Mười tám đời Hùng Vương là những ai?

Theo Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả, sưu khảo bởi Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt thì 18 đời Hùng Vương gồm:

Giai đoạn Sơn triều Thánh tổ:

1. Hùng Vũ Vương, bắt đầu vào quãng 5.000 năm trước. Tên thường gọi là Thái Tổ Đế Minh. Tên thờ là Đột Ngột Cao Sơn, hay đầy đủ là Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ Tiền Hoàng Đế. Chính đền thờ tại núi Hùng Nghĩa Lĩnh.

2. Hùng Hy Vương, tên thường gọi là Đế Nghi. Tên thờ là Viễn Sơn Thánh Vương. Đền chính tại núi Hùng Nghĩa Lĩnh. Khu vực thờ khác là ở núi Hồng Lĩnh của Nghệ Tĩnh.

3. Hùng Anh Vương, tên thường gọi là Lộc Tục. Tên thờ là Ất Sơn Thánh Vương. Đền chính ở núi Hùng Nghĩa Lĩnh. Khu vực khác là ở vùng chân núi Lịch, Sơn Dương, Tuyên Quang.

4. Hùng Việt Vương, tên thường gọi là Kinh Dương Vương. Tên thờ là Nam Thiên Thủy Tổ Tản Viên Sơn Thánh. Chính đền ở vùng núi Ba Vì.

Giai đoạn Kinh triều Lạc thị:

5. Hùng Hoa Vương, quãng 4.000 năm trước. Tên thường gọi là Lạc Long Quân. Tên thờ là Linh Lang Đại vương hay vua cha Bát Hải Động Đình. Chính đền ở An Phụ, hồ Dâm Đàm. Đền thờ ở nhiều nơi khác trên vùng Đồng bằng Bắc Bộ và ven biển.

6. Hùng Uy Vương, là triều đại phục hưng sau sự gián đoạn bởi Trạch quốc của Chử Đồng Tử. Hoa sử gọi là nhà Hạ Trung hưng.

7. Hùng Huy Vương, người Dao gọi là Bàn Vương, sáng lập ra nhà Thương ở vùng Nam sông Dương Tử.

8. Hùng Duệ Vương, là triều đại nhà Ân sau khi theo Bàn Canh vượt Dương Tử tiến lên Hoàng Hà.

Giai đoạn Thục triều Văn Lang:

9. Hùng Chiêu Vương, quãng 1.100 TCN. Tên thường gọi là Văn Lang. Tên thờ là Âu Cơ. Đền chính ở Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ.

10. Hùng Quốc Vương, tên thường gọi là Vũ Ninh. Tên thờ là Hùng Linh Công. Đền chính ở Y Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang

11. Hùng Tạo Vương, tên thường gọi là An Dương Vương. Hoa sử gọi là Đông Chu Vương. Đền chính ở Cổ Loa.

12. Hùng Nghị Vương, tên trong Hoa sử là Dịch Hu Tống của nước Tây Âu hay Chu Vương thời Chiến Quốc.

Giai đoạn Hoàng triều Triệu Hiếu:

13. Hùng Định Vương, tên thường gọi là Tần Vương. Tần Thủy Hoàng xưng đế năm 221 TCN.

14. Hùng Trịnh Vương, tên thường gọi là Lý Bôn hay Lưu Bang. Tên thờ là Triệu Vũ Đế. Đánh đổ nhà Tần năm 206 TCN. Chính từ thờ tại Đồng Sâm, Thái Bình.

15. Hùng Triệu Vương, tên thường gọi là Triệu Quang Phục. Lập quốc Nam Việt và xưng đế năm 179 TCN. Đền chính ở vùng Dạ Trạch và các đền ven cửa Độc Bộ ở biển Nam Định, Ninh Bình.

16. Hùng Hiếu Vương, tên thường gọi là Lý Phật Tử. Hoa sử gọi là nhà Tây Hán.

17. Hùng Trưng Vương, bắt đầu quãng năm 110 TCN. Tên thường gọi là Bà Trưng. Tên thờ là Ả Lã Nàng Đê. Đền chính ở Hát Môn.

18. Hùng Tân Vương, tên thường gọi là Vương Mãng. Trên đất Việt là giai đoạn các thái thú Đặng Nhượng, Tích Quang.

Hỏi kỹ chuyện qua mà chép sử
Thấy rành như vẽ mới làm thơ.

Link bản đồ:

Đi suốt thời đại Hùng Vương

Nhận thức về thời đại Hùng Vương là một quá trình rất dài, rất khó mà nếu không có tâm, không có sức thì khó có thể nhận ra được chân tướng dù là ở những chi tiết nhỏ nhất. Sẽ là quá đơn giản, nếu không nói là thô thiển và ấu trĩ, khi cho rằng 18 đời Hùng Vương chỉ là sự việc trong chốc lát vài trăm năm, rằng vua Hùng nào cũng giống như vua Hùng nào, không đội lông chim thì chắc cũng phải đóng khố… Sự thực 18 triều đại Hùng Vương của người Việt đã trải qua gần 3.000 năm lịch sử, phát triển từ thấp đến cao, từ thời kỳ đồ đá qua đồ đồng tới đồ sắt, từ khi con người mới đang ăn lông ở lỗ cho tới thời kỳ thiên hạ hàng triệu dân thống nhất trên vùng trời Đông. Xã hội thời Hùng Vương trong quá khứ người Việt đã bước từng bước qua 4 nấc thang phát triển Hồng – Lạc – Âu – Triệu ứng với 4 danh xưng thủ lĩnh thiên hạ là Tổ – Phụ – Vương – Đế.

Thời đại Hùng Vương bắt đầu từ khi núi sông Bách Việt có Tổ. Hoàng Đế Hữu Hùng Đế Minh 5.000 năm trước mở nước họ Hồng Bàng, thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ, là ngọn núi Thái Sơn đột ngột vươn lên từ trong bóng đêm thủa hồng hoang chập chững của con người Việt. Tam vị Hùng Vương Sơn nối nhau kế trị, đạo thánh thần minh, vạn đời tín ngưỡng là những vị Thánh Tổ ngự ở đền Hùng trên núi Hy Cương. Sơn triều Hùng Vương Thánh Tổ được nối tiếp bởi Tản Viên Sơn, vị Kinh Dương Vương sơ khai Nam Việt, Nam Thiên Thánh Tổ, gậy thần sách ước lập nên thiên hạ nước Xích Quỷ, đóng đô miền Ngũ Lĩnh – Ba Vì, vượt lên thiên tai địch họa, mở mang bách nghệ, đặt nền móng vạn thế thịnh vượng cho nhân dân Việt.

Bước ngoặt của xã hội Việt 4.000 năm trước được đánh dấu bằng Vua cha Lạc Long Quân, xuất thế Rồng bay biển Bát, theo bờ biển thoái mà khai mở vùng Động Đình ven sông biển, dùng cày cấy và đánh cá mà tạo sự tự chủ cho cuộc sống của con người đối với thiên nhiên. Xã hội Việt bắt đầu thời kỳ thị tộc Phụ đạo, cha truyền con nối. Lịch sử ghi rằng Lạc triều truyền 18 đời, mở đất theo hướng Đông Nam xa vạn dặm. Hai triều đại Hạ Thương – họ Việt Thường mang dấu ấn thời theo cha Lạc Long xuống biển, kéo dài ngàn năm, cho tới thời Hùng Duệ Vương thì biên giới phía Nam (Bắc nay) đã vượt qua Dương Tử sang đến Hoàng Hà.

Song song với dòng theo Cha Rồng xuống biển Đông, dòng dõi trăm trứng theo Mẹ Tiên lên núi cũng làm nên kỳ tích, vượt dải núi Ai Lao ở Vân Nam, tiến đến Ba Thục ở Quý Châu, làm chủ toàn bộ miền Tây thiên hạ. Tới thời Lạc Vương đời cuối là Hùng Duệ Vương vào hơn 3.000 năm trước, Thục chủ Âu Cơ, theo điềm Phượng gáy non Kỳ, lấy văn đức làm gốc rễ, thụ nhận thiên mệnh, nắm được triết lý nhân sinh mà tác Dịch, tượng trưng trong bánh chưng bánh dày, thay thế Lạc Vương mà dựng nước Âu Lạc, lên ngôi là Thiên tử của toàn Thiên hạ. Chu Vương – Lang Liêu của nước Văn Lang đã phân phong trăm chư hầu, lập ra trăm quan, đặt ra trăm họ, phong cho trăm thần. Thục triều đã tạo dựng nên đất đai và các dòng tộc Bách Việt, hình thành nếp gấp về văn hóa và các vùng lãnh thổ lâu dài cho mãi tới ngày nay.

Thiên hạ với thập nhị hành khiển.

Trăm dòng Bách Việt có lúc thịnh lúc suy, trải qua thời Xuân Thu, Chiến Quốc hợp lại dần thành những Ngũ Bá, Thất Hùng. Để đến thế kỷ III trước Công nguyên, Triệu Đà diệt An Dương Vương, chiếm lục quốc, rồi xưng Hoàng Đế, thống nhất Trung Hoa, phân chia quận huyện mà trị. Nhà Tần Triệu duy trì không được lâu, nhưng chế độ nhất thống Trung Hoa đã là xu thế không thể đảo ngược. Triệu Vũ Đế Lưu Bang từ một thường dân áo vải tranh hùng với Hạng Sở rồi một lần nữa gồm thâu Trung Quốc, khai cơ Vạn Xuân. Phương Nam được phong cho hậu duệ nhà Chu là Nam Việt Vương Triệu Quang Phục cai quản. Cao Tổ và Lữ Hậu mất, Triệu Quang Phục tự xưng Đế, đi xe hoàng ốc, cắm cờ tả đạo, phân đôi Thiên hạ cùng nhà Hiếu. Nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn phát triển cực thịnh dưới thời quốc gia Nam Việt. Tới thời Hiếu Vũ Đế có hùng tài đại lược, chiếm lại đất phương Nam, đuổi Triệu Việt Vương cùng đường nơi cửa khẩu Đại Nha. Trung Hoa nhất thống tập quyền về một mối, đánh dấu giai đoạn phát triển xã hội cao nhất trong thời đại Hùng Vương.

Lịch sử chân thực của thời đại Hùng Vương khẳng định dòng giống con Rồng cháu Tiên của người Việt và khắc ghi công ơn tiên tổ đã làm nên nền văn minh thuộc vào hàng sớm nhất trên thế giới, với phạm vi bao trùm khắp trời Đông. Nguồn cội và công ơn này mãi còn trong tâm thức người Việt.

Câu đối ở nghi môn đền Thượng trên núi Hùng Nghĩa Lĩnh:

Thông thông uất uất, trung hữu lăng yên tẩm yên, Long phụ Tiên mẫu chi tinh linh, khởi hựu hậu nhân võng khuyết

Cổ cổ kim kim, kiến thử sơn dã thủy dã, Thánh tổ Thần tôn chi sáng tạo, ô hô tiền nhân bất vong.

Dịch nghĩa:

Xanh xanh tốt tốt, trong có này lăng này tẩm, là tinh linh của Cha Rồng Mẹ Tiên, đó giúp đời sau không thiếu

Xưa xưa nay nay, thấy đây kìa sông kìa núi, là sáng tạo bởi Tôn Thần Tổ Thánh, hỡi ôi người trước mãi còn!

Hùng Vương Tam Thánh Tổ bản kỷ

Lịch kỷ họ Hùng

Xét như tiếng đức Tiền hoàng đế thời Thái cổ, từ kỷ Tam Hoàng Ngũ Đế đến nay, theo nguyên mệnh của xuân thu, bao gồm thời mở mang hồng hoang trước trời đất. Trời ban đầu mở vào Giáp Tí. Đất tụ mang ở Ất Sửu. Vận người sinh ở Giáp Dần. Vạn vật ra đời ở gian Ất Mão. Từ thời Bàn Cổ, Thái cực sinh Lưỡng Nghi, là Thiên Địa. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng biến hóa thành nhiều hình trạng.

Thời Hỗn Mang còn chưa biết đạo trời đất khởi đầu thế nào, đến Âm dương biến làm Tam tài, vị quân thủ dẫn đường dần dần mở ra phong khí, dần dần có văn minh, làm rõ ràng các giáo lý trị dân. Trời xuất hiện nhiều bậc đại thánh. Cha trời Mẹ đất là Thiên tử xuất hiện đầu tiên. Sau đến các vật ở vạn nước được yên định, nhận trọng trách lớn như thế sao.

Thiên Hoàng nối Bàn Cổ mà trị ở ngôi Thiên tử, nắm quyền chế độ, mới chế ra Can chi. Mười can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ Canh, Tân, Nhâm, Quý.

Mười hai chi là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Vị, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Lấy đó để định thời gian, giúp nhân dân biết phương hướng. Cứ mỗi đời có bậc quân vương lại tất có sự sáng chế của quân vương đó. Các vua sau từ đó noi theo trăm đời không lay. Lấy việc giải quyết cho dân làm khó. Lấy sự an định làm nguy. Xem hiền mà sửa mình.

Địa Hoàng định hai thời phân làm ngày đêm, lấy ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm. Gộp những sai lệch mà bày ra nhuận, cuối cùng thì phục hồi lại thời gian như ban đầu, lấy thời khí theo đó. Các anh em của người cứ một vạn tám ngàn năm là chúa tể thiên hạ các phương, sáng chế lập ra pháp luật, ban bố vạn đời. Khiến cho hậu thế đều biết được chỗ sáng tối, tháng năm như thế.

Trời sinh tinh khí thánh nhân tụ hội ở vị trí là thầy là vua, cao quý hơn hết. Vị trí là vị trí của Trời. Lộc là lộc của Trời. Thiên tử thay Trời lo vật, thừa mệnh Trời mà ra trị. Kính Trời, theo phép tổ, làm việc quý người, bèn phân chia chức trách như vậy.

Nhân Hoàng một họ chín người cùng nhau, núi sông chia làm chín khu, người ở một phương. Thời này vạn vật đều thuần hậu, ôn hòa. Chúa không dối, vua thần không dối. Tận hưởng lộc trời tốt thay. Tới thời Xuân Thu khi Lỗ chúa công là Tưởng bắt Kỳ Lân năm thứ mười bốn.

Xét trải tháng năm, ngày được ba trăm hai mươi sáu vạn bảy ngàn năm, chia làm mười kỷ, là: Cửu Đầu, Ngũ Long, Nhiếp Đề, Hợp Lạc, Liên Thông, Tự Mệnh, Tuần Phỉ, Nhân Đề, Thiền Thông, Sơ Ngật, tất cả là mười kỷ. Từ Nhân Hoàng đến Tự Mệnh có tám mươi tám vị quân vương. Từ Tuần Phỉ về sau đều truyền các vua nối vị.

Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ

Kỷ Thiền Thông kết thúc vào thời Thần Nông. Kỷ Sơ Ngật được khởi đầu từ Hoàng Đế, là Hiên Viên, lấy đức trị dân, họ hiệu là Hữu Hùng Thị, tên xưng Đế Minh. Đế Minh là con cháu của Thần Nông, họ Công Tôn, tên là Hiên Viên, sinh ra thần dị, chớm sinh biết nói nhỏ thì thông minh, lớn thì đôn hậu, trưởng thành thì sáng suốt. Thời đó dòng dõi Thần Nông là Viêm Đế suy yếu, chư hầu xâm chiếm lẫn nhau, bạo ngược trăm họ, vậy mà Viêm Đế không thể chinh phạt được. Viêm Đế muốn xâm chiếm chư hầu, chư hầu đều quy thuận Đế Minh.

Đế Minh bèn sửa sang đức chính, chấn chỉnh quân đội, thuận theo khí của Ngũ hành, gieo trồng ngũ cốc, vỗ về muôn dân, đo đạc bốn phương, huấn luyện gấu beo hổ báo tỳ hưu, rồi cùng Viêm Đế đánh nhau ở cánh đồng Bản Tuyền, qua ba trận mới thắng.

Riêng Ngô Thục Xi Vưu bạo ngược nhất, dấy loạn, không theo lệnh vua. Vậy là Đế Minh liền trưng tập quân chư hầu cùng Ngô Thục đánh nhau ở cánh đồng Trác Lộc. Trong trận chiến này Đế Minh đã được sự ủng hộ của Tây Thiên Lăng Thị, chính là bà Lụy Tổ. Nhờ đó Đế Minh đã thắng Ngô Thục Xi Vưu. Chư hầu đều tôn Đế Minh làm Minh chủ. Từ đó mới có tên là Đế Minh và được tôn thờ là Đột Ngột Cao Sơn Thánh vương.

Xưa Đế Minh trên đường ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa có đại cuộc chân long quý mạch để lập đô ấp, trấn trị thiên hạ. Qua đất Hoan Châu (xưa là Hoan Châu, nay là xứ Nghệ An, phủ Đức Quang huyện Thiên Lộc, các xã Điền Thiên Lộc, Tả Thiên Lộc và Lễ Hữu) Vua ngắm xem hình thế, thấy được một vùng có quý cuộc phong cảnh tươi đẹp như lâu đài muôn nhẫn, tên là núi Hùng Thứu Lĩnh, tất cả có 199 núi, xưa gọi là Cựu Đô, nay là Ngàn Hống.

Vùng đất này non biển đúc linh, núi sông khe hồ hội chầu, tụ họp ở ven biển tại xã Hội Thống. Ở cửa Hội Thống núi chạy quanh co, sông chảy uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông. Vua bèn xây dựng đô thành cung điện lâu đài cửa ngọc, làm nơi cho bốn phương triều cống.

Ngày sau Vua lại đi tuần thú, rong ruổi xem khắp các nơi sông núi, đến xứ Sơn Tây thấy một nơi địa thế trùng điệp, sông đẹp núi lạ, non nước đúc thiêng. Vua bèn thân ngự giá lên núi, tìm mạch đất, nhận thấy khí mạch từ núi Côn Lôn xuất ra, theo từ động Vân Nam, Ngũ Lĩnh của nước lớn tiếp gặp Ải Môn Thủy Đỗ của sông Ngưỡng Đức, nước phân ra như hình chữ Bát. Xuyên núi thấu mạch dẫn tới Cao Bình, Lạng Sơn, Càn Hải, Cửu Châu. Các núi cao vút, bỗng nổi lên thành núi Tam Đảo, như rồng giáng khí ở châu Thái Nguyên, nước chảy khe trên Thiên Thị Thạch Bàn, ngược núi ngược sông. Mạch dẫn liên miên, đưa tới các châu Bảo Lạc, Bằng Di, Thu Vật, Phúc Yên. Đầu nguồn nước từ khe Hoàng Hà, sông Lô, Càn Thủy mà chảy dẫn mạch giáng khí, qua Ải Môn Thủy Đỗ thoát mạch, rồng dẫn đi xa, tới đất Tuyên Quang, thế rõ từ núi Tụ Long, liền tới châu Thu Vật, biến ra toà kim tinh cao muôn nhẫn.

Mạch đất chạy ở giữa chia trái phải. Sông Hán, sông Lô, sông Hoàng, sông Bảo, hai bên dưỡng mạch, chảy tới Lâm Thao, Đoan Hùng, Hạ Hoa, Thanh Ba, Tây Lan, Phù Ninh, đến chùa Hoa Long, thôn Việt Trì ở ngã ba sông Bạch Hạc. Núi lạ sông đẹp, ngọc tụ nước ngưng, chân đá giáp nước, trái phải cùng đổ về, là chính đường của vạn nhánh, hội tụ chính khí. Bên ngoài chia Nam Bắc sông Tứ, Thiên Đức, Hát Môn, Tô Lịch, ngàn khe vạn dòng, đều cùng quay đầu về.

Đầu mạch đất này bên trái từ sông Lôi núi chạy sông theo, tới các huyện Đương Đạo, Đông Lan, Sơn Dương, Tam Dương, bỗng dựng lập núi Tam Đảo. Cung tiên bên trái là rồng xanh, nghìn núi vạn sông chảy ra ở Lập Thạch, Bách Nê, Chu Diên, Thanh Tước, đất sáng như mở chén ngọc. Các núi giúp chuyển tới xứ Kinh Bắc các núi Chu, Sóc, Chung, Trà, Từ, Mộc Phàm, Tích, An Lão phục chầu. Dẫn đến xứ Hải Dương các núi Đông Triều, Hoa Phong, Yên Tử. Mạch tới ngoài biển tám xã Đồ Sơn, là đầu rồng chầu án.

Bên phải mạch đất từ Ba Thục, Hán Giang, Hoàng Giang, Lô Thao Giang, núi dẫn sông theo, tới mười châu Tuyên Quang, Hưng Hóa, châu Đà Bắc, Thanh Nguyên, Bạn Hà, Đà Giang, đến huyện Bất Bạt thì nổi lên núi Tản Viên. Cung tiên bên phải là hổ trắng. Núi chầu vạn nhánh, nổi lên ở Mỹ Lương, Minh Nghĩa, Phúc Lộc, Viễn Sơn, Thạch Thất, An Sơn, Tây Phương, Sài Sơn, Tử Trầm, Thạch Bật đến xứ Sơn Nam, Chương Đức, Đại Yên, núi Hương Tích, núi Hữu Na, núi Nam Công Vũ Phượng, núi Đội Điệp, núi Nghi Dương, chầu vào mà thoát, đến cửa biển Thần Phù ở núi Chính Đại thuộc Ái Châu, thoát ra ngoài biển ở núi Chích Trợ, cửa Trà Lý, làm đầu rồng chầu án.

Lấy sông Bạch Hạc làm Nội minh đường. Lấy sông Cả ở ngã ba Lảnh, huyện Nam Giang làm Trung minh đường. Mặt nước như ấn ngọc phù vàng. Hải Dương, Nam Hải, Cổ Am, Tượng Sơn làm Ngoại minh đường. Nghìn non cúi phục, vạn nước chầu nguồn, đều hướng về núi tổ Nghĩa Lĩnh.

Nhìn thấy tất cả hình thế ấy, Vua nhận ra thế cục của đất quý đẹp hơn đô thành cũ Hoan Châu, bèn lập chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh. Vua thường ngự giá đến ở. Bên ngoài lại lập dựng đô thành Phong Châu. Vua rời giá về cựu đô Hoan Châu. Việc dựng đô thành của Vua trước bắt đầu ở núi Thứu Lĩnh, sau lại định đô ấp, vị trí của chính điện, ngự trị thành trời ở núi Nghĩa Lĩnh. Nay lấy núi Nghĩa Lĩnh làm chốn đô ấp của Cổ Việt Thường Thị.

Hồng Lạc Đế Nghi

Đế Nghi là dòng trưởng của Đế Minh, nhân từ như trời, trí tuệ như thần. gần gũi thì thấy ngài như mặt trời, đoái trông thì ngỡ ngài như áng mây. Giàu có mà không kiêu căng, cao sang mà không ngạo mạn. Ngài đội mũ vàng, vận áo đen, đi xe đỏ, cưỡi ngựa trắng. Ngài có thể làm rạng đức tốt để khiến chín họ hòa thuận. Chín họ đã hòa thuận rồi, ngài tỏ đức tốt cho cả trăm họ. Trăm họ sáng tỏ rồi, ngài hòa hợp với cả muôn nước chư hầu.

Ngài bèn sai Hy Hòa kính thuận phép trời, xem xét sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và các vì sao, rồi kính cẩn truyền cho dân gian biết thời vụ cấy gặt…. Lại sai Hy Thúc đến ở Nam Giao, đôn đốc vụ hè, kính cẩn làm tốt việc gieo trồng. Ngày Hạ chí là ngày dài nhất, lúc hoàng hôn sao Hỏa ở chính Nam, lấy đó để định tháng Trọng hạ. Dân thảy làm đồng, muông thú thưa lông… Một năm có 366 ngày, lại đặt ra tháng nhuận để bốn mùa được chính xác. Bá quan cần mẫn, mọi sự hưng thịnh.

Thời Hồng Lạc, nước Việt Thường dâng rùa thần nghìn tuổi, rộng hơn ba thước. Trên lưng có hoa văn, đều là chữ khoa đẩu, ghi lịch rùa từ thủa mới mở mang đến nay.

Đế Nghi đã sai người đi 4 phương, quan sát trời đất thiên văn để định làm lịch. Người được cử đi phương Nam là Hy Thúc đã đến Nam Giao để đảm nhận việc làm lịch này. Nam Giao rõ ràng là chỉ vùng đất Bắc Việt ngày nay, cũng có tên gọi là Việt Thường Thị. Việt Thường Thị ở Nam Giao là ông Hy Thúc, người đã dâng lịch rùa lên cho Đế Nghiêu.

Trên núi Lịch Sơn ở vùng Tuyên Quang, có đền thờ Đế Nghiêu và là nơi Đế Thuấn đi cày bên đầm Lôi Trạch. Tên gọi Lịch Sơn, quê hương của Đế Thuấn đã cho thấy Đế Thuấn chính là Hy Thúc, người đã cống lịch rùa cho Đế Nghiêu. Ngọn núi Lịch ngày nay ở huyện Sơn Dương của Tuyên Quang vẫn còn lưu dấu tích. Ngọn núi này có một đỉnh nhọn dựng đứng, giống như một tấm bia đá được dựng trên lưng một con rùa lớn. Trên đỉnh núi còn di tích Ao Trời, tương truyền là nơi ngự của Đế Thuấn.

Đế Nghi hỏi: Ai có thể nối ngôi ta? Mọi người đều nói với Đế Nghi rằng: Có một người chưa vợ trong dân gian tên là Lộc Tục. Đế Nghi nói: Ta thử hắn xem sao. Thế rồi Đế Nghi gả 2 cô con gái Ngọc Hoa và Tiên Dung cho Lộc Tục để qua đó xem đức hạnh của Lộc Tục thế nào.

Lộc Tục bèn đưa hai vợ xuống ở ven sông Lô, theo đúng đạo làm vợ. Đế Nghi hài lòng, bèn sai Lộc Tục cẩn thận điều hòa năm mối nhân luân, mọi người đều thuận theo. Đế Nghi ở ngôi được 70 năm thì có được Lộc Tục, 20 năm sau nữa thì cáo lão, lệnh cho Lộc Tục nhiếp chính. Đế Nghi rời ngôi 28 năm thì băng. Trăm họ đau buồn như mất cha mẹ. Trong 3 năm bốn phương không nơi nào tấu nhạc, để tưởng nhớ Đế Nghi, tôn thờ là Viễn Sơn Thánh Vương.

Lộc Tục Kinh Dương Vương

Lộc Tục tên là Trùng Hoa, cày ruộng ở Lịch Sơn, bắt cá Lôi Trạch, làm gốm ven sông Lô. Lộc Tục vào rừng sâu, mưa gió dữ dội mà không lạc đường. Đế Nghi biết Lộc Tục là người xứng đáng trao cho thiên hạ. Đế Nghi cáo lão, sai Lộc Tục làm thay chính sự của thiên tử, đi tuần thú. Lộc Tục được cất nhắc làm việc trong 20 năm. Đế Nghi sai nhiếp chính, nhiếp chính 8 năm thì Đế Nghi băng. Thiên hạ theo về với Lộc Tục.

Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, đặt tên là nước Xích Quỷ. Kinh Dương Vương bàn với Tứ nhạc sắp xếp các quan coi việc. Cao Giao làm Đại lý giữ phép công bình, dân đều phục tính chân thực. Bá Di giữ việc Lễ, trên dưới nhún nhường. Thùy làm Công sư, trăm nghề tấn tới. Ích làm Trẫm ngu, núi đầm mở rộng. Khí làm Hậu tắc, bách cốc tốt tươi. Tiết làm Tư đồ, trăm họ hòa thuận. Long giữ việc tiếp đón tân khách, người phương xa tới. 12 châu mục hành sự khiến chín châu không ai dám gian manh phạm pháp.

Riêng công của Nguyễn Tuấn lớn nhất. Nguyễn Tuấn xẻ chín núi, thông chín đầm, khơi chín sông, đặt chín châu, chư hầu đều đến triều cống theo chức phận, không hề mất quy củ. Khắp bốn bể đều đội công ơn của Kinh Dương Vương.

Kinh Dương Vương tiến cử Nguyễn Tuấn với trời, làm chúc thư giao lại đất đai cho Tản Viên Sơn Thánh. Kinh Dương Vương đi tuần ở sông Đuống, băng tại Á Lữ. Hai bà Ngọc Hoa Tiên Dung tử tiết theo chồng ở nhánh Tương của sông Lô. Người Việt tôn thờ Lộc Tục là Ất Sơn Thánh Vương, cùng với Đế Minh và Đế Nghi đời đời thờ phụng ở núi Hy Cương là Tam Sơn Thánh Tổ họ Hùng.

Trải thời gian từ kỷ Tuần Phỉ về sau, từ Nghiêu Thuấn Ngũ Đế tới nay đã hơn ba ngàn năm. Trước Tam Đại không như thời Đường Ngu. Sau Hán Đường Tống không như Tam Đại. Đạo đời lên xuống, không quá hai ba trăm năm mới có một sự biến. Rồi hai trăm năm có một biến, ba trăm năm có một biến trung bình, năm trăm năm có một biến lớn. Từ lúc khai mở về sau bốn năm vạn năm lúc phong khí chưa mở văn minh, chưa có đất nước, chưa yên, tới Hy Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, thay nhau mà hưng vượng về sau, lấy vương đạo mà trị.

Xưa thời Hy Nông trở về đời Bàn Cổ, chưa có lịch, gộp các tộc có tên phủ thế trị dân, tất cả là hai mươi hai chi hệ được xét. Từ Hy Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Ngũ Đế là các nguyên thánh trị thiên hạ. Đế là vua, thiên hạ chúa tể ngự thế, theo càn khôn mà khởi tạo ra lòng nhân, là đức dưỡng sinh thay tạo hóa vậy.

9 THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU CỦA HÙNG VIỆT SỬ QUÁN NĂM 2021

Thiên hạ thời Tam Đại

1. Cổ Việt Hùng Thị thập bát thế phả đồ: Diễn tả thế thứ, niên đại, tên hiệu đối chiếu, di tích và truyền thuyết 18 nhánh Hùng Vương.

https://hungvietsuquan.blogspot.com/2021/03/tom-luoc-ve-cac-trieu-ai-hung-vuong.html

2. Kinh Dương bản kỷ và hành trình Tản Viên Sơn: Khảo cứu toàn tập về hình tượng Tản Viên Sơn Thánh qua các thần tích, di tích, kinh sách, từ thời Đại Vũ trị thủy, Kinh Dương Vương lấy Thần Long Động Đình cho đến thời Cao Sơn, Quý Minh đánh Thục.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/hanh-trinh-di-san-tan-vien-son-noi-lai-mach-nguon-van-hoa-973281.ldo

3. Kinh đô Rồng bên hồ Dâm Đàm: Uy Linh Lang và Đoài Hồ Thất Giáp là Lạc Long Quân, lập đô An Ấp bên bờ Thủy quốc Động Đình giữa hồ Tây và sông Hồng.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/cha-lac-long-quan-va-kinh-do-rong-ben-ho-dam-dam-885488.ldo

4. Linh thần của kim thạch: Giải nghĩa các tinh quỷ trong truyền thuyết xây thành Cổ Loa, gắn với cuộc chiến giữa nhà Ân và nước Văn Lang.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/linh-than-cua-kim-thach-913823.ldo

5. Viết nên sử Dao: Khảo cứu truyền thuyết Bàn Vương, là lịch sử của nhà Ân Thương từ Thành Thang lập quốc, Bàn Canh dời đô đến Trụ Vương mất nước.

https://hungvietsuquan.blogspot.com/2021/08/nguoi-dao-ban-vuong-nha-thuong-va-dong.html

6. Âu vàng ngàn thủa tế non sông: Giải đọc chữ Kim văn trên các hiện vật thanh đồng thời Tây Chu với ý nghĩa thờ cúng tổ tiên và các vị thiên tử, phân phong chư hầu Bách Việt, ý nghĩa của ngày Tết Đoan ngọ.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tet-doan-ngo-ke-chuyen-au-vang-ngan-thua-le-non-song-918933.ldo

7. Lang Liêu bản kỷ: Kết nối dòng sử truyền thuyết, hiện vật và thư tịch về thời kỳ Tây Chu từ khi Âu Cơ Văn Vương mở nước Văn Lang, Hùng Quốc Vương Cơ Phát diệt Trụ lên ngôi thiên tử, Hùng Chiêu Vương Mục Vương lên núi Tam Đảo gặp tiên, tới thái sử Lý Bá Dương (Lão Tử) đăng đàn ở Thất Diệu khuyên răn Chu U Vương.

https://hungvietsuquan.blogspot.com/2021/06/lang-lieu-ban-ky.html

8. An Dương Vương và thời Tần: Đối chiếu giải mã các lớp khảo cổ thành Cổ Loa với truyền thuyết và lịch sử của thời Đông Chu và Tần, cũng như giải đọc các thông điệp trên các hiện vật thời Tần như lệnh bài, trống đồng.

https://www.facebook.com/groups/485764065138292/permalink/1521010021613686/

9. Bất tử thành tiên: Ý nghĩa của ngày Trùng cửu và quan niệm tín ngưỡng bất tử tu tiên từ thời Lưỡng Hán thông qua các gương đồng cổ và kinh sách của Đạo Giáo.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/goc-gac-ngay-tet-trung-cuu-trong-van-hoa-viet-963208.ldo

ABC về NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT

Nhân chuyện bàn luận về Nguồn gốc người Việt của một số học giả vừa rồi, rằng người Việt có nguồn gốc không “đơn tuyến”, rằng trống đồng thuộc về người Tày Thái, rằng người Mường không biết trồng lúa nước, rằng người Kinh là người Hoa di cư…

Ý kiến của các vị đó không sai, nhưng chưa đủ, vì mới chỉ là những hiện tượng bề nổi. “Nguồn gốc” của người Việt đúng là đa tuyến, bởi vì có tới 5 dòng tộc ban đầu đã cùng nhau lập ra thiên hạ họ Hùng từ thời vua Hùng Đế Minh, được lịch sử gọi là “Ngũ Đế Đức”.

Ngũ Đế và Tam Đại

Sử ký Tư Mã Thiên: “Từ Hoàng Đế tới Thuấn, Vũ đều cùng họ nhưng khác quốc hiệu, để làm rạng rỡ đức sáng. Vậy nên hiệu của Hoàng Đế là Hữu Hùng, hiệu của Đế Chuyên Húc là Cao Dương, hiệu của Đế Khốc là Cao Tân, hiệu của Đế Nghiêu là Đào Đường, hiệu của Đế Thuấn là Hữu Ngu. Hiệu của Đế Vũ là Hạ Hậu, nhưng khác thị tộc, họ Tự. Tiết là thủy tổ của nhà Thương, họ Tử. Khí là thủy tổ của nhà Chu, họ Cơ.”

5 họ tộc ban đầu này sau đó phân chia lên rừng xuống biển, đẻ đất đẻ nước, dẫn đến thiên hạ mỗi thời do một “đức” làm chủ. Thời Hạ từ Lạc Long Quân là nhóm Lạc và Long, tức 2 nhóm Kinh Mường và Tày Thái. Thời Thương vị trí chủ thiên hạ là nhóm Miêu Dao (người Man) vốn là Tiên tộc xưa. Thời Chu là nhóm Liêu Lão, dân tộc dùng trống đồng, vốn là dòng theo mẹ Âu Cơ lên núi (dòng Âu). Tới thời Tần Hán thì thiên hạ nhất thống, tộc nào cũng là người Việt cả. Thành phần dân tộc ở Bắc Việt định hình từ đó.

Người Hoa không phải là người Hán, mà là người Việt. Nên có là “Hoa kiều” cũng vẫn là Việt tộc. Điểm căn bản nhất, dù là tộc người nào thì người Việt đều thuộc về đại chủng tộc Mongoloid phương Nam, và hoàn toàn không liên quan nguồn gốc gì tới nhóm Mongoloid phương Bắc, tức nhóm Mông Cổ, Mãn Thanh, Liêu Hán.

Những sơ đồ các triều đại họ Hùng sau đây giúp giải thích cặn kẽ vấn đề Nguồn gốc người Việt, trăm con cùng bọc trứng, tuy nhiều cành nhưng đều chung gốc lớn lên.

Truyện Họ Hồng Bàng chép: Đế Minh, cháu 3 đời của Thần Nông, sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần ở phương Nam gặp bà Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục. Như thế đã xuất hiện 2 dòng tộc gốc ban đầu ở 2 đầu Nam và Bắc là dòng Viêm tộc và Lạc tộc, hay vẫn được gọi là Hồng – Lạc. Cả 3 vị thánh tổ ban đầu là Đế Minh, Đế Nghi và Lộc Tục được thờ thành Quốc tổ Hùng Vương ở vùng đất tổ là Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn, Ất Sơn.

Lộc Tục Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Động Đình Long Nữ mà sinh ra Lạc Long Quân. Tới đây thì dòng Lạc tộc đã bổ sung thêm tộc người ở phía Đông ven biển Động Đình là Long tộc, mà hình tượng ba tộc người lúc này là Tam Vị Tản Viên Sơn Thánh: Tản Sơn, Nộn Sơn, Lãng Sơn.

Con của Đế Nghi là Đế Lai, bị Lạc Long Quân xua đuổi phải trở về phương Bắc (xưa), sau đó nàng Âu Cơ “chia tay” với cha Rồng để mang 50 người lên núi. Tức là Viêm tộc lúc này tách thành 2 dòng: 1 chạy xa hơn về phía Bắc xưa (tức phương Nam ngày nay) và 1 chạy về phía Tây Nam xưa lên núi.

Ngũ tộc thời sơ sử

Từ một Thái cực ban đầu (Đế Minh), sinh ra Lưỡng nghi (Đế Nghi – Lộc Tục), rồi Lưỡng nghi sinh Tứ tượng (Đế Lai – Âu Cơ – Lạc – Long). Kết quả có 4 dòng tộc đã hình thành trên mảnh đất Việt Nam (miền Bắc Việt)

1. Dòng phương Bắc xưa, tức Nam nay, là chính dòng Viêm tộc, được gọi là người La hay người Lồi (từ Đế Lai), có chỗ gọi là người Chăm, Chiêm.

2. Dòng phía Tây là người Lý Lão, Ai Lao Di, là nhánh tách ra từ Viêm tộc theo mẹ Âu Cơ. Sau nhóm này quay trở về Phong Châu lập nước Văn Lang, với đặc trưng văn hóa là trống đồng. Là thành phần Âu trong nước Âu Lạc. Vua chủ là Lang Liêu hay An Dương Vương.

3. Dòng Lạc tộc sau là người Kinh Mường (Lạch – Kênh – Mương đều là các từ cùng nghĩa) ở Bắc Việt và Quảng Tây (Giao Chỉ và Nam Giao). Vua chủ gọi là Lạc Vương hay Hùng Vương.

4. Dòng Long tộc ven biển sau thành nhánh Tày Thái. Nhóm này vào thời Hiếu Vũ Đế khi nước Nam Việt sụp đổ đã di cư hàng loạt sang vùng Tây Bắc Việt, dẫn tới sự tương đồng giữa người Choang, người Tày Nùng và người Thái Lào. Nước Nam Chiếu – Nam Triệu hình thành từ đây.

5. Ngoài ra còn nhóm Tam Miêu trong cổ sử trở thành chủ thể thời Ân Thương, lấy Bàn Vương làm thủy tổ. Khi nhà Ân bị diệt bởi Thánh Dóng, các quý tộc nhà Ân bị cho về an trí ở Lạc Dương, tức vùng Cổ Loa. Do đó một phần dòng máu Miêu tộc cũng gặp tại vùng đồng bằng sông Hồng, mà được hình tượng hóa trong nhân vật Ma Cô Tiên – Bạch Kê Tinh.

Thời đại Hùng Vương qua các mốc phát triển lịch sử và phả hệ

Bằng cách đối chiếu các ngọc phả Hùng Vương, các thần tích trong các di tích thờ Hùng Vương được lưu giữ đến nay với những thư tịch lịch sử của Việt Nam và Trung Hoa, thời đại Hùng Vương có thể được chia thành 4 thời kỳ phát triển gồm 18 đời (triều đại) Hùng Vương như trong sơ đồ sau.

Thời thủ lĩnh cộng đồng

Mốc lịch sử đầu tiên của người Việt được đánh dấu bằng Đế Minh, cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông. Vị vua Hùng đầu tiên, đứng đầu 18 đời Hùng Vương là Đế Minh, được các nơi thờ dưới tên Đột Ngột Cao Sơn, hay tên đầy đủ như trong Ngọc phả đền Vân Luông là Thánh tổ Hùng Vương Nam Thiên thượng thánh Tiền hoàng đế khai quốc hồng đồ Đột Ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị nhất thập bát thế thánh vương. Từ “đột ngột” hiểu nôm na là “bất ngờ xuất hiện”, cũng nghĩa là trước đó chưa có ai, chỉ vị vua đầu tiên. Rõ ràng chỉ có Đế Minh mới thích hợp ở vị trí “tiền hoàng đế khai quốc” này.

Ngọc phả đền Vân Luông còn cho biết: Đế Minh chính thống vạn bang chư hầu thiên hạ. Đế Minh như thế là người đã khai mở toàn thiên hạ, ngang với thời “Hoàng Đế mở muôn nước“, tức là cách đây khoảng 5.000 năm. Bắt đầu từ Đế Minh xã hội Việt đã có vua, có thủ lĩnh cộng đồng. Tên gọi cho thời kỳ này là kỷ Hồng Bàng Thị. Tên gọi trong các thần tích là “Sơn triều”. Tên nước là Xích Quỷ.

Hùng Vũ Vương Đế Minh là thế hệ ba đời từ Thần Nông, ban đầu đóng kinh đô ở Ngàn Hống (Nghệ Tĩnh), sau đi tuần thú ở phương Nam (xưa), kết hợp với dòng Tiên tộc của bà Vụ Tiên (Tây Thiên Quốc mẫu) mà khởi đầu vùng đất phương Nam ở dãy núi Nghĩa Lĩnh. Đế Nghi nối ngôi Đế Minh cai quản 2 vùng đất Bắc và Nam với kinh đô ở Ngàn Hống và Nghĩa Lĩnh. Để chọn người kế vị cho mình, Đế Nghi đã gả 2 công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung cho Lộc Tục, thuộc dòng Lạc tộc (Tiên tộc) ở núi Lịch. Lộc Tục có công khai phá đất phương Nam từ dạy dân cày cấy, săn bắn, làm đồ gốm sứ… Ba vị vua Hùng đầu tiên là Đế Minh, Đế Nghi và Lộc Tục trở thành ba vị Hùng Vương Thánh Tổ, được thờ tại đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và nhiều nơi khác của vùng Đất Tổ.

Trong giai đoạn mở sử của Hùng Vương Thánh Tổ Sơn triều gồm những đời Hùng Vương sau:

1.   Hùng Vũ Vương

2.  Hùng Hy Vương

3.  Hùng Anh Vương (Hùng Hi Vương)

Thời chế độ thị tộc phụ đạo

Sau Đế Minh, mặc dù đã có thủ lĩnh của cộng đồng thiên hạ vạn bang nhưng chế độ vẫn đang là truyền hiền. Cụ thể là chuyện 2 vị công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung được gả cho Sơn Tinh, dẫn đến vị hiền tế phò mã này được tiếp ngôi chính thống. Những dấu vết khác của thời kỳ truyền hiền còn thấy ở Phú Thọ như lầu kén rể bên bến Việt Trì, hay tục rước chúa gái của 2 làng Vi Trẹo dưới chân núi Hùng.

Nối tiếp công lao mở Nam bang của Lộc Tục là Tản Viên Sơn Thánh hay Kinh Dương Vương, người đã đại thành trong công cuộc trị thủy ở cửa Long Môn trên sông Đà. Tản Viên Kinh Dương Vương kết hôn với mẫu Thần Long của miền Động Đình ven biển, hợp nhất các tộc người của 4 phương thời lập quốc.

Thời kỳ truyền hiền kết thúc bởi sự kiện Lạc Long Quân kế vị Kinh Dương Vương, đời đời cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Chế độ thế tập xuất hiện ở thời điểm này cách nay khoảng 4.000 năm. Đây chính là mốc lịch sử trước đây thường được nhắc tới, gắn liền với tên tuổi của “cha” Lạc Long Quân. Tên gọi thời kỳ này là Việt Thường. Trong các thần tích thời này gọi là “Kinh triều” hay “Lạc triều”.

Dưới thời Lạc triều, người Việt theo Vua cha Lạc Long Quân mở nước về phía Đông Bắc, tiến lên khai phá các đồng bằng ven biển Đông. Trong thời gian này xảy ra sự kiện Chử Đồng Tử, một chư hầu của Lạc triều đã tiếm ngôi, chiếm đoạt ngôi báu dưới hình ảnh của công chúa Tiên Dung. Lạc triều trung hưng ở miền đất Nam Giao từ Hùng Uy Vương Hoằng Hải Lang. Rồi tới thời Hùng Huy Vương lại tiếp tục di dân, mở mang bờ cõi, vượt sông Trường Giang tiến lên phía Bắc. Tới thời Hùng Duệ Vương, triều đại cuối của Lạc triều, thì lãnh thổ Việt Thường về phía Bắc đã vượt qua cả Hoàng Hà.

Các đời Hùng Vương thời kỳ Kinh triều Thị tộc phụ đạo gồm:

4.  Hùng Việt Vương (Hùng Dương Vương)

5.  Hùng Hoa Vương (Hùng Diệp Vương)

6.  Hùng Uy Vương

7.  Hùng Huy Vương

8.  Hùng Duệ Vương (Hùng Tuyền Vương)

Thời chế độ phong kiến phân quyền

Thời kỳ bộ lạc thế tập, gọi vua là cha, kéo khá dài như chuyện nàng Âu Cơ mang nặng đẻ đau sinh ra bào ngọc trăm trứng… Cuộc chiến Hùng – Thục nổ ra được ghi lại trong các bản ngọc phả thần tích ở Việt Nam là lúc dòng Thục theo mẹ Âu Cơ nổi lên, thay thế cho dòng Hùng (Lạc) theo cha, mà đánh dấu bởi sự kiện Âu Cơ về đất Phong Châu lập nước Văn Lang.

Đến khi Hùng Quốc Vương, người con trưởng đích trong trăm trai, với kỳ công hiệu triệu chư hầu, tiêu diệt nhà Ân Thương (Lạc triều), thì xã hội Việt tiến thêm một bước quan trọng.

Ngọc phả Hùng Vương kể: Thái tử là Hùng Quốc vương đứng đầu trăm anh em tôn thừa nghiệp lớn… Bấy giờ Vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm các tộc, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần, phân chia đầu núi góc biển, hùng cứ mỗi phương. 

Bắt đầu từ Hùng Quốc Vương bờ cõi đất đai trong thiên hạ được chia phân thành các chư hầu phiên dậu bình phong. Mỗi chư hầu có người chủ trì gọi là “phụ đạo” và chức chư hầu này được thế tập nối nhau. Vua xưng là thiên tử. Đặt ra lễ chễ trăm quan. Nhân dân được định tộc họ. Những vị tiên tổ có công lao được phong làm thần mà thờ phụng.

Đây cũng là thời điểm đời Hùng thứ 6 với vị Lang Liêu, người có công hoàn tác Dịch học âm dương vuông tròn, khai mở lễ tiết (Tết). Truyện Bánh chưng bánh dày kể rõ, Lang Liêu nối ngôi đã phân chia cho các anh em làm phiên dậu bình phong…

Bản chất là xã hội Việt lúc này bước sang chế độ phong tước kiến địa hay chế độ phong kiến điển hình. Vua Hùng đứng đầu Bách Việt (là tổ của Bách Việt), vì mỗi “Việt” là một chư hầu trong thiên hạ họ Hùng. Thời điểm của mốc lịch sử này được ghi nhận sau khi Hùng Vương thứ 6 đánh thắng giặc Ân, tức vào quãng hơn 3.000 năm trước. Tên gọi đất nước của Lang Liêu thì như đã rõ, là Văn Lang. Thần tích kể thời kỳ này là “Thục triều”.

Những câu chuyện chính của Thục triều đã được ghi trong Truyện Rùa Vàng của Lĩnh Nam chích quái, từ việc Thục Vương thay thế Hùng Vương (Thục triều thay thế Lạc triều), An Dương Vương dời đô về Cổ Loa, rồi kết thúc bởi cuộc chiến với họ Triệu qua câu chuyện bi thương Mị Châu – Trọng Thủy.

Thời kỳ Trị bình Kiến phu (trị nước bình thiên hạ, kiến lập chư hầu) của Thục triều gồm các đời Hùng Vương sau.

9.     Hùng Chiêu Vương (Hùng Hiền Vương)

10.   Hùng Quốc Vương (Hùng Ninh vương, Hùng Vĩ Vương)

11.   Hùng Tạo Vương

12.   Hùng Nghị Vương

Thời chế độ phong kiến tập quyền

Mô hình Thiên tử – Chư hầu, vua Hùng – Bách Việt kéo dài qua các thời kỳ thịnh rồi suy, dẫn tới xung đột khốc liệt giữa các chư hầu. Để rồi nổi lên 1 chư hầu lớn thôn tính toàn bộ các chư hầu khác là Thục An Dương Vương như trong truyền thuyết Chín chúa tranh vua của người Tày. Vị vua đã thống nhất các nước chư hầu đến từ phía Tây – Thục này chính là nhà Tần. Truyền thuyết chép vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán.

Tuy nhiên, với sự tàn ác của Tần đế, truyền thuyết Việt không chấp nhận vai trò thống nhất thiên hạ của nhà Thục. Người được coi người khởi thủy nước Nam lại là Vũ Đế Triệu Đà. Xét kỹ thì với vai trò là bố của Trọng Thủy, Triệu Đà cũng chính là vua Tần, người đã diệt con cháu hậu duệ của Hùng Quốc Vương Lang Liêu.

Mặt khác, Triệu Đà thứ hai là người Tuấn kiệt đã lãnh đạo dân Việt kháng Tần thắng lợi, lập nên một triều đại Nam Việt thống nhất. Chế độ quận huyện từ trung ương xuống địa phương được áp dụng trên toàn lãnh thổ. Xã hội Việt bước vào giai đoạn quốc gia thống nhất.

Thời điểm cho mốc thống nhất toàn lãnh thổ hay phong kiến tập quyền này rơi vào quãng năm 256 TCN (thời điểm Tần diệt Chu) hoặc 207 TCN (thời điểm Triệu Vũ Đế diệt Tần), tức là cách nay trên 2.200 năm.

Thời kỳ quốc gia thống nhất bao gồm các đời Hùng Vương sau:

13.   Hùng Định Vương

14.   Hùng Trịnh Vương (Hùng Trinh Vương)

15.   Hùng Triệu Vương (Hùng Triêu Vương)

Ngoài ra còn 3 đời Hùng Vương kế tiếp, không được ghi trong ngọc phả, nhưng được bổ sung từ các truyền thuyết và di tích đối với thời Tiền Lý Nam Đế và Trưng Vương (vẫn là dòng Lạc Hùng chính thống).

16.   Hùng Hiếu Vương

17.   Hùng Trưng Vương

18.   Hùng Tân Vương

Từ thời điểm này xã hội người Việt đã thống nhất chế độ, thống nhất lãnh thổ nên lịch sử Việt chấm dứt thời Hùng Vương dựng nước, bước sang thời kỳ con cháu “giữ lấy nước”. Hơn 3.000 năm dựng nước đầy gian nan, từng bước, từng bước một cha ông đổ mồ hôi nước mắt mới có được những thành tựu to lớn để lại cho con cháu. Đọc lại Ngọc phả Hùng Vương xin chớ quên câu Uống nước nhớ nguồn

Cổ Việt Hùng Thị phả đồ

Trên đất Việt mỗi độ hoa đào nở
Cành mai vàng rực rỡ trước gió xuân
Có nhớ chăng công sức của tiền nhân
Dựng nghiệp nước mấy ngàn năm lịch sử?

Ngọn núi Đọ quê hương người Việt cổ
Bên sông Chu, sông Mã chảy muôn đời
Hạt lúa vàng thẫm đẫm giọt mồ hôi
Thuở khai quốc của Thần Nông, Viêm Đế.

Xuân đất nước chuyện bao mùa còn kể
Kỷ Hồng Bàng khai phá đất phương Nam
Cánh chim hồng, chim hộc lượn trên ngàn
Dòng Lạc Việt lớn lên cùng đất nước.

Gian nan thay các vua Hùng lập quốc
Gương Tản Viên trị thủy lũ sông Đà
Dãy Hoàng Liên ý chí Việt vượt qua
Cơn hồng thủy của hàng nghìn năm trước.

Mở bờ cõi cha Lạc Long tiếp bước
Mặt biển Đông dậy con sóng Lạc Hồng.
Đậm tình người câu chuyện lá trầu không
Têm cánh phượng cho nước màu đỏ mãi.

Tuổi lên ba chí anh hùng có phải?
Giữ xuân đời ngựa Gióng đuổi giặc Ân.
Tiếng trống đồng giữa trời đất còn ngân
Vang như tiếng nỏ thần dân Âu Lạc.

Ngẫm vuông tròn bánh chưng ai chế tác?
Đạo âm dương gói trời đất xa gần
Để ngàn đời tỏa sáng một chữ “văn”
Dòng lịch sử nước Văn Lang chảy mãi.

Vua Lý Bôn mong quốc gia vạn đại
Thuận lòng người đặt tên nước Vạn Xuân.
Quê hương ơi, trải mưa nắng bao lần!
Vầng nhật nguyệt có khi mờ khi tỏ
Đánh giặc mạnh bao phen bon ngựa đá
Thắng thiên tai bao đất mới khai hoang
Vẫn ngọt ngào, đầm ấm giọng hò khoan
Trên đất mẹ những năm dài khó nhọc.

Nụ cười tươi át đi bao tiếng khóc
Mùa xuân về rừng lại thắm hoa xoan
Áng mây hồng bay trên đỉnh đại ngàn
Một nước Việt trong vạn mùa xuân mới.

THỤC AN DƯƠNG VƯƠNG TRUYỀN KỲ

Hồi I
Lễ dối trời Duệ Vương hết số
Vì sinh linh Thục Chủ khởi binh. 

Lạc Long Quân chia 50 người con xuống khai phá miền ven biển Đông, vượt qua nhiều sông núi mà khai mở phương Nam xưa (phương Bắc nay). Long Quân truyền ngôi qua nhiều đời, đến Hùng Duệ Vương có tên là Đế Tân, đóng đô ở An Huy. Duệ Vương là người có hùng tài đại lược, nhưng lại ham mê tửu sắc, bất kính với thiên địa, dâng lễ dối trời, sủng ái vu nữ Đát Kỷ. Trời và người cùng phẫn nộ, dẫn đến tai họa giáng xuống, vận nước cáo chung.

Bộ chủ Ai Lao – Ba Thục lúc này Tây Bá Hầu Cơ Xương, nổi lên là một người nhân nghĩa đại đức, thu phục nhân tâm. Thục chủ Cơ Xương tinh thông Dịch lý, hiểu lẽ trời đạo người. Bị Đế Tân chèn ép, Thục chủ buộc phải phát động binh đao. Nhưng để giữ lễ với Hùng Vương, Cơ Xương đầu tiên dẫn quân tiến đánh vùng đất Lạc của Sùng Hầu Hổ. Quân Thục từ Ai Lao kéo vào đất Hưng Hóa đến châu Quỳnh Nhai. Đất nước của Hùng Duệ Vương rúng động.

Người đứng đầu vùng đất Lạc khi đó là Bắc Bá Hầu Sùng Lãm, là dòng dõi quý tộc triều Hùng từ Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân, nên cũng gọi là Lạc hầu Nguyễn Tuấn. Cuộc chiến giữa Ai Lao bộ chủ Cơ Xương và Lạc hầu Nguyễn Tuấn diễn ra rất ác liệt. Trong lần đầu Nguyễn Tuấn phục kích đánh bại được quân Thục ở Mộc Châu. Khải hoàn trở về, tấu cáo Đế Tân.

Nha chương văn hóa Phùng Nguyên ở Phú Thọ.

Vài năm sau, Bá Thục lại kêu gọi các chư hầu tập hợp được hơn 50 vạn quân. Cơ Xương chia quân thành 5 đạo, thủy bộ tịnh tiến, đánh chiếm đất Sùng. Với thế quân mạnh và nâng cao ngọn cờ nhân nghĩa, cuối cùng Sùng hầu Nguyễn Tuấn đã chịu thua, nhường lại đất Lạc cho Thục chủ.

Thục chủ Cơ Xương thu nhận được đất tổ Hùng Vương, đã cho dời kinh đô từ Ai Lao về Phong Châu, xây dựng thành Việt Trì, lên núi Thái Sơn Nghĩa Lĩnh lập điện Kính Thiên, đăng đàn tế cáo trời đất, lập cột đá thề trung thành với quốc tổ họ Hùng, cứu dân giúp nước… 

Hồi II
Bến Việt Trì Thái Công câu cá
Núi Vệ Linh Thánh Gióng phong thần. 

Thục Vương Cơ Xương là người ở vùng đất Âu, đánh bại Lạc hầu Sùng Lãm, dời đô từ đất Âu về đất Lạc, dựng nước Âu Lạc, lập kinh thành Phong Châu. Sử Việt gọi Cơ Xương là Âu Cơ. Mặc dù Âu Cơ Xương đã chiếm được 2 vùng Tây và Bắc (Nam nay) của thiên hạ, nhưng đe dọa từ Hùng Duệ Vương Đế Tân vẫn không ngừng tăng lên. Lo lắng trước vận nước khó khăn, một hôm Âu Cơ đi dạo ngoài thành Phong Châu, cạnh chùa Hoa Long ở bến Việt Trì. Chợt thấy một lão ông tuổi ngoài 80, cầm một cây cần trúc đứng trên bàn thạch bên bến sông Việt Trì, dáng vẻ ung dung, có cốt cách của thần tiên. Âu Cơ lấy làm lạ tiến đến hỏi chuyện, thì thấy quả đúng đây là người hiền tài hiếm có, có thể phò tá gây dựng vương nghiệp thiên thu. Cơ Xương bèn phong cho ông lão làm Thái Công, giao phó hết trọng trách trong nước cho Lã Vọng.Một ngày đẹp trời Cơ Xương về bên đất Hiền Lương ở Hạ Hòa, Phú Thọ mà hóa về trời. Con trai Cơ Xương là Cơ Phát hay Thục Phán lên nối tiếp sự nghiệp, tôn phong cho cha mình là Văn Lang (Văn Vương). Lập đền thờ ở xã Hiền Lương (Hiền vương), ngàn năm hương hỏa không cùng.

Đền Sóc: Phù Đổng Thiên vương, Nữ Oa Bộ thiên, Na Tra Thiên tử, Tì Sa Môn Thiên vương, Vu Điền Quốc vương, Tả Lực sĩ, Hữu Tinh binh.

Khương Thái Công được sự cầu hiền của Văn Vương, dốc lòng phò trợ Cơ Phát, phát loa gọi khắp bốn phương tám hướng, chiêu hiền tuyển tướng, kết tập chư hầu, hẹn ngày phạt Trụ. Sứ giả đi đến làng Phù Đổng ở Vũ Ninh thì gặp được thiên thần giáng thế trong một cậu bé 3 tuổi làng Gióng, vươn vai phút chốc đã thành một đại tướng. Thái Công lấy Na Tra làm tướng tiên phong, gấp rút chuẩn bị quân đội đối phó với giặc Ân.

Lúc này Đế Tân sai Văn Thái sư với danh hiệu là Thạch Linh Thần tướng dẫn quân Bắc chinh (Nam nay). Thạch Linh kéo quân tới vùng núi Châu Sơn ở Vũ Ninh, đại chiến với Thánh Gióng dưới chân núi. Lửa cháy rực trời, khói bụi tung mù mịt. Na Tra nhổ tre đằng ngà quét sạch quân Ân. Thạch Linh Thần tướng tử trận ở vùng Yên Vệ.

“Ngựa đá” miếu Ân Vương trên núi Châu.

Tiêu diệt được cánh quân chủ lực của Đế Tân, Thục Phán cùng Khương Thái Công giao hẹn chư hầu cùng phát binh đến cánh đồng Mục Dã, quyết một trận sống mái với Duệ Vương. Đế Tân thất thế, nổi lửa thiêu Lộc Đài rồi tự mình nhảy vào lửa tự vẫn.

Cơ Phát làm chủ được thiên hạ họ Hùng, xưng là Võ Vương. Sử Việt gọi là Hùng Quốc Vương, người con đã theo mẹ Âu Cơ lên núi lập nước Văn Lang, đóng đô Phong Châu. Hùng Quốc Vương lên ngôi Thiên tử, phân phong cho các họ tộc làm chư hầu bình phong phên dậu ở trăm nơi đầu núi góc biển, được quyền thế tập cha truyền con nối, đặt ra trăm họ, định ra lễ nhạc trăm quan. Thiên hạ họ Hùng chưa bao giờ lại rộng lớn như thế này, Đông giáp biển Thái Bình Dương, Tây qua Đại Thực, Bắc quá Hoàng Hà, Nam tới vịnh Thái Lan.

Để tưởng nhớ các tướng sĩ của cả 2 bên hy sinh trong cuộc chiến Hùng – Thục, Thái Công Thánh Gióng về lại đất Lạc, lập đàn tế ở núi Vệ Linh, xướng bảng phong thần cho những anh hùng liệt sĩ. Hùng Duệ Vương vốn là thiên tử của tiền triều nên được tôn làm vua Địa phủ, lập đền thờ trên núi Châu Sơn. Tiên phong Na Tra làm thần núi Sóc Sơn, hộ trì đất nước.

Cự thạch, tế đàn ở chân núi Sóc.

Lời ca của phường Ải Lao trong ngày hội Gióng:
Nhớ xưa đương thủa triều Hùng
Vũ Ninh nổi đám bụi hồng nẻo xa
Trời thương Bách Việt sơn hà
Trong nơi thảo mãng nảy ra kỳ tài
Lên ba đương tuổi anh hài
Roi ngà ngựa sắt ra oai trận tiền 
Một phen khói lửa dẹp yên
Sóc Sơn nhẹ gót thần tiên lên trời…  

Hồi III
Trăm anh em phân bình thiên hạ
Một Dịch kinh đúc kết trống đồng. 

Sau cuộc Phong thần ở núi Vệ Linh, Thái Công Vọng trở về đất phong của mình là nước Tề, ở vùng ven biển Hồ. Cơ Phát lên ngôi xưng Thiên tử và dời lại kinh đô về đất Cảo ở Ai Lao (Âu – Vân Nam). Đất Âu với Cảo kinh là vùng phía Tây Văn Lang. Đất Lạc trở thành vùng đất phía Đông của nước Văn Lang.Các đại công thần lập quốc khác cùng đều được phân phong tương ứng theo công trạng. 2 đại thần lớn nhất lúc này là Chu Công Đán và Thiệu Công Thích.

Chu Công Đán là một trong những người em của Hùng Quốc Vương Cơ Phát. Ông được phong ở đất Lào (Lỗ) nhưng không về nước mà ở lại triều đình. Võ Vương mất, con trai lên ngôi là Chu Thành Vương, thì Cơ Đán được giữ chức Thái bảo, còn gọi là Lỗ quốc Thái sư, tức thần Cao Lỗ.

Cao Lỗ dùng chiếc “móng rùa” Dịch lý mà chế thành trấn bảo của nước Văn Lang là trống đồng. Ông là người đã phát triển Dịch học từ thời Lang Liêu Văn Vương, đặt ra các lời hào cho 64 quẻ của Kinh Dịch.Lỗ quốc lúc này bao gồm vùng đất hai bên bờ sông Mã, mà trung tâm của nó là vùng Thanh Hóa. Cao Lỗ được thờ ở đây dưới tên Đồng Cổ Sơn thần, nghĩa là vị thần tổ trống đồng (Sơn = tổ). Vùng đất trống đồng Đông Sơn chính là nước Lỗ của Chu Công.

Thời Thành Vương, có loạn giặc Vĩnh Trinh, là hậu duệ của Hùng Duệ Vương nổi lên. Cao Lỗ cất quân dẹp phản loạn, được gọi là Linh Lang đại vương. Đám quý tộc của Kinh triều trước đây được đem về an trí tại miền đất Lạc. Linh Lang đại vương là vị quân chủ đầu tiên gây dựng Lạc ấp nước Văn Lang.

Đại công thần tiếp theo là Thiệu Công Thích, được phong ở đất Yên. Nước Yên nay ở quãng miền Trung Việt. Cũng như Chu Công Đán, Cơ Thích ở lại trong triều phụ giúp Chu Thành Vương, dẹp phản loạn. Ông làm đến chức Thái phó trong Thục triều. Nói về ông có điển tích cây “Cam đường bất phạt” lấy từ Kinh Thư thiên Thiệu Cáo, khi Thiệu Công dùng đạo trời khuyên vua hãy nhân từ mà tha cho dân đất Lạc (tức hậu duệ của Hùng Vương được an trí tại đây).

Tế lễ thời Hùng Vương

Người anh em khác trong bọc trăm trứng của Hùng Quốc Vương là Cơ Cao. Khi Hùng Quốc Vương phạt Đế Tân, Cơ Cao cầm búa nhỏ, Cơ Đán cầm búa lớn đi hộ vệ. Sau này Cơ Cao tiếp quản việc cai trị ở Lạc Ấp và có công ổn định được đám ngoan dân tại đây. Vì thế nên ông được phong là Tất Công (tất trong hoàn tất, lấy ý của thiên Tất Mệnh trong Kinh Thư). Cơ Cao là tổ của Phan tộc, đất phong ở Phù Nam. Ngày nay ông được thờ ở vùng Thị Cấm Xuân Canh tại Hà Nội với tên Phan Tây Nhạc.

Trăm anh em của cùng một mẹ Âu Cơ đã chia nhau nơi đầu núi góc biển, an định Thiên hạ, đồng tôn Hùng Quốc Vương là Thiên tử. Chế độ phong kiến thị tộc phân quyền chính thức được khởi đầu. Các dòng họ người Việt cũng bắt đầu từ đó.

Trống đồng Hưng Yên

Thời kỳ này còn có chuyện Chu Mục Vương cưỡi xe bát mã lên núi Côn Lôn tìm cung điện của Hoàng Đế và gặp được Tây Vương Mẫu. Đó là chuyện Lang Liêu cầu tiên ở núi Tam Đảo và kết duyên với nàng Lăng Thị Tiêu, thần núi ở Tây Thiên.Nếp gấp phân phong, lễ nhạc của nước Văn Lang đã định hình văn hóa xã hội Việt, mãi đi vào chính sử nước nhà với tên Văn Lang – Âu Lạc của các vị vua Hùng, vua Thục. 

Hồi IV
Khuyên bạo quân Huyền Thiên cầu Thất Diệu
Cứu nhân thế Khổng Tử soạn thư kinh.  

Từ khi Khương Thái Công câu cá bên bến Việt Trì, Thục Phán dời đô về Cảo kinh đất Âu, Thục triều trải qua mấy trăm năm, truyền đến đời Chu U Vương. U Vương bản tính quái dị, sủng ái người đẹp Bao Tự. Để mua tiếng cười của mỹ nhân, U Vương đã cho nổi lửa Ly Sơn, kinh động các nước chư hầu anh em mà làm trò vui. Đánh mất đạo trời, không bao lâu sau Cảo kinh bị Khuyển Nhung tấn công. U Vương phải bỏ kinh thành mà chạy trốn. Hùng Tạo Vương nối ngôi buộc phải dời kinh đô về đất Lạc. Từ đó, thế vận nhà Thục đã suy, chư hầu tự nổi lên xưng hùng xưng bá thiên hạ.
Huyền Thiên Trấn Vũ vốn là một thầy cúng, quê ở đất Kim Bảng (Hà Nam), làm quan thủ thư của nhà Thục ở Lạc Ấp. Trước cảnh U Vương bạo ngược, lại thêm khi dời đô vùng Tam Giang gặp cảnh động đất liên tục. Thành Lạc Dương cứ xây lại đổ. Huyền Thiên nhân đó bèn lập đàn trên núi Võ Đang ở Cổ Loa, tế cầu trời đất.

Tượng Lão Tử ở chùa Bổ Đà.

Trên núi Thất Diệu, sau khi đăng đàn tế lễ, Thục An Dương Vương đã đào được các chiêng trống, xương cốt cổ, vốn là di tích của cuộc chiến Hùng – Thục dưới thời Vũ Vương và Thánh Gióng diệt Trụ. Huyền Thiên Lão Tử dựa vào đó đã bày chuyện yêu quỷ Ma Lôi, là hậu duệ của Hùng Duệ Vương phá hại, nhằm mục đích khuyên răn Thục U Vương.
Huyền Thiên Lão Tử còn giảng đạo ở Lạc Dương. Trước khi ra đi, ngài đã ghi những điểm cốt yếu trong học thuyết của mình trong cuốn Đạo Đức kinh và để lại cho quan lệnh doãn Kim Quy làm báu vật thấu suốt nhân gian. Học thuyết “móng rùa” của tiên nhân Huyền Thiên truyền lại cho Thục An Dương Vương, góp phần củng cố Thục triều kéo dài thêm hơn 400 năm nữa.

Câu đối ở đình Thổ Hà:
Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai Đạo Giáo
Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền ảo hóa tác thần tiên.

Tượng Khổng Tử ở chùa Bổ Đà.

Nối tiếp tư tưởng Đại Đạo của Lão tử, một triết gia khác đến từ nước Lào là tên là Trọng Ni. Ông đi bôn ba khắp các nước chư hầu để giảng về Lễ, nhưng không được trọng dụng. Cuối cùng ông quay về quê hương bên sông Mã, mở trường thu nhận đệ tử, soạn kinh san định lại lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, âm nhạc của thời Văn Lang, viết bằng chữ Khoa đẩu. Điển chế lễ nhạc từ Cao Lỗ Vương, Kinh Dịch âm dương bánh chưng bánh dày từ Lang Liêu, lịch sử xuân thu chép đến đời Lỗ Ai Công thì dừng bút, phong dao của những bậc tiền hiền như Chu Công, Thiệu Công cùng với lời hay ý đẹp trong dân gian đã được Khổng Tử biên chép, tuyển soạn. Nền tảng của Đạo Nho được xây dựng, đúc kết tinh hoa văn hóa Hùng Thục từ quốc tổ Hùng Vương mà truyền cho vạn thế.

Hồi V
Đánh Tây Âu bắt Dịch Hu Tống
Rể Lạc Ấp diệt quốc Đông Chu. 

Thiên hạ của nhà Thục khởi từ Thục chủ Âu Cơ, lập bởi Thục Phán Hùng Quốc Vương, chia đất nước làm 15 bộ, phân trăm anh em cùng bọc đồng bào ra trấn giữ trăm nơi đầu núi góc biển làm phiên dậu bình phong, quan lang thổ tù phụ đạo, phò trợ Thiên tử giữ một Thiên hạ an bình. Nước Văn Lang trải qua thời kỳ Tây Thục đô đóng ở đất Âu- Ai Lao, Đông Thục xây thành tại Lạc ấp. Huyền Thiên Lão Tử cưỡi Trâu đề cao Đại Đạo. Vạn thế sư biểu Khổng Tử đúc kết Ngũ Kinh. Cửu đỉnh từ thời Kinh Dương Vương là bảo vật truyền quốc đặt ở thế miếu nhà Thục, tương trưng cho quyền lực vô song của Thiên tử với Thiên hạ họ Hùng. 800 năm vương triều Thục truyền đến Chu Noãn Vương.

Bấy giờ gặp hội cường Tần.
Tằm ăn lá Bắc toan lần cành Nam.

Tần quốc do họ Đinh thế tập, vốn là một công hầu của vua Thục được phong ở vùng Tây Bắc là đất Xuyên Thục (Tứ Xuyên). Thời Đinh Cừ Lương nhờ có biến pháp của Thương Ưởng, Tần đã trở thành quốc gia hùng mạnh nhất thời loạn các sứ quân. Dưới thời Đinh Tứ, nước Tần bỏ tước Công mà xưng Vương. Huệ Văn Vương xua quân chiếm đất Ba Thục, tức đất gốc của Bá Thục Cơ Xương ở Quý Châu. Con của Đinh Tứ là Đinh Đảng nối ngôi cha, tự xưng là Vũ Vương, vào kinh đô Cảo của Tây Thục ở Vân Nam mà “hỏi thăm” Cửu đỉnh. Nhưng thời vận của nhà Tần chưa đến lúc, Đinh Đảng bị đỉnh rơi gãy chân, rồi chết sau mới có 4 năm tại vị.

Đỉnh thời Thương Chu.

Đinh Tắc lên tân chính thay anh trai, tiếp tục ý đồ vương nghiệp. Chiêu Tương Vương chiếm vùng đất Tây Âu của nhà Thục ở Vân Nam, bắt được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hậu Tông, tức vị vua dòng dõi cuối cùng từ Dịch Vương Lang Liêu là Chu Noãn Vương. Nước Văn Lang còn lại phần đất phía Đông là Lạc Ấp ở Cổ Loa.

Tần Chiêu Tương Vương tiếp tục lập mưu, cho cháu trai của mình là Trọng Thủy sang làm con tin ở Lạc Dương, lấy một công chúa của nhà Thục là Mỵ Châu. Trọng Thủy sau đó về nước kế vị là Tần Trang Tương Vương. Nhờ thông thạo đất Thục từ khi còn ở rể tại Lạc Ấp, Trang Tương Vương tiến quân chiếm nốt đất Đông Chu, đuổi Thiên tử Thục chạy ra biển, cầm sừng văn tê bảy tấc đi gặp thần Kim Quy bên bờ Đông Hải. Quý tộc của nhà Thục được Trang Tương Vương cho an trí ở thành Châu Sa, nay thuộc Quảng Ngãi.

Bố tiền và Hoàn tiền có chữ Đông Chu, Tây Chu.

Nhà Thục từ Âu Cơ – Thục Phán kết thúc. Nhưng vì dòng họ Đinh Tần vốn cũng là con cháu công hầu của nhà Thục, lại bắt đầu từ phía Tây, từ đất Xuyên Thục (Tứ Xuyên), chiếm Ba Thục (Quý Châu) rồi Tây Âu (Vân Nam) và Lạc Dương (Lạc Việt) nên Tần Vương cũng đã được gọi là Thục An Dương Vương. Tới khi đứa con của 2 dòng Thục giữa Trọng Thủy và Mỵ Châu là Đinh Chính lên ngôi, dẹp loạn các sứ quân, chấm dứt cục diện 9 chúa tranh vua, xưng là Đinh Tiên Hoàng đế, dời kinh đô về giữa đất 2 nhà Thục. Thiên hạ họ Hùng bước sang thời kỳ quốc gia thống nhất, chế độ quận huyện, quân chủ tập quyền.

Nghi môn đền Thượng ở Cổ Loa.

Câu đối ở nghi môn đền An Dương Vương ở Cổ Loa:
Chiêu lăng tùng bách kim hà xứ
Thục quốc sơn hà tự cố cung.

Dịch:

Tùng bách Chiêu lăng giờ đâu nhỉ?
Non sông nước Thục ấy cung xưa.

Con Trâu chở Đạo và Huyền Thiên Lão Tử

Bài đăng báo Lao động số Xuân Tân Sửu 2021

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả bàn rằng: Trời ban đầu mở vào Giáp Tý. Đất tụ mang ở Ất Sửu. Vận người sinh ở Giáp Dần. Vạn vật ra đời ở gian Ất Mão. Từ thời Bàn Cổ, Thái cực sinh Lưỡng Nghi, là Thiên Địa. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng biến hóa thành nhiều hình trạng… Thiên Hoàng nối Bàn Cổ mà trị ở ngôi Thiên tử, nắm quyền chế độ, mới chế ra Can chi. Mười can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ Canh, Tân, Nhâm, Quý. Mười hai chi là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Vị, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Lấy đó để định thời gian, giúp nhân dân biết phương hướng.

Các thánh nhân thời cổ đại đã chế ra Thiên can và Địa chi dùng để phân định thời gian và nhận biết phương hướng. 12 con giáp không chỉ dùng để chỉ ngày giờ tháng năm, mà còn là để gọi tên cho các khu vực trên mặt đất. Vì thế các con giáp được gọi là các Địa chi. 12 địa chi được sắp xếp theo 4 phương Đông – Tây – Nam – Bắc, mỗi phương tương ứng với 3 vùng đất (3 địa chi). Như một chiếc gương đồng thời Đường (thế kỷ 7-9) tìm thấy ở Quảng Nam có khắc nổi trên mặt gương hình Tứ linh, Bát quái và Thập nhị địa chi, minh họa rõ cho những mối liên hệ này.

Xem đồ hình trên gương cổ, chi Sửu có hình tượng là con Trâu, nằm cùng hướng quẻ Khảm trong Bát quái và cùng với phương Huyền vũ (hình con Rùa) trong Tứ linh. Đây là phương Bắc, trong Ngũ hành thuộc về hành Thủy (nước), ứng với màu Tím (hoặc Đen).

Gương đồng thời Đường tìm thấy ở Duy Xuyên, Quảng Nam

Tên gọi chi Sửu có mối liên hệ với từ Nước như sau: Sửu – Sủy – Thủy. Con trâu được người Việt Nam gọi đầy đủ là con trâu nước hay thủy ngưu. Trâu là con vật quen thuộc của nền văn minh lúa nước đã được người xưa dùng làm con vật tiêu biểu cho phương “nước” – hành Thủy, hay hướng Bắc ngày nay. Tính chất căn bản của quẻ Khảm hay hướng Nước đó là sự tòng thuận. Con Trâu là con vật nuôi do người điều khiển mà làm các công việc hàng ngày như cày, kéo, nên người xưa đã dùng hình ảnh con Trâu để tượng trưng cho tính chất thuận tòng của hành Thủy, Bắc phương.

Tòng thuận cũng là tư tưởng then chốt trong học thuyết Đại Đạo do Lão Tử đề xướng từ cách đây trên 2.500 năm. Trong tác phẩm để đời Đạo Đức Kinh của mình, ở chương “Tượng nguyên” Lão Tử đã viết: “Trong cõi có Tứ Đại, mà Người là một. Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”.

Trong tư duy Dịch học cổ đại, Đất tượng trưng cho những gì thuộc về vật chất, về tri thức khoa học kỹ thuật. Trời tượng trưng cho những gì thuộc về tinh thần, về minh triết nhân sinh. Đạo Đức kinh giảng rằng, con người phải biết tuân theo những hiểu biết của khoa học kỹ thuật. Khoa học đến lượt mình lại cần được sự định hướng của minh triết. Chân lý này tuy đơn giản nhưng ngày nay với khoa học công nghệ hiện đại chế ra hàng tấn bom nguyên tử treo lơ lửng thì ta mới hiểu, khoa học mà không có sự định hướng của minh triết sẽ có hậu quả khôn lường.

Minh triết có gốc ở Đạo. Đạo là từ sự tự nhiên, không cưỡng ép. Con người ta có Khôn (trí tuệ, khoa học) nhưng phải có Ngoan (biết tuân thủ, biết hướng Đạo) thì mới được bền lâu. Khi con người làm những điều trái với tự nhiên, mất “đạo đức”, như phá rừng, thiêu đốt nguyên liệu hóa thạch, đã dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng to lớn đến tương lai loài người ngày nay. Đây là những viễn cảnh đã được báo trước trong Đạo Đức kinh.

Tư tưởng tòng thuận, tự nhiên, vô vi là căn cơ trong Đạo Lão. Vì thế mà Lão Tử thường được thể hiện dưới hình ảnh đang cưỡi một con Trâu. Trâu là con vật chở Đạo tòng thuận, sống và hành động thuận theo trời đất, không đi ngược với lẽ tự nhiên.

Ở nước ta sự tích về hành trạng và công nghiệp của Lão Tử được gặp ở nhiều di tích cổ, là những nơi còn lưu dấu chân con Trâu chở Đại Đạo trên vùng đất Bắc Việt. Như bên bờ sông Cầu, quê hương của những làn điệu quan họ, di sản văn hóa phi vật thể thế giới đã được công nhận, có một ngôi đình làng cổ nổi tiếng. Đình Thổ Hà ở xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) được vang danh từ lâu bởi nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc rất tinh xảo của xứ Kinh Bắc. Có điều khi xem đến vị thành hoàng được thờ ở đây thì mới thực sự là điều bất ngờ. Thành hoàng làng Thổ Hà tên là Lão Đam, Thái Thượng Lão Quân.

Thần tích về Lão Tử ở làng Thổ Hà được khắc trên tấm bia “Cung sao thánh tích” lưu tại đình. Sự tích thánh mở đầu như sau: “Thời Hùng Vương kết thúc, khi An Dương Vương nối ngự trị, có một người từ nước Bắc tới trang Thổ Hà, huyện Yên Việt, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc, sống ở tại chùa tên là chùa Đoan Minh. Ngài ngày đêm đọc giảng, tự như có sức lực của thần thánh vậy. Ở trong trang có nhiều đệ tử đến theo học. Một hôm, Ngài nói với đệ tử rằng:

– Ta vốn xuất hiện từ chốn Hồng Mông, trời đất sinh ra nên Ta có được bản tính thông minh. Xưa mẹ Ta nói với Ta rằng: Mẹ vốn sinh ra từ sự huyền diệu của lòng từ bi, tên là Mỹ Thổ Hoàng, nằm mộng nuốt một con Trâu trắng là tinh khí của mặt trời mà cảm ứng mang thai. Sau 81 năm vào mùa Xuân năm Canh Thìn, ngày 7 tháng Giêng, bên nách cánh tay chuyển động mà sinh ra Ta. Khi sinh đầu đã bạc, chân có chữ. Ta không có cha. Theo lời mẹ mà lấy Lý làm họ, tên là Lão Đam, tự Lý Bá Dương, danh Thái Thượng.”

Sự tích làng Thổ Hà cho biết vị Thái Thượng ở đây mang tên Lão Đam hay Lý Bá Dương, cầm tinh con Trâu trắng mặt trời. Tinh con Trâu trong sự tích này có ý nghĩa nói tới Đạo tòng thuận của Lão Tử.

Ở làng Thổ Hà, Lão Tử không chỉ giảng đạo mà còn ra sức chữa bệnh cứu giúp nhân dân. “Lúc bấy giờ trong nước có giặc Quỷ mũi đỏ, một vị quan thị hầu vua bị bệnh ngã nhào xuống đất và sau đó bệnh tật lan khắp mọi nơi. Trong nước nhiều nơi mắc bệnh, người ốm người chết thiệt hại rất nhiều. Nhà vua vội truyền hịch đi các nơi: Nếu ai trừ được giặc Quỷ vua sẽ gia phong tước lộc. Lão Tử vâng mệnh, đến nơi có giặc Quỷ, người liền niệm chú. Xong, Ngài lại thư phù vào gậy trúc và phóng đi bốn phương. Các nơi đều trở nên yên ổn. Quan địa phương tâu với triều đình, vua liền mời Lão Tử đến ban thưởng, mở tiệc khoản đãi và phong người là Đệ nhất nhân. Lại cho ngài được hưởng thực ấp ở vùng An Việt huyện. Người bái tạ đức vua và trở về Thổ Hà trang.

Giặc Xích tỵ (Quỷ mũi đỏ) là loại dịch bệnh gây nổi các vết đỏ trên da, dẫn đến tử vong. Có thể đây là bệnh dịch hạch hoặc đậu mùa, rất phổ biến thời xưa. Nhờ có những tri thức về y học, về vệ sinh dịch tễ mà Lão Tử đã giúp nhân dân và triều đình ngăn chặn được dịch bệnh bùng phát. Do đó ông đã được tôn phong ở trang Thổ Hà. Nhưng công nghiệp của vị Thái Thượng này không chỉ dừng ở đó. Thần tích làng Thổ Hà kể tiếp:

Sau đó vua (An Dương Vương) xây thành (Cổ Loa) có những u hồn và tà ma quấy nhiễu, cứ xây xong lại đổ. Vua lo lắm, liền xa giá đến Thổ Hà trang cầu đảo. Chợt có thần nhân hiện lên bảo vua rằng: xin vua cứ hồi kinh, không lo ngại gì. Rồi Người sai Thanh giang sứ (tức thần Kim Quy) đến giúp, giết Bạch kê tinh trong núi Thất Diệu, lại đào được hài cốt Bạch kê đem đốt đi. Từ đó yêu ma tan hết, lại đào thấy nhạc khí thời cổ (như chiêng trống đồng). Thành xây nửa tháng vừa xong.”

Đây là một thông tin hết sức bất ngờ, khi biết được rằng người đã giúp vua An Dương Vương trừ yêu quỷ xây thành Cổ Loa trong truyền thuyết lại là triết gia Lão Tử của Trung Hoa cổ đại. Thần Kim Quy đã theo sự sai khiến của Lão Tử hiện thành Thanh Giang sứ giả mà chém Bạch Kê tinh. Sự thật trong truyền thuyết Cổ Loa thành này là gì?

Về hàng trạng của Lão Tử, tấm bia cổ đời Hán Hoàn đế (146-167) có tên “Lão Tử minh” chép: “Lão Tử là quan coi thư viện nhà Chu. Thời U vương, vùng Tam Xuyên bị động đất. Lão Tử dựa vào những biến động của nhị khí âm dương về thời Hạ, Thương, để cảnh cáo nhà vua.”

So sánh thông tin của Lão Tử minh và sự tích thành Cổ Loa sẽ nhận thấy, nguyên nhân chính của việc thành xây bị đổ là những trận động đất của vùng Tam Xuyên. Tam Xuyên là 3 con sông, chỉ vùng đất hợp lưu sông Đà, sông Lô và sông Thao ở Việt Trì. Tam Xuyên hay Tam Giang là tên gọi cổ của vùng đất Bắc Việt, nơi có thành Cổ Loa.

Lão Tử là quan thủ thư dưới thời Chu U Vương, vị vua cuối cùng của nhà Tây Chu. U Vương tính tình tàn dị, để mua nụ cười của Bao Tự mà đã cho đốt lửa Ly Sơn ngàn dặm, gây kinh động tới các chư hầu. Lão Tử nhân việc động đất ở Tam Xuyên đã đăng đàn ở núi Thất Diệu, nhằm muốn khuyên răn vua Chu về đạo thuận theo mệnh trời và nhắc nhở bài học mất nước của Hạ Kiệt, Trụ Vương thời trước.

Đình Thổ Hà có câu đối nói về sự việc này:

Quy giải hiệu linh, Thất Diệu sơn trung truyền dịch quỷ

Long năng thừa hóa, Ngũ Vân trang hạ ký đăng tiên.

Dịch:

Rùa biết nghiệm linh thiêng, núi Thất Diệu truyền chuyện sai khiến quỷ

Rồng tài mau biến hóa, trang Ngũ Vân lưu tích bốc lên tiên.

Cửa võng ban thờ chính điện đình làng Thổ Hà

Như trên đã biết, trong địa chi thì chi Sửu – con Trâu nằm cùng hướng với Huyền vũ, là hình tượng “Quy Xà hợp hình”, gồm có Rùa và Rắn (Rồng). Vì thế, thần Kim Quy từ dưới nước đi lên cũng là biểu tượng của hành Thủy, của tinh thần Đạo tòng thuận, tuân theo lẽ trời đất. Đạo lý này chính là điều đã giúp được An Dương Vương yên định được oán khí trong nhân dân, xây dựng thành trì, củng cố đất nước vững mạnh, nối nghiệp tổ tiên và theo mệnh trời mà trị quốc.

Tại Ngọc điện ở làng An Xá (xã Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương), Lão Tử được thờ dưới hình một ông lão râu tóc bạc trắng, tay cầm gậy đầu Rồng, chân dẫm lên một con Rùa vàng. Hình tượng Rùa vàng hay Trâu trắng đều là thể hiện tinh thần tòng thuận của Đạo Lão.

Tượng thờ Thái Thượng Lão Quân ở làng An Xá, Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương

Về Lão Tử còn lưu truyền câu chuyện “Tử khí Đông lai”, kể rằng, khi Lão Tử đi qua cửa Hàm Cốc, quan lệnh là Doãn Hỷ nhìn thấy có một luồng khí sắc tím bay tới từ phía Đông, biết rằng sẽ có thánh nhân đi qua. Quả nhiên lúc sau Lão tử cưỡi trâu xanh từ hướng Đông qua đây. Doãn Hỷ ăn mặc chỉnh tề, quỳ gối dập đầu, khẩn khoản giữ Lão Tử ở lại và viết lại những hiểu biết của mình trước khi đi vào sa mạc. Lão Tử vì ưu ái Doãn Hỷ nên đã lưu lại Hàm Cốc quan hơn 100 ngày, truyền thụ lại tư tưởng của mình trong cuốn Đạo Đức Kinh.

Thần Kim Quy cũng từ phía Đông tới giúp An Dương Vương, rồi trao cho vua cái Móng rùa để làm bí quyết an dân giữ nước. Móng rùa ở đây không gì khác chính là cuốn Đạo Đức kinh, hay là tư tưởng Đại Đạo mà Lão Tử đã theo đuổi. Sống có Đạo, có Đức, tuân theo trời đất, hợp với tự nhiên là chiếc Móng rùa được Lão Tử gửi gắm lại cho nhân gian.

Ở Cổ Loa, người được tôn sùng vì giúp An Dương Vương trừ yêu xây thành là Huyền Thiên Chân Vũ. Đây là tên thờ của Lão Tử, xuất hiện dưới thời Đường. Do học thuyết của Lão Tử lấy sự tòng thuận trong tính chất của phương Bắc (Huyền vũ) làm căn bản nên ông được tôn là Đại Thánh Bắc phương Thiên Tôn. Đặc biệt ở làng Thụy Lôi, là nơi thờ phụng Huyền Thiên Chân Vũ bên núi Võ Đương (núi Sái ở Đông Anh), có tục lệ hàng năm nuôi một con bò chăn cho béo tốt, đến ngày dùng để tế lễ đức Huyền Thiên. Truyền ngôn rằng: “khi xưa Ngài nằm ở đây trông thấy một con bò tinh. Ngài ước rằng được ăn thịt con bò ấy. Rồi sau khi Ngài hóa, con bò ấy cũng chết. Cho nên dân làng đều tế bằng bò. Dân làng phải lập cuộc giả vương giả tướng để lễ tạ Ngài, tức là thay mặt vua Thục để lễ tạ.” Việc nuôi bò để tế Huyền Thiên Chân Vũ là hình thức khuyến khích Đạo tòng thuận trong biểu tượng của con “Hoàng ngưu” (chi Sửu còn có hình tượng là con Bò vàng trong lịch pháp Trung Quốc).

Tượng Huyền Thiên Đại thánh ở đền Trấn Vũ tại làng Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Các nơi thờ Huyền Thiên Chân Vũ như ở Quán Thánh bên Hồ Tây, Huyền Thiên Cổ Quán ở phố Hàng Khoai, hay ở đền Trấn Vũ tại làng Ngọc Trì, Long Biên, đều thể hiện Ngài trong hình dáng to lớn, đang chống một thanh gươm có Rắn quấn quanh lên mình con Rùa. Những hình tượng này đều thống nhất với cách thờ đối với Thái Thượng Lão Quân như ở làng An Xá ở trên. Quy xà hợp hình thành linh vật Huyền vũ, đại diện của Bắc phương, sắc tím.

Huyền Thiên Lão Tử cầm tinh con Trâu, giảng Đại Đạo ở Thổ Hà, tiêu trừ dịch bệnh, đăng đàn nêu cao đạo tòng thuận ở núi Võ Đương, để lại cuốn Đạo Đức kinh làm bí quyết nỏ thần giúp An Dương Vương an định thành đô, trị bình thiên hạ. Mùa Xuân năm Tân Sửu 2021 bắt đầu. Xem lại chuyện xưa mà ngẫm trong xã hội ngày nay. Thế kỷ 21 này dịch bệnh lây lan, xã hội đầy những sự thái quá, phá bỏ quy luật tự nhiên, tất không khỏi phải gánh lấy hậu quả. Xin hãy cưỡi Trâu mà đi giữa đường đời để có được sắc tím huyền diệu của Đạo, giúp cho con người có cuộc sống yên bình dài lâu, hạnh phúc như các bậc thần tiên.

Câu đối đình Thổ Hà

Để nhớ đến đức Huyền Thiên Lão Tử, người đã khai mở con đường Đạo Đức cho nhân gian, xin ghi nhớ đôi câu đối ở chính điện tiền tế đình Thổ Hà:

Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai Đạo Giáo

Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền ảo hóa tác Thần Tiên.

Dịch nghĩa:

Mưa gió Đông Chu đây một thời, riêng giữ thanh hư mở Đạo Giáo

Núi sông Nam Việt chỉ đất đó, một truyền màu nhiệm tạo Thần Tiên.

MINH THI

Rồng bay biển Bát – Phượng gáy non Kỳ

Thời đại Hùng Vương theo huyền sử Việt có thể được chia thành 3 giai đoạn:1. Sơ kỳ họ Hùng: 5.000 năm – 4.000 năm trước. Thời kỳ có thủ lĩnh. Bắt đầu từ Đế Minh, cháu ba đời của Thần Nông cho đến Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình. Khởi đầu của thời kỳ này là việc Thái tổ Đế Minh lên núi Thái Sơn mở nước. Biểu tượng của thời này là Nhật nguyệt tinh thần (khai mở Càn Khôn). Trung tâm của thời này là vùng đất tổ Phong Châu.2. Trung kỳ Hùng Vương: 4.000 năm – 3.000 năm trước. Thời phụ đạo.Từ Lạc Long Quân đến Hùng Duệ Vương. Khởi đầu thời kỳ này là Vua cha Lạc Long Quân xuất thế ở Bát Hải. Thời kỳ này người Việt phát triển về phía Đông (Động Đình). Biểu tượng là con Rồng.3. Hậu kỳ Hùng Vương: 3.000 năm trước đến năm 258 TCN. Thời kỳ phong kiến phân quyềnTừ khi Thục Chủ Âu Cơ lên ngôi ở Phong Châu cho đến khi An Dương Vương cầm sừng văn tê bảy tấc đi ra biển. Thời kỳ này là dòng Âu – Thục ở phía Tây (Ai Lao) làm Thiên tử. Biểu tượng là hình chim Phượng trên trống đồng, gắn với điềm báo “Phượng gáy non Kỳ”.
Thời đại Hùng Vương theo huyền sử kết thúc khi nhà Tần diệt An Dương Vương thống nhất thiên hạ, lập chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Biểu tượng thời thống nhất là hình tượng Phi Liêm, kết hợp giữa Rồng và Phượng.
Lược đồ thời đại Hùng Vương kèm theo với những hình màu xanh là những truyền thuyết (sự kiện) xảy ra trong mỗi thời kỳ.Hình Long Phượng chầu Nguyệt thực chất là biểu tượng cho lịch sử dựng nước họ Hùng, gồm cả 3 thời kỳ trên.