Chim Âu và Rồng Lạc – xướng danh dòng giống Tiên Rồng

Người Việt ai cũng tự hào về truyền thuyết khởi nguồn Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm người con, là tổ của Bách Việt. Nhưng ít ai biết rằng biểu tượng Tiên Rồng lại hiện hữu ngay trên những hiện vật của thời Hùng Vương như trống và các vũ khí đồng cùng thời.

Hình ảnh những con chim lớn mỏ dài, đuôi rộng, giang cánh tung bay trên mặt các trống đồng không xa lạ gì với người Việt ngày nay. Loài chim này được Giáo sư Đào Duy Anh gọi là “chim Lạc” khi so sánh chúng với các loài “hậu điểu” ở vùng Giang Nam di cư cùng với những chiếc thuyền có các chiến binh đội lông chim như thể hiện trên tang trống đồng. 

Nhận xét của Giáo sư Đào Duy Anh khá xác đáng rằng hình chim trên trống đồng là loài chim di cư và được người Việt cổ coi là vật tổ. Tuy nhiên, việc gọi loài chim này là Lạc thì cần xét thêm, vì người Việt không biết loài chim nào tên là Lạc. 

Vật tổ của mình mà đến tên còn không lưu lại được thì sao gọi là vật tổ?

Trong khi đó, hình ảnh loài chim vật tổ của người Việt gắn liền với Tiên nữ Âu Cơ. Loài chim biểu tượng cho dòng Tiên là Phượng hoàng, khi gắn với tên bà Âu Cơ thì phải gọi là chim Âu mới hợp lý. Nguyên mẫu của loài chim di cư này có thể là loài chim Hạc lớn như Hồng hạc, tới nay vẫn còn bay về vùng Đồng Tháp Mười vào mùa đông mỗi năm. 

Nhận định khác cho rằng đó là loài chim Hồng hoàng hay Phượng hoàng đất. Dù là Hạc hay là Phượng thì ý nghĩa biểu tượng cho dòng Tiên lên núi theo Mẹ vẫn là nội hàm của hình ảnh này.

Một dẫn chứng khác về hình tượng chim Âu là ở đền Thượng khu di tích Cổ Loa. Đền Thượng thờ Thục An Dương Vương, nhưng nghi môn của đền không đắp rồng chầu mặt trời như những nơi khác, mà lại đắp hình Phượng chầu mặt trời. 

Đền Cổ Loa còn có tên là “Tiên từ đệ nhất”, có thể hiểu nghĩa là ngôi đền hàng đầu thờ dòng Tiên. An Dương Vương đã lấy đất Lạc của Hùng Vương để lập ra nước Âu Lạc nên An Dương Vương phải là dòng Âu hay dòng Tiên lên núi xuất phát từ mẹ Âu Cơ.

Còn tên gọi Lạc chính xác hơn phải là để chỉ vật tổ biểu tượng cho dòng theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Sách Giao Châu ngoại vực ký viết: “Xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, đất có ruộng lạc, ruộng ấy theo triều thuỷ lên xuống, dân khẩn thực ruộng ấy, nên gọi là Lạc dân. Lập ra Lạc vương, Lạc hầu, coi giữ các quận huyện. Nhiều huyện có Lạc tướng, Lạc tướng có ấn đồng và dây thao xanh”.

Rõ ràng từ Lạc gắn liền với ruộng lúa nước có “thủy triều lên xuống”, tức là vùng đồng bằng ven sông biển, bãi bồi bán ngập nước. Lạc thực ra là đọc khác của Nác, mà nay tiếng vùng Nghệ Tĩnh vẫn phát âm có nghĩa là Nước. Lạc Long Quân dẫn 50 người con trai xuống khai phá miền ven biển nên những người này được gọi là Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng. Biểu tượng của Lạc Long Quân là cha Rồng, nên gọi là Rồng Lạc, hay Lạc Long.

Rồng vốn có nguyên mẫu là Thuồng luồng, hay một loài Cá sấu lớn, sống bán cư ở vùng sông nước ven bờ. Loài vật này còn được gọi là Giao long trong truyền thuyết vì vào thời sơ sử trước Công nguyên, đồng bằng sông Hồng là một bãi bồi lớn, là nơi rất thuận lợi cho các loài bò sát lưỡng cư sinh sống. Truyện Chim bạch trĩ trong Lĩnh Nam chích quái kể rằng, sứ giả nước Việt Thường đối đáp với Chu Công rằng người Việt “vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao long không dám phạm đến”.

Người Việt lấy Giao long hay Rồng Lạc làm vật tổ bởi liên quan đến tục xăm mình cho những người sống ở vùng ven sông, làm nghề đánh cá, chài lưới, thường xuyên tiếp xúc với Thuồng luồng cá sấu. Chữ Lạc trong Lạc Long Quân có bộ Trãi, chỉ một loài bò sát, càng chứng tỏ thêm điều này.

Hình ảnh những con giao long vật tổ có thể thấy ở ngay trên các đồ đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn (quãng thế kỷ IV Trước Công Nguyên đến thế kỷ I). Trống đồng Nam Cường 1 là một trống dạng Đông Sơn, được phát hiện ở Thành phố Lào Cai. Trên mặt trống ở vòng ngoài có hình 14 con chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Ở vòng trong là hình 4 con “thú lạ” chầu quay quanh mặt trời 14 cánh ở tâm mặt trống. Những con “thú lạ” có mõm dài như mỏ chim, đầu có sừng hoặc mào, 4 chân nâng thân thú ngắn. Đặc biệt là chiếc đuôi dài và rộng. 

Đuôi loài thú này có thể cuộn lại như trường hợp thể hiện trên mặt trống đồng Phú Xuyên, cho thấy đây không phải là loài cáo, mà là một loài bò sát có khả năng cuộn mình.

Con “thú lạ” đó thực ra không hề lạ, mà là cách thể hiện con Giao long hay Rồng của người Việt ở thời kỳ trống đồng. Hình Giao long tương tự được thấy trên nhiều vũ khí khác cùng thời như mũi giáo, lưỡi rìu, vỏ kiếm. Thường gặp hình một đôi Giao long thân dài, đối xứng chạm chân vào nhau, đuôi có thể cuộn lại, hoặc duỗi thẳng ra. Hình giao long hay rồng trên các vũ khí là linh hồn biểu trưng cho sức mạnh, sự cường tráng của chúng.

Biểu tượng cặp Giao long trên vũ khí thời Đông Sơn đã từng được Viện khảo cổ học Việt Nam lấy làm logo. Loài thú trên trống đồng và vũ khí đồng Đông Sơn như thế chính là biểu tượng của Rồng. Toàn cảnh mặt trống đồng Nam Cường 1 nhìn lại là hình Rồng chầu Phượng múa dưới ánh mặt trời rực rỡ.

Người viết bài này còn được xem trên vỏ một thanh kiếm thời kỳ Chiến Quốc (tương đương với thời văn hóa Đông Sơn) đúc nổi và mạ bạc hình Rồng và Phượng. Đặc biệt là hình Rồng được thể hiện trong phong cách Đông Sơn với thân kéo dài, đuôi xoắn và xếp thành cặp đối xứng. Đôi phượng được thể hiện với phong cách tương tự, đầu phượng có mỏ nhọn có mào, thân kéo dài, cánh ngắn, đuôi dài. Sự kết hợp Rồng – Phượng như vậy gặp một cách ổn định trên các hiện vật của thời kỳ này.

Rồng – Phượng hay chim Âu – rồng Lạc thể hiện trên các đồ đồng Đông Sơn là sự xướng danh nguồn gốc dân tộc từ Cha Rồng xăm mình lội nước đắp đê, chiến đấu với thủy quái, đến Mẹ Tiên ngẩng đầu giang cánh chinh phục các triền núi cao. 

Huyền thoại Tiên Rồng còn lưu dấu ngàn năm trên các cổ vật thời sơ sử.

Nghi môn trong đền Thượng Cổ Loa với bức đại tự “Tiên từ đệ nhất”.
Phượng chầu mặt trời trên nóc nghi môn đền Thượng Cổ Loa.
Trống đồng Nam Cường 1 ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Rồng Lạc, chim Âu trên mặt trống đồng Nam Cường 1 ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Giao long trên mũi giáo thời Đông Sơn.
Lưỡi rìu Đông Sơn có hình giao long.

https://congdankhuyenhoc.vn/chim-au-va-rong-lac-xuong-danh-dong-giong-tien-rong-1792207071643037.htm

Văn Lang – Âu Lạc, thiên di hay bản địa?

Nhà “thiên di học” Tạ Đức phát triển ý kiến của học giả Pháp Anrousseau và Đào Duy Anh đã đưa ra thuyết về Nguồn gốc người Việt người Mường, mà phần chủ yếu là về nguồn gốc của nước Văn Lang và Âu Lạc. Giả thuyết của Tạ Đức tóm tắt chính trong 3 hướng thiên di như sau:
1.    Năm 690 TCN nước Sở thôn tính nước La có kinh đô ở Nghi Thành, Hồ Bắc. Hoàng tộc Lạc Việt (La) di tản khắp bốn phương, lập ra các nước/các triều đại mới của người Lạc Việt. Trong khoảng 690 – 682 TCN một nhóm hoàng tộc Lạc Việt họ Hùng đã tới tận vùng lưu vực sông Hồng, quy tụ các nhóm Mường bản địa, dựng nên nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên ở Việt Nam.
2.    Một nhóm hoàng tộc La khác xuôi dòng Dương Tử về Chiết Giang, dựng nên nước Ư Việt. Nước Ư Việt trở thành một nước mạnh từ cuối thời Xuân Thu, đến năm 333 TCN bị nước Sở thôn tính, hoàng tộc Ư Việt lại di tản về phương Nam, lập ra các nước mới, đầu tiên là Mân Việt ở Phúc Kiến, sau đó tiến tiếp xuống hòa nhập với nước Văn Lang ở Quảng Tây.
3.    Một nhóm hoàng tộc La khác lại ngược dòng Dương Tử tới Tứ Xuyên, lập ra triều Khai Minh nước Thục. Khi Tần diệt nước Thục và nước Ba, hoàng tộc Thục di tản tới Quý Châu, giành được vương quyền của nước Dạ Lang. Năm 257 TCN cha của Thục Phán đánh chiếm nước La Bạc ở Quảng Tây. Tiếp đó Thục Phán lãnh đạo người Tây Âu ở Quảng Tây – Vân Nam và Lạc Việt chống Tần. Tới năm 207 TCN sau khi Tần Thủy Hoàng mất Thục Phán thôn tính nốt nước Văn Lang ở đồng bằng sông Hồng, trở thành vua nước Âu Lạc là An Dương Vương.
Giả thuyết của Tạ Đức nghe qua có vẻ hợp lý, nhất là khi tác giả dẫn nhiều tư liệu khảo cổ học cho thấy mối liên hệ cội nguồn giữa văn hóa Đông Sơn với các khu vực Điền (Vân Nam), Dạ Lang (Quý Châu), Thục (Tứ Xuyên), Quảng Tây, Hồ Nam và Phúc Kiến, Chiết Giang. Tuy nhiên, sự tương đồng trong khảo cổ của văn hóa Đông Sơn với một vùng rộng lớn ở Nam Dương Tử còn có thể do nguyên nhân khác. Người Việt không cần tới “thiên di” để làm nên văn hóa văn minh. Văn hóa Đông Sơn có liên hệ nguồn cội với nhiều khu vực ở Hoa Nam bởi vì… toàn bộ khu vực này vốn là một “thiên hạ” chung dưới thời nhà Chu, kéo dài gần 1.000 năm, mà trong đó Văn Lang chính là đất lập quốc của Văn Vương, vị vua khởi đầu của nhà Chu.

THIÊN DI, NHỮNG MÂU THUẪN
Tạ Đức dựa vào tài liệu của các học giả Trung Quốc để vẽ nên nguồn gốc, vị trí và hướng thiên di của người La. Có điều, việc này tiềm ẩn nhiều sai lầm khi lập thuyết mà không dựa vào tư liệu gốc, lại dựa trên các tài liệu, nhận xét của những tác giả đời nay. Ví dụ, Tạ Đức viết: “Lưu Nham (1999) và Hà Quang Nhạc (2005) dẫn tư liệu thư tịch cho biết: nước La có từ thời Hạ, gốc ở Tân Trịnh (Trung Hà Nam), sau rời đến La Sơn (Nam Hà Nam)…”. Không cần phải có kiến thức cao siêu gì lắm cũng có thể thấy chẳng có thư tịch cổ nào nói nước La ở Tân Trịnh (Trung Hà Nam) và La Sơn (Nam Hà Nam) cả, đơn giản là vì vào thời Hạ Thương Chu thì những địa danh này còn chưa hề tồn tại. Định vị nước La ở những chỗ trên chỉ là suy đoán, nếu không nói là gán ghép, của các tác giả Trung Quốc.
Người La có nguồn gốc từ nhà Hạ… Nhưng nhà Hạ ở chỗ nào thì các tác giả còn đang rất lẫn lộn. Lúc là ở Nhị Lý Đầu ở Hà Nam. Lúc là văn hóa Lương Chử ở Chiết Giang. Nhà Hạ, khi con người còn đang ở thời kỳ đồ đá, không nhẽ lại có phạm vi mênh mông từ Chiết Giang, Giang Tô, sang cả Hà Nam? “Văn hóa Hạ” ở đâu còn chưa xác định thì làm sao có thể kết luận những di chỉ như ở Lão Ngưu Pha (Thiểm Tây) hay Nghi Thành (Hồ Bắc) là của con cháu nhà Hạ (người La)?
Việc cho rằng một nhóm người La sau khi bị Sở đánh chạy sang hướng Đông lập nên nước Ư Việt là không đúng với sử sách ghi chép về nước Việt này. Sử ký Tư Mã Thiên, Việt Vương Câu Tiễn thế gia ghi rõ: “Tổ tiên của Việt Vương Câu Tiễn là dòng dõi vua Vũ, con thứ hai của vua Thiếu Khang đời nhà Hạ, được phong ở đất Cối Kê để lo việc phụng thờ vua Vũ, xăm mình, cắt tóc, phát cỏ mà lập ấp.”
Nước Việt thời Chu, hay Ư Việt (gọi theo Tạ Đức) như thế là nước có từ thời Hạ Thiếu Khang, đâu cần phải tới thời Đông Chu mới hình thành. Lịch sử nước Việt này cũng không chép chuyện “thiên di” nào cả. Truyện chim bạch trĩ với sứ giả Việt Thường gặp Chu Công cho thấy rõ, nước Việt con cháu nhà Hạ ở cửa sông Dương Tử, cạnh biển, đã tồn tại từ đầu nhà Chu (thời Tây Chu).
Để xác định chuyện người La thiên di tới sông Hồng, lập nên nước Văn Lang, các tác giả của thuyết thiên di dựa vào mấy dòng mở đầu của Việt sử lược: Đến thời Trang Vương nhà Chu ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang.
Việt sử lược là cuốn sách khuyết danh tìm thấy ở bên Tàu thời nhà Nguyên. Kẻ đã 3 lần định xóa sổ Đại Việt mà viết sử nước Việt thì liệu có bao nhiêu % đáng tin? Thời điểm đầu thế kỷ 7 trước Công nguyên (thời Chu Trang Vương) cho việc lập quốc Văn Lang hoàn toàn trái với tất cả các truyền thuyết Việt kể rằng nước Văn Lang do mẹ Âu Cơ lập nên, chí ít cũng từ 3.000 năm trước, nếu không phải là 4.000 năm…
Rất có thể Trang = Tlang hay Lang. Trang Vương có nghĩa tương tự như Hùng Vương mà thôi (Hùng – Tráng). Nếu vậy thì đoạn chép trên của Việt sử lược sẽ thành “Đến thời Hùng Vương ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật …”. Xét thế thì thời điểm ra đời của nước Văn Lang hoàn toàn không phải vào quãng 698 – 691 TCN.
Còn “người lạ dùng ảo thuật” ở bộ Gia Ninh không phải là người “xa lạ”, di cư từ nơi khác đến. Theo Giao Châu ký của Lỗ Công, được chép trong Truyện núi Tản Viên: “Đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh, huyện Phong Châu“. Người lạ có phép ảo thuật ở đây chính là Tản Viên Sơn Thánh.
Tản Viên Sơn Thánh được người Việt thờ là vị thần tối linh, đứng đầu Tứ bất tử nước Nam. Phép “ảo thuật” của Tản Viên được biết là cây gậy đầu sinh đầu tử và cuốn sách ước được Long Vương tặng. Suy rộng ra thì gậy thần sách ước biết sinh tử – âm dương, đo vẽ được cả đất trời của Tản Viên chính là Hà thư Lạc đồ, là kiến thức khoa học của người Việt ở thủa bình mình của dân tộc.
Tản Viên là vị thần đứng đầu trong ba vị (Ba Vì): Tản Viên Nguyễn Tuấn, Hiển Công Quý Minh, Sùng Công Cao Sơn. Ba Vì tức là 3 bộ tộc thời lập quốc đã kết hợp cùng nhau theo Tản Viên trị thủy. Tiếp đó với việc Sơn Thánh “cùng vui với các loài thủy tộc” hay Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long Động Đình thì bộ tộc phía Đông dòng Thần Long cũng đã kết hợp nốt, đủ 4 phương hội tụ, bắt đầu lịch sử của người Việt. Tản Viên Sơn Thánh mới là người lạ có phép ảo thuật ở bộ Gia Ninh đã áp phục các được các bộ lạc mà lập quốc như Việt sử lược chép.
Ý kiến cho rằng Thục Phán là dòng dõi Khai Minh nhà Thục ở Tứ Xuyên hoàn toàn không có cơ sở vì theo Thục vương bản kỷ Tần đã bức tử vị Thục hầu cuối cùng của nhà Khai Minh. Làm gì còn “hoàng tộc” Thục nào nữa mà thiên di xuống phía Nam.
Còn chuyện Thục Phán lãnh đạo người Tây Âu, Lạc Việt kháng Tần những năm 216 – 207 TCN thì càng vô lý. Sử ký Tư Mã Thiên, Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép: Năm thứ 33 (năm 216 TCN), Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ. Năm 216 TCN Tần Thủy Hoàng đã lập quận huyện đầy đủ ở đất Việt rồi, còn nước nào ở đây nữa mà có Thục An Dương Vương?
Đại Việt sử ký toàn thư chép: Giáp Ngọ, năm thứ 1 [207 TCN], (Tần Nhị Thế năm thứ 3). Vua (Triệu Đà) chiếm lấy đất Lâm Ấp và Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vương. Tới năm 207 TCN Triệu Đà đã chiếm lại cả 3 quận mà Tần lập ra trên đất Việt. Vậy thử hỏi còn thời gian nào ở quãng giữa năm 216 đến 207 TCN để cho Thục Phán làm vua nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa?

MỘT KIẾN GIẢI KHÁC
Truyền thuyết họ Hồng Bàng về sự hình thành nước Văn Lang kể Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh ra trăm người con trai. Do “thủy hỏa tương khắc” nên Lạc Long Quân dẫn 50 người con về thủy phủ chia trị các xứ. Âu Cơ và 50 người con lên ở đất Phong Châu, suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, Đông giáp Nam Hải, Tây tới Ba Thục, Bắc tới Động Đình hồ, Nam tới nước Hồ Tôn.

Bach Viet 1Khi vẽ cương vực của nước Văn Lang trong truyền thuyết lên bản đồ thì thấy rõ các khu vực Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây và một phần Hồ Nam đều nằm trong phạm vi nước Văn Lang. Vì thế hoàn toàn dễ hiểu sự liên hệ cội nguồn của văn hóa Đông Sơn với Điền (Vân Nam), Dạ Lang (Quý Châu) do những khu vực này đều là đất của Văn Lang. Mối liên hệ này có từ sớm, sớm hơn nhiều so với thời “Trang Vương nhà Chu” vào đầu thế kỷ 7 TCN.
Truyện Rùa vàng về sự hình thành của nước Âu Lạc kể Vua An Dương Vương nước Âu Lạc là người Ba Thục, họ Thục tên Phán. Nhân vì tổ phụ ngày trước cầu hôn lấy Mỵ Nương là con gái vua Hùng Vương, Hùng Vương không gả cho, bèn mang oán. Phán muốn hoàn thành chí người trước, cử binh đi đánh Hùng Vương, diệt nước Văn Lang, cải tên nước là Âu Lạc, rồi lên làm vua, xây thành ở đất Việt Thường…
Hai truyền thuyết về sự hình thành nước Văn Lang (Truyền thuyết họ Hồng Bàng) và Âu Lạc (Truyện Rùa vàng) xét kỹ thì chỉ là một chuyện vì:
–    Âu Cơ lấy Lạc Long Quân thì tên nước phải là Âu – Lạc, tức là nước do Thục Phán lập nên.
–    Âu Cơ và Lạc Long Quân “thủy hỏa tương khắc” là chuyện “tổ phụ” của Thục An Dương Vương “cầu hôn Mỵ Nương không được mà mang oán”, từ đó dẫn đến sự chia tách 2 dòng Hùng – Thục hay Âu – Lạc.
Nước của Lạc Long Quân đã biết là nước Xích Quỷ ở vùng ven biển. Còn nước Văn Lang là nước do dòng theo mẹ Âu Cơ lập nên ở Phong Châu. Hai nước này như vậy cách nhau cả nghìn năm chứ không tồn tại cùng một lúc. Tức là dòng Âu Cơ đã đánh thắng dòng Lạc Long mà lập nên nước Văn Lang, tương tự chuyện Thục Phán đánh Hùng Vương lập nên nước Âu Lạc.
Theo thần tích Việt thì Âu Cơ quê ở động Lăng Xương (Thanh Thủy, Phú Thọ). Âu Cơ ở Lăng Xương tức là … Cơ Xương từ vùng đất Âu. Cơ Xương là tên của Chu Văn Vương, ban đầu là Tây Bá hầu của nhà Ân Thương. Cơ Xương khởi nghiệp đóng đô ở đất Phong. Văn Vương ở đất Phong là nước Văn Lang ở Phong Châu. Nghĩa của từ Văn Lang là vua Văn, tức là Cơ Xương, rất rõ ràng, không cần phải suy luận, liên hệ ngôn ngữ gì cả. Mẹ Âu Cơ lập nước Văn Lang chính là Văn Vương Cơ Xương.
Lang Văn Cơ Xương nổi lên ở phía Tây nên còn gọi là Thục vì Thục là từ khác chỉ hướng Tây. Đất Ba Thục hay đất của Tây Bá hầu là đất Âu, đất gốc tổ của họ Cơ nhà Chu ở Quý Châu. Thư tịch cũ (Cựu Đường thư, Thái Bình hoàn vũ) cũng cho biết “Quý Châu là đất Tây Âu, Lạc Việt”. Thục An Dương Vương chính là Lang Văn Cơ Xương.
Văn Lang và Âu Lạc như vậy chỉ là 2 tên gọi của cùng một nước. Văn Lang là gọi theo tên vua Văn. Âu Lạc là gọi theo tên 2 vùng đất hay 2 dòng tộc Lạc Long – Âu Cơ hợp nhất thời Lang Văn.
Chuyện Thục Phán đánh Hùng Vương là cách kể khác của sự kiện Cơ Phát, con của Văn Vương Cơ Xương đã phát động các chư hầu đánh Trụ diệt Ân. Sự kiện này trong truyền thuyết Việt bị chép lẫn với việc Tần (Chiêu Tương Vương) từ đất Xuyên Thục diệt nước Văn Lang của nhà Chu (Noãn Vương) năm 256 TCN. Ở cả 2 sự kiện này Thục Phán và Tần đều xuất phát từ phía Tây (Thục) đánh nước ở phía Đông, do vậy được gọi là An Dương Vương, nghĩa là vị vua đã dẹp yên phương Đông (An = yên, Dương là hướng mặt trời mọc, tức là hướng Đông).
Nước Văn Lang – Âu Lạc của thiên tử Chu gồm Bắc Việt, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu, đúng như cương vực được chép trong truyền thuyết và hoàn toàn phù hợp với những liên hệ cội nguồn của văn hóa trống đồng Đông Sơn với các khu vực Điền và Dạ Lang. Rộng hơn, thiên hạ của nhà Chu bao gồm cả các nước ở vùng Nam Dương Tử, Nam Hoàng Hà, cũng như … Đông Dương (phạm vi Lào, Căm-pu-chia ngày nay). Sự tương đồng về văn hóa của Đông Nam Á cổ đại (bao gồm cả Hoa Nam) chính là từ nguyên nhân lịch sử này.

“Trống đồng lập thể” ở Lào

Một trong những hiện vật đồ đồng cổ gặp ở Lào là chiếc thùng đựng vỏ sò (tiền cổ). Chiếc thùng này mang đặc trưng của văn hóa Điền ở Vân Nam với những tượng đúc theo phương pháp thất lạp (đúc nguyên khối bằng khuôn sáp ong). Những chiếc thùng giống vậy cũng đã được tìm thấy ở Vân Nam, được cho là cổ vật thời Chiến Quốc.

Người Điền được biết là sinh sống ở vùng Vân Nam do ở đây đã tìm thấy chiếc “Điền vương chi ấn”. Vân Nam như vậy là khu vực có nền văn hóa đồ đồng rất phát triển ở thời kỳ trước công nguyên, cũng là một trong những trung tâm xuất hiện sớm nhất của trống đồng.

Thung vo so Toàn cảnh chiếc thùng đựng sò thời Chiến Quốc ở Lào
Trên nắp thùng có đúc một con bò lớn đứng ở giữa và ba con nai cùng một con hổ ở xung quanh. Con bò dường như đang liếm láp trên lưng hổ. Phần thùng ở dưới được trang trí thành 2 vòng tròn xếp thành 2 tầng. Tầng trên là 6 con chim phượng, khá giống với con chim phượng trên thân chiếc quang tê giác ở trên. Tầng dưới là cảnh săn bắn gồm một con hươu sao ngửa cổ lên trên, một con bò cúi đầu húc xuống và một người cầm gậy quay về phía con bò. Cảnh này được lặp lại 4 lần ở tầng dưới. Thùng đựng có 3 chân, cũng là 3 bức tượng người giống nhau đang nâng tay đỡ thùng.

Những tượng và hoa văn trên chiếc thùng này làm ta liên tưởng tới hình ảnh của … Trống đồng trong văn hóa Đông Sơn. Cũng là cảnh đàn chim, đàn hươu, người, … Nếu có thể xòe ngang phần thân và chân thùng ra thành một mặt phẳng với nắp thùng thì đúng là thành những vòng tròn đồng tâm giống như trên trống đồng. Mặt trống đồng là những hoa văn trên mặt phẳng, còn chiếc thùng đựng vỏ sò này là hoa văn hình khối sắp xếp trong không gian ba chiều.

Nap thung Nắp thùng
Ở trung tâm những “vòng tròn” này là một con bò lớn, cặp sừng dài. Các nhà khảo cổ gọi là con bò Zebu, đặc trưng cho văn hóa Điền. Hiện các chuyên gia cho rằng đây là con vật nuôi quen thuộc của dân tộc Điền nên thường gặp trong các hiện vật đồ đồng của họ ở Vân Nam. Nhưng như vậy không hợp lý. Con vật nuôi bình thường sao lại được đặt ở ví trí trang trọng chính giữa đồ vật như vậy?

Con bò nằm ở vị trí trung tâm của cả thế giới, nó phải tượng trưng cho một thứ khác quan trọng hơn, linh thiêng hơn. Khi so sánh chiếc thùng này với trống đồng Đông Sơn cùng thời thì vị trí trung tâm phải là mặt trời. Rất có thể con hoàng ngưu Zebu này là hình ảnh của mặt trời.

Trên chiếc hộp đựng chỉ cùng thời Chiến Quốc ở Bảo tàng Vân Nam con bò Zebu được đặt ở giữa một đàn bò, dường như đang đứng trên một đỉnh núi cao. Con bò vàng trên đỉnh núi thì hẳn là hình ảnh của mặt trời, nguồn sống của muôn loài.

Ở vòng thứ hai của thùng đựng vỏ sò gồm 3 con hươu và một con hổ đứng đối xứng theo 4 phương. 4 tượng thú vật này cùng con bò Zebu ở giữa tạo nên biểu tượng của Ngũ hành. Trong đó có một phương vị là con hổ, được nhấn mạnh. Hình ảnh bò – hổ còn thấy ở những hiện vật khác của người Điền như án cúng hình hổ bò ở Bảo tàng Vân Nam. Con hổ có ý nghĩa gì ở đây?

Vân Nam (và Lào) được biết là khu vực của người Ai Lao Di hay nước Dạ Lang. Dạ Lang là chữ phiên thiết của Di Hạ, tức là người Di từ thời nhà Hạ. Đây là bộ tộc Hữu Hộ Thị đã phải “di” cư về phía Tây trong cuộc chiến tranh đoạt vương vị giữa Hạ Khải và Bá Ích sau khi Đại Vũ mất. Hữu Hộ Thị, chính xác là thị tộc Họ Hổ, lấy con hổ làm con thần thú của mình, thể hiện tộc người xuất phát từ phương Nam.

Hình ảnh Hổ và Bò đùa giỡn với nhau trên cổ vật là hình ảnh tộc người Di Hạ đang sống thanh bình dưới ánh mặt trời.

   Than thung  Thân thùng
Ở vòng thứ ba, tầng trên của phần thân thùng có 6 con chim phượng nối đuôi nhau bay. Những con chim lớn ở trên cao là biểu tượng của bầu trời (Hà). Số 6 là con số chỉ phương Bắc (ngày nay) trong Hà thư. Phương Bắc có tượng màu đen, màu ô, hay âu. 6 con chim như vậy là chỉ tộc Âu ở Vân Nam và Lào. Âu cũng là từ phiên thiết của Ai Lao. Người Điền – Ai Lao – Dạ Lang là tộc Âu của mẹ Âu Cơ (với hình tượng chim phượng, nòi tiên) trong cổ sử Việt.

Vòng thứ tư ở tầng dưới của phần thân thùng gồm cảnh hươu – bò – người lặp lại 4 lần. Hình ảnh hươu, bò là hình ảnh của mặt đất (Lạc). Số 4 là số chỉ hướng Tây trong Hà thư. Liệu có phải vòng này muốn nói tới tộc người ở phía Tây hay không?

Kết hợp 2 vòng tròn trên thân thùng ta có đủ Hà – Lạc (bầu trời và mặt đất) và Tây – Âu. Hai vòng tròn này đã xưng danh dân tộc Tây Âu ở Vân Nam – Bắc Lào thời Chiến Quốc.

Không rõ tại sao người Ai Lao Di hay Di Hạ ở Vân Nam tới cuối thời Chu (thời Chiến Quốc) lại gọi là người Điền? Có thể vùng này vốn là đất “tế điền” của nhà Chu để lại khi chuyển dời từ Tây về Lạc Ấp ở phía Đông.

Chan thung Chân thùng
3 chân của thùng đựng vỏ sò là 3 tượng người nâng tay đỡ thùng. Con người ở đây được thể hiện rõ ràng, với y phục áo cổ chéo, có dây lưng đầy đủ. Không rõ 3 người ăn mặc trang trọng ở vòng ngoài cùng này có ý nghĩa gì, nhưng rõ ràng là người ở đây không có chuyện còn đang “cởi trần đóng khổ” như hình ảnh thể hiện đơn giản lúc đi săn ở vòng trên.

Niên đại của những loại thùng đựng vỏ sò tương tự cũng cần xem xét lại. Tới thời Hậu Chu (Chiến Quốc) đã có những loại đao tiền, bố tiền bằng đồng, đâu còn dùng vỏ sò nữa. Những loại tiền của nhà Chu này thật kỳ lạ là cũng bắt gặp ở Lào. Nếu đúng như suy đoán này thì thùng đựng vỏ sò phải phổ biến hơn ở thời kỳ đầu của nhà Chu (Tây Chu). Khu vực Điền của người Tây Âu chính là khu vực phát tích của nhà Chu.

Chiếc thùng đựng vỏ sò ở Lào đã cho thấy vùng Vân Nam – Bắc Lào cũng là khu vực của văn hóa trống đồng. Một dân tộc thờ mặt trời, với những khái niệm Hà Lạc, Ngũ hành của Dịch học Trung Hoa. Một dân tộc xưng danh Tây – Âu rõ ràng.

Lan man chuyện quả bầu và mẹ Âu Cơ

Đi qua vùng Suối Giàng ở Yên Bái bắt gặp các cửa hàng chế tác đá tự nhiên. Khu vực Yên Bái có tiếng nhiều đá vân đẹp nguyên gốc lấy từ núi Hoàng Liên về. Trong số các đồ làm ở đây có loại quả bầu đá phong thủy, rất ít gặp ở các nơi khác. Không giống như bầu hồ lô mang nặng mùi Đạo Lão, quả bầu đá ở Nghĩa Lộ được làm đơn giản, rất dân dã, trông giống như quả bí ngô mọc trên nóc nhà của người dân tộc ở khu vực này.

Chẳng thấy sách nào cho biết quả bầu bí dạng này thì có nghĩa phong thủy là gì nên đành tự nhận xét. Với hình dạng đầy đặn, lại có màu xanh ngả vàng thì có thể hiểu quả “bầu bĩnh” này có thể giúp mang lại sự giàu sang, phú quí, nhiều vàng bạc cho chủ nhà.

Một cách hiểu khác quả bầu hay “bào” là hình tượng của người mẹ. Người Việt ai mà không biết chuyện mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, nở ra trăm trai Bách Việt. Vì thế người Việt gọi nhau là “đồng bào”, tức là cùng một bầu mà ra. Còn có từ “bầu đoàn” có lẽ cũng với nghĩa những người sinh từ cùng một mẹ, một bầu, một bào hay một bọc mà ra.

Về thăm đền thờ quốc mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương – Hạ Hòa – Phú Thọ gặp câu đối tại chính điện thờ:
溯鴻厖締結以來仙種永傳留國祖
歷家郡肇修而後人群緬墓播炎邦
Tố hồng mang/ đế kết dĩ lai/ tiên chủng vĩnh truyền lưu Quốc tổ
Lịch cô quận/ triệu tu nhi hậu/ nhân quần miễn mộ bá Viêm bang.

Diễn dịch lại nghĩa:
Nhớ thủa hồng mang gắn bó tới nay, nòi tiên mãi lưu truyền là Quốc tổ
Trải đất cô quận dựng sửa sau này, bầu dân luôn ngưỡng mộ khắp Viêm bang.

Theo thần tích đền Hiền Lương thì nàng Âu Cơ là con của Ngọc Nương phu nhân quê ở động Lăng Xương… Lăng Xương đọc khác là Lang Xương, hay vua Xương. Âu Cơ ở Lang Xương tức là… Cơ Xương. Cơ Xương chính là tên của Chu Văn Vương, người khởi đầu nhà Chu trong Hoa sử.

Âu Cơ lấy Lạc Long Quân, tên húy là Sùng Lãm … Cơ Xương đánh Sùng Hầu Hổ của nước Sùng, khởi đầu cơ nghiệp nhà Chu… Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi dựng nước Văn Lang ở đất Phong Châu… Cơ Xương lập đô ở đất Phong, được gọi là Chu Văn Vương… So sánh 2 dòng sử Hoa – Việt thì thấy rõ mẹ Âu Cơ chính là Cơ Xương Chu Văn Vương, dân gian gọi là Lang Văn hay Lang Xương.

Âu Cơ nòi tiên bởi vì tiên là số 1, con số chỉ phương Bắc và màu đen. Màu đen hay màu ô = Âu. Gọi là Âu bởi vì Cơ Xương là Tây Bá hầu của nhà Thương ở đất Quảng Tây, nằm ở hướng Bắc của Lạc Việt. Mẹ Âu Cơ lấy cha Lạc Long lập ra nước Văn Lang. Đây cũng là truyền thuyết An Dương Vương đánh Hùng Vương lập nước Âu – Lạc, thống nhất 2 tộc người Âu ở Quảng Tây – Vân Nam và người Lạc ở Giao Chỉ. Văn Lang và Âu Lạc là 2 tên của cùng một nước, gọi theo tên vị vua khai sáng hoặc theo các tộc người mà thôi.

Xã Hiền Lương ở Hạ Hòa – Phú Thọ, tương truyền là nơi mẹ Âu Cơ bay về trời, rất có thể là nơi mất của Chu Văn Vương. Hạ Hòa tên cũ là Hạ Hoa, không biết có phải chỉ thiên tử của Trung Hoa xưa không.

Den mau
Đền mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương – Hạ Hòa – Phú Thọ

Mẹ Âu Cơ sinh bầu trăm trứng, nở ra trăm trai, là tổ tiên của Bách Việt. Người “sinh” Bách Việt này là Cơ Phát, con của Cơ Xương. Sau khi Cơ Xương mất Cơ Phát kêu gọi các chư hầu nổi lên diệt Ân Trụ Vương. Trong truyền tích Việt còn ghi lại cuộc chiến này cuộc chiến chống giặc Ân của Hùng Vương với sự trợ giúp của Thánh Gióng:

Nhớ xưa đang thủa triều Hùng
Vũ Ninh nổi đám bụi hồng nẻo xa
Trời thương Bách Việt sơn hà
Trong nơi thảo mãng nảy ra kỳ tài…

Vũ Ninh hay vua Ninh, Ninh Vương là tên của Cơ Phát trước khi lên ngôi.

Cơ Phát sau khi thắng giặc Ân về núi Nghĩa Lĩnh đất Phong Châu, nơi Lang Văn Cơ Xương định đô trước đó, lập cột đá thề với tổ tiên, rồi lên ngôi thiên tử của Trung Hoa, xưng là Chu Vũ Vương, truy phong cho cha mình là Chu Văn Vương, bắt đầu vương triều Chu của Trung Hoa kéo dài gần 1000 năm.

Cũng ở núi Nghĩa Lĩnh, Vũ Vương đã phân phong cho các công thần đất đai ở các nơi. Các đất phong này về sau thành các nước chư hầu của nhà Chu, là các chi Việt khác nhau trong đại tộc Việt ban đầu. Đây chính là sự kiện sinh bọc đồng bào trăm trứng của mẹ Âu Cơ, được truyền là tại đền Hạ của khu di tích đền Hùng.

Hai đại công thần khai quốc của Chu Vũ Vương là Chu Công Đán và Thiệu Công Thích. Chu Công Đán là em của Chu Vũ Vương, được phong ở đất Lỗ. Thiệu Công Thích cũng là người cùng họ Cơ, được phong ở đất Yên. Thực ấp của hai vị này là Lào Cai (Lão Cai – Lỗ Cai) và Yên Bái (Yên Bá). Đây là 2 vùng đất trong Quốc phong của Kinh Thi gọi là Chu Nam và Thiệu Nam.

Đất Phong Châu – Vĩnh Phú xưa thuộc lộ Tam Giang, là nơi ba con sông lớn gặp nhau. Sông Đà chảy qua Hòa Bình. Sông Thao chạy dọc Lào Cai, Yên Bái. Sông Lô đổ vào nước ta ở Hà Giang. Cảnh đẹp sông núi trời đất dọc 3 con sông này đúng như câu thơ của Phạm Sư Mạnh:
Thiên khai địa tịch lộ Tam Giang
Kỳ tuyệt tư du ngã vị tằng

Dịch là:
Đất yên trời mở lộ Tam Giang
Tuyệt vời cảnh đẹp chưa từng ngang


Hà Giang, Hòa Bình, Yên Bái tụ về linh địa Vĩnh Phú. Lô Giang, Thao Giang, Đà Giang hợp lưu ở Việt Trì. Việt Trì nghĩa là Bách Việt mãi vững bền…

Huyền Thiên Trấn Vũ

Truyện Rùa vàng trong Lĩnh Nam chích quái chép:
“(An Dương Vương) xây thành ở đất Việt Thường, nhưng hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy, vua bèn lập đàn trai giới, cầu đảo. Ngày mồng 7 tháng 3, bỗng thấy một cụ già từ phương đông tới trước cửa thành, than rằng: “Xây dựng thành này biết bao giờ mới xong được!”. Vua đón vào trong điện, vái và hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã nhiều lần nhưng cứ bị sập đổ, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao?”. Cụ già đáp: “Sẽ có sứ Thanh Giang tới, cùng nhà vua xây dựng mới thành công”, nói xong từ biệt ra về…
Đối chiếu với thần tích và các câu đối ở đình Thổ Hà có thể thấy “cụ già” từ phương đông tới giúp An Dương Vương ở đây chính là Lão Tử. “Cụ già” mà đọc bằng tiếng Nho thì rõ ràng là Lão Tử.
Lão Tử không phải là “ông lão” nhưng lại là “trẻ con”, mới sinh ra mà râu tóc đã bạc phơ như vẫn được giải thích. Lão = Lửa, là ánh sáng, là trí tuệ. Lão Tử nghĩa là người thông tuệ, hiểu biết.
Thường Lão Tử hay được vẽ cưỡi trên lưng trâu. Nếu Lão Tử xuất xứ ở tận bên bờ Hoàng Hà thì chắc ông phải cưỡi … bò mới đúng. Người phương Bắc không có trâu đến nỗi trong mười hai con giáp phải thay bằng con bò (hoàng ngưu). Hình ảnh Lão Tử cưỡi trâu cho thấy ông là người của nền nông nghiệp lúa nước. Trâu = Sửu = Thủy = Lạc. Lão Tử người Lạc Việt.
Con trâu theo Dịch lý là biểu tượng của sự tòng thuận. Đó cũng là chỗ cốt yếu của Đạo Lão, thể hiện trong Đạo Đức kinh:
Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên.”
Câu chuyện về Lão Tử ở Việt Nam không dừng lại ở đó. Trong truyền thuyết Việt thì người đã cử Kim Qui tới giúp vua Thục là … Huyền Thiên. Vị thần này đã được lập thành một trong Thăng Long tứ trấn ở Quán Thánh cạnh Hồ Tây ngày nay. Quán là nơi thờ cúng của Đạo Giáo. Câu đối ở đền Quan Thánh:
Đĩnh nhạc độc chước chung, tố An Dương ngật Đinh Lê Lý Trần Lê, hộ quốc tí dân tinh linh cái cổ
Trung thiên địa nhi lập, đương Chu Tần lịch Hán Đường Tống Nguyên Minh, siêu nhân nhập thánh thanh tích truyền kim.
Dịch:
Một ngọn núi vượt lên, ngược từ An Dương tới Đinh Lê Lý Trần Lê, giúp nước che dân, linh thiêng bao trùm thời cổ
Cùng trời đất mà thành, ngang thời Chu Tần sang Hán Đường Tống Nguyên Minh, hóa thần nhập thánh, tiếng tích còn truyền tới nay.
Nhà Đường mở đầu triều đại đã tôn Lão Tử là Thái Thượng Huyền Nguyên hoàng đế, coi là thủy tổ của mình. Có thể thấy Huyền Nguyên và Huyền Thiên chỉ là một. Huyền Thiên Trấn Vũ của Thăng Long cũng chính là Lão Tử, là tên xưng khi nhà Đường tôn lập vị tổ sư này của Đạo Giáo mà thôi. Huyền Thiên Trấn Vũ không phải là vị thần “ngoại quốc” chen chân vào truyền thuyết Việt, mà ông chính là người Việt.
Trong phần chép về gốc tích Quán La ở Hồ Tây sách Tây Hồ chí có viết: “Quán ở trên một gò lớn nhất trong bảy gò Thất Diệu, bên con sông nhỏ thuộc động Già La. Quán thờ Huyền Nguyên đại đế, tức Thái Thượng Lão Quân. Khoảng giữa niên hiệu Đường Khai Nguyên …”.
Truyền thuyết về Huyền Thiên tại làng Ngọc Trì – Gia Lâm:
Ngài giáng sinh vào vương quốc Tĩnh Lạc, hoàng hậu đặt tên là Huyền Nguyên, năm 14 tuổi vào núi Vũ Đương tu hành, tới năm 42 tuổi thì đắc đạo”.
Ở đây gọi rõ tên thần là Huyền Nguyên, là tên nhà Đường tôn cho Lão Tử. Vương quốc Tĩnh Lạc theo sách Tử Quang Kínhlà nơi tiên ở, nằm giữa biển phía Tây nước Nguyệt Chí …”. Thời Đường, vương quốc ở phía Tây biển thì chỉ có… đất Tĩnh Hải Lạc Việt mà thôi. Lại một lần nữa cho thấy Huyền Thiên – Lão Tử là người Lạc Việt.
Câu đối ở đền Quán Thánh ở Hồ Tây (Hà Nội):
Vũ Đương sơn thạch luyện hà niên, sắc tướng câu không, chân thân thượng tại
Huyền Thiên quán vân du thử nhật, tiên tung ngẫu kí, linh tích trường lưu.
Dịch thơ:
Núi Vũ Đương năm xưa luyện đá
Mặc hình nhan thân cả ở cao
Mây bay Huyền quán ngày nào
Dấu tiên chợt hiện, biết bao giờ mờ.
Quả núi Vũ Đương hay Võ Đang chẳng phải là ngọn “Thái sơn” của Đạo Giáo đó hay sao? Núi Vũ Đương không ở đâu xa tận Hồ Bắc Trung Quốc mà … ở ngay chính nơi có sự tích về Huyền Thiên, tại làng Thụy Lôi – Đông Anh – Hà Nội.
Vũ Đương cung khuyết tăng tiên giới
Âu Lạc sơn hà tráng đế cư.
Dịch:
Cung khuyết Vũ Đương cửa lên tiên giới
Non sông Âu Lạc thêm vững đất vua.
Núi Võ Đang ở Hồ Bắc mới là “hàng nhái”, là nơi thờ vọng Huyền Thiên, mới có vào thời Nguyên mà thôi.

NgumonNgũ môn đền Sái

Ngọn núi Vũ Đương ở Đông Anh còn có tên là núi Sái (Sái = Thái, chứ không phải sư sãi gì cả). Trên núi có đền Sái hay “Huyền Thiên đại quán”, là nơi có các dấu vết của Huyền Thiên tu luyện (ao tiên, giếng tiên, dấu ngựa tiên). Núi này nối với núi Thất Diệu, nơi Huyền Thiên giúp vua Thục diệt Bạch Kê tinh xây thành Cổ Loa.
Diệu Lĩnh Loa Thành linh tích thiên niên truyền tín sử
Tiên trì mã tích sùng từ nhất thốc trấn hoàn âu.
Dịch:
Núi Diệu thành Loa, dấu linh nghìn năm truyền sử sách
Ao tiên dấu ngựa, đền cao một ngọn trấn đất vua.
Vũ Đương có thể hiểu là “vua sống” hay “ngang hàng với vua”. Huyền Thiên là một vị thần rất được các vua chúa phong kiến thời xưa coi trọng. Ở làng Thụy Lôi tới nay hàng năm vẫn tổ chức hội rước “vua sống” đến bái yết Huyền Thiên tại đền Sái. Thời phong kiến mà lại cho người dân được đóng làm vua thì mới thấy vị thần thờ ở đây được nhà nước phong kiến xem trọng như thế nào. Bởi vì Huyền Thiên chính là Huyền Nguyên hoàng đế, là Thái Thượng Lão Quân (tức là còn trên cả Thái Thượng Hoàng, bố của vua), là tổ của họ Lý (Đường). Lý Công Uẩn khi lên ngôi cũng đến đền Sái và rước Huyền Thiên về làm Trấn Vũ cho kinh thành có thể cũng vì coi Huyền Thiên Lão Tử là tổ của mình.
Câu đối ở đình Thụy Lôi:
Hà nhạc an dân, kê sùng tận quỉ tinh trừ, bái giang sứ
Thục Ngô kiến quốc, Loa thành thụ xuân hội trí, tạ sơn thần.
Dịch:
Núi sông yên dân, gà trắng chết quỉ tinh trừ, bái Thanh Giang sứ
Thục Ngô dựng nước, Loa thành đắp hội xuân bày, tạ Cao Sơn thần.
(Ngô ở đây có thể là Ngô Quyền, cũng đóng đô ở Cổ Loa).
Ngọn núi Sái (Thái Sơn) hay Vũ Đương ở Đông Anh gắn với truyền tích Lão Tử – Huyền Thiên giúp vua Thục diệt Bạch Kê Tinh ở Thất Diệu, xây thành Cổ Loa. Đây phải được coi là một nơi cực kỳ linh thiêng với người Hoa Việt vì chính là nơi khởi sinh Đạo Giáo của phương Đông. So với đền Gióng và tục thờ Phù Đổng Thiên Vương thì đền Sái với tục rước vua sống và thờ Huyền Thiên phải xứng đáng được nhận danh hiệu “di sản văn hóa thế giới”. Đạo Giáo là tín ngưỡng gốc của toàn bộ văn hóa Trung Hoa xưa, có xuất xứ chính từ Việt Nam.