Ngôn ngữ Trung Quốc

Dưới đây chúng tôi chuyển ngữ những phần chủ yếu một bài thuyết giảng phổ thông về vấn đề này của học giả Viên Đằng Phi 袁腾飞, Giáo sư Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh đăng trên Nam phương bộ thị báo南方都市报 (www.nddaily.com 南都网). Trong bài viết này, ông cũng lý giải về nguồn gốc lịch sử dẫn tới nhược điểm “nhất tự đa nghĩa” (cùng một từ có nhiều nghĩa dẫn tới mơ hồ và khó khăn trong diễn đạt, một biểu hiện của sự lạc hậu, thiếu thốn từ vựng trong ngôn ngữ) của tiếng Trung Quốc hiện đại:

(…)
Ngôn ngữ quan phương hiện tại (Quan thoại), được gọi là phương ngữ miền Bắc, là một ngôn ngữ đã bị Hồ hóa trong quá trình lịch sử, tính ưu mỹ của Hán ngữ đã hỗn giao với sự thô sơ của ngôn ngữ các rợ Hồ làm cho Hán ngữ trở nên thô thiển, đơn sơ, ngoại trừ việc còn giữ được cơ sở kết cấu ngữ pháp (chủ vị tân) của ngữ hệ Hán-Tạng ra, thì Hán ngữ về cơ bản đã bị đánh gục tơi tả, cuối cùng bị Hồ hóa theo ngữ hệ Altai, là loại ngôn ngữ địa phương mà về tính chuẩn xác, tính thực dụng thì lạc hậu hơn nhiều so với các phương ngữ miền Nam (…) mà đại diện là Cantonese (tiếng Quảng Đông).
Từ cuối nhà Đường trở đi, phía Bắc bị cai trị lâu dài bởi Khiết Đan, Nữ Chân (Mãn), Mông Cổ v.v. (thuộc ngữ hệ Altai là chủ yếu) do đó chắc chắn là phương ngữ phía Bắc khó mà tránh khỏi bị Altai hóa, nên mất đi hầu hết những đặc điểm vốn có trong Hán ngữ, đồng thời bị pha tạp một số khẩu âm (giọng) ngoại tộc. Tỷ như, đại bộ phận các giọng địa phương của Hán ngữ đều có thể phân biệt hầu hết các âm gió-nổ (尖团音 Tip group tone) trong khi các ngữ thanh phương Bắc không thể phân biệt được.
Đa số Hán ngữ địa phương đều phân biệt nhập thanh (入声) với phi nhập thanh (非入声). Tiếng phương Bắc không phân biệt được. Tiếng phương Bắc chỉ có bốn âm giai điệu (Tone): Âm bình 阴平, Dương bình 阳平, Âm thượng 阴上, Âm khứ阴去。
Còn Hán ngữ lại phân thành tám âm giai điệu: Âm bình 阴平, Dương bình 阳平, Âm thượng 阴上, Dương thượng 阳上, Âm khứ 阴去, Dương khứ 阳去, Âm nhập 阴入, Dương nhập 阳入.
Các phương ngữ miền Nam, trừ tiếng Việt Quảng Đông粤语 ra, đều ít nhiều có hiện tượng mất bớt âm giai điệu, nhưng số âm giai điệu còn lại đều nhiều hơn phương Bắc, ít nhất là còn từ sáu âm giai điệu trở lên. Và tiếng Việt Quảng Đông không chỉ bảo tồn tám âm giai điệu, mà còn thêm vào giữa Dương nhập và Âm nhập một âm giai điệu nữa là Trung nhập, thành ra tiếng Việt Quảng có đến chín âm giai điệu.
(…)
Ngữ hệ Altai được đặc trưng bởi ít ngữ tố, đa âm tiết, ví dụ đặc biệt là Nhật Bản ngữ. Phương Bắc, so với phương Nam, cũng hiện rõ đặc điểm này, do đó mà có khó khăn lớn khi biểu đat. Tỷ như dùng tiếng phổ thông khi giảng giải có dính dáng chút ít học thuật, chỉ dùng lời nói (khẩu ngữ) không thôi là không đủ, bắt buộc phải viết ra chữ (văn tự) thì mới hiểu được.
Bởi vì có quá ít âm tố 音素, dẫn đến hiện tượng đồng âm quá nhiều. Vì vậy, để làm giảm đồng âm, miền Bắc sẽ phải tăng số lượng các âm tiết của từ vựng. Ở phía Bắc, các từ vựng đơn âm tiết là cực kỳ ít, còn số từ vựng đa âm tiết thì cực lớn.
Các phương ngữ miền Nam thì ngược lại, vì có nhiều âm tố nên hiện tượng đồng âm ít hơn, số lượng từ vựng đơn âm rất phong phú, số từ vựng có hơn ba âm tiết rất ít, và chủ yếu là đến từ tiếng miền Bắc.
Vậy cho nên để thể hiện cùng một ý tứ trong một đoạn thoại, người miền Nam dùng ít từ hơn người Bắc, đương nhiên là hiệu suất ngôn ngữ cao hơn nhiều.
Ngôn ngữ Bắc chẳng hiểu sao lại bắt người ta đệm thanh âm “ěr -儿” vào, chẳng có lý do mà phải tăng thêm âm tiết “ěr”, khiến ngôn ngữ diễn đạt đã có hiệu suất không cao, nay lại càng bị kéo thấp xuống nữa.
Nếu bạn so sánh phim Hồng Kông bản tiếng Quảng Đông với bản tiếng Quan thoại, bạn sẽ phát hiện ra hiện tượng trong bản tiếng Quan thoại nhiều nội dung ngôn từ bị cắt gọt bớt. Lý do là tiếng Quảng Đông chỉ với mười từ âm tiết là đủ ý cho một đoạn thoại, còn tiếng Quan thoại phải sử dụng đến 15, 16 âm tiết mới đủ, cho nên để khớp lời với miệng, chỉ có cách cắt bớt nội dung.
Từng có người luận bàn rằng Hán ngữ là một loại ngôn ngữ lạc hậu, luận điểm có nhiều chỗ sai, nhưng cũng có rất nhiều điểm là hoàn toàn chính xác, tìm hiểu đến nơi đến chốn thì ra người đánh giá này chỉ dựa trên cơ sở của Hán ngữ hiện tại, lý luận sặc mùi sùng ngoại, thật đáng thương hại, anh ta dường như quên mất Hán ngữ cổ rồi!
Trong thực tế, chúng ta phải dám thừa nhận, ngôn ngữ đơn âm, nếu chỉ có bốn âm giai điệu mà lại bắt nó phải rạch ròi chuẩn xác thì thật nực cười. Hãy thử lấy phương ngữ Hakka là đại diện của miền Nam, nhờ số cách phát âm nhiều, rất dễ giải quyết hiện tượng câu đa nghĩa quá nhiều trong Hán ngữ hiện đại.
(…) Ngôn ngữ quyết định trình độ của nền văn minh của một dân tộc. Trung Quốc, là một trong bốn nền văn minh cổ đại, trên thực tế, kể từ khi khởi đầu thời đồ đá, nền văn minh Trung Hoa biến đổi theo thời gian ngày càng lạc hậu so với văn minh Tây phương. Khi ở Trung Quốc vào thời nhà Hạ nhà Thương, thì văn minh La Mã, Ai Cập, Lưỡng Hà đã đi trước Trung Quốc 2.000-3.000 năm, và Trung Quốc, trong hoàn cảnh kín cổng cao tường, đã phải mất gần hai ngàn năm, cuối cùng đã bắt kịp, và sau đó vượt xa lên phía trước. Nhưng kể từ sau đời Tống thì lại nhanh chóng suy nhược, ở đây liên quan đến một hiện tượng rất quan trọng, đó là trước Tống thì chính quyền quốc gia dựa trên ngôn ngữ chính thức (quan phương ngữ ngôn) là Hán ngữ, ưu mỹ, chuẩn xác, còn sau thời Tống thì ngôn ngữ chính thức của quyền lực nhà nước lại là ngữ ngôn phương Bắc (…) Các Trạng nguyên thời Đường, Tống, Nam Bắc triều về cơ bản là tương đồng, từ Tống về sau thì bị phương Nam lũng đoạn, thời cận đại, phương Nam phát triển cao hơn Bắc, Bắc phát triển cao hơn Tây Bắc, còn Đông Bắc trở thành một đỉnh cao vì thời kỳ đầu công nghiệp nặng tập trung ở mảnh đất này, được sự trợ giúp của nhà nước, thế mà cũng vẫn không thể sánh nổi với phương Nam.
(…) Âm phương Bắc có rất nhiều các loại âm mà phương Nam không có như âm ěr (“ㄦˇ,hậu tị âm (âm sau mũi 后鼻音),hậu thiệt âm (âm sau lưỡi 后舌), là những âm khi nói cần phải vận động đầu lưỡi rất nhiều, phương Nam ít loại âm này nên nói được rất nhanh. Mọi người hãy thử nói câu “骑车上公园儿” theo ngữ ngôn Bắc (Qí chē shàng gōngyuán er = Đi xe ra công viên) rồi so với cách nói miền Nam “骑 sang公园” xem nó chậm hơn bao nhiêu. Tốc độ của tư duy tỷ lệ thuận với tốc độ lời nói, nói nghĩ kiểu ậm à ậm ừ lai rai của người phương Bắc làm sao có thể cạnh tranh được với hiệu suất cao của người phương Nam?

(…)
Tại sao một số học giả tin rằng tiếng Quảng Đông gần Hán ngữ cổ hơn cả? Thật ra đây không phải là nói chơi, bởi vì tiếng Quảng Đông đã bao hàm tất cả bốn thanh tám vần của Hán ngữ, một phần nhỏ chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ các dân tộc Lĩnh Nam[ý nói các dân tộc ở cực Nam Trung Hoa như xưa như, Âu Lạc, Nam Việt …](…) trong tiếng Quảng Đông có một số lượng lớn các từ bế âm tiết, âm đọc phụ âm nguyên âm tương đương nhau, có hoặc không có bế âm tiết tạo ra khác biệt rất lớn. Tỷ dụ hai chữ Đại 大 và Đạt 达 trong tiếng Quan thoại chỉ đọc khác nhau ở âm vận (dấu thanh điệu) “dà và dá” nhưng trong cách phát âm tiếng Quảng Đông chữ đầu là âm tiết mở (khai âm), chữ sau là âm tiết đóng (bế âm). Chữ đầu đọc là “dai”, chữ sau đọc là “dat” (chữ t là ký hiệu biểu thị tác dụng đóng của âm tiết thứ hai, không phát thành âm). Tiếng Quảng Đông không có âm uốn lưỡi, cũng giống như Hán ngữ cổ vậy. Nhìn ra ngoài Trung Quốc xem hai nước Việt Nam và Hàn Quốc là những nước chịu ảnh hưởng của Hán ngữ cổ, tuy rằng họ có bản ngữ dân tộc riêng, nhưng khi họ đọc chữ Hán (Hán tự thỉnh thoảng dùng để biểu ý khi ghi chép sang bản ngữ dân tộc của họ), thì thực là rất giống tiếng Quảng Đông.
Ví dụ, tất cả chúng ta đều biết rằng thương hiệu Hàn Quốc “三星 Tam Tinh-Ba sao) thì hai chữ Hán đó Hàn Quốc đọc là “Samsung”, còn tiếng Việt (tam tinh) và tiếng Quảng Đông (saam sing) đọc hai chữ này gần giống nhau (…)
Sự phân hóa của Hán ngữ bắt đầu lúc nào?
Thời Mạt Đường Ngũ Đại, dân thiểu số lại gây vó ngựa sa trường, Bắc Tống chỉ lo giữ cho được đất gốc của Trung Quốc, còn Yên Vân thập lục châu (16 vùng thuộc Bắc Kinh Thiên Tân và bắc phần Sơn Tây Hà Bắc ngày nay) rơi vào tay Khiết Đan, cũng là lúc bắt đầu thời Hán Hóa Khiết Đan. Khiết Đan thuộc chi ngôn ngữ Altai-Mông Cổ (một phiên bản cổ của chi ngôn ngữ Altai -Tungus), khác với mười sáu nhóm nhỏ ngôn ngữ của rợ Hồ. Vùng đất Hán cũ trước khi bị người Khiết Đan chiếm vốn đã có một lịch sử văn minh, cho nên để gìn giữ chế độ Khiết Đan cũ, họ đã cố phân chia ra hai vùng Khiết Đan và Hán riêng biệt để cai trị. Họ lấy ngôn ngữ dân tộc làm ngôn ngữ chính thức của đế quốc, có văn tự riêng, tuy vậy thì văn hóa dần dần cũng bị Hán đồng hóa, dù dưới sự cai trị lưỡng chế, nhưng ngôn ngữ không phải là chuyện của riêng ai, theo chính trị thâm nhập mạnh mẽ vào Bắc Hán ngữ, bắt đầu làm cho cách phát âm của Hán ngữ pha giọng Altai từ đấy.
Vả lại văn tự Hán ngữ thì tốt cho việc biểu đạt mà không đòi hỏi cùng một khẩu ngữ, nên chi Hán ngữ có sức mạnh lớn đồng hóa các tộc khác, không cần tác động lên văn tự của ngôn ngữ Khiết Đan có vị thế chính trị cao hơn. Mặc dù người Khiết Đan đọc chữ Hán với âm khác với người Hán, nhưng về văn tự thì đều hiểu như nhau, nên sự phát âm như nhau là không bắt buộc.
Tôi đoán từ thời gian này trở đi, khi Bắc Kinh đã trở thành lãnh thổ phía Nam của nhà Liêu, ngôn ngữ nói của Trung Quốc vì phục tùng tầng lớp cai trị của đế chế Đại Liêu nên bắt đầu quá trình Hán ngữ phía Bắc biến hóa theo phát âm của kiểu Altai. Âm uốn lưỡi (卷舌音-quyển thiệt âm retroflex) (bao gồm cả âm bật lưỡi 弹舌音-Đạn thiệt âm- Tongue sound) cực nhiều trong ngữ hệ Altai, ở đây, từ phía Bắc của Bắc Trung Quốc, ngữ âm Altai bắt đầu thâm nhập vào Hán ngữ. Kim diệt Liêu, chia đôi thiên hạ, nửa theo chế độ của nhà Kim, người Hán thiên di về Nam, Hán ngữ Hoa Bắc nhận thêm kẻ xâm lược mới: ngữ hệ Altai-Tongus, bắt đầu thời kỳ âm cuốn lưỡi gia tăng mạnh, lượng bế âm mất dần.
(…) Nhà Tống nam di, sau khi định đô ở Lâm An, ngôn ngữ của tầng lớp quan liêu quý tộc bị ảnh hưởng bởi phương ngữ Hán Ngô Việt vốn có nguồn gốc Hán Tạng đã tồn tại trước thời Xuân Thu, so với Hán ngữ thời Nam Bắc triều thì đã phân hóa rõ rệt. Hán ngữ Hoa Bắc đã bị Tongus hóa, nhưng vùng miền núi có thể là biệt lệ (bằng chứng cho thấy rằng nay vẫn còn có những ngôi làng ở khu vực miền núi ở Sơn Tây còn giữ được thanh nhập của Hán ngữ), còn khẩu ngữ của hoàng thân quốc thích và quan lại triều Nam Tống thì đã chuyển đổi dần theo giọng nói của Ngô Việt. (Sau 1.500 năm lịch sử, vốn dĩ đã thông dụng Hán ngữ, muốn đồng hóa họ e cũng khó khăn), và phía Nam của dãy Nam Lĩnh, vì núi non cản trở, nên ở đây Hán ngữ gốc có từ thời Tần Thủy Hoàng ít bị thay đổi. Loại Hán ngữ phá cách từ phương bắc theo vó ngựa xâm lược của dân du mục, khi đến được Giang Nam, Hoa Nam vượt qua bao nhiêu núi đồi cách trở nên ảnh hưởng đã yếu đi nhiều, chưa kể đến hàng rào cản là dãy Lĩnh Nam.
Đế quốc Mông Cổ chiếm nước Kim, một lần nữa Hán ngữ Hoa Bắc lại nhận thêm kẻ xâm nhập với khẩu ngữ mới (người Mông Cổ giết hại 90% dân số sống ở Bắc Trung Quốc, và phần còn lại phải chịu tuân phục). Lần này kẻ thống trị Hoa Bắc lại nói tiếng thuộc chi ngữ hệ Altai-Mông Cổ. Ai có hứng thú xem lại lịch sử nhà Nguyên nên biết rằng sự cưỡng bức chính trị thời này là đặc biệt kinh khủng. Các quan chức người Hán ai mà không tập theo tiếng Mông Cổ thì không thể yên ổn được (…)
Lúc này, trải qua sự xâm nhập và ảnh hưởng của chi ngữ ngôn Altai-Mông Cổ lẫn chi Altai-Tongus vào Hoa Bắc, đầu tiên tại kinh đô Đại Đô (tức Bắc Kinh) của nhà Nguyên đã hình thành nên tiếng Nguyên Đại Đô (tiếng Bắc Kinh), đó chính là thủy tổ của tiếng Phổ thông ngày nay.
Nhà Minh lật đổ sự thống trị thực dân Mông Cổ, lập Kinh Đô ở Nam Kinh, nhưng rồi thân vương mạnh nhất là Yên Vương Chu Lệ ở Bắc Kinh thoán đoạt ngôi vua, lại quay về Bắc Kinh đóng kinh đô, giữ Nam Kinh làm kinh đô phụ (Bồi Đô-陪都), dẫn tới số phận Hán ngữ Hoa Bắc bị Hồ hóa là điều không thể thay đổi. Cuối cùng thì nhà Minh cũng xác định tiếng nói của Đại Đô là tiếng nói chính thức của nhà nước. Sau đó, các vùng phụ thuộc Minh, các sắc dân Mãn Châu thuộc chi Tongus, nơi đã từng khởi binh chinh phục Trung Hoa, đều bị Hán hóa hoàn toàn, về văn hóa thì bị ảnh hưởng bởi Trung Hoa, nhưng tiếng nói của vùng Hoa bắc cũng bị pha tạp, cuối cùng hình thành nên cơ sở cho ngôn ngữ hiện tại là tiếng phổ thông Quan thoại (mandarin) – kỳ thực thì tên gọi này đối với người Hán là một đại sỉ nhục, vì Mandarin chính là phiên âm của”满大人- Mãn đại nhân” tức là “tiếng nói của các quan Mãn Châu” (chữ Quan thoại cũng từ đó mà ra).

Bài viết về Hán ngữ trích từ bài báo: Lạm bàn về dạy và học tiếng Trung Quốc ở Việt Nam.

Giải nghĩa một số địa danh trong cổ sử Việt qua phép phiên thiết Hán Nôm

Chữ Hán cũng như chữ Nôm là những loại chữ biểu ý, không phải biểu âm, nên để ghi chú cách đọc của các chữ này từ thời Đông Hán người ta đã dùng phép phiên thiết. Phiên thiết (反切) là dùng hai chữ riêng rẽ để ghi chú một âm của chữ khác, lấy thanh (phụ âm) của chữ đầu ghép với vận (vần) của chữ sau để tạo thành một âm. Phép phiên thiết được áp dụng không chỉ trong việc xây dựng các từ điển chữ Hán ở Trung Quốc, mà ở nước ta thời xưa đây là cách để ghi các địa danh, nhân danh trong tiếng Nôm vào văn bản. Tìm hiểu các tên chữ tạo nên bởi phép phiên thiết từ âm Nôm cho phép giải mã được ý nghĩa thật sự vốn có của các tên gọi này trong lịch sử cổ đại nước ta.

Một âm Nôm thường không có chữ Hán với âm tương ứng nên thời xưa cách để ghi các âm Nôm này trong văn viết là dùng phép phiên thiết, sử dụng 2 ký tự chữ Hán để ký 1 âm Nôm. Lâu ngày, do chỉ thông qua các thư tịch lưu lại, 2 ký tự này trở thành tên gọi của địa điểm hay nhân vật thay cho âm Nôm ban đầu. Người đời sau dễ nhận nhầm rằng 2 chữ này có ý nghĩa nhất định về đối tượng được gọi đến mà quên đi rằng đó vốn chỉ là 2 ký tự ghi âm, không hề mang nghĩa liên quan.
Có thể kể một loạt các làng Việt cổ có “tên chữ” là tên phiên thiết từ tên Nôm như làng Và ở xã Trung Hưng, Sơn Tây có tên chữ là Vân Già (Vân Già đọc thiết cho âm ). Làng Dầm là thôn Xâm Dương ở xã Ninh Sở, Thường Tín (Xâm Dương đọc phản thiết Dầm). Làng Cổ Hiền, còn gọi là trại Quyền hay thành Quèn, ở xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai (Cổ Hiền thiết Quyền – Quèn).
Nhiều tên địa danh, nhân danh của người Việt đã được giải thích là do tiếng Nôm cổ có các tổ hợp phụ âm kép nên khi chép bằng chữ Hán được phiên âm thành 2 chữ. Ví dụ, tên huyện Câu Lậu được cho là phiên âm từ klâu – trâu. Hay tên huyện Luy Lâu (Doanh Lâu) là phiên âm của cổ âm blâu/ tlâu – dâu. Nay, nếu áp dụng phép phiên thiết cho những tên gọi này sẽ cho các liên hệ đơn giản và rõ ràng, không cần vận dụng cổ âm. Câu Lậu thiết Câu – Châu – Trâu. Doanh Lâu thiết Dâu.
Vận dụng phép phiên thiết kết hợp với các tư liệu dân gian cho phép giải nghĩa một số tên gọi trong cổ sử Việt.

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Địa danh Mê Linh là nơi Hai Bà Trưng đóng đô sau khi khởi nghĩa chống giặc Hán thành công. Địa danh này được GS. Trần Quốc Vượng giải thích là tên ghi cổ âm Mling hay Mlang, mà theo tiếng các dân tộc ở Tây Nguyên có nghĩa là “một loài chim”, từ đó đi đến kết luận Hai Bà Trưng thuộc bộ tộc thờ chim làm vật tổ. Nay áp dụng phép thiết cho tên gọi này có Mê Linh thiết Minh, tức là tên Nôm của địa danh Mê Linh thực ra là Minh. Đô kỳ Mê Linh hay Minh đô của Hai Bà Trưng là nơi nào?
Ở đền Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh (xã Huy Cương, Việt Trì, Phú Thọ) nay còn câu đối:
天書定分正統肇明都百粵山河惟有祖
光岳協靈故宮成萃廟三江襟帶尚朝尊
Thiên thư định phận, chính thống triệu Minh đô, Bách Việt sơn hà duy hữu tổ
Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành tụy miếu, Tam Giang khâm đái thượng triều tôn.
Dịch:
Sách trời định chốn, chính thống dựng Minh đô, núi sông Bách Việt duy có tổ
Núi tỏa linh thiêng, cung cũ lập miếu đền, một dải Tam Giang hướng về nguồn.
Câu đối này chỉ ra rằng Minh đô của các vua Hùng là đất Phong Châu, nơi có ba con sông Đà, Lô, Thao (Tam Giang) hội tụ ở ngã ba Việt Trì. Vị vua đầu tiên của người Việt được Lĩnh Nam chích quái nhắc đến trong Truyện họ Hồng Bàng là Đế Minh, là người đã lập Minh đô ở Phong Châu. Đế Minh được thờ phụng ở vùng Phú Thọ dưới tên Hùng triều Thánh tổ Cao Sơn Minh Vương trong các thần tích tại đây.
Bà Trưng “quê ở Châu Phong”, thuộc dòng dõi “Lạc Hùng chính thống”, phất cờ khởi nghĩa chống giặc, dựng nước đóng ở Minh đô – Phong Châu, hoàn toàn hợp lý. Mê Linh thời Trưng Vương là cả vùng đất Tây Thổ – Phong Châu rộng lớn, không chỉ là một huyện ngoại thành Hà Nội như bây giờ.Den Hung

Nghi môn đền Thượng trong khu di tích đền Hùng ở Phú Thọ.

Bổng và Đổng, hai vị tối linh thần nước Nam
Tên gọi Phù Đổng của người anh hùng làng Dóng đã được các học giả quan tâm bàn luận khá nhiều. Cao Huy Đỉnh liên hệ tên Đổng với các tên Đùng, Tùng, Dông, với tính cách khổng lồ, dông tố, sấm sét . Còn GS. Trần Quốc Vượng cho rằng Phù Đổng là ghi âm Nôm cổ blỏng hay blổng.
Áp dụng phép phiên thiết có Phù Đổng thiết Phổng hay Bổng (các phụ âm ph- và b- chuyển đổi cho nhau trong cổ âm). Lời tiếm bình Việt Điện u linh của tiến sĩ thời Lê là Cao Huy Diệu chép “Hương, Bổng, Đổng, Đằng là bốn vị tối linh của nước ta”. Thần Bổng, một trong 4 vị tối linh thần của nước Nam, chính là Thánh Dóng. Thánh Dóng được gọi là Phổng – Bổng bởi vì mới lên 3 tuổi ăn cơm cà của làng mà lớn “phổng”, nhanh như thổi, cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân. Thắng giặc ngài bỏ mũ áo lên núi Sóc Sơn rồi bay “bổng” về trời.
Vậy còn vị linh thần có tên Đổng được nhắc đến là ai? Vị thần này được biết thông qua thần tích đền Bộ Đầu thuộc xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội. Nơi đây thờ Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh. Trong đền có bức tượng Đổng Thiên Vương bằng đất nung lớn, cao tới 5,5 m, đang ra tay diệt trừ thủy quái. Thần Đổng hay ông Đùng, như vậy là vị thần khổng lồ Huyền Thiên Trấn Vũ, tức là vị thần được thờ ở Quán Thánh tại Hồ Tây, Hà Nội. Sự trùng hợp giữa tên phiên âm (Đổng – Đùng) và tên phiên thiết (Phù Đổng – Bổng) đã dẫn đến sự nhầm lẫn giữa 2 nhân vật này trong các sự tích, cũng như trong quan niệm về Tứ bất tử nước Nam.

Bo DauTượng ông Đổng ở đền Bộ Đầu.

Đức thánh Chiêm Lý Ông Trọng
Trong số tứ linh thần được kể đến thì thần Hương là Lý Ông Trọng ở làng Thụy Hương hay làng Chèm, nay là đất quận Từ Liêm, Hà Nội. Trong đình Chèm còn lưu bức chạm phượng hàm thư với bài thơ Tứ linh thi, tương truyền được làm từ thời Cao Biền. Cái tên Từ Liêm được GS. Trần Quốc Vượng nhận định là tên phiên âm của âm Nôm cổ tlem – trèm. Chính xác hơn, áp dụng phép phiên thiết có Từ Liêm thiết Tiêm – Chiêm – Chèm. Từ Liêm là tên phiên thiết của làng Chèm, không phải phiên âm Nôm cổ.
Tên Chèm hay Chiêm ở đây có nghĩa gì? Xem lại truyện Lý Ông Trọng, người được Tần Thủy Hoàng trọng dụng, phong làm tướng trấn giữ đất Lâm Thao. Đại Nam quốc sử diễn ca kể:

Hiếu liêm nhẹ bước thanh vân
Làm quan hiệu úy đem quân ngữ Hồ
Uy danh đã khiếp Hung Nô
Người về Nam quốc hình đồ Bắc phương.

Phuong ham thu

Bức Phượng hàm thư với bài Tứ linh thi ở đình Chèm.

Hung Nô đọc thiết là Hồ, 2 từ này cùng dùng chỉ quân giặc mà Lý Ông Trọng đã ngăn giữ như trong đoạn thơ trên. Khu vực liên quan tới “Chiêm” và “Hồ” thời Tần thì phải là vùng phía Nam nước ta vì truyền thuyết Việt cho biết phía Nam nước Văn Lang là nước Hồ Tôn, tiền thân của quốc gia người Chiêm sau này.
Thần tích đình Chèm ghi: Lý Ông Trọng được Hùng Vương phong chức Chỉ huy sứ. Ngài giúp vua dẹp yên các loại giặc hay quấy nhiễu biên giới phía Tây và phía Nam khiến chúng sợ không dám xâm phạm bờ cõi nước Văn Lang. Thần tích đình Trạo Thôn (Đa Lộc, Ân Thi, Hải Dương, quê mẹ Lý Ông Trọng) còn viết Lý Ông Trọng đánh giặc “Ai Lao và Chiêm Thành”. Những tư liệu này cho thấy Lý Ông Trọng làm tướng nhà Tần trấn giữ vùng đất phía Tây Nam, là khu vực người Chiêm hay người Chăm. Lý Ông Trọng là người Việt, lập công nghiệp trên đất Việt, chứ không phải sang tận tỉnh Cam Túc bên Trung Quốc để chống giặc phương Bắc cho nhà Tần. Do sự lẫn lộn về chữ nghĩa tạo nên bởi phép phiên thiết (Hung Nô thiết Hồ) dẫn đến công tích và sự nghiệp của Lý Ông Trọng đã bị đặt ngược chiều Nam – Bắc.
Sử dụng phép phiên thiết để đọc các tên gọi địa điểm và nhân vật trong cổ sử, kết hợp với những dữ liệu của văn hóa dân gian tại các di tích và trong các thần tích còn lưu lại cho phép hiểu đúng hơn về lịch sử nước ta thời cổ đại.

TÀI LIỆU DẪN
1. Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm. Trần Quốc Vượng. NXB Văn học, 2003.
2. Giới thiệu khu di tích tích lịch sử đền Hùng. Vũ Kim Biên. Sở VH-TT Phú Thọ, 2008.
3. Lĩnh Nam chích quái. Trần Thế Pháp, Vũ Quỳnh, Kiều Phú nhuận chính. Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San phiên dịch. NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2011.
4. Đại Nam quốc sử diễn ca. Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái. Bản phiên âm, hiệu đính và chú giải của Nguyễn Khắc Thuần. NXB Giáo dục, 2007.
5. Người anh hùng làng Dóng. Cao Huy Đỉnh. NXB Trẻ, 2015.
6. Từ điển di tích văn hóa Việt Nam. Ngô Đức Thọ chủ biên. NXB Văn học, 2003.
7. Danh nhân Lý Ông Trọng với di tích và lễ hội đình Chèm. UBND xã thụy Phương. NXB Văn học, 2011.