Hương Bổng Đổng Đằng

Văn bia đình Chèm do tiến sĩ Cao Dương Trạc (đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi năm 1715) chép: “Hương, Bổng, Đổng, Đằng là bốn vị tối linh của nước ta vậy.
Thường người ta nói đến Tứ bất tử Việt Nam là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Mẫu Liễu Hạnh. Vậy còn “bốn vị tối linh” này là những ai, có thành tích gì mà nhân dân tôn làm “tối linh” thần?
Cũng tại đình Chèm, chủ đề tứ linh được đề cập khá nhiều, từ những bức chạm trên mái đình đến bài thơ trong chính điện:
Tu linh thiBức chạm Phượng hàm thư với bài Tứ linh thi ở đình ChèmBài Tứ linh thi chạm ở mái đình Chèm (tương truyền làm từ thời Cao Biền):
Thụy vật tương toàn hữu tứ linh
Hiếu bằng khắc họa kiến văn minh
Vũ mao lân giáp tề xưng trưởng
Kim bích đan thanh các tiếu hình
Bính nhĩ thần cung phương tích tại
Hoảng nhiên thánh thế mỹ tường trình
Phù trì thượng ngưỡng vô cùng đức
Tái tục phù ê vịnh thái bình.
Hoàng đồ củng cố

Dịch (theo sách Danh nhân Lý Ông Trọng với di tích và lễ hội đình Chèm, năm 2011):
Vật đẹp trong đời có tứ linh
Hãy xem khắc họa thấy văn minh
Cánh lông mai vảy cùng khoe đẹp
Vàng biếc son xanh đủ mọi hình
Rực rỡ cung thần lưu dấu tốt
Nguy nga đất thánh rạng điềm lành
Chở che ngưỡng vọng bền ân đức
Lại thấy chim ca khúc thái bình!
Giữ vững non sông

Thử lần theo dấu vết các đền thờ và truyền tích để xem tứ linh thần nước Nam là những ai.

Hương – Thụy Hương Lý Thân
Vị thứ nhất “Hương” thì khá rõ, chính là người được thờ ở nơi có văn bia trên, là đình làng Thụy Hương, tức là Lý Ông Trọng. Làng Thụy Hương không hiểu sao ngày nay lại chép thành Thụy Phương. Tên làng như vậy đã có, vậy cái tên Chèm hẳn chỉ một sự tích khác.
Trong bài trước đã nêu Chèm là từ đọc sai của Chiêm (Từ Liêm thiết Chiêm). Vị tối linh thứ nhất của nước ta là đức thánh Chiêm, người đã có công đánh giặc Chiêm Hung Nô – Hồ vào thời nhà Tần. Lý Ông Trọng có tên thánh là Hy Khang Thiên Vương. Hy là từ phiên thiết của Hoa Di. Hy Khang nghĩa là “Uy trấn Hoa Di”, như bức hoành phi trong đền Chèm còn lưu.
Bên cạnh công trạng lịch sử khá rõ Lý Ông Trọng còn có công … giúp Sơn Tinh đánh Thủy Tinh. Thần tích đình Chèm ghi việc Lý Ông Trọng chém thuồng luồng, là đại tướng của Thủy Tinh, ở đoạn sông Hồng chảy qua làng.
Hay trong bản thần tích bằng thơ đình Vật Lại Sự tích thánh tản viên diễn ca cũng kể về việc quân của Thủy Tinh khi tấn công Sơn Tinh đi qua Chèm đã ăn thịt mẹ Lý Ông Trọng. Do vậy Đức thánh Chèm nổi giận, chăng lưới đón lõng quân của Thủy Tinh:
Ông Chèm báo oán Long Vương
Lưới giăng ngăn khúc bến giang đón về.
Thuở ấy Long tộc Thủy tề
Đem quân lên đánh Ba Vì Tản Viên.
Khi quân Thủy Tinh bị Sơn Tinh đánh thua chạy rút về thì:
Thủy quân nẻo cũ quen về
Ngày sau tức thì đến xã Từ Liêm.
Tiên binh xung lưới ông Chèm
Ai hòa chẳng được càng thêm lo lường.
Hội đồng cá rắn biên giang
Ông Chèm ra thấy lòng càng mừng thay.
Trả ơn thân mẫu khi nay
Dạng chân sông cả, đôi tay vơ quàng.
Bủa vây mọi khúc biên giang
Rắn rồng bắt lấy bật ngang vào đồi.
Thủy Tinh buộc phải chạy trốn theo đường sông Hát mà ra biển, không dám qua sông Hồng nữa.
Đoạn sông Hồng gần Chèm nay còn có bãi bồi lớn giữa sông tên là Võng La, có lẽ nhắc tới tích Lý Ông Trọng giăng lưới bắt thủy quái ở đây.
Câu đối ở đình Chèm tóm tắt sự tích Lý Ông Trọng như sau:
Đồng ảnh khiếp cường di, chung cổ thần uy dương Bắc tái
Thiết la tiêu thủy quái, ức niên thánh lực hộ Nam bang.

Dịch:
Tượng đồng khiếp cường di, ngàn xưa oai thần vang ải Bắc
Lưới sắt trừ thủy quái, vạn năm sức thánh giúp nước Nam.

Thành tích trừ thủy quái của Lý Ông Trọng xem ra… không ăn nhập gì lắm với việc ông trấn quần Hồ thời Tần. Một đại tướng, phò mã của Tần Thủy Hoàng, một nhân vật lịch sử rõ ràng, lại có truyền thuyết gắn với Sơn Tinh – Thủy Tinh. Thật chưa hiểu thế nào…

Bổng – Phù Đổng Thiên Vương
Rà hết truyền thuyết, lịch sử Việt chẳng thấy có vị thần nào có tên hay sinh ra ở làng “Bổng” cả. Chỉ có mỗi Phù Đổng thiết Phổng. Âm “ph” và âm “b” có thể đổi cho nhau trong cổ âm (ví dụ phòng – buồng, phật – bụt) nên Phổng còn đọc là Bổng. Hoặc chữ Phù nếu đọc là Bồ thì Phù Đổng = Bồ Đổng thiết Bổng.
Phép phiên thiết cho thông tin: thần “Bổng” là Thánh Gióng. Làng Phù Đổng là làng Bổng ở Tiên Du xưa. Gọi là Bổng vì Thánh Gióng mới 3 tuổi, ăn cơm cà của làng mà lớn “phổng”, nhanh như thổi, cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân ở Vũ Ninh. Thắng giặc ngài bỏ mũ áo lên núi Sóc Sơn rồi bay… “bổng” về trời…
Đúng là từ Thánh Gióng đã mở ra một thời đại “bay bổng” tuyệt vời của người Việt. Cùng với Ninh Vương Cơ Phát (Vũ Ninh) mở đầu nhà Chu kéo dài thiên thu, hình thành nền tảng văn hóa xã hội Trung Hoa rực rỡ.
Câu đối ở đền Phù Đổng:
Kiếm mã phấn Vũ Ninh, Hùng Lạc sơn hà kinh tái tạo
Miếu đình sâm Tiên Phổ, Viêm Giao vũ trụ ngưỡng dư linh.

Dịch:
Gươm ngựa động Vũ Ninh, Hùng Lạc non sông gây dựng lại
Sân miếu quang Tiên Phổ, Viêm Giao trời đất ngưỡng oai linh

Tiên Phổ ở đây là huyện Tiên Du.
Ngu monĐền Phù Đổng ở Bắc NinhĐổng – Huyền Thiên Trấn Vũ
Nếu “Bổng” là Phù Đổng thiên vương thì “Đổng” là ai?
Đền Bộ Đầu ở bên sông Hồng thuộc Thường Tín – Hà Nội hé lộ thân thế của vị thần này. Đền này tương truyền thờ Đổng Sóc thiên vương nhưng lại với những ghi chép sự tích hoàn toàn khác vị Phù Đổng thiên vương đánh giặc Ân ở trên. Thần tích kể có người đàn bà trong làng ra bờ sông gánh nước, bị thuồng luồng lôi tuột xuống sông. Bỗng thấy người con từ trên trời sà xuống cứu mẹ, giẫm chết hai con thuồng luồng. Người con cũng hóa luôn, để lại trên bờ sông một vết chân to lớn. Vì thế nên gọi là xã Bộ Đầu.
Den Bo DauĐền Bộ ĐầuVết chân lớn của thánh cũng gặp trong truyền thuyết Phù Đổng ở Tiên Du, mẹ Gióng đi làm đồng giẫm phải dấu chân lớn về nhà có mang sinh ra Thánh Gióng… Còn chuyện giết thuồng luồng trả thù cho mẹ thì đã gặp trong chuyện của Thánh Chèm ở trên.
Nay ở đền Bộ Đầu còn bức tượng đất nung của thần Đổng cao 7-8 mét, một tay cầm long đao, một tay cầm mộ tháp mẫu thân, chân giẫm giao long. Trước đây đền có mái cao, mở như gác chuông, đứng từ bến sông có thể chiêm ngưỡng được tượng thánh oai phong lẫm liệt, đang hướng mắt nhìn ra sông Hồng.
Câu đối ở đền Bộ Đầu:
Tự đa đào chú thành chân tượng
Trực thướng phi thăng sính dị long.

Dịch nghĩa:
Đúc bằng đất nung thành chân tượng
Bay từ trời xuống giết dị long.

Dong thien vuongTượng đất ở đền Bộ Đầu
Có thể thấy chữ Đổng ở đây là chỉ sự to lớn của thần. Thần Đổng là vị thần khổng lồ. Đổng là chép từ “Đùng” của tiếng Nôm.
Chữ Đổng 董 và chữ Trọng 重 viết và đọc gần như nhau nên chắc một phần sự tích của thần Đổng đã chép sang thành của thần Hương (Lý Ông Trọng). Từ đó mới có chuyện Lý Thân người to lớn, cao hai trượng, dày mười gang … Ông Trọng là mang nghĩa kính trọng, vì là đại tướng phò mã nhà Tần, chứ không phải nghĩa là to lớn về hình thể.
Phần khác vì chữ Đổng nằm trong phiên thiết của Phù Đổng nên sự tích ông Đổng lại lẫn nốt vào sự tích của thần Bổng Thánh Gióng.
Theo thần phả đền Bộ Đầu, thủa ấy, ở động Xích Thủy do Hùng Vương trị vì có thần tướng Đằng Xà nổi lên cướp bóc suốt từ rẻo Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa đến Thái Nguyên. Quân giặc được mô tả mặt thú hình yêu, đầu rắn mặt cá… như là hiện thân của những cơn lũ và những loài thủy quái làm hại dân lành.
Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa đến Thái Nguyên” là địa bàn trấn giữ giặc Hồ của Lý Thân (đất Lâm Thao). Thần tích này đã chép lẫn chuyện của Thánh Chèm vào đây. Tuy nhiên thần tích đền Bộ Đầu cho thấy rõ thần Đổng như vậy là một vị thần trị thủy, diệt thủy quái.
Lạ hơn nữa thần phả ở đền Bộ Đầu có tên “Bộ Đầu linh từ sự tích Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh, Thành hoàng nhất vị“. Các sách cũ (theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam của Ngô Đức Thọ) đều cho rằng đền này thờ Huyền Thiên Đại Thánh chứ không phải Phù Đổng thiên vương.
Nằm đối diện bên kia sông Hồng có Trấn Vũ quán ở thôn Ngọc Trì – Thạch Bàn – Gia Lâm. Ở đó thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, người có công giúp An Dương Vương dẹp yêu quái xây thành Cổ Loa. Nhưng ở đây Huyền Thiên lại là vị thần chuyên thu phục yêu quái các sơn thủy động, “trấn qui xà”. Tượng Huyền Thiên ở Ngọc Trì làm bằng đồng to lớn nặng tới 4 tấn…
Huyen ThienTượng đồng Huyền Thiên ở Ngọc Trì – Gia Lâm
Thì ra thần Đổng có thân hình, dấu chân to lớn, có công trừ yêu, trấn thủy quái chính là Huyền Thiên, tức là Lão Tử. Vị tổ của Đạo Giáo này thì rõ là phải giỏi nghề hàng yêu phục quỉ, nổi bật nhất là khiển thần Kim Qui giúp Thục An Dương Vương diệt yêu gà trắng Bạch Kê Tinh xây thành Cổ Loa.
Đằng – Vua Mây họ Phạm
Vị thần Đằng ở Kim Động tưởng là rõ nhưng cũng nhiều tồn nghi. Lĩnh Nam chích quái chép nguyên một chuyện về vị thần xứ Đằng Châu hiển linh trước nhà vua làm nửa sông mưa, nửa sông tạnh… Các sách chép không giống nhau là thần đã hiển linh với vị vua nào, chỗ là Lý Thái Tổ, chỗ là Lý Thái Tông, chỗ lại là Lê Long Đĩnh. Sự lộn xộn này nay cũng sáng tỏ vì Lý Thái Tổ cũng chính là Lê Long Đĩnh – Đinh Bộ Lĩnh (Long Đĩnh thiết Lĩnh).
Den vua MayĐền vua Mây ở Hưng YênĐền Đằng Châu ở Kim Động còn gọi là đền Vua Mây, thờ sứ quân Phạm Phòng Ất (Phạm Bạch Hổ) thời Đinh Tiên Hoàng. Nhưng theo tộc phả họ Phạm:
Cuối đời Hùng Duệ Vương (258 trước CN) con trai trưởng của Phạm Duy Minh ở xứ Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay là Đại lang Phạm Duy Hinh cùng Lý Thành (con Lý Thân – Lý Ông Trọng) trấn thủ đất Nam Hà gồm 2 châu là Ái châu (Bình Trị Thiên) và Trung châu (gọi là xứ Lâm Ấp) – tức là Nam Trung bộ ngày nay…
Như vậy nếu thần Hương là Lý Thân thì thần Đằng phải là Phạm Duy Minh. Có thể Phạm Duy Minh cũng chính là sứ quân Phạm Phòng Ất vì thời 12 sứ quân Việt Nam chỉ là bản chép của thời Chiến Quốc. Khai thiên trấn quốc Đằng Châu họ Phạm có thể là tướng trấn giữ vùng phía Đông ven biển thời nhà Tần. Con cháu họ Phạm sau này kế nghiệp trấn giữ vùng duyên hải ven biển miền Trung (Lâm Ấp).
Hương, Bổng, Đổng, Đằng – bốn vị tối linh của nước ta là 4 vị tướng có công lớn vào thời Chu Tần (Văn Lang – Âu Lạc):
Hương là Lý Thân, đại tướng phò mã trấn Chiêm Hồ của nhà Tần.
Bổng là Thánh Gióng, người cùng Chu Vũ Vương đánh Trụ dẹp Ân.
Đổng là ông khổng lồ Huyền Thiên Lão Tử, người giúp vua Chu dời đô từ Tây sang Đông về Lạc Ấp Cổ Loa, chuyên nghề trừ yêu diệt quái.
Đằng là vị họ Phạm, trấn giữ vùng ven biển, giỏi chuyện hô mây gọi gió.
Từng đoạn, từng sự tích của các vị này bị chép lẫn vào nhau, dẫn đến mỗi nơi chép một kiểu, người này nhầm vào người kia.
Tu linhBức chạm tứ linh ở đền ChèmNếu xét về phương hướng thì:
Hương là thần trấn phương Tây như Lý Thân giúp Tản Viên Sơn Thánh hay màu trắng trong tên Bạch Tĩnh công chúa. Hướng Tây có linh vật là chim phượng, nên thánh có tên là Chèm (Chim – Chiêm), người làng Hương thơm (Thụy Hương), rất giỏi chữ nghĩa, đỗ Hiếu liêm, đọc Tả truyện Xuân thu, … Đây rõ là một “văn tướng”, còn cái phần “khổng lồ” của Ông Trọng là chép nhầm từ ông Đổng mà ra.
Bổng là thần trấn phương Nam ngày nay, hướng Sóc phương của núi Sóc, nơi thần hóa. Bổng cũng là tính chất nhẹ, bay của phương Nam (như các từ “bốc”,”bức”). Phương Nam có linh vật là con Ly hay con Hổ (Hỏa). Thánh Gióng rõ là một Hổ tướng, cưỡi ngựa sắt phun ra lửa (hỏa)…
Đổng (Đùng) là thần trấn phương Bắc màu đen của Huyền Thiên. Linh vật là còn rùa, rất rõ trong hình ảnh của Huyền Thiên Trấn Vũ trấn qui xà, cử thần Kim Qui tới giúp An Dương Vương trừ yêu quái…
Đằng là thần trấn phía Đông ven biển, trong chuỗi liên hệ Đằng -> Đường -> Thương, Thương là tính chất từ ái của phương Đông, là màu xanh (Thanh). Linh vật phương Đông là con rồng, có tài cưỡi mây phun mưa. Vua của Mây thì chính là rồng…
Cả bốn vị tối linh Hương Bổng Đổng Đằng đều có thân thế sự nghiệp được ghi rõ trong Lĩnh Nam trích quái. Truyền thuyết Việt đúng là những câu chuyện “cổ tích”, tức là dấu tích của chuyện cổ, của lịch sử thật sự…

“Thi sử kinh nhân” Hồ Tông Thốc

Hồ Tông Thốc, dòng dõi họ Hồ ở Châu Diễn, đỗ trạng nguyên cuối thời nhà Trần, là một nhà thơ có tiếng của thời đó. Về khả năng làm thơ và … uống rượu của ông đã được người cháu họ là Hồ Nguyên Trừng mô tả trong tác phẩm Nam Ông mộng lục, bài Thi tửu kinh nhân (Thơ và rượu kinh người):
Người Diễn Châu Hồ Tông Thốc, thi đỗ từ trẻ, rất có tài danh. Ban đầu chưa nổi tiếng lắm, nhân đến Nguyên tiêu, có đạo nhân Pháp quan họ Lê giăng đèn mở tiệc, rước khách văn chương. Tông Thốc nhận giấy mời đề thơ. Trong một đêm, trên tiệc làm trăm bài thơ, uống trăm chén rượu, ai nấy xúm nhìn thán phục, không ai địch nổi. Từ đó danh động kinh đô, sau dùng văn tài làm thầy người. Làm quan thờ Trần Nghệ Vương, quan đế Hàn lâm học sĩ, Thừa chỉ kiêm Thẩm hình viện sứ, thơ rượu không ngày nào vắng. Tuổi ngoài tám mươi, mất tại nhà.
Làm trăm bài thơ một lúc đã là tài, còn uống đến trăm chén rượu một lúc thì quả là “kinh người”. Thơ rượu không ngày nào vắng mà thọ tới 80 tuổi!
Nhưng Hồ Tông Thốc không chỉ làm “kinh người” bởi thơ và rượu…
Trong dòng họ Hồ, Hồ Tông Thốc và Hồ Quý Ly đều cùng là cháu đời thứ 15 kể từ nguyên tổ Hồ Hưng Dật ở Quỳnh Đôi – Châu Diễn. Hồ Tông Thốc làm quan nhà Trần, từng được cử đi sang sứ triều Minh. Trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ còn ghi lại một bài thơ của ông trên đường đi sứ, đề ở đền Hạng Vũ như sau:
Bách nhị sơn hà khởi chiến phong
Huề tương tử đệ nhập Quan Trung,
Yên tiêu Hàm Cốc châu cung lãnh
Tuyết tán Hồng môn ngọc đấu không
Nhất bại hữu thiên vong Trạch tả
Trùng lai vô địa đáo Giang Đông
Kinh doanh ngũ tải thành hà sự
Tiêu đắc khu khu táng Lỗ Công.

Trong câu đầu tiên của bài thơ cụm từ “sơn hà” thì rõ là chỉ nước non, quốc gia. Hai chữ đầu vậy chắc chắn là tên một nước. Các chữ “Bách nhị” này được các sách hiện nay giải thích: nhà Tần đóng đô ở Quan Trung là nơi hiểm yếu, hai người có thể chống chọi trăm người nên mới có tên Bách nhị sơn hà.
Giải thích vậy xem ra không ổn, vì:
– Tại sao không phải 1 người chọi một trăm mà lại là 2 người? Một chọi trăm mới đúng là thành ngữ. Hơn nữa, làm gì có ai lấy chuyện bâng quơ như vậy để gọi tên quốc gia, “sơn hà” bao giờ.
– Nhà Tần khi Hạng Vũ khởi nghĩa đã đóng đô ở khoảng giữa hai nhà Đông Chu và Tây Chu, là chốn phồn hoa đô hội lâu đời, có đường thông ra tận cửa biển. Tần Thủy Hoàng xưng đại đế, có sợ ai đâu mà phải đóng ở chốn hiểm yếu, để đến nỗi tên nước gọi thành “Bách nhị”.
– Hạng Vũ người nước Sở, theo Sở Nghĩa Đế nổi dậy chống Tần, đâu phải là người Tần mà nói khởi nghĩa ở Quan Trung?
Thực ra trong chữ Nho, chữ Nhị 貳 phồn thể rất gần với chữ Việt 越, nhất là khi viết trong cổ văn. Đọc là “Bách Việt sơn hà”… cụm từ này rất thông dùng để chỉ non sông Bách Việt. Hạng Vũ khởi nghĩa ở Bách Việt, thật quá chính xác. Nước Sở chẳng phải thuộc Bách Việt thì là gì? Nhà Tần cũng là Bách Việt mà thôi.
Nguyên ý bài thơ của Hồ Tông Thốc xác định cuộc khởi nghĩa của Hạng Vũ chống Tấn là lịch sử Bách Việt, đã bị người đời sau “mắt mờ đọc quẹo”, Việt 越 thành nhị貳, thành ra nghĩa không thể hiểu nổi…
Hai chữ cuối của bài thơ là “Lỗ Công”, được giải thích khi Hạng Vũ chết đã được Lưu Bang dùng lễ mai táng như Lỗ Công. Lỗ Công là ai? Mai táng như Lỗ Công là trọng hay khinh?
Lỗ Công tức là Chu Công Đán, vương nước Lỗ. Chu Công là người đã phò tá Chu Thành Vương dẹp loạn, ổn định triều chính, gây tạo cơ nghiệp nhà Chu gần nghìn năm. Lễ nghi Trung Hoa đều bắt đầu từ Chu Công cả. Lưu Bang dùng lễ táng của Chu Công đối với Hạng Vũ thì có thể nói là thể hiện sự coi trọng hết mức.
Với những chú giải trên xin ghi dịch lại bài thơ Đề ở đền Hạng Vương của Hồ Tông Thốc như sau:
Bách Việt non sông nổi bụi hồng
Đem đoàn đệ tử đến Quan Trung
Khói tan Hàm Cốc cung châu lạnh
Tuyết rã Hồng Môn đấu ngọc không
Thua chạy giời xui đường Trạch Tả
Quay về đất lấp nẻo Giang Ðông
Năm năm lăn lộn hoài công cốc
Còn được vùi trong mả Lỗ Công.

Hồ Tông Thốc không chỉ là nhà thơ mà còn là một sử gia tài năng. Ông là người đã viết những cuốn sử đầu tiên của nước ta là Việt sử cương mục Việt Nam thế chí. Hai từ “Việt Nam” được dùng lần đầu tiên chính là trong tác phẩm của Hồ Tông Thốc từ thời Trần. Có thể thấy Hồ Tông Thốc không hề mơ hồ khi đưa những dẫn liệu lịch sử vào thơ văn. Thơ và rượu chỉ là nguồn cảm hứng chứ không làm cong đi tính sử của các dữ liệu mà ông để lại.
Theo gia phả họ Hồ Tam Công ở Nghệ An thì tên hiệu của Hồ Tông Thốc là Động Đình Ông. Tại sao Hồ Tông Thốc lại lấy Động Đình làm bút danh? Hồ Động Đình nếu ở Hồ Nam – Trung Quốc thì quá vô lý. Hồ Nguyên Trừng khi bị bắt nhà Minh bắt sang Bắc Kinh, viết sách lấy hiệu là Nam Ông, tưởng nhớ về phương Nam. Còn Hồ Tông Thốc … chẳng nhẽ là tưởng nhớ đến đất Hồ Nam?!
Thơ của Hồ Tông Thốc còn lưu lại được bài Du Động Đình họa Nhị Khê nguyên vận (Chơi Động Đình hoa vần thơ của Nhị Khê). Một số sách chép bài thơ, không hiểu Hồ Tông Thốc đi … du lịch ở tận Động Đình Hồ Nam lúc nào, nên sửa thành Du Đông Đình họa Nhị Khê…?!
Nguyên văn phiên âm bài thơ chữ Hán:
Tài thức như quân thượng thiếu niên
Văn chương ta ngã lão vô duyên
Dĩ tương đắc táng di hình ngoại
Bất phục công danh đáo chẩm biên
Biến báo chỉ kham nhàn ẩn khách
Tiễn ngư hà tất khổ lâm xuyên
Hạnh năng nhật nguyệt tần lai phỏng
Hưu quái Động Đình tự khánh huyền.

Câu kết thường được dịch theo nghĩa: Chớ ngại Đông Đình: khánh ngoắc lên!
Dịch thế này thì chẳng hiểu gì cả! Tại sao lại ngại đình Đông? Tại sao treo khánh lên làm gì?
Bài thơ trên làm vào quãng thời gian cuối đời của Hồ Tông Thốc. Khi Hồ Quý Ly soán đoạt ngôi của nhà Trần, chí hướng Hồ Tông Thốc và Hồ Quý Ly khác nhau nên Hồ Tông Thốc đã từ quan về đất Nghệ An ở ẩn. Bài thơ này do vậy miêu tả một người “tài thức” còn đang sung sức như “thiếu niên”, nhưng đã gạt “công danh” sang một bên mà “nhàn ẩn”.
Câu kết bài thơ như vậy phải hiểu là: Về hưu ở Động Đình như chiếc khánh màu huyền, ý nói đi ẩn, giữ mình thanh sạch như chiếc khánh đen tuyền, không gợn vết.
Hồ Tông Thốc về hưu ở Động Đình… Động Đình đây là biển Đông, chứ chẳng phải đầm, hồ nào ở Hồ Nam cả. Nơi ông cáo lão về quê là Nghĩa Đàn – Nghệ An. Từ đó mà đi ra biển Đông thì chẳng mấy bước, Hồ Tông Thốc “Du Động Đình…” thật chẳng khó khăn gì.
Hồ Tông Thốc sinh ra ở ven biển duyên hải Châu Diễn. Diễn nghĩa là vươn dài ra biển (“Dài … biển” thiết Diễn). Ông lớn lên và đi học ở Hồng Châu – Hưng Yên. Khi cáo lão lại về Nghệ An ẩn cư. Cả cuộc đời ông gắn với miền biển. Hơn nữa, là người chép huyền sử Việt, ông rất hiểu truyền thuyết họ Hồng Bàng mà trong đó Động Đình là quê mẹ của Lạc Long Quân, là cội nguồn của Bách Việt, nên đã lấy tên hiệu Động Đình Ông vậy.
Bài minh trên văn bia chùa Báo Ân, núi Non Nước (Ninh Bình), là một trong số ít những bài minh do Hồ Tông Thốc thảo còn lưu lại được, có đoạn:
Ôi! Phật pháp từ khi nhập vào Trung Quốc đến nay, khắp núi sông trong thiên hạ, những vùng đất danh thắng như nơi đây đều quy về nhà Phật. Nhưng Phật đặt ra Phật pháp để độ người, đó là cái tâm của Phật, còn người xây dựng chùa để thờ Phật thì đó lại không phải là ý muốn của Phật vậy…
Hoàng Việt niên hiệu Xương Phù năm thứ 7 (1383) ngày mùng 7 tháng Chạp năm Quý Hợi.

Tại sao văn bia ở Ninh Bình, nói về chùa về phật ở Ninh Bình lại nói Phật vào “Trung Quốc” là thế nào? Thời Trần đã làm gì có “Trung Hoa nhân dân quốc” mà gọi là Trung Quốc? Ở trên ghi là “Trung Quốc”, còn dưới thì ký “Hoàng Việt”…
Nhà sử học Hồ Tông Thốc đã ghi rõ: Trung Quốc là từ mà nhà Trần gọi quốc gia Hoàng Việt của mình. Trung Quốc là nước giữa thiên hạ, tức là… thiên tử. “Việt Nam” thời Trần (đúng nghĩa trong Việt Nam thế chí) chính là Trung Quốc!
Thời Trần, một bên là các vua họ Trần, gốc Mân Việt, một bên là nhà Nguyên, gốc … Mông Cổ, thì hiển nhiên nhà Trần mới chính là Trung Hoa chân truyền từ thời Tam đại. Nhà Trần gọi mình là Trung Quốc hoàn toàn đúng.
Cái làm “kinh người” của sử gia Hồ Tông Thốc còn là ở chỗ, chính ông là người đầu tiên đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử. Nếu Lê Văn Hưu viết sử chỉ từ thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) thì Hồ Tông Thốc đã rất mạnh dạn và sáng suốt chép toàn bộ thời Hồng Bàng vào sử. Sử quan vừa thoáng lại vừa sâu, cách viết sử có phương pháp rành mạch của ông đã được Ngô Sĩ Liên nhận xét và đánh giá cao, xếp ông còn vượt hơn Lê Văn Hưu và Phan Phụ Tiên. Ngô Sĩ Liên tiếp tục sự nghiệp Hồ Tông Thốc, đưa thời đại Hùng Vương vào trong Đại Việt sử ký toàn thư. 18 triều Hùng nước Việt nhờ vậy được lưu truyền trong con rồng cháu tiên mãi tới ngày nay.
Các tác phẩm Việt sử cương mụcViệt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc hẳn còn chứa đựng nhiều thông tin xác thực và giá trị nên mới bị … “thất lạc” (?) dưới thời giặc Minh xâm lược. Ý đồ tiêu hủy sử sách Việt Nam của nhà Minh rất rõ ràng, sách gì cũng đốt, bia gì cũng đập, tứ đại khí An Nam đem nấu chảy làm vũ khí cả…
Cũng may Bài tựa sách Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc còn lưu lại được đầy đủ. Trong đó đã nói rõ quan điểm sử học của Hồ Tông Thốc khi đưa những huyền thoại, truyền thuyết vào chính sử:
Có người hỏi tôi rằng: Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?
Tôi đáp rằng: … Cho nên những chuyện góp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá; thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử; tôi đâu tự dám cho ý mình là thoả đáng.

Những truyền thuyết trâu thần rắn quái lưu truyền trong sử từ Hồ Tông Thốc ấy nay đã … chờ được “các bậc quân tử sau này”. “Ngọc đá” tới nay đã phân minh. Từ “tiếng vang và hình bóng của lịch sử” đã phục dựng được gần như nguyên vẹn bức tranh cổ sử. Từng trang huyền sử Việt đang ngày càng hiện tỏ. Thi sử gia Hồ Tông Thốc chắc cũng được ngậm cười nơi chín suối; hay đang phù hộ cho cháu con trên con đường hoàn thành tâm nguyện của cha ông …
Câu đối ở nhà thờ Hồ Tông Thốc tại Nghệ An:
國慶家慶長先德榮封自今始
臣心子心一吾生報稱相謂何
Quốc khánh gia khánh trường, tiên đức vinh phong tự kim thủy
Thần tâm tử tâm nhất, ngô sinh báo xứng tương vị hà.
Dịch:
Bền lâu thế nước vận nhà, đức tổ tới nay vinh vẫn lớn
Như một lòng thần dạ tử, đời ta đã xứng báo đền chưa.

Sử thuyết họ Hùng

Chong đèn xem sử nước nhà,
Đường về nguồn cội thật là xa xăm.
Họ Hùng khai quốc vạn năm,
Núi Đọ, sông Mã, Quỳnh Văn thủa nào.
Phải đời Nghiêu đế xứ Đào,
Ruộng đồng xanh dải sông Thao bốn mùa?
Nam bang triệu tổ xa xưa.
Ân đức vua Thuấn như mưa ruộng cày.
Sơn Tinh – Hạ Vũ đâu đây?
Sông Đà trị thủy, núi này Tản Viên.
Lạc Long chiến thắng thiên nhiên,
Mở rộng bờ cõi khắp miền biển Đông.
Việt Thường lắm trĩ nhiều công,
Phải nhà Thương cũ bên dòng Trường Giang?
Lang Liêu lập nước Văn Lang,
Kinh đô Cổ Thục Vân Nam một vùng?
Nhà Chu với chín đỉnh đồng,
Phải thời Thục Phán trống đồng nước ta?
Đông Chu đô đóng Cổ Loa?
Xuân Thu, Chiến Quốc cũng là sử Nam?
Tiên Hoàng trùng nghĩa Thủy Hoàng,
Đinh – Tần thống nhất con đàn Hùng Vương?
Lý Bôn người gốc xứ Mường,
Tranh hùng Hạng Vũ, Trương Lương cùng thời?
Nam Việt riêng một cõi trời,
Triệu Đà chính lẽ vua người nước Nam.
Hiểm sâu Lưu Tú mưu gian,
Nhập nhèm Hoa – Hán, Bắc – Nam đánh quàng.
Bà Trưng khởi nghĩa Khăn Vàng?
Thân dù tử tiết, tiếng vang muôn đời.
Thục Ngô liên kết răng môi,
Ngô Quyền, Lý Bí hai nơi chống Tào?
Tùy, Đường triều đại thế nào,
Tiền Lê, Tiền Lý so vào khớp chăng?
Đại Việt từ thủa Thăng Long,
Ngàn năm độc lập, núi sông vẫn còn.
Ngẫm suy thấu đạo vuông tròn,
Dân Hoa, dân Việt cháu con vua Hùng.

Văn nhân tiếp vần:
Khiết đan Liêu Hán một dòng
Chiếm dân cướp nước xóa đi giống nòi
Để nay ai đó sụt sùi
Quỳ ôm đống mối ngỡ là mộ cha…

 

Lịch sử Đức thánh … Chiêm

Cong dinh ChemCổng đình Chèm thờ Lý Ông Trọng

Hương, Bổng, Đổng, Đằng là bốn vị tối linh của nước ta” (Lời tiếm bình Việt điện u linh của tiến sĩ thời Lê Cao Huy Diệu). “Hương” ở đây chỉ Lý Ông Trọng, người Thụy Hương, Từ Liêm. Đức Thánh Chèm như vậy được xếp ngang hàng với đức Phù Đổng thiên vương.
Lĩnh Nam chích quái chép Truyện Lý Ông Trọng:
Cuối đời Hùng Vương có người ở xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ họ Lý tên Thân. Khi đẻ ra rất to lớn, cao đến 2 trượng 3 thước… Đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn cất binh đánh ta, An Dương Vương bèn đem Lý Thân tiến nhà Tần. Thủy Hoàng mừng lắm, phong cho làm chức Tư lệ hiệu úy. Khi Thủy Hoàng đã lấy được cả thiên hạ, sai Lý đem quân giữ đất Lâm Thao, uy danh vang dội đến Hung Nô, Hung Nô không dám xâm phạm cửa ải, Thủy Hoàng phong Lý làm Phụ tín hầu, lại gả công chúa cho Lý.
Truyện kể Lý Ông Trọng này nghe ra … kỳ kỳ. Tần Thủy Hoàng đánh đông dẹp bắc thu phục cả thiên hạ, tới nước Việt thì thay vì chống lại, An Dương Vương lại còn cho “mượn” người làm tướng để giúp Tần chống giữ Hung Nô…
Nhưng truyện Lý Ông Trọng rõ ràng là truyện có thật, là một chuyện cổ xảy ra vào đời Tần vì được cả sách Trung Quốc chép. Sách Từ Nguyên viết:
Nguyễn Ông Trọng đời Tần, người Nam Hải, thân dài một trượng ba thước, khí chất đoan dũng, khác với người thường. Vua Thủy Hoàng sai cầm quân giữ đất Lâm Thao, thanh thế chấn động Hung Nô. Ông Trọng chết. Vua sai đúc tượng đồng để ở của Tư Mã, coi giữ cung Hàm Dương.
Lý Ông Trọng người Việt mà làm tới chức Tư lệ hiệu úy nhà Tần, được phong là Phụ Tín hầu, rồi còn làm phò mã nước Tần. Một người Việt chính gốc được đại đế lang sói như Tần Thủy Hoàng hậu đãi tới vậy. Lại còn từ Văn Lang sang tới tận Thiểm Tây để trấn giữ Hung Nô… Trong chuyện này có gì đó không bình thường…
Thần tích đình Chèm ghi: Lý Ông Trọng được Hùng Vương phong chức Chỉ huy sứ. Ngài giúp vua dẹp yên các loại giặc hay quấy nhiễu biên giới phía Tây và phía Nam khiến chúng sợ không dám xâm phạm bờ cõi nước Văn Lang.
Thần tích đình Trạo Thôn (Ân Thi – Hải Dương, quê mẹ Lý Ông Trọng)  thì viết luôn Lý Ông Trọng đánh giặc “Ai Lao và Chiêm Thành”, tưởng là vô lý nhưng lại rất chính xác. Phía Tây và Nam Văn Lang thì chẳng là đất Ai Lao và Chiêm Thành (sau này) là gì?
Vận dụng phép phiên thiết Hán văn cho ta một số thông tin bất ngờ:
Hung Nô thiết Hồ. Lý Ông Trọng trấn Hung Nô tức là trấn giữ người Hồ hay người Hời.
Từ Liêm thiết Tiêm, hay Chiêm. Đức thánh Chèm nghĩa là … Đức thánh Chiêm. Tên làng Chèm chỉ rõ công đức trấn giữ đất Chiêm của Lý Ông Trọng.
Tới đây không còn nghi ngờ gì nữa, thực ra Lý Ông Trọng làm tướng Tần để giữ vùng đất Tây và Nam nước ta chống lại người Hồ hay người Chiêm.
Đại Nam quốc sử diễn ca:
Hiếu liêm nhẹ bước thanh vân
Làm quan hiệu úy đem quân ngữ Hồ
Uy danh đã khiếp Hung Nô
Người về Nam quốc hình đồ Bắc phương.
Hung Nô = Hồ, rất rõ trong đoạn thơ trên.
Bài thơ trong Lĩnh Nam chích quái, Truyện Lý Ông Trọng:
Văn võ toàn tài đại trượng phu
Hàm Dương khiển tượng nhiếp quần Hồ
Vĩnh Khang nhất nhật đàm kinh mộng
Huyết thực Nam thiên tráng đế đồ.

Dịch:
Võ giỏi văn tài đấng trượng phu
Hàm Dương đồng tượng khiếp quần Hồ
Vĩnh Khang ứng mộng bàn kinh truyện
Hương lửa trời Nam vững đế đồ.

“Quần Hồ” là người Hời hay Chiêm. Trong các câu đối ở đình Chèm gọi là Hoa di hay Di Hạ. Hồ = Hời = Hoa = Hạ. Hoành phi ở đền Chèm ghi “Uy chấn Hoa Di”.
Câu đối ở cổng đình Chèm:
Hoa Di vọng biểu cao, đế khuyết do nghi đồng hữu ảnh
Miếu mạo nguy sơn trĩ, phật tân tự tín thủy vô ba.

Dịch:
Người Hời trông cột lớn, cửa vua còn ngờ tượng đồng vẫn có bóng hình
Đền miếu lồng núi cao, bến phật tự tin sông nước không còn sóng dữ.

Phuong dinhPhương đình ở đình Chèm

Câu ở tòa đại bái đình Chèm:
Thiên thùy nguyên tinh, Di Hạ lẫm hùng uy, đồng tượng thanh cao Tần Bắc trấn
Địa lưu cố trạch, âm dương đồng hiển tướng, kim chương trù điệp Việt Nam phong.

Dịch:
Trời buông khí nguyên, Di Hạ sợ hùng oai, tượng đồng thanh cao trấn Tần Bắc
Đất lưu nền cũ, âm dương cùng hiện tướng, sách vàng dày chất cõi Việt Nam.

Hoa Di hay Di Hạ có thể là con cháu dòng Đế Nghi phương Nam từ thời cổ, tức là nhóm người Môn – Khmer ở phía Tây và Nam nước ta. Phía Nam nước Văn Lang được biết có nước Hồ Tôn. Nước Hồ Tôn thì không phải người Hồ thì là người gì?
Lý Ông Trọng được Tần Thủy Hoàng gả công chúa Bạch Tĩnh Cung. Phân tích tên đức bà này:
– Bạch là màu chỉ phương Tây trong ngũ hành.
– Tĩnh là tính chất tĩnh khang của phương Tây theo Dịch lý.
Công chúa Bạch Tĩnh Cung nghĩa là Tây cung công chúa, một lần nữa xác nhận Lý Ông Trọng trấn giữ đất phía Tây của nhà Tần.
Truyền thuyết kể rằng tới thời Đường Kinh lược sứ Triệu Xương đi qua Từ Liêm, bến Vĩnh Khang nằm mộng gặp Lý Ông Trọng cùng giảng sách Xuân Thu, Tả truyện. “Vĩnh Khang ứng mộng bàn kinh truyện”.
Thiên Nam ngữ lục chép chuyện ứng mộng này như sau:
Thuyền qua đến quận Từ Liêm
Vĩnh Khang bến ấy nửa đêm đỗ nhờ
Canh khuya phảng phất mờ mờ
Chiêm bao thấy tướng tên là Trọng Ông.
Triệu Xương là người đã chiêu an Phùng An – Đỗ Anh Hàn (khởi nghĩa Phùng Hưng). Có phải chuyện hiển mộng ở bến Vĩnh Khang có ý nói nhờ Lý Ông Trọng đã bàn chuyện kinh sách, khuyên Triệu Xương lấy đức mà cai trị nên mới thu dẹp được họ Phùng?
Câu đối ở đình Chèm:
Bắc khuyết ngưỡng chân dung, vân ủng kim tinh vô tượng ngoại
Khang giang truyền hiển tích, ba hàm thiết khí hữu thanh trung.

Dịch:
Cửa Bắc ngưỡng chân dung, tinh vàng mây phủ ngoài không tượng
Sông Khang truyền hiện tích, võng sắt sóng bao trong có thanh.

Sông Khang, sông Khương liệu có phải ám chỉ sông … Mễ Khương không? Vùng đất Lý Ông Trọng trấn giữ kéo từ Lâm Thao (Phú Thọ) tới tận sông Mê Kông cũng đúng là đất Ai Lao – Chiêm Thành xưa.
Duệ hiệu thờ của Lý Ông Trọng tại đình Chèm là Hy Khang Thiên Vương.
– Hy = Hai = Hời, phía Nam
– Khang tức là Tây.
Hy Khang Thiên Vương là thần vương trấn vùng Tây và Nam.
Cũng có thể “Khang” có nghĩa là “trấn”, “yên”. Hy Khang Thiên Vương là vị thần vương trấn giặc Hồ ở phía Nam, tướng ứng với bức hoành phi “Uy trấn Hoa Di“.
Theo thần tích và Lĩnh Nam chích quái Lý Ông Trọng còn giúp Cao Biền đánh giặc Nam Chiếu. Lý do Lý Ông Trọng hiển linh giúp Triệu Xương và Cao Biền cũng chỉ ra rằng nơi mà uy linh của Ông Trọng trấn Hồ chính là vùng đất Nam Chiếu – Phùng Hưng, tức là vùng đất Tây và Nam nước ta ngày nay.
Tộc phả họ Phạm chép:
Cuối đời Hùng Duệ Vương (258 trước CN) con trai trưởng của Phạm Duy Minh ở xứ Đằng Châu, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên ngày nay là Đại lang Phạm Duy Hinh cùng Lý Thành (con Lý Thân – Lý Ông Trọng) trấn thủ đất Nam Hà gồm 2 châu là Ái châu (Bình Trị Thiên) và Trung châu (gọi là xứ Lâm Ấp) – tức là Nam Trung bộ ngày nay…
Thông tin Lý Thành, con Lý Thân trấn thủ đất Nam Hà – Lâm Ấp đã khẳng định một lần nữa vùng đất trấn giữ của Lý Ông Trọng. Nam Hà gồm 2 xứ. Xứ Nam do Lý Thành trấn giữ là vùng Tây Bắc và Thượng Lào ngày nay. Xứ Hà hay Hồ là đất người Hời, người Chiêm ở Trung bộ và Hạ Lào. Con Lý Ông Trọng ở Nam Hà – Lâm Ấp thì trước đó chính nơi đây đã là do Lý Ông Trọng trấn giữ.
Theo sử sách thì Lý Ông Trọng làm tướng Tần trấn giữ Hung Nô ở đất Lâm Thao. Lâm Thao không phải ở tận Cam Túc – Thiểm Tây. Lâm Thao là phần đất Lâm hay đất Nam trong Nam Hà, nơi có sông Thao chảy qua, hay nói cách khác Lâm Thao là vùng Tây Bắc ngày nay.

Tu linh 2Tứ linh trên mái đình Chèm.

Lý Thân, Tư lệ hiệu úy nhà Tần, phò mã của Tần Thủy Hoàng, trấn giữ người Hồ ở phía Tây và Nam Việt trên đất Chiêm. Vậy nhà Tần phải ở đâu mà cần giữ vùng “Ai Lao, Chiêm Thành” này? Hai vùng đất Tây và Nam này quan trọng thế nào mà phải có một đại tướng, phò mã trấn giữ?
Chuyện này chỉ có thể giải thích được theo sử thuyết họ Hùng. Tần đã diệt nhà Chu – Thục ở Văn Lang – Âu Lạc, sau đó dời đô về vùng giữa hai nhà Chu (Ung Thành – Quảng Tây?). Tuy nhiên, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc lại thiếu mất một số nước lớn là Lỗ, Yên và Tề. Lỗ là Lào, là vùng Tây Văn Lang. Yên là đất Chiêm, là vùng Nam Văn Lang. Nhà Tần đã cử đại tướng là Lý Thân trấn giữ hai vùng đất giáp với nước Lỗ và nước Yên (đất Nam Hà hay Ai Lao và Chiêm Thành sau này).
Câu đối đình Chèm:
Tần quan lỵ chỉ Trung Hoa tướng
Việt điện nguy nhiên thượng đẳng thần

Dịch:
Điện Việt còn đây thần thượng đẳng
Ải Tần chốn đó tướng Trung Hoa.
Lý Thân là tướng Tần, cũng là người Việt. “Trung Hoa tướng” lại là “Việt Điện thượng đẳng thần”. Nhà Tần của Trung Hoa cũng là một giai đoạn lịch sử của người Việt mà thôi.
Câu đối khác ở đình Chèm:
Lục hợp tiêu binh, tưởng kiến hùng uy kinh tuyệt vực
Thiên thu di miếu, nghi nhiên chính khí chướng cuồng lan.

Dịch
Sáu nước tan binh, oai hùng nhớ thấy khiếp biên cõi
Nghìn thu để miếu, chính khí như còn chặn sóng hung.

Câu đầu nói đến khi Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, Lý Ông Trọng giúp Tần trấn ngoài biên ải chống quân Hồ.
Câu sau nhắc tích Lý Ông Trọng giăng lưới sắt cản thủy quái giao long ở đoạn sông chảy qua Chèm.
Một cách hiểu khác: “di” là động từ, “di miếu” là “để lại đền miếu”.
Vậy: “tiêu” là động từ, “tiêu binh” là “dẹp hết quân binh”.
Ai dẹp hết quân binh của 6 nước? Chẳng nhẽ là Lý Ông Trọng? Từ nghĩa trên mà suy thì câu đối nói Lý Ông Trọng là tướng Tần Thủy Hoàng, đã dẹp tan quân của 6 nước, “hùng uy” còn kinh động ngoài biên ải!
Xét về những gì Tần Thủy Hoàng trọng đãi Lý Ông Trọng thì hoàn toàn có thể có chuyện trên. Lý Ông Trọng đỗ Hiếu liêm, được phong chức Tư lệ hiệu úy, Phụ Tín hầu, được gả công chúa Bạch Tĩnh Cung… Còn chức gì để có thể phong hơn nữa cho một vị tướng?
Với những chức như trên Lý Ông Trọng phải sánh ngang với đại tướng Mông Điềm của nhà Tần, người đã vượt Hoàng Hà đánh Hung Nô, lập Vạn lý trường thành. Hoàn toàn có thể Lý Ông Trọng là một đại tướng đã giúp Tần Thủy Hoàng dẹp yên 6 nước. Chí ít 2 trong số đó là Lỗ và Yên, tức là Ai Lao và Chiêm Thành sau này.

Văn nhân góp ý:
Sách Từ Nguyên viết:
Nguyễn Ông Trọng đời Tần, người Nam Hải,…
Sách sử Việt gọi là Lý ông Trọng người Giao chỉ … sao sách Tàu lại viết là Nguyễn… người Nam Hải. Nam Hải nay là Quảng Đông xưa là đất Đông Giao Chỉ bộ thì đúng rồi khỏi phải bàn.
Còn việc họ Lý bị sách Tàu đổi thành họ Nguyễn có lẽ… cũng tương tự như việc nhà Trần bắt người họ Lý nước Việt đổi thành họ Nguyễn vậy, … Giải thích là ‘né’ từ ‘Lý’ tên ông tổ nhà Trần, thực ra chỉ là … tưởng tượng của các quan viết sử mà thôi.
Thực chất của vấn đề là do sự định danh… lộn ngược trục Bắc – Nam mà ra. Hướng Xích đạo tượng trưng bởi màu đỏ và ngọn lửa .v.v.; chỉ miền nóng bức, văn minh sáng chói, giới Quý tộc ở đấy được cho mang họ Lý; lửa ↔Lý ↔Lê (Thời cổ lỗ xa xưa làm gì có họ, ngay tên riêng… theo 1 số nhà nghiên cứu thì có thể cũng chỉ có khoảng 600 – 700 năm trở lại đây).
Ngược với hướng Xích đạo tượng bởi màu đen và dòng nước .v.v.; chỉ miền khởi nguyên, lúc ban đầu còn mờ tối ngây thơ. Quốc gia ở hướng ấy gọi là Nguyên, là Mông, giới lãnh đạo được gán cho họ Nguyễn, nguyên ↔Nguyễn (Dịch học tuyệt đối không mang thang giá trị – đạo đức gán vào các Dịch tượng, nguyên chỉ là tiên khởi, mông là ngây thơ, Mun màu đen đơn thuần là màu sắc không phải là Man…, tất cả sự méo mó là do đám ‘Dịch tặc’ bịa ra).
Sở dĩ người Tàu lộn ngược Bắc – Nam vì… không lẽ các đấng ‘con trời’ chui ra ở vùng bắc Hoàng Hà là … Nam man sao …, chính sự việc lộn ngược lộn suôi này tự thân… ủng hộ mạnh mẽ hướng suy nghĩ của Bách Việt 18 về … Lý ông Trọng – Nguyễn ông Trọng.
Về nhân danh và địa danh trong bài khi vận dụng phép phiên thiết Hán văn cho ta nhiều thông tin bất ngờ:
Bài thơ trong Lĩnh Nam chích quái, Truyện Lý Ông Trọng:
Văn võ toàn tài đại trượng phu
Hàm Dương khiển tượng nhiếp quần Hồ
Vĩnh Khang nhất nhật đàm kinh mộng
Huyết thực Nam thiên tráng đế đồ.

*2 địa danh :
– Hàm Dương thiết Hương. Hương có thể chỉ làng Thụy Hương – quê Lý ông Trọng hoặc cũng có thể Hương chỉ chính ông Trọng. Như thế câu Hàm Dương đồng tượng khiếp quần Hồ ý thực sự là: tượng đồng ông Trọng khiếp quân Hồ… Xét ra… tới đây đã giải tỏa được sự vô lý: tượng ông Trọng đặt ở… Hàm Dương kinh đô nước Tần…
– Vĩnh Khang thiết vãng, vãng trong câu chỉ người xưa đã khuất  (ý chỉ ông Trọng). Như thế câu thơ thành ra … 1 ngày trong mộng thưa chuyện cùng người xưa đã khuất… Nếu quả đúng như vậy thì khỏi cần tìm bến Vĩnh Khang nữa… nó không hề có trên cõi trần…
*2 nhân danh :
– Hoa Di thiết Hy; Hy chính là Hồ như đã viết trong bài.
– Di Hạ thiết Dạ ….; thông tin thật quan trọng. Trước đây tôi nghĩ mãi về nước Dạ Lang, lang đồng nghĩa với vương với chúa thì đã rõ còn chữ Dạ thì đành chịu… giờ tự nhiên thông… Di Hạ người Di thời Hạ chính là người Di Lão trong sử còn gọi là Tây – Nam Di, Ai Lao Di hay người Liêu tử.
Nhà Hạ có cuộc chiến Hoa – Di mấy trăm năm… thì ra là cuộc chiến của con cháu Hùng Hoa vương – Hải lang và con cháu Dạ lang; Dạ lang nghĩa là chúa người Di lão, nước Dạ lang là nước của chúa Di Lão ở vùng Tây – Nam Trung Hoa…
Đám sử gia phù thủy đã dùng phép phiên thiết Hán văn nhảy múa trên nền lịch sử Trung Hoa khiến tất cả rối tung lên… mịt mù sương khói… tưởng rằng như thế mãi mãi không thể nào nhận ra Trung Hoa thật; nhưng…

Tây học và Cựu học

Thời buổi ngày nay người ta đua nhau cho con cho cái đi học nước ngoài từ … lớp vỡ lòng đến đại học. Những người đang có công ăn việc làm cũng chăm chăm để đi học, không Âu thì Mỹ. Người không có việc làm lại càng muốn xuất ngoại. Thời bây giờ đi học không ai còn theo cái chí học của Phan Bội Châu mà “Đông du” như xưa. Người ta đi học để mong cái bằng Tây học sẽ đem lại kiến thức cao siêu hơn, công ngon việc lành hơn, ví trí xã hội đứng trên nhiều người hơn…

Cơ hội Tây học ngày nay cũng nhiều. Đi xa thì có Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Hà Lan, … Đi gần cũng không thiếu Úc, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản,… Học bổng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ,… không phải quá khó để nhận được đối với những người có học lực tốt. 2 năm, 3 năm hay 5 năm về là có bằng cấp thạc sĩ tiến sĩ “made in” nước ngoài…

Nhưng đời nay có mấy ai học làm … “kẻ sĩ”? Kẻ sĩ thời nào cũng vậy, là người có kiến thức và vì có hiểu biết đầy đủ nên là những người có trách nhiệm với quê hương, với đồng bào, với bạn bè. Người làm kẻ sĩ lấy nhân lấy lễ làm gốc, đối với bạn bè luôn chân tình và hết lòng, không cho phép với bạn bè “thấy chết mà không cứu”. Kẻ sĩ thời nay biết “trọng nghĩa khinh tài” thật ít. Thạc sĩ tiến sĩ Tây học ngày càng nhan nhản nhưng Tây học chỉ có học cái “khôn” mà không học cái “ngoan”. Quan trường đất Việt ngày nay mới đẻ ra lắm tham nhũng, tệ nạn đến vậy.

Kẻ sĩ nói được là làm được. Ngày nay người nói thì nhiều, người làm thì ít. Người làm như nói lại càng hiếm. “Chém gió” và múa “hoa chiêu” đã thành “nghề” của nhiều “nhân sĩ” Tây học đời nay.

Nước ta từ khi người Pháp tới, Tây học thay dần Cựu học. Nhân lễ nghĩa trí tín của Nho đạo bỏ đi đằng nào hết. Tây học dựa vào lý lẽ, nhằm vào công nghệ, pháp luật. Cựu học lấy văn làm gốc, văn là người, dựa vào tình người. Tây học có môn gọi đúng tiếng Tây là “nhân học” (humanities). Tiếng ta gọi là Khoa học Nhân văn. Chữ văn được thêm vào trong tiếng Việt thật đầy đủ và bao hàm hơn cái tiếng Tây nhiều.

Người Việt cứ cho rằng Cựu học dựa vào Tứ thư Ngũ kinh của Nho giáo bên Tàu, thôi thì đằng nào cũng là học theo người ta, Tàu hay Tây cũng đều vậy cả. Ít ai biết rằng Nho học của ta chẳng “Tàu” chút nào, mà là “Ta” từ gốc 100%. Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc được Khổng Tử đúc kết vào thời Đông Chu, chẳng phải ở đâu xa mà chính là vùng Việt Nam và lân cận ngày nay.

Thi là thơ, là văn. Học Thi không phải là học làm thơ, mà là học nói học viết.
Thư là sách, là lịch sử. Không biết sử thì như người mất gốc, lưu lạc ngay trên đất quê hương của mình.
Dịch là quan niệm, là triết học. Dịch là cái gốc làm nên văn hóa Việt Nam.
Lễ là cách đối nhân xử thế. Khổng Tử nói: “Không học Lễ thì không biết đi đứng ở đời”.

Không tự nhiên mà người Việt được đánh giá cao về tố chất, khả năng thích ứng, suy luận, tư duy logic… Bản lĩnh văn hoá, trình độ con người Việt có nguồn gốc cả 4-5 ngàn năm lịch sử. Cái tên nước Văn Lang từ thời Hùng Vương cũng đủ nói lên một dân tộc có “văn” từ bao đời.

Thời Trần, quân Mông Cổ khi đã chiếm cả vùng đất của nhà Tống vẫn bắt Đại Việt hàng năm phải cống nạp “nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói, thầy tướng số và nghệ nhân giỏi, mỗi loại 3 người”. Người Mông Cổ hơn ai hết hiểu rõ cội nguồn Nho, Y, Lý, Số của Trung Hoa nằm ở đâu. Việt Nam tới nay vẫn tỏ rõ khả năng “xuất khẩu nhân tài” như Ngô Bảo Châu mới giải Fields toán học gần đây.

Cựu học có ít nhất từ Khổng Tử, tính rẻ cũng là 2 nghìn năm. Tây học vào nước ta mới có 200 năm. Bỏ cái 2 nghìn năm của “ta” để thay bằng cái 200 năm của Tây thì có vô lý quá không? Lẽ ra lấy Cựu mà nghinh Tân thì người ta lấy Tân mà nhìn vào Cựu. Dùng đồ Tây mới toanh thì hỏi làm sao có thể giải quyết được những vấn đề nghìn năm của “ta”?

Cái hậu quả của Tây học át Cựu học tới nay đã có thể thấy rõ ở Việt Nam. Chỉ quan tâm đến công nghệ và kinh tế thị trường nên môi trường sống bị ô nhiễm và xuống cấp nghiêm trọng. Một nước 80% dân số sống bằng nông nghiệp mà tìm được ngọn rau sạch, con cá lành để ăn cũng khó… Rừng núi, cây cối, động vật theo nhau … đội nón ra đi phục vụ thói quen tiêu dùng vô tội vạ … kiểu Tây… Khoáng sản được đào khắp nơi, mặt đất hóa thành hầm thành hố, thành bãi thải,… Thủy điện nhiều như cầu như cống, một đống nước treo trên cao, không đổ xuống đầu thì mới là lạ…

Chế độ pháp trị kiểu Tây mà áp dụng ở ta có lẽ khiến ai cũng phải thất vọng. Luật nhiều như ma trận mà thực thi luật thì ít. Luật chỉ để phục vụ một nhóm người bên trên mà thôi. Con dân thấp cổ bé họng chỉ thấy luật treo lơ lửng trên đầu mình như gông như gánh, lúc nào cũng có thể rơi xuống chẳng bởi lý do gì cả…

Ngày nay Tây học tiến bộ bắt đầu nói đến “phát triển bền vững”, “kinh tế xanh”… Nhưng những chữ “phát triển” và “kinh tế” vẫn nằm ở đầu. “Bền vững”, “xanh” chỉ là cái đuôi đằng sau, để gọi cho mốt mà thôi.

Khác với Tây học chăm chăm đi theo một cực, Cựu học phương Đông từ gốc đã xuất phát bởi quan niệm của Dịch là lưỡng lập, có trời có đất, có âm dương, có nam có nữ, có to có nhỏ, có càn có khôn, có lý có tình. Mọi thứ phải cân bằng thì mới tồn tại. Âm dương đối lập mà hoà hợp. Vừa cân bằng lại vừa dịch chuyển. Vì thế cái học, cái đạo xưa rất “thân thiện” với môi trường. Nền khoa học như vậy chắc chắn là “xanh”, chẳng cần lên gân lên cốt “kinh tế xanh”, “công nghệ sạch” làm gì…

Tây học đặt người lên trên cả trời đất, thì làm gì mà môi trường chẳng bị huỷ hoại, biến đổi khí hậu gây đại hồng thuỷ cận kề… Con người mà ở trên cả trời đất thì … chắc còn có nước kéo nhau lên cung trăng mà ở… Ở đó có chỗ sẵn cho các … chú Cuội… ngồi trông chị Hằng dưới gốc cây đa…

Cựu học xác định “trên trời dưới đất giữa hoà nhân gian”. Con người là trung tâm nhưng là một phần trong tổng thể không tách rời thiên – địa – nhân…

Dịch học nhấn mạnh sự “trung dung”, tức là trúng. Làm không cần đao to búa lớn mà phải biết làm đúng, làm trúng mới nên. Lời quẻ Khôn: “Nguyên, hanh, lợi, tẫn mã chi trinh”… “Nguyên, hanh, lợi” là các nguyên tắc Nhân bản, hợp lý và thiết thực. “Tẫn mã” là “ngựa cái”, ý nói đến sự tòng thuận. Có tòng thuận thì mới có “trinh”. Tức là phải biết tuân theo qui luật thì mới bền vững.

Ông tổ tín ngưỡng Đạo Giáo phương Đông Lão Tử cũng chẳng ở đâu xa, chính ngay bên thành Cổ Loa Việt Nam. Lão Tử cưỡi trâu, trâu cũng như ngựa, là nói đến đạo tòng thuận và đề cao đạo đức: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên” (Đạo đức kinh). Biết tòng thuận với tự nhiên thì mới bền vững.

Tây học sau nhiều năm lấy pháp trị là chính, nay lại nói đến “cộng đồng”, “sự tham gia”, “đồng quản lý”, … Nói nhiều mà mọi thứ vẫn rối tinh, đâu vẫn hoàn đó. Bởi vì bản chất của Tây học không thể đi được vào quần chúng một cách thật sự.

Còn trong văn hóa Việt tính cộng đồng, coi trọng người dân đã có từ lâu. Từ thủa khai quốc triều đại Việt dựa vào các “tế bào” xã hội là làng xã mà nên. “Phép vua thua lệ làng”, nói theo ngôn ngữ ngày nay tức là “chính sách quốc gia” không bằng “hương ước cộng đồng”. Cộng đồng trong tâm trong hồn người Việt vẫn còn nhưng đã và đang dần bị Tây hoá, biến thành những đơn vị hành chính khô khan. Khôi phục, phát huy năng lực cộng đồng theo kiểu Tây thật khó…

Lật thuyền mới biết dân như nước… câu Nguyễn Trãi nói về Hồ Quí Ly. “Đồng quản lý” cái gốc là ở dân. Dân như nước, nước chảy đá mòn, có gì mà không thể làm được…

Lưu Ẩn ở thành Long

Thiên Nam ngữ lục kể lại, sau khởi nghĩa của Phùng Hưng thì các quan cai trị Giao Châu của nhà Đường lần lượt là Tăng Cổn, Thông Đình, Lý Trác rồi đến … Lưu Ẩn:

Sau thằng Lưu Ẩn nó rày tới nơi

Khoe khoang trí ngõ hơn người

Đời Tống Chu Miện nên trai anh hùng

Binh sang ở giữa thành Long

Phúc thay nó lại có lòng cứu dân.

Lưu Ẩn là Thanh Hải tiết độ sứ nhà Đường, là anh của Lưu Cung, người lập nên nước Nam Hán ở Quảng Đông.

Mặc dù Thiên Nam ngữ lục cho rằng Lưu Ẩn “giả nhân giả nghĩa”:

Trong xem nó cũng giả nhân

Mưu danh chuộc nghĩa một tuần sức trang

nhưng cũng phải công nhận cách cai trị của Lưu Ẩn với Giao Châu là “có lòng cứu dân“.

Còn Khúc Thị Kỷ của Tam vị chủ (Tiên chủ Khúc Thừa Dụ, Trung chủ Khúc Thừa Hạo và Hậu chủ Khúc Thừa Mỹ) theo Thiên Nam ngữ lục lại là thời gian sau khi Lưu Ẩn cai quản Giao Châu.

Dinh tho ho Khuc

Đình làng Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, nơi thờ Khúc tam vị chủ

Thông tin của Thiên Nam ngữ lục quá là kỳ lạ vì như vậy thì ra Lưu Ẩn đã làm chủ Tĩnh Hải quân từ trước khi họ Khúc dựng nghiệp. Họ Khúc làm sao có thể tiếp quản Long Thành một cách dễ dàng như sử ta vẫn chép khi mà Lưu Ẩn còn đang đóng binh và được lòng dân ở đó?

Lưu Ẩn nối nghiệp cha là thứ sử Phong Châu, chiếm đất Thanh Hải rồi xưng Nam Hải vương. Như vậy thì cả đất Thanh Hải và Tĩnh Hải đã thuộc về Lưu Ẩn từ khi còn chưa có Khúc Tiên chủ, đâu cần đợi đến Lưu Cung đánh Khúc Thừa Mỹ nữa.

Thông tin Lưu Ẩn cai quản Giao Châu vào cuối thời Đường cho thấy Lưu Ẩn chính là Khúc Thừa Hạo và người nối nghiệp Khúc Thừa Mỹ chính là Nam Hán Lưu Cung. Tam vị chủ họ Khúc là những người đã phục hưng nước Đại Việt vào thời Ngũ Đại.

Quê của Khúc tam vị chủ là làng Cúc Bồ, xã Kiến Quốc. Điều này cho thấy Khúc = Cúc. Các nhà nho xưa đã khéo léo ghi lại thành ra họ Khúc và thêm chữ “Thừa” vào cho giống tên họ của người và có lẽ cũng để nhắc nhở âm đọc thực sự của Khúc là Cúc.
Phiên thiết tên 3 vị chủ họ Khúc như vậy là:
– “Khúc Thừa” Dụ = Cúc Dụ = Cụ, là người già đáng kính.
– “Khúc Thừa” Hạo= Cúc Hậu = Cậu, ông cậu.
– “Khúc Thừa” Mỹ = Cúc Mỹ = Kỷ = Cả, vua kiến quốc.

Bia cổ nói…

Trích dẫn: http://danviet.vn/105247p1c32/phat-hien-tam-bia-co-nhat-viet-nam.htm

Phát hiện tấm bia cổ nhất Việt Nam

Trong lúc khai thác đất để làm gạch ở khu đồng phía sau chùa Xuân Quan (thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), ông Nguyễn Văn Đức bất ngờ tìm thấy hai cổ vật bằng đá vô cùng độc đáo. Từ đó đến nay, tròn 8 năm, những cổ vật này mới xác định được danh tính…

Cổ vật “lưu lạc” dân gian

Ông Nguyễn Văn Đức kể, năm 2004, trong lúc đào đất để làm gạch, ở độ sâu chừng 2m, bất ngờ máy xúc chạm phải vật lạ. Lúc đưa lên thì đó là hai tấm bia úp khít vào nhau và kết dính bởi một chất liệu đặc biệt. Ông và một vài công nhân đã phải rất vất vả, dùng mai mới tách đôi ra được. Bởi vậy nên mặt ngoài tấm bia vị nứt, vỡ một vài vị trí.

Mặt bên trong hai tấm bia sạch bong, không hề có gì bám vào, kể cả nước. Cùng với 2 tấm bia là một đỉnh đá (hay còn gọi là liễn) hình vuông, có nắp đậy, bên trong chỉ còn chút đất đen. Sau khi đào được các di vật đá trên, ông Đức đem bộ bia đá và nắp đá đậy trên đỉnh đá về nhà, còn lại ông mang ra gửi chùa làng (Huệ Trạch tự).

Ngay sau đó, ông Đức có nhờ vài người biết chữ Hán đến đọc xem tấm bia kia ghi những gì nhưng họ cũng chỉ đọc được một vài chữ. Một thời gian sau, việc đào được cổ vật của gia đình ông lắng xuống và trôi vào quên lãng.

250912_thoi-su_bia_dan-viet

Bộ Bia và Liễn đá hiện được bảo quản trong bảo tàng Bắc Ninh.

Phải đến hơn 8 năm sau, cuối tháng 8.2012, trong lúc xuống địa bàn để sưu tầm các cổ vật còn lưu lại trong nhân dân, tổ công tác thuộc phòng Nghiên cứu Sưu tầm Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh bất ngờ được nghe câu chuyện về tấm bia cổ năm xưa, đang được lưu giữ tại thôn Xuân Quan và một hiện vật giống như đỉnh đá tại Huệ Trạch tự. Khi các cán bộ bảo tàng tới nơi,
gia đình ông Đức vui vẻ trao tặng lại bảo tàng.

Sau những nghiên cứu ban đầu, bảo tàng Bắc Ninh đi đến nhận định bất ngờ: Đây là hai cổ vật bằng đá có niên đại từ năm 601, nếu thông tin được kiểm chứng, đây sẽ là bia đá cổ nhất từng được phát hiện tại Việt Nam và có giá trị rất lớn về mặt văn hóa lịch sử. Sự việc trên cũng thu hút được nhiều chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu lịch sử.

Các chuyên gia cho rằng, mô hình bia một tháp như vậy giống với những bia mộ tháp thời Tùy (Trung Quốc) đã từng được phát hiện trước đó (1 chiếc ở Thanh Hóa và một vài chiếc ở Trung Quốc). Nhận định này cũng trùng khớp với nội dung trên bia đá có tên “Xá lợi minh tháp”, cũng như niên đại 601 thời nhà Tùy.

Nội dung bia, nguyên văn:
Duy Đại Tuỳ nhân thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu. Nội dung cơ bản ghi lại việc Tùy Dạng Đế cho người đưa xá lợi vào bảo tháp được xây dựng trong chùa Thiền Chúng (Thuyền Chúng) thuộc huyện Long Biên đất Giao Châu xưa.

Đi tìm dấu tích chùa Thiền Chúng

Ông Lê Viết Nga – Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi đã tra cứu nhiều thư tịch cổ, duy nhất chỉ còn lại “Thiền Uyển tập anh” Quyển Hạ (trang 102) có ghi về 1 chùa mang tên là “Thiền Chúng” như sau: “Thiền sư Định Không (? – 808) ở chùa Thiền Chúng, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, nhưng ở phần chú cuối trang lại ghi “Cảm ứng xá lợi ký do Vương Thiệu viết vào cuối năm 601 dẫn trong “Quảng hoằng minh tập” có ghi chùa Thiền Chúng như là nơi dựng tháp rước xá lợi vào năm đó tại Giao Châu”. Như vậy đã phần nào chứng thực được nội dung tấm bia về sự việc xảy ra đúng vào năm 601. Dấu tích chùa Thiền Chúng chính xác ở đâu giờ vẫn còn là câu hỏi?

Nhiều nhà khoa học đưa ra giả thiết, tháp chùa Thiền Chúng sau nhiều năm bị đổ nát đã chìm vào sự quên lãng. Chùa tan, tháp đổ nên sau đó các cổ vật chìm trong lòng đất, đến nay tình cờ người dân phát hiện được. Do các cổ vật nói trên được phát hiện từ 8 năm trước- năm 2004, lớp đất vùi bên trên người dân dùng để đóng gạch hết, nên khi các cán bộ bảo tàng tới khảo sát địa điểm phát hiện cổ vật thì đã không còn gì? Phải chăng, tại địa điểm
phát hiện ra hai hiện vật bằng đá này trước đây từng tồn tại một ngôi chùa?

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Viết Nga cho biết, bảo tàng sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thông tin sau đó sẽ tính đến phương án xin được cấp phép khai quật thám sát. Những thông
tin cụ thể về tấm bia cổ dự kiến sẽ được đưa ra tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2012 vào ngày 27 và 28.9 tới đây.

Hiện hai cổ vật vẫn được lưu giữ cẩn thận tại bảo tàng tỉnh Bắc Ninh trong khi chờ các nhà khoa học có thêm các nghiên cứu, đánh giá và khẳng định.

—————

Bình luận:

Theo chính sử năm 602 Tùy quân Lưu Phương mới tấn công thu phục Hậu Lý Nam Đế ở miền Bắc Việt Nam. Vậy mà năm 601 ở Giao Châu lại có chuyện vua Tùy cho người đưa xá lợi vào chùa?! Theo văn bia này thì rõ ràng miền Bắc Việt lúc đó đã thuộc về nhà Tùy từ lâu. Đây là bằng chứng cho thấy không hề có triều Hậu Lý Nam Đế ở Bắc Việt vào thời điểm này. Cuộc tấn công của Lưu Phương nhằm vào Hậu Lý Nam Đế thực ra chính là cuộc tấn công tiêu diệt Lâm Ấp năm 605 của nhà Tùy. Lâm Ấp ở miền Trung Việt mới là phần “hậu” của Lý Nam Đế, tồn tại hơn 400 năm từ khi Lý Khu Kiên – Lưu Huyền Đức lập “nước Nam ta”.

Viết tiếp về Dòng họ Hồ ở Quỳnh Đôi

Tóm tắt lại những phát hiện lịch sử mới về thời mở đầu độc lập của nước Đại Việt, cũng là thời gian nguyên tổ họ Hồ – Hồ Hưng Dật sang làm thái thú ở Châu Diễn:
– Năm 907 Lưu Ẩn tiếp nối sự nghiệp của cha là Lưu Khiêm nhận chức Tĩnh Hải Thanh Hải tiết độ sứ, được nhà Lương phong là Nam Hải Vương. Lưu Ẩn chính là Trung chủ Khúc Thừa Hạo. Khúc Thừa Hạo theo sử sách chép cũng nhận chức Tĩnh Hải tiết độ sứ thay cha Khúc Thừa Dụ vào năm 907.
– Năm 917 Lưu Cung, tiếp nghiệp anh Lưu Ẩn, xưng đế ở Phiên Ngung, lập nước Đại Việt. Lưu Cung là Hậu chủ Khúc Thừa Mỹ, người cũng thay anh Khúc Thừa Hạo nhận chức Tĩnh Hải tiết độ sứ năm 917. Lưu Cung, chính xác phải là Lý Cung, là người Việt ở đất Hồng Châu, đã lập nên nước Đại Việt đầu tiên trong lịch sử.
– Nước Đại Việt từ khi Lưu Cung thành lập ở Quảng Đông, sau này đổi thành Đại Hưng, bị sử Tàu chép thành Đại Hán hay Nam Hán, tồn tại tới Lưu Sưởng (958 – 971) thì bị nhà Tống chiếm. Trong các văn thư của nhà Tống với các triều Đinh Lê việc này được gọi là “thống nhất Lĩnh Nam”.
– Nhưng Lĩnh Nam chưa “thống nhất”. Khoảng năm 968, trước khi triều đình Lưu Sưởng hàng Tống, thủ lĩnh phần Tĩnh Hải quân là Đinh Bộ Lĩnh, con của thứ sử Hoan Châu Đinh Công Trứ, lập một chính quyền riêng ở Hoa Lư. Chức thứ sử (không phải thái thú) của Đinh Công Trứ cho thấy ông ta không phải nắm quyền một châu nhỏ mà là cả vùng đất phía Tây (Đinh Bộ) của nước Đại Hưng. Đinh Bộ Lĩnh chính là Lý Thái Tổ, người khởi đầu nhà Lý ở nước ta.
– Năm 980 Lê Hoàn hay vua Lê, thay Đinh Bộ Lĩnh – Lý Công Uẩn lên ngôi. Lê Hoàn là vị vua Lý thứ hai Lý Thái Tông, ẩn họ Lê. Hai vị vua Lý đầu tiên hay hai nhà Đinh Lê đóng đô ở Hoa Lư.
– Năm 1010 vị vua Lý thứ ba là Lý Thánh Tông vứt hết tước phong của nhà Tống, chính thức lấy lại họ Lý của Đại Hưng Lý Cung, công khai đặt tên nước là Đại Việt, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, truy phong cho cha và ông mình là Thái Tổ và Thái Tông. Triều Lý bát đế thực sự bắt đầu từ đây.

Hồ Nguyên Trừng người Phúc Kiến – Chiết Giang, đỗ trạng nguyên dưới thời Hán, không phải là Bắc Hán mà là Nam Hán, hay là nước Đại Hưng của họ Lý. Là trạng nguyên của nước Đại Hưng nên Hồ Nguyên Trừng đã được giao một trọng trách, làm quan thái thú Châu Diễn, điều này hoàn toàn hợp lý.

Căn cứ việc Hồ Nguyên Trừng sau đó có tham gia vào thời kỳ Đinh Bộ Lĩnh thì có thể đoán định Hồ Nguyên Trừng đỗ trạng nguyên dưới triều vua Đại Hưng cuối cùng là Lưu Sưởng, tức là khoảng những năm 960.

Theo Hồ Tông thế phả thì không rõ vì lý do gì thái thú Hồ Nguyên Trừng lại chán ngán cảnh quan trường, từ quan, về lập hương ở Bào Đột, nay là Quỳnh Đôi – Quỳnh Lưu – Nghệ An. Mặc dù đã từ quan nhưng “uy tín và thế lực của ông ngày càng mở rộng ra các hương chung quanh, được nhân dân quý trọng và tôn làm trại chủ”.

Lý do Hồ Nguyên Trừng từ quan có thể là do sự thối nát của chính quyền Lưu Sưởng, mà việc mất nước vào tay nhà Tống đã được nhìn thấy trước.

Tiếp theo vào thời Đinh Bộ Lĩnh nổi lên có Hào trưởng trong châu đến gặp ông Hồ Hưng Dật thăm dò ý kiến: “Trong châu Diễn ta, tôi nhận thấy tôn ông được mọi người kính yêu và mến phục, sao dịp này tôn ông không đứng ra cứu dân giúp đời một phen?”
Hồ Hưng Dật chân thành nói rõ chính kiến của mình “Người xưa có câu: Một tướng thành công hàng vạn xương cốt người khác phải khô héo. Kinh thư còn ghi: Lửa bốc cháy núi Côn Cương, ngọc đá đều bị đốt cháy hết cả. Tôi luôn luôn nhận rõ dân là gốc của mọi thời đại. Vạn đại vi dân, đó là điều tôi mong muốn dặn lại con cháu”.

“Chính kiến” của Hồ Hưng Dật xem ra … không hiểu thế nào: theo hay chống Đinh Bộ Lĩnh? Phả tộc khác nhau chép cũng không rõ, Hồ Hưng Dật có theo Đinh Bộ Lĩnh hay không. Có lẽ Hồ Hưng Dật đã không theo nhưng cũng không chống, không cùng Đinh Bộ Lĩnh lập triều đình mới, nhưng cũng không tự làm một “sứ quân”, mà ở riêng một vùng Châu Diễn, không động tới ai để tránh “ngọc đá đều bị đốt cháy”. Nhưng sự việc xảy ra tiếp theo lại không như mong muốn, “đá” không cháy nhưng “ngọc” thì có lẽ là có.

Xem lại lịch sử thời Lý Thái Tổ (nay đã biết chính là Đinh Bộ Lĩnh) thì có chuyện năm thứ 3 sau khi lên ngôi Lý Thái Tổ đã thân chinh đi dẹp loạn ở Châu Diễn (Đại Việt sử ký toàn thư):
Khi về đến Vũng Biện gặp lúc trời đất tối sầm, gió sấm dữ dội, vua đốt hương khấn trời rằng: “Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Còn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách. Đến như sáu quân thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét”. Khấn xong, gió sấm đều yên lặng.

Chuyện đánh dẹp này cũng chẳng thấy ghi rõ được thua thế nào. Thay vào đó vua Lý lại có vẻ phải hối lỗi, vì đã “giết oan kẻ trung hiếu, hại lầm kẻ hiền lương”, khiến trời đất nổi giận. “Kẻ trung hiếu, hiền lương” ở Diễn Châu khi đó còn ai khác ngoài trạng nguyên thái thú Hồ Hưng Dật? Vào thời điểm đó thế lực mạnh nhất ở Diễn Châu có thể chống lại triều đình còn ai ngoài nhà họ Hồ?

Vũng Biện nơi Đinh Bộ Lĩnh – Lý Thái Tổ gặp bão nằm ngay cạnh làng Quỳnh Đôi, là biên giới phía Bắc của Châu Diễn, giáp Châu Ái (Thanh Hóa).
Cua ConBãi biển ở cửa Cờn – Quỳnh Lưu. Phía Bắc là Biện Sơn. Phía Nam là Quỳnh Bảng
Đại Nam quốc sử diễn ca cũng nói tới chuyện Lý Thái Tổ đánh dẹp châu Ái và châu Diễn:
Cử Long sấm dậy binh uy
Diễn Châu gió động tinh kỳ thân chinh
Biện loan gặp lúc hối minh
Hương nguyền cảm cách, sóng kình cũng êm.

Cử Long là đất Man ở Thanh Hóa (Cẩm Thủy), nổi loạn từ đời Tiền Lê, Lê Hoàn cũng từng thân chinh đi dẹp mà không xong.
Biện loan là vũng Biện, gần Quỳnh Đôi.

Có thể thấy khi Lý Thái Tổ nổi lên lập triều đình ở Đinh Bộ Tĩnh Hải quân thì vùng Thanh Nghệ đã tỏ ra không phục tùng. Khi kiến quốc Đinh Bộ Lĩnh – Lý Thái Tổ đã không dễ dàng gì để có thể thu phục được lòng dân những vùng này.

Câu đối ở đền thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi:
Cổ nguyệt môn cao, hệ xuất thần minh Ngu đế trụ
Bảng sơn địa thắng, thế truyền thi lễ Khổng sư tông.

Dịch:
Cửa cao trăng Hồ, sinh ra dòng dõi anh minh đế Ngu Thuấn
Đất lành núi Bảng, các đời truyền lễ nghĩa thầy Khổng Khâu.

Vế đối đầu nói về dòng dõi Ngu Thuấn của họ Hồ đã bàn trong bài trước. Vế đối sau có địa danh “Bảng Sơn”, là “địa thắng” của họ Hồ nhưng ngay chính người họ Hồ ngày nay cũng chưa xác định được núi Bảng này nằm ở đâu.

“Bảng Sơn” hay Vũng Bảng là vùng biển Quỳnh Bảng, nằm giáp với đảo Biện Sơn. Tên gọi khác của Biện Sơn ở Thanh Hóa là Bạng Sơn. Điều này cho thấy Bạng Sơn hay Bảng Sơn là một, chỉ là Thanh Hóa và Nghệ An gọi lệch giọng mà thôi. Hòn đảo Biện Sơn, nơi Lý Thái Tổ phải dừng thuyền khi đánh Diễn Châu, chính là núi Bảng – thắng địa của dòng họ Hồ Quỳnh Đôi.
Quynh Doi 2Bản đồ khu vực Quỳnh Đôi – Biện Sơn
Sự lưỡng lự trong phát biểu của Hồ Hưng Dật đối với sự nổi lên của Đinh Bộ Lĩnh cũng như sự tạ lỗi với trời biển của Lý Thái Tổ tại Bảng Sơn – Biện Sơn sau khi đánh Diễn Châu cho thấy 2 sự kiện này có liên quan trực tiếp tới nhau. Có thể Hồ Hưng Dật chính là người “trung hiếu hiền lương” đã bị Lý Thái Tổ đánh dẹp trong cuộc chinh phạt Diễn Châu năm thứ 3 sau khi lên ngôi. Không rõ diễn biến cụ thể ra sao nhưng sau đó họ Hồ ở Châu Diễn đã thần phục nhà Lý và được hậu đãi với việc một Tuấn kiệt họ Hồ lấy công chúa Lý Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan. Kết cục không rõ “thắng bại” trong cuộc chinh phạt châu Diễn của Lý Thái Tổ phần nào cho thấy vùng này đã được thuần phục nhiều hơn là bị đánh dẹp hoàn toàn. Việc gả công chúa cho hào trưởng vùng biên viễn thường để thắt chặt thâm tình với triều đình trung ương. Điều này cho thấy họ Hồ dưới triều Lý vẫn nắm vai trò quan trọng ở châu Diễn. Tiếc là tộc phả họ Hồ bị thất truyền 11 đời, gần 300 năm nên không có thông tin cụ thể gì về con cháu Hồ Hưng Dật dưới triều Lý.

Sự qui thuận của vùng Châu Diễn, mà chắc chắn con cháu thái thú Hồ Hưng Dật đóng vai trò chủ đạo, có vai trò khá quan trọng đối với nhà Lý vì nó giúp ổn định biên cương phía Nam Đại Việt trong buổi đầu lập quốc. Châu Diễn là nơi tiếp giáp với người … Hồ hay người Hời. Chiến tranh Đại Việt – Chiêm Thành trong giai đoạn tiếp theo luôn là vấn đề nhức nhối của triều Lý, cho thấy tầm quan trọng của vùng đất Hoan Diễn trong sử Đại Việt.

Không rõ việc Hồ Quý Ly lấy lại họ Hồ liệu có ý muốn nói mình là nguồn gốc từ vùng người Hời không. Câu thơ của danh thần Nguyễn Trãi ở Thần Phù có vẻ muốn ám chỉ điều này (Quá Thần Phù hải khẩu):
Giang sơn như tạc anh hùng thệ
Thiên địa vô tình sự biến đa
Hồ Việt nhất gia kim hạnh đổ
Tứ minh tòng thử tức kình ba.

Dịch:
Giang sơn còn đó, đâu anh kiệt
Trời đất vô tình, biến đổi qua
Hồ – Việt một nhà nay lại thấy
Từ đây bốn bể lặng kình ba.

Họ Hồ ở Quỳnh Đôi là đất người Hời, cũng không quá lạ. Ngay Lê Thái Tổ (Lê Lợi) ở Thanh Hóa còn sinh ra ở làng Chăm. “Hồ Việt một nhà”, “Hồ Việt một thuyền” là mong ước bao đời của hai dân tộc anh em, đôi cành chung gốc, nay đã thành hiện thực từ dưới triều Nguyễn.

Theo Lãn Miên (Diễn đàn Lý học phương Đông):
“Câu “Dài mãi ra đến Biển” các cụ nhà nho ám chỉ “mạch nước ngầm” vì mạch nước ngầm thì cuối cùng nó cũng “Dài mãi ra đến Biển”, các cụ đã lướt “Dài mãi ra đến Biển”= “Dài…Biển” = Diễn 衍, đúng QT Thanh điệu: Dài+Biển=Diễn = 1+1=0 ( đúng như toán học nhị phân) và chỉ viết bằng một chữ Diễn 衍 gồm bộ Hành 行 là Đi có kẹp bộ Thủy 氵ở giữa, biểu ý là “nước nó đi”, nước đi thì cuối cùng cũng ra đến biển, chữ Diễn 衍 chẳng có tá âm “iên” nào mà lại đọc là Diễn, vậy nó chính là do lướt “Dài mãi ra đến Biển” = “Dài…Biển” = Diễn 衍. Chữ Diễn 衍 này còn mang nghĩa là “lấn biển”, trong khi một chữ Diễn khác thì không mang ý đó. Đó là cái địa danh Diễn Châu 衍 州. Về sau người ta viết chỉ chú cái âm “Diễn” nên cũng có văn bản viết Diễn Châu 演 州 bằng chữ Diễn 演 là biểu diễn, sai hết cả biểu ý “lấn biển” của một vùng đất từng một thời “Dài mãi ra đến Biển”, nên trong vùng đồng bằng của nó nhiều nơi cách bờ biển ngày nay mấy chục cây số vẫn là “đất sò”, cứ đào lên là thấy từng lớp từng lớp dày vỏ nghêu sò ốc hến vỡ vụn, dùng đúc gạch không nung rất tốt gọi là gạch sò.”

Họ Chu Việt Nam

Người Việt có truyền thống coi trọng tính cộng đồng nên họ của người Việt luôn luôn đứng ở vị trí thứ nhất trong họ tên. Trong khi đó người Âu Mỹ coi trọng cá thể nên tên đứng trước họ đứng sau.
Trong Bách gia tính thì họ Chu là một trong những họ phổ biến nhất tại Trung Quốc. Còn gia phả các dòng tộc họ Chu ở Việt Nam thì đều chỉ chép đến các vị tổ từ thời Lý Trần đổ lại. Truy nguyên nguồn gốc tộc tính họ Chu ở Việt Nam nay có thể làm được khi so sánh các phát hiện lịch sử mới với cổ sử Trung Hoa.
Về nguồn gốc của họ Chu Trung Hoa, sử sách có ghi lại như sau:
Họ Chu nguyên là họ Cơ của nhà Chu, vương triều cai trị Trung Hoa 874 năm. Khi Tần Trang Tương Vương chiếm Lạc Ấp diệt Chu năm 256; vương tử Cơ Tống (dòng dõi của Chu Bình Vương) mới dẫn con cháu rời khỏi Lạc Ấp và đổi sang họ Chu.
Sau này con cháu của Chu Noãn Vương di cư xuống phía nam, cũng đổi họ của mình thành Chu để nhớ về tổ tiên. Một nhánh nhỏ của họ Cơ tại nước Lỗ cũng di cư xuống phía Nam, sau này là tổ tiên của Chu Nguyên Chương, Thái tổ nhà Minh. Nhánh họ Chu này là dòng dõi của Chu Công Cơ Đán – người có công ổn định nhà Chu.
Như vậy họ Chu có một số dòng nhánh khác nhau, nhưng đều là xuất phát của họ Cơ của thiên tử Chu, đều là Chu lân chỉ, Chu lân giác, Chu lân đính cả. Muốn hiểu được ngọn nguồn của dòng họ này phải hiểu được nguồn gốc nhà Chu và định vị được vương triều này trong cổ sử.
Bài thơ Tuần thị châu Chân Đăng của Phạm Sư Mạnh thế kỷ 14:
Thiên khai địa tịch lộ Tam Giang
Kỳ tuyệt tư du ngã vị tằng
Kiểu ngoại Bách Man hoàn Cổ Lũy
Quốc Tây cự trấn tráng Chân Đăng.
Dịch là:
Đất yên trời mở lộ Tam Giang
Tuyệt vời cảnh đẹp chưa từng ngang
Kiểu ngoài Bách Man về Cổ Lũy
Quốc Tây chống cự tráng Chân Đăng.
Châu Chân Đăng thời Trần sau đổi thành phủ Lâm Thao, nay là huyện Lâm Thao – Phú Thọ. Phú Thọ chính là lộ Tam Giang, nơi ba con sông lớn Đà, Lô, Thao gặp nhau. Phạm Sư Mạnh đã đi tuần ở vùng Phú Thọ nên mới làm bài thơ bắt đầu cảm hứng về vùng đất tổ linh thiêng này của Chu thiên tử: Trời khai đất mở lộ Tam Giang
Trong bài trước đã bàn việc Âu Cơ – Chu Văn Vương lập nước Văn Lang – Âu Lạc, đô đóng ở lộ Tam Giang, vùng hợp lưu ba con sông Đà, Lô, Thao tại Phong Châu – Vĩnh Phú. Tiếp đó Vũ Ninh – Chu Vũ Vương cùng Thánh Gióng diệt Ân Trụ, phân phong chư hầu Bách Việt rồi dời đô về Cảo Kinh (Kiểu Kinh). Tới thời Chu Bình Vương lại dời đô từ Kiểu Kinh quay về Lạc Ấp – Đông Đô, mở đầu thời kỳ Đông Chu trong lịch sử.
Lạc Ấp hay Đại ấp Lạc… Việt, chính là vùng Cổ Loa, còn gọi là Đông Đô, tên cũ của Hà Nội vẫn được ghi nhận tới nay. Kiểu ngoại Bách Man hoàn Cổ Lũy là “hoàn” về Cổ Loa. Đây cũng là vùng mà cổ sử gọi là Tam Xuyên – Tam Giang, nơi cơn địa chấn lúc giao thời Đông và Tây Chu đã làm nên truyền thuyết Lão Tử – Huyền Thiên giúp An Dương Vương diệt Bạch Kê Tinh xây thành Cổ Loa.
Cuối thời Đông Chu, cháu của Tần Chiêu Tương Vương là Doanh Tử Sở tấn công diệt nhà Đông Chu. Đây là lúc “Quốc Tây cự trấn tráng Chân Đăng” trong câu thơ trên. Tần Chiêu Tương Vương mới chính là … Triệu Đà người Chân Định – Chân Đăng, cha của Trọng Thủy – Doanh Tử Sở, người đã ở rể nhà Chu – An Dương Vương tại Cổ Loa Thành.
Khi Lạc Ấp – Cổ Lũy mất về tay nhà Tần, vương tử nhà Chu là Cơ Tống đã đổi họ sang họ Chu để tưởng nhớ tiên tổ của mình. Rất có thể những người Việt mang họ Chu ở vùng miền Bắc Việt ngày nay giáp Cổ Loa (Mê Linh, Sóc Sơn, Bắc Ninh,…) là thuộc về nhánh Chu Bình Vương từ Lạc Ấp này.
Rất có thể vì mối lương duyên Mỵ Châu – Trọng Thủy hay giữa Doanh Tử Sở và con gái vua Chu mà Tần Trang Tương Vương khi diệt Chu đã rất “nhẹ tay” với con cháu hoàng tộc Chu. Con cháu nhà Chu chỉ đổi họ từ họ Cơ sang họ Chu, mà hầu như vẫn được sống ở nguyên tại chỗ. Họ Chu vì vậy vẫn tồn tại quanh vùng Cổ Loa xưa. Tương tự khi nhà Trần đoạt ngôi nhà Lý, hoàng tộc nhà Lý chỉ bị đổi sang họ Nguyễn chứ không bị tận diệt.
Nhánh thứ hai của họ Chu là con cháu Chu Noãn Vương di cư về phía Nam. Chu Noãn Vương Cơ Duyên là vị vua cuối cùng của nhà Chu khi bị Tần đánh diệt. Sau khi “cự trấn tráng Chân Đăng”, Chu Noãn Vương đã chạy về vùng … Nghệ An và lên thuyền đi ra biển … Mộ Dạ ở Diễn Châu – Nghệ An còn ghi lại truyền tích An Dương Vương chém Mỵ Châu rồi cầm sừng văn tê bảy tấc theo thần Kim Qui ra biển Đông… Đền Cuông ở Mộ Dạ là thờ Chu Noãn Vương vậy.
Nhánh thứ ba của họ Chu là con cháu Chu Công Đán, nước Lỗ, di cư xuống phía Nam. Chu Công Đán hay Chu Công là em của Chu Vũ Vương, người đã xây dựng Lạc Ấp – thành Cổ Loa. Chu Công là chúa nước Lỗ nên có tên Việt là Cao Lỗ. Cạnh Mộ Dạ hiện còn nhà thờ họ Cao ở Nho Lâm – Diễn Thọ, lấy Cao Lỗ là Tiền đại viễn tổ. Nước Lỗ hay Lão chính là nước Lào, giáp Nghệ An ngày nay.
Như vậy có thể những người họ Chu ở vùng Thanh Nghệ ngày nay là dòng nhánh của Chu Noãn Vương hay Chu Công, sau khi Loa Thành thất thủ đã theo thiên tử Chu di cư chạy xuống phía Nam.
Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương là con cháu nhánh họ Chu từ Chu Công. Như vậy nước Ngô do Chu Nguyên Chương ban đầu lập nên là một quốc gia người Hoa Việt. Chỉ khi Yên Vương Chu Đệ soán ngôi, dời kinh đô về Bắc Kinh thì triều Minh mới đổi lại dòng “máu trắng”, thành một nước do người Mông – Hán làm chủ. Chu Đệ Minh Thành Tổ tấn công nhà Hồ của nước Đại Ngu, bắt Hồ Quí Ly và Hồ Hán Thương ở Thiên Cầm – Hà Tĩnh, rồi tiến hành cuộc tàn phá qui mô, xóa sạch các vết tích về nguồn gốc Bách Việt của Trung Hoa ở nước ta. Đến đài Trang Vương ở tận Hương Sơn – Hà Tĩnh, chứng tích của vương triều Chu (Chu Trang Vương) ở Việt Nam cũng bị đập tan tành, chỉ còn trơ nền tới giờ.
Cuốc chiến Chu – Tần cách đây trên 2000 năm quả là đã quá lâu và bị màu thời gian cùng bàn tay ai đó bóp nặn đến nỗi các dòng tộc chân truyền của nhà Chu ở Việt Nam ngày nay không còn biết mình từ đâu mà ra. May thay, trời xanh có mắt. Họ Chu nay lại có thể nối nguồn với tiên tổ từ đất tổ sông Cả (sông Cơ) núi Hồng, với Đông Đô – Hà Nội.

 

Chuyện Sĩ Nhiếp – Lâm Ấp

Tôi nghe kể chuyện sáu trăm năm
Sĩ Vương trung nghĩa sáng trăng rằm
Khoan dung để lại phù Lâm Ấp
Một gốc đôi cành mối Việt Chăm.

Những năm bi tráng với bi hài
Thảo khấu Lục Lâm đánh Xích Mai
Giao Châu giữ ải còn Nhâm Tích
Bốn mươi thu ấy thật là dài.

Hào hùng tiếng trống nữ Trưng Vương
Tiếp Lạc khai Đinh phá mở đường
Khu Liên cờ nghĩa xua quân Hán
Nam ấp bừng lên nổi xứ Mường.

Anh hùng lại tiếp anh hùng đây
Mãnh Hoàng riêng một mảnh trời Tây
Mặt ngựa giặc tràn nơi Ngô Thục
Nam Hà kiên dũng đất Chiêm này.

Kể từ Kẻ Sĩ nhiếp Luy Lâu
Tới buổi Cao Tùy sự biến mau
Xá lị nhập tháp, lòng hướng Phật
Lý phục, Phạm lùi, nối trước sau.

Nước Nam kìa hỡi, nước Nam ơi!
Đau xót ngàn năm với đất trời
Hồ Việt một nhà nay dẫu thấy
Nỗi lòng phục sử bao giờ nguôi?