Triều đại Phùng Hưng qua di tích và lễ hội làng Triều Khúc

IMG_3530

Hội xuân năm nay 2019, làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) đón nhận bằng văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho lễ hội của làng. Đây là lễ hội kỷ niệm ngày tức vị thành hoàng làng là Bố Cái đại vương Phùng Hưng. Hội làng Triều Khúc đặc biệt được nhiều người quan tâm bởi lễ hội có điệu múa “Con đĩ đánh bồng”, trong đó các thanh niên trai làng ăn mặc trang phục sặc sỡ, đầu quấn khăn đỏ, mặc áo trắng, vai và hông đeo tua năm sắc, nhảy múa từng cặp khi rước kiệu thánh và tế lễ tại đình.
Câu hỏi thường xuất hiện ở người xem hội là tại sao trai lại đóng giả gái và ăn mặc như vậy? Nguồn gốc của điệu múa tương truyền có từ thời Phùng Hưng khởi nghĩa, nhưng ý nghĩa của nó thì ít người hiểu đúng.
Không khó nhận ra, các tua năm màu mà các trai làng trang sức là hình ảnh lông chim phượng hoàng ngũ sắc, hình ảnh gặp khá nhiều trên các chạm khắc tiên múa trong các đình làng. 2 tầng tua ở vai và hông thể hiện cánh và đuôi của chim phượng. Khăn đội đầu màu đỏ là mào phượng.

IMG_3504
Điệu múa Con đĩ đánh bồng tại sân đình Triều Khúc trong lễ tế.

Hình ảnh người chim đánh trống bồng và nhảy múa từng được so sánh với hình tượng Nhạc công thiên thần Gandharva trong Hindu giáo. Hình tượng này gặp trong các hiện vật thời Lý Trần, mà thường bị gọi thành là người hình chim Khẩn Na La (Kinari). Có nhiều nhận định cho rằng hình tượng này vốn là từ văn hóa Chăm ở phía Nam ảnh hưởng ra ngoài Bắc. Liệu có phải đội quân của Phùng Hưng chính là quân đội người Chăm phương Nam đã tiến ra Bắc đánh thành Tống Bình thời Đường?
Liên hệ giữa nghĩa quân của Phùng Hưng với hình tượng chim Phượng còn thấy trong các câu đối lưu giữ tại đình Triều Khúc. Câu đối ở chính điện tại đình:
武徳滅唐朱鳥天猶橫劍氣
神權破漢白藤海尚沸濤聲
Vũ đức diệt Đường, Chu Điểu thiên do hoành kiếm khí
Thần quyền phá Hán, Bạch Đằng hải thướng phí đào thanh.

Dịch:
Đức võ diệt Đường, hơi kiếm mãi lan trời Chu Tước
Quyền thần phá Hán, tiếng sóng sục sôi cửa Bạch Đằng.

Chu Điểu hay Chu Tước là một trong bốn con vật linh của Tứ linh chỉ phương hướng. Chu Điểu thiên là trời phương Nam.
Câu đối ở 2 cột trụ 2 bên đầu hồi đình Triều Khúc:
帝大羅一統山河衮冕承天傳鳳曆
神南越萬民父母衣冠終古拜龍宫
Đế Đại La nhất thống sơn hà, cổn miện thừa thiên truyền phượng lịch
Thần Nam Việt vạn dân phụ mẫu, y quan chung cổ bái long cung.
Dịch:
Vua Đại La thống nhất núi sông, xiêm miện theo trời truyền lịch phượng
Thần Nam Việt muôn dân cha mẹ, áo mũ xưa nay bái cung rồng.

Trong câu đối này triều đại của Phùng Hưng được ghi là “truyền phượng lịch”, hay triều đại lấy chim Phượng làm biểu tượng. Rất có thể chữ Phượng hay đọc là Phụng cũng chỉ họ Phùng. Ba anh em Phùng Hưng, Phùng Hải, Phùng Dĩnh phất cờ khởi nghĩa được tái hiện bằng hình ảnh những con chim Phụng bay nhẩy trong điệu múa Con đĩ đánh bồng của hội làng Triều Khúc.

IMG_2277.JPG
Chim Phượng trên vì mái đình Triều Khúc.

Đình Triều Khúc theo sự tích là do Phùng An, con của Phùng Hưng lập ra trên gò Lĩnh Hán, là đại bản doanh của Phùng Hưng khi tiến đánh thành Tống Bình. Ban đầu nơi này có tên là Đại Cổ miếu. Vấn đề là tại sao miếu mới lập lại gọi là “Cổ”?
Chữ “Cổ” ở đây thực ra phải là chữ Cả, chỉ thủ lĩnh. Chính xác là Đại Cả miếu, tức là miếu thờ vị vua lớn ban đầu. Chữ Đại Cả này tương đương với từ Bố Cái hay Đại Vương trong tên tôn xưng của Phùng Hưng.
Như trong vế đầu của câu đối trên, Phùng Hưng còn được gọi là “Đế Đại La”. Trong số các hoành phi câu đối còn lưu được khá nhiều ở đình Triều Khúc thì có ít nhất 10 câu nói tới từ Đại La này với nghĩa chỉ Phùng Hưng. Ngay ngoài cột nghi môn, có đôi câu đối:
天瑞應同胞三聖文交海武大羅羽翌丹心扶震日
帝業成中國一家東珥河西傘岳鬱蔥此氣繞乾坤
Thiên thụy ứng đồng bào tam thánh, văn Giao Hải vũ Đại La, vũ dực đan tâm phù chấn nhật
Đế nghiệp thành trung quốc nhất gia, Đông Nhị hà Tây Tản nhạc, úc thông thử khí nhiễu kiền khôn.
Dịch:
Điềm trời ứng cùng bọc ba thánh, văn Giao Hải, võ Đại La, vùng vẫy lòng son giúp ngày đế
Nghiệp vua thành trong nước một nhà, Đông sông Nhị, Tây núi Tản, tốt xanh khí đó quấn đất trời.

Vế đầu câu đối cho biết anh em Phùng Hưng, Phùng Hải, kẻ văn người võ vẫy vùng lập nên đế thống. Ở đây từ “Chấn nhật” là lấy câu trong Kinh Dịch của quẻ Chấn: Đế xuất hồ Chấn.

IMG_1817.JPG
Nhà tiền tế đình Triều Khúc với hoành phi La Thiên Hiển Thánh.

Như thế, trong câu đối này Phùng Hưng có võ công hiển hách và có tên là Đại La. Hoành phi ở nhà tiền tế của đình Triều Khúc chính giữa đề La Thiên hiển thánh. Còn bên trong nội điện nơi đặt tượng Phùng Hưng có câu đối ngắn:
帝越泰磐龍肚鼎
羅天星宿漢山宫
Đế Việt thái bàn Long Đỗ đỉnh
La Thiên tinh túc Hán Sơn cung.
Dịch:
Vững nền vua Việt đỉnh Long Đỗ
Sao giữ trời La cung Hán Sơn.
Long Đỗ đỉnh chỉ việc Phùng Hưng dựng nghiệp ở đất Long Đỗ – Thăng Long. Còn Hán Sơn chỉ gò Lĩnh Hán, đại bản doanh của ngài khi đánh thành Tống Bình, nay là Triều Khúc.

IMG_2375
Nội cung đình Triều Khúc.

Tới đây ta có một phát hiện bất ngờ. Đại La hay La Thiên là danh xưng chỉ tên nước hay tên triều đại của Phùng Hưng. Đất nước do Phùng Hưng khởi dựng có tên là nước La, gọi tôn xưng là Đại La, tương tự như các tên gọi Đại Việt, Đại Đường, … Như thế thì khả năng rất cao, tên La thành của Hà Nội chính là chỉ tên triều đại của Phùng Hưng và có từ lúc này. Trước đó, khu vực này đang là thành Tống Bình. Chỉ sau khởi nghĩa của Phùng Hưng thì mới thấy xuất hiện tên thành Đại La.
Quan trọng hơn, chữ La nghĩa là chỉ phương lửa, phương nóng hay phương Xích đạo, phương Nam ngày nay. Cái “la bàn” với cây kim La Kinh có 2 đầu chỉ 2 hướng La và Kinh hay Nam và Bắc.
Xưa còn có câu ca dao:

Ai ơi chớ lấy kẻ La
Cái tương thì khú, cái cà thì thâm.

Kẻ La chỉ người phương Nam, tức là người Chăm thời đó. Khởi nghĩa Phùng Hưng thực chất bắt đầu từ đất Chăm ở phía Nam nhà Đường, gọi thành Nam Đường, rồi ra Đường Lâm. Đất Đường Lâm của Phùng Hưng là Nam Đàng hay Nam Đàn ở Nghệ An. Sử còn ghi địa danh là Phúc Thọ. Từ đây, vị quan lang phụ mẫu người Chăm theo đạo Hindu đã dấy binh, đánh ra Bắc dẹp nhà Đường, lập nên nước Đại La, tức quốc gia phương Nam. Hoa sử gọi nước này là Nam Chiếu.
Nước đã đánh bại nhà Đường ở phương Nam đầu thời Đường thì chỉ có nước Nam Chiếu, mà thành phần sắc tộc chính là người Thái Mường, xưa gọi là người “Chăm” hay “Chiêm”, cũng là Chim, chỉ người phương Nam (Chu Điểu như trong câu đối đầu đã dẫn).
Theo ghi chép của Hoa sử, nước Nam Chiếu ban đầu do Bì La Các thành lập, rồi truyền cho con là Các La Phượng. Phân tích tên những vị vua đầu của Nam Chiếu cho thấy liên hệ trực tiếp tương ứng với khởi nghĩa của Phùng Hưng.

  • Bì La Các: chữ La như đã biết, chỉ triều đại của Phùng Hưng. Bì Các tương đương với Bố Cái, chỉ vị thủ lĩnh đầu tiên, người khai mở triều đại.
  • Các La Phượng: chữ La như trên, là tên triều đại – Đại La. Các hay Cái là từ chỉ thủ lĩnh. Chữ Phượng chính là hình ảnh con chim Phượng hay Phụng, chỉ họ Phùng. Các La Phượng như thế tương ứng với Phùng An, người con đã nối nghiệp Phùng Hưng.

Nước Nam Chiếu theo sử sách có danh xưng là Đại Lễ. Dễ thấy Đại Lễ tương đương với tên gọi Đại La đã được khám phá là tên gọi triều đại của Phùng Hưng lập ra.
Câu đối khác trong đình Triều Khúc nói tới tên Đại La:
福壽帝開基九道歲星當越炤
大羅神翊運五洲雨雪到南晴
Phúc Thọ đế khai cơ, cửu đạo tuế tinh đương Việt chiếu
Đại La thần dực vận, ngũ châu vũ tuyết đáo Nam tình.
Dịch:
Phúc Thọ vua mở nền, chín đạo tháng năm giữ sáng Việt
Đại La thần bốc vận, năm châu mưa tuyết đến trời Nam.