Thần chính khí Long Đỗ là ai?

Hai cuốn sách cổ Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh tập đã ghi chép lại sự tích về thần Long Độ (Long Đỗ), trong đó nhắc đến đoạn với Cao Biền như sau:

Khi xưa, Cao Biền đời nhà Đường được cử sang cai trị Giao Châu, cho đắp thành Đại La. Một hôm, Biền đang vẩn vơ dạo ngoài cửa đông thành, bỗng thấy mưa to gió lớn, rồi một đám mây ngũ sắc bốc lên từ mặt đất, tụ lại ở trên không, tia sáng bốc lên chói mắt, khí trời trở nên lạnh lẽo. Giữa đám mây, thấy hiện ra một người “đầu đội mão xích hoa, thân mặc áo tử hà, xiêm là, giày đỏ, bay lượn ở trong mây mù, hương lạ thơm lừng, đàn sáo hợp tấu, lững lờ uyển chuyển, lúc thấp lúc cao, lâu ước độ hai khắc rồi bỗng nhiên tan mất”. Cao Biền kinh dị, cho là yêu quái. Đêm hôm ấy, Biền mộng thấy người gặp lúc ban ngày, đến bảo rằng: “Ta là Long Độ vương khí quân, thấy ông mở rộng kinh thành thì đến xem chơi, chớ có ngờ”. Biền tỉnh dậy than: “Ta không biết làm chính trị nên quỷ thần vượt mặt ta, sự này là điềm lành hay điểm gở?”. Có người khuyên Cao Biền dựng đền, đắp tượng thờ rồi lấy một nghìn cân sắt, đồng làm bùa trấn yểm, Biền làm y như vậy. Bỗng một trận cuồng phong nổi lên quật đổi cây to, tung đất, làm tất cả đồng sắt trấn yếm đều biến thành tro bụi. Biền than thở: “Ta phải về Bắc thôi”, sau quả nhiên như thế.

Trong Lĩnh Nam chích quái cũng như trong tín ngưỡng dân gian từ lâu, thường đồng hóa hai vị thần Long Đỗ và vị thần của sông Tô Lịch  lại làm một. Trong Tô Lịch giang thần truyện của Lĩnh Nam chích quái đã chép lại truyện thần sông Tô Lịch, trong đó có đoạn sau kể về việc Cao Biền gặp thần sông Tô Lịch không khác gì truyện kể ở trên về thần Long Đỗ.

Đền Bạch Mã

Thần Long Đỗ cũng được chép chung với thần Bạch Mã trong các sự tích, nhưng thần Bạch Mã hiển linh dưới thời Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long, chứ không phải thời Đường Cao Biền. Vậy thần Long Đỗ là nhân vật lịch sử nào?

Một gợi ý hết sức hay về thần Long Đỗ là cuốn Bách Việt triệu tổ cổ lục của họ Nguyễn ở Bình Đà chép về bà Đỗ Quý Thị, húy là Ngoan, có tên tự là Đoan Trang. Tục truyền bà là con gái cụ Long Đỗ Hải Vương trấn trị ở cửa sông Tô Lịch vùng Nghi Tàm. Bà còn có 8 người em trai được tôn là Bát bộ kim cương, có công phù giúp người cháu là Lộc Tục…

Vị thần sông Tô Lịch hay thần hồ Dâm Đàm (hay hồ Mây Mù như từ dùng của Bách Việt triệu tổ cổ lục) không ai khác chính là Lạc Long Quân, còn được thờ là Uy Linh Lang ở dọc bờ hồ Tây. Hồ Tây là “đầm rồng của thủy quốc Động Đình”, tức là kinh đô của Lạc Long Quân. Kinh đô này có tên là An Ấp, nay còn lưu trong địa danh Yên Phụ (Yên Hoa, An Trì, Yên Thành, Yên Ninh…), nơi thờ chính của Uy Đô Linh Lang Đại vương (xem thần tích đền An Trì).

Bách Việt triệu tổ cổ lục còn đề cập đến việc dòng họ Nguyễn Đỗ đến bên bờ hồ Mây mù sinh sống, trồng cây hoa gạo để đánh dấu nơi ở của mình. Trong tiếng Việt cổ “gạo” còn được gọi là “kháo”. Vì thế hồ Mây mù (dâm Đàm hay Hồ Tây) lúc đầu được gọi là “hồ xác kháo”, tức là để chỉ ở ven bờ và cả mắt nước hồ rụng đầy hoa gạo. Lâu dần chữ “kháo” đọc biến âm đi thành chữ “cáo”… (theo Lã Duy Lan).

Việc hồ Tây liên quan đến cây Gạo cũng gặp trong sự tích về Uy Linh Lang, rằng bà phi họ Lạc của Diệu Đế sinh ra một bọc trứng, cho là điềm quái lạ bèn đem vứt ở bên bờ sông Hồng chỗ bãi Nhật Chiêu. Bọc trứng nở ra 7 con rồng bay lên. Đời sau trồng ở chỗ đó 7 cây gạo (mộc miên) để tưởng nhớ chuyện này… (Tây Hồ chí).

Nói cách khác, cây Gạo là biểu tượng của các vị thủy thần trong hình rồng. Uy Linh Lang cùng với “Đoài hồ Thất Giáp” là Lạc Long Quân và “Lục bộ Thủy phủ” đã dâng nước tiêu diệt Cửu vĩ Hồ ở đầm Xác Cáo (Truyện Hồ tinh).

Bà Đỗ Quý Thị tương đương với bà phi Diệu Đế, là mẹ của Lạc Long Quân, tức Quý Nương sinh Hoàng Xà ở đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ, Thái Bình), hay Phan Nương Thánh mẫu Động Đình ở đình La Phù (Thanh Thủy, Phú Thọ), tức chính là Mẫu Thoải… 8 người anh em họ Đỗ tương đương với Lục bộ thủy phủ hay Đoài hồ Thất giáp hay Ngũ vị Tôn quan trong Tứ phủ.

Hoành phi Long Đỗ Đại vương và Linh Lang Đại vương ở đình Cổ Vũ (phố Hàng Gai, Hà Nội)

Thần Tô Lịch và thần Bạch Mã như vậy hiển linh ở 2 thời gian khác nhau (thời Đường Cao Biền xây thành Đại La và thời Lý Thái Tổ xây Thăng Long) nên chưa chắc đây là cùng một vị thần. Thần Long Đỗ thực sự là Long – Rồng, là Long Quân mà được thần xưng danh ngay trong truyện: Ta là Long độ vương khí Quân… Còn thần Bạch Mã có thể là một vị thần khác, gắn liền với vùng Long Biên, do ở đó còn nhiều di tích thờ thần Bạch Mã. Bạch Mã như vậy là Long Biên hầu Sĩ Nhiếp, không phải vị cổ thần từ thời quốc sơ.

Một trong những bằng chứng về sự phân biệt giữa thần Tô Lịch và thần Bạch Mã là đình Tân Khai ở khu phố cổ Hà Nội, thờ 2 vị thần này riêng biệt cùng với thần Thiết Lâm. Tới đây đã có thể kết luận về lai lịch của 3 vị thần của thành Đại La – Thăng Long là:

– Thần Tô Lịch, cũng là thần Long Đỗ, chính là Long Quân hay Linh Lang Đại vương.

– Thần Thiết Lâm chỉ vùng đất ở phía Tây của hồ, ứng với Cửu vĩ Hồ, là dòng lên núi đã bị Long Quân cùng những vị thủy thần khác đánh đuổi.

– Thần Bạch Mã là “cụ già” làm quan trưởng lại ở địa phương thời đầu Công nguyên, tức là Long Biên hầu Sĩ Nhiếp.

Biển đề Long Đỗ chung linh tại đình Tân Khai

Câu đối ở chính điện đình Tân Khai:

Đại La thành nhất đái giang sơn, Long Đỗ chí kim do thắng tích

Tứ vọng tự lũy triều hương hỏa, Lạc Đô chung cổ độc anh thanh.

Câu đối khẳng định đất Đại La chính là kinh đô của thời Lạc Long Quân xưa.

Nguồn gốc người Việt và chân tướng lịch sử thời đại Hùng Vương

Những giá trị mới trong cuốn Thiên thư: HÙNG VƯƠNG THÁNH TỔ NGỌC PHẢ sưu khảo, tái bản lần thứ nhất

Cuốn Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả sưu khảo do Nhóm Nghiên cứu Di sản văn hóa Đền Miếu Việt vừa mới được tái bản sau 1 năm ra mắt lần đầu, với 5000 ấn bản khổ lớn, bìa cứng, in màu 392 trang. Khác so với với bản in lần đầu, bên cạnh các bản Ngọc phả Hùng Vương trong lần tái bản thứ 1 này cuốn sách đã được bổ sung nhiều bài viết và tư liệu mới nhằm làm sáng tỏ lịch sử thời đại Hùng Vương của người Việt từ những góc độ tôn giáo, lễ hội văn hóa, di tích tín ngưỡng và di vật khảo cổ. Đây là những thông tin vô giá như chìa khóa để mở ra cánh cửa về với cội nguồn lịch sử thật sự hơn 4000 năm của người Việt.

1. Những đóng góp của Phật giáo

Điểm nổi bật của lần xuất bản này là có sự góp sức của các Thượng tọa Phật giáo. Mở đầu giới thiệu là thầy Thích Thọ Lạc, Trụ trì chùa Yên Phú, Trưởng Ban văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Đôi lời về Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả, trân trọng giới thiệu cuốn kinh sách này tới những người dân đất Việt có lòng yêu đất nước và mộ đạo pháp. Lời bạt của cuốn sách được Thượng tọa Thích Minh Thuận, Phó trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Phú Thọ, nơi đất tổ Hùng Vương viết, nêu bật Giá trị của sự tri ân báo ân tiên tổ đối với con người và xã hội Việt Nam hiện tại.

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả đã cung cấp những dẫn chứng cụ thể về Đạo Phật du nhập rất sớm vào nước ta từ thời Hùng Vương, như việc Phật giáng dưới thời Hùng Chiêu Vương, tặng cho vua Hùng 2 bảo bối chế thành Thiên Linh kiếm và Vương Linh ấn. Bản thân bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền là bản được biên soạn bới Thư ký của Lê Đại Hành, tức là bởi vị Thiền sư Pháp Thuận nổi tiếng.

2. Tập hợp các ngọc phả Hùng Vương

Bản ngọc phả lưu tại đền Vân Luông với tên Hùng Vương kim ngọc bảo giám thực lục là sự tổng hợp các bản ngọc phả Hùng Vương được biên soạn qua các thời, bao gồm:

– Bản thời Lê Đại Hành là Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền với tên hiệu và các thông tin về 18 chi Hùng Vương.

– Bản thời Hậu Lê là Nam Việt sử ký là những câu chuyện thời Hùng Vương được ghi chép theo dòng lịch sử.

– Bản thời Minh Mạng bổ sung phần Hùng Vương tự lệ và lịch kỷ là những điển thờ, huyệt mộ và tục thờ Hùng Vương qua các triều đại.

Toàn bộ các bản ngọc phả này đã được dịch và cung cấp bản chụp gốc trong cuốn sách.

Cuốn sách cũng giới thiệu bản dịch cho Ngọc phả sự tích Quốc mẫu Tây Thiên Tam Đảo tối linh từ, là bản ngọc phả được lưu tại đền Hóa Đại Đình Tây Thiên, là chính bản thần tích cho việc phụng thờ Tây Thiên Quốc Mẫu, vị Mẫu đầu tiên của người Việt thời Hùng Vương.

3. Đối chiếu ngọc phả và di tích tín ngưỡng Hùng Vương

Ngọc phả Hùng Vương vốn là sách báu dùng trong việc thờ cúng các vị vua Hùng nên khảo cứu ngọc phả Hùng Vương không thể tách rời khỏi những di tích tín ngưỡng và văn hóa gắn với miền đất Tổ. Đối chiếu Ngọc phả với các di tích và các vùng văn hóa Hùng Vương cho phép xác tín những thông tin trong Ngọc phả về các vua Hùng, cũng đồng thời giúp chúng ta có được một góc nhìn và sự hiểu biết sâu sắc chính xác hơn đối với Ngọc phả, với từng nhân vật, sự kiện được quốc phả ghi lại và lưu truyền.

Mỗi một vùng di tích gắn với những nhân vật và câu chuyện cụ thể. Vùng di tích đền Hùng gắn với tục thờ Tam Sơn Thánh Tổ Hùng Vương. Vùng Phú Thọ và phía Bắc đền Hùng nổi bật là các di tích thờ Thái tổ Hùng Vương Đột Ngột Cao Sơn. Vùng hữu ngạn sông Lô ở phía Đông đền Hùng là phạm vi thờ 2 vị Viễn Sơn Thánh Vương, Ất Sơn Thánh Vương cùng 2 vị công chúa Ngọc Hoa Tiên Dung. Vùng núi Lịch ở Sơn Dương, Tuyên Quang là bằng chứng rất rõ ràng về sự tích Ất Sơn Đế Thuấn lập nghiệp…

4. Văn tự thờ Hùng Vương

Ngoài việc cung cấp các tư liệu Hán Nôm của đền Vân Luông (Vân Phú, Việt Trì) lần xuất bản này còn cung cấp toàn bộ tư liệu của đình làng Triệu Phú hay đình Trẹo. Làng Trẹo vốn là dân trưởng tạo lệ của đền Hùng nên việc thờ cúng ở đền Hùng đều do dân làng Trẹo đảm trách. Khi đền Hùng được tu sửa thành di tích quốc gia như hiện nay thì các hoành phi câu đối cổ đã được đưa về để trong đình làng Trẹo. Những bức hoành phi và câu đối này là vật chứng rõ ràng cho tục thờ cúng Hùng Vương như tổ của Bách Việt.

Làng Trẹo cũng là nơi có tục đón vua Hùng về ăn Tết với dân làng nên nơi đây còn có một bộ văn tế Hùng Vương theo các kỳ lễ tiết rất đặc sắc, từ văn tế ngày 26 tháng Chạp, tế Nguyên đán, mồng 2, mồng 4, mồng 6, mồng 7 tháng Giêng tới văn tế ngày mồng 1, mồng 2 tháng 8.

5. Lịch đồ 18 triều Hùng Vương

Phần đặc biệt giá trị trong cuốn sách trong lần xuất bản này là việc khảo cứu và lập nên phả đồ kết nối toàn bộ lịch sử 18 triều đại Hùng Vương, với 4 giai đoạn phát triển của xã hội Việt từ thấp đến cao. 5000 trước Đế Minh đã khởi đầu dòng họ Hùng, lập nên triều đại các Hùng Vương Sơn Thánh Tổ. Sơn triều truyền tới Kinh Dương Vương – Lạc Long Quân thì bắt đầu thời kỳ thị tộc phụ đạo, cha truyền con nối. Kinh triều trải qua các đời, tới Hùng Duệ Vương thì nhường lại vị trí thiên tử của thiên hạ cho dòng Thục Âu Cơ, bắt đầu thời kỳ phong kiến phân quyền, 1 thiên quốc và trăm chư hầu Bách Việt. Thời kỳ Thục triều này kéo dài hơn 800 năm thì được thống nhất bởi nhà Triệu, xã hội Việt bước sang chế độ phong kiến tập quyền.

Đi xa hơn những bản ngọc phả trước đây khi chỉ nêu tên hiệu các vua Hùng, phả đồ lịch sử Hùng Vương trong sách đã nêu rõ chi tiết các tên gọi, quốc hiệu, niên đại, vị trí kinh đô, các truyền thuyết và di tích liên quan tới từng tên hiệu trong 18 Hùng triều. Cuốn sách cũng cung cấp một bảng đối chiếu các giai đoạn Hùng Vương với các nền văn hóa khảo cổ trên đất Việt qua các thời Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun tới Đông Sơn.

6. Thời đại Hùng Vương trên báo Lao Động

Cuốn sách công bố một loạt các bài đã đăng trên báo Lao Động trong năm 2021 với những chủ đề khác nhau trả lời cho các câu hỏi thường gặp về thời đại Hùng Vương. Đó là về 3 vị vua Hùng thờ ở đất tổ, về núi Thái công cha và suối Nguồn nghĩa mẹ, về Tản Viên Sơn Thánh trị thủy sông Đà, về bãi Trường Sa nơi Tiên Rồng gặp gỡ, về kinh đô đầu tiên của nước Việt Thường bên bờ hồ Dâm Đàm, về chiếc Âu vàng đựng bào ngọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, về nguồn gốc các dòng họ người Việt… Đây là những bài báo ngắn gọn nhưng nội dung rất đặc sắc, như lần lượt hé mở từng cánh cửa tìm về với cội nguồn người Việt.

Cuốn sách Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả sưu khảo là sự giải đáp cho các thắc mắc của người đọc từ việc thờ cúng các vị thánh tổ Hùng Vương, là nguồn tư liệu quý báu của cha ông để lại về lịch sử người Việt đến những bảng biểu, sơ đồ khái quát được lịch sử hàng ngàn năm với những phương pháp và góc nhìn nghiên cứu độc đáo. Tất cả đặt trong một tâm thức hướng về nguồn cội và tri ân công đức tổ tiên.

Đây là cuốn Thiên thư về cội nguồn của người Việt, nước Việt, mà bất cứ ai là con cháu vua Hùng không thể không tìm đọc.

Thiên thư định phận, chính thống triệu Minh đô, Bách Việt sơn hà duy hữu tổ

Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành tụy miếu, Tam Giang khâm đới thượng triều tôn.

Sách ebook VIỆT ĐIỆN TỨ LINH Tứ phủ, Tứ linh, Tứ bất tử, Tứ trấn, Tứ pháp

Lời nói đầu

Thường nghe: nước Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến… Bốn ngàn năm, con số không hề nhỏ đối với lịch sử của một quốc gia trên thế giới này. Bốn ngàn năm lịch sử đã kết tụ thành một nền văn hóa Việt phong phú, đặc sắc, giàu giá trị nhân văn. Lịch sử và văn hóa luôn gắn liền với nhau. Dòng chảy lịch sử làm nên văn hóa tộc người và văn hóa đến lượt mình định hướng cho hành vi của con người trong cuộc sống hiện tại mà làm nên tương lai.

Văn hóa Việt có một lịch sử lâu đời như vậy nhưng còn có biết bao câu hỏi về nguồn gốc, về lịch sử văn hóa Việt chưa được giải đáp thỏa đáng. Suy nghĩ hiện nay của đại bộ phận người Việt, kể cả các nhà nghiên cứu chuyên môn, cho rằng văn hóa Việt được hình thành chủ yếu mới từ thời Lý cách đây ngàn năm, vì trước đó là ngàn năm chịu sự đô hộ của phương Bắc và trước nữa là thời “khuyết sử”, không biết đã có “ta” hay chưa nữa. Và rằng văn hóa Việt là sự vay mượn, không phải của Trung Quốc thì là Ấn Độ, thậm chí còn là của Chămpa…

Có thực như vậy không? Di sản văn hóa Việt có gì đáng giá? Liệu văn hóa Việt có đóng góp đáng kể gì cho nhân loại? Tại sao Việt Nam sau ngàn năm Bắc thuộc lại vẫn thoát ra một cách độc lập, không bị đồng hóa? Bản lĩnh văn hóa của người Việt là do đâu mà có? Rất, rất nhiều câu hỏi cần tìm câu trả lời.

Thế hệ người Việt Nam hiện tại đang phải hứng chịu hậu quả của một thời kỳ đứt gãy hàng trăm năm về văn hóa, khi những nền tảng truyền thống kết tinh hàng ngàn năm bỗng nhiên bị gạt bỏ, thay bằng lối sống, văn hóa xa lạ của phương Tây. Trước hết là chữ Nho, thứ chữ tượng hình vốn là sản phẩm sáng tạo của người Việt đã bị thay bằng chữ quốc ngữ, dẫn đến nhiều từ, nhiều ngữ của tiếng Việt không còn được hiểu đúng, dùng đúng. Di sản văn hiến Việt được lưu giữ bằng chữ Nho trở nên “không đọc được” với đại bộ phận người Việt hiện nay.

Mỹ thuật, kiến trúc truyền thống cũng đã thay đổi hoàn toàn, thiếu sự tiếp nối hài hòa. Những mái đình, mái đền cong vút, tương trưng cho bầu trời bao la của phương Đông, bị thay bằng những nhà mái bằng khô cứng. Các nghề thủ công truyền thống như chạm khắc, đúc đồng, làm gốm, vẽ tranh… phần nhiều bị thất truyền hay mai một, khiến những sản phẩm ngày nay làm ra không thể nào có được nét tinh tế và sự sáng tạo của thời xưa. Giá trị thẩm mỹ trong văn hóa Việt như thế đã “tiến lùi” rất nhiều so với trước đây.

Các lễ hội truyền thống xưa kia làng nào cũng có, nay phần nhiều đã bị mai một sau thời gian chiến tranh loạn lạc kéo dài hàng trăm năm vừa qua. Tục thờ thần của người Việt vốn rất phong phú, ẩn chứa trong nó những giá trị tinh thần to lớn, cũng bị biến dạng, nhiều khi trở thành tệ nạn mê tín dị đoan vì không mấy ai hiểu đúng bản chất của những tín ngưỡng này.

Trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy, cái gì để có thể chứng minh “Có một nền văn hóa Việt Nam” bản sắc và đáng giá? Nhận diện lại nguồn gốc văn hóa truyền thống do đó là việc làm hơn lúc nào hết cần thiết cho phát triển tương lai văn hóa Việt.

Nhà văn Hoài Thanh từng viết: Văn hóa phải khơi nguồn từ đại chúng: đó là điều nhất định. Một khi văn hóa đi xa đại chúng ắt sẽ mất dần sức sáng tạo, sẽ khô héo dần đi. Văn hóa cũng như một cái cây, không thể sống lơ lửng giữa trời. Muốn cho nó đâm chồi nảy lộc, phải cho gốc rễ nó ăn vào đất, nước. Khôi phục các giá trị văn hóa văn minh như vậy trước hết phải dựa vào đại chúng, vào như những di sản của dân gian còn lưu truyền lại được. Văn hóa dân gian thực sự còn nhiều khi “bác học” hơn cả văn hóa bác học ngày nay vì nó được cô đọng cả hàng ngàn năm lịch sử trong nội tại của mình.

Thành tựu của khoa học lịch sử gần đây đã sang một trang mới cho việc tìm hiểu văn hóa Việt. Phát hiện về nguồn gốc lịch sử Việt cũng đồng thời với việc xác định nguồn gốc và tiến trình văn hóa Việt. Nền văn minh Việt đã từng là ánh đuốc soi đường cho cả phương Đông đi lên trong suốt hàng ngàn năm của quá khứ. Di sản vật chất Việt trước hết phải kể đến là trống đồng, siêu phẩm trí tuệ và kỹ nghệ của người Việt. Trên trống đồng có ghi đầy đủ những khái niệm Dịch học, nền tảng của văn hóa của phương Đông. Những truyền thuyết Việt lại chép rất đầy đủ về công tích các thánh nhân, các lãnh tụ, các anh hùng nghĩa sĩ của lịch sử Trung Hoa. Những hình tượng mỹ thuật thường thức nhất, gặp trong các chốn đình đền Việt lại mang đậm tính Dịch lý và nét văn hóa của Trung Hoa cổ. Tại sao văn hóa Việt lại chứa đựng cả triết lý và nguồn gốc của Trung Hoa cổ đại?

Đạo thờ tổ tiên hay Đạo Hiếu ở người Việt đã làm nên một di sản văn hóa Việt bất hủ với hàng trăm các vị thần đủ mọi mặt của đời sống xã hội. Nổi lên hơn hết là những vị anh hùng, những thủ lĩnh của quốc gia đã có công dựng nước, giữ nước, phát triển văn hóa xã hội. Tất cả được lồng ghép vào một hệ thống tín ngưỡng mang tên là Công đồng Tứ phủ, với đầy đủ thứ bậc vua, quan, mẫu,…

Từ những hiểu biết mới về lịch sử và nền tảng Dịch học của văn hóa phương Đông cuốn sách này tập hợp những bài viết nhằm giải mã nguồn gốc văn hóa Việt qua phân tích những nhân vật được thờ trong thần điện Việt. Cuốn sách muốn gửi tới bạn đọc một sự góp nhặt mới, dù là rất nhỏ nhoi trong biển văn minh kỳ vĩ mà nhân dân Việt đã sáng tạo ra qua hơn bốn ngàn năm lịch sử.

Bách Việt trùng cửu Nguyễn Đức Tố Lưu

Sách phát hành online bởi Hùng Việt sử quán.

Bất kỳ sự sao chép, in ấn nào từ tác phẩm với mục đích thương mại đều phải được phép của tác giả.

Link tải sách:

https://drive.google.com/file/d/1cGNYy9di78ACcQ3qhi_Epq0HoFH5oOAH/view?usp=sharing

Liên hệ để nhận mật khẩu theo:

    Facebook: https://www.facebook.com/hungvietsuquan

    Email: bachviet18@yahoo.com, 

    Phone, Zalo: 0559551003.

Thượng Nguyên giữa lòng Hà Nội

Ngày Rằm tháng Giêng là ngày Tết Nguyên Tiêu hay Tết Thượng Nguyên, là một lễ tiết lớn theo  truyền thống của người Việt trong dịp đầu xuân. Vào tiết Thượng Nguyên người ta thường làm lễ cầu an, cầu phúc, ước nguyện điều lành trong năm mới. Điều mà ít người biết đến là Tết Thượng nguyên vốn là ngày lễ vị Thiên Quan, là người ban phúc trời cho nhân gian. Đây không chỉ là tục thờ và cầu phúc của người Hoa ở Sài thành, mà ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội từ lâu đã có một ngôi đền cổ thờ Thiên Quan Tứ phúc.

Đền Vũ Thạch ở số 13B phố Bà Triệu, nằm cách bờ hồ Gươm chỉ vài bước đi bộ. Đây là một ngôi đền cổ, rất may mắn đã không bị phá hủy trong thời gian chiến tranh và còn bảo tồn được nguyên vẹn  tới ngày nay. Ngoài cổng đền có đắp vòng bích tròn đề dòng chữ Nho “Đại Thiên hành hóa”, dịch là: “Thay Trời làm phép”. Đôi câu đối ở 2 bên cột ngôi đền nêu bật thêm ý nghĩa của ngôi đền: “Dữ Phật vi lân, từ chúc quang khai thành bất dạ/ Đại Thiên hành hóa, đức phong phổ phiến hải vô ba”. Nghĩa là: “Làm phép thay Trời, gió Đức thổi tràn yên sóng bể/ Kế bên cùng Phật, đuốc Từ soi rạng sáng đêm thành”.

Bước vào tòa chính đường của ngôi đền ta có thể chiêm ngưỡng bức cửa võng chạm khắc rồng chầu mặt trời rất tinh xảo, được sơn son thiếp vàng rực rỡ, ngăn tạo không gian thờ cúng linh thiêng bên trong. Phía trên cửa võng là bức hoành phi: “Đức lớn vô cùng”. Bên phải có bức hoành phi đề: “Giáo hóa vạn dân”. Bức hoành phi bên trái đề: “Che trùm bốn biển”. Tất cả đều nêu ý nghĩa đức hóa của thần bao trùm khắp muôn dân.

Hai bên ban thờ chính điện có 2 vị quan hầu khoác áo vàng đang chắp tay quỳ chầu. Bên cạnh là một đôi nghê gỗ, được chạm khắc quanh thân với những lớp vẩy và các đao lửa, tuy hình khối mộc mạc nhưng toát lên vẻ trang nghiêm và cổ kính.

Sâu trong nội điện là tượng một vị thần ngồi trên ngai rồng, khoác áo vàng có thêu rồng, đầu đội mũ cánh chuồn. Tay phải thần cầm một thẻ bài. Tay trái xòe ra như đang ban phúc lộc. Phía trên bức tượng có hoành phi đề: “Khắc tương Thượng Đế”, dịch là “Gánh vác, trợ giúp Thượng Đế”.

Không hiểu tại sao các tài liệu ngày nay về đền Vũ Thạch lại nói nơi đây thờ một vị tướng thời Trưng Vương, trong khi thần tượng hoàn toàn không thể hiện đây là võ tướng, mà là hình một vị tôn quan khá rõ nét. Chính xác hơn nữa, bản sắc phong năm Tự Đức thứ sáu (1852) của đền Vũ Thạch ghi: “Sắc cho thần Thiên Quan, nguyên tặng là thần Tứ phúc Diên hi Công chính”. Thiên Quan Tứ Phúc là tên phong hiệu của vị thần ở đền Vũ Thạch.

Tấm bia “Vũ Thạch bi ký” khắc năm Khải Định thứ chín (1924) có đoạn: “Thọ Xương huyện Vũ Thạch thôn … Thiên Quan bảo điện, di tượng thanh cao, thần ư Phật tự chi tiền, hách hách quyết thanh, dương dương tại thượng, cầu tất ứng…”. Dịch là: “Thôn Vũ Thạch huyện Thọ Xương… có điện báu Thiên Quan, di tượng thanh cao, thời ở trước chùa Phật, tiếng thiêng hiển hách, rờ rỡ nơi trên, cầu tất ứng…”. Như thế, bức tượng thần ở đền Vũ Thạch là tượng cổ thờ Thiên Quan.

Thiên Quan là một trong Tam Quan Đại đế của Đạo Giáo gồm Thiên Quan, Địa Quan và Thủy Quan. Thiên Quan chủ về đường Sinh nên có ý nghĩa “Tứ phúc”, đem điều may mắn đến cho nhân gian. Ngày “Quan Trời ban phúc” là ngày Rằm tháng Giêng, hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên. Còn Địa Quan xá tội vào ngày Trung Nguyên Rằm tháng Bảy. Thủy Quan giải ách vào ngày Hạ Nguyên Rằm tháng Mười.

Tín ngưỡng thờ Tam Quan khởi đầu từ thời Đông Hán bởi giáo chủ Trương Đạo Lăng và truyền xa mãi tới nay. Ở nước ta, Tam Quan là đối tượng thờ chính của Đạo Giáo Tam Phủ, từng rất phổ biến trước đây. Đền thờ Tam Quan được xây dựng ở nhiều nơi như trong quần thể di tích chùa Thầy ở Sài Sơn (Quốc Oai) hay ở thành phố Bắc Ninh, ở xã Cao Đức huyện Gia Bình… Một loạt các đình làng ở Thanh Hóa cũng thờ các vị Thiên Quan, Địa Quan, Thủy Quan làm thành hoàng làng.

Trong đền Vũ Thạch, ngoài chính điện thờ Thiên Quan thì điện bên trái là nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị thần tiên trong Công đồng Tứ phủ. Đặc biệt ở đây có bức hoành phi đề: “Hồi đầu thị ngạn”, nghĩa là “Quay đầu lại là bờ”. Bức hoành phi này không chỉ là lời cảnh tỉnh giác ngộ con người hướng thiện, mà  trong bối cảnh của đền Vũ Thạch thì nó có thể hàm ý nói tới cuộc đại chiến Sòng Sơn giữa Mẫu Liễu với Tam Quan Nội đạo tràng. Trong cuộc chiến này Mẫu Liễu đã bị bại bởi 3 vị quan – 3 đạo sĩ của phái Nội đạo, sau nhờ Phật Tổ hiện lên giải cứu mới thoát khỏi kiếp nạn và từ đó được tôn sùng là Thánh mẫu.

Bia ký Vũ Thạch có đoạn: “Mẫu đức bao hàm trạch biến Cửu thiên chi vũ. Tiên dung yểu điệu diễm khai Tam phủ chi hoa.” Nghĩa là: “Sự bao hàm đức của Mẫu như mưa từ Cửu thiên. Vẻ yểu điệu hình tiên như hoa nở đẹp của Tam phủ”. Từ sau cuộc đại chiến Sòng Sơn, Tam phủ của Đạo Giáo vốn chỉ thờ Tam Quan đã mở rộng ra thờ các nữ thần và trở thành Đạo Mẫu Tứ phủ như ngày nay.

Nằm ở phía sau đền Vũ Thạch là ngôi  chùa Quang Minh, cũng là một di tích cổ hiếm hoi còn bảo tồn được khá nguyên vẹn trong lòng Hà Nội. Làm lễ cầu phúc nơi điện Thiên Quan, dâng hương tới Thánh mẫu Liễu Hạnh ở đền Vũ Thạch xong có thể ghé chùa cổ trong ngày Thượng nguyên đầu xuân năm mới. Đôi câu đối ở nhà thờ tổ chùa Quang Minh như nhắc lại ký ức về một Hà thành hào hoa nhưng rất tâm thành tín lễ:

“Ngọc Đảo hương phong, cách phượng thải hoa hàm khẩu kệ/ Kiếm Hồ thu nguyệt, kim long xuất thủy phủng tâm kinh”.

Nghĩa là: “Hương gió Ngọc Sơn, phượng cách hoa tô ngâm lời kệ/ Trăng thu Hồ Kiếm, rồng vàng phun nước đỡ tâm kinh.”

Bài đăng báo Lao Động cuối tuần số 7-9 từ 13 đến 27 tháng 2 năm 2022

Sách ebook HÙNG VƯƠNG TRUYỀN SỬ DIỄN NGHĨA

Lời nói đầu

Lịch sử của quốc gia, của dân tộc không thuộc về riêng ai. Các sử gia chép sử, các nhà văn hóa mô tả sử…, còn nhân dân mới là những người làm nên lịch sử. Trong khi những sử gia thận trọng biên chép các sự kiện lịch sử theo quan niệm chính thống mỗi thời đại thì còn một dòng sử khác tồn tại song song, với sức lan tỏa rộng hơn, sinh động hơn. Đó là dòng sử trong dân gian, được lưu truyền qua các câu chuyện kể, các di tích, các di vật, các danh nhân địa phương…

Cuốn sách Hùng Vương truyền sử diễn nghĩa nêu lên tiến trình hơn 2000 năm lịch sử của thời kỳ Hùng Vương từ một góc độ hoàn toàn mới. Phần chính của cuốn sách gồm 9 bài viết theo dòng lịch sử từ khi Thái tổ Đế Minh đi tuần thú dựng kinh đô Nghĩa Lĩnh, Kinh Dương Vương lấy Thần Long bên bờ Thủy quốc Động Đình, Lạc Long Quân mở nước về phía Đông Nam, Thánh Dóng đánh giặc Ân, Lang Liêu phân phong các anh em làm phiên dậu bình phong, An Dương Vương xây thành Cổ Loa cho đến Triệu Vũ Đế trảm xà khởi nghĩa ở núi Vũ Ninh, Trưng Vương đọc lời thề sông Hát quyết đền nợ nước trả thù nhà.

Cuốn sách được viết dưới dạng sử ký, tức là ghi chép các sự kiện theo dòng lịch sử, trên cơ sở tổng hợp, đối chiếu và sắp xếp từ các nguồn tư liệu thư tịch, văn hóa dân gian, di tích và di vật khảo cổ. Đây không phải một cuốn sách khảo cứu lịch sử, mà là một cách tái hiện lại lịch sử xa xưa của người Việt từ góc nhìn đối chiếu Hoa – Việt và các tư liệu mới. Bằng cách như vậy cuốn sách nhỏ này có tham vọng lớn đi tìm sự thật cho lịch sử nước Nam từ thời khai thiên lập địa tới đầu Công nguyên. Những bài sử ký Hùng Vương muốn góp phần nào chút ánh sáng soi tìm lịch sử chân xác của dân tộc đã chìm đắm sau hàng ngàn năm tăm tối. Người viết không sợ nêu lên những nhận định, suy đoán, mà muốn đưa những vấn đề lịch sử khúc mắc ra bàn dân thiên hạ cùng suy ngẫm. Mỗi cánh cửa hé mở thì sự thật lại càng gần hơn, tỏ hơn. Như vậy cũng là tâm nguyện của người viết đã thành.

Bách Việt trùng cửu Nguyễn Đức Tố Lưu

Sách phát hành online bởi Hùng Việt sử quán.

Link tải sách:

https://drive.google.com/file/d/1310gFYK3kTOH0ZQ5KcK-MUXWE4af3Y7I/view?usp=sharing

Liên hệ để nhận mật khẩu:

Facebook: https://www.facebook.com/hungvietsuquan
Email: bachviet18@bachviet18
Phone, Zalo: 0559551003.

MỤC LỤC 104 trang

Lời nói đầu

HÙNG VƯƠNG TAM THÁNH TỔ

    Lịch kỷ họ Hùng

    Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ

    Hồng Lạc Đế Nghi

    Lộc Tục Kinh Dương Vương

KINH TRIỀU BẢN KỶ

    Kinh Dương Vương

    Lạc Long Quân

    Hùng Duệ Vương

VIẾT NÊN SỬ DAO

    Trúc thư kỷ niên

    Thành Thang mở nhà Thương

    Bàn Canh lập Ân

    Trung Nguyên xá tội

PHONG THẦN DIỄN VIỆT NGHĨA

    Trụ Vương – Đát Kỷ

    Phượng gáy non Kỳ

    Văn Vương cầu hiền

    Thạch Linh thần tướng

    Vũ Vương khởi binh

    Phá Ân diệt Trụ

    Trảm tướng phong thần

    Phong hầu kiến địa

LANG LIÊU VÀ NƯỚC VĂN LANG

    Thần nông Hậu Tắc

    Âu Cơ lập nước Văn Lang

    Hùng Quốc Vương phân phong chư hầu

    Hùng Chiêu Vương gặp Tiên

    Văn Lang liệt quốc

AN DƯƠNG VƯƠNG, LOA THÀNH VÀ LẠC QUỐC

    An Dương Vương rời đô về Lạc Ấp

    An Dương Vương xây Loa thành

    Tần Thủy Hoàng Đông du

    Tây Vu Vương chống Hán

KHỞI NGHĨA CỦA TRIỆU ĐÀ

    Thuở đầu khởi nghĩa

    Chiếm Long Xuyên

    Xuất Thái Bình

    Kiến quốc Nam Việt

BỐN NHÀ TRIỆU TRONG SỬ VIỆT

    Triệu Đà – Trọng Thủy

    Long Hưng Triệu Vũ Đế

    Nhà Triệu – Lữ Gia

    Nam Triệu – Tây Lý Vương

Phụ khảo

NHỮNG CUỘC CHIẾN MỞ SỬ TRONG THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG

    Cuộc chiến mở nước của Hữu Hùng Đế Minh

    Cuộc tranh đoạt giữa Lạc Long Quân và Đế Lai

    Cuộc chiến về lại đất Lạc của Âu Cơ

    Cuộc chiến khởi dựng chế độ phong kiến nước Văn Lang

    Cuộc chiến thống nhất thiên hạ của Triệu Trọng Thủy

    Khởi nghĩa kháng Tần của Triệu Vũ Đế

    Khởi nghĩa Trưng Vương dòng Lạc Hùng chính thống

CHỮ KHOA ĐẨU TRÊN CÁC CỔ VẬT THỜI NƯỚC VĂN LANG

    Chữ Khoa đẩu thời Tây Chu

    Chữ Đại triện thời Xuân Thu Chiến Quốc

THẾ THỨ VÀ NIÊN BIỂU 18 TRIỀU HÙNG

    Thời thủ lĩnh cộng đồng

    Thời chế độ thị tộc phụ đạo

    Thời chế độ phong kiến phân quyền

    Thời chế độ phong kiến tập quyền

Hùng Vương Tam Thánh Tổ bản kỷ

Lịch kỷ họ Hùng

Xét như tiếng đức Tiền hoàng đế thời Thái cổ, từ kỷ Tam Hoàng Ngũ Đế đến nay, theo nguyên mệnh của xuân thu, bao gồm thời mở mang hồng hoang trước trời đất. Trời ban đầu mở vào Giáp Tí. Đất tụ mang ở Ất Sửu. Vận người sinh ở Giáp Dần. Vạn vật ra đời ở gian Ất Mão. Từ thời Bàn Cổ, Thái cực sinh Lưỡng Nghi, là Thiên Địa. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng biến hóa thành nhiều hình trạng.

Thời Hỗn Mang còn chưa biết đạo trời đất khởi đầu thế nào, đến Âm dương biến làm Tam tài, vị quân thủ dẫn đường dần dần mở ra phong khí, dần dần có văn minh, làm rõ ràng các giáo lý trị dân. Trời xuất hiện nhiều bậc đại thánh. Cha trời Mẹ đất là Thiên tử xuất hiện đầu tiên. Sau đến các vật ở vạn nước được yên định, nhận trọng trách lớn như thế sao.

Thiên Hoàng nối Bàn Cổ mà trị ở ngôi Thiên tử, nắm quyền chế độ, mới chế ra Can chi. Mười can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ Canh, Tân, Nhâm, Quý.

Mười hai chi là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Vị, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Lấy đó để định thời gian, giúp nhân dân biết phương hướng. Cứ mỗi đời có bậc quân vương lại tất có sự sáng chế của quân vương đó. Các vua sau từ đó noi theo trăm đời không lay. Lấy việc giải quyết cho dân làm khó. Lấy sự an định làm nguy. Xem hiền mà sửa mình.

Địa Hoàng định hai thời phân làm ngày đêm, lấy ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm. Gộp những sai lệch mà bày ra nhuận, cuối cùng thì phục hồi lại thời gian như ban đầu, lấy thời khí theo đó. Các anh em của người cứ một vạn tám ngàn năm là chúa tể thiên hạ các phương, sáng chế lập ra pháp luật, ban bố vạn đời. Khiến cho hậu thế đều biết được chỗ sáng tối, tháng năm như thế.

Trời sinh tinh khí thánh nhân tụ hội ở vị trí là thầy là vua, cao quý hơn hết. Vị trí là vị trí của Trời. Lộc là lộc của Trời. Thiên tử thay Trời lo vật, thừa mệnh Trời mà ra trị. Kính Trời, theo phép tổ, làm việc quý người, bèn phân chia chức trách như vậy.

Nhân Hoàng một họ chín người cùng nhau, núi sông chia làm chín khu, người ở một phương. Thời này vạn vật đều thuần hậu, ôn hòa. Chúa không dối, vua thần không dối. Tận hưởng lộc trời tốt thay. Tới thời Xuân Thu khi Lỗ chúa công là Tưởng bắt Kỳ Lân năm thứ mười bốn.

Xét trải tháng năm, ngày được ba trăm hai mươi sáu vạn bảy ngàn năm, chia làm mười kỷ, là: Cửu Đầu, Ngũ Long, Nhiếp Đề, Hợp Lạc, Liên Thông, Tự Mệnh, Tuần Phỉ, Nhân Đề, Thiền Thông, Sơ Ngật, tất cả là mười kỷ. Từ Nhân Hoàng đến Tự Mệnh có tám mươi tám vị quân vương. Từ Tuần Phỉ về sau đều truyền các vua nối vị.

Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ

Kỷ Thiền Thông kết thúc vào thời Thần Nông. Kỷ Sơ Ngật được khởi đầu từ Hoàng Đế, là Hiên Viên, lấy đức trị dân, họ hiệu là Hữu Hùng Thị, tên xưng Đế Minh. Đế Minh là con cháu của Thần Nông, họ Công Tôn, tên là Hiên Viên, sinh ra thần dị, chớm sinh biết nói nhỏ thì thông minh, lớn thì đôn hậu, trưởng thành thì sáng suốt. Thời đó dòng dõi Thần Nông là Viêm Đế suy yếu, chư hầu xâm chiếm lẫn nhau, bạo ngược trăm họ, vậy mà Viêm Đế không thể chinh phạt được. Viêm Đế muốn xâm chiếm chư hầu, chư hầu đều quy thuận Đế Minh.

Đế Minh bèn sửa sang đức chính, chấn chỉnh quân đội, thuận theo khí của Ngũ hành, gieo trồng ngũ cốc, vỗ về muôn dân, đo đạc bốn phương, huấn luyện gấu beo hổ báo tỳ hưu, rồi cùng Viêm Đế đánh nhau ở cánh đồng Bản Tuyền, qua ba trận mới thắng.

Riêng Ngô Thục Xi Vưu bạo ngược nhất, dấy loạn, không theo lệnh vua. Vậy là Đế Minh liền trưng tập quân chư hầu cùng Ngô Thục đánh nhau ở cánh đồng Trác Lộc. Trong trận chiến này Đế Minh đã được sự ủng hộ của Tây Thiên Lăng Thị, chính là bà Lụy Tổ. Nhờ đó Đế Minh đã thắng Ngô Thục Xi Vưu. Chư hầu đều tôn Đế Minh làm Minh chủ. Từ đó mới có tên là Đế Minh và được tôn thờ là Đột Ngột Cao Sơn Thánh vương.

Xưa Đế Minh trên đường ngắm xem phong thủy, chọn nơi hình thế thắng địa có đại cuộc chân long quý mạch để lập đô ấp, trấn trị thiên hạ. Qua đất Hoan Châu (xưa là Hoan Châu, nay là xứ Nghệ An, phủ Đức Quang huyện Thiên Lộc, các xã Điền Thiên Lộc, Tả Thiên Lộc và Lễ Hữu) Vua ngắm xem hình thế, thấy được một vùng có quý cuộc phong cảnh tươi đẹp như lâu đài muôn nhẫn, tên là núi Hùng Thứu Lĩnh, tất cả có 199 núi, xưa gọi là Cựu Đô, nay là Ngàn Hống.

Vùng đất này non biển đúc linh, núi sông khe hồ hội chầu, tụ họp ở ven biển tại xã Hội Thống. Ở cửa Hội Thống núi chạy quanh co, sông chảy uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông. Vua bèn xây dựng đô thành cung điện lâu đài cửa ngọc, làm nơi cho bốn phương triều cống.

Ngày sau Vua lại đi tuần thú, rong ruổi xem khắp các nơi sông núi, đến xứ Sơn Tây thấy một nơi địa thế trùng điệp, sông đẹp núi lạ, non nước đúc thiêng. Vua bèn thân ngự giá lên núi, tìm mạch đất, nhận thấy khí mạch từ núi Côn Lôn xuất ra, theo từ động Vân Nam, Ngũ Lĩnh của nước lớn tiếp gặp Ải Môn Thủy Đỗ của sông Ngưỡng Đức, nước phân ra như hình chữ Bát. Xuyên núi thấu mạch dẫn tới Cao Bình, Lạng Sơn, Càn Hải, Cửu Châu. Các núi cao vút, bỗng nổi lên thành núi Tam Đảo, như rồng giáng khí ở châu Thái Nguyên, nước chảy khe trên Thiên Thị Thạch Bàn, ngược núi ngược sông. Mạch dẫn liên miên, đưa tới các châu Bảo Lạc, Bằng Di, Thu Vật, Phúc Yên. Đầu nguồn nước từ khe Hoàng Hà, sông Lô, Càn Thủy mà chảy dẫn mạch giáng khí, qua Ải Môn Thủy Đỗ thoát mạch, rồng dẫn đi xa, tới đất Tuyên Quang, thế rõ từ núi Tụ Long, liền tới châu Thu Vật, biến ra toà kim tinh cao muôn nhẫn.

Mạch đất chạy ở giữa chia trái phải. Sông Hán, sông Lô, sông Hoàng, sông Bảo, hai bên dưỡng mạch, chảy tới Lâm Thao, Đoan Hùng, Hạ Hoa, Thanh Ba, Tây Lan, Phù Ninh, đến chùa Hoa Long, thôn Việt Trì ở ngã ba sông Bạch Hạc. Núi lạ sông đẹp, ngọc tụ nước ngưng, chân đá giáp nước, trái phải cùng đổ về, là chính đường của vạn nhánh, hội tụ chính khí. Bên ngoài chia Nam Bắc sông Tứ, Thiên Đức, Hát Môn, Tô Lịch, ngàn khe vạn dòng, đều cùng quay đầu về.

Đầu mạch đất này bên trái từ sông Lôi núi chạy sông theo, tới các huyện Đương Đạo, Đông Lan, Sơn Dương, Tam Dương, bỗng dựng lập núi Tam Đảo. Cung tiên bên trái là rồng xanh, nghìn núi vạn sông chảy ra ở Lập Thạch, Bách Nê, Chu Diên, Thanh Tước, đất sáng như mở chén ngọc. Các núi giúp chuyển tới xứ Kinh Bắc các núi Chu, Sóc, Chung, Trà, Từ, Mộc Phàm, Tích, An Lão phục chầu. Dẫn đến xứ Hải Dương các núi Đông Triều, Hoa Phong, Yên Tử. Mạch tới ngoài biển tám xã Đồ Sơn, là đầu rồng chầu án.

Bên phải mạch đất từ Ba Thục, Hán Giang, Hoàng Giang, Lô Thao Giang, núi dẫn sông theo, tới mười châu Tuyên Quang, Hưng Hóa, châu Đà Bắc, Thanh Nguyên, Bạn Hà, Đà Giang, đến huyện Bất Bạt thì nổi lên núi Tản Viên. Cung tiên bên phải là hổ trắng. Núi chầu vạn nhánh, nổi lên ở Mỹ Lương, Minh Nghĩa, Phúc Lộc, Viễn Sơn, Thạch Thất, An Sơn, Tây Phương, Sài Sơn, Tử Trầm, Thạch Bật đến xứ Sơn Nam, Chương Đức, Đại Yên, núi Hương Tích, núi Hữu Na, núi Nam Công Vũ Phượng, núi Đội Điệp, núi Nghi Dương, chầu vào mà thoát, đến cửa biển Thần Phù ở núi Chính Đại thuộc Ái Châu, thoát ra ngoài biển ở núi Chích Trợ, cửa Trà Lý, làm đầu rồng chầu án.

Lấy sông Bạch Hạc làm Nội minh đường. Lấy sông Cả ở ngã ba Lảnh, huyện Nam Giang làm Trung minh đường. Mặt nước như ấn ngọc phù vàng. Hải Dương, Nam Hải, Cổ Am, Tượng Sơn làm Ngoại minh đường. Nghìn non cúi phục, vạn nước chầu nguồn, đều hướng về núi tổ Nghĩa Lĩnh.

Nhìn thấy tất cả hình thế ấy, Vua nhận ra thế cục của đất quý đẹp hơn đô thành cũ Hoan Châu, bèn lập chính điện ở núi Nghĩa Lĩnh. Vua thường ngự giá đến ở. Bên ngoài lại lập dựng đô thành Phong Châu. Vua rời giá về cựu đô Hoan Châu. Việc dựng đô thành của Vua trước bắt đầu ở núi Thứu Lĩnh, sau lại định đô ấp, vị trí của chính điện, ngự trị thành trời ở núi Nghĩa Lĩnh. Nay lấy núi Nghĩa Lĩnh làm chốn đô ấp của Cổ Việt Thường Thị.

Hồng Lạc Đế Nghi

Đế Nghi là dòng trưởng của Đế Minh, nhân từ như trời, trí tuệ như thần. gần gũi thì thấy ngài như mặt trời, đoái trông thì ngỡ ngài như áng mây. Giàu có mà không kiêu căng, cao sang mà không ngạo mạn. Ngài đội mũ vàng, vận áo đen, đi xe đỏ, cưỡi ngựa trắng. Ngài có thể làm rạng đức tốt để khiến chín họ hòa thuận. Chín họ đã hòa thuận rồi, ngài tỏ đức tốt cho cả trăm họ. Trăm họ sáng tỏ rồi, ngài hòa hợp với cả muôn nước chư hầu.

Ngài bèn sai Hy Hòa kính thuận phép trời, xem xét sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và các vì sao, rồi kính cẩn truyền cho dân gian biết thời vụ cấy gặt…. Lại sai Hy Thúc đến ở Nam Giao, đôn đốc vụ hè, kính cẩn làm tốt việc gieo trồng. Ngày Hạ chí là ngày dài nhất, lúc hoàng hôn sao Hỏa ở chính Nam, lấy đó để định tháng Trọng hạ. Dân thảy làm đồng, muông thú thưa lông… Một năm có 366 ngày, lại đặt ra tháng nhuận để bốn mùa được chính xác. Bá quan cần mẫn, mọi sự hưng thịnh.

Thời Hồng Lạc, nước Việt Thường dâng rùa thần nghìn tuổi, rộng hơn ba thước. Trên lưng có hoa văn, đều là chữ khoa đẩu, ghi lịch rùa từ thủa mới mở mang đến nay.

Đế Nghi đã sai người đi 4 phương, quan sát trời đất thiên văn để định làm lịch. Người được cử đi phương Nam là Hy Thúc đã đến Nam Giao để đảm nhận việc làm lịch này. Nam Giao rõ ràng là chỉ vùng đất Bắc Việt ngày nay, cũng có tên gọi là Việt Thường Thị. Việt Thường Thị ở Nam Giao là ông Hy Thúc, người đã dâng lịch rùa lên cho Đế Nghiêu.

Trên núi Lịch Sơn ở vùng Tuyên Quang, có đền thờ Đế Nghiêu và là nơi Đế Thuấn đi cày bên đầm Lôi Trạch. Tên gọi Lịch Sơn, quê hương của Đế Thuấn đã cho thấy Đế Thuấn chính là Hy Thúc, người đã cống lịch rùa cho Đế Nghiêu. Ngọn núi Lịch ngày nay ở huyện Sơn Dương của Tuyên Quang vẫn còn lưu dấu tích. Ngọn núi này có một đỉnh nhọn dựng đứng, giống như một tấm bia đá được dựng trên lưng một con rùa lớn. Trên đỉnh núi còn di tích Ao Trời, tương truyền là nơi ngự của Đế Thuấn.

Đế Nghi hỏi: Ai có thể nối ngôi ta? Mọi người đều nói với Đế Nghi rằng: Có một người chưa vợ trong dân gian tên là Lộc Tục. Đế Nghi nói: Ta thử hắn xem sao. Thế rồi Đế Nghi gả 2 cô con gái Ngọc Hoa và Tiên Dung cho Lộc Tục để qua đó xem đức hạnh của Lộc Tục thế nào.

Lộc Tục bèn đưa hai vợ xuống ở ven sông Lô, theo đúng đạo làm vợ. Đế Nghi hài lòng, bèn sai Lộc Tục cẩn thận điều hòa năm mối nhân luân, mọi người đều thuận theo. Đế Nghi ở ngôi được 70 năm thì có được Lộc Tục, 20 năm sau nữa thì cáo lão, lệnh cho Lộc Tục nhiếp chính. Đế Nghi rời ngôi 28 năm thì băng. Trăm họ đau buồn như mất cha mẹ. Trong 3 năm bốn phương không nơi nào tấu nhạc, để tưởng nhớ Đế Nghi, tôn thờ là Viễn Sơn Thánh Vương.

Lộc Tục Kinh Dương Vương

Lộc Tục tên là Trùng Hoa, cày ruộng ở Lịch Sơn, bắt cá Lôi Trạch, làm gốm ven sông Lô. Lộc Tục vào rừng sâu, mưa gió dữ dội mà không lạc đường. Đế Nghi biết Lộc Tục là người xứng đáng trao cho thiên hạ. Đế Nghi cáo lão, sai Lộc Tục làm thay chính sự của thiên tử, đi tuần thú. Lộc Tục được cất nhắc làm việc trong 20 năm. Đế Nghi sai nhiếp chính, nhiếp chính 8 năm thì Đế Nghi băng. Thiên hạ theo về với Lộc Tục.

Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, đặt tên là nước Xích Quỷ. Kinh Dương Vương bàn với Tứ nhạc sắp xếp các quan coi việc. Cao Giao làm Đại lý giữ phép công bình, dân đều phục tính chân thực. Bá Di giữ việc Lễ, trên dưới nhún nhường. Thùy làm Công sư, trăm nghề tấn tới. Ích làm Trẫm ngu, núi đầm mở rộng. Khí làm Hậu tắc, bách cốc tốt tươi. Tiết làm Tư đồ, trăm họ hòa thuận. Long giữ việc tiếp đón tân khách, người phương xa tới. 12 châu mục hành sự khiến chín châu không ai dám gian manh phạm pháp.

Riêng công của Nguyễn Tuấn lớn nhất. Nguyễn Tuấn xẻ chín núi, thông chín đầm, khơi chín sông, đặt chín châu, chư hầu đều đến triều cống theo chức phận, không hề mất quy củ. Khắp bốn bể đều đội công ơn của Kinh Dương Vương.

Kinh Dương Vương tiến cử Nguyễn Tuấn với trời, làm chúc thư giao lại đất đai cho Tản Viên Sơn Thánh. Kinh Dương Vương đi tuần ở sông Đuống, băng tại Á Lữ. Hai bà Ngọc Hoa Tiên Dung tử tiết theo chồng ở nhánh Tương của sông Lô. Người Việt tôn thờ Lộc Tục là Ất Sơn Thánh Vương, cùng với Đế Minh và Đế Nghi đời đời thờ phụng ở núi Hy Cương là Tam Sơn Thánh Tổ họ Hùng.

Trải thời gian từ kỷ Tuần Phỉ về sau, từ Nghiêu Thuấn Ngũ Đế tới nay đã hơn ba ngàn năm. Trước Tam Đại không như thời Đường Ngu. Sau Hán Đường Tống không như Tam Đại. Đạo đời lên xuống, không quá hai ba trăm năm mới có một sự biến. Rồi hai trăm năm có một biến, ba trăm năm có một biến trung bình, năm trăm năm có một biến lớn. Từ lúc khai mở về sau bốn năm vạn năm lúc phong khí chưa mở văn minh, chưa có đất nước, chưa yên, tới Hy Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, thay nhau mà hưng vượng về sau, lấy vương đạo mà trị.

Xưa thời Hy Nông trở về đời Bàn Cổ, chưa có lịch, gộp các tộc có tên phủ thế trị dân, tất cả là hai mươi hai chi hệ được xét. Từ Hy Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Ngũ Đế là các nguyên thánh trị thiên hạ. Đế là vua, thiên hạ chúa tể ngự thế, theo càn khôn mà khởi tạo ra lòng nhân, là đức dưỡng sinh thay tạo hóa vậy.