Bài thơ về Tản Viên Sơn Thánh trong thần tích làng Tang Ma

Mười tám nhánh Hùng đồ củng cố
Hai ngàn năm cuồn cuộn khí lành.

Tinh thần cốt cách ngọc Lăng Sương
Mở chốn Rồng thiêng xuống thế dương
Khí mạo to cao còn tỏ thánh
Phong tư đẹp gọn khác người thường.

Ba sinh hương lửa vừa mới thấy
Phong lưu một nét cổ gia đường
Sáu tuổi mẹ cha về vực thọ
Bảy năm phụng tự chốn yên hương.

Trở học chuyên cần nơi động cũ
Linh sơn hái củi lúc khi đang
Ngô đồng chặt hạ gặp tiên lão
Gậy thần thu nhận cứu dân làng.

Lũ trẻ bên đường xem giết rắn
Thần chú đọc ngay cạnh bến phương
Động Đình cùng tới đền công đức
Chia tay Ngọc Tản nghĩa bao nhường.

Muôn đồ vạn bạc đều không đủ
Một cuốn sách thần vật dị thường
Trời cao cơ diệu nên linh ứng
Phép lạ hiếm truyền từ đế vương.

Vàng bạc ngọc ngà cầu được ước
Gió mưa sấm chớp nổi khôn lường
Chí hiếu mẹ cha tuân phép đạo
Dưỡng mẫu tạ ơn cung kính dâng.

Lão mẫu non khe di chúc lại
Thần nữ khói hương để miếu đường
Mẹ con một nhà, đời khó sánh
Thần tiên vạn cổ cũng không thường.

Nơi núi thảnh thơi ngàn vạn trượng
An nhàn ba sáu điện cung quang
Thế thời vua trị, Đường Nghiêu thịnh
Quảng đại Sơn Tinh, Ngu Thuấn vang.

Nhường ngôi mới tìm cầu Hoa Mị
Thủy Tinh thù kết một mối trường
Côn kình nhằm chém nơi đầu núi
Thủy thổ tách phân, rùa sấu quăng.

Theo trời là Tiên, người là Thánh
Trung thần với nước, hiếu gia đường
Búa việt giao cầm, vua bái tướng
Dẹp giặc hai đàng rơi tuyết sương.

Vách đá núi cao khắc sự nghiệp  
Vẻ vang ghi trúc bến sông Tương
Không ham làm khách trên trần thế
Muốn thành người ở chốn tiên phương.

Giúp nước một thời lo việc lớn
Hóa sinh cảnh hội lúc phi thăng
Hưng thịnh non sông cùng giữ mãi
Âm phù hộ quốc đạo thần vương.

Gió bụi đi qua nhàn một cuộc
Còn mãi đền đài giữ khói hương
Ngựa sắt thiên vương danh Phù Đổng
Đúc tướng người đồng thánh Thụy Hương.

Kìa như Tản Linh Sơn Thánh
là thánh, là tướng, là vua, là thầy, là tiên, là thần,
Lồng lộng sao! Vòi vọi sao!
Thật khó tả nổi.

Thuận việc cảnh đó ngàn vạn bái
Nguyện cùng trời đất phúc ghi văn.
 

Phiên âm

Thập bát diệp Hùng đồ củng cố
Nhị thiên niên(?) thuỵ khí uân nhân.

Lăng Sương cốt cách ngọc tinh thần
Bả thác Long linh giáng hạ trần
Khí mạo khôi ngang hỗn hiển thánh
Phong tư tuấn chỉnh dị thường nhân.

Tam sinh hương hoả tân tài kiến
Nhất chẩm phong lưu túc hữu nhân
Lục tuế nghiêm đường vi(?) thọ vực
Thất niên lăng lĩnh chỉ từ thân.

Thì hồi cố động tu cần học
Nhàn đáo Linh sơn tiện thái tân
Tiễn phạt ngô đồng phùng lão tẩu
Khâm thừa trúc trượng cứu sinh dân.

Lộ kiến hắc xà niêm mục thụ
Khẩu ngâm thần chú thố giang tân
Động Đình tương đáo thường công đức
Ngọc Tản nghinh lai tạ nghĩa nhân.

Trùng hoá vạn kim thường bất túc
Thần thư nhất quyển thụ kỳ chân
Huyền cơ linh ứng do thiên thượng
Bí pháp hy truyền tự đế quân.
 
Ước tức đắc kim ngân ngọc bảo
Chúc thi lai vũ điện phong vân
Tạ ân dưỡng mẫu tiên cung hiến
Chí hiếu từ thân địch phỉ cần.

Nhạc độc lão bà di chúc khế
Miếu đường thần nữ phó hương yên
Nhất môn mẫu tử trần vô đối
Vạn cổ thần tiên tục vị hoàn(?).
 
Sái lạc ức thiên vạn trượng nhạc
Tiêu dao tam thập lục cung xuân
Quốc vương long đại Đường Nghiêu? thịnh
Sơn thánh hồng hoằng Thuấn Ngu nhân.

Tốn vị phương cầu Hoa Mị phối
Kết nhân quang bản thuỷ tinh thần
Kình côn nhậm hướng sơn đầu đoạn
Miết ngạc không đầu thảo lý phân.

Thiên tắc tiên hề nhân tắc thánh
Gia vi hiếu tử quốc trung thần
Tuyết sương lưỡng lộ bình Man khấu
Phủ việt bát trì bái tướng quân.
 
Trúc bạch kiêm tương minh thịnh liệt
Sơn hà đới lệ ký nguyên huân
Lãn vi thế thượng trần ai khách
Hảo tác tiên bồng ngọc nhuận nhân.

Hộ quốc đẳng nhàn gian đại sự
Thăng thiên cảnh hội hoá sinh thân
Bảo đề tương dữ hưng đại? nhạ
Hộ quốc âm phù hữu đạo quân.
 
Xa giá phong trần nhàn nhất cục
Cung đài hương hoả thọ trường xuân
Phù Đổng thiên vương(?) dương thiết mã
Thuỵ Hương thánh tướng chú đồng nhân.
 
Kỷ hữu như Tản Linh Sơn Thánh
vi thánh vi tướng vi quân vi sư vi tiên vi thần,
đãng đãng hồ, nguy nguy hồ,
nan danh chi hỹ.

Tình cảnh niệm thuận thiên vạn bái
Nguyện đồng thiên địa phúc tư văn.

Thần tích Đinh Phi quốc mẫu của làng Tang Ma, tổng Phương Giao, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ.

Nguyên văn chữ Nho

十八葉雄圖鞏固二千千瑞氣氲氤
凌霜骨格玉精神把托龍靈降下陳氣冒魁昂渾顯聖丰姿俊整異常人

三生香火辛纔見一枕風流夙有姻六歲嚴堂為壽域七年崚嶺祇慈親

時回故峒須勤學閑到灵山便採薪剪伐梧桐逢老叟欽承竹杖救生民

路見黑蛇𢫈牧竖口吟神咒措江津洞庭相到償功德玉傘迎来謝義仁

重貨萬金償不足神書一卷授其真玄机灵應由天上秘法希傳自帝君

約即得金銀玉宝祝施来雨電風雲謝恩養母先供献至孝慈親迪棐勤

岳瀆老婆遺嘱契庙堂神女付香煙一門母子塵無对萬古神仙俗未回

洒落億年干萬丈岳逍遙三十六宮春國王隆大唐卢(堯?)盛山聖洪弘舜禺仁

遜位方求花媚配結仁光本水晶神鯨鯤任向山頭断鱉鱷空投草裡分

天則仙兮人則聖家為孝子國忠臣雪霜兩路平蛮窛斧越癶持拜將軍

竹帛縑湘銘盛烈山河帶礪記元勳懶為世上陈哀客好作仙蓬玉潤人

護國等閒艱大事升天景會化生身保題相與興?偌護國陰扶有道君

車駕風塵閒一局宫臺香火壽長春扶董天?揚鐵馬瑞香聖將鑄銅人

幾有如傘靈聖山聖為聖為將為君為師為仙為神蕩蕩乎巍巍乎難名之矣

情景念㥧千萬拜
願同天地福斯文

Sử tích Sơn Tinh

Thủa Hoàng Đế mở muôn nước, Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ sau khi đã sát nhập được bộ tộc của Viêm Đế ở phương Nam, đánh đuổi tộc Cửu Lê của Xi Vưu – Ngô Thục ở miền Tây Bắc Việt và kết hợp Tiên tộc của bà Tây Thiên – Vụ Tiên ở dải núi Tam Đảo. Hoàng Đế Hữu Hùng Đế Minh dời từ cựu đô Ngàn Hống về vùng Phong Châu, lập Minh đô ở chân núi Thái Sơn trên miền Bắc Việt ngày nay. Vùng đất này trở thành đất tổ muôn đời của dòng họ Hùng dân Việt.

Kế nghiệp Hữu Hùng Hiên Viên là Đế Nghi hay Đế Nghiêu, thuộc dòng Viêm tộc, đóng đô ở 2 vùng đất chính là Đào và Đường, tức là ở Nghệ An và Phú Thọ. Đế Thuấn là một người thuộc Tiên tộc theo dòng dõi bà Vụ Tiên trên dải núi Tây Thiên, vì có lòng hiếu thuận động thiên tâm nên đã được Đế Nghiêu tín nhiệm, gả cho 2 người con gái của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh, rồi nhường ngôi cho. Truyền thuyết Việt chép là Sơn Tinh lấy 2 vị công chúa Ngọc Hoa Tiên Dung rước về Lịch Sơn ở Tuyên Quang.

Ba vị vua Hùng đầu tiên ở vùng đất tổ được thờ dưới “thụy hiệu” là Đột Ngột Cao Sơn (Hoàng Đế Đế Minh), Viễn Sơn (Đường Nghiêu Đế Nghi) và Ất Sơn (Ngu Thuấn Lộc Tục). Tam Sơn Thánh Tổ là 3 bộ tộc đã hợp nhất trong thời kỳ lập quốc họ Hùng, gồm Viêm tộc, Lạc tộc và Tiên tộc.

Núi Ba Vì nhìn từ động Lăng Sương

Tiếp theo, lịch sử Việt được lưu lại dưới truyền thuyết của Tản Viên Sơn, mà sự ra đời và sự nghiệp của vị Thánh tổ này hết sức phức tạp và đa dạng. Tản Viên Sơn có cha là ông Nguyễn Cao Hành, mẹ là bà Đinh Thị Đen, nhưng khi ông Hành tuổi đã 70, bà Đen khi đi tắm gội ở ngoài đồng thì có Rồng vàng xuất hiện phun nước, về cảm động có thai, sinh ra Thánh Tản. Như vậy, Rồng vàng mới thực sự là “bố đẻ” của Nguyễn Tuấn.

Không chỉ vậy, trong số các bậc “phụ huynh” của Tản Viên Sơn còn có bà dưỡng mẫu Ma Thị Cao Sơn, người sau đó đã lập chúc thư để lại toàn bộ khu vực Sơn Tây núi Tản lại cho con nuôi là Nguyễn Tuấn. Có tới 4 “phụ huynh” như vậy, Tản Viên Sơn Thánh thực chất là hình tượng của sự hợp nhất 4 dòng tộc, ngoài 3 dòng tộc của Tam Sơn Thánh tổ Hùng Vương đã thêm dòng Long tộc Rồng thiêng vùng ven biển Động Đình.

Năm tộc Việt thời Hùng Vương

Hoa sử kể, ông Cổn là thủ lĩnh đất Sùng nên gọi là Sùng Bá Cổn. Bá Cổn là cháu chính hệ của Hoàng Đế Hiên Viên. Thời Nghiêu Thuấn, Sùng Cổn được phân lo việc trị thủy nhưng không thành công, do ông tập trung vào việc đắp bờ đập ngăn hồng thủy. Cái tên “Cổn” thực ra tiếng Việt nghĩa là Cản, xuất phát từ cách “trị thủy” không hợp lý này của ông. Đế Thuấn đã bỏ Bá Cổn mà thay vào đó lấy con của ông là Vũ để lo việc trị thủy. Ông Vũ thay đổi cách làm của cha, không đắp bờ ngăn nước nữa mà đã khởi thông các dòng chảy để thoát nước. Nổi bất nhất là sự kiện ông Vũ đục bạt vách đá chắn trên sông Hắc Thủy ở Long Môn, dẫn nước con sông này qua núi Tam Nguy mà ra biển Nam Hải.

Còn sự tích Tản Viên Sơn thì chép: Thời Đường Nghiêu, hồng thủy bao trùm. Lạc Long Quân sai trăm người con trai cùng nhau trị thủy. Khi đó chỉ có Vương có oai anh võ dũng, đức cao đạo lớn, có thuật thần tiên, mới đọc ước chú làm cho đá vỡ tung tóe, hiện thành cây gậy sắt, lấy gậy đó mà chỉ vào nước thì nạn thủy tai mới hết, là người có công đầu vậy.

Cây gậy thần mà Tản Viên có được từ Thái Bạch Thần Tinh trên đỉnh núi Tản đã dùng để đục đá, khơi cạn nước hồng thủy bên thác Vạn Bờ ở Hòa Bình. Tản Viên Sơn là Đại Vũ trị thủy, còn lưu truyền trong câu ca dao:

Mồng Bốn cá đi ăn thề
Mồng Tám cá về cá vượt Vũ Môn.

Sự tích khác về Tản Viên Sơn chép Vương là một trong những người con của bà Âu Cơ và Lạc Long Quân. Đền Lăng Sương, nơi bà Đinh Thị Đen cảm động Rồng vàng mà sinh Thánh cũng là nơi thờ Tổ mẫu Âu Cơ, theo như ghi chép của cuốn Di tích thờ Tản Viên lưu tại làng Ngọc Nhị. Đen cũng là Ô, hay Âu trong tên Âu Cơ. Quốc mẫu Hoàng bà Đinh Thị Đen chính là Tổ mẫu Âu Cơ, hay là chính hệ của Hữu Hùng Hoàng Đế, tức là Sùng Bá Cổn.

Đình làng Ngọc Nhị, làng tạo lệ đền Thượng Ba Vì.

Ông Nguyễn Cao Hành trong chuyện này được chép có xuất xứ từ Hoan Châu, tức là dòng dõi của Viêm tộc theo hướng của Đế Nghiêu. Còn bà dưỡng mẫu Ma Thị Cao Sơn đã di chúc “nhường ngôi” lại cho Tản Viên là Sơn Tinh Đế Thuấn, dòng dõi Tiên tộc ở vùng núi cao Tam Đảo.

Tản Viên Sơn sau khi có được cây gậy đầu sinh đầu tử đã đi xuống chân núi, gặp đàn voi hổ quấy phá ở xóm Cốc của đất Thủ Pháp. Thần Vương đã chỉ gậy niệm thần chú, chốc lát hổ Bắc voi Nam tụ ở 2 đầu gậy. Nay chỗ này là khu vực đền Hạ Tản Viên, vẫn còn tượng đá hình một con quái thú nửa Voi nửa Hổ kích thước khá lơn đang chầu.

Quái thú đền Hạ Tản Viên

Thần Vương vượt sông Đà (cũng bằng cây gậy thần chỉ nước nước cạn như việc đục đá trị thủy ở trên), sang bãi Trường Sa và cứu được con rắn thần bị trẻ mục đồng đánh chết. Con rắn đen này là Thủy Tinh con vua Động Đình. Bãi Trường Sa ở Ma Xá, Trung Độ xưa có tên là bãi Tang Ma ở gần cầu Trung Hà bây giờ. Tại đây có sự tích y hệt về việc một con rắn đã được mua lại của lũ trẻ mục đồng mà hóa kiếp thành bà Phan Thị, rồi bà Phan lấy con rồng là vua Thủy Tề Động Đình, sinh nhất bào ngũ tử, được 5 người con, 2 gái 3 trai. Bà Phan được thờ là Thủy Tinh Động Đình Tang Ma Thánh mẫu, tức chính là con rắn Thủy Tinh đã được Tản Viên Sơn cứu sống ở bãi Trường Sa.

Chính điện đình La Phù ở Thanh Thủy, Phú Thọ, nơi thờ Tản Viên Sơn, Thủy Tinh Động Đình Tang Ma Thánh mẫu, Quý Minh Đại vương.

Sự kiện Đại Vũ trị thủy đã được truyền thuyết hóa thành cuộc giao tranh Sơn Tinh – Thủy Tinh vô cùng ác liệt dưới chân núi Tản. Từ đó mà gắn với tên những quả đồi, núi ở đây như núi Chẹ, núi Đùng, núi Sọt… mà Sơn Tinh dùng để chặn nước chế ngự thủy tai. Rồi với sông Tiểu Hoàng, tức là sông Tích, là đường tiến quân của Thủy Tinh. Đầm Đượng ở khu vực Suối Hai ngày nay là nơi mà Thủy Tinh thua trận, phải rút về theo 16 cửa nước. Đông cung Tản Viên ở xã An Vệ nay là đền Và là nơi trấn thủy trên lối thoát nước từ vùng Bể Cạn xưa (Đầm Đượng Suối Hai) ra sông Tích.

Đình Thụy Phiêu, bên đầm Đượng, ngôi đình cổ nhất Việt Nam hiện nay.

Nhờ công lao trị thủy to lớn mà Nguyễn Tuấn được tôn là Tản Viên Sơn Tam Vị Quốc chủ Đại vương. Tam Vị không phải là 3 vị thánh khác nhau mà chỉ có 1 vị Quốc chủ, lấy theo tên núi Ba Vì, mà cổ sử Trung Hoa gọi là Tam Nguy. Đúng ra tên thánh phải là Tam Nguy Sơn Tốn Vương Quốc chủ, vị vua chủ của vùng phía Tây (quẻ Tốn chỉ hướng Tây) ở núi Tam Nguy.

Cùng với công lớn trị nạn hồng thủy cứu dân, Đại Vũ Tản Viên còn là người đã khai sáng văn hóa và tạo ra các nghề nghiệp khác nhau. Lúc thì là Tản Viên Sơn dạy dân đi săn ở khu vực Mang Sơn (núi Mường), lập hành cung tại đó. Lúc thì ra Tiểu Hoành giang xem đánh cá, lập cung điện ở Liệp Tuyến (Khánh Xuân điện). Lúc thì Vương đến khu Cổ Đằng, là vùng “hạ điền” – ruộng hè mênh mông xưa, lập Nam cung điện, nay là đền Lác ở xã Đồng Thái, Ba Vì. Cày ruộng, đánh cá, săn bắt, khơi sông trị thủy, sáng tạo ra Hà đồ Lạc thư (gậy thần sách ước)…

Bia đình Đồng Bảng, xã Đồng Thái, là nơi có Bắc thần cung Tản Viên Sơn Tam Vị Quốc chủ.

Tản Viên Sơn hay Vua tổ phía Tây như vậy đã nối dõi 3 dòng tộc của thời Hùng Vương Thánh Tổ trên đất Phong Châu (Tây Thổ) rồi kết hợp thêm dòng tộc phía Đông của Thần Long Động Đình mà sinh ra các thần Rồng, anh em Ngũ vị của Lạc Long Quân. Dòng phía Đông này được đại diện bằng ngôi vị của Hữu kiên thần Quý Minh đại vương, vì Quý là thứ Ba, chỉ hướng Đông. Quý Minh cũng là vị thủy thẩn Trưởng Lệnh đã ở lại cai quản sông Đà (Đà Giang tôn thần) tại đất quê mẹ Thủy Tinh bên bãi Tang Ma, nơi ghềnh Bợ.

Đền Thượng núi Ba Vì xưa tới nay chỉ còn lưu lại 3 pho tượng đá cổ. Theo thần tích của làng Ngọc Nhị (làng tạo lệ của đền Thượng Tản Viên) thì đây là Tản Viên Sơn Tam Vị Quốc chủ Đại vương, Tả thánh Quý Minh Đại vương và Thái Bạch Thần Tinh (cũng là Sơn Tinh hay Cao Sơn).

Tản Viên Sơn cũng chính là Kinh Dương Vương, người có tài đi dưới Thủy phủ rồi lấy con gái Thần Long Động Đình, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đi qua bãi Trường Sa, thấy nàng Âu Cơ, ái thiếp của Đế Lai ở đó mà đem lòng yêu mến… Đây là đoạn Rồng vàng phún thủy khi bà Đinh Thị Đen cảm động hoài thai ở Lăng Sương. Do đó Đế Lai là ông Nguyễn Cao Hành, theo dòng Viêm tộc của Đế Nghiêu, mà Hoa sử gọi là Bá Ích. Bà Đinh Thị Đen là chính dòng Hoàng Đế họ Cơ, tức Âu Cơ. Lạc Long Quân là con của Đại Vũ, mang tên Khải, người đã đánh đuổi Bá Ích, cướp lấy ngôi vị thống trị vạn bang, khởi đầu (Khải) nhà Hạ, triều đại thế tập đầu tiên trong lịch sử Hoa Việt.

Rồng vàng và Đinh Phi Thánh mẫu ở đền Lăng Sương.

Đền Lăng Sương tới giờ vẫn có tượng thờ Rồng vàng ở chính cung sau tượng Đinh Phi Thánh mẫu. Bài thơ của đền Lăng Sương, nơi sinh thánh Tản và quê của tổ mẫu Âu Cơ ghi rõ việc này:

Lăng Sương cốt cách ngọc tinh thần
Bả thác Long linh giáng hạ trần
Thái Thủy diệc vi Thiên Thượng Mẫu
Cửu hoài hà nhược thế gian nhân.

Dịch thơ:

Tinh thần cốt cách ngọc Lăng Sương
Mở chốn Rồng thiêng xuống thế dương
Thái Thủy cũng là Thiên Thượng Mẫu
Hoài thai lâu lạ khác bao thường.

Quá trình “sinh nở” hợp nhất 4 tộc người giữa cha Rồng mẹ Tiên để thành một thiên hạ thống nhất tất nhiên là lâu và khác thường. Thời sơ sử Hùng Vương của Nghiêu Thuấn Vũ kết thúc để bước sang thời lịch sử từ nhà Hạ, bắt đầu với bước tiến khai phá vùng duyên hải ven biển Đông.

Bốn ngàn năm nước gọi Thượng thần, biển Bát Rồng bay truyền tích lạ…

Ngũ tộc Hoa thời Tam Đại

Di tích thờ Tản Viên Sơn

Thư tịch của làng Ngọc Nhị, tổng Cẩm Đái, huyện Bất Bạt, tinh Sơn Tây (dịch từ bản khai năm 1938).

Xưa thời Hồng Bàng Thị, Kinh Dương Vương là dòng Thần Nông Thị. Kinh Dương Vương húy là Khư (quốc sử chép thành Lộc Tục), sinh ra Lạc Long Quân, húy là Nghi (quốc sử chép thành Sùng Lãm). Thời đó con gái của Đế Lai là Âu Cơ, tên là Mỹ (còn có tên là Thầm) ở tại động Lăng Sương (có thuyết cho rằng tổ của Vương Mẫu ở tại đó, thuộc huyện Thanh Nguyên), đi ra bãi Trường Sa (có thuyết cho rằng Vương Mẫu đi hái dâu ở bãi đó tại xã Sơn Bạn, huyện Bất Bạt). Long Quân yêu thích nhan sắc đó nên đã cùng quyến luyến. Mười tháng mang thai sinh ra trăm trứng. Sau khoảng một tháng (có chỗ cho là bảy ngày), trăm trứng nở ra những người con trai, không cần bú mớm mà vẫn lớn lên. Lúc mới sinh ra là ở Mộc Châu nên Mộc Châu là đất tổ.

Một ngày Long Quân nói với Âu Cơ rằng:

– Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, không cùng chủng loại, khó bề hợp tính, nên phải chia biêt, phân 50 người con theo cha về biển là Thủy tinh:

Lân Lang, Xích Lang, Quỳnh Lang, Mật Lang, Thái Lang, Vĩ Lang, Đổng Lang, Yến Lang, Tiêu Lang, Diệu Lang, Tĩnh Lang, Vân Lang, Tập Lang, Ngõ Lang, Cấp Lang, Tiếu Lang, Chẩn Lang, Hoan Lang, Chiêm Lang, Khương Lang, La Lang, Thăng Lang, Tán Lang, Quyền Lang, Đường Lang, Kiều Lang, Dũ Lang, Ác Lang, Hạn Lang, Liệt Lang, Ưu Lang, Thống Lang, Lý Lang, Thế Lang, Tường Lang, Tróc Lang, Tang Lang, Cốc Lang, Minh Lang, Tửu Lang, Chiểu Lang, Kết Lang, Điểm Lang, Trưởng Lang, Thuận Lang, Tẩm Lang, Thai Lang, Triệu Lang, Ích Lang.

50 người con theo mẹ lên núi là Sơn tinh:

Hương Lang, Thiêm Lang, Thận Lang, Văn Lang, Võ Lang, Linh Lang, Tịnh Lang, Hắc Lang, Quản Lang, Cao Lang, Tế Lang, Thỉnh Lang, Mã Lang, Chiếu Lang, Khang Lang, Chỉnh Lang, Đào Lang, Nguyên Lang, Cẩm Lang, Xuyến Lang, Yêu Lang, Yếu Lang, Phái Lang, Tài Lang, Lạm Lang, Triệu Lang, Quốc Lang, Lưu Lang, Lộ Lang, Quế Lang, Diêm Lang, Nhị Lang, Huyền Lang, Á Lang, Nguyệt Lang, Sâm Lang, Biện Lang, Triều Lang, Quản Lang, Canh Lang, Thải Lang, Lôi Lang, Thấu Lang, Việt Lang, Thuật Lang, Mãn Lang, Long Lang, Tỷ Lang, Tuấn Lang, Ninh Lang

Lên núi xuống biển, có sự thì cùng gọi nhau.

Vương tên Hương Lang, tức là tôn húy Tản Viên Tam Vị Đại vương vậy.

Thời Đường Nghiêu, hồng thủy bao trùm. Lạc Long Quân sai trăm người con trai cùng nhau trị thủy. Khi đó chỉ có Vương có oai anh võ dũng, đức cao đạo lớn, có thuật thần tiên, mới đọc ước chú làm cho đá vỡ tung tóe, hiện thành cây gậy sắt, lấy gậy đó mà chỉ vào nước thì nạn thủy tai mới hết, là người có công đầu vậy.

Đến khi quân Ngô nước Tần khởi binh, thỉnh Vương đến giúp, quả nhiên được đại thắng (hai chuyện này theo y như bản cũ mà không thể khảo được), tấu mừng.

Sau Đại vương theo miền biển mà về, vào cửa biển Thần Phù, lại qua các quận, muốn tìm được đất tốt, lên núi Đông Nhạc, Yên Tử, xem cảnh trí, nhân qua ở Phạm Xá, Hoa Quật. Rồi đó ngược sông Cái mà qua đất Long Biên (có chỗ cho là Đỗ). Tiếp tới bến Chấn, muốn ở lại đó nhưng rồi lại ngược sông Lô lên thượng nguồn, qua huyện Phúc Lộc, tới bến Bạn Phiên, nhìn về núi xanh Tam Đảo, đất quý hội loan là đô thành cũ của Hùng Vương. Nhân đó về Mộc Châu xem ngắm phong thủy, theo thế rồng uốn lượn cho đến núi Tản Viên, thấy có 3 ngọn cao vót hơn vạn nhận, thật là đẹp thay, mờ tỏ không thể gọi tên được. Lại thêm nhiều xóm thôn dân cư trù phú tập trung, bất giác thấy lòng trong sáng, chất phác mà thích thú vô cùng. Bèn mới mở một con đường lên, lập cung ở đỉnh đó, thuộc đất của sách Thủ Pháp (nay là Thượng thần cung theo hướng Cấn – Khôn làm chỗ ngự chính, còn Hạ thần cung là nơi để cầu đảo, cung Đông Tây là nơi cáo chúc, Nam Bắc thần cung là nơi tạm trú).

Vương lúc thì đi ra sông Tiểu Hoành xem đánh cá, qua các huyện Ma Nghĩa, Phúc Lộc, lạc tới xứ Bi Bi xã Cổ Đằng, thường tạm trú ở đó. Đến xã Tam Vật Lại thấy phong cảnh đẹp mà lập hành cung. Lại đi xem đánh cá ở sông Tiểu Hoành, qua tám xã Thuỵ Phiêu, Tam Sơn, Lễ Toàn, Nhân Lý, Văn Khê, Xuân Hương, An Phúc, Tung Cao của huyện Phúc Lộc, rồi xa giá trở về cung, xa trông cửa biển Thần Phù, sai người dân không được làm tắc đường thủy.

Lại thường đi săn tới xã An Diệu huyện Mỹ Lương, tạo cung Mang Sơn, lưu ruộng thờ để cho việc thờ cúng, định việc hàng năm tiết Xuân, tiết Đông nhân dân các xã theo như lệ đánh cá cùng nhau thờ phụng. Tháng 8, tháng 9 xã Tam Vật Lại phụng đón tới xã Khả Lê, lập làm điện thờ bằng tranh cỏ, đánh cá để tế các thần, cùng người dân địa phương đều đến đền để làm lễ phụng thờ.

Trước đó, Hùng Vương có một người con gái là Mị Nương, dung nhan tuyệt đẹp. Thục Vương Phán đến cầu hôn mà không được. Đến khi Vương gặp thấy thích mà cầu hôn. Đang lúc Thủy Tinh cũng đến tranh cưới, nên cùng đua thử phép tiên. Vương tay cầm gậy sắt, chỉ núi núi lở, chỉ đất đất nứt, chỉ nước nước cạn. Lại có thể ra vào trong đá như không. Thủy Tinh muốn chống với Vương, nhằm Vương, niệm thần chú, phun nước thần. Trong chớp mắt không trung hóa thành mây mưa, trời đất chuyển động.

Hùng Vương nói: Ta chỉ có một con gái, giờ có hai người hiền. Ai mà có sính lễ đem đến trước, ta sẽ gả cho.

Vương bèn chuẩn bị sính lễ đến trước, đón Mị Nương về động trên núi. Sau ba ngày, Thủy Tinh mới tới, tức giận không được nên dẫn các loài thủy tộc mà đánh đến mà chiếm lấy. Vương và Hùng Vương ngầm buông lưới sắt ở bến Thụy Hương của huyện Từ Liêm mà ngăn binh thủy tộc không tiến được. Thủy Tinh mới mở riêng một dải sông nhỏ cắt ngang từ Lị Nhân tới vùng sơn cước Quảng Oai nối lên thượng ngạn cửa sông Hát, ra sông Cái nhập vào sông Đà mà tấn công sau núi Tản Viên. Lại mở một sông nhỏ cắt ngang, gọi là sông Bờ theo mặt trước của núi Tản Viên.

Vương mới dùng phép thần, gọi người dân trên núi lấy tre làm rào giắt trên núi để ngăn. Lệnh cho người dân cứ thấy mai ngạnh nổi trên nước trước rào thì đều chém. Thây rắn, cá, ba ba, thuồng luồng nổi tắc cả dòng sông. Thủy Tinh lấy làm thù hận, nuôi quân tích oán, mỗi năm tháng Bảy tháng Tám thường đến khiêu chiến ở dưới núi, nên dân thường bị gió to nước lớn làm hại. Nguyên là Vương có một cuốn sách ước có phép tiên trường sinh, pháp lực rất lớn nên quân thủy tộc không thể gây họa.

Vương có tài dẹp loạn, giữ nước giúp dân, gìn giữ xã tắc nên người đời đều xưng là Chúa tể quốc gia Phúc thần đệ nhất. Mỗi khi lập triều đại mới thường mong có âm trợ nên sai sứ giả đến phong tặng thêm.

Vương đệ là Quý, mọi đức đều tốt, quảng đại khoan hòa, có tài lạ chí lớn, giúp nước yên dân, giúp vững xã tắc, ở bên đỉnh núi Nam, tên hiệu là Quý Vương Cao Sơn Tứ vị.

Lại tham khảo Giao Châu ký của Lỗ Công nói đến sự việc xưa tương truyền rằng Đại vương thường nói:

– Ta vốn là Sơn Tinh, nơi sống ở Nam Việt, gọi là Quốc chủ Đại Vương, cùng với Thủy Tinh ra trận giao chiến, thắng ở Phong Châu, nên nhân đó sống ở núi Gia Ninh. Lại xưng là cháu họ Nguyễn, sinh vào thời Chu Noãn Vương.

Vương thọ 109 tuổi, ngày 4 tháng 5 năm Giáp Tí bay lên hóa sinh. Trước đây Vương thường đi vãng du săn bắn tới xã An Diệu huyện Mỹ Lương, nghỉ ngơi tại đó, lập thành cung xá tên gọi là điện Mang Sơn. Lấy xã An Diệu làm dân tạo lệ phụng sự hương hỏa, mỗi năm xuân tháng 2 dùng trâu một con, dê một con, lợn hai con để làm nghi thức cúng tế.

Vương thường đi vãng du đến sông Tiểu Hoành xem đánh cá tới xã An Vệ huyện Ma Nghĩa thấy một khu Thanh Lan Bảo Sơn, có hình rồng chầu về tổ, mới lập làm cung xá để ở, lấy xã An Vệ làm tạo lệ phụng sự hương hỏa, mỗi năm mùa xuân tháng 2 dùng trâu một con, dê một con, lợn một đầu mà làm nghi lễ cúng tế.

Vương thường đi săn bắn tới xã Cổ Đằng huyện Ma Nghĩa nghỉ ngơi, lập cung xá gọi là Nam cung điện, ở xứ Bi Bi lập 4 cột đá, 8 con lợn đá gồm 1 lợn mẹ và 7 lợn con để lưu làm di tích. Lấy xã Cổ Đằng làm tạo lệ phụng sự hương hỏa, mỗi năm mùa xuân tháng 2 dùng trâu một con, dê một con, lợn một đầu mà làm nghi lễ cúng tế.

Vương thường đi vãng du sông Tiểu Hoành xe đánh cá đến xã Tam Sơn huyện Phúc Lộc lập làm cung xá một dãy, tạm trú ở đó, nay gọi là điện Cửu Miếu. Hàng nằm các xã Tam Sơn, Nhân Lý, Văn Khê, Xuân Hương, Lễ Toàn, An Phúc, Tung Cao lấy ngày 10 tháng 10 phụng nghênh tại điện Quán Thánh đến điện Cửu Miếu, cùng nhau thờ cúng, tới ngày 15 đánh cá để làm lễ cúng tế.

Đại mẫu của Vương thường du ở bãi Trường Sa, gặp Lạc Long Quân đi đến đó (tới xã Bạn Sơn tạo đền một dãy để phụng thờ, gọi là đền Trung cung, lấy xã Sơn Bạn làm tạo lệ phụng thờ hương hỏa, hàng năm mỗi xuân tháng 2 dùng lợn một đầu để làm nghi lễ cúng tế).

Các triều đại có phong mỹ tự. Các đạo sắc chỉ này được đựng trong 10 kiện…

(phần dưới là kê nội dung các sắc chỉ phong tặng mỹ tự, thời gian tu sửa các miếu điện, bạn tặng các tế phẩm cho các cung điện khác nhau thờ Tản Viên Sơn).