Thừa Thiên Huệ pháp Hậu Thổ Nguyên Quân

Truyện Ứng Thiên hóa dục Hậu thần trong Lĩnh Nam chích quái chép:
Thần vốn là vị thổ thần ở nước Nam ta. Năm Thần Võ thứ nhất đời Thánh Tông, vua đi chinh phạt nước Chiêm Thành, tới cửa bể Hoàn Hải, bỗng nhiên trời nổi mưa to gió lớn, sóng dâng cuồn cuộn, xa nhìn như núi, ngự thuyền và chiến thuyền đều không thể qua bến được, bèn phải cắm thuyền ở bờ biển.
Đêm ấy, mộng thấy có người con gái mặc đồ trắng, quần đỏ, trang điểm sơ sài, phong tư yểu điệu bước lên thuyền ngự mà nói rằng: “Thiếp là tinh đất ở nước này, hồn đậu ở trên cây đã lâu. Nay gặp lúc minh quân xuất chính, nguyện xin cùng đi theo để lập chiến công”. Dứt lời không thấy đâu nữa. Vua bèn tỉnh dậy triệu tập tả hữu và các bậc kỳ túc kể lại chuyện.
Có vị tăng thống là Huệ Sinh tâu rằng: “Thần đã nói là đậu nhờ ở trên cây, vậy nên cầu khấn tất được yên”. Bèn sai thân nhân tìm khắp các núi trên bờ, ngẫu nhiên thấy một cái cây ngọn như hình người, giống hệt vị thần trong mộng, bèn đặt trên thuyền ngự, thắp hương cầu đảo, đặt hiệu là Hậu Thổ phu nhân.
Trong khoảnh khắc gió yên sóng lặng, hành quân vượt biển thuận lợi, không lo ngại vì sóng gió nữa. Vua bèn lập thần từ, phút chốc sóng gió lại nổi cuồn cuộn như trước. Huệ Sinh tậu rằng: “Ý thần không muốn ở lại bên bờ”. Bèn về kinh xin âm dương để cầu cho sóng bể được yên. Kíp khi về tới kinh, xây đền thờ ở làng An Lãng…
Tới đời Trần Anh Tông, gặp hạn hán, vua sai lập đàn để cầu đảo. Thần bèn thác mộng cho vua, nói: “Đền này có vua Câu Mang, có phép làm mưa”. Vua tỉnh dậy, sai quân dâng lễ, quả nhiên được buổi mưa to gió lớn.Vua bèn sách phong cho thần làm Hậu Thổ đại phu nhân, đời đời gia phong vì nghĩ thần có công với dân. Triều Trần lại phong làm Ứng Thiên Hậu thổ Thần kỳ Nguyên quân. Phàm tiết lập xuân đều mang thổ ngưu nộp ở dưới đền, tới nay đã thành tục lệ.

IMG_0110.jpgĐình Ứng Thiên ở Láng.

Đền thờ Hậu thổ Nguyên quân ở làng Yên Lãng nay là đình Ứng Thiên. Đình có câu đối tóm tắt lại sự tích vị thần này:
海門應夢以来木像金容彰聖蹟
安邑顯靈猶昨風平雨順仰神庥
Hải môn ứng mộng dĩ lai, mộc tượng kim dung chương thánh tích
An ấp hiển linh do tạc, phong bình vũ thuận ngưỡng thần hưu.
Dịch:
Cửa biển ứng mộng tới nay, tượng gỗ hình vàng rực tích thánh
Ấp Láng linh thiêng thủa nọ, gió yên mưa thuận kính điềm thần.
Thì ra tên làng Láng là từ chữ Yên Lãng – yên sóng, của sự tích thần Hậu Thổ phù vua Lý bình Chiêm.
Hậu Thổ Nguyên Quân là ai mà quyền năng lại cao như thế? Có thể giúp nước mở mang bờ cõi và điều khiển được cả thần mưa (Câu Mang), đã đi vào sử sách từ đời Lý Trần. Đây không phải là “thổ thần, thổ địa” nho nhỏ ở phương Nam mà là một vị thần có tầm vóc quốc gia to lớn.

IMG_0137.jpg
Tiền tế đình Ứng Thiên.

Ở đình Ứng Thiên hiện nay người ta cho rằng thần Hậu Thổ cũng là Địa Mẫu. Chữ Hậu ở đâu nghĩa là hoàng hậu, chứ không phải là “sau”. “Chức danh” hoàng Hậu này cho thấy đây là một nhân vật có tầm vóc quốc gia, là vợ vua.
Trong văn khấn tại đền gọi tên bà như sau: Thừa Thiên hiệu pháp đức quang thái hậu thổ hoàng địa kỳ cửu lũy nguyên quân.
Trong các văn khấn ở miền Trung vị thần này cũng là vị được nhắc tới đầu tiên, chứng tỏ vị thế cực cao trong tín ngưỡng. Ví dụ bản văn khấn sau:
Thừa thiên hiệu pháp Khai hoàng Hậu thổ Nguyên quân, Thổ hoàng Địa kỳ Tử Anh phu nhân, Thái giám Bạch Mã tôn thần, Kim niên hành khiển đại vương…
Hậu Thổ Nguyên Quân là vị thần quan trọng trong Đạo Giáo, là mẫu chủ của các thần tiên (Nguyên Quân). Tức chính là Tây Vương Mẫu hay Cửu Thiên Huyền Nữ.
Gọi là Hậu Thổ hay bà mẹ đất là đối lại với Hoàng Thiên chỉ vua cha Ngọc Hoàng thượng đế. Thổ hay Địa ở đây không phải là khu vực đất đai mà chỉ phần vật chất, phần âm (tính Khôn) trong đối lập với Thiên chỉ tinh thần (tính Càn). Ý nghĩa của câu nói “thiếp là tinh đất” ở đây là như vậy.
Cái tên “Cửu Lũy” được giải nghĩa là có 9 loại lũy đất, trạng thái mềm rắn khác nhau… Nhưng thực ra chữ Cửu này là chữ Cửu trong Cửu Thiên Huyền Nữ, chỉ hướng Tây trong tên Tây Vương Mẫu hay Tây Thiên quốc mẫu, Mẫu Cửu trùng. Còn chữ Lũy vốn là tên của bà Lụy tổ nghề tơ tằm, hay cũng là Cửu Thiên Huyền Nữ. Lũy như vậy có thể chỉ công nghiệp của Cửu Thiên Huyền Nữ dùng đất làm nhà (đắp lũy), cũng có thể chữ Lũy tương đương với Thổ, hoặc Địa, chỉ phần vật chất.
Liên hệ bất ngờ nhất đối với Hậu Thổ Nguyên Quân là danh xưng: Thừa Thiên hiệu pháp. Pháp hiệu của Hậu Thổ Nguyên Quân là Thừa Thiên. Điều này cho thấy bà mẹ trời ở chùa Thiên Mụ tại Huế chính là Thừa Thiên hiệu pháp Hậu thổ Nguyên quân. Địa danh Thừa Thiên Huế xuất phát chính từ sự tích chùa Thiên Mụ, gắn với Hậu Thổ Nguyên Quân.
Khi so sánh sự tích bà Thiên Mụ hiển linh phù hộ chúa Nguyễn Hoàng ở Thừa Thiên Huế với truyện Hậu Thổ thời Lý ta thấy sự liên thông thống nhất. Cũng là bà mẹ trời (Ứng Thiên hay Thừa Thiên), cũng mặc đồ màu hồng/đỏ, cũng trợ giúp vua chúa mở cõi về phương Nam. Hậu Thổ Nguyên Quân ở đây không phải bà Thiên Y A Na của người Chăm, mà là vị thần chủ tiên giới Cửu Thiên Huyền Nữ.
Cửa biển Hoàn Hải thời Lý, nơi Hậu Thổ Nguyên Quân ứng hiện không rõ là nơi nào, nhưng hẳn là từ miền Quảng Bình Quảng Trị đổ về phía Nam, nơi giáp đất Chiêm Thành. Khu vực này cũng tương đương với vùng Thừa Thiên Huế. Chữ Hoàn này cũng như trong tên nước Hoàn Vương, là quốc gia trước của Chiêm Thành. Hoàn là tượng chỉ đầu phương Nam.
Điểm liên hệ khác là vị tăng thống giải mộng có tên là Huệ Sinh (tiên sinh Huệ). Điều này tương quan với cái tên Huệ – Huế trong Thừa Thiên Huế. Huệ Sinh có thể hiểu là Huệ nhân hay người Huế. Thành ra, có vị tăng thống người Huế nói về thần Hậu Thổ. Liệu có phải đúng ra tên vị thần này phải là Thừa Thiên Huệ Pháp?

IMG_0152.jpg
Hoành phi Ứng Thiên Hiển Thánh.

Câu đối ở đình Ứng Thiên làng Láng:
李海鯨清波剩鏡
陳壇龍噴澤猶香
Lý hải kình thanh ba thặng kính
Trần đàn long phún trạch do hương.
Dịch:
Biển Lý kình vang dư sóng chiếu
Đàn Trần rồng nhả đất lưu hương.

Tục thờ tổ bách nghệ và đạo Hiếu của người Việt

Bài trình bày trong tọa đàm “Tục thờ tổ bách nghệ tại Việt Nam qua góc nhìn đạo Hiếu” tại đình Kim Ngân, Hà Nội nhân ngày di sản Việt Nam.

Kim Ngan

Nước ta có lịch sử phát triển hơn 4000 năm, là một trong những nước có nền văn hóa lâu đời nhất trên thế giới. Trong tiến trình lịch sử nhân dân ta đã trải qua nhiều nấc thang tiến bộ xã hội. Mỗi nấc thang là một bước tiến về khoa học công nghệ, tức là hiểu biết và cách thức chúng ta sử dụng các tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống của con người. “Nghề” chính là những kiến thức khoa học kỹ thuật đó. Tổ nghề là những người đã khai sáng, phát kiến, giúp xã hội chúng ta bước đi những bước đi dài hơn, vững chắc hơn, tự chủ hơn trong lịch sử. Mỗi vị tổ nghề do đó đánh dấu một mốc phát triển quan trọng của xã hội Việt theo chiều dài lịch sử.

Hiên Viên Hoàng Đế, ông tổ bách nghệ
Hôm nay, trong ngày di sản Việt, chúng ta cùng nhau có mặt ở đình Kim Ngân này, một ngôi đình giữa lòng thủ đô văn hiến với tục thờ tổ nghề rất sâu sắc. Ngôi đình này thờ vị tổ bách nghệ với tên Hiên Viên. Tổ bách nghệ, tức là tổ của mọi nghề của xã hội, chứ không chỉ là tổ nghề kim hoàn. Hiên Viên là ai lại được thờ phụng như tổ các ngành nghề ở giữa 36 phố phường Hà Nội như vậy?
Không khó để thấy Hiên Viên là vị Hoàng Đế, người được coi là thủy tổ của người Trung Quốc. Hoàng Đế hay Đế Vàng là một vị đế trong Ngũ Đế của Trung Hoa cổ đại. Trong truyền thuyết Trung Hoa, Hoàng Đế đã có hàng loạt những phát minh mang tính chất khai mở cho các ngành nghề như làm nhà, đóng xe thuyền, may được quần áo ngũ sắc, y thuật (Hoàng Đế nội kinh). Lịch cổ Trung Quốc lấy mốc bắt đầu từ Hoàng Đế.
Nhưng Hiên Viên Hoàng Đế của Trung Hoa thì liên quan gì tới người Việt của chúng ta mà lại được cha ông ta thờ làm tổ của bách nghệ?  Liệu các cụ ngày xưa “thờ nhầm” hay do “ảnh hưởng” của văn hóa?
Xem sách Đại Việt sử ký toàn thư, ngay ở câu mở đầu: “Xét thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt…”. Như thế chính sử nước Đại Việt từ thời lê đã coi Hoàng Đế Hiên Viên là người đã khởi thủy cho sử Việt. Hoàng Đế của Trung Hoa lại là thủy tổ của sử Việt, vậy là thế nào?
Vua Minh Mạng nhà Nguyễn sau khi lên ngôi đã cho xây dựng miếu Lịch đại đế vương ở kinh thành Huế để thờ các bậc vua sáng và tôi hiền qua các triều đại. Miếu Lịch Đợi được xây dựng trên một ngọn đồi nay thuộc phường Phường Đúc tại Huế, là làng nghề đúc đồng nổi tiếng của kinh thành. Cách bài trí án thờ nơi miếu Lịch Đợi theo Đại Nam nhất thống chí như sau:
Gian giữa thờ Phục Hy tại chính trung. Vị tả nhất thờ Thần Nông. Vị hữu nhất thờ Hoàng Đế.
Một lần nữa lại có Hoàng Đế Hiên Viên của Trung Hoa được toàn thể triều đình nhà Nguyễn tôn thờ như bậc tiên tổ của dân tộc. Không chỉ vậy, ở gian chính giữa của miếu Lịch Đợi còn thờ các vị vua cổ đại Trung Hoa là Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương. Tức là vua Minh Mạng cùng các quan thần triều Nguyễn chính thức coi các vị vua Tam Hoàng Ngũ Đế và các vị vua thời Tam Đại Trung Hoa là các vị tiền triều của mình, thường xuyên xuân thu cúng tế.
Theo truyền thuyết Trung Hoa, Hoàng Đế Hiên Viên là vua của nước Hữu Hùng Thị, đã đánh dẹp Xi Vưu, thống nhất các bộ tộc thời lập quốc, mở đầu thời kỳ “lịch sử” 5000 năm của Trung Quốc. Hiên Viên là vua nước Hữu Hùng thị tức chính là Vua Hùng trong sử Việt. Truyền thuyết Việt kể các vua Hùng là những người đã “có công dựng nước”, có công to lớn trong việc phát triển các nghề nghiệp ở buổi bình minh lịch sử dân tộc.
Thiên Nam ngữ lục, thiên trường thi sử thế kỷ 17 có đoạn:

Tự vua Viêm Đế sinh ra
Thánh nhân ngưu thủ họ là Thần Nông
Trời cho thay họ Hữu Hùng
Con cháu nối nghiệp cha ông thủ thành.

Truyền thuyết Họ Hồng Bàng của người Việt kể: Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông…
Như vậy Hiên Viên Hoàng Đế Hữu Hùng chính là Đế Minh, vị vua Hùng đầu tiên của sử Việt.
Truyền thuyết Hùng Vương cho biết vua Hùng đã dậy dân cày cấy, trồng ngũ cốc (nghề nông), làm đồ gốm, xây dựng nhà cửa bằng gỗ thay cho ăn hang ở lỗ,…  Cũng vì thế mà vua Hùng – Hiên Viên Hoàng Đế đã được người Việt cũng như người Hoa tôn làm ông Trời, tức Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vị tổ bách nghệ cũng là vị quốc tổ lâu đời nhất trong lịch sử dân tộc Việt.

Cửu Thiên Huyền Nữ, vị mẫu tổ bách nghệ
Văn tế tiên tằm ngày 15 tháng Giêng của làng Đại Lan (Kim Lan) bên bãi sông Hồng (Văn Giang, Hưng Yên):
Cảm chiêu cáo vu:
Thánh đế Tiên sư Hoàng đế Hữu Hùng thị vị tiền
Tiên tàm Thánh đế Nguyên phi Tây Lăng thị Loa tổ vị tiền…
Bách nghệ tiên sư như đã nói ở trên là Hữu Hùng Hoàng Đế, tức là tổ Hiên Viên của đình Kim Ngân này. Còn bà tổ nghề tằm tang “Tây Lăng Thị Loa tổ” ở đây là ai?
Sử ký Tư Mã Thiên, Ngũ đế bản kỷ cho biết “Hoàng Đế ở gò Hiên Viên, cưới vợ là người con gái của Tây Lăng”. Bà Loa tổ là vợ của Hiên Viên Hoàng Đế, là tổ nghề chăn tằm dệt vải.
Ở đây cha ông chúng ta không chọn “nhầm” người Trung Quốc để thờ làm tổ nghề. Tây Lăng Thị cũng chính là Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu ở núi Tây Thiên trên dãy Tam Đảo. Vị nữ thần núi Tam Đảo tương truyền đã giúp vua Hùng diệt giặc, cùng gây dựng đất nước lúc mới khai sinh lập quốc. Quốc mẫu ở Tây Thiên còn được thờ như Mẫu Thượng Thiên, người đứng đầu Thiên phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt.
Mẫu Thượng thiên hay Mẫu Cửu trùng cũng là Cửu Thiên Huyền Nữ của Đạo Giáo Trung Hoa. Công trạng của Cửu Thiên Huyền Nữ không chỉ chế ra nghề nuôi tằm dệt lụa mà bà còn có một loạt những đóng góp khác cùng với Hiên Viên Hoàng Đế trong công cuộc dựng nước.
Bà đã giúp ông Dung Thành chế ra máy Cai Thiên để xem thiên tượng, giúp ông Thương Hiệt chế ra chữ viết tượng hình để thay cho việc thắt nút ghi nhớ các sự việc. Ngoài ra Cửu Thiên Huyền Nữ truyền khoa Lục Nhâm Ðộn Giáp. Như thế Cửu Thiên Huyền Nữ là người đầu tiên khai mở nền Dịch học (triết học phương Đông).
Ở Hà Nội từng có đền thờ Cửu Thiên Huyền Nữ. Theo sách Tây Hồ chí thì đền này nằm ở ấp Trích Sài, có tên là đền Huyền Nữ. Vị thần ở đây cũng được gọi là Công chúa Loa. Rõ ràng vị Loa tổ của nghề tơ tằm cũng là Cửu Thiên Huyền Nữ.
Ở kinh thành Huế, vua Minh Mạng từng cho xây dựng một Đạo quán mang tên là Linh Hựu, mà tượng thờ ở gian chính là Cửu Thiên Huyền Nữ. Trong tín ngưỡng ở miền Trung thì Cửu Thiên Huyền Nữ là tổ của nghề mộc, nghề nề và nhà trò. Bản thân chùa Thiên Mụ có thể cũng chính là một di tích gắn với Cửu Thiên Huyền Nữ.
Trong các văn khấn như văn Thượng Lương thì Cửu Thiên Huyền Nữ được nhắc tới đầu tiên, còn trước cả tổ sư nghề xây dựng Lỗ Ban. Trên thước và bùa Lỗ Ban cũng thường đề câu chú “Cấp cấp như Cửu Thiên Huyền Nữ luật lệnh”.
Hai vị tổ sư bách nghệ Hiên Viên Hoàng Đế và Cửu Thiên Huyền Nữ là 2 vị quốc tổ của người Việt, là những người đã đánh dấu nấc thang phát triển của xã hội công xã nguyên thủy, mở đầu lịch sử quốc gia và dân tộc họ Hùng.
Ta thường khấn “Hoàng thiên Hậu thổ” chính là nói tới 2 vị này trong quan hệ âm – dương, trời – đất:

  • Hoàng là Hoàng Đế Hiên Viên, với vai trò ở vị trí Thiên.
  • Hậu là hoàng hậu Tây Lăng thị ở vị trí Địa (thổ) trong Tam tài.

Có Vua trời và Mẹ đất mới sản sinh ra bách nghệ, giúp con cháu có cuộc sống no đủ, lâu dài. Hoàng thiên và Hậu thổ cũng là 2 vị thần bản mệnh được thờ cúng trong các gia đình (tục thờ này nay vẫn còn ở miền Trung). Như thế đạo thờ tổ nghề – tổ tiên đã ăn sâu vào tâm thức con dân Việt, tới từng ngóc ngách của cuộc sống.

Thần Đồng Cổ và hội thề trung hiếu
Thời kỳ của Hoàng Đế Hiên Viên và Cửu Thiên Huyền Nữ là thời kỳ tiền sử, ứng với giai đoạn đồ đá mới trong khảo cổ học. Bước nhảy vọt tiếp theo trong phát triển xã hội là việc phát minh ra nghề luyện kim, trước hết là nghề đúc đồng. Cùng với sự xuất hiện và tiến bộ của nghề đúc đồng xã hội Việt đã tiến lên chế độ quân chủ phong kiến trên bình diện rộng của toàn cõi Đông Nam Á và Hoa Nam, tức là vùng đất Bách Việt xưa. Trong tục thờ tổ nghề, sự kiện này được đánh dấu bởi thần trống đồng hay thần Đồng Cổ.
Trống đồng Đông Sơn của nước ta đã được biết tới như biểu tượng của văn hóa, của dân tộc. Thần trống đồng hay thần Đồng Cổ là vị thần được tôn thờ dưới thời Lý Thánh Tông, gắn với việc thần đã báo giúp Thái tử Phật Mã phòng bị sự ám hại của ba người anh em (loạn Tam Vương) khi lên ngôi. Lý Thánh Tông đã cho rước thần từ Thanh Hóa về thờ miếu Đồng Cổ nằm ở phía Tây kinh thành Thăng Long và lập hội thề trung hiếu tại đây. Hàng năm vua quan nhà Lý đến miếu Đồng Cổ cùng nhau uống máu ăn thề giữ trọn đạo hiếu trung trước tiền nhân.
Câu đối ở miếu Đồng Cổ tại Thanh Hóa:
Thiên vi anh địa vi linh, tất Mã giang Tây thanh miếu cổ
Thần đương trung tử đương hiếu, Thăng Long thành Bắc thệ đàn cao.
Dịch:
Trời gây tài, đất kết thiêng, sông Mã dải Tây trong miếu cổ
Tôi giữ trung, con đảm hiếu, Thăng Long thành Bắc đàn thề cao.
Đối chiếu truyền thuyết và tư liệu ta nhận ra rằng thần Đồng Cổ chính là vị Chu Công Đán mà Lý Thánh Tông đã đề cập tới như một tấm gương trung hiếu, giúp vua, giúp nước. Chu Công có đất phong là ở nước Lỗ nên được truyền thuyết Việt gọi là Cao Lỗ, người đã phát minh ra nỏ thần diệt giặc dưới thời Thục An Dương Vương. Bí kíp lẫy nỏ này chính là Dịch lý được thể hiện trên trống đồng (Đồng Cổ Dịch).
Cao Lỗ hay Lư Cao Sơn cũng là vị tổ nghề rèn, thờ ở nhiều nơi.
Nghề luyện kim đồ đồng đã đạt đỉnh cao dưới thời Thương Chu mà các thủ lĩnh luyện kim cũng là các thủ lĩnh quốc gia ở thời này. Mẫu hình của Chu Công – Đồng Cổ là tấm gương sáng về đạo hiếu, gây được nhân đức, cải được thiên mệnh về cho nhà Chu dựng nước Văn Lang thịnh trị trong gần 1000 năm văn hiến.

Cao Biền, vị tổ nghề gốm và địa lý phong thủy
Một vị tổ nghề quan trọng là Cao Vương Biền, tiết độ sứ khu vực nước ta dưới thời nhà Đường. Làng Kim Lan bên bờ sông Hồng là nơi thờ Cao Vương Biền làm thành hoàng và như vị tổ nghề gốm. Làng này cùng với Bát Tràng là làng gốm sứ lâu đời. Kim Lan chuyên về gốm xây dựng như gạch ngói,…  Kim Lan cũng là nơi có di chỉ khảo cổ Hàm Rồng với việc phát hiện các loại gạch từ thời Đường là gạch mang dòng chữ Giang Tây quân.
Câu đối ở đình Kim Lan:
Tĩnh Hải chân truyền từ đào nghiệp
Giang Tây chuyên trúc Đại La thành.
Dịch:
Thầy Tĩnh Hải truyền nghề gốm sứ
Gạch Giang Tây đắp Đại La thành.
Gạch Giang Tây quân là loại được phát hiện ở lớp xây dựng dưới cùng trong di tích Hoàng thành Thăng Long trong những năm gần đây. Vậy mà làng Kim Lan từ lâu đã biết tới điều này, còn sớm hơn cả những nghiên cứu khảo cổ học chính thống. Bởi vì họ duy trì được tục thờ tổ nghề là thờ Cao Biền từ thời Đường.
Phải nói thêm là chính Cao Biền chứ không phải ai khác được thờ làm Trấn Nam thành Thăng Long dưới tên Cao Sơn Đại Vương. Cao Vương không chỉ là tổ nghề gốm mà còn là một tổ nghề về địa lý phong thủy, trấn trạch nổi tiếng của nước ta.
Tiết độ sứ Cao Biền còn được thờ ở rất nhiều nơi suốt dọc từ Bắc và Nam dưới tên Cao Các đại vương. Đây là vị thành hoàng gặp phổ biến ở Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí các vùng Thừa Thiên Huế, tới tận Khánh Hòa. Tín ngưỡng thờ Cao Vương bắt nguồn từ công nghiệp an dân, trị quốc của Tiết độ sứ Cao Biền.

Không Lộ và Từ Đạo Hạnh thiền sư
Sang thời kỳ độc lập của nước Đại Việt dưới triều Lý, tục thờ tổ nghề gắn liền với tín ngưỡng dân gian, cụ thể là đạo Giáo hay đạo phù thủy ở nước ta. Thời này nổi lên các vị tổ nghề như Không Lộ thiền sư (nghề đúc đồng), Từ Đạo Hạnh (nghề múa rối nước và hát chèo). Thánh tổ Không Lộ thiền sư nổi tiếng bởi phép thuật thần thông, sang phương Bắc dùng một chiếc túi mà thu hết đồng mang về nước Nam, đúc nên Tứ đại khí An Nam.
Không Lộ thiền sư còn là 1 trong 4 vị Tứ bất tử của nước ta. Mỗi vị thần bất tử là một vị đạo trưởng một đạo phái trong lịch sử phát triển tín ngưỡng của người Việt. Không Lộ là tổ không chỉ của nghề đúc đồng mà còn là thánh tổ của đạo Giáo dân gian, rất phát triển và có đóng góp lớn trong công cuộc dựng nước thời nhà Lý.
Tục thờ Không Lộ còn gắn với tục diễn trò rối đầu gỗ hay trò Ổi Lỗi. Đây là một hình thức diễn tấu thờ thánh, tái hiện lại sự nghiệp diệt thần Xương Cuồng (thần Hổ) của thánh tổ Không Lộ. Nhưng trò diễn này cũng là loại hình diễn xướng dân gian, mà trong lĩnh vực này thiền sư Từ Đạo Hạnh được coi là vị thánh tổ của nghề hát chèo và múa rối.

IMG_9081
Đình Kim Ngân ở phố Hàng Bạc, nơi thờ bách nghệ tổ sư Hiên Viên Công Tôn Thần.

Thay cho lời kết
Ta thấy, vấn đề thường “mắc” khi nói tới các tổ nghề nước ta là không hiểu vì sao người Việt  lại toàn thờ các nhân vật Trung Hoa làm tổ nghề, như Hiên Viên Hoàng Đế, Cửu Thiên Huyền Nữ, Lỗ Ban, Cao Biền,… Dưới một góc nhìn mới và thông qua các tư liệu dân gian, cùng các di tích, di vật còn lưu lại tới nay đã có thể nhận ra, đây hoàn toàn không phải là các làng nghề “thờ nhầm” hay do ảnh hưởng văn hóa ngoại lai, mà thực chất các vị tổ nghề đó chính là tổ tiên người Việt trong mỗi thang bậc phát triển của khoa học kỹ thuật và văn hóa xã hội Việt. Thờ tổ nghề do đó đi liền với đạo Hiếu – đạo thờ các vị tiền nhân có công trong tiến trình lịch sử dựng và giữ nước.
Ta thấy các vị tổ bách nghệ cũng là những vị quốc tổ, quốc mẫu của dân tộc. Ngày nay, có biết “tôn sư” thì mới “trọng đạo”. Muốn làm nghề tốt (“đạo”) thì cần tôn thờ những người có công khai mở nghề nghiệp. Đó cũng là Hiếu đạo.
Cây có cội, nước có nguồn. Quá khứ không phải là điều đã qua và qua rồi là hết. Lịch sử một đất nước, một dân tộc như phần rễ cây chìm trong lòng đất, không nhìn thấy nhưng lại quyết định khả năng vươn cao của cây. Rễ có sâu, có to thì thân và cành lá mới xum xuê vững chãi. Nền văn minh chói ngời của cha ông một thời soi đường cho cả Thiên hạ là sức mạnh tinh thần to lớn thúc đẩy con cháu ngày nay xốc tới. Thờ tổ nghề, thờ tổ tiên là tìm lại di sản tinh thần và trí tuệ của cha ông để lại cho chúng ta hôm nay.

 

Các vị Nam Giao học tổ bên sông Hát

Bản thần tích đình Nga My Thượng (Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội) được sao y bản chính từ bản thần tích lưu giữ ở Đền Hùng vào năm Thành Thái thứ 11 kể về 2 vị thành hoàng làng là Thiện Nguyên và Quang Lai như sau:
Thời Long Biên nước ta còn nội thuộc vua Hán Chiêu Đế. Bấy giờ có ông họ Đặng, tên húy là Vận, tổ tiên được tước phong, con cháu nối đời tập ấm. Ông lấy người trong quận họ Tạ, tên huý là Thị Cẩn, cũng là con nhà thi lễ, dòng dõi trâm anh, thật là môn đăng hộ đối. Ông dạy học song lại giỏi chữa thuốc thường thích làm việc thiện và cứu giúp những người nghèo khổ.
Ông đã ngoài 60, vợ cũng ngoài 40 tuổi mà chỉ sinh được mấy người con gái, chưa có con trai. Vì thế ông bà đem người cháu tên là Quang (sinh giờ Mão, ngày mồng 9 tháng Giêng năm Kỷ Dậu) vốn không có nơi nương tựa về nuôi.
Về sau ông bà sinh hạ được ông Thiện (sinh giờ Sửu, ngày 12 tháng 11 năm Giáp Ngọ), tướng mạo khác thường, thông minh dĩnh ngộ. Mới 3 tuổi đã hiểu lễ nghĩa, biết kính, nhường, nghe học đã thuộc, nghe nhạc nhớ ngay. Bảy tuổi đến trường học, 13 tuổi thông hiểu sử sách, lại giỏi cả võ nghệ, sĩ tử đương thời đều bái phục và xưng tụng là Thánh đồng.
Năm 18 tuổi, cha mẹ đều qua đời (ngày mùng 5 tháng 5 Giáp Thân). Ba năm cư tang xong, ông cùng người em họ là Quang rất quan tâm đến việc đạo nghĩa để dạy dỗ sĩ dân.
Nghe tin ở Giao Châu giáo hóa chưa được rõ ràng, tôn ty trật tự chưa có nề nếp, ông dần dần đem điều thiện cải hóa mọi người, khiến dân chúng sau này đầu biết lễ nghĩa, phong tục tốt đẹp ở Nam Châu đều nhờ công lao của ông
Dân chúng rất kính trọng, suy tôn ông làm Châu trưởng. Lúc đó vua Chiêu Đế nhà Hán sai Chu Chương làm Thái thú Giao châu. Nghe tin ông đã dạy dỗ và được dân cảm phục, liền dâng sớ tiến cử, vua Hán rất khen ngợi, phong cho ông vào hàng các quan lớn tước Hầu.
Nhận chức xong, ông liền đi thăm thú các huỵện ấp, xem xét dân tình. Chợt đến Trại Nga My bên bờ sông, thấy dân chúng nơi đây chất phác, ít được học hành, ông bèn truyền lệnh dựng nhà ngay trên bờ sông để dạy dân chữ nghiã. Mới được một năm, dân ở đây ai cũng kính trọng ông.
Gặp lúc quận trưởng của 7 quận: Châu Nhai, Đạm Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngung, Lộc Lãnh nổi loạn, đời sống của dân chúng náo động. Vua biết tin, hỏi ý các đình thần để trù tính kế sách dẹp giặc.
Thái thú bản Châu là Sầm Bành biết ông là người đức độ, được dân mến phục, ắt có thể dẹp được loạn, liền tiến cử vua. Nhà vua ưng thuận sai ông làm chức Châu thú đem quân đi dẹp giặc. Ông bèn trao cho ông Quang thay mình ở lại hành tại Nga My dạy dỗ, giáo hóa dân. Đồng thời ông tuyển chọn được hơn 500 gia thần đi theo. Ông lại truyền hịch đi các quận huỵện, người tình nguyện đi theo kể tới vài vạn; ấn định ngày giờ, đoàn quân tiến thẳng đến áp đảo quận Cửu Chân. Ông lệnh cho tướng sĩ chia nhau đóng đồn kiên thủ không ra khiêu chiến. Nhân đó lại sai quan văn viết hịch, lấy tín nghĩa để hiểu dụ, lấy họa phúc để răn đe giặc. Nghe những lời lẽ xác đáng, bọn giặc tỉnh ngộ bó giáo lai hàng, 7 quận trở lại yên ổn thanh bình, ông bèn chỉnh đốn quân sĩ trở về phủ (tức đất Long Biên).
Từ khi ông làm Thái thú, hình phạt được giảm nhẹ, dân chúng đều an cư lạc nghiệp. Lúc rảnh việc, ông lại trở về hành tại Nga My giảng giải cho dân những điều ân nghĩa, dân chúng đều bái tạ, nhân xin lấy chỗ hành tại, khi ông sống thì làm sinh từ, khi ông mất sẽ làm nơi thờ phụng. Ông ưng thuận rồi cùng ông Quang trở về Châu huyện, sai thay mình đến cống vua Hán, đồng thời cho ông Quang làm việc ở phủ.
Lúc đó ông đã 70 tuổi, một hôm đang ngồi ở phủ đường, ông bỗng thấy một luồng ánh sáng đỏ từ trong người bay vút lên không trung rồi biến mất. Ngày hôm đó, ông không bệnh tật gì mà hóa (vào ngày 10/8 năm Bính Ngọ). Ông Quang đem sự việc tâu lên, vua sai sứ đến tế và an táng ngay ở đó (Long Biên), lại phong cho làm phúc thần cho dân phủ lập miếu thờ phụng. Ngoài ra những nơi như Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, Hải Dương, Nga My, thường được hưởng sự giáo hóa của ông đều được rước mỹ tự về thờ phụng.

IMG_8841
Đình Nga My Thượng, Thanh Mai, Thanh Oai, Hà Nội.

Sau khi ông qua đời, vua Hán sai ông Quang thay quyền cai trị ở phủ. Đến thời vua Ai Đế nhà Hán, Đặng Nhượng làm Thái thú đô hộ, gặp lúc Vương Mãng nổi loạn, Đặng Nhượng sai ông Quang đi trấn giữ cửa ải.
Quân ông vừa đi đến Sơn Nam, bất ngờ quân Hán rầm rập kéo đến. Ông nói, quân Hán đang đánh nhau với Vương Mãng thì cớ gì lại kéo sang nước Nam, liền sai đóng cửa quan không cho vào. Tướng Hán rất tức giận sai phá cửa quan tiến thẳng vào địa phận nước ta. Thấy quân Hán cứ ào ào kéo vào, thế rất mạnh, ông lập tức rút quân về Nga My.
Chẳng bao lâu quân Hán đến kịp, nhân lúc đêm tối, chúng bủa chặt vòng vây. Ông cưỡi ngựa xông ra cự chiến, đến bên đường, ông ngửa mặt lên trời mà than rằng: Kẻ bề tôi thờ vua dẫu chết vẫn không hai lòng, không ngờ đến nông nỗi này, có lẽ chỉ có trời mới hiểu ta chăng; nói rồi ông hóa ở xứ Khu Đống (nhằm ngày 10/2 năm Đinh Mùi).
Trong khoảnh khắc, nước sông cuộn sóng sôi sùng sục, thuồng luồng, ba ba nổi đầy mặt nước. Quân Hán kinh sợ bèn bỏ chạy. Đặng Nhượng đích thân chỉ huy tù trưởng lấy quân đi dẹp giặc, quân Vương Mãng không dám kéo đến xâm lược nữa. Từ khi ông Quang qua đời, dân ấp thờ phụng cả hai người  ở trại Nga My.
Đời Bình Đế, nghe tiếng các ông có nhiều công tích với nhà Hán, bèn sai sứ ban sắc phong tặng là:
– Thiện Nguyên Công, Tế thế, Hộ quốc, Đại vương
– Quang Lai công, Dực vận Hiển hựu, Đại vương.
Cho phép các đền ở Nga My, Cửu Chân, Nhật Nam, Hải Dương cùng thờ phụng hai ông.
(Theo blog của TS. Nguyễn Đình Đức)

IMG_8893
Linh Thiện quán ở thôn Nga My Thượng.

2 vị thành hoàng Thiện Nguyên và Quang Lai còn được phụng thờ riêng ở 2 quán trong thôn Nga My Thượng là quán Linh Quang và quán Linh Thiện, mang tên 2 vị này.
TS. Nguyễn Đình Đức, người địa phương đã có sự so sánh 2 vị thành hoàng này với các vị Thái thú Tich Quang và Nhâm Diên:
+ Nhâm Diên 12 tuổi được xưng là Thánh đồng, Thiện Đại Vương 13 tuổi cũng được xưng tụng là Thánh đồng. Hai người đều được dân lập sinh từ (thờ lúc còn sống) để thờ.
+ Quang Đại Vương và Tích Quang có tên húy trùng nhau.
+ Hai Đại Vương đều có công với dân và được thờ phụng. Trong các quan lại thời  nhà Hán, ngoài Sĩ Nhiếp ra, chỉ có Nhâm Diên và Tích Quang là được đánh giá có công với dân và được thờ. Hai Đại Vương của làng ta cũng có công như vậy ít nhất là trong phạm vi quận Long Biên, nhưng không thấy sách nào nói đến.
Sự so sánh trên rất hợp lý. Các thái thú dưới thời Hán có công dạy giáo hóa nhân dân thì phải là Nhâm Diên, Tích Quang của chính sử. Theo Hậu Hán thư thì “Nhâm Diên khi làm thái thú Cửu Chân đã hòa giải được với man Dạ Lang để giảm được quân tuần tra đồn trú“. Trong thần tích Nga My Thượng kể ông Thiện cũng đã hiểu dụ quân nổi loạn ở Cửu Chân.
Như vậy cả Nhâm Diên và Tích Quang, hai thái thú cuối thời Tây Hán có thể đều là những người Việt địa phương, quê ở khu vực tổng Nga My bên sông Hát này.
Một loạt các di tích khác ở vùng này liên quan là cụm đình đền Liên Bạt (Ứng Hòa) thờ ba vị đại vương họ Đặng là Đặng Sĩ, Đặng Xã và Đặng Lang. Rõ ràng đây là bộ ba anh em họ hàng Đặng Nhượng, Nhâm Diên, Tích Quang cai quản châu bộ cuối thời Tây Hán. Hay như ở đình Áng Phao (Cao Dương, Thanh Oai) thờ một vị Cư sĩ chống Hán cũng là giai đoạn và nhân vật này.

P1160368
Phương đình đình Áng Phao, Cao Dương, Thanh Oai, Hà Nội.

Đặc biệt trong thần tích Nga My Thượng kể lại việc thái thú Quang chống giặc như sau:
Đến thời vua Ai Đế nhà Hán, Đặng Nhượng làm Thái thú đô hộ, gặp lúc Vương Mãng nổi loạn, Đặng Nhượng sai ông Quang đi trấn giữ cửa ải. Quân ông vừa đi đến Sơn Nam, bất ngờ quân Hán rầm rập kéo đến. Ông nói, quân Hán đang đánh nhau với Vương Mãng thì cớ gì lại kéo sang nước Nam, liền sai đóng cửa quan không cho vào. Tướng Hán rất tức giận sai phá cửa quan tiến thẳng vào địa phận nước ta. Thấy quân Hán cứ ào ào kéo vào, thế rất mạnh, ông lập tức rút quân về Nga My. Chẳng bao lâu quân Hán đến kịp, nhân lúc đêm tối, chúng bủa chặt vòng vây. Ông cưỡi ngựa xông ra cự chiến, đến bên đường, ông ngửa mặt lên trời mà than rằng: Kẻ bề tôi thờ vua dẫu chết vẫn không hai lòng, không ngờ đến nông nỗi này, có lẽ chỉ có trời mới hiểu ta chăng.
Thái thú Quang dưới thời Vương Mãng đã đóng quan ải và chống lại quân Hán xâm chiếm vùng Giao Châu, hy sinh trong trận. Quân Hán ở đây rõ ràng là quân Đông Hán của Sầm Bành – Lưu Tú chứ không phải của nhà Tây Hán vì lúc này nhà Tây Hán đã được thay thế bởi triều Tân của Vương Mãn.
Kẻ bề tôi thờ vua dẫu chết cũng không hai lòng“. Tích Quang đang là thái thú dưới triều đại của Vương Mãng, nhất định không phản vua, đầu hàng giặc Hán (Đông Hán). Đây mới thực sự là ý nghĩa của lời trăng trối này.
Sử Tàu đã nhập nhèm coi 2 triều đại Tây Hán từ Lưu Bang và Đông Hán của Lưu Tú như một dòng liên tục. Thực chất đây là 2 triều đại riêng biệt của 2 nhóm tộc người khác hẳn nhau. Nhà Hán của Lưu Bang là “hảo hán”, trong đó các vua đều có tên xưng là Hiếu (hảo). Đây là triều đại của người Bách Việt vì bản thân Lưu Bang là người Việt phương Nam. Triều đại này còn được biết với tên là Viêm Lưu, chỉ rõ nguồn gốc phương Nam của  triều đại Lưu Bang.
Còn nhà Hán của Lưu Tú bắt nguồn từ vùng phía Bắc Hoàng Hà, địa bàn gốc của Hán tộc. Đây là dòng “hung hãn”, chỉ người Hung Nô, gọi vua là Hãn.
Vì Đông Hán không phải là người Việt nên Tích Quang, một thái thú người Việt sinh ra lớn lên ở Giao Chỉ, đã kiên quyết chặn giặc và bỏ mình vì nước trong cuộc chiến với Hãn quân.

IMG_5675
Đình ba thôn Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội.

Đôi câu đối ở trụ nghi môn đình Nga My Thượng:
龍編城北秀氣引鍾天柱地維標卓立
涐湄寨南餘靈格鍳庭花野草向春榮
Long Biên thành Bắc, tú khí dẫn chung, thiên trụ địa duy tiêu trác lập
Nga My trại Nam, dư linh cách giám, đình hoa dã thảo hướng xuân vinh.
Dịch:
Thành Bắc Long Biên, khí đẹp dẫn hun, cột trời cõi đất cao sừng sững
Trại Nam Nga My, linh thiêng soi cảm, cỏ nội hoa sân hướng vẻ xuân.
Các vị thái thú và châu mục Nhâm Diên, Tích Quang, Đặng Nhượng là những kẻ sĩ đã hết lòng giảng dạy sĩ dân, giữ gìn phong hóa đất Giao Châu thời đầu Công nguyên. Đạo Nho học trước hết là ở lòng trung hiếu. Các vị đã nêu cao tấm gương trung thành với nước, chống giặc ngoại xâm đến hơi thở cuối cùng. Tôn danh “Nam Giao học tổ” – tổ đạo học đất Nam Giao thật xứng đáng dành cho các vị này.

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương

Câu hát ru mà ở Huế ai cũng thuộc:

Gió đưa cành trúc la đà
Ti
ếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương.

Câu ca dao này nêu 2 danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Huế là chùa Thiên Mụ và đồi Long Thọ (Long Thọ Cương). Đây là 2 địa danh nằm đối diện nhau qua dòng sông Hương, tạo ra một cảnh đẹp thơ mộng của đất Thần kinh.
Ta hãy thử đặt những câu hỏi sâu hơn cho những danh lam thắng cảnh này. Chùa Thiên Mụ và đồi Long Thọ có quan hệ thế nào đối với công cuộc lập nước của nhà Nguyễn ở Thừa Thiên Huế? Tìm trả lời cho câu hỏi này đem lại những điều bất ngờ, phát hiện ngay nguồn gốc của cái tên gọi “Huế” ở nơi đây.

IMG_0932.jpgTháp chùa Thiên Mụ.

Trước hết là về sự tích chùa Thiên Mụ. Việc xây ngôi chùa này liên quan đến vị Thái Tổ của nhà Nguyễn là Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Theo sách Đại Nam thực lục, ngay sau khi quyết định rời bỏ vua Lê chúa Trịnh và về đất Thuận Hóa lập nghiệp chúa Nguyễn Hoàng “đi dạo xem hình thế núi sông, thấy trên cánh đồng của xã Hà Khê thuộc huyện Hương Trà, giữa khu đất bằng phẳng nổi lên một gò cao, trông tựa như hình đầu rồng đang ngoái nhìn lại, phía trước thì có sông lớn, phía sau thì có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp đẽ. Nhân đó mới hỏi chuyện người địa phương, ai cũng nói gò đất đấy rất thiêng.
Tục truyền: Xưa, đang đêm bỗng có người nhìn thấy một bà già mặc áo đỏ, quần xanh, ngồi trên đỉnh gò và nói:
– Sẽ có vị chân chúa đến đây xây chùa để tụ khí thiêng, cho bền long mạch.
Nói rồi bà già ấy biến mất. Bấy giờ, nhân đấy mới gọi là núi Thiên Mụ. Chúa cũng cho là núi ấy có linh khí, bèn cho cất chùa, gọi là chùa Thiên Mụ”.
Bà già mặc áo đỏ” trong sự tích này là ai mà lại hiển linh báo trước sự xuất hiện của một triều đại mới như vậy? Có ý kiến cho rằng đó là Bà Hỏa trong bộ các bà Ngũ hành nương nương. Nhưng… Thiên Mụ, hay bà mẹ trời thì không phải là Ngũ hành. Thiên Mụ gắn với chúa Nguyễn là một nhân vật cấp quốc gia, cao hơn nhiều so với các “hành”, tục thờ Ngũ hành có mức độ thờ phụng thấp hơn nhiều, thường chỉ dùng trong các làng xã. Thiên Mụ ở đây là một vị thần khác.
Trong kinh thành Huế, dưới thời Minh Mạng vua đã cho xây dựng một Đạo quán của kinh thành là quán Linh Hựu 靈祐. Về quán Linh Hựu Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có chép:
Năm Minh Mạng thứ 10, xây dựng quán Linh Hựu tại đầu phường Linh Thái xưa, nằm ở phía bắc sông Ngự Hà trong Kinh thành. Bên trong quán dựng điện Trùng Tiêu. Gian giữa bày 1 cái khám phụng thờ tượng đồng Cửu Thiên Thánh Tổ và 2 tượng đồng Kim đồng, Ngọc nữ. Án thứ nhất bên tả, bày tượng đồng Lục Giáp; án thứ nhì bên tả, bày tượng tổ 72 bộ Địa Sát, do viên đạo lục phụng thờ.
Cửu Thiên Thánh Tổ” là cách viết tắt của “Cửu Thiên Huyền Nữ Thánh Tổ Đạo Mẫu Nguyên Quân”. Vị thần chủ chính của Đạo Giáo được đúc tượng lập quán trong kinh thành của triều đình nhà Nguyễn không phải là Thái Thượng Lão Quân (Lão Tử), mà là Cửu Thiên Huyền Nữ, bà mẹ trời của Trung Hoa cổ đại.
Ở khu vực miền Trung và miền Nam tục thờ Cửu Thiên Huyền Nữ rất phổ biến, từ cấp quốc gia đến trong từng nhà dân vì Cửu Thiên Huyền Nữ được thờ làm thần bản mệnh của các bà vợ trong gia đình. Nhiều nhà ở vùng Phong Điền hay Quảng Trị đặt ban thờ Cửu Thiên Huyền Nữ gọi là Tran Bà.
Thiên Mụ hay Bà mẹ trời, tức là Mẫu Thượng thiên trong tín ngưỡng Tứ phủ của miền Bắc. Mẫu Thượng thiên mặc áo màu đỏ, trùng khớp với sự tích ở chùa Thiên Mụ. Mẫu Thượng thiên còn gọi là Mẫu Cửu trùng, là hình ảnh của Cửu Thiên Huyền Nữ.
Như thế, chùa Nguyễn Hoàng khi bắt đầu mở nước ở phía Nam đã lấy tích Cửu Thiên Huyền Nữ (Linh Mụ – Thiên Mụ) để làm nền tảng tâm linh cho sự nghiệp của mình. Các phủ chúa Nguyễn thường lập ở vùng Kim Long, tức là khu vực chùa Thiên Mụ.
Cũng chính thời gian này xuất hiện cái tên Huế để chỉ vùng này. Tới đây ta có liên hệ quan trọng: tên gọi Huế khả năng bắt đầu từ chữ “Huệ”, nghĩa là ơn huệ. Người Huế thường nói vui phát âm Huế thành Huệ. Thừa Thiên Huế là Thừa Thiên Huệ, nghĩa là nhận ơn huệ của Trời. Có thể thấy nếu chỉ có tên Thừa Thiên thì sẽ cụt ý. Nhưng nếu thêm Thừa Thiên Huế thì ý nghĩa rất rõ ràng. Đây cũng chính là nghĩa của sự tích chùa Thiên Mụ đã kể trên. Chúa Nguyễn Hoàng đã nhận ơn ban theo Thiên mệnh để mở nước lập quốc ở phương Nam.
Mỗi triều đại khi lập quốc thường xây dựng một huyền thoại để khẳng định tính “chân mệnh thiên tử” của mình. Nhà Lý khi dời đô đã lấy tích rồng vàng bay lên trên sông Nhị mà đặt tên đô thành là Thăng Long. Lê Lợi với cây Ỷ Thiên kiếm trả lại cho Rùa vàng hồ Gươm cũng là ý khẳng định mệnh trời cho nhà Lê. Nhà Nguyễn khi xây dựng một nền độc lập ở phía Nam, dứt bỏ nhà Lê, đã có chuyện nhận ơn mệnh của Thiên Mụ – Cửu Thiên Huyền Nữ mà lập nên xứ Huệ (Huế).

IMG_0660.jpg
Huệ Nam điện.

Một dẫn chứng khác về khả năng Huế vốn là Huệ là tên của điện Hòn Chén. Điện Hòn Chén có tên là điện Huệ Nam, thường được giải thích là “ban ơn huệ cho nước Nam”. Nhưng cũng có thể Huệ Nam nghĩa là vùng Nam Huế, tức là còn có vùng mang tên Huệ ở phía Bắc. Phía Bắc của điện Hòn Chén theo dòng sông Hương chính là khu vực Kim Long của các phủ chúa Nguyễn và chùa Thiên Mụ.
Một truyền thuyết khác ở chùa Thiên Mụ kể:
Đồi Hà Khê rất thiêng, khoảng đời nhà Đường có viên đại tướng tên là Cao Biền từng đi khắp các nơi núi non sông biển nước ta xem nơi nào có khí linh thiêng thì tìm cách yểm đi. Cao Biền thấy trên đồi Hà Khê có khí thiêng, bèn đào sau chân đồi để cách mạch đi, khiến cho linh thiêng về sau không cư tụ được. Đêm hôm đó bỗng có một người đàn bà thể sắc trông thì còn trẻ nhưng mái tóc bạc phơ, mình vận áo đỏ ngồi dưới chân đồi than vãn, rồi cất tiếng nói to: “Đời sau nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều thì nên lập chùa thờ Phật, thỉnh cầu linh khí trở về nơi núi này để phúc dân giúp nước, tất không có gì phải lo”. Người đàn bà ấy nói xong biến mất. Từ đó gò đất được gọi là núi Thiên Mụ.

IMG_9562Cổng đình Dương Xuân Hạ ở chân dãy Hàm Rồng, nơi thờ Cao Các đại vương.

Ở truyền thuyết này ta thấy hiện diện nhân vật Cao Biền từ thời Đường ở Huế. Các nhà nghiên cứu hiện cho rằng Cao Biền lúc này “chưa đủ thăm quyền” để vào sâu phía Nam như vậy. Nhưng thực tế, chuyện Cao Biền ở miền Trung và Nam Trung bộ là hoàn toàn có thể nếu biết rằng Cao Biền đánh dẹp quân Nam Chiếu chính là ở vùng miền Trung Việt, chứ không phải ở bên Vân Nam.
Có thể ý nghĩa của nhân vật Cao Biền ở đây là chúa Nguyễn nhận ơn mệnh trời đã tiếp tục công cuộc Nam chinh mà Cao Vương đã khởi xướng.
Dấu vết của Cao Biền, thầy địa lý phong thủy nổi tiếng này ở Huế thực ra có rất nhiều, nhưng được lưu truyền dưới một tên gọi khác là Cao Các đại vương. Rất nhiều làng xã ở Huế khi mới hình thành đều lập am thờ Cao Các đại vương. Một loạt các làng ở Huế có tục thờ Cao Các như thôn Vỹ Dạ, Nguyệt Biểu, Dương Xuân…

IMG_9878.jpgAm thờ bài vị: Bổn vi Cao Các tôn thần nguyên phong tặng hoằng mô vĩ lược đôn hậu phu hữu trạc dương trác vĩ mông gia tặng dực bảo trung hưng thượng đẳng thần ở thôn Vỹ Dạ, Huế.

Các nhà nghiên cứu cho rằng tục thờ Cao Các ở miền Trung là do người dân di cư từ vùng Thanh Nghệ vào mang theo. Dù là vậy, nhưng bản thân Cao Các Mạc Sơn ở Thanh Hóa, Nghệ An cũng chính là Cao Vương Biền, người đã tiến quân vào sào huyệt của Nam Chiếu ở Tây Thanh Nghệ, lưu dấu ấn sâu đậm vào tiềm thức dân gian của vùng này.
Khu vực thờ Cao Các (Cao Biền) ở Huế nằm ở phía bên này sông Hương, đối diện với chùa Thiên Mụ. Đây cũng chính là khu vực của dãy núi Long Thọ, nơi có giếng Hàm Rồng linh thiêng.
Trên đỉnh đồi trong dãy Hàm Rồng thời Minh Mạng đã từng dựng miếu Lịch Đại Đế Vương, hay miếu Lịch Đợi. Miếu là nơi triều Nguyễn thờ các vị tiền tổ từ thời thượng cổ tới thời Lê. Đặc biệt gian giữa chính thờ của miếu Lịch Đợi thờ Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế. Hai gian bên thờ các vị vua thời Tam Đại Trung Hoa là Hạ Vũ, Thương Thang, Chu Văn, Chu Vũ.
Cũng như việc coi Cửu Thiên Huyền Nữ là người ban thiên mệnh của chúa Nguyễn Hoàng, một lần nữa ở miếu Lịch Đợi ta lại thấy các vua Nguyễn đã nhận các vị vua Tam Hoàng Ngũ Đế của Trung Hoa cổ đại làm tiền nhân của mình, đoàng hoàng công bố với bàn dân thiên hạ rằng mình được nhận ơn huệ của Trời, tiếp ngôi Cửu trùng, xứng danh một quốc gia độc lập, hùng mạnh trên vùng đất Đại Việt Nam.

2018-11-11Bản đồ các di tích vùng Thiên Mụ – Long Cương.

Nếu hình dung miếu Lịch Đợi trên dãy núi Hàm Rồng như một dạng “mả táng hàm rồng” thì chùa Thiên Mụ với ngôi tháp trên đồi cao ở đối diện bên kia sông Hương giống như một chiếc cột hoa biểu tượng trưng thường gặp trong các di tích sơn lăng nhà Nguyễn ở Huế.
Đáng tiếc là miếu Lịch Đợi ở dãy đồi Long Cương này nay không còn nữa. Việc phục dựng miếu Lịch Đợi trong tương quan với chùa Thiên Mụ có ý nghĩa phong thủy lớn đối với cả quốc gia chứ không chỉ cho kinh thành hay cho nhà Nguyễn.

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Cương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Lắng nghe tâm sự đôi đường đắng cay.

 

 

 

Truyền thuyết Chín chúa tranh vua với các nước Chu, Tần

Truyền thuyết Chín chúa tranh vua của người Tày ở vùng Đông Bắc Việt và Quảng Tây kể tóm tắt như sau (theo wikipedia):
Cha của Thục Phán là Thục Chế làm vua nước Nam Cương được 60 năm thì qua đời, khiến cho gia đình họ Thục rơi vào cảnh chia rẽ tranh giành quyền lực. Khi ấy Thục Phán mới tròn 10 tuổi, cháu của Thục Chế là Thục Mô lợi dụng và đưa Thục Phán lên ngôi. Thục Mô nhiếp chính lộng quyền, muốn nhiều lần muốn giết Phán đoạt ngôi vua, khiến chư hầu bất mãn. Nhưng Thục Phán thì vẫn luôn nhẫn nại mong hàn gắn lại gia tộc họ Thục vốn đã bị chia rẽ từ khi cha mình mất. Chín chúa mường (bao gồm 3 Nùng chủ, 2 Dao chủ, 1 Mán chủ, 1 Sán chủ, 1 Tày chủ, 1 Miêu Chủ) không phục kéo quân về bắt Thục Phán đòi chia nhỏ đất ra cho các chúa cai quản và đòi nhường ngôi “vua”. Thục Phán tuy ít tuổi, nhưng từ bé đã thể hiện phẩm chất thông minh hơn người, bày kế cho Thục Mô lừa 9 chúa mường đua sức, đấu đá lẫn nhau.. còn họ Thục thì giải quyết tranh chấp nội bộ và củng cố lực lượng ở kinh đô Thành Bản Phủ, đến khi các phe cánh đấu đá đến sức cùng lực kiệt, Thục Phán mới thâu tóm toàn cục khiến 9 chúa mường quy phục ông. Từ đó, nước Nam Cương dưới tay Thục Phán trở nên cường thịnh… Thục Phán đem quân thôn tính nhiều lãnh thổ của các bộ tộc Bách Việt trên phương Bắc và cả Văn Lang ở phương Nam…
Sau khi tạm yên mặt Bắc, ông ra lệnh cho 2 vị chúa mường đứng đầu 2 bộ tộc là Miêu Chủ và Dao Chủ đem quân của tiến về biên giới các bộ tộc Nam Chiếu cổ (phía Tây Hà Giang), còn mình đem quân đánh thẳng xuống Phong Châu. Khi ấy Văn Lang đã suy tàn, Hùng Vương đời 18 tính háo sắc, thường gian dâm với vợ các tù trưởng dưới trướng mình, tính tình lại độc ác bạo ngược khiến quân dân bất mãn tột độ. Quân đội tinh nhuệ của Thành Bản Phủ chẳng tốn nhiều hơi sức đã hạ được Văn Lang. Chỉ trong vòng 1 tuần, Thục Phán đã giết được Nguyễn Tuấn (phò mã của Văn Lang), vây hãm Phong Châu khiến Hùng Vương phải sợ hãi tự tử. Cùng lúc, các tù trưởng Nam Chiếu ở phía Tây nghe tin Tày Chủ Thục Phán bỏ kinh đô xuống Nam, cùng hợp lực đông tiến thì bị phục binh của Miêu Chủ và Dao Chủ phục sẵn ở Xín Mần đánh cho thua liểng xiểng phải rút chạy về tận địa phận Lào Cai bây giờ.
Dựa vào câu chuyện này mà các nhà sử học hiện nay cho rằng Thục Phán là người Tày ở đâu đó khu vực Đông Bắc Bộ và biên giới Quảng Tây. Người ta gán câu chuyện của người Tày này với Truyện Rùa vàng của người Việt theo Lĩnh Nam chích quái dẫn đến đoạn tiếp theo về Thục An Dương Vương rời đô đến Cổ Loa, xây thành,…
Tuy nhiên xét kỹ truyền thuyết Chín chúa tranh vua của người Tày kể trên ta thấy nó không liên quan gì đến việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa hay Mỵ Châu – Trọng Thủy cả. Rõ ràng đây là một vị An Dương Vương khác, ở một giai đoạn bối cảnh khác.
Trong truyền thuyết người Tày kể Thục Phán đã thâu tóm được 9 Mường do 9 thủ lĩnh Nùng chủ, Tày chủ, Sán chủ, Mán chủ, Miêu chủ, Dao chủ. Sau đó nước Nam Cương của Thục lại còn đụng độ với các tù trưởng Nam Chiếu cổ và cuộc tấn công diệt nước Văn Lang ở phương Nam. Với từng đó dân tộc và đất nước, ta thấy ngay phạm vi của câu chuyện Chín chúa tranh vua không thể chỉ quanh quẩn ở vùng biên giới Bắc Bộ và Quảng Tây như vẫn nghĩ. Câu chuyện này kể về một cuộc đại thống nhất thời trước Công nguyên với quy mô và phạm vi lớn hơn nhiều.
Khi xác định quy mô của câu chuyện này ta sẽ nhận ra đây chính là cách kể ngắn gọn của cuộc chiến giữa các nước thời Chiến Quốc, được thống nhất bởi nước Tần. Mỗi nước thời Chiến Quốc là một tộc người trong Bách Việt. Điển hình Miêu Dao là thành phần chính của nước Sở, nước có diện tích rộng nhất thời này. Người Tày Nùng là thành phần của nước Tống, ở quãng Quảng Đông ngày nay.
9 chúa mường như thế thực chất là 9 nước. Khái niệm “mường” ở đây tương đương với “quốc gia”, tương tự người Lào gọi là Mường Lào, Mường Việt vậy. Họ Thục trong truyện đã thống nhất các mường, hay các quốc gia thời Chiến Quốc, do đó phải là nước Tần. Đất đai nhà Tần nằm ở phía Tây của thiên hạ Trung Hoa nên còn được gọi là Thục, tức là phía mặt trời lặn (thụt).

Chu sang TanVị trí các nước cuối thời Chiến Quốc.

Đoạn sau của truyền thuyết Chín chúa tranh vua kể Thục Phán đánh nước Văn Lang của Hùng Vương. Nếu Thục ở đây là nhà Tần thì rõ ràng đoạn này kể về cuộc chinh phạt của Tần đánh vua Đông Chu ở đất Phong Châu. Vùng Bắc Việt vốn là đất định đô ban đầu của Chu Văn Vương, được gọi là nước Văn Lang. Khi Chu Vũ Vương diệt Trụ, đã dời đô về Kiểu kinh ở phía Tây, bắt đầu thời kỳ Tây Chu. Tới thời Đông Chu kinh đô nhà Chu lại quay trở về vùng đất Văn Lang – Phong Châu cũ, nơi có thành Cổ Loa – Đông Đô.
Vị trí “Nam Chiếu cổ”, tức là vùng Vân Nam là đất Kiểu kinh của Tây Chu. Cuối thời Chiến Quốc vùng đất này do một vị tướng của nhà Chu nắm giữ, được biết dưới tên Trang Kiểu. Trang = T’lang = Lang chỉ thủ lĩnh. Kiểu là tên của kinh đô Tây Chu. Trang Kiểu nghĩa là thủ lĩnh vùng Kiểu kinh.
Miền Bắc Việt lúc đó là đất Lạc (Lạc Dương – Đông Chu). Còn Vân Nam là đất Tây Âu của phần Âu trong nước Âu – Lạc. Phần Đông Âu là khu vực Quý Châu hay đất Kiềm. Quý Châu lúc này là điểm nằm giữa Tần (từ đất Thục – Tứ Xuyên), Sở (Hồ Nam), Đông Chu (Bắc Việt) và Tây Chu (Điền – Vân Nam).
Sách Hoài Nam tử cho biết nhà Tần khi dẫn đại quân đánh Việt đã giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống. Dịch Hu Tống đọc khác đi là Dịch Hậu Tông, tức là con cháu của vua Dịch học. Tướng Trang Kiểu là vốn là dòng dõi nhà Chu từ Chu Văn Vương. Văn Vương là người được tôn làm vua Dịch học vì đã viết Kinh Dịch (Chu Dịch). Do đó Trang Kiểu cũng chính là Dịch Hu Tống đã đụng độ với quân Tần lúc này.
Truyện Chín chúa tranh vua kể các tù trưởng Nam Chiếu cổ đã bị Miêu chủ và Dao chủ  phục đánh. Miêu và Dao là 2 sắc tộc chính của nước Sở thời này. Đoạn truyện này có nghĩa là quân Tây Chu ở Vân Nam đã đụng độ với cánh quân người Sở của Tần.
Cái tên Nam Cương trong truyện có thể hiểu là vùng đất ở phía Nam xưa, tức là phía Bắc nay (phương Nam Bắc nay đã đảo ngược). Nhà Tần lấy mệnh Thủy, dùng màu đen của Ngũ hành, định vị ở phương Bắc nay, cho nên tên gọi của Tần mới là Nam Cương.
Về đất Điền ở Vân Nam tác giả Nguyễn Quang Nhật đã có nhận xét rất xác đáng khi phân tích phiên thiết Di Yên = Điền. Người Điền là người của xứ nóng (yên = ơn là số 2 chỉ phương Xích đạo) di cư tới trong cuộc chia tách Đông Tây của Hùng và Thục, Lạc Long và Âu Cơ hay Hoa và Di.

IMG_0512Trống đồng trong bảo tàng Hà Giang.

Khu vực Vân Nam có dân tộc Di, hay là người Lô Lô, một dân tộc tới nay vẫn còn dùng trống đồng trong đời sống văn hóa. Có thể thấy tên Lô Lô hay La La, Lu là từ chữ Lửa mà ra, chỉ tộc người phương nóng (Bắc xưa), dòng dõi Thần Nông Viêm Đế. Chữ Lô này do đó đồng nghĩa với chữ Yên. Người Lô Lô – Di = Di Yên thiết Điền.
Người Lô Lô theo truyến thuyết có nguồn gốc từ người Khương cổ. Người Khương này không phải ở Tây Tạng như các chú dẫn hay gặp vì rõ ràng Tây Tạng chẳng có bộ tộc nào dùng trống đồng cả. Khương là họ của Viêm Đế Thần Nông, cho thấy người Lô Lô là dòng Thần Nông. Viêm Đế khởi phát từ vùng sông Khương hay Khung Giang, tức là sông Mê Kong ngày nay.
Liên hệ khác, Thục An Dương Vương được các tư liệu truyền thuyết chép là đến từ Ai Lao – Vân Nam. Người Ai Lao Di = La Di, tức là người Lô Lô. Người Di Lô Lô như thế là dân tộc đã theo ông tổ của nhà Chu là Cổ Công Đản Phụ di cư lên núi do cuộc tranh giành quyền lực với Hạ Khải. Truyền thuyết Việt kể là cuộc chia tách Âu Cơ với Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi. Đất Vân Nam Quý Châu là vùng đất khởi nghiệp của nhà Chu, gọi là đất Âu. Ai Lao thiết Âu.
Theo wikipedia: người Lô Lô vốn có chữ viết riêng. Chữ viết của người Lô Lô trước kia là chữ tượng hình, nhưng hiện nay không dùng nữa. Khoảng thế kỷ 14 người Lô Lô đã có chữ tượng hình với 140 bộ thủ. Người ta dùng phương pháp ghép bộ thủ để diễn đạt nghĩa. Chữ được ghi trên các tấm gỗ mỏng, trên da thú hoặc loại giấy dày, thô. Tới nay chỉ có một số gia đình còn giữ lại được một vài mảnh có ghi lại loại chữ đó mà ít ai đọc được.
Như thế chữ viết của người Lô Lô là dạng chữ tượng hình như chữ Nho cổ, chứ không phải bộ chữ hoàn toàn khác. Vì người Lô Lô là hậu duệ nhà Chu nên hiển nhiên chữ viết đó cũng là chữ dùng thời Chu. Có thể đó là chữ Đại triện thời Chu hay chữ Khoa đẩu mà người Việt thường nói tới.

P1100140Chiếc chuông đồng có chữ thời Đông Sơn tìm thấy ở Lào Cai.