Nước Nam Việt nhà Triệu trong văn hóa khảo cổ và lịch sử Việt Nam

Đại Việt sử ký toàn thư đã chép Kỷ nhà Triệu cho nước Nam Việt với 5 đời vua, kéo dài hơn trăm năm từ cuối thế kỷ III TCN đến cuối thế kỷ II TCN. Thế nhưng các nhà khảo cổ nước ta hiện nay lại có xu hướng là cứ hiện vật nào có niên đại này thì gọi chung là văn hóa Đông Sơn và gắn nó với nước Âu Lạc của Thục An Dương Vương. Hơn 100 năm tồn tại của một vương triều chính thức xưng Đế đầu tiên, có lãnh thổ được biết rộng lớn nhất trong sử Việt trở nên “bặt vô âm tín” về mặt khảo cổ. Cứ tưởng chừng như nước Nam Việt chưa hề có mặt ở đất Việt Nam vậy.

Bằng chứng rõ ràng nhất về các di vật nhà Triệu Nam Việt ở nước ta là ở thành Cổ Loa. Nhà sưu tầm Kiều Quang Chẩn viết: Chúng ta trở lại Cổ Loa với những tường thành hào lũy bao bọc, chứng tỏ là một nơi cư trú quan trọng, xứng đáng một kinh đô thời cổ. Hàng vạn mũi tên đồng nhiều chiếc chưa thành phẩm đào được ở Cầu Vực, những vũ khí hình tim ở Mả Tre, những khuôn đúc đồng chứng tỏ Cổ Loa có xưởng đúc vũ khí. Ngoài ra người ta còn đào được một trống Đông Sơn lớn và hoàn hảo có hoa văn được xếp loại chung với những chiếc trống Đông Sơn quan trọng nhất theo phân loại Heger I. Loại trống này có hoa văn trên vai y hệt như chiếc thạp trong mộ Triệu Muội ở Quảng Châu và chiếc thạp của Triệu Đà ở bảo tàng Babier Mueller tại Thụy Sĩ. Ta có thể dễ dàng định tuổi chiếc trống và bộ vũ khí chôn theo cùng thời với Triệu Đà và người cháu của ông, tức khoảng thời gian ra đời nước Nam Việt năm 206 TCN cho đến khi cháu ông mất năm 122 TCN.

Hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh đã được tìm thấy ở Cổ Loa. Cho dù mũi tên đồng tạo ra cảm giác liên quan đến chiếc nỏ thần của An Dương Vương, nhưng niên đại lò đúc những mũi tên này lại là thế kỷ II TCN, tức sau thời An Dương Vương gần nửa thế kỷ. Niên đại mẫu than lấy từ lò đúc có khuôn đúc tên ở đền Thượng Cổ Loa xác định bằng C14 rơi vào quãng năm 189 TCN. Hiển nhiên thời gian này Cổ Loa đang nằm trong nước Nam Việt nhà Triệu.

Đồ gốm ở thành Cổ Loa có ống ngói khá đặc trưng, được gọi là ngói Cổ Loa. Nhưng loại ngói này lại thấy giống với loại ngói ở Trung Quốc thời Tây Hán, mà cụ thể là ngói trong mộ Văn Đế Triệu Mạt rất nổi tiếng ở Quảng Châu. Thật may mắn là hiện vật của nhà Triệu Nam Việt có thể được biết một cách chính xác nhờ ngôi mộ của Triệu Văn Đế, có ấn tín ghi tên đầy đủ, chính xác.

Trong mộ Triệu Văn Đế cũng có đồ đồng Đông Sơn. Đó là chiếc thạp lớn, trên thân có kiểu tạo hoa văn in chìm rất giống với thạp đồng Hợp Minh tìm thấy ở Yên Bái (đã được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013). Trống đồng Cổ Loa có hoa văn tương đồng thạp trong mộ Triệu Văn Đế như đã nói trên. Phần lớn các trống đồng cỡ lớn, hoa văn cầu kỳ phức tạp, ví dụ như trống đồng Sao Vàng đang được trưng bày ở Bảo tàng lịch sử, là trống đồng Đông Sơn giai đoạn muộn, tương ứng với niên đại thế kỷ II-I TCN. Do đó về thực chất đó chính là những trống đồng nước Nam Việt.

Một đồ vật điển hình khác của đồ đồng Đông Sơn muộn là những chiếc chuông voi. Gọi là chuông voi, nhưng đây là những chiếc chuông đồng nhỏ dạng hình tam giác cân có 2 tai nhỏ ở phía trên. Một trong những chiếc chuông voi tìm thấy ở Cốc Lếu, Lào Cai có dòng chữ Bang kỳ túc cát phúc đúc nổi. Chữ sử dụng trên chuông là dạng chữ Triện Lệ, loại chữ phổ biến từ thời Tây Hán.

Rồi đến việc phát hiện dấu vết lá dong trên mảnh nồi đồng tìm thấy ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, cũng có niên đại xác định là thế kỷ II – I TCN. Món bánh chưng nấu bằng chiếc nồi này do đó cũng là dưới thời nước Nam Việt, chứ không thể là của chàng Lang Liêu trước đó vài thế kỷ.

Chuông có chữ phát hiện ở Cốc Lếu, Lào Cai.
Đầu ống ngói Cổ Loa.
Khuôn đúc tên ở Cổ Loa.

Sự “ra đi” cố ý của nhà Triệu Nam Việt khỏi văn hóa khảo cổ và sử Việt thường dựa trên một số thông tin có tên Âu Lạc của Sử ký Tư Mã ThiênTiền Hán thư, bao gồm:

  • Khi Cao Hậu mất Triệu Đà “dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc mình“.
  • Sau đó là trong bức thư của Triệu Đà gửi Hiếu Văn Đế có đoạn: “Đông Mân Việt nghìn người cũng xưng hiệu là vương. Tây Âu Lạc nước trần truồng cũng xưng là vương.”
  • Khi Lộ Bác Đức diệt nước Nam Việt, “Giám quan người Việt quận Quế Lâm là Cư Ông dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán“.
  • Năm 110 TCN khi nhà Tây Hán được toàn bộ Nam Việt: “Tả tướng Hoàng Đồng của Âu Lạc xưa chém được Tây Vu Vương nên được phong làm Hạ Phu hầu“.

Với lý do tới thời Tây Hán vẫn còn tướng của Âu Lạc nên có chuyên gia thậm chí còn kết luận rằng Triệu Đà chưa từng làm chủ được nước Việt ta và nước Âu Lạc của An Dương Vương còn kéo dài dài… Nhẹ nhàng hơn thì có người cho rằng các quý tộc Âu Lạc (từ thời An Dương Vương) vẫn có quyền tự trị cho mãi đến thời Hiếu Vũ Đế diệt Nam Việt. Từ đó để suy ra trống đồng, chuông đồng, thạp đồng… của thế kỷ II TCN tìm thấy ở Việt Nam thuộc về nước Âu Lạc hay thuộc về dòng dõi quý tộc Âu Lạc.

Dựa vào tên Âu Lạc trong thư tịch trên để kết luận nước Âu Lạc còn tồn tại dưới thời Nam Việt thì quá chủ quan. Trong 2 thông tin đầu Triệu Đà nói về nước “Tây Âu Lạc”, không phải Âu Lạc. Đất Âu Lạc ở miền Bắc Việt ngày nay nằm ở phía Nam, chứ không nằm ở phía Tây của nước Nam Việt. Tây Âu là chỉ một khu vực khác, là vùng đất giữa Vân Nam và Quảng Tây. Thủ lĩnh của Tây Âu là Dịch Hu Tống đã bị nhà Tần giết từ thế kỷ III TCN. Khu vực này có thể đã “tái xưng vương” khi Tần Thủy Hoàng mất, thiên hạ đại loạn, các nước chư hầu cũ đều tự xưng vương.

Còn 2 thông tin sau thì lại càng mù mờ vì chỉ nói đến dân Âu Lạc và tướng của Âu Lạc xưa. Âu Lạc ở đây chỉ một vùng đất, không phải là một nước riêng, vì không có thủ lĩnh Âu Lạc. Đến năm 110 TCN, nước Âu Lạc của An Dương Vương đã bị diệt hơn 100 năm rồi. Làm sao còn tướng tá nào của nước Âu Lạc sống đến lúc đó nữa?

Vậy những “quý tộc” Âu Lạc nào còn tồn tại trong suốt thế kỷ II TCN ở nước Nam Việt? Sự thực thì chính các vua nhà Triệu là dòng dõi của Thục Vương nước Âu Lạc bởi nước Nam Việt vốn được khởi dựng từ vùng đất Âu Lạc vào cuối thời Tần. Điều này đặc biệt được nêu rõ trong tộc phả họ Lê ở Hạ Mạo (Thị xã Phú Thọ), cho biết Triệu Văn Vương có cha là con thứ của Hùng Vương thứ 17, mẹ là con gái của Đông Chu Quân.

Thần tích Hạ Mạo và Mạo Phổ tóm tắt như sau: Hùng Vương thứ 17 (Hùng Nghị Vương) có một người con gọi là Chàng Ánh. Chàng Ánh lấy vợ là con gái của Đông Chu Quân. Một hôm người vợ nằm mơ thấy có chim phượng hoàng ngậm chiếc bút ngọc đến trao trong tiếng sấm. Từ đó bà có mang, sinh ra những người con đặt tên là Bút Lôi Mao.

Khi Tần đánh chiếm nước Âu Lạc, Chàng Ánh đã chống lại và tách lập một nước riêng ở Quảng Tây (Việt Tây), gọi là Hậu Hùng Vương, được ban tính danh họ Lê. Các con của Hậu Hùng Vương tiếp đó đã tham gia của khởi nghĩa chống Tần cùng với Triệu Đà. Khi nhà Tần bị diệt, người con Út có công nhất được phong làm Vương cai quản vùng đất Việt, lấy tên là Út Ngọ Lôi Mao Đại vương. Chàng Út lấy con gái của Triệu Đà làm hoàng hậu. Từ đó Nam Việt gọi là nhà Triệu.

Sự tích chim phượng ngậm ngọc bay đến trong tiếng sấm và tên của vị vua Út Ngọ Lôi Mao là lời giải thích cho hình tượng hình người đội lông chim, thậm chí là hình người hóa lông chim, là đặc trưng thường gặp trên các đồ đồng Đông Sơn như trống đồng, thạp đồng, rìu đồng… Hình lông chim này là Lôi Mao, hay lông sấm của loài chim phượng, chỉ dòng tiên theo mẹ Âu Cơ, nói lên quan hệ trực tiếp giữa triều đại nước Nam Việt với dòng Âu Lạc.

Hình người đội lông chim cách điệu trên trống đồng Sao Vàng.

Đôi câu đối ở đình Hạ Mạo, khẳng định sự tích về 5 đời họ Lê nối nhau làm vua ở vùng đất Quảng Tây:

雄 貉 紀 傳 來 滅 蜀 平 吳 明 在 史

粵 西 相 遜 後 龍 祥 山 壯 莫 成 莊

Hùng Lạc kỷ truyền lai, diệt Thục bình Ngô minh tại sử

Việt Tây tương tốn hậu, long tường sơn tráng mạc thành trang.

Dịch nghĩa

Hùng Lạc ký truyền lại, diệt Thục bình Ngô rạng ở sử

Việt Tây cùng nhường sau, điềm rồng thế núi bãi thành trang.

Tới thời Hiếu Vũ Đế, Lộ Bác Đức dẫn quân diệt kinh đô Nam Việt ở Phiên Ngung. Các quý tộc Nam Việt (tức họ Lê) lên thuyền trở về vùng quê cha đất tổ ở Phong Châu, từ đó có sự phản kháng của Tây Vu Vương chống lại Tây Hán, đóng đô ở Cổ Loa, vốn là tòa thành quân sự xây dựng quy mô từ thời Tần và thời Triệu Đà. Quân Tây Hán tiếp tục đánh Bắc Việt. Hậu quân của Nam Việt phải ẩn lên vùng rừng núi Tây Bắc và Thanh Nghệ, trở thành tiền thân của Nam Chiếu Mạnh Hoạch ở thời kỳ tiếp theo. Đây là lý do vì sao các vùng Tây Bắc và Thanh Nghệ lại phát hiện khá nhiều đồ đồng Đông Sơn giai đoạn muộn, là sự nối tiếp Nam Việt – Nam Chiếu trong giai đoạn này.

Tổng hợp thông tin từ các nguồn thần tích và di tích khác nhau có thể xác định những nhân vật và sự kiện lịch sử chính xảy ra trên đất Việt vào cuối thế kỷ III TCN – thế kỷ II TCN như sơ đồ sau.

Cùng về thăm lại Cổ Loa thành

https://congdankhuyenhoc.vn/cung-ve-tham-lai-co-loa-thanh-179220808114955956.htm

Về thăm thành Cổ Loa, đọc lại những hoành phi câu đối nơi đây, ngẫm lại chuyện An Dương Vương dựng nước Âu Lạc, rồi để “cơ đồ đắm biển sâu”. Lịch sử về An Dương Vương vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng.

Những khám phá về Cổ Loa thành buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về triều đại nhà Thục trong cổ sử Việt.

Lớp thành sớm của Cổ Loa có niên đại từ thời Hùng Vương

Sự tích ở Cổ Loa kể rằng Vua Chủ An Dương Vương cho di dời người dân bản địa, giải phóng mặt bằng để xây thành. Câu đối ở đền Thượng nói đến việc này:

Truyền nước Lạc, Vua xem sông núi

Đối thành Loa, Trời mở mênh mang“.

Kết quả khảo cổ thành Cổ Loa những năm gần đây cho biết, ba vòng tường thành nội, trung, ngoại của Cổ Loa đã được xây dựng qua nhiều lần khác nhau. Lớp thành đầu tiên của Cổ Loa có niên đại khoảng 400 năm trước Công nguyên. Ban đầu ở các vòng ngoài của thành là các bờ lũy, mang tính chất kiểm soát hơn là phòng thủ. Kết quả này không khớp với những nhận định hiện nay khi cho rằng là An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc vào thế kỷ III trước Công nguyên (sau năm 257 trước Công nguyên). 

Vậy người đầu tiên xây dựng thành Cổ Loa là ai? Liệu thời kỳ An Dương Vương chỉ ngắn vẻn vẹn có vài chục năm ở thế kỷ III – II trước Công nguyên hay không?

Liên quan đến chuyện xây thành Cổ Loa, ở làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Ninh) có truyền thuyết được chép trong “Bắc Giang tỉnh chí” như sau:

Cuối đời Chu, Lão Tử đã đi xuống miền Nam du ngoạn. Khi tới tả ngạn sông Nguyệt Đức… Lão Tử thấy phong cảnh đẹp bèn cắm trang ở đây, đặt tên là Thổ Hà trang. Sau khi lập trang ông ta còn mở trường truyền đạo cho các đồ đệ, nhà trường nay là chùa Đoan Minh. Lão Tử có nhiều phép màu trừ hung sát quỷ.

Đương khi Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa, nhưng thành cứ xây lên, sáng dậy lại bị đổ, bởi thần Kim Kê ở núi Thất Diệu trêu cợt. Vua nghe thấy ở trang Thổ Hà có người biết trừ hung sát quỷ bèn cử sứ giả lại mời. Lão Tử nhận lời, rồi đi đến núi Thất Diệu sai Thanh Giang sứ hiện thành rùa vàng vào rừng trừ yêu quái, lại thư phù vào lá trúc thả xuống sông cho trôi khắp mọi nơi xua yêu quái. Nhờ vậy, nửa tháng đã xây xong thành Cổ Loa, Lão Tử cáo từ ra về, được An Dương Vương ban thưởng rất hậu“.

Triết gia nổi tiếng Lão Tử Lý Nhĩ Đam ít nhất cũng sống vào quãng thế kỷ VI-V trước Công nguyên, lại cùng thời kỳ với vua Thục ở Cổ Loa. Như vậy nhà Thục của An Dương Vương có thể đã bắt đầu sớm hơn rất nhiều so với nhận định hiện tại vào năm 257 trước Công nguyên? 

Rõ ràng rằng trong sử Việt nhà Thục không phải chỉ có 1 vị vua, mà là một triều đại kéo dài vài trăm năm, qua nhiều đời vua, đều xưng là An Dương Vương.

An Dương Vương là dòng Tiên theo mẹ Âu Cơ đã định đô ở Cổ Loa

Khai quật các di tích ở Cổ Loa đã chứng tỏ rằng nơi đây là một trung tâm của nền văn hóa Đông Sơn, với những hiện vật điển hình như trống đồng Cổ Loa. Văn hóa Đông Sơn hiện nay được gắn với thời kỳ Hùng Vương, nhưng nếu xét về niên đại, nền văn hóa khảo cổ này bắt đầu từ quãng thế kỷ VI trước Công nguyên kéo dài đến đến thế kỷ I thì đây phải là giai đoạn của nhà Thục mới đúng. Thời kỳ Hùng Vương dựng nước bắt đầu từ những mốc thời gian sớm hơn nữa, ít nhất là từ văn hóa Phùng Nguyên, tương ứng với 4.000 năm lịch sử.

Đền Thượng ở Cổ Loa được gọi là “Tiên từ đệ nhất”, như dòng chữ ghi trên các lớp nghi môn trong và ngoài của đền. Tại sao đền thờ An Dương Vương lại là “Tiên từ”? An Dương Vương trở thành “Tiên” khi nào?

Ngẫm nghĩ sâu hơn về ý nghĩa thì phải chăng chữ Tiên ở đây có ý chỉ An Dương Vương là dòng Tiên theo mẹ Âu Cơ lên núi trong truyền thuyết. Dòng Tiên có biểu tượng là chim Phượng. Nghi môn nội của của ngôi đền Thượng Cổ Loa cũng có đắp cặp phượng chầu mặt trời ở trên mái, điều hiếm thấy đối với một đền thờ nam thần. Điều này dường như nhấn mạnh rằng An Dương Vương thuộc về dòng Tiên.

Đặc trưng của các trống đồng Đông Sơn là hoa văn hình những con chim lớn đang bay lượn. Các sách vở gần đây gọi hình chim đó là “chim Lạc”, không rõ tại sao. Thực tế hoàn toàn không có loài chim Lạc, cũng như trong các thư tịch đều không hề nói đến tên gọi đó. Đây chính xác phải gọi là chim Phượng, biểu tượng của dòng Tiên theo mẹ Âu Cơ lên núi. Lạc là dòng theo cha Lạc Long Quân xuống biển, biểu tượng là con Rồng.

An Dương Vương là “Tiên đệ nhất”, nghĩa là người đứng đầu (làm vua) dòng Tiên. So với truyền thuyết họ Hồng Bàng, khi người con trưởng của Âu Cơ lên ngôi, lập nên nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương thì An Dương Vương tương ứng với vị vua Hùng đã dựng nên nước Văn Lang.

Thục An Dương Vương được ghi trong các ngọc phả truyền lại là người cùng dòng dõi của các vị vua đời trước, tức cũng là dòng Hùng Vương. Nhà Thục cần được xem là một trong những giai đoạn của thời đại Hùng Vương, kế tiếp giai đoạn các Lạc Vương trước đó. Thục Vương là dòng Âu (theo mẹ Âu Cơ), xuất phát từ vùng Ai Lao (là vùng Vân Nam ngày nay, nơi vẫn còn rặng núi Ai Lao Sơn) đã tiếp quản cơ nghiệp của dòng Lạc trên vùng Bắc Việt, lập nên quốc gia hợp nhất Âu và Lạc.

Các lớp thành quy mô nhất của Cổ Loa được xây dưới thời Tần Triệu

Tấm bia thời Lê năm Chính Hòa thứ 10 (1689) có tên “Chính Pháp điện thạch bi” ở đền Thượng Cổ Loa chép: “Đại Việt suy tôn An Dương Vương là hoàng đế, khởi từ đất Ba Thục, định đô ở Phong Khê, lấy nỏ rùa thần đuổi quân Tần, xây thành trĩ mà cố thủ, ngàn dặm nhập vào nước Âu Lạc ta“.

Theo tấm bia này thì việc An Dương Vương dùng nỏ thần là để chống lại quân Tần, chứ không phải Triệu Đà như trong truyền thuyết thường kể. Vậy Triệu Đà trong truyền thuyết thực ra là chỉ quân Tần vì nhà Tần vốn mang họ Triệu. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, thủy tổ của Tần là Tạo Phụ đánh xe cho Chu Mục Vương và được phong đất ở Triệu thành, từ đó lấy tên đất làm họ.

Ở am thờ công chúa Mỵ Châu trên bảng gỗ có khắc một bài thơ cổ, có đoạn thơ được dịch như sau:

Thành hoang khuất khúc xanh rì cỏ

Việc cũ đau lòng biết hỏi ai?

Tần Việt nhân duyên thành cập oán

Non sông vận kiếp tới mày ngài“.

Điều lạ là bài thơ gọi mối tình của Mỵ Châu và Trọng Thủy là “Tần Việt nhân duyên”. Công chúa Mỵ Châu là Việt thì đã rõ. Còn lại, Trọng Thủy phải là hoàng tử của vua Tần, họ Triệu.

Câu chuyện tình ngang trái Mỵ Châu – Trọng Thủy là kể về sự kết thúc của nhà Thục bởi sự tấn công bất ngờ của quân Tần. An Dương Vương từng xây thành đắp lũy để chống Tần, nhưng cuối cùng cơ đồ đã mất. Tần chiếm được Cổ Loa thành, kinh đô phồn hoa bậc nhất khu vực phương Nam khi đó.

Báo cáo khảo cổ thành Cổ Loa cho biết, các bức thành chính được xây ở quãng thế kỷ thứ III trước Công nguyên chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu đắp bằng cách đổ đất. Giai đoạn sau là áp dụng “công nghệ” nện đất, tương tự với kỹ thuật đắp thành ở phương Bắc khi đó. Với lớp đắp ở thành Trung cao tới 2,5m, rộng 24 m, các nhà khảo cổ đã tính toán lượng nhân công huy động cho đắp thành lên tới hàng triệu người. Vậy nếu lớp thành đầu được xây bởi An Dương Vương thì lớp thành tiếp theo phải là do nhà Tần xây dựng. Chỉ có nhà Tần vào giữa thế kỷ thứ III trước Công nguyên mới đủ tiềm lực, nhân lực để xây nên tòa thành lớn nhất Đông Nam Á này.

Trong đền Thượng Cổ Loa có ban thờ quan Tứ trụ triều đình. Một trong 4 vị tứ trụ này là Hữu Thừa tướng Lý Ông Trọng. Đức thánh Chèm Lý Ông Trọng được biết rõ là một đại tướng của nhà Tần, lấy con gái của Tần Thủy Hoàng là Bạch Tĩnh Cung công chúa và được cử đi trấn thủ người Hồ ở đất Lâm Thao. Xem vậy thì người đã trấn thủ Loa thành dưới thời Tần, không ai khác chính là Lý Ông Trọng, phò mã của Tần Thủy Hoàng.

Bên trên của lớp thành thế kỷ III trước Công nguyên ở Cổ Loa có gặp một lớp ngói đặc trưng, được gọi là ngói Cổ Loa. Tuy nhiên, nhận định của nhiều nhà khảo cổ lại cho biết những tấm ngói này về hoa văn và cách chế tạo giống với ngói ở mộ Triệu Văn Đế bên nước Nam Việt. Cũng tại Cổ Loa đã phát hiện hàng trăm mũi tên đồng và cả một lò đúc đồng cổ, nhưng chúng lại có niên đại cỡ đầu thế kỷ II trước Công nguyên. Đây là niên đại thách thức đối với các nhà khảo cổ, vì như thế rõ ràng người đúc tên và người xây thành không phải là một, cách nhau cả thế kỷ. Nói cách khác, những mũi tên Cổ Loa không thuộc về nước Âu Lạc của An Dương Vương, mà thuộc về nhà Triệu nước Nam Việt

Những phát hiện khảo cổ gần đây, càng đào lên càng thấy phải xem xét lại lịch sử về triều đại Thục An Dương Vương. Khi kết hợp kết quả khảo cổ học với các di tích và truyền thuyết dân gian lưu truyền ở tại địa phương sẽ cho một bức tranh chính xác hơn, rõ ràng hơn về Thục quốc từ mẹ Âu Cơ lập nước Văn Lang tới An Dương Vương xây thành Cổ Loa chống Tần, Triệu Việt Vương đắp thành dựng nước Nam Việt.

Câu đối trên nghi môn ngoài của đền Thượng Cổ Loa như một câu hỏi ngàn năm về triều đại vua Thục An Dương Vương:

Lăng Chiêu tùng bách giờ đâu nhỉ?

Non sông nước Thục đó cung xưa.

Nghi môn ngoại đền Thượng Cổ Loa.
Nghi môn nội đền Thượng Cổ Loa.
Nhà bia ở đền Thượng Cổ Loa.
“Chính pháp điện thạch bi” ở đền Thượng Cổ Loa.
Ban thờ các quan Tứ trụ ở đền Thượng Cổ Loa.
Khuôn đúc tên ở đền Thượng Cổ Loa, thế kỷ III – II trước Công nguyên.

Đầu ống ngói Cổ Loa, niên đại thế kỷ II trước Công nguyên.

Tam Lang Long Vương, những người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển

Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng

Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi.

Câu đồng dao tưởng như nói chuyện vu vơ, nhưng lại là một câu chuyện lịch sử thật sự cách đây 4.000 năm từ khi cha Rồng Lạc Long Quân dẫn những người con xuống chia trị miền duyên hải.

Sách Nghệ An phong thổ ký chép: “Xưa ở Chỉ Châu có hai vợ chồng ông Mái, mụ Mái đã luống tuổi mà chưa có con. Một hôm người vợ nhặt được ba quả trứng về nhà, chồng đem bỏ vào cái chậu. Ít lâu sau ba quả trứng nở thành ba con rắn, ông bèn thả xuống ngã ba sông, bỗng mưa gió nổi lên ầm ầm lúc sau mới lặng. Nhưng hôm sau thì ba con rắn trở về quấn quýt bên ông bà, ông đi đâu rắn cũng theo đi. 

Một hôm, ông ra bờ cuốc ruộng, ba con rắn bò lượn xung quanh tỏ ý rất vui vẻ, nhưng không may ông vô tình cuốc nhằm một con làm đứt đuôi. Ba con rắn cùng bỏ đi ẩn dưới vực Đan Hai. Về sau ba con rắn thành Thần được dân Chỉ Châu lập Miếu thờ gọi là Tam Lang Long vương”.

Đền Tam Lang Long Vương ở Chỉ Châu nay thuộc xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Di tích này được biết với tên đền Sắc vì tới nay còn lưu giữ được 86 đạo sắc, phần lớn phong cho các vị thần là Ông Cả, Ông Hai, Ông Ba Long Vương. Các sắc phong này có niên đại từ năm Thịnh Đức thứ 5 (1657) thời Hậu Lê đến năm Thành Thái thứ 13 (1992) thời Nguyễn. Đền nằm trong cùng một khuôn viên với di chỉ khảo cổ quốc gia Thạch Lạc trên núi Sò điệp, nơi từng phát hiện được di cốt người tiền sử có niên đại 4.000 – 5.000 năm.

Niên đại trên 4.000 năm lịch sử ở vùng đất ven biển của cư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản (sò điệp) mang tên Thạch Lạc thờ các vị Long Vương thì chắc chắn liên quan đến sự kiện cha Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển. Truyện Họ Hồng Bàng kể: “Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước… Long Quân lấy Âu Cơ, trong năm sinh ra một bọc trứng, cho là điềm bất thường, vứt ra ngoài đồng; qua bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi…”

Đoạn truyền thuyết này rất giống với sự tích Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh như được chép ở Miếu Ao Thạch Trị hay đền Sắc Thạch Lạc. Tiếp theo, khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay, Long Quân nói: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc … Ta đem năm mươi trai về thủy phủ chia trị các xứ, nàng đưa năm mươi trai về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”.

Lạc Long Quân cùng 50 người con trai về Thủy phủ không phải ở một chỗ mà là “chia trị các xứ”, là các nơi đầu khe góc biển. Chính vì thế mà ở rất nhiều vùng sông nước và ven bờ biển còn lưu lại những sự tích về các vị Long Vương Thủy phủ của thời kỳ này. Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh là một trong số đó. 

Sự tích Tam Lang Long Vương có thể gặp đầu tiên là tại vùng Ngã ba Việt Trì nơi cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ chia tay lên rừng xuống biển. Thần tích ở làng La Phù (Thanh Thủy, Phú Thọ) kể về Thánh mẫu Động Đình Phan Cù Nương sinh ra 3 con trai được phong làm các vị thủy quan, đi trấn nhậm các nơi. Tương tự ở làng Đào Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) có bà Trang Hoa, vợ của ông Hùng Hải, sinh ra ba bọc trứng, nở ra 3 con rồng, rồi hóa thành 3 người con trai, đặt tên là Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên Công Long Vương. Ba người con được cử đi trị nhậm ở vùng sông Đà, sông Thao. Vùng Động Đình ở Phú Thọ là chỉ khu vực sông nước quanh Ngã Ba Hạc.

Dòng sông Hồng bắt đầu từ hợp lưu của ba sông Đà, Lô, Thao tại Ngã Ba Hạc đổ ra biển ở vùng Thái Bình. Nơi đây cũng có sự tích về 3 con Hoàng xà ở đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ). Nàng Quý đi tắm ở sông Đào, cảm động với giao long mà có thai, sinh được một bọc, nở ra 3 con Hoàng xà. 3 con rắn sau hóa thành 3 chàng trai giúp vua Hùng đánh giặc. Con Hoàng xà lớn nhất trở thành Vĩnh Công Đại Vương Bát Hải Động Đình, tức là vị đức Vua cha Thoải phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ. Đây cũng chính là hình ảnh của Vua cha Lạc Long Quân, vì Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả ghi rõ, Lạc Long Quân đã “hóa sinh về biển làm đế chủ Thủy Tiên Động Đình Long Quân”. Động Đình ở Thái Bình là vùng đất Đào Động của Vĩnh Công Đại Vương, tức là vùng đất ven biển cửa sông Hồng.

Khi so sánh sự tích Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh với các truyền tích ở vùng sông Hồng thì có thể thấy rõ đây cùng là một sự kiện lịch sử. Hà Tĩnh theo trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả ghi là nơi đã diễn ra cuộc kỳ ngộ giữa cha Tiên Lộc Tục và mẹ Rồng Thần Long tại cửa biển Hội Thống, trên đất Cựu đô Ngàn Hống của vùng núi Hồng sông Lam. Ông Cả Long Vương ở Hà Tĩnh không ai khác chính là người con trưởng của Kinh Dương Vương và Động Đình Long Nữ, tức là vua Lạc Long Quân.

Ở Hà Tĩnh hiện có khá nhiều nơi thờ Tam Lang Long Vương và thường được gọi là đền Cả, như đền ở xã Ích Hậu huyện Lộc Hà, hay xã Xuân Hội huyện Nghi Xuân. Ngay ở xã Thạch Trị huyện Thạch Hà cũng có ngôi miếu thờ Ông Cả Long Vương với tên gọi là Miếu Ao. Nơi đây nổi tiếng với sự linh ứng kỳ diệu qua những câu chuyện như vào các ngày lễ có bóng rồng hiện dưới ao. Ngày chính lễ Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh gọi là ngày “kỳ phúc lục ngoạt”, tức là lễ cầu phúc vào rằm tháng Sáu Âm lịch hàng năm. Người dân địa phương còn lấy nước từ ao để làm thuốc uống chữa bệnh sau đi đã thành tâm thắp hương cầu thần tại Miếu.

Những câu chuyện của 4000 năm trước, khi người Việt đi xuống khai phá vùng sông nước ven biển, xăm mình chài lưới như những con Giao long trên sóng nước, còn lưu lại đậm nét trong các di chỉ khảo cổ và di tích tín ngưỡng ở vùng đất miền Trung như ở Hà Tĩnh.

Bài thơ Nôm về Tam Lang Long Vương ở đền Sắc Thạch Lạc như còn khắc tạc câu chuyện này:

Giao long được nước vẫy vùng

Anh uy khôn xiết, linh thông khôn lường

Vua Thủy long lòng càng thân ái

Bèn phong cho hà hải khê nguyên…

Uy linh lừng lẫy trời Nam

Thiên thu sùng phụng năm năm lâu dài.

(Bài viết đã gửi đăng trên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học).

Sắc phong thời Hậu Lê năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) cho Ông Ba Long Vương ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Sắc phong thời Hậu Lê năm Chính Hòa thứ 5 (1684) cho Ông Cả Long Vương ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Sắc phong thời Hậu Lê năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) cho Ông Hai Long Vương ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Mảng chạm rồng ở đình Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ.
Đền Sắc Thạch Lạc ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Miếu Ao ở xã Thạch Trị, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Mộ tưởng niệm người tiền sử ở di chỉ quốc gia Thạch Lạc.

Chữ viết của người Việt thời Hùng Vương

Những bằng chứng khảo cổ của thời trước Công nguyên cho câu trả lời chắc chắn về việc chữ viết đã được dùng phổ biến ở nước ta từ thời Hùng Vương.

Người đi học đầu tiên là “học cái chữ’. Một xã hội văn minh và học tập đầu tiên phải có chữ viết, vì đó là phương tiện căn bản đề truyền đạt tri thức và thông tin từ người này tới người khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Vậy người Viêt cổ liệu đã có chữ viết chưa?

Hoàn tiền (tiền lỗ tròn) có chữ Đông Chu và Tây Chu, tìm thấy ở vùng Bắc Ninh.
Chữ trên vành chiếc thạp đồng ở Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, Thanh Hóa.
Đao tiền thời Chiến Quốc trong mộ thuyền Việt Khê.
Bình đồng Nghi Vệ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Một trong hai chiếc chuông Đông Sơn có chữ của Bảo tào Lào Cai.

Ngay từ đầu thế kỷ 20 vấn đề chữ viết của người Việt cổ đã được thảo luận sôi nổi trong giới trí thức. Có thể kể tới Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là một học giả uyên thâm của Viện Viễn Đông bác cổ, ông đã dựa trên các ghi chép về số đinh và suất thuế trong Ngọc phả Hùng Vương để đi đến nhận định rằng nước ta thời Hùng Vương đã tồn tại và sử dụng một loại chữ viết riêng.

Lưu truyền rằng chữ viết nước ta thời Hùng Vương là loại chữ khoa đẩu, hay chữ hình con nòng nọc.

Về chữ khoa đẩu ở nước ta, sách Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn chép rằng tại đền Đồng Cổ ở Thanh Hóa “có một cái trống đồng, nặng ước 100 cân, đường kính hơn một thước, năm tấc, cao hơn hai thước, trong rỗng không có đáy, bên tai hơi khuyết, trên mặt có chín vòng khuyên, lưng tắt mà rốn kín, bốn bên có giây khắc chữ Thập ngoặc, có chữ như lối chữ Khoa đẩu, nhưng lâu ngày không thấy rõ”.

“Lối chữ Khoa đẩu” chỉ một dạng chữ khắc hoặc đúc trên các đồ dùng kim loại (Kim văn) của thời trước Công nguyên. Loại chữ này được nhắc tới trong bài tựa cuốn Thượng Thư (Kinh Thư) bởi Khổng An Quốc, cháu 12 đời sau của Khổng Tử: “… thời Lỗ Cung Vương, thích sửa sang cung thất, Vương cho phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng thêm. Trong tường nhà tìm được Thư, phần Ngu, Hạ, Thương, Chu cùng Tả Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh, đều viết bằng chữ Khoa đẩu”.

Tứ thư Ngũ kinh là những sách học khoa cử của nhiều thế hệ sĩ tử nước ta, vốn nguyên bản được ghi bằng chữ Khoa đẩu hay chữ Việt cổ của thời Hùng Vương.

Thời đại Hùng Vương được minh chứng qua khảo cổ bởi nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn với những hiện vật điển hình đặc trưng là các loại trống đồng, thạp đồng, bình đồng, chuông voi… được tìm thấy ở nhiều nơi, mà tập trung ở vùng miền Bắc và Bắc Trung bộ. Nền văn hóa Đông Sơn được đặt tên theo nơi tìm thấy chiếc trống đồng đầu tiên ở bên bờ sông Mã của Thanh Hóa.

Ở đây không chỉ có ghi chép về chữ viết trên trống đồng ở đền Đồng Cổ mà còn có chiếc thạp đồng có khắc chữ, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long. Dòng chữ khắc trên vành của chiếc thạp này dùng chữ dạng Đại triện (chữ viết thời Tiên Tần) và có thể đọc được là: “…nhất danh viết Điều đệ vị…”, tạm dịch là “…một đồ vật tên là Điều xếp thứ…”

Một hiện vật nổi tiếng khác là chiếc trống đồng được tìm thấy trong khu vực thành Cổ Loa, được cho là gắn với vua An Dương Vương ở đây. Trên vành trong của trống Cổ Loa có dòng 12 chữ dạng Đại triện, mà có thể đọc được là “Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân”, nghĩa là: “Trống thứ 48, nặng hai trăm tám mươi mốt cân”.

Những chữ viết trên các đồ vật đồng của văn hóa Đông Sơn có các nét chữ khá thẳng và gập khúc. Những chữ này được TS. Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, gọi là loại chữ Nam Việt do tương đồng với chữ trên các đồ đồng ở vùng Quảng Tây và Quảng Đông. Nhưng thực ra đây là một dạng chữ Đại triện của thời Chiến Quốc, bởi vì trước thời nước Nam Việt nhà Triệu thì thừa tướng Lý Tư của nhà Tần đã quy chuẩn chữ viết dùng thống nhất là chữ Tiểu triện.

Loại chữ phát hiện trên đồ đồng Đông Sơn ở Việt Nam và vùng Lưỡng Quảng nên gọi chính xác hơn là chữ Lạc Việt, vì vùng này vốn là đất Lạc dưới thời Thục An Dương Vương.

Trên các hiện vật của giai đoạn hậu kỳ văn hóa Đông Sơn cũng có chữ viết được đúc hay khắc. Ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai hiện còn sưu tầm và lưu giữ được 2 chiếc chuông voi (loại chuông nửa bầu dục dẹt hoặc hình thang cân, có lỗ và 2 tai ở phía trên) có đúc chữ, dạng chữ Lệ. Chữ trên một trong 2 chiếc chuông đó còn có thể đọc được khá rõ là: “… cát phúc” (tốt lành).

Dạng chữ Lệ này xuất hiện muộn hơn chữ Triện, từ xấp xỉ đầu Công nguyên. Dạng chữ Lệ tương tự cũng được thấy trên chiếc bình đồng tìm thấy trong mộ gạch xây cổ ở Nghi Vệ (Thuận Thành, Bắc Ninh) mà dòng chữ đầu đọc là “Kim lũ hồ…” (nghĩa là: Bình đồng có chạm khắc…)

Chữ viết tượng hình còn là loại chữ được đúc trên các loại tiền bằng đồng của thời Chiến Quốc, ghi lại trọng lượng hay nơi sản xuất của đồng tiền. Theo GS. Hoàng Văn Khoán hàng loạt những hiện vật như Bố tiền, Đao tiền, Hoàn tiền có chữ của thời kỳ này đã được tìm thấy ở đất Việt.

Tiền cổ ở Việt Nam điển hình nhất là những Đao tiền cỡ lớn (dài hàng chục cm) được khai quật ở trong mộ thuyền Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Mộ thuyền có với niên đại khoảng thế kỷ 3-2 trước Công nguyên và năm 2013 đã được công nhận là bảo vật quốc gia Việt Nam.

Vào thời đại Hùng Vương khoảng trước Công nguyên, ở miền Bắc Việt đã sử dụng các dạng chữ tượng hình như chữ Kim văn, chữ Đại triện, chữ Hán lệ, một cách phổ biến trong đời sống xã hội như trên tiền tệ, để ghi tên và các thông tin trên các vật dụng khác nhau.

Với việc sử dụng chữ Nho từ rất sớm như vậy, chắc chắn người Việt đã tham gia đóng góp không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển loại chữ tượng hình của trời Đông. Chữ Nho đã là công cụ truyền đạt thông tin, học hành, khoa cử, làm nền tảng cho tương tác và phát triển xã hội trong suốt chiều dài mấy ngàn năm sử Việt.

https://congdankhuyenhoc.vn/chu-viet-cua-nguoi-viet-thoi-hung-vuong-179220622120203182.htm

Chim Âu và Rồng Lạc – xướng danh dòng giống Tiên Rồng

Người Việt ai cũng tự hào về truyền thuyết khởi nguồn Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm người con, là tổ của Bách Việt. Nhưng ít ai biết rằng biểu tượng Tiên Rồng lại hiện hữu ngay trên những hiện vật của thời Hùng Vương như trống và các vũ khí đồng cùng thời.

Hình ảnh những con chim lớn mỏ dài, đuôi rộng, giang cánh tung bay trên mặt các trống đồng không xa lạ gì với người Việt ngày nay. Loài chim này được Giáo sư Đào Duy Anh gọi là “chim Lạc” khi so sánh chúng với các loài “hậu điểu” ở vùng Giang Nam di cư cùng với những chiếc thuyền có các chiến binh đội lông chim như thể hiện trên tang trống đồng. 

Nhận xét của Giáo sư Đào Duy Anh khá xác đáng rằng hình chim trên trống đồng là loài chim di cư và được người Việt cổ coi là vật tổ. Tuy nhiên, việc gọi loài chim này là Lạc thì cần xét thêm, vì người Việt không biết loài chim nào tên là Lạc. 

Vật tổ của mình mà đến tên còn không lưu lại được thì sao gọi là vật tổ?

Trong khi đó, hình ảnh loài chim vật tổ của người Việt gắn liền với Tiên nữ Âu Cơ. Loài chim biểu tượng cho dòng Tiên là Phượng hoàng, khi gắn với tên bà Âu Cơ thì phải gọi là chim Âu mới hợp lý. Nguyên mẫu của loài chim di cư này có thể là loài chim Hạc lớn như Hồng hạc, tới nay vẫn còn bay về vùng Đồng Tháp Mười vào mùa đông mỗi năm. 

Nhận định khác cho rằng đó là loài chim Hồng hoàng hay Phượng hoàng đất. Dù là Hạc hay là Phượng thì ý nghĩa biểu tượng cho dòng Tiên lên núi theo Mẹ vẫn là nội hàm của hình ảnh này.

Một dẫn chứng khác về hình tượng chim Âu là ở đền Thượng khu di tích Cổ Loa. Đền Thượng thờ Thục An Dương Vương, nhưng nghi môn của đền không đắp rồng chầu mặt trời như những nơi khác, mà lại đắp hình Phượng chầu mặt trời. 

Đền Cổ Loa còn có tên là “Tiên từ đệ nhất”, có thể hiểu nghĩa là ngôi đền hàng đầu thờ dòng Tiên. An Dương Vương đã lấy đất Lạc của Hùng Vương để lập ra nước Âu Lạc nên An Dương Vương phải là dòng Âu hay dòng Tiên lên núi xuất phát từ mẹ Âu Cơ.

Còn tên gọi Lạc chính xác hơn phải là để chỉ vật tổ biểu tượng cho dòng theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Sách Giao Châu ngoại vực ký viết: “Xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, đất có ruộng lạc, ruộng ấy theo triều thuỷ lên xuống, dân khẩn thực ruộng ấy, nên gọi là Lạc dân. Lập ra Lạc vương, Lạc hầu, coi giữ các quận huyện. Nhiều huyện có Lạc tướng, Lạc tướng có ấn đồng và dây thao xanh”.

Rõ ràng từ Lạc gắn liền với ruộng lúa nước có “thủy triều lên xuống”, tức là vùng đồng bằng ven sông biển, bãi bồi bán ngập nước. Lạc thực ra là đọc khác của Nác, mà nay tiếng vùng Nghệ Tĩnh vẫn phát âm có nghĩa là Nước. Lạc Long Quân dẫn 50 người con trai xuống khai phá miền ven biển nên những người này được gọi là Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng. Biểu tượng của Lạc Long Quân là cha Rồng, nên gọi là Rồng Lạc, hay Lạc Long.

Rồng vốn có nguyên mẫu là Thuồng luồng, hay một loài Cá sấu lớn, sống bán cư ở vùng sông nước ven bờ. Loài vật này còn được gọi là Giao long trong truyền thuyết vì vào thời sơ sử trước Công nguyên, đồng bằng sông Hồng là một bãi bồi lớn, là nơi rất thuận lợi cho các loài bò sát lưỡng cư sinh sống. Truyện Chim bạch trĩ trong Lĩnh Nam chích quái kể rằng, sứ giả nước Việt Thường đối đáp với Chu Công rằng người Việt “vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao long không dám phạm đến”.

Người Việt lấy Giao long hay Rồng Lạc làm vật tổ bởi liên quan đến tục xăm mình cho những người sống ở vùng ven sông, làm nghề đánh cá, chài lưới, thường xuyên tiếp xúc với Thuồng luồng cá sấu. Chữ Lạc trong Lạc Long Quân có bộ Trãi, chỉ một loài bò sát, càng chứng tỏ thêm điều này.

Hình ảnh những con giao long vật tổ có thể thấy ở ngay trên các đồ đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn (quãng thế kỷ IV Trước Công Nguyên đến thế kỷ I). Trống đồng Nam Cường 1 là một trống dạng Đông Sơn, được phát hiện ở Thành phố Lào Cai. Trên mặt trống ở vòng ngoài có hình 14 con chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Ở vòng trong là hình 4 con “thú lạ” chầu quay quanh mặt trời 14 cánh ở tâm mặt trống. Những con “thú lạ” có mõm dài như mỏ chim, đầu có sừng hoặc mào, 4 chân nâng thân thú ngắn. Đặc biệt là chiếc đuôi dài và rộng. 

Đuôi loài thú này có thể cuộn lại như trường hợp thể hiện trên mặt trống đồng Phú Xuyên, cho thấy đây không phải là loài cáo, mà là một loài bò sát có khả năng cuộn mình.

Con “thú lạ” đó thực ra không hề lạ, mà là cách thể hiện con Giao long hay Rồng của người Việt ở thời kỳ trống đồng. Hình Giao long tương tự được thấy trên nhiều vũ khí khác cùng thời như mũi giáo, lưỡi rìu, vỏ kiếm. Thường gặp hình một đôi Giao long thân dài, đối xứng chạm chân vào nhau, đuôi có thể cuộn lại, hoặc duỗi thẳng ra. Hình giao long hay rồng trên các vũ khí là linh hồn biểu trưng cho sức mạnh, sự cường tráng của chúng.

Biểu tượng cặp Giao long trên vũ khí thời Đông Sơn đã từng được Viện khảo cổ học Việt Nam lấy làm logo. Loài thú trên trống đồng và vũ khí đồng Đông Sơn như thế chính là biểu tượng của Rồng. Toàn cảnh mặt trống đồng Nam Cường 1 nhìn lại là hình Rồng chầu Phượng múa dưới ánh mặt trời rực rỡ.

Người viết bài này còn được xem trên vỏ một thanh kiếm thời kỳ Chiến Quốc (tương đương với thời văn hóa Đông Sơn) đúc nổi và mạ bạc hình Rồng và Phượng. Đặc biệt là hình Rồng được thể hiện trong phong cách Đông Sơn với thân kéo dài, đuôi xoắn và xếp thành cặp đối xứng. Đôi phượng được thể hiện với phong cách tương tự, đầu phượng có mỏ nhọn có mào, thân kéo dài, cánh ngắn, đuôi dài. Sự kết hợp Rồng – Phượng như vậy gặp một cách ổn định trên các hiện vật của thời kỳ này.

Rồng – Phượng hay chim Âu – rồng Lạc thể hiện trên các đồ đồng Đông Sơn là sự xướng danh nguồn gốc dân tộc từ Cha Rồng xăm mình lội nước đắp đê, chiến đấu với thủy quái, đến Mẹ Tiên ngẩng đầu giang cánh chinh phục các triền núi cao. 

Huyền thoại Tiên Rồng còn lưu dấu ngàn năm trên các cổ vật thời sơ sử.

Nghi môn trong đền Thượng Cổ Loa với bức đại tự “Tiên từ đệ nhất”.
Phượng chầu mặt trời trên nóc nghi môn đền Thượng Cổ Loa.
Trống đồng Nam Cường 1 ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Rồng Lạc, chim Âu trên mặt trống đồng Nam Cường 1 ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Giao long trên mũi giáo thời Đông Sơn.
Lưỡi rìu Đông Sơn có hình giao long.

https://congdankhuyenhoc.vn/chim-au-va-rong-lac-xuong-danh-dong-giong-tien-rong-1792207071643037.htm

TÌM LẠI CHỮ KHOA ĐẨU TRÊN CÁC CỔ VẬT THỜI NƯỚC VĂN LANG

Khoa đẩu nguyên nghĩa là con nòng nọc. Giống nòng nọc có đầu to, đuôi nhỏ, bơi lội hàng đàn trong nước. Người Việt tới nay vẫn coi chữ Khoa đẩu là loại chữ cổ từ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Đã có không ít công trình đi tìm loại chữ nòng nọc này để chứng minh người Việt cổ là một xã hội văn minh, có chữ viết. Vậy chữ Khoa đẩu thực sự là loại chữ gì?

Chữ trên chiếc bình Lai thời Tây Chu.

1. Khổng An Quốc, cháu 12 đời sau của Khổng Tử đã ghi trong bài tựa cuốn Thượng Thư (Kinh Thư) như sau: “… thời Lỗ Cung Vương, thích sửa sang cung thất, Vương cho phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng thêm. Trong tường nhà tìm được Thư, phần Ngu, Hạ, Thương, Chu cùng Tả Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh, đều viết bằng chữ Khoa Đẩu”.

Khổng Tử sống vào cuối thời Xuân Thu, lại ghi chép các kinh sách bằng loại chữ Khoa đẩu thì Khoa đẩu chỉ có thể là chữ viết của thời Tây Chu trước đó. Lịch sử chữ viết tượng hình Trung Hoa được biết rõ ràng nhất ban đầu là loại chữ Giáp cốt dưới thời nhà Thương Ân. Chữ Giáp cốt chủ yếu được khắc trên các mảnh xương thú và mai rùa. Sang thời Chu, chữ tượng hình được phát triển thêm một bước và hay được đúc trên các đồ thanh đồng cổ. Loại chữ này ngày nay gọi là chữ Kim văn. Tuy nhiên trước đây, khi mà môn “kim thạch học” (khảo cổ học) còn chưa ra đời, thì chắc chắn loại chữ này phải có tên gọi khác.

Chữ Giáp cốt thời Thương là loại chữ tượng hình sơ khởi nên các chữ phần nhiều diễn tả trực tiếp hình ảnh của đồ vật và hiện tượng. Ví dụ, chữ Tượng vẽ hình con voi, chữ Điểu vẽ hình con chim, chữ Ngư vẽ hình cá… Số lượng chữ bắt gặp trên mỗi đồ vật thời Ân Thương không nhiều, thường chỉ khoảng 6-10 chữ. Có nhiều cổ vật thời Thương chỉ có 2-3 chữ dạng như phù hiệu mà thôi.

Vào cuối thời Thương sang đầu nhà Chu chữ viết được dùng trở nên phổ biến hơn và tính hình tượng hóa dần tăng lên. Chữ viết lúc này tiếp tục sử dụng nhiều các đường cong giao cắt nhau hoặc khép kín tạo thành các hình lớn và nhiều đường vạch uốn lượn, hiếm thấy hơn là các vạch thẳng. Chính điều này làm cho kiểu chữ nhìn giống như con nòng nọc có đầu to và đuôi dài ngoằn ngoèo.

Một số chữ Khoa đẩu trên Sử Tường bàn.

Ví dụ chữ “Kiến” trong chữ thời Tây Chu được vẽ nhấn mạnh con mắt của con người đang đứng trên 2 chân. Hình con mắt được vẽ to lên, trong khi 2 vạch thể hiện đôi chân lại dài và uốn lượn. Nhìn cả chữ không khác gì con nòng nọc có đuôi dài.

Rất nhiều những chữ khác của thời Tây Chu được thể hiện theo hình thức này. Những vòng cong to và những nét kéo dài tạo thành chữ. Loại chữ Tây Chu tuy là tượng hình nhưng đã không còn nhiều nét “tả thực” như chữ Giáp cốt, mà hình vẽ mang tính hình tượng hơn. Những đối tượng muốn được nói tới thì được vẽ lớn, phóng đại lên so với các bộ phận khác. Bố cục của chữ tương đối thoáng và không hoàn toàn cố định. Vị trí tương đối của các bộ phận cấu thành chữ có thể thay đổi, miễn là vẫn diễn đạt được ý gốc của hình. Kết cấu chữ không cần cân đối mà thường nét cong tạo ra những hình lớn, khoa trương, trong khi những đường vạch thường ngắn hoặc ngoằn nghèo. Những đặc điểm này của chữ Kim văn đã tạo ra ấn tượng khi viết ra trông như một đàn nòng nọc bơi đan xen nhau, không có phương hướng cố định.

Bài minh văn trên Sử Tường bàn (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Một loạt những chữ nòng nọc này có thể xem trên các đồ trọng khí thanh đồng cổ thời kỳ Tây Chu, như Sử Tường bàn, Lai lôi, Mao Công đỉnh và Chu Vương đỉnh. Đây là những hiện vật tiêu biểu của thời kỳ này với kích thước đồ vật lớn và được đúc trên đó rất nhiều chữ.

Sử Tường bàn là một chiếc mâm đồng có vành chân, đường kính 47,3 cm. Trong lòng mâm có đúc một bài văn 284 chữ, do một vị quan tên là Tường chép lại chuyện con cháu của ông Vi Tử Khải nhà Ân được Chu Vũ Vương ban phong đất và nối tiếp nhau phò giúp các vua Chu cho tới thời Chu Cung Vương.

Lai lôi và Lai bàn là hai hiện vật cùng thời. Một là chiếc bình đồng có đúc chữ trên thân, hai là chiếc mâm có 3 chân, trong lòng có chữ. Nội dung bài văn 372 chữ trên hai đồ vật này giống nhau, do một người tên là Lai ghi lại các đời tổ tiên đều làm quan cho các triều đại vua Chu từ Chu Văn Vương đến Chu Tuyên Vương.

Bình Lai lôi thời Tây Chu (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Mao Công đỉnh là chiếc đỉnh đồng ba chân, trong lòng có bài minh văn 497 chữ, ghi lại lời giáo huấn và ban thưởng của vua Chu cho vị Mao Công. Thiên tử Chu lúc này là Chu Tuyên Vương.

Chiếc Chu Vương đỉnh là một trọng khí cao tới 53 cm, đường kính 43 cm, có bài minh văn đúc nổi ở xung quanh thân đỉnh với tổng cộng 208 chữ. Trên 2 quai đỉnh có khắc dòng chữ “Chu vương tác chi. Tử tôn vĩnh dụng”, nghĩa là: “Vua Chu tạo vật này cho con cháu dùng lâu dài”. Bài minh văn trên thân đỉnh ghi việc đúc đỉnh để dùng vào việc tế lễ lớn cho tông thất nhà Chu.

Chu Vương đỉnh (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Trên các đồ vật thời Tây Chu này có thể thấy chữ viết tương đối đồng nhất với nhau, với đường nét, bố cục như đã nói rất giống hình những con nòng nọc đang bơi lội. Quan sát từng chữ trên những hiện vật cổ có minh văn thời Tây Chu mới hiểu tại sao loại chữ này lại gọi là chữ Khoa đẩu.

Nội dung các bài minh văn trên đồ đồng Tây Chu đều nói về việc nhà Chu đã phân phong cho các chư hầu, an định thiên hạ và tôn sùng việc tế lễ tổ tiên. Đây cũng là ý nghĩa của câu chuyện được kể trong Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả. Vua Hùng Hiền Vương và mẹ Âu Cơ đã dùng chiếc âu vàng tế lễ trên núi Nghĩa Lĩnh, trên chiếc âu vàng đó có ghi tên gọi và thứ bậc trăm người con trai. Âu Cơ lập người con trưởng làm vua nước Văn Lang và các anh em khác làm phiên dậu bình phong trong Bách Việt. Nước Văn Lang của các vua Hùng đúng là một nước có văn minh, sử dụng loại chữ Khoa đẩu hình con nòng nọc để đúc và khắc trên các đồ kim khí dùng lưu truyền làm bảo vật cho con cháu thờ cúng tổ tiên và ghi ơn đức của vua.

Bài minh văn trong lòng chiếc Mao Công đỉnh (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt) 

2. Theo sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận thì vào thời Tuyên vương nhà Chu, Thái sử Trứu đã sửa đổi chữ thành Đại triện. Như thế vào cuối thời Tây Chu, chữ Đại triện thay thế cho loại chữ Khoa đẩu trước đó. Chữ Đại triện về căn bản vẫn là chữ Kim văn, nhưng chữ có sự gia công và quy chuẩn hơn, có nhiều nét thẳng, nét cong đều hơn, tròn hơn, bố cục chặt chẽ hơn, kết cấu gọn gàng hơn. Sang thời Đông Chu các nước chư hầu anh em Bách Việt đã bắt đầu phân liệt nên cách viết chữ mỗi nước lại phát triển theo một hướng khác nhau cho dù đều trên cùng một nền tảng chữ Kim văn – Khoa đẩu ban đầu.

Chu tiết và Xa tiết nước Sở thời Chiến Quốc (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Thời kỳ này có dạng chữ kéo dài về chiều cao, hẹp về chiều dọc như chữ trên Trung Sơn Vương đỉnh, là đỉnh của vua một nước thời Chiến Quốc ở vùng miền Bắc Hoàng Hà. Có nơi lại thiên nhiều về nét tròn như những chữ trên trống đồng, chuông đồng, bình đồng… khả năng của vùng đất Thục ở phía Tây. Chữ nước Sở của vùng Hồ Bắc – Hồ Nam vào thời Chiến Quốc vẫn giữ phong cách của Kim văn ban đầu với nét cong nhiều, nhưng bố cục chặt chẽ quy củ hơn, bớt tính “khoa” trương, tỷ lệ giữa hình và nét cân đối hơn. Loại chữ nước Sở này có thể thấy trên các Kim tiết – một dạng “giấy thông hành” viết trên đồng của nhà nước cấp cho việc vận chuyển hàng hóa theo đường sông (Chu tiết) và đường bộ (Xa tiết).

Chữ cách điệu kéo dài dạng như trên Trung Sơn Vương đỉnh thời Chiến Quốc (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Chữ của nước Tần cũng là một dạng chữ Triện với đặc điểm là chữ cao, bố cục đối xứng. Tần triện sau đó được thừa tướng Lý Tư của Tần Thủy Hoàng quy chuẩn hóa thành ra chữ Tiểu triện, làm chữ viết chính thức chung cho toàn đế quốc Tần sau khi thiên hạ Trung Hoa thống nhất.

Ở nước ta, sách Đại Nam nhất thống chí chép ở đền Đồng Cổ tại Thanh Hóa “có một cái trống đồng, nặng ước 100 cân, đường kính hơn một thước, năm tấc, cao hơn hai thước, trong rỗng không có đáy, bên tai hơi khuyết, trên mặt có chín vòng khuyên, lưng tắt mà rốn kín, bốn bên có giây khắc chữ Thập ngoặc, có chữ như lối chữ Khoa đẩu, nhưng lâu ngày không thấy rõ.” “Lối chữ Khoa đẩu” ở đây chỉ dạng chữ Đại triện thời Chiến Quốc, là loại chữ trên nền tảng của chữ Kim văn (Khoa đẩu) nhưng có cải tiến hơn về kết cấu và nét chữ.

Những chữ viết phát hiện các đồ đồng của văn hóa Đông Sơn có các nét chữ khá thẳng và gập khúc. Những chữ này được gọi là loại chữ Nam Việt, nhưng thực ra đây là một dạng chữ Đại triện của thời Chiến Quốc, bởi vì tới thời nước Nam Việt nhà Triệu thì chữ viết đã được dùng thống nhất là chữ Tần triện. Loại chữ trên đồ đồng Đông Sơn ở Việt Nam và vùng Lưỡng Quảng nên gọi chính xác hơn là chữ Lạc Việt, vì vùng này vốn là đất Lạc dưới thời An Dương Vương, tương đương với thời Chiến Quốc.

Chữ trên vành một chiếc thạp đồng ở Thanh Hóa.

Do nét cong ít hơn, kết cấu chữ gọn gàng, không có tính khoa trương (dùng hình để nhấn mạnh yếu tố chính) nữa, nên Triện văn đã không còn mang tính chất Khoa đẩu hình con nòng nọc như chữ Kim văn. Từ đó chữ Khoa đẩu đã lùi vào dĩ vãng, rất hiếm khi được sử dụng sau này. Khoa đẩu vốn là chữ của nhà Chu đã được thay thế bằng chữ Triện của nhà Tần. Nước Văn Lang chấm dứt vai trò là vua chủ của thiên hạ nên chữ viết cũng vì thế mà thay bằng chủ mới, là An Dương Vương đến từ Ba Thục. Chữ Khoa đẩu được thay bằng chữ Lạc Việt, rồi thống nhất bằng chữ Tiểu triện cùng với cả thiên hạ Trung Hoa.

Chuông có chữ Triện thời Chiến Quốc (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt).

Đối chiếu khảo cổ và lịch sử thời đại Hùng Vương

Thời đại Hùng Vương ở Việt Nam được cho rằng bắt đầu từ văn hóa Phùng Nguyên trước 4.000 năm lịch sử. Khi đối chiếu phân kỳ văn hóa khảo cổ ở miền Bắc Việt với các giai đoạn lịch sử Trung Hoa và truyền thuyết Việt sẽ thấy có sự trùng khớp chính xác. Thời kỳ văn hóa Đông Sơn được khảo cổ học chia làm 3 giai đoạn, kéo dài tới tận thời Hai Bà Trưng. Như vậy văn hóa Việt tới năm 43 sau Công nguyên chưa hề bị đứt gãy, gián đoạn bởi “phương Bắc”.

Gốc gác ngày Tết Trùng cửu trong văn hóa Việt

Ngày tết Trùng cửu là ngày Thái Dương, khi trời đất kết thúc một vòng tuần hoàn âm dương tiêu trưởng, để lên một nấc thang mới, đăng cao đắc đạo thành tiên, mang lại mùa màng và phúc ấm cho nhân gian.

Trong các ngày Tết, ngày lễ cổ truyền dân gian có một ngày rất quan trọng là Tết Trùng cửu, diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm. Con số 9 được coi là số dương, do sự lặp lại hai lần số 9 nên gọi Trùng cửu hay Trùng dương. Tết Trùng cửu cũng được coi là Tết người cao tuổi hay Tết người già. Vì sao lại như vậy? Tết Trùng cửu có nguồn gốc sâu xa và ý nghĩa như thế nào trong văn hóa Việt?

Nguồn gốc Tết Trùng cửu được sách cổ kể rằng, đời Hậu Hán có Hoàng Cảnh theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo Cảnh: “Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du, uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn”. Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết. Vì tích trên, nên về sau hằng năm, đến ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, người ta lên núi, uống rượu hoa cúc để cầu may…

Về ngày Trùng dương, thiền sư Huyền Quang, vị tổ Trúc Lâm thứ ba thời Trần, có câu thơ:

Trong núi năm tàn không có lịch. 

Thấy hoa cúc nở biết Trùng dương.  

Tết Trùng dương ở Việt Nam là lúc hoa Dã quỳ (cúc dại) nở vàng rộ ven các triền núi. Thu ngắm hoa Dã quỳ nở, thưởng rượu hoa Cúc trong không khí thoáng đãng trên núi cao quả là những thú tao nhã của các tiên nhân, mặc khách xưa.

Ý nghĩa của ngày Trùng dương trước hết là từ khái niệm về sự tuần hoàn của vũ trụ theo mô hình Thái cực. Trùng dương ứng với tượng Thái Dương, là lúc hoàn thành một chu kỳ Tứ tượng từ Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm đến Thái Dương. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu sấm truyền “Cửu cửu càn khôn dĩ định”, cũng là chỉ ngày mồng 9 tháng 9, lúc mà “càn khôn” âm dương đã đi hết một vòng tiêu trưởng. Số 9 trong số đếm Giáp, Ất, Bính… là con số áp cuối trong thập can, trước khi chuyển sang một nấc bậc mới.

Mô hình Tứ tượng được hình tượng hóa thành bốn con vật thiêng là Long, Ly, Quy, Phụng, hay là Tứ linh thú trong phong thủy là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. Đồ hình Tứ linh gặp phổ biến trên các gương đồng cổ bắt đầu thời Tây Hán. Những chiếc gương này cũng thường được tìm thấy trong các mộ cổ xây gạch, gọi là mộ dạng Hán, gặp ở nhiều nơi ở nước ta như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh…

Gương Tứ linh thời Hán thường có đúc chữ 12 địa chi Tý, Sửu, Dần, Mão… ở trong hình vuông tại trung tâm. Vòng ở giữa thể hiện 4 linh thú và các thụy thú khác. Ở vòng ngoài có dòng chữ là một bài thơ có vần. Thường gặp trong bài thơ có đoạn mô tả bố cục quy củ của chiếc gương là: 

Rồng trái Hổ phải xua tan điều xấu. 

Chu Điểu, Huyền Vũ điều hòa âm dương.

Thái Dương là vị trí Âm tiêu đến cùng cực, là số không và bắt đầu đi lên. Chính sự quay đầu của khí âm, bắt đầu cho chu trình Âm Dương tiêu trưởng, mới khiến cổ nhân chọn con Quy (Rùa) làm đại biểu cho tượng Thái Dương. Quy có nghĩa là quay về, cũng là từ phát âm gần với Quay trong tiếng Việt, nghĩa là điểm quay đầu, thay đổi trong sự phát triển.

Gương có Tứ linh điều hòa âm dương, xua dữ cầu lành còn có những dòng cầu chúc với nội dung cầu phúc cho con cháu, cầu thọ cho song thân, cầu mưa thuận gió hòa, ngũ cốc được mùa, cầu quan vị tôn hiển, nghi đạt. Còn có sự tích rằng Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Hoa đã tổ chức hoạt động cúng tế chúc mừng mùa màng bội thu vào tháng 9 âm lịch hằng năm trên khắp cả nước. Ngày Trùng dương cũng là ngày mùa màng cho thu hoạch, kết thúc một vòng tuần hoàn sinh trưởng của cây cỏ thiên nhiên trong năm.

Một sự tích khác về ngày Trùng cửu được chép trong sách “Phong thổ ký” rằng cuối đời nhà Hạ vua Kiệt dâm bạo tàn ác, Thượng đế giáng một trận thủy tai làm nhà cửa khắp nơi bị chìm xuống biển nước, nhân dân chết đuối, thây nổi đầy sông. Nạn thủy tai đó nhằm ngày mồng 9 tháng 9. Vì vậy mỗi năm đến ngày này, nhân dân lo sợ, già trẻ gái trai đều đua nhau quảy thực phẩm lên núi cao để lánh nạn…

Hạ Kiệt là vị vua cuối cùng của nhà Hạ, đã bị vua Thành Thang nhà Thương tiêu diệt. Triều Hạ khởi đầu từ Hạ Khải – Lạc Long Quân nên có biểu tượng là nước (Lạc). Sự tàn bạo của Hạ Kiệt được truyền thuyết hóa thành cơn thủy tai cuối thời Hạ. Người dân lên núi lánh nạn, tức là đi theo Thành Thang, vốn là bộ tộc ở phía Bắc xưa, có biểu tượng là Núi. Ngày mồng 9 tháng 9 là ngày chấm dứt triều đại nhà Hạ, khởi đầu nhà Thương, chấm dứt cơn thủy tai đại nạn do Hạ Kiệt gây ra, mở ra một triều đại mới trong lịch sử.

Gương Tứ linh thời Hán tìm thấy ở Bắc Việt

Trên những chiếc gương đồng trong mộ Hán thường gặp bài minh tả cảnh như sau:

Trên có tiên nhân không biết tuổi

Khát uống suối ngọc, đói ăn táo

Quanh trên núi thiêng hái dược thảo

Ngao du thiên hạ khắp bốn biển

Thọ như đá vàng, nên thiên đạo.

Thật bất ngờ khi nhận ra rằng những bài thơ trên đồng kính thời Hán lại như đang mô tả cảnh ngày Tết trùng dương, lên núi gặp lão tiên trường thọ, ăn uống thanh khiết, thưởng hoa hái thuốc. Ngày Trùng dương như vậy theo quan niệm của đạo Thần Tiên thời Hán là ngày có thể “đắc thiên đạo”, trở thành trường sinh bất tri lão. Tục ăn bánh “cao” ngày Trùng cửu giống như chuyện tiên nhân ăn táo. Tục uống rượu hoa cúc cũng như uống nước suối ngọc.

Một tục khác vào ngày Tết Trùng Cửu là tục cài lá Thù du hay còn gọi là Châu du. Cài lá Thù du là một phong tục có từ thời Đường, mọi người nhất là trẻ em và phụ nữ thường giắt lá vào người hay cho vào trong những túi vải để trừ tà. Trái cây Thù du là một vị thuốc vô cùng tốt có thể khử hàn độc, ôn nhiệt. Có thể thấy việc cài lá Thù du tương tự việc tiên nhân bồi hồi ngao du đi tìm “chi thảo” như được mô tả trên gương đồng cổ.

Trong kinh điển Đạo Giáo có chuyện Tần Thủy Hoàng nhiều lần đi ra bờ biển Đông gặp đạo sĩ Yên Kỳ Sinh bên đình Phụ Hương hỏi cách trường sinh bất lão. Di tích nay còn là núi Yên Tử ở Quảng Ninh nước ta, tương truyền là nơi Thiên Tuế Ông Yên Kỳ Sinh đi hái cây thuốc Thạch xương bồ, mọc trên các khe đá ở vùng núi cao. Gần đây, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện tại di chỉ Thiên Long Uyển ở xã Yên Đức, thị xã Đông Triều một bãi cột gỗ, có niên đại được xác định vào thế kỷ thứ III, IV trước Công nguyên. Đây là bằng chứng trực tiếp cho một kiến trúc đình đài dựng bằng gỗ tại khu vực Quảng Ninh bên bờ biển Đông vào thời Tần.

Gạch mộ kiểu Hán ở chân núi Yên Tử

Sách “Phong Thổ Ký” chép: “Đời Hán vua Văn Đế cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy”. Vương hậu của Văn Đế là Đậu hoàng hậu, một người theo chủ trương Vô vi của đạo Giáo. Đậu hoàng hậu sau trở thành Thái hậu rồi Thái hoàng thái hậu, nắm quyền nhiếp chính trong các đời Cảnh Đế và Vũ Đế tiếp theo. Đây là lý giải cho sự tích vua Văn Đế xây đài lên cao vào ngày Trùng dương, gắn với tư tưởng thăng tiên của Đạo Giáo. Phí Trường Phòng cũng là một tiên nhân thời Hán. Có thể thấy sự tích ngày Trùng dương lên cao gặp tiên đều bắt nguồn từ thời Tây Hán, tương đương với niên đại của những chiếc gương Tứ linh ở trên.

Cần nói thêm rằng nhà Tây Hán có các vị vua đều mang hiệu là Hiếu, như Hiếu Văn Đế, Hiếu Cảnh Đế, Hiếu Vũ Đế… như được ghi trong “Sử ký Tư Mã Thiên”. Nên chính xác phải gọi đây là nhà Hiếu, một triều đại của người Bách Việt. Nhà Hiếu do Cao Tổ là Lưu Bang, một người Việt chính cống sáng lập, cùng với các công thần lập quốc như Hàn Tín, Mai Thừa, Anh Bố, Văn Ông, Tiêu Hà, Tào Tham đều đã được ghi nhận trong “Bách Việt tiên hiền chí” của sử gia Âu Đại Nhậm thời Minh.

Tượng Hồ Công và Phí Trường Phòng ở núi Xuân Đài, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa

Truyền thuyết về nguồn gốc ngày Trùng cửu với vị tiên Phí Trường Phòng còn tương đồng với một sự tích cùng nhân vật ở Thanh Hóa nước ta. Ở động Hồ Công thuộc huyện Vĩnh Lộc, tương truyền xưa kia có một ông già vai đeo quả bầu nhỏ thường ra chợ bán thuốc chữa bệnh, tối đến ông lại về động, thu mình chui vào quả bầu để ngủ. Có người là Phí Trường Phòng thấy lạ mà hỏi. Hồ Công liền hóa phép cho anh ta chui vào trong quả bầu thì thấy trong đó có đủ trời, đất, trăng sao, nhà cửa… Sau này Phí Trường Phòng cũng đắc đạo thành tiên. Hai thầy trò ở trong động đá trên dãy núi Xuân Đài rồi đi vào bất tử để lại hình hài hóa thành hai pho tượng đá trong động Hồ Công ngày nay.

Quan niệm thành tiên thời kỳ đầu Công nguyên được Cát Hồng, một đạo sĩ đời Tấn đề cập. Cát Hồng có hiệu là Bão Phác Tử, từng làm quan lệnh ở huyện Câu Lậu, thuộc miền Bắc nước ta. Về sau ông tìm cầu thuật trường sinh bất tử, hết sức đề xướng thần tiên Đạo giáo. Trong cuốn “Bão phác tử luận tiên” Cát Hồng đã dẫn sách “Tiên kinh” cho biết tiên nhân được chia thành ba thứ bậc: “Người bậc trên bay thân hình lên trời là Thiên tiên. Người bậc giữa lên núi cao du ngoạn là Địa tiên. Người bậc dưới sau khi chết thoát xác gọi là Giải tiên”. Như thế, việc đăng cao lên núi là một trong những cách để thành tiên trong quan niệm thời này. Còn việc thoát xác thành tiên được thể hiện qua các đồ tùy táng như các gương đồng hay vải liệm lụa có vẽ tranh trong các ngôi mộ Hán.

Những chiếc gương đồng trong mộ cổ thời Hán không chỉ là đồ dùng bồi táng theo người đã mất mà nó có ý nghĩa là giúp cho người chết trong quá trình thoát khỏi thân xác phàm tục mà thăng tiên. Trong các nghi lễ cúng xưa của người Việt các thầy phù thủy cũng từng dùng gương đồng như một pháp cụ hành lễ. Vì vậy, các họa tiết biểu tượng và minh văn trên gương đồng cổ thể hiện tư tưởng tín ngưỡng và tâm linh của con người đương thời.

Trong sự tích Việt cũng có truyền thuyết lên núi gặp tiên được phúc như thần tích về Tản Viên Sơn Thánh. Hai anh em ông Nguyễn Cao Hành một hôm đi săn lên núi Thu Tinh, gặp một Lão ông mang theo một bầu rượu và một cái la bàn. Hai anh em xin Lão ông chọn cho một huyệt mộ để táng hài cốt của thân phụ, nhờ đó sinh được các bậc tiên thánh là ba vị Nguyễn Tuấn, Cao Sơn và Quý Minh. Nguyễn Tuấn trở thành Tản Viên Sơn Thánh, vị thần bất tử đứng đầu linh thần Việt. Cao Sơn và Quý Minh là hai vị Tả hữu kiên thần, có công chống giặc Thục, yên định giang sơn. Khi hai vị Cao Sơn và Quý Minh hóa, cũng lại quay về núi Thu Tinh mà thăng thiên.

Cảnh đi săn trên gương đồng hình hoa Cúc thời Đường

Truyền thuyết táng mộ ở núi Thu Tinh cũng giống như quan niệm ngày Trùng cửu lên núi gặp tiên, uống rượu hoa cúc. Lão ông ở núi Thu Tinh cầm bầu rượu và cái la bàn, không khác gì là cầm một chiếc gương phong thủy. Mục đích là tìm cầu sinh con quý tử và thọ lão, thành tiên lúc quay về trời.

Cuối cùng xin lấy bài thơ của lão tiên nhân đã ngâm đọc trên núi Thu Tinh để kết thúc bài viết về ngày tết Trùng cửu của người Việt:  

Từ đế vương cùng muôn triệu dân

Quay về sẽ phải tụ tinh thần

Sự truyền khó luận chân hay ảo

Nhớ tên núi đó, lẽ như chân.

Chu Vương tạo đỉnh, dùng tế lễ lớn

Cửu đỉnh ở Huế

Cửu đỉnh ở Thế miếu Huế

Dưới thời vua Minh Mạng, nước Đại Nam của nhà Nguyễn đã mở rộng lãnh thổ hơn bao giờ hết. Khu vực Tây Bắc và một phần của Lào trước đó thuộc nước Bồn Man đã được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt vào thời Lê, với tên gọi là Trấn Ninh. Nhờ công lao mở nước ở phương Nam của chúa Nguyễn Hoàng mà miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã thuộc về nước Đại Nam. Một phần lớn đất ở Campuchia cũng thuần phục nhà Nguyễn, trở thành Trấn Tây Thành. Là một đế quốc bao trùm Đông Nam Á khi đó, Minh Mạng đã rất ý thức được vấn đề nguồn gốc người Việt. Vua nêu cao việc noi gương tổ tiên và các vị vua triều đại trước, mà việc đúc Cửu đỉnh để đặt làm tế lễ phụng sự ở Thế miếu là một điển hình, công khai với toàn thiên hạ về nguồn gốc và phạm vi lãnh thổ của triều đại.

Trong buổi lễ khánh thành cửu đỉnh, nhà vua cùng quần thần đến miếu tế cáo. Lễ xong, nhà vua dụ bảo các quan rằng: Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ [truyền lại] còn ít, những người biên chép ghi lại có chỗ không đúng, chép ra toàn là [hình dạng] của vạc nấu ăn, còn như đỉnh cao lớn và nặng, thì không những gần đây không có mà đến đời Tam đại cũng ít nghe thấy. Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành chín đỉnh to, sừng sững đứng cao, nguy nga kiên cố, không chút sứt mẻ, đáng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi không bao giờ hết. Vậy thông dụ cho 31 trực tỉnh và Trấn Tây Thành đều được biết.

9 chiếc đỉnh to lớn sừng sững nay vẫn còn tại Thế miếu trong kinh thành Huế là một lời minh chứng cho thời kỳ huy hoàng của đế quốc Đại Namvà tư tưởng noi gương các đời Tam Đại của vua Minh Mạng.

Cao đỉnh trước Thế miếu ở Huế

Phỏng Chu Vương Bá đỉnh

Cũng thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, năm thứ 20, vua đã cho phỏng theo các đồ vật thời Tam Đại mà đúc nên 33 loại đồ vật, gọi là Cổ khí. Bài minh văn ngự chế đúc trên 1 chiếc đỉnh nói rõ chuyện này. Đỉnh này có tên ghi là đỉnh phỏng theo đỉnh của Chu Vương Bá, với chữ ngự đề:

惟明命二十年己亥予受天眷祐河順歲豐盜賊屏息年近知天爰法古鑄器凡三十三類此鼎其一也用傳來許我之子孫若能親賢遠侫愛民敬天卜年世遠勝周家可天下畏服大南日昌可永保用之可

Duy Minh Mạng nhị thập niên Kỷ Hợi, dư thụ thiên quyến hữu, hà thuận tuế phong, đạo tặc bính tức, niên cận tri thiên, viên pháp cổ chú khí, phàm tam thập tam loại, thử đỉnh kì nhất dã, dụng truyền lai hứa, ngã chi tử tôn, nhược năng thân hiền viễn nịnh, ái dân kính thiên, bốc niên thế viễn, thắng Chu gia khả, thiên hạ úy phục, Đại Nam nhật xương khả, vĩnh bảo dụng chi khả.

Dịch nghĩa: Năm Kỷ Hợi niên hiệu Minh Mạng thứ 20, ta được trời mến giúp, sông thuận, được mùa, trộm cắp trừ yên. Ta đã sắp đến tuổi biết mệnh trời (tuổi 50), bèn theo phép cổ mà đúc khí vật, tất cả 33 loại. Đỉnh này là một trong số 33 loại ấy, để truyền lại cho đời sau, sao cho biết gần gũi người hiền, tránh xa nịnh bợ, biết thương dân kính trời, thì đoán chừng là triều đại này bao năm có thể còn dài hơn cả nhà Chu, thiên hạ có thể sợ phục nước Đại Nam ngày càng thịnh vượng, mãi mãi có thể dùng bảo vật này.

Tên gọi Chu Vương Bá ở trên đỉnh khả năng là một vị vương thất thời Chu Vũ Vương. Vua Minh Mạng đặt bài minh khái quát các cổ khí ở chiếc đỉnh Chu Vương Bá vì có thể vua coi Gia Long là người lập nên nhà Nguyễn giống như Chu Văn Vương mở đầu nhà Chu. Còn bản thân Minh Mạng nối tiếp sự nghiệp, giống như Chu Vũ Vương nối tiếp Văn Vương. Trong Cửu đỉnh tại Huế có Cao đỉnh là dùng thờ Gia Long, và Nhân đỉnh dùng đặt đối diện ban thờ Minh Mạng.

Vị Vương Bá thời Chu Vũ Vương lập nhà Chu thì có khả năng là Bá Ấp Khảo, người con đầu của Văn Vương, anh của Vũ Vương. Bá Ấp Khảo đã hy sinh trong cuộc chiến chống lại Trụ Vương, để Vũ Vương sau đó hoàn thành đại nghiệp, phạt Trụ diệt Ân, lập nên vương triều thiên tử nhà Chu kéo dài hơn 800 năm.

Hình vẽ Phỏng Chu Văn Vương đỉnh

Chu Vương đỉnh

Một chiếc đại đỉnh lớn thật sự của thời Chu đúc bằng đồng, cao tổng cộng 53 cm, rộng tới 43 cm, nặng 12 kg. 2 quai đỉnh hình chữ U lớn, dày. Mặt ngoài mỗi quai có hình hai con rồng chầu mặt trời. Trên từng quai đỉnh có khắc 8 chữ Kim văn lớn: 周王作之子孫永用

Chu vương tác chi. Tử tôn vĩnh dụng

Dịch nghĩa: Chu Vương tạo vật này cho con cháu dùng mãi.

Chiếc đỉnh Chu Vương này có phần thân hình tròn, hơi dẹt. Thân đỉnh có 6 khía dọc chia đỉnh thành 6 múi. Mỗi múi có hình mặt thú thao thiết. 3 chân đỉnh lớn cũng có đúc nổi hình mặt thao thiết. Cả chiếc đỉnh nhìn trầm hùng, vững chắc, bề thế.

Đỉnh Chu Vương

Phần thân đỉnh có đúc chữ nổi xung quanh thân, là một bài minh chép bằng chữ kim văn. Chữ đúc lớn, nét chữ có phần giản lược. Bài minh này được lặp lại 3 lần (ba mặt một lời) và có một dòng 4 chữ như tiêu đề. Tất cả có 208 chữ đúc nổi trên thân đỉnh. Chia thành 52 dòng, mỗi dòng 4 chữ. Nội dung bài minh trên Chu Vương đỉnh như sau:

晳丕俎用

史戊寸公,作休子子門,休永寶對,賜旗吉待,匍正民初,曰盂玟有,

周命于若,胜又王宗,攸用佩帚,門生隹卑,邵宫名大,反吊夫死,

友君子師,厭永吉有, 考庚辟內,于其朋享,晳丕俎用

TÍCH PHI TRỞ DỤNG

Sử Mậu Thốn Công, tác hưu tử tử môn, hưu vĩnh bảo đối, tứ kỳ cát, đãi bồ chính dân, sơ viết Vu Mân, hữu Chu mệnh vu nhược, thắng hựu Vương tông, du dụng bội trửu, môn sinh chuy ti, thiệu cung danh đại, phản điếu phu tử, hữu quân tử sư, yếm vĩnh cát hữu, khảo canh tịch nội, vu kỳ bằng hưởng, tích phi trở dụng.

Chú giải:

Tích phi trở dụng: chữ Bất 不 ở đây đọc thông với chữ Phi 丕, nghĩa là to lớn. Trở là vật dùng tế lễ.

Sử Mậu Thốn Công: Chữ sử 史dùng thông với chữ 使. Mậu Thốn là tên một vị đại thần tước Công.

Tác hưu tử tử môn: làm ra khu nhà dùng cầu lành cho con cháu

Hưu vĩnh bảo: Bảo là đồ quý, ở đây chỉ chiếc đỉnh.

Bồ chính dân: Bồ nghĩa là vất vả. Ý nói việc cai quản dân nhiều khó nhọc.

Vu Mân: Nghĩa thường là đồ đựng bằng ngọc. Nhưng có thể ở đây chỉ Văn Vương, là vị vua khởi đầu nhà Chu. Vu Mân đọc thiết là Văn.

Dụng bội trựu: chữ “trựu” đọc không chắc chắn. Hiểu nghĩa chung là dùng đồ vật quý làm tín lễ.

Chuy ti: chữ đọc không chắc chắn. Suy theo nghĩa là chỉ việc phúc sinh được con cái.

Hữu quân tử sư:  chỉ bậc thầy của vua, có lẽ là chỉ các bậc tiên vương.

Khảo canh: đọc thông nghĩa với “thọ khang”.

Diễn nghĩa bài minh trên Chu Vương đỉnh:

Dùng tế lễ lớn

Sai Mậu Thốn Công làm chiếc đỉnh quý đặt ở cửa lành cho con cháu, cùng ban cờ cầu phúc, để gắng sức cai quản nhân dân. Trước đây vua Văn có được mệnh thắng của nhà Chu, Vương tông lại dùng đồ tín lễ mà trong nhà sinh được điều lành, rạng danh cung lớn, dùng cúng điếu người đã mất, để cho bạn, quân, con, thầy có điều tốt đầy mãi, luôn trong mạnh thọ mà hưởng dụng như vậy, dùng cho tế lễ lớn.

Phần đầu bài minh Tích phi trở dụng

Chiếc đỉnh tông Chu Vương này có hình dạng tương đồng với đỉnh Cận 堇鼎, là chiếc đỉnh lớn thời đầu Tây Chu tìm thấy ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Đỉnh Cận là một trong những trọng khí quốc gia của Trung Quốc, kích thước cao 62 cm, chỉ cao hơn chiếc đỉnh Chu Vương trên 9 cm. Trên đỉnh Cận có khắc chữ kể về một vị hầu tước tên Cận đi cống lễ vua Chu. Chiếc đỉnh Chu Vương mô tả ở trên như vậy cũng có niên đại xấp xỉ vào đầu thời kỳ Tây Chu, cách nay gần 3.000 năm.

Nội dung bài minh trên đỉnh Chu Vương khá tương đồng với bài minh của vua Minh Mạng đúc trên Phỏng Chu Vương Bá đỉnh. Bài minh có ý nghĩa là đúc đỉnh để truyền lại cho con cháu làm vật quý sử dụng trong việc tế lễ, thờ cúng tổ tiên, tang lễ, để nhờ đó cầu phúc, cầu mệnh trời cho triều đại được lâu dài, cai quản nhân dân.

Pháp cổ

Dụ chỉ đúc đỉnh của vua Minh Mạng nêu: Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam Đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế miếu… Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc.

Các minh vương thời Tam Đại đúc cửu đỉnh tượng trưng cho đất đai thiên hạ 9 châu bắt đầu từ Đại Vũ của nhà Hạ. Các cổ khí của vua Minh Mạng chủ yếu phỏng theo các đồ thời Thương và và Chu. Tam Đại Trung Hoa mà Minh Mạng noi theo là các triều đại Hạ, Thương và Chu của Trung Hoa cổ đại.

Từ thời vua Gia Long đầu triều Nguyễn đã đề ra xu hướng “Pháp cổ” – noi theo phép xưa có. Có 2 khái niệm pháp cổ:

  • Pháp tiên vương: tức là theo phép thời Nghiêu, Thuấn.
  • Pháp hậu vương: tức là theo phép thời Tam Đại (Hạ, Thương, Chu).

Thời Minh Mạng lại đề ra khái niệm “pháp tổ”, theo phép tổ tiên, cũng đều có thể gọi chung là pháp cổ. Tuy là phương châm “pháp tổ” (“kính thiên pháp tổ”) nhưng lại vua Minh Mạng lại mô phỏng theo thời Hạ Thương Chu, mà tiêu biểu là đúc Cửu đỉnh và Cổ khí. Nói cách khác, Minh Mạng công khai coi các vị tiên vương thời Ngũ Đế và hậu vương thời Tam Đại Trung Hoa là “tổ” của triều Nguyễn, mà noi theo.

Trang Ngọc phả Hùng Vương thời Minh Mạng có ghi “niên hiệu” Hùng Vương năm thứ 32

Vương triều Chu của Trung Hoa bắt đầu từ Văn Vương dựng nghiệp, Vũ Vương lập thiên hạ lên ngôi thiên tử, đều là những triều đại của người Việt, được sử sách Việt gọi là thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang, phân phong trăm anh em thành Bách Việt. Chiếc đỉnh Chu Vương tạo đúc là biểu tượng của vương quyền thiên tử nhà Chu trước trăm tộc Bách Việt, cũng chính là tế vật của vua Hùng nước Văn Lang xưa. Lịch sử Trung Hoa cổ đại còn truyền tới triều Nguyễn nước Đại Nam, tự xưng mình là Hùng Vương như trong bản Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả được biên soạn dưới thời vua Minh Mạng. Báu vật bảo đỉnh Chu Vương còn lưu truyền đến nay qua gần 3000 năm, là chứng thực cho sự vững bền của quốc gia, của nền văn minh dân tộc Việt trải suốt chiều dài lịch sử. Liệu Việt Nam ngày nay có thể lại trở thành một “đế quốc” bao trùm rộng lớn với thiên hạ chín châu hay không phụ thuộc vào nhận thức của chính người Việt đối với những di sản cổ vật của tiên tổ để lại cho chúng ta ngày nay.

Tần An Dương Vương và trống đồng Thục

Sử Việt kể Thục An Dương vương đến từ Ba Thục chiếm nước của Hùng Vương lập nên nhà nước Âu Lạc thống nhất vào năm 257 TCN. Về khảo cổ, đã có những so sánh cho thấy vào quãng thế kỷ 3-4 TCN văn hóa trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam có nhiều hiện vật và họa tiết biểu tượng tương đồng với các hiện vật cùng thời ở vùng đất Quý Châu Ba Thục. Điều này đưa đến suy nghĩ của một số nhà nghiên cứu cho rằng Thục Phán đúng là đến từ nước Thục, đã thay thế Hùng Vương trong cuộc chiến chống lại quân Tần.

Tác giả Tạ Đức trong cuốn Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn cho rằng An Dương Vương là dòng dõi vua Khai Minh của nước Thục, sau khi bị Tần diệt quốc đã chạy sang nước Dạ Lang (Quý Châu), rồi nước Điền (Vân Nam) liên tục chống lại Tần. Cuối cùng thì An Dương Vương chạy đến đất Âu Lạc, được người Việt tôn lên làm thủ lĩnh, chỉ huy cuộc kháng chiến chống lại Đồ Thư và giành thắng lợi…

Cách lý giải về An Dương Vương như trên tuy có vẻ hợp lý đối với các hiện vật khảo cổ ở các vùng đất này, nhưng nó lại quá vô lý về mặt thực tế, cũng như không có truyền thuyết hay ghi chép lịch sử nào kể việc Thục An Dương Vương vừa chạy, vừa giành nước của người khác, vừa chống Tần kỳ khôi như vậy. Vị Thục Vương này liệu thọ bao nhiêu tuổi mà sống từ lúc Tần đánh Ba Thục (năm 316 TCN) tới khi Tần Thủy Hoàng mất (năm 210 TCN)? Sự thực chắn chắn đã khác.

Sự thật rõ ràng hơn là nước Tần tới Huệ Văn Vương đã chính thức xưng Vương và bắt đầu cuộc chinh phạt khắp nơi trong thiên hạ. Tần tướng Trương Nghi cho quân đánh chiếm Ba Thục. Năm 316 TCN nước Thục của vua Khai Minh diệt vong. Tại nước Thục, Trương Nghi cho xây Thành Đô, với truyền thuyết gọi là thành Rùa do khi xây thành có Rùa thần giúp đỡ. Như vậy người xây thành ở đất Thục là Tần, chứ không phải vua Thục họ Khai Minh.

Tiếp sau đó việc Tần tấn công các vùng Quý Châu (Dạ Lang), Vân Nam (Điền) rồi dẫn hàng vạn quân đánh chiếm Lĩnh Nam ở Quảng Tây và Bắc Việt của nước Âu Lạc thì đã được sử sách ghi chép khá rõ ràng.

Như vậy, sự tương đồng giữa 2 nền văn hóa khảo cổ Đông Sơn với Ba Thục lúc này rõ ràng nhất chính là ảnh hưởng của cuộc “Nam tiến” của nước Tần. Từ đó cho thấy, người đến từ đất Thục, đã thay thế “Hùng Vương” lập ra nước Âu Lạc thống nhất phải là Tần Vương. Hay nói cách khác Tần Vương chính là Thục An Dương Vương được kể đến trong các truyền thuyết Việt.

Mối quan hệ giữa nước Tần – Thục An Dương Vương và trống đồng được thấy trong một số tư liệu cổ. Trúc thư kỷ niên cho biết, Chu Tương Vương đã ban cho Tần Mục Công những chiếc trống đồng khi Tần đánh bại và thu phục được các tiểu quốc Tây Nhung. Đây là tư liệu sớm nhất nhắc đến trống đồng trong lịch sử.

Trong truyền thuyết Chín chúa tranh vua của người Tày ở Cao Bằng kể, trong cuộc so tài với các chúa mường khác, chúa mường Nam Cương là Thục Phán đi lấy trống đồng về đến gò Đống Lân, mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng. Các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi. Tổng Lằn là trống lăn, gọi chệch là Đống Lân. Thục Phán là chúa mường thứ 9, đã giành thắng lợi trước các chúa mường khác và lên làm vua.

Truyền thuyết này cho thấy rõ ý nghĩa của trống đồng trong việc hiệu lệnh chư hầu trước các nước lân bang. Chỉ một tiếng trống vang lên cũng đã làm các chúa mường phải thuần phục. Thục An Dương Vương trong chuyện Chín chúa tranh vua, đã làm chủ 9 tộc người (3 Nùng chủ, 2 Dao chủ, 1 Mán chủ, 1 Sán chủ, 1 Tày chủ, 1 Miêu Chủ), rất giống việc Tần Vương đã đánh bại Lục quốc và thống nhất Trung Hoa.

Trống đồng, hiện vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn được biết gặp nhiều nhất tại Bắc Việt, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu. Đây cũng đúng là phân bố của dòng Thục ở phía Tây Trung Hoa và trùng với con đường mà Tần quốc đã đánh chiếm phương Nam.

Một chiếc trống đồng đặc biệt, có thể có nguồn gốc từ đất Tứ Xuyên hoặc Quý Châu, thể hiện rất rõ ý nghĩa Tần Vương thống nhất thiên hạ Bách Việt họ Hùng. Bài viết đặt tên cho chiếc trống này là trống Thục và xem xét nó ở từng chi tiết dưới đây.

Trống đồng Thục

Trống đồng – chữ Đại triện

Chiếc trống đồng Thục có dạng Heger II, dạng đặc trưng của văn hóa trống đồng. Trống cao 24cm, đường kính mặt trống 35 cm, đường kính đáy 29 cm. Ở vành ngoài trên mặt trống có 57 ký tự ở dạng Đại triện. Loại chữ Đại triện này rất lạ, về kết cấu thì nhiều chữ giống như Kim văn, nhưng hình thể theo kiểu tiểu triện, với nét chữ tròn, kéo dài theo chiều dọc. Phần lớn đều là chữ đơn thể, không phải chữ ghép bộ. Nhiều chữ không tra thấy trong các từ điển chữ Kim văn hiện nay.

Nhận định về loại chữ trên trống đồng này thì đây là loại chữ có niên gian giữa thời kỳ Kim văn thuộc Tây Chu với chữ Tiểu triện sau này. Đây không phải lối chữ Kim văn của Lục quốc được gặp trên các tiền đồng cổ vì nét tròn, Triện hóa rất rõ. Có thể gọi là lối chữ Đại triện của nước Tần, nước mà sau này hình thành ra chữ Tiểu triện. Niên đại của lối chữ này ước đoán vào khoảng thời Chiến Quốc, trước khi Tần thống nhất chữ viết toàn Trung Hoa thành chữ Tiểu triện.

Sự kết hợp giữa trống đồng và chữ Triện là minh chứng đầu tiên và rõ ràng nhất rằng văn hóa trống đồng thuộc chung nền văn hóa chữ tượng hình phương Đông, tức là nằm trong cùng một thiên hạ Trung Hoa thời nhà Chu.

Mặt trời – Ngũ hành

Ở giữa chiếc trống đồng là hình mặt trời có 16 tia, nhưng hết sức độc đáo là bên trong mặt trời lại có hình tròn với 5 vòng xoắn. Dạng hình tròn này gặp khá nhiều trên các hiện vật đồ đồng thuộc dòng đồ Thương Chu, mà một ví dụ là chiếc Lôi cùng thời được thấy ở Việt Nam, mang những hình vòng tròn 5 xoáy này với hình đôi quỳ long chầu 2 bên.

Hình tròn 5 xoáy vừa là biểu tượng cho mặt trời, cũng là biểu tượng của Ngũ hành, xưa có tên là Nhật nguyệt tinh thần, gồm 4 tượng của các vì tinh tú và 1 hình tròn ở trung tâm. Đây là biểu tượng của nguyên thần, của những gì căn cơ nhất trong trời đất, tương tự như khái niệm Thái cực đồ âm dương sau này. Biểu tượng lưỡng long chầu mặt nguyệt như vậy đã có từ thời Chiến Quốc trên các đồ đồng Thương Chu, tồn tại mãi cho tới nay như biểu tượng của tín ngưỡng.

Lôi đồng có hình Lưỡng long chầu Nhật và chữ Đại triện

Năm 2013 ở Bắc Cường, Lào Cai đã phát hiện ra một “kho đồng” gồm một chiếc Lôi và 4 chiếc trống đồng. Đây cũng là dẫn chứng cho thấy sự hòa trộn 2 nên văn hóa đồ đồng đỉnh vạc (lôi) với đồ đồng Đông Sơn (trống đồng) ngay tại đất Việt.

Chim – Rắn

Ở vòng tròn bên trong gần mặt trời là hình 16 con chim cổ dài như cổ cò, đứng thành từng 8 cặp quay vào nhau. Mỗi con chim đứng trên một con rắn dài nhỏ. Hình Chim – Rắn này khá giống cảnh đôi Hạc đứng trên lưng Rùa để chầu. Chim – Rắn cũng như Hạc – Rùa là thể hiện không gian, trên trời có chim, dưới đất có rắn rùa. Tương tự trên trống đồng Ngọc Lũ là chim bay trên trời, hươu chạy dưới đất.

Rắn cũng có thể coi là tượng hình của Rồng, nên biểu tượng Chim-Rắn là dẫn chứng nữa về sự hòa hợp biểu tượng của 2 dòng Tiên – Rồng trên mặt trống đồng.

Mặt trời và Chim – Rắn trên trống đồng Thục

Người chim và người đi săn

Vòng ngoài trên mặt trống gồm 4 đoạn giống nhau, phân tách bởi 4 tượng cóc. Mỗi đoạn gồm 3 cụm hoạt cảnh. Mỗi hoạt cảnh thể hiện hình một người có tóc búi đuôi sam dài, đang dương cung bắn vào một con thú, hình như con cáo. Đối diện là một hình người chim, có phần đầu như đầu chim, mỏ lớn, có 2 cánh. Tổng cộng có 12 hoạt cảnh giống nhau lặp lại ở vòng ngoài của mặt trống.

Tóc đuôi sam, hình người chim đều là những biểu tượng đặc trưng có trong văn hóa Thục. Người chim được thể hiện trên cây vũ trụ tìm thấy ở Tam Tinh Đôi trên đất Thục cổ. Sử dụng nỏ thành thạo là sự liên hệ đến câu chuyện nỏ thần của An Dương Vương trong truyền thuyết Việt.

Cảnh người chim – người đi săn và đoạn chữ Vương tứ Bá

Cóc sinh sôi

Trên mặt trống có 4 tượng cóc mẹ cõng cóc con. Khác với hình cóc thường gặp trên trống đồng Đông Sơn, mỗi tượng cóc ở đây được thể hiện thành khối dày chắc chắn, ngẩng đầu, có các xoáy âm dương ở hai bên thân.

4 tượng cóc nằm ở 4 góc, thể hiện tính vuông của Đất. Trong khi mặt trống hình Tròn, chỉ tính chất của Trời. 4 góc là nơi Trời tròn – Đất vuông giao hòa mà sinh ra vạn vật. Cho nên mới có cóc mẹ cõng cóc con, sinh sôi nảy nở không ngừng.

Tượng cóc mẹ cõng cóc con

Minh văn

Dòng chữ ngoài cùng được đúc sâu, khá rõ nét. Tuy nhiên do lối viết Đại triện đặc biệt như đã nói, hiện không thể đọc hết được số chữ này. Những gì đọc được như sau. Có 56 chữ và 1 hình đánh dấu như hình chữ Ngũ.

五字方九厥忘父子?賜?帀內山作師月分八川虫作賜師忘?合公乃帀之惟月長惟舟考作父句方王賜伯古巠虫用木止子子足作公齊?考

Ngũ tự phương cửu quyết vong Phụ tử ? tứ ? tạp nội sơn tác Sư nguyệt phân bát xuyên trùng tác tứ Sư vong ? hợp công nãi tạp chi duy nguyệt trường duy chu khảo tác phụ cú phương Vương tứ Bá cổ kinh trùng dụng mộc chỉ tử tử túc tác Công tề ? khảo

(Những chữ in nghiêng là những chữ đọc được chắc chắn)

Để hiểu ý nghĩa công dụng của trống đồng cần xem Quẻ Dự trong Kinh Dịch. Lời tượng của Quẻ Dự nói: Lôi địa Dự: Lợi kiến hầu, hành sư.

Lôi Địa là tượng của quẻ Dự, là sấm nổ trên mặt đất, tức là cảnh đánh trống đồng bằng cách úp trống xuống mặt đất mà đánh. Quẻ Dự như vậy có hình tượng là trống đồng. Theo lời tượng, trống đồng được sử dụng để “kiến hầu”, tức là dùng để phong tước phong hầu, và “hành sư”, nghĩa là dùng để điều khiển quân đội.

Trong bài minh văn của chiếc trống Thục trên có cả việc phong tước và hành sư. Đó là đoạn “Vương tứ bá” – Vua ban thưởng cho Bá. Và đoạn “nội sơn tác sư” – trong núi tạo ra quân đội. Đây là một chiếc trống được ban cho một vị (Công) tướng tước Bá để dùng làm hiệu lệnh, xây dựng quân đội (tác sư).

Đoạn chữ Nội sơn tác sư

Người cầm đầu quân đội nhà Tần ở đất Thục lúc đó là tướng Tư Mã Thác. Rất có thể đây là chiếc trống đồng được Tần Vương ban cho Tư Mã Thác dùng để thống lĩnh quân đội nhà Tần trên đất Thục.

Đội quân hùng mạnh

Công dụng về việc hiệu lệnh quân đội còn thể hiện ở phần thân trống. Thân trống chia làm 3 phần. Phần tang trống có 16 hoạt cảnh người đi săn – người chim như trên mặt trống. Còn 2 phần lưng và chân trống là vòng tròn các chiến binh, gồm cụm 3 người một. Một người chống tay cầm kiếm, một người đang dương cung và một ngươi vung 2 tay như đang dùng dùi đục. Mỗi vòng có 36 chiến binh. Thân trống như thế là 2 đội quân binh 72 chiến binh được trang bị vũ khí đầy đủ.

Tổng cộng cả phần mặt trống và thân trống có tất cả 156 hình người. Đội quân hùng mạnh này nhắc nhớ tới đội quân đất nung trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Sức mạnh của quân đội Tần thể hiện ngay trên chiếc trống đồng. Đây là trống quân dùng trong quân ngũ, chứ không phải trống dùng trong tế lễ như các trống Đông Sơn (có các hoạt cảnh nghi thức tế lễ).

Hoa văn trên thân trống dạng hoa thị, chấm tròn và vạch lớn, chạy xung quanh thân dưới các hàng chiến binh. Ý nghĩa có thể là thể hiện tiền tài, vật lực dồi dào cho đội quân Tần ở trên.

Thân trống Thục

Quai rồng

Trống Thục có 4 chiếc quai, khá đặc biệt. Không giống kiểu quang hình văn thừng như các trống đồng Đông Sơn, quai trống Thục có hình đầu rồng có tai lớn, ngậm quai. Hình này có thể gọi là hình Tiêu đồ, đặc trưng của các đồ đồng dòng đỉnh vạc thời Thương Chu. Sự kết hợp các chi tiết biểu tượng của 2 dòng đồ đồng Trung Hoa trên cùng một hiện vật, đánh dấu sự thống nhất 2 dòng văn hóa của thiên hạ. Dòng đồ đồng mang biểu tượng Rồng là dòng theo cha Lạc Long Quân, thể hiện trên các đồ vật có chân như đỉnh, vạc Thương Chu. Dòng đồ đồng mang biểu tượng Chim là dòng theo mẹ Âu Cơ, thể hiện trên các trống đồng, thạp đồng Đông Sơn.

Quai trống hình Tiêu đồ

Chiếc trống đồng có chữ Đại triện là minh chứng cho mối liên hệ trực tiếp giữa vùng Bắc Việt và đất Thục ở Tứ Xuyên, Quý Châu thời kỳ nhà Tần. Những cặp đôi: Mặt trời – Ngũ hành, Chim – Rắn/Rồng, Trống đồng – Chữ đại triện cho thấy thực chất cả 2 dòng Tiên – Rồng, Âu – Lạc của truyền thuyết Việt đều thuộc văn minh Trung Hoa dưới thời Xuân Thu, Chiến Quốc và sau đó thiên hạ đã hợp nhất vào thời Tần.

Lịch sử thời Tần An Dương Vương có thể tóm tắt như sau:

  • Tần Mục Công, một trong Xuân Thu ngũ bá là người đã thu phục Tây Nhung, được Chu Tương Vương ban cho trống đồng làm hiệu lệnh.
  • Tần Hiếu Công áp dụng biến pháp của Thương Ưởng, trung hưng nước Tần.
  • Tần Huệ Văn Vương năm Giáp Ngọ (325 TCN) xưng Vương. Tướng Tần Tư Mã Thác chiếm vùng đất Ba (Quý Châu), Trương Nghi xây Thành Đô (Thành Rùa) ở đất Thục. Từ lúc này quân Tần còn được gọi là Thục.
  • Tần Chiêu Tương Vương năm 256 TCN diệt Chu Noãn Vương, chiếm đất Tây Chu, tức là đất Tây Âu ở Vân Nam, chấm dứt sự tồn tại gần 800 năm của triều đại nhà Chu. Tần Vương trở thành thiên tử của thiên hạ Trung Hoa. Sử Việt chép là năm 257 TCN Thục An Dương Vương kế nối Hùng Vương.
  • Năm 255 TCN Tần Chiêu Tương Vương chiếm nốt đất Đông Chu, tức là đất Lạc ở Bắc Việt – Quảng Tây. Tần xuất phát từ vùng phía Tây (Thục) diệt Đông Chu ở phía Đông mà có được thiên hạ. Do đó Tần có tên gọi là An Dương Vương, trong đó Dương là hướng mặt trời lên, tức là hướng Đông. An Dương Vương là là vị Vương đã bình định phương Đông.
  • Năm 221 TCN Tần Thủy Hoàng xưng Đế, thống nhất thiên hạ Trung Hoa, cho dời kinh đô về vùng đất giữa 2 nhà Chu (ở Quý Châu?). Cổ Loa vốn là thành Lạc Dương thời Đông Chu, có thể đã được xây dựng thêm dưới thời Tần Thủy Hoàng.
Trống và Lôi đồng