Cao Biền là tướng … Lạc Diêu

Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn viết:
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước.
Cao Vương ở đây được cho là Cao Biền, viên quan đô hộ dưới thời nhà Đường, người đã đuổi quân Nam Chiếu ra khỏi An Nam đô hộ phủ và xây thành Đại La. Nhưng tại sao Chiếu dời đô lại gọi quan đô hộ nhà Đường là Vương (Cao Vương) trong một văn bản quan trọng, mang tính dời đô lập quốc như vậy? Cao Biền là tướng giặc ngoại xâm hay là một vị quan cai trị chính thống, có công với người Việt? Liệu Cao Vương ở đây là Cao Biền hay … Cao Lỗ, người đã xây thành Cổ Loa?
Lĩnh Nam chích quái, truyện Tướng quân họ Cao ở Vũ Ninh có kể việc thần Cao Lỗ, tướng của An Dương Vương, đã hiển linh phù trợ Cao Biền chống giặc Nam Chiếu. Cao Biền sau khi gặp thần, tỉnh mộng có bài thơ:
Bách Việt điện khu vũ,
Nhất nhung đình sơn xuyên.
Thần linh năng trợ thuận,
Đường ra cảnh tộ diên.
Dịch:
Bách Việt vững phong cương,
Ba quân dẹp chiến trường.
Thần tiên phù chính nghĩa,
Muôn năm vững triều Đường.
Theo bài thơ này thì triều Đường là một triều đại của người Bách Việt (?!).
Cao Biền theo Cựu Đường thư là người Bột Hải. Bột Hải được “ghi chú” là ở Mãn Châu, miền Bắc Trung Quốc. Có thật vậy không?
Cao Biền và Cao Lỗ là 2 người cùng họ, lại cùng xây thành Cổ Loa – Đại La. Vì vậy mới có chuyện thần Cao Lỗ phù trợ cho Cao Biền. Họ Cao theo Bách gia tính là một họ cổ của Trung Hoa từ thời Chu, có xuất xứ từ vùng Bột Hải. Nhưng không thể có chuyện Cao Lỗ là người Bột Hải ở tận Mãn Châu được. Trái lại, trong đền thờ họ Cao ở Nho Lâm – Diễn Thọ (Nghệ An) thì họ Cao phát tích từ “Bột Hải triều Nam”. Bột Hải triều Nam hay Bát Hải Động Đình, chính là biển Đông. Bát là số 8, con số chỉ phương Đông. Cao Lỗ và Cao Biền đều là người Việt chính cống, quê gốc ở vùng quanh biển Đông Việt Nam.
Một dẫn chứng khác để khẳng định vị trí Bột Hải trong cổ sử là đền Đức Thánh Cả ở Thái Đường (nay thuộc xã Thái Bình – Ứng Hòa – Hà Nội). Đền thờ một vị thần thời Hùng Vương, đã cùng Phù Đổng thiên vương giúp vua Hùng đánh dẹp giặc Ân ở vùng… “châu Hoan, châu Ái”. Sau khi thần hóa được phong là Bột Hải đại vương và thờ ở Thái Đường.
Thật khó hiểu, giặc Ân nào ở vùng Thanh Nghệ? Châu Hoan châu Ái là vùng đất ven biển Đông nên Bột Hải phải là biển Đông, chứ không thể ở tận Mãn Châu, nơi mà thời nhà Ân người Trung Hoa còn chưa hề đặt chân tới.
Câu đối trong đền Đức Thánh Cả ở Thái Đường:
Đệ lục đại Hùng Vương thần tướng huy đao kình khô ngạc đoạn
Kỷ thiên thu Đông Hải Ân binh tuyệt mệnh kích chiết chu trầm.
Dịch:
Hùng Vương thứ sáu triều xưa, thần tướng vung đao, kình đứt sấu đoạn
Biển Đông nghìn thu thủa trước, quân Ân hết số, kích gãy thuyền chìm.
Từ “Đông Hải” trong vế đối chỉ rõ Bột Hải đại vương là người cầm quân đánh thủy binh của giặc Ân ở vùng biển Đông. Bột Hải chính là chỉ biển Đông.
Bột Hải đại vương đóng quân ở Đại Đường Châu (Thái Đường), là nơi nay có đền thờ thần trên bờ sông Đáy. Sông Đáy như vậy thời Hùng Vương có tên là sông Đại Đường. Phải chăng đây là con sông chảy qua đất Đường thời Nghiêu Thuấn?

Van PhucĐình Vạn Phúc.
Một tài liệu khác cũng xác định Cao Biền là người Bách Việt là thần tích đình Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội). Theo thần tích này thì Cao Biền là “người Quảng Tín, Thương Ngô”, lấy vợ là Ả Lã Đê Nương, người Tuyên Quang. Sau khi dẹp được giặc Nam Chiếu, Cao Biền tự cho mình có công cao, xưng là Quốc vương thiên tử, phong cho Ả Lã Đê Nương là Nga Hoàng cung phi.
Quốc vương thiên tử có thể là tam sao thất bản của tên Lạc Vương:
– Lạc – Nác – Nước – Quốc.
Còn tên Nga Hoàng cung phi thì rõ ràng lấy theo tên vị vương phi của đế Thuấn. Ả Lã Đê Nương sau khi Cao Biền về Bắc đã ở lại làng Vạn Phúc, mở mang nghề tơ lụa cho người dân trong vùng. Do vậy làng lụa Vạn Phúc Hà Đông tới nay thờ bà Quốc vương thiên tử Nga Hoàng đại vương làm thành hoàng làng.
Lạc Vương hay Hùng Quốc Vương cũng có thể là tên của Đế Thuấn trong cổ sử. Cao Biền như vậy coi mình tiếp nối công đức của Lạc Vương Đế Thuấn, phong cho vợ là Nga Hoàng. Điều này cũng cho thấy Đế Thuấn là vị vua đã mở cõi Lạc Việt xưa.

CIMG9999Đền thờ Hậu Lý Nam Đế ở khu Mỹ Đình.
Trong thần tích Việt ngoài Cao Biền còn có Lý Thiên Bảo được gọi là Quốc vương thiên tử, như ở các khu Dịch Vọng, Mỹ Đình, Mễ Trì. Như trên, có thể Lý Thiên Bảo đã được gọi là Lạc Vương. Còn Lý Phật Tử ở vùng này được thờ với tên Diêm La thiên tử. Có thể:
–    Diêm La thiên tử = Diêm Vương = Quỷ Vương = Tây Vương = Thục Vương hay Chiêu Vương.
Lý Phật Tử nối ngôi Lý Thiên Bảo, như vậy hợp thành tên Chiêu Lạc vương hay Chiêu Liệt hoàng đế, tức là danh xưng của Lưu Bị nước Thục thời Tam Quốc.
Sử cũ chép (Đại Nam quốc sử diễn ca):
Cao Biền là tướng lạc điêu,
Tài danh sớm đã dự vào giản tri.
Và giải thích rằng Cao Biền có tên Lạc Điêu ngự sử vì… có tài bắn cung, một phát trúng 2 con chim điêu (xạ lạc song điêu). Đây là chép sử kiểu suy diễn, giống như giải thích cụm từ “Diên Chỉ chi Ngung” là “cõi đất diều rơi” vậy… Kiểu này khéo phải gọi Cao Biền là “Anh hùng xạ điêu” mất. Ở Ninh Bình còn có chuyện Cao Biền cưỡi diều bay qua đây bị một đạo sĩ địa phương ra tay bắn gãy cánh, rơi xuống thành núi Cánh Diều…
Nay với liên hệ Quốc vương thiên tử = Lạc Vương, thì danh hiệu Lạc Điêu của Cao Biền chính xác phải là Lạc Diêu. Lạc là đất Lạc Việt. Điêu, hay Diêu, thực ra là từ Giao. Chữ Diêu này cũng gặp trong tên Diêu Trọng Hóa của Đế Thuấn. Lạc Diêu hay Lạc Giao chỉ rõ vùng Giao Chỉ Lạc Việt hoặc là cõi Nam Giao, nơi Cao Biền, cũng như Đế Thuấn, dựng nghiệp và cai quản.
Lạc Diêu còn có thể là Lạc Diên hay Lạc Dương, là đô thành của nhà Đông Chu. Đây chính là vùng Cổ Loa của Cao Lỗ, hay Đại La do Cao Biền xây đắp.
Đối với các vị tiền nhân có nguồn gốc “phương Bắc” như Triệu Đà và Sĩ Nhiếp, chính sử Việt hết sức lúng túng trong việc nhận định là Vương hay là Giặc. Lạc Diêu Cao Biền cũng vậy. Chỗ thì ca ngợi như một người có công đánh đuổi giặc Nam Chiếu, dựng thành Đại La. Chỗ thì coi như một kẻ thâm độc, một thầy phù thủy đã trấn yểm tinh khí An Nam. Nay có thể thấy rõ, Cao Biền là người Việt chính cống, quê gốc ở Bột Hải – Biển Đông, là tướng cai quản vùng đất Lạc Việt – Giao Chỉ thời Đường. Lạc Diêu cũng là vùng đất được khai mở bởi Đế Thuấn từ thời cổ sử.
Câu đối ở đền Bột Hải đại vương có thể lấy ý từ bài thơ Bạch Đằng hải khẩu của Nguyễn Trãi:
Sóc phong xuy hải khí lăng lăng
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng
Ngạc đoạn kình khô sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng
Quan hà bách nhị do thiên thiết
Hào kiệt công danh thử địa tằng
Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ
Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.
Văn nhân góp ý:
Lĩnh Nam chích quái, truyện Tướng quân họ Cao ở Vũ Ninh có kể việc thần Cao Lỗ, tướng của An Dương Vương, đã hiển linh phù trợ Cao Biền chống giặc Nam Chiếu. Cao Biền sau khi gặp thần, tỉnh mộng có bài thơ:
Bách Việt điện khu vũ,
Nhất nhung đình sơn xuyên.
Thần linh năng trợ thuận,
Đường ra cảnh tộ diên.
Dịch:
Bách Việt vững phong cương,
Ba quân dẹp chiến trường.
Thần tiên phù chính nghĩa,
Muôn năm vững triều Đường.
Theo bài thơ này thì triều Đường là một triều đại của người Bách Việt (?!).
Đây là bổ chứng sáng giá cho Sử thuyết Hùng Việt.
Đường phát âm là Thoòng -Thường. Sử Việt gọi là Việt Thường. Tương tự Tùy là Sùi – Sủy – Sở – Thủy chính là Tủy Việt. Sử gia Trung quốc cố tình bỏ đi chữ Việt để chỉ còn Tùy – Đường trong lịch sử, mánh đổi trắng thay đen này thực đơn giản mà xem ra hiệu quả … mãi đến nay vẫn còn tác dụng tốt khiến biết bao người vẫn chưa nhận ra …

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng qua các câu đối ở đền Hát Môn

Trong số các câu đối ở đền thờ Hai Bà Trưng tại Hát Môn (nguồn Phạm Hy Sơn:
http://www.giaomua.freehomepage.com/GM89Unicode.html#V1) có một số câu đáng chú ý:

Cung kiếm thất tu mi, nữ chủ uy thanh lưu thất quận
Bình mông phổ bào dư, thần vương phúc tỉ vĩnh thiên thu.

Phạm Hy Sơn dịch:
Cung kiếm vượt nam nhi, Nữ Vương uy danh lưu bảy quận
Vì đồng bào diệt Mông, Thần linh công đức mãi muôn năm.

Trong vế đối đầu cho thấy khởi nghĩa Trưng Vương đã nổ ra trên một diện rộng gồm 7 quận. Như vậy khởi nghĩa này không chỉ bó hẹp trên đất Việt ngày nay vì vùng Bắc và Trung Việt cùng lắm chỉ chứa được 3 quận (Giao Châu, Cửu Chân và Nhật Nam).
Trong vế đối thứ hai dịch giả đã đọc nhầm. Chữ “mông” ở đây nghĩa là cái màn trướng, chứ không phải giặc Mông.

Một câu đối khác ở Hát Môn:
Cửu Chân cương lý dư, địa thượng Bắc Nam công bán tại
Tam chiến can qua hậu, nữ trung hào kiệt cổ lai vô.

Phạm Hy Sơn dịch:
Cửu Chân biên cương vạch rõ Bắc Nam hai nước riêng hai
Sau mấy cuộc chiến chinh nữ anh hùng trước sau có một.

Vế đầu nói đến Cửu Chân là biên cương nước của Hai Bà Trưng. Điều này thật khó hiểu vì theo cách nghĩ ngày nay, Cửu Chân là vùng Thanh Hóa, không thể nào là biên cương nước của Trưng Vương với nhà Đông Hán. Phía Nam Cửu Chân (Thanh Hóa) còn có Nhật Nam, nằm trong “bảy quận” của Hai Bà, nên Cửu Chân cũng không là biên giới phía Nam.
Cách hiểu khác chính xác hơn: Cửu Chân = Quí Châu. Vùng Quí Châu mới là ranh giới phía Bắc nước của Trưng Vương. Đất của Trưng Vương trải khắp Bắc Nam (địa thượng Bắc Nam) từ Giao Châu đến Quí Châu. Nếu chỉ bó hẹp ở Việt Nam ngày nay thì làm sao đất của Trưng Vương có thể gồm 7 quận và 65 thành?
Vế đối thứ hai có nhắc đến “Tam chiến”, cho biết trong khởi nghĩa Trưng Vương đã có 3 cuộc chiến lớn. Ba trận chiến này cũng được nhắc đến trong một câu đối khác tại đây:

Mã chừng nhất nhung chinh, tử liễu tham tàn do hổ phách
Tượng bành tam tiệp chiến, sinh hoàn quắc thước thượng kinh hồn.

Phạm Hy Sơn dịch:
Ngựa chứng một lần lâm chiến, tham tàn chết gặp hồn run vía cọp
Voi bành ba trận thắng oai hùng tái sinh tướng Mã sợ kinh hồn.

Như vậy những “mảnh thông tin” còn lại đã kể về một thời kỳ lịch sử oai hùng, về một cuộc khởi nghĩa của hai nữ tướng nổ ra trên 7 quận của Hoa Nam từ Giao Châu đến Quí Châu, với nhiều trận đánh lớn, chống lại lũ người “Mông muội” phương Bắc.

Một câu khác:
Lập đồng trụ cố Nam thiên chi cảnh
Vọng môn ? hàn Bắc địch chi tâm

Pham Hy Sơn dịch:
Cửa bắc lạnh Ðịch nhòm vượt ải
Trời Nam lo mê mải cột đồng!
và giải thích Ðịch – 1 bộ tộc hùng mạnh ở phía bắc nước Tàu thời xưa.

Thực ra câu này hiểu đúng là:
Dựng cột đồng trời Nam cảnh cũ
Nhìn cửa ải giặc Bắc lạnh tâm.

(Chữ bị chép thiếu có thể là chữ “quan”, nghĩa là quan ải).
Theo ý câu này thì Bắc địch (quân Đông Hán) còn chưa chiếm được đất của Trưng Vương, phải dựng cột đồng làm mốc, nhìn cửa ải mà khiếp sợ.

Long Hưng, Long Châu

Đình làng Xuân Quan cũng là đền thờ Triệu Vũ Đế, có tên là Long Hưng Điện, nằm ở xã Xuân Quan, Hưng Yên, sát với làng Bát Tràng Hà Nội, cạnh bờ sông Hồng.

LongHungDien

Sách Từ điển di tích văn hóa Việt Nam dựa vào các tư liệu cũ (Bắc Ninh tự miếu bi văn, Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí, Bắc Thành địa dư chí lục, Đại Nam nhất thống chí) chép sự tích đền như sau:
Triệu Đà người huyện Chân Định, đầu thời Tần làm quan lệnh Long Châu, sau làm Nam Hải úy. Đến đời Hán được phong làm Nam Việt Vương. Triệu Đà cho con cầu hôn nhà Thục để lấy bí mật nỏ thần, nhân đó diệt nhà Thục lập ra nhà Triệu. Tương truyền Triệu Đà đi tuần phương nam qua xã Nam Quan thấy có rồng vàng hiện ra, cho là đất lành bèn dựng hành cung, gọi là điện Long Hưng. Về sau dân dựng đền thờ trên nền điện cũ.”

Đọc thần tích trên ta chợt liên hệ với thông tin trong Thiên Nam ngữ lục:

Hiệu xưng là Triệu Vũ Hoàng
Chín lần xem trị bốn phương đẹp lòng
Long Biên thành hiệu Thăng Long
Vì xưa rồng dậy dưới sông Nhị Hà.

Có thể thấy khả năng tên thành Thăng Long là do Triệu Đà đã đặt cho vùng đất quanh Hà Nội ngày nay, với trung tâm ở khu vực ven sông Hồng thuộc Gia Lâm – Văn Giang. Tại đây hiện vẫn còn xã Long Hưng của huyện Văn Giang, trùng tên với hành cung xưa của Triệu Vũ Đế.

Khi so sánh 2 tư liệu trên có thể thấy Long Hưng là tên gọi tương ứng với Thăng Long. Đây cũng là giải thích tại sao lại có sự lẫn lộn về truyền thuyết đặt tên thành Thăng Long giữa Triệu Đà và Lý Công Uẩn. Cả 2 vị vua đều xuất phát từ Phiên Ngung – Quảng Đông, tiến đánh lấy Giao Chỉ. Và quan trọng hơn, Lý Công Uẩn (Lưu Cung) là một “Long Hưng”, hay Lang Hưng, là vua của nước Đại Hưng như tên nước ghi trên đồng tiền Đại Hưng bình bảo hay trong Thiên Nam ngữ lục:

“Thùy y củng thủ cửu trùng
Cải nguyên Hưng quốc đề phong trong ngoài”

Cũng trong thần tích trên cho biết Triệu Đà ban đầu là quan lệnh huyện Long Châu. Long Châu chứ không phải Long Xuyên như chính sử hiện nay đang chép. Một số tư liệu khác cũng ghi như vậy. Sách Thất tộc thổ ty ở Lạng Sơn, tác giả Lã Văn Lô có phần về gia phả họ Vi, liên quan tới Triệu Đà:
Xét gia phả họ Vi, nguyên tổ tiên là họ Hàn tên là Nhân, dòng dõi của Hoài Âm hầu Hàn Tín. Lã Hậu nghi Hàn Tín mật thông với Trần Hy làm phản, nên cùng lập mưu với Tiêu Hà diệt trừ Hàn Tín (Khoảng năm 110 trước CN ). Lúc bấy giờ một người thiếp của Hàn Tín có thai, Tiêu Hà mật gửi cho Triệu úy Đà ở Lĩnh Nam nhận nuôi. Đà làm Long châu lệnh (Long châu nguyên là đất Việt ta, thời Tần Vua sai Triệu Đà theo Nhâm Thao sang chia cai trị , đất ấy đến bây giờ thuộc Hán), nuôi nhận (tức là con người thiếp của Hàn Tín) rất chu đáo. Khi Nhân trưởng thành, giúp Đà làm việc, Đà chia đất cho từ Thượng Thạch trở đi, lấy phía Đông làm giới hạn. Đà sai Nhân bỏ nửa chữ Hàn đi trở thành họ Vi từ đó (để tránh chu di Tam tộc). Từ khi Nhân ở đất Long châu, từ Thượng Thạch về phía Đông, Cổ Lân, Tư lãng về phía Bắc đều giao cho Nhân quản trị. Đến lúc họ Triệu suy, Nhân chiếm ức đất Long châu, sai con thứ chín là VI TIẾT NGHIÊM, giúp cai trị. Sau Nghiêm kiêu ngạo làm bậy bị Hồ giết chết (Hồ là cháu Triệu Đà, con Trọng Thủy lấy Mỵ nương nước Việt sinh ra). Họ hàng con cháu lánh nạn về đất Nhật Nam, trở thành một dòng họ quý tộc ở đất này.
(Nguồn Diễn đàn lý học phương đông)

Triệu Đà theo như tất cả những sự kiện ghi lại rõ ràng là một viên quan lớn, có quan hệ trực tiếp với các đại thần triều đình của Lưu Bang (Tiêu Hà, Hàn Tín). Vì thế ông ta không thể là một huyện lệnh nhỏ nhoi mà phải là quan úy đất Long Châu. Long Châu là một quận lớn, nơi Hàn Nhân, con của Hoài Âm hầu Hàn Tín, còn được Triệu Đà chia đất mà cai trị.

Các tư liệu trên đều nhấn mạnh đất Long Châu của Triệu Đà thuộc đất Việt xưa. Long Châu ngày nay là tên một huyện của Quảng Tây, nằm giáp với Cao Bằng và Lạng Sơn của Việt Nam. Với chuỗi liên hệ Long Châu – Long Xuyên – Long Xoang – Long Choang, rất có khả năng Long Châu xưa là cả vùng Quảng Tây, vùng đất của người Choang. Thêm nữa, nếu Quí Châu hay Kỳ Chu chỉ đất gốc của nhà Tây Châu thì Long Châu có thể chính là đất của Đông Châu xưa, là quận Tam Xuyên thời Tần như Tư Mã Thiên đã chép. Vết tích của 2 nhà Châu rất rõ ràng ở vùng Tây Nam Trung Hoa này.

Truyện Mộc tinh trong Lĩnh Nam chích quái chép về thần Xương Cuồng: “… biên giới tây nam giáp liền với nước Mi Hầu, vua Hùng Vương sai dân man Bà Lô (nay là phủ Diễn Châu) hàng năm bắt giống người lão tử sống ở khe núi tới tiến, không thể thay đổi được lệ ấy. Kíp tới khi Tần Thủy Hoàng bổ Nhâm Hiêu làm quan lệnh ở Long Xuyên, muốn bỏ tệ ấy đi. Thần Xương Cuồng tức giận vật chết Hiêu, vì thế về sau lại phải phụng thờ cẩn thận.

Truyện này một lần nữa khẳng định Long Xuyên nằm trên đất Việt cổ, nơi mà thần Xương Cuồng của nước Việt có thể “vật chết” Nhâm Hiêu. Điều lạ nữa là truyện trên nói Nhâm Hiêu, chứ không phải Triệu Đà, là quan ở Long Xuyên. Liệu Nhâm Hiêu và Triệu Đà có phải là một không?

Một liên hệ khác:
Triệu Đà -> Triệu Đầu (trong từ “đầu đà”?) -> Triệu Một -> Triệu Mạt (tên trên lăng mộ Triệu Văn Đế ở Quảng Đông).
Triệu Đà như vậy có thể là danh xưng của vị vua đầu tiên của triều Nam Việt.

TrieuVuDe-1

Tượng Triệu Vũ Đế ở điện Long Hưng

Lịch sử về Triệu Vũ Đế có thể nhìn nhận lại như sau. Nhâm Hiêu là quan úy của quận Long Châu  hay quận Tam Xuyên, là đất của nhà Đông Châu (gồm Quảng Tây, Giao Chỉ) dưới thời Tây Hán. Sau khi Lữ Hậu mất đã chiếm thêm quận Nam Hải và một số quận khác ở Hoa Nam, lập nước Nam Việt, xưng là Triệu Đà hay Triệu Đầu, Triệu Mạt. Cũng chính Triệu Vũ Đế là người đã đặt tên Thăng Long / Long Hưng cho vùng đất ven sông Hồng Hà Nội cách đây trên 2000 năm.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư Lý Thái Tổ năm 1014 đã đổi phủ Ứng Thiên thành Nam Kinh, tức là đã đổi tên Thăng Long chỉ ven vẹn có 4 năm sau khi đặt tên này cho thành Đại La. Thật khó hiểu hành động này vì như vậy thì là đã thay đổi cả ý nghĩa của việc đặt tên Thăng Long khi mở đầu triều Lý, cũng như tên Nam Kinh tạo ra câu hỏi vậy “Bắc Kinh” là nơi nào?
Có khả năng Thăng Long là tên do Triệu Đà đặt cho vùng đất ven sông Hồng (Long Biên) từ trước đó. Sử Việt đã lẫn lộn khi chép việc đổi tên Nam Kinh của Lý Thái Tổ với việc đặt tên Thăng Long của Triệu Đà. Lý Thái Tổ đặt tên Nam Kinh bởi vì kinh đô phía Bắc trước đó chính là Phiên Ngung. Tên Nam Kinh là muốn khẳng định sự tự chủ của phần Việt Nam trong Đại Việt (gồm Việt Đông, Việt Tây và Việt Nam) sau khi triều đình Phiên Ngung đầu hàng Tống.

Bồ cu bồ các

Bài đồng dao Việt Nam được Tô Hoài ghi trong truyện Mực tàu giấy bản:
Bồ cu bồ các
Tha rác lên cây
Gió đánh lung lay
Là vua Cao Tổ
Những người mặt rỗ
Là chú Tiêu Hà
Tính toán chẳng ra
Là thím Lý Bí
Những người vô ý
Là chị Hoắc Quang
Ăn no chạy quàng
Là ngươi Tào Tháo
Đánh bạc cố áo
Là anh Trần Bình
Cái bụng tày thình
Là ông Lưu Bị.

Trong bài trên kể từ Cao Tổ (Lưu Bang), Tiêu Hà, Trần Bình, Hoắc Quang, Tào Tháo, Lưu Bị đều là các vị vua, các vị văn thần thời Hán. Thế nhưng lại có “thím Lý Bí” của sử Việt bỗng nhiên ở đâu “lạc” vào bài đồng dao này. Lý Bí cũng là thời Hán chăng?

Không hiểu bài đồng dao này muốn nói lên điều gì. Tại sao lại pha lẫn sử Hán và sử Việt trong một bài đồng dao rất Việt Nam như vậy? Liệu có phải bài đồng dao muốn nhắc nhở chúng ta … lịch sử Việt đã bị “bồ cu bồ các tha rác” vào hay không? Sử Việt đã bị phủ đầy “rác”, làm người ta không còn nhận ra chân tướng sự thật, một sự thật đầy huy hoàng của quá khứ.

Khổng Minh bắt Mạnh Hoạch ở đâu?

Câu chuyện Khổng Minh bảy lần bắt Mạnh Hoạch có lẽ ai cũng biết từ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Nhưng cuộc chiến với Man Vương Mạnh Hoạch này đã xảy ra ở đâu? Hiện nay người ta chỉ dựa vào truyện Tam quốc diễn nghĩa mà … suy đoán, Mạnh Hoạch cầm đầu người Man, quấy rối nhà Thục Hán ở phía Nam, thì là vùng Vân Nam, Trung Quốc.
Tuy nhiên, ở Việt Nam lại có ghi chép hoàn toàn khác về một cuộc đụng độ khá dài giữa Mạnh Hoạch và các vị quan đô hộ từ thời Đông Hán. Thần tích xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội ghi rất tỷ mỉ chuyện này, tóm tắt như sau:
Thời Hán Hiến Đế có ba anh em họ Chu là Chu Tuấn, Chu Hùng và Chu Kiệt, người ở Ba Trung (Ba Thục?). Khi họ ra làm quan cho nhà Đông Hán thì đổi tên thành Chu Cẩn, Chu Khiêm và Chu Đàm. Ba vị này được Hán Hiến Đế cử sang nước Việt để … chống Mạnh Hoạch vì khi đó “Tôn Quyền giận việc Lưu Bị cướp mất Kinh Châu liền bàn mưu với Mạnh Hoạch của nước Việt ta làm phản lại nhà Hán”. Khi 3 vị đến vùng Sơn Tây thì được tin “quan Chánh đô hộ cũ đã bị Mạnh Hoạch giết chết”. Ba vị liền đóng quân, chia nhau ở 3 trang ấp. Chu Cẩn đóng ở trang Cẩm Bào, nhận cháu của Sĩ Nhiếp, con Sĩ Cung, là Sĩ Năng làm Đệ nhất mưu sĩ, “đánh nhau với Mạnh Hoạch ở các xứ Tuyên Quang, Hưng Hóa”. Ba vị còn lập nhiều tuyến phòng thủ dọc từ Cẩm Bào tới Ái Châu.
Khi Tào Tháo soán ngôi nhà Hán, Lưu Bị lên ngôi Hán Trung Vương, có cử “sứ giả nhà Hán đeo đai vàng” đến gặp, “phong cho ngài Cẩn làm Chánh đô hộ, ngài Khiêm và ngài Đàm cùng làm Phó đô hộ, để cùng giữ đất Nam Việt”.
Được một thời gian Chu Cẩn ốm mất. “Mạnh Hoạch sai người theo đường tắt từ Ái Châu men theo hai bờ sông tiến ra”. Chu Khiêm, Chu Đàm chống trả Mạnh Hoạch, bị thua và chết trận. Phải đợi đến khi Gia Cát Khổng Minh dẫn quân Nam chinh mới thu phục được Mạnh Hoạch…
Thần tích này hiện còn lưu tại đình làng Hương Ngải (Đình Giang). Hương Ngải là một xã có tiếng là hiếu học, nhiều người đỗ đạt và còn lưu nhiều nét văn hóa cổ như những chợ phiên chỉ bán một thứ đồ (lá dong, cá, gà, …) mỗi năm. Trong xã có đền thờ Tam Vị họ Chu, nay gọi là Quán Hương Ngải. Cổng đền có câu đối:
Vạn lý hồng quang y Hán nhật
Ức thu hạo khí phổ Nam thiên.
Dịch:
Vạn dặm ánh hồng theo triều Hán
Nghìn thu hào khí phủ trời Nam.

Dentamvi

Quán Hương Ngải.

Theo tư liệu này thì Mạnh Hoạch đã tấn công Giao Châu, giết quan đô hộ từ thời Đông Hán, khi cả Tôn Quyền lẫn Lưu Bị còn chưa làm chủ được Giao Châu. Vùng đất của Mạnh Hoạch có thể xác định khá rõ theo thần tích, là vùng giáp với “Tuyên Quang, Hưng Hóa” tới tận “Ái Châu”, hay là vùng Tây Bắc Việt Nam ngày nay. Mạnh Hoạch là người Mán ở Tây Bắc Việt Nam. Chuyện này nghe qua thấy quá kỳ lạ nhưng không phải không có căn cứ.
Theo Tam quốc diễn nghĩa Gia Cát Lượng sau thu phục Mạnh Hoạch, lúc rút quân có dừng lại sông Lư Thủy, làm lễ tế cho các tử sĩ trong cuộc Nam chinh. Trong bài văn tế có câu:
“Từ khi giặc xâm lăng cõi Thục
Binh khởi đất Mường
Đất Mường” ở đây cho thấy Man=Mường, Man Vương Mạnh Hoạch là người cầm đầu các tộc người Mường Mán ở Tây Bắc Việt Nam. Sông Lư Thủy có thể là sông Lô, chảy vào Việt Nam ở Hà Giang ngày nay. Lư và Lô là 2 cách phát âm khác nhau của cùng một chữ, chỉ dòng sông Lửa hay con sông chảy qua đất Đào thời Hồng Bang. Gia Cát Khổng Minh đã từ Vân Nam vượt sông Lô, tiến vào bình Mạnh Hoạch ở vùng rừng núi Tây Bắc nước ta.
Hán Trung Vương đã phong cho 3 vị họ Chu làm Chánh, phó đô hộ. Tức là khi đó “nước Việt ta” thuộc về triều Thục Hán của Lưu Bị. Vùng Tây Bắc nước ta sau khi Mạnh Hoạch đầu hàng Khổng Minh cũng thuộc về triều Thục.
Như vậy hoàn toàn có thể Lưu Bị từng là một vị vua của nước Việt. Lưu Bị được sử Việt chép dưới tên Lý Bí hoặc Lý Phật Tử. Gia Cát Lượng nếu vậy thì không là ai khác mà là … Lý Phục Man, người đã bình định Man Vương Mạnh Hoạch ở vùng phía Nam của nước Thục. Chữ “Lý” trong Lý Phục Man chưa chắc đã có nghĩa là họ Lý, mà với nghĩa “ông lớn”, như trong tên Lý Ông Trọng hay Lý Khổng Lồ vậy.
So sánh Hoa sử và Việt sử ta thấy có sự tương đồng. Lưu Bị (sử Việt gọi là Lý Phật Tử) cùng anh họ là Lưu Biểu (Lý Thiên Bảo) rút chạy từ Kinh Châu về Quí Châu (Cửu Chân). Sau đó chiếm Ích Châu của Lưu Chương. Lưu Bị tiến quân lên phía Bắc, được Khổng Minh bày mưu thắng Tào Tháo ở Tứ Xuyên (đất của Trương Lỗ trước đó). Tứ Xuyên là đất trung tâm cũ của Hưng đế Lưu Bang, nên Lưu Bị sau khi chiếm Tứ Xuyên đã xưng là Hán Trung Vương.
Ích Châu là tên vùng đất của người Điền khi Hiếu Vũ Đế thu phục và sát nhập thành một quận của nhà Hiếu (khi Lộ Bác Đức diệt nhà Triệu Nam Việt?). Như vậy Ích Châu là vùng đất Điền Vân Nam. Sử Việt ghi là Lý Thiên Bảo cùng Lý Phật Tử xưng vương ở Ai Lao, tức là đất người Di Lão ở Vân Nam. Xem thế thì Vân Nam – Ích Châu đã nằm trong đất của nhà Thục Hán từ khi Lưu Bị khởi nghiệp. Mạnh Hoạch không thể hoành hành ở Vân Nam được mà chỉ có thể “binh khởi đất Mường” ở Tây Bắc nước ta.
Tây Bắc, vùng đất của Mạnh Hoạch, cũng là vùng đất lập quốc của Nam Chiếu dưới thời nhà Đường. Chính vì thế mà Tam vị họ Chu ở Hương Ngải mới hiển linh, trợ giúp Cao Biền đánh Nam Chiếu. Thần tích Hương Ngải chép:
Đến năm Hàm Thông thứ 6 đời Ý Tông nhà Đường, sau khi họ Triệu ở nước Việt ta khởi binh, tự xưng là Nam Chiếu, vua Ý Tông cho Cao Biền làm đô hộ”. Cao Biền được ba vị họ Chu hiển linh phù trợ khi đánh quân Nam Chiếu. Cao Biền có bài thơ:
Chu gia tam vị lẫm tinh thần
Thích Hán kim Đường trước đại huân
Thất thập nhi từ đô hiển thánh
Ức niên thu hựu ức thiên xuân
Dịch
Họ Chu ba vị vững tinh thần
Xưa Hán nay Đường lập đại huân
Hơn bảy chục đến đều hiển thánh
Trăm ngàn thu lại trăm ngàn xuân.
Sau Bố Cái Phùng Hưng lịch sử các dân tộc Tây Bắc cần ghi nhận thêm một vị thủ lĩnh thời trung đại là Man Vương Mạnh Hoạch. Còn lịch sử Việt Nam cần phải nhìn nhận lại triều Thục của Lưu Bị như một triều đại chính thống của người Việt.

Văn nhân góp ý:
Có tư liệu khác cũng ở vùng Thạch thất viết tên Mạnh Hoạch là không đúng, 5 anh em ông là người Mường, tên chính xác là Mãnh Hoạch vì người Mường chỉ có họ Mãnh không có họ Mạnh. Sự minh định này giúp kết luận bài viết của bạn càng thêm phần chắc chắn.
Đoạn trích sau đây xác định suy đoán của bạn về sông Lô- Lư giang:
Trích: Nguyên thi kỉ sự – An Nam tức sự (Trần Phu – thời Nguyên)
Núi non trùng điệp chia đỉnh nhọn
Sóng nước cuồn cuộn chảy vào sông Lô
Nước này bốn mặt đều là núi, chỉ có 4 ngọn núi Kì Lãng, Ngọc Đài, Phật Tích, Mã Yên ở trong cõi là cao. Huyện Thiện Nhữ ở phía tây nam có núi Xích Thổ, cao vạn nhận tựa chọc trời, liên tiếp mấy trăm dặm. Làm bè vượt sông Nam Sách, đi 40 dặm thì đến sông Phú Lương (sông Hồng ?), nước sông chảy xiết, không lớn lắm. Phía nam sông có chợ Kiều, cư dân đông đúc. Lại đi 40 dặm nữa đến sông Quy Hóa, còn có tên là sông Lô, lớn ngang với các sông Hán, sông Ngạc. Sông này từ phía tây nước Đại Lí chảy xuống, phía đông nam chảy vào biển, tức là hạ lưu của sông Lô – nơi mà Gia Cát Vũ Hầu vượt sông vậy. Có 4 bến sông, nước thủy triều buổi tối chẳng bình thường.

Gia Cát Lượng chết được phong tặng là Trung Vũ Hầu nên đời thường gọi là Gia Cát Vũ Hầu.

Bách Việt trùng cửu:
Tên khác của sông Lô là Quy Hóa, cũng có thể bắt nguồn từ chuyện Nam Chiếu Phùng Hưng. Việt Nam sử lượccủa Trần Trọng Kim có chép:  “Trong khoảng năm Khai Nguyên (713-742) đời vua Huyền Tông nhà Đường, Nam Chiếu là Bì La Cáp cường thịnh lên, mà 5 chiếu kia suy hèn đi. Bì La Cáp mới đút lót cho quan tiết độ sứ đạo Kiếm Nam là Vương Dục để xin hợp cả 6 chiếu lại làm một. Triều đình nhà Đường thuận cho, và đặt tên là Quy Nghĩa. Từ đó Nam Chiếu càng ngày càng thịnh lên…
Đất Quy Hóa là Tuyên Quang, Yên Bái, nơi Lý Cao Tông chạy loạn sau này.

Khởi nghĩa Phùng Hưng qua các di tích ở Hà Nội

Theo sử sách ngày nay Phùng Hưng là quan lang người Đường Lâm, cùng các em trai khởi nghĩa vào khoảng những năm Đường Đại Lịch (766-779), chiếm được thành Tống Bình, làm vua một thời gian rồi mất. Con là Phùng An được sự ủng hộ của Bồ Phá Lặc, đã lên ngôi, tôn cha là Bố Cái đại vương. Phùng An sau thần phục sự chiêu dụ của nhà Đường.

Ở làng Hòa Mục, quận Thanh Xuân, Hà Nội có đền Dục Anh thờ bà Phạm Thị Uyển. Bà là cháu ngoại của Phùng Hạp Khanh, cha của Phùng Hưng, lúc 18 tuổi lấy Mai Thúc Loan, sau trở thành Mai Hoàng Hậu. Bà cũng là người chỉ huy quân khởi nghĩa trong cuộc chiến ở thành Tống Bình và đã tuẫn tiết trên sông Tô Lịch. Cùng với 2 người em trai khác là Phạm Miên và Phạm Huy (là các tướng của Phùng Hưng), bà Phạm Thị Uyển được lập làm thành hoàng và thờ tại đình làng Hòa Mục (thần tích đình Hòa Mục).

Những thông tin trên khá mâu thuẫn. Cháu gái của Phùng Hưng lại là Hoàng hậu của Mai Hắc Đế, trong khi 2 cuộc khời nghĩa này cách nhau tới gần 60 năm. Vào thời điểm năm 722 khi Mai Thúc Loan khởi nghĩa như vậy thì ông cậu Phùng Hưng còn chưa sinh ra, nói gì đến việc cháu gái làm Hoàng hậu của Mai Hắc Đế. Dựa vào thông tin 2 người em trai Phạm Miên và Phạm Huy của Mai Hoàng hậu là các bộ tướng của Phùng Hưng có thể đoán Phùng Hưng có tuổi xấp xỉ với Mai Hoàng hậu. Như thế thì khởi nghĩa Phùng Hưng phải xảy ra vào thời điểm ngay sau cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan và là sự kế tiếp của cuộc khởi nghĩa này.

Theo bia đình Quảng Bá, Phùng Hạp Khanh, cha của Phùng Hưng, cũng tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, sau khi khởi nghĩa thất bại mới về quê Đường Lâm. Mai Thúc Loan khởi nghĩa ở vùng Nghệ An. Vậy quê của Phùng Hưng (Đường Lâm) là ở đâu mà cháu gái lại làm Mai Hoàng hậu, còn cha thì tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan? Châu Đường Lâm thời Đường theo một số khảo cứu phải ở vào khoảng miền Tây Thanh Hóa Nghệ An ngày nay.

Đại Việt sử kí toàn thư chép: “… Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ, phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa bao lâu thì chết. Con là An tôn xưng làm Bố Cái đại vương (tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái, cho nên lấy [Bố Cái] làm hiệu). Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế (tức là Phu hựu chương tín sùng nghĩa Bố Cái đại vương. Đền thờ nay ở phường Thịnh Quang, phía đông nam ruộng tịch điền).”

Đền thờ Phùng Hưng ở phường Thịnh Quang như vậy là đền đã được ghi trong quốc sử. Hiện nay trong văn bản Hán Nôm còn lưu được bản thần tích “Phu hựu chương tín sùng nghĩa Bố Cái đại vương” của đền này. Thậm chí còn lưu được bài thơ đề vịnh của Trần Bá Lãm trong sách La thành cổ tích vịnh. Tuy nhiên, để đi tìm được vị trí ngôi đền này thật chẳng dễ dàng gì. Các sách hiện tại chỉ chép chung chung là đền nằm ở phường Thịnh Hào, quận Đống Đa, Hà Nội, còn cụ thể đền Phùng Hưng ở chỗ nào thì không ai nói được.

Hiện tại ở khu vực Thịnh Hào có một địa điểm khả dĩ là vết tích của đền Phùng Hưng thời Lê. Đó là đình Đông Các ở ngõ Đình Đông, đầu phố Nguyễn Lương Bằng, thuộc phường Nam Đồng. Thông tin về đình này như sau:
“… ở đầu phố Nam Đồng, có ngõ Đình Đông. Gọi tên như vậy là do trong ngõ có đình Đông Các. Đình này trùng tu năm Hàm Nghi thứ nhất (1885) nhưng vốn có từ thế kỷ XVII. Trong đình còn hai tấm bia cổ. Một tấm dựng bên trái đình, văn bia do tiến sĩ Nguyễn Độn, tức Danh Nho soạn năm Chính Hòa thứ 13 (1692) và một tấm dựng trong đình do tiến sĩ Đỗ Công Quỳnh soạn năm Chính Hòa thứ 25 (1701). Cả hai bia này cung cấp một chi tiết chính xác về vị trí địa lý của đình này: Văn bia nêu rằng đây là “đình của giáp Đông Các phường Thịnh Quang, ở bên trái đàn Xã Tắc”. Như vậy là đoạn đầu phố Nam Đồng ngày nay là đất xóm Đông Các, và vào đời Lê đã có tên phường Thịnh Quang. Đình này thờ Tây Hưng đại vương (có người cho rằng đó là Phùng Hưng) và 3 nhân vật huyền thoại: Anh Đoái đại vương, Hoàng thái hậu Phương Dung, Bảo Hoa công chúa.”
Văn bia đình Đông Các chỉ rõ đây chính là phường Thịnh Quang thời Lê. Khu vực này nằm cạnh đàn Xã tắc xưa, nên có khả năng cũng chính là khu “ruộng tịch điền” đã được nhắc đến. Tên phường Nam Đồng có thể nghĩa là khu phía Nam của ruộng (đồng) tịch điền, đúng với vị trí sử đã chép về đền Phùng Hưng.

Thế nhưng cái tên Tây Hưng đại vương của thành hoàng làng Đông Các mới là lạ. Chẳng nghi ngờ gì việc đây chính là tên của Phùng Hưng vì… bài vị vị thần này đã chuyển về đình Hoàng Cầu để thờ là Bố Cái đại vương. Đình Đông Các bây giờ không còn tồn tại nữa. Chỉ còn cái cổng đình cổ ở đầu ngõ Đình Đông với vài dòng chữ Nho sót lại. Khi người ta xây đồn công an phường Ô chợ Dừa thì các thứ trong đình đã chuyển về đình Hoàng Cầu gần đó. Đình Hoàng Cầu trước đó thờ Phùng An làm thành hoàng, nay lại thờ thêm bố là Phùng Hưng của đình Đông Các.

Tên Tây Hưng đại vương ở đình Đông Các cho thấy chữ Phùng trong họ của Phùng Hưng thực chất là Phong, là tượng chỉ hướng Tây. Phùng Hưng hay Tây Hưng đại vương nghĩa là vị vua đã chấn hưng đất Phong phía Tây. Cùng với câu đối:
“Thanh chấn Lý Đường, Thuận Đức niên gian uy Bắc Khấu
Vận thừa Mai Đế, Phong thành phủ lỵ thái Nam Bang”
Có thể khẳng định Phùng Hưng chính là người đã chiếm Phong Châu đô hộ phủ, xưng vương, lập nước… Nam Bang thời Đường. Nước Nam Bang ở Phong Châu đô hộ phủ thời Đường thì không còn gì khác là nước Nam Chiếu, một nước vẫn được coi là của những người Man, Di ở Vân Nam.

Bản thân từ “Bố Cái” đã được giải nghĩa là “Vua lớn” theo tiếng… Mường Mán. Người dân tộc vùng cao nước ta tới nay vẫn gọi các lãnh đạo chính quyền là “bố” và dùng từ “cái” để chỉ sự to lớn. Bố Cái đại vương là thủ lĩnh Nam Man (Nam Chiếu).

Xem lại lịch sử cuộc chiến tranh giữa Nam Chiếu và Đường trên đất Giao Chỉ có thể thấy thêm một số vết tích.
Toàn thư: “Mậu Dần, [858], (Đường Đại Trung năm thứ 12). … Đô hộ là Lý Trác làm chính sự tham lam tàn bạo, mua hiếp bò ngựa của người Man, mỗi con chỉ trả cho một đấu muối, lại giết tù trưởng Man là Đỗ Tồn Thành, dân Man oán giận, dẫn đường cho người Nam Chiếu đến lấn cướp biên giới. Đất Tây Nguyên, Đào Lâm, thuộc Phong Châu, từ xưa vẫn có quân phòng đông 6.000 người, tù trưởng Man Động Thất Quán bên cạnh là Lý Do Độc, thường giúp đỡ việc đóng giữ và thu tô thuế. Viên Tri Châu Phong Châu (không rõ họ tên) nói với Tác xin bỏ quân đóng thú, chuyên ủy cho Do Độc ngăn phòng. Từ đó Do Độc thế cô, không thể đứng vững được. Thác đông tiết độ của Nam Chiếu (Thác đông: ý nói khai thác cõi đông; Giao Chỉ ở phía đông nước Nam Chiếu, cho nên đặt chức ấy) gửi thư sang dụ Do Độc, đem con gái gả cho con trai của Do Độc, bổ làm Thác đông thác nha . Do Độc bèn đem dân chúng làm tôi nước Nam Chiếu. Từ đấy Giao Châu mới có mối lo về người Man [Nam Chiếu].”

Tiết độ sứ của Nam Chiếu dụ tù trưởng Lý Do Độc có danh là Thác Đông tiết độ, con của Lý Do Độc được phong là Thác Đông thác nha. Như vậy rõ ràng nước Nam Chiếu phải nằm ở phía Tây của Giao Chỉ, tức là vùng Tây Bắc và Lào ngày nay là đất Nam Chiếu.

Theo Toàn thư thì cuộc xâm lấn An Nam vào tháng 9-861, sự suy sụp của Đô hộ phủ vào năm 863 và chiến thắng đầu tiên của Cao Biền ở Đô hộ phủ đều là chống quân Nam Chiếu. Nhưng trong khi đó Cựu đường thư lại chép là do “người Lão đã xúi giục người Man Lâm Ấp đánh phá An Nam”. Nước Lâm Ấp nếu hiểu là quốc gia của người Chàm thì thành ra các sử liệu bị mâu thuẫn. Tên Lâm Ấp cũng không thích hợp để chỉ người Chàm vào thế kỷ IX. Chính xác hơn phải hiểu là “người Man Đường Lâm đánh phá An Nam”. Nói cách khác Nam Chiếu chính là những người đã xuất phát từ Đường Lâm (Thanh Nghệ) trong cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng.

Năm nay, trong ngày mất của Bố Cái đại vương Phùng Hưng các làng thờ ông làm Thành Hoàng đều tổ chức tế lễ. Làng Kim Mã, Quảng Bá, Triều Khúc thì lấy ngày 13/8 âm lịch làm ngày giỗ. Còn đình Hoàng Cầu lại lấy trước đó một ngày (12/8 âm lịch). Sự sai lệch này liệu có phải vì tục cha mất
thì mới con nối ngôi? Ngày Phùng An (thành hoàng gốc ở đình Hoàng Cầu) lên ngôi là 13/8, thì ngày mất của Bố Cái Phùng Hưng là 12/8.

DinhKimMa

Lễ tế Đương cảnh Thành hoàng Bố Cái Phùng Hưng ở đình Kim Mã

Câu đối ở cửa đình:
Kim Mã hiếu trung tiêu sử sách
Đường Lâm nghĩa dũng biểu sơn hà
Dịch:
Đường Lâm nghĩa dũng truyền non nước
Kim Mã hiếu trung sáng sử xanh.

Ở Kim Mã còn có lăng mộ Phùng Hưng, mới được tu bổ lại. Xin giới thiệu một số câu đối hay ở khu lăng mộ này.
Vân phi ngũ sắc cao kình trụ
Phong tống thiên tường túc tịnh môn
Dịch:
Ngũ sắc mây bay, cao cột lớn
Ngàn tầng gió thổi, vững cửa thiền
Mây ngũ sắc chỉ bậc đế vương. Gió ngàn trùng ở đây liệu có phải nói đến … Phong Hưng? Phong là Phong Châu, Vân là Vân Nam, là đất của Nam Chúa – Phùng Hưng.

Một câu đối nữa có “phong vân”:
Phong vân bất bạt cương thường trụ
Nhật nguyệt trường minh tiết nghĩa môn
Dịch:
Gió mây không nghiêng cành đạo lý
Xuân thu sáng mãi cửa nghĩa tình.

LangPhungHung
Lăng Phùng Hưng ở Kim Mã

Câu đối tạc trên mộ đá của Phùng Hưng:
Đường nhân kỳ hữu tàm/ hoa ngạc liên huy/ thân hậu thiên vô Huyền Vũ giáp
Hán tặc hà túc sỉ/ thảo mao(?)  xướng nghĩa/ sinh tiền bất sổ Lục Lâm binh.
Tạm dịch:
Người Đường có biết xấu, đài hoa liền sáng, thân mình không tránh giáp Huyền Vũ
Giặc Hán bao hổ thẹn, thảo mãng dấy nghĩa, trước trận sá gì lũ Lục Lâm.

Một cuộc khởi nghĩa hào hùng, tiếp nối Mai Hắc Đế, từ đất Đường Lâm Thanh Nghệ tiến lên chiếm Phong Châu đô hộ phủ, mở nước Nam Châu, Tây Hưng đại vương sống mãi trong lòng các dân tộc người Việt.