Lã Ông câu cá và việc cầu hiền dựng nước Văn Lang

https://congdankhuyenhoc.vn/la-ong-cau-ca-va-viec-cau-hien-dung-nuoc-van-lang-179220815143256787.htm

Tư tưởng “hiền tài là nguyên khí quốc gia” được đề cao trong văn hóa truyền thống qua tích Lã Vọng câu cá hay Văn Vương cầu hiền. Câu chuyện Lão ông câu cá bên bờ sông không ngờ lại được ghi đầy đủ trong ngọc phả Hùng Vương và những di tích tôn thờ Thượng phụ Khương Tử Nha vẫn còn ở vùng ven biển Đông.

1. 

Vào cuối thời Ân Thương cách đây trên 3.000 năm, Lã Vọng là một người dân thường, có gia cảnh khó khăn, nhưng ông không ngừng học tập nuôi chí lớn với đời. Dù tuổi cao đã gần 80, ông vẫn kiên trì chờ đợi thời cơ, hàng ngày mang cây cần trúc không lưỡi ngồi câu cá bên bờ sông Vị. Khi đó, Tây Bá hầu Cơ Xương đang lo lắng việc nước, đi qua bến sông này, gặp được Lã Vọng. Qua nói chuyện Cơ Xương biết ông là người có đại tài, đã mời về, tôn làm Thượng phụ Khương Thái Công. Nhờ có sự phò trợ của Thái Công Lã Vọng nhà Chu đã hoàn thành đại nghiệp phạt Trụ diệt Ân. Cơ Xương được tôn là Văn Vương, vị vua khai lập nên vương triều Chu kéo dài hơn 800 năm trong lịch sử.

Hình tượng Lã Vọng câu cá – Văn Vương cầu hiền thường được sử dụng để đắp nề, vẽ tranh hay chạm khắc trong các kiến trúc đình, đền, miếu mạo, với ý nghĩa đề cao tinh thần học tập và quý trọng nhân tài. Ví dụ như trên cạnh của tấm bia đá thời Lê niên hiệu Phúc Thái (năm 1648) ở chùa cổ Tĩnh Lự (Gia Bình, Bắc Ninh) có chạm cảnh Văn Vương cầu hiền, bên trên là rồng mây quần hội. Trong ngôi đình cổ Hùng Lô thờ Hùng Vương ở vùng đất tổ Phong Châu (Phù Ninh, Phú Thọ) cũng vẽ cảnh Lã Ông câu cá ven sông, gặp Văn Vương.

Điều hết sức bất ngờ là câu chuyện về Lão Ông câu cá còn được lưu truyền trong các sự tích về vua Hùng nước Văn Lang. Khảo dị truyền thuyết họ Hồng Bàng sưu tầm ở Phú Thọ kể: Bà Âu Cơ có mang ba năm ba tháng mười ngày thì sinh ra một bọc trứng. Lúc sinh, trên trời có mây sáng chiếu (nên chỗ sinh bọc trứng sau làm chùa và đặt tên Thiên Quang thiền tự), bảy ngày sau bọc trứng nở ra một trăm người con trai. Lạc Long Quân không biết đặt tên mới cầu khẩn thiên địa, được lão tiên hay câu cá ở Việt Trì về đặt tên các con giúp (ở Việt Trì vẫn còn hòn đá có dấu chân lão tiên này ngồi câu cá).

Việc vua Hùng cầu Lão Tiên ông bên bến sông cũng được ghi trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả. Khi ấy, đức Hiền Vương (Lạc Long Quân) sinh được trăm người con trai, không biết phải phân định trưởng thứ và đặt tên cho các hoàng tử như thế nào, nên đã lập đàn cầu trời giúp. Lúc đó bên bến Việt Trì, cạnh chùa Hoa Long, bỗng xuất hiện một Lão ông tướng mạo dị thường, chống cây gậy trúc, đứng trên tảng đá hình lưng rùa mà rửa chân. Vua Hùng cho mời Lão ông tới nhờ chuyện. Lão tiên bốc quẻ trong Thiên thư rồi lấy bút ghi tên và thứ bậc cho trăm người con trai, để lên chiếc âu vàng, đặt tại ngôi chùa Thiên Quang trên núi Hùng Nghĩa Lĩnh. Từ đó trăm hoàng tử có tên gọi, phân biệt trưởng thứ. Người con cả nối ngôi vua cha. 99 anh em còn lại chia nhau về trấn giữ các nơi đầu non góc biển, là tổ của Bách Việt.

2. 

Truyện Tề Thái Công thế gia trong Sử ký Tư Mã Thiên, cho biết nguồn gốc của ông Lã Vọng như sau: Thái Công Vọng Lã Thượng là bậc thượng nhân ở vùng Đông Hải. Tổ tiên của ông từng làm đến chức Tứ nhạc, giúp vua Vũ trị thủy thổ rất có công lao.

Thái Công Lã Vọng là người vùng Đông Hải, tức là vùng biển Đông ngày nay. Vua Vũ nhà Hạ trị thủy ở cửa Long Môn cũng là Tản Viên Sơn Thánh đã khơi dòng sông Đà đoạn thác Vạn Bờ xưa.

Di tích thờ Khương Thái Công ở ven biển Đông nay còn tại ngôi nghè cổ của làng Kiều, thuộc phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa. Nghè làng Kiều có biển đề tên là “Thượng Thượng đẳng tối linh từ“, thờ vị thành hoàng chính là Khương Tử Nha. Tượng thờ và bài vị trong nghè ghi: Thái Công hiệu Khương Thượng thượng đẳng tối linh tôn thần vị.

Câu đối lưu truyền ở vùng Sầm Sơn nhắc tới Khương Thái Công nhà Chu thờ ở nghè làng Kiều như sau:

Chu Khương, Tôn Tử nghè ghi tại

Sử sĩ phong lưu chiếm đắc nhàn.

Khương Thái Công còn là vị thần chủ chính được tôn thờ ở Võ Miếu tại kinh thành Huế dưới triều Nguyễn. Võ Miếu được xây dựng vào thời vua Minh Mạng năm thứ 16 (1835) tại làng An Ninh, nay thuộc địa bàn của xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, cách cố đô Huế khoảng 4,5 km về phía Tây. Theo Đại Nam nhất thống chí, quy chế của Miếu là: Dinh chính ba gian hai chái, dinh tiền năm gian, tả vu, hữu vu đều năm gian. Án giữa thờ bài vị Thượng phụ Khương Thái Công nhà Chu…

Liên quan đến cuộc chiến diệt giặc Ân ở nước ta có truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương, lên ba tuổi cưỡi ngựa sắt ra dẹp giặc. Trong lễ hội làng Phù Đổng, nay đã là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, đội quân của ông Dóng có mặt đầy đủ các nhân vật đại diện cho các tầng lớp nhân dân là người câu cá (ngư), người thợ săn (tiều), người cày ruộng (canh), và trẻ chăn trâu (mục). Có thể thấy hình tượng Lã Ông câu cá đã được tái hiện ngay trong lễ hội kỷ niệm cuộc chiến thần thánh giữa vua Hùng nước Văn Lang chống giặc Ân ở làng Phù Đổng.

Cùng với truyền thuyết về Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân thì các sự tích và di tích về Khương Thái Công bên bờ Đông Hải là bằng chứng lịch sử giữ nước và dựng nước Văn Lang của người Việt từ 3.000 năm trước. Bài Hát sử trong lối hát cửa đình (ca trù) đã ca ngợi thời đại hào hùng của lịch sử khi vua sáng tôi hiền làm nên đất nước muôn đời bền vững:

Khá khen thay ông Lã Vọng

Chốn Thạch Bàn tuổi tác bền bồi

Chỉ một cần dưới bóng trăng soi

Cá Vị Thủy luống câu người hào lược.

Bỗng chốc thấy đám mây ánh nước

Đập xe loan sực nức bên sông

Hội long vân ngư thủy hợp đồng

Quyết một trận vang lừng cần trúc.

Bức chạm Văn Vương cầu hiền trên bia chùa Tĩnh Lự.
Đắp nề tích Lã Vọng câu cá ở đình Đông Lai, xã Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội.
Chạm gỗ Văn Vương cầu hiền ở đình Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Lã Ông câu cá và Văn Vương cầu hiền ở đình Hùng Lô, Phú Thọ.
Tranh vẽ Lão Tiên bên bến Việt Trì ở chùa Hoa Long, Việt Trì.
Nghè làng Kiều ở phường Quảng Châu, Sầm Sơn.
Bài vị Thái Công Khương Thượng ở nghè làng Kiều.
Người câu cá trong đoàn quân của Phù Đổng Thiên Vương.
Phường Ải Lao với tứ dân ngư tiều canh mục (áo đỏ) trong hội làng Phù Đổng.
Tảng đá hình lưng rùa ở bến Việt Trì.
Những tấm bia còn lại của Võ Miếu tại Huế.

Kinh đô Ngũ Lĩnh thời Kinh Dương Vương mở nước

https://congdankhuyenhoc.vn/kinh-do-ngu-linh-thoi-kinh-duong-vuong-mo-nuoc-17922080212363715.htm

Kinh đô Ngũ Lĩnh của Kinh Dương Vương, người khởi đầu nước Xích Quỷ của người Việt là ở đâu?

Truyện Họ Hồng Bàng chép: Đế Minh cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục… Đế Minh phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước.

Kinh đô Ngũ Lĩnh của Kinh Dương Vương, người khởi đầu nước Xích Quỷ của người Việt là ở đâu?

Đình Tây Đằng.

Các di tích hành cung của Tản Viên Sơn Thánh còn truyền lại cho tới ngày nay cho thấy, kinh đô Ngũ Lĩnh thời Kinh Dương Vương là vùng đất Sơn Tây – Ba Vì, bởi Kinh Dương Vương chính là Tản Viên Sơn Thánh. Truyện núi Tản Viên chép: “Tương truyền rằng đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui ở với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh, huyện Phong Châu”. Đây là chuyện Kinh Dương Vương ở Phong Châu (Gia Ninh) lấy Thần Long Động Đình (loài thủy tộc).

Các hành cung Tản Viên được mô tả trong cuốn Tản Lĩnh ngọc ký (Ngọc phả núi Tản) như sau: “Thượng thần cung tọa Càn hướng Khôn là chính điện; Trung, Hạ thần cung là nơi cầu đảo; Đông thần cung là nơi yết kiến; Nam thần cung, Bắc thần cung là nơi trú ngự. Từ đó [Sơn Thánh] tuân mệnh Thượng Đế thường cùng với Tứ phủ Công đồng ở hải đảo mà đi tuần xem vạn sự trong nhân gian”.

Ngũ hành cung Tản Viên hình thành một khu vực “kinh đô” của thời kỳ Kinh Dương Vương, được truyền thuyết Việt gọi là Ngũ Lĩnh. Mỗi một “Lĩnh” hay một “Thần cung” là một khu vực, trong đó lại bao gồm nhiều các “hành cung”, nay là các đền, đình, di tích thờ Tản Viên Sơn. Hệ thống hành cung Thánh Tản lấy tên theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc cùng Trung tâm và trục Thượng – Hạ. Quan niệm theo phương hướng và không gian là hệ thống từ rất xa xưa nằm trong thế giới quan cổ đại. Đó chính là Lạc đồ (đồ hình mặt đất) được truyền từ vị Thái Bạch Kim Tinh qua hình tượng cây gậy thần cho Thánh Tản.

Dựa trên các di tích thờ Thánh Tản và sự tích còn truyền lại ở từng nơi, có thể xác định các Thần cung Tản Viên hay vùng Ngũ Lĩnh của Kinh Dương Vương như sau.

Thượng Thần Cung

Mặt sông Đà phía Tây Bắc núi Ba Vì đi lên đỉnh rất dốc và từ đền Thượng Ba Vì xuống đền Trung cũng không có lối đi. Hệ thống đền Thượng, Trung, Hạ Ba Vì nằm ở mạn núi này có thể coi là trong cùng một trục đứng chung, nên gọi là Thượng Thần cung. Các cung này ngoài thờ Tản Viên Sơn Thánh còn là nơi thờ các bậc “tiền bối” của Thánh Tản là Thái Bạch Kim Tinh (thầy của thánh Tản), Ma Thị Cao Sơn (mẹ nuôi Thánh Tản), Quốc mẫu Đinh Phi (mẹ đẻ Thánh Tản).

Hạ Thần Cung

Khu vực đất trũng thấp từ ven sông Hồng vào đến núi Ba Vì gồm một vòng cung các đầm hồ như đầm Long Bằng Tạ, hồ Suối Hai, đầm Đượng, hồ Xuân Khanh, hồ Đồng Mô. Bởi thế xưa kia vùng này được gọi là Bể Cạn. Nơi đây vẫn lưu truyền “Sự tích đầm Đượng và mười sáu đường nước chảy”, khi đạo quân của Thủy Tinh đánh vào mạn Đông núi Ba Vì, Sơn Tinh hướng dẫn mọi người đắp núi ngăn nước, đan phên dậu, làm lưới, thả cây cối chặn đường nước. Hai bên đánh nhau rất ác liệt ở vùng đầm Đượng. Quân của Thủy Tinh thua to tan vỡ, chạy toán loạn thành mười sáu ngả. Ngày nay giữa đầm Đượng còn ngôi miếu cổ thuộc xã Thụy Phiêu, gọi là đền Hạc Hải hay miếu Đầm, ghi lại chiến tích trị thủy này của Sơn Thánh.

Không xa bờ đầm Đượng là đình Thụy Phiêu, xã Thụy An, huyện Ba Vì, một trong những ngôi đình thuộc loại cổ kính nhất ở nước ta, nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc từ thời Mạc. Tên gọi Bể Cạn của đầm Đượng chỉ ra nơi đây là nơi thấp nhất trong khu vực, tức là vùng Hạ Thần cung Tản Viên. 

Trung Thần Cung

Vùng “hạ điền” (ruộng mùa hè) xưa, gần với ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì), được các thần tích về Tản Viên Sơn Thánh gọi là vùng Cổ Đằng, Tam Vật Lại. Đền Vật Lại tọa lạc tại một quả đồi hình đầu rồng hướng về sông Tích. Tục truyền Thánh Tản thường qua lại nơi này để dạy dân săn bắn và đánh cá. Trong đền có chuông lớn ghi “Trung Cung Chấn Trung” đúc thời vua Bảo Đại. 

Không xa đền Vật Lại về phía Nam là đình Tây Đằng nổi tiếng. Đình Tây Đằng là ngôi đình cổ kính bậc nhất xứ Đoài, cũng như đặc biệt nổi tiếng về giá trị nghệ thuật điêu khắc kiến trúc đình làng với các mảng chạm khắc phong phú thời Hậu Lê, có họa tiết bay bổng và thần bí như tượng quần tiên tấu nhạc, tiên ôm rắn, cưỡi rồng, đùa hổ… 

Nằm phía Bắc của khu vực này là đền Lác và đình Đồng Bảng, một cụm di tích cổ kính thuộc xã Đồng Thái, huyện Ba Vì. Đền Lác uy nghi nằm trên gò đồi nhỏ, có kiếu trúc thời Lê Trung Hưng với đầy đủ sân đình, giếng nước, tiền tế, trung cung và hậu cung. Đặc biệt theo bia tạo lệ lập thời Hậu Lê tại đình thì đây là Bắc Thần cung Tản Viên. Sự tích đền kể rằng mẹ con Thánh Tản dừng nghỉ ở nơi đây trên phiến đá nay còn lưu trong đền. 

Nhìn tổng quan cụm di tích Vật Lại, Tây Đằng là cụm gần ven bờ ngã ba sông Bạch Hạc (vùng Động Đình) thủa xưa nhất. Các di tích khu vực này chỉ ra có một cụm các “tiểu hành cung” mà trong đó có khá đủ các cung Đông, Tây, Nam, Bắc xung quanh. Như vậy trong Thần cung lại có cung (điện), là một cách lý giải tại sao nhiều cung của Thánh Tản có tên hướng trùng lặp. 

Tây Thần Cung

Tây Thần cung Tản Viên là vùng giáp sông Đà với các di tích Ngọc Nhị, Bằng Tạ, Khê Thượng (huyện Ba Vì). Đình Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì là ngôi đình của dân trưởng tạo lệ cho đền Thượng Ba Vì. Làng Ngọc Nhị được coi là anh cả trong việc lo nghi lễ thờ cúng, chăm sóc đền Thượng và đền Trung trên núi Ba Vì. Nơi đây còn lưu giữ được bản sách thần tích cổ về Tản Viên Sơn Thánh có tên Di tích thờ Tản Viên. 

Trong sách này có ghi: Đại mẫu của Vương [Sơn Thánh] thường du ở bãi Trường Sa, gặp Lạc Long Quân đi đến đó (tới xã Bạn Sơn tạo đền một dãy để phụng thờ, gọi là đền Trung cung, lấy xã Sơn Bạn làm tạo lệ phụng thờ hương hỏa). Sơn Bạn nay là vùng xã Sơn Đà là nơi có đình Khê Thượng và đình Đan Thê. Đối diện bên kia sông Đà là bãi Trường Sa, nay là khu Đảo Ngọc Xanh. Tây Thần cung do đó có vai trò tạo lệ cho cụm đền Thượng, đền Trung và gắn kết với bãi Trường Sa, nơi quê mẹ Thánh mẫu Động Đình tại làng La Phù (Thanh Thủy) và vùng đất Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ.

Đông Thần Cung

Sách Di tích thờ Tản Viên có ghi: “Vương thường đi vãng du đến sông Tiểu Hoành xem đánh cá tới xã An Vệ huyện Ma Nghĩa thấy một khu Thanh Lan Bảo Sơn, có hình rồng chầu về tổ, mới lập làm cung xá để ở, lấy xã An Vệ làm tạo lệ phụng sự hương hỏa”. Thôn Vân Gia, xã An Vệ và Bảo Vệ huyện Tùng Thiện xưa nay thuộc thị xã Sơn Tây là nơi có đền Và hiện nay. Đền Và là nơi Thánh Tản cho dựng để làm Yết Cung, là nơi các quần thần yết kiến Thánh Tản, đóng vai trò nơi thiết triều cai quản việc nước của Thánh Tản Viên. 

Lễ hội đền Và tiến hành xuân thu nhị kỳ. Trong hội xuân vào dịp rằm tháng Giêng sau lễ rước đi từ đền Và qua phần thị xã Sơn Tây ra bờ sông Hồng. Sau đó là lễ rước kiệu qua sông sang đền Ngự Dội, thuộc thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Sau khi làm lễ Mộc dục và tế lễ, đám rước lại trở về đền Và. Hội thu đền Và vào rằm tháng Chín gọi là hội Đả Ngư, tức nghĩa là đánh cá. Tục rước kiệu qua sông sang đền Ngự Dội và đánh cá thờ ở đền Và cho thấy tính hướng Đông ra phía biển của Đông Thần cung. 

Nam Thần Cung

Tản Lĩnh ngọc ký chép: “[Sơn Thánh] Lại thường đi săn tới xã An Diệu huyện Mỹ Lương, tạo cung Mang Sơn, lưu ruộng thờ để cho việc thờ cúng, định việc hàng năm tiết Xuân, tiết Đông nhân dân các xã theo như lệ đánh cá cùng nhau thờ phụng”. 

Hiện nay đền Mang Sơn tọa lạc trên một đồi thấp thuộc Sơn Đông, thị xã Sơn Tây. Theo truyền tích nơi đây, Sơn Tinh đã chỉ bảo phường săn ở rừng Măng (Mường) cách chăng lưới và làm bẫy để săn thú, bắt chim. Đây là ngôi đền nơi tổ chức chung lễ hội đầu năm của năm xã trong tổng Tường Phiêu xưa, gồm Sơn Đông, Sơn Trung, Tường Phiêu, Trạch Lôi, Thuần Mỹ, diễn ra từ mồng 6 đến 12 tháng Giêng. 

Cung Mang Sơn nằm ở phía Nam cũng là cửa ngõ ra theo sông Tích, sông Bùi, sông Đáy ra phía Nam và Tây Nam. Các di tích hiện nay ở khu vực Mang Sơn như đình Thiên Mã, đình Triều Đông, đình Ngõ Bắc thuộc xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Khu vực này là chặng đầu mối bao gồm cả đường thủy theo sông Tích và đường bộ ra toàn bộ phía Nam và Tây Nam núi Ba Vì, đúng với nghĩa Nam Thần cung.

Bắc Thần Cung

Trong Di tích thờ Tản Viên có ghi: “Sau Đại vương… ngược sông Cái mà qua đất Long Biên, tiếp tới bến Chấn, muốn ở lại đó nhưng rồi lại ngược sông Lô lên thượng nguồn, qua huyện Phúc Lộc, tới bến Bạn Phiên, nhìn về núi xanh Tam Đảo, đất quý hội loan là đô thành cũ của Hùng Vương.”

Nơi Thánh Tản “tới bến Chấn, muốn ở lại đó” là khu Bắc Hồng, có đền Thính và đền Tranh nay thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là những ngôi đền có quy mô, cổ kính thờ Thánh Tản Viên Sơn trên đất Vĩnh Phúc. Các đền này là Bắc Thần cung Tản Viên. “Chấn” là hướng Đông, tức là thẳng xuất từ Đông Cung đền Và sang bên kia sông Cái, xưa hẳn còn rộng như biển tới tận khu đền Thính nay. Từ Yên Lạc, Bắc cung đền Thính xưa dòng sông Cà Lồ nối sông Cầu vẫn là thủy mạch chính sang phía Đông ra Lục Đầu giang và ra biển.

Từ vùng kinh đô Ngũ Lĩnh ở Ba Vì Sơn Tây, Kinh Dương Vương – Tản Viên Sơn Thánh đã khai mở về các hướng Đông Tây Nam Bắc, cùng với “Tứ phủ công đồng đi tuần trong nhân gian”, thực sự đã làm nên một cuộc “Đẻ Đất Đẻ Nước” trong lịch sử nước Xích Quỷ thời đầu Kinh triều Hùng Vương.

Bắc Cung Thượng đền Tranh ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Rồng tiên trên cửa cung thờ ở đình Văn Khê, TX Sơn Tây.
Chạm khắc đầu hồi đình Tây Đằng.
Nghi môn đền Hạ Ba Vì.
Cổng ngoài Bắc Cung đền Thính ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Nghi môn đền Trung Ba Vì.
Đình Tường Phiêu ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ.
Lưỡng long chầu Nhật nguyệt ở đình Đồng Bảng, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì.
Đình Ngọc Nhị ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì.
Nghi môn đình Phú Hữu ở xã Phú Sơn, huyện Ba Vì.
Rồng phượng đình Văn Khê, TX Sơn Tây.
Rồng đình Văn Khê, TX Sơn Tây.
Quần tiên ở đình Tây Đằng, huyện Ba Vì.

Cùng về thăm lại Cổ Loa thành

https://congdankhuyenhoc.vn/cung-ve-tham-lai-co-loa-thanh-179220808114955956.htm

Về thăm thành Cổ Loa, đọc lại những hoành phi câu đối nơi đây, ngẫm lại chuyện An Dương Vương dựng nước Âu Lạc, rồi để “cơ đồ đắm biển sâu”. Lịch sử về An Dương Vương vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng.

Những khám phá về Cổ Loa thành buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về triều đại nhà Thục trong cổ sử Việt.

Lớp thành sớm của Cổ Loa có niên đại từ thời Hùng Vương

Sự tích ở Cổ Loa kể rằng Vua Chủ An Dương Vương cho di dời người dân bản địa, giải phóng mặt bằng để xây thành. Câu đối ở đền Thượng nói đến việc này:

Truyền nước Lạc, Vua xem sông núi

Đối thành Loa, Trời mở mênh mang“.

Kết quả khảo cổ thành Cổ Loa những năm gần đây cho biết, ba vòng tường thành nội, trung, ngoại của Cổ Loa đã được xây dựng qua nhiều lần khác nhau. Lớp thành đầu tiên của Cổ Loa có niên đại khoảng 400 năm trước Công nguyên. Ban đầu ở các vòng ngoài của thành là các bờ lũy, mang tính chất kiểm soát hơn là phòng thủ. Kết quả này không khớp với những nhận định hiện nay khi cho rằng là An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc vào thế kỷ III trước Công nguyên (sau năm 257 trước Công nguyên). 

Vậy người đầu tiên xây dựng thành Cổ Loa là ai? Liệu thời kỳ An Dương Vương chỉ ngắn vẻn vẹn có vài chục năm ở thế kỷ III – II trước Công nguyên hay không?

Liên quan đến chuyện xây thành Cổ Loa, ở làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Ninh) có truyền thuyết được chép trong “Bắc Giang tỉnh chí” như sau:

Cuối đời Chu, Lão Tử đã đi xuống miền Nam du ngoạn. Khi tới tả ngạn sông Nguyệt Đức… Lão Tử thấy phong cảnh đẹp bèn cắm trang ở đây, đặt tên là Thổ Hà trang. Sau khi lập trang ông ta còn mở trường truyền đạo cho các đồ đệ, nhà trường nay là chùa Đoan Minh. Lão Tử có nhiều phép màu trừ hung sát quỷ.

Đương khi Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa, nhưng thành cứ xây lên, sáng dậy lại bị đổ, bởi thần Kim Kê ở núi Thất Diệu trêu cợt. Vua nghe thấy ở trang Thổ Hà có người biết trừ hung sát quỷ bèn cử sứ giả lại mời. Lão Tử nhận lời, rồi đi đến núi Thất Diệu sai Thanh Giang sứ hiện thành rùa vàng vào rừng trừ yêu quái, lại thư phù vào lá trúc thả xuống sông cho trôi khắp mọi nơi xua yêu quái. Nhờ vậy, nửa tháng đã xây xong thành Cổ Loa, Lão Tử cáo từ ra về, được An Dương Vương ban thưởng rất hậu“.

Triết gia nổi tiếng Lão Tử Lý Nhĩ Đam ít nhất cũng sống vào quãng thế kỷ VI-V trước Công nguyên, lại cùng thời kỳ với vua Thục ở Cổ Loa. Như vậy nhà Thục của An Dương Vương có thể đã bắt đầu sớm hơn rất nhiều so với nhận định hiện tại vào năm 257 trước Công nguyên? 

Rõ ràng rằng trong sử Việt nhà Thục không phải chỉ có 1 vị vua, mà là một triều đại kéo dài vài trăm năm, qua nhiều đời vua, đều xưng là An Dương Vương.

An Dương Vương là dòng Tiên theo mẹ Âu Cơ đã định đô ở Cổ Loa

Khai quật các di tích ở Cổ Loa đã chứng tỏ rằng nơi đây là một trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn, với những hiện vật điển hình như trống đồng Cổ Loa. Văn hóa Đông Sơn hiện nay được gắn với thời kỳ Hùng Vương, nhưng nếu xét về niên đại, nền văn hóa khảo cổ này bắt đầu từ quãng thế kỷ VI trước Công nguyên kéo dài đến đến thế kỷ I thì đây phải là giai đoạn của nhà Thục mới đúng. Thời kỳ Hùng Vương dựng nước bắt đầu từ những mốc thời gian sớm hơn nữa, ít nhất là từ văn hóa Phùng Nguyên, tương ứng với 4.000 năm lịch sử.

Đền Thượng ở Cổ Loa được gọi là “Tiên từ đệ nhất”, như dòng chữ ghi trên các lớp nghi môn trong và ngoài của đền. Tại sao đền thờ An Dương Vương lại là “Tiên từ”? An Dương Vương trở thành “Tiên” khi nào?

Ngẫm nghĩ sâu hơn về ý nghĩa thì phải chăng chữ Tiên ở đây có ý chỉ An Dương Vương là dòng Tiên theo mẹ Âu Cơ lên núi trong truyền thuyết. Dòng Tiên có biểu tượng là chim Phượng. Nghi môn nội của của ngôi đền Thượng Cổ Loa cũng có đắp cặp phượng chầu mặt trời ở trên mái, điều hiếm thấy đối với một đền thờ nam thần. Điều này dường như nhấn mạnh rằng An Dương Vương thuộc về dòng Tiên.

Đặc trưng của các trống đồng Đông Sơn là hoa văn hình những con chim lớn đang bay lượn. Các sách vở gần đây gọi hình chim đó là “chim Lạc”, không rõ tại sao. Thực tế hoàn toàn không có loài chim Lạc, cũng như trong các thư tịch đều không hề nói đến tên gọi đó. Đây chính xác phải gọi là chim Phượng, biểu tượng của dòng Tiên theo mẹ Âu Cơ lên núi. Lạc là dòng theo cha Lạc Long Quân xuống biển, biểu tượng là con Rồng.

An Dương Vương là “Tiên đệ nhất”, nghĩa là người đứng đầu (làm vua) dòng Tiên. So với truyền thuyết họ Hồng Bàng, khi người con trưởng của Âu Cơ lên ngôi, lập nên nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương thì An Dương Vương tương ứng với vị vua Hùng đã dựng nên nước Văn Lang.

Thục An Dương Vương được ghi trong các ngọc phả truyền lại là người cùng dòng dõi của các vị vua đời trước, tức cũng là dòng Hùng Vương. Nhà Thục cần được xem là một trong những giai đoạn của thời đại Hùng Vương, kế tiếp giai đoạn các Lạc Vương trước đó. Thục Vương là dòng Âu (theo mẹ Âu Cơ), xuất phát từ vùng Ai Lao (là vùng Vân Nam ngày nay, nơi vẫn còn rặng núi Ai Lao Sơn) đã tiếp quản cơ nghiệp của dòng Lạc trên vùng Bắc Việt, lập nên quốc gia hợp nhất Âu và Lạc.

Các lớp thành quy mô nhất của Cổ Loa được xây dưới thời Tần Triệu

Tấm bia thời Lê năm Chính Hòa thứ 10 (1689) có tên “Chính Pháp điện thạch bi” ở đền Thượng Cổ Loa chép: “Đại Việt suy tôn An Dương Vương là hoàng đế, khởi từ đất Ba Thục, định đô ở Phong Khê, lấy nỏ rùa thần đuổi quân Tần, xây thành trĩ mà cố thủ, ngàn dặm nhập vào nước Âu Lạc ta“.

Theo tấm bia này thì việc An Dương Vương dùng nỏ thần là để chống lại quân Tần, chứ không phải Triệu Đà như trong truyền thuyết thường kể. Vậy Triệu Đà trong truyền thuyết thực ra là chỉ quân Tần vì nhà Tần vốn mang họ Triệu. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, thủy tổ của Tần là Tạo Phụ đánh xe cho Chu Mục Vương và được phong đất ở Triệu thành, từ đó lấy tên đất làm họ.

Ở am thờ công chúa Mỵ Châu trên bảng gỗ có khắc một bài thơ cổ, có đoạn thơ được dịch như sau:

Thành hoang khuất khúc xanh rì cỏ

Việc cũ đau lòng biết hỏi ai?

Tần Việt nhân duyên thành cập oán

Non sông vận kiếp tới mày ngài“.

Điều lạ là bài thơ gọi mối tình của Mỵ Châu và Trọng Thủy là “Tần Việt nhân duyên”. Công chúa Mỵ Châu là Việt thì đã rõ. Còn lại, Trọng Thủy phải là hoàng tử của vua Tần, họ Triệu.

Câu chuyện tình ngang trái Mỵ Châu – Trọng Thủy là kể về sự kết thúc của nhà Thục bởi sự tấn công bất ngờ của quân Tần. An Dương Vương từng xây thành đắp lũy để chống Tần, nhưng cuối cùng cơ đồ đã mất. Tần chiếm được Cổ Loa thành, kinh đô phồn hoa bậc nhất khu vực phương Nam khi đó.

Báo cáo khảo cổ thành Cổ Loa cho biết, các bức thành chính được xây ở quãng thế kỷ thứ III trước Công nguyên chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu đắp bằng cách đổ đất. Giai đoạn sau là áp dụng “công nghệ” nện đất, tương tự với kỹ thuật đắp thành ở phương Bắc khi đó. Với lớp đắp ở thành Trung cao tới 2,5m, rộng 24 m, các nhà khảo cổ đã tính toán lượng nhân công huy động cho đắp thành lên tới hàng triệu người. Vậy nếu lớp thành đầu được xây bởi An Dương Vương thì lớp thành tiếp theo phải là do nhà Tần xây dựng. Chỉ có nhà Tần vào giữa thế kỷ thứ III trước Công nguyên mới đủ tiềm lực, nhân lực để xây nên tòa thành lớn nhất Đông Nam Á này.

Trong đền Thượng Cổ Loa có ban thờ quan Tứ trụ triều đình. Một trong 4 vị tứ trụ này là Hữu Thừa tướng Lý Ông Trọng. Đức thánh Chèm Lý Ông Trọng được biết rõ là một đại tướng của nhà Tần, lấy con gái của Tần Thủy Hoàng là Bạch Tĩnh Cung công chúa và được cử đi trấn thủ người Hồ ở đất Lâm Thao. Xem vậy thì người đã trấn thủ Loa thành dưới thời Tần, không ai khác chính là Lý Ông Trọng, phò mã của Tần Thủy Hoàng.

Bên trên của lớp thành thế kỷ III trước Công nguyên ở Cổ Loa có gặp một lớp ngói đặc trưng, được gọi là ngói Cổ Loa. Tuy nhiên, nhận định của nhiều nhà khảo cổ lại cho biết những tấm ngói này về hoa văn và cách chế tạo giống với ngói ở mộ Triệu Văn Đế bên nước Nam Việt. Cũng tại Cổ Loa đã phát hiện hàng trăm mũi tên đồng và cả một lò đúc đồng cổ, nhưng chúng lại có niên đại cỡ đầu thế kỷ II trước Công nguyên. Đây là niên đại thách thức đối với các nhà khảo cổ, vì như thế rõ ràng người đúc tên và người xây thành không phải là một, cách nhau cả thế kỷ. Nói cách khác, những mũi tên Cổ Loa không thuộc về nước Âu Lạc của An Dương Vương, mà thuộc về nhà Triệu nước Nam Việt

Những phát hiện khảo cổ gần đây, càng đào lên càng thấy phải xem xét lại lịch sử về triều đại Thục An Dương Vương. Khi kết hợp kết quả khảo cổ học với các di tích và truyền thuyết dân gian lưu truyền ở tại địa phương sẽ cho một bức tranh chính xác hơn, rõ ràng hơn về Thục quốc từ mẹ Âu Cơ lập nước Văn Lang tới An Dương Vương xây thành Cổ Loa chống Tần, Triệu Việt Vương đắp thành dựng nước Nam Việt.

Câu đối trên nghi môn ngoài của đền Thượng Cổ Loa như một câu hỏi ngàn năm về triều đại vua Thục An Dương Vương:

Lăng Chiêu tùng bách giờ đâu nhỉ?

Non sông nước Thục đó cung xưa.

Nghi môn ngoại đền Thượng Cổ Loa.
Nghi môn nội đền Thượng Cổ Loa.
Nhà bia ở đền Thượng Cổ Loa.
“Chính pháp điện thạch bi” ở đền Thượng Cổ Loa.
Ban thờ các quan Tứ trụ ở đền Thượng Cổ Loa.
Khuôn đúc tên ở đền Thượng Cổ Loa, thế kỷ III – II trước Công nguyên.

Đầu ống ngói Cổ Loa, niên đại thế kỷ II trước Công nguyên.

Sách mới: DI SẢN VĂN HÓA ĐÌNH ĐỀN MẠO PHỔ

Mỗi một ngôi làng tồn tại cùng với cái tên của mình, cố nhiên đều mang theo ý nghĩa mà những người khai hoang lập làng ấp gửi gắm, đồng thời, nó cũng gắn liền với những biến cố lịch sử, những thăng trầm của làng quê ấy. Tên làng không đơn thuần chỉ là cái tên gọi. Nó chứa đựng phần nào bản sắc, phần nào nguồn cội của những người con đã lớp lớp tiếp nối bước ông cha trên mảnh đất này.

Chính bởi vậy, nó trở nên thiêng liêng và cháu con lớn lên luôn gìn giữ ngay cả khi chiến tranh, nghèo khó. Họ không bỏ tên làng như một yếu nghĩa rằng, họ không quên những ước muốn mà tổ tiên và ông cha bao đời ký thác, không quên làng quê, gốc rễ của mình.

Ngày nay, trong quá trình hội nhập, những giá trị văn hóa dân tộc cũng đang được từng bước kế thừa, phát huy. Nét đẹp trong văn hóa làng xã từ đình, chùa, đến hội làng, v.v. đang được phục hồi. Trong sự đổi mới, người ta nhắc nhau về những tên làng xưa cũ với tình cảm đặc biệt và ấm áp. Có những tên làng đã cùng tồn tại với lịch sử phát triển và những biển đổi thăng trầm của dân tộc qua hàng ngàn năm. Làng – Nước, có làng mới có nước. Đất lề, quê thói.

Mạo Phổ là một vùng đất như vậy. Mạo Phổ là một làng cổ thuộc huyện Thanh Ba, nằm bên tả ngạn sông Thao, cạnh thị xã Phú Thọ. Ngôi làng xưa có mỹ danh Mạo Phổ, tục gọi là làng Miễu. Mạo 瑁 trong chữ Nho có nghĩa là ngọc mạo, xưa các bậc thiên tử cầm để hội họp chư hầu. Phổ có nghĩa là rộng khắp. Mỹ danh Mạo Phổ cũng đã nói lên tầm quan trọng đặc biệt của địa phương này.

Địa linh sinh nhân kiệt. Điều đặc biệt của làng Mạo Phổ nằm chính ở các vị thánh thần được thờ tự trong các di tích của làng. Trải qua bao nhiêu thời kỳ chiến tranh, loạn lạc, nhưng người dân nơi đây vẫn gìn giữ được đầy đủ đình, đền, chùa, miếu trong ngôi làng của mình. Đình đền làng là nơi người dân làng kính nhớ các vị Đại vương và Thánh mẫu, là những người có công trạng lớn với đất nước và khai dân lập ấp ở nơi đây.

Đình đền làng Mạo Phổ thờ Thánh mẫu hiệu Trung Hòa, húy Duyên và 3 vị thánh ông là các con của Thánh mẫu:

  • Hiệu Đệ nhất Quan lang, húy Bút.
  • Hiệu Đệ nhị Quan lang, húy Lôi.
  • Hiệu Đệ tam Quan lang, húy Mao.

Thánh mẫu Duyên Hòa là thứ phi của vua Hùng thứ 17, sinh được 3 vị Đức ông, trưởng thành làm tướng đánh giặc Thục, lập nhiều công lớn. Các vị Đại vương này cũng là những người đã chiêu dân lập ấp, dựng nên một vùng đất trù phú đắc địa, nơi có sông Thao cuộn khúc giang loan, long mạch dẫn tụ về mà hình thành khu quần cư Mạo Phổ – Hạ Mạo tại thị xã Phú Thọ xưa.

Đình đền làng Mạo Phổ còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, có giá trị như 6 đạo sắc phong, khám thờ, kiệu, những bức cổn chạm khắc rồng phượng bằng gỗ có niên đại cuối Lê đầu Nguyễn… Hằng năm, vào 4 dịp kỳ cầu, người dân làng tổ chức lễ hội với phần tế lễ, rước kiệu và những trò chơi dân gian đặc sắc. Đình đền Mạo Phổ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa kiến trúc cấp quốc gia năm 1993.

Khu di tích đình đền Mạo Phổ được xây dựng từ thời Hậu Lê với quy mô kiến trúc chia làm 2 phần: đình và đền. Đình và đền nằm trên một khu đất rộng, bằng phẳng, cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, hướng về phía Đông nhìn ra bãi bên bờ sông Thao. Hiện nay, ngôi đình cũ đã được những người con của làng quê Mạo Phổ đã phát tâm tu sửa, kiệu nâng toàn bộ kiến trúc đình lên cao cho trang nghiêm hơn, rộng rãi hơn, xứng đáng hơn với tầm vóc của các vị thần thánh tại đây.

Miếu Đức bà Mạo Phổ là nơi thờ phụng Thánh mẫu Duyên Hòa, trước đây được lập ở một nơi riêng biệt. Trong quá trình xây dựng đường đê đi qua làng, miếu cũ đã được dời đến nơi mới trong cùng khuôn viên với đình và đền làng. Trong miếu còn lưu được di tượng của Thánh mẫu linh thiêng và uy nghiêm.

Không chỉ đình đền miếu được người dân Mạo Phổ làm lại cho trang nghiêm hơn mà vào dịp này, nhờ một nhân duyên hiếm có, nội dung bản ngọc phả làng Mạo Phổ bị thất lạc trước đây đã được đưa về đúng với nơi thờ tự của nó. Với điềm chim Phượng ngậm chiếc bút ngọc bay đến trong tiếng sấm nổ khi các vị Đại vương Bút Lôi Mao ra đời cho phép liên hệ với dòng Phượng theo mẹ Tiên Âu Cơ lên núi, sáng tạo ra những chiếc trống đồng vang vọng như tiếng sấm, trên đó khắc đúc hình người đội lông mao, là sự xưng danh dân tộc trường tồn từ thời Hùng Vương.

Bên cạnh đó, thần tích làng Hạ Mạo, là làng kết chạ anh em với làng Mạo Phổ, cũng được khai thác dịch và khảo cứu. Bản thần tích gốc của làng Hạ Mạo vốn được người dân con cháu họ Lê ở làng gìn giữ hơn cả tính mạng của mình. Khi có chiến tranh giặc giã đến tàn phá làng, thần tích được người dân mang theo chạy giặc vào rừng, cất giữ mà lưu truyền ngàn năm.

Sự tích các vị thần được thờ ở Mạo Phổ và Hạ Mạo đã soi tỏ cho một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc ta. Đó là giai đoạn cuối của thời Hùng Vương, qua thời Thục Vương đến khi nhà Triệu lập quốc Nam Việt với kinh đô ở Lưỡng Quảng. Những thông tin vô cùng quý giá từ ngọc phả cùng di tích và tục thờ thần ở Mạo Phổ là minh chứng rõ ràng cho lịch sử hào hùng của người Việt trong giai đoạn này.

Sự tích Mạo Phổ – Hạ Mao còn cung cấp những thông tin hết sức thú vị và quan trọng về tộc tính họ Lê được sách phong rất sớm vào thời Hùng Vương. Có thể nói, đây là ghi nhận chính thức được biết sớm nhất về vị tổ họ Lê ở thời gian trên 2.200 năm trước. Đồng thời, những vị tổ họ Lê đó cũng là những vị tiền hiền khai sáng, lập nên khu vực dân cư đông đúc ven bờ sông Thao xưa, mà nay là thị xã Phú Thọ.

Cuốn sách Di sản văn hóa đình đền làng Mạo Phổ được ra mắt quý vị từ tấm lòng kính ngưỡng và tri ân đến tiền nhân, nguồn cội của người con làng Mạo Phổ. Cùng với những tư liệu chữ Nho vừa được tìm thấy và phiên đọc, cuốn sách cũng giới thiệu tác phẩm Duyên Hòa Thánh mẫu diễn ca, là bài thơ lục bát dài do một người con họ Lê đất Mạo Phổ đã xúc cảm sáng tác về Thánh mẫu nhân dịp xã đón nhận bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Kiến trúc cấp quốc gia năm 1993.   

Vận nước, mạng mạch của quốc gia, xã tắc được vững bền chính là bởi từ những hạt giống lành như thế nơi mỗi lòng người làng quê được ươm mầm nuôi dưỡng. Xin trân trọng kính dâng cuốn sách quý này lên anh linh các vua Hùng và tiên tổ dân tộc Việt Nam, thắp lên một nén nhang tìm về nguồn cội và bản sắc của đất nước.

Đối chiếu sự tích Mạo Phổ và Hạ Mạo

Sách in khổ 14,5×20,5 cm, giấy dày, bìa cứng, tổng số 212 trang.

MỤC LỤC

Lời giới thiệu

BẢN KHAI THẦN TÍCH THẦN SẮC

Bản khai thần tích thần sắc làng Mạo Phổ

Bản khai thần tích thần sắc làng Hạ Mạo

SỰ TÍCH VÀ LỊCH SỬ CÁC VỊ THẦN Ở MẠO PHỔ VÀ HẠ MẠO

Ngọc phả làng Mạo Phổ

Thần tích xã Hạ Mạo

Lịch sử thời hậu Hùng Vương qua thần tích ở Mạo Phổ và Hạ Mạo

CÁC SẮC PHONG LÀNG MẠO PHỔ

Sắc 1: Hợp phong Bản cảnh Thành hoàng năm Tự Đức thứ 33

Sắc 2: Hợp phong Bản cảnh Thành hoàng năm Đồng Khánh thứ 2

Sắc 3: Hợp phong Lôi Công và Mao Công năm Duy Tân thứ 5

Sắc 4: Phong Trung Hòa Duyên Nương Phu nhân năm Khải Định thứ 2

Sắc 6: Phong cho Lôi Công năm Khải Định thứ 2

Sắc 7: Phong cho Mao Công năm Khải Định thứ 2

Sắc 8: Phong cho Bút Công năm Bảo Đại thứ 19

Sắc 9: Phong cho Lôi Công năm Bảo Đại thứ 19

Sắc 10: Phong cho Mao Công năm Bảo Đại thứ 19

Sắc 11: Phong Duyên Hòa Thánh Mẫu thời Bảo Đại thứ 19

HOÀNH PHI, CÂU ĐỐI CÁC DI TÍCH Ở MẠO PHỔ VÀ HẠ MẠO

Tại đền Đức Ông Mạo Phổ

Tại đình làng Mạo Phổ

Tại miếu Đức Bà Mạo Phổ

Tại chùa Khánh Long

Tại đình Hạ Mạo

VĂN TẾ THẦN Ở MẠO PHỔ

Văn tế mồng 9

Văn tế mồng 10

DUYÊN HÒA THÁNH MẪU DIỄN CA

DI TÍCH VÀ TỤC THỜ CÁC VỊ LONG THẦN Ở PHONG CHÂU, NGÃ BA HẠC

Các di tích thờ thủy thần ven hai bờ Sông Thao

Các di tích thờ thủy thần ven sông Đà huyện Thanh Thủy và huyện Tam Nông

Các di tích thờ thủy thần nơi Ngã Ba Hạc             

Lời tri ngộ

Phụ lục

Bản sao chữ Nho ngọc phả làng Mạo Phổ

Bản chụp Thần tích xã Hạ Mạo

Lịch sử hậu Hùng Vương qua tộc tích họ Lê ở thị xã Phú Thọ

Bài trên TC Công dân và khuyến học ngày 1/8/2022 https://congdankhuyenhoc.vn/lich-su-hau-hung-vuong-qua-toc-tich-ho-le-o-thi-xa-phu-tho-179220731173917195.htm

Sau 18 đời vua Hùng, chính sử nước ta được ghi chép bằng một loạt những diễn biến chồng chéo rất khó phân định, từ việc An Dương Vương kế tục Hùng Vương năm 257 Trước Công nguyên, rồi nhà Tần đánh Lĩnh Nam đến Triệu Đà lập nước Nam Việt năm 208 Trước Công nguyên. Tất cả xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy 50 năm!

Mới đây, một bản thần tích do họ Lê lưu giữ ở thị xã Phú Thọ đã cung cấp thêm nhiều chi tiết giá trị, giúp bổ sung và làm sáng tỏ dòng chảy lịch sử nước ta sau thời Hùng Vương.

1. 

Làng Mạo Phổ, thuộc xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, thờ vị Thánh mẫu Duyên Hòa. Theo ngọc phả, bà là vợ của Hùng Vương thứ 17. Một đêm bà nằm mộng thấy một con chim phượng ngậm một chiếc bút ngọc bay đến trong tiếng sấm nổ vang rền. Từ đó bà có mang. 

Khi sắp sinh, bà lại nằm mơ gặp một lão tiên đến ban cho một chiếc rọ có 5 con cá chép hồng. Bà chọn được 3 con cá. Sau đó bà sinh được ba người con trai tướng mạo dị thường, thông minh tài trí. Ba người con khi lớn lên đã cùng với Tản Viên Sơn Thánh giúp vua Hùng đánh giặc Thục, rồi về hóa ở quê mẹ bên bờ sông Thao.

Cạnh làng Mạo Phổ là làng Hạ Mạo, thuộc thị xã Phú Thọ, có thần tích kể về 5 vị thành hoàng cùng tên với làng Mạo Phổ. Nhưng khác với ngọc phả Mạo Phổ do Hàn lâm đại học sĩ Nguyễn Bính biên soạn, thần tích của làng Hạ Mạo là một dạng ghi chép của gia tộc họ Lê tại đây về các vị thành hoàng, cũng là vị tổ họ đã lập trang ấp tại Hạ Mạo.

Thần tích họ Lê ở Hạ Mạo kể rằng: Xưa Hùng Vương đời thứ 17 sinh người con trai thứ tên là Hùng Ánh, thiên tư dũng lược, diện mạo lạ thường, thông minh nhanh hiểu biết, vượt trội hơn người. Khi ấy phong tục còn chất phác. Các con vua đều gọi là quan chàng, cho nên có tên là quan Chàng Ánh. Đến khi Duệ Vương nối ngôi, phong Chàng Ánh làm Vương tử, ban cho họ Lê.
Khi giặc Thục đến xâm lăng, Chàng Ánh chỉ huy quân binh, có công chống Thục. Sau giặc Thục đánh Duệ Vương, thế nước nhà Hùng mất. Chàng Ánh rất hận mới luyện binh tuyển tướng, cẩn thận giữ gìn cương giới, bèn tự xưng là Hậu Hùng Vương, không thần phục An Dương Vương. Xưng là nước Việt Tây, nay là Quảng Tây.

Chi tiết Chàng Ánh được phong ban họ Lê, chiếm giữ đất Quảng Tây là một bằng chứng rằng việc hình thành các dòng họ ở nước ta đã có từ thời Hùng Vương. Việc ban họ gắn liền với phong đất và quyền thế tập cha truyền con nối. Đây chính là ý nghĩa khái niệm chế độ “phong kiến”, tức là phong tước và kiến địa. 

Lê Hùng Ánh là vị tổ họ Lê sớm nhất được biết trong thư tịch cho tới nay.

2. 

Thần tích Hạ Mạo kể tiếp: Vợ Vương là con gái Đông Chu Quân có mang 3 năm, sinh một bầu năm con trai, đến khi trưởng thành đều có tướng mạo khác thường. Hùng Vương Chàng Ánh rất vui mừng, nhân theo cổ tục khi đó đặt là Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba, Chàng Tư, Chàng Út mà gọi.

Vào cuối thời Chu, đất nhà Chu chia thành 2 vùng là Tây Chu và Đông Chu. Vị vua Chu cuối cùng là Chu Noãn Vương đã bị Tần Chiêu Tương Vương diệt ở đất Tây Chu năm 256 TCN. Đất Đông Chu khi đó trở thành nơi nương náu của các quý tộc nhà Chu và được cai quản bởi một vị hoàng tộc Chu gọi là Đông Chu Quân.

Thông tin Hậu Hùng Vương lấy con gái của Đông Chu Quân khi so sánh với ngọc phả làng Mạo Phổ thì tương ứng việc Thánh mẫu Duyên Hòa nằm mộng thấy điềm chim phượng ngậm bút ngọc bay tới trong tiếng sấm nổ, sinh ra 3 người con đặt tên là Bút Lôi Mao. Chim phượng là biểu tượng cho dòng Tiên theo mẹ Âu Cơ lên núi, cũng tương đương với nhà Chu vì khi Chu Văn Vương khởi nghiệp đã thấy điềm chim phượng hoàng năm sắc đậu ở ngọn núi Kỳ Sơn mà gáy báo tin.

Hình ảnh lông phượng mang hàm nghĩa những người con là dòng dõi của mẹ Âu Cơ hay của nhà Chu. Tiếng sấm tượng trưng cho quẻ Chấn trong Hậu thiên bát quái, là quẻ chỉ hướng Đông. Còn chiếc Bút tượng trưng cho nét “văn”. 

Tên gọi Bút Lôi Mao do vậy có thể giải nghĩa là dòng dõi của Đông Chu Văn Quân, vị quân chủ đã quản lý vùng đất Đông Chu chống lại quân Tần. Vì quân Tần đến từ vùng đất Thục nên truyền thuyết Việt gọi đây là giặc Thục.

Hậu Hùng Vương chủ đất Việt Tây, lấy vợ là con gái của Đông Chu Quân, đã không thần phục vua Thục mà tự mình lập nước riêng, xưng là Việt Tây quốc vương. So sánh với chính sử thì việc Hùng Ánh lập quốc ở Quảng Tây tương ứng với việc họ Triệu chiếm đất Tần xưng là Vũ Vương. Cái tên Lôi Mao cũng tương ứng với hình ảnh những chiến binh đội lông chim (Mao) trên mặt trống đồng, là loại trống còn gọi là trống sấm (Lôi), gặp phổ biến nhất ở vùng Bắc Việt và Quảng Tây. Lông chim cũng là họa tiết trang trí phổ biến trên mặt các trống đồng của thời kỳ Đông Sơn.

3. 

Thần tích Hạ Mạo kể tiếp: Gặp lúc có tướng Tần Triệu Đà dẫn quân chiếm phương Nam, Hùng Vương (tức là Chàng Ánh) bèn lệnh Chàng Út dẫn ba ngàn quân giúp Triệu Đà đánh Thục chiếm nước thành công. Triệu Đà lên ngôi là Vũ Đế, nhưng vẫn cắt Quảng Tây cho Việt.

Vì Chàng Út có công nên 4 người anh nhường cho em, bỏ đi ẩn ở vùng sông cuộn núi dừng bên sông Thao. Hùng Vương băng hà, Chàng Út kế vị, xưng là Việt Tây Út Ngọ Lôi Mao Đại vương. Vũ Đế cho lệnh sách phong. Ba năm tang lễ xong, Vương cho hoàng hậu họ Triệu giám quản đất nước, còn tự thân đi cầu tìm bốn người anh.

TriệuVũ Đế trong thần tích này không phải là Vũ Vương lập quốc ở Quảng Tây, mà là người đã diệt nhà Tần lên ngôi Đế. Vị Hoàng đế của thiên hạ này có sách phong cho Chàng Út làm Vương ở đất Việt Tây.

Đây là thông tin hết sức mới lạ về nguồn gốc nhà Triệu của nước Nam Việt, cho phép giải mã được những khúc mắc lịch sử hiện tại về thời kỳ Hậu Hùng Vương. 

Có thể tóm tắt lại diễn biến của thời kỳ này theo những thông tin mới thu nhận từ thần tích Hạ Mạo như sau:

Hùng Vương thứ 18 là dòng Tiên Phượng theo mẹ Âu Cơ lên núi lập nước Văn Lang, tương ứng với vị vua Chu cuối cùng là Chu Noãn Vương. Tác phẩm thơ Thiên Nam ngữ lục có đoạn về thời gian này như sau:

Kể từ Hùng tổ trị dân
Lên ngôi sánh với thánh nhân Đào Đường
Tới nay Chu mạt Noãn Vương
Ông cha con cháu giữ giàng trị dân…
Ấm bao nhiêu, rét bấy nhiêu
Vườn Chu ải giậu, Tần trèo đãng hoa.

Giặc Thục tấn công và diệt Hùng Vương là nước Tần. Một chư hầu của Hùng Vương mang họ Lê không thần phục Tần đã cát cứ đất Quảng Tây mà xưng vương. Đây là vị Vũ Vương, tức là vị vua đầu triều, của nước Nam Việt. Vũ Vương có người vợ là con gái của Đông Chu Văn Quân, tức là dòng dõi nhà Chu.

Khi Triệu Đà khởi nghĩa chống Tần, Vũ Vương cử quân đội giúp Triệu Đà định được thiên hạ. Triệu Đà lên ngôi Hoàng đế, xưng là Triệu Vũ Đế. Triệu Vũ Đế phong cho Vũ Vương họ Lê làm vua đất Việt Tây như một chư hầu.

Con Út của Vũ Vương họ Lê là người có công trong việc diệt Tần lập quốc, được Triệu Vũ Đế gả con gái cho, là Triệu hậu. Út Ngọ Lôi Mao lên nối ngôi cha ở Quảng Tây tức là Triệu Văn Vương trong lịch sử. Họ Triệu của nước Nam Việt lấy theo họ bên ngoại (theo Triệu Vũ Đế) từ đây.

4. 

Thần tích Hạ Mạo kể tiếp: Được mười năm hoàng hậu họ Triệu sinh được con trai là Chàng Uyên, thông minh sáng suốt. Sau khi Chàng Út cùng 4 anh hóa Chàng Uyên tiếp ngôi, hiệu xưng là Minh Vương. Khi Hán bình định Nam Việt cùng với Việt Tây, Minh Vương thất thủ mà chết. Con trưởng tên là Hùng Tuấn với Vương hậu cùng chết theo. Con trai thứ Hùng Hòa không chịu nhục, cõng thi thể của cha chạy về chôn ở núi Toàn Dương. Sau ba năm chôn cất xong, dẫn con cái đến thôn Thượng Minh cùng với nhân dân bốn họ cùng sống. Nhưng vì tránh tên Minh Vương nên đã đổi thành xã Hạ Mạo, đổi thôn thành xã từ đó.

Người nối ngôi Triệu Văn Vương ở nước Nam Việt theo Sử ký Tư Mã Thiên đúng là Triệu Minh Vương. Người con đầu của Minh Vương là Triệu Ai Vương đã cùng mẹ là Cù Hậu bị chết khi nhà Tây Hán tấn công Nam Việt. Ai Vương như thế tương ứng với tên Hùng Tuấn trong thần tích Hạ Mạo. Còn người con thứ của Minh Vương đã chạy về vùng Phong Châu Phú Thọ là Triệu Vệ Dương Vương, tương ứng trong thần tích gọi là Hùng Hòa.

Tộc tích họ Lê ở Hạ Mạo đã ghi lại đầy đủ thông tin nguồn gốc về nhà Triệu nước Nam Việt. Đó là từ Triệu Vũ Vương họ Lê và vợ là con gái Đông Chu Quân xưng vương ở Quảng Tây. Tiếp nối là Văn Vương lấy vợ là con gái Triệu Đế nên từ đó dùng chữ Triệu để đặt tên triều đại. Triệu Minh Vương nối ngôi, tới Triệu Ai Vương thì bị nhà Tây Hán tấn công, giết chết. Triệu Vệ Dương Vương đem thân tộc gia quyến chạy về quê gốc ở vùng Phong Châu, ẩn cư lấy lại họ Lê. Từ đó chiêu dân lập ấp, hình thành trang ấp ở khu vực thị xã Phú Thọ ngày nay. Họ tộc này cùng 4 họ gia thần khác lập đền thờ Mẫu tổ là bà Duyên Hòa ở làng Mạo Phổ và đền đình thờ các đại vương tổ họ Lê làm thành hoàng ở 2 làng Mạo Phổ và Hạ Mạo.

Câu đối với đình Hạ Mạo còn ghi lại câu chuyện ly kỳ thời Hậu Hùng Vương này:

Hùng Lạc ký truyền nay, diệt Thục bình Ngô rạng ở sử

Việt Tây ngôi nhường nối, điềm rồng thế núi bãi thành trang.

Hình người và lông chim trên trống sao vàng

Trang đầu” Thần từ sự tích” của làng Hạ Mạo với thông tin về ban tộc tính họ Lê cho Hùng Ánh.

Long vị Lôi Mao Đại vương ở đền Mạo Phổ.
Cung thờ Ngũ vị Đại vương đình Hạ Mạo.
Hình Giao long và Người đội lông chim trên lưỡi rìu thời Đông Sơn.
Phả đồ thời kỳ Hậu Hùng Vương theo thần tích Hạ Mạo và chính sử.