Trống đồng thời đại Thục An Dương Vương

Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” của người Tày ở Cao Bằng kể, trong cuộc so tài với các chúa mường khác, chúa mường Nam Cương là Thục Phán đi lấy trống đồng về đến gò Đống Lân, mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng. Các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi. Nhờ vậy Thục Phán là chúa mường thứ 9, đã giành thắng lợi trước các chúa mường khác và lên làm vua.

Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” cho thấy ý nghĩa của trống đồng trong việc hiệu lệnh chư hầu trước các nước lân bang. Chỉ một tiếng trống vang lên cũng đã làm các chúa mường phải thuần phục. Thục Phán nhờ có trống đồng đã trở thành vua chủ của 9 tộc người. Trống đồng là thứ gì mà lại có quyền uy như vậy?

Bất ngờ lớn nhất là những thông tin về công dụng của trống đồng lại được ghi trong cuốn kỳ thư cổ đại là Kinh Dịch. Trong 64 quẻ Dịch, quẻ Dự có lời tượng như sau: Dự – sấm vang rền mặt đất, tiên vương dùng tạo nhạc đề cao đạo đức, long trọng dâng lên thượng đế cùng với tiên tổ.
Trống đồng còn gọi là trống sấm, là loại trống duy nhất khi đánh để úp xuống đất, nên lời tượng quẻ Dự nói: sấm vang rền mặt đất. Quẻ Dự như vậy có hình tượng là trống đồng. Chữ “tác nhạc” cho thấy rõ ràng trống đồng là một nhạc cụ dùng trong các buổi lễ tế. Nó chính là tổ tiên của văn hóa cồng chiêng ngày nay.
Nói đến vua Thục Phán không thể không nói tới thành Cổ Loa, tương truyền do An Dương Vương xây dựng. Cũng ở Cổ Loa, đã phát hiện đươc một chiếc trống đồng lớn cùng với những vũ khí hình như lưỡi cày đồng. Ở mặt trong vành chân đế của trống đồng Cổ Loa có khắc một dòng chữ triện, có thể đọc được như sau: “Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân”. Nghĩa là: “Trống tế thứ 48, nặng hai trăm tám mươi mốt cân”. Chữ đầu tiên trong dòng chữ này đọc là Vu, có nghĩa là tế lễ, cầu mưa. Đây là một bằng chứng về công dụng sử dụng của trống đồng trong các buổi lễ tế trời và tổ tiên người Việt.

Trống đồng Cổ Loa

Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa là nơi có đền thờ thần Trống Đồng, gọi là đền Đồng Cổ, nằm ở làng Đan Nê. Sách “Linh tích Tam Thai sơn” có đoạn viết về trống đồng ở Đan Nê như sau: “Trước kia, ở miếu thờ có 1 trống đồng, tương truyền là vật cổ từ thời vua Hùng, mặt trống có đường tròn 1 thước 5 tấc (0,6m), cao hai thước (0,8m), rỗng lòng không đáy, giữa mặt trống có chỗ lõm như rốn bụng, vành mép ngoài nối liền chữ triện, bốn bên có dây xoắn hình chữ Vạn, chữ lâu đời bị mòn, xoa xát cũng không rõ, xung quanh mặt chỉ còn vân hoa như hoa đẩu; núm có lỗ hổng bằng hạt đậu. Đó là trống đồng Lạc Việt nổi tiếng”.
Theo Địa chí huyện Yên Định thì tại làng Đan Nê còn lưu truyền đôi câu đối: “Vật lưu Bách Việt tổ. Kiến ấp Trịnh Lưu Hà”. Di vật còn lưu lại ở Đan Nê là chiếc trống đồng như được mô tả trong sách Linh tích Tam Thai sơn. Trên chiếc trống này còn có chữ dạng triện (sách Đại Nam nhất thống chí chép là dạng chữ khoa đẩu), là loại chữ tượng hình sớm, trước thời nhà Tần. Câu đối ở Đan Nê cho biết trống đồng gắn liền với thời Hùng Vương, là tổ của Bách Việt và dùng trong việc phong ấp cho 3 dòng họ ở đây là họ Trịnh, họ Lưu và họ Hà.
Công dụng của trống đồng dùng trong phong ấp lập họ cũng khớp với lời của quẻ Dự, nói: “Lợi kiến hầu, hành sư”. Theo lời quẻ, trống đồng được sử dụng để “kiến hầu”, tức là dùng để phong tước phong hầu, và “hành sư”, nghĩa là dùng để điều khiển quân đội.
Trong cuốn cổ thư “Trúc thư kỷ niên” có chép khi Tần đánh bại và thu phục được các tiểu quốc Tây Nhung, vua Chu Tương Vương đã ban cho Tần Mục Công những chiếc trống đồng. Đây là tư liệu sớm nhất nhắc đến trống đồng trong lịch sử. Việc vua Chu ban trống đồng có ý nghĩa như là phong vùng đất Tây Nhung mới thu phục được cho Tần Mục Công. Nói cách khác, trống đồng đã được sử dụng làm vật ban phong đất và phong tước.

Tiền tế đền Đồng Cổ ở Đan Nê

Trống đồng là hiện vật đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn được biết gặp nhiều nhất tại Bắc Việt, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu. Phạm vi phân bố của trống đồng tương ứng với cương thổ của nước Văn Lang thời Hùng Vương, có phía Đông giáp biển, phía Tây giáp Ba Thục, phía Bắc giáp Hồ Nam, phía Nam giáp Hồ Tôn. Vùng đất Quý Châu là đất Ba Thục, cũng là nơi được ghi nhận là xuất xứ của Thục An Dương Vương.
Một chiếc trống đồng có nguồn gốc từ đất Thục ở Quý Châu với những họa tiết tạo hình và chữ viết rất độc đáo. Chiếc trống Thục này có dạng đặc trưng Heger II, cao 24cm, đường kính mặt trống 35 cm, đường kính đáy 29 cm. Ở giữa chiếc trống đồng là hình mặt trời có 16 tia, nhưng hết sức khác lạ là bên trong mặt trời lại có hình tròn với 5 vòng xoắn. Hình tròn 5 xoáy vừa là biểu tượng cho mặt trời, cũng là biểu tượng của Ngũ hành, xưa có tên là “Nhật nguyệt tinh thần”, gồm 4 tượng của các vì tinh tú và 1 hình tròn ở trung tâm. Đây là biểu tượng của nguyên thần, của những gì căn cơ nhất trong trời đất, tương tự như khái niệm Thái cực đồ âm dương sau này.
Ở vòng tròn bên trong gần mặt trời là hình 16 con chim cổ dài như cổ cò, đứng thành từng 8 cặp quay vào nhau. Mỗi con chim đứng trên một con rắn dài nhỏ. Hình Chim – Rắn khá giống cảnh đôi Hạc đứng trên lưng Rùa để chầu. Chim – Rắn cũng như Hạc – Rùa là thể hiện không gian, trên trời có chim, dưới đất có rắn rùa. Tương tự trên trống đồng Ngọc Lũ là chim bay trên trời, hươu chạy dưới đất. Rắn cũng có thể coi là tượng hình của Rồng, nên biểu tượng Chim – Rắn là dẫn chứng nữa về sự hòa hợp biểu tượng của 2 dòng Tiên – Rồng trên mặt trống đồng.
Vòng ngoài trên mặt trống gồm 4 đoạn giống nhau, phân tách bởi 4 tượng cóc. Mỗi đoạn gồm 3 cụm hoạt cảnh. Mỗi hoạt cảnh thể hiện hình một người có tóc búi đuôi sam dài, đang dương cung bắn vào một con thú, hình như con cáo. Đối diện là một hình người chim, có phần đầu như đầu chim, mỏ lớn, có 2 cánh. Tổng cộng có 12 hoạt cảnh giống nhau lặp lại ở vòng ngoài của mặt trống. Tóc đuôi sam, hình người chim đều là những biểu tượng đặc trưng có trong văn hóa Thục. Người chim được thể hiện trên cây vũ trụ tìm thấy ở Tam Tinh Đôi trên đất Thục cổ. Sử dụng nỏ thành thạo là sự liên hệ đến câu chuyện nỏ thần của An Dương Vương trong truyền thuyết Việt.
Trên mặt trống có 4 tượng cóc cõng nhau. Khác với hình cóc thường gặp trên trống đồng Đông Sơn, mỗi tượng cóc ở đây được thể hiện thành khối dày chắc chắn, ngẩng đầu, có các xoáy âm dương ở hai bên thân. 4 tượng cóc nằm ở 4 góc, thể hiện tính vuông của Đất. Trong khi mặt trống hình Tròn, chỉ tính chất của Trời. 4 góc là nơi Trời tròn – Đất vuông giao hòa mà sinh ra vạn vật. Cho nên mới có cóc đực cái giao hợp, sinh sôi nảy nở không ngừng.

Trống đồng Thục

Trống Thục có 4 chiếc quai, khá đặc biệt, không giống kiểu quai hình văn thừng như các trống đồng Đông Sơn. Quai trống Thục có hình đầu rồng có tai lớn, ngậm quai. Hình này có thể gọi là hình Tiêu đồ, đặc trưng của các đồ đồng dòng đỉnh vạc thời Thương Chu. Sự kết hợp các chi tiết biểu tượng của 2 dòng đồ đồng Trung Hoa trên cùng một hiện vật, đánh dấu sự thống nhất 2 dòng văn hóa của thiên hạ. Dòng đồ đồng mang biểu tượng Rồng là dòng theo cha Lạc Long Quân, thể hiện trên các đồ vật có chân như đỉnh, vạc thời Thương Chu. Dòng đồ đồng mang biểu tượng Chim là dòng theo mẹ Âu Cơ, thể hiện trên các trống đồng, thạp đồng Đông Sơn.
Ở vành ngoài trên mặt trống có 57 ký tự lớn ở dạng Đại triện. Niên đại của lối chữ này ước đoán vào khoảng thời Chiến Quốc, trước khi Tần thống nhất chữ viết toàn Trung Hoa thành chữ Tiểu triện. Sự kết hợp giữa trống đồng và chữ Triện là minh chứng đầu tiên và rõ ràng nhất rằng văn hóa trống đồng thuộc chung nền văn hóa chữ tượng hình phương Đông, tức là nằm trong cùng một thiên hạ Trung Hoa thời nhà Chu.
Dòng chữ ngoài cùng được đúc sâu, khá rõ nét. Lối viết Đại triện này có nhiều khác biệt nên hiện không thể đọc hết được số chữ này. Tuy nhiên trong bài minh văn của chiếc trống Thục có nói tới việc phong tước và hành sư, như đoạn câu “Vương tứ Bá” – Vua ban thưởng cho Bá, và đoạn “nội sơn tác sư” – trong núi lập ra quân đội. Dựa vào nội dung chữ đọc được trên trống, có thể thấy đây là một chiếc trống được ban cho một vị tướng tước Bá để dùng làm hiệu lệnh, xây dựng quân đội.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép về đền Đồng Cổ ở Yên Định như sau: “Xưa Hùng Vương đi đánh Chiêm Thành đóng quân ở núi Khả Lao, đêm mơ thấy thần báo mộng, bảo vua rằng: Xin có cái trống đồng và dùi đồng giúp nhà vua thắng trận phen này. Đến khi ra trận, thì thấy trên không văng vẳng có tiếng trống, tiếng kiếm kích, rồi quả nhiên vua được toàn thắng”.
Như vậy, trong thần tích về thần Đồng Cổ, trống đồng được dùng trong việc đánh trận, điều khiển quân đội. Ở chiếc trống Thục trên, công dụng về việc hiệu lệnh quân đội thể hiện ở phần thân trống. Thân trống chia làm 3 phần. Phần tang trống có 16 hoạt cảnh người đi săn – người chim như trên mặt trống. Còn 2 phần lưng và chân trống là vòng tròn các chiến binh, gồm cụm 3 người một. Một người chống tay cầm kiếm, một người đang dương cung và một ngươi vung 2 tay như đang dùng dùi đục. Tổng cộng cả phần mặt trống và thân trống có tất cả 156 hình người. Có thể thấy đây là trống quân dùng trong quân ngũ, chứ không phải trống dùng trong tế lễ.

Mặt trống Thục

Chiếc trống đồng có chữ Đại triện là minh chứng cho mối liên hệ trực tiếp giữa vùng Bắc Việt và đất Thục ở Tứ Xuyên, Quý Châu. Những cặp đôi: Mặt trời – Ngũ hành, Chim – Rồng, Trống đồng – Chữ đại triện cho thấy thực chất cả 2 dòng Tiên – Rồng của truyền thuyết Việt đều thuộc một nền văn minh phương Đông cổ đại. Trống đồng thật sự là vật lưu truyền của tổ Bách Việt, từ cha Rồng mẹ Tiên hợp nhất trong vòng quay trường cửu quanh mặt trời ở trung tâm vũ trụ.

10 đứa con của rồng trong văn hóa Hoa Việt

Truyền thuyết “Long sinh cửu tử” xuất hiện dưới thời Tống – Minh đã tập hợp lại một số hình tượng thú giống rồng có vai trò trang trí trong kiến trúc, điêu khắc và nghệ thuật truyền thống như thao thiết, bồ lao, nhai tí, bí hí, si vẫn,… Số lượng những đứa con rồng theo các tài liệu khác nhau lên tới hơn 10 loại. Những hình tượng này có vai trò khá quan trọng trong văn hóa truyền thống vì chúng làm nên nét riêng biệt của các di tích đền đài và các đồ vật thờ liên quan.
Tuy nhiên, câu hỏi về nguồn gốc nguyên mẫu ban đầu và ý nghĩa sơ khởi của những biểu tượng các đứa con của rồng là gì thì hiện vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng. Những khảo sát gần đây của các học giả Việt Nam mới dừng lại ở các văn vật từ thời Đinh Lý, chưa đủ để trả lời cho câu hỏi này. Truy nguyên nguồn gốc các đứa con của rồng phải lùi xa hơn nữa, vào lúc và ở nơi mà hình tượng rồng ban đầu xuất hiện thì mới có thể biết những đứa con của rồng được “sinh ra” và “lớn lên” như thế nào. Đồng thời qua đó cũng có thể hiểu được vai trò của văn hóa Việt Nam trong việc hình thành các hình tượng này.
Hình tượng Rồng trong văn hóa Trung Hoa xuất hiện khá sớm, ngay từ thời kỳ đồ đá mới đã có hình rồng bằng đá ngọc trong văn hóa Hồng Sơn hay trên tông ngọc của văn hóa Lương Chử. Sang tới thời Thương, thiên hạ Trung Hoa bước vào giai đoạn đồ đồng thì con rồng trở thành biểu tượng hoa văn mỹ thuật rất phổ biến trên các vật dụng. Trên hầu hết các đồ đồng thời kỳ này đều có thể bắt gặp hình rồng với những biến thể khác nhau, rất đa dạng. Đồ đồng Trung Hoa đạt đỉnh cao rực rỡ vào thời Thương Chu, tương ứng thời gian với văn hóa trống đồng Đông Sơn, một nền văn hóa cũng không kém phần huy hoàng ở phía Nam.
Trong truyền thuyết Việt thì sự phát triển của hình tượng Rồng được thể hiện qua Truyện Họ Hồng Bàng. Dòng dõi theo cha Rồng Lạc Long Quân đi xuống biển về phía Đông Nam xưa, tức là Đông Bắc nay, hình thành nên khu vực văn hóa khảo cổ Ân Thương. Dòng theo mẹ đi lên núi về phía Tây Bắc được nhấn mạnh hơn với các hình tượng chim hạc và hươu (Hà và Lạc) trên trống đồng Đông Sơn, chính là văn hóa Chu. Trên thực tế, có thể gặp những hiện vật giao thoa giữa cả 2 dòng văn hóa cha Rồng mẹ Tiên này như hình tượng giao long trong văn hóa Đông Sơn hay chim hạc trên đồ đồng Thương.
Ở Việt Nam tồn tại cả 2 dòng đồ đồng nói trên. Dòng đồ đồng Đông Sơn có mặt ở nước ta thì đã rõ. Còn dòng đồ đồng Thương Chu thường được gọi là đồ đồng Hán, cho dù niên đại của những đồ đồng này có trước thời Hán.
Nghệ thuật thời Thương Chu cũng như Đông Sơn mang tính chất biểu tượng cao. Giai đoạn càng cổ xưa thì tính biểu tượng lại càng cao. Tới cuối thời Chu các hoa văn, hình trang trí trên đồ vật bắt đầu dần trở nên “tả thực” hơn. Sang thời Hán đồ đồng làm dưới dạng các tượng người, thú giống như thật. Cũng chính vì tính biểu tượng cao này mà đồ đồng cổ Thương Chu đóng vai trò nguồn gốc cho các hình tượng văn hóa sau này của phương Đông.
Hình tượng Rồng trong văn hóa phương Đông đạt đỉnh cao đầu tiên là trên các đồ đồng thời Thương Chu – Đông Sơn. Do đó đây cũng là lúc mà “rồng sinh con”, hay là lúc hình thành các biến thể của hình tượng rồng, phù hợp và đáp ứng các yêu cầu khác nhau của nghệ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng. Vì vậy, muốn tìm nguồn gốc những đứa con của rồng cần khảo sát hình tượng rồng trong các đồ đồng của thời kỳ này.
Ý nghĩa và nguồn gốc của những hình tượng thường được thể hiện qua ngay tên gọi. Nên việc tìm hiểu các hình tượng con của rồng cần đi sâu phân tích tên gọi của chúng. Nhiều khi tên gọi đọc lên nghe tưởng là tiếng Hán, tên chữ lạ hoắc, nhưng thực ra đó chỉ là cách ghi âm tiếng Nôm mà thôi, vì thực tế các hình tượng này là hình tượng của văn hóa Việt (Bách Việt). Áp dụng “Nôm na pháp” giúp cung cấp thêm thông tin xác thực về ý nghĩa và nguồn gốc của các hình tượng con của rồng.

1. Bí hí
Bí hí 贔屭 theo nghĩa của chữ là “gắng sức làm”. Hình tượng này có hình dáng của con rùa, dùng để đỡ các vật nặng. Các tác giả hiện nay liên hệ nó với truyền thuyết Nữ Oa chặt chân con Ngao ngoài biển để chống trời hay so sánh với con rùa vũ trụ trong Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, Rùa đội bia hay đội vật nặng trong văn hóa phương Đông không thiếu gì khả năng từ những nguồn gốc khác thuyết phục hơn.
Truyền thuyết Việt cho biết người Việt cổ theo hình dáng của con Rùa mà làm ra nhà sàn với các cột lớn chống đỡ cho ngôi nhà. Vậy biểu tượng rùa mang vật nặng hoàn toàn có thể xuất phát ngay từ khi người Việt biết làm nhà sàn, một loại nhà phổ biển trên toàn cõi Đông Nam Á. Hình ảnh Nữ Oa chống trời cũng chỉ là biểu tượng hóa của cách bắt chước rùa làm nhà sàn, chống mái (trời) bằng cột mà thôi. Người Hán ở vùng sông Hoàng Hà không có “bản quyền” về truyền thuyết này vì họ không hề làm nhà sàn mà chỉ có các loại nhà đắp đất. Đồng thời họ cũng không có các loài rùa lớn hay ba ba. Xuất phát điểm của người Hán ở Thiểm Tây thậm chí không hề giáp biển để mà có con Ngao cho Nữ Oa chặt chân. Con rùa chống vật nặng như vậy vốn xuất phát từ vùng ven biển Đông trong lịch sử tộc Việt.
Trên đồ đồng Thương Chu nét biểu tượng của Rùa – Bí hí nằm ở những cái chân của các đồ vật. Chân đỉnh, chân vạc, chân ấm… của các đồ đồng thời kỳ này đều làm to, ngắn, trông giống như chân voi. Bí hí còn có tên là Bá hạ, có thể cùng nghĩa là chống đỡ từ phía dưới. Vậy là có thể thấy chân Rùa hay yếu tố Bí hí trong các đồ đồng cổ bởi người Việt đã theo hình con rùa mà làm nhà, làm chân cột chống đỡ các đồ vật.

IMG_5465
Phần chân của chiếc hủy quang tê giác thời Tây Chu.

Con Rùa còn liên quan trực tiếp tới văn chương chữ nghĩa qua một số truyền thuyết. Đó là việc Việt Thường cống vua Ðường Nghiêu rùa thần nghìn tuổi, rộng hơn 3 thước, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch rùa. Rồi từ trên lưng con rùa thần mà Đại Vũ đã ghi lại Lạc thư. Hay Phục Hy chép Bát quái cũng từ lưng rùa. Hiển hiện hơn, loại chữ cổ xưa của Trung Hoa từng được phát hiện cũng là chữ viết trên mu rùa, gọi là chữ Giáp cốt. Chính vì những sự tích này mà con Rùa mới gắn với chữ nghĩa, mới đội văn bia nơi đền miếu.
Cái tên gọi Bí hí như vậy chỉ nên dùng để chỉ Rùa khi nó đội các vật nặng (tháp, công trình kiến trúc), hoặc chỉ các chân đỡ giống như chân Rùa. Những con rùa đội bia nên vẫn gọi là Rùa thì hơn vì nó không có tính chất “gắng sức làm” của từ bí hí mà mang tính chở văn chương.

2. Thao thiết
Xuất hiện sớm nhất trong số các đứa con của rồng trên văn vật cổ là hình tượng Thao thiết. Chữ ghi âm này hiện dùng là 饕餮, gắn với bộ thực 食 là ăn uống. Tuy nhiên hình tượng Thao thiết ban đầu không phải chỉ xuất hiện trên các đồ đựng thức ăn. Nó xuất hiện đầu tiên trên tông ngọc của văn hóa Lương Chử dưới dạng một bộ mặt có mắt, mũi to, miệng rộng. Sau đó Thao thiết phát triển gặp phổ biến trên các đồ đồng thời Thương có hình mặt thú mắt to, mũi lớn, có sừng. Thao thiết là bằng chứng trực tiếp cho thấy rằng hình tượng những đứa con của rồng trong truyền thuyết Long sinh cửu tử chính là bắt nguồn từ các hình trang trí trên đồ đồng thời Thương Chu.

download (1)Ống tông có mặt Thao thiết của văn hóa Lương Chử.

8b434-lich20ba20cu
Lịch đồng thời Tây Chu với hình Thao thiết ở 3 mặt.

Tông ngọc cũng như các đồ đồng đỉnh, lịch, bình rượu,… thời Thương có mục đích sử dụng chính không phải để đựng thức ăn mà là đồ tế khí. Vì vậy bộ mặt Thao thiết thực chất ban đầu mang nghĩa thần quyền, tạo cảm giác kỳ bí cho hiện vật. Về sau Thao thiết thể hiện tính uy nghiêm, sự cứng rắn của vương quyền.
Thao thiết còn gọi là Thú diện văn. Gốc của từ này đơn giản có thể là dạng tiếng Việt “đầu cứng”, thể hiện trong các thành ngữ “mặt sắt đen sì” hay “rắn mặt”. Thao là biến âm của từ Đầu. Thiết là cứng, là kim loại.
Thao thiết thường có hình dạng một mặt thú, có sừng như sừng trâu. Vị thần đầu trâu trong văn hóa phương Đông là Viêm Đế Thần Nông. Cũng vị thần này đã dạy dân trồng lúa, có cái ăn cái mặc. Có thể vì vậy mà chữ Thao thiết được viết với bộ thực 食 (lương thực). Thao thiết như thế là biểu tượng của Thần Nông hay của sự no đủ.

IMG_1879Ấm đồng thời Tây Chu trang trí toàn bằng Thao thiết ở cả phần thân và nắp.

3. Tiêu đồ
Tiêu đồ 椒啚 thường có hình mặt thú, nhưng kích thước nhỏ hơn Thao thiết (trong tương quan so với đồ vật có hình tượng này). Đặc điểm nữa là Tiêu đồ có ngậm vòng hay tay nắm với ý nghĩa đóng kín, nắm chắc, khác với Thao thiết có miệng mở rộng.
Tiêu đồ còn có tên là Phô thủ. Phân tích có thể thấy, cả 2 tên này đều cùng một nghĩa. Tiêu tương đương với Phô, nghĩa là nhô lên, nhô ra. Đồ là âm đọc khác của Đầu. Như thế hiểu đơn giản đây là hình cái đầu thú nhô ra. Truyền thuyết kể Tiêu đồ là loài trai ốc. Điều đó có nghĩa là hình Tiêu đồ không có thân, chỉ có đầu nhô ra.
Hình đầu thú nhỏ ngậm vòng hay ngậm tay cầm gặp nhiều trên đồ đồng Thương Chu. Ví dụ trên các chiếc bình có vòng bên hông. Hay thậm chí ở quai các chiếc tước đồng có hình đầu thú ngậm quai cũng có thể coi là tiền thân của biểu tượng Tiêu đồ.

IMG_7247 (2)Hình đầu thú ngậm vòng trên chiếc bình thời đầu Chiến Quốc (Ảnh chụp theo Bảo tàng cố cung Đài Bắc).

IMG_5408
Tay cầm chiếc tước thời Thương có hình đầu thú.

Hình Tiêu đồ tương tự còn gặp cả trên các đồ đồng Đông Sơn, như trên thố đồng hay tay nắm cửa.

P1170134Tay nắm hình mặt thú (Ảnh chụp hiện vật của Bảo tàng lịch sử).

P1170135Thố đồng Đông Sơn có hình mặt thú ngậm vòng (Ảnh chụp hiện vật của Bảo tàng lịch sử).

4. Kim nghê
Cho dù cụm từ Toan nghê 狻猊 tiếng Hán dịch là sư tử nhưng chắc chắn nguồn gốc Kim nghê không phải lấy nguyên mẫu của sư tử vì phạm vi phương Đông chưa bao giờ có sư tử sinh sống. Kim nghê lại càng không bao giờ đi đỡ tượng hay làm thú cưỡi cho Phật.
Hình tượng một con vật như loài thú móng vuốt trên nắp đồ vật thực ra đã gặp từ thời Chiến Quốc. Như trên nắp một chiếc liễn đồng thời này, hình dáng hoàn toàn giống Kim nghê ngày nay.

IMG_7255Phủ đựng thức ăn thời Xuân Thu (Ảnh chụp theo Bảo tàng cố cung Đài Bắc).

Hay một hình ảnh khác là như trên chiếc nồi hổ ba chân cũng khoảng thời Chiến Quốc. Chức năng của nó là làm tay cầm cho phần nắp (vung nồi).

IMG_1473

Như vậy ban đầu Kim nghê vốn là hình con hổ trên nắp các đồ dùng. Vì Hổ cũng là Hỏa, là lửa, nên Kim nghê dùng biểu trưng cho các vật nóng, sau thành ra loại thích khói lửa để trên nắp các lư hương hay chỗ hóa vàng.
Cần phân biệt hình tượng Kim nghê (nghê trên đồ kim loại) với con Nghê chầu ở các di tích thờ cúng, thường bằng gỗ, đá, sành sứ. Con Nghê ở các di tích mang ý nghĩa là con vật đứng chầu ngay ngắn (ngô – nghê – ngay, thực ra đều là tiếng Việt cả), nghiêm trang. Do đó có rất nhiều loại Nghê khác nhau cùng chức năng đứng chầu từ nghê chó, nghê rồng, nghê sư tử, nghê kỳ lân, đến cả nghê cá.

5. Bồ lao
Bồ lao 蒲牢 là biểu tượng có hình rồng hai đầu, thường dùng làm quai treo chuông. Theo truyền thuyết thì đó là một loài thú hoặc chim ở biển, khi gặp cá kình thì kêu rất to. Chi tiết loài Bồ lao sống ở biển cũng đủ thấy đây là hình tượng của văn hóa Bách Việt vì địa bàn của Hán tộc vốn không giáp biển. Chưa kể một vài tài liệu nói Bồ lao ở biển Nam Hải hay biển Đông. Biển Đông thì chỉ có thể là ở giáp vùng đất Việt ngày nay.
Chữ Lao nghĩa là vật hiến tế. Chữ Bồ không có nghĩa, có thể đơn giản là từ chỉ định “con”, “cái”. Bồ lao hiểu nghĩa đen là con vật dùng để hiến tế. Có thể con vật hiến tế cho thủy thần (cá kình) xưa khi bị giết hay bị ném xuống nước kêu rất to. Người ta mới lấy đó làm truyền tích cho hình tượng Bồ lao.
Hình tượng rồng 2 đầu hay 2 con rồng đấu đuôi vào nhau gặp trên các não bạt, bác (dạng chuông nhỏ) từ thời Chiến Quốc. Những con rồng này được thể hiện với phần miệng đang há to như đang kêu. Rõ ràng rồng hai đầu trên nhạc khí đồng thời Chiến Quốc là tiền thân của hình tượng Bồ lao trên các chuông đồng sau này.

hien_vat 8_kienthuc_cxeoChuông đồng thời Xuân Thu (Ảnh internet).

Bac Son 042
Chuông đồng Chiến Quốc có hình rồng đấu đuôi.

6. Nhai tí
Nhai tí hay Nhai xải có chữ là 睚眥. Chữ này nghĩa thường là nhìn một cách khinh bỉ. Hình tượng Nhai tí dùng đúc tạc ở chuôi cán vũ khí.
Hình rồng trên cán vũ khí đã xuất hiện từ thời Chiến Quốc trong cả đồ đồng Thương Chu cũng như đồ Đông Sơn. Ban đầu là cả một cụm rồng nối nhau như trên chuôi kiếm. Cũng có những chiếc qua đồng của thời này với phần chuôi là hình cả con rồng. Như vậy hình tượng Nhai tí cũng có nguồn gốc là trang trí rồng trên vũ khí đồng từ thời Chiến Quốc.

IMG_7244 (2)Qua đồng thời Chiến Quốc (Ảnh chụp theo Bảo tàng cố cung Đài Bắc).

img_4597-e1508257236855.jpg
Chuôi kiếm có hình hủy long.

7. Si vẫn
Si vẫn 螭吻 còn gọi là Ly đầu hay Ly thủ, nghĩa là đầu con Ly. Hình tượng này dùng trên nóc nhà ở nơi tiếp giáp của mái. Dân gian gọi là con Kìm (ở đỉnh mái) hay con Sô (biến âm của Si) ở góc mái.
Gợi ý về nguồn gốc của Ly đầu là chiếc bình Phỏng Chu Ly thủ phương hồ của vua Minh Mạng làm phỏng theo đồ đồng thời Chu năm 1838. Trên hình mộc bản có thể thấy rõ “Ly thủ” là đầu một loài thú như con hươu, có sừng ở vị trí phía trên nắp của bình.

4
Bản rập Phỏng Chu Ly thủ phương hồ (Ảnh theo Trung tâm lưu trữ quốc gia IV).

Hay thường gặp trên đồ đồng thời Thương như trên dữu (loại bình có nắp và quai) ở chỗ tiếp giáp là hình đầu trâu. Tương tự ở vị trí đó trên các loại đôn vuông hoặc tròn là hình đầu dê với sừng cong, thậm chí cả đầu voi.

duu-e1508257492201.jpg
Dữu đồng đựng rượu thời Thương.

DonĐôn tứ dương thời Thương.

Như thế, nguyên mẫu Ly đầu là hình trang trí đầu thú ở phần tiếp giáp các bộ phận. Có thể chữ Ly này đồng âm với từ ly rời, chỉ chỗ mà các bộ phận có thể tách nhau. Hoặc Ly = lề, chỉ chỗ tiếp giáp. Từ “vẫn” cũng có nghĩa là mép, chỉ nơi tiếp giáp. Không quan trọng hình đầu thú này có ngậm vật hay không. Thời kỳ đầu Thương Chu thể hiện ở vị trí tiếp giáp trên là các loài hươu, dê hay trâu. Về sau hình tượng này được “long hóa” thành ra hình đầu rồng, trong khi tên gọi vẫn là Ly hay Si.

8. Trào phong
Trào phong 嘲風 là biểu tượng hình một con thú dáng như con hổ đang ngẩng đầu (đón gió). Hình tượng này thường đặt trên bờ dải các công trình kiến trúc. Dân gian gọi là con Náp. Xét trên đồ đồng Thương Chu thì hình tượng tạo nổi ở bên hông các vật dụng chính là tiền thân của Trào phong sau này trên các công trình kiến trúc.
Ví dụ trên chiếc bình thời Xuân Thu, một dạng bình tiêu biểu của thời kỳ này có 2 con vật nửa hổ nửa rồng đang ngoảnh đầu ra ngoài. So sánh thì thấy vị trí và hình tượng của nó rất giống với Trào phong trên đền đài. Hoặc trên chiếc bình thời Chiến Quốc có 4 con rồng được tạo bám 4 góc bình. Nhưng hình rồng hổ ở thành bình đồng Thương Chu chính là tiền thân của con Trào phong sau này trên đền đài.
Hình con Náp hay Trào phong phân biệt với con Kìm hay Si vẫn (con Sô) ở chỗ hình này gồm nguyên cả con thú, đầu ngẩng và đặt ở vị trí lưng chừng, chứ không phải vị trí tiếp hợp các bộ phận.

Binh Xuan thuBình thời Xuân Thu.

Binh Chien quoc
Bình thời Chiến Quốc.

9. Bệ ngạn
Chữ Ngạn trong Bệ ngạn 狴犴 nghĩa là tù ngục. Chữ Bệ có bộ Khuyển, chỉ một loài vật. Loài vật hình như con hổ, hung dữ dùng bày nơi công đường và nhà ngục cũng đã có từ thời Chiến Quốc. Dưới đây là hình một loài hổ cũng tương đối “long hóa” của thời này.

Bac Son 069

10. Công phúc
Công phúc 蚣蝮 là hình tượng được dùng trang trí cầu cống vì tương truyền loài này thích uống nước. Có thể Công là đọc sai của từ Cống. Còn Phúc nghĩa là con rắn. Loài rắn ưa nước gọi là Công phúc.
Rồng uống nước thì cũng có nhiều mô típ trên đồ đồng Thương Chu. Ban đầu là hình rồng có chức năng làm vòi các ấm rượu, như hình rồng trên ấm đồng Tây Chu sau.

IMG_1855

Tới thời Đường rồng hút nước biến thành 2 tay cầm của chiếc bình.

IMG_1435

Thêm một hình tượng nữa là Phụ hí. Chữ phụ 負 có nghĩa là vác, cõng. Chữ hí 屭 có lẽ cũng như trong tên Bí hí, chỉ việc nặng. Phụ hí là hình tượng sử dụng trên các bia, mộ, được dùng thành cặp đôi. Hình dáng hoàn toàn giống rồng. Tiền thân của Phụ hí trên đồ đồng Thương Chu có thể là hoa văn trang trí các quai vạc, quai đỉnh, thông thường cũng là 2 con rồng đầy đủ. Ví dụ như hoa văn 2 con quỳ long trên quai của chiếc lịch thời Tây Chu sau. Vị trí trang trí này cũng phù hợp với cái tên Phụ hí vì nó mang nghĩa mang vác của tay quai đồ vật.

IMG_7292

Như vậy, các hình tượng con của rồng khác nhau đều có nguyên mẫu từ các hình trang trí trên đồ đồng thời Thương Chu. Điều này hoàn toàn hợp lý vì đồ đồng Thương Chu là một trong những nấc thang đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, làm nền tảng cho sự phát triển các biểu tượng nghệ thuật sau này trên các công trình kiến trúc và vật dụng truyền thống. Cho dù tên chữ Nho của những hình tượng này đọc nghe lạ tai nhưng bản chất các hình tượng đó vẫn là văn hóa Bách Việt, là dòng giống của cha Rồng xưa xuống khai phá vùng ven biển Đông Bắc.

Vài điều qua Ngự chế minh văn cổ khí đồ của vua Minh Mạng

Năm 1838 Vua Minh Mạng cho đúc 33 đồ đồng phỏng theo hình dáng đồ vật của các triều đại Thương, Chu tới Hán. Ban đầu gọi là “bác cổ đồ” (tức chế tạo những đồ vật đã xem xét kỹ của thời xưa), sau đó (năm 1839) đổi làm “cổ khí”. Nhà vua đã tự tay viết đề các bài minh văn trên từng “cổ khí” đó. Hình vẽ các cổ khí này và các bài minh văn được các quan đương thời tập hợp lại thành một cuốn sách có tên là Ngự chế minh văn cổ khí đồ. Mộc bản của cuốn sách này cùng các hình vẽ cổ khí nay vẫn còn được lưu ở Trung tâm lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt. Một số các cổ khí này được giữ và trưng bày tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.
33 cổ khí này gồm chủ yếu là các vật đựng như Đỉnh 鼎, Lịch 鬲, Đôn 敦, Quỹ 簋, Tôn 尊, Dữu 卣, Cô 觚, Hòa 盉, Giả 斝, Hồ 壺, Di 彝, Bôi 杯 và Xa 車. Các nhân vật cổ đại có đồ dùng được phỏng theo là gồm:
– Thời Thương có: Phụ Ất, Phụ Kỷ, Phụ Tân, Tổ Mậu, Phụ Phụ Đinh, Hợp Tôn Tổ Đinh. Chữ 父 thời Thương nghĩa chỉ thủ lĩnh (xưa gọi thủ lĩnh là Cha, Bố), nên phải đọc là Phụ chứ không phải Phủ. Các vua nhà Thương lấy thập can làm tên nên có các tên Ất, Kỷ, Tân, Mậu, Đinh. Như Hợp Tôn Tổ Đinh có thể là vua Ân Vũ Đinh và người vợ tên là Phụ Hảo (mộ Phụ Hảo đã được phát hiện ở Ân Khư, Hà Nam).
– Thời Chu có: Văn Vương, Vương Bá, Ung Công Giám, Tử Phụ Cử, Trọng Câu Phụ, Thúc Bang Phụ, Thái Sư Vọng, Kỷ Dậu, Tử Ất. Các vị tiền bối thời nhà Chu ngoài Văn Vương là vua, còn lại có một số anh em của vua (bậc chú bác – Bá, Thúc). Chu Vương Bá có thể là vị bác của Chu Vũ Vương, làm thủ lĩnh nước Ngô (Ngô Thái Bá). Tương tự, Trọng Câu Phụ có thể là Trọng Ung, bác của Chu Vũ Vương, sau kế nghiệp anh là Thái Bá cai quản nước Ngô. Thúc Bang Phụ là người chú vua, có thể chỉ Chu Công, phụ chính cho cháu là Chu Thành Vương. Nói chung đây đều là các công thần lập quốc của nhà Chu, được phân phong ở các nước chư hầu.
Những nhân vật được chọn đều là những vị vua, những danh nhân thời Thương Chu có công trong việc kiến tạo và phát triển Trung Hoa cổ đại. Đây hoàn toàn không phải tư tưởng Nho giáo vì không hề thấy có thờ (phỏng theo) ông tổ Nho học là Khổng Tử.
Một số cổ khí không có tên người mà gọi theo hình dáng và hoa văn như Miệt ngạo (蔑敖 với nghĩa miệt thị – ngạo mạn, có hình mặt thú mắt lớn), Hủy (兕 tê giác), Tượng (象 con voi), Hồ (壺 hình cái bầu rượu), Quỳ long (夔龍 rồng một chân), Bàn quỳ trực văn (蟠夔直文 hình rồng một chân cuộn tròn và hoa văn thẳng), Ngữ (敔hình một loại nhạc cụ)Sơn lôi (山雷 có hoa văn núi và sấm), Lôi văn (雷文 hoa văn sấm chớp), Thao thiết (饕餮 hoa văn mặt thú), Ly thủ phương (螭首方 đầu con Ly, có hình vuông), Giao ly (蛟螭 hình con Giao Ly), Sơn long ôn (山龍溫 bình giữ ấm có hoa văn rồng, núi), Hy thủ (犧首 đầu con Hy – giống như con trâu), Cưu (鳩 chim tu hú).
Những loại đồ vật, hoa văn cùng tên gọi các nhân vật trên hoàn toàn phù hợp, giống với các hiện vật được biết ngày nay về đồ đồng thời Thương Chu. Rõ ràng vua Minh Mạng rất thạo các đồ vật cổ thời Thương Chu và để “phỏng cổ” theo các mẫu vật này chắc chắn nhà vua đã phải có sách hoặc hiện vật của thời đại tương ứng. Đây là một công việc làm mang tính chất “bác học” (“bác cổ”) xem xét tra cứu cẩn thận, chứ không phải tùy hứng. Những sách và những cổ vật Thương Chu đó nhà vua lấy ở đâu ra? Tại sao cổ vật Thương Chu lại được biết rõ vậy ở nước Đại Nam? Nên nhớ rằng thời Minh Mạng còn chưa có ngành “khảo cổ học” ở phương Đông và di chỉ Ân Khư ở Hà Nam, Trung Quốc còn chưa được biết đến.

8b434-lich20ba20cu
Một chiếc lịch thời Tây Chu tìm thấy ở Việt Nam, rất giống với chiếc Miệt ngạo lịch của vua Minh Mạng.

Cổ khí đầu tiên trong số này là chiếc đỉnh phỏng theo đỉnh Sách mệnh thời Thương. Đỉnh Sách mệnh 册命 nhà Thương là chiếc đỉnh làm khi vua Thương (Thành Thang) lên ngôi (sách mệnh = nhận mệnh trời), được lấy làm cổ khí đầu tiên. Ngự chế đề (bản dịch của Trương Sỹ Hùng, Thái Trung Sử): Ta nhận mệnh sáng của trời và của vua cha, ngự trị nước Đại Nam. Noi theo nhân nghĩa để mong được sánh với Ngũ Đế Tam vương. Việc chính trị chưa được cực trị thì lòng ta vẫn cảm thấy hổ thẹn. Con cháu ta phải gần gũi với người hiền, tránh xa kẻ nịnh bợ, chớ có ham mê tửu sắc, để có thể sửa trị được nước nhà, ngôi báu đời đời bền vững.
Ngay trong bài minh đầu tiên vua Minh Mạng đã nhấn mạnh việc làm của mình là muốn sánh cùng thời Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Hoa. Đây hoàn toàn không phải kiểu “chơi trội”, đúc phỏng cổ vật của Tàu để sau này người Tàu có cái mà xem (?!). Việc làm của vua Minh Mạng hoàn toàn có ý thức tự tôn dân tộc rất cao, ý thức được nước Đại Nam là dòng dõi Trung Hoa chính thống, tiếp nối sự nghiệp huy hoàng từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế.
Tương tự, trong bài minh của chiếc phỏng Thương Phủ Kỳ đỉnh ngự chế đề: Cổ xưng Tam Đại, truyền chi vĩnh niên, lương pháp thi hiệu, ái dân kính thiên. Dịch nghĩa: Thời cổ ca ngợi thời Tam Đại, truyền tụng đến muôn đời. Noi theo khuôn phép tốt, phải yêu mến dân và tôn kính trời.
Đặc biệt, trên chiếc đỉnh phỏng theo đỉnh của Chu Văn Vương ngự chế đề: Phỏng kỳ khí, pháp kỳ nhân. Bang tuy cựu, mệnh duy tân. Bách thế tử tôn, vạn tải tuân tuần. Dịch nghĩa: Phỏng theo đồ vật ấy, noi theo con người ấy, nước tuy là nước cũ (nhưng) mệnh trời ban cho thì lại mới. Con cháu trăm đời của ta, hãy muôn năm noi theo.
Câu “Bang tuy cựu, mệnh duy tân” lấy ở Văn Vương – Đại NhãChu tuy cựu bang, kỳ mệnh duy tân” của Kinh Thi. Tuy nhiên trong bối cảnh này thì có thể thấy vua Minh Mạng đã cho rằng mình là nối mệnh trời trên đất đai bang quốc xưa của nhà Chu. Bang xưa của nhà Chu, mệnh mới của nhà Nguyễn. Đây là một trong những câu văn chứng tỏ quan điểm của vua Minh Mạng về nguồn gốc của nước Đại Nam nối tiếp nhà Chu Trung Hoa.
Trên chiếc di phỏng Chu với hoa văn “bàn quỳ trực” ngự chế đề: Phỏng cổ khí, tư sở trọng. Tử tử tôn tôn, vĩnh bảo dụng. Dịch nghĩa: Phỏng theo đồ vật xa mà nghĩ đến điều trọng yếu. Con con cháu cháu ta hãy mãi mãi trân trọng giữ gìn mà sử dụng.
Những chữ “tử, tôn, vĩnh, bảo, dụng” là những chữ Kim văn thường gặp trên đồng khí Thương Chu. Ở đây cho thấy vua Minh Mạng là người rất am hiểu các minh văn trên đồ đồng cổ từ thời Thương Chu.

IMG_0881Cửu đỉnh ở trước thế miếu nhà Nguyễn tại Huế.

Cũng vua Minh Mạng là người đã cho đúc Cửu đỉnh nay ở Thế miếu tại thành nội Huế trước khi đúc đồ phỏng cổ ngự chế vài năm (1836). Bài thơ Phỏng cổ chú thành Cửu Đỉnh an thiết vu Thế miếu đình tiền cung nghệ tế cáo lễ thành thi dĩ chí sự do vua đề như sau (theo phiên âm của Nguyễn Huy Khuyến):
Viên dụng cống kim phỏng cổ tiên
Chú thành Cửu Đỉnh trí đình tiền
Tam tài cự tế giai thành tượng
Vạn vật hình dung tận thủ yên
Ký pháp Hạ hoàng tăng thức khuếch
Khởi phương Tống chủ phí đào chân
Nguy nga ngật lập an bàn thái
Tử tử tôn tôn vĩnh bảo truyền.
Dịch thơ:
Đồng cống nay dùng phỏng cổ nhân
Đúc thành chín đỉnh đặt trước sân
Tam tài lớn nhỏ đều nên mẫu
Vạn vật dáng hình chọn hết lần
Theo phép Hạ vương mà phóng đại
Chẳng so Tống chủ phí rèn hun
Sừng sững đứng đây như Bàn Thái
Cháu con mãi giữ báu truyền chân.
Một lần nữa ta lại thấy cụm từ “Tử tử tôn tôn vĩnh bảo”, là cụm từ thường dùng trong kim văn thời Thương Chu. Cũng một lần nữa bài thơ trên nhấn mạnh ý của vua Minh Mạng “noi gương các vị vua Tam đại” như những tiền nhân (cổ tiên) của mình trong việc trị nước an dân.

IMG_7262 (2)Kim văn khắc trên một chiếc liễn đồng thời Tây Chu mang dòng chữ Kỳ vạn niên tử tử tôn tôn vĩnh bảo dụng (ảnh chụp của Bảo tàng cố cung Đài Bắc).

Cửu đỉnh Huế, 33 cổ khí có minh văn ngự chế cùng với miếu Lịch đại tại Huế là những chứng tích rõ ràng về quan niệm của nhà Nguyễn tiếp nối truyền thống Trung Hoa từ Hạ Thương Chu cho nước Đại Nam.

Văn nhân thêm ý:
Theo quan niệm và rõ rệt hơn nữa là lễ chếcổ điển Thiên hạ xưa thì ai nắm Cửu đỉnh người ấy là vua của muôn dân Thiên hạ.
Điều quan trong trong việc làm của vua Minh Mạng là tuân giữ lễ chế ngàn xưa để lại. Ý nghĩa sâu xa của việc này là khẳng định chính thức tiếp nối quốc thống Hữu Hùng quốc khởi từ thời đế Hoàng hay đế Minh xuyên qua vua Vũ đúc Cửu đỉnh mà ngày nay người ta quen miệng gọi là Trung Hoa.
Việc làm động trờ như thế mà sao các Đại Hãn nhà Mãn Thanh lại dửng dưng như không biết?
… Thưa… rất dễ hiểu vì họ là khan – hãn của Đại hãn quốc, tức nước của giống Hung Nô, có biết gì về lễ chế truyền từ Tam hoàng Ngũ đế đâu… Với họ thì cái ngai vàng có đầu rồng chẳng khác gì cái yên ngữa… Gọi Khan – Hãn Hung Nô là đế này, đế nọ… chỉ là sự múa vút vung vít của đám gia nô về sau viết sử Đại Hãn quốc mà thôi. Không tin xin bạn nhìn cái ấn “hoàng đế” của (Quý Do) hãn, khả hãn thứ 3 của đế quốc Mông Cổ.

guyuk_khans_stamp_1246(Hình lấy từ Internẻt)

Và bức thư mà ông ta gửi cho giáo hoàng Innôcentê IV năm 1256.

letterguyugtoinnocence.jpg
(Hình lấy từ Internet)

Có chữ “Tàu” nào đâu?
Vậy mà bỗng chốc biến một cái… ông ta hóa thành “Nguyên Đinh Tông” của nhà Nguyên Trung Hoa mới hay chứ…
Lưu truyền trong dân gian Việt có những tích xưa chứa đựng thông tin ít ai ngờ đến, hoặc… không dám tin… vì quả thật quá rõ, như tích “cá vượt Vũ môn hóa rồng”. Quả thật, quá rõ ở ngay tên “Vũ môn”. Môn là cửa thì biết rồi, nhưng Vũ là gì thì không nghĩ đến hoặc không dám nhận đó chính là chỉ vua Vũ trong cổ sử Trung Hoa. Xưa vua Vũ chống lụt đã cho đục bạt cả 1 phần quả núi tên là Long Môn sơn để khai thông dòng chảy. Vũ môn cũng gọi là Long Vũ môn, chính là nơi cá vượt để hóa rồng trong cổ tích. Long môn là địa danh có thật mà theo nhà nghiên cứu Bách Việt trùng cửu thì Long Môn chính là thác Vạn Bờ chắn ngang dòng sông Đà ngày nay.