Đại Việt sử lược là cuốn sử sớm do một tác giả không biết tên (khuyết danh) viết ở bên… Tàu thời nhà Nguyên và được phát hiện trong đống 4 kho hàng Tứ khố toàn thư của nhà Thanh sau khi Càn Long cho hàng trăm “bác sĩ” thu gom sách sử, bản đồ về “chỉnh lý”…
Về mở sử Việt, tác phẩm này viết như sau:
“Xưa, Hoàng Đế dựng nên muôn nước thấy Giao Chỉ xa xôi ở ngoài cõi Bách Việt, không thể thống thuộc được, bèn phân giới hạn ở góc Tât Nam, có 15 bộ lạc là:… Những bộ lạc này đều không thấy đề cập đến trong thiên Vũ cống.
Đến đời Thành Vương nhà Chu, Việt Thường Thị mới đem dâng chim bạch trĩ, sách Xuân Thu gọi là khuyết địa, sách Đái ký gọi là Điêu đề.
Đến đời Trang Vương nhà Chu ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chân chất, chính sự dùng lối thắt gút. Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương.”
Tạm thời gác lại vấn đề văn bản của tác phẩm này, mà thử xem nội dung của Việt sử lược nói về thời đại Hùng Vương như thế nào.
- Thứ nhất, Đại Việt sử lược ghi rõ Giao Chỉ có từ thời “Hoàng Đế mở muôn nước“. Hoàng Đế Hữu Hùng Hiên Viên được coi là thủy tổ của Trung Hoa, cách nay 5000 năm. Vậy sử Việt cũng bắt đầu từ thời Hoàng Đế, mà Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả gọi là “Đế Minh, thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ“.
- Thứ hai, 15 bộ (bộ lạc) của đất Việt đúng ra là vào thời Văn Lang sau đó, chứ thời Giao Chỉ của Hoàng Đế đâu đã phân ra 15 bộ. Cho nên các bộ này mới “không có trong thiên Vũ cống“, tức là trong lịch sử thời Hạ Vũ.
Truyện Việt Thường Thị cống chim trĩ cho Chu Thành Vương, tức vị vua thứ 3 của nhà Chu, cho thấy giai đoạn từ Hoàng Đế Hữu Hùng đến thời Chu, ở đất Việt vẫn tồn tại các chế độ xã hội. Thậm chí đã có họ (“Thị”) hay chế độ cha truyền con nối. Hình tượng “khuyết địa” với “điêu đề” chỉ vùng đất miền ven sông biển, nơi có nhiều thuồng luồng nên người dân xăm mình để xuống nước bắt tôm cá. Tương tự trong sách Quảng Châu ký ghi là các Lạc dân làm ruộng theo nước triều lên xuống. Như vậy đây là chỉ giai đoạn của các Lạc vương, Lạc hầu trên đất Việt, những người con theo cha Lạc Long Quân đi khai phá miền biển Đông. - Thứ ba, đến thời Trang Vương nhà Chu, có người lạ ở bộ Gia Ninh dùng ảo thuật quy phục các bộ lạc khác, lập nước Văn Lang, xưng Hùng Vương. Tiếp theo giai đoạn xuống biển là giai đoạn của dòng lên núi (bộ Gia Ninh ở phía Tây trên núi) đã dùng những tri thức “vượt thời đại” (ảo thuật) để quy phục các bộ lạc mà lập nước Văn Lang. Đây là chuyện Cơ Xương Văn Vương tác dịch (dùng lối thắt gút – các dịch tượng trong Hà đồ Lạc thư), dựng nên nước của vua Văn, đến Cơ Phát xưng thiên tử trăm nước. Thiên tử tức là con Trời, con cháu của dòng Hữu Hùng Hoàng Đế, vì nhà Chu mang họ Cơ của Hoàng Đế. Đây là lý do mà thiên tử Chu xưng là Hùng Vương, nối tiếp các đời Hùng Vương từ Hữu Hùng Hoàng Đế.
Sử Việt gọi sự kiện này là Thục Vương đánh chiếm đất Lạc hầu, lập nước Âu Lạc. Lạc là đất của Lạc Vương thì hiển nhiên Thục chính là Âu. Nhà Thục tính từ Âu Cơ lập người con trưởng là Hùng Quốc Vương lên ngôi thiên tử ở Phong Châu (Gia Ninh), phân ra 15 “bộ lạc”, tức là 15 bang quốc chư hầu lớn. Số chư hầu nhỏ thì lên đến hàng trăm, nên gọi là Âu Cơ sinh trăm con Bách Việt. Nếu so với thời “Hoàng Đế mở muôn nước” hay “Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ” thì các chư hầu thời Âu Cơ – Thục Vương có con số hàng trăm là còn ít.
Thư tịch lịch sử về cổ sử Việt không hề sai, mà sai ở cách đọc, cách nhìn nhận những thông tin ở trong đó. Thời đại Hùng Vương mở sử có 3 giai đoạn:
- Hùng Vương Thánh Tổ bắt đầu ngang thời Hoàng Đế dựng muôn nước cách nay 5000 năm.
- Lạc triều với con số 4000 năm lịch sử từ cha Rồng Lạc Long Quân khai phá đồng bằng ven biển trải nhiều đời các Lạc vương, phân chia các Lạc hầu cai quản các đầu sông góc bể, xăm mình lội nước đắp đê, gây dựng cơ đồ.
- Thục triều với lịch sử bắt đầu ngang với thời nhà Chu, từ mẹ Âu Cơ tác dịch, Hùng Quốc Vương thề trung thành với họ Hữu Hùng, xưng mình là Hùng Vương, lập nước Văn Lang, đứng đầu trong trăm nước Việt chư hầu.
