Long Đỗ là ở chỗ nào?

Nói tới Thăng Long Hà Nội ai cũng biết chuyện thần Long Đỗ hiển linh trước Cao Biền và được lập làm thành hoàng của thành Thăng Long. Long Đỗ là “rốn rồng”, tức là huyệt mạch chính của “kinh đô rồng”. Vậy cái “rốn rồng” ấy nằm ở đâu?
Nhiều người nghĩ rằng thần Long Đỗ hiển linh ở sông Tô Lịch thì cái long mạch của đất Thăng Long phải nằm ở đâu đó quãng đầu sông Tô Lịch và sông Hồng, có thể là hồ Tây. Thậm chí có học giả cho rằng Long Đỗ là ở núi Nùng. Nhưng thực tế ở cả ở hồ Tây hay núi Nùng đều không có di tích nào nói về Rồng hay Long Đỗ cả.
Nếu nói tới “kinh đô Rồng” thì Long Đỗ phải là nơi có Rồng xuất hiện, tức là có Rồng bay lên. Ở Hà Nội nơi có Rồng bay lên phải là… Long Biên. Ngay cái tên cũng đã cho biết đây mới là chỗ có Rồng xuất hiện.
Rồng bay lên từ nước, điều này quá rõ. Rồng làm sao mà lại ẩn ở trên núi (như núi Nùng) được. Mặt nước của vùng Long Biên thì rõ là sông Hồng. Xét các làng dọc khúc dòng sông Hồng ở vùng Long Biên (Gia Lâm) ta thấy ở đây còn đậm đặc các di tích và sự tích về sự xuất hiện của Rồng.
Xa nhất là đình làng Xuân Quan, còn gọi là điện Long Hưng, nơi thờ Triệu Vũ Đế, ở Văn Giang, Hưng Yên. Sự tích ở đây ghi:
Triệu Đà người huyện Chân Định, đầu thời Tần làm quan lệnh Long Châu, sau làm Nam Hải úy… Tương truyền Triệu Đà đi tuần phương Nam qua xã Nam Quan thấy có rồng vàng hiện ra, cho là đất lành bèn dựng hành cung, gọi là điện Long Hưng. Về sau dân dựng đền thờ trên nền điện cũ.

Long Hung dien
Long Hưng điện (đình Xuân Quan).

Theo Thiên Nam ngữ lục thì Triệu Đà khi tiến quân từ Quảng Đông đánh An Dương Vương đã thấy rồng xuất hiện trên sông Nhị Hà:

Binh phân chi dực hữu chi
Triệu thuyền thẳng tới đỗ kề bên sông
Bỗng đâu thấy rồng nổi lên
Dự mừng thánh chúa lập nên cơ đồ.

Khi họ Triệu diệt được An Dương Vương, xưng vua thì do đó mà đổi tên thành Thăng Long:

Hiệu xưng là Triệu Vũ Hoàng
Chín lần xem trị bốn phương đẹp lòng
Long Biên thành hiệu Thăng Long
Vì xưa rồng dậy dưới sông Nhị Hà.

Tên gọi Thăng Long đầu tiên là dành cho khu vực Long Biên từ thời Triệu Vũ Đế, tức là còn trước thời Lý hơn ngàn năm.
Thăng Long hay Long Hưng là lấy ý trong hào ngũ của quẻ Càn: Phi long tại thiên, Rồng bay lên trời. Hào ngũ quẻ Càn chỉ điềm thành nghiệp của bậc đế vương.
Bên cạnh Xuân Quan, ngoài bãi ven sông là làng Kim Lan (thuộc Gia Lâm, Hà Nội nay), nơi thờ Cao Vương Biền. Đây cũng là nơi có di chỉ khảo cổ Hàm Rồng với những hiện vật từ thời Đường. Thiên Nam ngữ lục cho biết, Hàm Rồng là nơi được “Phong thủy vương” Cao Biền chọn làm nơi táng mả:

Dân làm cự cứu bảo nhau
Tôn Biền làm chủ giữ âu Long thành
Đến Kim Lan cơ đầu ghềnh
Lục nơi cải tử hoàn sinh chẳng cùng
Mạch tòng Tản Lĩnh giáng long
Sáu rồng phun ngọc, ba sông nước chầu
Biền già ở cõi Nam Châu
Người nhà bèn táng ở đầu Kim Lan.

Bên cạnh chỗ rồng bay lên (Long Hưng) ở Xuân Quan là miệng rồng (Hàm Rồng) ở Kim Lan. Rõ ràng đây là một huyệt mạch quan trọng, nơi Cao Biền đã lựa chọn. Chú ý theo Thiên Nam ngữ lục thì đây là chỗ “Sáu rồng phun ngọc, ba sông nước chầu”. Ý nghĩa của “ba sông” sẽ còn gặp ở dưới đây.
Dọc sông tiếp theo gần hơn về phía Bắc là làng Bát Tràng. Đình làng Bát Tràng thờ các thành hoàng là Lưu thiên tử, Lữ hoàng hậu, Bạch Mã tôn thần, cùng 3 vị khác. Thần Bạch Mã cũng là thần Long Đỗ, liên quan tới Rồng thì đã rõ. Còn Lưu Thiên Tử hay Lưu Bang thì chả phải ai khác chính là Triệu Vũ Đế ở Xuân Quan. Lữ Hoàng Hậu là Lữ Hậu, vợ và người đã cùng khởi nghĩa với Lưu Bang từ thủa hàn vi.

Hoi Bat TrangHội đình làng Bát Tràng.

Phía trên làng Bát Tràng về phía Bắc là làng Đông Dư. Nơi đây có chùa Nội Long nằm bên bờ sông Hồng ở Đông Dư Thượng. Nội Long tự nghĩa là “chùa trong mắt rồng”. Vậy đây cũng là đất thiêng nơi, con Rồng Long Biên lộ đầu.
Làng Đông Dư thờ các thần Cao Sơn và Linh Lang đại vương. Cao Sơn là Cao Vương Biền (như thờ ở Kim Lan). Cách Đông Dư không xa là đền Trấn Vũ ở làng Ngọc Trì, Gia Lâm, nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Vậy là ở khu vực này đã hội tụ đủ 4 vị thần của Thăng Long Tứ trấn: Huyền Thiên, Cao Sơn, Bạch Mã và Linh Lang.
Ấn tượng hơn nữa cũng ở khúc sông này, phía bên bờ Tây của sông Hồng là vùng đất Lĩnh Nam của quận Hoàng Mai (trước là huyện Thanh Trì). Các làng ở Lĩnh Nam đều có sự tích gắn với Rồng.
Làng Thúy Lĩnh ở ven sông Hồng, đối diện với Kim Lan qua sông, thờ Linh Lang đại vương, tương tự như bên làng Đông Dư. Sự tích Linh Lang cũng là Rồng, vì khi sinh ra đã liên quan đến Rồng (bà mẹ đi tắm ở hồ Tây thì gặp giao long), rồi sau khi thần dẹp yên quân giặc đã hóa thành con rắn lớn (tức là Rồng) bơi xuống hồ Tây.
Câu đối ở đình Thúy Lĩnh:
氣鎮龍都歷代褒崇隆祀典
霛扶鴻越弌方康阜仰神庥
Khí trấn Long Đô lịch đại bao sùng long tự điển
Linh phù Hồng Việt nhất phương khang phụ ngưỡng thần hưu.
Dịch:
Khí trấn Đô Rồng, các đời ca tôn điển tế hậu
Thiêng phò Hồng Việt, một phương đông đúc ngưỡng điềm thần.

Thuy Linh
Chính điện đình Thúy Lĩnh.

Một làng khác của vùng Lĩnh Nam là làng Nam Dư Hạ khá đặc biệt. Đình làng này thờ luôn Rồng, được gọi dưới tên Tam đầu Cửu vĩ Long vương. Tam đầu Cửu vĩ cũng là một vị thần quen biết trong đạo Mẫu Tứ phủ, đại diện cho Thủy thần Hà bá.
Theo thần tích còn lưu lại, có vị sư tổ Từ Phong thường du ngoạn ở ven kinh thành Thăng Long, có lần đi qua đất Nam Dư thấy cảnh sắc đậm đà, bến thuyền xuôi ngược quyến rũ lòng người, ngài bỗng thấy có một con rồng từ đất bay lên nhào lượn trên không trung rồi biến vào vòm trời xanh. Đức tổ cho đây là chốn tiềm long (nơi rồng ẩn) nên quyết định xây phủ đệ ở lại Nam Dư, đồng thời, ngôi chùa lấy tên là Thiên Phúc, mở một con đường rất thẳng từ cung điện nhà vua tới chùa và xây ngôi đình làng cho dân thờ Long Vương thần.
Câu đối ở đình Nam Dư Hạ:
勝景南天黎帝殿
威風畬地水王宫
Thắng cảnh Nam thiên Lê đế điện
Uy phong Dư địa thủy vương cung.
Thậm chí trong đình còn có bức biển (hoành phi) đề: Long Đỗ Nam Dư 龍肚南畬.
Vậy Long Đỗ là ở đây chứ đâu nữa.
Chữ Dư 畬 trong tiếng Nho nghĩa là ruộng tốt. Liên hệ với quẻ Càn, hào nhị: Hiện long tại điền, gặp Rồng tại ruộng. Như thế khu vực Đông Dư – Nam Dư ý chỉ là nơi Rồng bắt đầu xuất hiện.

IMG_3880
Hoành phi “Long Đỗ Nam Dư” ở đình Nam Dư Hạ.

Đình Nam Dư Hạ còn có đình còn 3 cổ hiệu bát cống nguyên vẹn, sơn son thếp vàng, chạm khắc tỉ mỉ, cầu kì, trau chuốt đầu rồng, thân rồng, đuôi rồng, tương truyền được các thợ của Long cung một đêm đã tạo ra.
Đình Nam Dư Thượng thờ các vị thành hoàng là Minh Hoa An Quốc đại vương cùng phu nhân Hoàng Phi Trân và Đương Thống đại vương cùng phu nhân Nguyệt Thái. Tương truyền, Minh Hoa An Quốc Đại vương là con vua Hùng Vương thứ 17, có công trong việc trị quốc an dân. Đương Thống đại vương còn gọi là Thống Công, em Sơn Thánh, sống dưới triều Hùng Duệ Vương. Sơn Thánh lấy công chúa Mị Nương còn Thống Công lấy công chúa Nguyệt Thái.

Kieu Nam Du Thuong
Kiệu rồng ở Nam Dư Thượng.

Câu đối ở chính điện đình Nam Dư Thượng:
南上屹灵祠鴻貉遺徧傳五嶺
西茶餘勝地清潭舊跡儼三江
Nam Thượng ngật linh từ, Hồng Lạc di biên truyền Ngũ Lĩnh 
Tây Trà dư thắng địa, Thanh Đàm cựu tích nghiễm Tam Giang.
Dịch:
Nam Thượng cao đền thiêng, Hồng Lạc để lan truyền Ngũ Lĩnh
Tây Trà tốt lành đất, Thanh Đàm vết cũ oai Tam Giang.

Câu đối nói tới những địa danh khá lạ. Tây Trà là tên gọi cũ của Nam Dư. Còn Ngũ Lĩnh thời Hùng Vương liệu có phải đây là gốc của tên Lĩnh Nam (Ngũ Lĩnh – Nam Dư?) cho khu vực này? Tên gọi Ngũ Lĩnh cùng với sự tích các vị thần thời Hùng Vương cho thấy khu vực này là một trọng điểm cư dân của thời kỳ này.
Câu đối nhắc tới tên Tam Giang, chỉ một vùng đất ở quanh Long Biên. Tam là số 3, con số chỉ phương Đông trong Hà thư. Phương Đông cũng có tượng là Rồng nên Tam tương ứng với Long. Tam Giang do đó tương đương với Long Xuyên hay Long Biên. Thiên Nam ngữ lục như trên đã nói khu vực này là: Sáu rồng phun ngọc, ba sông nước chầu, cũng là ý này.
Hội làng Nam Dư Hạ và Nam Dư Thượng đều có làng Bát Tràng và Đông Dư bên kia sông sang giao lưu, cúng tế. Trong lễ hội rước nước chung của 3 làng này thì khi ra sông lấy nước cũng đều có bái vọng đình Bát Tràng. Tục kết chạ giữa Nam Dư và Bát Tràng là một tục xưa còn lưu giữ được.

Ban do
Bản đồ các khu vực ven bờ sông Hồng ở đoạn Lĩnh Nam – Gia Lâm.

Huyện Thanh Trì vốn có tên là Long Đàm, tức là đầm Rồng, tương truyền là đầm nước có Rồng ở. Sau này Long Đàm mới đổi thành Thanh Đàm, rồi Thanh Trì. Trong câu đối nói tới Thanh Đàm là địa danh này.
Tên Tam Giang còn ẩn ý trong tên Tam đầu Cửu vĩ Long vương. Tam là hướng Đông, Cửu là hướng Tây trong Hà thư. Tam đầu Cửu vĩ Long vương nghĩa là con Rồng đầu ở phía Đông, đuôi ở phía Tây. Xét ở khúc sông này thì đúng vậy. Đầu Rồng ở bờ Đông nơi có Hàm Rồng (tại Kim Lan), mắt Rồng (ở Đông Dư) và nơi rồng bay lên (ở Xuân Quan). Còn đuôi Rồng ẩn trong Long Đàm (Thanh Trì) ở phía bên bờ Tây.
Long Đàm chính là Long Đỗ, cái rốn của kinh đô Rồng xưa, mà dấu vết vẫn còn lưu lại trong các sự tích và địa danh ở đây.

Sự tích Đế Thích, dấu vết sớm của Hindu giáo ở miền Bắc Việt

IMG_4912
Thiên Đế điện ở Cầu Váu, Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên.

Ở thôn Cầu Váu, xã Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên có một ngôi đền cổ khá đặc biệt, nơi thờ Đế Thích, gọi là Thiên Đế Điện. Theo một bản thần tích chép lưu tại đền thì sự tích vị Thiên Đế này như sau:

Đế Thích có tên là Đại Phạm Thiên vương Thiên chủ Đế Thích Đế Hoàn Nhân Thánh đế, thống trị sáu cõi dục. Ngọc Hoàng là Hạo Chí tôn Huyền khung Cao Thượng Đế. Trong năm tháng Giêng ngày mồng 9 là ngày lễ mừng của các Chư Thiên Thượng Đế (xem Đạo tàng diên quang tập).
Bàn Cổ năm thứ 48 Giáp Thân tháng Giêng ngày mồng 1 giờ Ngọ, Bảo Nguyệt Quang hoàng hậu sinh ra Đế Thích ở nước Thiện Tiên. Đến năm Giáp Ngọ tháng Giêng ngày mồng 9 thì lên trời làm Thiên Đế. Thời Đế Thích năm 11 có Tây phương Đại Càn Bà Vương dâng một người con gái cho Thượng Đế làm Ngọc Chi phu nhân. Bà Vương khi về phương Tây tâu lên xin cho tìm gặp Đế Thích. Thượng Đế đồng ý, ra ý cho đặt ra một cái vạc dầu, để khi Đế Thích đến, sẽ mời vào vườn hoa thưởng ngoạn, dẫn tới chỗ vạc dầu sôi mà ném vào.
Bỗng có một người áo trắng (tức là Phật) bảo Đế rằng là có mưu hại Đế. Ta sẽ cho một chiếc quạt. Đế nên đi từ Bắc về Nam, nếu bị đuổi kịp thì dùng quạt này mà quạt.
Bà Vương thấy vạc dầu đã sôi thì chạy vào vườn hoa tìm Đế. Lúc đó người áo trắng hóa thành Đế. Bà Vương liền túm và ném vào vạc dầu, nhưng bỗng trong vạc hết sạch dầu. Bà Vương kinh sợ hỏi: Thần hay Phật vậy. Rồi Bà Vương quay ra tìm Đế.
Đế dùng quạt quạt, tức thì thành ba núi năm non. Bà Vương lè lưỡi nuốt chửng, núi non tiêu sạch. Đế chạy đến nước Nam Việt, ở Cổ Lộng Lâm (nay là tỉnh Kinh Bắc, phủ Thuận Thành, huyện Văn Giang, Vĩnh Bảo xã, địa phận thôn Ốc Nhiêu) thấy tình thế bức bách liền chạy vào trốn trong đàn trâu cùng lũ trẻ chăn trâu. Bà Vương chạy lách qua đó đi thẳng về phía Nam.
Đế đi ra rồi vào một quán. Người trong quán dâng cho Đế xôi rau. Lại thấy sau quán có 12 người con gái không có mắt ôm 8-9 đứa trẻ nhỏ. Đế hỏi vì sao lại ra như vậy. Họ đáp chúng tôi là tiên nương 36 động Bồng Thái đang lên chầu Trời thì bị Bà Vương móc mất mắt như thế này.
Đế về tâu sự việc đó lên Thượng Đế. Thượng Đế trao cho Đế lục thần ngũ trí để diệt Càn Bà Vương, đốt Cổ Lộng Lâm trừ hổ lang, chấm hóa lại mắt cho 12 tiên nàng, sau đó dẫn họ quay về Trời.
Từ đó, Đế thường đi tiêu du ba ngàn thế giới, linh thiêng hiển rõ. Dân Vĩnh Bảo lập sửa cung đền phụng sự, gặp khi trời hạn cầu phúc được ứng báo như ý vậy (xem Bảo Kính Đăng Tâm thượng tập cũng có chép việc này).
Tích thiêng Thiên Đế xưa có văn bia, tới nay mưa vùi gió rập, chuyện cũ khó truy. Tương truyền xã Vĩnh Bảo, xã Triền Quán có một ngôi nhà cỏ, có bà lão bán nước chè ở đó. Bỗng thấy một đại trượng phu từ trên không hạ xuống, dung mạo đường đường khác thường, đi vào quán và hỏi: Bà có thấy một thiếu phụ kiều diễm mặc áo trắng đi qua đây không? Chưa kịp đáp thì ngay lúc đó Bà Vương xông đến. Đế phất áo, mở chiếc quạt thần ra quạt hóa thành ngọn lửa lớn ,đốt diệt Bà Vương. Trong chốc lát 15 loại quỷ cùng kéo tới. Đế dùng cung thiêng bắn chúng, một lúc diệt hết lũ quỷ. Đế cưỡi trên một chiếc xe bò đi tới bờ Tây Nghĩa Trụ. Nhân dân ở trong xã đều bái yết.
Đế nói: Ta là Đế Thích của cõi trời 33, xuống cứu giúp nhân dân, diệt Bà Vương và 15 loại quỷ hại dân. Dứt lời, bay lên không mà về. Bản xã lập đền miếu tại đó để thờ, cung phụng đồ tế lễ, gặp khi hạn hán thì nghênh thánh giá về Triền Quán để cầu đảo, thường được ứng mưa. Nhân dân bốn biển cầu là ứng vậy.
Thiên Đế ở trên cõi trời 33 mỗi năm tháng Giêng, tháng Năm, tháng Chín dùng kính báu chiếu về Nam Hải các châu động xem nhân gian thiện ác. Những người thường xuyên tụng kinh, làm việc thiện tất được sự che chở của huyền giới (xem Bắc triều đại lịch).

IMG_5017Bản thần tích lưu ở đền Cầu Váu.

Tục thờ Đế Thích Thiên cho thấy rõ Hindu giáo đã xuất hiện ở miền Bắc Việt từ rất sớm. Thậm chí thần tích ghi từ thời… ông Bàn Cổ năm thứ 48. Vị thần ngự trị trên 33 tầng trời là thần Indra trong Ấn Độ giáo. Kinh đô của cõi trời này theo là Thiện Kiến thành, trong thần tích gọi là Thiện Tiên. Đây cũng chính là đỉnh núi Tu Di, ngọn núi thần thánh trong Phật giáo.
Câu đối trong đền Cầu Váu:
恩霑法雨三千界
喜倍天僊十二娥
Ân triêm pháp vũ tam thiên giới
Hỉ bội thiên tiên thập nhị nàng.
Dịch:
Ơn thấm mưa phép ba ngàn giới
Mừng thêm tiên trời mười hai nàng.
Cũng chính thần Indra (Đế Thích) là vị thần chống lại vua quỷ La Sát và các giống quỷ Dạ Xoa. Trong thần tích trên gọi là quỷ vương Càn Sát Bà và 15 loại quỷ.
Câu đối trong đền Cầu Váu:
帝座至尊御三十三天統三千世界
天神妙化除十五鬼類救十二僊娥
Đế tọa chí tôn, ngự tam thập tam thiên, thống tam thiên thế giới
Thiên thần diệu hóa, trừ thập ngũ quỷ loại, cứu thập nhị tiên nga.
Dịch:
Đế ở ngôi cao, ngự trời ba mươi ba, trị ba ngàn thế giới
Thần trời phép nhiệm, diệt quỷ mười lăm loại, cứu mười hai nàng tiên.
Chi tiết khác rất đặc biệt, điển hình của Hindu giáo là việc Thiên Đế cưỡi bò. Vị thần cưỡi bò là vị thần hủy diệt Shiva với con bò thần Nandin. Thần Shiva trong tranh của Ấn Độ có nơi thể hiện là dùng Cung và Lửa để hủy diệt. Còn Đế Thích ở Văn Giang cũng dùng Cung và Quạt ra lửa để diệt quỷ.
Ở Thiên Đế điện tại Cầu Váu trong khám thờ cấm cung là tượng một vị Thiên Đế đang cưỡi một con bò màu mận chính. Sự tích Thiên Đế cưỡi bò đi dọc sông cho thấy đây là hình ảnh của thần Shiva.

IMG_4960
Thiên Đế cưỡi Bò thần trong khám thờ đền Cầu Váu.

Câu đối trong đền Cầu Váu nói tới sự tích cưỡi bò:
光芒赤電疑弓影
靉靆黃雲想犢車
Quang mang xích điện nghi cung ảnh
Ái đãi hoàng vân tưởng độc xa.
Dịch:
Sáng lòa chớp đỏ ngờ cung bóng
Mù mịt mây vàng ngỡ xe trâu.
Hay câu khác:
弓掛何年秋電赤
犢歸甚𩂜暮雲黄
Cung quải hà niên thu điện xích
Độc quy thậm xứ mộ vân hoàng.
Dịch:
Cung khoác năm nào sầu chớp đỏ
Trâu về xứ ấy tối mây vàng.

IMG_4985
Tượng chim thần ở nội điện đền Cầu Váu.

Điều đáng chú ý là con sông này mang tên Ngưu Giang, thường được gắn với truyền thuyết con Trâu vàng (Kim ngưu). Nhưng với ngôi đền Thiên Đế ở Cầu Váu và sự tích thần cưỡi bò thì Kim Ngưu hay Hoàng Ngưu phải là con Bò. Cái tên Kim ngưu như vậy bắt nguồn từ ảnh hưởng của tín ngưỡng Hindu giáo ở khu vực này.
Câu đối nói tới Kim Ngưu:
億年顯跡金牛上
萬古靈祠義冑西
Ức niên hiển tích Kim Ngưu Thượng.
Vạn cổ linh từ Nghĩa Trụ Tây.
Dịch:
Nghìn năm rõ tích Kim Ngưu Thượng
Vạn thế đền thiêng Nghĩa Trụ Tây.
Chùa Đậu ở Thường Tín nơi thờ Pháp Điện và Sĩ Nhiếp cũng có câu đối nói tới con sông Bò (Ngưu giang) này:
龍派汪涵惠澤千秋傳聖跡
牛江環遶恩波萬世沐神休
Long phái uông hàm, huệ trạch thiên thu truyền thánh tích
Ngưu giang hoàn nhiễu, ân ba vạn thế mộc thần hưu.
Dịch:
Dòng rồng rộng sâu, đất nhân nghìn thu truyền tích thánh
Sông trâu bao bọc, sóng ân vạn thế thấm điềm thần.

Đôi câu đối ở chùa Đậu.

Một điểm nữa là Thiên Đế điện cũng là nơi để cầu đảo khi gặp hạn hán. Bởi vì thần Indra – Đế Thích là thần Giông tố, có phép làm mưa.
Câu đối nói tới việc cầu đảo, cầu mưa, cầu phúc ở đền Thiên Đế Cầu Váu:
仙升佛降今如見
國擣民祈古以來
Tiên thăng Phật giáng kim như kiến
Quốc đảo dân kỳ cổ dĩ lai.
Dịch:
Tiên lên Phật xuống nay như thấy
Nước cúng dân cầu xưa tới giờ.
Bản thân tên thôn Cầu Váu hay bằng chữ Nho là Cầu Bảo 求保, nghĩa là cầu sự bảo trợ của thần.
Câu đối khác ở Cầu Váu nói tới sự bình an ở đây nhờ có Thiên Đế:
曲奏霓裳天上月
人皆絃管陸中仙
Khúc tấu nghê thường Thiên thượng Nguyệt
Nhân giai huyền quản Lục trung Tiên.
Dịch:
Nghê thường tấu khúc Trăng trên Trời
Đàn hát cùng người Tiên tại đất.
Thiên Đế làm mưa còn gặp trong tục thờ Tứ pháp, với di tích chùa Đậu ở Thường Tín, nơi Sĩ Nhiếp đã cho dựng Kính Thiên Điện (nơi thờ Thiên Đế?). Tại chùa Đậu còn có chùa Vua (Thiên Đế) và hiện tìm thấy một bức tượng lạ hình một vị thần có 6 tay. Rất có thể đây chính là bức tượng Thiên Đế – thần Shiva của Hindu giáo.
Hình tượng con Bò thần cũng gặp trong sự tích của Tứ pháp và Sỹ Nhiếp, là 2 con “cừu” đá, 1 con ở chùa Dâu nơi thờ Pháp Vũ cùng Thạch Quang Phật, 1 ở lăng mộ Sỹ Nhiếp. Bản thân Thạch Quang Phật vốn là một tảng đá có hình Linga, mà Linga là biểu tượng của thần Shiva. Chùa Dâu không gì khác vốn là một điện thờ Thiên Đế, bên trong thờ Linga, ngoài thờ Tứ pháp là Tứ đại thiên vương của Hindu giáo, ngoài sân có chú bò thần Nadin ngồi chầu ở chân tháp Hòa Phong.

IMG_4569
Con Bò ở lăng Sỹ Nhiếp tại Tam Á, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Trong thần tích thì Đế Thích được Thượng Đế ban cho lục thần ngũ trí nên là người rất thông tuệ. Truyền thuyết dân gian kể thành chuyện Đế Thích là một kỳ thủ tài giỏi, đã từng so tài cùng Trương Ba và hồi mạng cho họ Trương khi mất. Đền thờ Trương Ba và Đế Thích nay ở xã Liêu Hạ, Yên Mỹ, Hưng Yên. Câu chuyện Hồn Trương Ba này cũng mang đậm màu sắc của Hindu giáo.
Các câu đối ở đền Cầu Váu thường gắn liền chuyện Đế Thích diệt quỷ Càn Sát và đánh cờ cùng Trương Ba:
滅鬼一弓方顯聖
出人半局始知天
Diệt quỷ nhất cung phương hiển thánh
Xuất nhân bán cục thủy tri thiên.
Dịch:
Trừ quỷ một cung nơi hiển thánh
Giáng nhân nửa cuộc mới biết trời.
Hay như câu:
錫類人褱多范子
侯棋世界少張公
Tích loại nhân hoài đa Phạm tử
Hầu kì thế giới thiểu Trương Công.
Dịch:
Góp lành người mong nhiều Phạm tử
Tướng cờ thế giới hiếm Trương công.
Khả năng cải tử hoàn sinh là một quyền năng rất lớn, chỉ có những bậc Thiên thần đặc biệt mới làm được. Ở đền Cầu Váu ngoài cửa nghi môn có 2 bức tượng lớn, được gọi là tượng Nam Tào Bắc Đẩu. Tức là những vị nắm sổ sinh tử của chúng sinh.

Tượng Nam Tào, Bắc Đẩu đền Cầu Váu.

Câu đối ở đền:
世無乾𩴳弓常静
人盡張公命可囬
Thế vô Càn Sát cung thường tĩnh
Nhân tận Trương Công mệnh khả hồi.
Dịch:
Đời không Càn Sát cung thường tĩnh
Người đến Trương Công mệnh còn hồi.
Như thế, Hindu giáo đã vào miền Bắc Việt từ rất sớm. Sau này những đền thờ Hindu bị chuyển thành “chùa”, tưởng rằng là thờ Phật. Bản thân các vị thần Hindu cũng được gọi là các chư Phật. Hindu giáo hay Bà La Môn, Ấn Độ giáo vốn là tôn giáo có trước Phật giáo. Về sau khi đức Thích Ca ra đời, một bộ phận lớn tín đồ Bà La Môn mới cải sang đạo Phật. Đạo Phật tới này còn dùng rất nhiều biểu tượng và thần điện của Bà La Môn.
Câu đối ở đền Cầu Váu liên quan đến nhận định này:
色空理悟曇而聖
生化機玄帝又天
Sắc không lý ngộ Đàm nhi Thánh
Sinh hóa cơ huyền Đế hựu Thiên.
Dịch:
Biết lẽ sắc không Phật mà Thánh
Diệu kỳ sinh hóa Đế cùng Trời.
Hay câu:
永清鬼類神哉佛
保惠黔黎聖即天
Vĩnh thanh quỷ loại Thần tai Phật 
Bảo huệ kiềm lê Thánh tức Thiên.
Dịch:
Mãi không loại quỷ Thần như Phật
Giữ ái dân đen Thánh cũng Trời.

 

Đôi điều về các vị tổ Thiền phái Trúc Lâm và Đạo Giáo

Một trong những tư tưởng nổi bật của Thiền phái Trúc Lâm thời Trần là tư tưởng nhập thế tích cực. Tư tưởng này như một cương lĩnh đường lối hoạt động của Thiền phái mà được thể hiện rõ trong bài Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông:
Cư trần vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền.
Hay trong câu:
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc
Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật đồ công.
Sau này có ý kiến cho rằng Trần Nhân Tông khi xuất gia đã không còn tích cực nhập thế, không còn tham gia việc thế tục nữa. Nhưng thực tế không phải vậy.
Tư tưởng nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm rất có thể là ảnh hưởng từ Đạo Giáo. Ngay khi Trần Nhân Tông xuất gia đầu tiên ở hành cung Vũ Lâm đã có đạo sĩ luôn đi cùng Phật Hoàng như trong bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn chi đồ thể hiện.
Trần Quang Chỉ trong bài dẫn đề trên bức tranh này đã ghi:
Tuổi ngoài 40, ngài bỗng có chí xuất gia, bèn truyền quốc đồ cho con, vào động Vũ Lâm tu tập… Thủa ấy có đạo sĩ Trung Quốc là Lâm Thời Vũ tháp tùng Đại Sĩ, thăm thú các nơi, có lúc viễn du giáo hóa, tế độ các nước láng giềng. Các ngài đi về phương Nam, đến tận Chiêm Thành, khất thực ở kinh đô…
Nguyên văn là Trung quốc đạo sĩ Lâm Thời Vũ 中國林時雨. Ở đây “trung quốc đạo sĩ” nghĩa là một đạo sĩ trong nước, chứ không phải đạo sĩ đến từ Trung Quốc, vì để chỉ xuất xứ từ phương Bắc khi đó sẽ dùng nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh. Còn khái niệm Trung Quốc ở thời Trần rất không rõ ràng. Nhà Nguyên không phải Trung Quốc vì là người Mông Cổ. Còn nhà Minh thời đó (Minh Thành Tổ) đang làm chiếm cả vùng Bắc Việt thì sao phải phân ra Trung Quốc với An Nam?
Tương tự như trong cùng bài giới thiệu trên của Trần Quang Chỉ phần đầu có đoạn nói Trần Nhân Tông kỳ trị quốc dĩ nhân kỳ sự trung quốc dĩ thành 其治國以仁其事中國以誠. Câu này phải hiểu là “Trị nước có nhân, xử lý việc trong nước với tấm lòng chân thành”. Còn hiểu là “đối với Trung Quốc một cách thành thực” (???) thì câu trở nên rất vô lý và tối nghĩa.
Tên Lâm Thời Vũ giống một danh hiệu hơn là một tên riêng. Họ Lâm ở Việt Nam rất hiếm. Để hiểu danh hiệu này của một người Việt “trong nước” thì cần dùng tiếng Việt (tiếng Nôm) làm căn cứ.
Xét ra thì từ “Vũ” (cho dù nó được ghi âm bằng chữ Nho là 雨, 禹 hay 武) vốn dùng để chỉ Vua trong tiếng Việt.  Trong văn hóa Trung Hoa các vị vua khai mở triều đại được đặt tên hiệu là Vũ, như Đại Vũ khai mở nhà Hạ, Chu Vũ Vương lập nhà Chu,…
Vũ là biến âm của Ngũ, là con số 5, số trung tâm của Hà đồ và Lạc thư (河圖洛書), là Dịch tượng dùng để chỉ thủ lĩnh của cộng đồng, của Thiên hạ. Do đó nó tương đương với từ Vua của tiếng Nôm.
Khi hiểu như vậy ta sẽ thấy “Vũ Lâm” có nghĩa là “chỗ vua tu ẩn” (Lâm 林 ở đây là khu vực rừng núi). Còn “Lâm Thời Vũ” tức là người tháp tùng vua. Dùng nghĩa của chữ Lâm 臨, “lâm thời” nghĩa tiếng Việt là “đi theo”. Nghĩa này đúng như bài giới thiệu đã ghi: Lâm Thời Vũ tháp tùng Đại Sĩ, thăm thú các nơi.
Bên cạnh Phật Hoàng Trần Nhân Tông luôn có một đạo sĩ đi cùng, tới mức gọi luôn là ông Lâm Thời Vũ – “Đi Theo Vua”, chứng tỏ ảnh hưởng của Đạo Giáo tới việc tu thiền của Phật Hoàng rất lớn.
Ngay cả khi Trần Nhân Tông sang tận Chiêm Thành, thì tín ngưỡng ông không quên thúc đẩy ở đây là đề cao một vị thần bản xứ. Sách Trung Châu nhân vật ký của Lam Trà Tiến sĩ Nguyễn Văn Chương ghi:
Khi lên xứ Trầm Hương – Đại Điền, nhớ lại tích xưa, tưởng niệm công đức của vợ chồng bà Tinh Vệ – Chấn Long, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông tôn phong Bà Tinh Vệ là Thiên Y Thánh Mẫu, và bàn với chúa Chiêm Chế Mân cho trùng tu lại ngôi đền thờ ông bà Tinh Vệ. Chúa Chiêm Chế Mân đã cho trùng tu ngôi đền. Trên mái trước đền tạc 4 chữ Nho Thiên Y Thánh Mẫu và 2 bên trụ đền tạc đôi câu đối do chính Thượng Hoàng Trần Nhân Tông ngự đề…

IMG_3140
Bia và tháp mộ Tam tổ Huyền Quang ở chùa Đại Bi.

Ảnh hưởng hay sự hòa đồng của Đạo Giáo trong Thiền phái Trúc Lâm còn thấy rõ ở sự tích của vị tổ thứ ba là Huyền Quang tôn giả. Xuất xứ của Tam tổ Huyền Quang hiện còn được lưu trên bia đá Đệ tam tổ Lý trạng nguyên hành trạng nay ở chùa Đại Bi, xã Thái Bảo, Gia Bình, Bắc Ninh. Sách Tổ gia thực lục chép nội dung tương tự như trên bia chùa Đại Bi, tóm tắt chuyện này như sau:
Thủy tổ của Sư là Lý Ôn Hòa, làm quan hành khiển dưới triều Lý Thần Tông. Trải qua nhiều đời đến tổ phụ là Tuệ Tổ có công đánh giặc Chiêm Thành, nhưng không ra làm quan, chỉ thích chuyện hay, sách lạ và vui thú ruộng vườn. Mẹ Sư là Lê Thị vốn người hiền đức, bản tính nhân từ, năm 30 tuổi vẫn chưa có con trai. Nhân gặp lúc có bệnh dịch hoành hành, bà đi hái thuốc trên núi Chu Sơn, dừng chân tạm nghỉ tại chùa Ma Cô Tiên. Trong khi chợp mắt bỗng mơ thấy một con khỉ lớn đầu đội mũ triều thiên, mình mặc áo hoàng bào, ôm mặt trời hồng ném vào lòng bà… Lê Thị hoài thai Sư đến 12 tháng…
Trước khi sinh nhà của Sư ở phía Nam chùa Ngọc Hoàng, một hôm thầy trụ trì chùa Ngọc Hoàng là thiền sư Huệ Nghĩa mộng thấy Đức Phật chỉ Tôn giả A-Nan bảo hãy tái sinh làm pháp khí Đông độ và phải nhớ lại duyên xưa…
Chùa Ma Cô Tiên ở núi Chu Sơn (Châu Sơn hay Trâu Sơn) gần quê của Huyền Quang nay là chùa Cô Tiên ở Châu Cầu, Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh. Sự tích Ma Cô Tiên gắn với công cuộc khởi nghiệp của một vị đế vương lớn tại núi này là Triệu Vũ Đế. Tục thờ Triệu Vũ Đế vốn được phổ biến ở 8 làng trong khu vực núi Châu Sơn là Ngọc Xá, Cựu Tự, Châu Cầu, Thất Gian, Hữu Bằng, Kim Sơn, Long Khê.
Như thế hình tượng con khỉ lớn đội mũ triều thiên mặc áo hoàng bào ở đây chính là chỉ Triệu Vũ Đế. Sự tích này ám chỉ Huệ Quang là dòng dõi từ Triệu Vũ Đế. Điều này rất có thể vì Huệ Quang là dòng dõi nhà Lý. Theo thông tin địa phương ở Châu Sơn, thân tộc nhà Lý đã di cư đến đây khi triều đại đổi sang nhà Trần. Lý cũng là họ của nhà Triệu Nam Việt vì Triệu Vũ Đế là Lý Bôn.

IMG_3765Bia Thánh tổ Cô Tiên tự bi ký tại chùa Cô Tiên ở Châu Cầu.

Điểm chú ý khác là Ma Cô Tiên được gọi là Thánh tổ trên bia còn lưu ở chùa Cô Tiên tại Châu Cầu. Còn sắc phong của làng Châu Cầu gọi bà là Thông huyền Diệu hóa Thanh hư Nhàn uyển Dực bảo Trung hưng Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa. Có thể thấy đây là một vị tổ mẫu của Đạo Giáo. Chữ “Cô” chỉ người nữ tu. Ma Cô Tiên cũng là một phúc thần phổ biến trong Đạo Giáo.
Việc bà mẹ của Huyền Quang ngụ ở chùa Cô Tiên mơ thấy khỉ mang triều phục ném mặt trời hồng vào lòng mà sinh ra Huyền Quang ám chỉ khá rõ rằng Huyền Quang có xuất xứ từ Đạo Giáo. Thêm vào đó là việc nhà sư ở chùa Ngọc Hoàng cũng mơ thấy Huyền Quang là A-Nan Tôn giả giáng thế. Chùa Ngọc Hoàng nay ở thôn Thái Bảo, xã Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh. Bia chùa còn ghi đây là “Ngọc Hoàng quán”, tức đây vừa là chùa vừa là quán. Quán thờ Ngọc Hoàng cho thấy yếu tố Đạo Giáo rất rõ.

IMG_3242
Bia Ngọc Hoàng quán ký ở chùa Ngọc Hoàng.

Huyền Quang còn được biết là người đã chắp bút (định bản) tác phẩm Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương, được mô tả là gồm các nghi lễ trong đạo Phật; các bài văn, các đạo bùa dùng trong lúc làm đàn chay, giải oan, phá ngục v.v.
Có thể thấy yếu tố bùa chú, đàn tràng, cúng giải oan, phá ngục… của Đạo Giáo được đưa vào Phật giáo thời Trần bởi chính Tam tổ Huyền Quang, hay chính qua Thiền phái Trúc Lâm từ Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

IMG_3114Đền Tam tổ ở chùa Đại Bi.

Câu đối ở đền thờ Trúc Lâm tam tổ tại chùa Đại Bi (Gia Bình, Bắc Ninh):
悲海運潮音喚醒山河千載夢
南天重聖瑞光囬社稷萬斯民
Bi hải vận triều âm, hoán tỉnh sơn hà thiên tải mộng
Nam thiên trùng thánh thụy, quang hồi xã tắc vạn tư dân.

Dịch:
Bể thương nổi tiếng triều, đánh thức núi sông ngàn năm mộng
Trời Nam dày điềm thánh, sáng soi đất nước vạn nhân dân.

 

Lịch đại đế vương miếu (Trung Quốc Bắc Kinh)

Dịch từ trang https://baike.baidu.com/item/%E5%8E%86%E4%BB%A3%E5%B8%9D%E7%8E%8B%E5%BA%99/3263484

Vào tháng 1 năm 2019, di tích bảo vệ văn hóa trọng điểm quốc gia của Hoàng gia này sẽ tròn 15 năm từ khi ra mắt. Chương trình tu bổ Miếu Lịch đại Đế vương đã được phê duyệt, và hiện đang đóng cửa để sửa chữa. Dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng vào nửa đầu năm nay và mở cửa trở lại sau khi hoàn thành vào năm 2020.
Miếu Lịch đại Đế vương, thường gọi là Đế vương miếu, tọa lạc tại số 131 phố Nội Đại, cửa Phụ Thành, quận Tây Thành, thành phố Bắc Kinh. Được khởi dựng vào thời Minh Gia Tĩnh năm thứ mười (1531), ban đầu là nền chùa Bảo An, tới năm Minh Gia Tĩnh thứ 9 (1530) thì được cải tạo lại và trùng tu năm Thanh Ung Chính thứ 9 (1729).
Miếu Lịch đại Đế vương là nơi các vua hai triều Minh Thanh thờ tự các vị hoàng đế mở nghiệp và các vị khai quốc công thần của các triều đại trong quá khứ. Vua Càn Long đã điều chỉnh nhiều lần và cuối cùng xác định 188 vị đế vương được thờ tự tại đây. Càn Long thậm chí còn đưa ra quan điểm về “dòng giống Trung Hoa không bao giờ tuyệt”. Đây là một di tích kiến trúc tinh xảo của Trung Quốc, là nơi thu hút người Hoa trong và ngoài nước thờ cúng Viêm Hoàng tổ tiên, tôn vinh các nhà hiền triết, tăng cường niềm tự hào lịch sử và sự gắn kết dân tộc, một địa điểm ngưng tụ văn hóa quan trọng của Trung Quốc.

Giới thiệu
Miếu Lịch đại Đế vương ban đầu được xây dựng thời Minh Gia Tĩnh thứ 9 (1530), là nơi các vua hai triều đại Minh Thanh cúng tế tổ tiên, có địa vị tương đương với Thái miếu và Khổng miếu, cùng gọi là 3 ngôi miếu lớn của hoàng gia Minh Thanh tại Bắc Kinh.
Người Trung Quốc từ cổ tới nay có tập quán cúng tế tổ tiên, Tam Hoàng được xem là tổ tiên đầu tiên của người Trung Quốc, nên các đế vương các đời đều ngưỡng mộ. Các vị hoàng đế ban đầu là những tấm gương cho các thế hệ tiếp theo học hỏi và noi dõi, vì vậy việc cúng tế  các vị vua này được chú trọng.
Ban đầu, hoàng đế sáng lập nhà Minh là Chu Nguyên Chương đã xác định cúng tế 16 vị đế vương. Hoàng đế Thuận Trị nhà Thanh định đô ở Bắc Kinh sau đó xác định 25 vị vua được thờ cúng. Các thời Khang Hy, Ung Chính, Càn Long đã đặc biệt coi trọng Miếu Lịch đại Đế vương. Khang Hi từng ban một sắc lệnh: ngoài những người vô đạo bị xử chết và các vị phản quốc, tất cả các hoàng đế đã từng lên ngôi đều được lập bài vị trong đền.
Càn Long sau khi điều chỉnh, cuối cùng xác định 188 vị đế vương để thờ tự, từ Minh Gia Tĩnh năm thứ 9 đến cuối thời nhà Thanh có 380 năm, tại Miếu Lịch đại Đế vượng tổng cộng đã cử hành hơn 662 lễ cúng tế lớn.
Miếu Lịch đại Đế vương chiếm 21.500 m2, hiện là nơi ngôi đền duy nhất ở Trung Quốc thờ Tam Hoàng Ngũ Đế Trung Hoa, các bậc đế vương các đời cùng với các văn thần võ tướng của hoàng gia các nhà Minh Thanh. Đó là bằng chứng lịch sử cho tiến trình phát triển quốc gia nhiều dân tộc thống nhất kế thừa liên tục không ngừng của Trung Quốc.
Thời Dân quốc sau đó việc thờ cúng bị dừng lại, chuyển cho ngành giáo dục sử dụng. Thời thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chuyển cho Trường trung học nữ đệ tam của thành phố Bắc Kinh sử dụng, sau đó đổi tên thành Trường trung học 159 Bắc Kinh.
Năm 1979 được công nhận là di tích bảo tồn văn vật của thành phố Bắc Kinh. Năm 1996 Quốc vụ viện công bố là di tích bảo tồn văn vật trọng điểm quốc gia.

Bài trí
Điện Sùng thánh Cảnh đức được đặt ở vị trí trung tâm, toàn điện là kiến trúc mái chính và 2 chái bên, cùng với Thái Hòa điện của Cố Cung nằm cùng một cấp, trung bình cao 21m, mặt chính có 9 gian, vào sâu 5 gian, theo tiêu chí lễ chế đế vương “cửu ngũ chi tôn”.
Bên dưới là một loại gạch lát sàn được làm đặc biệt cho hoàng gia, còn được gọi là “gạch vàng”. Các viên gạch vàng mang lại cho mọi người cảm giác mịn màng và ngọc bích, và chúng không bị trơn khi bước lên. Các hạt rất mịn và dày đặc. Các “gạch vàng” được sử dụng để cải tạo đã được làm trong các “lò ngự” ở Tô Châu ngày nay. Các vật liệu, nung và chế biến có quy trình nghiêm ngặt. Trước khi đặt, chúng được xử lý bằng cách ngâm dầu và mài bề mặt.
Trong sảnh chính, có bảy cung khám phụng thờ bài vị của 188 hoàng đế các đời Trung Quốc. Trong khám thờ ở vị trí chính trung là bài vị Phục Hy, Hoàng Đế, Viêm Đế, hai bên phải trái chia ra có 6 khám, dùng thờ Ngũ Đế và Hạ, Thương, hai nhà Chu, Cường Hán, Thịnh Đường, Ngũ đại thập quốc, Kim, Tống, Nguyên, Minh các đời, tất cả là 185 bài vị đế vương.
Điện Cảnh đức Sùng thánh Đông Tây hai bên có các điện thờ, dùng để thờ cúng Bá Di, Khương Thượng, Tiêu Hà, Gia Cát Lượng, Phòng Huyền Linh, Phạm Trọng Yêm, Nhạc Phi, Văn Thiên Tường, tất cả 70 bài vị của các vị đại hiền tướng, danh tướng. Ở giữa, Quan Vũ một mình lập một miếu, thành ra miếu trong miếu khá đặc biệt.
Điện Cảnh đức Sùng thánh trong Miếu Lịch đại Đế vương, cửa Cảnh Đức, hai điện phối thờ Đông và Tây chủ yếu còn giữ được  các đồ thời nhà Minh để lại, trong khi các bức tranh tường và gạch tráng men chủ yếu là vào thời Càn Long của triều đại nhà Thanh.
Mặc dù Cố Cung, Di Hòa Viên, Thiên Đàn, Khổng Miếu và các tòa nhà khác đều được xây dựng từ thời nhà Minh, nhưng không có nhiều hiện vật của nhà Minh được bảo tồn. Do đó Miếu Lịch đại Đế vương nơi còn giữ lại được một số lượng lớn các cấu kiện thời Minh là rất hiếm.

Lịch sử xây dựng
Triều Minh dời đô về Bắc Kinh, việc tế tự các đế vương thời trước được tiến hành hoặc ở Nam Kinh hoặc ở vùng ngoại ô Bắc Kinh tại điện văn hóa Cố Cung. Hoàng đế Gia Tĩnh vào năm thứ 9 (1530) đã khởi dựng Miếu Lịch đại Đế vương ở Bắc Kinh, thờ cúng các nhân vật được thu tập trước đây từ Nam Kinh, chỉ dùng bài vị, không làm tượng. Năm Gia Tĩnh thứ 14 (1545) loại bỏ Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt và Mục Hô Lý cùng 5 bài vị đại thần nhà Nguyên.
Sau đó, ngôi đền cũ ở Nam Kinh đã bị bỏ hoang. Miếu Lịch đại Đế vương Bắc Kinh trở thành nơi duy nhất trong cả nước thờ phụng đế vương các đời. Trong lịch sử lâu dài của lịch sử Trung Quốc, một loạt các nhân vật từ Tam Hoàng Ngũ Đế cho đến các đế vương các đời đã được hình thành. Việc tế tự các vị này của hậu thế là một bộ phần của lễ chế quốc gia từ xưa.
Ngay từ thời kỳ Tiên Tần, Sách “Lễ Ký, Tế pháp”, đã nêu rằng việc “làm pháp cho dân”, “hy sinh vì việc công”, “vất vả gây dựng đất nước”, “chế ngự thiên tai”, “giảm thiểu hoạn lớn” đều được linh ứng mà tế tự, từ Phục Hy, Viêm Đế, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Chu Văn Vương, Vũ Vương đều là những nhân vật tiêu biểu quan trọng cho thờ cúng.
Các triều đại Tần và Hán đối với việc thờ cúng Tam Hoàng Ngũ Đế cùng các đế vương các đời trước được duy trì liên tục và có sự phát triển thay đổi: từ lăng mộ đến đền thờ, từ cúng tế từng nhân vật đến các nghi lễ tập thể. Từ thờ cúng các đế vương mở nước đến thờ các đế vương giữ nghiệp, từ thờ cúng các đế vương người Hoa Hạ – Hán đến thờ cúng các đế vương của các dân tộc khác, từ chủ yếu thờ các đế vương tới thờ các hiền thần có công vun đắp trong quá trình phát triển.

Triển lãm lịch sử phát triển Miếu
Triển lãm lịch sử phát triển Miếu Lịch đại Đế vương tại điện phía Đông, chủ yếu giới thiệu Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, Minh Gia Tĩnh Chu Hậu Thông, Thanh Thuận Trị Đế Phúc Lâm, Thanh Khang Hy Đế Huyền Diệp, Thanh Ung Chính Đế Dận Chân, Thanh Càn Long Đế Hoằng Lịch là 6 vị hoàng đế nhà Minh và Thanh đã sáng lập, bổ sung và phát triển việc thờ cúng Miếu Lịch đại Đế vương. Việc làm của họ tạo thành dòng phát triển chính của hệ thống nghi lễ thờ cúng tại Miếu Lịch đại Đế vương.

Tế tự
Ở điện chính của ngôi đền thờ tự các nhân vật chính, 38 vị chính được đặt tại đây. Trong phần trưng bày giới thiệu cả các hoàng đế sáng lập và các hoàng đế giữ nghiệp, cả các nhân vật đế vương người Hoa Hạ – Hán và cả các nhân vật người dân tộc khác, phản ánh đặc điểm lịch sử của quốc gia đa sắc tộc thống nhất tiếp nối ở Trung Quốc. Thêm vào đó cũng giới thiệu với công chúng nhiều văn thần võ tướng lớn, bao gồm nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng, nhờ đó làm phong phú nội dung của triển lãm.
Khu đơn nguyên thứ nhất: Chủ yếu để thờ các nhân vật đế vương thời Tam Hoàng Ngũ Đế.
Khu đơn nguyên thứ hai: Thờ các nhân vật thời Tần Thủy Hoàng, Tào Tháo, Dương Kiên.

Triển lãm
Họ tên là biểu tượng hình ảnh cá nhân, nó gắn với bạn theo mỗi người từ lúc sinh ra. Tuy nhiên, bạn có thể không biết hết ý nghĩa của nó. Chẳng hạn, họ của bạn bắt nguồn từ đâu, sống ban đầu ở đâu, có bao nhiêu năm lịch sử, có bao nhiêu vị tiên hiền, đặc biệt tổ tiên của bạn là ai? Có liên quan đến Tam Hoàng Ngũ Đế không? Đối với hầu hết mọi người, đó là một bí ẩn rất thú vị cần được trả lời.
Triển lãm chuyên đề “Tam Hoàng Ngũ Đế và họ trăm nhà” có tuyến trưng bày chủ yếu gồm 8 vị hoàng đế cổ xưa Phục Hy, Viêm Đế, Hoàng Đế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu Đế, Thuấn Đế, mà từ đó phát triển ra cho tới nay thành trăm họ khác nhau. Trước tiên, giới thiệu các vị thủy tổ của mỗi họ (bao gồm viễn tổ và tiên tổ), biển hiệu đề họ, sảnh đường nối liền, các quận có thờ họ, các họ khác có liên hệ huyết thống, dòng gốc đã phát di ra các nơi, các bậc tiên hiền xưa cùng các thắng tích quan trọng.
Tại trung tâm thờ Tam Hoàng Ngũ Đế của Miếu Lịch đại Đế vương tổ chức triển lãm chuyên đề “Tam Hoàng Ngũ Đế và họ trăm nhà”, giúp bạn tìm kiếm nguồn gốc tổ tiên, thông qua những tri thức liên quan về văn hóa dòng họ, làm sâu sắc hơn việc lý giải thủy tổ cộng đồng dân tộc Trung Hoa – Tam Hoàng Ngũ Đế.
Hy vọng rằng khi bạn bước vào phòng triển lãm “Tam Hoàng Ngũ Đế và họ trăm nhà”, bạn thực sự có thể cảm thấy: Trăm họ một nhà, bắt nguồn từ Hoa Hạ!
Kèm theo danh sách họ trăm nhà trong triển lãm:
Theo hệ từ Viêm Đế : Khương, Lữ, Khâu (Khâu), Sài, Đinh, Cao, Hứa, Lô, Tạ, Thôi, Thân, Lôi, Dịch, Liên, Hướng, Tập, Cung, Kỉ, Phương, Chương, Nhạc, Tiêu, Tề, Hạ, Nhiêu.
Theo hệ từ Hoàng Đế: Nhâm, Trương, Vương, Chu, Ngô, Trịnh, Dương, Quách, Cổ, Tương, Thái, Mao, Tiết, Hàn, Hà, Vu, Thiệu, Ngụy, Khang, Phùng, Cát, Uông, Dư, Cáo.
Theo hệ từ Thiếu Hạo: Kim, Tần, Triệu, Mã, Lương, Từ, Hoàng, Giang, Lí.
Theo hệ từ Chuyên Húc: Chúc, Tào, Chu, Đổng, Lục, Phan, Ôn, Tô, Cố, Nghiêm, Phí, Sở, Hạ, Tằng, Bạch, La, Long, Trang, Hùng, Diệp, Bành, Tiễn, Trầm.
Theo hệ từ Đế Khốc: Thang, Tống, Tiêu, Khổng, Đái, Lâm, Vũ, Đặng, Phó.
Theo hệ từ Nghiêu Đế: Y, Kì, Đào, Đường, Lưu, Đỗ, Phạm, Phòng, Hồng.
Theo hệ từ Thuấn Đế: Diêu, Ngu, Trần, Hồ, Điền, Viên, Trâu, Chân, Tôn.

Kiến trúc
Bước vào cửa Cảnh Đức về phía Bắc là khoảng sân lớn nhất của Miếu Lịch đại Đế vương. Ở giữa sân là điện Cảnh Đức Sùng Thánh, là kiến trúc chủ thể của Miếu Lịch đại Đế vương. Theo bản vẽ “Đại Thanh hội điển đồ”, điện Cảnh Đức Sùng Thánh, rộng 9 gian, mái phủ, góc mái uốn cong, rường cột năm sắc, nền lát đá. Ở phía Nam, có ba cấp bệ, ở giữa có 3 cấp, ở mỗi bên trái và phải đều có một cấp. Phía Đông và Tây có 1 bệ, ở giữa đều có 2 cấp. Điện Cảnh Đức và Ngự Bi đình ban đầu được làm bằng men xanh. Vào năm Càn Long thứ 29 chúng được đổi thành men vàng.
Tên điện Cảnh Đức Sùng Thánh có ý là “cảnh ngưỡng đức chính, sùng thượng thánh hiền” (ngưỡng mộ chính đức, tôn tùng thánh hiền). Kiến trúc này cho dù ở các hình chế, mái, cột, dầm, phù điêu, họa sắc cùng các hạng mục bên trên là phong cách của kiến trúc hoàng gia, theo quy định tối cao. Chỉ có cung điện, lăng mộ và các tòa nhà hoàng gia mới có thể sử dụng hình thức này.
Điện Cảnh Đức Sùng Thánh rộng chín gian, sâu năm gian, tượng trưng nghĩa “Cửu ngũ chí tôn” của Thiên tử. Mỗi không gian được bao quanh bởi bốn cột theo cả hai chiều rộng và sâu được gọi là một gian. Không phụ thuộc vào kích thước, gian là đơn vị thấp nhất trên mặt bằng của điện, tùy theo vật đặt trong gian to hay nhỏ mà gian được thiết kế to nhỏ và ít nhiều tương ứng. Xét các di chỉ thời nhà Thương và các đồ tế tự nhà Hán thì số gian trong các kiến trúc sớm của Trung Quốc chủ yếu là số chẵn, và ở giữa gian phải là một trụ cột. Mọi người chỉ có thể vào và ra từ một phía. Vì vậy, nó dần dần thay đổi thành số lẻ. 9 gian là đẳng cấp cao nhất.
Tòa điện này làm theo kiểu mái trùm, góc cong, và gạch của nó là gạch tráng men vàng. Các trụ cột của nó được tạo thành từ 60 loại gỗ tốt, và các bức tranh của nó là rồng vàng trên ấn. Trong điện treo tấm biển do Hoàng đế Càn Long ngự đề. Bên trên biển có 4 chữ “Báo công quan đức”. Trong điện chia làm 7 khám thờ, và tổng cộng phụng sự 188 bài vị của các đế vương trong quá khứ. Bài vị nền đỏ chữ vàng. Sảnh chính được xây dựng trên một bục cao, và có một cái đài trước đền. Có lan can đá ở các hướng Đông, Tây và Nam. Có ba bệ ở phía Nam của đài, ở giữa là đường đi cho vua.
Kiến trúc tổng thể của điện Cảnh Đức Sùng Thánh trang nghiêm và trang trọng, với giá trị thẩm mỹ cao.

Đặc điểm kiến trúc
Miếu Lịch đại Đế vương Bắc Kinh là một di tích bảo tồn văn hóa trọng điểm quốc gia. Đây là một di sản kiến trúc lịch sử cấp hoàng gia. Miếu Đê vương là một quần thể kiến trúc, theo bố cục được thiết kế trên xà, giữa có tuyến trục. Ở trục giữa trên là nơi có kiến trúc đẹp cao cấp. Từ phía Nam đến phía Bắc, có một bức tường tranh lớn, sau đó là cổng miếu, và sau đó là cửa Cảnh Đức. Sau đó là tòa nhà chính điện Cảnh Đức Sùng Thánh, sau điện có kho đựng đồ tế khí. Ở chính điện hai bên phải trái có 4 đình Ngự Bi cùng các điện phối thờ Đông và Tây.
Trục trung tâm từ cửa Miếu, cửa Cảnh Đức, điện Cảnh Đức Sùng Thánh, kho tế khó chiếm từ Bắc hướng Nam. Kiến trúc thực tế hàng ngàn năm của Trung Quốc cho rằng ở Bắc hướng Nam là hướng quay lý tưởng nhất. Thiên văn học cổ đại dựa vào các chòm sao chia thành Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ, đại diện cho các hướng Đông Tây Nam Bắc. Vì người xưa thường quay mặt về phía nam để quan sát, do đó bản đồ các thiên tượng được trình bày trên Nam dưới Bắc, và những vị vua cai trị các thời đại đã quay mặt phương Nam để trị thiên hạ.
“Kinh Dịch” nói: Thánh nhân quay mặt phương Nam để lắng nghe thiên hạ, hướng về chỗ sáng mà trị vì. Ở các kiến trúc cổ của Trung Quốc trong bố cục thì chính điện thường nằm ở vị trí trung tâm. Miếu Lịch đại Đế vương có bố cục tại trung tâm là điện Sùng Thánh. Tòa nhà này vượt lên cao cách biệt với mái đầm góc bay, dùng gạch tráng men màu vàng. Chiều rộng của đại điện rộng khoảng 51m, và chiều sâu của năm gian là khoảng 27m. Nó là lễ chễ “Cửu ngũ chí tôn”. Ngôi đền cao 21m và có 60 cây cột trụ gỗ Chò. Nóc điện là các cột lớn với các dầm xà khổng lồ chống đỡ mái đền. Đại điện bên trong vẽ hoa văn xoắn, các mảng bám bên ngoài được vẽ rồng vàng cuốn ấn, đặc biệt tráng lệ.
Thần vị của Tam Hoàng Ngũ Đế cùng với các đế vương các thời được phụng thờ trong điện Cảnh Đức Sùng Thánh. Lớp chính điện này có quy cách tương đồng như của Tử Cấm Thành. Sảnh chính nằm trên một bục đài cao. Phía trước điện có một cái bục rộng, lan can đá và đường đi của vua hạm khắc hoa văn mây núi. Thần vị của các công thần danh tướng các đời được sắp xếp “văn Đông võ Tây”, được thờ ở trong các điện phối thờ bên Đông và Tây. Các điện phối thờ Đông và Tây được kiến trúc bằng các ngói men đen, mái đầm, nóc hướng cao. Hai bên điện chính có 4 ngự bi đình, có kiến trúc đẹp, lợp ngói men vàng, mái đầm, nóc hướng cao. Bên trong đình để bia chạm khắc các hình sông núi biển hồ. Các bia ngự của Ung Chính và Càn Long to cao hùng vĩ, chạm trổ tinh vi.  Trán bia được chạm khắc hình tròn chim đại bàng và rồng, từ cao nhìn xuống, oai nghiêm khác thường, so với các loại bia ngự khác trên cả nước là loại tốt nhất. Những con rùa dưới tượng đài cũng vô cùng to lớn, cổ kính và mạnh mẽ.
Ở phía Đông Nam Miếu có một số tòa nhà như nhà bếp, kho, chỗ giết mổ, giếng, và một tháp chuông. Cổng đền rất long trọng, với hai bia Hạ Mã trước cửa và một bức tranh tường đỏ khổng lồ. Trên bia Hạ Mã có dòng chữ “Quan chức, nhân dân đều xuống ngựa ở đây” khắc bằng tiếng Hán, tiếng Mông Cổ, tiếng Mãn, cho thấy sự uy nghi và tôn quý của Miếu Lịch đại Đế vương.
Hiện trạng của Miếu Lịch đại Đế vương là diện mạo của thời kỳ huy hoàng nhất của Thanh Càn Long, có bố cục rất nghiêm ngặt và tráng lệ, khí thế to lớn. Vì nó chủ yếu giữ lại cấu trúc ban đầu khi nhà Minh xây dựng, giá trị kiến ​​trúc và giá trị văn hóa là vô cùng lớn. Đây là ngôi đền hoàng gia duy nhất hiện còn ở Trung Quốc.

Trang trí nghệ thuật
Các trang trí ở Miếu Lịch đại Đế vương đã được các chuyên gia khảo sát và chia làm 3 giai đoạn:

  1. Trang trí thời Minh Gia Tĩnh khi mới xây dựng, tức năm 1530.
  2. Trang trí thời Thanh Ung Chính khi đại tu, tức năm 1729.
  3. Trang trí thời Càn Long khi sửa chữa, tức năm 1764.

Những trang trí có giá trị nhất trong Miếu Lịch đại Đế vương là những bức làm khi khởi lập, những bức này vẫn còn được bảo tồn trong Miếu tới nay, nhưng tiếc là người thường không dễ nhìn thấy. Trên trần của điện Cảnh Đức Sùng Thánh có mảng tranh trên trần, có ba gian tranh vẽ, trang trí hết sức kỹ thuật, là những bức tranh rất có giá trị của nhà Minh. Ở cửa Cảnh Đức bên sườn cao cũng có một bức tranh màu về thời kỳ Minh Gia Tĩnh khởi tạo, cũng ở trên trần nhà. Trang trí của nó khác với chính điện, và thợ có tay nghề kém tinh tế hơn trong đại điện.
Ngoài ra, tường phía Đông là nhà bếp nhà kho, cũng còn lưu được một số dấu tích trang trí từ thời khởi lập. Ở khu giết mổ có ở mặt Nam và Tây mỗi phía còn một mảnh trang trí. Các thế hệ sau này đã thực hiện các bức tranh thời nhà Thanh trên lớp phủ cũ, vì vậy họ để lại một số dấu vết.
Ngoài bức tranh trần ba gian điện Cảnh Đức Sùng Thánh còn có mẩu bức tranh bằng tấm gỗ trắng. Điều này cho thấy đó là tác phẩm gốc của thời Minh Gia Tĩnh. Sau đó, các đường gờ không được sửa chữa nhiều lần. Tại sao nhà Thanh khi đại tu sửa di tích đã không động tới bức tranh của Minh Gia Tĩnh? Chuyên gia về xây dựng cổ đại đã phân tích rằng có thể nhà Thanh muốn để lại một thông điệp cho các thế hệ tương lai.
Những bức trang trí quy mô lớn do nhà Thanh làm cũng là một lý do giải thích việc này. Nếu người sở hữu phải xây dựng lại cung điện cũ, họ không có nhiều nguồn tài lực. Do đó chỉ làm lại những trang trí ở bên dưới là đủ. Các bức tranh thời Minh được làm ban đầu trên trần nhà, và người thường không nhìn thấy chúng, vì vậy chúng sẽ không được thay thế. Có lẽ do đó đã vô tình được bảo tồn. Cũng có thể là nếu dỡ bỏ các bức phía trên thì sẽ động chạm đến các vật bên dưới, không thuận tiện để di dỡ.

Lễ hội tế tự
Miếu Lịch đại Đế vương ban đầu được xây dựng năm Minh Gia Tĩnh thứ 9 (1531), tiếp tục được sử dụng vào thời nhà Thanh, cho tới nay đã có 470 năm lịch sử. Miếu Lịch đại Đế vương là trung tâm thờ tổ tiên Phục Hy, Viêm Hoàng, là nơi duy nhất trong cả nước tập trung điện thờ Tam Hoàng Ngũ Đế, đế vương các đời và các công thần danh tướng cùng với các vị tiên hiền Trung Hoa ở trong một miếu điện thờ thần thánh. Hiện đây là di tích bảo vệ văn vật trọng điểm quốc gia, có giá trị lịch sử cao. Nó được mở cửa cho công chúng vào năm 2004 sau khi chính phủ đầu tư mạnh vào việc sửa chữa toàn diện vào năm 2000.
Việc khai trương Miếu Lịch đại Đế vương Bắc Kinh đã mang lại một sản phẩm du lịch mới trong thị trường du lịch tại đây. Do bối cảnh văn hóa và lịch sử đặc biệt, Miếu Lịch đại Đế vương đã trở thành điểm thu hút mới của các công ty lữ hành lớn trong nước. Năm 2004, Miếu Lịch đại Đế vương bắt đầu tổ chức lại các hoạt động tế tự tổ tiên người Hoa. Với sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch thành phố Bắc Kinh, các hoạt động nghi lễ của Miếu Lịch đại Đế vương được tổ chức hàng năm, kết hợp với tìm hiểu lịch sử của đất nước, thử nghiệm ẩm thực quốc gia và các trò vui chơi cấp quốc gia cùng với Miếu tạo ra một sản phẩm du lịch riêng biệt. Nó đã đóng một vai trò quan trọng trong việc quy tập người Hoa trong trong và ngoài nước. Nó đã trở thành một địa điểm tinh thần cho người Hoa trong và ngoài nước để tìm kiếm gốc rễ và tổ tiên. Nó trở thành điểm biểu tượng mở rộng của tuyến du lịch văn hóa và trở thành điểm quan trọng của Thế vận hội nhân văn 2008.

Lễ nhạc
Con người ngày nay khá xa lạ với hệ thống nghi lễ cổ xưa. Các nghi lễ cổ xưa đã mất từ ​​lâu. Nền tảng của lễ nhạc cổ đại là Chu Lễ. Lễ nhạc thời Chu nay khó tìm được dấu vết. Tuy nhiên, văn hóa lễ nhạc truyền thống, như máu và nước, đã thấm vào máu thịt của dân tộc Trung Hoa, và luôn ảnh hưởng đến quan niệm, tâm lý, hành vi và cảm xúc của người ngày nay.
Lễ nhạc là gì? Các học giả tin rằng: nghi thức và âm nhạc là tất cả các mô phỏng hoặc biểu hiện của vũ trụ và quy luật tự nhiên. Nghi lễ được xây dựng theo các nguyên tắc khác nhau của thế giới, luân chuyển bốn mùa, sự phát triển lẫn nhau của sáu khí và các nguyên tắc phù hợp của tất cả mọi thứ. Âm nhạc là thành phần và sự chuyển động của quy luật tự nhiên. Quy luật của sự thay đổi và mô phỏng và cảm giác của hình thức. Quà tặng và âm nhạc được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nghi lễ chủ yếu được sử dụng để phân biệt đối xử, để phân biệt các cấp bậc cao quý của từng thành viên để họ làm rõ tình trạng, nhiệm vụ và nghĩa vụ tương ứng.
Âm nhạc chủ yếu được sử dụng “cầu hòa”, điều chỉnh cảm xúc bên trong của con người và điều phối các mối quan hệ tương thân tương thích giữa người với người. Cả hai nghi thức và âm nhạc đều phải ở mức độ vừa phải. Nếu vượt qua phạm vi, nó sẽ gây hỗn loạn. Lễ và nhạc như anh chị em sinh đôi, không thể tách rời. Trong hệ thống văn hóa lễ nhạc, lễ chiếm vị trí chính, nhạc là để phối hợp. Nói chung, các nghi lễ khác nhau cần có nhạc và múa khác nhau, và không được trộn lẫn, cũng như và những người ở đẳng cấp độ khác nhau thì dùng các loại lễ nhạc mức độ khác nhau. Từ hoàng đế, chư hầu, đại phu đến các học giả, múa nhạc được sử dụng một cách nghiêm ngặt nhất định. Quy mô của ban nhạc, số lượng các nhóm nhảy, các bản nhạc diễn tấy, lời từ cho ca xướng và thậm chí các quy trình biểu diễn đều dựa trên các dịp âm nhạc khác nhau và bản sắc khác nhau của các nhạc sĩ, không được vượt khác.

Miếu không Phật
Có một câu truyền miệng phổ biến ở khu vực Bắc Kinh về Miếu Lịch đại Đế vương: “Có nước không cầu, có bia không tượng, có chuông không trống, có miếu không Phật”. Một số người thường coi miếu và Phật là một. Trên thực tế, có rất nhiều ngôi miếu không có Phật. Người xưa để tế tự các vị thần tự nhiên đã thiết lập các đàn tế, như ở Bắc Kinh Thiên Đàn, Địa Đàn, Nguyệt Đàn, Nhật Đàn, Xã tắc Đàn, v.v. Các đàn tế này thường được đặt ngoài trời. Hầu hết việc cúng tế tổ tiên xưa được thực hiện trong nhà, và những nơi thờ cúng tổ tiên được gọi là đền thờ hoặc miếu thờ.
Đàn cùng với miếu ban đầu được làm khá sơ sài. Sau này, một số nơi việc tế tự các vị thần tự nhiên được đổi lại thành miếu, ví dụ như miếu lớn để thờ Thái Sơn. Thêm vào đó, với sự du nhập của Phật giáo và sự truyền bá Đạo giáo, các công trình tôn giáo thường được gọi tên chung là miếu, chẳng hạn như nhiều ngôi chùa “miếu” Phật giáo và đền thờ Đạo giáo ở trên núi. Theo cách này, cùng một từ “miếu”, nhưng một số là các kiến trúc tôn giáo và một số vẫn được sử dụng cho việc cúng tế. Miếu Lịch đại Đế vương ở Bắc Kinh không phải là nơi tu tập của tôn giáo xét theo đối tượng thờ. Họ không phải là các vị thần hay chư Phật. Họ là tổ tiên của thời lịch sử của Trung Quốc, từ Tam Hoàng Ngũ Đế đến Hạ, Thương, Chu, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh các bậc đế vương cùng với các công thần danh tướng.
Miếu Lịch đại Đế vương ở Bắc Kinh là một ngôi đền hoàng gia trong triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Nó được thành lập vào thời Minh Gia Tĩnh thứ mười năm 1531 và có lịch sử hơn 470 năm. Các triều đại nhà Minh và nhà Thanh phụng sự tổ tiên Trung Hoa và các tiên hiền trong lịch sử, thực hiện một loạt nghi lễ trong ngôi đền linh thiêng và trang nghiêm này. Hoạt động nghi lễ này được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu hàng năm theo hệ thống nghi lễ quốc gia. Hoàng đế Minh Gia Tĩnh, Hoàng đế Thanh Khang Hy, Ung Chính và Càn Long đã đích thân đến tế lễ ở Miếu Lịch đại Đế vương Bắc Kinh. Trong thời gian bình thường, hoàng đế đã chỉ định một đại thần triều đình đến tế lễ.
Do đó, Miếu Lịch đại Đế vương có một địa vị chính trị quan trọng, cũng giống Thái Miếu là nơi các vị hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh thờ cúng tổ tiên trực tiếp của mình và Khổng Miếu là nơi thờ phụng Khổng Tử, gọi chung là ba ngôi miếu hoàng gia Minh Thanh ở Bắc Kinh. Để dùng cho việc thờ cúng ở Miếu Lịch đại Đế vương, một ngôi miếu có địa vị lịch sử rất cao, kiến trúc của nó được làm theo những tiêu chuẩn rất cao và phong cách hoàng gia sang trọng, khí phái. Ngày nay, Miếu Lịch đại Đế vương đã chính thức mở cửa, đã được sửa chữa và khôi phục một phần theo đúng hình dáng ban đầu và mô hình của thời Càn Long của nhà Thanh. Kiến trúc này là một “tượng đài của văn hóa nhân loại”, và kiến trúc sư nổi tiếng Lương Tư Thành gọi kiến trúc cổ là “cột mốc của lịch sử”. Miếu Lịch đại Đế vương ở Bắc Kinh là một công trình kiến trúc kinh điển “đất này không danh tiếng mà thắng có danh tiếng”. Nó nói với mọi người về thông tin lịch sử và văn hóa phong phú.

Những điều mới biết về Ma Cô Tiên ở Châu Sơn

Ma Cô Tiên trong thần thoại Trung Hoa là một nữ thần trường thọ cùng với Tây Vương Mẫu. Thế nhưng ở Việt Nam lại có di tích và tục thờ Ma Cô Tiên từ lâu đời, gắn liền với một giai đoạn giao thời đặc biệt giữa huyền thoại và lịch sử.
Đại Nam nhất thống chí chép: Núi Trâu Sơn còn gọi là núi Vũ Ninh ở phía Đông huyện Quế Dương 12 dặm, núi non liên tiếp kéo dài, trên núi có Việt Tỉnh (Giếng Việt). Tục truyền đời Hùng Vương, vua nhà Ân sang xâm lăng, đóng binh ở dưới núi. Đổng Thần Vương đánh phá, Ân Vương chết tại núi này, người nơi ấy lập đền thờ, lâu năm đền bỏ hoang. Đến đời Tần có Thôi Lượng sửa sang lại. Ân Vương cảm ơn ấy sai Tiên Ma Cô trao thuốc tiên cho con của Lượng, chữa được bệnh bướu cổ. Ở bên núi có đền Ma Cô Tiên, lại có hai đền thờ, thờ Triệu Vũ Đế và Triệu Việt Vương.

IMG_3798
Một tấm bia
? Cô Tiên tự với chữ bị xóa.

Ở Trâu Sơn nay tại làng Châu Cầu (xã Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh) có ngôi cổ tự mang tên chùa Cô Tiên. Khi xem các bia đá cổ tại chùa thì phát hiện thấy tất cả những chỗ có tên chùa đều bị đục mất 1 chữ trước chữ Cô Tiên. Theo ông Nguyễn Quang Khải, là một nhà nghiên cứu tôn giáo có thâm niên ở Bắc Ninh, thì cách đây hơn 30 năm ông đã từng đọc bia tại chùa này. Khi đó chữ bị đục vẫn còn nhận ra là chữ Ma và như thế chính tên ngôi chùa này là chùa Ma Cô Tiên 麻姑仙.
Sự tích về Ma Cô Tiên được ghi trong Truyện Giếng Việt của Lĩnh Nam chích quái: Tiết Thượng nguyên tháng Giêng, phương dân đi lễ đền, có người cúng một cặp bình pha lê. Ma Cô cầm lên tay ngắm nghía, bỗng bình rơi xuống đất, vỡ sứt một mảnh; người ta bắt Ma Cô lại đòi bồi thường. Ma Cô mặc áo rách, không ai biết là người tiên; họ mới lấy roi đánh. Thôi Vỹ thấy thế thương hại, cởi áo đền hộ nàng; Ma Cô được khỏi đánh.
Chuyện Ma Cô Tiên đánh vỡ bình ở đền được Thôi Vỹ (con của Thôi Lượng) cứu giúp rất giống truyện Từ Thức gặp tiên làm gãy cành hoa mẫu đơn ở huyện Tiên Du, cũng trong Bắc Ninh. Từ Thức sau vào hang động gặp được Giáng Tiên, còn Thôi Vỹ rơi xuống giếng rồi gặp Ma Cô Tiên, được Ma Cô Tiên tìm người con gái gả cho Thôi Vỹ. Từ Thức ra về bằng một cỗ xe đi rất nhanh còn Thôi Vỹ được kể là do Dương quan đưa về. Dương quan nhân biến thành một con dê đá đứng ở trên núi, nay con dê ấy còn ở sau đền Việt Vương trên núi Trâu.
“Con dê đá” ấy nay đúng là vẫn còn ở Trâu Sơn, nhưng nó không phải là Dê. Nay ở làng Cựu Tự của xã Ngọc Xá còn một tượng đá lớn cao gần bằng người, có hình một con vật kỳ lạ, có chân móng guốc, có sừng cong như sừng dê. Nhưng con vật này trên thân có vảy và có cánh ngắn ở cổ vai. Quan sát kỹ còn nhận ra con vật này có mỏ nhọn như mỏ chim.

IMG_2719Tượng linh vật đá ở làng Cựu Tự.

So sánh với các hình tượng linh vật cổ chợt nhận ra, đây là con Phi Liêm, một dạng kết hợp giữa Rồng và Phượng. Phi Liêm là linh vật phổ biến vào thời Tần Hán ở Trung Quốc. Phi Liêm tượng trưng cho thần gió (Phong Sư) và là tiền thân của các hình tượng Thiên Lộc, Tỳ Hưu, Kỳ Lân sau này.
Truyện Giếng Việt cho biết: Đến đời Nhâm Ngao, Triệu Đà Nam xâm lại đóng quân ở núi này, lại trùng tu miếu mạo, cúng tế hậu hĩnh.
Như thế đền thờ Ân Vương ở Trâu Sơn đã được Triệu Đà cho xây sửa cúng tế hậu hĩnh. Đền Ân Vương cũng là nơi mà Ma Cô Tiên đã gặp Thôi Vỹ. Có thể nhận định rằng hình con Phi Liêm đá ở làng Cựu Tự chính là vết tích còn lại của ngôi đền Ân Vương được truyền thuyết nói tới.
Một sự tích khác được kể là giặc Ân khi tới núi Vũ Ninh (tức Trâu Sơn) đã bắt nhân dân ta phải cho ngựa đá ăn… Đây cũng là liên hệ giữa con “Ngựa đá” ở Trâu Sơn với nơi thờ Ân Vương. Tượng Phi Liêm bằng đá nay còn lại ở làng Cựu Tự là linh vật của đền thờ Ân Vương. Bản thân tên làng Cựu Tự nghĩa là nơi thờ cũ, cũng chỉ ra điều này.
Vậy còn đền thờ Triệu Vũ Đế được nói tới ở Trâu Sơn là ở đâu?

IMG_2533Khu đất trước đây là đình làng Hữu Bằng, với những tấm bia của đình bị vứt bỏ.

Sắc phong năm Minh Mệnh thứ 1 còn sao lưu được của làng Hữu Bằng xã Ngọc Xá cho thông tin: Sắc chỉ Bắc Ninh tỉnh Võ Giang huyện Bằng Xá Thất Gian nhị xã nhĩ nhị xã tòng tiền phụng sự Triệu Vũ Hoàng đế miếu tiết mông ban cấp.
Làng Hữu Bằng cũng là nơi còn lưu được bức tượng Triệu Vũ Đế bằng gỗ lớn bằng người thật cùng với nhiều bia công đức của đình làng. Thông tin từ sắc phong trên cho biết 2 xã Bằng Xá và Thất Gian được ban cấp phụng thờ miếu Triệu Vũ Hoàng Đế. Như thế bức tượng gỗ này và đình làng Hữu Bằng thực chất vốn là của miếu Triệu Vũ Đế được truyền thuyết và sách vở nói tới ở Trâu Sơn.

Tuong Trieu Vu De 2
Tượng Triệu Vũ Đế còn lại ở chùa Hữu Bằng.

Một chứng thực khác cho tục thờ Ma Cô Tiên ở Châu Sơn được bất ngờ tìm thấy tại chùa Đại Bi, xã Thái Bảo, Gia Bình, Bắc Ninh. Chùa Đại Bi là nơi vị Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang lập nên để tưởng nhớ tới cha mẹ mình và nay còn đền thờ Huyền Quang. Trong sân chùa có mộ của vị Đại Sĩ này với tấm bia Đệ tam tổ Lý trạng nguyên hành trạng khắc năm Tự Đức thứ 18. Tấm bia cho biết Huyền Quang vốn họ Lý, tên Đạo Tái. Bà mẹ họ Lê một lần đi lấy thuốc trên núi Châu Sơn, nghỉ tại chùa Cô Ma Tiên, mơ thấy một con khỉ đội mũ triều thiên mặc áo hoàng bào, ôm mặt trời hồng ném vào lòng bà. Bà về có thai 12 tháng mới sinh ra con trai…
Tấm bia chùa Đại Bi là bằng chứng trực tiếp về sự tồn tại của ngôi chùa Ma Cô Tiên ở núi Châu Sơn. Câu chuyện con khỉ hầu mặc áo hoàng bào đội mũ triều thiên ở núi Châu Sơn mang đầy ẩn ý. Châu Sơn nơi chùa Ma Cô Tiên như đã biết là khu vực thờ Triệu Vũ Đế, xưa còn là hành cung của vua Triệu khi khởi nghĩa (khi lập đền thờ Ân Vương ở núi Vũ Ninh). Hình tượng khỉ mặc triều phục rõ ràng là chỉ Triệu Vũ Đế. Câu chuyện này muốn nói Tam tổ Huyền Quang là hậu duệ của họ Triệu (thực ra là họ Lý). Thông tin của người dân địa phương ở Châu Sơn cho biết nơi đây cũng là nơi ẩn trú của tôn thất nhà Lý khi nhà Trần lên thay.

IMG_3115
Bia Đệ tam tổ Lý trạng nguyên hành trạng ở chùa Đại Bi.

Vị trí của ngôi chùa/đền Ma Cô Tiên ở núi Trâu/Châu Sơn như thế đã được xác định là chùa Cô Tiên tại làng Châu Cầu. Tuy nhiên, Ma Cô Tiên là ai mà lại có sự tích từ xa xưa và được thờ tự như vậy?
Truyện Giếng Việt kể Ma Cô Tiên dắt một người con gái đem cho Vỹ, bảo đem về làm vợ chồng, lại cho hòn ngọc Long Tụy. Cái tên Châu Cầu 珠球 có nghĩa là viên ngọc, là mối liên hệ với câu chuyện này.
Trong số các tấm bia còn lại ở chùa Cô Tiên có tấm bia Thánh Tổ Cô Tiên Tự Bi mà trên đó còn có thể đọc được một phần bài minh kể về sự tích của vị Thánh Tổ này. Bài minh này bắt đầu bằng việc ca ngợi chùa “? Cô Tiên” là một nơi “cổ tích danh lam” trên vùng đất “long sơn hổ thủy”, đã từng một thời rất thịnh đạt (nhất thời phát đạt). Nơi đây đã từng có một vị đế vương được các nơi xa phải ngưỡng chầu (viễn xứ triều ngưỡng) vì công nghiệp đã dẹp yên nạn binh đao, lưu danh vạn thế. Trong bài minh cũng đề cập đến một nhân vật nữ đã lấy chồng ở phương xa (nữ công viễn giá) và cuối cùng cho biết nơi đây từng là nơi tụ hội của các bậc anh kiệt (nam quán quần anh).
Thông tin từ bài minh trên tấm bia Thánh Tổ Cô Tiên Tự cho thấy Cô Tiên hay Ma Cô Tiên là một nhân vật có thật, liên quan đến một vương triều huy hoàng trong lịch sử và đã được tôn thờ như một vị “Thánh tổ”.

IMG_3810.JPG
Bia Thánh Tổ Cô Tiên Tự Bi Ký ở chùa Châu Cầu.

Làng Châu Cầu trước đây cũng thờ Triệu Vũ Đế làm thành hoàng làng. Hiện Bảo tàng Bắc Ninh còn lưu được bản sao sự tích về Triệu Vũ Đế và hoàng hậu Trình Thị nhưng là bản sao lục thần tích của xã Đường Sâm ở Kiến Xương phủ, Chân Định huyện (tỉnh Thái Bình ngày nay). Đặc biệt là tất cả các sắc phong hiện còn cho thành hoàng làng Châu Cầu lại không phải sắc phong cho Triệu Vũ Đế.
Hiện làng Châu Cầu còn sao lưu được 9 đạo sắc phong, đạo sớm nhất là năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) ghi tên Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa. Đạo sắc cuối cùng là năm Duy Tân năm thứ 3 ghi tên thần sau 9 lần gia tặng là Thông huyền Diệu hóa Thanh hư Nhàn uyển Dực bảo Trung hưng Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa chi Thần.

dsc03934.jpg
Bản sao sắc phong Đồng Khánh nhị niên.

Vị thần được thờ ở Châu Cầu có tên là Thiên tiên Thánh mẫu Đệ nhất Cửu trùng Công chúa/Phu nhân. Có thể thấy đây cũng chính là vị Ma Cô Tiên thánh tổ, đã xuất giá lấy chồng xa như trong bia chùa Châu Cầu nói đến.
Danh phong Đệ nhất Cửu trùng chỉ một vị trí rất cao của vị thần này vì Cửu trùng là từ dùng chỉ Vua (Vua Bà). Đệ nhất Cửu trùng Phu nhân trong bối cảnh của Châu Cầu thì chỉ có thể chỉ vị Hoàng hậu của Triệu Vũ Đế, tức bà Trình Thị.
Có thể nhận ra: Ma = má = mẫu. Thiên tiên Thánh mẫu do đó tương đương với tên Ma Cô Tiên. Trong đó chữ Cô chỉ người phụ nữ tu hành, cùng hàm ý trong các tên Thiên tiên, Thánh tổ, Thông huyền, Diệu hóa. Hoàng hậu Trình Thị không chỉ có quyền quản Cửu trùng mà còn là một đạo sĩ, thánh tổ của một đạo giáo. Thật bất ngờ khi biết rằng hoàng hậu của Triệu Vũ Đế là người đã từng có thực quyền nhiếp chính, được tôn xưng là Mẫu nghi thiên hạ và hóa thần trong văn hóa Việt Nam và Trung Hoa như một vị tiên đầy quyền năng.