Vãn cảnh Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo bất tử

Bài đăng trên Tạp chí Công dân và Khuyến học ngày 28/7/2022 https://congdankhuyenhoc.vn/van-canh-quynh-vien-noi-chu-dong-tu-hoc-dao-bat-tu-179220727152402541.htm

Truyền thuyết về Chử Đồng Tử lấy công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng thứ 3, được lưu truyền trong lịch sử như một cuộc tình duyên đẹp từ 4.000 năm trước.

Chuyện về Chử Đồng Tử và Tiên Dung được khái quát đầy đủ qua câu đối ở đền Đa Hòa tại Khoái Châu, Hưng Yên như sau:

Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Toàn cảnh núi Nam Giới nhìn từ dãy Hồng Lĩnh.

Dấu tích về nơi thành đạo của Chử Đồng Tử

Trong truyền thuyết này ngoài cuộc kỳ ngộ giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử ở bãi Tự Nhiên bên sông Hồng, còn kể tới việc Thánh Chử đã học được phép thuật ở Quỳnh Lâm. Truyền Đầm Nhất Dạ trong Lĩnh Nam chích quái chép: “Đồng Tử bèn cùng lái buôn đi buôn bán. Đến núi Quỳnh Viên, trên núi có am nhỏ, bọn lái buôn thường ghé lại đó lấy uống nước. Đồng Tử lên am chơi, trong am có sư tên gọi Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử, Đồng Tử ở lại học phép, giao tiền cho lái buôn mua hàng. Sau bọn lái buôn quay lại am chở Đồng Tử trở về. Sư bèn tặng Đồng Tử một cây trượng và một chiếc nón mà nói rằng: “Linh thiêng ở những vật này đây”. Đồng Tử trở về, giảng đạo lại cho Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ, liền bỏ phố phường, chợ búa cơ nghiệp, rồi cả hai đều tìm thầy học đạo.”

Một trong những nơi có dấu tích rõ ràng nhất về sự kiện Chử Đồng Tử gặp sư Phật Quang là tại núi Nam Giới, nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Học giả Bùi Dương Lịch từ thế kỷ 18 trong cuốn Nghệ An ký chép: “Núi Nam Giới ở trên bờ biển xã Dương Luật, huyện Thạch Hà… Nơi cao nhất của núi phía Đông Bắc như trán Rồng. Liền ở dưới có một dải sống núi như mũi Rồng. Hai bên tả hữu có hai hòn đá tròn như hình mắt Rồng. Dưới mũi đột ngột nổi lên một ngọn núi tròn giống như đầu mũi Rồng. Dưới đầu mũi có một ao trời rộng độ vài mẫu như miệng Rồng, sâu thăm thẳm. Bốn bên ao nước cỏ lầy lội không thể vào được. Hai bên ao có hai ngọn nhánh ôm lại như râu Rồng. Nước ao chảy quanh co trong đó ra phía Bắc ra biển rồi đổ xuống… Trên bờ ao có hai nền nhà. Tục truyền vào thời Hùng Vương, Chử Đồng tử và công chúa Tiên Dung tu đạo ở đấy, gọi là núi Quỳnh Viên”. 

Bùi Dương Lịch cũng trích bài văn của sách Ốc lậu thoại nói về suối Hiêu Hiêu ở núi Nam Giới rằng: “Suối này ở cõi Nam phục, núi Nam Giới, huyện Thạch Hà. Đời truyền thời Hùng Vương, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đắc đạo ở đây. Hiện nay trên đỉnh núi có một cái Ao tắm, trên bờ cao có hai cái nền nhà …”. 

Trên đỉnh của núi Nam Giới ở Thạch Hà hiện nay vẫn còn một bàn cờ tiên bằng đá trên mặt có kẻ ngang dọc hình bàn cờ, một tảng đá lớn tục gọi là Dấu chân tiên và một khu ao rộng, nước từ ao chảy xuống thành con suối Hiêu Hiêu (Hau Hau). Đây là dấu tích thần tiên nơi Chử Đồng Tử đã đắc đạo bên bờ biển miền Trung.

Sau khi tu hành thành đạo ở Quỳnh Lâm, Chử Đồng Tử nhận được cây gậy thần và chiếc nón thiêng, có phép thuật vô cùng, tham dự vào Âm Dương, có khả năng cải tử hoàn sinh. Chử Đồng Tử được tôn là Chử Đạo Tổ, là một trong những vị tổ của Đạo Giáo ở nước ta. Hình ảnh của bàn cờ tiên cũng là thuật Âm Dương vì cờ là “dịch kỳ”, là dịch lý, tức là quy luật biến hóa của trời đất. Chính nhờ có phép thuật này mà Chử Đồng Tử được coi là vị thần bất tử thứ hai trong bộ Tứ bất tử nước Nam.

Hình ảnh bàn cờ tiên còn được thể hiện qua bức chạm gỗ tiên đánh cờ trước núi Quỳnh Viên ở đền Chiêu Trưng hay đền thờ Vũ Mục công Lê Khôi tại chân núi Nam Giới. Cũng tại đây còn lưu truyền một bài thơ của một nhà giáo người Hà Tĩnh từ những năm 1930 về danh thắng Quỳnh Viên:

Ngàn dặm quan sơn một bước trèo

Gập ghềnh hòn đá ngó cheo leo

Mây bay rải rác màu đen bạc

Suối chảy ồn ào giọng hóc heo,

Sự nghiệp Chiêu Trưng bia đá tạc

Ván cờ Đồng Tử đã phong rêu,

Ai lên ướm hỏi người tiên tử

Núi có tình chi đội mão kiều.

Ván cờ Đồng Tử tuy đã phong rêu, đường lên đỉnh núi Nam Giới đã bị cây cỏ che lấp, nhưng ngọn núi Nam Giới đội mũ mây bên Cửa Sót còn đó. Con suối Hiêu Hiêu vẫn chảy từ Ao Trời trên đỉnh núi với dòng nước ngọt lành còn đó. Những dấu tích về nơi thành đạo của Chử Đạo Tổ như vẫn còn sống động qua 4.000 năm lịch sử.

Bức chạm Tiên đánh cờ trước núi Quỳnh Viên của đền Chiêu Trưng.

Vùng tiên cảnh cổ thuyết Quỳnh Viên

Ở chân núi Nam Giới nay còn dấu vết về nơi Chử Đồng Tử gặp Tiên Phật. Đó là ngôi đền cổ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bên trong đền vẫn giữ được bộ tượng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu bằng gỗ cổ và đẹp lạ. Trong đền có 2 tấm biển rước đề “Đệ Nhất”, “Thánh Mẫu”.  Cũng tại nơi này, ngày nay người ta đã cho lập chùa Quỳnh Viên và lưu truyền là nơi tu hành của vị sư Phật Quang trong truyền thuyết Chử Đồng Tử.

Tấm hoành phi ở chính điện đền Thánh Mẫu ghi “Quỳnh Liễu cung”. Quỳnh Liễu tương đương với Quỳnh Lâm hay Quỳnh Viên. Như thế, vị trí Quỳnh Lâm nơi Chử Đồng Tử gặp sư Phật Quang chính là nơi núi Nam Giới Quỳnh Viên. Vị sư thầy mà Chử Đồng Tử đã gặp liên quan trực tiếp đến Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Cặp câu đối trước đền Thánh mẫu đề:

Thiên thánh chủ hồ Bồng, vườn Lãng

Địa thần tiên biển Rót, núi Quỳnh. 

Chữ “Rót” nghĩa rót nước (ra biển) nay đọc thành Sót, chỉ con sông đổ ra biển. Khu cửa sông ở đây nay gọi là Cửa Sót bên cạnh núi Quỳnh Sơn.

Vị Tiên Phật mà Chử Đồng Tử đã gặp chính là Mẫu Liễu, người được gọi là “Đệ Nhất Thiên Tiên Thánh mẫu”. Theo các sắc phong xưa Mẫu Liễu còn được phong là “Đế Thích Tiên đình”, tức là vị Tiên theo dòng Đế Thích. Theo truyền thuyết Mẫu Liễu vừa là Tiên, vừa là Phật, đã nhiều lần giáng sinh hạ giới và cũng là một trong những vị thần bất tử nước Nam. Lần “giáng sinh” đầu tiên của vị Đế Thích Tiên này không phải ở thời Lê, mà ở thời kỳ Hùng Vương tại Cửa Sót Nam Giới.

Bản thân Vua Trời Đế Thích cũng là thần bất tử và giỏi về dịch kỳ (đánh cờ) như trong chuyện hoàn hồn cho kỳ thủ Trương Ba theo sự tích “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Đế Thích được người Việt tôn là Ngọc Hoàng Thượng Đế, là vị thần được thờ phổ biến trong các điện thờ Phật. Ngay tại chùa Quỳnh Viên ngày nay cũng có tượng cổ thờ Ngọc Hoàng.

Núi Nam Giới Quỳnh Viên ở Hà Tĩnh còn đủ các vết tích Bàn cờ tiên, Ao trời trên đỉnh núi, đền thờ Đế Thích Tiên Quỳnh Liễu cung ở lưng núi và sự tích lưu truyền về ván cờ Đồng Tử ở đền Chiêu Trưng. Tất cả là chứng tích cho một vùng tiên cảnh cổ thuyết Quỳnh Viên.

Bài thơ của vua Lê Thánh Tông ngự đề trên bia đá ở đền Chiêu Trưng tại chân núi Nam Giới ghi lại cảm nhận của vị Hoàng đế nước Việt trước cảnh thần tiên như cửa Trời Thượng Đế của danh thắng Quỳnh Sơn:

Quỳnh Viên chuyện cũ lưu tên núi

Vũ Mục đền nay trải mấy đời

Giang hồ bỗng tỉnh ra điều mộng

Tưởng đã cưỡi bè tới cửa Trời.

Vũng Rồng ở chân núi Nam Giới, nơi có đền Thánh mẫu và đền Chiêu Trưng.
Hoành phi “Quỳnh Liễu cung” của đền Thánh mẫu Cửa Sót.
Tam Tòa Thánh mẫu ở Quỳnh Liễu cung.
Tấm bia có khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông về Quỳnh Viên ở đền Chiêu Trưng.

Tam Lang Long Vương, những người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển

Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng

Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi.

Câu đồng dao tưởng như nói chuyện vu vơ, nhưng lại là một câu chuyện lịch sử thật sự cách đây 4.000 năm từ khi cha Rồng Lạc Long Quân dẫn những người con xuống chia trị miền duyên hải.

Sách Nghệ An phong thổ ký chép: “Xưa ở Chỉ Châu có hai vợ chồng ông Mái, mụ Mái đã luống tuổi mà chưa có con. Một hôm người vợ nhặt được ba quả trứng về nhà, chồng đem bỏ vào cái chậu. Ít lâu sau ba quả trứng nở thành ba con rắn, ông bèn thả xuống ngã ba sông, bỗng mưa gió nổi lên ầm ầm lúc sau mới lặng. Nhưng hôm sau thì ba con rắn trở về quấn quýt bên ông bà, ông đi đâu rắn cũng theo đi. 

Một hôm, ông ra bờ cuốc ruộng, ba con rắn bò lượn xung quanh tỏ ý rất vui vẻ, nhưng không may ông vô tình cuốc nhằm một con làm đứt đuôi. Ba con rắn cùng bỏ đi ẩn dưới vực Đan Hai. Về sau ba con rắn thành Thần được dân Chỉ Châu lập Miếu thờ gọi là Tam Lang Long vương”.

Đền Tam Lang Long Vương ở Chỉ Châu nay thuộc xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Di tích này được biết với tên đền Sắc vì tới nay còn lưu giữ được 86 đạo sắc, phần lớn phong cho các vị thần là Ông Cả, Ông Hai, Ông Ba Long Vương. Các sắc phong này có niên đại từ năm Thịnh Đức thứ 5 (1657) thời Hậu Lê đến năm Thành Thái thứ 13 (1992) thời Nguyễn. Đền nằm trong cùng một khuôn viên với di chỉ khảo cổ quốc gia Thạch Lạc trên núi Sò điệp, nơi từng phát hiện được di cốt người tiền sử có niên đại 4.000 – 5.000 năm.

Niên đại trên 4.000 năm lịch sử ở vùng đất ven biển của cư dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản (sò điệp) mang tên Thạch Lạc thờ các vị Long Vương thì chắc chắn liên quan đến sự kiện cha Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển. Truyện Họ Hồng Bàng kể: “Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước… Long Quân lấy Âu Cơ, trong năm sinh ra một bọc trứng, cho là điềm bất thường, vứt ra ngoài đồng; qua bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi…”

Đoạn truyền thuyết này rất giống với sự tích Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh như được chép ở Miếu Ao Thạch Trị hay đền Sắc Thạch Lạc. Tiếp theo, khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay, Long Quân nói: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc … Ta đem năm mươi trai về thủy phủ chia trị các xứ, nàng đưa năm mươi trai về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên”.

Lạc Long Quân cùng 50 người con trai về Thủy phủ không phải ở một chỗ mà là “chia trị các xứ”, là các nơi đầu khe góc biển. Chính vì thế mà ở rất nhiều vùng sông nước và ven bờ biển còn lưu lại những sự tích về các vị Long Vương Thủy phủ của thời kỳ này. Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh là một trong số đó. 

Sự tích Tam Lang Long Vương có thể gặp đầu tiên là tại vùng Ngã ba Việt Trì nơi cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ chia tay lên rừng xuống biển. Thần tích ở làng La Phù (Thanh Thủy, Phú Thọ) kể về Thánh mẫu Động Đình Phan Cù Nương sinh ra 3 con trai được phong làm các vị thủy quan, đi trấn nhậm các nơi. Tương tự ở làng Đào Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) có bà Trang Hoa, vợ của ông Hùng Hải, sinh ra ba bọc trứng, nở ra 3 con rồng, rồi hóa thành 3 người con trai, đặt tên là Đạt Công Long Vương, Mãn Công Long Vương và Uyên Công Long Vương. Ba người con được cử đi trị nhậm ở vùng sông Đà, sông Thao. Vùng Động Đình ở Phú Thọ là chỉ khu vực sông nước quanh Ngã Ba Hạc.

Dòng sông Hồng bắt đầu từ hợp lưu của ba sông Đà, Lô, Thao tại Ngã Ba Hạc đổ ra biển ở vùng Thái Bình. Nơi đây cũng có sự tích về 3 con Hoàng xà ở đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ). Nàng Quý đi tắm ở sông Đào, cảm động với giao long mà có thai, sinh được một bọc, nở ra 3 con Hoàng xà. 3 con rắn sau hóa thành 3 chàng trai giúp vua Hùng đánh giặc. Con Hoàng xà lớn nhất trở thành Vĩnh Công Đại Vương Bát Hải Động Đình, tức là vị đức Vua cha Thoải phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ. Đây cũng chính là hình ảnh của Vua cha Lạc Long Quân, vì Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả ghi rõ, Lạc Long Quân đã “hóa sinh về biển làm đế chủ Thủy Tiên Động Đình Long Quân”. Động Đình ở Thái Bình là vùng đất Đào Động của Vĩnh Công Đại Vương, tức là vùng đất ven biển cửa sông Hồng.

Khi so sánh sự tích Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh với các truyền tích ở vùng sông Hồng thì có thể thấy rõ đây cùng là một sự kiện lịch sử. Hà Tĩnh theo trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả ghi là nơi đã diễn ra cuộc kỳ ngộ giữa cha Tiên Lộc Tục và mẹ Rồng Thần Long tại cửa biển Hội Thống, trên đất Cựu đô Ngàn Hống của vùng núi Hồng sông Lam. Ông Cả Long Vương ở Hà Tĩnh không ai khác chính là người con trưởng của Kinh Dương Vương và Động Đình Long Nữ, tức là vua Lạc Long Quân.

Ở Hà Tĩnh hiện có khá nhiều nơi thờ Tam Lang Long Vương và thường được gọi là đền Cả, như đền ở xã Ích Hậu huyện Lộc Hà, hay xã Xuân Hội huyện Nghi Xuân. Ngay ở xã Thạch Trị huyện Thạch Hà cũng có ngôi miếu thờ Ông Cả Long Vương với tên gọi là Miếu Ao. Nơi đây nổi tiếng với sự linh ứng kỳ diệu qua những câu chuyện như vào các ngày lễ có bóng rồng hiện dưới ao. Ngày chính lễ Tam Lang Long Vương ở Hà Tĩnh gọi là ngày “kỳ phúc lục ngoạt”, tức là lễ cầu phúc vào rằm tháng Sáu Âm lịch hàng năm. Người dân địa phương còn lấy nước từ ao để làm thuốc uống chữa bệnh sau đi đã thành tâm thắp hương cầu thần tại Miếu.

Những câu chuyện của 4000 năm trước, khi người Việt đi xuống khai phá vùng sông nước ven biển, xăm mình chài lưới như những con Giao long trên sóng nước, còn lưu lại đậm nét trong các di chỉ khảo cổ và di tích tín ngưỡng ở vùng đất miền Trung như ở Hà Tĩnh.

Bài thơ Nôm về Tam Lang Long Vương ở đền Sắc Thạch Lạc như còn khắc tạc câu chuyện này:

Giao long được nước vẫy vùng

Anh uy khôn xiết, linh thông khôn lường

Vua Thủy long lòng càng thân ái

Bèn phong cho hà hải khê nguyên…

Uy linh lừng lẫy trời Nam

Thiên thu sùng phụng năm năm lâu dài.

(Bài viết đã gửi đăng trên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học).

Sắc phong thời Hậu Lê năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) cho Ông Ba Long Vương ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Sắc phong thời Hậu Lê năm Chính Hòa thứ 5 (1684) cho Ông Cả Long Vương ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Sắc phong thời Hậu Lê năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) cho Ông Hai Long Vương ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Mảng chạm rồng ở đình Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ.
Đền Sắc Thạch Lạc ở Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Miếu Ao ở xã Thạch Trị, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Mộ tưởng niệm người tiền sử ở di chỉ quốc gia Thạch Lạc.

Vì sao người Việt cần học lịch sử?

Cây có cội, nước có nguồn. Quá khứ không phải là điều đã qua và qua rồi là hết. Lịch sử một đất nước, một dân tộc như phần rễ cây chìm trong lòng đất, không nhìn thấy nhưng lại quyết định khả năng vươn cao của cây. Rễ có sâu, có to thì thân và cành lá mới xum xuê vững chãi. Nền văn minh chói ngời của cha ông một thời soi đường cho cả Thiên hạ là sức mạnh tinh thần to lớn thúc đẩy con cháu ngày nay xốc tới.

Tượng Văn Tuyên Vương Khổng Tử ở chùa Bổ Đà, Việt Yên, Bắc Giang.

Trong cuốn An Tĩnh cổ lục, Hippolyte Le Breton, học giả người Pháp của Viện Viễn Đông bác cổ từng viết về người Việt: “Cái gọi là sự tiến bộ chỉ là truyền thống đang đi lên. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp, con người sẽ bị lôi cuốn theo bản năng xấu. Nước Đại Việt giàu về quá khứ và các bạn nên hiểu rằng chính người chết cai trị người sống. Những đức tính tốt mà chúng ta có, chúng ta nhờ cha mẹ ông bà mà có. Hãy kính thờ vong linh tổ tiên bằng cách phổ biến lịch sử của tổ tiên”.

“Chính người chết cai trị người sống” nghĩa là các bậc tiền nhân đã khuất mới là những người chi phối tinh thần và tư tưởng của chúng ta ngày nay. Xã hội ngày nay là kết tinh của quá khứ. Không học lịch sử để biết về quá khứ, làm sao có thể hiểu được những gì đang diễn ra ngày hôm nay.

Khổng Tử, vị thánh nhân được tôn là người thầy của muôn đời (Vạn thế sư biểu) bởi qua những tác phẩm kinh sách để lại ông đã truyền dạy chúng ta cách sống, cách làm người trong xã hội. Sách Luận ngữ ghi lời của đức Khổng Tử: “Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời. Không học Kinh Thi thì không biết nói năng ra sao”. 

Cùng với Kinh Lễ, Kinh Thi thì Kinh Thư, tức là sách lịch sử thời cổ đại, là một trong Ngũ kinh mà bất cứ người đi học nào cũng phải biết. Những câu chuyện đặc sắc từ Kinh Thư như chuyện thịnh thời Nghiêu Thuấn, những gương hiếu thảo, những hành động dũng cảm, những cách xử trí thông minh… được chọn lọc lưu truyền trong kinh sách. Những điển hình này có giá trị giáo dục, răn dạy, hướng người học đến một nhân cách cao đẹp, mà Khổng Tử gọi là mẫu “người quân tử”: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Học lịch sử không chỉ là để tu dưỡng bản thân, ứng xử trong gia đình, mà còn là để giúp nước và ra hội nhập với thế giới.

Học lịch sử đối với người Việt lại càng quan trọng bởi mở sách sử nước ta ngày nay xem thời kỳ cổ sử thấy thật mông lung. Hàng loạt câu hỏi về tổ tiên, về cha ông người Việt luôn nhức nhối qua từng trang huyền thoại. Cha Rồng, mẹ Tiên là ai? 18 đời Hùng Vương là thế nào? An Dương Vương có thật hay không? Triệu Đà là người Nam hay người Bắc? Lý Bôn, Triệu Việt Vương – những vị đế vương đầu tiên của nước Nam có thật hay không?… Người Việt có thể yên giấc được hằng đêm mà không rõ mình từ đâu mà ra, mình là ai hay không?

Sách sử quốc gia là vấn đề trọng yếu mà mỗi một triều đại khi khởi đầu đều phải quan tâm. Vua Minh Mạng từ khi lên ngôi đã cho thu tập các tư liệu từ các nguồn khác nhau về thời đại dựng nước của người Việt và biên soạn thành cuốn Nam Việt Hùng Thị sử ký. Do tính chất đặc biệt của cuốn Sử ký này nên nó được đặt tên là “Hùng Vương Kim ngọc Bảo giám thực lục” và được nhà vua khâm sắc chỉ ban cho cho các quan đứng đầu các bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình, bộ Lễ và phó sứ đoàn để tuân mệnh sử dụng. Hiểu biết đúng về một lịch sử chân xác là nhận thức căn bản cho việc thi hành các nhiệm vụ trong quân đội (bộ Binh), trong quản lý nhà nước (bộ Hộ), trong văn hóa và tín ngưỡng (bộ Lễ) và trong các hoạt động đối ngoại (sứ đoàn).

Trang cuối bản sao chép tay “Hùng Vương Kim ngọc Bảo giám thực lục” lưu tại đền Vân Luông, Việt Trì, Phú Thọ.

Lịch sử Việt cùng những con người Việt đã làm nên 5.000 năm lịch sử hiện đang bị bụi mờ của thời gian và nhân gian che lấp. Một thời gian dài văn hóa Việt bị đứt gãy khi nền văn minh duy lý của phương Tây tràn vào Việt Nam, thay đổi toàn bộ bộ mặt văn hóa từ chữ viết, trang phục, kiến trúc, kỹ nghệ… Sự thay đổi này đã làm cho người Việt ngày nay mất đi mối liên kết với quá khứ, với tổ tiên, dẫn đến những lệch lạc về văn hóa, nhân sinh trong xã hội hiện đại. Trong bối cảnh đó, nối lại dòng linh khí của tiền nhân Việt là việc làm vô cùng cần thiết và việc học, việc tìm hiểu lịch sử là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết với mỗi người dân Việt.

Lịch sử là sự vận động của xã hội đã từng diễn ra trong quá khứ nên một thang lịch sử chính xác là chỗ dựa cho nhận định, phân tích, nghiên cứu của những môn học khác về văn hóa, dân tộc học, tôn giáo học, khảo cổ học, nhân học… Lịch sử đã qua nhưng nó không mất, mà nó đang sống động trong mọi mặt của đời sống xã hội, trong từng phong tục tập quán, nghi lễ, từng kiến trúc, từng vật phẩm, từng cuốn sách xưa cũng như nay. Lịch sử bắt đầu từ quá khứ và tiếp nối đến tương lai. Nếu hôm nay chúng ta chối bỏ quá khứ thì chắc chắn chính chúng ta sẽ bị tương lai chối bỏ, vì lịch sử là dòng chảy thời gian nối tiếp và liên tục không dừng.

https://congdankhuyenhoc.vn/vi-sao-nguoi-viet-can-hoc-lich-su-179220611200109664.htm

Chữ viết của người Việt thời Hùng Vương

Những bằng chứng khảo cổ của thời trước Công nguyên cho câu trả lời chắc chắn về việc chữ viết đã được dùng phổ biến ở nước ta từ thời Hùng Vương.

Người đi học đầu tiên là “học cái chữ’. Một xã hội văn minh và học tập đầu tiên phải có chữ viết, vì đó là phương tiện căn bản đề truyền đạt tri thức và thông tin từ người này tới người khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Vậy người Viêt cổ liệu đã có chữ viết chưa?

Hoàn tiền (tiền lỗ tròn) có chữ Đông Chu và Tây Chu, tìm thấy ở vùng Bắc Ninh.
Chữ trên vành chiếc thạp đồng ở Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, Thanh Hóa.
Đao tiền thời Chiến Quốc trong mộ thuyền Việt Khê.
Bình đồng Nghi Vệ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Một trong hai chiếc chuông Đông Sơn có chữ của Bảo tào Lào Cai.

Ngay từ đầu thế kỷ 20 vấn đề chữ viết của người Việt cổ đã được thảo luận sôi nổi trong giới trí thức. Có thể kể tới Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Là một học giả uyên thâm của Viện Viễn Đông bác cổ, ông đã dựa trên các ghi chép về số đinh và suất thuế trong Ngọc phả Hùng Vương để đi đến nhận định rằng nước ta thời Hùng Vương đã tồn tại và sử dụng một loại chữ viết riêng.

Lưu truyền rằng chữ viết nước ta thời Hùng Vương là loại chữ khoa đẩu, hay chữ hình con nòng nọc.

Về chữ khoa đẩu ở nước ta, sách Đại Nam nhất thống chí của nhà Nguyễn chép rằng tại đền Đồng Cổ ở Thanh Hóa “có một cái trống đồng, nặng ước 100 cân, đường kính hơn một thước, năm tấc, cao hơn hai thước, trong rỗng không có đáy, bên tai hơi khuyết, trên mặt có chín vòng khuyên, lưng tắt mà rốn kín, bốn bên có giây khắc chữ Thập ngoặc, có chữ như lối chữ Khoa đẩu, nhưng lâu ngày không thấy rõ”.

“Lối chữ Khoa đẩu” chỉ một dạng chữ khắc hoặc đúc trên các đồ dùng kim loại (Kim văn) của thời trước Công nguyên. Loại chữ này được nhắc tới trong bài tựa cuốn Thượng Thư (Kinh Thư) bởi Khổng An Quốc, cháu 12 đời sau của Khổng Tử: “… thời Lỗ Cung Vương, thích sửa sang cung thất, Vương cho phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng thêm. Trong tường nhà tìm được Thư, phần Ngu, Hạ, Thương, Chu cùng Tả Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh, đều viết bằng chữ Khoa đẩu”.

Tứ thư Ngũ kinh là những sách học khoa cử của nhiều thế hệ sĩ tử nước ta, vốn nguyên bản được ghi bằng chữ Khoa đẩu hay chữ Việt cổ của thời Hùng Vương.

Thời đại Hùng Vương được minh chứng qua khảo cổ bởi nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn với những hiện vật điển hình đặc trưng là các loại trống đồng, thạp đồng, bình đồng, chuông voi… được tìm thấy ở nhiều nơi, mà tập trung ở vùng miền Bắc và Bắc Trung bộ. Nền văn hóa Đông Sơn được đặt tên theo nơi tìm thấy chiếc trống đồng đầu tiên ở bên bờ sông Mã của Thanh Hóa.

Ở đây không chỉ có ghi chép về chữ viết trên trống đồng ở đền Đồng Cổ mà còn có chiếc thạp đồng có khắc chữ, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Hoàng Long. Dòng chữ khắc trên vành của chiếc thạp này dùng chữ dạng Đại triện (chữ viết thời Tiên Tần) và có thể đọc được là: “…nhất danh viết Điều đệ vị…”, tạm dịch là “…một đồ vật tên là Điều xếp thứ…”

Một hiện vật nổi tiếng khác là chiếc trống đồng được tìm thấy trong khu vực thành Cổ Loa, được cho là gắn với vua An Dương Vương ở đây. Trên vành trong của trống Cổ Loa có dòng 12 chữ dạng Đại triện, mà có thể đọc được là “Vu tập bát cổ, trọng lưỡng cá bách bát thập nhất cân”, nghĩa là: “Trống thứ 48, nặng hai trăm tám mươi mốt cân”.

Những chữ viết trên các đồ vật đồng của văn hóa Đông Sơn có các nét chữ khá thẳng và gập khúc. Những chữ này được TS. Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, gọi là loại chữ Nam Việt do tương đồng với chữ trên các đồ đồng ở vùng Quảng Tây và Quảng Đông. Nhưng thực ra đây là một dạng chữ Đại triện của thời Chiến Quốc, bởi vì trước thời nước Nam Việt nhà Triệu thì thừa tướng Lý Tư của nhà Tần đã quy chuẩn chữ viết dùng thống nhất là chữ Tiểu triện.

Loại chữ phát hiện trên đồ đồng Đông Sơn ở Việt Nam và vùng Lưỡng Quảng nên gọi chính xác hơn là chữ Lạc Việt, vì vùng này vốn là đất Lạc dưới thời Thục An Dương Vương.

Trên các hiện vật của giai đoạn hậu kỳ văn hóa Đông Sơn cũng có chữ viết được đúc hay khắc. Ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai hiện còn sưu tầm và lưu giữ được 2 chiếc chuông voi (loại chuông nửa bầu dục dẹt hoặc hình thang cân, có lỗ và 2 tai ở phía trên) có đúc chữ, dạng chữ Lệ. Chữ trên một trong 2 chiếc chuông đó còn có thể đọc được khá rõ là: “… cát phúc” (tốt lành).

Dạng chữ Lệ này xuất hiện muộn hơn chữ Triện, từ xấp xỉ đầu Công nguyên. Dạng chữ Lệ tương tự cũng được thấy trên chiếc bình đồng tìm thấy trong mộ gạch xây cổ ở Nghi Vệ (Thuận Thành, Bắc Ninh) mà dòng chữ đầu đọc là “Kim lũ hồ…” (nghĩa là: Bình đồng có chạm khắc…)

Chữ viết tượng hình còn là loại chữ được đúc trên các loại tiền bằng đồng của thời Chiến Quốc, ghi lại trọng lượng hay nơi sản xuất của đồng tiền. Theo GS. Hoàng Văn Khoán hàng loạt những hiện vật như Bố tiền, Đao tiền, Hoàn tiền có chữ của thời kỳ này đã được tìm thấy ở đất Việt.

Tiền cổ ở Việt Nam điển hình nhất là những Đao tiền cỡ lớn (dài hàng chục cm) được khai quật ở trong mộ thuyền Việt Khê (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Mộ thuyền có với niên đại khoảng thế kỷ 3-2 trước Công nguyên và năm 2013 đã được công nhận là bảo vật quốc gia Việt Nam.

Vào thời đại Hùng Vương khoảng trước Công nguyên, ở miền Bắc Việt đã sử dụng các dạng chữ tượng hình như chữ Kim văn, chữ Đại triện, chữ Hán lệ, một cách phổ biến trong đời sống xã hội như trên tiền tệ, để ghi tên và các thông tin trên các vật dụng khác nhau.

Với việc sử dụng chữ Nho từ rất sớm như vậy, chắc chắn người Việt đã tham gia đóng góp không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển loại chữ tượng hình của trời Đông. Chữ Nho đã là công cụ truyền đạt thông tin, học hành, khoa cử, làm nền tảng cho tương tác và phát triển xã hội trong suốt chiều dài mấy ngàn năm sử Việt.

https://congdankhuyenhoc.vn/chu-viet-cua-nguoi-viet-thoi-hung-vuong-179220622120203182.htm

Cuốn sách đầu tiên của người Việt thời mở nước

Những tri thức về Trời, về Đất, về Con người đã được người Việt cổ khám phá và ghi lại trong cuốn sách đầu tiên của mình, cuốn “Thiên thư” dùng mở đất mở nước. Gọi là sách nhưng trong cuốn Thiên thư này lại không hề có chữ. “Vô tự thiên thư” mới thực sự là cuốn Sách ước quý giá của tiền nhân người Việt.

1. Ở vùng đất tổ tại thị xã Phú Thọ có một ngôi đình đặc biệt là đình Cả thuộc thôn Cao Bang, phường Trường Thịnh. Đình toạ lạc trên đỉnh đồi hình đầu rồng hướng ra phía sông Thao. Từ đình nhìn về phía Đông Nam, trông rõ núi Nghĩa Lĩnh, cách Đền Hùng khoảng trên 10 km đường chim bay.

Đình Cả Cao Bang có một bức đại tự, trước làm bằng đá đã bị hủy hoại trong chiến tranh, nay được làm lại bằng gỗ đề: KHỞI BANG THƯ VƯƠNG. Tương truyền nơi đây là nơi Vua Hùng đã nhận được “Sách trời” để khởi dựng đất nước. Do vậy đình Cả Cao Bang còn gọi là đình Thư.

Ở thôn Cao Bang còn có tục xin lửa từ đình đêm giao thừa cầu may. Lửa lấy từ đình Thư là biểu tượng ánh sáng của tri thức ghi trong cuốn “Sách trời”. Xin lửa là cầu lấy những tri thức khoa học có thể giúp con người ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ở thôn Cao Bang còn có tục xin lửa từ đình đêm giao thừa cầu may. Lửa lấy từ đình Thư là biểu tượng ánh sáng của tri thức ghi trong cuốn “Sách trời”. Xin lửa là cầu lấy những tri thức khoa học có thể giúp con người ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Người đã tìm ra cuốn Sách trời là Kinh Dương Vương, vị vua Hùng khởi đầu nước Nam ta như lời thơ cổ trong các thần tích: “Sơ khai Nam Việt hữu Kinh Dương”. 

“Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả” kể Kinh Dương Vương sau khi lấy Động Đình Long Nữ đã đến vùng “Sơn Tây” nhìn thế đất, chọn long mạch và lập ra kinh đô tại Phong Châu, nước tên Xích Quỷ. Tại đình Cả Cao Bang còn có bức hoành phi khác đề: NGUYÊN QUỐC VIỆT QUANG CƠ, tạm dịch là: Rạng nền móng ban đầu của nước Việt.

Kinh Dương Vương đã đứng bên bờ sông Thao ở bến Bâng, cạnh đình Cả Cao Bang mà suy ngẫm, nhận ra lẽ Trời, thế Đất, quyết định đô tại đây. Nay ở đình Cả Cao Bang còn có phiến đá in sâu 2 dấu chân vua Hùng.

2. “Tản Lĩnh ngọc ký” (ngọc phả về Tản Viên Sơn Thánh) kể rằng, chàng trai Nguyễn Tuấn khi lên núi được Thái Bạch Kim Tinh trao cho cây gậy thần đầu sinh đầu tử, từ đó xưng là Thần sư. Khi đi qua bãi Trường Sa ở bên bờ sông Đà, Thần sư đã cứu con rắn, là con của Động Đình Đế Quân. Đế Quân mời Thần sư xuống thăm Long cung, đi qua tầng tầng lớp gác ngọc lầu châu, dùng tiệc với Đế quân. 

Khi được đề nghị tạ ơn cứu sinh bằng châu báu ngọc ngà thì “Thần sư” đều từ chối, chỉ xin nhận một cuốn Sách thần, có phép nhiệm màu, mọi ý muốn đều thành trong một lời ước.

Nhờ có cuốn Sách ước đó mà Tản Viên Sơn Thánh đã báo hiếu được người mẹ nuôi là Ma Thị Cao Sơn Thần Nữ, ước được các lễ vật Voi chín ngà, Gà chín cựa, Ngựa chín hồng mao để làm sính lễ cầu hôn công chúa Mỵ Châu. 

Trong trận chiến chống quân Thục ở Mộc Châu, Thánh Tản đã cầm sách ước đọc thần chú, đã được một Thiên tướng giáng trần, dùng tù và ốc gỗ thổi lên xua tan quân giặc. Cuốn Sách ước đã giúp Thánh Tản trong mọi lĩnh vực, tạo ra của cải vật chất cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tạo ra sức mạnh chống lại thiên tai nhân họa.

Câu đối ở đền Và, ở thôn Vân Già, Thị xã Sơn Tây, là Đông Cung, nơi triều hội của Tản Viên Sơn Thánh:

Thần linh thiêng, đất linh thiêng, cũng người tôn mà linh thiêng, Cung Đông trấn Tây cao ngất

Núi thành thuật, sông thành thuật, nay muốn được xem thành thuật, gậy thần sách ước diệu kỳ.

Có thể thấy việc Kinh Dương Vương gặp Thần Long bên hồ Động Đình và việc Tản Viên Sơn Thánh cứu con rắn rồi xuống thăm Thủy phủ Long cung là một chuyện. Long cung thủy phủ, nơi Sơn Thánh thụ nhận được cuốn Sách ước chính là tại đình Cả Cao Bang, bên bờ sông Thao xưa.

Cũng tại đình Cả Cao Bang còn có lễ hội rước thuyền rồng thả ra sông Thao vào ngày mồng Ba tháng Giêng, như tưởng nhớ tới việc Kinh Dương Vương cưỡi thuyền đi tìm đất đóng đô, đã tới nơi đây và cũng là câu chuyện Thánh Tản xuống thăm thủy phủ lấy được “Sách trời”.

3. So sánh với chuyện vua Vũ trong thần thoại Trung Hoa: “… Vũ đang đứng trên bờ quan sát sức mạnh của dòng nước thì thấy một ông già mặt trắng trẻo, mình cá, nhảy lên từ dòng sông… Ông già tự xưng là Hà Bá. Vị thần này cho Vũ một phiến đá to màu xanh… Đó chính là Hà đồ”. Rồi tiếp theo còn có chuyện Vũ gặp một con rắn thần ở trong hang, rắn dẫn Vũ tới gặp Phục Hy và Phục Hy trao cho Vũ một thanh Ngọc giản, có thể đo đạc được trời đất.

Chuyện Sơn Tinh được gậy thần sách ước và chuyện Đại Vũ được Hà đồ, Ngọc giản chỉ là một. “Ông già mặt trắng” có thể chính là Thái Bạch Thần Tinh. Thái Bạch = Thái Hạo (Hạo là sáng, bạch), cũng là tên khác của Phục Hy trong truyền thuyết. Phục Hy tương truyền có mình rắn.

Phục Hy là người tìm ra Bát quái nên hoàn toàn có thể Phục Hy chính là Thái Bạch Tử Vi thần tướng. Phục Hy là vị thần chấn Đông nên cũng có thể là Long Vương Động Đình.

Theo truyện Dịch thì Phục Hy là người đã chép Hà đồ từ lưng con Long Mã (= con rồng, rắn thần). Còn vua Vũ vẽ Lạc Thư từ lưng con Thần Quy. Có thuyết khác lại cho rằng cả Hà đồ lẫn Lạc thư đều do Đại Vũ nghĩ ra. Dù thế nào thì rõ ràng phép thần của Tản Viên Sơn Thánh chính là Hà Lạc, được tiếp thụ từ tiền nhân và sáng tạo thêm trong quá trình trị thủy.

Nhờ có sự học hỏi, suy ngẫm về thế giới và xã hội, đúc kết nó trong cuốn Sách ước ngàn đời là Hà thư, Kinh Dương Vương – Tản Viên Sơn Thánh đã thành công trong trị thủy, an dân, chống giặc. Đó cũng là ý nghĩa của câu “Long hóa Vũ môn”, cá vượt Vũ môn hóa rồng, như bức giả sơn đắp tại đền Và.

“Lĩnh Nam chích quái”, Truyện núi Tản Viên: “Đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui với các loài thủy tộc ở đất Gia Ninh, huyện Phong Châu”. Còn “Việt sử lược” về sự thành lập của nước Văn Lang: “Đến thời Trang Vương nhà Chu ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương”.

Tới đây ta hiểu, “người lạ dùng ảo thuật ở bộ Gia Ninh” đã áp phục các bộ lạc chính là Tản Viên Sơn Thánh, người đã tập hợp nhân dân Việt trong cuộc đấu tranh chống nạn hồng thủy. Phép “ảo thuật” ở đây không gì khác là Hà đồ và Lạc thư, là Dịch học của người họ Hùng. Quốc tổ họ Hùng không phải là một thầy phù thủy, mà là một nhà khoa học vào thuở bình minh của dân tộc.

Dấu chân vua Hùng trên tảng đá lớn ở đình Cả Cao Bang.
Đình Cả Cao Bang.
Hai bức hoành phi “Khởi bang thư vương” và “Nguyên quốc Việt quang cơ” ở đình Cả Cao Bang.
Cửa nghi môn đền Và với hình Lưỡng long chầu Thái cực.
Tượng Tản Viên Sơn Thánh với gậy thần sách ước.
Ban thờ lộ thiên “Long hóa Vũ môn” trước cửa đền Và.
Tượng đá cổ Voi chín ngà, Gà chín cựa, Ngựa chín hồng mao cùng với tượng Phù Đổng Thiên Vương ở đền Thượng Ba Vì.
Chân tượng Tản Viên Sơn Thánh với gậy thần sách ước, tranh in trong cuốn “Nhất thành khả cách chân kinh”.

https://congdankhuyenhoc.vn/cuon-sach-dau-tien-cua-nguoi-viet-thoi-mo-nuoc-17922062411461159.htm

Chim Âu và Rồng Lạc – xướng danh dòng giống Tiên Rồng

Người Việt ai cũng tự hào về truyền thuyết khởi nguồn Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm người con, là tổ của Bách Việt. Nhưng ít ai biết rằng biểu tượng Tiên Rồng lại hiện hữu ngay trên những hiện vật của thời Hùng Vương như trống và các vũ khí đồng cùng thời.

Hình ảnh những con chim lớn mỏ dài, đuôi rộng, giang cánh tung bay trên mặt các trống đồng không xa lạ gì với người Việt ngày nay. Loài chim này được Giáo sư Đào Duy Anh gọi là “chim Lạc” khi so sánh chúng với các loài “hậu điểu” ở vùng Giang Nam di cư cùng với những chiếc thuyền có các chiến binh đội lông chim như thể hiện trên tang trống đồng. 

Nhận xét của Giáo sư Đào Duy Anh khá xác đáng rằng hình chim trên trống đồng là loài chim di cư và được người Việt cổ coi là vật tổ. Tuy nhiên, việc gọi loài chim này là Lạc thì cần xét thêm, vì người Việt không biết loài chim nào tên là Lạc. 

Vật tổ của mình mà đến tên còn không lưu lại được thì sao gọi là vật tổ?

Trong khi đó, hình ảnh loài chim vật tổ của người Việt gắn liền với Tiên nữ Âu Cơ. Loài chim biểu tượng cho dòng Tiên là Phượng hoàng, khi gắn với tên bà Âu Cơ thì phải gọi là chim Âu mới hợp lý. Nguyên mẫu của loài chim di cư này có thể là loài chim Hạc lớn như Hồng hạc, tới nay vẫn còn bay về vùng Đồng Tháp Mười vào mùa đông mỗi năm. 

Nhận định khác cho rằng đó là loài chim Hồng hoàng hay Phượng hoàng đất. Dù là Hạc hay là Phượng thì ý nghĩa biểu tượng cho dòng Tiên lên núi theo Mẹ vẫn là nội hàm của hình ảnh này.

Một dẫn chứng khác về hình tượng chim Âu là ở đền Thượng khu di tích Cổ Loa. Đền Thượng thờ Thục An Dương Vương, nhưng nghi môn của đền không đắp rồng chầu mặt trời như những nơi khác, mà lại đắp hình Phượng chầu mặt trời. 

Đền Cổ Loa còn có tên là “Tiên từ đệ nhất”, có thể hiểu nghĩa là ngôi đền hàng đầu thờ dòng Tiên. An Dương Vương đã lấy đất Lạc của Hùng Vương để lập ra nước Âu Lạc nên An Dương Vương phải là dòng Âu hay dòng Tiên lên núi xuất phát từ mẹ Âu Cơ.

Còn tên gọi Lạc chính xác hơn phải là để chỉ vật tổ biểu tượng cho dòng theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Sách Giao Châu ngoại vực ký viết: “Xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, đất có ruộng lạc, ruộng ấy theo triều thuỷ lên xuống, dân khẩn thực ruộng ấy, nên gọi là Lạc dân. Lập ra Lạc vương, Lạc hầu, coi giữ các quận huyện. Nhiều huyện có Lạc tướng, Lạc tướng có ấn đồng và dây thao xanh”.

Rõ ràng từ Lạc gắn liền với ruộng lúa nước có “thủy triều lên xuống”, tức là vùng đồng bằng ven sông biển, bãi bồi bán ngập nước. Lạc thực ra là đọc khác của Nác, mà nay tiếng vùng Nghệ Tĩnh vẫn phát âm có nghĩa là Nước. Lạc Long Quân dẫn 50 người con trai xuống khai phá miền ven biển nên những người này được gọi là Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng. Biểu tượng của Lạc Long Quân là cha Rồng, nên gọi là Rồng Lạc, hay Lạc Long.

Rồng vốn có nguyên mẫu là Thuồng luồng, hay một loài Cá sấu lớn, sống bán cư ở vùng sông nước ven bờ. Loài vật này còn được gọi là Giao long trong truyền thuyết vì vào thời sơ sử trước Công nguyên, đồng bằng sông Hồng là một bãi bồi lớn, là nơi rất thuận lợi cho các loài bò sát lưỡng cư sinh sống. Truyện Chim bạch trĩ trong Lĩnh Nam chích quái kể rằng, sứ giả nước Việt Thường đối đáp với Chu Công rằng người Việt “vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao long không dám phạm đến”.

Người Việt lấy Giao long hay Rồng Lạc làm vật tổ bởi liên quan đến tục xăm mình cho những người sống ở vùng ven sông, làm nghề đánh cá, chài lưới, thường xuyên tiếp xúc với Thuồng luồng cá sấu. Chữ Lạc trong Lạc Long Quân có bộ Trãi, chỉ một loài bò sát, càng chứng tỏ thêm điều này.

Hình ảnh những con giao long vật tổ có thể thấy ở ngay trên các đồ đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn (quãng thế kỷ IV Trước Công Nguyên đến thế kỷ I). Trống đồng Nam Cường 1 là một trống dạng Đông Sơn, được phát hiện ở Thành phố Lào Cai. Trên mặt trống ở vòng ngoài có hình 14 con chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Ở vòng trong là hình 4 con “thú lạ” chầu quay quanh mặt trời 14 cánh ở tâm mặt trống. Những con “thú lạ” có mõm dài như mỏ chim, đầu có sừng hoặc mào, 4 chân nâng thân thú ngắn. Đặc biệt là chiếc đuôi dài và rộng. 

Đuôi loài thú này có thể cuộn lại như trường hợp thể hiện trên mặt trống đồng Phú Xuyên, cho thấy đây không phải là loài cáo, mà là một loài bò sát có khả năng cuộn mình.

Con “thú lạ” đó thực ra không hề lạ, mà là cách thể hiện con Giao long hay Rồng của người Việt ở thời kỳ trống đồng. Hình Giao long tương tự được thấy trên nhiều vũ khí khác cùng thời như mũi giáo, lưỡi rìu, vỏ kiếm. Thường gặp hình một đôi Giao long thân dài, đối xứng chạm chân vào nhau, đuôi có thể cuộn lại, hoặc duỗi thẳng ra. Hình giao long hay rồng trên các vũ khí là linh hồn biểu trưng cho sức mạnh, sự cường tráng của chúng.

Biểu tượng cặp Giao long trên vũ khí thời Đông Sơn đã từng được Viện khảo cổ học Việt Nam lấy làm logo. Loài thú trên trống đồng và vũ khí đồng Đông Sơn như thế chính là biểu tượng của Rồng. Toàn cảnh mặt trống đồng Nam Cường 1 nhìn lại là hình Rồng chầu Phượng múa dưới ánh mặt trời rực rỡ.

Người viết bài này còn được xem trên vỏ một thanh kiếm thời kỳ Chiến Quốc (tương đương với thời văn hóa Đông Sơn) đúc nổi và mạ bạc hình Rồng và Phượng. Đặc biệt là hình Rồng được thể hiện trong phong cách Đông Sơn với thân kéo dài, đuôi xoắn và xếp thành cặp đối xứng. Đôi phượng được thể hiện với phong cách tương tự, đầu phượng có mỏ nhọn có mào, thân kéo dài, cánh ngắn, đuôi dài. Sự kết hợp Rồng – Phượng như vậy gặp một cách ổn định trên các hiện vật của thời kỳ này.

Rồng – Phượng hay chim Âu – rồng Lạc thể hiện trên các đồ đồng Đông Sơn là sự xướng danh nguồn gốc dân tộc từ Cha Rồng xăm mình lội nước đắp đê, chiến đấu với thủy quái, đến Mẹ Tiên ngẩng đầu giang cánh chinh phục các triền núi cao. 

Huyền thoại Tiên Rồng còn lưu dấu ngàn năm trên các cổ vật thời sơ sử.

Nghi môn trong đền Thượng Cổ Loa với bức đại tự “Tiên từ đệ nhất”.
Phượng chầu mặt trời trên nóc nghi môn đền Thượng Cổ Loa.
Trống đồng Nam Cường 1 ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Rồng Lạc, chim Âu trên mặt trống đồng Nam Cường 1 ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Giao long trên mũi giáo thời Đông Sơn.
Lưỡi rìu Đông Sơn có hình giao long.

https://congdankhuyenhoc.vn/chim-au-va-rong-lac-xuong-danh-dong-giong-tien-rong-1792207071643037.htm