thay mình ở lại hành tại Nga My dạy dỗ, giáo hóa dân. Đồng thời ông tuyển chọn được hơn 500 gia thần đi theo. Ông lại truyền hịch đi các quận huỵện, người tình nguyện đi theo kể tới vài vạn; ấn định ngày giờ, đoàn quân tiến thẳng đến áp đảo quận Cửu Chân. Ông lệnh cho tướng sĩ chia nhau đóng đồn kiên thủ không ra khiêu chiến. Nhân đó lại sai quan văn viết hịch, lấy tín nghĩa để hiểu dụ, lấy họa phúc để răn đe giặc. Nghe những lời lẽ xác đáng, bọn giặc tỉnh ngộ bó giáo lai hàng, 7 quận trở lại yên ổn thanh bình, ông bèn chỉnh đốn quân sĩ trở về phủ (tức đất Long Biên).
Từ khi ông làm Thái thú, hình phạt được giảm nhẹ, dân chúng đều an cư lạc nghiệp. Lúc rảnh việc, ông lại trở về hành tại Nga My giảng giải cho dân những điều ân nghĩa, dân chúng đều bái tạ, nhân xin lấy chỗ hành tại, khi ông sống thì làm sinh từ, khi ông mất sẽ làm nơi thờ phụng. Ông ưng thuận rồi cùng ông Quang trở về Châu huyện, sai thay mình đến cống vua Hán, đồng thời cho ông Quang làm việc ở phủ.
Lúc đó ông đã 70 tuổi, một hôm đang ngồi ở phủ đường, ông bỗng thấy một luồng ánh sáng đỏ từ trong người bay vút lên không trung rồi biến mất. Ngày hôm đó, ông không bệnh tật gì mà hóa (vào ngày 10/8 năm Bính Ngọ). Ông Quang đem sự việc tâu lên, vua sai sứ đến tế và an táng ngay ở đó (Long Biên), lại phong cho làm phúc thần cho dân phủ lập miếu thờ phụng. Ngoài ra những nơi như Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, Hải Dương, Nga My, thường được hưởng sự giáo hóa của ông đều được rước mỹ tự về thờ phụng.

IMG_8841
Đình Nga My Thượng, Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội.

Sau khi ông qua đời, vua Hán sai ông Quang thay quyền cai trị ở phủ. Đến thời vua Ai Đế nhà Hán, Đặng Nhượng làm Thái thú đô hộ, gặp lúc Vương Mãng nổi loạn, Đặng Nhượng sai ông Quang đi trấn giữ cửa ải.
Quân ông vừa đi đến Sơn Nam, bất ngờ quân Hán rầm rập kéo đến. Ông nói, quân Hán đang đánh nhau với Vương Mãng thì cớ gì lại kéo sang nước Nam, liền sai đóng cửa quan không cho vào. Tướng Hán rất tức giận sai phá cửa quan tiến thẳng vào địa phận nước ta. Thấy quân Hán cứ ào ào kéo vào, thế rất mạnh, ông lập tức rút quân về Nga My.
Chẳng bao lâu quân Hán đến kịp, nhân lúc đêm tối, chúng bủa chặt vòng vây. Ông cưỡi ngựa xông ra cự chiến, đến bên đường, ông ngửa mặt lên trời mà than rằng: Kẻ bề tôi thờ vua dẫu chết vẫn không hai lòng, không ngờ đến nông nỗi này, có lẽ chỉ có trời mới hiểu ta chăng; nói rồi ông hóa ở xứ Khu Đống (nhằm ngày 10/2 năm Đinh Mùi).
Trong khoảnh khắc, nước sông cuộn sóng sôi sùng sục, thuồng luồng, ba ba nổi đầy mặt nước. Quân Hán kinh sợ bèn bỏ chạy. Đặng Nhượng đích thân chỉ huy tù trưởng lấy quân đi dẹp giặc, quân Vương Mãng không dám kéo đến xâm lược nữa. Từ khi ông Quang qua đời, dân ấp thờ phụng cả hai người  ở trại Nga My.
Đời Bình Đế, nghe tiếng các ông có nhiều công tích với nhà Hán, bèn sai sứ ban sắc phong tặng là:
– Thiện Nguyên Công, Tế thế, Hộ quốc, Đại vương
– Quang Lai công, Dực vận Hiển hựu, Đại vương.
Cho phép các đền ở Nga My, Cửu Chân, Nhật Nam, Hải Dương cùng thờ phụng hai ông.
(Theo blog của TS. Nguyễn Đình Đức)

IMG_8893
Linh Thiện quán ở thôn Nga My Thượng.

2 vị thành hoàng Thiện Nguyên và Quang Lai còn được phụng thờ riêng ở 2 quán trong thôn Nga My Thượng là quán Linh Quang và quán Linh Thiện, mang tên 2 vị này.
TS. Nguyễn Đình Đức, người địa phương đã có sự so sánh 2 vị thành hoàng này với các vị Thái thú Tich Quang và Nhâm Diên:
+ Nhâm Diên 12 tuổi được xưng là Thánh đồng, Thiện Đại Vương 13 tuổi cũng được xưng tụng là Thánh đồng. Hai người đều được dân lập sinh từ (thờ lúc còn sống) để thờ.
+ Quang Đại Vương và Tích Quang có tên húy trùng nhau.
+ Hai Đại Vương đều có công với dân và được thờ phụng. Trong các quan lại thời  nhà Hán, ngoài Sĩ Nhiếp ra, chỉ có Nhâm Diên và Tích Quang là được đánh giá có công với dân và được thờ. Hai Đại Vương của làng ta cũng có công như vậy ít nhất là trong phạm vi quận Long Biên, nhưng không thấy sách nào nói đến.
Sự so sánh trên rất hợp lý. Các thái thú dưới thời Hán có công dạy giáo hóa nhân dân thì phải là Nhâm Diên, Tích Quang của chính sử. Theo Hậu Hán thư thì “Nhâm Diên khi làm thái thú Cửu Chân đã hòa giải được với man Dạ Lang để giảm được quân tuần tra đồn trú“. Trong thần tích Nga My Thượng kể ông Thiện cũng đã hiểu dụ quân nổi loạn ở Cửu Chân.
Như vậy cả Nhâm Diên và Tích Quang, hai thái thú cuối thời Tây Hán có thể đều là những người Việt địa phương, quê ở khu vực tổng Nga My bên sông Hát này.
Một loạt các di tích khác ở vùng này liên quan là cụm đình đền Liên Bạt (Ứng Hòa) thờ ba vị đại vương họ Đặng là Đặng Sĩ, Đặng Xã và Đặng Lang. Rõ ràng đây là bộ ba anh em họ hàng Đặng Nhượng, Nhâm Diên, Tích Quang cai quản châu bộ cuối thời Tây Hán. Hay như ở đình Áng Phao (Cao Dương, Thanh Oai) thờ một vị Cư sĩ chống Hán cũng là giai đoạn và nhân vật này.

P1160368
Phương đình đình Áng Phao, Cao Dương, Thanh Oai, Hà Nội.

Đặc biệt trong thần tích Nga My Thượng kể lại việc thái thú Quang chống giặc như sau:
Đến thời vua Ai Đế nhà Hán, Đặng Nhượng làm Thái thú đô hộ, gặp lúc Vương Mãng nổi loạn, Đặng Nhượng sai ông Quang đi trấn giữ cửa ải. Quân ông vừa đi đến Sơn Nam, bất ngờ quân Hán rầm rập kéo đến. Ông nói, quân Hán đang đánh nhau với Vương Mãng thì cớ gì lại kéo sang nước Nam, liền sai đóng cửa quan không cho vào. Tướng Hán rất tức giận sai phá cửa quan tiến thẳng vào địa phận nước ta. Thấy quân Hán cứ ào ào kéo vào, thế rất mạnh, ông lập tức rút quân về Nga My. Chẳng bao lâu quân Hán đến kịp, nhân lúc đêm tối, chúng bủa chặt vòng vây. Ông cưỡi ngựa xông ra cự chiến, đến bên đường, ông ngửa mặt lên trời mà than rằng: Kẻ bề tôi thờ vua dẫu chết vẫn không hai lòng, không ngờ đến nông nỗi này, có lẽ chỉ có trời mới hiểu ta chăng.
Thái thú Quang dưới thời Vương Mãng đã đóng quan ải và chống lại quân Hán xâm chiếm vùng Giao Châu, hy sinh trong trận. Quân Hán ở đây rõ ràng là quân Đông Hán của Sầm Bành – Lưu Tú chứ không phải của nhà Tây Hán vì lúc này nhà Tây Hán đã được thay thế bởi triều Tân của Vương Mãn.
Kẻ bề tôi thờ vua dẫu chết cũng không hai lòng“. Tích Quang đang là thái thú dưới triều đại của Vương Mãng, nhất định không phản vua, đầu hàng giặc Hán (Đông Hán). Đây mới thực sự là ý nghĩa của lời trăng trối này.
Sử Tàu đã nhập nhèm coi 2 triều đại Tây Hán từ Lưu Bang và Đông Hán của Lưu Tú như một dòng liên tục. Thực chất đây là 2 triều đại riêng biệt của 2 nhóm tộc người khác hẳn nhau. Nhà Hán của Lưu Bang là “hảo hán”, trong đó các vua đều có tên xưng là Hiếu (hảo). Đây là triều đại của người Bách Việt vì bản thân Lưu Bang là người Việt phương Nam. Triều đại này còn được biết với tên là Viêm Lưu, chỉ rõ nguồn gốc phương Nam của  triều đại Lưu Bang.
Còn nhà Hán của Lưu Tú bắt nguồn từ vùng phía Bắc Hoàng Hà, địa bàn gốc của Hán tộc. Đây là dòng “hung hãn”, chỉ người Hung Nô, gọi vua là Hãn.
Vì Đông Hán không phải là người Việt nên Tích Quang, một thái thú người Việt sinh ra lớn lên ở Giao Chỉ, đã kiên quyết chặn giặc và bỏ mình vì nước trong cuộc chiến với Hãn quân.

IMG_5675
Đình ba thôn Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội.

Đôi câu đối ở trụ nghi môn đình Nga My Thượng:
龍編城北秀氣引鍾天柱地維標卓立
涐湄寨南餘靈格鍳庭花野草向春榮
Long Biên thành Bắc, tú khí dẫn chung, thiên trụ địa duy tiêu trác lập
Nga My trại Nam, dư linh cách giám, đình hoa dã thảo hướng xuân vinh.
Dịch:
Thành Bắc Long Biên, khí đẹp dẫn hun, cột trời cõi đất cao sừng sững
Trại Nam Nga My, linh thiêng soi cảm, cỏ nội hoa sân hướng vẻ xuân.
Các vị thái thú và châu mục Nhâm Diên, Tích Quang, Đặng Nhượng là những kẻ sĩ đã hết lòng giảng dạy sĩ dân, giữ gìn phong hóa đất Giao Châu thời đầu Công nguyên. Đạo Nho học trước hết là ở lòng trung hiếu. Các vị đã nêu cao tấm gương trung thành với nước, chống giặc ngoại xâm đến hơi thở cuối cùng. Tôn danh “Nam Giao học tổ” – tổ đạo học đất Nam Giao thật xứng đáng dành cho các vị này.