Khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong dòng sử dân gian

Cổ Lôi ngọc phả truyền thư cùng với Bách Việt triệu tổ cổ lục được dòng họ Nguyễn ở Thanh Oai cất như bảo vật, giữ kín, cấm con cháu không được tiết lộ ra ngoài trong nhiều năm. Ở cuối mỗi bài phả đều có thơ dặn lại: “Bất dụng tha nhân, biệt ngoại truyền”…
Tới nay nội dung chính của các cuốn phả ký này đã được một số học giả nghiên cứu trình bày, như trong những bài viết của TS. Lã Duy Lan. Tuy nhiên khi thông tin được nêu ra, cuốn ngọc phả này đã bị nhiều chỉ trích là “bịa đặt”, vì trong ngọc phả hầu hết các nhân vật lịch sử cổ của Việt Nam đều mang họ của Nguyễn, và các địa danh quan trọng trong cổ sử Việt đều nằm ở quanh khu vực Thanh Oai…
TS Lã Duy Lan cho biết, theo Cổ Lôi ngọc phả truyền thư thì sau khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, quan lại nhà Hán đi hỏi han, ghi chép về lai lịch của Hai Bà ở ngay tại vùng Cổ Lôi. Khi ấy, ông nội của Hai Bà Trưng cũng vẫn còn sống, là một vị trưởng lão mà khi hai vị còn bé, ông thường dạy cho các cháu hát và gõ trắc (hay phách), kéo nhị. Biết được ý đồ truy lùng của giặc, ông cùng dân trang bàn nhau dấu kín tung tích thật, tuyệt đối không hé lộ cho bọn giặc biết. Vì thế mà khi dân chúng được tập trung lại, quan lại nhà Hán hỏi nhà Hai Bà ở đâu thì họ chỉ nói là ở bến ong (tức bến nước ven sông được xếp bằng đá ong). Hỏi đến tên, thì họ chỉ nói là hai bà khi còn bé hay ca hát, bà chị gõ trắc, bà em kéo nhị và chồng bà chị bị quan Thái thú giết, không tìm thấy xác, còn ngoài ra, họ không nói thêm điều gì… Từ đó có tên bà Trưng Trắc, Trưng Nhị quê ở Phong Châu (bến ong) và ông Thi Sách (với nghĩa là mất xác)…
Cổ sử dân gian lưu truyền hàng ngàn năm, qua nhiều thời đại. Trong hoàn cảnh luôn bị kẻ thù truy tìm, truy sát, bằng mọi cách xóa đi dấu vết lịch sử thì người xưa đã buộc phải dồn nén các thông tin lịch sử thật sự vào trong một khu vực nhỏ xung quanh làng xã mình, phải giải thích các tên họ các anh hùng nghĩa sĩ một cách “nôm na”, dùng những từ đồng âm khác nghĩa mà ám chỉ nghĩa thật, phải diễn đạt các sự kiện lịch sử theo hình thức “nửa thật nửa hư”. Tuy nhiên nếu đọc kỹ những ghi chép này và so sánh đối chiếu, phân tích thì vẫn có thể thấy được “ngọc trong đá”. Những cuốn ngọc phả được gìn giữ và lưu truyền này thực sự mang những thông tin lịch sử quý báu, giúp chúng ta hiểu và có thể khôi phục lại được lịch sử của thời kỳ này.

dinh-leĐình Tri Lễ (Thanh Oai, Hà Nội) nơi thờ Lữ Gia.

Cổ Lôi ngọc phả truyền thư cung cấp nhiều chi tiết, nội dung mới và lạ so với chính sử, đặc biệt đối với thời kỳ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trước hết Ngọc phả cho biết nơi khởi nghĩa và đóng đô của Hai Bà Trưng là Phong Châu và Phong Châu cũng là Mê Linh. Tác giả Lã Duy Lan cũng đã trích dẫn các sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, Đường thư, Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Luân thời Nguyên đều chép: “Mê Linh là Phong Châu”.
Như thế Mê Linh là tên gọi khác của vùng đất Phong Châu, nơi có kinh đô nước ta thời các vua Hùng và là nơi Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Thực ra Mê Linh đọc thiết là Minh, mà Minh đô chính là kinh đô thời Hùng Vương, khởi dựng từ vị vua Hùng đầu tiên là Đế Minh. Những tài liệu trên thêm một lần nữa khẳng định điều này.
Đặc biệt về thân thế nguồn gốc và nguyên nhân cuộc khởi nghĩa của Hai Bà được bản Ngọc phả chép khá chi tiết, đầy đủ cả bên nội bên ngoại. Cụ thể:
Ông Lã Hùng Định (thuộc dòng dõi Lữ Gia, Tể tướng nhà Triệu), nguyên là Lạc tướng bản huyện (Mê Linh), bị nhà Hán ép nhận chức Giao Chỉ quận vương, trước lấy bà Trần Thị Đoan, sinh ra Lã Nam, sau lấy bà Đinh Thị Đào, người Mường, con gái Lạc tướng Vũ Ninh tên là Đinh Công Tạo, sinh ra cô Lý (Trưng Trắc), cô Huệ (Trưng Nhị) và chàng út hay Khổng Chủng.
Tiếp đó, cụ Nguyễn Năng Tế thuộc dòng dõi Triệu Vũ Đế Nguyễn Thận, nguyên là Lạc tướng huyện Chu Diên, khi ấy đã già (gần 70 tuổi), giao quyền lại cho con rể là Đặng Thành. Cụ Nguyễn Năng Tế, trước lấy cụ bà Đào Thị Dực sinh được 3 người con là Chiêu Nương, Nguyễn Khắc Trung (còn gọi Chiêu Trung), Nguyễn Đỗ Lý. Khi các con trưởng thành, cụ bà Đào Thị Dực qua đời. Nhiều năm sau, cụ Tế lấy vợ kế, là bà Tạ Cẩn Nương còn trẻ.
Con gái đầu của cụ Nguyễn Năng Tế là Chiêu Nương lấy ông Đặng Thành, sau được kế chức Huyện lệnh trưởng Chu Diên, sinh ra các vị (theo thứ tự) Đặng Xuân, Đặng Nghiêm, Đặng Tiến, Đặng Đình, Đặng Trần. Đặng Xuân (anh) lấy cô Huệ (Trưng Nhị) sinh hai con trai. Đặng Nghiêm (em) lấy cô Lý (Trưng Trắc) chưa có con.
Thông tin của Ngọc phả về xuất xứ và người thân của Hai Bà Trưng rất lạ. Hai Bà Trưng mang họ Lã của ông Lã Hùng Định, là dòng dõi tể tướng Lữ Gia nhà Triệu. Chồng Bà Trưng Trắc có họ Đặng, con trai của lệnh trưởng Chu Diên, cháu ngoại của ông Nguyễn Năng Tế. Ông Nguyễn Năng Tế, sau được coi là “linh hồn của cuộc khởi nghĩa” Hai Bà Trưng, lại là dòng dõi Triệu Vũ Đế (vua Triệu Nam Việt).
Chỉ xét những thông tin này cũng đã đủ thấy khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được nói đến thực chất là cuộc khởi nghĩa “hậu” Nam Việt của nhà Triệu, với các tướng lĩnh cầm đầu đều là dòng dõi, họ hàng của tể tướng Lữ Gia và vua Triệu. Như vậy thì khởi nghĩa này không thể xảy ra vào thời Đông Hán sau Công nguyên được vì nhà Triệu Nam Việt kết thúc năm 111 TCN khi Lộ Bác Đức nhà Tây Hán bắt được vua Triệu Vệ Dương Vương, cách thời Đông Hán hơn 100 năm và cách cả một triều đại nhà Tân của Vương Mãng. Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng phải nổ ra vào thời điểm ngay sau khi nhà Triệu Nam Việt sụp đổ, là sự phục thù, phục quốc của con cháu vua Triệu và họ Lữ.
Ngọc phả Cổ Lôi kể vị vua lập nên nhà Triệu (Triệu Đà) Nam Việt có tên ban đầu là Nguyễn Thận. Thực ra họ Nguyễn này (và họ Nguyễn có bộ tộc phả ở Thanh Oai nói chung) nguyên là họ Lý, sau mới đổi sang thành họ Nguyễn (dưới thời Trần?). Chỉ có họ Lý thì mới có lịch sử lâu đời như vậy, từ thời “Bách Việt triệu tổ”. Vì Lý là lửa, chỉ ánh sáng, chỉ thủ lĩnh. Họ Lý nghĩa là chỉ các vị vua trong cổ sử.
Như thế nhà Triệu Nam Việt từ ông Nguyễn Thận phải mang họ Lý. Lý Thận là tên của Triệu Vũ Đế. Rất có khả năng Lý Thận = Lý Bôn = Lưu Bang. Vị “cao tổ” đầu tiên của nhà Triệu mang họ Lý, tức là Lưu Bang.
Ngọc phả cũng cho biết có Tây Lý Vương là người đã cho xây thành ở Đông Anh (Cổ Loa) để chống lại quân Hán và Tây Lý Vương cũng thuộc dòng dõi nhà Triệu. Khởi nghĩa của Tây Lý Vương như thế về thực chất cũng nằm trong loạt khởi nghĩa thời hậu Nam Việt cùng với khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đây là dẫn chứng khác cho thấy các vua nhà Triệu vốn mang họ Lý nên mới gọi là Tây Lý Vương, tức là vua Lý của vùng Tây thổ (Phong Châu), đối lập (nối tiếp) triều đại Nam Việt ở phía Đông, kinh đô ở Dương Thành (Phiên Ngung – Quảng Đông).
Trong Cổ Lôi ngọc phả thì cụ Lã Hùng Định là người phụ trách Mê Linh và nắm chức Giao Chỉ quận vương. Bản thân chữ Định là thuộc tính trong Dịch học chỉ hướng Tây. Lã Hùng Định nghĩa là vị thủ lĩnh họ Lã ở phía Tây (tương đương với Tây Lý Vương?).
Còn cụ Nguyễn Năng Tế, dòng dõi Triệu Vũ Đế, làm chức huyện lệnh Chu Diên, sau đó nhường quyền cho con rể là Đặng Thành. Hiểu đúng thì Chu Diên là châu Dương, tức là vùng đất phía Đông hay chính là vùng Phiên Ngung thời Nam Việt. Nguyễn Năng Tế chuyển đọc thành Lý Lang Từ, có thể hiểu là vị vua phía Đông (Từ là thuộc tính từ ái của phương Đông).
Nguyễn Năng Tế là dòng dõi vua Triệu Nam Việt cai quản đất Châu Diên – miền Đông, rồi truyền lại cho Đặng Thành. Có thể cả Nguyễn Năng Tế và Đặng Thành đều chỉ những vị vua nhà Triệu Nam Việt. Cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng như vậy bắt đầu từ 2 dòng dõi và 2 khu vực: họ Lý (Triệu) ở phía Đông và họ Lã ở phía Tây.
Theo Cổ Lôi ngọc phả kể lại thì ban đầu các vị Lã Hùng Định, Đặng Thành và một số người khác bàn bạc với nhau, liên kết chống lại ách đô hộ, nhưng khi đang chuẩn bị lực lượng thì bị Tô Định phát hiện, giết chết. Mối thù nhà ấy, cùng với mối hận mất nước, đã được thế hệ con, cháu của họ tiếp tục nung nấu, để rồi chỉ mấy năm sau, đã bùng lên thành ngọn lửa khởi nghĩa dữ dội, mà những người hăng hái, nhiệt huyết nhất trong số đó, chính là hai chị em bà Trưng, con gái “Giao Chỉ quận vương” Lã Hùng Định.
Nguyên nhân khởi nghĩa của Trưng Vương đúng là vừa vì nước (Nam Việt) vừa trả thù nhà (cho cha là Lữ Gia và chồng là vua Triệu). Bà Trưng Trắc lấy chồng là Đặng Xuân, con của huyện lệnh Chu Diên Đặng Thành. Như thế Bà Trưng là con dâu hoàng gia nhà Triệu, cũng là dòng dõi (chính xác hơn là con gái) thừa tướng Lữ Gia.
Lữ Gia là chỉ cả gia tộc họ Lữ nói chung nên trong các ghi chép có nhiều Lữ Gia ở những nơi khác nhau. Theo chính sử thừa tướng đương triều Lữ Gia cùng vua Triệu cuối cùng là Triệu Vệ Dương Vương đã lên thuyền rút từ Phiên Ngung về Giao Chỉ khi bị quân nhà Hiếu tấn công. Lữ Gia hy sinh ở cửa biển Nam Định (núi Gôi, Vụ Bản) là vị này.
Còn Lữ Gia chống lại quân nhà Hiếu ở vùng Phong Châu (như ở Hà Tây cũ hay Vĩnh Phú) là con cháu của thừa tướng Lữ Gia trên. Cổ Lôi ngọc phả có nói đến Lã Nam, con trai đầu của cụ Lã Hùng Định ban đầu cũng tụ quân chống lại nhà Hán. Lã Nam có thể là vị Lữ Gia được thờ ở vùng Thanh Oai, Quốc Oai.

cua-vongCửa võng đình Tri Lễ (Thanh Oai, Hà Nội), nơi thờ Lữ Gia làm thành hoàng.

Trong Cổ Lôi ngọc phả còn nói đến nhiều tình tiết của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng khác. Khi hiểu một cách rộng hơn việc dồn nén (sự giải thích của người ghi chép đời sau) các địa danh của cuộc khởi nghĩa vào 1 vùng ở Thanh Oai thì Ngọc phả này đúng là cuốn sử rất đầy đủ về khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong đó điểm quan trọng nhất cần khẳng định: khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Phong Châu là cuộc khởi nghĩa của hậu quân nhà Triệu nước Nam Việt do con cháu họ Lữ và họ Lý cầm đầu, chống lại nhà Hiếu (Tây Hán), nhằm phục thù cho thân sinh phụ mẫu hay các phu quân chết trận trước đó và phục quốc Nam Việt với 2 phần Đông (Chu Diên) và Tây (Mê Linh).

Long và Ly

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Kiều Thu Hoạch đã so sánh quan niệm về con Rồng và hình tượng Tứ linh trong văn hóa Việt Nam và Trung Quốc. Trong Tứ linh của người Việt 4 con vật thiêng được biết là Long, Ly, Quy, Phượng với loài Rồng (Long) đứng đầu. Nhưng sách Lễ ký của Khổng Tử, tài liệu sớm nhất nói về Tứ linh, lại cho một trật tự khác: Lân, Phụng, Quy, Long. Từ đó tác giả đi đến nhận định là người Trung Quốc không coi trọng con Rồng (xếp nó vào cuối cùng trong Tứ linh) mà đề cao con Lân…
Tại sao có sự khác biệt trong quan niệm về Tứ linh giữa Việt Nam và Trung Quốc? Các “linh vật” nghĩa là gì? Con Rồng – Long có mặt trong văn hóa phương Đông từ khi nào? Con Ly hay Lân là con gì? Những câu hỏi này thực sự chưa bao giờ được tìm hiểu một cách kỹ lưỡng, trong khi hình tượng Rồng và Kỳ Lân lại là hình ảnh thường gặp trong các vật phẩm kiến trúc, trang trí điêu khắc cổ của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Trước hết cần xác định Tứ linh là 4 loài vật biểu trưng trong văn hóa phương Đông từ rất lâu. Tứ linh là 4 loài đứng đầu 4 giới sinh vật. Khái niệm này bắt nguồn từ học thuyết Ngũ hành. Bảng kê đầy đủ về Ngũ hành được thấy trong sách Lã Thị xuân thu của Lã Bất Vi đời Tần, có thể tóm tắt như sau (4 mùa hay Tứ thời dùng 4 hành hay 4 đức để biểu hiện):
– Mộc đức: mùa Xuân, phương Đông, màu Xanh. Động vật tiêu biểu là loài có vảy.
– Hỏa đức: mùa Hè, phương Nam, màu Đỏ. Động vật tiêu biểu là loài chim có lông vũ.
– Kim đức: mùa Thu , phương Tây, màu Trắng. Động vật tiêu biểu là loài thú có lông mao.
– Thủy đức: mùa Đông, phương Bắc, màu Đen. Động vật tiêu biểu là loài giáp giới.
Phương vị về các loài vật và màu sắc tương tự cũng thấy trong quan niệm: “Hành tiền chu điểu nhi hậu huyền vũ, Tả thanh long nhi hữu bạch hổ” (Lễ ký). Chu – Huyền – Thanh – Bạch là 4 màu Đỏ – Đen – Xanh – Trắng, giống như trong Lã Thị xuân thu. Điểu – Vũ – Long – Hổ tương ứng là 4 loài vật đại diện cho 4 giới có lông vũ – giáp giới – vảy – lông mao (vũ, giáp, lân, mao). Các vị trí Tiền – Hậu – Tả – Hữu tương đương với các hướng Nam – Bắc – Đông – Tây (khi đứng quay mặt về phương Nam).
Bộ tứ Chu tước – Huyền vũ – Thanh long – Bạch hổ được xác thực bằng hiện vật trên các gương đồng Bát quái của thời Chiến Quốc. Ở Việt Nam cũng có những chiếc gương như vậy đã được phát hiện, trong khu vực khảo cổ miền Trung.

guong-bat-quaiGương Bát quái thời Chiến quốc (ảnh Hồ Xuân Em).

Về con Rồng Thuyết văn giải tự của Hứa Thận từ thời đầu Công nguyên ghi: Long, lân trùng chi trưởng. Rồng đứng đầu loài có vẩy. Hình ảnh con rồng xuất hiện rất sớm trên các đồ đồng từ thời Ân Thương dưới dạng Quỳ long (rồng 1 chân). Thường cặp đôi với rồng thời kỳ này là hình con Phượng (quỳ phượng). Như trên, Rồng là con vật biểu trưng của hướng Đông, màu xanh. Xanh hay Thanh – Thang, cũng là Thương, là màu biểu tượng của nhà Thương. Rồng còn là “Long vương”, gắn liền với biển. Ở cả Trung Quốc và Việt Nam thì chỉ có hướng Đông mới có biển.

lien-rongChiếc liễn đồng thời Đông Chu trang trí toàn bằng hình rồng.

Nguyên mẫu của rồng hẳn là loài Rắn. Chỉ cần “vẽ rắn thêm chân” là ra con rồng. Rồng là hình tượng kết hợp giữa loài rắn và cá sấu, dùng biểu tượng cho phương Đông.
Rồng đứng đầu các loài có vảy, Phượng là vua các loài chim. Còn Lân là loài vật đứng đầu các loài có lông mao, theo ngôn ngữ ngày nay nghĩa là động vật có vú. Ví dụ, Chu Hy (thế kỷ 12) trong chú thích cho bài Lân chi chỉ của Kinh Thi đã viết về con Lân như sau:
Lân, loại thú mình giống con chương, đuôi bò, móng ngựa, thú đứng đầu trong các loài có lông… Chân con lân không đạp lên cỏ tươi, không dẫm lên côn trùng còn sống… Con Lân có một sừng, đầu sừng có thịt, cho nên không thể húc cụng, ấy là nhân.
Bản thân chữ Lân 麟 trong dùng bộ Lộc 鹿, tức là một dạng như con hươu.
Mô tả của các thư tịch về con Lân rõ như vậy nhưng không hiểu sao ngày nay con Lân bị biến thành một con vật đầu rồng, mình ngựa, thân toàn vảy là vảy, chẳng thấy lông mao đâu. Con thần thú đứng đầu các loài lông mao mà mình lại mang toàn vẩy là thế nào? Rõ ràng đã có sự nhầm lẫn giữa Kỳ Lân và con Long mã. Kỳ Lân không thể nào là loài thú đầu rồng mình ngựa, thân toàn vảy được.
Sự lầm lẫn của Trung Quốc về con Lân xuất phát từ việc… ở Trung Quốc không hề có con Lân này. Mãi đến thời nhà Minh đoàn thuyền của Trịnh Hòa đi sang châu Phi mang về một con hươu cao cổ dâng vua Minh, cho rằng là con Lân… Đúng là “kỳ” Lân… Một loài linh vật đứng đầu Tứ linh Trung Hoa mà lại phải đi mượn ở tận châu Phi… Chả nhẽ Khổng Tử ngồi ở châu Phi để viết Lân kinh?
Kinh Xuân Thu do Khổng Tử soạn còn gọi là Lân kinh vì tương truyền Khổng Tử lúc sinh ra có Kỳ Lân xuất hiện nhả ngọc và khi soạn kinh đến đời Chu Kính Vương thì nước Lỗ săn được con Lân bị què chân trái phía trước. Khổng Tử thấy đó nghĩ đạo của mình đã cạn, liền dừng soạn kinh.
Vậy con Lân là con gì và vì sao Khổng Tử xếp con Lân đứng đầu Tứ linh?
Xét bài Lân chi chỉ, một bài thơ trong chính phong của Kinh Thi. Đây là bài thơ ca ngợi dòng dõi Văn Vương nhà Chu:
Lân chi chỉ. Chân chân công tử. Hu ta lân hề.
Lân chí đính. Chân chân công tính. Hu ta lân hề.
Lân chi giác. Chân chân công tộc. Hu ta lân hề.
Dịch thơ (Tản Đà):
Chân con lân
Trán con lân
Sừng con lân
Công tử có nhân
Công tôn, công tộc có nhân.
Con lân chừ con lân!
Bài này nằm trong phần Chu Nam, tức là thơ phong dao của vùng đất phong của Chu Công. Chu Công là em trai của Chu Vũ Vương, người đã có công lớn trong việc diệt nhà Ân Thương, khởi lập nên vương triều Chu. Chu Công được phong ở nước Lỗ, chính là đất quê của Khổng Tử.
Bài thơ trên cho thấy rõ con Lân là biểu tượng của nhà Chu, là vương triều nối tiếp thời Ân Thương. Đây chính là lý do vì sao Khổng Tử xếp con Lân đứng đầu Tứ linh. Lân là hình ảnh của thiên tử Chu, của thời Chu. Con Rồng ở thời Chu được xếp dưới cùng cũng dễ hiểu vì Long là biểu tượng của nhà Ân Thương như đã nói ở trên. Nhà Chu diệt Ân thì hiển nhiên con Lân sẽ phải đứng đầu Tứ linh và con Rồng xếp xuống hàng cuối.
Con Lân tượng trưng cho nhà Chu vì là con thần thú của hướng Tây (xem Lã Thị xuân thu ở trên). Nhà Chu cũng là triều đại xuất phát từ hướng Tây. Chu = Châu = Chiêu, hướng buổi chiều hay phía Tây. Như thế con Lân ở hướng Tây, chỉ nhà Chu, đối lập với con Rồng ở hướng Đông, chỉ nhà Thương.
Tiếng Việt gọi Lân là con Ly. Chữ Kỳ Lân đọc phản thiết cho âm Ly. Như thế Kỳ Lân hay Ly chỉ là một. Đặc biệt, chữ mang âm Ly (酈) còn là tên khác của nước Lỗ. Đây là chỉ dẫn vì sao các sự tích của con Lân – Ly lại liên quan đến nước Lỗ.
Ly thực ra là tên quẻ Ly, trong Hậu thiên bát quái dùng để chỉ hướng Tây. Nước Lỗ của Chu Công được biểu trưng bởi con Ly thì phải là nằm ở phía Tây của Trung Hoa, vì con Ly – Lân không thể là phía Đông được. Định vị nước Lỗ lại nằm ở bán đảo Sơn Đông là hoàn toàn không phù hợp với thư tịch, cũng như thực tế không hề có loài vật nào phù hợp ở đó để gọi là Lân – Ly cả.
Loài vật đứng đầu các loài thú lông mao tuy có thể là con Hổ hay Voi. Nhưng với mô tả là loài vật dạng như con hươu, có 1 sừng, không ăn các con vật khác, hiếm khi xuất hiện (sống đơn lẻ) thì Lân phải là con… Tê giác. Loài Voi thường sống thành bầy đàn, khá dễ gặp thời cổ, không khớp với mô tả về con Lân. Loài Hổ thì không có sừng và là loài hung dữ, ăn thịt.
Con Tê giác còn được gọi là con Tây (bản thân chữ Tây 西 còn âm đọc là Tê), hoàn toàn khớp với phương vị của con Lân – Ly.
Cũng trong Kinh Thi phần Chu Nam có bài Quyển nhĩ nói tới một loại cốc đựng rượu hình con Tê:
Trắc bỉ cao cương
Ngã mã huyền hoàng
Ngã cô chước bỉ tự quang
Duy dĩ bất vĩnh thương.
Dịch:
Muốn lên trên sống núi cao
Ngựa em quá bệnh, thế nào lên đây?
Chén sừng tự rót vơi đầy
Khỏi đau thương mãi uống say, say vùi.
Bà hậu phi nhà Chu lên núi, nhớ chồng đi xa nên rót rượu vào “tự quang” uống mà say.
Tự quang 兕觥, còn đọc là Hủy quang, thực ra không phải là chén rượu bằng sừng con Tê. Đây là một loại đồ vật bằng đồng mô phỏng hình Tê giác, dùng để đựng rượu, từng phổ biến ở thời Tây Chu. Một chiếc Hủy quang như vậy cũng được thấy ở Lào (xem hình).

huy-quangHủy quang thời Tây Chu ở Lào.

Loài Tê giác chỉ sinh sống ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Không thể có con Tê giác nào lại sống được ở vùng giá tuyết như đất Sơn Đông. Nước Lỗ nơi có nhiều con Tê – con Ly ở phía Tây thì chỉ có thể là khu vực nước Lào ngày nay. Và khi nước Lỗ ở đất Lào thì trung tâm của thiên hạ Trung Hoa thời Chu chỉ có thể là vùng Bắc Việt – Vân Nam – Quảng Tây.
Con Tê đúng là con thần thú một sừng, hình dáng như con hươu, đứng đầu các loài có lông mao, biểu trưng cho hướng Tây. Nhà Chu (thời Chu) lấy con Lân làm biểu tượng, xếp lên hàng đầu của Tứ linh. Cặp đối lập Long – Ly thực chất là sự đối lập của 2 dòng tộc trong lịch sử Trung Hoa theo trục Đông – Tây, giữa nhà Thương và nhà Chu, giữa dân Hoa và Di. Trong truyền thuyết Việt đó là cặp Âu (Âu Cơ) – Lạc (Lạc Long Quân), Sơn Tinh – Thủy Tinh và Hùng – Thục. Hiện vật của thời kỳ này là 2 dòng đồ đồng hiện hữu tại Việt Nam và Trung Quốc. Một là dòng đồ đồng Đông Sơn (trống đồng nói chung, ở vùng Vân Nam, Quảng Tây và Bắc Việt). Một dòng thứ hai là đồ đồng “Hán” hay đồ đồng Thương Chu của phía Đông Bắc Trung Hoa. Trong dòng đồng khí Tây Nam (Đông Sơn) rất ít khi gặp hình tượng con rồng, mà chủ yếu là hình ảnh hươu nai, bò mộng, hổ. Trong khi hình ảnh rồng gặp ở hầu hết các đồ vật của dòng đồ đồng Thương Chu phía Đông.

ngoc-ky-lanKỳ Lân ngọc tại Căm pu chia.

Người Việt ngày nay quan niệm cha Lạc Long Quân là tổ, theo dòng Lạc Long đi về phía Đông nên đặt con rồng lên đầu Tứ linh. Tuy nhiên, lịch sử và truyền thuyết ghi chép rằng nước Văn Lang bắt đầu bằng dòng những người con lên núi theo mẹ Âu Cơ, đặc trưng bởi trống đồng. Mà lên núi thì làm gì có Rồng, nên lấy con Lân làm chủ đạo mới là đúng.
Với việc phục hồi nguyên mẫu của con Lân – Ly là loài Tê – Tây thì định vị Trung Nguyên của Trung Hoa thời Chu chắc chắn phải dời xa về phương Nam, nơi có loài vật này sinh sống. Con Tê như thế đúng là một “linh vật Việt”, thậm chí còn là linh vật đứng đầu trong Tứ linh. Việc đúc, khắc con Lân thành ra con Long mã vừa làm nghèo nàn đi hình ảnh Tứ linh (bị trùng lặp giữa Long và Long mã), vừa có phần bất kính với tổ tiên, chạy theo “đồ Tàu” mà quên đi loài vật đặc trưng vốn có của văn hóa Việt là con Tê. Đã đến lúc cần phát động phong trào thay Long mã bằng Tê, di dời mấy con “sư tử ngựa” Tàu ra khỏi Tứ linh Việt, trả lại sự linh thiêng của lịch sử và văn hóa Việt cho người Việt.

te-chuong-dinh

Hình Tê giác trên Chương đỉnh ở Huế.

Nước Tây Âu và tướng Trang Kiểu

Sử ký Tư Mã Thiên, Tây Nam Di liệt truyện kể:
Lúc trước vào thời Uy Vương nước Sở, sai tướng quân tên là Trang Kiểu đem quân dọc theo thượng nguồn sông, đánh lấy các vùng từ Ba, Kiềm Trung sang phía Tây. Trang Kiểu vốn là dòng dõi của Sở Trang Vương. Kiểu đến đầm Điền, đầm rộng ba trăm dặm, bên đầm là đất bằng màu mỡ rộng mấy ngàn dặm, bèn đem quân uy hiếp lấy gộp vào nước Sở. Muốn về báo tin, nhưng gặp lúc quân nước Tần đánh lấy các quận Ba, Kiềm Trung của nước Sở, đường bị nghẽn chẳng thông, do đó quay lại, làm vua của người nước Điền, đổi áo theo thói của người ở đấy để làm kẻ đứng đầu.
Sử ký Tư Mã Thiên, Bạch Khởi Vương Tiễn liệt truyện kể:
Bạch Khởi là người Mi, làm tướng cho Tần Chiêu Vương,… Bạch Khởi đánh Sở, phá Yên, được 5 thành. Cùng năm, đánh Sở, phá Dĩnh, đốt Di Lăng, tiến suốt đến Cánh Lăng. Sở Vương bỏ Dĩnh, chạy về phía Đông đến Trần. Tần lấy Dĩnh đặt làm Nam Quận. Bạch Khởi được phong là Vũ An Quân. Vũ An Quân lấy đất Sở định quận Vu, Kiềm Trung.
Dấu vết địa danh Kiềm Trung và Điền vẫn còn lại cho tới nay. Kiềm hay Kiềm Trung là Quý Châu, không có gì phải nghi ngờ vì tới nay Quý Châu còn gọi tắt là Kiềm và đây là địa danh Kiềm Trung đạo thời nhà Đường. Đất Điền cũng được xác định rõ ràng là vùng Vân Nam, nơi có văn hóa Điền và chiếc Điền vương chi ấn.
Tuy nhiên khi định vị 2 vùng đất này rõ như vậy thì thông tin trong Sử ký Tư Mã Thiên liên quan tới 2 vùng đất Kiềm và Điền trở nên vô cùng khó hiểu. Nước Sở vốn được định vị ban đầu ở Hồ Bắc và Hồ Nam. Vậy làm sao Sở lại có thể cử một tướng quân đánh xuống vùng Quý Châu, rồi sang tận Vân Nam? Còn nước Tần theo định vị ngày nay ở khu vực Thiểm Tây, sao lại có chuyện tướng Tần là Bạch Khởi đi đánh nước Sở lại vòng xuống chiếm vùng Kiềm Châu (Quý Châu) ở tận phương Nam? Hình như có “bàn tay vô hình” nào đó đã “lái” các tướng Tần và Sở xuống vùng phía Nam này… Sự thật chắc chắn không phải vậy. Chỉ có thể… các sử gia Tàu đã cố ý xác định sai vị trí của Tần và Sở nên mới ra nông nỗi vậy.
trang-kieuThứ nhất có thể thấy rõ, nước Tần có địa phận chính nằm ở vùng Tứ Xuyên chứ không phải Thiểm Tây. Có vậy thì tướng Bạch Khởi mới sang tiến chiếm vùng Quý Châu (Kiềm Trung). Vị trí Tứ Xuyên của Tần còn cho phép giải thích nhiều tư liệu khác liên quan sau này như chuyện Tần chiếm Việt, Tần Thủy Hoàng Đông du hay chuyện Triệu Đà – Lưu Bang khởi nghĩa kháng Tần…
Thứ hai, Trang Kiểu không phải tướng của nước Sở ở đất châu Kinh tại Hồ Nam Hồ Bắc mà phải là một nước khác, cũng gọi là Sở. Nước này là Lạc vì Lạc = Nác = Nước, còn Sở = Sủy = Thủy. Vì 2 từ này đồng nghĩa nên trong tư liệu cổ thư dễ nhầm lẫn. Lạc Sở mới là nước Sở được nói tới trong các câu “mênh mông bể Sở” hay “bể Sở sông Ngô”, vì nước Kinh Sở ở Hồ Nam Hồ Bắc vốn không hề có “bể”. Lạc là đất Lạc Việt, tức vùng Bắc Việt và Quảng Tây ngày nay. Nơi này trực tiếp có vùng bờ biển là vịnh Bắc Bộ hay biển Đông.
Thời Chiến Quốc đất Lạc là nơi nhà Chu đóng đô hay Lạc Ấp (Lạc Dương), tức Đông Đô của nhà Đông Chu. Trang Kiểu là “miêu duệ của Sở Trang Vương” thực ra nghĩa là dòng dõi của Chu Trang Vương. Chu Trang Vương là Cơ Đà, vị vua thứ ba của nhà Đông Chu, đóng đô ở đất Lạc.
Ở Việt Nam ngày nay còn di tích và di chỉ xác thực về vị Trang Vương này. Đó là chùa Hương ở trên dãy núi Hồng Lĩnh tại Hà Tĩnh. Ở đó có nền Trang Vương, tương truyền là nơi Trang Vương đến thăm con gái là Diệu Thiện tu tại Hương Tích… Câu thơ của Tồn trai Bùi Dương Lịch viết về chùa Hương:
Vân túc Trang Vương hà đại chỉ.
Dịch
Xe mây đâu chốn Trang Vương cũ…
Tác giả Văn nhân trong bài viết Điền quốc – Trang Kiểu đã chỉ ra rằng: Trang = Tlang = Lang, chỉ thủ lĩnh; Kiểu = Cảo = Cửu, là số 9 chỉ phía Tây. Trang Kiểu nghĩa là Lang Cửu hay thủ lĩnh phía Tây. Phía Tây hay Cảo – Kiểu là vùng đất của nhà Tây Chu, đóng đô ở đất Cảo.
Kiềm có nghĩa là màu đen, tương đương với từ Ô hay Âu. Kiềm như vậy là Âu. Quý Châu chính là đất Âu. Còn Vân Nam ở phía Tây Kiềm Trung nên gọi là đất Tây Âu.
Vùng đất Âu ở Vân Nam Quý Châu là vùng đất cũ của nhà Tây Chu. Đông Chu nằm trên đất Lạc, Tây Chu nằm trên đất Âu, hợp lại chính là nước Âu Lạc do An Dương Vương lập nên được kể đến trong truyền thuyết Việt. Triều đại An Dương Vương là vương triều Chu kéo dài bao gồm cả Tây và Đông Chu.
Trang Kiểu là tướng của nhà Đông Chu vào cuối thời Chiến Quốc, được cử đi trấn thủ chống Tần ở vùng Vân Nam và Quý Châu. Sau đó vùng Quý Châu (Kiềm Trung) bị tướng Tần là Bạch Khởi tấn công chiếm mất. Trang Kiểu chỉ còn lại vùng Vân Nam, lập nên quốc gia riêng là Điền quốc.
Như thế cuộc chiến Chu – Tần bắt đầu ngay từ lúc này, dưới thời Tần Chiêu Tương Vương. Truyền thuyết Việt chép là Triệu Đà khởi binh đánh An Dương Vương đến vùng Vũ Ninh thì bị chặn lại. Vũ Ninh tức là vùng đất của Ninh Vương Cơ Phát hay Chu Vũ Vương, người khởi đầu nhà Tây Chu. Vũ Ninh là đất Tây Chu, là vùng Vân Quý như đã nói ở trên.
Diễn biến tiếp theo thì như đã biết, Tần Chiêu Tương Vương cử hoàng thái tôn của mình là Doanh Tử Sở, truyền thuyết Việt gọi là Trọng Thủy, giả cầu hôn con gái vua Chu (= Châu) là Mỵ Châu. Sau đó Doanh Tử Sở đã dẫn quân Tần đánh Lạc Dương (Cổ Loa), đuổi vị vua cuối cùng là Chu Noãn Vương chạy xuống phía Nam đi ra biển mà mất. Nước Âu Lạc của nhà Chu (An Dương Vương) bị diệt vào năm 256 TCN dưới thời Tần Chiêu Tương Vương.
Vào lúc này Tần đã chiếm được đất Kiềm Trung (Quý Châu) và Lạc Việt (Bắc Việt và Quảng Tây). Vùng nước Âu Lạc cũ chỉ còn lại đất Điền hay Tây Âu do Trang Kiểu làm chủ là chưa bị Tần chiếm. Có thể sau đó tướng Đồ Thư của Tần đã tấn công đất Tây Âu vì sách Hoài Nam tử chép Tần phát binh “giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống”. Dịch Hu Tống hay Dịch Hậu Tông, tức là dòng dõi của Dịch Vương, tức Chu Văn Vương (người đã viết Chu Dịch). Trang Kiểu là miêu duệ của Chu Trang Vương nên cũng chính là dòng dõi sau này của Chu Văn Vương.
Không rõ diễn biến tiếp theo ra sao đối với vùng đất Điền nhưng qua thời Hán, khi Lữ Hậu mất, lại xuất hiện nước Tây Âu. Đây là nước mà Triệu Đà đã “dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót… để bắt họ lệ thuộc theo mình” (Nam Việt Úy Đà liệt truyện).
Lịch sử nước Văn Lang – Âu Lạc của người Việt như thế đang từng bước sáng tỏ tới từng chi tiết trong sử thuyết Hùng Việt.

Sử kí – Tây Nam Di liệt truyện

Dịch giả: Tích Dã

Hán – Tư Mã Thiên soạn
Lưu Tống – Bùi Nhân tập giải
Đường – Tư Mã Trinh sách ẩn, Trương Thủ Tiết chính nghĩa.

Có hàng chục quân trưởng người Di ở miền tây nam, Chính nghĩa: Ở phía nam của quận Thục. trong đó lớn nhất là quân trưởng nước Dạ Lang. Sách ẩn: Tuân Duyệt nói: “Là nước thuộc quận Kiền Vi.” Vi Chiêu nói: “Nhà Hán đặt thành huyện, thuộc quận Tang Kha.” Xét: Hậu Hán thư chép: “Nước Dạ Lang phía đông liền quận Giao Chỉ, nước này ở phía nam hồ, có quân trưởng vốn sinh ra từ cây tre, nhân đó lấy làm họ Trúc.” Chính nghĩa: Là các châu Khúc-Hiệp ở bờ nam sông lớn của châu Lư, vốn là nước Dạ Lang. Phía tây nước ấy có hàng chục quân trưởng người Mi Mạc, Chính nghĩa: Ở phía nam đất Thục xuống phía dưới về phía tây. Huyện Mi Phi ở phía bắc châu Diêu, cách tây kinh bốn ngàn chín trăm ba mươi lăm dặm về phía nam là chỗ của người rợ Mi Mạc. Sách ẩn: Là tên ấp của người Di, quân trưởng ấp này cùng họ với quân trưởng nước Điền. lớn nhất là quân trưởng nước Điền. Tập giải: Như Thuần nói: Điền, đọc là ‘điên’. Ngựa điên có từ nước này.” Sách ẩn: Thôi Hạo nói: “Sau đặt thành huyện, là chỗ mà quan Thái thú quận Việt Tủy đóng sở trị.” Chính nghĩa: Các châu Côn-Lang vốn là nước Điền, cách tây kinh năm ngàn ba trăm bảy chục dặm. Có hàng chục quân trưởng ở chỗ từ nước Điền lên phía bắc, lớn nhất là quân trưởng nước Cung Đô, người ở đây đều búi tóc, cày ruộng, có làng ấp. Ở phía tây ngoài chỗ ấy từ huyện Đồng Sư về phía đông, Sách ẩn: Hán thư chép là huyện Đồng Hương. phía bắc đến huyện Diệp Du Tập giải: Vi Chiêu nói: “Tại quận Ích Châu. Diệp, đọc là ‘diệp’.” Chính nghĩa: Có đầm Diệp ở phía bắc châu Mi hơn một trăm dặm. Huyện Diệp Du thời Hán ở phía tây đầm Trạch. Huyện Mi Phi quận Ích Châu vốn là nước thuộc Diệp Du Vương. là chỗ của người Tủy, người Côn Minh, Tập giải: Từ Quảng nói: “Quận Vĩnh Xương có huyện Tủy Đường.” Sách ẩn: Thôi Hạo nói: “Là tên hai nước.” Vi Chiêu nói: “Tủy là huyện thuộc quận Ích Châu.” Chính nghĩa: Tủy, đọc là ‘tủy’, là châu Tủy ngày nay. Côn Minh là huyện thuộc châu Tủy, có lẽ phía nam liền huyện Côn Minh, nhân đó đặt tên ấy. người ở đây đều bện tóc, dời theo bầy vật nuôi, không thường ở một chỗ, không có quân trưởng, đất rộng khoảng mấy ngàn dặm. Có hàng chục quân trưởng ở từ chỗ của người Tủy về phía đông bắc, lớn nhất là quân trưởng nước Tư-Tạc. Tập giải: Từ Quảng nói: “Huyện Tư tại quận Hán Gia. Tạc, đọc là ‘tạc’, tại quận Việt Tủy.” Sách ẩn: Phục Kiền nói: “Là tên hai nước.” Vi Chiêu nói: ” Huyện Tư thuộc quận Thục, huyện Tạc thuộc quận Việt Tủy.” Chính nghĩa: Tư, đọc là ‘tư’. Quát địa chí chép: “Châu Tạc vốn là chỗ ngoài phía tây quận Thục, là chỗ của người Miêu Khương, người Tủy. Địa lí chí chép: “Có huyện Tư.” Hoa dương quốc chí chí chép: “Núi Cung Hiệp thuộc châu Nhã vốn là núi Cung Tạc, là chỗ của người nước Cung, người nước Tạc.Có hàng chục quân trưởng ở chỗ từ nước Tạc Đô về phía đông bắc, lớn nhất là quân trưởng nước Nhiễm Mang, Sách ẩn: Xét: Ứng Thiệu nói: “Quận Vấn Giang vốn là nước Nhiễm Mang. Đọc là ‘vô giang’ phiên.” Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Là chỗ của người Khương ngoài phía tây quận Thục, các châu Mậu-Nhiễm vốn là nước Nhiễm Mang. Hậu Hán thư chép là trong núi nước Nhiễm Mang có sáu nhóm người Di, bảy nhóm người Khương, chín nhóm người Đê, đều có bộ lạc.” người dân ở đây có thói ở một chỗ hoặc di chuyển, chỗ này ở phía tây của quận Thục. Có hàng chục quân trưởng ở chỗ từ nước Nhiễm Mang về phía đông bắc, lớn nhất là quân trưởng nước Bạch Mã, Sách ẩn: Là tên ấp của người rợ, là người Đê Bạch Mã. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Các châu Thành-Vũ ở miền Lũng Hữu đều là chỗ của người Đê Bạch Mã, quân trưởng nước ấy là người họ Dương trú ở trên núi Cừu Trì châu Thành.” đều là người Đê. Đấy đêu là người Man-Di ở ngoài phía tây nam quận Ba-Thục.

Lúc trước vào thời Uy Vương nước Sở, sai tướng quân tên là Trang Cược đem quân ngược theo sông Giang đánh lấy các nước từ quận Ba-Thục-Kiềm Trung về phía tây. Chính nghĩa: Đọc là ‘kì lược’ phiên. Các châu Lang-Côn là chỗ mà Trang Cược làm vua. Trang Cược vốn là dòng dõi của Trang Vương nước Sở. Sách ẩn: Cược, đọc là ‘cự chước’ phiên. Là em của Trang Vương nước Sở, từng làm kẻ cướp. Cược đến đầm Điền, đầm rộng ba trăm dặm, Sách ẩn: Địa lí chí chép: “Quận Ích Châu có huyện Điền Trì, có đầm ở phía tây bắc.” Hậu Hán thư chép: “Nguồn nước đầm này sâu rộng, lại đổi thành nông hẹp như dòng nước chảy ngược, cho nên gọi là đầm Điền.” bên đầm là đất bằng màu mỡ rộng mấy ngàn dặm, bèn đem quân uy hiếp lấy gộp vào nước Sở. Muốn về báo tin, nhưng gặp lúc quân nước Tần đánh lấy các quận Ba-Kiềm Trung của nước Sở, đường bị nghẽn chẳng thông, do đó quay lại, làm vua của người nước Điền, đổi áo theo thói của người ở đấy để làm kẻ đứng đầu. Thời nhà Tần thường mở đường năm thước, Sách ẩn: Là nói đường sàn rộng năm thước. Chính nghĩa: Quát địa chí chép: “Đường năm thước ở châu Lang.” Nhan Sư Cổ nói: “Chỗ ấy chật hẹp, cho nên đường chỉ rộng năm thước.” có đặt quan lại ở một số nước ấy. Được hơn chục năm thì nhà Tần mất. Kịp lúc nhà Hán nổi lên lại đều bỏ các nước ấy mà chỉ mở đường nhỏ ở quận Thục. Có người dân ở quận Ba-Thục lẻn ra buôn bán, thu mua ngựa của người Tạc, nô lệ và bò lông dài của người Bặc, Chính nghĩa: Các châu Ích-Nam Nhung ngày nay phía bắc kề núi lớn là nước Bặc xưa. Sách ẩn: Vi Chiêu nói: “Huyện Bặc thuộc quận Kiền Vi, đọc là ‘bồ bắc’ phiên. Phục Kiền nói: “Lúc trước ở kinh sư có kẻ hầu gái người Bặc.”, do đó người quận Ba-Thục giàu có.

Năm Kiến Nguyên thứ sáu (năm 135 TCN), quan Đại hành là Vương Khôi đánh nước Đông Việt, người nước Đông Việt giết vua của mình tên là Sĩnh để báo tin. Khôi nhân oai quân sai quan Lệnh huyện Bà Dương là Đường Môn đến báo cho vua nước Nam Việt biết. Vua nước Nam Việt mời Mông ăn món tương củ. Tập giải: Từ Quảng nói: Củ, đọc là ‘cũ’. Bùi Nhân xét: Hán thư âm nghĩa chép: “Cây củ giống cây lúa nhưng lá như lá cây dâu, lấy lá của nó để làm giấm tương, ngon, người quận Thục cho là món ăn quý.” Sách ẩn: Xét: Lưu Đức nói: “Cây củ như cây dâu, quả của nó dài hai-ba tấc, vị chua, lấy hạt của nó để làm tương, ngon.” Lại nói: “Cây củ leo cây khác mà lớn lên, không phải là cây gỗ. Người đất Thục ngày nay có trồng cây này, quả như quả dâu nhưng vị cay như gừng, không chua.” Lại chú rằng lá như lá cây dâu là sai. Quảng chí chép: “Quả màu đen, vị cay, trừ hơi tiêu cơm.” Mông hỏi từ đâu, nói: “Theo đường sông Tang Kha ở phía tây bắc, sông Tang Kha rộng mấy dặm, Chính nghĩa: Thôi Hạo nói: “‘Tang kha’ là cọc buộc thuyền.” Hoa dương quốc chí của họ Thường chép: “Vào thời Khoảnh Tương Vương nước Sở sai Trang Cược đánh nước Dạ Lang, đem quân đến nước Thư Lan, buộc thuyền ở bờ rồi lên đánh trên đất. Đã diệt nước Dạ Lang, cho là nước Thư Lan có cọc buộc thuyền, bèn đổi tên nước ấy thành nước Tang Kha. qua dưới thành Phiên Ngu.” Mông về đến thành Tràng An, hỏi nhà buôn đến từ quận Thục, nhà buôn nói: “Riêng quận Thục có món tương củ, lén đem nhiều ra bán ở nước Dạ Lang. Nước Dạ Lang kề sông Tang Kha, sông này rộng hơn một trăm bước, đủ để đi thuyền. Vua nước Nam Việt đem tiền của đến để sai khiến người nước Dạ Lang, phía tây đến ấp Đồng Sư, nhưng cũng không bắt người các nước ấy thần phục được.” Mông bèn dâng thư khuyên nhà vua rằng: “Vua nước Nam Việt ngồi xe lọng vàng cắm cờ tiết bên trái, có đất rộng hơn vạn dặm trải từ đông sang tây, mang tiếng là bầy tôi ở ngoài nhưng thực là chúa của một châu. Nay đem quân từ các quận Trường Sa-Dự Chương đến đánh thì đường sông có nhiều chỗ ngăn cách, khó đi. Thần trộm nghe nước Da Lang có được khoảng chục vạn quân mạnh, nếu chèo thuyền theo sông Tang Kha mà ra chỗ người ta không ngờ đến tới cũng là một cách hay để đánh người Việt vậy.” Nhà vua nghe theo. Bèn bái Mông làm Lang trung tướng đem một ngàn người, hơn một vạn người chở đồ dùng tiền lương theo từ đường cửa Tạc quận Ba-Thục đi vào, rồi gặp vua nước Dạ Lang tên là Đa Đồng. Mông ban cho nhiều đồ dùng, tỏ uy đức để dụ, hẹn đặt ra quan lại, sai con của Đa Đồng làm quan Lệnh. Người các ấp nhỏ kề nước Dạ Lang đều ham tơ lụa của nhà Hán, lại cho là con đường mà quân nhà Hán hiểm trở nên chẳng đánh lấy mình được, nèn nghe theo lời hẹn của Mông. Mông về báo, liền lập nên quận Kiền Vi, phát lính của quận Ba-Thục sửa đường từ nước Bặc thẳng đến sông Tang Kha. Sách ẩn: Địa lí chí chép: “Nước Dạ Lang lại có sông Đồn, phía đông chảy đến huyện Tứ Hội quận Nam Hải mà vào biển, đấy là sông Tang Kha. Người quận Thục là Tư Mã Tương Như cũng nói nên đặt quận ở các nước Cung-Tạc của người Di miền tây nam. Bèn sai Tương Như làm Lang trung tướng đến dụ, cùng đến chỗ người Di miền tây nam, đặt ra một quan Đô úy, hơn chục huyện, thuộc vào quận Thục.

Vào lúc ấy, người bốn quận Ba-Thục Tập giải: Từ Quảng nói: “Là các quận Hán Trung-Ba-Quảng Hán-Thục.” mở đường đến chỗ người Di miền tây nam, chở lương ăn đến cấp. Được mấy năm mà đường chẳng thông, rất nhiều quân lính đói mệt gặp phải hơi ẩm mà chết; mà người Di miền tây nam lại nhiều lần làm phản, phát binh đến đánh cũng tổn hao không có công gì. Nhà vua lo, sai Công Tôn Hoằng đến hỏi xem việc ấy. Hoằng về báo nói là việc ấy không được lợi. Kịp lúc Hoằng làm Ngự sử đại phu là lúc lúc đang đắp thành Sóc Phương để dựa vào sông Hà đuổi rợ Hồ, Hoằng nhân đó nói người Di miền tây nam gây hại, nên tạm bỏ, dốc sức đánh nước Hung Nô. Nhà vua bèn bỏ việc đến chỗ người Di miền tây nam, chỉ đặt một quan Đô úy của hai huyện thuộc nước Dạ Lang ở miền tây nam, lại sai người quận Kiền Vi tự giữ lấy. Chính nghĩa: Sai người quận Kiền Vi tự giữ lấy mà dần dần tu sửa quận huyện của mình.

Kịp đến năm Nguyên Thú thứ nhất (năm 122 TCN), Bác Vọng Hầu là Trương Khiên đi sứ nước Đại Hạ về nói là lúc ở nước Đại Hạ có thấy vải của người quận Thục, gậy tre của của người nước Cung, Tập giải: Vi Chiêu nói: “Là tre của người huyện Cung thuộc quận Thục.” Toản nói: “Cung là tên núi, đốt tre ở đấy cao mà ống đặc, làm gậy được.sai người hỏi đến từ đâu, nói: “Từ nước Thân Độc phía đông nam, Tập giải: Có bản Sử kí chép là nước Can Độc. Bùi Nhân xét: Hán thư âm nghĩa chép: “Còn có tên là nước Thiên Trúc, là nước của rợ Hồ có Phù Đồ.” cách khoảng mấy ngàn dặm, mua được từ nhà buôn quận Thục.” Có người nói là phía tây nước Cung khoảng hai ngàn dặm có nước Thân Độc. Khiên nhân đó nói to lên là nước Đại Hạ ở phía tây nam của nhà Hán rất thích đến Trung Quốc, nhưng lo người Hung Nô chặn đường đi. Nếu mở đường từ quận Thục đến nước Thân Độc lại gần mà có lợi không có hại. Do đó thiên tử liền sai bọn Vương Nhiên Vu, Bách Thủy Xương, Lữ Việt Nhân đi sứ, ra từ phía tây của chỗ người Di miền tây nam để đến nước Thân Độc. Đến nước Điền, vua nước Điền tên là Thường Khương bèn giữ lại, giúp cho hơn chục nhóm người tìm đường về phía tây. Hơn một năm đều bị người Côn Minh chặn lại, Tập giải: Như Thuần nói: “Bị người Côn Minh chặn đường.” Chính nghĩa: Người Côn Minh ở phía nam châu Tủy, là huyện Côn ngày nay. chẳng ai đến được nước Thân Độc.

Vua nước Điền nói chuyện với sứ giả của nhà Hán rằng: “Nhà Hán so với nước ta thì ai lớn hơn?” Kịp lúc đó vua nước Dạ Lang cũng hỏi như vậy. Là vì đường không thông, đều tự cho là chúa của một châu mà không biết nhà Hán rộng lớn đến nhường nào. Sứ giả về, đều nói to lên rằng nước Điền là nước lớn, đủ để thân thiết. Thiên tử cũng để ý đến nước ấy.

Kịp đến lúc vua nước Nam Việt làm phản, nhà vua sai Trì Nghĩa Hầu đến quận Kiền Vi phát quân người Di miền tây nam đi đánh. Vua nước Thư Lan sợ đi xa Sách ẩn: Thư, đọc là ‘tử dư’ phiên. Là tên nước nhỏ. Sau đặt thành huyện thuộc quận Tang Kha. thì người nước bên bắt lấy kẻ già yếu của mình, bèn dấy binh của nước mình làm phản, giết sứ giả và Thái thú quận Kiền Vi. Nhà Hán bèn sai tám viên Hiệu úy phát người có tội ở quận Ba-Thục từng đánh nước Nam Việt quay về đánh phá nước ấy. Gặp lúc nước Nam Việt đã bị phá, tám viên Hiệu úy của nhà Hán không xuống phía dưới, liền dẫn binh về đi đánh nước Thư Lan, là nước chặn đường đến nước Điền. Đã phá nước Thư Lan, rồi dẹp người Di miền tây nam đặt thành quận Tang Kha. Vua nước Dạ Lang lúc trước cậy thế của nước Nam Việt, kịp lúc quân Hán đã diệt nước Nam Việt mà quay về đánh các nước làm phản, vua nước Dạ Lang bèn vào chầu. Nhà vua cho làm Dạ Lang Vương.

Sau khi nước Nam Việt bị phá, kịp lúc quân Hán đánh diệt các nước Thư Lan-Cung Đô, lại giết vua của nước Tạc Đô, vua các nước Nhiễm Mang đều sợ hãi, xin thần phục đặt quan lại. Nhà Hán bèn lấy nước Cung Đô đặt thành quận Việt Tủy, lấy nước Tạc Đô đặt thành quận Thẩm Lê, lấy nước Nhiễm Mang đặt thành quận Vấn San, Tập giải: Ứng Thiệu nói: “Là huyện Mân Giang quận Thục ngày nay.” lấy đất của người Bạch Mã phía tây quận Quảng Hán lập nên quận Vũ Đô.

Nhà vua sai Vương Nhiên Vu đưa tin oai quân phá nước Nam Việt và người Di miền tây nam đến khuyên dụ vua nước Điền vào chầu. Vua nước Điền còn có mấy vạn quân, phía đông bắc kề mình có người các nước Lao Tẩm-Mi Mạc Sách ẩn: Lao Tẩm, Mi Mạc là hai nước có cùng họ với vua nước Điền. đều là người cùng họ giúp nhau, chưa chịu nghe theo. Người Lao Tẩm-Mi Mạc nhiều lần xâm phạm sứ giả, quan quan. Năm Nguyên Phong thứ hai (năm 109 TCN), thiên tử phát quân của miền Ba-Thục đánh diệt các nước Lao Tẩm-Mi Mạc, đem quân đến nước Điền. Lúc ấy vua nước Điền mới chịu theo hàng, cho nên không giết. Vua nước Điền rời khỏi chỗ người Di miền tây nam, đem người cả nước ra hàng, xin đặt quan lại rồi vào chầu. Do đó lấy nước Điền đặt nên quận Ích Châu, bán ấn vương cho vua nước Điền, sai lại làm vua của dân mình như trước.

Có đến hàng trăm quân trưởng của người Di miền tây nam, nhưng chỉ có vua các nước Dạ Lang-Điền nhận ấn vương. Điền là nước nhỏ mà được sủng ái nhất.

Thái sử công nói: Tổ tiên của vua nước Sở há có lộc trời chăng? Vào thời nhà Chu thì làm thầy của Văn Vương, được phong ở nước Sở. Kịp lúc nhà Chu suy mà vẫn có đất rộng năm ngàn dặm. Nhà Tần diệt chư hầu mà riêng dòng dõi của vua nước Sở còn làm vua nước Điền. Nhà Hán diệt người Di miền tây nam, nhiều nước bị mất nhưng riêng nước Điền được sủng ái. Mầm mối đến chỗ người Di miền tây nam là việc thấy tương củ ở thành Phiên Ngu, gậy tre của nước Cung ở nước Đại Hạ. Sau đó người Di miền tây nam bị chia cắt thành hai miền, Sách ẩn: Ý nói sau này người Di miền tây nam bị xua đuổi đi, rồi chia ở hai miền góc tây nam, đều thuộc quận huyện. cuối cùng đặt thành bảy quận. Tập giải: Từ Quảng nói: “Là các quận Kiền Vi, Tang Kha, Việt Tủy, Ích Châu, Vũ Đô, Thẩm Lê, Vấn Sơn.”

Sách ẩn: Thuật tán rằng:

“Ngoài cõi tây nam,
Trang Cược mở đường,
Biết nước Đại Hạ,
Bèn sai Đường Mông,
Lao Tẩm, Mĩ Mạc,
Lạ tục khác phong,
Dạ Lang lớn nhất,
Cung-Tạc xưng hùng,
Kịp đặt quận huyện,
Muôn đời ghi công.”