Giải nghĩa bài thơ thần vua Hùng cầu tiên trên núi Tây Thiên

Trong bản Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm viện trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn năm Hồng Đức thứ nhất (1470) có đoạn kể vua Hùng thứ bảy lên núi Tam Đảo lập Vọng Tiên đàn thành tâm cầu khấn được gặp tiên, nhưng sau ba ngày vẫn không thấy tung tích của thần tiên. Tối hôm đó Vua nằm mộng thấy có thần linh hiện lên đọc cho một bài thơ bốn câu…
Bài thơ này liên quan đến sự xuất hiện của vị tiên ở núi Tây Thiên. Tuy nhiên nó lại khá khó hiểu và ở các bản sao ngọc phả khác nhau chép có hơi khác nhau. Bản Ngọc phả ở xã Hy Cương (Phú Thọ) chép là:
西大山人上,
不見心下相,
會東足名人
尹 居上口旺
Tây đại sơn nhân thượng
Bất kiến tâm hạ tướng
Hội đông túc danh nhân
Doãn cư thượng khẩu vượng.
Taythien 2
Trang bản sao Ngọc phả ở Hy Cương có bài thơ thần trên núi Tây Thiên.
Bài thơ này xưa nay chưa thấy ai dịch và giải nghĩa vì câu từ của nó trúc trắc, khó hiểu. GS Ngô Đức Thọ khi dịch bản ngọc phả Hùng Vương của xã Hy Cương cũng đã không dịch bài thơ này.
Nay xin thử giải mã lời nhắn của thần linh cho vua Hùng trên núi Tây Thiên.
Ở câu thứ nhất, có bản sao ngọc phả khác chép là Tây Thiên 西天 chứ không phải Tây đại 西大. Tây Thiên là địa danh nơi vua Hùng gặp tiên nên khả năng dị bản Tây Thiên là đúng hơn.
Ở câu thứ ba, có bản chép là “túc các” 足各 chứ không phải “túc danh” 足名. “Túc các” mới là đúng, lý do xin xem giải thích ở dưới đây.
Tay Thien
Bản chép bài thơ với mở đầu Tây Thiên.
Ngoài chi tiết chỉ địa danh Tây Thiên thì bài thơ thần báo mộng này thực ra dùng phép “chiết tự” chữ Nho ở tất cả các câu. Chính vì thế nó trở nên đánh đố các bậc túc Nho xưa nay, bí hiểm như lời giáng xuất của thần linh. Các chữ chiết tự trong từng câu như sau:
 – Câu 1: “sơn nhân” 山人 là chiết tự của chữ Tiên 仙. Như thế ý câu đầu là: Tiên ở trên Tây Thiên.
– Câu 2: “tâm hạ tướng” 心下相 là chữ Tưởng 想. Ý câu 2 là: Không thấy được như mong tưởng.
– Câu 3: “túc các” 足各 là chiết tự chữ Lộ 路. Đông Lộ là nơi sau đó vua Hùng gặp bà Ngọc Tiêu.
– Câu 4: “doãn“尹 cư thượng (ở trên) “khẩu” 口 là chữ Quân 君 chỉ vua Hùng.
Như thế đã có thể dịch cả bài thơ này như sau:
Trên Tây Thiên tiên đó
Không thấy điều mong chờ
Gặp người nơi Đông Lộ
Vua sẽ được như mơ.

Vua Hùng thứ bảy sau khi được bài thơ thần này đã xuống núi Tây Thiên, tới chân núi thì gặp được một người con gái tuyệt đẹp tên là Ngọc Tiêu, nhà ở thôn Đông Lộ, là Tiên giáng thế đợi kết duyên với nhà vua. Vua cưới bà Ngọc Tiêu sinh được hoàng thái tử. Về sau vua Hùng thứ bảy cùng vương phi Ngọc Tiêu đã đắc đạo thành tiên, hóa sinh bất diệt…

IMG_1139.JPGBan thờ Tây Thiên quốc mẫu ở đền Sinh tại Đông Lộ, Đại Đình, Tam Đảo.

Những kinh đô đất Việt thời Tần Hán

Dấu vết khảo cổ học ở miền Bắc Việt cho biết một cách chắc chắn là ít nhất thời kỳ đầu của sử Việt đã đóng đô với những thành quách ở những nơi sau:
– Việt Trì ở Phong Châu, Phú Thọ. Tương truyền là kinh đô nước Văn Lang thời Hùng Vương.
– Cổ Loa ở Đông Anh, Hà Nội: kinh đô nước Âu Lạc thời An Dương Vương.
– Luy Lâu ở Thuận Thành, Bắc Ninh: trị sở thời Tây Hán, cho tới thời Đường mới chuyển về thành Đại La.
Vấn đề khúc mắc đặt ra là tại sao An Dương Vương lại không đóng đô ở Việt Trì, nơi Hùng Vương trước đó định đô đã hàng trăm năm? Và nhất là, tại sao chỉ sau một thời gian rất ngắn (triều đại của An Dương Vương tương truyền được có 50 năm), trị sở của khu vực đã lại chuyển sang Luy Lâu, bên kia bờ sông Đuống? Nguyên nhân lịch sử gì dẫn đến việc thay đổi trị sở/kinh đô qua các thời đại như vậy?

Co Loa A3
Các giai đoạn đắp thành ở Cổ Loa (Ảnh: Lại Văn Tới).

Khảo cổ học ở Cổ Loa đã phát hiện tới 4 lớp đắp thành. Trong đó ở lớp thứ 2 niên đại đã xác định là giữa thế kỷ II và III TCN. Như thế lớp thành đất sớm ở bên dưới có niên đại còn sớm hơn thời gian này nhiều. Từ thông tin này có thể đi đến 2 nhận định:
–  Thành do An Dương Vương xây ở Cổ Loa vốn dựa trên vị trí một tòa thành từng tồn tại trước đó khá lâu. Đây có thể là cơ sở để Ngọc phả Hùng Vương cho biết, người đầu tiên xây thành Cổ Loa là Hùng Tuyền Vương, chứ không phải An Dương Vương. Nhận định này giải thích tại sao An Dương Vương sau khi thế ngôi Hùng Vương lại đóng đô ở Cổ Loa, vì  nơi đây vốn đã là một trị sở trung tâm của khu vực từ cuối thời Hùng Vương rồi.
– Các lớp thành do An Dương Vương xây dựng chủ yếu là vào thời điểm giữa thế kỷ thứ III TCN. Như thế, thời điểm An Dương Vương thay thế Hùng Vương vào quãng năm 257 TCN theo như Đại Việt sử ký toàn thư là phù hợp. Điều này cũng đồng nghĩa là An Dương Vương không phải mới xuất hiện trong cuộc chiến với quân Tần dưới thời Tần Thủy Hoàng (quãng 218 TCN).
Như những bài trước đã chỉ ra, thực chất triều Thục An Dương Vương trong truyền thuyết Việt chính là nhà Tần. Năm 257 TCN là năm Tần diệt vị vua cuối cùng của vương triều Chu là Chu Noãn Vương, chính thức bắt đầu một triều đại mới của thiên hạ Trung Hoa. Sau khi lên ngôi thiên tử thống nhất thiên hạ nhà Tần đã cho tiến hành những cuộc xây dựng quy mô lớn như phía Bắc xây Vạn lý trường thành, phía Nam đưa hàng chục vạn người đến đóng thú. Công trình xây dựng của nhà Tần còn lại ngày nay ở Việt Nam chính là thành Cổ Loa. Truyền thuyết Việt chép là An Dương Vương xây thành trên đất Việt Thường.
Câu đối ở đền Thượng Cổ Loa:
Chiêu lăng tùng bách kim hà xứ
Thục quốc sơn hà thượng cố cung.
Dịch:
Tùng bách lăng Chiêu giờ đâu nhỉ
Non sông nước Thục vẫn cung xưa.

Co LoaNghi môn đền Thượng Cổ Loa.

Nút thắt thứ hai cần giải thích là tại sao ngay khi nhà Tần sụp đổ, kinh đô/trị sở của vùng Bắc Việt lại chuyển sang đất Luy Lâu? Tư liệu lịch sử cần đối chiếu cho sự kiện “dời đô” này chính là chuyện của Triệu Đà, vì diệt Tần trên đất Việt không phải An Dương Vương mà là Triệu Đà. Sử ký Tư Mã Thiên, Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép rất rõ về việc này:
Rồi dần dần ông [Triệu Đà] dùng hình pháp giết các trưởng lại do nhà Tần đặt ra, dùng những người đồng đảng để thay thế. Khi nhà Tần đã bị tiêu diệt, Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương.
Còn Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tần Thủy Hoàng mất ở Sa Khâu. Nhâm Ngao và Triệu Đà đem quân sang xâm lấn. Đà đóng quân ở núi Tiên Du, Bắc Giang đánh nhau với vua [An Dương Vương]. Vua đem nỏ thần ra bắn, Đà thua chạy. Bấy giờ Ngao đem thủy quân đóng ở Tiểu Giang (tức là [con sông] ở phủ Đô hộ, sau lầm là Đông Hồ, tức là bến Đông Hồ ngày nay), vì phạm thổ thần nên bị bệnh, phải rút về. Nhâm Ngao bảo Đà rằng: “Nhà Tần sắp mất, dùng mưu kế đánh Phán thì có thể dựng nước được”. Đà biết vua có nỏ thần, không thể địch nổi, bèn lui giữ núi Vũ Ninh, sai sứ đến giảng hòa. Vua mừng, bèn chia từ Bình Giang (nay là sông Thiên Đức ở huyện Đông Ngàn) trở lên phía Bắc thuộc quyền cai trị của Đà, trở về phía Nam thuộc quyền cai trị của vua.
Đoạn kể của truyền thuyết Việt trên cung cấp những thông tin quan trọng để xác định vị trí khởi điểm của Nhâm Ngao và Triệu Đà. Nhâm Ngao thực chất là một viên quan đóng trị sở ở vùng sông Tiểu Giang, tức là ở quãng bến Đông Hồ, hay Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay. Khu vực này được biết dưới tên “huyện Long Xuyên”, là nơi sau đó Triệu Đà tiếp vị của Nhâm Ngao.
Nhâm Ngao đã bị bệnh và chết ở vùng Bắc Ninh ngày nay, mà sự việc này còn được kể trong Truyện Giếng Việt, khi Thôi Vĩ chữa bệnh cho Nhâm Ngao rồi ngã xuống hang ở núi Châu Sơn. Núi Vũ Ninh hay núi Châu Sơn nay thuộc Quế Võ, Bắc Ninh, cũng là nơi Triệu Đà đóng quân khi đánh Tần (đánh An Dương Vương).
Đoạn trích của Đại Việt sử ký toàn thư đã dẫn ở trên cho biết, Triệu Đà và An Dương Vương đã lấy sông Thiên Đức, tức là sông Đuống, làm ranh giới phân chia khu vực quản lý. Triệu Đà giữ vùng bên này sông, tức là chiếm vùng phía Đông. An Dương Vương đóng ở thành Cổ Loa là phía Tây.
Như vậy, vùng Bắc Ninh là căn cứ ban đầu của cuộc khởi nghĩa Triệu Đà chống là nhà Tần (Thục) nên đây chính là lý do vì sao khi khởi nghĩa thành công, lập nước thì trị sở vùng Bắc Việt lại chuyển sang bên này sông Thiên Đức. Để rồi tồn tại ở đó với thành Luy Lâu kéo dài hơn 800 năm.
Dấu vết thờ Triệu Đà ở khu vực này tới nay còn khá dày đặc, với các di tích ở vùng Từ Sơn (Bắc Ninh), Xuân Quan (Hưng Yên) hay ở đầu sông Đuống là làng Văn Tinh (Xuân Canh, Đông Anh).

Van Tinh.jpg
Gian tiền tế đình làng Văn Tinh, Xuân Canh, Đông Anh (Ảnh: Nguyễn Huân).

Lý giải lịch sử cho việc dời trị sở này còn có thể đối chiếu với… Cao Tổ bản kỷ trong Sử ký Tư Mã Thiên. Cao Tổ Lưu Bang vốn là sinh ra ở vùng đất Phong, lớn lên làm đình trưởng rồi khởi nghĩa chống Tần ở đất Bái. Tuy nhiên, tướng được cử giữ đất Phong lúc đó là Ung Xỉ lại làm phản, không theo Lưu Bang, nên đã làm cho cuộc khởi nghĩa ban đầu trở nên rất gian nan. Lưu Bang đến khi thắng được Hạng Vũ rồi lên ngôi thiên tử, chỉ trở về thăm đất Bái và vẫn ghi nhớ mối thù với đất Phong, định không cho vùng đó được miễn thuế dù là nơi quê hương của ông.
Đất Phong hay Phong Châu, là vùng đất tổ từ thời Hùng Vương. Bản thân vùng Đông Ngàn Cổ Loa thời Hán gọi là Phong Khê. Còn đất Bái là vùng phía Đông, nơi Lưu Bang – Triệu Vũ Đế trảm xà khởi nghĩa. Cũng vì món nợ của đất Phong đó mà Lưu Bang đã không lấy Phong Khê – Cổ Loa làm trị sở cho vùng đất quê hương khởi nghiệp khai cơ của mình. Việc này dẫn đến xuất hiện trung tâm Luy Lâu phía bên này sông Thiên Đức thay thế cho vai trò của thành Cổ Loa thời Tần (An Dương Vương).
Câu đối ở đền Cổ Loa:
螺形險固天若或主之幾朝代幾桑滄甌貉神京終不改
龜爪靈光今無復見矣此人民此城郭封溪王烈恍然存
Loa hình hiểm cố thiên nhược vực chủ chi, kỷ triều đại kỷ tang thương, Âu Lạc thần kinh chung bất cải
Quy trảo linh quang kim vô phục kiến hỹ, thử nhân dân thử thành quách, Phong Khê vương liệt hoảng nhiên tồn.

Vương quốc Lĩnh Nam

Khái niệm “Lĩnh Nam” trong lịch sử hiện nay đang được hiểu là phía Nam dãy núi Ngũ Lĩnh, là loạt dãy núi ở vùng ranh giới các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc, ngăn cách vùng Lưỡng Quảng với phần lãnh thổ phía bắc của vùng Giang Nam. Ngũ Lĩnh ở đây là đường phân thủy giữa hai con sông lớn là Dương Tử và Châu Giang. Khái niệm này còn dùng chỉ khu vực nước Nam Việt của nhà Triệu trong các cuộc đối đầu thời Tần Hán.
Tuy nhiên, đọc kỹ lại cổ thư thì danh từ Lĩnh Nam không hề được sử dụng để nói về vùng này, cũng như không gặp trong thư tịch cổ nói về thời Tần Hán. Tác phẩm Lĩnh Nam chích quái là tập hợp những truyền thuyết Việt từ xa xưa, nhưng trong bộ sách này không có những chuyện ở Lưỡng Quảng mà chỉ có ở khu vực miền Bắc nước ta hiện nay. Vậy Lĩnh Nam đây đâu phải là phía Nam dãy Ngũ Lĩnh ở Quảng Đông Quảng Tây. Lĩnh Nam là chỉ khu vực miền Bắc Việt mới đúng.
Lĩnh Nam là địa danh gặp ở ngay dòng đầu tiên trong truyền thuyết dựng nước của người Việt. Truyện họ Hồng Bàng: Đế Minh, cháu ba đời của Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam, đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái của Vụ Tiên, rồi trở về sinh ra Lộc Tục.
Ngọc phả Hùng Vương  (bản năm Thiên Phúc nguyên niên, thời Lê Đại Hành) chép: Sử ký Việt Nam. Thời thượng cổ là Giao Chỉ, đổi thành động Xích Quỷ, tên là nước Xích Quỷ. Kinh Dương Vương nhận vị từ ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Tuất, tuân mệnh đi tuần ở núi Ngũ Lĩnh, gọi là động Bạch Hổ Vân Nam.
Lĩnh Nam là nơi Kinh Dương Vương lên ngôi trị vì (Đế Minh phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam). Bản Ngọc phả Hùng Vương thời Hồng Phúc còn cho biết trong 15 bộ của nước Văn Lang thì bộ thứ 14 là “Ngũ Lĩnh sơn Vân Nam“.
Như thế danh từ “Lĩnh Nam” trong huyền sử Việt chính xác phải là Ngũ Lĩnh Vân Nam, chỉ khu vực vùng núi phía Bắc nước ta ngày nay. Vị trí của Ngũ Lĩnh Vân Nam này được mô tả đầy đủ trong Ngọc phả Hùng Vương (bản thời Hồng Phúc):
Vua [Kinh Dương Vương] bèn thân ngự giá lên núi, tìm mạch đất, nhận thấy khí mạch từ núi Côn Lôn xuất ra, theo từ động núi Ngũ Lĩnh Vân Nam đại quốc, tiếp gặp Ải Môn Ngưỡng Đức thủy hồng, như hình chữ Bát. Xuyên núi thấu mạch dẫn tới Cao Bình, Lạng Sơn, Càn Hải chín châu. Các núi cao vút, bỗng nổi lên thành ba ngọn núi [Tam Đảo], rồng trắng giáng khí ở châu Thái Nguyên, chợ trời bàn đá [Thiên Thị Thạch Bàn], nước chảy khe trên, ngược núi ngược sông, mạch dẫn liên miên…
Vùng Ngũ Lĩnh Vân Nam ở gần các dãy núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Tam Đảo, Thái Nguyên như thế là chỉ khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam ngày nay, chạy dọc theo dãy núi Hoàng Liên Sơn từ Vân Nam tới ngã ba Việt Trì, tức là quãng các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang ngày nay.
Việc định vị dãy Ngũ Lĩnh trong cổ sử Việt thành ra dải núi ở phía Bắc Quảng Đông Quảng Tây dẫn đến sai lệch hoàn toàn nguồn gốc xuất phát của người Việt. Với cách hiểu này người ta đã biến thời điểm lập quốc họ Hùng của Đế Minh và Kinh Dương Vương thành ra vương quốc Lĩnh Nam mới chỉ hình thành vào thời Tần Hán khi mà nhà Tần dẫn quân đánh phương Nam và Triệu Đà lập nước Nam Việt.

ngu-linh.png
Vị trí Lĩnh Nam trong sử Việt và các quận phía Nam thời Tần.

Xem xét tất cả các thư tịch về thời Tần Hán cũng đều không hề thấy nói tới từ Lĩnh Nam như sự gán ghép trên. Tư liệu thường được trích dẫn khi nói về cuộc tấn công của nhà Tần xuống phương Nam là đoạn chép trong sách Hoài Nam tử, phần Nhân gian huấn:
Vua Tần chiếm 6 nước, xem truyện này như sau: “Nhà Tần vong, tại sao vậy?”. Nguyên nhân là sai Mông Công và tướng Tương Ông Tử xây sửa thành. Phía Tây chiếm Lưu Sa, phía Bắc  đánh sông Liêu, phía Đông thì liên kết với Triều Tiên, các quận của trong nước phải kéo xe đi chinh chiến. Lại ham những món lợi như sừng tê giác, ngà voi, ngọc phỉ thúy, trân châu, nên sai quan úy Đồ Thư mang 50 vạn quân, chia làm 5 đạo. Một đạo đóng ở vùng Đàm Thành, một đạo phòng thủ ở chỗ hiểm yếu Cửu Nghi, một đạo đóng ở đô thành Phiên Ngung, một đạo đóng ở nơi biên giới Nam Dã, một đạo đóng ở sông Dư Can. Ba năm quân không cởi giáp giãn nỏ. Sử Giám Lộc không tìm được hướng đi mới sai lính đào kênh để chuyển binh lương đánh người Việt, giết thủ lĩnh Tây Âu là Dịch Hu Tống.
Đoạn trích trên cho dù đã mô tả rất kỹ cuộc tấn công của Tần xuống phía Nam, nhưng không hề gọi vùng đó là Lĩnh Nam. Địa danh được nhắc tới ở đây là Tây Âu, với quân trưởng lúc đó là Dịch Hu Tống.
Một đoạn khác về việc Tần đánh phương Nam trong Sử ký Tư Mã Thiên, Tần Thủy Hoàng bản kỷ: Năm thứ 33, (Tần Thủy Hoàng) đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ.
Đoạn Sử ký này cũng không hề nói đến địa danh Lĩnh Nam. Khu vực Tần đánh chiếm ở đây được gọi là đất Lục Lương.
Có thể thấy, sự kiện Tần đánh Việt có tới 2 mô tả khác nhau như ở trên. Hoài Nam tử cho biết đây là cuộc tấn công quy mô lớn với 50 vạn quân, chia thành 5 đạo đi theo các hướng khác nhau, do một đại tướng của Tần là Đồ Thư cầm đầu, diệt được vùng Tây Âu. Trong khi đó Sử ký Tư Mã Thiên lại mô tả việc này như một “trò đùa”, Tần Thủy Hoàng dùng những người lưu vong, ở rể, thương gia, đến lấy đất lập 3 quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng. Sự thật thì không thể có việc chiếm một vùng đất đai rộng lớn như vậy lại dùng đám hỗn quân lộn xộn như thế.
Nam Việt Úy Đà liệt truyện thì chép: Thời Tần đã hợp nhất thiên hạ, chiếm lấy Dương Việt đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng, đưa những người bị đi đày đến ở cùng người Việt, được 13 năm.
Đọc kỹ đoạn này ta thấy việc Tần Thủy Hoàng đưa người bị đi đày đến 3 quận trên đất Việt là để “sống cùng với người Việt” bản địa, chứ không phải việc tiến quân đánh chiếm. Việc dời dân đến 3 quận này hoàn toàn khác với việc Đồ Thư dẫn 50 vạn quân đánh phương Nam ở trên.
Sự kiện Đồ Thư dẫn quân Tần đánh qua đất Tây Âu như thế phải là một sự kiện khác, xảy ra trước thời Tần Thủy Hoàng. Thực ra, nó xảy ra dưới thời Tần Chiêu Tương Vương, hay cuối thời Chu Noãn Vương.
Thiên Nam ngữ lục có đoạn thơ kể về chuyện của Lý Ông Trọng vào thời điểm như sau:

Kể từ Hùng tổ trị dân
Lên ngôi sánh với thánh nhân Đào Đường
Tới nay Chu mạt Noãn Vương
Ông cha con cháu giữ giàng trị dân…
Ấm bao nhiêu, rét bấy nhiêu
Vườn Chu ải giậu, Tần trèo đãng hoa.

Chu Noãn Vương bị Tần diệt năm 256 TCN, cũng là lúc có Lý Ông Trọng là người Việt làm quan cho nhà Tần. Như thế Tần chiếm đất Việt đã là từ lúc này, chứ không phải tới mấy chục năm sau khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi.
Sự kiện Tần đánh Việt được huyền sử Việt chép bằng câu chuyện Thục An Dương Vương đánh và nhận ngôi vị của Hùng Vương. Tần lúc này đã chiếm vùng đất Thục, hoặc chính gốc Tần là ở đất Thục nên Thục cũng chính là Tần. Thục tiếng Việt nghĩa là Chín (đồ chín). Còn Tần cũng được đọc là Chin(a) trong tên gọi tiếng Anh cho Trung Quốc ngày nay.
Miền đất Việt đã bị quân Tần do Đồ Thư, Sử Lộc xâm chiếm vào năm 256 TCN. Tới thời Tần Thủy Hoàng, thống nhất các nước chư hầu, cho thiết lập chế độ quận huyện trên toàn quốc thì mới có sự việc di dân đến 3 quận ở phía Đông đất Việt (Dương Việt). Khả năng những người dân được di cư đi từ vùng đất Âu Lạc mà Tần đã chiếm trước đó, sang vùng đất cảu 3 quận bên cạnh.
Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: Năm thứ 34, đem đày những quan coi ngục không thanh liêm đi xây Trường Thành cùng với đất Nam Việt.
Rõ ràng mục đích di dân ở đây là để xây dựng cho nhà Tần, chứ không phải đánh chiếm đất đai của nước khác. Cũng chính trong việc đưa ly dân đi làm xây thành đắp đường này mà đã làm nảy sinh cuộc khởi nghĩa của Triệu Đà như được kể tới trong thần tích về Triệu Vũ Đế ở Chân Định – Kiến Xương:
Năm thứ 44 thời An Dương Vương, kỷ nhà Thục (Tần Thủy Hoàng năm 33) nhà Tần sai Hiệu úy Sử Lộc đem thuyền chở quân sĩ đào ngòi vận chuyển lương thực thâm nhập vùng Lĩnh Nam, chiếm đất Lục Lương đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng Quận, cho Nhâm Hiêu làm Nam Hải úy, Đế [Triệu Đà] làm Long Xuyên lệnh (tức huyện Nam Hải), đem bọn bị biếm trích đến đóng ở Ngũ Lĩnh (năm ấy Đế 31 tuổi).
Triệu Đà là một huyện lệnh nhỏ ở Long Xuyên đã đưa dân phu đi xây dựng ở vùng Ngũ Lĩnh, tức là vùng núi Hoàng Liên Sơn ngày nay. Sau đó Triệu Đà cùng dân phu bỏ trốn, lên núi Vũ Ninh (Châu Sơn) ở Bắc Ninh, để ẩn náu, chống lại nhà Tần.
Hoài Nam tử kể: … Vì vậy người Việt vào rừng rậm sống chung cùng muông thú, không chịu để quân Tần bắt làm tù binh. Họ chọn người tài trí và kiệt tuấn làm tướng, cứ đến đêm tối tấn công quân Tần, đạt được chiến thắng lớn, giết quan úy Đồ Thư, quân Tần chết cả chục vạn. (Tần) Bèn cử người đến đóng giữ.
Người tuấn kiệt được chọn làm thủ lĩnh kháng Tần lúc này chính là Triệu Đà, người mà ngay sau khi Tần Thủy Hoàng mất đã chiếm lại toàn bộ vùng đất phương Nam gồm quận Long Xuyên và 3 quận Tần đã lập ra trên đất Việt là Quế Lâm, Nam Hải và Tượng.
Có một điểm liên quan đến sự kiện di dân dưới thời Tần Thủy Hoàng trên đất Việt là câu cuối trong đoạn trên. Nguyên văn trong Hoài Nam tử là: 乃發適戍以備之 Nãi phát trích thú dĩ bị chi. Tương tự, Tần Thủy Hoàng bản kỷ đoạn này cũng viết: 以適遣戍 Dĩ thích khiển thú. Hiện câu này đang được dịch nghĩa là: đưa những người bị biếm trích đến đóng giữ.
Tuy nhiên chữ dùng ở đây không phải là Trích 謫 (trong “biếm trích”), mà là Thích 適. Chữ Thích 適 này có nghĩa chính là: Con gái xuất giá. Như: “thích nhân” nghĩa là con gái về nhà chồng. Hay nghĩa như trong từ “thân thích”.
Dĩ thích khiển thú do đó có thể hiểu là: dùng người bên nhà rể để đóng giữ.
Thật bất ngờ khi hiểu tư liệu theo nghĩa dịch này lại trùng khớp với sự tích Lý Ông Trọng ở Việt Nam. Lý Thân được Tần Thủy Hoàng gả con gái là Bạch Tĩnh Cung công chúa cho. Sau đó Lý Thân được cử đi trấn thủ người Hồ ở đất Lâm Thao. Lâm Thao có thể tương đương nghĩa với Lâm Ấp hay Lĩnh Nam. Trị sở của khu vực mà Lý Ông Trọng trấn thủ là tại vùng đất Bắc Việt ngày nay.

IMG_3663
Nghi môn trong đền Cổ Loa.

Khi đã xác định Thục chính là Tần thì suy ra thành Cổ Loa của Thục An Dương Vương là trị sở được nhà Tần xác lập trên vùng đất Việt. Người cầm đầu khu vực phương Nam lúc đó là Lý Thân, con rể của Tần Thủy Hoàng. Hiện trong đền Cổ Loa vẫn còn tượng và tục thờ Lý Ông Trọng, xác chứng thêm cho nhận định này.
Câu đối ở đình Chèm, là đền thờ Lý Ông Trọng còn nói tới liên quan giữa Lý Ông Trọng và nhà Tần sau khi thống nhất lục quốc:
六合銷兵想見雄威驚絶域
千秋遺廟疑然正氣障狂瀾
Lục hợp tiêu binh, tưởng kiến hùng uy kinh tuyệt vực
Thiên thu di miếu, nghi nhiên chính khí chướng cuồng lan.
Dịch:
Sáu nước tan binh, oai hùng nhớ thấy khiếp biên cõi
Nghìn thu để miếu, chính khí như còn chặn sóng hung.

Nguồn gốc biểu tượng Lưỡng long chầu Thái cực

Có một hình tượng được sử dụng rất rộng rãi trong các công trình kiến trúc cổ đó là hình Lưỡng long chầu nhật/nguyệt. Hình tượng này có thể gặp ở khắp nơi, từ trên nóc mái kiến trúc, tại chính điện những nơi thờ cúng, trên cửa võng, hương án,… Một hình tượng phổ biến như vậy chắc chắn phải có nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa.

IMG_1509Lưỡng long chầu Thái cực trong kiến trúc hiện đại.

Trong bài trước đã xác định, hình cầu bốc lửa ở giữa mà đôi rồng chầu vào là Thái cực đồ, bao gồm 4 yếu tố trong Tứ tượng là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Hình tượng này còn có tên khác là Nhật nguyệt tinh thần, là 4 vì tinh tú biểu tượng cho Tứ tượng trong Thái cực đồ. Vậy thời xưa, Thái cực đồ được thể hiện như thế nào?

NNTTNhật nguyệt tinh thần trên Thái cực đồ.

Triết gia đời Tống Chu Đôn Di (1017-1073) viết “Thái Cực Đồ thuyết”: “Vô cực” là chưa thành “thái cực”. “Thái cực” hoạt động tạo ra dương, khi chuyển động đến giới hạn, nó trở nên tĩnh. Trong tĩnh, nó tạo ra âm, tới cực đại, nó lại hoạt động. Động và tĩnh chuyển hóa, cái này là nền của cái kia. Khi âm và dương đã phân hóa, hai trạng thái xuất hiện. Sự chuyển hóa và kết hợp của âm và dương tạo ra kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Với ngũ hành, các thời kỳ biến đổi của khí được sắp xếp hài hòa, qua đó bốn mùa được tiếp diễn. Ngũ hành đơn giản là âm và dương, âm và dương chẳng qua chính là thái cực, thái cực có nền tảng từ vô cực. Do vậy, trong quá trình tạo ra ngũ hành, mỗi hành đều chứa đựng bản chất riêng của nó.
Chu Đôn Di cung cấp đồ hình Thái cực lúc đó ở dạng các vòng tròng đen trắng xen lẫn nhau. Có thể thấy, trong Thái cực gắn liền với Ngũ hành. Cách thể hiện Thái cực đồ này cũng có gặp ở Việt Nam, trên một số viên gạch dùng để trang trí chùa thời Trần .

thai-cuc.png
Thái cực đồ của Chu Đôn Di

Trong thời kì nhà Minh (1368-1644) bắt đầu xuất hiện các đồ hình vòng xoáy thể hiện Thái cực rồi trở thành hình Thái cực hiện đại như ngày nay.
Vậy trước thời Tống liệu đã có Thái cực đồ chưa và Thái cực đồ lúc trước được thể hiện như thế nào?
Thái cực đồ của các thời kỳ trước nữa có thể tìm thấy thông qua hình ảnh của 2 con rồng chầu đồ hình ở giữa. Một đồ hình tròn, với 1 chấm nổi ở giữa và 4 chấm chìm xung quanh, được 2 con rồng chầu vào, là hình khắc trên đá mộ thời Bắc Ngụy (thế kỷ V).

Song LongLưỡng long chầu thời Bắc Ngụy.

Hình tròn ở giữa 2 con rồng chầu tương ứng với vị trí của Thái cực đồ , do đó có thể nhận định đây là một dạng thể hiện Thái cực đồ với các chấm tròn là biểu tượng của Ngũ hành như trong liên hệ của Chu Đôn Di ở trên.
Như đã từng biết, các hình tượng trong “Long sinh cửu tử”, những đứa con của Rồng từ Bị hí, Trào phong, Si vẫn, … đều có nguồn gốc từ các trang trí trên đồ đồng thời Thương Chu. Những hình tượng này được sử dụng rộng rãi trong kiến trúc truyền thống của đình đền miếu, cung điện… So sánh một cách hợp lý thì rõ ràng hình tượng Lưỡng long chầu Thái cực cũng sẽ thấy trên đồ đồng thời Thương Chu.

Ngu hanh do.jpgHoa văn Quỳ chầu trên đồ đồng thời Chu.

Hoa văn trên đồ đồng thời Chu có hình 2 con Quỳ (rồng 1 chân) đang hướng vào một vòng tròn với một chấm tròn ở giữa và 5 vòng xoáy xung quanh. Đồ hình này khá phổ biến trên đồ đồng thời Chu, ví dụ như trên một chiếc Vu thời Thương hiện lưu ở Bảo tàng cố cung Đài Loan.

Dai Loan.jpgHình tròn có 5 vòng xoáy trên một chiếc Vu đồng thời Thương.

Với vị trí ở giữa có rồng chầu như vậy, rõ ràng đây chính là biểu tượng của Thái cực đồ với Ngũ hành bên trong (Ngũ hành đồ?).
Hình tượng 2 con Quỳ chầu hình tròn được dùng để trang trí khắp trên một chiếc bình đồng khác của thời Chu. Điểm khác là trong hình tròn này chỉ có 4 vòng xoáy. Có thể nhận định tương đương với đồ hình Tứ tượng, như trong hình khắc đá thời Bắc Ngụy.

IMG_2033.JPGBình đồng có hình 2 con Quỳ long chầu Thái cực đồ.

Như vậy, hình tượng Lưỡng long chầu Nhật nguyệt có nguồn gốc từ thời Thương Chu, ban đầu là các hình tượng trên đồ đồng dùng cúng tế của thời kỳ này. Hình tượng Thái cực đồ ban đầu này có dạng là hình tròn, có 1 chấm ở tâm với 4 hoặc 5 vòng xoáy nhỏ xung quanh. Đây là dạng sơ khai nhất của Thái cực đồ còn được nhận ra.