Kinh giỗ Quốc tổ Hùng Vương

Bản kinh chép trong Kinh nghi lễ của Tổ Tiên Chính Giáo Đại Đạo Sinh Tồn, một tôn giáo hình thành ở vùng Nam Tây Nguyên vào khoảng những năm 1960-1970 và vẫn còn tồn tại đến nay.

Trước Ngọc-Bệ Hồn-thiêng Tổ-Quốc
Khói hương linh phảng-phất trời Nam
Mây tuôn như dệt gấm vàng
Gió lồng bóng nguyệt vẻ càng thiên-nhiên
Nhớ nguồn-gốc Tổ-Tiên khai sáng
Đức Thần-Nông chiếu rạng phương Đông
Đế-Minh ngự giá bệ rồng
Truyền ngôi Lộc-tục nối giòng Nam-phương
Hiệu Xích-Quỷ Kinh-Dương-Vương quốc
Ly Tả-phù, Hữu bật Quỹ-Tinh
Xích-đạo hỏa vượng Thổ sinh
Da vàng máu đỏ trị bình khai nguyên
Lò tạo-hóa khí thiêng sáng-tạo
Máy âm-dương Đại-Đạo hoằng-khai
Rồng-Tiên chung đúc bầu-thai
Giống-nòi Hồng-lạc sáng khai lưu-truyền
Lạc-long-Quân đăng miền Thượng-giới
Cảnh Bồng-lai lui tới tháng ngày
Đền-Rồng Phượng-các chim ca
Rượu bầu thơ túi bốn mùa thiên nhiên
Mẹ Âu-cơ đăng miền tiên-cảnh
Động-đình-hồ ngự-đảnh cung mây
Xe-loan hạc-giá Đông, Tây
Sớm non chiều bể vui vầy thiên-hương
Truyền nhị-thập HÙNG-VƯƠNG tổ-phụ
Khai giang-sơn làm chủ trời Nam
Văn-lang Quốc-Hiệu Hồng-Bàng
Phong-châu đất Tổ thiên-bang trị vì
Núi Ngũ-lĩnh đến thì sông Mã
Ải phân mao hai ngã Bắc Nam
Trường-Sơn một giải núi Lam
Hương-sơn thạch-động thiên-hàm sử kinh
Thành Cổ-loa uy-linh vạn-cổ
Sông Nhị-Hà thủy lộ triều đông
Nam-hải tỏa ánh dương hồng
Hát-giang in bóng con Rồng cháu Tiên
Đất Thanh-hóa Tản-viên Tam-điệp
Hà-nội thành Vạn-Kiếp Thăng-long
Bút Tiên ghi-tạc những dòng
Son Thần in dấu lưu trong sử vàng
Ân TỔ-TIÊN mở đàng khai lối
Máu anh-hùng quyết đổi non sông
Trải bao bão-tố gió-giông
Cuộc đời thay đổi máu hồng chẳng phai
Trước miệng cọp không nài nguy-khốn
Trên nghìn năm Bắc cẩu xâm lăng
Trời Nam sóng dậy đất bằng
Bốn lần Bắc thuộc hung-hăng bạo-cường
Hán, Ngô, Tấn, Tề, Lương, đô-hộ
Tùy, Minh, Đường, Mông-cổ sài-lang
Đồng-trụ ghi dấu bạo-tàn
Cố diệt Giao-Chỉ Hán-bang hóa nòi
Dân lên rừng tìm ngà voi ngọc rết,
Xuống biển mò kiếm hết ngọc trai
Hận-thù chẳng biết kêu ai
Nằm gai nếm mật dồi-mài trí kiên
Phất Long-Kỳ chiêu Hiền triệu Thánh
Tuốt gươm thiêng vung cánh tay thần
Nam bình Lâm-ấp (Chiêm) Chân Lạp (Tần)
Mở bờ cõi bước chân Nam tiến
Khai sơn-hà vượt biển đèo cao
Nắng mưa sương-gió thét-gào
Sơn-hà một gánh đồng-bào hai vai
Bao anh-kiệt tài trai vùng vẫy
Bốn phương trời lừng-lẫy xông-pha
Một vai gánh-vác sơn hà
Một vai gánh nghĩa tình nhà Hiếu-Trung
Nữ anh hùng tay vung Thần-kiếm
Chém kình-ngư nguy hiểm không nao
Má-hồng mang giáp chiến-bào
Tình nhà, nợ nước ai nào thua ai?
Chẳng hổ mặt trai tài gái sắc
Bắc, Trung, Nam rõ mặt anh-hùng
Hận thù chẳng đội trời chung
Giữ-gìn Sông Núi Tổ-Hùng ghi sâu
Ơn Tổ-Quốc ngọn rau tấc đất
Nghĩa Đồng-bào gia-thất quê-hương
Cùng chung giọt máu tình thương
Da vàng máu đỏ Hùng-Vương Lạc-Hồng
Trước Ngọc-Bệ Tiên-Rồng Tổ-Việt
Toàn Quốc-Dân khẩn-thiết kính dâng
Tâm thành Hiếu-niệm Tiền-Nhân
Tri-ân Tổ-Quốc Tiên, Thần Anh-Linh
Hồn Sông Núi oai linh chứng-giám
Quốc-Tổ-Hùng thiêng cảm chứng tri
Long-Thần Hộ-Pháp Thiên-uy
Thần-Hoàng Bổn-Thổ Hộ-Trì Quốc-Dân.

Một ban thờ theo nghi lễ của Tổ Tiên Chính Giáo Đại Đạo Sinh Tồn ở Đăk Lăk

Thần tích xã Hạ Mạo

Thần tích xã Hạ Mạo

Xưa Hùng Vương đời thứ 17 là Hùng Huy Vương sinh người con trai thứ tên là Hùng Ánh. Hùng Ánh thiên tư dũng lược, diện mạo lạ thường, thông minh nhanh hiểu biết, vượt trội hơn người anh. Huy Vương yêu quý muôn lập làm người nối ngôi. Chàng Ánh cố gắng nhường cho anh. Khi ấy phong tục còn chất phác. Các con vua đều gọi là quan chàng, cho nên có tên là quan Chàng Ánh. Đến khi Duệ Vương nối ngôi, phong Chàng Ánh làm Vương tử, ban cho họ Lê.
Khi giặc Thục đến xâm lăng, Chàng Ánh chỉ huy quân binh, có công chống Thục. Từ đó Chàng Ánh nắm quyền triều chính. Duệ Vương về sau trở nên biếng nhác, chìm đắm trong hoan lạc, không quan tâm đến chính sự, việc binh quốc gia buông lỏng. Chàng Ánh hết sức can ngăn nhưng Duệ Vương không nghe. Chán ngán, Chàng Ánh đi ra bộ ngoài, không muốn tham dự vào chính sự quốc gia. Sau giặc Thục đánh Duệ Vương, thế nước nhà Hùng mất. Chàng Ánh rất hận mới luyện binh tuyển tướng, cẩn thận giữ gìn cương giới, bèn tự xưng là Hậu Hùng Vương, không thần phục An Dương Vương. Xưng là nước Việt Tây, nay là Quảng Tây.
Vợ vương là con gái Đông Chu Quân có mang 3 năm, sinh một bầu năm con trai vào giờ Ngọ ngày 14 tháng 3 năm Mậu Thân. Đến khi trưởng thành đều có tướng mạo khác thường, mũi cao, mắt xếch. Một người trên đầu có 7 chấm đỏ, sau lưng có 27 nốt ruồi đen. Một người một tay dài quá gối, mắt xếch tới tai. Một người mắt phượng mũi rồng. Một người mặt vuông tai to, râu đen, tóc xanh, thân dài 10 thước. Năm chàng đều là những người phi thường. Hùng Vương rất vui mừng, hoàng hậu chưa đặt tên nên nhân theo cổ tục khi đó đặt là Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba, Chàng Tư, Chàng Út mà gọi.
Gặp lúc có tướng Tần Triệu Đà dẫn quân chiếm phương Nam. An Dương Vương có nỏ thần, quân Triệu gặp nhiều thất bại. Hùng Vương (tức là Chàng Ánh, Hậu Hùng Vương ở Việt Tây) sai Chàng Hai đến quân Tần nói với Triệu Đà rằng:
–    An Dương có thù với chúng tôi. Nay phụng nghe đại quân đánh Thục, nước tôi tuy nhỏ cũng xin dẫn ba ngàn quân trợ giúp. Tôi vì báo thù mà trợ giúp ngài định quốc. Tôi lại có mưu này có thể phá được nỏ thần, muốn được tâu với ngài để trù liệu.
Triệu Đà nghe có quân giúp định quốc rất vui mừng, liền nói:
–    Cách nào có thể phá được nỏ thần?
Chàng Hai nói:
–    Nếu thông hôn cho con với ái nữ Mị Châu thì có thể phá được.
Đà bèn cử sứ về nước sai con trai Trọng đến thông hiếu kết nghĩa, sau lại cầu hôn với An Dương để cho Trọng làm con rể, ở đó trộm lấy phá hủy lẫy nỏ. Trọng về báo, phát sứ sang Việt. HùngVương bèn lệnh Chàng Út dẫn ba ngàn quân giúp Triệu Đà đánh Thục chiếm nước thành công. Triệu Đà lên ngôi là Vũ Đế, nhưng vẫn cắt Quảng Tây cho Việt.
Sau 6 năm Hùng Ánh Vương lâm bệnh. Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba, Chàng Tư cùng nhau nói rằng:
–    Báo thù và mở rộng đất nước đều là công của Chàng Út. Có thể nhường lại nước cho Chàng Út. Chúng ta tạm tìm chỗ không xa mà đến lánh.
Bèn cùng 4 người làm đồ đệ để đi. Bốn tiểu hầu phao lên rằng muốn tìm thuốc, đi tới Triệu. Trong nước họ Triệu thấy có một nơi sông uốn khúc, núi dựng lại quanh co, gặp lúc trời sắp tối. Bỗng thấy năm đám mây nổi lên, trong có Rồng vàng ẩn hiện. Nhân lấy đó là điềm lành để ở, dựng một lầu cao. Bốn Chàng cùng với các đồ đệ cùng đi là Lưu Chính Hoà, Nguyễn Văn Nhân, Đỗ Khắc Cần, Đặng Văn Dư đều xây nhà rồi dẫn con cái đến ở đó, mở ruộng vườn, lập cơ nghiệp lâu dài.
Đến khi Hùng Ánh Vương lâm chung, bốn Chàng đã đi, bèn ban tên Chàng Út Lôi Mao, cho tự cai quản. Ngày 15 tháng 8 Hùng Vương băng hà, Chàng Út phát tang, kế vị, xưng là Việt Tây Út Ngọ Lôi Mao Đại vương. Vũ Đế cho lệnh sách phong. Ba năm tang lễ xong, Vương cho hoàng hậu họ Triệu giám quản đất nước, còn tự thân đi cầu tìm bốn người anh. Vương đi khắp thiên hạ đến nơi dòng sông uốn khúc thì gặp được các anh. Gặp nhau rất vui mừng bèn cho mở đãi tiệc lớn ở trên lầu gác. Sau này thôn có lầu được gọi là thôn Thượng Minh. Lại sai các thủ hạ đến làng đó để đón bốn anh về Việt Tây. Các anh cùng muốn nhường nên bất đắc dĩ báo với vua Triệu. Vũ Đế mới ban sắc rằng:
–    Cha truyền con nối là lễ thế tập. Không quên gốc nước, quân dân quyến luyến là đáng trách. Ngôi trời rất trọng yếu, đâu chỉ là việc lập ra như đồ giả chơi. Quan trọng là phải trở về. Quốc vương Việt Tây tạ thế, có để lại 5 con đều là đức hiền minh. Khi Út Ngọ Lôi Mao thừa cảnh tốt trên có bốn anh đều là bậc thánh trí. Huynh đệ cùng nhường nhau, không nên như Thái Bá bỏ đi. Đàn sáo tương ứng, cùng hòa phép chính, người và vua cùng hưởng, cùng quản việc nước, cùng các vua tướng, theo như sách mệnh là Chàng Cả Đại vương, Chàng Hai Đại vương, Chàng Tam Đại vương, Chàng Tứ Đại vương, Chàng Út Ngọ Lôi Mao Đại vương. Tuân sắc ban.
Từ đó năm vương cùng nhau quản lý việc nước. Được mười năm hoàng hậu họ Triệu sinh được con trai là Chàng Uyên, thông minh sáng suốt. Tới khi trưởng thành năm vương được cử đi sứ trong nước. Năm vương cùng đi đến nơi chốn cũ ở thôn Thượng Minh, tới chỗ nhà cửa trước kia là còn là nơi gà chó trâu bò nay đã thành làng xóm. Bèn lên lầu mà xem cảnh ngày mai tươi sáng. Ở đó được ba năm các thủ hạ cứ cuối mỗi năm ngày 10 tháng 12 đem một con gà cùng với bánh chưng, trầu cau, rượu ngon, năm cặp đũa trúc làm lễ.
Năm vương ở lầu thường thường như vậy. Đến tháng 4 năm Giáp Dần, các vương cùng nhau đi thăm lại nền cũ đất họ Hùng, quay về thấy buồn thảm. Bèn cùng nhau lên núi đi tuần dạo. Đến núi Toàn Dương bỗng thấy có một hang lớn mở ra, mây khói bốc lên. Năm vương đồng thời nhập vào hang không ra nữa. Đó là ngày 15 tháng 5. Do vậy Nguyễn Văn Nhân trở về. Từ ấy lấy làm lệ thường, cứ đúng ngày làm giỗ kỵ, gọi là thánh kỵ. Vào cuối năm thì dâng gà lên lầu như xưa vậy.
Ban đầu Chàng Uyên tiếp ngôi, hiệu xưng là Minh Vương. Khi Hán bình định Nam Việt cùng với Việt Tây, Minh Vương thất thủ mà chết. Con trưởng tên là Hùng Tuấn với Vương hậu cùng chết theo. Con trai thứ Hùng Hòa không chịu nhục, cõng thi thể của cha chạy về chôn ở núi Toàn Dương. Sau ba năm chôn cất xong, dẫn con cái đến thôn Thượng Minh cùng với nhân dân bốn họ cùng sống. Nhưng vì tránh tên Minh Vương nên đã đổi thành xã Hạ Mạo, đổi thôn thành xã từ đó. Bởi vậy cho tu sửa lầu đãi tiệc thành miếu thờ năm vương, hàng tháng ngày rằm mồng một đều có lễ dâng. Thường không có quy định lệ tế như thế nào, chỉ có ngày giỗ và ngày cuối năm thì cúng gà.
Cho đến triều Lý Thái Ninh năm thứ hai ngày 30 tháng 12, cháu 24 đời họ Lê là Tôn Hưng cùng với các họ Nguyễn Trọng Chính, Đỗ Văn Khả, Lưu Đình Côn, Đặng Ngọc Câu lên miếu làm lễ tiết, bỗng thấy một trận mưa to gió lớn khói đen bốc lên không rõ dài ngắn. Ở trong miếu mùi hương lạ phát ra ngào ngạt, sáng như ban ngày. Tôn Hưng cùng các hương trưởng sợ hãi, không dám quay về, mà sai người giữ miếu làm 5 kiện oản cùng các thức hương, trầu cau để dâng lên ban trên. Đến khoảng quá nửa đêm bỗng trên miếu có ánh sáng thần chiếu rực, bỗng nhiên xuất hiện năm người đều có mũi rồng mắt xếch, mặt đỏ như mặt trời mới mọc, đầu đội mũ ngọc, thân khoác áo bào xanh, người đeo đai đỏ, người đeo đai xanh lam, dàn thàng hàng cao phía Tây ngồi trên ban thượng. Khi ấy các hương trưởng đều cùng phủ phục dưới đất, không dám ngửng lên nhìn. Bỗng nghe thấy lời trên miếu nói:
–    Chúng ta phụng sắc của Thượng Đế cai quản dân chúng.
Phút chốc hóa thành năm con rồng vàng bay lên không biến mất. Mây mưa tùy theo mà nổi lên. Mọi người đều sợ hãi, không biết từ đất nào hiện ra. Khi đó thấy người giữ miếu bước lên cao ngồi mà nói:
–    Ta cùng năm tướng nhà nuôi là Lê Hùng Hòa, thường đi theo tùy giá các vương. Khi các thiên tướng giáng loạn, tà mà quấy nhiễu nhân dân, Thượng Đế sắc năm vương hàng năm đi khắp thiên hạ, quản thúc trăm thần, để yên dân cư. Vốn các ngươi là con cháu người xưa, ta cố thỉnh giáng lâm. Năm vương đã giáng lâm, đó là nhờ sức ta cố thỉnh, là phúc vạn đời của các ngươi vậy. Từ nay, phải lập chỗ cho năm vị thần vương cẩn thận. Sự việc đầu năm đi thám xét thiên hạ, tất muốn quay lại nơi đây. Há chẳng là việc phúc lành lớn sao?
Cuối triều Trần thiên hạ đại loạn, quân Ngô xâm lược, chiếm kinh ký. Chúng biết nước Nam khó cai trị nên những nơi xưa đều phá sạch thành đất bằng. Ở Thăng Long người ta thường chôn vàng đắp đất để làm mộ cổ, nên chúng sai người sở tại đến khai quật, được nhiều vàng. Những nơi cũ và nhân dân đều giết sạch, các mộ phần bị phá sạch. Khi đó những người dân trong xã chạy lưu vong hết, họ Lê tập hợp được 200 người, đem hết các phần mộ tổ tiên đi. Tộc trưởng Phúc Kiến muốn lấy trống rồng của năm vị, gieo quẻ xin 5 lần không được, bèn sắp xếp đưa người trong tộc cùng với các gia phả, sự tích chạy vào trong rừng núi. Khi giặc đến nơi thì hương ấp không còn ai theo phục.
Lần đó Thái tổ thua ở chân núi Tiên Du, chạy về phía Tây đến đền thần của bản xã thì trời tối. Chỉ còn có 1 đệ tử đi theo, bèn than lớn rằng:
–    Trời làm ta vong, ta chạy làm gì.
Bèn vào trong đền thần để tạm trú. Thấy một người lạ quần áo thật lớn, theo cửa giữa của miếu ra nghênh đón Thái tổ, theo vào ngồi trên miếu. Người này nhường cho Thái tổ ngồi bàn trên, tự mình ngồi bàn dưới. Thái tổ trong tâm biết là thần vậy.
Người này dâng lời rằng:
–    Trời sinh ra Chân nhân chính vì sinh linh mà trừ giặc tàn bạo. Sao lại tự chịu khuất nhục vậy?
Thái tổ nói:
–    Trẫm đoán là Trời không giúp Trẫm để an dân. Nay khi thiên hạ đại loạn, Trẫm cùng với các tướng tảo trừ loạn, đã tận lực đánh ngoài trăm trận, diệt trừ loài ác để an thiên hạ. Nhưng lại sinh ra Liễu Thăng cường tráng như vậy. Nếu trời định giúp Trẫm, đã sinh ra Trẫm sao lại còn sinh ra Liễu Thăng? Thiên hạ làm sao có thể bình, yên được dân sinh. Nên mới thốt ra lời than thở.
Đại vương nói:
–    Đó là Trời sở dĩ cùng Chân nhân cầu cho Nam Việt, không phải tự tiện mà sinh Liễu Thăng, nên nước Nam chưa được yên ngưng. Thăng là con của thần tiên phong của Thượng Đế, giáng sinh sau, thân dài mười thước, oai trấn vạn người. Người Minh còn phải nhường oai hùng đó. Đó là một chớp cánh phục sinh.
Lại xâm lược phương Nam sáu lần, quân hơn trăm vạn, đều là vì tìm diệt Chân nhân. Vua Minh còn chưa yên tâm, vội vã lệnh cho triều đình nhà Minh mà không có ai đối lại được. Một lần đến mà không được không phải do tự tiện, từ đó mà tăng quân. Chúng có 40 vạn tinh binh. Còn Chân nhân chỉ có 500 người, nay bại cũng không phải là lạ.
Vua nói:
–    Như lời Đại vương thì Trời sẽ giúp Trẫm diệt chúng phải không?
Đáp rằng: – Tất nhiên.
Vua nói: – Có kế gì tốt để làm?
Đáp rằng:
–    Quân của chúng chạy không dừng. Một ngày đi ba bốn dăm. Nay đóng quân ở bờ Nam sông Đà. Đến ngày nọ sẽ qua sông. Đó là khi có thể nhờ vào chỗ hiểm của sông sâu, một trận chiến có thể diệt hết giặc. Xin Chân nhân chớ lo lắng, sau có thể được thỏa chí.
Vua nói:
–    Ta được Trời giúp vậy. Xin Đại vương hãy giúp cho Trẫm.
Vương nói: – Vâng vâng.
Đại vương bèn cho sứ đến núi Tản Viên truyền thông điệp xin được cùng đồng lòng giúp nước,
cho xuất các loại hổ báo, rắn rồng vào trận. Thần núi Tản Viên phát sứ đến hẹn đến ngày 12 trong tháng cùng chiến. Vương đồng ý. Lại cử sứ đến đền Ma Y tướng quân nhờ Ma Y giúp nước. Việc xong, Ma Y tướng quân sai sứ mang một chiếc áo đến cho vua Lê mặc. Đại vương dâng kiếm thần mà nói:
–    Liễu Thăng cưỡi hai con phượng cao 5-6 trượng. Ở chỗ trú ẩn đó có một cây Đường lệ lớn. Chân nhân tới đó thì lên đứng ở phía đầu cành. Liễu Thăng sẽ không thấy. Khi xe phượng đi qua, Chân nhân hãy chém đầu Liễu Thăng. Thần sẽ dẫn quân cùng với thần núi Tản Viên đánh phía sau. Một trận có thể diệt sạch.
Vua Lê lo lắng. Đại vương nói:
–    Chân nhân chớ lo. Mặc chiếc áo này vào thì không ai nhìn thấy cả. Chém được tướng đó thì quân đó thành không đầu. Thần sẽ cùng đến giúp đánh quyết thắng, không lo.
Khi đó các tướng bại trước đó đã động lòng dẫn quân đến hội tập được hơn ba ngàn người. Vua Lê bèn mặc áo Ma Y, cầm kiếm thần đến bờ bắc sông Đà, lên đứng ở trên đầu cây gỗ lớn. Đến quá trưa, quân Ngô vượt sông, bỗng thấy đầu Liễu Thăng rơi xuống đất. Quân giặc đại loạn. Bỗng gió lớn nổi lên ở phía Nam từ núi Tản Viên thổi xuống. Lại thấy rắn lớn hổ mạnh cùng trăm thú trong núi rất nhiều không đếm xuể tiến thẳng tới. Quân Ngô bỏ chạy. Trong một lúc đều rơi xuống sông Đà. Nước sông do thế tắc không chảy được.  Quân Lê thấy một tướng lạ mặc áo xanh đốc chiến, giết quân Ngô không còn một tên. Đến khi Vương toàn thắng, thì không thấy vị tướng áo xanh ở đó nữa.
Vua trở về Thăng Long lên ngôi Hoàng đế, lập hiệu Thuận Thiên, bèn lệnh cho quận công Trần Hãn dẫn quân đến tu sửa miếu điện, dựng nên ba tầng thượng, trung, hạ điện, đều có ba gian. Tháng 5 thì làm xong, phụng mệnh làm lễ tam sinh đến tạ, ban một đạo sắc cho bản xã thờ phụng. Cứ mỗi năm tháng Giêng phát tiền công làm ca xướng một bữa, lệ thường trong năm như vậy. Do đó về sau ngày 18 tháng Giêng là ngày lệ thờ từ đó.
Năm Hồng Đức thứ 4, thiên hạ gặp hạn hán lớn từ tháng 6 đến tháng 8 không có mưa. Triều đình sai sứ đi cầu mưa ở núi Hùng, Tản Viên cùng các đền thờ thần thượng đẳng, tuy có được một chút mưa nhưng không đủ để tưới hết mùa màng. Tháng 8 ngày mồng 2 sai sứ quan đến đền thần ở xã cầu đảo. Bỗng thấy một trận mưa lớn mù mịt như cầu mong, trên từ sông Hạc dưới đến cửa biển Tô Lịch dài ngàn dặm. Lúa ngô tự mọc. Đến mồng 10 sai quan theo lệnh chỉ đến tế ở điện, ca hát một bữa mừng lúa thóc được mùa. Đến mồng 6 tháng 11 sai sứ quan mang lễ vật tam sinh cùng một đạo sắc đến bài trí ở miếu điện tại xã. Đến mồng 10 thì tế tạ cầu mùa được thành, ca hát một bữa. Từ đó bản xã lại có ngày mồng 10 tháng 8 cùng với tháng 11 có ca hát hai lệ phỏng theo đó.
Năm Chính Hòa thứ 8, Đình quân công vâng mệnh xây dựng đường thị đi qua nơi miếu, thấy có một cây Kim giao rất lớn, cao 6-7 tầm, mới gọi đến hương trưởng và rằng:
–    Lầu Kính Thiên của triều đình có một cây cột lớn, hôm trước bị cháy mất. Bộ Công cầu tìm chưa được. Nay đây có một cây có thể dùng được, ta muốn lấy khoảng 10 tiền công phát để các người mua đồ thờ phụng thần, mà triều đình cũng được tiện dùng.
Khi đó chánh tổng Lê Đức Sổ đáp rằng:
–    Xã hèn chúng tôi từ khi có cây gỗ này đến nay qua đã không biết bao đời không dám dùng tới đao búa. Lũ hèn chúng tôi sợ không bán cho Đại quan được.
Quận công nói:
–    Các ngươi không bán thì ta cũng lấy để dùng cho triều đình, không phải để cho riêng ta thì sao lại không thể được.
Bèn lệnh cho đồ đệ chặt cây gỗ, nhưng cây gỗ tuyệt nhiên không suy chuyển gì. Quận công sợ hãi, mổ lợn bày việc tế, lại khấn rằng triều đình tha thiết muốn dùng, xin Đại vương đừng từ chối. Bỗng thấy cây gỗ tự ngả xuống. Bèn đem về đến bến kinh thành. Hoàng đế đích thân ra cầu chú rằng:
–    Đại vương sinh là Thiên tử, mất làm phúc thần. Nay lầu Kính Thiên của Trẫm thiếu một cây cột lớn, cầu tìm không được. Nay Quận công thấy miếu của Đại vương có một cây Kim giao thích hợp. Tuy tự tiện nhưng không thiếu thiện tâm. Xin Đại vương có thể tự hiến để giúp triều đình.
Bỗng thấy cây gỗ chuyển động ba lần. Vua sai Quận công gọi một người dẫn tới tòa hồng, nhẹ như lá vậy. Đế lệnh Quận công bố trí lễ lớn tam sinh cùng một đạo sắc đến miếu thần ở bản xã để tế tạ, nói với hương trưởng ngọn ngành như vậy.
Tích của xã Hạ Mạo.
Vâng sao nguyên bản.
Lý trưởng Lê Văn Kính.