Hổ dữ, Hổ lành và triết lý “thả Hổ về rừng”

Khi nói đến Hổ ta thường nghĩ đến sự hung dữ, độc ác, hại người. Nhưng trong văn hóa truyền thống, Hổ lại là biểu tượng của điều lành cát tường, là bà mẹ Thiên nhiên, bao bọc, nâng đỡ cho Con người.
1. Trong tập truyện cổ Lĩnh Nam chích quái có câu chuyện kể về lễ tục cúng thần vào ngày cuối năm 30 tháng Chạp của người Việt. Truyện Mộc tinh chép:
Đất Phong Châu thời thượng cổ có một cây lớn gọi là cây Chiên đàn cao hơn ngàn nhẫn, cành lá xum xuê, không biết che rợp tới mấy ngàn dặm, có chim hạc đến đậu nên đất chỗ đó gọi là Bạch Hạc. Cây trải qua mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay hình đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người hại vật. Kinh Dương Vương dùng nhạc mà đánh thắng yêu, yêu hơi chịu nhún nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ hàng năm thường tới 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, dân mới được yên ổn. Dân thường gọi yêu là thần Xương Cuồng.
Truyện Mộc Tinh nói đến cây “Chiên đàn” cao hơn ngàn nhẫn. Khi áp dụng phép phiên thiết âm ngữ ta có: Chiên đàn thiết Chàn, hay Chằn. Thì ra Chiên đàn là tên ghi âm Nôm của từ Chằn. Chằn tinh chỉ loài yêu quái nói chung. Như thế, gọi cây Chiên đàn tương đương với gọi đó là Mộc Tinh. Tuy nhiên, sự thật thì Mộc Tinh không phải là một loại cây, mà lại là… loài Hổ.
Trước hết, lệ cúng thần Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp trùng với tên gọi dân gian của Hổ là ông Ba Mươi. Thêm vào đó, trong Kỳ môn độn giáp có vị hung thần là Bạch Hổ Xương Cuồng. Phạm Đình Hổ trong cuốn Vũ trung tùy bút cũng cho biết rằng thần Xương Cuồng chính là Thần Hổ: “Làng Ngọc Cục ở huyện ta (Đường An, Hải Dương) khi xưa truyền rằng vẫn thờ yêu hổ phải bắt người làm việc hy sinh để cúng… Đó cũng như cái tục Nhâm Ngao tế thần Xương Cuồng vậy.”
Loài Hổ được dân gian tôn gọi là Chúa Sơn Lâm, không chỉ vì đó là loài thú dũng mãnh nhất trong rừng. Những chuyện kể về Hổ dữ thường gắn với những cây cổ thụ to lớn, nơi Hổ rình ăn thịt người. Có lẽ vì lý do đó mà người xưa cho rằng Hổ là tinh của cây gỗ lớn lâu năm, dẫn đến truyện Mộc Tinh như trên.
Hổ được gọi là ông Ba Mươi và cúng thần Hổ Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp. Điều này xuất phát từ khái niệm trong Can chi. Chi thứ 3 trong thập nhị địa chi là chi Dần, có hình tượng là con Hổ. Còn số 10 xưa là số Cả (Kỷ) hay Kỵ. Như thế 30 nghĩa là Kỵ Dần, tức là ngày cúng Hổ, rất đúng với tên gọi và phong tục dân gian. Ở một số nơi miền Nam như Bến Tre có còn tập tục tôn Hổ là Hương Cả, đứng đầu hương chức trong làng. Tên gọi Ông Cả tương thông ý nghĩa với tên Chúa Sơn Lâm của loài Hổ.
2. Nếu Hổ trong truyện Mộc Tinh Xương Cuồng là loài Hổ dữ, ăn thịt người thì hình tượng Hổ trong văn hóa truyền thống phương Đông lại mang ý nghĩa khác. Sách Lễ ký từ thời đức Khổng Tử đã ghi Hổ là một trong tứ thần thú: “Tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”. Tứ linh thú này theo dân gian gọi là “Long, Ly, Quy, Phượng”. So sánh 2 bộ tứ thần có thể thấy Hổ tương ứng với con Ly hay Lân. Loài Kỳ Lân theo sách Lã Thị xuân thu là thần thú tiêu biểu cho các loài động vật có lông mao. Còn loài Hổ cũng là chúa Sơn Lâm, đứng đầu muôn loài vật.
Tứ linh Long Ly Quy Phượng là biểu trưng của mô hình Tứ tượng (Thái cực đồ), trong đó có Thái Dương ứng với Phượng hoàng Đỏ ở hướng Nam nay, Thiếu Dương có tượng là Rồng Xanh (Thanh Long) ở phương Đông, Thái Âm là Rùa thiêng Huyền Vũ màu Đen ở phương Bắc nay, còn Thiếu Âm là Hổ Trắng, chiếm phương vị ở hướng Tây. Bản thân mô hình Ngũ hành xưa được biểu hiện thành ban Ngũ Hổ trong các đền miếu và trong tục thờ của tín ngưỡng Tứ phủ.
Theo triết học cổ phương Đông (Dịch học) xã hội con người phát triển theo chu kỳ tuần hoàn trải qua cả 4 mặt của Tứ tượng. Mô hình Tứ tượng – Ngũ hành đặt Con người ở vị trí trung tâm và tương tác với 4 hành tượng xung quanh. Thiếu Dương hành Mộc tượng trưng cho quan hệ giữa con người với xã hội, tức là cách hành xử giữa người với người. Còn Thiếu Âm hành Thổ biểu diễn quan hệ giữa con người với thiên nhiên, tức là tri thức hiểu biết về tự nhiên của con người. Chính vì vậy mà con thần thú biểu tượng của Thiếu Âm có tên gọi là Ly, hay Lý, Lẽ, vốn gốc nghĩa là Lửa, là ánh sáng của tri thức khoa học.
Tên gọi này còn thể hiện trong hình tượng Kim Nghê, là một trong những “đứa con của Rồng” (Long sinh cửu tử) trong văn hóa phương Đông. Kim Nghê được cho là loài vật thích khói lửa nên dùng đúc trên nắp các lư hương hay chỗ hóa vàng. Thực ra hình tượng này đã có ở dạng tay cầm trên nắp đồ vật đựng bằng đồng từ thời Chiến Quốc. Ban đầu Kim Nghê vốn là hình con Hổ vì Hổ cũng là Hỏa, là Lửa, tương ứng với con Ly ở trên. Tên gọi Toan Nghê xưa được dùng để nói tới hình Sư tử, vốn nghĩa là một loại Hổ cương mãnh. Hình tượng con Nghê hay con Lân thường gặp trong các điệu múa Lân (múa Sư tử), hay trên các bức chạm khắc Rồng Nghê rất phổ biến trong các đình làng.
3. Cặp linh thú Bạch Hổ – Thanh Long biểu hiện cho 2 mặt Âm – Dương vận hành phối hợp với nhau, là hình tượng rất hay gặp trong văn hóa cổ phương Đông. Biểu tượng này thịnh hành từ thời trước Công nguyên. Trong các mộ gạch xây thời Hán tìm thấy ở nhiều nơi tại Việt Nam hay gặp những chiếc gương đồng được bồi táng. Trên những chiếc gương đồng thời này thường được đúc hình tượng Long – Hổ và dòng chữ nêu ý nghĩa của chúng: “Thượng hữu tiên nhân bất tri lão. Tả Long hữu Hổ tịch bất tường”, nghĩa là: Trên có vị Tiên không biết già, Rồng trái Hổ phải xua điều xấu. Hình Hổ ở thời kỳ này không phải là biểu thị cho sự hung dữ, hay sức mạnh, mà là biểu tượng cát tường, bảo hộ phúc lành cho con người. “Cưỡi Hổ thành Tiên” là một trong những hình thức tu của đạo Thần Tiên khởi phát trong thời Hán.
Vào quãng đầu Công nguyên Đạo Giáo ở Việt Nam và Trung Hoa phát triển mạnh. Tư tưởng của đạo Thần Tiên bao trùm lên quan niệm tín ngưỡng của xã hội lúc đó. Vương Sung, một nhà triết học nổi tiếng thời này nói: “Ve lột vỏ, rắn thay da, rùa bỏ mai, hươu rụng sừng, da vỏ tiêu hết, chỉ giữ lại xương cốt mới có thể thoát xác tái sinh”. Đây là quan niệm của Đạo gia, như được thể hiện trên những hình vẽ trên lụa hay trên tường mộ thời này.
Một bức tranh lụa thời Hán như vậy có hai phần. Phần phía dưới thể hiện cảnh sinh hoạt của con người như đang nấu nướng, chế biến, săn bắn và tế lễ. Phần trên là cảnh tiên, có cặp Huyền Vũ – Chu Tước trên và dưới để “điều hòa âm dương”. Giữa là hình rồng cưỡi mây, biểu hiện của đắc đạo phi tiên. Quanh đó là các tiên nhân đã mọc thêm cánh, nhẹ bay qua thân xác phàm tục của mình thành tiên. Mặt mũi, hình dạng thân thể của họ cũng thay đổi, nên có những tiên nhân mang cánh chim, đầu cáo hay hình cá rất dị thường. Những bức tranh lụa trong mộ cổ thời Hán được gọi là “minh tinh”, được bồi liệm với ý nghĩa đưa đường (dẫn lộ) cho người chết thoát khỏi thân xác phàm tục mà đến với thế giới thần tiên.
Cũng từ thời Hán người được tôn sùng đứng đầu tiên giới là vị Tây Vương Mẫu, mà hình ảnh thường được thể hiện trong các bức bạch họa (tranh lụa) và bích họa (tranh tường) trong các mộ gạch. Theo Sơn Hải Kinh thì Tây Vương Mẫu nguyên là vị chủ thần hướng Tây trên núi Côn Lôn, có thân Hổ mặt người. Một chiếc gương đồng được phát hiện từ thời Pháp khi khai quật mộ gạch ở Nghi Vệ (Tiên Du, Bắc Ninh) có hình Tây Vương Mẫu trong cách thể hiện này. 2 bên Tây Vương Mẫu là hình các tiên nhân thị chầu ở dạng thân rắn đầu người, xuất phát từ quan niệm rắn lột xác thành tiên. Hình Hổ trong trường hợp Tây Vương Mẫu đã trở thành biểu tượng “bà mẹ” Thiên nhiên đối với con người.
Cùng một ý nghĩa dẫn độ người chết về với cõi thần tiên là các bộ tranh thờ của người dân tộc miền núi nước ta. Trong bức tranh khắc gỗ Độ linh của người Tày ở Hòa An, Cao Bằng, thể hiện một quãng đường dài với những vị thần tiên tiếp dẫn linh hồn con người từ khi mới chết đến cho khi siêu thoát. Con đường linh này được bắt đầu bởi vị thần mang tên là Hổ Vĩ (đuôi hổ), cưỡi trên một con Hổ có chiếc đuôi dài. Quãng đường Độ linh được kết thúc bởi hình Long Đầu (đầu rồng), cho thấy cặp Long – Hổ chính là biểu thị ngắn gọn cho khái niệm Âm – Dương, cho đoạn đường mà linh hồn phải trải qua trước khi thoát tục.

4. Một hình tượng Hổ đặc biệt gặp trên một bảo vật có niên đại từ thời Ân Thương (cách nay trên 3.000 năm) là chiếc bình Hổ tôn. Chiếc bình có hình Hổ đang ở tư thế ngồi. Đầu Hổ to, có 2 tai nhọn, mắt và mũi Hổ lớn, trông rất có thần thái. Miệng Hổ há rộng, lộ hàm răng trên. Hai chân trước của Hổ quặp lấy một hình người đúc nổi. Đầu người trần trụi nằm ngay dưới miệng Hổ. Hai tay người dang ra, ôm lấy thân Hổ. Hai chân người ngồi choãi ra hai bên, với bàn chân trần dẫm lên 2 chân Hổ. Nắp bình khá nhỏ, có tay cầm đúc ở dạng hình một con Hươu có chấm như Hươu sao và được trang trí bằng 2 con Quỳ Long ở 2 bên. Mặt trong của nắp bình có đúc chìm tộc huy hình chim (Điểu) và 2 chữ “Phụ Quý”, là tên của một vị vua nhà Ân Thương. Quai bình có 2 đầu hình một loài vật mặt như mặt Cáo, có 2 răng nanh và mõm dài nhô ra như đầu loài Cầy vòi. Trên tay cầm của bình có hình các con Quỳ Long. Phần lưng bình có mặt Thao thiết có sừng, gắn với phần đuôi tròn, dày và cong cuộn. Đuôi Hổ cùng với 2 chân trước làm thành chỗ tựa thứ ba cho chiếc bình.
Toàn cảnh chiếc Hổ tôn cho người ta có cảm giác như hình một con Nghê đang chầu. Chỗ khó giải thích nhất của chiếc Hổ tôn là cảnh người ôm Hổ, đầu người trần trụi nằm ngay dưới răng Hổ, nhưng khuôn mặt quay sang một bên lại không hề có vẻ sợ hãi. Biểu hiện của người được đúc trên chiếc bình không giống như một cảnh hiến tế người cho thần Hổ.
Lời giải về ý nghĩa của chiếc Hổ tôn rất bất ngờ lại nằm trong cuốn kỳ thư Kinh Dịch từ thời nhà Chu. Quẻ Lý của Chu Dịch có lời quẻ như sau: “Lý: Hổ vĩ, bất điệt nhân, hanh”. Trong đó Lý nghĩa là “dẫm”, hay đi theo. “Hổ vĩ” là đuôi Hổ. “Bất điệt nhân” là không cắn người. Hanh là tính chất hanh thông, thuận lợi trong Dịch học. Lời quẻ Lý mô tả chính xác hình ảnh chiếc Hổ tôn: Dẫm lên chân Hổ, nhưng Hổ không cắn người, mà lại là sự Hanh thông, thuận lợi. Vì sao thế?
Như đã bàn ở phần đầu của bài, Hổ là biểu tượng của tri thức, hiểu biết của con người đối với thế giới tự nhiên. Bản thân tên chi Dần gần với âm Nôm của chữ Rành, chỉ sự rõ ràng của Lý lẽ. Đi theo đuôi Hổ, giống như trong bức tranh Độ linh của người Tày, có nghĩa là đi theo ánh sáng của tri thức, tất nhiên không bị hại, mà lại được mọi sự thông thuận. Hình ảnh Hổ Chúa Sơn Lâm cùng với các loài muông thú (Hươu, Cầy cáo) là biểu tượng của Thiên nhiên. Bình Hổ tôn thể hiện sự hài hòa giữa Con người và Thiên nhiên. Con người ôm lấy bà mẹ Thiên nhiên, dựa vào Thiên nhiên và được Thiên nhiên bao bọc, che chở, nâng đỡ.
Khởi phát ban đầu khi loài người mới xuất hiện, con người phải dựa vào thiên nhiên mà sống. Khi con người đã hiểu biết nhiều hơn, thông minh hơn, họ sống trong xã hội loài người, nảy sinh tư tưởng “duy ý chí”, xa rời lẽ tự nhiên. Theo đúng quy luật của Dịch học, xã hội ngày càng phát triển, con người trở nên mạnh mẽ hơn trong xã hội, thì sẽ đến lúc phải quay lại vòng xoáy ốc theo chu kỳ mà trở về với thiên nhiên. Thiên nhiên, nếu không cách biết đối xử đúng, thì sẽ là Hổ dữ, nhưng nếu biết “Đi theo Hổ” thì lại là điều tốt lành. Triết lý “Thả Hổ về rừng” là để cho bản tính của Con người trở về với Thiên nhiên, làm theo quy luật của tự nhiên. Con người nhờ có tri thức khoa học biết dựa vào tự nhiên mới có cuộc sống cát tường, thuận lợi, văn minh. “Cưỡi Hổ thành Tiên” là dựa vào thiên nhiên mà “đắc đạo”, đạt được thành công viên mãn trong cuộc sống.

Bài đăng trên báo Lao động cuối tuần, số Xuân Nhâm Dần 2022

Linh Uyên Đại vương ngọc phả

Theo bản khai 1938 của làng Ngọc Tháp, tổng Phú Thọ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Từ đời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng lấy bà tiên nữ gọi là Âu Cơ một bọc đẻ được trăm trứng. 50 con theo cha về núi, dựng nước chia làm vua trị dân cha truyền con nối đều lấy chữ Sơn 山 làm hiệu. 50 con theo mẹ về bể, cùng chia nhau làm vua Thủy quốc, chủ tể một phương.
Bà Thái phi của vua sông Thao có tính chỉ ăn chay, ăn hoa quả mà thôi. Một hôm trời mùa xuân trong lành, vạn cảnh tươi đẹp. Thái phi bỏ lốt rắn đi lên rừng chơi hái hoa, hái thuốc. Đến rừng làng Trung Hoàng (tức thuộc huyện Phù Ninh bây giờ) chợt rơi ra một bọc trứng 5 quả ở đấy. Làng ấy có một ông già không biết đi làm gì đến đất, nhặt lấy 5 quả trứng đem về luộc ăn. Đun lửa nửa ngày, lửa vẫn cháy, mà nước vẫn lạnh. Ông già lấy làm quái lạ, bưng cả nồi đem để giữa sân. Được 3 ngày, nở ra 5 con rắn. Gáitrai già trẻ ở làng ấy đến xem như hội. Thấy thế đều bảo ông già bưng ra ngoài vực sâu thả xuống đấy. 
5 con rắn ấy mỗi ngày một lớn lên. Ông già thời thường lên núi hái củi qua đầm đó, xuống rửa ráy ở đấy. 5 con rắn cảm ơn dưỡng dục đều cất tất cả lên quấn quít quanh cả mình ông già để mừng. Ông già vô ý lấy con dao phát bờ khoắng một cái, đứt đuôi một con. 5 con rắn quấn quít lấy cái đuôi khóc mà nói rằng: 
– Chúng ta là giống rồng, trời định cho ta, mỗi người làm vua một phương. Nay sự tình như thế này thì không thể được quây quần lâu trong vực này nữa. 
Thế là các con rắn Đệ nhất, Đệ nhị ra ở Thao giang. Đệ tam, Đệ ngũ ra ở sông Lô. Đệ tứ mất đuôi ở lại vực Trung, để báo đức cho ông già. Người anh cả Đệ nhất làm vua ở tại ghềnh đá làng Ngọc Tháp. Người Thứ hai ở tại ghềnh đá làng Ba Triệu. 
Thời bấy giờ họ Hùng đến ông Duệ Vương làm vua, tự đắc thời bình, không tu sửa việc võ bị, chỉ ham về tử sắc. Có vua nước Thục sang để chiếm, mà vua Duệ Vương vẫn say rượu không tỉnh. Bỗng mộng thấy một người, thân dài 10 thước, mình mặc áo đỏ có cả cân đai, đứng ở trước điện nói rằng: 
– Ta là tôn phái thời trước theo mẹ về bể, sinh trưởng ở vực thiêng Trung Hoàng. Bây giờ ta làm vua ở làng Ngọc Tháp, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nay quốc gia có nạ, không thể không cứu. Nhà vua hãy làm thuyền chiến, rồi đón đức thánh Tản Viên, dẫn tướng sĩ binh mã chia nhau các đạo, để đánh Thục. Ta âm giúp uy vũ, để bảo tồn lấy tông xã và cứu lấy lê dân. Chớ có say sưa như vậy nữa.

Vua Duệ Vương tỉnh giấc, mừng được mộng triệu, y như mộng triệu lập đàn ở ghềnh để tế. Rồi tu tạo chiến thuyền ở sông Thao. Sơn Thánh đốc suất quân sĩ. Sang ngày hôm sau nổi gió Đông to, sóng dờn cuồn cuộn, cả hai bên bờ sông, tiếng sóng dồn nghe như tiếng sấm vang mười dặm. Thuyền theo dòng nước đến núi Tiên Du, Bắc Giang, cùng quân Thục đại chiến. Quân Thục thua đại bại chạy đi hết.
Thắng trận đem quân về. Vua Duệ Vương cảm đến giấc mộng báo mà được trận, bèn lập miếu thờ ở ghềnh đá Ngọc Tháp, gia phong lớn là Linh Uyên Đại vương. Xuân thu quốc tế là Thượng đẳng phúc thần để phụng thờ Linh Uyên Đại vương.

Tháng Giêng ngày mồng 7 và mồng 8 là ngày Thái phi sinh, lệ tế bàn hoa quả.
Tháng Ba ngày mồng 10 là ngày lệ lễ Trung Hoàng Uyên ra trị sở.
Tháng Tám ngày mồng 10 là ngày lệ lễ khánh hạ lập miếu gia phong.
Xã Ngọc Tháp phụng sự trong 3 ngày làm thuyền rồng để tượng trưng cho công phạt Thục.

Các cuộc khởi nghĩa của chúa nước Nam thời Bắc thuộc

Thiên Nam vân lục của Nguyễn Hãng thế kỷ XVI có Truyện Nam Chiếu, tuy về căn bản giống với truyện trong Lĩnh Nam chích quái, nhưng có một số thông tin bổ sung thêm. Xin dịch lại câu chuyện này và so sánh diễn biến nước Nam Chiếu trong lịch sử Việt.

Thời kỳ Nam Triệu

Xưa vào thời Triệu Vệ Dương Vương, quân Hán xâm lược phương Nam, tể tướng Lữ Gia tử thủ, họ Triệu vong. Hán yên định nước này, phân đặt các quan thú lệnh cai quản. 

Đoạn khởi đầu của Truyện Nam Chiếu nói về việc nhà Tây Hán diệt nước Nam Việt của họ Triệu năm 111 TCN. Sự kiện này không chỉ ảnh hưởng đến kinh đô Nam Việt ở Phiên Ngung mà còn là nguyên nhân dẫn đến một cuộc khởi nghĩa lớn ở miền Bắc Việt. Chính sử còn ghi đó là khởi nghĩa của Tây Vu Vương, chiếm Cổ Loa thành mà xưng Vương. Tư liệu dân gian ở Vĩnh Phúc gọi là Tây Lý Vương, cho biết vị Vương này là con cháu nhà Triệu mang họ Lý. Bởi vì vị vua lập nên nước Nam Việt là Triệu Vũ Đế cũng là Nam Việt Đế – Lý Bôn.

Cuộc di cư của con cháu họ Triệu và Lữ Gia từ Phiên Ngung về Bắc Việt sau khi nước Nam Việt sụp đổ là ghi chép lịch sử cho một cuộc thiên di lớn của nhóm dân tộc Tai-Kadai (nhóm Tày Thái) từ Lưỡng Quảng về vùng Tây Bắc Việt (Phong Châu). Đây là nguyên nhân vì sao người Thái ở Tây Bắc Việt và người Tày Nùng ở Đông Bắc Việt cùng với người Tráng ở Quảng Tây có ngôn ngữ rất gần nhau, tới nay vẫn có thể hiểu được tiếng nói của nhau.

Khởi nghĩa của Tây Vu Vương sau đó bị dập tắt, nhưng nhà Tây Hán chưa bình định được vùng Bắc Việt. Tư liệu dân gian ở các di tích còn cho biết, con gái của thừa tướng Lữ Gia là Ả Lã đã phất cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát Môn, đánh đuổi thái thú Tô Định nhà Hán ở Long Biên, lên ngôi lấy hiệu là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh. Trưng triều như vậy cũng là một tiếp nối của nhà Triệu nước Nam Việt.

Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau tụ tập lại ở Thần Phù, Hoành Sơn, đóng tàu thuyền, tùy thời theo đường biển nhập vào cướp bóc ven biển, giết các quan thủ lệnh, làm dân chúng khiếp sợ, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai thành Nam Chiếu, nhân đó lấy làm tên hiệu. 

Truyện Nam Chiếu đã gọi đích danh giai đoạn đầu của con cháu họ Triệu ở vùng Bắc Việt là Nam Triệu. Người chống lại nhà Hán sau khởi nghĩa của Trưng Vương ở vùng Thần Phù – Hoành Sơn (Thanh Hóa hay đất Cửu Chân) được chép là tướng Đô Dương của Trưng Vương. Đồng thời đây cũng tương ứng với giai đoạn của Mạnh Hoạch ở vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, vẫn được ghi như trong thần tích vùng Thạch Thất (Sơn Tây). Man Vương (vua xứ Mường) Mạnh Hoạch thực ra mang họ Lý, là dòng dõi nhà Triệu duy trì được sau khởi nghĩa của Trưng Vương, chiếm cứ vùng đất dọc sông Mã từ Thanh Hóa lên Tây Bắc Việt.

Đến thời Tam Quốc, Ngô Tôn Quyền sai Đái Lương, Lã Đại cùng làm thú mục để quản. Nam Chiếu từ núi Thiên Cầm, huyện Kỳ Hoa, xã Hà Trung cho đến cửa biển, một vùng bờ biển dài, trời cao nước sâu, sóng gió hiểm trở, không có vết người ở, thường lấy việc cướp bóc làm chi phí. Các quan thú lệnh không ngăn được. Khi chúng nhiều thịnh lên mới lấy châu ngọc biếu nước Bà Dạ (nay là đạo Nghĩa An), cầu kết hôn nhân để cùng cứu trợ lẫn nhau. 

Một phát hiện bất ngờ: cuộc nổi dậy ở vùng Thanh Hóa (Cửu Chân) chống lại nhà Ngô thời Đái Lương, Lã Đại làm thú mục theo chính sử là khởi nghĩa của Bà Triệu. Sách Giao Chỉ chép: Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái em họ Triệu, vú dài 3 thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các huyện trong quận… Mô tả về Bà Triệu trong sách này thật không khác gì lời kể của Truyện Nam Chiếu.

Bà Triệu thực chất là dòng dõi của nhà Triệu nước Nam Việt. Người anh Triệu Quốc Đạt đã hy sinh trước đó có thể thủ lĩnh là Đô Dương ở giai đoạn trên. Bà Triệu đã làm chủ một vùng ven biển như mô tả trong Truyện Nam Chiếu, nên xưng là Lệ Hải Bà Vương. Lệ = Lê = La, là từ chỉ phương Xích đạo. Lệ Hải nghĩa là vùng biển La ở phương Nam. Từ Bà trong Bà Vương và Bà Dạ không phải chỉ người nữ mà là từ chỉ thủ lĩnh trong ngôn ngữ người Chiêm Bà.

Đền Bà Triệu ở Thanh Hóa.

Đến cuối thời Tấn, thiên hạ đại loạn, có các thổ tù là Ngụy Ông, Lý Dịch, cũng là dòng dõi họ Triệu. Anh em đông đúc, dũng lược hơn người, được nhân dân địa phương tôn trọng, cùng Nam Chiếu kết liên, quân lính tới vài vạn người. Lại lấy châu ngọc hiến cho nước Bà Dạ, xin một vùng đất trống để ở. Nước Bà Dạ đồng ý. 

Nước Bà Dạ ở đạo Nghĩa An, tức là vùng Nghệ An, là người địa phương gốc, tức là dòng tộc Mon-Khmer, là người La Lồi con cháu của Đế Nghi – Đế Lai xưa. Chữ La cùng nghĩa với chữ Lệ, Lê chỉ phương Nam như đã nói ở trên. Người La còn gọi là người Hời hay người Chiêm (Chiêm Bà). Truyện Nam Chiếu như thế đã cho biết vào thời điểm này 2 tộc người Tày Thái di cư và La Chiêm bản địa đã kết liên với nhau ở quãng vùng Thanh Nghệ.

Thế là một dải bờ biển ban đầu còn lẫn lộn, được chia thành 2 lộ: Một lộ trên từ Phong Sơn, dưới tới Diễn Châu, do Ngụy Ông, Lý Dịch của Nam Chiếu đóng; Một lộ trên từ Quỳ Châu, dưới đến Hoan Châu, là lộ Như La do Bà Dạ đóng. Cùng giao ước kết làm các nước anh em. Thế rồi Nam Chiếu xây thành ở làng Cao Xá, tự lập làm Vua, có đất đai Đông tới biển, Tây đến Ba Thục, Nam tiếp với Bà Dạ, Bắc giáp với Cửu Chân. 

Nam Triệu xưng Vương ở làng Cao Xá – Diễn Châu. Ngụy Ông Lý Dịch trong Lĩnh Nam chích quái ghi là Triệu Ông Lý. Chính sử Việt chép là Lý Phật Tử, hay Hậu Lý Nam Đế, người nối tiếp dòng dõi của Triệu Vũ Đế Lý Bôn của nước Nam Việt trước đây.

Lộ Như La trong Lĩnh Nam chích quái chép là Già La (hai chữ Như 茹 và Già 笳 viết gần giống nhau). Rõ ràng đây là chỉ tộc người La của nước Bà Dạ (Già). Theo như phân chia giữa Nam Triệu và Bà Dạ thì Nam Triệu ở vào vùng Thanh Hóa, còn Bà Dạ ở vào vùng Nghệ An. 

Nhà Đông Tấn sai Tào Nhĩ dẫn quân đến đánh. Quân Tấn đến thì quân Nam Chiếu chia tán, quân Tấn đi thì lại về tụ lại. Mai phục ở rừng núi hiểm trở nơi đầu nguồn sông mà đánh, rồi nấp ở cuối non, ngoài biển, sáng ra tối vào, cầm cự hơn 4, 5 tháng, thường không đối trận. Quân Tấn không chịu nổi lam chướng, chết hơn quá nửa, bèn rút quân về. 

GS. Lê Mạnh Thát đã phát hiện ra một vị Vương thời Nam Bắc triều mang họ Lý là Lý Miễu qua 6 bức thư gửi cho một vị đại sư ở phương Bắc. Lý Miễu hẳn là một trong những vị vua của Nam Triệu ở thời kỳ Hậu Lý Nam Đế. Quân Nam Triệu tránh đối đầu với quân Tấn, thường trốn vào vùng rừng núi, tức là vùng phía Tây Thanh Nghệ và Tây Bắc Việt. Đây cũng là vùng đất của người Thái ngày nay.

Thời kỳ Nam Chiếu

Nam Chiếu khởi lên từ Tây Hán, lập vào cuối thời Tấn, trải tới thời Tùy Đường lại trở nên cường thịnh. Đường Ý Tông sai Cao Biền đến đánh, cũng không khắc chế được. 

Năm 602 Lý Phật Tử  đầu hàng nhà Tùy. Nước Nam Triệu cùng với dòng dõi nhà Triệu họ Lý chấm dứt ở đây. Nhưng còn “huynh đệ quốc” là nước Bà Dạ thì chưa dứt. Tại vùng đất Nam Đàn của Nghệ An đã phát hiện di tích đền Nhạn Tháp với hộp xá lị và gạch thời Đường. Cũng tại nơi đây có tòa thành Lồi, chỉ đúng tên gọi của tộc người La Lồi xưa.

Nam Đàn có tên xưa là Nam Đường, cũng là Đường Lâm, quê hương của Phùng Hưng. Khởi nghĩa ở vùng này thời Đường là khởi nghĩa của Mai Thúc Loan và ngay sau đó là Phùng Hưng. Di tích thờ Phùng Hưng ở Nghệ An nay là đền Quỳnh Tụ, xã Quỳnh Xuân, huyện Hoàng Mai, khá gần với địa danh làng Cao Xá ở Diễn Châu.

Có lẽ Mai Thúc Loan là người La tộc của nước Bà Dạ, còn Phùng Hưng là Thái tộc của Nam Triệu trước đó. Cả 2 cuộc khởi nghĩa này đều rất lớn, quân số hàng vạn người, đánh chiếm cả vùng miền Bắc Việt (thành Tống Bình). Ngay cái tên La thành của Hà Nội cũng chính là tên của La tộc và khả năng xuất hiện dưới thời Mai Thúc Loan – Phùng Hưng chiếm giữ thành Tống Bình.

Đất đai của giai đoạn Nam Chiếu thời Đường mở rộng tới tận Ba Thục (Tứ Xuyên?), được chính sử ghi là sự nổi lên của 6 chiếu ở Vân Nam do Bì La Các cầm đầu. Bì La Các chẳng qua là tên gọi khác của Bố Cái của người La, tức Phùng Hưng.

Tới thời Ngũ Đại, Thạch Kính Đường sai quan tư mã Lý Tiến dẫn quân đến đánh. Nam Chiếu thua to, chạy sang nhờ đất Ai Lao, mới lấy hiệu là nước Đầu Mô. Tên hiệu lớn là Tử Mô Lang. Thường hay làm việc cướp bóc, lúc đánh lúc nghỉ, chưa hề ngừng, cho đến nay cũng vậy.

Cái tên Đầu Mô tương đương với danh xưng Bố Cái vì Đầu chỉ thủ lĩnh, cũng là Bố. Mô là lớn, cũng nghĩa là Cái. Các thủ lĩnh của Nam Chiếu được gọi là Bố Cái, chứ không chỉ riêng vị thủ lĩnh đầu tiên là Phùng Hưng.

Tên Tử Mô Lang có thể giải nghĩa như sau:

– Tử là màu tím, màu tượng trưng của phương Bắc trong Ngũ hành, còn dùng bằng màu Đen. Nên Tử tương đương với Hắc.

– Mô – Mơ – Mai

– Lang là từ chỉ thủ lĩnh, tương đương với Đế.

Tử Mô Lang = Mai Hắc Đế. Tương tự từ Bố Cái, Mai Hắc Đế là một danh xưng cho triều đại Nam Chiếu ở giai đoạn này, không nhất thiết chỉ 1 vị Đế ban đầu là Mai Thúc Loan.

Miếu thờ Mai Hắc Đế ở Hùng Sơn, Nam Đàn, Nghệ An.

Truyện Nam Chiếu là truyện lịch sử rất ngắn, hoàn toàn không có màu sắc “chích quái” hay “u linh” nào cả, nhưng đã tóm tắt đầy đủ các cuộc khởi nghĩa không ngừng của người Nam chống lại phương Bắc. Đó là Tây Vu Vương và Trưng Vương thời Tây Hán, Man Vương Mạnh Hoạch thời Đông Hán, Lệ Hải Bà Vương thời Tam Quốc, Hậu Lý Nam Đế thời Tấn và Tùy, Bố Cái Đại Vương và Mai Hắc Đế thời Đường và Ngũ đại.

Người truyền sấm vĩ báo sự diệt vong của Tần Thủy Hoàng

Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: Năm thứ 32, Thủy Hoàng tới Kệ Thạch, sai người Yên là Lư Sinh đi tìm Tiện Môn, Cao Thệ… Người Yên là Lư Sinh được sai ra biển trở về, tâu việc quỷ thần, lại dâng sách ghi lời sấm viết rằng: “Kẻ diệt Tần là Hồ vậy”. Thủy Hoàng bèn sai tướng quân Mông Điềm cất 30 vạn quân lên phía Bắc đánh người Hồ, chiếm đất Hà Nam”.  (Sử ký Tư Mã Thiên)

Nhận được lời sấm truyền từ Lư Sinh, rằng nhà Tần sẽ bị diệt bởi người Hồ nên Tần Thủy Hoàng đã phát động cuộc tấn công lên phía Bắc, cho đắp công trình “thiên niên kỷ” Vạn lý trường thành để phòng bị Hung Nô. Nhưng kết quả Tần bị diệt không bởi Hung Nô, mà bởi Lưu Bang, một thường dân áo vải ở phương Nam. Vậy là lời sấm vĩ của Lư Sinh đã sai hay Tần Thủy Hoàng đã phán đoán sai?

Lư Sinh được cử đi ra biển tìm tiên mà về truyền lại lời sấm. Đã là đi ra biển tìm tiên lúc đó thì chỉ có thể là ra biển Nam Hải. Năm thứ 37… Thủy Hoàng du hành… lên núi Cối Kê tế Đại Vũ, trông ra Nam Hải mà dựng đá khắc bia, ca tụng công đức của nhà Tần. Nam Hải thời Tần rõ ràng là vùng biển Đông ngày nay, mà chứng cứ là Tần Thủy Hoàng lấy đất Lục Lương chia làm 3 quận Quế Lâm, Tượng và Nam Hải.

Người Yên Lư Sinh đi ra biển Đông (Nam Hải) có thể xác định là… Yên Kỳ Sinh. Vị Thiên Tuế Ông này đi hái thuốc ở ven biển Đông nổi tiếng, được biết rõ tại Việt Nam bởi còn di tích là núi Yên Tử ngày nay. Một đạo sĩ đi hái thuốc thì không phải để chữa bệnh, mà là để chế “tiên dược” cho thuật trường sinh bất lão. Lư Sinh đã nói với Tần Thủy Hoàng: Chúng thần tìm linh chi, kỳ dược thần tiên…

Theo Liệt tiên truyện, Tần Thủy Hoàng đã gặp Yên Kỳ Sinh khi đi tuần phương Đông, rồi tặng ông kim hoàng cùng ngọc bích. Yên Kỳ Sinh đã bỏ lại số quà tặng quý báu này trong đình Phụ Hương cùng với một bức thư, dặn Tần Thủy Hoàng mấy năm sau đến tìm ông ở núi Bồng Lai. Mấy năm sau (năm thứ 37) đúng là Thủy Hoàng đã đi ra biển Nam Hải, lên núi “Cối Kê”, hẳn là để tìm Yên Kỳ Sinh, mà không gặp. Tần Thủy Hoàng cho lập hơn 10 chỗ thờ Yên Kỳ Sinh ở đình Phụ Hương và ven biển Đông. Nhà Tần mất, Hạng Vũ từng mời ông ra làm quan, ông bèn đi nơi khác.

Núi Yên Tử vốn có tên là Tượng Đầu sơn, ở đỉnh núi có khối đá tương truyền là tượng Yên Kỳ Sinh đã đắc đạo thành tiên ở núi này. Tên núi Yên Tử lấy theo tên của Yên Kỳ Sinh. Rất bất ngờ là đầu năm 2021 tại chân núi Yên Tử ở di tích Thiên Long Uyển thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, TX. Đông Triều, Quảng Ninh, đã phát hiện một “bãi cọc” cổ, nhưng không phải là cọc Bạch Đằng mà là cột cho một công trình kiến trúc hoành tráng. Niên đại C14 của cọc này là thế kỷ IV-III trước Công nguyên, tức là trùng khớp với niên đại của nhà Tần. Liệu đây có phải là ngôi đình Phụ Hương cổ tích, nơi gặp gỡ giữa Tần Thủy Hoàng và người Yên Kỳ Sinh?


Cột gỗ thế kỷ IV – III TCN ở di tích Thiên Long Uyển (ảnh của báo CAND)

Tần Thủy Hoàng bản kỷ kể rằng Lư Sinh thuyết phục Thủy Hoàng năng vi hành để tránh ác quỷ để chân nhân mới tới. Thực ra ở đây Lư Sinh có ý khuyên Thủy Hoàng bớt làm điều ác, để ý hơn đến dân tình. Sau đó Lư Sinh bàn với Hầu Sinh: Con người của Thủy Hoàng, tính khí ương bướng tàn bạo, tự theo ý mình, xuất thân chư hầu, thôn tính thiên hạ, muốn gì được nấy, tự cho là từ xưa tới nay không ai bằng mình…”. Thế rồi Lư Sinh bỏ trốn.

Chuyện kể của Lư Sinh đã giải thích lý do Yên Kỳ Sinh treo ngọc ở đình mà đi, không gặp Tần Thủy Hoàng nữa. Yên Kỳ Sinh vốn ban đầu muốn dùng tiên đạo để khuyên Tần Thủy Hoàng bớt tàn ác, nhưng không được nên đành bỏ đi. Trước lúc đi vẫn để lại di ngôn ở dạng sấm vĩ nhằm khuyên răn Thủy Hoàng.

Lời sấm mà Yên Kỳ Sinh đã để lại (trong bức thư ở đình Phụ Hương?): “Kẻ diệt Tần là Hồ vậy” rất chính xác bởi nó chỉ người Hồ ở đây là người ở phương Nam, ở chính vùng đất gần nơi bức thư đã để lại bên bờ biển Đông. Người Hồ đó là Triệu Đà, người ở Chân Định, đất Thái Bình, cách vùng núi Yên Tử không xa. Lời sấm của Yên Kỳ Sinh một lần nữa xác nhận gốc tích của Lưu Bang, người diệt Tần là một người phương Nam, được truyền thuyết Việt kể lại dưới tên Triệu Vũ Đế.

Cao Tổ bản kỷ kể rằng khi Lưu Bang còn làm đình trưởng ở đất Bái, có gặp một cụ già xem tướng cho Lữ Hậu và Lưu Bang nói rằng: tướng của ông quý hết chỗ nói. Rất có thể cụ già xem tướng cho Lưu Bang ở đất Bái chính là Yên Kỳ Sinh (Lư Sinh) và khi đó Yên Kỳ Sinh đã dự đoán Lưu Bang – Triệu Đà chính là “người Hồ” sẽ diệt nhà Tần. Đây cũng là lý do vì sao cho dù có “người quen” giới thiệu, Yên Kỳ Sinh vẫn không về làm quan cho Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ, bởi ông đã đoán biết trước ai mới là người chiến thắng trong cuộc chiến Hán – Sở tranh hùng.

Cũng Cao Tổ bản kỷ chép: Tần Thủy Hoàng đế thường nói: “phía Đông Nam có khí thiên tử”, thế rồi tuần du phương Đông để trấn yểm”. Với lời sấm của Yên Kỳ Sinh, Tần Thủy Hoàng cũng đã đoán biết người thay thế mình đang ở phía Đông Nam. Phía Đông Nam của nước Tần thì phải là vùng ven biển Đông, nơi Thủy Hoàng đã dựng đá ở núi Cù làm cửa thông ra biển.

Thủy Hoàng cũng đã cho một đại tướng thân tín của mình trấn giữ “người Hồ” ở phương Nam là Lý Thân. Lý Ông Trọng là con rể của Tần Thủy Hoàng, làm tới chức Phụ Tín hầu và được cử trấn giữ tại vùng đất Lạc, đóng ở… thành Cổ Loa. Đồng thời với việc xây Vạn lý trường thành, Thủy Hoàng đã cho củng cố lại thành Lạc Dương ở Đông Ngàn để đề phòng người Hồ ở phương Nam. Nhưng cũng chính việc xây thành này lại là nguồn gốc dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Lưu Bang – Triệu Đà kháng Tần trên đất Việt. Do chế độ phu dịch hà khắc của nhà Tần, đình trưởng Lưu Bang đã cùng dân phu bỏ vào rừng núi Mang Đường (nay là núi Vũ Ninh ở Quế Võ, Bắc Ninh) “làm cướp”, cho đến khi Thủy Hoàng mất…

Những địa danh được nói đến trong bài:
1. Yên Tử, nơi có tượng đá Yên Kỳ Sinh
2. Yên Đức, nơi có di chỉ Thiên Long Uyển với cọc gỗ thời Tần
3. Đồng Xâm, nơi Triệu Đà làm đình trưởng
4. Ngọc Xá, nơi núi Vũ Ninh, căn cứ khởi nghĩa của Triệu Đà
5. Thành Cổ Loa, nơi Lý Thân đóng quân và xây thành.

9 THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU CỦA HÙNG VIỆT SỬ QUÁN NĂM 2021

Thiên hạ thời Tam Đại

1. Cổ Việt Hùng Thị thập bát thế phả đồ: Diễn tả thế thứ, niên đại, tên hiệu đối chiếu, di tích và truyền thuyết 18 nhánh Hùng Vương.

https://hungvietsuquan.blogspot.com/2021/03/tom-luoc-ve-cac-trieu-ai-hung-vuong.html

2. Kinh Dương bản kỷ và hành trình Tản Viên Sơn: Khảo cứu toàn tập về hình tượng Tản Viên Sơn Thánh qua các thần tích, di tích, kinh sách, từ thời Đại Vũ trị thủy, Kinh Dương Vương lấy Thần Long Động Đình cho đến thời Cao Sơn, Quý Minh đánh Thục.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/hanh-trinh-di-san-tan-vien-son-noi-lai-mach-nguon-van-hoa-973281.ldo

3. Kinh đô Rồng bên hồ Dâm Đàm: Uy Linh Lang và Đoài Hồ Thất Giáp là Lạc Long Quân, lập đô An Ấp bên bờ Thủy quốc Động Đình giữa hồ Tây và sông Hồng.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/cha-lac-long-quan-va-kinh-do-rong-ben-ho-dam-dam-885488.ldo

4. Linh thần của kim thạch: Giải nghĩa các tinh quỷ trong truyền thuyết xây thành Cổ Loa, gắn với cuộc chiến giữa nhà Ân và nước Văn Lang.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/linh-than-cua-kim-thach-913823.ldo

5. Viết nên sử Dao: Khảo cứu truyền thuyết Bàn Vương, là lịch sử của nhà Ân Thương từ Thành Thang lập quốc, Bàn Canh dời đô đến Trụ Vương mất nước.

https://hungvietsuquan.blogspot.com/2021/08/nguoi-dao-ban-vuong-nha-thuong-va-dong.html

6. Âu vàng ngàn thủa tế non sông: Giải đọc chữ Kim văn trên các hiện vật thanh đồng thời Tây Chu với ý nghĩa thờ cúng tổ tiên và các vị thiên tử, phân phong chư hầu Bách Việt, ý nghĩa của ngày Tết Đoan ngọ.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tet-doan-ngo-ke-chuyen-au-vang-ngan-thua-le-non-song-918933.ldo

7. Lang Liêu bản kỷ: Kết nối dòng sử truyền thuyết, hiện vật và thư tịch về thời kỳ Tây Chu từ khi Âu Cơ Văn Vương mở nước Văn Lang, Hùng Quốc Vương Cơ Phát diệt Trụ lên ngôi thiên tử, Hùng Chiêu Vương Mục Vương lên núi Tam Đảo gặp tiên, tới thái sử Lý Bá Dương (Lão Tử) đăng đàn ở Thất Diệu khuyên răn Chu U Vương.

https://hungvietsuquan.blogspot.com/2021/06/lang-lieu-ban-ky.html

8. An Dương Vương và thời Tần: Đối chiếu giải mã các lớp khảo cổ thành Cổ Loa với truyền thuyết và lịch sử của thời Đông Chu và Tần, cũng như giải đọc các thông điệp trên các hiện vật thời Tần như lệnh bài, trống đồng.

https://www.facebook.com/groups/485764065138292/permalink/1521010021613686/

9. Bất tử thành tiên: Ý nghĩa của ngày Trùng cửu và quan niệm tín ngưỡng bất tử tu tiên từ thời Lưỡng Hán thông qua các gương đồng cổ và kinh sách của Đạo Giáo.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/goc-gac-ngay-tet-trung-cuu-trong-van-hoa-viet-963208.ldo

ABC về NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT

Nhân chuyện bàn luận về Nguồn gốc người Việt của một số học giả vừa rồi, rằng người Việt có nguồn gốc không “đơn tuyến”, rằng trống đồng thuộc về người Tày Thái, rằng người Mường không biết trồng lúa nước, rằng người Kinh là người Hoa di cư…

Ý kiến của các vị đó không sai, nhưng chưa đủ, vì mới chỉ là những hiện tượng bề nổi. “Nguồn gốc” của người Việt đúng là đa tuyến, bởi vì có tới 5 dòng tộc ban đầu đã cùng nhau lập ra thiên hạ họ Hùng từ thời vua Hùng Đế Minh, được lịch sử gọi là “Ngũ Đế Đức”.

Ngũ Đế và Tam Đại

Sử ký Tư Mã Thiên: “Từ Hoàng Đế tới Thuấn, Vũ đều cùng họ nhưng khác quốc hiệu, để làm rạng rỡ đức sáng. Vậy nên hiệu của Hoàng Đế là Hữu Hùng, hiệu của Đế Chuyên Húc là Cao Dương, hiệu của Đế Khốc là Cao Tân, hiệu của Đế Nghiêu là Đào Đường, hiệu của Đế Thuấn là Hữu Ngu. Hiệu của Đế Vũ là Hạ Hậu, nhưng khác thị tộc, họ Tự. Tiết là thủy tổ của nhà Thương, họ Tử. Khí là thủy tổ của nhà Chu, họ Cơ.”

5 họ tộc ban đầu này sau đó phân chia lên rừng xuống biển, đẻ đất đẻ nước, dẫn đến thiên hạ mỗi thời do một “đức” làm chủ. Thời Hạ từ Lạc Long Quân là nhóm Lạc và Long, tức 2 nhóm Kinh Mường và Tày Thái. Thời Thương vị trí chủ thiên hạ là nhóm Miêu Dao (người Man) vốn là Tiên tộc xưa. Thời Chu là nhóm Liêu Lão, dân tộc dùng trống đồng, vốn là dòng theo mẹ Âu Cơ lên núi (dòng Âu). Tới thời Tần Hán thì thiên hạ nhất thống, tộc nào cũng là người Việt cả. Thành phần dân tộc ở Bắc Việt định hình từ đó.

Người Hoa không phải là người Hán, mà là người Việt. Nên có là “Hoa kiều” cũng vẫn là Việt tộc. Điểm căn bản nhất, dù là tộc người nào thì người Việt đều thuộc về đại chủng tộc Mongoloid phương Nam, và hoàn toàn không liên quan nguồn gốc gì tới nhóm Mongoloid phương Bắc, tức nhóm Mông Cổ, Mãn Thanh, Liêu Hán.

Những sơ đồ các triều đại họ Hùng sau đây giúp giải thích cặn kẽ vấn đề Nguồn gốc người Việt, trăm con cùng bọc trứng, tuy nhiều cành nhưng đều chung gốc lớn lên.

Truyện Họ Hồng Bàng chép: Đế Minh, cháu 3 đời của Thần Nông, sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần ở phương Nam gặp bà Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục. Như thế đã xuất hiện 2 dòng tộc gốc ban đầu ở 2 đầu Nam và Bắc là dòng Viêm tộc và Lạc tộc, hay vẫn được gọi là Hồng – Lạc. Cả 3 vị thánh tổ ban đầu là Đế Minh, Đế Nghi và Lộc Tục được thờ thành Quốc tổ Hùng Vương ở vùng đất tổ là Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn, Ất Sơn.

Lộc Tục Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Động Đình Long Nữ mà sinh ra Lạc Long Quân. Tới đây thì dòng Lạc tộc đã bổ sung thêm tộc người ở phía Đông ven biển Động Đình là Long tộc, mà hình tượng ba tộc người lúc này là Tam Vị Tản Viên Sơn Thánh: Tản Sơn, Nộn Sơn, Lãng Sơn.

Con của Đế Nghi là Đế Lai, bị Lạc Long Quân xua đuổi phải trở về phương Bắc (xưa), sau đó nàng Âu Cơ “chia tay” với cha Rồng để mang 50 người lên núi. Tức là Viêm tộc lúc này tách thành 2 dòng: 1 chạy xa hơn về phía Bắc xưa (tức phương Nam ngày nay) và 1 chạy về phía Tây Nam xưa lên núi.

Ngũ tộc thời sơ sử

Từ một Thái cực ban đầu (Đế Minh), sinh ra Lưỡng nghi (Đế Nghi – Lộc Tục), rồi Lưỡng nghi sinh Tứ tượng (Đế Lai – Âu Cơ – Lạc – Long). Kết quả có 4 dòng tộc đã hình thành trên mảnh đất Việt Nam (miền Bắc Việt)

1. Dòng phương Bắc xưa, tức Nam nay, là chính dòng Viêm tộc, được gọi là người La hay người Lồi (từ Đế Lai), có chỗ gọi là người Chăm, Chiêm.

2. Dòng phía Tây là người Lý Lão, Ai Lao Di, là nhánh tách ra từ Viêm tộc theo mẹ Âu Cơ. Sau nhóm này quay trở về Phong Châu lập nước Văn Lang, với đặc trưng văn hóa là trống đồng. Là thành phần Âu trong nước Âu Lạc. Vua chủ là Lang Liêu hay An Dương Vương.

3. Dòng Lạc tộc sau là người Kinh Mường (Lạch – Kênh – Mương đều là các từ cùng nghĩa) ở Bắc Việt và Quảng Tây (Giao Chỉ và Nam Giao). Vua chủ gọi là Lạc Vương hay Hùng Vương.

4. Dòng Long tộc ven biển sau thành nhánh Tày Thái. Nhóm này vào thời Hiếu Vũ Đế khi nước Nam Việt sụp đổ đã di cư hàng loạt sang vùng Tây Bắc Việt, dẫn tới sự tương đồng giữa người Choang, người Tày Nùng và người Thái Lào. Nước Nam Chiếu – Nam Triệu hình thành từ đây.

5. Ngoài ra còn nhóm Tam Miêu trong cổ sử trở thành chủ thể thời Ân Thương, lấy Bàn Vương làm thủy tổ. Khi nhà Ân bị diệt bởi Thánh Dóng, các quý tộc nhà Ân bị cho về an trí ở Lạc Dương, tức vùng Cổ Loa. Do đó một phần dòng máu Miêu tộc cũng gặp tại vùng đồng bằng sông Hồng, mà được hình tượng hóa trong nhân vật Ma Cô Tiên – Bạch Kê Tinh.