Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền

Cùng với quá trình phát triển kỹ thuật luyện kim đồ đồng, xã hội người Việt đã có những bước tiến dài từ chế độ cha truyền con nối sang chế độ phân chia đất đai cho các chư hầu, chia nhau cai quản đầu non góc biển.

Cây Chu đá lá chu đồng trong sử thi Mường lúc này là một biểu tượng nhiều mặt, tượng trưng cho quyền lực hiệu triệu trăm chư hầu, cho sự thăng hoa của văn hóa văn minh, là Bảng phong thần trong cuộc chiến phân định thiên hạ thời Ân – Chu và thậm chí có thể là chiếc móng rùa của thần Kim Quy đã tặng cho Thục Vương làm bảo bối trấn quốc.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền - Ảnh 1.
Sơ đồ so sánh sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước và Huyền sử Việt.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền - Ảnh 2.
“Long khuyển” đồng thời Thương.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền - Ảnh 3.
Đồ đồng, văn hóa Tam Tinh Đôi. Rất có thể đây là hình tượng “Đười Ươi” được kể trong sử thi Mường.
Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước kể

Người thợ săn Tặm Tạch, còn có tên trong bản sử thi ở Hòa Bình là Đá Đèn Đá Đẹc, đã đánh bạn với Đười Ươi, nhờ đó được chỉ đường tìm đến cây chu đồng ở đồi Lai Ly Lai Láng. Cái cây thần kỳ này là cây chu đá, lá chu đồng, bông thau quả thiếc, xung quanh có cọp, sên, lợn lòi, hươu, mang, phượng hoàng đứng chầu, vàng anh bắt sâu trên cành. Tặm Tạch lấy được 2 quả chu mang về, trở nên giàu có hơn cả nhà Cun Khương.

Cun Khương bày tiệc rượu, lừa Tặm Tạch nói ra việc tìm thấy cây chu, rồi bắt dẫn đường tìm chu. Cây chu bị đốn đổ thì Tặm Tạch cũng phải chết, bị róc xương lột da để kéo chu về. Đường “cổn chu kéo lội” qua rất nhiều đất mường. Có lúc cây chu rơi xuống nơi nước sâu, Cun Khương phải nhờ Rái cá xỏ dây mới kéo được chu lên. Cây chu mang về được đến mường, nộp cho Lang Cun.

Thế rồi dân mường làm nhà cho Chu (lúc này là Lang Cun Khương). Nhà Chu dựng nên rộng rộng, trước vườn dựng nhà Khú nhà Rồng, đàng trong dựng nhà Long nhà Phụng. Nhà Chu làm xong Lang Cun Cần lại bắt Rùa vàng về để cho sáng tỏ sáng tường, sáng cả binh mường, sáng trời sáng đất.

Con của Tặm Tạch, trong bản sử thi ở Hòa Bình gọi là Đạo Cun Tre Nghè Tróng, tìm đến nhà mới của Chu thì bị đuổi. Đạo Cun Tre Nghè Tróng tức giận, đốt lửa cháy nhà Chu và bỏ trốn, tụ tập dân mường đánh lại Dịt Dàng, trả thù cho cha. Dịt Dàng cất binh đánh Đạo Cun Tre Nghè Tróng. Đạo Cun Tre Nghè Tróng trốn vào cây, hóa thành cây dây cản đường Cun Khương. Cun Khương chém cây dây, máu chảy ra biến thành con Moong lớn tên là Tin Vin Tượng Vượng.

Con Moong Tin Vin Tượng Vượng vằn vện như con hổ Lào, to lớn hung dữ, ăn thịt trâu bò, ăn thịt người, bắt cả bà Lang Khương. Lang Cun Khương tập hợp người mang lưới mang dây đi săn moong, giết được con Moong Tượng Vượng, đem về nhà Lang làm thịt.

Người Lào đến trước lấy được da moong đằng hông nên biết dệt đẹp như hoa. Mường trong đến lột da đằng lưng, nên biết thêu thùa hình lưng ngựa. Người Tày đến muộn phải lấy da đằng đuôi, chỉ biết thêu hình con sâu con ong. Người Mường giữ được da trước ngực biết dệt đầu váy con hươu. Người Kinh ở xa đến chỉ còn thịt pha, lòng, mỡ, nên biết nấu thịt ngon. 

Máu thịt con Moong rơi ra làm chó hóa điên, rồi cá dưới nước hóa thành cá dại, quạ trên trời thành quạ dữ, cắn phá dân mường và nhà cun. Cun Khương lần lượt diệt chó dại, cá điên, quạ điên.

Cuối cùng là chuyện Dịt Dàng tìm ra khâu lạc mình đồng, tức là trống đồng. Mọi người đón Dịt Dàng hay Lang Cun Cần về đất Đồng chì Tam quan Kẻ chợ…

Triều đại Hùng Duệ Vương 

Cây chu đồng thần kỳ là hình tượng nổi bật trong sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước. Nhưng thật không thể ngờ rằng, có một cây thiêng như thế đã được ngành khảo cổ học phát hiện. Cây sự sống bằng đồng tìm thấy trong nền văn hóa Tam Tinh Đôi tại vùng đất Thục Tứ Xuyên với chiều cao gần 4 mét, là văn vật bằng đồng lớn nhất được khai quật trên thế giới. Cây đồng này có niên đại ước chừng cách nay trên 3.000 năm. Cây chia làm ba tầng, mỗi lớp ba cành, trên cành có một con chim đứng, tổng cộng có chín con, còn có một con rồng bay xuống dọc theo thân cây chính, nhìn tựa như sắp cất cánh.

Cũng chính trong nền văn hóa đồng thau sớm ở Tứ Xuyên, thường gặp những mặt nạ đồng hay tượng người với đôi mắt và đôi tai được phóng to một cách khác thường. Rất có thể đó là hình tượng “Đười Ươi” được kể đến trong sử thi Mường.

Người thợ săn Tặm Tạch còn gọi là Đá Đèn Đá Đẹc. Từ “Đá” như đã biết chỉ vị tổ thời cổ. Tặm Tạch lấy được bông thau quả thiếc, tức là bắt đầu học được công nghệ đúc đồng. Nối tiếp thời kỳ đồng thau phát triển rực rỡ ở vùng gần Tứ Xuyên trên 3000 năm trước là nhà Thương. Tặm Tạch tương ứng với Thành Thang, vị vua tổ của nhà Thương. Sử thi Mường kể rõ, Tặm Tạch trở nên giàu có còn hơn cả Cun Khương, tức là Thành Thang đã trở thành một thủ lĩnh hùng mạnh, đứng đầu thiên hạ.

Người con kế nối Tặm Tạch có tên là Đạo Cun Tre Nghè Tróng. Cách gọi Đạo Cun cho thấy đây cũng là một vị thủ lĩnh (vua). Cun Tre Nghè Tróng thậm chí còn tập hợp quân đội đánh lại Cun Khương. Có thể xác định đây là giai đoạn thứ hai của nhà Thương, được biết là nhà Ân. Dưới thời nhà Ân có sự kiện Ân Cao Tông chinh phạt nước Quỷ phương như được chép trong Kinh Dịch. Nước Quỷ phương nghĩa là nước nằm ở phía Tây của nhà Ân Thương, không gì khác chính là vùng đất Thục Tứ Xuyên, nơi xuất xứ của cây chu đồng và mặt nạ đười ươi.

Máu thịt của Đạo Cun Tre Nghè Tróng hóa thành cây dây cản đường, rồi thành con Moong khổng lồ Tượng Vượng hung dữ. Tiếp tục so sánh có thể thấy con Moong lồ là chỉ thời kỳ cuối của nhà Ân, khi đó Ân Trụ Vương là một vị vua dũng mạnh nhưng lại vô cùng tàn bạo. Trụ Vương làm hại nhiều sinh linh và đã nhiều lần tấn công vùng đất Thục Tây Kỳ, nơi phát tích của nhà Chu. 

Nên chú ý rằng nhà Thương Ân có thành phần dân tộc chính là nhóm người Miêu Dao. Trong đó tới nay người Dao vẫn còn có tín ngưỡng thờ Bàn Hồ là tổ. Bàn Hổ theo truyện kể trong sách người Dao để lại vốn là một con Long khuyển ngũ sắc, do lập công lớn, giết được vua kẻ thù nên được phong đất và trở thành tổ của 12 họ người Dao. Con Moong Tin Vin Tượng Vượng như vậy là hình ảnh của Long khuyển, biểu tượng của dòng dõi người Dao nhà Ân Thương.

Sử thi Mường kể rằng người Lào, Tày, Mường học được cách thêu dệt từ da của con Moong. Người Kinh học được cách nấu ăn từ thịt con Moong. Điều này rất đúng với sự thật là hoa văn của người Dao và lối sống của triều đại nhà Ân Thương đã có ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa các tộc người Lào, Tày, Mường, Kinh… sau này.

Trong huyền sử Hùng Vương của người Việt, nhà Ân là triều đại cuối cùng của dòng theo cha Lạc Long Quân xuống biển, được gọi là Hùng Duệ Vương. Truyện Giếng Việt kể sau cuộc chiến với Phù Đổng Thiên Vương, Ân Vương chết dưới chân núi Vũ Ninh, trở thành vua Địa phủ. Rồi hậu duệ của vua Hùng đã biến thành đủ thứ yêu quỷ như Bạch Kê tinh, Hồ Ly tinh, Quỷ núi cản trở Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Trong sử thi Mường đó là chuyện máu của con Moong lồ biến thành chó điên, cá dại, quạ dữ, quấy phá thời Lang Cun Khương.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền - Ảnh 4.
Người Dao ở Hoàng Su Phì, Hà Giang.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền - Ảnh 5.
Thầy cúng người Dao.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền - Ảnh 6.
Người Dao ở Bắc Kạn.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền - Ảnh 7.
Người Dao ở Bắc Kạn.

Đón vua Thục An Dương Vương

Ở phần cuối của sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước, mỗi bản khác nhau gọi vị vua lúc này một cách khác nhau. Chỗ kể là Dịt Dàng, chỗ là Lang Cun Cần, chỗ thì dường như là Lang Cun Khương. Thực ra cả 3 cách gọi đều đúng và chỉ cùng 1 người. Dịt Dàng – Việt Vương lúc này không phải là vị Dịt Dàng của thời kỳ Hùng Vương Thánh Tổ ban đầu, mà là Hùng Quốc Vương, người con theo mẹ Âu Cơ lên núi lập nước Văn Lang. Hùng Quốc Vương là vị vua đầu của thời kỳ phong kiến phân quyền, nên sử thi Mường gọi là Lang Cun Cần, với nghĩa là vị Lang Cun đứng đầu thiên hạ. 

Cun Khương là thủ lĩnh của dòng lên núi trong sử thi Mường. Khương là tính chất Khang, Tĩnh của hướng Tây. Cun Khương nghĩa là thủ lĩnh của hướng Tây. Hướng Tây còn gọi là Thục (thụt) nên Cun Khương cũng là Thục Chúa trong truyền thuyết Việt. Cun Khương là con của nàng Ả Sao Ả Sáng, dòng dõi Vua trời. Trong truyền thuyết họ Hồng Bàng thì đây là dòng dõi của Đế Nghi – Đế Lai, tức là Âu Cơ, người đã lên núi về đất Phong Châu.

Cun Khương – thủ lĩnh Tây Kỳ, sau khi chiến thắng nhà Ân Thương và dòng Lạc Long (Tóng In) đã trở thành Thiên tử của cả thiên hạ, nên đã đổi danh xưng là Việt Vương (Dịt Dàng – An Dương Vương) hay Lang Cun Cần (Hùng Quốc Vương). Nhờ sự nhìn nhận đúng về lịch sử thời Hùng Vương đã có thể lý giải được vấn đề tại sao 2 danh xưng từ thời mở Mường là Dịt Dàng và Lang Cun Cần, lại vẫn còn đến tận cuối cùng trong sử thi khi rước vua về Kẻ chợ.

Cun Khương là người đã tìm và chặt được cây chu đồng ở vùng Tứ Xuyên, kéo về Kinh kỳ Kẻ chợ qua rất nhiều vùng đất. Đây là sự kiện Tây Bá Hầu Cơ Xương từ vùng đất Tây Kỳ (Quý Châu, giáp với Tứ Xuyên), khởi binh đánh chiếm các nước Mật Tu (Vân Nam), nước Sùng (tức miền Bắc Việt) vào cuối thời nhà Ân Thương. Sử Việt kể là Thục Chúa phát hàng chục vạn binh chia các ngả tiến đánh Hùng Duệ Vương. Cuối cùng Hùng Duệ Vương nghe lời Sơn Thánh, nhường lại ngôi cho Thục Chúa. 

Thục Chúa về đất Phong Châu, xưng vương, lập cột đá thề trung thành với Thánh Tổ họ Hùng (tức Hữu Hùng Đế Minh). Truyện họ Hồng Bàng kể là Âu Cơ lên núi về Phong Châu lập nước Văn Lang. Còn sử thi Mường gọi đích xác triều đại của Cun Khương là “Chu” như trong đoạn “Làm nhà cho Chu”.

Người đánh bại Ân Trụ Vương, hay con Moong Tin Vin Tượng Vượng, là Cơ Phát, con của Tây Bá Cơ Xương. Truyền thuyết Việt gọi Cơ Phát là Thục Phán, là một vị Cun Khương – thủ lĩnh Tây Kỳ. Cây chu đồng lúc này như một biểu tượng của Thiên mệnh, có khả năng hiệu triệu và thần phục thiên hạ trăm chư hầu. Cun Khương – Cơ Phát – Thục Phán hoàn thành đại nghiệp diệt Ân, lên ngôi Thiên tử, phân phong cho các anh em, công thần thành các nước chư hầu Bách Việt. Sử thi Mường kể điều này trong chuyện Đẻ trống đồng (vật phẩm dùng để tế lễ tổ tiên và phân phong chư hầu) và Rước vua về Đồng chì Tam quan Kẻ chợ.

Chuyện Làm nhà cho Chu trong sử thi Mường mang đậm hình ảnh của truyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Khác với việc “đẻ nhà” thời Lang Cun Cần mở nước, nhà cho Chu lúc này là một dạng cung điện to lớn, trang trí lộng lẫy hình rồng rắn, long phượng với nhiều gian nhiều nếp. Rùa Vàng lúc này làm cho sáng nhà tỏ cửa, sáng người, sáng trời đất…, tương tự truyện thần Kim Quy trao móng rùa cho An Dương Vương làm bảo bối trấn quốc.

Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước không chỉ là một bản anh hùng ca dựng nước của người Mường mà nó là lịch sử thực sự qua hàng ngàn năm của cả thiên hạ trời Đông. So sánh sử thi Mường với những bộ sử dân gian của người Kinh (Hùng Vương ngọc phả), của người Dao (truyền tích Bàn Hồ) có thể thấy được sự thống nhất tiến trình lịch sử chung của các dân tộc Bách Việt. Từ ông Bàn Cổ – mụ Dạ Dần khai thiên lập địa, trong Thái cực sinh ra con người, con người có vua tổ khai sáng, thần truyền thánh kế, thay nhau ngự trị đầu non góc biển, xuống biển chinh phục Thủy phủ, lên rừng đốn cây Chu đồng, dựng nên thành quách, sáng tạo văn hóa văn minh, tôn rước Thiên tử về kinh kỳ kẻ chợ. Tất cả lịch sử Việt Mường đã hóa về chốn linh thiêng, nơi con người khi qua thế giới bên kia lại quay về với ông bà tiên tổ, với quá khứ huy hoàng Đẻ Đất Đẻ Nước.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền - Ảnh 8.
Trình diễn trang phục người Dao ở Sơn La.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời phong kiến phân quyền - Ảnh 9.
Trình diễn trang phục người Dao ở Sơn La.

https://congdankhuyenhoc.vn/su-thi-muong-de-dat-de-nuoc-va-huyen-su-thoi-hung-vuong-thoi-phong-kien-phan-quyen-17923011623430006.htm

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo

Sau thời đẻ đất, đẻ nước, đẻ người, dân mường có vua, có cuộc sống ấm no, xã hội người Việt Mường cổ bước sang thời kỳ phụ đạo, cha truyền con nối. Những xung đột giữa các tộc người trong thiên hạ cũng nảy sinh, tranh giành vị trí thủ lĩnh đứng đầu đất nước.

Cuộc đấu tranh giữa 2 dòng lên núi và xuống biển của người Việt Mường bắt đầu từ đây.

Ngũ tộc Tản Viên

Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước kể rằng, Lang Cun Cần lấy tất cả tới 5 người vợ. Đầu tiên là lấy nàng Vạ Hai Kịt, là người cùng sinh ra từ trứng Chiếng, đẻ ra 12 chàng Ma ếm, tức không phải là những thủ lĩnh cộng đồng (Cun). Thứ đến Lang Cun Cần lấy nàng Vậm Đầu Đất, là con vua Bình Lạc, đẻ được Cun Đồi. Sau đó Lang Cun Cần lại lấy nàng Vật Đầu Nước, sinh được Cun Đàng. Đám cưới to nhất của Lang Cun Cần là lấy nàng Ả Sao Ả Sáng, con ông Vua Trời. Ngựa chín hồng mao đưa Lang Cun Cần đi rước vợ. Ả Sao Ả Sáng sinh được Cun Khương. Cuối cùng Lang Cun Cần lấy Ả Gái nuôi trong mường, không phải lễ lạt đưa đón gì, sinh ra Tóng In.

Câu chuyện về Lang Cun Cần lấy 5 vợ là sự kiện Tản Viên Sơn Thánh đã thành công trong việc hợp nhất 5 tộc người ở Ngũ phương, xây dựng Ngũ thần cung điện ở vùng Ngũ Lĩnh, tức vùng Sơn Tây ngày nay. Đầu tiên, như đã bàn trong bài trước, nàng Vạ Hai Kịt đại diện cho dòng Tiên tộc của Tây Thiên Quốc Mẫu và Ất Sơn Hùng Vương Thánh Tổ ở phía Nam xưa (phía Bắc nay). Trong truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh đó là dòng của bà Ma Thị Cao Sơn Thần Nữ, người đã di chúc quyền cai quản đất nước cho Sơn Thánh.

Trong việc nàng Vậm Đầu Đất sinh ra Cun Đồi, xét những từ Đất và Đồi thì đây là dòng tộc vùng miền núi ở hướng Tây, tức là Cửu Lê tộc. Còn trong chuyện nàng Vật Đầu Nước sinh ra Cun Đàng, những từ Nước và Đàng chỉ ra rằng đây là dòng tộc ở vùng đồng bằng, tức là dòng Lạc tộc. Chữ Lạc vốn nghĩa là Nác – Nước.

Người vợ thứ tư của Lang Cun Cần là Ả Sao Ả Sáng, con vua Trời, tức là dòng tộc nối tiếp vua Dịt Dàng và Tá Cần ở phương Bắc xưa (phương Nam nay), gọi là Viêm tộc. Chi tiết đặc biệt là Lang Cun Cần đưa ngựa chín hồng mao đi rước Ả Sao Ả Sáng, cho thấy đây là chuyện Tản Viên Sơn Thánh lấy công chúa Mỵ Nương, con gái vua Hùng trong truyền thuyết Việt.

Ả Gái nuôi trong mường chỉ tộc người bản địa của nơi Lang Cun Cần sinh sống, tức là tộc người ở vùng trung tâm của đất nước. Xét vậy thì Tóng In, con của Ả Gái nuôi, mới là người con trưởng của vùng đất Lang Cun Cần đang cai quản. Truyền thuyết Việt kể đó là Lạc Long Quân, người con của Kinh Dương Vương với Long Nữ Động Đình.

Dưới thời Kinh Dương Vương – Tản Viên Sơn Thánh người Việt Mường đã thống nhất 5 tộc người ở 5 phương Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung tâm, được hình tượng hóa trong sử thi Mường là việc Lang Cun Cần lấy 5 vợ, sinh ra 4 vị Cun. Tiếp theo, có sự phân chia lại phương vị của các tộc người này bởi sự chia đất của Lang Cun Cần và quá trình tranh giành giữa các Cun với nhau.

Sơn Tinh – Thủy Tinh

Khi Lang Cun Cần chia đất cho các con, tuy nói chia đất phải chia bằng nhau cho khỏi mất lòng con sau, con trước, nhưng thực tế thì:

Cun Đồi được chia đất Khấm Ngang

Cun Tàng được chia đất Khấm Dọc

Ruộng sâu, ruộng nông chia cho Tóng In.

Còn men ruộng mạ nhỏ bằng tai khỉ, chân đất xấu nhỏ như tai mèo… thì chia cho Cun Khương. Cun Khương tức giận, chạy về nhà ngoại kêu khóc. Nhà ngoại khuyên nhủ, Cun Khương về chăm chỉ làm ăn, trở nên giàu mạnh.

Tóng In được vùng đất nhiều ruộng tốt nhất nhưng mải chơi nên bị đói, phải đến xin ăn nhà Cun Khương mấy lần. Cuối cùng Cun Khương không cho nữa. Tóng In lôi kéo Cun Đồi, Cun Đàng đem quân đánh Cun Khương. Cun Khương bỏ chạy, nhờ bên ngoại là nhà trời giúp, làm hạn hán đồng cạn xơ xác, rồi lại làm mưa to dầm dề, ngập bờ ngập bụi. Cun Khương bắt ép Cun Đồi, Cun Đàng phải giết Tóng In mới chịu về ngừng làm ngập lụt.

Tóng In chết làm ma ruộng, ôm hận thù, bèn tập hợp ma rắn, ma lửa, ma mỏ vàng… đánh lại Cun Khương, Cun Đồi và Cun Đàng. Tóng In thua, lại lặn xuống Thủy phủ với Long Vương, kêu xin Vua Nước. Vua Nước bèn cho Tóng In làm Ma May cướp đường, Ma Lang giữ sông giữ bến. Tóng In có vằn lưng cá chép, áo vây cá mè, đầu cá trê, mắt cá ngạo, lại có mào đỏ to, lưng rồng uốn éo. Tóng In sai tướng Ba Ba bắt Cun Đồi, Cun Đàng phải chịu chết. Cun Khương ra trận đánh nhau với Tóng In, chém chết rồng. Từ đó Ma Ruộng đã ngăn, Ma May Ma Lang đã diệt…

Trong cuộc tranh chấp lần đầu, Cun Đồi, Cun Đàng theo Tóng In đánh Cun Khương. Dòng lên núi là Cun Khương thua, phải chạy trốn về bên ngoại nhà trời. Tóng In trở thành người cầm đầu mường. Đây là chuyện Lạc Long Quân, con trai của Kinh Dương Vương đã đánh đuổi Đế Lai, con của Đế Nghi, về Bắc được kể trong Truyện họ Hồng Bàng. Lạc Long Quân làm vua Thủy phủ, cai quản toàn bộ vùng thấp gồm ruộng đồng, sông biển, hoàn toàn tương ứng với việc Tóng In làm Ma Ruộng rồi Ma May Ma Lang. Sử thi Mường còn mô tả rõ Tóng In hóa Rồng có vằn, có vảy, có mào ở Thủy phủ Long cung. Chữ Tóng có thể là phát âm khác của chữ Đông vì dòng Long Vương Thủy phủ ở hướng Đông ra biển.

Khác với người Kinh ở miền xuôi, người Mường là bộ phận người theo dòng lên núi nên không tôn thờ vua cha Lạc Long Quân của dòng xuống biển. Ngược lại, trong sử thi Mường khắc họa hình ảnh của Tóng In khá phản diện, từ việc mải chơi đến mức phải đi xin ăn, rồi hóa thành ma ruộng, ma sông, ma biển dữ tợn, gây hại cho mường.

Bộ 3 Cun Khương, Cun Đồi, Cun Đàng của dòng lên núi làm thành Tam Vị Tản Viên gồm Nguyễn Tuấn, Cao Sơn và Quý Minh, mà Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả gọi là các vị Sơn Tinh. Tóng In làm Ma Ruộng, rồi Ma May Ma Lang của Thủy phủ, chính là Thủy Tinh. Ma May Ma Lang tương ứng với Linh Lang, là tên gọi khác của Long Vương Thủy phủ, hay của các vị xuống biển cai quản vùng sông nước, như Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả gọi là các “Thủy thượng Linh thần”.

Cun Đồi, Cun Đàng của 2 vùng đất Ngang và Dọc đại diện cho chư hầu các nơi ở trên cao (Đồi) và dưới thấp (Đàng). Ban đầu các chư hầu theo dòng xuống biển là Tóng In, đuổi dòng Cun Khương phải chạy trốn lên núi về phía Tây. Sau này, các chư hầu lại theo về với dòng lên núi của Cun Khương, đánh lại dòng Thủy phủ Long quân của Tóng In.

Cuộc đấu tranh giữa Sơn Tinh – Thủy Tinh, giữa Cun Khương – Tóng In, được mô tả rất ác liệt, dai dẳng nhiều năm, qua nhiều lần đụng độ. Hai bên đều có nhiều thương vong. Ban đầu dòng xuống biển của Long Quân thắng, nắm đại quyền thiên hạ. Cuối cùng về sau, dòng lên núi của con cháu Đế Lai là Âu Cơ quay trở lại, đánh thắng dòng xuống biển, trở thành vua Việt (Dịt Dàng).

Lang Cun Cần – Kinh Dương Vương dựng nên thiên hạ, rồi chia đất cho các con, dẫn đến xung đột tranh giành giữa các dòng tộc. Thời kỳ này dân mường không chọn người có tài có đức ra giữ binh mường như trước nữa, mà bắt đầu chế độ phụ hệ, cha chia quyền cho con, rồi con trưởng con thứ tranh chấp, bên nào mạnh thì chư hầu các nơi phục theo. Mốc lịch sử 4.000 năm của người Việt Mường được xác lập chính là tính theo thời kỳ thị tộc phụ đạo từ Lạc Long Quân – Tóng In.

(Còn tiếp)

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo - Ảnh 1.
Đền An Trì ở bên hồ Trúc Bạch, Hà Nội, thờ Uy Linh Lang thủy thần.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo - Ảnh 2.
Nhà tiền tế đền Và, Sơn Tây.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo - Ảnh 3.
Miếu Đầm Đượng ở Thụy Phiêu, Ba Vì, nơi thờ diễn ra cuộc chiến ác liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo - Ảnh 4.
Đình Kẻ Đầm ở Sơn Đông, Sơn Tây, là nơi đầm nước rộng lớn của Đồng Mô, nhưng vẫn thờ Tản Viên Sơn Thánh.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo - Ảnh 5.
Đền Thượng ở Đan Thượng, Hạ Hòa, Phú Thọ, nơi thờ Cao Sơn Đại vương.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo - Ảnh 6.
Tế lễ hội đền Và, Sơn Tây.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo - Ảnh 7.
Nghi môn đền Và – Đông cung Tản Viên ở Sơn Tây.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thị tộc phụ đạo - Ảnh 8.
Đình Yên Phụ ở hồ Tây, Hà Nội thờ Linh Lang Đại vương và 2 người em cùng là thủy thần hồ Dâm Đàm.

https://congdankhuyenhoc.vn/su-thi-muong-de-dat-de-nuoc-va-huyen-su-thoi-hung-vuong-thoi-thi-toc-phu-dao-179230115215405335.htm

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng

Tháng 12 năm 2022 vừa rồi hồ sơ Mo Mường đã được Việt Nam đệ trình lên UNESCO để ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp. Trong đó sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước hay Mo kể chuyện là phần dài nhất của di sản Mo Mường.

Ý nghĩa thực sự của bộ sử thi Mường chỉ có thể được làm sáng tỏ khi đối chiếu với lịch sử chân xác của thời đại Hùng Vương.

Tam Sơn Thánh Tổ họ Hùng

Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước, bản sưu tầm ở huyện Bá Thước, Thanh Hóa kể:

Dịt Dàng, người đầu tiên sinh ra từ trứng Chiếng được mời ra giữ binh mường. Dân làng cho rằng khi có người cầm mường, cầm binh thì mường nước mới sang, dân mường mới giàu. Dịt Dàng ra điều kiện dân mường cúng 10 con thịt nướng và 9 gánh vàng. Dân mường dọn cây để vua có lối, hạ cành hạ cối để vua có cầu, kẻ đón đằng trước, người rước đằng sau. Nhưng Dịt Dàng bị Ma ếm đón đường, thè 99 cái lưỡi đỏ, trỏ 99 cái răng cọc. Dịt Dàng đành phải trở lại.

Tá Cài là người thứ hai sinh ra từ trứng Chiếng, được dân mời ra coi giữ binh mường. Tá Cài ra điều kiện dân mường phải cúng to hơn nữa, thịt 10 con thú lớn, cúng 9 gánh vàng 10 gánh bạc. Dân làng dọn cây, làm cầu cho Lang đi. Nhưng khi Tá Cái ra thì lại bị rồng cuốn nhe nanh, thuồng luồng xanh nhe nọc… Tá Cài đành phải quay chân về.

Dân mường lại kéo nhau mời Tá Cần, người thứ ba sinh ra từ trứng Chiếng, ra giữ binh mường. Tá Cần là người hiền lành, khiêm tốn, cũng ra các điều kiện, nhưng là điều kiện mở đường mở xá, xua đuổi ma quỷ. Với con người đức độ như vậy ma quỷ không cần đánh giết cũng phải chạy tránh xa. Ma rồng sợ trói, Thuồng luồng sợ đánh. Tá Cần trở thành người cầm mường, gọi là Lang Cun Cần…

Dịt Dàng như trong sử thi Mường gọi là Vua. Dịt Dàng là phát âm chệch của Việt Vương. Có nhiều ý kiến trước đây đã nhận định Dịt Dàng là Hùng Vương, điều này rất chính xác. Vị Hùng Vương đầu tiên, mở đầu thời kỳ lịch sử người Việt, thời kỳ có thủ lĩnh cộng đồng (có người giữ binh mường) là Đế Minh trong Truyện họ Hồng Bàng. Đế Minh được thờ tại đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh dưới tên gọi Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ hay Đột Ngột Cao Sơn.

Thời Hữu Hùng Đế Minh xảy ra cuộc chiến đánh lại giặc “Ngô Thục” hay Xi Vưu của bộ tộc Cửu Lê. Hùng Vương được sự giúp đỡ của Tây Thiên Quốc mẫu đã chiến thắng Xi Vưu, lên giữ vị trí Minh chủ của thiên hạ vạn bang. Sử thi Mường gọi giặc Thục là Ma ếm thè 99 cái lưỡi đỏ, trỏ 99 cái răng cọp. Số 9 là số chỉ hướng Tây theo Hà thư tương ứng với bộ tộc Cửu Lê, là bộ tộc ở phía Tây lúc này. Thục cũng có nghĩa là hướng Tây, nơi mặt trời lặn (thụt). Chữ Xi là âm đọc của từ Tây theo như tiếng Hán ngày nay. Ví dụ Guangxi là phiên âm của tên tỉnh Quảng Tây. Vưu có thể là Vua. Xi Vưu thực nghĩa là vua phía Tây. Xi Vưu của bộ tộc Cửu Lê là con Ma ếm được nhắc tới trong sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước.

Vị trí nắm quyền thủ lĩnh cộng đồng thứ hai theo Truyện họ Hồng Bàng là Đế Nghi. Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả chép là Viễn Sơn Thánh Vương. Người ra nắm binh mường thứ hai là Tá Cài, nên Tá Cài tương ứng với Đế Nghi Viễn Sơn Thánh Vương. Chữ Tá trong tiếng Mường còn đọc là Đá, chỉ người cao tuổi đáng kính. Như thế có liên hệ rõ ràng về ngôn ngữ: Đá – Sơn, Tá – Tổ. Đây là lý do vì sao người Việt dùng từ Sơn để chỉ các vị Tổ thời sơ quốc họ Hùng.

Đế Nghi tuy lên nắm giữ đại quyền thiên hạ nhưng lại chỉ làm vua phương Bắc xưa, tức phương Nam ngày nay, ở vùng cựu đô Ngàn Hống trên dãy Hồng Lĩnh ở Nghệ Tĩnh. Sử thi Mường do đó kể Tá Cài ra nắm giữ binh mường bị rồng cuốn, thuồng luồng xanh chặn lối. Đây là hình ảnh của cơn đại hồng thủy thời Đường Nghiêu nước ngập ngang trời được chép trong truyền thuyết Việt.

Người thứ ba lên nắm được binh mường, cầm đầu thiên hạ người Việt một cách chắc chắn, xua tan được ma quỷ là Lộc Tục. Lộc Tục tương ứng với Tá Cần trong sử thi Mường. Lộc Tục làm vua phương Nam xưa ở vùng miền Bắc Việt, xưng là Kinh Dương Vương. Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước tôn ông là Lang Cun Cần, vị Lang Cun đầu tiên của người Mường.

Ở giai đoạn này còn một vị trí thủ lĩnh tuy không được sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước nói tới một cách trực tiếp, nhưng vẫn có những lời kể đề cập tới. Đó là chuyện bà Dịt Dàng tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm. Rõ ràng bà Dịt Dàng tương ứng với Tây Thiên Quốc mẫu, vợ của vua Hùng (Dịt Dàng), tương truyền là người đã dạy dân Việt cách chăn tằm ươm tơ.

Dị bản khác của sử thi Mường kể người tìm ra cách ươm tơ dệt vải là nàng Vạ Hai Kịt, cũng là một người sinh ra từ quả trứng Chiếng. So sánh với Ngọc phả Hùng Vương Thánh Tổ thì nàng Vạ Hai Kịt tương ứng với vị Ất Sơn Thánh Vương, là vị Hùng Vương Thánh Tổ thứ ba được thờ ở đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và ở vùng đất tổ Phong Châu nói chung. Ất Sơn Thánh Vương có xuất xứ từ vùng núi Lịch ở Sơn Dương, Tuyên Quang, nơi mà mãi tới gần đây vẫn còn gọi là tổng Ất Sơn. Dãy núi Lịch nằm nối tiếp dãy núi Tam Đảo, tức là Ất Sơn Thánh Tổ cùng dòng hệ với Tây Thiên Quốc Mẫu ở Tam Đảo.

Kinh Dương Vương – Tản Viên Sơn Thánh

Lang Cun Cần là vị thủ lĩnh có vai trò đặc biệt trong lịch sử người Mường bởi những công lao to lớn mang tính chất khai mở mọi mặt trong đời sống nhân dân. Bản thân chữ Cần có nghĩa là đầu tiên, trước tiên. Lang Cun Cần nghĩa là vị thủ lĩnh đầu tiên của người Mường, rất tương đồng với Kinh Dương Vương, vị Nam Thiên Thánh Tổ đầu tiên của người Việt.

Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước kể: sau khi Lang Cun Cần cầm yên binh mường, ông bắt đầu tìm ra cách làm nhà từ hình dáng của con rùa, tìm ra cách đánh lửa bằng cách cọ xát vào bùi nhùi vót từ cây nứa, học cách lấy giống lúa và trồng lúa để có lúa nà đồng trước, lúa vượt đồng sau, bắt trâu nuôi để cày bừa, tìm ra cách nấu rượu cần. Tất cả những “công nghệ” này được sử thi Mường gọi là “đẻ”: đẻ nhà, đẻ lửa, đẻ gạo, đẻ trâu, đẻ rượu cần… Ý nghĩa của chữ Đẻ ở đây gần với chữ Tác, nghĩa là tìm ra, sáng tạo ra, chứ không chỉ có nghĩa là “sinh ra” như từ Đẻ trong ngôn ngữ Việt. Chữ Tác xưa được ký âm bằng chữ Sạ, rất cận âm với từ Đẻ.

Người Mường ở các vùng Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa thường tôn thờ Bua Ba Vì, tức Tản Viên Sơn Thánh theo cách gọi của người Việt. So sánh những công nghiệp của Lang Cun Cần đẻ nhà, đẻ lửa, đẻ gạo, đẻ trâu… với các sự tích của Tản Viên Sơn Thánh thì có thể thấy rõ sự tương đồng. Ví dụ chuyện kể Thánh Tản dạy dân làng Cẩm Đái dùng bùi nhùi để đánh lửa, hoàn toàn giống với cách đẻ lửa của Lang Cun Cần. Tới nay ở vùng Cẩm Đái vẫn lưu truyền sự tích “đàn ông Cẩm Đái không râu” do việc lấy lửa cháy râu và tục đánh lửa bằng bùi nhùi vẫn được diễn lại trong các dịp lễ Tản Viên Sơn Thánh.

Ở chân núi Ba Vì có làng Rùa với cây đa khổng lồ gắn với sự tích Thánh Tản. Sự tích này cho thấy sự tương đồng với chuyện kể người dân theo hình dáng con rùa mà làm nhà cho Lang Cun Cần. Thánh Tản còn dạy dân cày cấy ở vùng Cổ Đằng Tam Vật Lại, đánh cá trên sông Tích, đi săn ở Mang Sơn, đào giếng ở Quy Mông, lấy gỗ xây đền ở Chàng Sơn… Tất cả những sự tích này đều tương tự chuyện kể về Lang Cun Cần trong sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước.

Lang Cun Cần là người đã xua đuổi được ma quỷ khi ra cầm mường. Ma rồng, thuồng luồng chạy từng bầy vì sợ Lang Cun Cần. Đây là chuyện Sơn Tinh chiến thắng đám thủy quái của Thủy Tinh, trị thủy thắng lợi thời Hồng Bàng mở nước. Lang Cun Cần trong sử thi Mường là Tản Viên Sơn Thánh trong tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Trong cuốn sách mới ra mắt gần đây của Nhóm nghiên cứu di sản Đền Miếu Việt mang tên Kinh triều bảo lục – Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn đã đưa ra nhận định chứng minh rằng Tản Viên Sơn Thánh chính là Kinh Dương Vương trong huyền sử Việt. Vì thế Tản Viên Sơn Thánh hay Bua Ba Vì cũng chính là Lang Cun Cần, vị thủ lĩnh thần thánh đầu tiên được ghi trong sử thi Mường.

Giai đoạn thủ lĩnh cộng đồng được gọi trong huyền sử Việt là thời kỳ Tam vị Hùng Vương Thánh Tổ ở Phong Châu và Kinh Dương Vương – Tản Viên Sơn ở vùng Ngũ Lĩnh Ba Vì. Cả 2 khu vực đất tổ của thời kỳ Sơn triều Hùng Vương này cũng đều là vùng đất gốc của người Mường. Do đó sử thi Mường kể giai đoạn thủ lĩnh binh mường gồm những vị Hùng Vương Thánh Tổ tương ứng là Dịt Dàng, Đá Cài, Vạ Hai Kịt và Lang Cun Cần. Bắt đầu từ Lang Cun Cần – Kinh Dương Vương, người Mường – Việt như cá vượt Vũ Môn hóa rồng, đã có cuộc sống thực sự ấm no nhờ tìm ra lửa, ở nhà sàn, trồng lúa, đánh cá, chăn trâu, nấu rượu, dệt tơ…

Bài Ngã Ba Hạc Phú của Tiến sĩ đời Lê Nguyễn Bá Lân có lời nói về giai đoạn dựng nhà hình rùa, thắng thủy hóa rồng của vùng xứ Đoài như sau:

Nắm đất Đoài phương

Cạnh giời Nam quốc.

Ba góc bờ chia vành vạnh, huyệt Kim Quy hẻm đá rộng hông hênh

Hai bên cỏ mọc lâm dâm, hang Anh Vũ giữa dòng sâu huếch hoác.

(Còn nữa)

https://congdankhuyenhoc.vn/su-thi-muong-de-dat-de-nuoc-va-huyen-su-thoi-hung-vuong-thoi-thu-linh-cong-dong-179230109110126742.htm

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng - Ảnh 1.
Phong cảnh vườn tược ở Bá Thước, Thanh Hóa.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng - Ảnh 2.
Bà con người Mường ở Bá Thước, Thanh Hóa.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng - Ảnh 3.
Cây đa làng Rùa, Vân Hòa, Ba Vì.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng - Ảnh 4.
Ban thờ Tản Viên Sơn Thánh ở làng Cẩm An, xưa là Cẩm Đái, Cẩm Lĩnh, Ba Vì.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng - Ảnh 5.
Đình Bằng Tạ, Cẩm Lĩnh, Ba Vì, nơi còn tục lệ đánh lửa bằng bùi nhùi vào ngày lễ.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng - Ảnh 6.
Đình Sủ Ngòi ở thành phố Hòa Bình, là ngôi đình của người Mường thờ Tản Viên Sơn Thánh.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương: Thời thủ lĩnh cộng đồng - Ảnh 7.
Đình Thạch Khoán ở xứ Mường trên đất Thanh Sơn, Phú Thọ.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương

Đẻ Đất Đẻ Nước là bộ sử thi đồ sộ của người Mường được lưu truyền và sử dụng cho tới nay trong các dịp may chay, cưới hỏi…

Sử thi bao quát từ khi mở ra đất ra nước, sinh ra con người, lập nên thủ lĩnh Mường… cho đến khi rước Vua về vùng Đồng chì Tam quan Kẻ chợ, hoàn thành công cuộc dựng nước của người Mường.

Người Việt (người Kinh) và người Mường được biết là 2 tộc người có quan hệ nguồn gốc rất gần gũi, nên rõ ràng lịch sử nguồn cội của người Mường cũng chính là lịch sử tổ tiên người Việt. Thực vậy, các nhân vật, sự kiện được kể trong suốt sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước hoàn toàn trùng khớp với huyền sử thời Hùng Vương của người Việt. Đẻ Đất Đẻ Nước không gì khác là sự tích Lên Núi Xuống Biển của trăm họ người Việt thời Hùng Vương.

Phần 1: Thời Thần thoại

Sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước, bản sưu tầm ở huyện Bá Thước, Thanh Hóa kể: Ngày xưa dưới đất chưa có đất, trên trời chưa có trời. Đất còn rời rạc, nước còn bùng nhùng. Có một năm mưa dầm mưa dãi. 50 ngày nước rút, mọc lên một cây xanh có 90 cành. Những cành trên cùng có ông Thu Tha, bà Thu Thiên. Ông bà đã tạo ra cây cỏ và các loài tôm cá. Đó là Đẻ Đất. Rồi hạn chín tháng trời, nắng mười hai năm xác đất. Ông Pồng Pêu (thần nước) cầu ước mưa. Mưa dầm dề, mưa rào rào. Đó là Đẻ Nước. 

Trên đất trũng mọc lên một Cây Si cao tới tận trời. Sâu Hốc sâu Giang đục hết lõi cây. Cây đổ, 1919 cành Si thành 1919 đất mường. Đó là Đẻ Mường. Cây Si còn hóa ra Mụ Dạ Dần. Mụ Dạ Dần đẻ ra Cun Bướm Bạc, Cun Bướm Bờ. Cun Bướm Bạc và Cun Bướm Bờ lấy các nàng tiên trời đẻ được 10 con. Con út là Trống Chim Tùng, Mái Chim Tót. Chim này đẻ trứng Chiếng. Trứng vuông nở thành người, trong đó có ông Dịt Dàng, Đá Cài, Lang Cun Cần và nàng Vạ Hai Kịt. Đó là Đẻ Người.

Thủa ấy có ông Cuông Minh Vàng Rậm, có nàng Ả Sấm Trời đúc ra 9 chín mặt trời, 12 mặt trăng. Nắng gay gắt. Họ nhà Ngao thần Nỏ Ná bắn rơi 8 mặt trời, 11 mặt trăng. Ông Thu Tha, bà Thu Thiên truyền làm năm tháng. Mỗi năm có 12 tháng, mỗi tháng có 30 ngày. Có năm đầy năm vơi, có tháng no tháng thiếu…

Quan niệm về khai sinh vũ trụ của người Mường hoàn toàn trùng với của người Kinh. Câu mở đầu trong Thiên Nam ngữ lục, cuốn “sử thi Nôm” từ thế kỷ 17 ghi:

Nhớ từ Thái cực sinh ra
Trên trời dưới đất giữa hòa nhân gian.

Câu đối ở chính điện thờ Kinh Dương Vương ở Á Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh:

Thái cực nhất nguyên thiên địa thủy
Viêm Giao Bàn Cổ đế vương tiên.

Ông Bàn Cổ trên đất Viêm Giao đã dùng rìu bổ vỡ khối hỗn mang Thái cực ban đầu mở ra trời – đất. Ông Bàn Cổ với chiếc rìu sáng thế khổng lồ tương ứng với Mụ Dạ Dần và Cây Si trong sử thi Mường. 4 hình tượng Bướm Bạc, Bướm Bờ, Chim Tùng, Chim Tót là 4 tượng trong Thái cực đồ: Thái Âm, Thiếu Âm, Thái Dương, Thiếu Dương. Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng biến hóa vô cùng. Thái cực đồ với Tứ tượng chính là quả trứng Chiếng hình vuông đã biến hóa vô cùng mà Đẻ Người.

Người đúc ra Mặt trời là Phục Hy, vị thần hướng Đông (hướng mặt trời mọc), được sử thi Mường gọi là Cuông Minh Vàng Rậm. Chữ Cuông Minh nghĩa là Quang Minh, chỉ vị thần tạo ra ánh sáng. Người đúc ra Mặt trăng là Nàng Ả Sấm Trời, tương ứng với Nữ Oa. Cặp thần thoại Phục Hy – Nữ Oa trong quan niệm xưa gắn với Âm Dương (Mặt trăng – Mặt trời) và Tứ tượng. Trong dân gian người Việt thì Phục Hy – Nữ Oa được gọi là Ông Đùng – Bà Đà.

Hùng Vương Thánh Tổ Tổ Ngọc phả, phần Lịch kỷ họ Hùng chép rõ về thời kỳ thần thoại:

“Xét như tiếng đức Tiền hoàng đế thời Thái cổ, từ kỷ Tam Hoàng Ngũ Đế đến nay, theo nguyên mệnh của xuân thu, bao gồm thời mở mang hồng hoang trước trời đất. Trời ban đầu mở vào Giáp Tí. Đất tụ mang ở Ất Sửu. Vận người sinh ở Giáp Dần. Vạn vật ra đời ở gian Ất Mão. Từ thời Bàn Cổ, Thái cực sinh Lưỡng Nghi, là Thiên Địa. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng biến hóa thành nhiều hình trạng.

Thời Hỗn Mang còn chưa biết đạo trời đất khởi đầu thế nào, đến Âm dương biến làm Tam tài, vị quân thủ dẫn đường dần dần mở ra phong khí, dần dần có văn minh, làm rõ ràng các giáo lý trị dân. Trời xuất hiện nhiều bậc đại thánh. Cha trời Mẹ đất là Thiên tử xuất hiện đầu tiên. Sau đến các vật ở vạn nước được yên định, nhận trọng trách lớn như thế sao.

Thiên Hoàng nối Bàn Cổ mà trị ở ngôi Thiên tử, nắm quyền chế độ, mới chế ra Can chi. Mười can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ Canh, Tân, Nhâm, Quý. Mười hai chi là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Vị, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Lấy đó để định thời gian, giúp nhân dân biết phương hướng. Cứ mỗi đời có bậc quân vương lại tất có sự sáng chế của quân vương đó. Các vua sau từ đó noi theo trăm đời không lay. Lấy việc giải quyết cho dân làm khó. Lấy sự an định làm nguy. Xem hiền mà sửa mình.

Địa Hoàng định hai thời phân làm ngày đêm, lấy ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm. Gộp những sai lệch mà bày ra nhuận, cuối cùng thì phục hồi lại thời gian như ban đầu, lấy thời khí theo đó. Các anh em của người cứ một vạn tám ngàn năm là chúa tể thiên hạ các phương, sáng chế lập ra pháp luật, ban bố vạn đời. Khiến cho hậu thế đều biết được chỗ sáng tối, tháng năm như thế”.

Thiên Hoàng, Địa Hoàng hay Cha Trời, Mẹ Đất tương ứng với bà Thu Thiên, ông Thu Tha trong sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước, là những người đã tạo ra năm tháng cho hậu thế biết phân thời gian. Họ nhà Ngao bắn rơi Mặt trăng Mặt trời tương ứng với truyền thuyết Vua Nghiêu (Ngao – Hữu Ngu) đã sai thần tiễn thủ Hậu Nghệ bắn hạ Mặt trời, cân bằng lại Thái cực, tạo nên một vũ trụ yên ổn, phân định trời đất, ngày đêm.

Có thể thấy quan niệm lịch sử Hùng Vương hoàn toàn trùng với giai đoạn mở đầu của sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước, từ việc Mụ Dạ Dần – Bàn Cổ mở trời đất, sinh Thái cực, Thái cực sinh vạn vật, đến việc Cha Trời Mẹ Đất phân chia thời gian, giữ yên vũ trụ. 

Bài Ngã Ba Hạc phú của Tiến sĩ thời Lê là Nguyễn Bá Lân diễn tả thời thần thoại:

Vũ trụ mơ màng,
Càn khôn xếch xác.
Vua Bàn Cổ khai lò tạo hoá, hồng mông đà phơi phới hơi xuân,
Họ Hữu Ngu khơi mạch sơn hà, cương giới vẫn rành rành dấu tạc.

(Còn tiếp)

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương - Ảnh 1.
Núi Cột Cờ Mường Bi, Tân Lạc, Hòa Bình là di chỉ khảo cổ nền Văn hóa Hòa Bình, quê hương của sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương - Ảnh 2.
Đền Á Lữ.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương - Ảnh 3.
Nghi môn đền Á Lữ nhìn từ bên ngoài.
Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương - Ảnh 4.
Nghi môn đền Á Lữ nhìn từ bên trong.

Đôi câu đối về Thái cực và Bàn Cổ ở đền Á Lữ.

Sử thi Mường Đẻ Đất Đẻ Nước và huyền sử thời Hùng Vương (congdankhuyenhoc.vn)