Hùng Vương Sơn nguyên Thánh tổ

Các bản thần tích do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính làm ở bộ Lễ triều Lê biên soạn vào niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên (1572) phụng soạn thường được mở đầu như sau:
Xưa Hùng Vương Sơn nguyên Thánh tổ khai vận mở đồ hơn hai ngàn năm. Vua Hùng lập nước núi xanh vạn dặm, xây kinh đô Hùng, dựng nền cung điện, nước biếc thăm thẳm, bắt đầu đạo đế thánh vua minh, giúp vật giúp dân, thống lĩnh 15 bộ, lấy tên là Bách Việt, là tổ tiên khai sáng (Triệu tổ) vậy.
Có thơ rằng:
Ban sơ Nam Việt từ Kinh Dương
Thống nhất núi sông mười tám vương
Mười tám đời truyền ngàn xưa đó
Vạn năm hương lửa vạn năm hương.
Đoạn “giới thiệu” tóm tắt này về thời kỳ khai mở đất nước của người Việt rất cô đọng, xúc tích. Thế nhưng, thời buổi ngày nay, có quá nhiều người Việt hiểu lơ mơ về quốc tổ Hùng Vương. Cũng như có quá nhiều những bậc “học giả” chữ tác đánh chữ tộ, biết đọc mà không biết nghĩ, dựng chuyện lật lọng cả với tiên tổ mà vẫn tự cho mình là đã “giải ảo” quá khứ…
Điển hình nhất là chuyện người ta lấy 3 danh hiệu phụng thờ Hùng Vương ở đền Hùng là Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn Viễn Sơn, để quy kết rằng đây là tục thờ 3 vị thần núi??? Nhiều vị cho mình là thạo chữ Hán thì đưa ra kết luận… chắc như bắp… Hùng vương là chép nhầm của Lạc vương.
Các vị đã quen cái học rởm của Tàu, của Tây, mà không nhìn nhận di sản cha ông người Việt đã để lại cho con cháu, qua chính những dòng thần phả thần tích lưu truyền đời này qua đời khác như đoạn văn trên.
Đoạn văn mở đầu của thần tích do Nguyễn Bính soạn nói ngay người khai sáng cơ đồ nước Việt là Hùng Vương Sơn nguyên Thánh tổ. Chữ Sơn ở đây là núi, nhưng không phải nghĩa Hùng Vương là thần núi như đám học giả nửa mùa tưởng tượng. Sơn là núi, tức là quẻ Cấn trong Tiên thiên Bát quái, chỉ hướng Nam xưa (tức Bắc nay). Hùng Vương Sơn nguyên tức là vị vua Hùng xuất hiện đầu tiên ở phương Nam. Tên gọi này tương đương với danh hiệu Đột Ngột Cao Sơn ở đền Hùng vì “đột ngột” là bất ngờ xuất hiện, ý chỉ là người đầu tiên, cũng giống như từ “nguyên” nghĩa là đầu tiên. Cao hay Cả là từ chỉ thủ lĩnh, tương đương với Vương.

Bat quai
Tiên thiên Bát quái và hệ tọa độ không thời gian. 

Đền Hùng ở Phú Thọ thờ Đột ngột Cao Sơn hay Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh tổ, là vị vua Hùng đầu tiên của cõi trời Nam. Vị vua Hùng “Thánh đế Minh vương” này là Đế Minh, người đã “đi tuần thú ở phương Nam“, bắt đầu thời kỳ Nam Giao mở nước.
Phương Nam xưa là phương cây kim chỉ Nam của La bàn, tức là phương Bắc cực ngày nay do khái niệm Bắc Nam đã bị đảo lộn trong lịch sử. Phương Nam xưa theo Ngũ hành thuộc về hành Thủy – nước. Từ “nước” biến âm thành “nác”, rồi thành “lạc”. Vì thế các vua Hùng thời kỳ đầu Nam Giao mở nước cũng gọi là các Lạc Vương.
Nhưng Lạc Vương không tương đương với Hùng Vương vì thời kỳ Nam – Sơn – Lạc này chỉ gồm 3 thời vua Hùng như được thờ trên núi Nghĩa Lĩnh ở Phú Thọ. Trong tiến trình lịch sử hơn 2000 năm, quốc gia họ Hùng đã mở rộng về các hướng, phía Đông vươn ra biển Đông, phía Tây kéo dài tới Xuyên Thục, phía Nam xưa (Bắc nay) tới Hồ Nam, phía Bắc xưa (phía Nam nay) chạy tới miền Trung Việt, đúng như ghi chép của cổ sử Việt.
Thần tích cũng luôn nhắc lại rằng các vua Hùng thống lĩnh 15 bộ, là Triệu tổ của Bách Việt. Cũng như bức hoành phi trên cổng đền Hùng đề rõ Nam Việt triệu tổ. Đất nước họ Hùng đông, nhiều, rộng, gồm nhiều dòng, nhiều nhánh Việt khác nhau, nhưng đều chung một nguồn cội từ Hùng Vương thánh tổ.
Câu thơ trong thần tích nói rõ:
Sơ khai Nam Việt tự Kinh Dương.
Kinh là đầu chỉ hướng Nam (Bắc nay) của cây kim La – Kinh. Dương hay Giêng là số 1 của Hà thư, cũng chỉ hướng Nam xưa. Kinh Dương như vậy là từ đồng nghĩa với hướng Nam, hay Lạc. Kinh Dương Vương cũng là Lạc Vương, được chép tên là Lộc Tục (Lạc tộc). Cũng vì thế mà 2 vị Ất SơnViễn Sơn không phải ai khác là Đế Nghi và Lộc Tục, là 2 vị vua kế ngôi Đế Minh dựng nước và mở rộng lãnh thổ trên vùng đất Nam Giao – Kinh Dương.

Ngu hanhNgũ hành và tứ phương.

Nam Việt như vậy chỉ nước Nam người Việt từ thời các vua Hùng dựng nước. “Quốc danh” Nam Việt của thời kỳ này tồn tại mãi về sau. Các sử gia lầm lẫn rằng nó mới chỉ có từ thời Triệu Vũ Đế lập quốc. Thực ra Triệu Vũ Đế lấy tên nước Nam Việt là ý muốn nhấn mạnh mình là dòng dõi “Lạc Hùng chính thống” trên vùng đất tổ phương Nam của các vị vua Hùng thánh tổ.
Sơn – Nam – Lạc – Kinh đều là những từ chỉ khu vực nơi các vua Hùng đầu tiên đã khai vận mở đồ hơn hai ngàn năm. Xin hãy chấm dứt những trò bôi nhọ tiền nhân bởi sự ngu dốt của chính mình khi nói về các vị thánh tổ của người Việt. Đừng biến mình thành những đứa con bất hiếu chỉ vì không hiểu biết.

Có một nền văn hóa Việt Nam (V)

Bài của nhà văn Hoài Thanh do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1946.

V

Trở lên chúng ta đã chứng minh rằng dân tộc Việt Nam vốn có một nền văn hóa và một nền văn hóa ấy rất có giá trị, chúng ta đã đánh liều nêu ra một vài tính chất căn bản của văn hóa Việt Nam từ trước đến nay. Sau cùng chúng ta đã xét lại vấn đề văn hóa Việt Nam sau này, và tuy đứng về một quan điểm riêng chúng ta cũng đi đến một kết luận như hai ông Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Hữu Đang trong quyển Một nền văn hóa mới.
Chúng ta đã nhìn về quá khứ và cũng đã nhìn tới tương lai. Nhìn về quá khứ, chúng ta đã nắm được một niềm tin chắc chắn. Nhìn tới tương lai, chúng ta đã thấy rõ đường đi. Vậy chúng ta có thể vững lòng đi tới. Một ngày mai xán lạn đương chờ đợi chúng ta./.

Có một nền văn hóa Việt Nam (IV)

Bài của nhà văn Hoài Thanh do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1946.

IV

Song như thế chưa đủ. Trong một bữa tiếp kiến các đại biểu văn hóa, Hồ Chủ Tịch đã thừa nhận văn hóa Việt Nam sau này cần phải có tính chất dân tộc nữa, và Chủ tịch có nói thêm rằng:
“Gốc của văn hóa mới, là dân tộc: nếu dân tộc hóa mà phát triển đến cực điểm thì tức là tới chỗ thế giới hóa đó; vì, lúc bấy giờ văn hóa thế giới sẽ phải chú ý đến văn hóa của mình, phải làm bạn với văn hóa của mình, và văn hóa của mình sẽ chiếm được một địa vị ngang với các nền văn hóa thế giới. Mình có thể bắt chước những cái hay của bất kỳ nước nào ở Âu Mỹ, nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì mình cũng phải có cái hay cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả”.
Bằng vào những lời ấy, ta thấy rằng đối với Hồ Chủ tịch, tính chất dân tộc và tính chất quốc tế là một, vì cả hai đều do sáng tác mà ra, và Chủ tịch nhấn đi nhấn lại cào cái ý cần phải sáng tác, một hai khuyên ta phải sáng tác.
Như vậy rất đúng. Trong khi hoạt động về văn hóa ta không cần băn khoăn tự hỏi công trình văn hóa ta đương xây có tính chất dân tộc hay không,. Nếu công trình kia quả thực xuất từ tâm trí ta, nếu nó là một công trình sáng tác, tự nhiên nó sẽ mang tất cả bản sắc của giống nòi và của ta. Một bà mẹ có cần gì phải tâm tâm niệm niệm rằng sẽ đẻ một đứa con cho giống mình. Nếu đứa con ấy do chính bà sáng tác ra, không phải con xin hàng xóm, ắt không nhiều thì ít thế nào nó cũng giống cái cốt cách, cái tâm tính của bà. Và cho dầu ngày thường bà chỉ ăn bánh mì,, pho mát, đứa con bà vẫn thế.
Nói một cách khác, muốn dân tộc hóa nền văn hóa Việt Nam, tức là đặt ra vấn đề sáng tác. Trước là sáng tác những phương sách cấp thiết để giải quyết mọi vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội trong phạm vi đời sống Việt Nam. Nói sáng tác, chữ ấy hoặc có kẻ cho là lớn quá. Nhưng ít ra thì cũng phải cải tác. Bởi vì những điều kiện của đời sống Việt Nam, giống nòi, cảnh thổ, khí hậu, di sản tinh thần, chế độ kinh tế, tình hình chính trị v.v… đã là những điều kiện riêng thì những vấn đề Việt Nam cũng phải có những cách giải quyết riêng, không giống hẳn một phương sách nào đã được dùng trên thế giới.
Thứ nữa là sáng tác những công trình thuộc về tình cảm. Về phương diện này xưa nay, dân tộc ta vẫn nhiều khả năng. Một ngày kia thế giới hiểu ta hơn và ta cũng hiểu ta hơn, thì chắc chắn những công trình sáng tác của ta về phương diện này sẽ là một sự cống hiến rất quý vào kho tàng chung của nhân loại. Giờ đây súng đạn ta ít, tha hồ cho thiên hạ nói xấu ta, chính ta cũng nói xấu ta. Nhưng trong thế giới ngày mai, một khi súng đạn không còn là thước đo giá trị con người, sứ mệnh chúng ta sẽ vô cùng quan trọng. Chúng ta sẽ đưa đến, trong thế giới ngày mai, không phải một tôn giáo hay một triết lý mà dần hau đến đâu cũng chẳng mấy ai theo; chúng ta sẽ đưa đến, bàng bạc và linh động trong những nét, những lời, cả trong khí huyết nữa, một cách sống, một nhịp sống, hơn nữa, một đạo sống riêng để thay cho cái hỗn loạn, cái điên rồ vẫn ngự trị trong nền văn minh cũ đang phá sản. Đến lúc đó, người ta mới thấy dân tộc Việt Nam là cần cho nhân loại. Nó mà mất thì, sẽ tiêu diệt với nó một giá trị tinh thần vào bậc nhất. Tôi biết vô số người đương bảo tôn điên. Nhưng mặc. Về phương diện này không thể không tin ở sức sáng tạo lạ lùng của nòi giống.
Khó khăn hơn cả vẫn là sáng tác về học thuật tư tưởng. Ta phải thành thực nhận rằng xưa nay về học thuật tư tưởng ta rất kém. Nguyên do, như đã nói trên kia, là vì ta kém óc trừu tượng và khái quát. Không biết từ nay về sau ta có thể luyện thêm được cơ năng ấy không. Nhưng có một điều ta nghiệm thấy là ngôn ngữ phương Tây đều có tinh thần trừu tượng và khái quát đến một trình độ rất cao. Trừu tượng và khái quát có khi cơ hồ hóa ra quái dị. Người Pháp nói: “J’aime ce livre, j’aime vos paysants, j’aime ma patric, j’aime ma mère, j’aime mon chien. Bao nhiêu mối tình khác nhau, không nên lẫn lộn với nhau: yêu, thương, thích, mến, ưa mà cũng biểu diễn bằng một chữ! Thực nghèo nàn và khô khán quá lắm! Ai có ngờ chính chữ aimer mà cũng vô tình đến thế. Xét cho cùng chỉ vì trừu tượng và khái quát. Cái nguy của văn hóa phương Tây là ở đó; nhưng phương Tây mạnh cũng nhờ đó. Ta cần phải nắm cho được sức mạnh ấy. Cho nên, mặc dầu nước nhà độc lập, thanh niên trí thức Việt Nam vẫn cần phải biết cho đến nơi đến chốn một sinh ngữ phương Tây, không những để giao thiệp với người, để thâu thái kiến thức của người, mà còn để luyện thêm óc trừu tượng và khái quát cần cho mọi sự phát minh về khoa học, về triết học. Tôi không biết chắc ta sẽ thành công hay thất bại. Tôi lại nghĩ rằng thành công cũng có thể có một hai điều nguy hiểm về sau. Nhất là nếu vì lòng tự ái hẹp hòi, ta để cho những công trình sáng tác về tư tưởng ràng buộc ta, vương gót ta trên đường tiến hóa. Song những nhu yếu của thời đại, của dân tộc thôi thúc ta. Cả triều lưu của thế giới lôi cuốn ta. Dầu sao ta cũng phải cố gắng.

***

Vấn đề dân tộc hóa đặt ra vấn đề sáng tác. Mà một điều kiện cần để sáng tác là đại chúng. Cho nên văn hóa Việt Nam sau này phải được đại chúng hóa. Đại chúng hóa không những có lợi cho dân chúng mà lại có lợi cho văn hóa. Ai cũng phải nhận rằng sáng tác không phải sự nghiệp riêng của một người. Đó là sự nghiệp chung của đoàn thể ký thác vào một người, người ấy cố nhiên ohair mang trong mình tất cả tâm tình hoặc tất cả trí năng của đoàn thể. Một ít nhà học giả sống một cuộc sống lẻ loi không thể có sự nghiệp gì về văn hóa. Hãy xem trong lịch sử ta biết bao nhiêu thế hệ nhà nho kế tiếp nhau mài miệt trong sách vở của thánh hiền mà nào có sáng tác được gì đâu. Ấy chỉ vì họ thiếu sự nâng đỡ, sự thôi thúc của quảng đại quần chúng. Đến nỗi ngay chuyện văn chương là chuyện suốt đời của họ mà họ cũng chẳng lưu lại được gì đáng gọi là văn chương. Trong khi ấy, người bình dân Việt Nam, không học và cũng không dụng ý làm văn, đã sáng tạo nên những công trình văn chương bất hủ. Và các nhà nho như Đoàn Thị Điểm, như Nguyễn Du, như Nguyễn Công Trứ sở dĩ sự nghiệp còn lưu lại đến ngày nay là cũng bởi đã biết thoát ly ra khỏi sách vở để sống cuộc sống thực bên ngoài. Xem thế đủ rõ những khả năng dị thường của đại chúng về văn hóa. Hiện giờ hơn chín mười phần trăm người trong nước hoàn toàn sống trong u tối. Biết bao tài năng bị hy sinh một cách vô lý và tàn nhẫn. Ngày mai đây, nếu bấy nhiêu con người đều biết đọc, biết viết, đều có những kiến thức phổ thông tì cái quang cảnh cả một dân tộc cùng đứng dậy vươn mình lên ánh sáng chẳng những sẽ khiến ai nấy đều hởi lòng hởi dạ mà đồng thời sẽ thêm rất nhiều sinh khí cho văn hóa Việt Nam, sẽ phá tan cái không khí lạnh lùng giờ đây vẫn bao trùm cõi học.
Văn hóa phải khơi nguồn từ đại chúng: đó là một điều nhất định. Một khi văn hóa đi xa đại chúng ắt sẽ mất dần sức sáng tạo, sẽ khô héo dần đi. Văn hóa cũng như một cái cây, không thể sống lơ lửng giữa trời. Muốn cho nó đâm chồi nảy lộc, phải cho gốc rễ nó ăn sâu vào đất, nước. Các nhà nho ngày xưa đã không hiểu như thế, các nhà văn hóa sau này chớ rơi vào cái lầm của người trước. Nếu họ không phải từ trong đại chúng bước ra thì họ cũng phải đi sát với đại chúng, hơn nữa, phải đại chúng hóa mới hòng gây được sự nghiệp đáng ghi. Mà muốn đại chúng hóa trong tình thế bây giờ thì chỉ có một con đường: con đường cứu nước. Bởi vì giờ đây đại chúng đương lo giết giặc dựng nước để giành quyền sống. Muốn đại chúng hóa ắt phải lấy quyền sống của đại chúng làm quyền sống của mình, phải tranh đấu trong hàng ngũ đại chúng, phải hòa với đại chúng làm một. Cứu nước, đồng thời văn hóa sẽ cứu mình, vì sẽ được hưởng thụ mức sống mạnh mẽ và dồi dào của đại chúng.
Nói tóm lại văn hóa Việt Nam sau này cần phải khoa học hóa vì ta cần phải học những cái hay của người, nhưng chỉ học không, không đủ, còn phải dân tộc hóa nghĩa là phải sáng tác, mà một điều kiện thiết yếu để sáng tác là đại chúng hóa.

 

 

Có một nền văn hóa Việt Nam (III)

Bài của nhà văn Hoài Thanh do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1946.

III

Đó, đại khái một vài tính chất căn bản của văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay. Còn từ nay về sau? Văn hóa Việt Nam rồi đây có còn giữ những tính chất ấy nữa không? Điều ấy ai mà biết trước. Duy có điều chắc chắn là chúng ta không nên bắt buộc văn hóa Việt Nam sau này phải giữ mãi những tính chất ngày trước. Chúng ta còn sống ắt chúng ta còn biến đi. Bắt ngày mai phải giống hệt hôm qua là một chuyên điên rồ, một chuyện tối vô lý. Muốn sống mà lại muốn giữ cho bằng được những gì Việt nam trong thời trước là tự mâu thuẫn với mình. Gọi bằng Việt Nam là một sự thực luôn luôn thay đổi với cuộc sống không ngừng. Làm sao có thể níu lại cuộc sống không ngừng? Cái điều hôm nay ta gọi là tính chất Việt Nam có phải từ bao giờ vẫn là tính chất Việt Nam đâu. Khi ta cho hai câu:
“Thấy bạn mà chẳng thấy chàng,
Bâng khuâng như mất lạng vàng trên tay”.

có tính chất Việt Nam hơn hai câu của Chiêu Lỳ:
“Bắc yến, Nam hồng thư mấy bức,
Đông đào, Tây liễu khách đôi nơi”.
là ta nhìn theo con mắt bây giờ. Nếu ta có thể nhìn theo con mắt người xưa, trước hồi Bắc thuộc, khi chưa có ca dao lục bát và cũng chưa có thơ Việt luật Đường, thì cả bốn câu ấy chẳng câu nào có tính chất Việt Nam. Cái điều gọi bằng tính chất Việt Nam trong ca dao là một sự sáng tạo sau này của người Việt. Đã thế có cần gì phải khư khư thủ cựu.
Huống chi bản tính người Việt Nam xưa nay lại không ưa gì chuyện bế quan tỏa cảng. Cha ông ta có hồi thi hành chính sách ấy cũng chỉ là sự cùng bất đắc dĩ mà thôi. Ta vẫn thường mở rộng cửa để đón gió bốn phương. Nho, Phật, Lão ta không từ chối đã đành trên con đường Nam tiến, ta còn sẵn sàng dung nạp mọi tín ngưỡng của dân thổ trước. Sau khi ở Quảng Nam, ở Bình Định, người Chăm đành bỏ tháp Chàm không hương khói, chúng ta đã thay họ trong công việc phụng thờ. Ngay các giáo sĩ phương Tây lúc mới đến xứ ta cũng đều được tự do truyền giáo. Các nhà sư của ta hồi bấy giờ không hề bài xích họ. Chính họ nói với ta thế, trong các tập bút ký còn lưu lại ngày nay. Xem thế thì muốn cho văn hóa sau này có tính chất Việt Nam mà lại bài xích, những gì không phải Việt Nam, cũng là tự mình mâu thuẫn với mình nữa.

***

Dẫu sao ta tìm hiểu hôm qua không phải để ràng buộc ta vào hôm qua, để nô lệ hôm qua mà cốt để sửa soạn ngày mai, để tìm những bài học có thể hướng dẫn ta trong ngày mai. Vấn đề tương lai của văn hóa Việt Nam là một vấn đề tối quan trọng, ta không thể bỏ qua.
Có nhiều người nghĩ rằng thời đại này là thời đại lạ lùng nhất trong lịch sử Việt Nam. Văn minh phương Tây đã đến với ta một cách đột ngột và gây nên ở xứ ta nhiều vấn đề rắc rối, khác hẳn những vấn đề cha ông ta từng gặp và từng giải quyết trên bước đường tiến hóa của giống nòi. Nhưng nghĩ kỹ, thời đại này ta thấy lạ lùng chỉ vì một lý do rất giản dị là có ta trong đó. Ta hãy quên mình trong khoảng khắc, hay trong khoảnh khắc, thử đặt mình lên trên thời đại để nhìn các thời đại kế tiếp nhau trong lịch sử nước nhà với một thái độ hoàn toàn khách quan, ta sẽ thấy thời đại ta đương sống đây vẫn có chỗ giống nhiều thời đại đã qua và cha ông ta ngày xưa cũng đã từng giải quyết những vấn đề tương tự với các vấn đề hiện đương khiến ta băn khoăn suy nghĩ. Chẳng hạn, lần đầu tiên người Hán truyền cho ta cái thuật làm đồ sắt cùng với học thuyết Khổng Mạnh, chắc những sự biến thiên do đó gây nên trong xã hội Việt Nam cũng sâu sắc, cũng mạnh mẽ chẳng kém gì những sự biến thiên ta chứng kiến hôm nay và sự hoang mang của ông cha ta cũng chẳng khác gì sự hoang mang của ta trước tàu bay, tàu lặn và khoa học, triết học phương Tây. Nhưng cha ông ta cũng chỉ hoang mang trong một thời hạn và chẳng mấy chốc đã biết thích nghi cùng hoàn cảnh mới.
Vậy ông cha ta đã xử trí như thế nào? Cha ông ta đã không e dè, không ngần ngại đón tất cả, nhận tất cả nền văn minh mới mẻ từ phương Bắc truyền sang, từ những kỹ thuật cần cho đời sống vật chất đến những học thuật cần cho sự tổ chức đời sống chính trị, xã hội và tinh thần. Tuy thế, sau bao nhiêu thế kỷ, người Việt Nam vẫn không bị đồng hóa, vẫn giữ được bản sắc riêng. Ấy là vì, mặc dầu không có dụng ý rõ ràng, chung quy ta chỉ mượn tư tưởng của người, còn những gì sâu thẳm trong lòng ta đại khái vẫn của ta. Xem thế đủ biết văn hóa Việt Nam vốn xây dựng trên những căn bản tinh thần tiềm tàng mà vô cùng kiên cố. Nếu không, làm sao chịu đựng được một sự công phá trường kỳ như thế, Cha ông ta đã tiếp cái cành văn hóa Trung Quốc vào cái gốc văn hóa Việt Nam. Thiết tưởng giờ đây chúng ta vẫn có thể giải quyết vấn đề văn hóa một cách tương tự như vậy. Chúng ta cũng chẳng cần phải dè dặt gì. Chúng ta hãy đón những cái hay, tất cả những cái hau của người về kỹ thuật cũng như về học thuật có thể giúp ta cải tạo đời sống của ta. Chúng ta hãy mạnh bạo đi tới. Chúng ta hãy khoa học hóa nền văn hóa Việt Nam. Và ta chẳng lo gì mất gốc, vì trong lòng ta vẫn có những căn bản tinh thần của nòi giống cũng như trong thân thể ta vẫn trụ lưu dòng khí huyết của cha ông.
Về phương diện này, phong trào thơ mới khởi lên từ 1932 là một cuộc thí nghiệm rất đáng chú ý. Lúc đầu các nhà thơ mới có cái dụng ý theo mới một cách hoàn toàn, mới về ý, về lời, cả về điệu nữa. Người ta muốn phá vỡ những khuôn khổ xưa, người ta táo gan làm những câu thơ mười hai chân như thơ Pháp. Nhưng hồn thiêng của cha ông còn nương trong tiếng nói đã ngăn ngừa không cho con cháu làm loạn. Bấy nhiêu sự ngông cuồng đều mệnh yểu. Chắc mấy chốc người ta lại trở về với lục bát, với song thất lục bát, hai thể thơ Việt, với thất ngôn, một thể thơ đã nhập tịch từ lâu, với thơ tám chữ, một biến thể của điệu ca trù ngày trước. Chung quy gọi bằng thơ mới, hầu hết là những bài tứ mới điệu xưa. Mà chính điệu thơ, mới là điều quan hệ. Nó phát biểu phần sâu sắc nhất trong tâm khảm người ta.
Người ta thường nói nền văn hóa. Thiết tưởng văn hóa Việt Nam rất hợp với nghĩa chữ nền. Ở đây quả thực chỉ có một cái nền, không có lâu đài văn hóa nào hết. Song chính nhờ thế mà trên nền kia, ta có thể tùy tiện xây dựng những lâu đài hợp với nhu cầu của thời thế, của dân tộc, và một khi những lâu đài ấy không hợp nữa, ta có thể dễ dàng san phẳng đi để dựng lên những lâu đài khác. Đời sống tinh thần của ta rất dồi dào, ta mang trong mình rất nhiều khả năng về văn hóa, nhưng trên đường học thuật tư tưởng, ta đi ra với hai bàn tay trắng, nên không có gì vướng víu, ta có thể tha hồ mượn những cái hay của người làm của ta. Người phương Tây rất ngạc nhiên thấy ta hôm qua chỉ biết có Tứ Thư, Ngũ Kinh mà hôm nay bỗng tin theo những thuyết rất mới mẻ, rất cấp tiến của khoa học, triết học hiện kim. Họ không biết rằng học thuật tư tưởng không phải là những căn bản tinh thần của dân tộc ta. Tư tưởng nào có lợi cho đời sống của dân tộc thì ta theo, nhưng một khi tình thế đổi thay, tư tưởng ấy trở nên có hại cho đời sống chung, ta sẽ trút bỏ dễ dàng không tiếc hối. Vậy cứ tình thế bây giờ, mặc dầu vì chế độ thực dân ác độc, trong tám mươi năm nay, ta chỉ thấy khổ và khoa học mà chẳng hưởng thụ dược bao nhiêu, ta cũng phải đón lấy khoa học phương Tây. Không những ta phải gắng thâu thái mọi kiến thức khoa học mà ta còn phải tập lấy phương pháp khoa học để tổ chức đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc ta. Và chắc chắn thế nào ta cũng sẽ thành công bởi vì đại khái ta chỉ làm lại cái công việc cha ông ta đã làm rất nhiều lần trong lịch sử, trải qua các thời đại đồ đá cũ, đồ đá mới, đồ đồng, đồ sắt v.v…

Có một nền văn hóa Việt Nam (II)

Bài của nhà văn Hoài Thanh do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1946.

II

Tuy vậy, mỗi trạng thái văn hóa, cũng như một chiếc lá trên cành, vẫn mang trong mình những tính chất chung cho toàn thể. Cho nên nếu ta nghiên cứu kỹ càng một vài trạng thái, chẳng hạn nếu ta nghiên cứu tiếng Việt và văn chương tiếng Việt – ít hơn nữa – một vài quy tắc của tiếng Việt và một vài tác phẩm có giá trị bằng tiềng Việt, thì ta cũng có thể hiểu ít nhiều về bản sắc Việt Nam.
Trước hết là TIẾNG VIỆT. Ta hãy nghĩ rằng thứ tiếng ta nói với nhau hôm nay, bao nhiêu lớp người trước ta đã từng nói. Biết bao tình ý đã gửi vào trong đó. Tiếng Việt chính là người bạn tâm tình đã chia sẻ vui buồn với giống nòi ta trên con đường thời gian vòi vọi. Giờ đây nó vẫn giữ lại cho ta hồn thiêng của cha ông ngày trước. Nếu ta biết hỏi chuyện, tất nó sẽ nói với ta nhiều điều hay.
Có điều tiếng Việt đã đi qua nhiều thời, nến nó không mang tâm lý riêng của một thời nào và bởi thế nó chỉ có thể cho ta một vài ý niệm căn bản nhưng trừu tượng về văn hóa Việt Nam. Muốn có hình ảnh rõ ràng hơn, cần phải đi sâu vào một vài tác phẩm văn chương vừa mang dấu tích một thời vừa có tính cách vĩnh viễn. Trong những tác phẩm ấy bản sắc Việt Nam sẽ thể hiện ra một cách phức tạp hơn, nhưng cũng cụ thể hơn, dễ nhận hơn.
Học tiếng Việt và văn chương tiếng Việt mà nhằm vào mục đích ấy thì sẽ có ích hơn, có thú vị hơn, ít ra thì cũng sẽ khỏi phải quanh quẩn trong ba cái điển tích khó khăn và tránh được cái nạn tầm chương trích cú nó đã chôn sống biết bao thế hệ thư sinh.
Ví dụ người ta sẽ để ý rằng tiếng Việt có hàng vài chục chữ để dịch nghĩa chữ porter trong tiếng Pháp: xách, ôm, quây, khiêng, mang v.v… và hàng mấy chục chữ để dịch chữ vous trong tiếng Pháp: anh, ông, bà, em, chú, cậu, bác v.v… Tiếng Việt rất giàu nhưng cũng rất nghèo vì trong bấy nhiêu chữ không có một chữ nào địch đúng nghĩa chữ porter hay chữ vous vì không có một chữ nào trừu tượng và khái quát như chữ porter và chữ vous. Tiếng Việt tả rất đúng tình cảnh riêng trong từng trường hợp mà không ghi được chỗ đồng nhất trong nhiều trường hợp khác nha. Do đó người ta sẽ thấy rõ một vài điều sở trường và sở đoản trong tinh thần ta, tức là trong văn hóa ta.
Một ví dụ nữa: người ta sẽ để ý đến quan niệm cá nhân trong tiếng Việt. Người ta sẽ thấy ở đây quan niệm cá nhân không có giới hạn hẹp hòi và rõ rệt như trong tiếng nói phương Tây. Người này và người nọ rất dễ dàng hòa lẫn với nhau. Cho nên mới có những câu như câu:
Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Để thương, để nhớ, để sầu cho ai;
Trong đó một chữ mà chỉ hai người: chữ ai thứ nhất chỉ người đi, chữ ai thứ nhì chỉ người ở;
như câu:
Đường mây cười tớ ham rong ruổi
Trường liễu thương ai chịu lạnh lùng;

trong đó có tiếng cười mà không thấy người cười, có tình thương mà không thấy người thương;
và như câu:
Ơn nước nợ trai đành nỗi bận
Cha già nhà khó cậy nhau cùng.
Trong đó cả người nói lẫn người nghe đều hòa làm một trong một chữ nhau.
Người ta cũng sẽ để ý đến nhịp điệu riêng của câu thơ Việt. Người ta sẽ thấy câu thơ Việt ưa nhịp chẵn hơn nhịp lẻ. Không những ưa nhịp chẵn trong những bài vè hai, vè bốn hay lục bát, điều ấy đã hiển nhiên. Mà còn ưa nhịp chẵn trong những câu số chữ lẻ như trong câu hát giặm và câu song thất. Một câu hát giặm năm chữ, một câu ngũ ngôn cũng năm chữ.
Hát giặm:
Em con nhà nông nghệ,
Việc khuya sớm cày bừa.
Khi đi sớm về trưa,
Năng buổi trưa phải chịu.
Mưa buổi chiều phải chịu.
Ngũ ngôn:
Lởm chởm gừng vài khóm,
Lơ thơ tỏi mấy hàng,

Vẻ chi là cảnh mọn.
Mà cũng đến tang thương.
Trông bên ngoài thì tưởng như giống nhau, nhưng cứ đọc lên sẽ thấy khác nhau một trời, một vực. Ấy chỉ vì câu hát giặm để nhịp chẵn về sau, còn câu ngũ ngôn lại kết thúc bằng nhịp lẻ. Một bên là 1+2+2, một bên là 2+2+1.
Nếu ta so sánh câu thất ngôn và câu song thất ta cũng thấy như vậy:
Tầm Dương giang đầu dạ tống khách.
Câu thơ này của Bạch Cư Dị đã được dịch ra tiếng Việt bằng câu:
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách.
Hai câu cùng một ý và cũng bảy chữ như nhau. Ấy thế mà mỗi câu một khác. Một bên là 2+2+2+1, một bên là 1+2+2+2. Hẳn cốt cách Việt Nam trong tâm tình Phan Huy Vịnh, người dịch thơ, phải vững vàng lắm mới có thể cùng một ý và cùng một câu bảy chữ mà lại đi theo một nhịp riêng. Câu thơ Hán kết thúc bằng nhịp lẻ có vẻ lơ lửng, chưa dứt; cái thể của nó còn muốn đi xa. Câu thơ Việt kết thúc bằng nhịp chẵn hình như đã tìm được nơi yên nghỉ. Câu thơ đọc hết, tâm trí người ta không còn thắc mắc, băn khoăn gì nữa, người ta thấy bình tĩnh, yên ổn vô cùng.
Ấy đại khái học tiếng Việt và văn chương tiếng Việt có thể giúp ta hiểu ta, hiểu bản tính văn hóa ta là thế! Sau cùng xin dẫn thêm ví dụ này nữa. Đọc mấy câu đầu trong bản Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, người ta sẽ nhận thấy cái cảnh chiến tranh dựng lên đột ngột và hung bạo và trong câu thơ như còn quằn quại, còn dằn vặt một mối đau thương.
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên.
Người ta cũng sẽ nhận thấy tiếng kêu Trời tức tối, thống thiết trong hai câu:
Xanh kia thăm thẳm từng trên!
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Thực khác xa lời thơ bay bướm và bát ngát trong nguyên văn chữ Hán:
Thiên địa phong trần!
Hồng nhan đa truân.

Du du bỉ thương hề!
Thùy tạo nhân?
Cả Ông Trời trong nguyên văn cũng có vẻ hiền lành như tiếng kêu Trời rất nhẹ nhàng của người chinh phụ: Thùy tạo nhân? Nhận xét như thế người ta sẽ thấy rõ phần sáng tác của người dịch. Người ta sẽ hiểu vì sao một bản thơ dịch lại có thể xem là một áng thơ kiệt tác, một điều rất ít thấy trong văn chương nước ngoài.
Nhưng nếu cứ tìm ví dụ trong sự nghiên cứu một vài trạng thái văn hóa, cứ đi vào chi tiết thì không thể nào nói hết trong khuôn khổ bài tiểu luận này. Ta đành nhìn vào đại thể vậy. Nhìn vào đại thể thì mặc dầu văn hóa Việt Nam đã nhiều lần biến đi cùng với các phương diện khác trong đời sống chung, nhưng hình như dưới cái nhất thời vẫn có cái gì vĩnh viễn – nghĩa là tương đối vĩnh viễn. Bên cạnh những tính chất riêng của từng thời, vẫn có một vài tính chất chung cho nhiều thời.
Ai cũng biết trong các công trình văn hóa có một phần thuộc về tư tưởng, một phần thuộc tình cảm. Phần tư tưởng là phần rõ ràng, là phần dễ nhận thấy hơn cả. Không ai có thể không nhận rằng Trung Hoa có một nền văn hóa phong phú, vì bao nhiêu học thuyết đã nảy nở trên đất nước Trung Hoa. Cũng không ai có thể không nhìn nhận cái phong phú của nền văn hóa phương Tây vì ở phương Tây đã sản xuất ra biết bao công trình khoa học, triết học, nghĩa là những công trình thuộc về tư tưởng. Nhằm vào phương diện ấy mà xét, thì quả thực văn hóa Việt Nam không có gì. Cách đây chừng mười lăm năm có một cuộc biện luận giữa các nhà học giả xứ ta về vấn đề quốc học. Người bảo: ta vốn có một nền quốc học, người bảo không. Mặc dầu có xúc phạm đến lòng tự ái của ta, ta cũng phải nhận rằng những người sau này nói phải. ta khồng có một nền quốc học, nếu quốc học là học thuật riêng của nước ta. Trải mấy ngàn năm lịch sử ta cơ hồ không có sáng tác gì về học thuật. Ấy cũng vì ta kém óc trừu tượng và khái quát, điều kiện căn bản để phát minh về tư tưởng. Một lần khác, có dịp, sẽ xin giải thích kỹ càng hơn về vấn đề này. Nhưng không có học thuật riêng không phải là không có gì. Văn hóa không chỉ gồm những công trình thuộc về tư tưởng. Hơn nữa tư tưởng tuy là phần rõ ràng nhất, nhưng đâu có phải là phần sâu sắc nhất, quan trọng nhất trong tâm trí người ta. Trong dòng tư duy, đó chỉ là những làn sóng lởn vởn trên mặt. Bên dưới tư tưởng, còn có tình cảm và bên dưới tình cảm và tư tưởng, còn có gì nữa ít khi nhận thấy mà cũng ít khi cảm thấy. Ấy là những nhịp điệu riêng của một người hay chung cho một nòi giống. Phần sâu sắc ấy trong lòng ta đại khái vẫn của ta, tính cách ngoại lai rất ít. Đặc sắc của văn hóa Việt Nam là ở đó, chứ không ở học thuật mà xưa nay ta vẫn quen vay mượn của người.
Điều cốt yếu đối với ta thực không phải là tư tưởng. Điều cốt yếu đối với ta là tình, hơn nữa, là điệu. Hãy xem tục ngữ ta hầy hết là những câu có vần, có điệuk, khác hẳn với tục ngữ Pháp, với tục ngữ Tàu. Trong một câu tục ngữ như câu được làm vua, thua làm giặc, chữ thua đối thanh với chữ được, chữ giặc đối thanh với chữ vua, chữ vua lại vần với chữ thua. Thanh âm hưởng ứng với nhau rất là mật thiết, nhịp điệu rất đều đặn, rất rõ ràng. Có thanh âm ấy, nhịp điệu ấy mới lưu truyền được đến đời sau cái ý “gọi rằng vua, gọi rằng giặc chẳng qua chỉ là chuyện mạnh yếu, chuyện được thua”, mặc dầu cái ý kiến rất già dặn, rất táo bạo, rất hay. Nó vừa thiết thực, vừa sâu sắc, có thể nói nó đã lật đổ cái thuyết “thay trời trị nước” mà bọn học giả Đông có, Tây có, đã nhai đi nhai lại trong mấy ngàn năm. Một cái ý kiến đặc sắc và có giá trị như thế mà cũng phải nương vào thanh âm, vào nhịp điệu mới lưu truyền được đến đời sau, điều ấy đủ chứng rằng người Việt chúng ta sống trong nhịp điệu, trong thanh âm nhiều hơn trong tư tưởng. Tâm lý ấy có giống tâm lý trẻ con. Trẻ con thường vẫn ca hát luôn miệng mà chẳng mấy khi quan tâm đến ý nghĩa lời ca. Song chúng ta chớ lấy thế làm thẹn, chúng ta chớ nghĩ rằng như thế nghĩa là dân tộc ta còn ấu trĩ, còn dã man, còn mọi rợ, không hơn gì những dân tộc mọi rợ ở Phi châu. Chúng ta còn trẻ, tức là chúng ta còn nhiều sinh lực, chúng ta còn có thể đi xa. Huống chi trẻ mà không phải sơ sinh. Chúng ta mang trong mình hơn hai ngàn năm lịch sử. Biết bao dân tộc tuổi chưa bằng ta mà đâu còn trẻ được như ta. Ta trẻ, tức là ta có thuật trường sinh vậy.
Vậy văn hóa Việt Nam quý ở phần tinh cảm hơn ở phần tư tưởng, ở phần tiềm thức hơn ở phần hữu thức. Nhưng chính vì thế mà văn hóa Việt Nam rất khó hiểu đối với học giả phương Tây. Tình cảm cùng với nhịp điệu vẫn tiềm tàng ở những nơi sâu thẳm trong lòng ta không phải là điều có thể phân tích giảng giải một cách dễ dàng. Muốn hiểu, cần phải sẵn mối đồng tình, cần phải là người đồng điệu. Cùng đồng thị là người Việt Nam và cùng chung sống trong một thời đại mà hai phái thơ cũ, thơ mới còn chưa hiểu được nhau. Cho nên người phương Tây khó mà hiểu được những công trình phát biểu cái phần sâu sắc trong lòng người Việt, ví dụ như những công trình nghệ thuật, văn chương.

***

Văn hóa Việt Nam lại còn đặc tính này nữa cũng khiến nó khó hiểu đối với học giả phương Tây. Nó không thiên về lượng. Ta có thể tưởng tượng cái vẻ ngạc nhiên và khinh bỉ của người phương Tây khi ta bảo họ rằng văn hóa Việt Nam rất có giá trị và giá trị chính của văn hóa Việt Nam là ở nghệ thuật văn chương. Họ sẽ hỏi ta: “Thế, sao văn chương các anh không hề có cái phong phú của văn chương Pháp mà về nghệ thuật các anh cũng chẳng có một công trình nào đồ sộ như Đế Thiên, Đế Thích của giống người Cờ Me”. Quả có thế, cha ông ta không có những thi phẩm mà nội một chương cũng đã dài ngót mười một ngàn câu như thi phẩm của Lamartine. Cha ông ta cũng không hề có công trình kiến trúc nào có thể gọi là đồ sộ. Nếu muốn nhiều, muốn to thì các công trình văn hóa của ta quả không có gì nhiều và to. Nhưng sao lại cứ muốn nhiều, muốn to? Bỏ được cái tính chuộng nhiều, chuộng to nó rất vô lý trong câu chuyện nghệ thuật, văn chương, người ta sẽ thấy một câu ca dao trên sáu dưới tám có thể quý hơn hàng trăm pho sách nặng nề và một vài đường nét đơn sơ có thể quý hơn cả một lâu đài đồ sộ.
Vả chăng, khi người ta chỉ liếc mắt nhìn qua một cách hờ hững, khi người ta không từng sống triền miên trong đó thì tất cả quá khứ văn hóa Việt Nam người ta chỉ thấy có một khối, đời Lý cũng như đời Trần, đời Trần cũng như đời Lê, đời Nguyễn, người ta không nhận thấy phong thái riêng từng thời, từng người nên không thấy phong phú. Trước mắt người ta chỉ có một cái toàn thể nghèo nàn và bất di bất dịch. Điều đó không có gì lạ. Chính chúng ta cũng thường có cảm giác rằng người da đen, người nào cũng giống người nào và từng thấy có những người mình vào hạng có tuổi không làm sao phân biệt được người Pháp này với người Pháp kia, vì thấy người nào mắt mũi cũng giống nhau. Cần phải tinh ý và cũng cần phải nhiều thì giờ mới nhận rõ cái cốt cách một câu thơ Đoàn Thị Điểm và cốt cách một câu thơ Nguyễn Du, mặc dầu thơ Đoàn Thị Điểm với thơ Nguyễn Du khác nhau xa. Cha ông ta ngày xưa không hay lập dị, không cố tìm cho có một bản lãnh riêng. Nhưng mỗi người sống trong một thời riêng, trong một hoàn cảnh riêng nên tự nhiên cũng có bản lãnh riêng. Văn hóa Việt Nam chỉ có vẻ nghèo nàn với những người không tinh ý. Thực ra, công trình văn hóa tuy không nhiều, không đồ sộ nhưng vẫn tiêu biểu cho một đời sống tinh thần dồi dào và nhiều vẻ.

Có một nền văn hóa Việt Nam (I)

Bài của nhà văn Hoài Thanh do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1946.

20190420_143906

I

Một số học giả người Pháp vẫn thường bảo Việt Nam không có một tí vốn liếng gì về văn hóa. Theo họ, suốt mấy ngàn năm lịch sử dân tộc này chỉ biết có vay mượn mà thôi. Dân tộc này không hề có chút cống hiến vào kho tàng văn hóa của nhân loại và giá thử, một ngày kia, dân tộc này có diệt vong, điều ấy tuyệt nhiên không có quan hệ gì đối với đời sống tinh thần chung.
Kể học giả người Pháp mà nói liều lĩnh như thế cũng là lẽ đương nhiên. Họ đã đến xứ ta hay khảo sát xứ ta với tâm lý người chiến thắng. Với họ trước kia chúng ta đã là những người chiến bại, những người tôi tớ. Còn họ đã là chủ nhà. Mà xưa nay, mấy khi chủ nhà không khinh thị tôi tớ, mặc dầu cứ bình tĩnh mà xét, đã chắc gì ai kém ai hơn.
Đó là một lẽ. Song lẽ ấy không đủ để giải thích câu nói liều lĩnh trên kia. Bởi vì dân tộc Chiêm Thành, dân tộc Cờ Me (Khmer) cũng đứng vào địa vị chiến bại mà văn hóa của họ vẫn được học giả người Pháp chú ý và trân trọng hơn. Sở dĩ một số học giả người Pháp khinh thị văn hóa Việt Nam đến nỗi dám quả quyết rằng văn hóa Việt Nam không có, ấy cũng vì nền văn hóa Việt Nam khác hẳn các nền văn hóa phương Tây, khó mà nhận ra được. Nhất là họ lại đang quen nhận xét một cách rất nông nổi và thiển cận.
Tuy vậy, như trên đã nói, người Pháp mà khinh thị văn hóa Việt Nam thì không có gì đáng lấy làm lạ. Điều đáng lấy làm lạ là chính người mình cũng tự khinh thị mình. Óc nô lệ đến thế thật là cùng cực. Sự nhồi sọ của người Pháp đã khiến một số đồng bào ta tin rằng chẳng những ta hoàn toàn bất lực về kinh tế, về chính trị mà cũng hoàn toàn bất lực về văn hóa.
Ai là người quan tâm đến vận mệnh nước nhà, của nòi giống, thấy thế mà có thể dửng dưng? Nếu quả người Việt Nam tuyệt nhiên không có khả năng gì về văn hóa, nếu quả lịch sử tinh thần của dân tộc Việt Nam chỉ là một con số không đồ sộ, thì ta còn hy vọng gì ở tương lai? Nếu quả bọn chúng ta vốn bất tài, trong mấy ngàn năm, chúng ta khó có thể nhất đán trở nên những bậc đại tài đủ sức xây đắp một nền văn hóa tương lai tráng lệ. Trong lịch sử mấy khi có những chuyện lạ lùng như thế. Cho nên không gì buồn bằng cảm thấy cái bất lực của giống nòi về văn hóa. Hay giả thử một điều khó có thể có được, là dân tộc ta trở nên hùng cường vào bậc nhất trên thế giới nhưng vì văn hóa chúng ta cũng chỉ biết có vay mượn mà thôi, thì tương lai ấy thực không đủ cho ta hởi lòng, hởi dạ. Ta vẫn muốn giàu, muốn mạnh, nhưng chúng ta không hể chỉ mộng làm một người trọc phú. Tất cả những người Việt nam thành thực đều băn khoăn đi tìm một niềm tin ở nòi giống, vì có tin ở nòi giống mới có thể tin ở mình, một người Việt Nam, lại có thể không hèn kém hay sao? Mà một khi đã cho mình hèn kém, hơn nữa, đã tin rằng cha ông mình mấy ngàn năm nay vẫn hèn kém, tì cuộc sống không còn có nghĩa lý gì nữa!

***

Nhưng sự thực có đến nỗi buồn thảm như thế không? Dân tộc Việt Nam có quả hoàn toàn bất lực về văn hóa không? Ta quyết rằng không. Và ta nói thế không phải vì lòng ta muốn thế. Ta sẽ hết sức vô tư và khách quan. Ta sẽ can đảm nhìn thẳng vào sự thực, vô luận sự thực ấy như thế nào.
Sự thực thì ta vốn có một nền văn hóa. Nền văn hóa ấy cố nhiên không thể tìm thấy trong những bài kinh nghĩa, những bài văn sách, những bài thơ, bài phú chữ Hán, nói rộngj ra, trong những tác phẩm Hán Việt, nghĩa là trong những tác phẩm bằng chữ Hán của người Việt. Đời này sang đời khác, các nhà nho xứ ta mỗi khi cầm bút viết văn tàu chỉ lặp đi lặp lại những ý, những lời của thánh hiền Trung Quốc. Nhưng dân tộc Việt Nam đâu phải chỉ có những nhà nho. Ta hãy đi về nơi thôn quê và lắng tai nghe câu hát đậm đà của người thôn nữ. Đó không phải là văn hóa hay sao? Ta hãy ghé vào những ngôi chùa cổ và để ý nhìn những bức chạm của người xưa. Đề tài có thể vay mượn của người, song những đường nét kia vẫn nặng mang tâm tình Việt Nam, vẫn ghi rõ nhịp sống Việt Nam chứ sao? Ta hãy ngẫm nghĩ về những lời ta đương nói. Chữ dùng có lẽ đến ba phần tư là chữ Hán. Song ta mượn chữ Hán mà ta đọc theo lối ta, ta xếp đặt theo cú pháp tiếng ta, ai dám bảo tiếng ta không phải một công trình văn hóa của người Việt? Ngay các nhà nho chỉ biết nô lệ theo người những khi cầm bút viết văn Tàu, thế mà đến khi nhận trách nhiệm đặt pháp luật để thi hành trong nước thì lại tỏ ra là những người có óc sáng tạo. Pháp luật xứ ta, nhất là pháp luật đời Hồng Đức, vẫn có nhiều tính chất riêng của dân tộc ta.
Nhưng ta cần gì phải đến pháp luật, đến ngôn ngữ, đến nghệ thuật văn chương hay đến tôn giáo, phong tục v.v… để chứng rằng ta vốn có một nền văn hóa. Nội một điều nhận xét đơn sơ này cũng đủ cho ta tin như thế. Văn hóa đâu có phải là một vật lạ lùng từ trên trời rơi xuống. Văn hóa chỉ là một phương diện – phương diện tinh thần – trong đời sống của một dân tộc. Phương diện ấy, chúng ta tách riêng ra cho tiện bề nghiên cứu, nhưng nó vốn có quan hệ mật thiết với các phương diện khác trong đời sống chung, như kinh tế, chính trị v.v…hơn nữa nó vốn cùng các phương diện khác là một, trong cái toàn thể là đời sống chung. Nói một cách nôm na, văn hóa cũng như kinh tế, như chính trị, chỉ là một mặt của sự thực, của đời sống chung. Đã thế, nói rằng dân tộc Việt Nam không có một nền văn hóa riêng là một câu nói vô lý, vì dân tộc Việt nam vẫn là một dân tộc riêng, vẫn có một cuộc sống riêng, điều ấy không ai chối cãi.

***

Vậy ta có thể nói quyết rằng: dân tộc Việt nam vốn có một nền văn hóa. Cái điều có kẻ không tin là giá trị của nền văn hóa ấy. Nhưng ta tự hỏi: căn cứ vào đâu mà đánh giá một nền văn hóa? Tất phải căn cứ vào thực tiễn. Vì, xét cho cùng, văn hóa chỉ là sự cố gắng của loài người để giành quyền sống. Vậy mà đứng về quan điểm ấy, không thể không nhìn nhận giá trị của văn hóa Việt Nam. Chứng cớ hiển nhiên là nó đã giúp chúng ta tồn tại.
Nếu ta không có những khả năng dị thường về văn hóa, dám chắc rằng nòi giống ta đã tiêu diệt tự bao giờ. Giải đất chúng ta ở đây, đâu phải là chốn thiên đường. Chúng ta đâu phải là những đứa con cưng của tạo hóa. Kể từ hồi tiền sử, nước non này đã chứng kiến biết bao nhiêu nhân họa, thiên tai kế tiếp nhau không ngớt. Biết bao nhiêu giống người đã lần lượt đến chiếm xứ này, nhưng chung quy ở không được nên đã lần lượt tiêu vong. Trong tất cả các giống người đã bước chân tới đây, hình như chúng ta là những kẻ ở đây được lâu hơn cả. Được thế cũng bởi chúng ta biết mình là con nhà cực và hết sức phấn đấu với cuộc đời cơ cực. Sống trong một hoàn cảnh ác liệt, chúng ta đã biết luyện mình cho thích nghi cùng hoàn cảnh. Văn hóa Việt Nam đã được hun đúc trong những điều kiện tự nhiên và lịch sử gay go ấy nên rất có giá trị.
Chính nền văn hóa rất có giá trị ấy đã cứu chúng ta. Bởi vì văn hóa tức là đời sống tinh thần của dân tộc, tuy vốn do những điều kiện vật chất chi phối nhưng trở lại nó lại ảnh hưởng đến đời sống vật chất. Nói một cách khác, mọi hành vi của cá nhân cũng như của đoàn thể đều do tinh thần đưa đường chỉ lối. Vậy không có sự hướng dẫn của văn hóa, làm sao cha ông ta từng bao lần đánh bại xâm lăng? Không có sự hướng dẫn của văn hóa, làm sao cha ông ta có thể lần theo bờ biển mà khai thác một giải đất hàng mấy ngàn cây số, từ Hoành Sơn đến mũi Cà Mau? Không có sự hướng dẫn, không có sức bảo tồn của văn hóa, làm sao cha ông ta tiếp xúc với người Hán có đến hai ngàn năm mà vẫn thoát được cái nguy đồng hóa?
Giống Hán, chúng ta đều biết, là một giống người có sức đồng hóa mãnh liệt vô cùng. Nó đã đồng hóa không biết bao nhiêu giống người ngày xưa, nó vẫn gọi chung là Tây Nhung, Bắc Địch, Nam Man, Đông Di. Tất cả những giống người Việt từ bờ sông Dương Tử đến biên giới Việt Nam đều bị nó đồng hóa, trừ một giống là giống Lạc Việt chúng ta. Lúc chúng ta bắt đầu gặp người Hán thì chúng ta chỉ là một nhóm người con con dễ thường không đầy một triệu và may lắm cũng chỉ mới tiến đến giai đoạn đồ đồng. Chúng ta đã gặp một khối người mạnh hơn, đông hơn không biết bao nhiêu lần, và nhất là đi trước chúng ta hàng maays trăm năm nay trên con đường văn hóa, Thế mà sau một ngàn năm Bắc thuộc về chính trị và ngót một ngàn năm nữa Bắc thuộc về tinh thần, ta vẫn không tiêu tan trong khối Hán, ta vẫn giữ được bản lãnh của ta, Càng nghĩ đến điều đó bao nhiêu, ta càng ngạc nhiên bấy nhiêu và càng thêm lòng tin vào nòi giống. Hãy thử tìm trong lịch sử thế giới được bao nhiêu dân tộc cùng lâm vào một tình cảnh nguy nan như thế mà vẫn đủ sức giải nguy?
Nền văn hóa Việt nam không có giá trị phi thường thì nòi giống Việt Nam làm gì được thế. Nhưng văn hóa Việt Nam như thế nào? Những gì là đặc tính văn hóa Việt Nam? Hiện giờ không ai có thể chiều lòng ta mà trả lời câu hỏi ấy một cách đầy đủ và có trả lời cũng chỉ là liều lĩnh mà thôi. Bởi vì muốn nhận thức một cách đầy đủ và chắc chắn bản sắc cố hữu của văn hóa Việt Nam, lẽ tất nhiên phải nghiên cứu tất cả mọi trạng thái văn hóa trong xã hội Việt Nam thời trước, như học thuật, ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật, luân lý, tôn giáo, pháp luật, phong tục vân vân…