Hindu giáo trong văn hóa Việt cổ

Ảnh hưởng của Ấn Độ đến văn hóa Việt tưởng chừng bắt đầu sớm nhất là Phật giáo. Chứng tích thường được dẫn một cách “chắc chắn” là chuyện Man Nương và Phật Tứ Pháp dưới thời Sỹ Nhiếp. Tuy nhiên, thực tế Phật giáo không phải là tín ngưỡng sớm nhất đến nước ta từ Ấn Độ.

duong long
Tháp Dương Long ở Tây Sơn, Bình Định, gồm 3 tháp thờ bộ ba vị thần Hindu giáo là Brahma, Visnu và Shiva.

Truyện Dạ Xoa Vương trong Lĩnh Nam chích quái:
Xưa về thời thượng cổ, ngoài nước Âu Lạc của nước Nam Việt có nước Diệu Nghiêm, hiệu là Dạ Xoa Vương, có người gọi là Trường Minh Vương, có người gọi là Thập Đầu Vương. Nước ấy phía Bắc giáp nước Hồ Tôn Tinh. Nước Hồ Tôn Tinh gọi là Thập Xoa Vương, Thái tử gọi là Vy Tư.
Vợ Vy Tư gọi là Bạch Tinh Hậu Nương, dung mạo mỹ lệ, đời ít ai có; Dạ Xoa Vương nghe tiếng mà thích bèn đem dân chúng vây đánh nước Hồ Tôn Tinh, bắt được nàng Bạch Tinh Hậu Nương.
Vy Tư giận mới thắng lĩnh bọn di hậu dẹp núi lấp biển hết thảy hóa ra đất bằng, phá nước Diệu Nghiêm, giết Dạ Xoa Vương, lại đem nàng Tinh Hậu trở về.
Nước Hồ Tôn Tinh là tinh của loài khỉ bây giờ là nước Chiêm Thành vậy.
Truyện này chép rằng nước Nam Việt – Âu Lạc là một nước, song song cùng thời với nước Văn Lang (mà biên giới phía Nam giáp Hồ Tôn). Điều này chứng tỏ Văn Lang và Âu Lạc là tên của cùng một quốc gia thời Hùng Vương mà thôi. An Dương Vương lập nước Âu Lạc cũng là Hùng Vương dựng nước Văn Lang.

da xoa duong long
Hình chạm đá các Dạ Xoa trên tháp Dương Long ở Tây Sơn, Bình Định.

Phía Nam của nước Văn Lang – Âu Lạc có nước Hồ Tôn. Câu chuyện thái tử Vy Tư nhờ khỉ tinh cứu vợ Bạch Tinh Nương dễ thấy là mang bóng dáng của sử thi Ramayana, kể về chuyện giữa chàng Rama và nàng Sita.
Vợ Rama, nàng Sita, tình nguyện theo Rama vào rừng sống ẩn, luyện tập võ nghệ. Quỷ vương Ravana ở đảo Lanka lập mưu cướp nàng Sita đem về làm vợ. Hắn dụ dỗ và ép buộc nàng nhưng nàng đã kịch liệt chống cự. Mất Sita, Rama đau buồn khôn xiết. Chàng quyết tâm cứu bằng được vợ trở về. Trên đường đi, Rama gặp và giúp đỡ vua khỉ Xugriva, sau đó chàng được tướng khỉ Hanuman cùng đoàn quân khỉ giúp. Cuối cùng Rama cũng c­ứu được Sita.
Rama là một hóa thân của thần bảo tồn Visnu, một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo. Có thể tên gọi Trường Minh Vương cùng nghĩa với thần bảo tồn – Visnu.

khuong my
Hình khỉ trên tháp Khương Mỹ (Quảng Nam).

Hình tượng khỉ gặp trên trang trí các tháp Chăm cổ ở Quảng Nam như ở Trà Kiệu hay Khương Mỹ.
Phía Nam của nước Hồ Tôn là nước Dạ Xoa của Thập Đầu Vương. Dạ Xoa là bộ chúng của thần quỷ Kubera. Cũng có chỗ Dạ Xoa đồng nghĩa với quỷ La Sát (Rakshasa). Thủ lĩnh của quỷ La Sát là Ravana có 10 đầu, là kẻ thù của Rama đã bắt cóc nàng Sita trong sử thi Ramayana. Như thế Thập Đầu Vương là hình tượng của chúa quỷ La Sát Ravana. Và Truyện Dạ Xoa Vương hoàn toàn khớp với sử thi Ramayana.

300px-ravanaChúa quỷ La Sát Ravana (ảnh internet).

Truyện Dạ Xoa Vương cho biết Hindu giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc đến vùng Trung Bộ và Nam Trung Bộ Việt từ thời Hùng Vương. Còn ở miền Bắc Việt liệu có ảnh hưởng của tôn giáo này không?
Dấu chứng rõ ràng của đạo Hindu – Bà La Môn ở Bắc Việt là Truyện Man Nương. Dưới thời Sỹ Nhiếp, vị đạo sĩ Bà La Môn đến từ Ấn Độ tên là Khâu Đà La đã có quan hệ với một người con gái địa phương là Man Nương, từ đó sinh ra 4 vị thần Tứ Pháp là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Tứ pháp được thờ và cầu mưa trong tín ngưỡng dân gian ở miền Bắc Việt.
Vị thần mưa trong Hindu giáo là thần Indra. Còn gọi là thần Đế Thích. Vị này có màu sắc chủ đạo là màu nâu đỏ, nay còn thấy trong việc thể hiện của tục thờ Tứ pháp dùng màu mận chín cho các tượng thờ.
Thần Indra còn có các tên Hán là Kiều Thi Ca (Kaucika) và Nhân Đà La. Có thể thấy những cái tên này rất gần với tên Khâu Đà La trong Truyện Man Nương.
Một trong những tính chất của thần Indra là tính thác loạn. Tính chất này cũng thể hiện trong quan hệ với Man Nương, sinh ra đứa bé gái. Hoặc truyền thuyết dân gian vùng Thuận Thành kể về thần Thạch Quang ban đêm thường xuyên hiện hình cưỡng hiếp phụ nữ ở trong làng. Hình của Thạch Quang Phật ở chùa Dâu được nhiều người nhận xét rằng đó là một dạng Linga. Mà Linga là biểu tượng của thần Shiva trong Hindu giáo. Đây là bằng chứng rất rõ ràng rằng tục thờ Tứ Pháp ở Bắc Việt chính là đạo Hindu.

p1150359
Tượng Thiên Vương trong tháp Hòa Phong của chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Đặc biệt là hình ảnh Tứ pháp cầu mưa tương ứng với hình tượng hộ pháp Tứ đại Thiên Vương của Hindu giáo.  Trong truyện Phong thần diễn nghĩa, Tứ đại thiên vương được coi là bốn vị thần cai quản mưa thuận gió hóa – “Phong Điều Vũ Thuận” gồm Nam phương Tăng Trưởng Thiên Vương, Đông phương Trì Quốc Thiên Vương, Bắc phương Đa Văn Thiên Vương và Tây phương Quảng Mục Thiên Vương. Như vậy chức năng làm mưa làm gió của các vị thiên vương này đã chuyển vào văn hóa Việt dưới dạng thần Tứ pháp.
Ở chùa Dâu, tượng Tứ đại thiên vương được đặt bên trong tháp Hòa Phong. Tên tháp Hòa Phong cùng một nghĩa với cầu mưa thuận gió hòa.

cuu chua dau
Con “cừu” ở chùa Dâu.

Trước tháp Hòa Phong ở chùa Dâu và lăng Sỹ Nhiếp tại Thuận Thành, Bắc Ninh có tượng con cừu đá. Con cừu đá này tương truyền là của Khâu Đà La.

bo nandi
Bò Nandi trước đền Preah Ko ở Strung Treng (Cambodia).

Thực ra đây là hình ảnh bò thần Nandi, vật cưỡi của thần Shiva trong Hindu giáo. Hình ảnh con vật nằm phục 4 chân là đặc trưng của bò thần Nandi. Ở Ấn Độ có loại bò sừng cong vặn xuống tương tự như tượng ở chùa Dâu. Bản thân thần Indra cũng có hóa thân là con bò đực.

shiva chua dauTượng sáu tay ở chùa Đậu.

Thêm một liên hệ nữa là ở chùa Đậu (Thường Tín) người dân đã tìm thấy một bức tượng lạ, hình dáng như một đạo sĩ đang ngồi thiền, nhưng lại có 6 cánh tay. Đây không phải là một vị bồ tát hay Quan Âm vì vị này đội mũ như đạo sĩ và không ngồi trên tòa sen. Nhiều khả năng bức tượng này thể hiện một vị thần của Hindu giáo, có thể là thần Shiva.

shiva chien dan
Tượng thần Shiva cưỡi trên con bò thần ở tháp Chiên Đàn (Quảng Nam).

Như vậy, Truyện Man Nương dưới thời Sỹ Nhiếp là dấu ấn sâu sắc của Hindu giáo chứ không phải đạo Phật. Rất nhiều hình tượng của Hindu giáo sau này được thấy trong điêu khắc thời Lý Trần như hình chim thần Garuda (Kim Sỉ Điểu), người chim Kinara (Khẩn Na La), nhạc công thiên thần Ganharva (Cát Thàn Bà) hay vũ nữ Apsara chưa chắc đã là ảnh hưởng của văn hóa Chăm, mà có thể chúng đã sớm xuất hiện trong văn hóa Việt từ những năm đầu Công nguyên.

 

 

 

 

Muốn lên Côn Lôn tìm Huyền Phố

Bài thơ Tuần thị châu Chân Đăng của Phạm Sư Mạnh ở thế kỷ 14:
Thiên khai địa tịch Tam Giang lộ
Kỳ tuyệt tư du ngã vị tằng
Kiểu ngoại Bách Man hoàn Cổ Lũy
Quốc Tây cự trấn tráng Chân Đăng
Giang vi trì tiệm thạch thành bích
Ốc tự tăng sào tháp đậu đăng
Dục thướng Côn Lôn phỏng Huyền Phố
Đoàn phong vạn lý khoái phi bằng.
Bài thơ rất hào hùng kể về những sự tích xung quanh vùng châu Chân Đăng, thời Lý Trần là khu vực Phú Thọ. Bài thơ đặc biệt ở chỗ dùng rất nhiều những địa danh của cổ sử nên nó như một bức thông điệp ẩn của quá khứ Việt.
Bốn câu đầu của bài thơ đã từng được lý giải bởi tác giả Nguyễn Quang Nhật, nói về những sự kiện của nhà Chu từ việc lập quốc trên vùng đất Phong Châu – Tam Xuyên, rồi dời đô từ Kiểu kinh của Tây Chu về thành Cổ Loa bắt đầu thời Đông Chu cho tới thất bại của Quốc Tây – nước Chu trước cường Tần – Chân Đăng.
Bốn câu thơ tiếp theo xem qua tưởng chỉ là tán tụng, nhà cao sông sâu, nhưng đặc biệt câu thơ thứ bảy: Dục thướng Côn Lôn phỏng Huyền Phố, Muốn lên núi Côn Lôn tìm hỏi Huyền Phố, lại tiếp tục chứa đựng những ẩn ngữ của quá khứ cần được xem xét.
Núi Côn Lôn, ngọn núi huyền thoại nơi thần tiên Trung Hoa ngự trị ở đâu mà Phạm Sư Mạnh đang ở châu Chân Đăng (Phú Thọ) lại nổi hứng muốn lên tận đó để tìm hỏi phố tiên (Huyền Phố)?

Tay Thien.jpgTây Thiên Tam Đảo.

Ngọc phả Hùng Vương khi chép về Kinh Dương Vương mở nước có đoạn:
Vua lại đi tuần thú, trải khắp núi sông, xa giá đến xứ Sơn Tây, thấy địa hình trùng điệp, núi đẹp sông hay. Vua bèn tìm địa mạch, nhận thấy từ núi Côn Lôn giáng xuống qua cửa ải, tựa như cầu vồng thoát mạch, rồng vút đi xa…
Như vậy núi Côn Lôn ở gần Phú Thọ – Phong Châu phải là ngọn núi Tam Đảo cao ngút. Đây cũng là nơi ngự trị của Tây Thiên Quốc Mẫu mà truyền thuyết Trung Hoa gọi là Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu còn có tên là Dao Trì Kim Mẫu, thực ra chính xác phải là Giao Chỉ Kim Mẫu, tức là vị Quốc Mẫu ở vùng Giao Chỉ. Vườn đào tiên của Tây Vương Mẫu không đâu xa mà là trên núi Tam Đảo.
Ở Tam Đảo còn lưu dấu vết sự tích về Tây Vương Mẫu và núi Côn Lôn. 3 hòn đảo trong biển mây phủ của Tam Đảo theo địa chí cổ đó là Phù Nghì cao 1.250m; Thiên Thị (Kim Thiên) cao 1.585m; Thạch Bàn cao 1.585m.
Trong câu thơ của Phạm Sư Mạnh có nói trên núi Côn Lôn có khu Huyền Phố, nơi thần tiên tụ hội. Còn trên núi Tam Đảo có đỉnh Thiên Thị, nghĩa là Chợ Trời vì nơi đây đỉnh núi bằng phẳng với nhiều viên đá lô nhô như những vị tiên đang đi hội chợ. Đỉnh này cũng gọi là Kim Thiên, tức là “giữa trời”, chính nơi Thiên phủ vì Kim là màu của trung tâm trong Ngũ hành. Sự trùng khớp về địa danh Huyền Phố và Thiên Thị thêm một lần nữa khẳng định núi Tam Đảo chính là núi Côn Lôn trong truyền thuyết thần tiên Trung Hoa.

Thach Ban.jpgThạch Bàn trên đỉnh Tây Thiên (Ảnh: Nguyễn Huân).

Đỉnh Thạch Bàn có tên gọi là do trên đỉnh có một tảng đá lớn, rộng bằng phẳng, được gọi là bàn cờ tiên. Tuy nhiên thực chất tảng đá này là một di tích cự thạch (dolmen) của thời kỳ tiền sử. Những cự thạch có hình dạng tương tự, là những phiến đá phẳng, hình nhọn đầu, được xếp trên những chân trụ đá (thường là 3 chân) cũng gặp ở khu vực quanh núi Tam Đảo như ở Đại Đình (Tam Đảo, Vĩnh Phú).
Cự thạch được cho là nơi người xưa dùng để cúng tế, hay nói cách khác đó là những đàn tế cổ.

Cu thach Dai Dinh.jpgCự thạch ở Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phú (Ảnh: Nguyễn Huân).

Đỉnh Thạch Bàn cũng là nơi từng có ngôi chùa mang tên Đồng Cổ. Trong Kiến văn tiểu lục Lê Quý Đôn đã cho biết: “Sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi. Trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày“.
Đồng Cổ là trống đồng. Ý nghĩa của việc dùng trống đồng đã từng được khám phá qua quẻ Dự trong Kinh Dịch. Quẻ Dự có lời tượng là: Lôi xuất địa phấn Dự, tiên vương dĩ tác nhạc sùng đức, ân tiến chi thượng đế, dĩ phối tổ khảo.
Dịch giải: Sấm vang trên mặt đất là tượng quẻ Dự, các bậc tiên vương làm ra nhạc đề cao đao đức, long trọng dân lên thượng đế cùng với anh linh tiên tổ.
Sấm nổ trên mặt đất là chỉ cách đánh trống đồng. Lời tượng này cho biết trống đồng được dùng làm nhạc khí khi tiến hành tế lễ thượng đế và tổ tiên.
Phối hợp các thông tin đàn tế cự thạch và đền Đồng Cổ trên đỉnh Thạch Bàn ta chợt nhận ra đây chính là đàn tế trời của thời Hùng Vương. Trên đỉnh núi cao, nơi xuất xứ của bà mẹ trời Tây Thiên Quốc Mẫu mà đặt đàn tế bằng đá và dùng trống đồng để tế thì chỉ có thể là tế trời, xưa gọi là tế Giao.
Đàn tế của thời kỳ này có thể liên quan đến sự tích của Hùng Chiêu Vương Lang Liêu. Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh vương triều Hùng chép như sau:
… Vua bèn khởi hành xa giá đi xem phong cảnh. Xe loan tới nơi, vua thấy núi non như gấm vóc, lâu đài thiên tầm trùng điệp, khe biếc ngòi xanh, sóng nước nhè nhẹ nối nhau, cảnh trí phong quang, có hoa ngào ngạt, đầu núi lô nhô, có bạch long giáng khí, xưa lập chùa gọi là Tây Thiên.
Vua cho dựng đàn, rồi chỉnh biện lễ chay, sau quần thần dâng lễ đứng chầu. Vua làm lễ bái yết, mở trường công đức ở chùa, sớm đảo tối cầu, qua bảy ngày bảy đêm, nam nữ bốn phương tập hợp cùng vui vẻ đến đây chiêm ngưỡng, chim trong rừng nghe đến kinh, cá dưới nước đến nghe giảng kệ.
Công đức viên thành. Vua ngự trên suối Thạch Bàn để xem cảnh tiên, bỗng thấy điện vũ huy hoàng, khói mây óng ánh, mây rồng bốn phía tựa như lâu đài Tây Trúc mênh mang, một bầu sơn thủy, bèn mật khấn với trời, sai bách quan văn võ đứng chầu trang nghiêm. Vua yết lễ, khấn rằng:
– Xin trời giáng thần tiên để được gặp gỡ, thực vui sướng ba đời!…
Như vậy có thể thấy rõ đỉnh Thạch Bàn là đàn tế trời đất và cầu tiên dưới thời Hùng Chiêu Vương – Lang Liêu. Truyền thuyết Trung Hoa chép sự kiện này trong chuyện Chu Mục Vương cưỡi cỗ xe bát mã lên núi Côn Lôn gặp Tây Vương Mẫu. Chiêu cũng là Chu. Hùng Chiêu Vương chỉ một vị vua nhà Chu.
Thạch Bàn như vậy là một đàn tế trời cầu tiên của nhà Chu nước Văn Lang. Còn Tam Đảo là ngọn Côn Lôn nơi thần tiên Thiên phủ ngự trị.

Hoa Lư – Đại La và thời kỳ Đinh – Lê – Lý

Thời kỳ lập quốc Đại Việt của nước ta là một thời kỳ rất khó giải về lịch sử do các sự kiện, nhân vật, thể chế chính trị đan xen lẫn nhau, rối như tơ vò, gỡ được ra sự thực thật là thiên nan vạn nan. Bài viết sau trên cơ sở những gì mới biết của Sử thuyết Hùng Việt đề xuất thêm một số ý, hy vọng có thể tìm được đầu mối sợi tơ vò của thời kỳ “mở đầu độc lập” này.
Năm Đường Hàm Thông thứ 7 Cao Biền được giữ chức An Nam đô hộ, kinh lược chiêu thảo sứ dẫn 5.000 quân đổ bộ vào bờ biển Nam Định (nay là Thái Bình) bắt đầu cuộc thảo phạt quân Nam Chiếu. Khi hay tin Cao Biền chiếm được thành Tống Bình, Đường Ý Tông đổi An Nam đô hộ phủ thành Tĩnh Hải quân, bổ nhiệm Cao Biền là Tiết độ sứ. Cao Biền cho xây thành chu vi 3000 bộ, hơn 40 vạn gian phòng ốc…
Người đặt gạch xây thành Đại La chính là Cao Vương Biền. Cũng là Cao Vương đã cho xây dựng các tòa thành Hoa Lư ở Ninh Bình và thành An Tôn ở Thanh Hóa bằng loại gạch Giang Tây quân, làm trị sở phòng thủ chống lại quân Nam Chiếu. Sau hơn 600 năm trị sở của Giao Châu đóng ở Luy Lâu, nay đã chuyển về Đại La. Và cũng từ đây, những vấn đề khúc mắc của sử Đại Việt cũng bắt đầu.

img_0446
Gạch Giang Tây quân ở Thăng Long.

Năm 907 nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu Lương lên thay, phong cho Lưu Ẩn làm Nam Bình Vương, kiêm chức Tiết độ sứ Quảng Châu và Tĩnh Hải. Tức là Lưu Ẩn đã làm chủ đất Tĩnh Hải, hay vùng Bắc Việt và Tây Quảng Tây. Người vào Long Thành Đại La lúc này chính là Lưu Ẩn, mà sử Việt gọi là Khúc Hạo. Tuy nhiên, phải đến mùa thu năm 917, Lưu Nham, em của Lưu Ẩn, tức hoàng đế vị ở Phiêng Ngung, đặt quốc hiệu là “Đại Việt”, đại xá, cải nguyên Càn Hanh thì vùng đất Bắc Việt mới trở thành một quốc gia độc lập. Di vật của thời kỳ này là những viên gạch mang dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” được tìm thấy cả ở Hoàng thành Thăng Long, Hoa Lư và An Tôn (thành nhà Hồ).
Hoàng đế Lưu Nham (sau đổi là Lưu Cung, Lưu Nghiễm) đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Đông). Như vậy ai là người cai quản vùng đất phía Tây – Tỉnh Hải lúc này? Sử sách cho biết đó là vị “kiêu tướng” Lý Khắc Chính, người đã đánh dẹp Khúc Thừa Mỹ ở Tĩnh Hải. Thực ra Lý Khắc Chính không thu phục Khúc Thừa Mỹ mà là đánh đuổi quân Nam Chiếu ra khỏi Bắc Việt và đóng trị sở ở thành Đại La của Cao Vương trước đây.
Tuy nhiên, sử sách lại chép rất lẫn lộn về thời điểm này. Đại Việt sử ký toàn thư kể: “Vua Hán sai kiêu tướng là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh Giao Châu, bắt được Tiết độ sứ là [Khúc] Thừa Mỹ đem về, [Khắc Chính] lấy bộ tướng của mình là Lý Tiến thay thế”. Trên đất Giao Châu như thế đồng thời có 2 tướng của nhà Nam Hán (Đại Việt – Đại Hưng) là Lý Khắc Chính và Lý Tiến cai quản. Phải hiểu về việc này như thế nào?
Dưới ánh sáng của Sử thuyết Hùng Việt thì đất Giao Châu – Tĩnh Hải lúc này được gọi là vùng đất Đinh Bộ, tức là vùng đất phía Tây. Bằng chứng xác thực là những viên gạch Giang Tây quân từ thời Cao Vương Biền và đồng tiền Đại Hưng bình bảo với chữ Đinh ở mặt sau. Lý Khắc Chính và Lý Tiến như vậy đều là các vị mang chữ Đinh.
Phép phiên thiết Hán Nôm cho ta liên hệ đầy đủ:

  • Lý Chính thiết Lĩnh, hay Đinh Bộ Lĩnh.
  • Lý Tiến thiết Liễn, hay Đinh Liễn.

Vì 2 vị đồng thời cai quản khu vực này nên khả năng cao nhất là Lý Khắc Chính đóng ở thành Đại La còn Lý Tiến đóng ở Hoa Lư. Mục đích của việc đóng ở Hoa Lư là để trấn giữ quân Nam Chiếu, ở vùng Tây Bắc và Bắc Trung Bộ Việt. Lý Khắc Chính có thể là con rể của Lưu Cung, mà truyền thuyết gọi là sứ quân Trần Lãm ở vùng ven biển Đông.
Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái chép:
Tới thời Ngũ đại, Thạch Kính Đường sai Tư mã là Lý Tiến đem 30 vạn quân đánh vào Đồ Sơn, quân Nam Chiếu bèn rút về biên giới Ai Lao.
Lý Tiến là quan Tư mã của nước Đại Việt – Đại Hưng chứ không phải của Thạch Kính Đường nhà Hậu Tấn.
An Nam chí lược cho biết, vua nhà Tống sai sứ sang phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ quận vương và phong cho Nam Việt vương Đinh Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ. Vậy là cùng một lúc ở Giao Châu – Tĩnh Hải có 2 vị thủ lĩnh. Một là Đinh Bộ Lĩnh – Lý Khắc Chính trị sở ở Đại La. Hai là Đinh Liễn – Lý Tiến trị sở ở Hoa Lư.
Đây là suy luận mang tính chất then chốt để giải thích sự rối rắm của lịch sử thời kỳ này. Lý Khắc Chính còn được gọi là Lý Thái Tổ, người quê ở Cổ Pháp – Bắc Ninh. Còn Lý Tiến mới là vị vua Đinh của vùng đất Hoa Lư, người ở Gia Viễn, Ninh Bình. Lớp gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên tìm thấy ở cả Hoa Lư và Thăng Long xác nhận khả năng cả 2 khu vực này đều là trị sở thời Đại Việt (của họ Lưu ở Phiên Ngung).

dai viet quoc
Mảnh gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên ở Hoa Lư.

Một điểm khác về thời kỳ này là sự tích về Thái sư Lưu Cơ, vị khai quốc công thần của nhà Đinh, đã chủ trì ở thành Thăng Long mãi tới khi nhà Lý dời đô về. Lưu Cơ là Phó vương của Đinh Bộ Lĩnh, nhưng không đóng ở Hoa Lư mà lại ở thành Đại La. Điều này cho thấy Lưu Cơ là công thần của Lý Khắc Chính, đã cai quản Long Thành sau khi Đinh Bộ Lĩnh – Lý Khắc Chính qua đời, và ông không liên quan gì đến cuộc đổi ngôi giữa Lý Tiến và Lê Hoàn. Lưu Cơ có thể liên quan đến triều đại của Lưu Cung – Lưu Ẩn ở Quảng Đông.
Sau khi triều đình nước Đại Hưng ở Phiên Ngung bị nhà Tống thôn tính, trên vùng đất Tĩnh Hải lúc này chỉ còn lại Tiết độ sứ Lý Tiến – Đinh Liễn, trị sở ở Hoa Lư. Đinh Bộ Lĩnh – Lý Khắc Chính có lẽ đã mất trước đó. Lý Tiến là vị vua Đinh đã đánh dẹp các “sứ quân”, làm chủ đất Tĩnh Hải thời kỳ này. “Sứ quân” ở giai đoạn này thực ra là quân Nam Chiếu, chủ yếu là từ vùng Thanh Nghệ quẩy rối nên Lý Tiến phải trấn giữ tại Hoa Lư.
Sự kiện tiếp theo là việc thay ngôi của Lê Hoàn, với sự giúp đỡ của thái hậu Dương Vân Nga. Hoặc là việc Lý Tiến bị Dương Đình Nghệ từ đất Ái Châu tiến lên đánh dẹp. Lê Đại Hành cũng từ Ái Châu, là vị thủ lĩnh của Tĩnh Hải quân tiếp theo đóng trị sở ở Hoa Lư.
Rất có thể Lê Hoàn cũng mang họ Lý, vì Tống sử cho biết họ Lý thời kỳ này “ẩn họ Lê”. Lê Hoàn có thể là anh em họ với Lý Tiến. Điều này giải thích tại sao Lê Hoàn có thể tiếp ngôi của anh họ và lấy chị dâu là thái hậu Dương Vân Nga. Trong quan niệm xưa, anh mất thì em có quyền lấy chị dâu và thay anh đảm nhận ngôi vị. Cũng vì thế mà Lê Hoàn còn có tên là Lý Đại Hành, tức Lý Thái Tông, vị vua thứ hai của triều Lý.
Tới thời Lý Thánh Tông, vị vua thứ 3 của nhà Lý, đã tiếp ngôi của nhà Lê. Lý Thánh Tông xét thấy thực lực trong nước đã đủ mạnh nên công khai ra mặt đối lập với nhà Tống, tự mình xưng đế, lập quốc gia riêng, lấy lại tên Đại Việt của Lưu Cung thời trước. Đồng thời ông cũng cho dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long mà bằng chứng xác nhận là lớp gạch “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” được thấy ở Thăng Long (không có ở Hoa Lư) thời kỳ này.

img_5609 (3)
Gạch Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo.

Với giả thuyết trên, ta cũng giải quyết được khúc mắc về ghi chép Lý Thái Tổ là người định đô ở Thăng Long vì Lý Thái Tổ – Lý Khắc Chính đúng là ở Đại La – Thăng Long. Ông có xây thành, nhưng bằng loại gạch Đại Việt quốc, vì lúc đó vùng Tĩnh Hải đang là một phần của nước Đại Việt đô đóng ở Phiên Ngung. Thăng Long thực sự được tiếp tục xây dựng sau đó là dưới thời vị vua thứ ba của nhà Lý – Lý Thánh Tông.
Trên đất Tĩnh Hải từ khi Cao Vương Biền lập quyền tiết độ đã xảy ra hàng loạt biến cố trong một thời gian ngắn đầy loạn lạc. Lúc này có 2 nhánh họ Lý, một nhánh gốc Cổ Pháp Bắc Ninh, một nhánh ở động Hoa Lư. Hai nhánh họ Lý chủ quản ở 2 khu vực Đại La và Hoa Lư làm chủ Đinh Bộ – Tĩnh Hải quân nên cùng gọi là triều Đinh. Họ Lý “ẩn họ Lê” thay thế quyền cai quản ở Hoa Lư bởi Lê Đại Hành rồi tới Lý Thánh Tông dời đô về Thăng Long, bắt đầu thời kỳ hoàn toàn độc lập với quốc danh Đại Việt, truyền mãi ngàn năm sau.

Núi Nhồi xứ Thanh và Mạnh Hoạch

Núi Nhồi, ngọn núi đá nổi tiếng ở thành phố Thanh Hóa có tên chữ là An Hoạch. An Hoạch liệu có phải là nơi đánh dấu chiến công thu phục Mạnh Hoạch không?

img_2443
Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi An Hoạch.

Mạnh Hoạch thực ra là Mường Hoàng, chỉ thủ lĩnh người Thái Mường ở phía Tây và Bắc Trung Bộ nước ta. Vì thế trong lịch sử không phải chỉ có 1 vị Mạnh Hoạch. Xét ở khu vực núi Nhồi và Thanh Hóa có thể có khả năng liên quan tới 3 vị thủ lĩnh xứ Mường Mạnh Hoạch sau:
1. Mạnh Hoạch đầu tiên là thời Tam Quốc, do Gia Cát Khổng Minh thu phục. Dấu vết ở khu vực núi Nhồi là chùa Hinh Sơn nơi có tạc tượng Lưu Bị, Quan Công và Khổng Minh vào vách đá để thờ cúng.

quan cong
Tượng Quan Công khắc trên vách đá ở chùa Hinh Sơn (ảnh internet).

Nên biết là Mạnh Hoạch vào thời này là thủ lĩnh khu vực Tây Bắc Việt và Bắc Trung Bộ mà Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái chép là nước Nam Triệu, chiếm cứ một dải từ Thần Phù đến Hoành Sơn:
Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau trở về Thần Phù, Hoành Sơn, là những xứ vắng vẻ không người. Khi bộ hạ đông đúc họ bèn đóng tàu thuyền thỉnh thoảng ra bể đột nhập vào nội địa cướp người ven bể, giết các quan lệnh của nhà Hán. Dân đều sợ phục, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai là Nam Chiếu”.
2. Mạnh Hoạch khác là ở thời Đường, tức nước Nam Chiếu. Người đánh dẹp Nam Chiếu ở Thanh Hóa chính là Cao Vương Biền, di tích thờ còn lại là đền Cao Sơn trên núi An Hoạch.

img_2354
Đền Cao Sơn ở chân núi Nhồi.

Thủ lĩnh người Thái Mường dưới thời Đường là họ Phùng từ Phùng Hưng. Bản thân tên Bố Cái cũng là từ chỉ thủ lĩnh của người Thái Mường, nên Bố Cái có nghĩa tương đương với Mạnh Hoạch.
tư liệu cho biết vùng núi này có nhóm dân cư khá đông mang họ Lôi, tức là từ chữ Lồi chỉ người Chăm. Lồi thực ra không phải chỉ chỉ người Chăm mà là chỉ người Nam Chiếu.

img_2352
Tượng phỗng ở sân đền Cao Sơn bên chân núi Nhồi.

3. Mạnh Hoạch khác là thủ lĩnh người Thái Mường đã được Thái úy Lý Thường Kiệt thu phục như văn bia chùa Báo Ân ở chân núi Nhồi ghi lại. Thông tin từ wikipedia về Lý Thường Kiệt cho biết:
Năm 1061, người Mường ở biên giới quấy rối. Lý Thánh Tông sai ông làm Kinh phỏng sứ vào thanh tra vùng Thanh Hóa, Nghệ An, được toàn quyền hành sự. Ông phủ dụ dân chúng, lấy được lòng người. Tất cả năm châu 6 huyện, 3 nguồn, 24 động đều quy phục.
Đây chính là kể về sự kiện mà Thái úy Lý Thường Kiệt đã lập tuyên thệ được ghi trên bia An Hoạch sơn Báo Ân Tự bi:
Quyết hậu nãi thệ vu sư, Bắc chinh lân quốc; Tây thảo bất đình. Thiện thất túng thất cầm chi thắng địch.
Dịch: Rồi đó ông thề trước ba quân: phía Bắc đánh quân Tống xâm lược, phía Tây đánh bọn không lại chầu, giỏi thắng địch bằng sách lược bảy lần bắt bảy lần đều thả.

img_2373Tượng thần khắc trên vách núi ở đền Cao Sơn.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: Mùa đông (năm 1103) người Diễn Châu là Lý Giác mưu làm phản. Giác trước học thuật lạ có thể biến cây cỏ thành người, bèn chiêu tập những kẻ vô lại chiếm giữ châu ấy, đắp thành làm loạn. Việc tâu lên, vua sai bọn Lý Thường Kiệt đi đánh. Giác thua trốn sang Chiêm Thành, dư đảng đều bị dẹp yên.
Lý Thường Kiệt được phong thái ấp ở Thanh Hóa chính là gắn liền với sự dẹp loạn người Mường ở phía Tây. Mà thủ lĩnh người Thái Mường ở phía Tây được gọi là Mạnh Hoạch hay Mường Hoàng.