Những khía cạnh trong tín ngưỡng thờ thần bất tử Chử Đồng Tử

Chử Đồng Tử đi vào trong tín ngưỡng dân gian là vị thần bất tử thứ hai trong Tứ bất tử nước Nam. Bản chất của tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử được làm rõ hơn qua nghiên cứu các thần tích dân gian về vị thủy thần cùng vùng sông nước sông Hồng này.

1.      Chử Đồng Tử ở vào thời Hùng Vương thứ mấy?

Truyện Đầm Nhất Dạ trong Lĩnh Nam chích quái ghi Chử Đồng Tử ở vào thời Hùng Vương thứ 3. Một số thần tích như ở đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) ghi là đời Hùng Duệ Vương thứ 18. Nhưng cũng có nơi như ở thần tích đình Đa Ngưu (Văn Giang, Hưng Yên) lại ghi là đời Hùng Vương thứ 6. Xét sự tích Chử Đồng Tử mang đầy màu sắc huyền thoại xa xưa thì có thể thấy câu chuyện này không phải ở cuối thời đại Hùng Vương, mà là ở quãng giữa, nghiêng về gần đầu thời kỳ Hùng Vương. Việc đánh số thứ tự các vị vua Hùng là 3 hay 6 thực ra không có nhiều ý nghĩa vì không rõ trong từng trường hợp thứ 3, thứ 6 hay thứ 18 là tính từ vị tổ đầu tiên nào.

2.      Chử Đồng Tử là hình tượng một thủy thần

Việc xác định Chử Đồng Tử là một vị thủy thần đã được nhiều tài liệu nói đến qua hình thức phối thờ với những thủy thần khác như với Tứ Vị Càn Nương, với thần Cá Chép … Nhà Chử làm nghề đánh cá ở bãi Chử Xá, rồi khi cha mất Chử Đồng Tử trầm mình trong nước mà kiếm sống, nên tất nhiên khi hóa thần sẽ là thủy thần của vùng sông nước. Tuy nhiên, khác với các vị như Linh Lang Đại vương hay Quý Minh Đại vương là các “thủy thượng linh thần” trong dòng dõi theo cha Lạc Long Quân xuống biển, Chử Đồng Tử có xuất thân từ trong nhân dân lao động chài lưới ven sông biển, nhờ duyên kỳ ngộ mà đắc đạo thành tiên.

Trong các thần tích ở vùng Khoái Châu, khác hẳn với lời kể của Lĩnh Nam chích quái, Chử Đồng Tử không hề đi buôn bán. Ngọc phả đền Hóa Dạ Trạch kể: … Tiên Dung cũng sợ không dám trở về, mới cùng với Đồng Tử quây màn mà ở bãi Mạn Trù. Từ đó mà có tên gọi là Màn Chầu. Được vài tháng lại dựng nhà ở xứ Quỳnh Viên, châu Hoan. Sau đó Đồng Từ từ biệt Tiên Dung đi chu du bốn biển. Như vậy, Chử Đồng Tử là một vị nhân thần tu tiên đạo, chứ không phải là “ông tổ” nghề thương mại.

3.      Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo là ở đâu?

Bức đại tự trước cung thờ Chử Công Đồng Tử ở làng Đông Tảo Đông (Văn Giang, Hưng Yên) ghi Quỳnh Viên đắc đạo 瓊園得道. Các thần tích về Chử Đồng Tử ghi rất rõ Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử gặp lão tiên ông là ở Hoan châu, tức vùng Nghệ An, Hà Tĩnh. Hoan châu cũng là quê mẹ của Công chúa Tiên Dung (theo thần tích mẹ của Công chúa là Hoàng hậu Dương Thị Diễm người Đức Quang ở châu Hoan), nên sau khi Tiên Dung gặp Chử Đồng Tử không quay về triều vua Hùng mà về quê mẹ sinh sống là điều tự nhiên. Di tích và truyền thuyết về Chử Đồng Tử, Tiên Dung ở Hoan châu nay vẫn còn là ở núi Nam Giới tại Thạch Hà, Hà Tĩnh.

4.      Những mối duyên kỳ ngộ của Chử Đồng Tử

Trong sự tích của Chử Đồng Tử có tới 3 mối duyên kỳ ngộ. Thứ nhất là việc gặp gỡ trong một hoàn cảnh bất ngờ với Công chúa Tiên Dung bên bãi sông. Thứ hai là việc gặp lão tiên ông ở Quỳnh Viên. Thứ ba là gặp Tây Cung Tiên nữ trong đầm Dạ Trạch. Ý nghĩa của sự kết hợp nhân duyên này là gì?

Ngọc phả kể khi Chử Đồng Tử ở Quỳnh Viên gặp ông lão bạc đầu hát như sau:
Sơn chi cao hề! Thuỷ chi thâm
Trần trung thiển hữu thức kỳ âm
Thức kỳ âm hề, kết giai âm
Ký kết âm hề, tuy vạn lý diệc tầm.
Ký kết đắc nhi dữ chi du hề
Nguyện đối dữ sơn cao, thuỷ chi thâm.

Dịch là:
Núi cao chừ, nước sâu thăm thẳm
Cõi trần mấy ai hiểu âm này
Hiểu âm này chừ kết giai âm

Đã kết âm chừ dẫu vạn dặm cũng tìm
Đã kết được rồi thì cùng du chơi
Xin sánh cùng với núi cao nước sâu.

Lời hát của lão tiên ám chỉ việc kết hợp giữa “núi cao” và “nước sâu”, là sự việc quý giá, vạn dặm cũng tìm. Sự kết hợp đó sẽ làm nên công trạng “sánh cùng với núi cao nước sâu”. Khi đặt lời hát của tiên ông vào trong bối cảnh của Chử Đồng Tử thì sẽ thấy rõ ràng rằng thủy thần Chử Đồng Tử là “nước”, còn Tiên Dung Công chúa phải là “sơn”. Đây là một sự kết hợp sơn – thủy khác trong truyền thuyết Việt bên cạnh cuộc gặp gỡ của Lạc Long Quân và Âu Cơ hay của Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sự kết hợp của 2 dòng lên núi và xuống biển đã được nhấn mạnh nhiều lần vào thời kỳ đầu của thời đại Hùng Vương, là nguồn gốc Tiên Rồng của trăm họ người Việt.

5.      Chử Đồng Tử đắc Tiên đạo hay Phật đạo?

Tất cả các thần tích ở các nơi phụng thờ Chử Đồng Tử đều ghi Chử Đồng Tử ở Quỳnh Viên đã gặp lão tiên ông mà được truyền thụ tiên đạo cùng với gậy và nón thần. Chỉ có Lĩnh Nam chích quái mới gọi vị Tiên ông này là lão Phật quang. Giai đoạn đầu của thời kỳ Hùng Vương (thứ 3) đâu đã có đạo Phật của Thích Ca để mà Chử Đồng Tử tu theo. Gậy trúc và nón tròn là biểu tượng của Âm – Dương rất rõ. Cùng với phép thuật đầu sinh đầu tử, cải hóa cả âm dương của cây gậy trúc thì chỉ có thể nói Chử Đồng Tử đã đắc Tiên đạo. Tín ngưỡng dân gian đã tôn ông là Chử Đạo Tổ. Các đạo sĩ thời Nguyễn đã liệt cả Chử Đồng Tử, Tiên Dung cùng Tây Cung Công chúa vào trong sách Hội chân biên như những vị tổ của Đạo giáo Việt Nam.

6.      Vì sao Chử Đồng Tử là thần bất tử thứ hai?

Trong bộ các vị thần Tứ bất tử nước Nam, Chử Đồng Tử được xếp ở hàng thứ hai sau Tản Viên Sơn Thánh. “Bất tử” là mục đích tu tiêu của đạo Giáo nên đây không phải là cách sắp xếp theo công trạng thành tích của các vị thần được thờ.
Tản Viên Sơn Thánh đứng đầu trong các vị thần bất tử bởi Thánh có cây gậy thần do Thái Bạch Kim Tinh trao truyền, có khả năng cải tử hoàn sinh, đã từng cứu sống con rắn con Long Vương Động Đình ở bên bãi Trường Sa, nhờ đó đi xuống Thủy phủ mà được thêm cuốn sách ước. Thánh Tản không hóa mà đã lên núi Tản Viên trở thành bất tử.
Chử Đồng Tử cũng vậy, nhờ học được phép tiên của lão tiên ông ở Quỳnh Viên, dùng cây gậy trúc cứu sống nhiều người ở xã Ông Đình, Mạn Trù, nên Chử Đồng Tử là thần bất tử. Chử Đồng Tử không hóa, mà một đêm bay về trời, mãi mãi bất tử ở nơi cung trăng.
Còn vị thần bất tử thứ ba là Thánh Dóng, tuy là bất tử bay về trời thành Thiên Vương, nhưng Phù Đổng chỉ có khả năng diệt giặc, mà không có khả năng cải tử hoàn sinh, cứu người chết sống lại như Tản Viên Sơn Thánh hay Chử Đạo Tổ. Do đó Phù Đổng Thiên Vương đứng hàng thứ 3 trong thần bất tử là hợp lẽ.

7.      Tây Cung Tiên nữ

Hiểu biết về thần bất tử trong chuyện Chử Đồng Tử còn đến từ nhân vật Công chúa Tây Nương. Ngọc phả kể: Bà mẹ từng nằm mơ thấy có một con chim xanh từ phương Tây bay đến, bay vào trong trướng, biến hóa thành một người con gái. Kế đó lại thấy một vị nữ nhân nói rằng: Ta vốn là Tây Cung Vương Mẫu ở trên trời. Người con gái này là con gái của ta, nay đem đến gửi cho nhà ngươi ở tại trần gian trong 3 kỷ.
Tây Nương đúng là đã ở trần gian trong 3 lần, lần đầu là sinh ra ở Đông Miên (Đông An, Hưng Yên) rồi mất, nhưng lần 2 lại thường xuyên về thăm gia đình, ruộng vườn, du chơi trên đường cái, cầu kiều. Lần thứ 3 là xuất hiện trong “kính cổ” khi gặp vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung.
Tây Vương Mẫu là vị thiên thần bất tử, đứng đầu các vị thần trên núi Côn Lôn của Đạo giáo. Tây Sa Công chúa là con của Tây Vương Mẫu đã lấy Chử Đồng Tử tức là Chử Đồng Tử đã có được tiên đạo bất tử. Các thần tích còn kể, Tây Sa Công chúa có khả năng chế thuốc chữa bệnh cứu người, điều mà Chử Đồng Tử không làm được vì cây gậy trúc phải đợi người chết đi mới cứu sống lại được. Câu đối ở đình Phương Trù (Khoái Châu, Hưng Yên) kể về việc này:
造化亦無權金鼎靈丹傳不死
神仙安可接石頭廟貌凛如生
Tạo hóa diệc vô quyền, kim đỉnh linh đan truyền bất tử
Thần tiên an khả tiếp, thạch đầu miếu mạo lẫm như sinh.

Dịch là:
Tạo hóa cũng vô quyền, đỉnh vàng thuốc thiêng truyền bất tử
Thần tiên khó thể tiếp, đầu ghềnh miếu mạo nghiêm như sinh.

8.      Chử Đồng Tử lập Trạch quốc

Ngọc phả chép: Việc xong, ba người (Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa, Tây Cung Tiên nữ) lại đi. Phàm là trong huyện Đông An nơi nào ba người đến đều dựng gậy ở đất đó, lấy nón đội lên trên, tự nhiên trở thành lâu đài, thành thị, tài vật, hàng hóa. Từ đó gọi tên là bãi Tự Nhiên. Trong triều quan quân vui mừng mà đi đến tụ họp quá nửa. Vua cha Duệ Vương nghi ngờ là làm phản, bèn lệnh dẫn quân đến đánh. Khi đó trời đã tối, quan quân do đó đóng ở bên bờ trái.
Bức đại tự trước cung thờ ở đình Phương Trù ghi: Trạch quốc Tam Thanh 澤國三清, có ý nói rằng ba vị nhà Chử là người khởi đầu của một quốc gia vùng đầm lầy Dạ Trạch. Việc Chử Đồng Tử lấy Công chúa Tiên Dung không theo mệnh vua cha có nghĩa là Chử Đồng Tử đã tiếm đoạt ngôi quyền của vua Hùng, tự lập thành một nước riêng ở vùng đầm bãi ven bờ phải của sông Hồng. Quan quân triều Hùng Vương đóng ở bờ trái.
Tam Thanh là khái niệm 3 vị thánh khởi đầu trong Đạo giáo. Trạch quốc Tam Thanh là 3 vị tổ của vùng đầm Dạ Trạch, gồm có Chử Đạo Tổ là Thủy thần, Tiên Dung Công chúa là Sơn thần và Tây Cung Tiên nữ là Thiên thần (con của Tây Vương Mẫu – Mẫu Thượng Thiên). Khái niệm Tam phủ Thiên Nhạc Thủy như thế đã hình thành từ rất sớm, ngay trong truyền thuyết và tín ngưỡng thờ Chử Đồng Tử ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Ban thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa và Tây Cung Tiên nữ ở đình Ngự Dội, Khoái Châu, Hưng Yên.
Đình làng Đông Tảo Đông, Văn Giang, Hưng Yên.
Gậy trúc, nón vẽ ở đền Hóa Dạ Trạch.
Hoành phi Quỳnh Viên đắc đạo ở đình Đông Tảo Đông.
Hoành phi Quỳnh Liễu cung ở đền thờ Mẫu trên núi Nam Giới, Hà Tĩnh.
Hoành phi Trạch quốc Tam Thanh ở đình Phương Trù, Khoái Châu, Hưng Yên.
Đình Phương Trù, Khoái Châu, Hưng Yên.

Ngọc phả ba vị triều Hùng Duệ Vương là Chử Công Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa và Tây Cung Tiên nữ

Thần tích làng Đông Tảo Đông, tổng Yên Vĩnh, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên  theo bản khai 1938 số TTTS 12104

Chữ húy nhất thiết cấm là bảy chữ: Toại, Vân, Đồng, Tử, Tiên, Dung, Tây.

Ngọc phả ba vị triều Hùng Duệ Vương là Chử Công Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa và Tây Cung Tiên nữ.

Chi Khảm, bộ thứ hai Thượng đẳng

Xưa đất Việt ta dựng cơ đồ phương Nam phân chia theo sao Ngưu, sao Đẩu. Từ triều Hùng Kinh Dương Vương vâng mệnh vua cha phân phong là tông phái đế vương đất Việt ta. Đất tốt châu Hoan kiến lập kinh đô. Hình mạnh Nghĩa Lĩnh xây sửa miếu đền. Cha truyền con nối hơn hai ngàn năm, đều xưng tôn hiệu là Hùng Vương.

Lại nói, thời họ Hùng truyền 18 đời đến khi Duệ Vương ở ngôi, đóng đô tại Việt Trì bên sông Bạch Hạc, lập nước tên là Văn Lang, kinh đô tên là thành Phong Châu. Vương là người có tài cao chí lớn, tư chất thánh triết, kế thừa cơ đồ thịnh vượng của tổ tông 17 đời gây dựng, trong sửa văn đức, ngoài giữ biên phương, cố sức để hưng bình mà yên Trung Quốc. Khi ấy Vương có một Hoàng hậu. Hoàng hậu Dương Thị Diễm người Đức Quang ở châu Hoan. Có 6 quý phi, một trăm cung tần. Sinh hạ được 20 nam hoàng tử, 4 nữ công chúa. Nhưng mệnh trời thương thay, đều đem thân chốn Bồng Lãng, một ngày mà thành người thiên cổ. Hoàng hậu buồn rầu không thôi, ngày ngày rơi nước mắt lẫn máu. Nên khi ấy bèn cùng vài chục người thị nữ loan giá đi chu du giải buồn. Một hôm nghe nói ở huyện Tam Dương phủ Tam Đới có núi Tam Đảo thờ phụng đền Trụ Quốc Mẫu, rất là linh ứng, cầu gì tất được như ý nguyện mong muốn. Hoàng hậu bèn thân cùng các thị nữ đến hành hương cầu đảo. Tối đó Hoàng hậu nằm mơ thấy có một bà lão ôm một đứa trẻ tiên đem cho. Hoàng hậu trong mộng giơ tay nhận lấy, bỗng nhiên tỉnh lại. Sáng ngày ra làm lễ bái tạ rồi trở về. Từ đó cảm động mà có mang thai, đến kỳ sinh được một người con gái (ngày mùng 4 tháng giêng), mặt phấn má đào, sắc rạng mặt hồ, nhan sắc đầy đặn, hình dáng yểu điệu. Vương mở tiệc mừng lớn, nhân đó đặt tên là Tiên Dung, phong hiệu là Công chúa. Đến khi được 18 tuổi Công chúa không muốn lấy chồng, chỉ thích đi du chơi. Vương yêu mến nên không cấm. Cứ mỗi năm vào quãng tháng ba, tháng tư lại trang trí một chiếc thuyền mà đi chơi chốn sông biển. Một hôm thuyền đi đến bến Chử gia ở địa phận xã Đa Hòa.

Trước đó ở xã Đa Hòa có một gia đình họ Chử, tên là Toại Vân. Vợ chồng tích đức làm việc nhân, ba sinh hương lửa, một gối thật là phong lưu, đầy đủ sao. Một hôm bà mẹ nằm mơ thấy có một ông lão đầu bạc ban cho một đứa trẻ. Từ đó mà cảm động có mang. Mùa thu ngày 20 tháng 8 sinh hạ một người con trai, nhân đó đặt tên là Đồng Tử. Đồng Tử vốn tư chất thông minh, bản tính hiếu thành. Năm 13 tuổi bà mẹ bất hạnh mà bị bệnh qua đời. Nhà cửa lại gặp lửa cháy, tài vật đều mất hết, chỉ còn mỗi một chiếc khố vải. Cha con ra vào cùng mặc chiếc khố đó. Đến khi người cha lâm bệnh sắp mất, mới dặn lại Đồng Tử rằng:

  • Con người ta ở đời bần cùng hay phú quý đều không ngoài ý trời. Nhà ta trước giàu sau nghèo đều do trời vậy, không thể nài kéo. Cha nay bị bệnh, số khó tránh khỏi. Nếu vạn nhất như thế nào, hình hài của cha đã có nắm đất che không lộ ra, nên hãy để thân trần mà chôn, giữ lại mảnh khố cho con làm cách che thân.

Dặn xong thờ dải một tiếng rồi mất. Đồng Tử khóc lóc động trời, nhưng tình thế không thay đổi được, đành ôm thi hài mà khóc rằng:

  • Cha ơi! Cha ơi! Sinh con khó nhọc. Nay nhà nghèo thân hèn, không có gì để báo đáp. Con nay còn ở trên đời nếu lòng trời không phụ, tất sau sẽ có nhiều quần áo.  Cha lúc sống đã là người không có tấm áo quần, nay mất đi há lại thành quỷ lõa thể hay sao?

Bèn đem chiếc khố liệm cho cha mà đem chôn ở bãi đất nhạn bay phía Bắc. Từ đó không có quần áo che thân, thật là rất đói rét, bèn ngâm mình trong nước sông, thấy thuyền buôn đi qua thì đứng lên xin ăn. Lại thả cần câu để làm kế sinh nhai.

Hôm đó thuyền của Tiên Dung đi tới. Đồng Tử nghe tiếng chiêng chống, lại thấy giáo mác cờ xí rợp trời. Đồng Tử sợ hãi chạy lên trên bãi, tìm nơi ẩn náu. Ở tại xã Mạn Trù có một chỗ cao có 5-7 khóm lau sậy, bèn nấp vào trong đám lau sậy, lấy tay đào cát thành hố, nằm nấp vào đó, lấy cát phủ lên trên để che thân đi.

Phút chốc thuyền của Tiên Dung tiến đến bãi cát đầu thôn của xã Mạn Trù. Tháng tư trời nắng nóng. Tiên Dung cùng vài người thị nữ đi lên bãi Màn Trù, thấy có một nơi cao ráo, bèn lệnh cho thị nữ quây màn lại để tắm rửa. Nước tắm chảy xuống làm trôi cát. Đồng Tử hiện ra. Tiên Dung kinh hãi, lặng im hồi lâu. Đồng Tử cũng rất sợ, ý muốn tìm cách chạy thoát. Tiên Dung thấy Đồng Tử muốn chạy thoát bèn nắm lấy tay mà nói rằng:

  • Ta vốn không muốn lấy chồng. Nay lại gặp gỡ ở đây, cả hai đều ở trần, tất là trời đã sai khiến vậy. Khanh hãy mau cùng tắm rửa với ta.

Tiên Dung sai ban cho quần áo, dắt tay xuống thuyền, mở tiệc mừng lớn. Đồng Tử kể lại rõ sự việc chôn mình trên bãi cát. Tiên Dung than thở rồi kết làm vợ chồng.

Vua cha Duệ Vương nghe tin, than rằng:

  • Con gái Tiên Dung của ta mà muốn lấy rể Đông sàng thì trong ngoài triều trăm quan đông đúc, sao không kết làm rể Đông sàng, mà lại nửa đường tự theo kẻ bần cùng ăn xin, sao như chuyện nghe tiếng đức mà thăng cho Thuấn được? Lòng ta thật hổ thẹn.

Bèn không cho phép về cung. Tiên Dung cũng sợ không dám trở về, mới cùng với Đồng Tử quây màn mà ở bãi Mạn Trù. Từ đó mà có tên gọi là Màn Chầu. Được vài tháng lại dựng nhà ở xứ Quỳnh Viên, châu Hoan. Sau đó Đồng Từ từ biệt Tiên Dung đi chu du bốn biển. Trên đường gặp một ông lão tóc trắng, tuổi khoảng 8-9 mươi, đầu đội nón tròn, tay cầm gậy trúc, vừa đi vừa hát rằng:

Sơn chi cao hề! Thuỷ chi thâm

Trần trung thiển hữu thức kỳ âm

Thức kỳ âm hề, kết giai âm

Ký kết âm hề, tuy vạn lý diệc tầm.

Ký kết đắc nhi dữ chi du hề

Nguyện đối dữ sơn cao, thuỷ chi thâm.

Dịch là:

Núi cao chừ, nước sâu thăm thẳm

Cõi trần mấy ai hiểu âm này

Hiểu âm này chừ kết giai âm

Đã kết âm chừ dẫu vạn dặm cũng tìm

Đã kết được rồi thì cùng du chơi

Xin sánh cùng với núi cao nước sâu.

Đồng Tử nghe hát biết là tiên nhân đắc đạo, bèn đến chắp tay nói:

  • Vẻ tiên thân tục, may mắn được thấy. Nghìn năm hiếm có sự gặp gỡ này. Xin chớ cho là đường đột.

Ông lão đầu bạc cười mà nói rằng:

  • Ta vốn là tiên nhân trên trời. Nhà ngươi cũng không phải khách trần tục. Nay đã gặp gỡ là thầy trò có duyên. Hơn nữa người tục mà thành tiên đã là điều lạ. Huống chi không phải người tục mà thành tiên thì có khó gì. Nhà người có muốn theo học ta chăng?

Đồng Tử cảm tạ nói:

  • Tiên ông đã mở lòng như vậy, đệ tử rất vui mừng, sai lại không theo.

Tiên ông bèn dẫn Đồng Tử ra ngoài hải đảo, đem hết phép thuật thần tiên, phi thăng, biến hóa truyền thụ cho Đồng Tử. Đồng Tử nhất nhất đều hiểu thấu. Đến lúc giã từ trở về Tiên ông lại trao cho nón vẽ và gậy trúc cùng với một đạo thần chú, dặn rằng:

  • Một đầu gậy có thể cứu người, đầu dưới gậy có thể trừ kẻ ác. Sau này khi về dựng gậy trên mặt đất, lấy nón phủ lên trên, tự nhiên sẽ thành lâu đài, trăm thứ. Người chết có thể sống lại, người bệnh có thể khỏi, đều ở tại trong thần chú của cây gậy trúc này. Chớ có xem thường.

Đồng Tử lại bái tạ mà nhận lấy, chia tay quay về với Tiên Dung. Thế là đã được 3 năm. Đồng Tử mới đem phép thuật thần tiên truyền thụ lại cho Tiên Dung. Từ đó vợ chồng cùng thành tiên. Một hôm vợ chồng lại trở về huyện Đông An, đi chơi ở đất hai xã Đa Hòa, Mạn Trù.

Lại nói, trong trang xã Đông Miên, huyện Đông An có một người con gái gia đình nông dân. Bà mẹ từng nằm mơ thấy có một con chim xanh từ phương Tây bay đến, bay vào trong trướng, biến hóa thành một người con gái. Kế đó lại thấy một vị nữ nhân nói rằng:

  • Ta vốn là Tây Cung Vương Mẫu ở trên trời. Người con gái này là con gái của ta, nay đem đến gửi cho nhà ngươi ở tại trần gian trong 3 kỷ.

Thế là bà mang thai mà sinh là nương (ngày mùng 10 tháng 2). Nương  tính thích thanh tịnh, ăn chay và các đồ hương hoa. Năm 36 tuổi không có bệnh gì mà mất. Thế nhưng có lúc lại hiện về thăm nhà cửa ruộng vườn, có lúc du chơi trên cầu, đường cái. Có người gặp muốn hỏi thì bỗng nhiên biến mất. Mọi người đều lấy làm kinh lạ, cho rằng nương đã đắc đạo thành tiên.

Khi ấy Đồng Tử và Tiên Dung đi đến địa giới hai xã Ông Đình và Yên Vĩ, thấy nương đang du chơi nơi kính cổ. Tiên Dung thấy nương có dung nhan chim sa cá lặn, có tướng mạo hoa nhường nguyệt thẹn, bèn chỉ cho Đồng Tử nói:

  • Lang quân có muốn lấy cô nương này làm thứ thất không?

Đồng Tử mỉm cười. Tiên Dung biết được ý đó bèn tiến đến Tây Nương cười mà nói rằng:

  • Nàng là Tiên hay là người trần? Là phong nữ hay hoa kiều? Lang quân của ta thiên tư cao xa, tài mức thông minh. Nàng làm thiếp cho người đó chẳng phải tốt sao? Ta tuy là con gái vua nhưng không có lòng đố kỵ và kiêu căng. Nàng và ta làm chị em chẳng phải vui sao?

Tiên Dung dứt lời, Tây Nương đáp rằng:

  • Ta chẳng qua nương ẩn trong hình hài này mà thôi. Ta là tiên nữ Tây Cung, còn vợ chồng nàng cũng đã học thành tiên thuật vậy. Nay không hẹn mà gặp, là do trời hay do người đây?

Tiên Dung nói:

  • Mưu sự bởi người, thành sự do trời. Nay trong việc này là do người vậy.

Thế rồi cả hai cùng cười lớn, dắt tay nhau đi đến chỗ Chử Công ngồi, làm lễ kết thành vợ chồng. Đương lúc đó thấy trong ấp Ông Đình đem ra 6 thi thể người chết mang đi chôn. Chử Công bèn nói với Tiên Dung và Tây Nương rằng:

  • Ta có phép tiên có thể cải tử hoàn sinh. Nay thấy có người chết, ta muốn cứu. Các nàng có thuận theo không?

Tiên Dung cùng Tây Nương nói:

  • Cứu người là việc phúc lớn, sao lại không theo.

Dứt lời ba người cùng đến vào Ông Đình, quả nhiên cứu được 5-6 tử thi. Từ đó tiếng tăm khắp xa gần trong huyện Đông An đều truyền tới. Khi ấy xã Mạn Trù gặp bất hạnh, thiên tai hoành hành, bệnh dịch phát tác. Người bệnh trong làng bị 20-30 người. Người chết 5-6 người. Người chết không có người chôn. Người bệnh không có người nuôi. Bèn tìm Chử Đồng Tử cùng với Tiên Dung và Tây Nương ba người mời về trong làng. Đồng Tử nói một cách nặng nhọc rằng:

  • Xã Mạn Trù là nơi ta và Tiên Dung gặp nhau. Ta mải đi chơi thăm thú mà không để ý, khiến cho người dân mắc bệnh và mất như vậy thật là lỗi của ta vậy.

Bèn cùng với Tiên Dùng và Tây Nương đến xã Mạn Trù, theo phép mà tiên ông đã truyền thụ để cứu xã Mạn Trù, người chết được sống lại, người bệnh khỏi bệnh. Thế là nhân dân, nam nữ, già trẻ xã Mạn Trù ai nấy đều vui mừng, nhảy nhót, làm lễ xin được làm thần tử, xin được lập sinh từ để ngày sau lo hương khói. Đồng Tử bèn dựng gậy ở đất Mạn Trù, lấy nón đội lên trên, miệng ngâm thần chú. Tự nhiên biến thành một tòa nhà to lớn, lưu ở xã Mạn Trù để làm nơi ngày sau hưởng thần.

Việc xong, ba người lại đi. Phàm là trong huyện Đông An nơi nào ba người đến đều dựng gậy ở đất đó, lấy nón đội lên trên, tự nhiên trở thành lâu đài, thành thị, tài vật, hàng hóa. Từ đó gọi tên là bãi Tự Nhiên. Trong triều quan quân vui mừng mà đi đến tụ họp quá nửa.

Vua cha Duệ Vương nghi ngờ là làm phản, bèn lệnh dẫn quân đến đánh. Khi đó trời đã tối, quan quân do đó đóng ở bên bờ trái. Đồng Tử cùng với Tiên Dung than rằng:

  • Đạo làm con sao dám chống lại mệnh của cha.

Đến nửa đêm bỗng mưa to gió lớn đập lên nơi đất ở đó. Lâu đài, của cải cùng với Đồng Tử, Tiên Dung, Tây Nương đều cùng một lúc bay lên trời (ngày 11 tháng 11). Trời sáng, quan quân trở về thuật lại sự việc, tâu lên Duệ Vương. Vương mới biết họ đã đắc đạo thành tiên, bèn xa giá đến xem nơi đất đó, thấy bùn đất ngàn dặm, nhân đó gọi là đầm Nhất Dạ.

Đương khi đó thấy một người con gái cưỡi hạc trắng từ phương Tây đến, đứng ở trong đầm, tự xưng là Tây Cung Tiên nữ, vâng mệnh của Đồng Tử, Tiên Dung đến tạ quân vương. “Chúng thần xin nhận tội không trọn đạo làm con, xin vua cha thứ tội.” Tạ xong lại theo trong đầm mà bay lên không mà đi.

Vương cảm việc đó, bèn sắc phong là Nội Trạch Tiên Cung Tiên nữ, cho được cùng thờ hưởng với Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa. Lập đền thờ chính ở xã Đa Hòa. Ban chiếu truyền trong huyện Đông An, nơi nào ngày trước ba vị có lập cung đền và có đi qua trú ngụ, thì đến đền chính Đa Hòa nghênh đón thần hiệu về phụng thờ.

Khi ấy nhân dân xã Mạn Trù cũng đến Đa Hòa làm lễ nghênh thần hiệu của ba vị về miếu trước đây Chử Công đã dựng để phụng thờ. Từ đó hễ trong dân có việc cầu xin đều linh ứng. Nên nhân dân đều nghiêm túc phụng thờ thêm, bốn mùa tám tiết hương hoa đúng như nghi thức.

Phong Chử công Đồng Tử Chí thánh Linh thông Thượng đẳng thần.

Phong Tiên Dung Công chủ Thiên tiên Uyển diễm Thượng đẳng thần.

Phong Nội Trạch Tây Cung Tiên nữ Huyền diệu Thượng đẳng thần.

Lại nói, trải đến thời Tiền Lý Nam Đế cùng chống cự với các tướng Lương là Bá Tiên, Dương Sàn. Nam Đế không may nửa đường mà mất, trao lại quyền cho đại tướng Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục bèn dẫn quân trở về đầm Nhất Dạ cố thủ. Một hôm trai giới lập đàn cầu đảo trời đất bách thần. Trong một lúc thấy có một người nam cưỡi rồng

từ trên trời hạ xuống, tháo móng rồng trao cho, để chế ra đâu mâu, đặt trên nỏ, hướng vào đâu nơi đó khắc yên. Quang Phục bái nhận, lại hỏi tính danh. Người nam đó cười rằng:

  • Chử Đồng Tử chính thị là ta.

Rồi lại cưỡi rồng bay lên không mà đi. Quang Phục bèn sai chế tạo nỏ thần móng rồng, một trận đánh mà bại được giặc. Bèn lên ngôi tự lập làm Triệu Việt Vương. Mới truy tôn Chử Công là Hoàng đế. Tiên Dung Tây Nương là Tả Hữu Hoàng hậu. Lại cho phép dân các xã thờ ba vị đều tu sửa miếu điện mà phụng thờ. Xuân thu sai quan đến tế lễ. Từ đó trải Đinh, Lê, Trần, Lý cùng với hoàng gia ta khai sáng cơ đồ, thường có giúp nước cứu dân, cầu mưa tránh lũ đều có nhiều linh ứng, nên có nhiều đế vương phong thêm mỹ tự, để bốn mùa hương lửa, vạn đời là lệ thường. Tốt đẹp thay!

Vâng khai sinh hóa các lễ cùng với các chữ nhất thiết cấm là năm chữ Đồng, Tử, Tiên, Dung, Tây. Y phục hai màu vàng, tím cấm dùng khi làm lễ.

Ngày sinh thần của Chử Công là ngày 12 tháng 8, làm lễ trên hoa quả, dưới lễ tam sinh, ca hát 10 ngày.

Ngày sinh thần của Tiên Dung là mùng 4 tháng Giêng, lễ như tháng 8, ca hát 1 ngày.

Ngày sinh thần Tây Nương là mùng 10 tháng 2, lễ hát y như tháng Giêng.

Ngày hóa thần ba vị cùng ngày là 11 tháng 11, lễ dùng cỗ chay.

Năm Hồng Phúc thứ nhất, giữa xuân ngày tốt, Hàn lâm viện Đông các điện Đại học sĩ, thần Nguyễn Bính vâng soạn.

Đình làng Đông Tảo Đông

Na Tra Đổng Thiên Vương

Câu chuyện về Na Tra Thái tử trong Phong Thần diễn nghĩa, cuốn truyện lịch sử về quá trình sụp đổ của nhà n Thương và sự thành lập nhà Chu vào thời điểm cách nay trên 3000 năm, tưởng như không có quan hệ gì với lịch sử nước ta. Nhưng những di tích và sự tích về Phù Đổng Thiên Vương ở Việt Nam lại là những dấu tích lưu truyền cuộc đời và sự nghiệp của Na Tra Thái tử.

Linh đồng giáng thế

Phong Thần diễn nghĩa kể Na Tra là Linh Châu Tử được Thái Ất Chân Nhân cho giáng sinh vào nhà của tướng trấn thủ Trần Đường quan là Lý Tịnh. Mẹ của Na Tra là n phu nhân thai nghén 3 năm rưỡi, sinh ra một bọc lớn có mùi thơm ngào ngạt. Cái bọc nứt ra một đứa bé nhanh nhẹn, khác thường, người quấn dải lụa đỏ Hỗn Nguyên lăng, tay cầm vòng Càn khôn.
Bản Sự tích đền thiêng Bộ Đầu ở Thường Tín, Hà Nội trích lại sách Thượng Phúc cổ tự danh lam, kể rằng đời Hùng Vương có bà góa phụ là Bùi Thị Dung, một hôm đi chơi động Hoàng Nham, bà thấy chiếc bàn đá, trên sạch sẽ liền ngả lưng nằm nghỉ. Tiếp đó, bà nhìn thấy một vết chân người rất to, bất giác bà đặt chân ướm thử. Bỗng một chiếc bọc từ trời rơi xuống đúng vào bụng, bà bàng hoàng đứng dậy rồi từ đó có mang. Mang thai được 31 tháng, sinh ra một chiếc bọc hình như búp sen hồng, trong bọc có tiếng khóc và tiếng cựa quậy. Bà Dung rất kinh sợ, liền gửi lại động Hoàng Nham rồi trở về nhà …
Chuyện kể về Đổng Thiên Vương xuất sinh ở Bộ Đầu hoàn toàn giống mô tả trong chuyện về Na Tra Thái tử khi bà mẹ mang thai tới gần 3 năm, sinh ra một bọc có mùi thơm, nứt ra thành một cậu bé khổng lồ…
Cách kể thông thường về Thánh Dóng hạ sinh như trong thần tích xã Phù Đổng là bà mẹ, dẫm lên một dấu chân, rồi thấy có ánh hào quang từ trên trời rớt xuống người, từ đó mang thai. Sinh con qua 3 năm mà không nói câu gì, chỉ nằm 1 chỗ. Cách kể này xét ra chỉ là dị bản của cách kể như ở đền Bộ Đầu về sự sinh nở kỳ lạ với điềm trời hào quang giáng xuống, kéo dài hơn 3 năm mới thành hình hài con người.
Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả chép rằng: Thần là Bắc Đẩu Tinh Quân giáng sinh làm Xung Thiên Thần Vương, so với sự tích Linh Châu Tử đầu thai giáng trần trong Phong Thần diễn nghĩa cũng không khác nhau nhiều.

Tắm ở hồ Tây và giết giao long

Phong Thần diễn nghĩa kể, một hôm Na Tra đi chơi, xuống tắm trên sông, cởi dây lưng đỏ Hỗn Thiên Lăng của mình ra giặt làm cho cả sông nổi sóng, rung rinh tới tận Thủy cung. Dạ Xoa Lý Cấn và Tam thái tử của Long Vương biển Đông hiện lên đều bị Na Tra đánh chết. Na Tra còn rút gân rồng, bóc vảy rồng của họ nhà Long Vương. Long Vương Đông Hải định kiện lên tận trời, rồi kéo cả Tứ hải Long Vương đến hỏi tội, bắt trói cha mẹ của Na Tra. Na Tra đành phải bóc thịt, lóc xương trả cho cha mẹ.
Sự tích Phù Đổng Thiên Vương cũng có chuyện Thánh Dóng đi tắm và giết rồng như Na Tra. Thần tích xã Xuân Tảo (Từ Liêm, Hà Nội) chép: Cậu bé ruỗi chân rồi đứng lên, hắt hơi mười cái, thành người cao lớn hơn 10 trượng, áo quần không thể may kị, tiếng dõng dạc nói: Ta là Thiên tướng, rồi cưỡi lên ngựa sắt, nhảy vút lên ngựa phi như bay, thoặt đã được trăm dặm, rồi ra tắm ở bến Tây Hồ, tức giáp ranh xã Minh Cảo.
Di tích nơi Thánh Dóng đi tắm bên Hồ Tây nay là đền Sóc ở xã Xuân Tảo. Nơi đây còn cả một khu “mộc dục” của Thánh Dóng. Sự kiện Thánh Dóng tắm Hồ Tây không phải là sau khi đi đánh giặc về, mà là trước khi Thánh Dóng ra trận.
Sách Thăng Long cổ tích khảo kể về đền Sóc Thiên Vương: Ở trên gò Phượng Cảnh thuộc ấp Minh Tảo, Tây Hồ huyện Vĩnh Thuận. Vương người ở hương Thường Lạc, nay thuộc làng Sóc Sơn huyện Kim Anh. Vương là vị chân nhân người thời Hùng Vương, sau khi đắc đạo về trời, mẹ ngài ở trần thế bị giao long trong hồ làm hại, Vương liền giáng trần giết chết giao long, rước mẹ trở về rồi hóa. Khi thần giáng đã để lại dấu chân lớn trên gò, nên dân ở đây lập đền thờ phụng. Triều Lý đắp tượng ngài để thờ, tượng rất cao lớn, sau khi công việc hoàn thành phong cho thần là Xung Thiên Thần vương… Vương chính là Trấn Bắc sơn thần hóa thành.
Có thể thấy việc Thánh Dóng tắm ở hồ đi liền với việc Thánh giết rồng cứu mẹ, giống hệt chuyện Na Tra Thái tử giết Tam thái tử Long cung và bắt cả Long Vương Đông Hải mà bóc vảy. Hồ Tây vốn là kinh đô của Thủy quốc Động Đình, nơi có các vị Long Vương ngự trú như trong truyền thuyết về Uy Linh Lang ở các làng Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm phía bên kia hồ.
Cùng giống sự tích Thiên Vương giết giao long là thần tích làng Bộ Đầu ở xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội: Đổng Xung Thần Vương lập tức giáng xuống, thân hình cao hơn 31 thước, đầu đội bách tinh rực rỡ, mình khoác áo long bào kim giáp, mặt tựa vầng dương, mắt như sao sáng, tay cắp long đao. Một chân đặt giữa cánh đồng, chân kia dẫm lên đôi giao long ngoài bãi sông. Rồi ngài nâng Vương mẫu trên bàn tay trái, trong chốc lát Vương mẫu đã biến thành một ngôi tháp lớn. Thần vương giết đôi giao long cứu mẹ, sau đó đặt mẹ trong lòng bàn tay trái và bay vút về trời.
Dòng sông Hồng xưa kia vốn nối liền với Hồ Tây và dọc sông Hồng từ khu vực Hồ Tây xuôi xuống vùng Thường Tín – Hà Nam là vùng thờ các vị thủy thần Linh Lang, tức là khu vực của Thủy phủ Long Vương.
Câu đối ở đền Bộ Đầu:
Tự đa đào chú thành chân tượng
Trực thượng phi đằng sính dị long.

Nghĩa là:
Bởi nhiều đất đúc thành chân tượng
Thẳng từ trời xuống diệt rồng kinh.

Một di tích khác có liên quan đến Thánh Dóng đi tắm và Long Vương là đền Sọ hay đền Tam Tổng ở Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội. Đền Sọ là nơi Thánh Dóng đã gội đầu ở giếng nước trước sân đền. Giếng nước xưa nay vẫn còn. Trong nội điện đền Sọ là tượng Thánh Dóng cùng bài vị Mẫu thân và Long Vương. Ban thờ bên trong điện còn có bức tranh vẽ một thiếu niên mặc giáp, cưỡi ngựa, tay cầm bụi tre ngà. Các cụ giữ đền cho biết đây là bức vẽ… Na Tra thái tử.

Diệt giặc Ân và thành Thiên tào

Khi Na Tra róc xương thịt trả cha mẹ thì hồn được thầy là Thái Ất dùng hoa sen làm cốt cho nhập hoàn sinh. Na Tra được thầy giao cho vũ khí là cây giáo Hỏa tiêm thương và cặp bánh xe Phong hỏa luân làm chân thay cho ngựa. Còn cha của Na Tra là Lý Tịnh được các đại tiên ban cho Lung linh tháp làm bảo bối để chế ngự tính hiếu sát của Na Tra. Sau này Lý Tịnh trở thành Thác Tháp Lý Thiên Vương.
Cha con Na Tra và Lý Tịnh cùng đầu quân cho Tây Kỳ nhà Chu chống lại Trụ Vương nhà Ân Thương. Na Tra trở thành là tướng tiên phong của Tây Kỳ, lập nhiều chiến công lẫy lừng. Sau khi Trụ Vương bị diệt, Khương Tử Nha đăng đàn Phong thần, cả nhà Lý Tịnh và Na Tra lên trời đắc đạo làm thiên tướng.
Cặp bánh xe lửa bay của Na Tra so với ngựa sắt phun lửa của Phù Đổng Thiên Vương rất tương đồng. Còn vũ khí của Na Tra là cây giáo Hỏa tiêm thương cũng giống như vũ khí của Thánh Dóng. Trong thần tích ở Bộ Đầu, Thần Vương đã yêu cầu nhà vua đúc cho thanh đao sắt:
Trăm cân sắt thép luyện thành đao
Lưỡi sắc cao dài hơn trượng
Cứ luyện xong đao người khắc hiện
Dương Tào sẽ gặp được Thiên tào.

Đổng Thiên Vương ở đây xưng mình là Thiên tào, là chức quan trên Thiên đình.
Còn ở Sóc Sơn có truyền thuyết Thần Vương hiển thánh trên sông ở đất Thái Nguyên trong cuộc chiến chống Tống thời Lê Hoàn. Khi đó Thần vương mặc bộ giáp vàng, tay cầm giáo vàng. Câu đối đền Thượng Sóc Sơn mô tả:
Thiên thượng giáng thần, thiết mã thiết tiên Chu Việt động
Thủy trung hiển thánh, kim thương kim giáp Thái Nguyên hàn.

Nghĩa là:
Thần xuống từ trời, ngựa sắt roi sắt rung Chu Việt
Thánh hiện trên sóng, giáo vàng giáp vàng lạnh Thái Nguyên.

Lại nữa, sách Thiền uyển tập anh kể thiền sư Khuông Việt khi lên núi Vệ Linh, đêm đến mộng thấy một vị thần, tay trái cầm câu thương vàng, tay phải cầm bảo tháp, theo sau có hơn mười người.
Bài thơ Phù Đổng sự tích diễn âm diễn tả đoạn quốc sư Khuông Việt gặp Xung Thiên Thần Vương như sau:
Vốn ta nay Thái tử Na Tra
Vị Hùng Vương loạn quốc gia
Khâm sai đế mệnh dẹp trừ n binh.
Non Vệ Linh, Sóc Sơn ruổi ngựa
Thoát chiến bào thụ hạ thăng thiên
Lên triều thượng đế ngự tiền
Lại hoàn cựu chức cầm quyền lục cung.

Thần tích xã Phù Đổng cũng chép: Ta là “Cha Sa” thái tử. Xưa ta là Cảnh Kỳ, phụng mệnh Thiên đế tiêu trừ giặc cho Hùng Vương, sau trở về bổ chức cũ ở Thiên Tào. Trên đỉnh núi cao kia là nhà của ta.
Tới đây thì không còn nghi ngờ gì nữa, Thần Vương đã hiển linh trước quốc sư Khuông Việt, xưng mình là Na Tra Thái tử, đã giúp vua Hùng diệt giặc n rồi bay lên trên núi Vệ Linh, lên trời nhận chức Thiên tào. Ngay cả hình ảnh Na Tra biến hóa 3 đầu 6 tay cũng có trong sự tích Đổng Thiên Vương. Đó là khi Đổng Thiên Vương hiển linh ở Bộ Đầu thời vua Lê chúa Trịnh, có 8 người đi theo tùy tùng, gọi là Bát Bộ Kim Cương. Hay như trong Thiền uyển tập anh cũng chép, theo sau Thần Vương có hơn mười người.
Na Tra Thiên Tử được thờ ngay trong các di tích thờ phụng Phù Đổng Thiên Vương. Đền Hạ Mã ở thôn Phù Mã, xã Phù Linh, Sóc Sơn, tương truyền là nơi Thánh Dóng sau khi thắng giặc n đã xuống ngựa để lại yên cương và ngọc duẩn. Trước sân đền còn cây cọc đá buộc ngựa, lâu ngày đã có cây đa cổ thụ đã mọc trùm lên. Trong đền ở hậu cung bài trí 3 pho tượng thờ gồm Phù Đổng Thiên Vương, Vu Điền Quốc Vương, Na Tra Thiên Tử.
Đền Thượng ở xã Phù Linh, Sóc Sơn, là đền thờ chính của Thánh Dóng tại núi Sóc, nơi Thánh cởi áo giáp bay lên trời. Trong hậu cung của đền Thượng có 7 bức tượng thờ ở tư thế đứng. 7 bức tượng này là gồm: Phù Đổng Thiên Vương, Vu Điền Quốc Vương, Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Nữ Oa Bộ Thiên, Na Tra Thiên Tử, Tả Xiên Xiên Lực Sĩ, Hữu Vạn Vạn Tinh Binh. Đền ngày hội Sóc hàng năm, các làng khi làm lễ tại đền đều đọc lời tế cầu thỉnh tên của 7 vị thánh này.
Cho dù ở những nơi như đền Sọ, đền Sóc, đền Hạ Mã thờ song song cả Phù Đổng Thiên Vương và Na Tra Thiên Tử, nhưng có thể thấy trong quan niệm của người dân, Na Tra là vị thần tướng oai dũng đã tham gia và làm nên chiến thắng của nước Văn Lang trước giặc n cường bạo. Sự việc Na Tra giúp vua Hùng đánh giặc n đã cho thấy nước Văn Lang của Hùng Vương lúc này chính là nhà Chu từ Văn Vương Cơ Xương. Sau chiến thắng diệt nhà Ân Thương, Hùng Vương đã lập quốc Văn Lang, phân phong đất đai cho các công thần thành các nước chư hầu phiên dậu bình phong, truy phong các tướng sĩ tử trận trong cuộc chiến vệ quốc thành bách thần. Na Tra – Đổng Thiên Vương không nhận phong đất, cũng không rơi vào bảng phong thần, mà lánh thế bỏ lên núi tu thành đắc đạo, hóa nên vị thần bất tử của nước ta, nhiều lần sau đó hiển linh giúp nước hộ quốc, được muôn người tín ngưỡng.
Xem lại câu chuyện cậu bé Linh Châu giáng thế, vươn mình bỗng chốc thành người khổng lổ, xuống nước diệt rồng, lên núi đánh giặc, lúc thắng trận không màng danh lợi mà bay về trời, còn sống mãi trong tâm trí của người dân Việt. Hàng năm, lễ hội Dóng ở Phù Đổng, Sóc Sơn, Bộ Đầu, Xuân Tảo… lại tái hiện lại sự tích, công lao của Na Tra Đổng Thiên Vương và là lễ hội mừng chiến thắng lẫy lừng, một chiến thắng đã dựng nên triều đại Văn Lang huy hoàng trong sử Việt.

MINH XUÂN

Khu Mộc Dục ở đền Sóc Xuân Tảo.

Mộc dục đài ở Xuân Tảo.

Đền Bộ Đầu.

Đổng Thiên Vương ở đền Bộ Đầu.

Bát Bộ Kim Cương ở đền Bộ Đầu.

Bát Bộ Kim Cương ở đền Bộ Đầu.

Tượng thờ đền Thượng Sóc Sơn: Phù Đổng Thiên Vương, Vu Điền Quốc Vương, Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Nữ Oa Bộ Thiên, Na Tra Thiên Tử.

Ban thờ Phù Đổng Thiên Vương, Mẫu thân và Long Vương ở đền Sọ.

Ban thờ Na Tra Thái tử ở đền Sọ.

Cây đa trùm lên bia và cột đá buộc ngựa ở đền Hạ Mã.

Giếng nước đền Sọ

Những vị Tiên nữ Việt thời Hùng Vương

Hình tượng Tiên nữ đã xuất hiện trong văn hóa Việt từ rất sớm, với ý nghĩa biểu tượng thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của xã hội. Ngay từ thời đại Hùng Vương, trong các truyền tích về thời dựng nước. chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những vị Tiên nữ.

Các vị Tiên nữ thời kỳ này là những hoàng phi, hoàng hậu của các đời vua Hùng và đều đã trở thành những bậc “Mẫu nghi thiên hạ” trong tín ngưỡng dân gian.

Vụ Tiên Thần nữ

Vụ Tiên là vị Tiên siêu cổ của người Việt. Bà là vợ của Thái tổ Hữu Hùng Đế Minh trong truyền thuyết họ Hồng Bàng. Đế Minh nhân đi Nam tuần gặp được bà Vụ Tiên Thần nữ, vô cùng vui mừng, đã kết duyên mà sinh ra Lộc Tục…

Dấu vết của bà Vụ Tiên lưu truyền tới nay là trong tục thờ Tây Thiên Quốc Mẫu ở núi Tam Đảo, nơi ngọc phả kể rằng có một người con gái là tiên từ Cửu thiên giáng hạ, nhan sắc chim sa cá lặn, hoa nhường nguyệt thẹn, thông thạo văn ấn, nữ tắc nữ công, lại tài năng võ nghệ, binh thư thao lược, nữ lưu hào kiệt. Khi có giặc xâm lăng, bà đã chiêu mộ quân binh, kéo về chi viện cho Hùng Vương, dẫn quân ra trận diệt giặc. Thắng trận bà được vua Hùng phong là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu, đời đời thờ phụng.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 1.
Tây Thiên Quốc Mẫu ở đền Thượng Tây Thiên.

Bản thân chữ “Tây Thiên” khi đọc lướt sẽ cho chữ “Tiên”. “Vụ Tiên” chính thực nghĩa là “Vua Tiên”. Tây Thiên Quốc mẫu đã trở thành Mẫu Thượng Thiên trong tín ngưỡng Tứ phủ, cai quản Thiên phủ, tức là đứng đầu quần Tiên trên Thượng giới.

Mẫu Thượng Thiên là bà Mẹ Trời của người Việt, ngự trị trên đỉnh Tam Nguy của núi Côn Lôn (tên khác của núi Tam Đảo). Đây cũng là nơi bắt nguồn của dòng suối Bát Nhã, chảy từ ngọn Phù Nghi (Nghĩa) xuống qua chín khúc hồi hoàn. Vua cha Đế Minh ở núi Thái Hùng Lĩnh và Mẹ trời Tây Thiên bên dòng suối Nghĩa đã đi vào câu ca dao bất hủ của người Việt:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu đối ở đền Thỏng, là chính đền thờ Tây Thiên Quốc Mẫu tại xã Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc:

Thạch lộ phó Tây Thiên, linh địa tồn danh Tiên giáng

Cao sơn đăng Phù Nghị, cổ đài ký lập Mẫu nghi.

Dịch:

Đường đá tới Tây Thiên, đất thiêng còn danh tiên hạ thế

Núi cao lên Phù Nghị, đài xưa ghi lập mẫu oai nghiêm.

Thủy Tiên Thần Long

Đẹp thay Tiên nữ!” là lời thốt lên của Kinh Dương Vương khi gặp mẫu Thần Long bên bờ Động Đình. Kinh Dương Vương là dòng Sơn thần từ bà Vụ Tiên trên núi Tam Đảo. Còn Mẫu Thần Long là Thủy Tinh công chúa Xích Lân Long Nữ, con của Động Đình Đế Quân. Cuộc hội ngộ giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh đầu tiên này đã sinh ra đức vua Lạc Long Quân. Vị Tiên nữ Động Đình đã trở thành Mẫu Thoải trong tín ngưỡng Tứ phủ, vị mẫu cai quản Thủy phủ.

Chính đền thờ Xích Lân Long Nữ ở Việt Trì gọi là đền Tiên Cát, cho thấy rõ ràng rằng Mẫu Thoải là một vị Tiên. Thủy Tiên Thánh Mẫu còn được thờ ở nhiều nơi khác tại vùng đồng bằng ven sông Hồng, dưới những tên gọi và chuyện kể khác nhau. Điển hình là chuyện bà Phan Cù Nương ở làng La Phù (Thanh Thủy, Phú Thọ) bên bãi Trường Sa của sông Đà. Hay chuyện Quý Nương sinh Hoàng Xà trong sự tích đền Đồng Bằng ở Quỳnh Phụ, Thái Bình… Tựu chung các sự tích về Thủy Tiên Thánh Mẫu đều kể bà Mẹ Rồng sinh một bọc, nở ra mấy người con dưới hình rắn – rồng, rồi trở thành các vị thủy quan ngự trị các lưu vực sông ngòi.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 2.
Ban thờ Mẫu Thần Long ở đền Tiên Cát.

Đền Á Lữ, nơi thờ Kinh Dương Vương ở Thuận Thành, Bắc Ninh có đôi câu đối về mẫu Thần Long:

Tương truyền Lĩnh động Tiên sinh Thánh

Tòng thử Viêm phương quốc hữu quân.

Dịch:

Tương truyền chốn Lĩnh Tiên sinh Thánh

Từ đó phương Viêm nước có vua.

Tiên Dung Công chúa

Vị công chúa con vua Hùng thứ ba, có vẻ đẹp như trăng rằm, được Hùng Vương đặt tên là Tiên Dung và vô cùng yêu quý. Công chúa trên đường đi ngao du sơn thủy, xuôi dòng sông Hồng qua bãi Tự Nhiên ở đất Khoái Châu đã có cuộc kỳ ngộ với chàng trai Chử Đồng Tử. Hai vợ chồng cùng nhau học được Tiên đạo, một gậy một nón dựng nên cơ đồ bề thế, lâu đài cung điện ở vùng đầm nước bãi sông. Chử Đồng Tử được nhân dân theo về, lập thành nước riêng, nên Tiên Dung cũng đã trở thành Hoàng phi của một bậc Thiên tử.

Cùng với vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung còn có vị Tây Sa Công chúa, là con của Tây Vương Mẫu giáng phàm, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cứu dân. Kết cục Chử gia tam tiên một đêm đã bay lên trời hóa thành bất tử, nhập vào bóng trăng với sự tích chú Cuội, chị Hằng và thỏ ngọc.

Câu đối ở đền Đa Hòa, là nơi cung quách xưa của Chử Đạo Tổ và Tiên Dung Công chúa:

Hóa cảnh thị hà niên, Tự Nhiên vi châu, nhất dạ thành trạch

Kỳ duyên khoáng thiên cổ, nhân gian phu phụ, thiên thượng thần tiên.

Dịch:

Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ

Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Bạch Kê Ma Cô Tiên

Truyền thuyết về thành Cổ Loa kể rằng, các Tiên nữ đêm đêm đã xuống trần giúp An Dương Vương xây thành, nhưng bị yêu quỷ hóa thành con gà trắng gáy báo sáng, làm các Tiên nữ bỏ đất xây thành mà bay về trời. Thực ra, vị Tiên nữ ở Cổ Loa chính là Mẫu Bạch Kê, mà nay đền thờ còn sau núi Thất Diệu ở xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 6.
Nghi môn miếu Bạch Kê ở Yên Phong, Bắc Ninh.
Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 7.
Bia đá chùa Ma Cô Tiên ở Châu Cầu, Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh.

Đôi câu đối ở nghi môn đền Mẫu Bạch Kê ghi:

Hồng Lạc di phong trang thể thế

Tiên Long dư duệ khải hồng cơ.

Dịch:

Phong tục Lạc Hồng hình thể đẹp

Rồng Tiên dòng dõi mở cơ đồ.

Mẫu Bạch Kê là dòng dõi Lạc Hồng của Hùng Vương đã cản trở An Dương Vương xây thành, bởi An Dương Vương là triều đại đã thế ngôi Hùng Vương trên đất này. Người đã chống lại vua nước Âu Lạc chính là nhà Ân Thương. Cầm đầu đội quân nhà Ân khi đó là các nữ tướng, mà tới nay vẫn còn được tái hiện trong vai 28 cô tướng của hội Dóng Phù Đổng.

Nhớ đời thứ sáu Hùng Vương

Ân sai hai tám tướng cường nữ nhung

Xâm cương cậy thế khoe hùng

Kéo sang đóng chật một vùng Vũ Ninh.

Truyện Giếng Việt kể, trong cuộc chiến với Phù Đổng Thiên Vương, vua Ân chết ở chân núi Vũ Ninh, trở thành vua của Địa phủ. Tới thời Tần Hán có người Thôi Vĩ đã lạc vào núi này, rơi xuống lòng đất gặp được Ân Hậu, rồi được một vị tiên nữ là Ma Cô Tiên đem cho ngọc báu, thuốc tiên. Thôi Vĩ trở nên giàu có, hạnh phúc và trường thọ. Ma Cô Tiên từ đó trở thành một vị phúc thần và thọ thần nổi tiếng trong văn hóa phương Đông.

Ma Cô Tiên là một hoàng phi của vua Ân, nên đây cũng chính là vị Mẫu Địa phủ trong quan niệm xưa. Bản thân chữ “Ma” có nghĩa là “má”, “mẹ” hay “mẫu”, là cách gọi xưng đối với vợ vua thời cổ. Nơi thờ vị Tiên mẫu này ở chân núi Vũ Ninh miền Châu Sơn là ngôi chùa cổ mang chính tên chùa Ma Cô Tiên, tại thôn Châu Cầu, xã Châu Phong, Quế Võ, Bắc Ninh.

Vua Tiên Âu Cơ

Nói đến Tiên nữ thời Hùng Vương ai cũng nghĩ ngay đến bà Âu Cơ, bà mẹ đã sinh bọc trăm trứng, nở ra trăm trai Bách Việt. 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, tôn người con trưởng lên làm vua Hùng, lập nước Văn Lang, đóng đô ở Việt Trì… Tiên mẫu Âu Cơ đã về trời ở xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ), nay còn di tích là ngôi đền mẫu nổi tiếng tại đây.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 4.
Hoành phi “Bách Việt chi Tổ” ở đình Ngọc Trục, nơi thờ bà Âu Cơ ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đôi câu đối tại chính điện đền mẫu Hiền Lương nói tới bà Âu Cơ là tổ của dòng Tiên lên núi, lưu truyền vạn đại, cùng đất nước và nhân dân mãi trường tồn:

Tố hồng mang đế kết dĩ lai, Tiên chủng vĩnh truyền lưu quốc tổ

Lịch Tượng quận triệu tu nhi hậu, nhân quần miễn mộ bá Viêm bang.

Dịch:

Nhớ thủa hồng mang gắn kết tới nay, nòi tiên mãi lưu truyền là Quốc tổ

Trải đất Tượng quận dựng sửa sau về, bầy dân luôn ngưỡng mộ khắp Viêm bang.

Mẫu Âu Cơ còn gặp trong hình tượng bà mẹ đẻ của Tản Viên Sơn Thánh ở vùng đất Lăng Sương (Thanh Thủy, Phú Thọ). Người Mường thờ bà là Quốc Mẫu Vua Bà, như một vị thủy tổ của dân tộc. Cũng bởi sự tích 50 người con lên núi lập quốc và là mẹ của Sơn Thánh mà bà Âu Cơ đã trở thành thánh Mẫu lâm cung Nhạc phủ trong tín ngưỡng Tứ phủ ngày nay. Hình tượng Tiên mẫu Âu Cơ gắn liền với hình chim Âu bay lượn trên mặt các trống đồng, hay chim Phượng hoàng gáy báo điềm lành mở nước trong Tứ linh vật.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 5.
Mẹ đẻ Tản Viên Sơn Thánh ở đền Lăng Sương.

Tiên nữ Tây Thiên Ngọc Tiêu

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 9.
Bà Ngọc Tiêu ở đền thờ Thanh Sơn Đại vương trên núi Tây Thiên.

Cũng là Tiên nữ núi Tam Đảo, nhưng bà Ngọc Tiêu được Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể tới không phải là vị Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu đánh giặc thời Đế Minh, mà là một tiên nữ yêu kiều, kết duyên cùng với Hùng Chiêu Vương.

Ngọc phả kể rằng vua Hùng thứ bảy là Chiêu Vương đã tâm thành hướng Phật, quyết chí cầu Tiên. Vua đến núi Tam Đảo, lập Vọng Tiên đàn hành lễ bảy ngày bảy đêm để mong gặp được Tiên nhân. Đêm đó, nhà vua đã được ứng mộng qua một bài thơ Tiên, dùng cách chiết tự (những chữ trong ngoặc kép) mách bảo nơi Tiên giáng:

Tây Thiên “sơn nhân thượng”

Bất kiến “tâm hạ tướng”.

Niệm Đông “túc các” nhân

“Doãn cư thượng khẩu” vượng.

Dịch:

Trên Tây Thiên tiên đó

Không thấy điều mong chờ

Gặp người nơi Đông Lộ

Vua sẽ được như mơ.

Vua theo lời trong mộng, quay xuống chân núi, đã gặp được tiên nữ Ngọc Tiêu ở làng Đông Lộ (Đại Đình, Tam Đảo), kết nên duyên lành, đón về Phong Châu sinh cư. Rồi cả 2 người học được tiên thuật, thọ sánh ngang tuế nguyệt, hóa sinh bất diệt.

Trong thời Hùng Vương, hình tượng các Tiên nữ đều là những vị hoàng phi, hoàng hậu, vợ của các vua Hùng. Các phi hậu này người có công giúp vua Hùng đánh giặc, oanh liệt tử chiến sa trường, người có công khai dân mở đất, sinh con nối dòng tiếp dõi họ Hùng. Tam tòa Thánh Mẫu trong tín ngưỡng Tứ phủ đều có nguồn gốc sâu xa từ những Tiên Mẫu thời Hùng Vương.

Những vị tiên nữ Việt thời Hùng Vương - Ảnh 8.
Tam Tòa Thánh Mẫu ở chùa Á Lữ, Thuận Thành, Bắc Ninh, gồm bà Vụ Tiên, Âu Cơ và Thần Long.

Hùng Vương tứ hiếu Bài 3: Chử Đồng Tử

Dưới thời Hùng Vương có một tấm gương hiếu thảo sáng như ánh trăng rằm: một chàng trai quên mình báo hiếu cho cha và học đạo cứu giúp dân, được truyền tụng muôn đời cho hậu thế. Đó là Chử Đồng Tử ở vùng đầm nước Dạ Trạch với câu chuyện hiếu thuận cảm tới trời đã trở thành bất tử trong tâm thức dân gian người Việt.

Chí hiếu động thiên

Vào thời Hùng Vương thứ 3, ở làng Chử Xá ven sông Hồng tại Khoái Châu, Hưng Yên, có người dân tên là Chử Cù Vân, sinh được một người con trai là Chử Đồng Tử. Đồng Tử truân chuyên từ nhỏ, khi mới 13 tuổi thì người mẹ mắc bệnh qua đời. Thế rồi nhà lại bị hoả hoạn, bao nhiêu của cải đều bị cháy sạch, duy chỉ còn 1 chiếc khố, 2 cha con thay nhau mặc khi có việc đi ra ngoài.

Đến khi người cha ốm nặng sắp mất, liền dặn Đồng Tử rằng: “Con người ta nghèo hèn hay phú quý đều do số trời định cả. Nhà ta trước đây giàu có, sau này nghèo khổ cũng là do trời vậy, không biết làm thế nào. Cha nay bị bệnh, số trời xem ra cũng khó tránh khỏi, nếu vạn nhất như thế nào, hình hài của cha đã có đất bụi che chở không lộ ra ngoài, con nên để khoả thân mà chôn cất, để lại cái khố cho con, lấy cái mà che thân”. Dặn dò xong ông thở dài 1 tiếng rồi mất.

Lăng mộ thân phụ đức thánh Chử.
Thân phụ và thân mẫu thánh Chử ở Chử Xá.

Tử Đồng bổ đất gào trời,

Ôm cha gào khóc hết lời thở than.

Công cha mẹ như sơn như hải,

Tóc tơ chưa đắp lại cù lao.

Thân hèn vả lại nhà nghèo,

Lấy gì giả nghĩa mà theo thói đời.

Còn cốt cách ở nơi cõi tục,

Trời đoái thương có lúc giàu sang.

Nhiều phen quần áo vẻ vang,

Bây giờ ta hãy tiềm tàng náu thân.

Cha sống thiếu mùi trần gấm vóc,

Cha thác không liệm bọc the là.

Thương cha lòng nặng bề bề,

Cất ngay cái khố đem che phụ hài.

(Bài thơ chữ Nôm lưu tại đình Thượng xã Tự Nhiên huyện Thường Tín).

Chử Đồng Tử không nỡ để cha thân trần mà khâm liệm nên đã lấy chiếc khố duy nhất chôn cho cha. Còn mình đành ở trần ngâm nước, bắt cá sống qua ngày.

Đền Ngự Dội ở thôn Màn Trầu, Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên.
Chử gia tam tiên ở đền Ngự Dội tại thôn Màn Trầu xã Tứ Dân, Khoái Châu, Hưng Yên.

Nhưng trời không phụ lòng người con hiếu thảo. Chính sự khốn khó đến tột cùng ấy lại đem đến mối lương duyên kỳ lạ giữa chàng trai Chử Đồng Tử với công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng. Công chúa sinh ra có vẻ đẹp như tiên giáng, được vua cha rất mực yêu quý. Một hôm công chúa đi du thuyền xuôi về quê ngoại ở làng Yên Lạc (Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam), khi đi qua bãi sông Tự Nhiên, thấy cảnh đẹp, bèn dừng thuyền lên bờ, quây màn dội nước tắm. Ngờ đâu, chỗ màn che lại đúng nơi chàng trai họ Chử mình trần chôn cát… 

Câu đối ở cửa đền Đa Hòa, nơi thờ chính của thánh Chử Đồng Tử ghi:

Thuận hiếu cách thiên, Sa Chử mạn duy thành dị ngộ

Chí thành thông thánh, Quỳnh Lâm trượng lạp khế chân truyền.

Dịch:

Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ

Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Gậy nón của Chử Đồng Tử ở đình Thượng Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội.
Chồng kiệu Chử gia tiên ở đình Hạ Tự Nhiên trong ngày lễ hội.
Bức chạm “Tử – húy tự” (kiêng húy chữ Tử) ở đình Hạ Tự Nhiên.

Vì người mà hành đạo

Sau cuộc kết duyên kỳ ngộ với công chúa Tiên Dung hai vợ chồng Chử Đồng Tử đi buôn bán ở các xứ xa. Trên đường đi thuyền ở Hoan Châu, Chử Đồng Tử lại có cơ duyên gặp một vị lão tiên ở núi Quỳnh Viên, bên dòng suối Hiêu Hiêu chảy trên núi tu học mà thành đạo. Tiên ông trao cho Chử Đồng Tử cây gậy đầu sinh đầu tử và nón thần cùng phép ước. Khi trở về bản quán, công chúa Tiên Dung thu nhận thêm một cô gái cắt lúa ven sông, là con của Tây Vương mẫu giáng trần làm Hữu phu nhân Tây Sa công chúa, cùng với Chử Đồng Từ dùng phép thần cứu sống và chữa bệnh cho nhiều người trong vùng.

Ở các di tích thờ Chử Đồng Tử, thường còn kèm theo tục thờ thần Cá. Như đền Hóa Dạ Trạch có tượng thờ Cá thần với tên là Bế Ngư Thần quan. Ở đền Đa Hòa có thờ vị Thần Rí (đọc chệch của từ Lý là cá chép). Sự tích ở đây kể rằng, thần Rí là một câu bé bơi lội rất giỏi, nhưng hay đùa nghịch thả cá và phá lưới của dân chài. Vì thế người dân đã cắm cọc trên khúc sông nơi Rí hay tắm. Rí chẳng may nhảy xuống sông bơi đâm phải cọc mà chết lúc mới 12 tuổi. Từ đó thần trở nên rất thiêng. Trong một cuộc so tài giữa các thần, thần Rí còn quật chết một con voi lớn của nhà vua.

Tượng thánh Chử Đồng Tử ở đền Đa Hòa.
Chử Đạo Tổ với gậy thần chế ngự Thủy quái (tranh dân gian Tứ bất tử).

Sự tích về thần Rí ở Khoái Châu rất giống với Truyện Ngư Tinh được kể trong sách Lĩnh Nam chích quái: “Ở biển Đông có con tinh ngư xà (còn gọi là Ngư Tinh) dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa vạn trạng, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa, lại ăn được thịt người nên ai cũng sợ… Thuyền của nhân dân đi qua chỗ này thường hay bị Ngư Tinh làm hại… Long Quân thương dân bị hại bèn hóa phép thành một chiếc thuyền của thường dân, hạ lệnh cho quỷ Dạ Thoa ở Thủy phủ cấm hải thần nổi sóng, rồi chèo thuyền đến bờ hang đá Ngư Tinh, giả cách cầm một người sắp ném vào cho nó ăn. Ngư Tinh há miệng định nuốt. Long Quân cầm một khối sắt nung đỏ ném vào miệng cá. Ngư Tinh chồm lên quẫy mình quật vào thuyền…”

Có thể thấy Truyện Ngư tinh có cùng một cốt truyện như truyền thuyết về thần Cá Rí hại dân chài. Như thế, “Long Quân”, người đã dùng gậy thần (cọc) diệt Ngư tinh ở đây chính là Chử Đồng Tử. Chử Đạo Tổ được thờ ở các làng ven sông Hồng như một vị thủy thần (long quân) có khả năng chế ngự được thủy quái, phù trợ cho dân chài lưới.

Bài Dạ Trạch tiên gia phú ở đình Quan Xuyên (Khoái Châu), tương truyền do Chử Đạo Tổ giáng bút, có câu: “Thế mà như Thiệu Bá cam đường không phạt, cũng là do lòng người tư mộ”. Câu này ví Chử Đạo Tổ có lòng nhân đức như ông Thiệu Bá thời Tây Chu, không phạt tội người dân dưới gốc cây cam đường, dù trong dân lưu truyền những điều không đúng về đức thánh Chử.

Lưỡng ngư chầu trên mái đền Đa Hòa.
Ngư nghê ở đền Đa Hòa.

Nhờ lòng nhân đức, cứu dân độ thế mà nhiều người đã theo về với vợ chồng Chử Đồng Tử – Tiên Dung, hình thành nên một vùng lâu đài thành quách ven sông, có đủ trăm quan văn võ và binh sĩ túc vệ, dựng thành một nước riêng.

Khi Vua Hùng biết tin, nổi giận, dẫn quân đến trừng phạt thì công chúa Tiên Dung nói: “Việc này không phải do ta làm mà là do trời khiến vậy. Sống chết có trời, làm con ai chống lại cha bao giờ. Xin hãy thuận theo lẽ, cứ để mặc cho quân của vua cha chém giết”.

Thế rồi, để trọn đạo hiếu trung, đêm đó gia đình Chử Đồng Tử cùng thành quách lâu đài đã bay về trời, đi vào cõi tiên bất tử. Câu đối ở đền Đa Hòa ghi:

Hóa cảnh thị hà niên, Tự Nhiên vi châu, nhất dạ thành trạch

Kỳ duyên khoáng thiên cổ, nhân gian phu phụ, thiên thượng thần tiên

Dịch:

Cảnh hóa đó năm nào, đây bãi Tự Nhiên, một đêm thành đầm trạch

Kỳ duyên trùm thiên cổ, vợ chồng nhân gian, lên trời biến thần tiên.

Ba vị gia tiên Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa bay lên trời trong đêm đã đi vào cung trăng, với hình ảnh chú Cuội, chị Hằng và thỏ Ngọc giã thuốc mỗi đêm trăng tỏ. Bài Quang minh tu đức kinh văn tương truyền do Chử Đồng Tử tiên ông giáng bút ở đền Đa Hòa có thơ:

Bất tử Nam thiên Tổ Chử Đồng

Uy linh vang dội khắp xa gần

Treo gương tu đức soi kim cổ

Truyền đạo quang minh độ thế trần

Cắt thịt xót thương người bệnh khổ

Ra tay cứu vớt kẻ trầm luân.

Lòng son đỏ ối vàng tô thắm

Trung hiếu thần tiên thượng đẳng thần.

Chồng kiệu ngày lễ hội đền Hóa Dạ Trạch.

https://congdankhuyenhoc.vn/hung-vuong-tu-hieu-bai-3-chu-dong-tu-179221103174549679.htm

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài cuối)

Riêng vị trí thứ tư của Tứ bất tử lại có tới 3 người từng được xếp ở đây. Đó là Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không và thánh mẫu Liễu Hạnh.
Đặc điểm rõ ràng là cả 3 vị này đều là những tu sĩ. Khả năng của các vị này khá hạn chế, còn chưa được trường sinh bất lão như Huyền Thiên Lão Tử. Các vị vẫn phải “hóa” rồi tái sinh chuyển thế. Điển hình như Từ Đạo Hạnh hóa sinh thành Lý Thần Tông, hay nhất là thánh mẫu Liễu Hạnh có tới 3 lần hóa sinh. Ở vị trí này ảnh hưởng của đạo Phật thấy cũng khá rõ vì Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không đều là các nhà sư, còn Liễu Hạnh công chúa đã quy y Phật sau trận chiến ở Sòng Sơn. Bản thân khái niệm “hóa sinh” hay luân hồi là khái niệm của Phật giáo, không phải gốc của đạo Giáo.

Từ Đạo Hạnh
Sách Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính kể: Đạo Hạnh… muốn sang nước Ấn Độ học phép, nhưng đi qua núi Kim Sỉ, hiểm trở lắm mới trở về. Đạo Hạnh mới vào trong hang núi Phật Tích, kết thành hội Bạch Liên để học phép Ngũ giáo. Ngày nào cũng tụng kinh “Đại bi tâm” và niệm câu thần chú “Bà la ni”, cứ tung 18 vạn lần mới thôi.

Một hôm thấy thần báo mộng rằng: Đệ tử tức là Tứ trấn thiên vương đây, cảm công đức của thầy tụng kinh cho nên lại hầu, tùy thầy muốn sai khiến gì tôi xin vâng lệnh. Đạo Hạnh biết là đạo pháp của mình đã thành rồi…

Từ Đạo Hạnh sang phương Tây tìm đạo, nhưng mới đi được đến núi Kim Sỉ đã quay về. Vậy đạo pháp mà Từ Đạo Hạnh tu thành được là đạo pháp gì? Rõ ràng không phải là Phật pháp chính tông. Nhiều nhận định hiện nay cho rằng Từ Đạo Hạnh đã sang vùng Tam giác vàng ở giáp Vân Nam – Miến Điến và học theo Mật tông. Kinh Đà la ni mà ông trì tụng cũng là bộ kinh điển hình của Mật tông, như từng được khắc trên các cột kinh tìm thấy ở Hoa Lư (Ninh Bình) trong thời nhà Đinh.

Cột kinh tràng thời Đinh tìm thấy ở Hoa Lư.

Khá đặc biệt là việc sau khi tụng 18 vạn lần kinh Đà la ni thì thấy xuất hiện Tứ trấn thiên vương, nhận theo sai khiến của Từ Đạo Hạnh. Tứ trấn thiên vương hay Tứ đại thiên vương là 4 vị thần của Bà La Môn, theo phục Vua Trời Đế Thích. Chi tiết này cho thấy, thực chất Từ Đạo Hạnh đã tu theo đạo Bà La Môn hay Hindu giáo. Bản thân “Mật tông” cũng là giáo phái chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Bà La Môn.

Theo Thiền uyển tập anh thì Từ Đạo Hạnh đã tìm đến chùa Pháp Vân thỉnh giáo thiền sư Sùng Phạm và ngộ thêm đạo. Từ đó pháp lực mạnh thêm, duyên thiền càng chín, pháp thuật của sư đã có thể khiến cho rắn rết, muông thú chầu phục. Các phép lạ như đốt ngón tay cầu mưa, phun nước phép chữa bệnh, không việc gì không ứng nghiệm.

Ghi chép này cho thấy Từ Đạo Hạnh có khả năng “cầu mưa”. Cần biết là Tứ đại thiên vương cũng là Tứ pháp Vân Vũ Lôi Điện ở vùng Luy Lâu (Bắc Ninh). Sự việc Từ Đạo Hạnh biết phép cầu mưa chứng tỏ thêm mối liên quan giữa đạo pháp của ông với Hindu giáo, tương tự như trong chuyện Khâu Đà La làm phép cầu mưa ở Luy Lâu trước đây.

Theo Việt điện u linh, khi Từ Đạo Hạnh chuẩn bị viên tịch có nói với các đệ tử: Ta chưa hết nhân duyên với đời, lại phải thác sinh làm vua ở nhân gian, khi nào chết lại về làm chủ “Tam thập tam thiên”. Sau đó ngài đã đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Chính từ sự thác sinh đầu thai này mà Từ Đạo Hạnh được tôn là một trong các vị thánh bất tử của trời Nam.

Đặc biệt nhất trong đoạn trên Từ Đạo Hạnh cho biết mình sẽ lại về “làm chủ Tam thập tam thiên”. Vị thần chủ của “Tam thập tam thiên”, cõi trời 33, là Vua trời Đế Thích trong đạo Bà La Môn. Từ Đạo Hạnh như vậy chính là hóa thân của Đế Thích.

Khả năng “bất tử” của Đế Thích cũng từng được biết trong câu chuyện “Hồn Trương Ba, xương da hàng thịt” khi mà Đế Thích đã triệu Tam phủ hoàn hồn cho kỳ thủ Trương Ba. Còn ở chùa Thầy, bên cạnh đó cũng có đền Tam phủ thờ ba vị vua Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ. Từ Đạo Hạnh là hóa thân của Đế Thích nên được xếp vào bậc thần bất tử là hoàn toàn hợp lý.

Hai bên chùa Thầy còn có 2 cây cầu gọi là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên. Đây là hình tượng khá giống với các nơi thờ Đế Thích, có 2 vị thần là Nhật Thiên và Nguyệt Thiên theo cùng, như ở đền Đế Thích tại Cầu Váu (Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên) hay đền Xá (Ân Thi, Hưng Yên).

IMG_2497

Cầu Nhật Tiên bắc sang đền Tam phủ ở cạnh chùa Thầy.

Khám thờ ở chùa Thầy, bên trong có tượng xá lợi Từ Đạo Hạnh.

Không Lộ thiền sư
Không Lộ thiền sư là một trong các vị thần bất tử của tín ngưỡng dân gian người Việt. Tuy nhiên các ghi chép và di tích còn lại về vị này lại thường lẫn lộn trong thân thế và tiểu sử của thánh, ít nhất có 2 xuất xứ được nói tới. Một là Dương Không Lộ ở Hải Thanh – Thái Bình. Hai là Nguyễn Minh Không ở Đàm Xá – Ninh Bình. Sự tích và công trạng của những vị này theo các ghi chép rất giống nhau và phạm vi di tích tín ngưỡng thờ 2 người này cùng tập trung ở khu vực Thái Bình và Nam Định. Do đó về xuất xứ của Không Lộ Lý triều quốc sư cho đến nay trong giới học thuật vẫn còn chưa ngã ngũ.

Gác chuông đền thờ thánh Nguyễn ở Đàm Xá (Gia Viễn, Ninh Bình).

Các thần bất tử Tản Viên Sơn Thánh là Thần Sư, Chử Đồng Tử là Đạo Tổ, Phù Đổng là Thiết Xung Thần Vương, Đổng Thiên Vương là Thái Thượng Lão Quân. Như thế ta nhận thấy họ đều là các vị “giáo chủ”, mở đầu cho những đạo phái trong tín ngưỡng của người Việt. Đây cũng chính là ý nghĩa cơ bản của tín ngưỡng thờ thần bất tử, là thờ những vị tổ khai lập môn phái, mở đường cho đạo.

Hai vị Không Lộ thiền sư và Từ Đạo Hạnh được xếp ở hàng thứ tư trong các vị thần bất tử nên đây cũng là những vị sư tổ, có công gây dựng tông phái và được thờ như các giáo chủ của giáo phái. Giáo phái của Không Lộ thiền sư có thể được gọi là phái Không Lộ. Đồng thời Không Lộ cũng là danh xưng của Giáo chủ giáo phái này. Với cách hiểu như thế thì sẽ thấy rõ, không phải chỉ có 1 vị Không Lộ thiền sư bởi vì chức Giáo chủ của giáo phái có thể là những người khác nhau đảm nhận qua các thời. Nhận định này giúp giải quyết được khúc mắc về việc có tới 2 ngài Không Lộ như ở phần đầu bài đã nêu.

Một đạo phái được xác lập khi nó có đủ 3 yếu tố, gọi là Tam bảo. Trước hết là có giáo chủ là Không Lộ thiền sư như nêu trên. Thứ hai là có giáo lý thể hiện qua những tiêu chí và hành động của giáo phái. Thứ ba là có các tăng lữ hay đạo sĩ theo đạo này.

Giáo lý của phái Không Lộ vừa theo giáo lý nhà Phật lại vừa kết hợp với Đạo Giáo ở nước ta. Điều này thể hiện qua các tài phép “lục trí thần thông” của Không Lộ thiền sư như đi trên không, nổi trên nước… Các chùa nơi Không Lộ từng tu hành đều có tên Thần Quang tự, phần nào cũng nói tới sự thần bí (tính chất của Đạo Giáo) của vị thiền sư này. Lý triều quốc sư Không Lộ như vậy không chỉ là một Phật tử mà còn là một Pháp sư cao tay. Bia chùa Keo Hành Thiện ở Nam Định ghi rõ ông là một Đại pháp sư.

Câu đối ở đền Lại Trì nêu công nghiệp của Không Lộ thiền sư:

Tài phép cứu chúng sinh, đức chính thánh thần, tâm chính phật

Thuốc tiên giúp thánh thượng, nước lưu sự nghiệp, sử lưu tên.

Gian thờ Dương Không Lộ ở đền Lại Trì.

Đặc biệt, đạo Không Lộ có mức độ nhập thế rất cao so với các thiền phái của nhà Phật thể hiện trong việc Không Lộ chữa bệnh cho vua Lý và thực hành nghề đúc đồng. Nhận định Không Lộ là tên giáo chủ hay giáo phái giúp giải quyết khúc mắc về sự kiện Không Lộ thiền sư đã đúc An Nam tứ đại khí vì 4 đồng khí lớn được đúc vào các thời kỳ khác nhau. Câu chuyện Không Lộ thiền sư đi sang Trung Quốc chở đồng đen về đúc chuông có lẽ muốn nói giáo phái này đã học được nghề đúc đồng tới mức thu hút hết tinh hoa của nghề này về nước ta. Không Lộ thiền sư được các làng nghề đúc đồng trên cả nước tôn làm vị tổ nghề.

Đầu rối thánh tượng chùa Keo Hành Thiện, Nam Định.

Giáo phái Không Lộ từng phổ biến chính ở vùng Nam Định – Thái Bình, với trung tâm là 2 ngôi chùa Keo ở 2 bên sông Hồng. Chữ Keo có thể nghĩa là Cả, là thủ lĩnh hay giáo chủ. Chùa Keo nghĩa là chùa Cả, trung tâm của giáo hội.

Về tăng lữ của phái Không Lộ, có thể thấy các chùa thờ Không Lộ và Từ Đạo Hạnh thường ban đầu không có sư trụ trì như chùa Keo Hành Thiện, Keo Thái Bình hay chùa Đại Bi. Điều này nay có thể hiểu vì giáo phái của Không Lộ khác với Phật giáo chính dòng.

Đầu rối thánh tượng chùa Keo Thái Bình.

Điểm đặc biệt là ở các chùa thờ Không Lộ và Từ Đạo Hạnh tới nay còn lưu được nghi lễ hầu thánh bằng múa rối đầu gỗ, là các thánh tượng, đại diện cho giới tăng lữ của giáo phái này. Câu chuyện về các thánh tượng này có liên quan đến truyền tích Pháp sư diệt thần Xương Cuồng trong Lĩnh Nam chích quái. Vị pháp sư và các đệ tử của mình đã diệt được thần Xương Cuồng chính là Không Lộ thiền sư.

Với đầy đủ tam bảo: giáo chủ, giáo lý và tăng lữ, rõ ràng phái Không Lộ có thể được coi là một Đạo, phổ biến và có vai trò lớn dưới thời Lý. Vua Lý cũng là đệ tử của giáo phái này (Lý Thần Tông là hóa thân của Từ Đạo Hạnh) và giáo chủ Không Lộ được tôn làm Lý triều quốc sư. Đây mới là tôn giáo chính của nước ta dưới thời nhà Lý.

Liễu Hạnh Thánh Mẫu
Mẫu Liễu được tôn là một trong bốn vị thần bất tử, thay chỗ cho cả Từ Đạo Hạnh hay Nguyễn Minh Không. Tuy vậy, 3 lần giáng sinh của bà thực ra không có gì đáng kể về công tích. Lần thứ nhất bà giáng sinh ở Vi Nhuế (Vụ Bản, Nam Định) trong một gia đình giàu có họ Phạm. Trong lần giáng sinh đầu này bà là người rất có hiếu với cha mẹ, không lấy chồng, giúp đỡ nhân dân xây đường, đắp cầu, dựng chùa. Bà có tiếng tăm tốt (hiếu, trinh, từ) nên khi mất được người dân tôn làm phúc thần.

Lần giáng sinh thứ hai của Liễu Hạnh ở Vân Cát (Vụ Bản, Nam Định) vào nhà họ Lê, kết duyên với chồng họ Trần, sinh 2 con rồi hóa sớm năm 20 tuổi. Lần thứ ba bà giáng sinh ở Thanh Hóa, lấy chồng là kiếp sau của ông Trần Đào là Mai Thanh Lâm, sinh được 1 con trai, rồi cũng hóa sớm.

Thủy đình ở phủ Vân Cát tại Vụ Bản, Nam Định.

Sự kỳ lạ của câu chuyện Liễu Hạnh công chúa thực sự nằm ở các diễn biến sau đó. Ghi chép của tác giả Nguyễn Văn Huyên về hành tích của Mẫu Liễu trong cuốn Sự thờ cúng các thần tiên ở Việt Nam:

… Khi mãn hạn đi đầy, nàng chết. Nhưng thay vì trở về thiên đình nàng ở lại trên trái đất, khi thì dưới dạng một người đàn bà đi đường hoặc bán hàng, khi thì là một cô hàng nước để khiêu khích tình dục của người trần. Tất cả những ai làm trái ý nằng đều bị nàng làm cho chết. Hơn nữa, để thỏa cơn giận, nàng còn giết hại cả súc vật, gây nên sự kinh hoàng trong nhân dân vùng Sơn Nam. Để nàng nguôi giận tại nhiều làng người ta phải lập đền thờ nàng. Sau đó nàng đến tỉnh Thanh Hóa. Nàng đến bất cứ đâu thì ở đó súc vật chết hàng loạt và các vị thần thành hoàng đều lánh xa, để tránh nàng.

Tới vùng Sùng Sơn, thấy phong cảnh ngoạn mục, nàng quyết định ở lại đấy. Ngay đêm hôm đó, nàng báo mộng cho các vị chức sắc trong làng, ra lệnh cho họ phải xây cất ngay những ngôi đền để thờ nàng, nếu không thì chết chóc sẽ tàn phá cả vùng.

Từ khi đó, trong năm ngày liền, dân làng chết hàng loạt. Vì vậy người ta quyết định theo lời chỉ dẫn trong mộng, xây cất những ngôi đền tại Sùng Sơn để thờ nàng.

Gạt bỏ đi những quan niệm nhìn nhận về Mẫu Liễu từ các khía cạnh khác nhau, những ghi chép trên cho thấy Mẫu Liễu đã hành động rất tích cực không phải chỉ vì tính ngang tàng, phá phách. Mục đích chính của những hành động này được nói rất rõ khi hiển mộng: “Ra lệnh cho họ phải xây cất ngay những ngôi đền để thờ nàng”. Đây mới là động cơ chính cho sự tung hoành của Chúa Liễu. Mục tiêu chính mà bà yêu cầu là phải đưa các nữ thần vào trong thần điện phụng dưỡng thờ cúng. Đòi hỏi sự chia sẻ “thần quyền” cho phái nữ này sẽ dễ dàng hiểu được nếu biết bối cảnh về tín ngưỡng Tam phủ lúc đó.

Các di tích đền Tam phủ còn lại tới nay cho thấy trước khi Thánh mẫu Liễu Hạnh xuất hiện, tín ngưỡng Tam phủ gồm Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ với 3 vị thần chủ là: Ngọc Hoàng thượng đế, Diêm La thiên tử và Long Vương Bát Hải. Ở thời gian này các phủ chưa hề có mặt các nữ thần với vai trò thần chủ như trong hệ thống Tứ phủ hiện nay. Việc đưa các nữ thần vào Tứ phủ thành các Mẫu, sánh ngang cùng với với các vị vua cha chính là công lao của mẫu Liễu Hạnh.

Chúa Liễu đã phải giáng sinh 3 lần, rồi khổ công đi Bắc (Lạng Sơn biên giới phía Bắc) vào Nam (tới Đèo Ngang, tức là biên giới phía Nam của nước ta thời đó) để “vận động hành lang” nhằm nâng cao vai trò của thần nữ trong Việt điện. Cuối cùng Chúa cũng phải ra mặt, yêu cầu gắt gao ở Sòng Sơn, dẫn đến cuộc đại chiến với các nam thần của Nội Đạo Tràng.

Đi sâu vào lai lịch của ba vị quan thánh đã đối đầu với Chúa Liễu trong trận chiến Sòng Sơn ta sẽ hiểu hơn, đây thực chất là cuộc đấu tranh của các tín đồ Tam phủ thờ nam thần chống lại đòi hỏi vị trí cho các nữ thần trong các phủ. Ba vị quan thánh là các con đầu của Thượng sư họ Trần có tên Nhật Quang, Nguyệt Quang và Ngọc Quang. Đây là khái niệm về Tam tài gồm Thiên (Nhật – Dương), Địa (Nguyệt – Âm) và Nhân (Ngọc). Sau này 3 vị quan thánh cũng được phân chia cai quản Tam phủ gồm Thiên đình, Trái đất và Người trần.

Nói cách khác, ba vị quan thánh là đại diện cho tín ngưỡng Tam phủ thờ nam thần khi đó. Chữ “Nội đạo” liệu có phải hiểu nghĩa là đạo Cha, đạo thờ nam thần, đối lập với “đạo Mẫu” do Chúa Liễu khởi xướng (“Ngoại đạo”, đạo bên ngoại)?

Khả năng hóa sinh nhiều lần và trong một ngôi gồm cả thánh thần tiên Phật thấy rõ ở thánh mẫu Liễu Hạnh. Câu đối ở lăng mộ Liễu Hạnh tại Vụ Bản (Nam Định) nói về khả năng hóa sinh, chuyển thể của thánh:

Năm trăm năm lẻ thần hóa cũ

Ba lần chuyển thế thánh là tiên.

Phép thuật cụ thể của Mẫu Liễu là gì thì truyền tích không đề cập đến. Có thể thấy khả năng của Mẫu Liễu hạn chế hơn nhiều so với Huyền Thiên Đổng Thiên Vương. So về năng lực và thời gian xuất hiện (thời Lê) thì Liễu Hạnh xếp thứ tư trong Tứ bất tử là đúng, cho dù Liễu Hạnh là Mẫu chủ của Địa phủ trong đạo Tứ phủ.

Nghi môn Nguyệt Du cung (Phủ Bóng) ở Phủ Giầy.
Đền Phố Cát, Thạch Thành, Thanh Hóa.
Tứ bất tử là 4 cấp độ tu tiên đạo, đánh dấu những mốc trong quá trình hình thành và phát triển Đạo thần tiên ở nước Nam. Thứ tự của Tứ bất tử được sắp xếp như sau:

- Đứng đầu là Tản Viên Sơn Thánh, người có gậy thần sách ước, là Hà thư Lạc đồ, những kiến thức khoa học thời sơ khai. Tản Viên là người đã tập hợp các bộ tộc Việt chiến thắng thiên tai trong thời kỳ dựng nước.

- Thứ hai là Chử Đạo Tổ, cũng là người nắm được thuật Âm dương, có bảo bối là gậy nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Truyền thuyết Chử Đồng Tử là cách kể khác của chuyện Hậu Nghệ thời nhà Hạ.

- Xếp hàng thứ ba là có Phù Đổng Thiên Vương và Huyền Thiên Lão Tử. Phù Đổng Thiên Vương với các thần khí là ngựa sắt, nón sắt, roi sắt, áo giáp hoa lau, đã lập nên kỳ tích phong bách thần ở núi Vệ Linh. Huyền Thiên Lão Tử là giáo chủ Đạo giáo, là thầy thuốc cứu dân độ thế, có khả năng trường sinh bất lão, có thể trừ yêu dẹp quỷ, trấn quy xà. Lão Tử là người đã giúp vua Chủ An Dương Vương xây thành Cổ Loa vào đầu thời Đông Chu.

- Ở hàng thứ tư gồm các vị thiền sư Không Lộ, Từ Đạo Hạnh và muộn nhất là thánh mẫu Liễu Hạnh. Thánh mẫu người sáng lập ra Đạo Mẫu Tứ phủ, có khả năng tái sinh nhiều lần, đắc đạo thánh thần tiên phật, nổi danh hiếu trinh từ ở thời Lê.

https://congdankhuyenhoc.vn/nhan-tet-trung-cuu-ban-ve-cac-vi-than-bat-tu-nuoc-nam-bai-cuoi-179220928152441888.htm

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2)

Vị trí thứ ba trong Tứ bất tử theo quan niệm hiện tại là Thánh Dóng. Tuy nhiên, khi xét quan niệm về thần “bất tử” là những vị thần có phép màu nhiệm, có sinh hóa, liên quan đến đạo thần tiên (Đạo Giáo) thì có thể còn có một vị thần khác cùng ở vị trí bất tử thứ ba này. Đó là Đổng Thiên Vương.

Tranh vẽ Tứ bất tử.

Thánh Dóng cởi nhung y thành tiên ở núi Vệ Linh

Thánh Dóng không chỉ là một vị tướng đã đánh bại giặc Ân, mà còn là một tiên nhân, như được thể hiện trong bức tranh dân gian vẽ Tứ bất tử. Phép tiên thánh của Thánh Dóng có thể thấy qua những “thần khí” của ngài.

Được biết nhiều nhất là con ngựa sắt của Thánh Dóng. Ngoài chuyện con ngựa thần kỳ này phun ra lửa diệt giặc thì chi tiết ít người chú ý là Thánh Dóng đã cưỡi ngựa sắt mà bay về trời. So với việc Tản Viên Sơn Thánh bay lên trời ở núi Ba Vì hay Chử Đồng Tử một đêm về trời ở đầm Dạ Trạch thì việc hóa bất tử thành tiên của Thánh Dóng có phần thấp hơn một bậc, phải nhờ đến thần thú ngựa sắt mới có thể bay lên được.

Voi và hoa tre trong lễ hội đền Sóc.

Thần khí thứ hai của Thánh Dóng là cây roi sắt, nguyên văn chữ Nho là “thiết tiên”. Cây roi này có thể đánh chết cả Thạch Linh thần tướng của nhà Ân, nên chính xác tên nó được gọi là “Roi đánh thần”. So với cây gậy đầu sinh đầu tử của Chử Đồng Tử hay Tản Viên Sơn Thánh thì Roi sắt chỉ có 1 đầu tử để đánh thần, chứ không có khả năng cải tử hoàn sinh. Cũng vì chỉ có 1 đầu sử dụng nên nó mới được gọi là roi, chứ không phải gậy. Chiếc roi này còn bị rơi hoặc gãy mất trong khi đánh nhau với giặc Ân, tức là không phải vật toàn năng như cây gậy thần của Tản Viên Sơn Thánh hay Chử Đồng Tử.

Đền Thượng Sóc Sơn.
Đền Thượng Sóc Sơn.

Nếu Tản Viên Sơn Thánh có sách ước, Chử Đồng Tử có nón thần, còn Thánh Dóng lại có nón sắt làm thần khí. Nón sắt như vậy tương đương với cuốn Thiên thư của Tản Viên Sơn Thánh, ở đây hàm ý là trí tuệ (nón đội trên đầu). 

Chiếc áo ra trận giáp của Thánh Dóng không phải là áo giáp sắt, mà lại là áo hoa lau. Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể: “Đổng Thiết cười vang một tiếng, duỗi tay vươn vai, tiếng vang như sấm, ánh mắt loé sáng như chớp, thân mình cao hơn 18 thước. Vì chưa kịp may quần áo nên sai 10 vạn quân đi bẻ hoa lau đem về kết thành đồ mặc”. Rồi sau khi thắng giặc, “đến núi Sóc xã Vệ Linh huyện Kim Hoa, Thần vương cởi bỏ bộ áo hoa lau, cưỡi ngựa bay lên không mà bay đi. Nay nơi ấy vẫn còn dấu chân ngựa in trên lèn đá”.

Hòn đá nứt ở lưng núi Vệ Linh. Tương truyền là áo giáp của Phù Đổng Thiên Vương
để lại trước khi bay lên trời.

Áo hoa lau nhưng lại là vật hộ thân thần kỳ, không mũi tên hay gươm đao nào có thể xâm nhập được. Những bông hoa lau từ chiếc áo thần này khi Thánh Dóng thoát nhung y ở núi Sóc vẫn còn được tái hiện qua những hoa tre màu vàng, màu đỏ dùng trong lễ hội đền Sóc hàng năm. Màu vàng là màu trung tâm của Ngũ hành, nên những bông hoa lau như những chiếc cờ “Hành hoàng kỳ” hay “Ngũ hành kỳ” tỏa ra che chở cho Thần vương. Ngay cái tên địa danh Kim Hoa của vùng núi Sóc Sơn cũng chính là nhắc tới chiếc áo giáp hoa lau thần kỳ này.

Tiền tế đền Phù Đổng.

Núi Sóc còn có tên Vệ Linh, mang hàm nghĩa một nơi linh thiêng. Linh thiêng không chỉ vì đó là nơi Thánh Dóng cưỡi ngựa sắt về trời, mà bởi đó còn là nơi Thánh Dóng đăng đàn trảm tướng phong thần sau chiến thắng. Trong lễ hội đền Sóc vào mồng 6/8 tháng Giêng hàng năm, thôn Yên Tràng ở chân núi Vệ Linh còn có tục diễn cảnh chém 3 tướng Ân của Phù Đổng trước khi bay về trời. Đỉnh Đá Chồng trên núi Vệ Linh với dấu chân ngựa in trên đá là đàn tế phong thần của Phù Đổng Thiên Vương năm xưa.

Hoành phi Bách thần nguyên tự đền Phù Đổng.

Đền Phù Đổng và đền Sóc đều có bức hoành phi đề “Bách thần nguyên tự”, cho biết việc thờ cúng bách thần khởi nguyên từ Phù Đổng Thiên vương. Câu đối ở đền Phù Đổng:

Vạn cổ trường xuân, chiếm liễu trung ương khoa thắng địa

Bách thần nguyên tự, nguy nhiên thượng đẳng đối cao thiên.

Dịch:

Muôn thuở mãi xuân, chiếm giữa trung tâm vùng đất lớn

Trăm thần thờ gốc, sừng sững thượng đẳng sánh trời cao.

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả chép về vua Hùng: “Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm các tộc, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần”. Tín ngưỡng thờ bách thần của thiên hạ Bách Việt được bắt đầu từ sau chiến thắng nhà Ân Thương và lễ tế phong bách thần của Thánh Dóng cho các tướng sĩ của cả 2 bên tử trận trong cuộc chiến lập quốc Văn Lang.

Huyền Thiên Lão Tử trừ yêu quỷ thành Cổ Loa

Phù Đổng là từ phiên thiết của chữ Phổng hay Bổng, chỉ Thánh Dóng. Còn Đổng Thiên Vương lại là Huyền Thiên Đại Thánh. Đền thờ Huyền Thiên Đổng Thiên Vương nằm ở làng Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội). Thần phả ở đền Bộ Đầu có tên “Bộ Đầu linh từ sự tích Đổng Sóc Thiên Vương Huyền Thiên Đại Thánh Thành hoàng nhất vị”. Các sách cũ đều cho rằng đền này thờ Huyền Thiên Đại Thánh. Bản thân đền được gọi là đền Quán Thánh.

Chùa Bà Đanh, Kim Bảng, Hà Nam.

Theo sự tích ở Huyền Thiên quán tại làng Ngọc Trì (xã Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội) thì Huyền Thiên nhiều lần giáng sinh, tu hành, từ đó có phép thuật trấn yêu ma các động. Còn Huyền Thiên ở đền Sái (Thụy Lôi, Đông Anh) là người đã giúp Thục An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Huyền Thiên còn là vị thần được thờ tại Trấn Vũ quán ở Hồ Tây (Hà Nội). Ở những nơi này tượng thờ Huyền Thiên đều được làm dưới hình dạng một người cao lớn, tay bắt quyết và dẫn dụ rắn rùa.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 2): Cấp độ bất tử thứ ba - Ảnh 9.
Đổng Thiên Vương ở đền Bộ Đầu, Thường Tín.

Huyền Thiên không ai khác chính là Lão Tử, vì Huyền Thiên hay Huyền Nguyên là tên sắc phong của nhà Đường cho Lão Tử. Lão Tử, vị giáo chủ Đạo giáo, có khả năng giáng sinh nhiều kiếp, có phép màu trấn yểm yêu quỷ, điều khiển rắn rùa, nên Huyền Thiên Đổng Thiên Vương là một thần bất tử hoàn toàn hợp lý. Lão Tử hiện còn được thờ làm thành hoàng ở đình Thổ Hà (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang), với công trạng giống như của Huyền Thiên tại đền Sái là đã cử Rùa vàng đến giúp An Dương Vương thời Đông Chu diệt trừ yêu quỷ khi xây thành Cổ Loa.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Ngọc Trì, Gia Lâm.

Câu đối ở đình Thổ Hà:

Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai đạo Giáo

Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền ảo hóa tác thần tiên.

Dịch:

Mưa gió Đông Chu đây một thời, riêng tay nắm chốn thanh hư, khai mở đạo Giáo

Núi sông Nam Việt chỉ đất đó, một mình truyền phép màu nhiệm, tạo tác thần tiên.

Theo thần tích của xã Phù Đạm (Phủ Lý, Hà Nam) thì “Thái Thượng Lão Quân, hiệu là Lý Bá Hoành, tự là Lão Đam, húy là Thái Ông. Ngài giáng sinh đầu thai ở thôn Kim Chân, xã Thúc Lực… Ngài vốn tính thông minh, thông hiểu thiên văn địa lý. Ngài đem đạo phù thủy truyền bá cho nhân dân. Ngài đến xã Phù Khê (tức Phù Đạm) thấy nhân dân trong xã bị dịch chết quá nửa. Ngài bèn đóng giả một cụ già viết 1 đạo bùa thổi vào trong xã, bao nhiêu người bị bệnh trong xã đều khỏi…”

Đình Phù Vân ở Phủ Lý, Hà Nam, nhìn từ bên ngoài.
Đình Phù Vân ở Phủ Lý, Hà Nam.

Thôn Phù Vân của xã Phù Đạm xưa, nay thuộc thành phố Phủ Lý. Đình Phù Vân vẫn còn lưu giữ được tục thờ Thái Thượng Lão Quân ở đây. Theo thần tích trên Thái Thượng Lão Quân chính là Lão Tử, vị tổ sư của Đạo Giáo. Lão Tử giáng sinh ở ngay khu vực Hà Nam của nước ta, từng chữa dịch bệnh cho nhân dân trong vùng. Đó là lý do tại sao khu vực Hà Nam lại thờ Thái Thượng Lão Quân như ở chùa Bà Đanh (Kim Bảng, Hà Nam). Các di tích và truyền tích ở Hà Nam là minh chứng về quê hương bản quán của Lão Tử ở Việt Nam, ngay trên đất Hà Nam.

Bài vị Thái Thượng Lão Quân ở đình Phù Vân.

Có thể thấy phép thuật của Huyền Thiên Lão Tử – Đổng Thiên Vương hạn chế hơn so với Chử Đạo Tổ. Trong khi Chử Đồng Tử có thể cải tử hoàn sinh, tham dự vào huyền cơ thiên địa, thì phép thuật của Đổng Thiên Vương là ở khả năng chữa bệnh dịch, diệt yêu trừ quỷ, chỉ hóa sinh chứ không cải tử hoàn sinh. Vì thế Đổng Thiên Vương được xếp ở cấp độ thứ ba trong Tứ bất tử, sau Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đạo Tổ.

(Còn nữa)

https://congdankhuyenhoc.vn/nhan-tet-trung-cuu-ban-ve-cac-vi-than-bat-tu-nuoc-nam-bai-2-17922092815140611.htm

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài 1)

Tết Trùng cửu (9/9 Âm lịch hàng năm) không chỉ là ngày giới tao nhân mặc khách lên núi cao uống rượu, ngắm hoa cúc, mà đó vốn là ngày của các đạo nhân lên núi thành tiên, hóa thân thành bất tử trong văn hóa cổ truyền.

Bất tử là mục đích tối cao của phép tu tiên trong Đạo giáo nên các thần bất tử là những vị đạo tổ trong quá trình phát triển Đạo thần tiên ở nước ta.

Hiện nay khái niệm Tứ bất tử trong văn hóa dân gian được quan niệm là tên gọi chung của bốn vị thánh là Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa. Mỗi vị thánh tượng trưng cho sự bền vững, thịnh đạt của một lĩnh vực đời sống nên được coi là “bất tử”. Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ thì quan niệm cho rằng dân gian đã “bất tử” hóa những ước vọng của mình vào các vị thần không hoàn toàn hợp lý. Đúng hơn, những vị thần phải có phép “bất tử” thì mới có thể gọi là thần bất tử. 

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 1.
Tranh tượng Tản Viên Sơn Thánh ở đền Tứ Đền (Lương Sơn, Hòa Bình).

Một số tài liệu thay vào chỗ của Mẫu Liễu Hạnh là Từ Đạo Hạnh hoặc Nguyễn Minh Không là dẫn chứng cho điều này, vì Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không là nhà sư, đạo sĩ, không biểu trưng cho lĩnh vực nào của đời sống nhân dân. Không phải dân gian đã đem mong muốn của mình gửi gắm vào các vị thần mà là hành trạng, khả năng của chính những nhân vật này đã cho phép gọi họ là “bất tử”. 

Quan niệm về bất tử bắt đầu xuất hiện từ thời Tần với chuyện Tần Thủy Hoàng trong các chuyến Đông du tìm gặp các tiên nhân như Yên Kỳ Sinh bên bờ biển Đông để cầu thuật bất tử. Sang thời Hán, đạo Thần Tiên càng phát triển hơn trong dân gian. Cát Hồng, vị huyện lệnh huyện Câu Lậu thời Tấn, trong cuốn Bão phác tử luận tiên đã dẫn sách Tiên kinh cho biết, tiên nhân được chia thành ba thứ bậc: “Người bậc trên bay thân hình lên trời là Thiên tiên. Người bậc giữa lên núi cao du ngoạn là Địa tiên. Người bậc dưới sau khi chết thoát xác gọi là Giải tiên”.

Đối chiếu thuật thành tiên này với Tứ bất tử nước Nam cho thấy có 4 cấp độ đắc đạo thành tiên.

Cấp độ bất tử thứ nhất: Tản Viên Sơn Thánh

Đứng đầu Tứ bất tử là Tản Viên Sơn Thánh vì đây là vị “Đệ nhất phúc thần” nước Nam. Tản Viên Sơn Thánh cũng là nhân vật có xuất xứ lâu đời nhất trong số các vị thần bất tử được nói đến. Theo cuốn thần phả Tản Lĩnh ngọc ký, Sơn Thánh quê ở Lăng Sương (Thanh Thủy, Phú Thọ), đi kiếm củi trên núi Tản, gặp được Thái Bạch Thần tinh Tử Vi Thiên tướng, được trao cho cây gậy thần đầu sinh đầu tử mà từ đó trở thành Thần sư, đi cứu độ nhân gian. Đạo học và phép bất tử của Tản Viên Sơn Thánh được truyền thụ từ Thái Bạch Tử Vi Thiên tướng, cho thấy đây chính là Đạo thần tiên trong Đạo Giáo. Tượng vị Thái Bạch Thần tinh nay được thờ cùng với Sơn Thánh ở các đền trên núi Ba Vì.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 2.
Nghi môn đền Trung Ba Vì và ngọn Tản Lĩnh.

Nhờ có cây gậy thần mà Thần sư Tản Viên đã cứu sống được con rắn là con của Long Vương Động Đình bên bãi Trường Sa trên sông Đà. Khi xuống thăm Long Cung, Thần sư lại được thêm cuốn sách ước có phép nhiệm màu thay đổi trời đất… Câu chuyện Sơn Thánh cứu con của Long Vương cũng là chuyện Kinh Dương Vương kết duyên với Thần Long Động Đình trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng.

Cuốn Di tích thờ Tản Viên là thần phả của làng Ngọc Nhị (Cẩm Lĩnh, Ba Vì), là làng trưởng tạo lệ cho đền Thượng núi Ba Vì, kể: “Thời Đường Nghiêu, hồng thủy bao trùm… Khi đó chỉ có Vương (Tản Viên Sơn Thánh) có oai anh võ dũng, đức cao đạo lớn, có thuật thần tiên, mới đọc ước chú làm cho đá vỡ tung tóe, hiện thành cây gậy sắt, lấy gậy đó mà chỉ vào nước thì nạn thủy tai mới hết, là người có công đầu vậy”.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 3.
Tượng Thái Bạch Thần tinh ở đền Trung Ba Vì.

Gậy thần sách ước của Tản Viên Sơn Thánh xét thực chất chính là Hà đồ Lạc thư, trong đó bao hàm đạo Âm dương (sinh tử), Trời đất (Hà – Lạc). Phép thần của Tản Viên Sơn Thánh được tiếp thụ từ tiền nhân và sáng tạo thêm trong quá trình trị thủy. Nhờ những kiến thức khoa học này ở thuở bình minh của dân tộc mà Tản Viên Sơn Thánh đã quy tụ được các bộ tộc bốn phương ở vùng Nam Giao, trị thủy thắng lợi, trở thành vị Thánh Tổ của Trời Nam (Nam Thiên Thánh Tổ) Kinh Dương Vương.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 4.
Tượng đá cổ Tản Viên Sơn Thánh, Thái Bạch Thần Tinh và Tá Thánh Thiên thần ở đền Thượng Ba Vì.

Tản Lĩnh ngọc ký kể rằng, sau khi trả lại ngôi vị cai quản đất nước cho vua Hùng, Tản Viên Sơn Thánh đã du ngoạn khắp nơi như một vị tiên thánh: “Cùng gió mây voi ngựa mà ngắm xem sông núi, sương móc xe kiệu mà lên xuống trời đất. Lúc thì đàn reo sáo múa, thi thư đối xướng với đất trời, nhạc phượng ca loan, tiếng hình là điều thú vị cõi Bồng Lai. Cỏ bồng dẫn lối, Ngũ hồ gió trăng, thuyền câu là dấu tiên, soi hình cảnh hội khói sương, xe mây vạn hình là bước chân, non xanh nước biếc quấn quít chưa đẫy càn khôn. Thánh Nam thần Bắc, ra vào chốn phong cảnh chín trời”.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam - Ảnh 5.
Hoành phi Nam Thiên Thánh Tổ ở đền Và (Thị xã Sơn Tây).

Cuối cùng, Sơn Thánh đã khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục chúa, để cùng nhau về nơi “Lãng Uyển Bồng Hồ, mãi cùng với trường xuân tuế nguyệt, lầu rồng gác phượng không dính bụi phàm”. Vua Hùng nghe theo, “cùng với Sơn Thánh và công chúa Ngọc Hoa cùng giữa ban ngày mà bay lên trời đi vào cõi hóa sinh bất diệt”.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 6.
Đền Và (Thị xã Sơn Tây).

Như thế Tản Viên Sơn Thánh đã đắc tiên đạo, bay lên trời giữa ban ngày, trở thành vị Thiên tiên Thánh tổ của nước Nam, vị thần bất tử đứng hàng đầu của người Việt.

Cấp độ bất tử thứ hai: Chử Đạo Tổ

Xét trong Tứ bất tử thì người càng có vị trí thứ tự cao thì khả năng phép thuật linh ứng càng cao. Quan trọng hơn là thời điểm xuất hiện của người đó càng sớm trong chiều dài lịch sử. Vị trí thứ hai trong Tứ bất tử thuộc về Chử Đồng Tử.

Chử Đồng Tử vì hiếu thuận với cha nên đã kỳ ngộ gặp được công chúa Tiên Dung ở bãi Tự Nhiên bên bờ sông Hồng. Sau đó nhờ thành tâm học đạo đã được Tiên ông truyền cho phép màu ở núi Quỳnh Lâm. Phép màu của Chử Đồng Tử là cây gậy và chiếc nón thần. Gậy và nón cũng là hình ảnh của vuông – tròn, âm – dương. Nhờ đó Chử Đạo Tổ được coi là người có thể “tham tán huyền cơ thiên địa”, dự vào sự quyến biến của trời đất.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 7.
Thần Cá ở đền Hóa Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên).

Thần tích ở đền Đa Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) còn kể tại đây có vị thần Cá (thần Dí) đã vật chết voi của nhà vua, nhưng khi được yêu cầu làm voi sống lại thì không làm được, bởi “phép cải tử hoàn sinh chỉ có Tản Viên Sơn Thần và Đức thánh Chử Đồng Tử là làm được…”. Điều này cho thấy không phải “thần” nào cũng có thể “cải tử hoàn sinh”. Chỉ có 2 vị thần bất tử là Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử là có phép thuật này.

Câu đối ở đền Hóa Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên):

Bay lên dải Ngân Hán, là một trong bốn ở Quế Giao

Tham giúp lẽ cơ huyền, chỉ hai không ba cùng trời đất.

Khi so sánh truyền thuyết Chử Đồng Tử và Tiên Dung với chuyện của các vị thần trong Đạo Giáo Trung Hoa thì thấy đây cũng là chuyện của Hậu Nghệ – Hằng Nga. Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga, là những vị thần bị đày xuống trần gian. Hậu Nghệ đi tìm thuốc bất tử, trải qua muôn vàn gian khó mới gặp và xin được của Tây Vương Mẫu một viên thuốc để trở thành bất tử. Khi về nhà Hằng Nga vô ý uống thuốc này nên đã bay lên mặt trăng.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 8.
Gậy và nón của Chử Đồng Tử ở đền Hóa Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên).

Thần tích ở đền Đa Hòa kể Chử Đồng Tử lấy thêm một người vợ nữa là Tây Cung công chúa. Vị công chúa này cũng có phép thuật, giúp Chử Đồng Tử chữa bệnh cho nhân dân. Tây Cung công chúa như vậy ở đây tương đồng với Tây Vương Mẫu trong chuyện Hậu Nghệ tìm thuốc bất tử.

Câu chuyện Hằng Nga – Hậu Nghệ trên đã chỉ rõ thế nào là thần bất tử trong quan niệm xưa. Khả năng bất tử là khả năng đặc biệt mà chỉ một số ít các vị thần mới có. Hậu Nghệ – Hằng Nga là những vị thần bất tử như Chử Đồng Tử. Bộ ba Chử Đồng Tử – Tiên Dung – Tây Sa Công chúa, một đêm bay về trời, theo luận thuyết của Tiên kinh là những bậc Thiên tiên bất tử.

Nhân dịp Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước nam - Ảnh 9.
Khám tượng Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Tây Cung công chúa ở đền Đa Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên.

Liên hệ giữa Chử Đồng Tử và Hậu Nghệ rõ nhất là về ngôn ngữ. Có từ Chư hầu, chỉ rõ mối tương thông Chử – Hậu, là chư hầu của nhà Hạ đã tiếm ngôi (lấy con gái vua mà không được phép). Liên hệ Hậu – Chậu – Chử tương tự như trong những từ Hầu (đồng) – Chầu (đồng) – (ca) Trù đều chỉ hình thức xướng ca phục vụ nghi lễ cung đình (triều đình) xưa cả.

Hậu Nghệ có công bắn mặt trời, diệt các loài quái vật nên được nhân dân tôn thờ là thần Tông Bố, tổng quản các loài ma quỷ trong thiên hạ. Chử Đồng Tử tu tiên, có được phép cải tử hoàn sinh đi cứu người, chữa bệnh rồi được tôn là Chử Đạo Tổ. Tông Bố khi đọc phiên thiết cho chữ Tổ. Như vậy cách gọi Tông Bố Hậu Nghệ trùng cả họ và tên với Chử Đạo Tổ.

Ở hai cấp bất tử đầu tiên, Tản Viên Sơn Thánh và Chử Đồng Tử đều là các vị tu tiên đắc đạo, nắm được quyền biến của lẽ âm dương sinh tử, bay lên trời hóa sinh bất diệt, thành những vị Thánh Tổ muôn đời của nước Nam.

(Còn nữa)

https://congdankhuyenhoc.vn/nhan-tet-trung-cuu-ban-ve-cac-vi-than-bat-tu-nuoc-nam-bai-1-179220922121122173.htm

Vãn cảnh Quỳnh Viên, nơi Chử Đồng Tử học đạo bất tử

Bài đăng trên Tạp chí Công dân và Khuyến học ngày 28/7/2022 https://congdankhuyenhoc.vn/van-canh-quynh-vien-noi-chu-dong-tu-hoc-dao-bat-tu-179220727152402541.htm

Truyền thuyết về Chử Đồng Tử lấy công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng thứ 3, được lưu truyền trong lịch sử như một cuộc tình duyên đẹp từ 4.000 năm trước.

Chuyện về Chử Đồng Tử và Tiên Dung được khái quát đầy đủ qua câu đối ở đền Đa Hòa tại Khoái Châu, Hưng Yên như sau:

Hiếu thuận động tới trời, bãi Chử màn che thành kỳ ngộ
Thành chí thông tận thánh, Quỳnh Lâm gậy nón tiếp chân truyền.

Toàn cảnh núi Nam Giới nhìn từ dãy Hồng Lĩnh.

Dấu tích về nơi thành đạo của Chử Đồng Tử

Trong truyền thuyết này ngoài cuộc kỳ ngộ giữa Tiên Dung và Chử Đồng Tử ở bãi Tự Nhiên bên sông Hồng, còn kể tới việc Thánh Chử đã học được phép thuật ở Quỳnh Lâm. Truyền Đầm Nhất Dạ trong Lĩnh Nam chích quái chép: “Đồng Tử bèn cùng lái buôn đi buôn bán. Đến núi Quỳnh Viên, trên núi có am nhỏ, bọn lái buôn thường ghé lại đó lấy uống nước. Đồng Tử lên am chơi, trong am có sư tên gọi Phật Quang truyền phép cho Đồng Tử, Đồng Tử ở lại học phép, giao tiền cho lái buôn mua hàng. Sau bọn lái buôn quay lại am chở Đồng Tử trở về. Sư bèn tặng Đồng Tử một cây trượng và một chiếc nón mà nói rằng: “Linh thiêng ở những vật này đây”. Đồng Tử trở về, giảng đạo lại cho Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ, liền bỏ phố phường, chợ búa cơ nghiệp, rồi cả hai đều tìm thầy học đạo.”

Một trong những nơi có dấu tích rõ ràng nhất về sự kiện Chử Đồng Tử gặp sư Phật Quang là tại núi Nam Giới, nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Học giả Bùi Dương Lịch từ thế kỷ 18 trong cuốn Nghệ An ký chép: “Núi Nam Giới ở trên bờ biển xã Dương Luật, huyện Thạch Hà… Nơi cao nhất của núi phía Đông Bắc như trán Rồng. Liền ở dưới có một dải sống núi như mũi Rồng. Hai bên tả hữu có hai hòn đá tròn như hình mắt Rồng. Dưới mũi đột ngột nổi lên một ngọn núi tròn giống như đầu mũi Rồng. Dưới đầu mũi có một ao trời rộng độ vài mẫu như miệng Rồng, sâu thăm thẳm. Bốn bên ao nước cỏ lầy lội không thể vào được. Hai bên ao có hai ngọn nhánh ôm lại như râu Rồng. Nước ao chảy quanh co trong đó ra phía Bắc ra biển rồi đổ xuống… Trên bờ ao có hai nền nhà. Tục truyền vào thời Hùng Vương, Chử Đồng tử và công chúa Tiên Dung tu đạo ở đấy, gọi là núi Quỳnh Viên”. 

Bùi Dương Lịch cũng trích bài văn của sách Ốc lậu thoại nói về suối Hiêu Hiêu ở núi Nam Giới rằng: “Suối này ở cõi Nam phục, núi Nam Giới, huyện Thạch Hà. Đời truyền thời Hùng Vương, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đắc đạo ở đây. Hiện nay trên đỉnh núi có một cái Ao tắm, trên bờ cao có hai cái nền nhà …”. 

Trên đỉnh của núi Nam Giới ở Thạch Hà hiện nay vẫn còn một bàn cờ tiên bằng đá trên mặt có kẻ ngang dọc hình bàn cờ, một tảng đá lớn tục gọi là Dấu chân tiên và một khu ao rộng, nước từ ao chảy xuống thành con suối Hiêu Hiêu (Hau Hau). Đây là dấu tích thần tiên nơi Chử Đồng Tử đã đắc đạo bên bờ biển miền Trung.

Sau khi tu hành thành đạo ở Quỳnh Lâm, Chử Đồng Tử nhận được cây gậy thần và chiếc nón thiêng, có phép thuật vô cùng, tham dự vào Âm Dương, có khả năng cải tử hoàn sinh. Chử Đồng Tử được tôn là Chử Đạo Tổ, là một trong những vị tổ của Đạo Giáo ở nước ta. Hình ảnh của bàn cờ tiên cũng là thuật Âm Dương vì cờ là “dịch kỳ”, là dịch lý, tức là quy luật biến hóa của trời đất. Chính nhờ có phép thuật này mà Chử Đồng Tử được coi là vị thần bất tử thứ hai trong bộ Tứ bất tử nước Nam.

Hình ảnh bàn cờ tiên còn được thể hiện qua bức chạm gỗ tiên đánh cờ trước núi Quỳnh Viên ở đền Chiêu Trưng hay đền thờ Vũ Mục công Lê Khôi tại chân núi Nam Giới. Cũng tại đây còn lưu truyền một bài thơ của một nhà giáo người Hà Tĩnh từ những năm 1930 về danh thắng Quỳnh Viên:

Ngàn dặm quan sơn một bước trèo

Gập ghềnh hòn đá ngó cheo leo

Mây bay rải rác màu đen bạc

Suối chảy ồn ào giọng hóc heo,

Sự nghiệp Chiêu Trưng bia đá tạc

Ván cờ Đồng Tử đã phong rêu,

Ai lên ướm hỏi người tiên tử

Núi có tình chi đội mão kiều.

Ván cờ Đồng Tử tuy đã phong rêu, đường lên đỉnh núi Nam Giới đã bị cây cỏ che lấp, nhưng ngọn núi Nam Giới đội mũ mây bên Cửa Sót còn đó. Con suối Hiêu Hiêu vẫn chảy từ Ao Trời trên đỉnh núi với dòng nước ngọt lành còn đó. Những dấu tích về nơi thành đạo của Chử Đạo Tổ như vẫn còn sống động qua 4.000 năm lịch sử.

Bức chạm Tiên đánh cờ trước núi Quỳnh Viên của đền Chiêu Trưng.

Vùng tiên cảnh cổ thuyết Quỳnh Viên

Ở chân núi Nam Giới nay còn dấu vết về nơi Chử Đồng Tử gặp Tiên Phật. Đó là ngôi đền cổ thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bên trong đền vẫn giữ được bộ tượng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu bằng gỗ cổ và đẹp lạ. Trong đền có 2 tấm biển rước đề “Đệ Nhất”, “Thánh Mẫu”.  Cũng tại nơi này, ngày nay người ta đã cho lập chùa Quỳnh Viên và lưu truyền là nơi tu hành của vị sư Phật Quang trong truyền thuyết Chử Đồng Tử.

Tấm hoành phi ở chính điện đền Thánh Mẫu ghi “Quỳnh Liễu cung”. Quỳnh Liễu tương đương với Quỳnh Lâm hay Quỳnh Viên. Như thế, vị trí Quỳnh Lâm nơi Chử Đồng Tử gặp sư Phật Quang chính là nơi núi Nam Giới Quỳnh Viên. Vị sư thầy mà Chử Đồng Tử đã gặp liên quan trực tiếp đến Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Cặp câu đối trước đền Thánh mẫu đề:

Thiên thánh chủ hồ Bồng, vườn Lãng

Địa thần tiên biển Rót, núi Quỳnh. 

Chữ “Rót” nghĩa rót nước (ra biển) nay đọc thành Sót, chỉ con sông đổ ra biển. Khu cửa sông ở đây nay gọi là Cửa Sót bên cạnh núi Quỳnh Sơn.

Vị Tiên Phật mà Chử Đồng Tử đã gặp chính là Mẫu Liễu, người được gọi là “Đệ Nhất Thiên Tiên Thánh mẫu”. Theo các sắc phong xưa Mẫu Liễu còn được phong là “Đế Thích Tiên đình”, tức là vị Tiên theo dòng Đế Thích. Theo truyền thuyết Mẫu Liễu vừa là Tiên, vừa là Phật, đã nhiều lần giáng sinh hạ giới và cũng là một trong những vị thần bất tử nước Nam. Lần “giáng sinh” đầu tiên của vị Đế Thích Tiên này không phải ở thời Lê, mà ở thời kỳ Hùng Vương tại Cửa Sót Nam Giới.

Bản thân Vua Trời Đế Thích cũng là thần bất tử và giỏi về dịch kỳ (đánh cờ) như trong chuyện hoàn hồn cho kỳ thủ Trương Ba theo sự tích “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Đế Thích được người Việt tôn là Ngọc Hoàng Thượng Đế, là vị thần được thờ phổ biến trong các điện thờ Phật. Ngay tại chùa Quỳnh Viên ngày nay cũng có tượng cổ thờ Ngọc Hoàng.

Núi Nam Giới Quỳnh Viên ở Hà Tĩnh còn đủ các vết tích Bàn cờ tiên, Ao trời trên đỉnh núi, đền thờ Đế Thích Tiên Quỳnh Liễu cung ở lưng núi và sự tích lưu truyền về ván cờ Đồng Tử ở đền Chiêu Trưng. Tất cả là chứng tích cho một vùng tiên cảnh cổ thuyết Quỳnh Viên.

Bài thơ của vua Lê Thánh Tông ngự đề trên bia đá ở đền Chiêu Trưng tại chân núi Nam Giới ghi lại cảm nhận của vị Hoàng đế nước Việt trước cảnh thần tiên như cửa Trời Thượng Đế của danh thắng Quỳnh Sơn:

Quỳnh Viên chuyện cũ lưu tên núi

Vũ Mục đền nay trải mấy đời

Giang hồ bỗng tỉnh ra điều mộng

Tưởng đã cưỡi bè tới cửa Trời.

Vũng Rồng ở chân núi Nam Giới, nơi có đền Thánh mẫu và đền Chiêu Trưng.
Hoành phi “Quỳnh Liễu cung” của đền Thánh mẫu Cửa Sót.
Tam Tòa Thánh mẫu ở Quỳnh Liễu cung.
Tấm bia có khắc bài thơ của vua Lê Thánh Tông về Quỳnh Viên ở đền Chiêu Trưng.

Sách ebook VIỆT ĐIỆN TỨ LINH Tứ phủ, Tứ linh, Tứ bất tử, Tứ trấn, Tứ pháp

Lời nói đầu

Thường nghe: nước Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến… Bốn ngàn năm, con số không hề nhỏ đối với lịch sử của một quốc gia trên thế giới này. Bốn ngàn năm lịch sử đã kết tụ thành một nền văn hóa Việt phong phú, đặc sắc, giàu giá trị nhân văn. Lịch sử và văn hóa luôn gắn liền với nhau. Dòng chảy lịch sử làm nên văn hóa tộc người và văn hóa đến lượt mình định hướng cho hành vi của con người trong cuộc sống hiện tại mà làm nên tương lai.

Văn hóa Việt có một lịch sử lâu đời như vậy nhưng còn có biết bao câu hỏi về nguồn gốc, về lịch sử văn hóa Việt chưa được giải đáp thỏa đáng. Suy nghĩ hiện nay của đại bộ phận người Việt, kể cả các nhà nghiên cứu chuyên môn, cho rằng văn hóa Việt được hình thành chủ yếu mới từ thời Lý cách đây ngàn năm, vì trước đó là ngàn năm chịu sự đô hộ của phương Bắc và trước nữa là thời “khuyết sử”, không biết đã có “ta” hay chưa nữa. Và rằng văn hóa Việt là sự vay mượn, không phải của Trung Quốc thì là Ấn Độ, thậm chí còn là của Chămpa…

Có thực như vậy không? Di sản văn hóa Việt có gì đáng giá? Liệu văn hóa Việt có đóng góp đáng kể gì cho nhân loại? Tại sao Việt Nam sau ngàn năm Bắc thuộc lại vẫn thoát ra một cách độc lập, không bị đồng hóa? Bản lĩnh văn hóa của người Việt là do đâu mà có? Rất, rất nhiều câu hỏi cần tìm câu trả lời.

Thế hệ người Việt Nam hiện tại đang phải hứng chịu hậu quả của một thời kỳ đứt gãy hàng trăm năm về văn hóa, khi những nền tảng truyền thống kết tinh hàng ngàn năm bỗng nhiên bị gạt bỏ, thay bằng lối sống, văn hóa xa lạ của phương Tây. Trước hết là chữ Nho, thứ chữ tượng hình vốn là sản phẩm sáng tạo của người Việt đã bị thay bằng chữ quốc ngữ, dẫn đến nhiều từ, nhiều ngữ của tiếng Việt không còn được hiểu đúng, dùng đúng. Di sản văn hiến Việt được lưu giữ bằng chữ Nho trở nên “không đọc được” với đại bộ phận người Việt hiện nay.

Mỹ thuật, kiến trúc truyền thống cũng đã thay đổi hoàn toàn, thiếu sự tiếp nối hài hòa. Những mái đình, mái đền cong vút, tương trưng cho bầu trời bao la của phương Đông, bị thay bằng những nhà mái bằng khô cứng. Các nghề thủ công truyền thống như chạm khắc, đúc đồng, làm gốm, vẽ tranh… phần nhiều bị thất truyền hay mai một, khiến những sản phẩm ngày nay làm ra không thể nào có được nét tinh tế và sự sáng tạo của thời xưa. Giá trị thẩm mỹ trong văn hóa Việt như thế đã “tiến lùi” rất nhiều so với trước đây.

Các lễ hội truyền thống xưa kia làng nào cũng có, nay phần nhiều đã bị mai một sau thời gian chiến tranh loạn lạc kéo dài hàng trăm năm vừa qua. Tục thờ thần của người Việt vốn rất phong phú, ẩn chứa trong nó những giá trị tinh thần to lớn, cũng bị biến dạng, nhiều khi trở thành tệ nạn mê tín dị đoan vì không mấy ai hiểu đúng bản chất của những tín ngưỡng này.

Trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy, cái gì để có thể chứng minh “Có một nền văn hóa Việt Nam” bản sắc và đáng giá? Nhận diện lại nguồn gốc văn hóa truyền thống do đó là việc làm hơn lúc nào hết cần thiết cho phát triển tương lai văn hóa Việt.

Nhà văn Hoài Thanh từng viết: Văn hóa phải khơi nguồn từ đại chúng: đó là điều nhất định. Một khi văn hóa đi xa đại chúng ắt sẽ mất dần sức sáng tạo, sẽ khô héo dần đi. Văn hóa cũng như một cái cây, không thể sống lơ lửng giữa trời. Muốn cho nó đâm chồi nảy lộc, phải cho gốc rễ nó ăn vào đất, nước. Khôi phục các giá trị văn hóa văn minh như vậy trước hết phải dựa vào đại chúng, vào như những di sản của dân gian còn lưu truyền lại được. Văn hóa dân gian thực sự còn nhiều khi “bác học” hơn cả văn hóa bác học ngày nay vì nó được cô đọng cả hàng ngàn năm lịch sử trong nội tại của mình.

Thành tựu của khoa học lịch sử gần đây đã sang một trang mới cho việc tìm hiểu văn hóa Việt. Phát hiện về nguồn gốc lịch sử Việt cũng đồng thời với việc xác định nguồn gốc và tiến trình văn hóa Việt. Nền văn minh Việt đã từng là ánh đuốc soi đường cho cả phương Đông đi lên trong suốt hàng ngàn năm của quá khứ. Di sản vật chất Việt trước hết phải kể đến là trống đồng, siêu phẩm trí tuệ và kỹ nghệ của người Việt. Trên trống đồng có ghi đầy đủ những khái niệm Dịch học, nền tảng của văn hóa của phương Đông. Những truyền thuyết Việt lại chép rất đầy đủ về công tích các thánh nhân, các lãnh tụ, các anh hùng nghĩa sĩ của lịch sử Trung Hoa. Những hình tượng mỹ thuật thường thức nhất, gặp trong các chốn đình đền Việt lại mang đậm tính Dịch lý và nét văn hóa của Trung Hoa cổ. Tại sao văn hóa Việt lại chứa đựng cả triết lý và nguồn gốc của Trung Hoa cổ đại?

Đạo thờ tổ tiên hay Đạo Hiếu ở người Việt đã làm nên một di sản văn hóa Việt bất hủ với hàng trăm các vị thần đủ mọi mặt của đời sống xã hội. Nổi lên hơn hết là những vị anh hùng, những thủ lĩnh của quốc gia đã có công dựng nước, giữ nước, phát triển văn hóa xã hội. Tất cả được lồng ghép vào một hệ thống tín ngưỡng mang tên là Công đồng Tứ phủ, với đầy đủ thứ bậc vua, quan, mẫu,…

Từ những hiểu biết mới về lịch sử và nền tảng Dịch học của văn hóa phương Đông cuốn sách này tập hợp những bài viết nhằm giải mã nguồn gốc văn hóa Việt qua phân tích những nhân vật được thờ trong thần điện Việt. Cuốn sách muốn gửi tới bạn đọc một sự góp nhặt mới, dù là rất nhỏ nhoi trong biển văn minh kỳ vĩ mà nhân dân Việt đã sáng tạo ra qua hơn bốn ngàn năm lịch sử.

Bách Việt trùng cửu Nguyễn Đức Tố Lưu

Sách phát hành online bởi Hùng Việt sử quán.

Bất kỳ sự sao chép, in ấn nào từ tác phẩm với mục đích thương mại đều phải được phép của tác giả.

Link tải sách:

https://drive.google.com/file/d/1cGNYy9di78ACcQ3qhi_Epq0HoFH5oOAH/view?usp=sharing

Liên hệ để nhận mật khẩu theo:

    Facebook: https://www.facebook.com/hungvietsuquan

    Email: bachviet18@yahoo.com, 

    Phone, Zalo: 0559551003.