Luận giải truyền tích Tứ bất tử từ góc độ đạo thần tiên ở Việt Nam

Hiện nay khái niệm Tứ bất tử trong văn hóa dân gian được quan niệm là tên gọi chung của bốn vị thánh là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa. Mỗi vị thánh tượng trưng cho sự bền vững, thịnh đạt của một lĩnh vực đời sống nên được coi là “bất tử”. Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ thì quan niệm cho rằng dân gian đã “bất tử” hóa những ước vọng của mình vào các vị thần không hoàn toàn hợp lý. Đúng hơn, những vị thần phải có phép “bất tử” thì mới có thể gọi là thần bất tử. Một số tài liệu thay vào chỗ của Mẫu Liễu Hạnh là Từ Đạo Hạnh hoặc Nguyễn Minh Không là dẫn chứng cho điều này vì Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không là nhà sư, đạo sĩ, không biểu trưng cho lĩnh vực nào của đời sống nhân dân. Không phải dân gian đã đem mong muốn của mình gửi gắm vào các vị thần mà là hành trạng, khả năng của chính những nhân vật này đã cho phép gọi họ là “bất tử”. Bất tử là mục đích tối cao của phép tu tiên trong Đạo giáo nên các thần bất tử là những nhân vật trong quá trình phát triển Đạo thần tiên ở nước ta. Từ nhận thức như vậy có thể xem xét lại ý nghĩa các truyền tích và vị trí của các vị thần trong Tứ bất tử. [i]

Tu bat tu tu phuTranh Tứ bất tử.

Tản Viên Sơn Thánh

Đứng đầu Tứ bất tử là Tản Viên Sơn Thánh vì đây là vị “Đệ nhất phúc thần” nước Nam[ii]. Tản Viên Sơn Thánh cũng là nhân vật có xuất xứ lâu đời nhất trong số các vị thần bất tử được nói đến. Theo thần tích đền Và (xã Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội) thì Tản Viên đã nhận được cây gậy thần đầu sinh đầu tử của Thái Bạch tử vi thiên tướng trên núi Tản. Từ đó Tản Viên xưng là Thần sư, đi cứu độ nhân gian, dùng gậy thần cứu sống được con rắn là con của Long Vương Động Đình. Khi xuống thăm Long Cung Tản Viên lại được thêm cuốn sách ước có phép nhiệm màu thay đổi trời đất…

Câu đối ở đền Và tóm tắt về sự tích của thần Tản Viên như sau:

神爲之靈地爲之靈亦人崇爲之靈屹爾東宮西鎮
山得其術水得其術卽今欲得其術渺乎僊杖約書
Thần vi chi linh, địa vi chi linh, diệc nhân sùng vi chi linh, ngật nhĩ Đông cung Tây trấn
Sơn đắc kỳ thuật, thủy đắc kỳ thuật, tức kim dục đắc kỳ thuật, diểu hô tiên trượng ước thư.
Dịch:
Thần tôn là thiêng, đất tôn là thiêng, cũng người tôn mà thành thiêng, cung Đông trấn Tây cao ngất
Núi được thành thuật, sông được thành thuật, nay muốn được xem thành thuật, gậy thần sách ước diệu kỳ.

Gậy thần sách ước” của Tản Viên là phép thuật gì? Chuyện này có thể hiểu khi so sánh truyền thuyết Tản Viên với chuyện của Đại Vũ trong thần thoại Trung Hoa:

Vũ đang đứng trên bờ quan sát sức mạnh của dòng nước thì thấy một ông già mặt trắng trẻo, mình cá, nhảy lên từ dòng sông… Ông già tự xưng là Hà Bá. Vị thần này cho Vũ một phiến đá to màu xanh… Đó chính là Hà đồ.[iii]

Rồi tiếp theo còn có chuyện Vũ gặp một con rắn thần ở trong hang, rắn dẫn Vũ tới gặp Phục Hy và Phục Hy trao cho Vũ một thanh Ngọc giản, có thể đo đạc được trời đất.

Có thể thấy chuyện Sơn Tinh được gậy thần sách ước và chuyện Đại Vũ được Hà đồ, Ngọc giản chỉ là một. “Ông già mặt trắng” là Thái Bạch Thần Tinh ở núi Tản. Thái Bạch cũng là Thái Hạo (Hạo trong Hoa ngữ nghĩa là sáng, bạch), là tên khác của Phục Hy trong truyền thuyết. Phục Hy tương truyền có mình rắn. Phục Hy là người tìm ra Bát quái nên hoàn toàn có thể Phục Hy cũng là Thái Bạch Tử Vi thiên tướng trong truyền thuyết Tản Viên.

Phục Hy là người đã chép Hà đồ từ lưng con Long Mã (tức là con rồng, rắn thần). Còn vua Vũ vẽ Lạc thư từ lưng con Thần Quy. Có thuyết khác lại cho rằng cả Hà đồ lẫn Lạc thư đều do Đại Vũ nghĩ ra. Dù thế nào thì rõ ràng phép thần của Tản Viên Sơn Thánh chính là Hà Lạc, được tiếp thụ từ tiền nhân và sáng tạo thêm trong quá trình trị thủy.

Gậy thần sách ước của Tản Viên Sơn Thánh xét thực chất chính là Hà đồ Lạc thư, trong đó bao hàm đạo Âm dương (sinh tử), Trời đất (Hà – Lạc). Nhờ những kiến thức khoa học này ở thủa bình minh của dân tộc mà Tản Viên Sơn Thánh đã quy tụ được các bộ tộc ở vùng Nam Giao (2 anh em Cao Sơn, Quý Minh), trị thủy thắng lợi. Thánh Tản do vậy đã trở thành vị thần bất tử đầu tiên của người Việt.

Chử Đạo Tổ

Xét trong Tứ bất tử thì người càng có vị trí thứ tự cao thì khả năng phép thuật linh ứng càng cao. Quan trọng hơn là thời điểm xuất hiện của người đó càng sớm trong chiều dài lịch sử. Vị trí thứ hai trong Tứ bất tử thuộc về Chử Đồng Tử. Sự tích Chử Đồng Tử được tóm tắt trong câu đối ở đền Đa Hòa (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên):

淳孝格天沙渚幔帷成異遇
至誠通聖瓊林杖笠契真傳
Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ
Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.
Dịch:
Hiếu thuận động tới trời, Bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Chử Đồng Tử vì hiếu thuận với cha nên đã kỳ ngộ gặp được Tiên Dung công chúa ở bãi Tự Nhiên. Sau đó nhờ thành tâm học đạo đã được tiên ông truyền cho phép màu ở núi Quỳnh Lâm. Phép màu của Chử Đồng Tử là cây gậy và chiếc nón thần. Gậy và nón là hình ảnh của vuông – tròn, âm – dương. Thần tích ở Đa Hòa còn kể tại đây có vị thần Cá (thần Dí) đã vật chết voi của nhà vua, nhưng khi được yêu cầu làm voi sống lại thì không làm được, bởi “phép cải tử hoàn sinh chỉ có Tản Viên Sơn Thần và Đức thánh Chử Đồng Tử là làm được...”. Điều này cho thấy không phải “thần” nào cũng có thể “cải tử hoàn sinh”. Chỉ có 2 vị thần bất tử là Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử là có phép thuật này.

Khi so sánh truyền thuyết Chử Đồng Tử và Tiên Dung với chuyện của các vị thần trong Đạo Giáo Trung Hoa thì thấy đây cũng là chuyện của Hậu Nghệ – Hằng Nga. Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga, là những vị thần bị đày xuống trần gian. Hậu Nghệ đi tìm thuốc bất tử, trải qua muôn vàn gian khó mới gặp và xin được của Tây Vương Mẫu một viên thuốc để trở thành bất tử. Khi về nhà Hằng Nga vô ý uống thuốc này nên đã bay lên mặt trăng.

Câu chuyện Hằng Nga – Hậu Nghệ trên đã chỉ rõ thế nào là thần bất tử trong quan niệm xưa. Khả năng bất tử là khả năng đặc biệt mà chỉ một số ít các vị thần mới có. Hậu Nghệ – Hằng Nga là những vị thần bất tử như Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử và Tiên Dung cũng một đêm cũng bay về trời ở đầm Nhất Dạ như chuyện Hằng Nga về cung trăng.

Thần tích ở đền Đa Hòa còn kể Chử Đồng Tử lấy thêm một người vợ nữa là Tây Cung công chúa. Vị công chúa này cũng có phép thuật, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cho nhân dân. Tây Cung công chúa như vậy ở đây tương đồng với Tây Vương Mẫu trong chuyện Hậu Nghệ tìm thuốc bất tử.

Trong lịch sử Trung Hoa thì Hậu Nghệ là người đã tiếm ngôi, làm gián đoạn nhà Hạ thời Hạ Thái Khang. Truyền thuyết về Chử Đồng Tử cũng kể về vua Hùng tức giận, đem quân đến đánh vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung, thể hiện một cuộc đụng độ đã xảy ra.

Liên hệ giữa Chử Đồng Tử và Hậu Nghệ rõ nhất là về ngôn ngữ. Có từ Chư hầu, chỉ rõ mối tương thông Chử – Hậu, là chư hầu của nhà Hạ đã tiếm ngôi (lấy con gái vua mà không được phép). Liên hệ Hậu – Chậu – Chử tương tự như trong những từ Hầu (đồng) – Chầu (đồng) – (ca) Trù đều chỉ hình thức xướng ca phục vụ nghi lễ cung đình (triều đình) xưa cả.

Hậu Nghệ có công bắn mặt trời, diệt các loài quái vật nên được nhân dân tôn thờ là thần Tông Bố, tổng quản các loài ma quỷ trong thiên hạ. Chử Đồng Tử tu tiên, có được phép cải tử hoàn sinh đi cứu người, chữa bệnh rồi được tôn là Chử Đạo Tổ. Tông Bố phiên thiết cho chữ Tổ. Như vậy cách gọi Tông Bố Hậu Nghệ trùng cả họ và tên với Chử Đạo Tổ.

Đổng Thiên Vương

Vị trí thứ ba trong Tứ bất tử theo quan niệm hiện tại là Thánh Gióng, cậu bé làng Phù Đổng cưỡi ngựa sắt đánh thắng giặc Ân. Tuy nhiên, khi xét quan niệm về thần “bất tử” là những vị thần có phép màu nhiệm, có sinh hóa, có liên quan đến đạo thần tiên (Đạo Giáo) thì nhân vật Thánh Gióng hoàn toàn không phù hợp là thần bất tử. Thánh Gióng không có phép màu nào, dùng sức khỏe đánh giặc. Đánh thắng giặc xong là thần “hóa”, bay về trời ở núi Sóc… và không quay trở lại nữa. Như vậy sao có thể gọi là thần “bất tử”?

Ở đây đã có sự nhầm lẫn do mặt chữ. Vị thần bất tử thứ ba là Đổng Thiên Vương, chứ không phải Phù Đổng Thiên Vương. Phù Đổng là từ phiên thiết của chữ Phổng hay Bổng, chỉ Thánh Gióng. Còn Đổng Thiên Vương lại là Huyền Thiên Đại Thánh. Đền thờ Huyền Thiên Đổng Thiên Vương nằm ở làng Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội). Thần phả ở đền Bộ Đầu có tên “Bộ Đầu linh từ sự tích Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh, Thành hoàng nhất vị“. Các sách cũ[iv] đều cho rằng đền này thờ Huyền Thiên Đại Thánh. Bản thân đền được gọi là đền Quán Thánh.

Theo sự tích ở Huyền Thiên quán tại làng Ngọc Trì (xã Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội) thì Huyền Thiên nhiều lần giáng sinh, tu hành, từ đó có phép thuật trấn yêu ma các động. Còn Huyền Thiên ở đền Sái (Đông Anh) là người đã giúp Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Huyền Thiên còn là vị thần được thờ tại Trấn Vũ quán ở Hồ Tây (Hà Nội). Ở những nơi này tượng thờ Huyền Thiên đều được làm dưới hình dạng một người cao lớn, tay bắt quyết và dẫn dụ rắn rùa. Chữ Đổng như vậy thực ra là ký âm của Đùng, chỉ vị thần có thân hình to lớn.

Câu đối ở Quán Thánh (Hồ Tây) kể về sự tích Huyền Thiên Trấn Vũ:

武當山石鍊何年色相俱空真身尚在
玄天觀雲遊此日仙縱偶寄靈蹟長留
Vũ Đương sơn thạch luyện hà niên, sắc tướng câu không, chân thân thượng tại
Huyền Thiên quán vân du thử nhật, tiên tung ngẫu kí, linh tích trường lưu.
Dịch thơ:
Núi Vũ Đương năm xưa luyện đá
Mặc hình nhan thân cả ở cao
Mây bay Huyền quán ngày nào
Dấu tiên chợt hiện, biết bao giờ mờ.

Huyền Thiên không ai khác chính là Lão Tử, vì Huyền Thiên hay Huyền Nguyên là tên sắc phong của nhà Đường cho Lão Tử. Lão Tử, vị giáo chủ Đạo giáo, có khả năng giáng sinh nhiều kiếp, có phép màu trấn yểm yêu quỷ, quy xà nên Huyền Thiên Đổng Thiên Vương là một thần bất tử hoàn toàn hợp lý. Lão Tử hiện còn được thờ làm thành hoàng ở đình Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang), với công trạng giống như của Huyền Thiên tại đền Sái.

Có thể thấy phép thuật của Huyền Thiên Đổng Thiên Vương hạn chế hơn so với Chử Đạo Tổ. Trong khi Chử Đồng Tử có thể cải tử hoàn sinh, tham dự vào huyền cơ thiên địa, thì phép thuật của Đổng Thiên Vương hạn chế ở khả năng chữa bệnh dịch, diệt yêu trừ quỷ, chỉ hóa sinh chứ không cải tử hoàn sinh. Vì thế Đổng Thiên Vương được xếp ở vị trí thứ ba trong Tứ bất tử, sau Chử Đạo Tổ.

Bắt đầu từ vị thần bất tử thứ ba Đổng Thiên Vương ta thấy xuất hiện thông tin về đạo Phật. Lão Tử được coi trong một thân là thánh thần tiên phật. Quan niệm về luân hồi, chuyển kiếp đầu thai cũng là quan niệm của đạo Phật. Đạo giáo nói đến tu tiên, trường sinh bất lão và cải tử hoàn sinh chứ không đầu thai. Lão Tử ban đầu là một nhân vật trường sinh bất lão, luyện tiên đan (Thái Thượng Lão Quân). Sang đến hình ảnh Huyền Thiên mới thêm việc chuyển kiếp theo quan niệm đạo Phật.

Liễu Hạnh Thánh Mẫu

Khả năng hóa sinh nhiều lần và trong một ngôi gồm cả thánh thần tiên Phật thấy rõ hơn ở thánh mẫu Liễu Hạnh. Câu đối ở lăng mộ Liễu Hạnh tại Vụ Bản (Nam Định) nói về khả năng hóa sinh, chuyển thể của thánh:

五百餘年神故化
再三轉世聖而仙
Ngũ bách dư niên thần cố hóa
Tái tam chuyển thế thánh nhi tiên.
Dịch:
Năm trăm năm lẻ thần hóa cũ
Ba lần chuyển thế thánh là tiên.

Mẫu Liễu được tôn sùng vì trong các lần chuyển hóa thể hiện là người có “hiếu, trinh, từ”:

勝蹟肇仙鄉而聖而神而佛
靈聲振越甸惟慈惟孝惟貞
Thắng tích triệu Tiên hương, nhi thánh nhi thần nhi phật
Linh thanh chấn Việt điện, duy từ duy hiếu duy trinh.
Dịch:
Thắng tích mở Tiên Hương, là thánh là thần là phật
Linh thiêng vang Việt điện, bởi lành bởi hiếu bởi trinh.

Phép thuật cụ thể của Mẫu Liễu là gì thì truyền tích không đề cập đến. Có thể thấy khả năng của Mẫu Liễu hạn chế hơn nhiều so với Huyền Thiên Đổng Thiên Vương. So về năng lực và thời gian xuất hiện (thời Lê) thì Liễu Hạnh xếp thứ tư trong Tứ bất tử là đúng, cho dù Liễu Hạnh là Mẫu chủ của Địa phủ trong đạo Tứ phủ.

Như vậy, Tứ bất tử là 4 nhân vật đánh dấu những mốc trong quá trình hình thành và phát triển Đạo thần tiên ở nước Nam. Thứ tự và phương vị của Tứ bất tử được sắp xếp như sau:

– Đứng đầu là Tản Viên Sơn Thánh, người có gậy thần sách ước, là Hà thư Lạc đồ, những kiến thức khoa học thời sơ khai. Tản Viên là người đã tập hợp các bộ tộc Việt chiến thắng thiên tai trong thời kỳ dựng nước. Phương vị của Tản Viên là hướng Tây (Sơn Tây). Xét trong đạo Tứ phủ thì Tản Viên là thần chủ của Nhạc phủ.

– Thứ hai là Chử Đạo Tổ, cũng là người nắm được thuật Âm dương, có bảo bối là gậy nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Truyền thuyết Chử Đồng Tử là cách kể khác của chuyện Hậu Nghệ thời nhà Hạ. Chử Đồng Tử hay Chử Đông Tử, nghĩa là Người ở bãi phía Đông, là thần nắm hướng Đông và là thần trong Thoải phủ (Thủy phủ).

– Xếp thứ ba là Đổng Thiên Vương Huyền Thiên Lão Tử, là giáo chủ Đạo giáo, là thầy thuốc cứu dân độ thế, có khả năng trường sinh bất lão, có thể trừ yêu dẹp quỷ, trấn quy xà. Lão Tử là người đã giúp vua Chủ An Dương Vương xây thành Cổ Loa vào đầu thời Đông Chu. Đổng Thiên Vương là người trấn phương Bắc (Huyền phương), ứng với Thiên phủ.

– Cuối cùng là thánh mẫu Liễu Hạnh, thần chủ của Địa phủ trong đạo Tứ phủ, có khả năng tái sinh nhiều lần, đắc đạo thánh thần tiên phật, nổi danh hiếu trinh từ ở thời Lê. Liễu Hạnh là người thành Nam (Nam Định), nắm giữ phương Nam.


CHÚ THÍCH:

[i] Bài viết được trích lược từ sách Bước ra từ huyền thoại của tác giả.
[ii] Lĩnh Nam chích quái, Truyện núi Tản Viên.
[iii] Thần thoại Trung Hoa, Dương Tuấn Anh sưu tầm, tuyển chọn, NXB Giáo dục Việt Nam, 2009.
[iv] Theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam, Ngô Đức Thọ (chủ biên), NXB Văn học, 2003.

Những biểu tượng trong bài ca dao “Anh là thợ mộc Thanh Hoa”

Anh là thợ mộc Thanh Hoa
Làm cầu, làm quán, làm nhà… khéo thay!
Lựa cột anh dựng đòn tay
Bào trơn đóng bén nó ngay một bề.

Phần mở đầu bài ca dao tỏ ra đơn giản và tả thực. Một người thợ mộc Thanh Hoa khéo léo, làm được đủ mọi thứ. Phần mở đầu này không cho biết tiếp theo là nói về anh thợ mộc đang đục chạm cho công trình nào. Làm cầu, làm quán hay đang làm nhà?
Phần tiếp theo không phải là làm nhà mấy gian, mấy chái, mà lại chỉ dùng “bốn cửa” để định khung cảnh. Ý nghĩa biểu tượng của bài ca dao bắt đầu từ đây. Bốn cửa ở đây là bốn phương, bốn lĩnh vực của đời sống xã hội, của nhân sinh quan đương thời. Do đó bài ca dao được tiếp bởi 4 đoạn thơ lục bát, mỗi đoạn có 4 câu. Mỗi đoạn thơ nói về một lĩnh vực.

Bốn cửa anh chạm bốn dê
Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
Bốn cửa anh chạm bồn rồng
Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo.

Đối với người Việt thì việc đầu tiên là việc thờ cúng tổ tông. Trong bài được biểu hiện bằng hình ảnh con dê. Dê đực là loài vật được dùng để tế lễ từ thời xa xưa. Cùng với đó là hình ảnh Rồng, con thì ấp, con thì leo. Rồng là nói đến vua, đến người lãnh đạo. Đoạn thơ này như vậy dành cho tổ tiên và vua, đúng theo đạo lý của Nho giáo.

IMG_5109

Đôn Tứ dương.

Đặc biệt hình ảnh diễn tả trong đoạn thơ thứ hai trùng khớp với hình trên chiếc đôn Tứ dương, một đồ đồng đặc trưng của thời Thương. Đôn Tứ dương có từ 3000 năm trước, dùng trong việc tế lễ thần linh. Trên chiếc đôn vuông này bốn góc là hình đầu 4 con dê lớn, sừng uốn cong, râu dài. Còn ở giữa 4 cạnh có hình đầu con vật nhỏ hơn với 2 sừng thẳng. Rất có thể đó là những con rồng con (rồng ấp). Hoa văn trên thân có hình “rồng leo” và chim phượng.
Chiếc đôn Tứ dương cũng cho hiểu thêm ý nghĩa của “bốn cửa” trong bài ca dao. Mỗi cửa là một hướng, một phương vị. Đôn có bố cục vuông nhưng có 8 hướng (4 dê và 4 rồng). Dê tiếng Hoa là dương, đồng âm với Dương trong Âm – Dương. Sừng dê cong vì Trời tròn (Trời là Dương). Còn 4 con rồng nhỏ là Âm. Âm thì ẩn, ém đi nên hình rồng nhỏ. Đất vuông (Đất là Âm) nên sừng rồng thẳng. Âm Dương được phối hợp thể hiện thành 8 hướng (Bát quái) trên chiếc đôn này.

IMG_5067Dê và Rồng trên đôn Tứ dương.

Bốn cửa anh chạm bốn mèo
Con thì bắt chuột, con leo xà nhà.
Bốn cửa anh chạm bốn gà
Đêm thì nó gáy, ngày ra ăn vườn.

Đoạn ca dao tiếp theo dùng 2 con vật Mèo và Gà. Mèo bắt chuột và leo xà. Đây là thể hiện không gian trên – dưới. Gà đêm gáy, ngày đi kiếm ăn. Hình ảnh biểu tượng của thời gian ngày – đêm. Như vậy trên bốn cửa của anh thợ mộc đã thể hiện đủ không gian và thời gian.

Bốn cửa anh chạm bốn lươn
Con thì thắt khúc, con trườn bò ra.
Bốn cửa anh chạm bốn hoa
Trên là hoa sói, dưới là hoa sen.

Đoạn về Lươn và Hoa cũng mang tính biểu tượng. Sau không gian và thời gian đã khắc ra ở đoạn trên, đoạn này hẳn là nói về “nhân gian”. “Thân lươn bao quản lấm đầu”, Lươn là biểu tượng của giới bình dân. Con thắt khúc, con trườn ra. Còn Hoa là biểu tượng của tầng lớp cao hơn, “tinh hoa”, với dáng vẻ và kích cỡ khác nhau. Có hoa nhỏ như hoa sói, có hoa lớn như hoa sen. Đoạn ca dao nói đầy đủ về các loại người trong xã hội.

Bốn cửa anh chạm bốn đèn,
Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ.
Một đèn đọc sách ngâm thơ,
Một đèn anh để đợi chờ nàng đây.

Đoạn kết nói về Đèn. Đèn là biểu tượng của trí tuệ, của khoa học công nghệ, của lý trí. Do đó có đèn dùng để lao động sản xuất (dệt cửi, quay tơ). Có đèn để sinh hoạt văn hóa (đọc sách, ngâm thơ). Và cuối cùng là đèn để đợi chờ, tìm bạn.
Anh thợ mộc Thanh Hoa làm bài thơ dài dòng như vậy không phải khéo nói để “tán gái” (như căn cứ theo câu kết). Làm thợ, anh có tầm hiểu biết sâu sắc về thế giới và xã hội nên anh đã chạm khắc cả một thế giới quan, nhân sinh quan của người Việt vào trong bài ca dao.

Long Hưng phi Kiền ngũ

Một trong những di tích hiếm hoi được cho là thờ tướng Phạm Tu thời Tiền Lý Nam Đế là đình làng Ngọc Than (Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội). Đình Ngọc Than là di tích từ thời Lê Trung Hưng, được xây dựng với quy mô khá đồ sộ. Theo ghi chép ở Ngọc Than thì hai vị thành hoàng được thờ ở đây là Tiền Lý Nam Đế và tướng của ông là Phạm Chí.

Câu đối cổ nhất nằm ở gian giữa tòa đại bái tại đình Ngọc Than ghi:
龍興飛乾五天德建元丁黎陳紀年始有號
鯤躍拱離三神符濟渡東西北効順静無波
Long Hưng phi kiền ngũ Thiên Đức kiến nguyên Đinh Lê Trần kỷ niên thủy hữu hiệu
Côn dược củng ly tam thần phù tế độ Đông Tây Bắc hiệu thuận tĩnh vô ba.

Ngoc ThanCâu đối này đọc qua thì khá trúc trắc, khó hiểu. Sách Văn hóa làng Ngọc Than dịch thành nghĩa như “năm tầng trời” (ngũ Thiên), “ba vị thần” (tam thần)… Tuy nhiên dịch vậy không ổn vì làm gì có 5 tầng trời (nếu là tầng trời thì phải là 9 – cửu trùng). Cũng làm gì có 3 vị thần nào (chỉ có 2 vị Lý Bôn và Phạm Chí được thờ ở đây).

Câu đối trên khó hiểu vì nó sử dụng hình tượng trong 2 quẻ của Kinh Dịch là quẻ Kiền và quẻ Ly, cùng với những dữ liệu lịch sử của thời Tiền Lý. Vế đối đầu được tách đoạn và diễn giải như sau:
– “Long Hưng phi kiền ngũ“. Long Hưng là quê của Lý Nam Đế (phủ Long Hưng – Thái Bình), hoặc chính là cách gọi Lý Nam Đế (Long Hưng = lang Hưng hay chúa Hưng).
Long Hưng phi kiền ngũ” là Hào ngũ (Hào thứ năm) của quẻ Kiền trong Kinh Dịch: “Phi long tại thiên, lợi, kiến đại nhân“. Hào ngũ của quẻ Kiền chỉ rồng bay lên, điềm tốt, “gặp đại nhân”, tức là nên công nghiệp lớn. Ý của đoạn này chỉ Lý Nam Đế là người đã Long Hưng, lập nên công nghiệp đế vương.
– “Thiên Đức kiến nguyên“: Thiên Đức là niên hiệu của triều Lý Nam Đế. Thiên Đức kiến nguyên nghĩa là mở đầu triều Thiên Đức.
– “Đinh Lê Trần kỷ niên thủy hữu hiệu“: Đinh – Lê – Trần, không có Lý vì Lý chính là Lý Nam Đế rồi. Đoạn này nói Lý Nam Đế là người mở đầu, khởi thủy cho các triều đại có niên hiệu độc lập (“hữu hiệu”) của nước ta.
Vế đối thứ hai tương xứng có thể diễn giải như sau:
– “Côn dược củng ly tam“: Cá côn nhảy ngưỡng kính Hào tam của quẻ Ly. Hào tam quẻ Ly viết “Nhật trắc chi ly, bất cổ phẫu nhi ca, tắt đại diệt chi ta, hung“. Tức là: ánh nắng ngả chiều, không có tiếng nhạc lời ca, phải chăng thảm họa đang rình rập, xấu lắm. Quẻ Ly ở Hào tam là hình tượng của ánh nắng. Cá côn ngưỡng “Ly tam” liệu có phải là cá côn cung kính trước ánh hào quang của thần?
– “Thần phù tế độ“: hiểu đơn giản là phép thần cứu vớt chúng sinh.
– “Đông Tây Bắc hiệu thuận tĩnh vô ba“: Đông – Tây – Bắc, thiếu hướng Nam, vì nhà Lý là hướng Nam rồi. Lý Bôn và Phạm Chí ở Ngọc Than được phong là Nam Hải đại vương. Vì có “Hải” ở đây nên mới có cá côn và khắp 3 hướng đều yên lặng không chút sóng (“tĩnh vô ba“).
Vế sau của câu đối sử dụng Hào tam của quẻ Ly để chỉ ánh sáng, ánh hào quang. Tác giả Nguyễn Quang Nhật trong loạt bài viết Dịch học Việt đã nhận định:
Quẻ Ly hết sực đặc biệt. Hào sơ, hào nhị: Ly là lý lẽ. Hào tam: Ly là ánh nắng. Hào tứ, hào ngũ: Ly là lửa khói. Hào thượng: Ly là lý (do). Ly âm gốc là lửa, tiếng Việt chỉ ánh sáng, mặt trời, lý lẽ.
Câu đối ở đình Ngọc Than xác nhận thêm nhận định này, rằng mỗi Hào của quẻ Ly mang một nghĩa khác nhau, nên mới có thể dùng chính xác “Ly tam” để chỉ ánh sáng.
Dịch câu đối ở đình Ngọc Than:
Long Hưng bay Kiền ngũ, Thiên Đức dựng nền, niên sử Đinh Lê Trần khai quốc hiệu
Cá côn kính Ly tam, phép thần cứu vớt, cùng thuận Đông Tây Bắc lặng sóng không.
Câu đối này khá gần với câu đối cũng về Lý Nam Đế ở Giang Xá (Hoài Đức):
洪惟南越肇基貉雄吳蜀以前赫濯殾靈天德紀元初一綂
歷考帝王世祀丁趙陳黎而後焜煌彞典萬春建國閌千秋
Hồng duy Nam Việt triệu cơ, Lạc Hùng Ngô Thục dĩ tiền, hách trạc tuấn linh, Thiên Đức kỷ nguyên sơ nhất thống
Lịch khảo đế vương thế tự, Đinh Triệu Trần Lê nhi hậu, hỗn hoàng di điển, Vạn Xuân kiến quốc kháng thiên thu.
Dịch câu đối:
Rộng suy Nam Việt mở nền, Lạc Hùng Ngô Thục thủa đầu, loáng bóng trúc thần, Thiên Đức kỷ nguyên ban sơ thống nhất
Xét lịch Đế Vương thứ tự, Đinh Triệu Trần Lê sau đó, chói vàng sách miếu, Vạn Xuân dựng nước sừng sững ngàn thu.
Lý Nam Đế ở Giang Xá được gọi với tên Cử Long Hưng. Còn ở Ngọc Than dùng “Long Hưng phi Kiền ngũ” để chỉ vị vua này. Long Hưng như vậy không phải chỉ là tên quê quán của Lý Nam Đế mà là tên gọi của vua, là vua Hưng hay chúa Hưng. Hưng Vương Lý Bôn là người được thờ ở khu vực Sơn Tây xưa.

P1110052

Đình Ngọc Than

Các sắc phong cho Lý Nam Đế ở đình Ngọc Than phong danh: “Quốc vương thiên tử cương minh linh đạt phổ hựu hiển ứng Lý Nam Đế Nam Hải tráng tiết sùng huân thịnh liệt thông minh…
Tất cả các sắc phong ở Ngọc Than đều là phong cho Lý Nam Đế. Như vậy người mang danh Nam Hải đại vương ở Ngọc Than là Lý Nam Đế, không phải tướng Phạm Chí. Câu đối ở đình cũng cho thấy người được thờ chính ở đây là Lý Nam Đế. Tướng Phạm Chí không được nhắc tới. Phạm Chí ở Ngọc Than có thể không phải là lão tướng Phạm Tu như ở đình Thanh Liệt.
Lý Nam Đế được phong là Nam Hải đại vương, đây là danh xưng đáng suy nghĩ. Tại sao lại là Nam Hải? Lý Nam Đế thì có đánh trận nào trên biển đâu? Còn Nam Hải là địa danh đất liền thì là chỉ quận Nam Hải thời Tần, là vùng đất Phiên Ngung – Quảng Đông. Nam Hải đại vương Lý Bôn là người đã nổi lên ở đất Nam Hải. Đây là một chỉ dẫn nữa cho nhận định Lý Bôn là Triệu Vũ Đế, người đã khởi nghĩa ban đầu ở Thái Bình (đất Bái, Thái Bình thiết Bái), lập đô ở Nam Hải (nơi Triệu Đà tiếp nhận vị trí của Nhâm Ngao).

Long ngheỔ rồng mẹ rồng con ở đình Ngọc Than.

Nơi thờ Long Hưng Lý Bôn ở Ngọc Than được trang trí bằng nhiều bức chạm rồng rất độc đáo. Những con rồng ở đây có hình dáng khá lạ, không dữ tợn mà tai to, thân ngắn. Không nhe nanh múa vuốt mà như có các ngón tay mềm mại. Mỗi bức chạm thường là một ổ 5 con, trong đó có 1 con mẹ lớn và các con rồng con xung quanh. Đặc biệt trong số đó có 1 con được thể hiện không có tai có vảy, hẳn là rồng con mới nở, chưa mọc lông mọc cánh, trông giống như một con thằn lằn lớn.
Ổ rồng 5 con, con lớn, con nhỏ có thể là thể hiện quan niệm Ngũ hành tương sinh, diễn tiếp không ngừng. Long Hưng Lý Bôn là người đã khai mở triều đại độc lập đầu tiên của nước Nam, để từ đó rồng mẹ sinh rồng con, các triều đại Đinh Trần Lê nối nhau duy trì quốc hiệu như trong câu đối tại đình Ngọc Than.

Vĩnh bảo dụng lợi

Trong cuốn Bí ẩn về những chiếc gương cổ ở miền Trung Việt Nam các tác giả Hồ Xuân Em, Hồ Anh Tuấn có giới thiệu một chiếc gương đồng có 4 cổ tự tìm thấy tại Mỹ Đức, Quảng Bình. Chiếc gương này được xác định có niên đại thời Đông Chu (770 – 256 TCN). Một chiếc gương giống vậy cũng được thấy tại Huế.
Bac Son 099 Theo chính sử thông thường thì mãi tới thời Tần nước Việt mới bị người Hán xuống đánh chiếm. Vậy mà gương đồng, hiện vật đặc trưng của văn hóa Trung Hoa, lại có mặt ở nước ta từ tận thời Chu. Thậm chí còn ở tận Bình Trị Thiên.
4 chữ trên gương được viết theo thể Triện. Không phải chữ Tiểu triện thời Tần mà là chữ Đại triện. 4 chữ này được đọc là Vĩnh bảo dụng lợi (永呆用利). Hiểu nghĩa là Giữ mãi dùng tốt.
4 chữ này còn được thấy trên những chiếc gương đồng khác có niên đại muộn hơn. Có vẻ câu “khuyến cáo” này khá phổ biến, khuyến khích người dùng giữ gìn đồ vật để sử dụng lâu dài… Hiểu nghĩa đen vậy thì đơn giản quá. 4 chữ ngắn gọn ghi trên một chiếc gương có niên đại hơn 2000 năm này chắc chắn phải có ẩn ý sâu hơn.
Trên những chiếc gương đồng thời Chu cũng như sau này rất hay gặp những hình ảnh, chữ viết thể hiện các khái niệm trong Dịch học, như hình ảnh Tứ linh (Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ), hình Bát quái, hình chữ Sơn (山)… 4 chữ trên chiếc gương đồng ở Huế trên cũng có thể là một đồ hình Dịch lý.
Chu guong dongKhi so sánh 4 chữ này với 4 nguyên tắc cơ bản của quẻ Càn là Nguyên Hanh Lợi Trinh thì thấy rõ sự tương đồng. Nguyên tương đương với Bảo. Hanh (hanh thông) tương đương với Dụng. Chữ Lợi thì trùng nhau. Trinh và Vĩnh đều nghĩa là bền lâu. Như vậy 4 chữ Vĩnh Bảo Dụng Lợi là những tên khác, cách gọi khác của 4 nguyên tắc Nguyên Hanh Lợi Trinh trong Dịch học.
Xét về phương vị như thể hiện trên gương thì:
–    Bảo (= Nguyên) nằm ở hướng Bắc (nay).
–    Dụng (= Hanh) nằm ở hướng Đông.
–    Lợi nằm ở hướng Nam (nay).
–    Vĩnh (= Trinh) nằm ở hướng Tây.
Những chiếc gương đồng ở miền Trung Việt Nam có niên đại thời Đông Chu, mang những chữ Đại triện của thời Chu, thể hiện 4 nguyên tắc căn bản của Dịch học. Những mẩu chữ trên gương này tương tự như những “ký tự” trên trống đồng, là minh chứng về chủ nhân của Dịch học, của nền văn hóa Trung Hoa không đâu xa, mà ở ngay chính Việt Nam. Gần đây hòa thượng Thích Viên Như cho xuất bản cuốn sách có tên “Người Việt chủ nhân của Kinh dịch và chữ vuông“, cũng không phải là một tuyên bố quá đáng, vô căn cứ.

Tản Viên Sơn Thánh và tín ngưỡng Tứ phủ

Hiện nay trong hệ thống thờ Tứ phủ có 4 vị mẫu cai quản các phủ Thiên, Địa, Nhạc, Thoải. Bên cạnh các mẫu có 3 vị vua cha được thờ làm thần chủ các phủ là Ngọc Hoàng Thượng Đế (Thiên phủ), Bát Hải Động Đình (Thoải phủ) và Diêm vương (Địa phủ). Tuy nhiên như vậy còn khuyết vị trí vua cha của Nhạc phủ.
Vị trí vua của Nhạc phủ là có, được thỉnh đến trong bài Văn Công đồng:
Tận hư không giới thánh hiền
Dục giới sắc giới chư thiên đều mời
Vua Đế Thích quản cai Thiên chủ
Vua Ngọc Hoàng Thiên phủ chi tôn
Dương phủ ngũ nhạc thần vương
Địa phủ thập điện Minh vương các toà
Dưới Thoải phủ giang hà ngoại hải
Chốn Động Đình Bát Hải Long Vương…

Ngũ nhạc thần vương là ai? Không ai khác đó phải là Tản Viên Sơn Thánh.
Ngọc phả đức thánh Tản Viên ở Đền Và chép chi tiết việc bà Ma Thị Cao Sơn là mẹ nuôi của Tản Viên Nguyễn Tuấn đã làm chúc thư trao lại khu vực rừng núi từ sông Đà tới sông Lô cho Thánh Tản. Việc Sơn Thánh cai quản Thượng Ngàn như vậy còn có cả “văn bản” hẳn hoi:
Sau khi Ma Thị tôi qua đời, Nguyễn Tuấn phải tuân lệnh giữ mọi vật ở trong núi, quyền đó mãi mãi không được thay đổi, lưu truyền vạn đại…
Ngọc phả đền Và kể khi giao tranh với Thủy Tinh thì Sơn Thánh đã “niệm thần chú … núi Ngũ nhạc nổi lên trên mặt sông cao đến mấy nghìn vạn trượng”.
“Ngũ nhạc” không phải là 5 ngọn núi nào đó ở bên Tàu. Ngũ (số 5) là con số trung tâm của Hà Lạc. Ngũ Nhạc nghĩa là ngọn núi ở trung tâm, nơi có vua. Ngọn Ngũ nhạc của thần vương Sơn Tinh là núi Tản Lĩnh (Ba Vì).
Ngọc phả trên còn có đoạn: “Vua (Hùng) … gia phong cho Sơn Thánh làm Nhạc Phủ Kiên Thượng Đẳng…“.
Như vậy rõ ràng Tản Viên Sơn Thánh là thần vương của Nhạc phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ.
Ngọc phả lại có đoạn: “… Từ đó phụng mệnh Hoàng Đế thường cùng với Tứ phủ Công đồng ở trên hải đảo đi tuần xét muôn việc trong nhân gian“.
Đoạn trích này cho biết người đứng đầu Tứ phủ Công đồng là Hoàng Đế. Điều này nghĩa là vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế của Thiên Phủ là Hoàng Đế Hiên Viên, người được nhắc đến ở đầu Đại Việt sử ký toàn thư: “Thủa Hoàng Đế mở muôn nước…”.

Den Thinh Cổng Bắc cung Tản Viên (Đền Thính) ở Yên Lạc – Vĩnh Phúc.

Cũng trong thần tích Thánh Tản đã dùng cây gậy thần cứu sống con rắn là Thuỷ Tinh, con của Động Đình Đế Quân, rồi đi xuống thăm thuỷ phủ, được tặng thêm quyển sách ước… Lại theo truyện cũ ở sách Giao Châu ký của Lỗ Công thì “đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui ở với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh …” (theo Lĩnh Nam chích quái).
Đoạn này là một cách kể khác của chuyện Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình. Xích Lân Long Nữ là Mẫu Thoải, thần chủ của Thoải phủ, trong truyền thuyết Tản Viên đã được chép là Thuỷ Tinh.
Tiếp đó là đến đoạn vua Hùng kén rể. Sơn Tinh là người đã dâng lễ vật lên trước nên được cưới Mỵ Nương. Lễ vật là voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.
Sơn Tinh được chọn làm rể nghĩa là Tản Viên đã tiếp nhận ngôi vị của vua Hùng theo lối truyền hiền. Đây là chuyện Đế Thuấn truyền ngôi cho Đại Vũ. Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao là hình ảnh Đại Vũ chia 9 châu với các cống vật của các châu (thiên Vũ Cống trong Kinh Thư). Số 9 được lặp lại tức là “cửu trùng”, chỉ Đại Vũ đã lên ngôi cai quản toàn thiên hạ.
Truyền thuyết kể tiếp, Thủy Tinh đến muộn, không lấy được Mỵ Nương (không chiếm được vương vị) nên đã dâng nước đánh Sơn Tinh… Có thể thấy Thủy Tinh lúc này không phải là Thủy Tinh được Sơn Tinh cứu sống và làm bạn lúc trước. Trận đánh giữa Thủy Tinh từ Động Đình chống lại Tản Viên là hình ảnh cuộc tranh đoạt vương quyền giữa ông Khải (con của Đại Vũ) với ông Bá Ích trong Hoa sử. Truyền thuyết Việt vùng đồng bằng ven biển chép là chuyện Vĩnh Công Bát Hải Động Đình đánh Thục. Còn truyền thuyết Hùng Vương chép là chuyện Lạc Long Quân – Âu Cơ thủy hỏa tương khắc, phải chia đàn con Bách Việt làm hai, một lên rừng một xuống biển. Dòng tộc Tản Viên là dòng Thục ở phía Tây (Tây Tản) của Âu Cơ. Kết thúc cuộc chiến Đông – Tây này là chiến thắng của Thục Phán – Âu Cơ dựng nước Văn Lang – Âu Lạc ở Tây Thổ Phong Châu. Đền miếu dòng Tản Viên mãi còn như trong câu đối ở đền Hùng:
Hiển vu Tây Thổ, Tản Lô nhất đái thọ tân từ”.
Tản Lô là vùng Thượng Ngàn mà bà Ma Thị Cao Sơn đã để chúc thư lại cho Tản Viên cai quản.
Trong thần tích của Tản Viên Sơn Thánh có đủ các thần chủ của Tứ phủ từ Mẫu Thượng Ngàn (Ma Thị Cao Sơn), Ngọc Hoàng Thượng Đế (Hoàng Đế), Mẫu Thoải (Thủy Tinh 1) và vua cha Bát Hải Động Đình (Thủy Tinh 2). Tín ngưỡng Tứ phủ công đồng hình thành ở vùng đồng bằng sông Hồng, là vùng đất phía Đông do dòng Lạc Long nắm giữ. Có lẽ vì thế mà vai trò của Nhạc phủ, với thần chủ là Tản Viên Sơn Thánh, thuộc dòng tộc phía Tây (Thục) đã bị mờ nhạt đi trong tín ngưỡng này. Để tín ngưỡng Tứ phủ trở thành tín ngưỡng chung của người Việt ở đồng bằng cũng như vùng núi, để trăm người con cùng một bọc đồng bào, chung cha chung mẹ thờ đúng tổ tiên của mình thì cần xác nhận vị trí tôn chủ Nhạc phủ của Tản Viên Sơn Thánh.