Lữ Nam Đế và Quốc Oai

Ngày mồng 6 tháng 3 năm Quý Mão được truyền là ngày Hai Bà Trưng tuẫn tiết trên sông Hát. Cũng những ngày này là ngày lễ hội ở chùa Thầy, nơi có đền Tam Xã thờ vị tướng của vùng Quốc Oai là Đỗ Động tướng quân Đỗ Cảnh Thạc. Tam xã Sài Sơn gồm các làng Thụy Khê, Sài Khê và Đa Phúc. Liệu cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và tướng quân Đỗ Cảnh Thạc có quan hệ gì với nhau?
Mối quan hệ giữa 2 ngày lễ của 2 sự kiện lịch sử này lại được tìm thấy qua nhân vật thừa tướng Lữ Gia của nhà Triệu nước Nam Việt. Câu chuyện về Lữ Gia, tể tướng ba đời nhà Triệu được ghi chép khá kỹ trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện bởi Tư Mã Thiên, nhưng ở nước ta, chuyện về Lữ Gia được lưu truyền trong thần tích về vị tướng này. Một trong những bản thần tích như thế là ngọc phả của làng Đa Phúc ở Sài Sơn, mang tên Lữ Nam Đế sự tích. Bản ngọc phả giống như vậy cũng được chép ở làng Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai. Sự tích Lữ Nam Đế có một số chi tiết cụ thể hơn so với Sử ký của Tư Mã Thiên. Xin xem và xét những chi tiết mới này theo dòng lịch sử.
Sự tích Lữ Nam Đế mở đầu: Thần họ Lữ húy Gia, người xã Thiên Phúc (nay đổi là Đa Phúc) huyện Ninh Sơn (đời Lê Trang Tôn đổi là Yên Sơn), làm quan triều Triệu Văn Vương, đến khi Minh Vương lên ngôi, ông được ban chức Thái phó.
Thần tích này cho biết Lữ Gia là người quê ở vùng Quốc Oai (xã Thiên Phúc, huyện Ninh Sơn). Lữ Gia làm quan bắt đầu từ Triệu Văn Vương. Tới thời Triệu Minh Vương thì được ban chức Thái phó.
Lúc đầu, khi Minh Vương còn là Thái tử, vào làm con tin bên nhà Hán sống ở Trường An, lấy bà Cù Thị ở Hàm Đan, sinh được một người con trai tên là Hưng. Đến khi Minh Vương lên ngôi, nhân giấu ấn của Tiên đế, đã dâng thư cho nhà Hán xin lập bà họ Cù làm hoàng hậu, con trai Hưng làm Thái tử.
Chi tiết Triệu Anh Tề đã giấu ấn khi lên ngôi cũng được Sử ký Tư Mã Thiên kể:
Thái tử Anh Tề xin về nước. Hồ mất, thụy là Văn Vương. Anh Tề lên ngôi thay, lập tức giấu ngay ấn Vũ Đế của Triệu Đà.
Chi tiết này thật khó hiểu vì nó có vẻ không ăn nhập gì với những chuyện xảy ra. Anh Tề ở Hán về thì đã lấy ấn Vũ Đế ở đâu để giấu đi? Tại sao lại phải giấu? Việc giấu ấn Vũ Đế liên quan thế nào đến việc Anh Tề lên ngôi? Tại sao nhờ giấu ấn này mà Anh Tề xin được nhà Hán cho lập Cù Thị làm hoàng hậu? Đằng sau chiếc ấn Vũ Đế này là một bí ẩn của lịch sử giữa 2 triều Hán và Triệu.

Van De hanh ti
Ấn Văn Đế hành tỉ từ mộ Triệu Mạt ở Quảng Châu (ảnh wikipedia).

Rất có thể khi Anh Tề ở Trường An nhà Hán đã lấy được ấn Vũ Đế, rồi mang về nước Nam Việt mà xưng vua, lập hoàng hậu, thái tử. Cũng có thể ấn Vũ Đế đã có ở Nam Việt từ Triệu Văn Vương. Nhưng chiếc ấn này có ý nghĩa đặc biệt không chỉ với nhà Triệu mà còn với nhà Hán, vì đó mà Anh Tề có thể dùng để đòi quyền với nhà Hán (đòi người – Cù Thị và thái tử Hưng). Điều này cho thấy, ấn Vũ Đế thực chất là bảo tỉ khai quốc của Triệu Đà – Lưu Bang, ông tổ của cả 2 nước Hán (Hiếu) và Triệu. Người giữ ấn có quyền khẳng định ngôi vị chính truyền của mình từ vị Cao Tổ – Vũ Đế này.
Sau đó, khi Cù Hậu và Triệu Ai Vương (tên Hưng) định nội phụ vào chầu nhà Hán, nhà Hán ban cho Hưng và Lữ Gia “ấn bạc”. Điều này cho thấy, ấn Vũ Đế ban đầu là ấn vàng, tức là ấn của Hoàng đế, với nghĩa sánh ngang với nhà Hán.
Câu chuyện Triệu Anh Tề làm con tin ở Hán, lấy Cù Thị, rồi lúc về giấu ấn Vũ Đế để xưng vương là cốt của câu chuyện Nhã Lang lấy Cảo Nương rồi đánh tráo móng rồng trong truyền thuyết về Triệu Quang Phục. Cù và Cảo là cận âm. Nhã Lang là Anh Tề cận nghĩa.

Uoc LeMảng chạm đầu hồi đình Ước Lễ, Thanh Oai.

Thần tích Lữ Nam Đế kể tiếp đoạn Cù Hậu âm mưu hại Lữ Gia trong tiệc rượu:
Sứ giả ngồi phía Đông, Cù Hậu ngồi ở phía Nam, Hưng và các tướng đều ngồi ở phía Tây. Em trai Lữ Gia là Lữ Cường làm tướng, đem binh sĩ đến ở ngoài cung. Khi rót rượu, Cù Hậu nói với Lữ Gia rằng: “Nam Việt nội phục nhà Hán là có lợi, tướng quân không muốn là cớ làm sao?”. Nói vậy là có ý khích sứ giả nhà Hán, nhưng sứ giả hồ nghi không dám chống cự.
Lữ Gia thấy xung quanh không có tai mắt của mình liền bỏ ra ngoài. Cù Hậu tức giận muốn cầm mâu đâm Lữ Gia, nhưng Hưng cản lại. Lữ Gia đi ra, sai em trai mang quân đến phủ đệ riêng ở Trúc Viên Sài Sơn, cáo bệnh không gặp sứ giả.

Đoạn kể này cung cấp thông tin đặc biệt quan trọng mà Sử ký Tư Mã Thiên không đề cập tới. Em trai của thừa tướng Lữ Gia tên là Lữ Cường. Lữ Cường làm tướng võ, cầm đầu quân đội. Sau khi nội bộ nhà Triệu mâu thuẫn về việc nội phụ nhà Hán thì họ Lữ chia nhau ra. Lữ Gia ở lại Phiên Ngung. Lữ Cường dẫn quân về đóng ở quê họ Lữ ở Sài Sơn.
Thông tin này cho phép hiểu hơn diễn biến sau đó và việc thờ Lữ Gia ở vùng Quốc Oai. Lữ Gia sau khi giết Cù Hậu và Triệu Ai Vương, đã lập con trưởng của Minh Vương là Kiến Đức lên làm vua, tên hiệu là Triệu Vệ Dương Vương. Khi Lộ Bác Đức nhà Hán dẫn quân chiếm Phiên Ngung, Lữ Gia cùng hàng trăm gia quyến lên thuyền đi về phía Tây, trở về quê hương ở vùng Bắc Việt. Lộ Bác Đức đuổi theo và bắt giết được Lữ Gia ở vùng Nam Định (núi Gôi, Vụ Bản). Đây cũng là vùng cửa sông Hát (sông Đáy) đổ ra biển, xưa gọi là cửa Đại Ác.
Lữ Gia hy sinh ở vùng cuối sông Hát. Ông được tôn làm Lữ Nam Đế cho dù ông chưa hề làm vua bao giờ. Rất có thể cái tên Lữ Nam Đế này là tên kép chỉ Lữ Gia và Triệu Vệ Dương Vương, 2 người đã cùng lập vị và cùng vong ở cửa Đại Ác.
Vậy còn Lữ Gia nào tiếp tục chống quân Hán ở vùng đầu sông Hát – Quốc Oai? Hang Cắc Cớ trong núi Sài tương truyền là nơi nghĩa quân Lữ Gia tử tiết. Miếu thờ Lữ Gia ở làng Thụy Khê dưới chân núi Sài nay vẫn còn.

IMG_3842Điện thờ ở đền Lữ Gia tại làng Thụy Khê, Sài Sơn.

Thông tin từ thần tích cho thấy, vị họ Lữ chống quân Hán ở vùng Sài Sơn không phải là thừa tướng Lữ Gia mà là Lữ Cường, tướng chỉ huy quân đội đã dẫn quân về Sài Sơn trước khi nổ ra cuộc chiến giữa Nam Việt và nhà Hán. Vị “Lữ gia” được thờ ở vùng Thanh Oai – Quốc Oai như thế thực ra là Lữ Cường.
Vùng Thanh Oai – Quốc Oai xưa được gọi là Đỗ Động. Nơi đây có thành Quèn với các hiện vật khảo cổ của thời Tây Hán như các mảnh sành sứ, hay rõ ràng hơn nữa là các đồng tiền Ngũ Thù của thời Tây Hán đã được tìm thấy ở đây. Rất có thể thành Quèn chính là địa danh “Trúc Viên” được nói tới trong thần tích. Phép phiên thiết cho ta kết quả:
Trúc Viên thiết Triên – Chiên – Quyên – Quèn.
Tên gọi khác của thành Quèn là Cổ Hiền, cũng là tên phiên thiết, cho chữ Quyền – Quèn. Tên thành có thể thực sự là Quyền, chỉ trị sở trung tâm nắm quyền cai quản của khu vực “Quốc Oai” – oai nước, lúc này.
Sự kiện Lữ Cường dẫn quân Nam Việt lui về Quốc Oai, xây thành phòng thủ chống Hán được truyền thuyết Việt kể tiếp bằng sự tích về Đỗ Động tướng quân Đỗ Cảnh Thạc, đóng ở thành Quèn, hy sinh ở Tam Xã Sài Sơn. Chỉ có điều, sự kiện này đã bị chép gán vào thời kỳ 12 sứ quân, là thời kỳ vốn không hề xảy ra ở Việt Nam sau này.

IMG_3724
Hũ tiền Ngũ thù được tìm thấy ở thành Quèn.

Thừa tướng Lữ Gia cùng vua Triệu Vệ Dương Vương hy sinh ở cửa Đại Ác nhưng cuộc chiến chống Hán nước Nam Việt chưa dừng lại đó. Em trai của Lữ Gia là Lữ Cường trước đó đã chia quân về quê hương bản quán, xây dựng tuyến phòng thủ Đỗ Động Sài Sơn (Đỗ  có nghĩa là chặn, dừng). Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức tiếp tục đánh vào Bắc Việt. Thành Quèn thất thủ, Đỗ Động tướng quân hy sinh ở chân núi Sài…
Nhưng mối nợ nước thù nhà đó chưa hết. Mấy năm sau, cũng ở vùng đất nơi đầu sông Hát đã nổ ra cuộc khởi nghĩa mạnh mẽ của Ả Lã Trưng Vương. Ả Lã tức là con gái nhà họ Lã, là một trong các hoàng phi của vua Triệu đã chạy về vùng Mê Linh. Vua Triệu Vệ Dương Vương – ông Thi Sách hy sinh ở cửa Đại Ác. Ả Lã vì thù cha (Lữ Gia) thù chồng (Nam Đế) đã tập hợp lại người dân nước Nam Việt cũ làm nên cuộc khởi nghĩa tiếp theo…
Câu đối ở đền thờ Lữ Gia tại Sài Sơn:
一點精忠存趙社
千秋正氣峻柴岩
Nhất điểm tinh trung tồn Triệu xã
Thiên thu chính khí tuấn Sài nham.
Dịch:
Lòng trung một điểm gìn nhà Triệu
Chính khí ngàn thu hiểm núi Sài.

P1200460Đình Ngô Sài ở Quốc Oai, nơi thờ Đỗ Cảnh Thạc và Ả Lã Nàng Đê.

 

Lữ Nam Đế sự tích

Thần tích lưu ở làng Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) và Đa Phúc (Sài Sơn, Quốc Oai).
Sơn Tây tỉnh, Quốc Oai phủ, Lật Sài tổng, Đa Phúc xã ngọc phả cổ lục.

Bản dịch:

SỰ TÍCH LỮ NAM ĐẾ
Thần họ Lữ húy Gia, người xã Thiên Phúc (nay đổi là Đa Phúc) huyện Ninh Sơn (đời Lê Trang Tôn đổi là Yên Sơn), làm quan triều Triệu Văn Vương, đến khi Minh Vương lên ngôi, ông được ban chức Thái phó.
Lúc đầu, khi Minh Vương còn là Thái tử, vào làm con tin bên nhà Hán sống ở Trường An, lấy bà Cù Thị ở Hàm Đan, sinh được một người con trai tên là Hưng. Đến khi Minh Vương lên ngôi, nhân giấu ấn của Tiên đế, đã dâng thư cho nhà Hán xin lập bà họ Cù làm hoàng hậu, con trai Hưng làm Thái tử. Nhà Hán nhiều lần sai sứ giả dụ Minh Vương vào triều. Minh Vương đã cáo bệnh không chịu nghe theo. Đến khi con trai Hưng đã lập tôn bà họ Cù làm hoàng hậu.
Nguyên khi bà họ Cù chưa lấy Minh Vương, bà thường đi lại với Thiếu Quý An Quốc người Bá Lăng. Năm Nguyên Đỉnh thứ 4 đời Vũ Đế nhà Hán đã sai Thiếu Quý đến dụ Hưng và hoàng hậu Cù Thị vào triều. Đến khi sang nước Việt, Thiếu Quý lại tư thông với bà. Người trong nước biết chuyện đó, nhiều người không ủng hộ. Cù Hậu tức giận, muốn dựa vào thế nhà Hán, nhiều lần khuyên Hưng và các quần thần quy phục. Thế rồi nhân sứ giả nhà Hán đến, liền dâng thư xin được theo qui chế đối với các nước chư hầu ba năm một lần triều cống, vua nhà Hán chấp thuận, liền ban ấn bạc cho Hưng và Thừa tướng Lữ Gia. Năm sau, Hưng và và Cù Hậu đã sắm sửa hành trang của cải châu báu đầy đủ để nhập triều.
Lúc đó, Thừa tướng Lữ Gia tuổi đã cao, làm Thừa tướng trải qua ba triều, tôn tộc đều làm trưởng lại đại thần, tất cả hơn 70 người. Con trai thì lấy công chúa, con gái đều gả cho con em các nhà vương gia. Ngày ấy, họ Lữ giữ quyền rất lớn, người trong nước tin theo, còn lớn hơn cả người theo vua Triệu. Lữ Gia đã nhiều lần can ngăn Hưng không nên qui phục nhà Hán, nhưng Hưng không nghe, nên đã nhiều lần cáo bệnh không muốn gặp sứ giả.
Sứ giả nhà Hán đều để ý đến Lữ Gia. Cù Hậu bèn bầy tiệc rượu mời sứ giả nhà Hán đến, âm mưu trừ khử Lữ Gia. Sứ giả đến uống rượu, các đại thần đều đến uống rượu. Sứ giả ngồi phía đông, Cù Hậu ngồi ở phía Nam, Hưng và các tướng đều ngồi ở phía Tây. Em trai Lữ Gia là Lữ Cường làm tướng, đem binh sĩ đến ở ngoài cung.
Khi rót rượu, Cù Hậu nói với Lữ Gia rằng: “Nam Việt nội phục nhà Hán là có lợi, tướng quân không muốn là cớ làm sao?”. Nói vậy là có ý khích sứ giả nhà Hán, nhưng sứ giả hồ nghi nhìn nhau không dám chống cự.
Lữ Gia thấy xung quanh không có tai mắt của mình liền bỏ ra ngoài. Cù Hậu tức giận muốn cầm mâu đâm Lữ Gia, nhưng Hưng cản lại. Lữ Gia đi ra, sai em trai mang quân đến phủ đệ riêng ở Trúc Viên Sài Sơn, cáo bệnh không gặp sứ giả.
Cù Hậu muốn giết Lữ Gia nhưng không giết nổi. Hán Vũ Đế cho rằng: “Hưng và Cù Hậu đã quy phục, chỉ còn Lữ Gia là không chịu nghe theo, nên không muốn mang quân sang đánh, muốn sai tướng là Trang Sâm mang 2000 quân đi sứ.
Trang Sâm nói: “Nếu có ý tốt thì mang vài người là đủ, còn nếu dùng vũ lực mà đem 2000 người thì chẳng làm gì được”. Tướng ở Tế Bắc là Hàn Thiên Thu hăng hái nói rằng: “Chỉ có nước Nam Việt bé tí tẹo thế, lại có thêm Hưng và Cù Hậu làm nội ứng rồi, thì thần chỉ xin đem theo 300 dũng sĩ sang sẽ bắt được Lữ Gia đem về đền ơn vua”. Thế là nhà Hán liền cử Hàn Thiên Thu và em trai Cù Hậu là Cù Lạc đem 2000 quân sang đất Việt.
Thừa tướng Lữ Gia liền ban lệnh cho dân cả nước rằng: “Vua Triệu nhỏ tuổi, Cù Hậu vốn là người Hán, đã từng dâm loạn với sứ nhà Hán, chỉ muốn nội phụ nhà Hán, lại mang tất cả bảo khí của Tiên Đế để sang cống vua Hán để lấy lòng, lại sai tôi tớ đem vàng bạc đến Trường An bán kiếm lời. Họ chỉ giữ mối lợi nhất thời, chẳng đoái hoài đến giang sơn xã tắc nhà Triệu”. Thế rồi sai tướng đến đánh, giết chết cả Hưng, Cù Hậu và sứ giả nhà Hán. Lại cho người đến nói với Tần Vương ở Thương Ngô, xin cho lập con cả của Triệu Minh Vương là Kiến Đức làm vua Nam Việt.
Kiến Đức lên ngôi thì Hàn Thiên Thu đem quân đến xâm phạm bờ cõi, phá tan mấy làng ấp. Lữ Gia liền mở đường, cấp lương cho binh sĩ, đặt đồn lũy đến tận Phiên Ngung dài 40 dặm, đem quân đánh giết chết Hàn Thiên Thu, treo cờ tiết nhà Hán lên trên ải. Sau đó lại chất đá làm cửa, chống lại quân Hán. Nhà Hán sai Lâu Thuyền tướng quân đến chặn giữ các nơi hiểm yếu, lại sai bọn Lộ Bác Đức, Dương Bộc đem mấy vạn quân đến công phá cửa đá, đánh bại quân Việt. Kiến Đức và Lữ Gia đem mấy trăm quân đi thuyền chạy ra biển. Thế là nhà Triệu đã bị bọn Lộ Bác Đức, Dương Bộc dẹp yên.
Tương truyền, Lữ Gia đánh nhau với quân Hán, bị thua lại bị quân Hán chém cụt đầu. Ngài vẫn ngồi trên lưng ngựa, chạy mãi đến địa giới xã Đăng Khôi huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản), gặp đám phụ nữ đi qua, họ đều nói: “Xưa nay người không có đầu lại có thể sống được chẳng?”. Thế là Người liền ngã ngựa mà hóa. Ngài rất linh thiêng, các đời vua đều phong tặng, trong đó có ý tán thán rằng: “Lữ Nam Đế đã tỏ rõ tài năng dám chống lại nhà Hán”.
Người đời sau từng ca ngợi: “Riêng một mình chẳng coi được ấn tín nhà Hán làm vinh hạnh, nên rõ ràng không thuận tiện cho kẻ quy phụ, thế thì há bảo là không trí được chăng? Chém Thiếu Quý diệt Thiên Thu bỏ cờ tiết nhà Hán, chiếm cứ nơi hiểm yếu, như thế há bảo rằng không dũng mãnh hay sao? Phế một vua lập một vua, chỉ biết thờ con cháu Vũ Đế, giữ gìn xã tắc nhà Triệu, sống chết vì đất nước, như thế há bảo rằng không có nghĩa được hay sao?”.
Từ xưa đến nay nhân dân các nơi thờ phụng rất là tôn kính, hễ có cầu khấn điều gì đều rất linh nghiệm.

Nguyên văn:

山西省國威府栗柴總多福社玉譜古籙

呂南帝事跡

神姓呂諱嘉寧山(黎莊尊時改為安山縣)天福人(今改多福)仕趙文王朝至明王即位拜太傅初明王為太子時入質於漢居長安娶邯郸樛氏女生子興及明王即位因藏先帝璽上書於漢請立樛氏為皇后興為世子漢数遣使者誘明王入朝王稱病不朝從子興立尊樛氏為皇后原樛氏未嫁明王時常與伯陵人安國少季通漢武帝元鼎四年使少季来誘興及樛后入朝少季至後與後私通國人知之多不附樛后后怒欲倚漢威数勸興群臣求內附即因使者上言請此內諸侯三歲一朝漢帝許之錫興與丞相呂嘉銀印次年興及樛后知飭治行装重宝為入朝
其时丞相呂嘉年老歷相三朝尊族仕官為長史者七十餘人男皆尚公主女皆嫁王之子弟及槍梧秦王有連親壻也其㞐國中甚重國人信之多為耳目者得眾心愈於王嘉数諌興勿內附弗咱因称病不見漢使者使者皆注意嘉樛后乃置酒介漢使隂謀欲誅嘉使者飲大臣皆視坐飲使者東鄉樛南鄉興與将相皆西鄉嘉弟呂強為将将卒居宮外行酒后謂嘉曰
南越內附國之利也而相君不更者何也以意激漢使使者弧疑相顧遂莫敢抗嘉見耳目非是即出后怒欲縦嘉以矛興止之嘉遂出分其弟兵仍就柴山竹園私第称病不見使者后欲誅嘉而力不能
漢武帝以為興及樛氏已內附獨嘉不咱命不足興兵欲使将莊参以弍千兵往使莊参曰以好往数人足矣以武往二千人無以為也濟北将韓千秋奮曰以一區區之越又有興及樛后內為應願得勇士三百人必蒦嘉以报於是漢使韓千秋興樛后弟樛樂以弍千人往入境丞相嘉遂不令國中趙王年少樛后本漢人又與漢使乱專欲內附尽持先帝器入献于漢以自媚多縱人行至長安慮賣以為重僕自守一時之利無願趙氏社稷為萬世計慮之意乃與其弟将卒攻興遂殺興及樛后尽殺漢使者遣人先說槍梧秦王及諸郡邑立明王長子衛陽侯建德為王建德即立而韓千秋引兵入境破数小邑嘉乃開道給良未至番禺四十里出兵撃韓千秋等滅之使亟封漢使節置塞上人積石為門以抗漢楼船發兵守要害處漢使博德楊僕等将𢼂萬進兵破石門敗之建德及嘉興𢼂百人夜奔入海以船西去而趙已為博德楊僕等所平矣
世傳以為嘉與戰漢不利䘮其首猶騎馬奔至天本縣(今務本縣)登灰社諸村婦女皆言古今豈有無首而生者遂墜馬為死稔著靈異歷代封曰呂南帝盖表其能與北敵抗也後人称之曰獨不漢印為荣確然求內附為不便不可謂非智誅少季滅千秋亟封漢印㨿守要害攄先王之忄憤於九泉不可謂非勇癈一君立一君惟知事武帝子孫趙氏社稷死生以之遑悔其他不可謂非義從来北方之民歲時奉祀祈禳無不靈驗焉

Tên thụy của Trưng nữ Vương và các sự tích Ả Lã Nàng Đê

Cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương là cuộc khởi nghĩa độc nhất vô nhị trên thế giới khi 2 người phụ nữ đã quật cường phất cờ khởi nghĩa chống lại thế lực hùng mạnh của vương triều phương Bắc, tự xưng vua cai quản đất nước trong vài năm. Là một nhân vật quần thoa anh kiệt trong lịch sử như vậy nhưng những gì chúng ta biết về Trưng Vương còn quá ít, nếu không nói là rất mù mờ và nhiều mâu thuẫn.
Nguyên nhân thực sự của cuộc khởi nghĩa Trưng Vương là gì? Dựa vào đâu để 2 người phụ nữ đơn côi có thể quy tụ được hào kiệt bốn phương khởi nghĩa? Bà Trưng tên thật là gì (vì chắc chắn Trưng Trắc, Trưng Nhị không phải là tên thật của Hai Bà).
Trưng Vương khi thất bại được biết đã tử tiết trẫm mình trên sông. Nhưng Cấm Khê nơi Bà Trưng hy sinh là ở đâu? Thi hài của bà có được tìm thấy và chôn cất không? Nơi an nghỉ cuối cùng của Bà Trưng ở đâu?
Tại sao một vị nữ vương oai hùng như vậy mà số đền thờ Bà Trưng chỉ đếm được trên đầu ngón tay (Mê Linh, Hát Môn, Đồng Nhân, Phụng Công và một số ít đền thờ nhỏ khác)? Trong khi đó một vị nữ tướng tương truyền đã theo Trưng Vương khởi nghĩa là Ả Lã Nàng Đê theo thống kê có tới 56 làng thờ ở 11 tỉnh thành. Đây là vị nữ tướng có số lượng nơi thờ cúng nhiều nhất trong số các vị thần thời Trưng Vương.
Lần theo cái tên Ả Lã cho chúng ta những thông tin đầy đủ, chân thực hơn về xuất xứ cũng như sự tử tiết của Trưng nữ Vương.
Trước hết, theo Nại Tử xã Thần miếu sự tích nguyên gốc tại xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội có ghi như sau:
Dương Thi Sách là người Chu Diên là con của Lạc tướng Dương Thái Bình, mẹ là Hồ Thị Nhữ, sinh ngày mùng 10 tháng 6. Nghe nói Ả Lã Nàng Đê (Trưng Trắc) là người có nhan sắc kiều diễm mà vẫn chưa lấy chồng bèn nói với Lạc tướng, Lạc tướng nói rằng: Ta và Lạc tướng Phong Châu trước đã có nguyện ước, Nay nghe có nàng Ả đó phải chăng là duyên tiền định vậy. Bèn cho người đến hỏi đón về (tức ngày mùng 10 tháng 11). Ở đất Chu Diên hai họ đều cùng vui mừng….
Dương Công đã chết. Tô Định tìm giết hết họ hàng nhà Dương công, Trưng nữ vương bèn chạy về đất Mê Linh bàn bạc nói rõ sự tình của Thái thú. Lạc tướng Trưng công liền chiêu mộ binh sỹ tinh nhuệ làm quân tiên phong. Trưng nữ vương vì căm ghét Tô Định là kẻ tham tàn bạo ngược giết chồng mình nên đã dấy quân đến hỏi tội Tô Định. Sau đó đánh chiếm được 65 thành ở vùng Lĩnh Nam, rồi lên ngôi vua, tôn phong cho chồng là Quốc vương Thiên tử Đông Hán Đại vương, còn mình thì tự xưng là Quốc Thiên tử, coi tên Ả Lã Nàng Đê là tên thụy.
Thần tích Nại Tử, nơi từng có miếu thờ ông Thi Sách cung cấp một thông tin đặc biệt quan trọng: Trưng Trắc khi còn con gái có tên là Ả Lã hay Ả Lã Nàng Đê là tên thụy của Trưng nữ Vương. Thông tin này cho thấy thực chất các nơi thờ Ả Lã Nàng Đê chính là thờ thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Trưng Vương. Vì lý do tránh sự đàn áp của kẻ thù, sự tích các nơi đã không ghi tên Trưng Vương mà gọi bằng tên thụy hay tên thời con gái của bà là Ả Lã.

IMG_5630

Phù điêu Voi ở địa điểm thờ Ả Lã Nàng Đê.

Phát hiện Ả Lã Nàng Đê chính là Trưng Vương dẫn đến một loạt những thông tin khác làm sáng tỏ xuất xứ, thân thế của Hai Bà Trưng. Theo thần tích đình Đại Mỗ thuộc xã Đại Mỗ huyện Từ Liêm, thì Ả Lã Nàng Đê là con gái tể tướng Lữ Gia quê ở Thiên Phúc, huyện An Sơn. Cuối thời Triệu, vua tôi nhà Hán muốn thôn tính Nam Việt, thừa tướng Lữ Gia đã chỉ huy quân sĩ giết giặc xâm lược là Hàn Thiên Thu. Mua chuộc không được, Hán Võ Đế sai tướng Bác Đức và Dương Phác đem quân xâm lược nước ta. Tướng Lữ Gia tổ chức kháng chiến chống lại, sau bị giặc bắt và sát hại. Ả Lã Nàng Đê đến tuổi trưởng thành, tiếp thu tinh thần của cha, đã đứng ra chiêu mộ dân binh, tụ nghĩa ở sông Hát cùng Hai Bà Trưng. Sau Ả Lã Nàng Đê được Hai Bà Trưng ban tước lộc và cho về lập ấp luyện quân ở cửa sông Đáy. Ba năm sau Mã Viện đem quân tiến đánh, Ả Lã Nàng Đê tham gia chiến đấu trận Lãng Bạc và Cấm Khê, cuối cùng bà trầm mình ở sông Hát.
Thì ra Ả Lã – Trưng Vương là con gái của thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu Nam Việt. Sử ký Tư Mã Thiên cho biết: “Họ hàng (Lữ Gia)… con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em, tôn thất của vua”. Như thế con gái Lữ Gia cũng chính là vương phi của nhà Triệu Nam Việt. Trưng Vương là vợ vị vua cuối cùng của nhà Triệu là Triệu Kiến Đức (Vệ Dương Vương). Truyền thuyết Việt khéo gọi ông với cái tên “Thi Sách”, nhằm che dấu đi nguồn gốc thật sự của cuộc khởi nghĩa Trưng Vương.
Như chính sử đã chép, cả vua Triệu Vệ Dương Vương và thừa tướng Lữ Gia đều đã bị bắt và hy sinh trong cuộc tấn công dưới thời Hiếu Vũ Đế của Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức. Cha (thừa tướng Lữ Gia) và chồng (vua Triệu) đều hy sinh, nhưng gia quyến nhà Triệu và họ Lữ là các hoàng phi đã chạy thoát về đất Phong Châu. Chính ở đây đã nổ ra cuộc khởi nghĩa đền nợ nước trả thù nhà của Hai Bà Trưng.
Khởi nghĩa Trưng Vương ở Phong Châu như vậy là do hậu quân của nhà Triệu Nam Việt sau khi kinh đô Phiên Ngung thất thủ, xảy ra dưới thời Tây Hán (Hiếu), chứ không phải Đông Hán như chính sử đang chép. Các sách sử biên soạn sau này đã nhầm lẫn khởi nghĩa ở Hát Môn của Trưng Vương với một cuộc khởi nghĩa hay kháng cự khác của một số thủ lĩnh người Việt vào thời Đông Hán.

IMG_5634 (2)Nhà tiền đình ở đình Vân Côn.

Tiếp tục lần theo tên Ả Lã Nàng Đê ta tới vùng đất Quốc Oai – Hoài Đức ven dòng sông Đáy. Sông Đáy là sông Hát thời Trưng Vương. Ở khu vực các làng Vân Côn của Hoài Đức và Phương Hạp của Quốc Oai cùng thờ chung Ả Lã Nàng Đê và có tục kết chạ với nhau. Sự tích Ả Lã Nàng Đê ở đây kể khi Ả Lã trẫm mình trên sông Hát, thi thể của bà đã trôi từ dòng Hát Môn xuống Hát Giang (tức sông Đáy ngày nay), đến đoạn Vân Côn thì ở lại đó. Thời ấy vì lo chạy giặc, lại lo sợ bị liên lụy, người dân không ai dám bén mảng đến xác của bà. Về sau, xác của bà trôi xuống đến thôn Phú Hạng, người dân nơi đây cũng lo lắng, sợ hãi không kém. Nhưng, cảm phục trước tinh thần yêu nước của vị nữ tướng này, nhân dân hai làng đã bất chấp nguy hiểm vớt xác bà lên để an táng. Về sau, mỗi làng dựng một miếu thờ riêng, ở Vân Côn lấy tên là Quán Sông, còn Phú Hạng đặt tên Quán Ngọ. Cũng từ đó, hai làng tôn bà là Mẫu rồi kết nghĩa anh em, sống hòa thuận với nhau.

IMG_5643 (2)Quán Vân Côn.

Khu vực làng Vân Côn và Phú Hạng chính là nơi đã vớt được thi thể của Trưng Vương trên dòng sông Đáy. Có thể nói nơi đây là nơi an nghỉ cuối cùng của nữ chủ tướng.
Chuyện kể ở Vân Côi và Phú Hạng cho thấy sự đàn áp của giặc sau khi Trưng Vương tử tiết đáng sợ như thế nào. Xác nữ chủ trôi trên sông nhiều ngày mà không ai dám vớt. Trong bối cảnh đó, rõ ràng việc thờ Trưng Vương đúng danh hiệu của một vị vua chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn nhiều. Người dân ở các nơi buộc phải lấy tên thụy của bà là Ả Lã để thờ cúng, nhằm che mắt kẻ thù.

IMG_5582 (2)

Cửa võng khu tiền tế đình Vân Côn.

Câu đối ở nghi môn đình Vân Côn:
奮莪興兵輔借徵朝忠烈將
父讎不共権威大鎮喝江門
Phấn nga hưng binh, phụ tá Trưng triều trung liệt tướng
Phụ thù bất cộng, quyền uy đại trấn Hát giang môn.
Dịch:
Nữ dũng dấy binh, triều Trưng phò tá tướng trung liệt
Thù cha không đội, trấn áp uy quyền cửa Hát giang.
Câu đối này nhắc tới việc Ả Lã đã tự dấy binh chống giặc, trả thù cho cha, tức là trả thù cho cái chết của Lữ Gia.

IMG_5595 (2)Cửa cung cấm đình Vân Côn.

Những ngôi đình, quán rất nhiều xung quanh khu vực sông Đáy thờ Ả Lã cũng chính là thờ Trưng Vương. Thậm chí, một số nơi thánh bà Ả Lã còn được gán vào thời Đinh Tiên Hoàng như ở đình So (Cộng Hòa, Quốc Oai). Đình So nằm ngay cạnh các làng Vân Côn và Phú Hạng trên cùng một dòng sông Đáy. Vì thế vị thánh bà Lã Thị Ả thờ ở đình So chắc chắn cũng là Ả Lã Nàng Đê – Trưng Vương. Còn việc thờ 3 người con trai của bà có công đánh giặc cũng tương tự như ở đình Ngọc Trụ (Từ Liêm) Ả Lã Nàng Đê có 3 người con trai làm tướng được phong thờ.
Câu đối khác ở đình Vân Côi:
鎮國威靈良相徴朝明大義
護民惠徳平蘇伐漢史青留
Trấn quốc uy linh, lương tướng Trưng triều minh đại nghĩa
Hộ dân huệ đức, bình Tô phạt Hán sử thanh lưu.
Dịch:
Trấn quốc oai linh, lương tướng triều Trưng sáng đại nghĩa
Hộ dân ơn đức, bình Tô đánh Hán sử xanh lưu.

Nam Triệu Trưng Vương

Khởi nghĩa Trưng Vương là một cuộc khởi nghĩa độc đáo, có tầm vóc to lớn trong lịch sử nước ta. Lễ hội đền Hát Môn, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa, đã được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các bài viết, khảo cứu về Trưng Vương đã có nhiều, lại một lần nữa được tập hợp trong cuốn sách Đền Hát Môn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vừa xuất bản 2017.
Tuy nhiên, những câu hỏi tồn nghi về khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong các tài liệu này vẫn chưa được làm rõ một cách thỏa đáng. Ngoài việc cho rằng ông Thi Sách tên là Thi chứ không phải Sách thì có lẽ không có thông tin khám phá gì nhiều trong những tài liệu này.

IMG_3360Tế lễ hội đền Hát Môn.

Dưới đây, xin nêu một số điều đáng chú ý rút ra từ các tư liệu dân gian về khởi nghĩa Trưng Vương ở khu vực Hát Môn.
Thần tích về tướng Hoàng Thông thời Hai Bà Trưng ở đình Yên Dục, xã Hiệp Thuận, Quốc Oai, Hà Nội kể:
Xưa vua Hùng Vương truyền mười tám đời, phương Nam mở nước, non sông ứng vận sao Dực sao Chẩn, đất Bắc mới phong, phân thuộc về sao Đẩu sao Ngưu. Sau vua Thục An Dương Vương làm vua được năm mươi năm thì họ Triệu lấy mất. Đến thời thuộc về nhà Hán ở trang Kiều Lộc, có một nhà họ Hoàng tên là Sáng, vợ là Phùng Thị Tam.
Ông bà lành hiền nhân đức, sớm nào cũng thắp hương thờ trời, trước làm sao sau làm vậy. Năm Nguyên Phong nhà Hán thứ năm nhằm hôm mười hai tháng mười bà Phùng thị nằm mộng thấy đỏ rực trong nhà…
Được hơn một năm,… Ngài sinh ra hình dáng mặt mũi như hoa, da như mỡ. Đến khi lớn tài kiêm văn võ, tài giỏi hơn cả người mới đặt tên là Thông. Bấy giờ có tên Tô Định, người nhà Hán sang làm quan Thái thú, giết oan ông Thi Sách, thuế dịch nặng nề, dân không chịu được, kẻ hào kiệt khắp nước nổi lên.
Bấy giờ bà Trưng Trắc giận tên Tô Định giết chồng, bà ấy chiêu tập quân lính thu dụng hào kiệt để đuổi đánh tên Tô Định. Ngài ở trang Kiều Lộc cùng khởi quân hiệp cùng các xứ đi theo bà Trưng Trắc lấy lại các phủ huyện. Tên Tô Định chay thoát. Ngài đuổi đến trang Trảo Oa thì giết được.
Tướng Hoàng Thông ở Hiệp Thuận (gần Hát Môn) như vậy sinh vào năm Nguyên Phong thứ sáu. Nguyên Phong là niên hiệu của Hiếu Vũ Đế nhà Tây Hán. Năm Nguyên Phong thứ sáu là năm 105 TCN. Vậy mà Hoàng Thông lại theo Hai Bà Trưng, đánh đuổi, thậm chí còn là người đã giết được Tô Định. Nếu theo sử sách ngày nay, khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra ở Hát Môn năm 40 sau Công nguyên. Tính từ năm Nguyên Phong thứ sáu tới lúc này thì Hoàng Thông đã là 145 tuổi. Thần tích nhầm hay… sử gia nhầm?
Câu đối ở đình Yên Dục (dẫn theo sách Đền Hát Môn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt):
Mộng Hiệp nhất đóa vân, Sài Lĩnh chung anh đĩnh sinh hiển hách
Uy soái tam thôn sĩ, Lộc Thành ứng nghĩa thu phục sơn hà.
Dịch nghĩa:
Một đám mây lành đất Mộng Hiệp, núi Sài linh thiêng sinh ra bậc hiển hách
Uy linh thống soái ba thôn, quân sĩ thành Lộc ứng nghĩa thu phục non sông.
Thông tin về năm sinh của vị tướng đã giết Tô Định ở vùng sông Hát núi Sài vào năm Nguyên Phong nhà Tây Hán cho thấy khởi nghĩa của Hai Bà Trưng tại Hát Môn không phải xảy ra vào thời Đông Hán. Hai Bà Trưng khởi nghĩa thực chất nổ ra ngay sau khi nhà Triệu Nam Việt ở Phiên Ngung bị diệt vào thời Tây Hán.
Thần tích đền Hát Môn thì chép:
Trưng Vương thu được hơn 60 thành, giành lại đất Nam, dẹp yên giặc Tô Định. Nước Nam thống nhất, bách quan nghênh giá đón Trưng Vương vào thành Chu Diên, lên ngôi tự xưng là Trưng Vương, phong cho Nhị Nương là Phó vương, được tự do ra vào cung cấm, tham dự triều chính. Vua họ Trưng đóng đô ở Mê Linh, đặt quốc hiệu là Triệu.
Thần tích đền Hát Môn như thế cho biết quốc hiệu nước của Trưng Vương là Triệu. Đối chiếu với Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái:
“Người Nam Chiếu là con cháu Triệu Vũ Đế”. Khi Lộ Bác Đức tấn công Nam Việt thì “Con cháu họ Triệu tản mát bốn phương, sau trở về Thần Phù, Hoành Sơn, là những xứ vắng vẻ không người. Khi bộ hạ đông đúc họ bèn đóng tàu thuyền thỉnh thoảng ra bể đột nhập vào nội địa cướp người ven bể, giết các quan lệnh của nhà Hán. Dân đều sợ phục, gọi là Nam Triệu, sau gọi sai là Nam Chiếu”.
So sánh 2 thông tin này thì thấy rõ nước Triệu (Nam Triệu) của Trưng Vương chính là xuất phát từ nước Nam Việt của Triệu Vũ Đế. Điều này một lần nữa xác định thêm nhận định rằng khởi nghĩa của Trưng Vương phải nổ ra vào thời Tây Hán. Trưng Vương là hậu quân của nhà Triệu Nam Việt đã rút về Phong Châu chống lại nhà Tây Hán.

IMG_3516Lễ rước của các làng trong hội đền Hát Môn.

Câu đối khác của đình Yên Dục:
Hiển thánh tích trưng Sài lĩnh mộng
Phù vương tâm bạch Hát giang ba.
Dịch nghĩa:
Di tích thờ bậc hiển thánh rạng rỡ núi Sài
Lòng sáng phò vua trào dâng nơi sông Hát.
Các câu đối ở đình Yên Dục đều nói tới mối liên quan giữa tướng Hoàng Thông với núi Sài và sông Hát. Sông Hát là nơi Trưng Vương khởi nghĩa, liên hệ với tướng Hoàng Thông thì dễ hiểu. Nhưng còn Sài Sơn ở Quốc Oai thì liên quan gì đến vị tướng này và tới khởi nghĩa Hai Bà Trưng?
Để lý giải điều này thì cần biết Sài Sơn là di tích gắn với thừa tướng nhà Triệu là Lữ Gia. Tương truyền là nghĩa quân Lữ Gia đã tử tiết ở núi Sài. Như vậy hậu quân của nhà Triệu Nam Việt chính là nghĩa quân của Lữ Gia đã rút từ Phiên Ngung về Phong Châu.
Theo thần tích của thôn Nại Xá, nơi từng có đền thờ Thi Sách, thì Trưng Vương có tên thời con gái là Ả Lã. Ả Lã nghĩa là con gái họ Lã. Trưng Vương là con gái của thừa tướng Lữ Gia. Ông Thi Sách, chồng của Trưng Vương, như thế không ai khác chính là vị vua Triệu cuối cùng của nước Nam Việt là Triệu Kiến Đức, người đã bị quân Tây Hán truy sát ở cuối sông Hát.
Mối thù không đội trời chung giữa họ Lữ – nhà Triệu với Tây Hán đã làm nên cuộc khởi nghĩa Trưng Vương và sự chống đối bền bỉ sau này của Nam Triệu – Nam Chiếu ở vùng Phong Châu – Tây Bắc Việt. Mối thâm thù này được ghi lại qua các câu đôi ở các di tích như câu đối do Cao Bá Quát đề ở cột trụ cổng đền Hát Môn:
縱不金刀天再造
未應銅柱地分疆
Túng bất kim đao thiên tái tạo
Vị ưng đồng trụ địa phân cương.
Câu đối này thường bị hiểu sai do Cao Bá Quát đã dùng phép chiết tự ở đây. Trong vế đối thứ nhất cụm từ “kim đao” 金刀 là chỉ chữ Lưu 劉, họ của các vua Hán. Câu đối này có thể được dịch như sau:
Mặc không Lưu Hán trời riêng tạo
Chẳng nhận cột đồng đất rạch biên.

img_8025-2.jpg
Ngoại đình đền Hát Môn.

Tương tự, câu đối tại đền Đồng Xâm (Thái Bình) nơi khởi nghiệp Triệu Vũ Đế:
靈跡億年遺鉄斧
帝图四百少金刀
Linh tích ức niên di thiết phủ
Đế đồ tứ bách thiểu kim đao.
Dịch:
Tích thiêng vạn năm lưu búa sắt
Đất vua bốn hướng chẳng họ Lưu.
“Thiết phủ” là chiếc búa sắt lưu ở đền Đồng Xâm, là một linh vật của đất Thái Bình, tương truyền là cây búa Triệu Vũ Đế được ban cho khi khởi nghiệp. Kim 金 đao刂là chiết tự của chữ Lưu 劉 như nói ở trên.
Câu đối ở đền thờ Lữ Gia tại chân núi Gôi (Vụ Bản, Nam Định):
趙氏有天存社稷
漢人無地出楼船
Triệu thị hữu thiên tồn xã tắc
Hán nhân vô địa xuất lâu thuyền.
Dịch:
Còn trời họ Triệu còn xã tắc
Không Hán, lên thuyền đất chẳng chung.
Họ Lữ đã cùng vua Triệu Vệ Dương Vương kiên quyết lên thuyền đi về Giao Châu chống lại Tây Hán.
Mối tương quan Triệu Vũ Đế – Lữ Gia – Trưng Vương thể hiện rất rõ. Nước Nam Việt từ Triệu Vũ Đế khởi lập không mất, mà nó được truyền thừa sang phía Tây qua cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương, lập nên nước Nam Triệu, rồi còn hùng bá một phương tới mãi sau này với tên Nam Chiếu.

Một số vị tướng nhà Triệu Nam Việt và thời Trưng Vương

Xem chuyện về thừa tướng Lữ Gia của nhà Triệu Nam Việt trong cuốn Việt Nam tiền cổ vĩ nhân liệt truyện, tác phẩm khuyết danh xuất hiện vào khoảng cuối thời Nguyễn:
Lữ Gia thuở nhỏ bẩm sinh khôi ngô đĩnh ngộ, học đâu nhớ đấy, mới năm tuổi đã biết âm luật, lên tám tuổi đã hiểu nghĩa lý kinh sử. Năm 15 tuổi thì cha mẹ chẳng may lâm bệnh nặng rồi nối nhau qua đời, từ đấy Lữ Gia phải đến nương nhờ tại nhà ông cậu tên là Trương Viên, đang giữ một chức quan nhỏ ở địa phương lúc bấy giờ. Ông cậu yêu quý chàng như con đẻ, nhưng ba năm sau, do mắc lỗi nhỏ, bị Bộ chủ Vũ Ninh tên là Đào Hoan, do có tư thù riêng, đã khép vào tội chết, rồi đem đi hành hình.
Ông cậu bị giết khiến Lữ Gia vô cùng căm phẫn, muốn tìm cách báo thù, nhưng ngặt lúc bấy giờ thân cô thế cô, nên phải nuốt hận chờ thời. Bởi thế, ngay sau đó chàng đã lên đường “tầm sư học đạo”, chuẩn bị thực lực cho mình, nhưng cũng là để giấu kín tung tích thật, để từ đó tạo thế bất ngờ.
Chàng lặn lội đi vào tận đất Ô Lý – Lâm Ấp, vừa để sống mai danh ẩn tích, nhưng cũng vừa để theo học vị đại sư ở chùa Hoàng Long, vốn nổi tiếng thông tuệ, võ nghệ cao cường và hiện đang có rất nhiều đệ tử trong vùng đến theo học. Do có ý chí kiên cường, mới theo học được vài tháng, Lữ Gia, với bẩm tính thông minh, can đảm, lại có cách đối nhân xử thế đĩnh đạc, đàng hoàng, nên được cả thầy yêu lẫn bạn mến, rồi được tôn lên hàng tôn trưởng (tức trưởng tràng).
Hơn một năm sau, dưới quyền của Lữ Gia đã có hơn một trăm chiến binh dũng cảm, là bạn bè cùng theo học với chàng và đều tinh thông võ nghệ. Rồi vào một ngày đầu xuân Lữ Gia cùng các bạn làm lễ xuất quân. Sau khi từ biệt Đại sư, mọi người cùng nhau xuống thuyền ở Linh Giang ngược về phía bộ Vũ Ninh, với các vũ khí trong tay là côn quyền, đao kiếm. Gặp quân lính của Đào Hoan ở chân núi Chung Sơn, hai bên xông vào giáp chiến. Phía Đào Hoan, tuy quân số đông hơn nhưng kém về võ nghệ lại chưa chuẩn bị kịp, nên đã bị các chiến binh của Lữ Gia đánh cho tơi bời và Đào Hoan bị bắt. Lữ Gia cùng các bạn giải Đào Hoan về quê ở Lôi Dương, mổ bụng moi gan, rồi làm lễ tế trước bàn thờ ông cậu. Trả xong mối hận thù, Lữ Gia cùng các chiến binh lập tức xuống thuyền, xuôi về Lâm Ấp, để tránh sự truy xét của chính quyền.
Lại nói vùng Lâm Ấp khi ấy, do một vị Lạc tướng thuộc dòng dõi các vua Hùng đến làm Bộ chủ. Ngài có hai con gái nhan sắc tuyệt vời mà hơn một năm trước Lữ Gia đã gặp và đem lòng yêu mến. Biết tiếng Lữ Gia là người tài giỏi lại có đảm lược, nên ngài cũng muốn kết tình thân và rồi gả cả hai cô gái một lần cho chàng…
Đoạn truyện trên Lữ Gia có phần kỳ lạ vì nó chẳng ăn nhập gì với lịch sử đang được biết về thừa tướng ba đời vua Triệu Nam Việt Lữ Gia cả. Nhưng nếu đối chiếu với Sử thuyết Hùng Việt thì đoạn truyện về xuất xứ của Lữ Gia có thể hiểu như sau.
Bộ Vũ Ninh ám chỉ vùng đất phía Tây hay nhà Tây Hán (nhà Hiếu) được thành lập từ Hiếu Cao Tổ Lưu Bang. Việc gia đình, người thân của Lữ Gia bị bộ chủ Vũ Ninh sát hại là chuyện gia tộc họ Lữ sau khi Lữ Hậu mất, định cướp chính quyền nhưng không thành, bị các cận thần trung thành của Lưu Bang ra tay trước, diệt họ Lữ.
Lữ Gia phải bỏ trốn vào Lâm Ấp để tìm cơ hội phục thù. Lâm Ấp nghĩa là Nam Ấp hay khu vực phương Nam. Đây là chỉ việc một người nhà họ Lữ đã chạy xuống phía Nam để lập quốc gia riêng, chính là lập nước Nam Việt. “Vị Lạc tướng dòng họ Hùng” là chỉ vua Triệu của Nam Việt. Vị Lạc tướng ở Lâm Ấp này gả con gái cho Lữ Gia tức là Lữ Gia lấy con gái hay thông gia với vua Triệu.
Khi hiểu vậy thì mới rõ, tại sao Lữ Gia trở thành thừa tướng của nhà Triệu. Vì Lữ Gia chính là đại thần lập quốc, nối dòng họ Lữ từ Lữ Hậu, tôn một người con cháu của Lưu Bang lên làm vua Triệu, còn mình làm thừa tướng phò tá, trở thành hoàng thân quốc thích của nhà Triệu.
Phần bắt đầu của nhà Triệu là như vậy, còn phần kết thúc của triều đại này cũng để lại nhiều dấu vết ở Việt Nam.

IMG_2933

Đình Mỹ Giang, nơi thờ tướng Đỗ Năng Tế.

Làng Mỹ Giang, nay là xã Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội, có đình thờ một vị thành hoàng có tên Đỗ Năng Tế. Theo thần tích thì vị tướng công họ Đỗ này là thầy dạy của Hai Bà Trưng. Phụ quốc Đại thần Đỗ Tế Công phu phụ Ngọc phả kể ông là người quê ở đất Sơn Nam, phủ Khoái Châu, lấy bà Tạ Cẩn Nương. Cả hai ông bà đều văn võ song toàn và giỏi y thuật, đức lượng như núi nên dân chúng các nơi đều nể phục mà theo về.
Bấy giờ Lạc tướng Phong Châu dòng dõi Hùng Định Vương và phu nhân là Man Thiện, ngầm nuôi chí lớn đánh đuổi giặc Hán, khôi phục nhà Hùng, nhưng tuổi đã cao, nên quyết tìm thầy giỏi trong thiên hạ để dạy công tử và nhị vị công nương là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Nghe danh vợ chồng Tế Công là bậc anh hùng uy trấn bốn phương, Lạc tướng cho phu nhân là Man Thiện thân chinh đến mời, và phong ngay cho Tế công chức Tiết cấp Trưởng Nội Các binh sự.
Trước lúc lâm trung Lạc tướng lại gọi Tế Công đến giao phó quốc sự, gia phong ông chức Tiết cấp nhập nội Thái tử Quốc chính Trung tín hầu, để phò tá Thái tử. Phu nhân Cẩn Nương được phong Tham tán phu nhân hoằng tướng phu nhân, thống lĩnh nội thị. Từ đấy mọi sự chính trị và quân sự đều do Tế Công sắp đặt.
Sinh thời ông bà đã đem hết sở học truyền dạy cho các học trò. Chẳng may Thái tử mất sớm. Ông bà phù giúp Hai Bà Trưng làm nên nghiệp lớn, đánh đuổi Thái thú Tô Định, thu hồi 65 thành ở Lĩnh Nam, rồi lên ngôi nữ vương, định đô ở Mê Linh.
Đất nước thanh bình được ba năm, Mã Viện lại đem quân sang xâm lược, hai ông bà cùng Trưng Vương và các tướng chia quân các đạo, quyết chiến với giặc. Thế giặc quá mạnh, Tạ Cẩn Nương tuẫn quốc ngày 19 giêng ở trận Lãng Bạc. Tế Công đánh với giặc Hán nhiều trận, sau phải rút về Mỹ Giang, ẩn thân trong rừng Quán Cấm…
Ngày 15/7 ông làm lễ cho người đã khuất là Tạ Cẩn Nương và hai người thiếp (Đặng Xuân Nương và Lý Thanh Nương)… Quân Hán lại kéo đến ông xông ra tử chiến với giặc bị trúng thương ở bả vai. Biết mình không qua khỏi, ông sai người mua rượu ngon về cùng uống với dân làng và nói với dân rằng: Ta cùng với dân ân tình chứa chan đã thành có nghĩa, nói đến đây thì hóa.
Xét theo tư liệu khác là Cổ Lôi ngọc phả ở Thanh Oai thì:
Cụ Nguyễn Năng Tế thuộc dòng dõi Triệu Vũ Đế Nguyễn Thận, quê ở Cổ Lôi, nguyên là Lạc tướng huyện Chu Diên, khi ấy đã già (gần 70 tuổi), giao quyền lại cho con rể là Đặng Thành cũng quê ở Cổ Lôi.
Cụ Nguyễn Năng Tế, trước lấy cụ bà Đào Thị Dực quê ở làng Phượng Dực phía dưới Cổ Lôi sinh được 3 người con là Chiêu Nương, Nguyễn Khắc Trung (còn gọi Chiêu Trung), Nguyễn Đỗ Lý. Khi các con trưởng thành, cụ bà Đào Thị Dực qua đời. Nhiều năm sau, cụ Tế lấy vợ kế, là bà Tạ Cẩn Nương còn trẻ.
Con gái đầu của cụ Nguyễn Năng Tế là Chiêu Nương lấy ông Đặng Thành người ở Cổ Lôi sau được kế chức Huyện lệnh trưởng Chu Diên, sinh ra các vị (theo thứ tự) Đặng Xuân, Đặng Nghiêm, Đặng Tiến, Đặng Đình, Đặng Trần. Đặng Xuân (anh) lấy cô Huệ (Trưng Nhị) sinh hai con trai. Đặng Nghiêm (em) lấy cô Lý (Trưng Trắc) chưa có con.
Như thế rõ ràng thầy giáo Đỗ Năng Tế ở làng Mỹ Giang chính là cụ Nguyễn Năng Tế, linh hồn của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong Cổ Lôi ngọc phả.
Tác giả Lã Duy Lan cũng cho biết đến sau thời vua Thành Thái hội đồng tộc biểu ở Cổ Lôi đã phải sơ tán các đền thờ từ Cổ Lôi đi các địa phương và nhiều nhân vật được thờ tuy cùng tên nhưng đã mang những họ khác nhau. Trong số đó cụ Nguyễn Năng Tế còn có tên thờ khác là Đỗ Năng Tế.
Tướng quân Đỗ Năng Tế như vậy không chỉ là thầy giáo của Trưng Vương mà còn là ông ngoại của Thi Sách (Cổ Lôi ngọc phả chép là Đặng Nghiêm). Đỗ/Nguyễn Năng Tế là dòng dõi Triệu Vũ Đế.
Thần tích ở làng Mỹ Giang có kể bố (Hùng Định) và mẹ (Man Thiện) của Trưng Vương có nhờ Đỗ Năng Tế dạy dỗ cho “Thái tử”, nhưng Thái tử chẳng may mất sớm. Thái tử thì phải là con vua chứ không phải trong gia đình Lạc tướng. Rất có thể “Thái tử” đây chính là ông Thi Sách, là con vua Triệu.
Đỗ/Nguyễn Năng Tế là “Phụ quốc đại thần” của nhà Triệu, phò tá Thái tử (Triệu Vệ Dương Vương). Nhưng khi Phiên Ngung thất thủ, quân của nhà Hiếu truy sát, Thái tử (vua Triệu) đã bị bắt giết ở cửa Đại Ác (cửa sông Đáy đổ ra biển tại Nghĩa Hưng – Nam Định). Đỗ Năng Tế cùng với các hoàng phi của vua Triệu lui về Phong Châu, sau đó ông hỗ trợ tổ chức cho Hai Bà hoàng phi này phất cờ khởi nghĩa ở Hát Môn.
Cái tên Năng Tế có thể là đọc chệch của Lang Tề, tức là thủ lĩnh phía Tây. Đỗ/Nguyên Năng Tế có thể chính là Tây Vu Vương được sử sách nhắc tới. Cổ Lôi ngọc phả cho biết Tây Vu Vương cũng là dòng dõi Triệu Vũ Đế, còn gọi là Tây Lý Vương (mang họ Lý của Lý Bôn – Lưu Bang vì vua Triệu là dòng dõi Lưu Bang như đã kể trong chuyện Lữ Gia ở trên).
Hai Bà Trưng được kể trong các tư liệu khác nhau là đã tử tiết ở Cấm Khê hoặc đã tự vẫn trên sông Hát. Làng Mỹ Giang nơi có đình thờ Đỗ Năng Tế còn gọi là khu vực Quán Cấm. Theo giải thích của Cổ Lôi ngọc phả thì Cấm Khê là khe nước chảy qua Quán Cấm, nơi có quân canh gác của thành Phong Châu. Làng Mỹ Giang nằm ngay sát vùng Hát Môn, bên bờ sông Đáy (sông Hát). Như thế rất có thể đây chính là nơi Trưng Vương đã tử tiết.

Mo Do Nang Te

Khu mộ tướng Đỗ Năng Tế ở Quán Cấm.

Câu đối ở đình Mỹ Giang về tướng Đỗ Năng Tế:
松髙夣啓英雄將
蛇現魂驚矍鑠兵
Tùng cao mộng khải anh hùng tướng
Xà hiện hồn kinh quắc thước binh.
Dịch:
Thông cao mộng khởi tướng anh hùng
Rắn hiện kinh hồn quân quắc thước.
Thêm một số câu đối ở trong đình Mỹ Giang:
偉烈佐徴王一片忠貞寒馬賊
芳名垂越史歷朝褒袞娈龍章
Vĩ liệt tá Trưng vương, nhất phiến trung trinh hàn Mã tặc
Phương danh thùy Việt sử, lịch triều bao cổn luyến long chương.
名將杜公慶合碑留惟有壹
徳王徴女山西史記定無雙
Danh tướng Đỗ công khánh hợp bi lưu duy hữu nhất
Đức vương Trưng nữ, Sơn Tây sử ký định vô song.

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong dòng sử dân gian

Cổ Lôi ngọc phả truyền thư cùng với Bách Việt triệu tổ cổ lục được dòng họ Nguyễn ở Thanh Oai cất như bảo vật, giữ kín, cấm con cháu không được tiết lộ ra ngoài trong nhiều năm. Ở cuối mỗi bài phả đều có thơ dặn lại: “Bất dụng tha nhân, biệt ngoại truyền”…
Tới nay nội dung chính của các cuốn phả ký này đã được một số học giả nghiên cứu trình bày, như trong những bài viết của TS. Lã Duy Lan. Tuy nhiên khi thông tin được nêu ra, cuốn ngọc phả này đã bị nhiều chỉ trích là “bịa đặt”, vì trong ngọc phả hầu hết các nhân vật lịch sử cổ của Việt Nam đều mang họ của Nguyễn, và các địa danh quan trọng trong cổ sử Việt đều nằm ở quanh khu vực Thanh Oai…
TS Lã Duy Lan cho biết, theo Cổ Lôi ngọc phả truyền thư thì sau khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, quan lại nhà Hán đi hỏi han, ghi chép về lai lịch của Hai Bà ở ngay tại vùng Cổ Lôi. Khi ấy, ông nội của Hai Bà Trưng cũng vẫn còn sống, là một vị trưởng lão mà khi hai vị còn bé, ông thường dạy cho các cháu hát và gõ trắc (hay phách), kéo nhị. Biết được ý đồ truy lùng của giặc, ông cùng dân trang bàn nhau dấu kín tung tích thật, tuyệt đối không hé lộ cho bọn giặc biết. Vì thế mà khi dân chúng được tập trung lại, quan lại nhà Hán hỏi nhà Hai Bà ở đâu thì họ chỉ nói là ở bến ong (tức bến nước ven sông được xếp bằng đá ong). Hỏi đến tên, thì họ chỉ nói là hai bà khi còn bé hay ca hát, bà chị gõ trắc, bà em kéo nhị và chồng bà chị bị quan Thái thú giết, không tìm thấy xác, còn ngoài ra, họ không nói thêm điều gì… Từ đó có tên bà Trưng Trắc, Trưng Nhị quê ở Phong Châu (bến ong) và ông Thi Sách (với nghĩa là mất xác)…
Cổ sử dân gian lưu truyền hàng ngàn năm, qua nhiều thời đại. Trong hoàn cảnh luôn bị kẻ thù truy tìm, truy sát, bằng mọi cách xóa đi dấu vết lịch sử thì người xưa đã buộc phải dồn nén các thông tin lịch sử thật sự vào trong một khu vực nhỏ xung quanh làng xã mình, phải giải thích các tên họ các anh hùng nghĩa sĩ một cách “nôm na”, dùng những từ đồng âm khác nghĩa mà ám chỉ nghĩa thật, phải diễn đạt các sự kiện lịch sử theo hình thức “nửa thật nửa hư”. Tuy nhiên nếu đọc kỹ những ghi chép này và so sánh đối chiếu, phân tích thì vẫn có thể thấy được “ngọc trong đá”. Những cuốn ngọc phả được gìn giữ và lưu truyền này thực sự mang những thông tin lịch sử quý báu, giúp chúng ta hiểu và có thể khôi phục lại được lịch sử của thời kỳ này.

dinh-leĐình Tri Lễ (Thanh Oai, Hà Nội) nơi thờ Lữ Gia.

Cổ Lôi ngọc phả truyền thư cung cấp nhiều chi tiết, nội dung mới và lạ so với chính sử, đặc biệt đối với thời kỳ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trước hết Ngọc phả cho biết nơi khởi nghĩa và đóng đô của Hai Bà Trưng là Phong Châu và Phong Châu cũng là Mê Linh. Tác giả Lã Duy Lan cũng đã trích dẫn các sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, Đường thư, Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Luân thời Nguyên đều chép: “Mê Linh là Phong Châu”.
Như thế Mê Linh là tên gọi khác của vùng đất Phong Châu, nơi có kinh đô nước ta thời các vua Hùng và là nơi Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Thực ra Mê Linh đọc thiết là Minh, mà Minh đô chính là kinh đô thời Hùng Vương, khởi dựng từ vị vua Hùng đầu tiên là Đế Minh. Những tài liệu trên thêm một lần nữa khẳng định điều này.
Đặc biệt về thân thế nguồn gốc và nguyên nhân cuộc khởi nghĩa của Hai Bà được bản Ngọc phả chép khá chi tiết, đầy đủ cả bên nội bên ngoại. Cụ thể:
Ông Lã Hùng Định (thuộc dòng dõi Lữ Gia, Tể tướng nhà Triệu), nguyên là Lạc tướng bản huyện (Mê Linh), bị nhà Hán ép nhận chức Giao Chỉ quận vương, trước lấy bà Trần Thị Đoan, sinh ra Lã Nam, sau lấy bà Đinh Thị Đào, người Mường, con gái Lạc tướng Vũ Ninh tên là Đinh Công Tạo, sinh ra cô Lý (Trưng Trắc), cô Huệ (Trưng Nhị) và chàng út hay Khổng Chủng.
Tiếp đó, cụ Nguyễn Năng Tế thuộc dòng dõi Triệu Vũ Đế Nguyễn Thận, nguyên là Lạc tướng huyện Chu Diên, khi ấy đã già (gần 70 tuổi), giao quyền lại cho con rể là Đặng Thành. Cụ Nguyễn Năng Tế, trước lấy cụ bà Đào Thị Dực sinh được 3 người con là Chiêu Nương, Nguyễn Khắc Trung (còn gọi Chiêu Trung), Nguyễn Đỗ Lý. Khi các con trưởng thành, cụ bà Đào Thị Dực qua đời. Nhiều năm sau, cụ Tế lấy vợ kế, là bà Tạ Cẩn Nương còn trẻ.
Con gái đầu của cụ Nguyễn Năng Tế là Chiêu Nương lấy ông Đặng Thành, sau được kế chức Huyện lệnh trưởng Chu Diên, sinh ra các vị (theo thứ tự) Đặng Xuân, Đặng Nghiêm, Đặng Tiến, Đặng Đình, Đặng Trần. Đặng Xuân (anh) lấy cô Huệ (Trưng Nhị) sinh hai con trai. Đặng Nghiêm (em) lấy cô Lý (Trưng Trắc) chưa có con.
Thông tin của Ngọc phả về xuất xứ và người thân của Hai Bà Trưng rất lạ. Hai Bà Trưng mang họ Lã của ông Lã Hùng Định, là dòng dõi tể tướng Lữ Gia nhà Triệu. Chồng Bà Trưng Trắc có họ Đặng, con trai của lệnh trưởng Chu Diên, cháu ngoại của ông Nguyễn Năng Tế. Ông Nguyễn Năng Tế, sau được coi là “linh hồn của cuộc khởi nghĩa” Hai Bà Trưng, lại là dòng dõi Triệu Vũ Đế (vua Triệu Nam Việt).
Chỉ xét những thông tin này cũng đã đủ thấy khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được nói đến thực chất là cuộc khởi nghĩa “hậu” Nam Việt của nhà Triệu, với các tướng lĩnh cầm đầu đều là dòng dõi, họ hàng của tể tướng Lữ Gia và vua Triệu. Như vậy thì khởi nghĩa này không thể xảy ra vào thời Đông Hán sau Công nguyên được vì nhà Triệu Nam Việt kết thúc năm 111 TCN khi Lộ Bác Đức nhà Tây Hán bắt được vua Triệu Vệ Dương Vương, cách thời Đông Hán hơn 100 năm và cách cả một triều đại nhà Tân của Vương Mãng. Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng phải nổ ra vào thời điểm ngay sau khi nhà Triệu Nam Việt sụp đổ, là sự phục thù, phục quốc của con cháu vua Triệu và họ Lữ.
Ngọc phả Cổ Lôi kể vị vua lập nên nhà Triệu (Triệu Đà) Nam Việt có tên ban đầu là Nguyễn Thận. Thực ra họ Nguyễn này (và họ Nguyễn có bộ tộc phả ở Thanh Oai nói chung) nguyên là họ Lý, sau mới đổi sang thành họ Nguyễn (dưới thời Trần?). Chỉ có họ Lý thì mới có lịch sử lâu đời như vậy, từ thời “Bách Việt triệu tổ”. Vì Lý là lửa, chỉ ánh sáng, chỉ thủ lĩnh. Họ Lý nghĩa là chỉ các vị vua trong cổ sử.
Như thế nhà Triệu Nam Việt từ ông Nguyễn Thận phải mang họ Lý. Lý Thận là tên của Triệu Vũ Đế. Rất có khả năng Lý Thận = Lý Bôn = Lưu Bang. Vị “cao tổ” đầu tiên của nhà Triệu mang họ Lý, tức là Lưu Bang.
Ngọc phả cũng cho biết có Tây Lý Vương là người đã cho xây thành ở Đông Anh (Cổ Loa) để chống lại quân Hán và Tây Lý Vương cũng thuộc dòng dõi nhà Triệu. Khởi nghĩa của Tây Lý Vương như thế về thực chất cũng nằm trong loạt khởi nghĩa thời hậu Nam Việt cùng với khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đây là dẫn chứng khác cho thấy các vua nhà Triệu vốn mang họ Lý nên mới gọi là Tây Lý Vương, tức là vua Lý của vùng Tây thổ (Phong Châu), đối lập (nối tiếp) triều đại Nam Việt ở phía Đông, kinh đô ở Dương Thành (Phiên Ngung – Quảng Đông).
Trong Cổ Lôi ngọc phả thì cụ Lã Hùng Định là người phụ trách Mê Linh và nắm chức Giao Chỉ quận vương. Bản thân chữ Định là thuộc tính trong Dịch học chỉ hướng Tây. Lã Hùng Định nghĩa là vị thủ lĩnh họ Lã ở phía Tây (tương đương với Tây Lý Vương?).
Còn cụ Nguyễn Năng Tế, dòng dõi Triệu Vũ Đế, làm chức huyện lệnh Chu Diên, sau đó nhường quyền cho con rể là Đặng Thành. Hiểu đúng thì Chu Diên là châu Dương, tức là vùng đất phía Đông hay chính là vùng Phiên Ngung thời Nam Việt. Nguyễn Năng Tế chuyển đọc thành Lý Lang Từ, có thể hiểu là vị vua phía Đông (Từ là thuộc tính từ ái của phương Đông).
Nguyễn Năng Tế là dòng dõi vua Triệu Nam Việt cai quản đất Châu Diên – miền Đông, rồi truyền lại cho Đặng Thành. Có thể cả Nguyễn Năng Tế và Đặng Thành đều chỉ những vị vua nhà Triệu Nam Việt. Cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng như vậy bắt đầu từ 2 dòng dõi và 2 khu vực: họ Lý (Triệu) ở phía Đông và họ Lã ở phía Tây.
Theo Cổ Lôi ngọc phả kể lại thì ban đầu các vị Lã Hùng Định, Đặng Thành và một số người khác bàn bạc với nhau, liên kết chống lại ách đô hộ, nhưng khi đang chuẩn bị lực lượng thì bị Tô Định phát hiện, giết chết. Mối thù nhà ấy, cùng với mối hận mất nước, đã được thế hệ con, cháu của họ tiếp tục nung nấu, để rồi chỉ mấy năm sau, đã bùng lên thành ngọn lửa khởi nghĩa dữ dội, mà những người hăng hái, nhiệt huyết nhất trong số đó, chính là hai chị em bà Trưng, con gái “Giao Chỉ quận vương” Lã Hùng Định.
Nguyên nhân khởi nghĩa của Trưng Vương đúng là vừa vì nước (Nam Việt) vừa trả thù nhà (cho cha là Lữ Gia và chồng là vua Triệu). Bà Trưng Trắc lấy chồng là Đặng Xuân, con của huyện lệnh Chu Diên Đặng Thành. Như thế Bà Trưng là con dâu hoàng gia nhà Triệu, cũng là dòng dõi (chính xác hơn là con gái) thừa tướng Lữ Gia.
Lữ Gia là chỉ cả gia tộc họ Lữ nói chung nên trong các ghi chép có nhiều Lữ Gia ở những nơi khác nhau. Theo chính sử thừa tướng đương triều Lữ Gia cùng vua Triệu cuối cùng là Triệu Vệ Dương Vương đã lên thuyền rút từ Phiên Ngung về Giao Chỉ khi bị quân nhà Hiếu tấn công. Lữ Gia hy sinh ở cửa biển Nam Định (núi Gôi, Vụ Bản) là vị này.
Còn Lữ Gia chống lại quân nhà Hiếu ở vùng Phong Châu (như ở Hà Tây cũ hay Vĩnh Phú) là con cháu của thừa tướng Lữ Gia trên. Cổ Lôi ngọc phả có nói đến Lã Nam, con trai đầu của cụ Lã Hùng Định ban đầu cũng tụ quân chống lại nhà Hán. Lã Nam có thể là vị Lữ Gia được thờ ở vùng Thanh Oai, Quốc Oai.

cua-vongCửa võng đình Tri Lễ (Thanh Oai, Hà Nội), nơi thờ Lữ Gia làm thành hoàng.

Trong Cổ Lôi ngọc phả còn nói đến nhiều tình tiết của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng khác. Khi hiểu một cách rộng hơn việc dồn nén (sự giải thích của người ghi chép đời sau) các địa danh của cuộc khởi nghĩa vào 1 vùng ở Thanh Oai thì Ngọc phả này đúng là cuốn sử rất đầy đủ về khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong đó điểm quan trọng nhất cần khẳng định: khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Phong Châu là cuộc khởi nghĩa của hậu quân nhà Triệu nước Nam Việt do con cháu họ Lữ và họ Lý cầm đầu, chống lại nhà Hiếu (Tây Hán), nhằm phục thù cho thân sinh phụ mẫu hay các phu quân chết trận trước đó và phục quốc Nam Việt với 2 phần Đông (Chu Diên) và Tây (Mê Linh).

Những sự tích trên miền đất tổ

Vùng đất Phong Châu ở Vĩnh Phúc – Phú Thọ theo truyền thống được chia  thành 3 khu vực văn hóa dân gian (folklore) chính, bao gồm:
– Khu vực Hùng Vương
– Khu vực Thánh Tản
– Khu vực Hai Bà Trưng.
Cách chia này tỏ ra hợp lý vì nó phản ánh được sự phong phú của những phong tục, lễ hội, truyền thuyết trên vùng đất tổ. Những di tích, sự tích lưu lại ở vùng đất này cũng là những minh chứng cho những thời kỳ lịch sử của dân tộc mà Phong Châu đóng vai trò trung tâm chính trị văn hóa trong quá khứ.

Vinh Phu

Vị trí các địa danh trong bài viết.

HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC
Rất không chính xác khi cho rằng những vị Hùng Vương được thờ ở vùng Phong Châu đều là hàng con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Thời đại Hùng Vương không phải bắt đầu từ vị Hùng Quốc Vương, con cả của Âu Cơ. Vị vua Hùng đầu tiên phải là Đế Minh, cháu 3 đời Viêm Đế Thần Nông, người mở sử Việt như được chép trong Truyện họ Hồng Bàng:
Cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần thú phương Nam, tới miền Ngũ Lĩnh, gặp con gái bà Vụ Tiên, đem lòng yêu thích, lấy về, sinh ra Lộc Tục.
Tại vùng Vĩnh Phú Đế Minh được thờ với cái tên Đột ngột Cao Sơn. Chính vị thờ ở đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ) có bài vị ghi Đột ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương. “Đột ngột” nghĩa là bất ngờ xuất hiện, ý nói tới người đầu tiên. Cao = Cả là từ chỉ thủ lĩnh. Sơn là núi, là quẻ Cấn trong Bát quái, chỉ phương Nam xưa (Bắc nay). Đột ngột Cao Sơn hiểu nôm na là vị vua đầu tiên của trời Nam. Vị vua đầu tiên của trời Nam, mở đầu 18 đời Hùng Vương thì phải là Đế Minh.

IMG_0176Hùng Vương miếu ở Đình Chu.

Ở xã Đình Chu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) có đình và miếu Hùng Vương, đặc biệt chỉ thờ riêng Đột Ngột Cao Sơn. Câu đối ở miếu Hùng Vương tại Đình Chu:
十 八 葉 璽 符南 國 初 頭 第 一
億 萬 年 香 火 西 天 上 等 最 靈
Thập bát diệp tỉ phù, Nam quốc sơ đầu đệ nhất
Ức vạn niên hương hỏa, Tây thiên thượng đẳng tối linh.
Dịch:
Mười tám đời ấn phù, nước Nam ban đầu thứ nhất
Ức vạn năm hương khói, trời Tây thượng đẳng tối linh.
Trời Tây được nói tới đây là vùng đất Phong Châu hay vùng Tây Thổ của các vua Hùng. Bản thân chữ Chu trong tên Đình Chu cũng có nghĩa là hướng Tây vì Chu = Châu = Chiêu = Chiều. Chu Đề (tên cũ của xã này) nghĩa nôm na là vị đế của vùng trời Tây. Đình Chu là cái “đình” hay nơi đóng quân phía Tây.
Đất Phong Châu là nơi Đế Minh đóng đô dựng nước đầu tiên nên còn gọi là Minh Đô. Còn Tây Thiên cũng là vùng đất của bà Tây Thiên Quốc Mẫu, vị nữ thần núi Tam Đảo. Tây Thiên Quốc Mẫu có tên Lăng Thị Tiêu, chính là “con gái bà Vụ Tiên” được nhắc tới trong chuyện của Đế Minh. Vùng chân núi Tam Đảo là phạm vi của tín ngưỡng thờ Tây Thiên Quốc Mẫu với hàng chục các di tích khác nhau. Cách không xa Hùng Vương miếu của xã Đình Chu là đền Đại Lữ (Đồng Ích, Lập Thạch, Vĩnh Phú), tương truyền là nơi Tây Thiên quốc mẫu đã tập hợp quân đội giúp vua Hùng đánh giặc. Như vậy Đình Chu chính là nơi tưởng nhớ sự gặp gỡ của vua Hùng Đế Minh với Tây Thiên quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, dẫn đến lập đô ở đất Phong Châu, mở ra thời đại Hùng Vương của người Việt.

P1210820Tam Đảo linh từ ở Đại Lữ.

Đế Minh cũng là Hoàng Đế Hiên Viên, người mở đầu của Hoa sử. Còn bà Tây Thiên là Mẫu chủ của Thiên phủ hay Cửu Thiên Huyền Nữ, cũng là Tây Vương Mẫu trong Đạo Giáo. Hoàng Đế và Tây Vương Mẫu được người Hoa và người Việt tôn là ông Trời, bà Trời vì là những vị tiên tổ đầu tiên khai sinh ra quốc gia, giống nòi.
Câu đối khác ở miếu Đình Chu:
西 州 堯 舜 垂 衣 日
南 粤 鴻 厖 拓 土 年
Tây Châu Nghiêu Thuấn thùy y nhật
Nam Việt Hồng Bàng thác thổ niên.
Dịch:
Tây Châu rủ áo ngày Nghiêu Thuấn
Nam Việt năm mở đất Hồng Bàng.
Thành ngữ “thùy y củng thủ” nghĩa là “chắp tay rủ áo”, chỉ sự cai trị thiên hạ một cách thái bình, yên vui. Nghiêu Thuấn là Đế Nghiêu và Đế Thuấn, những vị vua thời thịnh trị của cổ sử Trung Hoa. Tưởng là ở đây chỉ dùng điển ngữ để nói tới sự thịnh trị thời Hùng Vương, nhưng sự thực thì…
Truyện họ Hồng Bàng tiếp: Đế Minh thấy thế, lấy làm lạ, cho nối vua, nhưng Lộc Tộc cố nhường cho anh là Đế Nghi, không dám vâng mệnh. Đế Minh vì vậy lập Đế Nghi thay mình cai trị đất Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ.
Đế Nghi là Đế Nghiêu của Hoa sử, người đã tiếp ngôi Hoàng Đế – Đế Minh. Còn Lộc Tục, con của Đế Minh với dòng Vụ Tiên là Đế Thuấn. Đế Nghi và Lộc Tục hay Đế Nghiêu và Đế Thuấn được thờ ở vùng Phong Châu cùng với Đế Minh dưới tên Ất SơnViễn Sơn, như trong bài vị tại Đền Hùng (Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ). Người Việt tôn 3 vị vua Hùng đầu tiên này làm quốc tổ của mình, thành kính thờ cúng hàng năm trong quốc lễ.

P1210805Lịch Sơn (núi Sáng) và Lôi Trạch (hồ Suối Sỏi ở xã Lãng Công, Lập Thạch).

Lộc Tục hay Đế Thuấn là dòng của Tây Thiên quốc mẫu ở dãy Tam Đảo. Di tích còn lại ở đây khẳng định thêm điều này. Phía bắc liền dãy với Tây Thiên Tam Đảo là dãy Lịch Sơn, nằm giữa huyện Sơn Dương của Tuyên Quang và huyện Sông Lô của Vĩnh Phúc. Ngọn núi cao nhất của dãy Lịch Sơn là núi Sáng, trên có cánh đồng Bách Bung nơi Đế Thuấn đi cày và chân núi có hồ Lôi Trạch nơi Đế Thuấn bắt cá…
Như vậy tục thờ Hùng Vương ở vùng đất Phong Châu trước hết là thờ 3 vị thánh tổ khai mở đầu tiên của nước Nam gồm 2 dòng Nam và Bắc thời cổ. Đế Minh và Đế Nghi – Đế Nghiêu là dòng Viêm Đế Thần Nông ở phương nóng bức (phương Bắc xưa). Bà Tây Thiên và Lộc Tục – Đế Thuấn là dòng phương Nam xưa. Phong Châu là vùng Minh đô thời Hùng Vương, nơi hội tụ của 2 dòng Nam Bắc thời mở nước.

SƠN TINH – THỦY TINH
Sự tích về Tản Viên Sơn Thánh ở vùng Phong Châu không chỉ bó hẹp ở mỗi nhân vật Tản Viên. Đây là giai đoạn tiếp theo của thời Hùng Vương dựng nước trong Truyện họ Hồng Bàng:
Kinh Dương Vương có tài xuống Thủy Phủ, lấy con gái của Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm, ấy là Lạc Long Quân, thay cha trị nước.
Kinh Dương Vương ở đây là Tản Viên Sơn Thánh, hay vua Đại Vũ, người đã nhận lại ngôi từ Đế Thuấn theo lối truyền hiền (con rể vua Hùng). Một số hành cung Tản Viên như đền Thính và đền Tranh (Yên Lạc) nằm trên đất Vĩnh Phúc. Quê hương Tản Viên là Lăng Xương ở Thanh Thủy, Phú Thọ.
Sơn Thánh sau khi được cây gậy thần đầu sinh đầu tử trên núi Tản đã cứu sống con rắn thần bên sông, là Thủy Tinh, con của Long Vương Động Đình. Đây là chuyện Kinh Dương Vương lấy Long Nữ Động Đình được kể đến, là sự kết hợp của Lạc tộc (Lộc Tục) với Long tộc để hội tụ đầy đủ 4 phương Đông Tây Nam Bắc trong buổi đầu dựng nước. Thần Long Hồng Đăng Ngạn, bà mẹ của Lạc Long Quân, được thờ là Mẫu Thoải trong tín ngưỡng Tứ phủ và có đền thờ riêng là đền Tiên Cát ở Việt Trì.

IMG_8998Đền Tiên Cát ở Việt Trì.

Diễn biến tiếp theo của thời kỳ này là sự xuất hiện của Lạc Long Quân. Truyện họ Hồng Bàng kể: Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Nhân khi phương Bắc vô sự, nhớ đến chuyện ông mình là Đế Minh đi tuần thú phương Nam gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn bảo kẻ bề tôi thân cận là Xuy Vưu, thay mình giữ nước, rồi đi tuần du nước Xích Quỷ ở phương Nam. Đến nơi, Đế Lai thấy Lạc Long Quân đã về Thủy Phủ, trong nước vô chủ, bèn để cho ái nữ Âu Cơ và những kẻ hầu hạ ở lại nơi hành tại, còn mình thì đi dạo chơi trong thiên hạ, xem khắp các nơi hình thắng. Thấy những hoa kỳ cỏ lạ, trân cầm dị thú, tê tượng đồi mồi, bạc vàng châu ngọc, tiêu quế nhũ hương, trầm đàn các vị, cùng sơn hào hải vật không thiếu một thứ nào. Bốn mùa khí hậu lại không lạnh không nóng, Đế Lai lòng yêu thích, quên cả chuyện về. Nhân dân nước Nam khổ vì cảnh phiền nhiễu, không được yên lành như xưa, ngày đêm mong Long Quân trở lại, bèn cùng nhau cất tiếng gọi rằng: “Bố ở nơi nao, hãy mau về cứu chúng con!”. Long Quân thoát nhiên trở về, thấy Âu Cơ đang một mình, dung mạo tuyệt mỹ. Long Quân lấy làm yêu thích, bèn hóa thành một chàng trai hình dáng xinh đẹp, tả hữu trước sau có đông đảo kẻ hầu người hạ, tiếng ca tiếng nhạc vang lừng đến nơi hành tại. Âu Cơ thấy Long Quân, lòng cũng xiêu xiêu. Long Quân đón về ở động Long Trang. Đến lúc Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần, biến hóa ra trăm hình vạn vẻ, nào yêu tinh quỷ mị, nào rồng rắn hổ voi, làm cho kẻ đi tìm sợ hãi không dám lục sạo, Đế Lai đành phải trở về phương Bắc.
Tản Viên Sơn Thánh do nhận ngôi từ dòng vua Hùng Đế Minh nên khi mất muốn truyền lại cho con cháu dòng này là Đế Lai. Đế Lai tức là Đế Lửa, hoặc còn gọi là Đế Ai, tức là Đế Hai (Ất, Ích, số 2 chỉ phương xích đạo). Đế Lai thuộc dòng tộc phương Nóng (phương Bắc xưa của Viêm Đế Thần Nông). Tuy nhiên, con của Tản Viên là Long Quân không đồng ý, đã làm ra cuộc chiến với Đế Lai để đoạt lấy nàng Âu Cơ (hình ảnh của vương vị). Nhờ sự trợ giúp của dòng tộc bên mẹ là Long Nữ Động Đình, Long Quân đã dành chiến thắng. Dòng Đế Lai thất bại phải bỏ xứ mà đi.
Dấu tích của cuộc nội chiến giữa 2 dòng tộc này được truyền thuyết ở vùng Vĩnh Phú kể lại dưới một loạt các hình ảnh:
– Âu Cơ và Lạc Long Quân thủy hỏa xung khắc, chia đàn con Bách Việt làm 2, kẻ lên rừng, người xuống biển.
– Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh đoạt Mỵ Nương (vương vị), gây ra cuộc chiến dữ dội liên miên.
– Vua Hùng đánh thắng giặc Thục với sự giúp đỡ của Sơn Tinh.
Trong nhóm sự tích về Sơn Tinh – Thủy Tinh có chuyện Hùng Hải trị nước như ở đình Đào Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ). Hùng Hải chính là Hải Lang Lạc Long Quân. Tam Công, ba người con của Hùng Hải là các vị quan lớn đã giúp Long Quân trong cuộc chiến Hùng – Thục. Những sự tích về các thủy thần, sinh ra trong một bọc trứng, giúp vua Hùng đánh Thục ở vùng Phong Châu về thực chất là chuyện Lạc Long Quân đánh dòng Đế Lai – Âu Cơ. Hai vị thần sông Bạch Hạc là Thổ Lệnh và Thạch Khanh cũng là 2 vị quan lớn đệ Tam và đệ Ngũ trong Thoải phủ, là những anh em đã giúp Lạc Long quân trong cuộc chiến Hùng Thục.

P1220064Tranh bơi thuyền rồng ở đền Tam Công tại Đào Xá.

Trong tam vị Tản Viên (Ba Vì) thì ngoài Tản Viên còn có các vị Cao Sơn và Quý Minh. Cao Sơn ở đây chỉ dòng Lạc tộc từ Tây Thiên quốc mẫu ở núi cao Tam Đảo phía Nam xưa. Còn Quý Minh là chỉ dòng dõi Long tộc của Long Nữ Động Đình vì Quý là số 3 (trong thứ tự Mạnh, Trọng, Quý), chỉ phương Đông, Thoải phủ (phủ Tam). Bản thân bà Mẫu Thoải gọi là Quý Nương.
Trong cuộc chiến Hùng – Thục dòng Đế Lai – Âu Cơ tuy thất bại, phải rời xứ nhưng cuộc chiến giữa 2 dòng tộc này như chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh vẫn xảy ra hàng năm không dứt. 1000 năm sau, kết thúc thắng lợi của Thục An Dương Vương trước Hùng Vương là sự tích Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi lập nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Đền thờ mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương (Phú Thọ). 2 dòng tộc Âu và Lạc lại một lần nữa hòa hợp thành nước Âu Lạc. Thục An Dương Vương lên ngôi ở núi Nghĩa Lĩnh, dựng cột đá thề thề trung thành nối tiếp cơ nghiệp của dòng họ Hùng từ Hoàng Đế Đế Minh.

LỮ GIA VÀ TRƯNG VƯƠNG
Sau nước Văn Lang của mẹ Âu Cơ có một quãng thời gian khá dài đất Phong Châu không đóng vai trò trung tâm chính trị của nước Nam. Phải tới khi nhà Triệu Nam Việt sụp đổ, Trưng nữ Vương phất cờ khởi nghĩa ở đất Phong Châu thì vùng đất này lại dày đặc những sự tích, di tích của cuộc khởi nghĩa kỳ lạ này.
Chuyện về khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Phong Châu phải kể từ thừa tướng nhà Triệu là Lữ Gia. Sau khi kinh đô của Nam Việt ở Phiên Ngung thất thủ Lữ Gia đã rút về vùng đất Phong Châu tiếp tục chống giặc. Những di tích của Lữ Gia gặp ở nhiều nơi hai bên bờ sông Lô, tương truyền là phòng tuyến cuối cùng của họ Lữ.
Một di tích thờ Lữ Gia là đình Sen Hồ (Thái Hòa, Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Căn cứ vào các sắc phong thì đình Sen Hồ thờ hai vị thành hoàng là:
1. Ông Nguyễn Triêu Lệ, tướng nhà Triệu
2. Bà An Bình Phu Nhân, tức bà Quý Lan là tướng của Trưng Trắc.
Nguyễn Triêu Lệ là tên thờ của Lữ Gia ở vùng Vĩnh Phúc.
Ở chính gian đình Sen Hồ có câu đối:
宮粧戚譜聫輝世紀二徴存野史
廟貌山容相映地隣三島壯神居
Cung trang thích phả liên huy, thế kỷ nhị Trưng tồn dã sử
Miếu mạo sơn dung tương ánh, địa lân Tam Đảo tráng thần cư.
Dịch:
Phả ngoại trang cung nối ngời, thời kỷ Hai Trưng còn dã sử
Dáng núi mặt đền cùng rọi, đất bên Tam Đảo mạnh nơi thần.
Thông tin của câu đối nói tới “thích phả”, nghĩa là gia phả dòng tộc bên ngoại. Bên ngoại ở đây là như thế nào? Liên quan gì tới Lữ Gia và vị phu nhân thời Hai Bà Trưng?
Nhà Triệu Nam Việt từ Triệu Vũ Đế tồn tại tới năm 111 TCN thì bị tướng Lộ Bác Đức của nhà Hiếu (Tây Hán) dẫn quân tấn công kinh đô Phiêng Ngung ở Quảng Đông. Lữ Gia cùng vua Triệu Vệ Dương Vương và gia quyến lên thuyền chạy về đất Giao Chỉ. Triệu Vệ Dương Vương bị truy sát, bị bắt giết ở vùng cửa sông Đáy đổ ra biển. Truyền thuyết Việt lưu giữ sự kiện này dưới truyện Triệu Quang Phục bị Lý Phật Tử đuổi, chạy tới cửa Đại Ác thì đi ra biển mà mất. Lữ Gia về vùng Phong Châu, chiến đấu một thời gian rồi cũng hy sinh.
Tuy nhiên, con gái Lữ Gia là Ả Lã, cũng là hoàng phi của vua Triệu đã nối tiếp ý chí của cha, dựng cờ khởi nghĩa ở cửa Hát thề đền nợ nước (Nam Việt) trả thù nhà (cho vua Triệu). Ả Lã là Trưng nữ Vương. Vì vậy Lữ Gia mới là dòng dõi bên ngoại được nói đến trong câu đối ở đình Sen Hồ. Cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương tại Phong Châu không phải chống lại nhà Đông Hán, mà là chống lại nhà Hiếu (Tây Hán) sau khi nước Nam Việt thất thủ.

P1250850Đình Sen Hồ và dải núi Tây Thiên.

Theo tư liệu của nhà nghiên cứu dân gian Lê Kim Thuyên tại Vĩnh Phúc:
Vào thời Triệu Võ đế huý là Đà, ở bộ Cửu Chân, huyện Lôi Dương, phủ Nghệ An có một gia đình ông họ Lữ tên huý là Tạo, có nghề làm thuốc trị bệnh cứu người. Vợ là con gái nhà họ Trương tên là Châu, gọi là Trương Thị Ninh người bộ Vũ Ninh (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Hai người sinh được 07 người con nhưng đều đã mất sớm. Đến năm ông ở tuổi 60, mới sinh tiếp một con trai vào ngày 10 tháng 02 năm Tân Hợi (?), đặt tên là Gia. Khi lớn lên lại đặt tên là Lệ. Đến năm 15 tuổi thì cha mẹ đều qua đời…
Bởi thế ông mới qua bờ Bắc sông Nhĩ Hà đến nhờ người cậu ruột là Trương Viêm. Được tròn 03 năm, ông Viêm bị người bộ trưởng ở Vũ Ninh là Đào Trịnh mưu sát hại, chí muốn báo thù nhưng vì tuổi còn nhỏ, sức mỏng nên chưa thể làm nổi. Bởi vậy mới chuyển đến ở đất Ô – Lí thuộc Lâm Ấp, nương nhờ vào vị Thiền sư chùa Hoàng Long đạo hiệu là Huyền tông.
Ở đất Ô – Lí Gia ngày đêm vẫn mưu tính báo thù cho người cậu. Tự thân ông khổ công không nguôi, mới chiêu nạp được độ vài trăm người nghĩa binh, rồi dùng thuyền từ Linh Giang huyện Chí Linh tiến xuống cửa sông Bạch Đằng, bỏ thuyền lên bờ, gặp ngay bọn Đào Trịnh ở khe núi Chung Sơn. Ông hăng hái tiến đánh một trận giết chết bọn chúng. Rồi ông quay trở lại chỗ nhà người cậu, bàn bạc với người nhà làm lễ tế cậu chu tất. Rồi mới trở lại đất Lâm Ấp. Rồi cũng ở Lâm Ấp, ông kết hôn với 02 con gái nhà bộ trưởng đất ấy họ Hùng là Lâu Bảo Hoa và Nhĩ Bảo Hoa, rồi xin trở về quê nhà…
Đoạn tư liệu trên cung cấp thông tin liên quan giữa Lữ Gia với họ Trương. Đây là liên hệ để sau đó có cuộc khởi nghĩa của Trương Hống, Trương Hát hay Nhị Trưng Vương, là con của tể tướng Lữ Gia. Đoạn trên cũng đề cập tới quan hệ giữa Lữ Gia với đất Lâm Ấp. Chuyện này được kể đến trong sự tích Lý Phục Man, người đã đánh dẹp Lâm Ấp thời Tiền Lý. Lý Phục Man cũng là một cách kể khác của câu chuyện về Lữ Gia nhà Triệu.
Tể tướng Lữ Gia còn được truyền thuyết Việt lưu giữ dưới tên Đỗ Động tướng quân, tức tướng quân Đỗ Cảnh Thạc. Ở Vĩnh Phúc có khu vực đình Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) thờ 6 vị thành hoàng là:
– Chính vị: Ngô Xương Ngập (Thiên Sách hoàng đế) và mẹ (Linh Quang thái hậu)
– Đông vị: Ngô Xương Văn (Quốc vương thiên tử) và vợ (Ả Lã nương nương)
– Tây vị: Đỗ Cảnh Thạc và vợ (Thị Tùng phu nhân)
Khu vực Vĩnh Phúc không phải là vùng đất liên quan tới nhà Ngô của Ngô Quyền. Nhà Ngô ở đây là chỉ Phiên Ngô, Phiên Ngu ở phía Bắc, tức nhà Triệu Nam Việt. Nhận diện những vị thành hoàng được thờ ở cụm di tích Tam Canh như sau:
– Đỗ Động tướng quân là thừa tướng Lữ Gia. Di tích thành Quèn ở Quốc Oai (Hà Nội) với những di vật thời Hán xác nhận việc này.
– Ả Lã Nương Nương, chính xác hơn là Ả Lã Nương Đề, hay Ả Lữ Lang Tề, chính là Trưng Vương họ Lữ làm thủ lĩnh phương Tây (Lang Tề = Lang Tây hay Tây Vu Vương).
– Ngô Xương Văn chồng của Ả Lã như vậy ứng với vua Triệu Vệ Dương Vương.
– Linh Quang thái hậu chỉ Thái hậu Cù Thị của nhà Triệu, hay nàng Cảo Nương trong truyền thuyết Triệu Quang Phục, liên quan tới cái móng rồng (Linh Quang thần trảo) bị đánh tráo.
– Ngô Xương Ngập ở đây như vậy là Triệu Ai Vương, con của Cù hậu.
Di tích và tục thờ các nhân vật triều Ngô ở Tam Canh như vậy là gợi ý để xác định lại thông tin về nhà Ngô trong sử Việt, thực chất là chuyện của nhà Triệu nước Nam Việt.
Hai Bà Trưng đóng đô ở Mê Linh, không phải chỉ là vùng huyện Mê Linh ngày nay. Mê Linh đọc thiết âm là Minh, là vùng Minh đô của vua Hùng từ thời Đế Minh dựng nước. Mê Linh là đất Phong Châu của thời Hùng Vương. Vùng đất Tây Thổ Phong Châu, từ Minh Đô của vua Hùng đến Mê Linh của Trưng Vương là nơi ghi dấu của những triều đại, những cuộc khởi nghĩa, đấu tranh dựng nước và giữ nước oanh liệt trong lịch sử nước Nam.

Tể tướng Lữ Gia

Bài viết của nhà nghiên cứu Lê Kim Thuyên ở Vĩnh Phúc.

Có môt thời kì lịch sử mà giới sử học Việt Nam tranh cãi là có nên chép vào lịch sử nước Việt Nam hay không, đó là kỉ Nhà Triệu của Triệu Đà. Ở thế kỉ XV Nguyễn Trãi viết câu đầu trong bài Bình Ngô đại cáo:
 … Xét như nước Đại Việt ta
Thực là một nước văn hiến
Cõi bờ sông núi đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Trải Triệu, Đinh, Lí, Trần, Lê nối đời dựng nước
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt không bao giờ thiếu.
Sang thế kỉ XVIII, nhà sử học Ngô Thì Sĩ trong sách “ Việt sử tiêu án” lại chưa tán đồng quan điểm này. Nhưng đó là truyện của lịch sử.

1. Nước Nam Việt của Triệu Đà
Họ Triệu, tên là Đà là viên quan uý, người huyện Chân Định nước Hán,  nhân lúc nhà Tần ở phía bắc suy yếu đã nổi dậy cướp lấy đất Quế Lâm và Tượng quận, tự lập làm Nam Việt Vũ vương, xưng đế đóng đô ở Phiên Ngung tức đất Quảng Châu Trung Quốc ngày nay. Đất đai của Đà  chiều ngang có hàng vạn dặm, gồm cả đất đai của nước Âu Lạc thời Thục An Dương vương, đi xe mui lụa màu vàng, cắm cờ tả đạo, mệnh gọi là “ chế”, chẳng kém gì hoàng đế Trung Hoa. Truyền 05 đời làm vua: Trỉệu Vũ vương ( 207-136Tcn), Triệu Văn vương ( 136-124Tcn), Triệu Minh Vương (124-112Tcn), Triệu Ai vương (112Tcn), Triệu Thuật Dương vương ( 111Tcn). Việt sử thông giám tổng luận của Lê Tung in lên đầu sách Toàn thư của họ Ngô có đoạn viết: Triệu Vũ đế nhân loạn nhà Tần, chiếm lấy đất Lĩnh Biểu, đóng đô ở Phiên Ngung, cùng với Hán Cao Tổ, đều làm đế một phương; có lòng nhân thương dân, có mưu trí giữ nước. Vũ công khiến Tàm Tùng phải kính sợ, văn giáo khiến Tượng quận được chấn hưng, lấy thi thư mà biến đổi tục nước, lấy nhân nghĩa mà cố kết lòng người, dạy dân cày trồng, nước giầu binh mạnh, đến như các việc sai sứ (sang nhà Hán) thì lời lẽ khiêm tốn, Nam Bắc chung vui, thiên hạ vô sự, hưởng nước hơn trăm năm, đúng là bậc vua anh hùng tài lược. Còn có một nhân vật lịch sử thời thời nhà Triệu trước công nguyên được nhắc đến nhiều ở huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay, đó là ông Lữ Gia, vị tể tướng thuộc kỉ nhà Triệu.
Vậy ông là ai?

2. Ông Lữ Gia là người Việt
Vào thời Triệu Võ đế huý là Đà, ở bộ Cửu Chân, huyện Lôi Dương, phủ Nghệ An có một gia đình ông họ Lữ tên huý là Tạo, có nghề làm thuốc trị bệnh cứu người. Vợ là con gái nhà họ Trương tên là Châu, gọi là Trương Thị Ninh người bộ Vũ Ninh (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh). Hai người sinh được 07 người con nhưng đều đã mất sớm. Đến năm ông ở tuổi 60, mới sinh tiếp một con trai vào ngày 10 tháng 02 năm Tân Hợi (?), đặt tên là Gia. Khi lớn lên lại đặt tên là Lệ. Đến năm 15 tuổi thì cha mẹ đều qua đời, mà nhà thì quá nghèo nàn, chẳng có gì lo việc tang ma. Mới tự than rằng: Cha ta có tài, làm thuốc chữa được hàng nghìn con người, thế mà chẳng thể cứu được bệnh nghèo của con mình. Người xưa có câu rằng “ lương y chi tử, tất tử hồ”, nghĩa là chữ “ tử” là con của lương y cũng đồng nghĩa với chữ “ tử” là chết vậy!
Bởi thế ông mới qua bờ bắc sông Nhĩ Hà đến nhờ người cậu ruột là Trương Viêm. Được tròn 03 năm, ông Viêm bị người bộ trưởng ở Vũ Ninh là Đào Trịnh mưu sát hại, chí muốn báo thù nhưng vì tuổi còn nhỏ, sức mỏng nên chưa thể làm nổi. Bởi vậy mới chuyển đến ở đất Ô – Lí thuộc Lâm Ấp, nương nhờ vào vị Thiền sư chùa Hoàng Long đạo hiệu là Huyền tông.
Ở đất Ô – Lí Gia ngày đêm vẫn mưu tính báo thù cho người cậu. Tự thân ông khổ công không nguôi, mới chiêu nạp được độ vài trăm người nghiã binh, rồi dùng thuyền từ Linh Giang huyện Chí Linh tiến xuống cửa sông Bạch Đằng, bỏ thuyền lên bờ, gặp ngay bọn Đào Trịnh ở khe núi Chung Sơn. Ông hăng hái tiến đánh một trận giết chết bọn chúng. Rồi ông quay trở lại chỗ nhà người cậu, bàn bạc với người nhà làm lễ tế cậu chu tất. Rồi mới trở lại đất Lâm Ấp. Rồi cũng ở Lâm Ấp, ông kết hôn với 02 con gái nhà bộ trưởng đất ấy họ Hùng là Lâu Bảo Hoa và Nhĩ Bảo Hoa, rồi xin trở về quê nhà.
Ở quê được 02 năm thì gặp lúc Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) thăng hà, Triệu Văn vương lên nối nghiệp (136 Tcn), các châu quận cử những người ngay thẳng, có trình độ hiếu liêm (người có học hạnh mà do địa phương tiến cử), văn võ đầy đủ học vấn rộng rãi về bộ Cửu Chân cùng dự thi tuyển ở trường Nghệ An. Đến khi vào gặp nhà vua, ông lại có tài ứng đối nên được phong làm chức “Thị tòng tham quan” dùng để rèn luyện nghi thức chính sự trong triều. Lại kiêm chức “Đốc lĩnh thuỷ đạo Long chu, tả súy đô thống chế đại vương”. Sáu năm sau, lại được bái phong làm tể tướng (Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên chép, vào năm 124 Tcn Minh vương nhà Triệu lấy Lữ Gia làm chức Thái phó, tức là vào hàng “tam công” của triều đình nhà Triệu). Bia đền Cả xã Liễn Sơn chép: Cùng với Triệu Minh vương, vua tôi hợp đức, thiên hạ thái bình, muôn dân no đủ, bốn biển yên vui phồn thịnh, Triệu Minh vương vì ông có công nên ban cho một chiếc búa “phủ việt”, tỏ ý trường tồn cùng đất nước.

3. Vai trò của Lữ Gia trong triều đình nhà Triệu
Về việc này, Sử kí của Tư Mã Thiên chép khá tường tận: Lữ Gia là thừa tướng 03 đời vua, tuổi cao, chức trọng. Họ hàng làm quan trường lại đến hơn 70 người. Con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em tôn thất của vua, lại thông gia với Tần vương ở Thương Ngô. Ông ở trong nước rất được tôn trọng. Người Việt tin ông, nhiều người làm tai mắt cho ông. Ông được lòng dân hơn vương.

4. Những lục đục trong triều đình
Năm 113 Tcn, Minh vương khi còn làm thế tử, sang làm con tin cho nhà Hán ở Trường An có lấy người con gái họ Cù ở Hàm Đan. Đến khi về nước lên ngôi, giấu ấn của tiên đế là Triệu Đà, dâng thư sang nhà Hán xin lập Cù thị làm hoàng hậu, Hưng làm thế tử. Năm ấy Minh ương mất, con thứ là Hưng lên nối ngôi, tức là Ai vương, tôn mẹ làm thái hậu.
Khi trước, ở nước Hán, khi chưa lấy Minh vương, hậu đã từng thông dâm với người ở Bá Lăng họ tên là An Quốc Thiếu Quý. Năm này, nhà Hán sai Thiếu Quý sang dụ nhà vua và thái hậu vào chầu. Khi ấy vua còn ít tuổi, Cù hậu đến là người Hán, Thiếu Quý đến lại tư thông. Người trong nước biết, phần nhiều không theo thái hậu. Thái hậu sợ loạn nổi, muốn dựa uy nhà Hán, nhiều lần khuyên vua và các quan xin nội phụ nhà Hán. Bèn nhờ sứ giả dâng thư, xin theo như các chư hầu ở trong, cứ 03 năm một lần vào chầu, triệt bỏ cửa quan ở biên giới.
Năm 112 Tcn, thái hậu đã sửa soạn hành trang lễ vật quý giá để vào chầu, Lữ Gia nhiều lần dâng thư can ngăn, vua không nghe, nhân thế có lòng muốn phản lại thái hậu, thường cáo ốm không tiếp sứ giả nhà Hán. Sử Toàn thư chép tiếp: Các sứ giả nhà Hán, đều chú ý đến Gia, nhưng chưa thể giết được. Vua và thái hậu cũng sợ bọn Gia khởi sự trước, muốn nhờ sứ giả nhà Hán trù mưu giết bọn Gia. Thái hậu bày tiệc rượu mời sứ giả đến dự, các đại thần đều ngồi hầu rượu. Em Gia làm tướng, đem quân đóng ở ngoài cung. Tiệc rượu mới bắt đầu, thái hậu bảo Gia rằng: Nam Việt nội thuộc (Trung Quốc) là điều lợi cho nước, thế mà tướng quân lại cho là bất tiện là tại sao? Cốt để chọc tức sứ giả. Sứ giả còn đang hồ nghi, chần chừ chưa dám làm gì. Gia thấy tai mắt họ có vẻ khác thường, lập tức đứng dậy đi ra. Thái hậu giận muốn lấy giáo đâm Gia, vua ngăn lại. Gia bèn ra chia lấy quân lính của em dẫn về nhà, cáo ốm không chịu gặp vua và sứ giả. Ngầm cùng các đại thần mưu làm loạn. Vua vẫn không có ý giết Gia. Gia cũng biết thế, vì vậy đến mấy tháng không hành động gì. Thái hậu muốn một mình giết Gia nhưng sức không làm nổi.

5. Binh biến trong triều đình
Trước tình trạng đó, thiên tử nhà Hán sai Hàn Thiên Thu và em của Cù thái hậu là Cù Lạc đem 2000 quân tiến vào đất Việt. Thấy vậy, Lữ Gia  bèn hạ lệnh cho người trong nước biết rằng: “Vua còn nhỏ tuổi, thái hậu vốn là người Hán lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán, đem hết đồ châu báu của tiên vương (Triệu Đà) dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, đem theo nhiều người đến Trường An rồi bắt bán cho người ta làm đầy tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời”. Bèn cùng với em đem quân đánh, giết vua và thái hậu, cùng tất cả bọn sứ giả nhà Hán, rồi sai người đi báo cho Tần vương ở Thương Ngô và các quận ấp, lập con trưởng của Minh vương là Thuật Dương hầu Kiến Đức làm vua, gọi là Thuật Dương vương vào năm 111 Tcn.

6. Phá Hàn Thiên Thu
Tháng 11 mùa đông, quân của Hàn Thiên Thu đã vào cõi, đánh phá một vài ấp nhỏ. Lữ Gia bèn mở một đường thẳng để cắp lương cho quân. Khi quân của nhà Hán đến còn cách Phiên Ngung 4o dặm (mỗi dặm bằng 444,44m), thì Lữ Gia xuất quân đánh giết được bọn Hàn Thiên Thu. Sai người đem cờ tiết sứ giả của Thiên Thu cho vào hòm để ở trên núi Tái Thượng (tức là đèo Đại Dũ), dùng lời khéo để tạ tội vói thiên tử nhà Hán, mặt khác, lại phát binh giữ các chỗ hiểm yếu,  lập trận, chất đá ở giữa sông gọi là Thạch Môn.

7. Thế yếu bại binh
Nghe tin sứ giả Hàn Thiên Thu bị giết, Hán Vũ đế sai Phục ba tướng quân Lộ Bác Đức xất phát từ Quế Dương; Lâu thuyền tướng quân xuát phát từ Dự Chương; Qua thuyền tướng quân tên là Nghiêm xuất phát từ Linh Lăng; Hạ lại tướng quân tên là Giáp đem quân xuống Thương Ngô; Trì Nghĩa hầu tên là Quý đem quân Dạ Lang xuống sông Tường Kha, đều hội ở cả Phiên Ngung.
Mùa đông năm 111 Tcn, tướng Hán là Dương Bộc đem 9000 quân tinh nhuệ vay hãm Tam Hiệp, phá tan trận Thạch Môn, lấy được thuyền thóc của Nam Việt, kéo luôn cả các thuyền ấy đi, đem mấy vạn người đợi Lộ Bác Đức. Bác Đức cùng Bộc hội quân tiến đến Phiên Ngung. Bấy giờ Bác Đức có hơn 1000 người cùng tiến với số quân đi trước của Dương Bộc, gặp vương và Lữ Gia đang giữ thành. Dương Bộc tự chọn chỗ thuận tiện ở mặt đông nam, Bác Đức đóng ở mặt tây bắc. Vừa chập tối, Dương Bộc đánh bại quân Triệu, phóng lửa đốt thành. Bác Đức không biết quân trong thành nhiều hay ít, bèn đóng doanh, sai sứ chiêu dụ. Ai ra hàng đều được Đức cho ấn thao và tha cho về để chiêu dụ nhau. Dương Bộc cố sức đánh, đuổi quân Triệu chạy ngược vào dinh quân của Lộ Bác Đức. Đến tờ mờ sáng thì trong thành đầu hàng. Vua và Lữ Gia cùng vài trăm người đang đêm chạy ra biển. Bác Đức lại hỏi những người đầu hàng biết chỗ ở của Lữ Gia bèn sai người đuổi theo.
Về phần này bản ngọc phả ở đình Nhân Lạc chép: Nước Việt đã mất, ông mưu tính việc khôi phục, mới đem theo số nghĩa binh mới mộ vài nghìn người, giữ vững miền thượng lưu sông Lô, cùng với hai phu nhân đóng doanh riêng cố thủ. Dựa vào thế hiểm của núi Long Động trên núi Thét (núi ở xã Quang Yên huyện Sông Lô) bí mật lẻn ra đánh tập kích quân Hán. Quân Hán mấy lần bị thua, buộc phải trở lại kinh thành, Lộ Bác Đức sai người kết giao với bộ tướng của ông là Chu Năng, bàn với Năng phản lại ông, hứa rằng sau sẽ cho Năng làm Toàn Việt vương. Năng cùng quân Hán đánh lại ông ở bên sông Nhân Mục trên sông Lô, nhưng trận chẳng thành. Chu Năng lại theo đường núi Lãng Sơn (núi Sáng) đánh úp, ông phải rút lui về bến Bạch Hạc (Phong Châu) đóng quân. Ngày hôm sau, Lộ Bác Đức đem quân đến vây, quân giặc cả bốn bề xông lên. Ngựa không còn dùng được quân Việt tán loạn, chỉ còn một mình ông tả xung hữu đột, thế khó đương nổi. Ông mới ngửa mặt lên giời than rằng:
出師為捷申先死
長史英雄淚滿衾
Xuất sư vi tiệp, thân tiên tử
Trường sứ anh hùng lệ mãn khâm.
Nghĩa là:
Ra quân chưa thắng, thân đã chết
Khiến bậc anh hùng lệ chứa chan.
Ông đánh tiếp một hồi, liền sau đó ông bị một viên tướng Hán chém một đao sát thương ngay trong trận. Lữ Gia chết, nước Nam Việt cũng mất.
Bình luận về việc này, trong sách Việt Giám Thông Khảo Tổng Luận in lên đầu sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư của sử thần Ngô Sĩ Liên do Lê Tung biên soạn có đoạn: Minh vương buổi đầu nối nghiệp, yên vui buông thả. Cù Hậu được yêu, vợ Việt bị bỏ, trong nước không hoà, kỉ cương đại loạn. Ai vương tuổi ấu thơ, chưa biết lẽ trị nước, mẫu hậu kiêu dâm, quyền thần chấp chính, mà cơ nghiệp họ Triệu rút cuộc lụn bại. Thuật Dương vương là anh Ai Vương, lập nên bởi tay quyền thần, trí kém sức yếu, giặc mạnh xâm lấn mà cơ đồ nhà Triệu từ đấy xụp đổ. Xét tai hoạ của Ai Vương, tuy ở Lữ Gia, nhưng thực ra là do ở Minh Vương yêu chiều Cù Hậu mà gây ra. Nữ sắc làm nghiêng đổ nước nhà như thế, phải lấy làm răn.
Bình luận như thế là đúng với thời cục lúc đó của triều đinh nhà Triệu, nhưng có phần khe khắt với Lữ Gia vì dù sao ông cũng chỉ là vị tướng già có lòng rất biết tự tôn và xả thân vì nước đến cuối cùng.
Từ đó, nhà Hán lấy nước Nam Việt chia làm 09 quận là: Nam Hải (quận của nhà Tần, sau là đất Quảng Đông của nhà Minh). Thương Ngô (nhà Đường gọi là Ích Châu, xưa là đất Âu Lạc, đất của nước Việt ta). Uất Lâm (nhà Tần là quận Quế Lâm, Hán Vũ đế đổi là tên này). Hợp Phố (nhà Tần là Tượng Quận, đời Minh thuộc Liêm Châu). Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (đều là Tượng Quận đời Tần). Châu Nhai, Đạm Nhĩ (nay là vùng đất đảo Hải Nam). Bắt đầu đặt chức Thứ sử cai trị một châu, Thái thú cai trị một quận. Quận là cấp dưới của châu.

8. Câu truyện hậu Lữ Gia ở Sông Lô
Truyện trong ngọc phả đình làng Nhân Lạc chép lại rằng: Sau khi bị một viên tướng Hán chém một nhát trọng thương, Ông Lữ Gia vẫn cứ tả xung hữu đột phá vòng vây, chạy đến thôn Lữ Chỉ huyện Thiên Bản (nay thuộc tỉnh Nam Định), gặp một bà lão. Ông mới hỏi rằng:
– Từ xưa đến nay, nguời không có đầu sống được chăng?

Bà lão liền trả lời:
– Người ta có sống được là nhờ ở thân thể được toàn vẹn. Chưa từng nghe thấy người không có đầu mà có thể sống được bao giờ!
Bà lão vừa nói dứt lời, ông từ trên mình ngựa thét lên một tiếng, rồi nói:
一言封得英雄骨
萬古遺來恨淚長
Nhất ngôn phong đắc anh hùng cốt
Vạn cổ di lai hận lệ trường.
Nghĩa là:
Một lời nói đổ xương anh kiệt
Muôn năm mắt lệ hận còn dài.
Nói xong đổ gục ngay xuống chỗ đất ấy. Trong chốc lát mối đã đùn lên thành ngôi mộ lớn. Nhân dân thôn Lữ Chỉ dựng ngôi miếu thờ cúng ông. Sau khi Tể tướng đa hi sinh nơi chiến trường, như các tổng, huyện, xã nơi ông từng đi qua từ nơi chiến trận, những địa phương ngựa chạy máu rơi đầm đìa, nhân dân đều lập đền thờ phụng. Người đời sau có thơ vịnh rằng:
生為名將死為忠臣
萬古綱常係一身
江上土堆秋月桉影
往來人說呂公墳
Sinh vi danh tướng, tử vi trung thần
Vạn cổ cương thường hệ nhất thân
Giang thượng thổ đôi thu nguyệt ảnh
Vãng lai nhân thuyết Lã công phần.
Nghĩa là:
Sống là danh tướng, chết làm trung thần
Muôn thủa cương thường một tấm thân
Gò đống trên sông trăng sáng tỏ
Người qua ngắm mãi Lã công phần.
Truyền thuyết ở huyện Sông Lô kể lại rằng: Khi Lữ Gia chết trận, có một con  “chó ngao” ngậm lấy đầu, chạy đến đầu núi trang Yên Thiết (tức núi Thét), liền bị thần núi ấy hiện lên lấy lại, chôn cất ở phía nam núi ấy.
Do là con “ chó ngao” là con vật mà ông rất yêu mến. Phàm mỗi khi hành quân hay dừng lại ở đâu, đều dắt theo “ chó ngao” cùng đến đó. Cho nên khi ông bị chém, con “ chó ngao” cảm nhớ ơn đức ấy, ngậm lấy đầu mà chạy trốn đi, đến khi thần núi lấy lại, chôn cất ở phía Nam núi ấy, con “chó ngao” tự vẫn chết. Ngày hôm ấy xã Yên Thiết lập miếu thờ phụng, gọi là ‘Đền Am”, địa điểm ở xứ “Gò Chùa”, di tích đến nay hãy còn. Năm 2012. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp băng di tích LS – VH cấp Tỉnh – Thành phố.
Lại nói, hai phu nhân họ Hùng của ông cùng với ba thị nữ đem 300 quân đi trên 05 chiếc thuyền theo sông Lô mà theo sau. Đến làng Thượng Nha, Hạ Nha huyện Phù Khang (nay là Phù Ninh) rồi đỗ lại đấy. Đó là ngày 12 tháng 05. Vừa thiêm thiếp đi, hai bà bỗng thấy một người học trò, mình mặc áo xanh, tay cầm cờ vuông có đề chữ rằng:
天本瀘江已顯神
扶康立石望邊津
Thiên Bản, Lô Giang dĩ hiển thần
Phù Khang, Lập Thạch vọng biên tân.
Nghĩa là:
Thiên Bản, Lô Giang đã hiển thần
Phù Khang, Lập Thạch ngóng bên sông.
Chính phu nhân choàng tỉnh dậy mới biết là vừa nằm mơ. Hai phu nhân phán đoán chưa rõ là điềm gì thì ngay lúc đó dời thuyền lên bờ ở bến Thượng Nha, truyền binh sĩ thiết lập đồn luỹ doanh trại đợi tin tức. Đến ngày 30 tháng 05 bỗng thấy quân Hán kéo đến ngày một mhiều, cờ xí rợp đất, khí giới đầy trời, rồi vây kín hai phu nhân vào giữa. Hai phu nhân không thể giải vây, ứa nước mắt mà than rằng: Tướng công ở nơi nao, nay sự việc xảy ra với thiếp là cùng đường rồi.
Tin tức ngầm cũng không thông do những người qua lại đưa tin đều bị quân Hán giết chết. Đến giữa canh ba đêm đó, bỗng thấy mưa to gió lớn nổi lên kín trời, sấm vang dậy đất, thấy ông từ phương đông bắc lọt vào giữa vòng vây của quân Hán, gặp gỡ hai phu nhân nói cho biết rằng ông đã bị quân Hán giết hại rồi. Nay hai phu nhân lại bị vây khốn ở nơi đây, cho nên hiển linh để cứu giúp.
Giờ dần (03 – 05 h) ngày hôm sau, ông sai một đạo quân thuỷ đến tổng Nhân Mục lấy 10 con trâu đem về doanh trại ở Thượng Nha, mở tiệc khao quân. Lại giết ba con gà trống, lấy máu ăn thề, cùng nhau giết giặc để rửa sạch mối hận anh hùng. Xong tiệc khao quân, ông biến thành đám sương trắng bay ngang qua sông từ bến Nhân Mục đến bến Thượng Nha thẳng lên trời. Rồi lại thấy ông cưỡi ngựa, đội mũ hoa, thân mang giáp, tay cầm thương vàng dài 10 thước từ trên không trung miệng thét lớn xuống dưới quân Hán:

-Ta sinh làm tôi trung, chết làm thần. Ngày nay chúng bay sao phản lại được ta, thát sao khỏi lưới trời!
Nói xong ông cầm đao “ thất hoả” xông vào giữa vòng vây quân Hán, chém tướng Hán là Chu Năng và các quân sĩ tới hơn trăm người. Quân Hán rối loạn ở sông Lô, phải rút lui tan tác. Rồi ông bay lên không mà đi.
Đến vùng trên bến sông Nhân Mục, bỗng thấy có hai chiếc thuyền con, hai phu nhân bước lên thuyền rồi nhìn theo. Bỗng thấy chiếc thuyền bị vỡ ra một mảnh, phu nhân nhặt lấy nhìn xem chỉ thấy 04 chữ “phục ẩn thánh thần” (dấu ở trong có thánh thần), hai phu nhân cảm tưởng như có dẫn đường mới trở lại bến Thượng Nha, đến giữa dòng mới cùng nhau nhảy xuống sông tự vẫn.
Dân hai bên bến sông lập miếu phụng thờ hai bà. Bốn thôn Thượng Nha, Hạ Nha huyện Phù Khang lập đền chính. Đền miếu nơi đây linh ứng rõ ràng. Hàng năm cúng giỗ chính vào ngày 01 tháng 06.

Còn như đầu của ông, từ khi chó ngao ngậm lấy, về sau máu chảy thấm những nơi chạy qua, tất cả đều lập miếu thờ. Còn ở Phong Châu nơi chính sảy ra chiến trận xưa, nhân dân lập đền thờ phụng. Lễ chính vào ngày 20 tháng 05.
Khi trở về trang Nhân Mục huyện Lập Thạch (nay là huyện Sông Lô), sau khi ông mất, dân lập lại đền thờ chính, huý là Nguyễn Triêu Lệ đại vương. Lệ tiệc giỗ chính vào ngày 10 tháng 05.
Xã Yên Thiết tổng Bạch Lưu nơi mộ chính chôn đầu ông, lập miếu thờ phụng. Còn các xã của tổng Đạo Kỉ, tổng Nhân Mục, các xã tổng Bạch Lưu nơi máu chảy đều lập miếu thờ. Các di tích hiện còn.
Đời sau có thơ vịnh rằng:
生為忠將死為神
萬古綱常舊更新
夫婦一心同此節
留傳祠宇兩邊津
Sinh vi trung tướng, tử vi thần
Vạn cổ cương thường cựu canh tân
Phu phụ nhất tâm đồng thử tiết
Lưu truyền từ vũ lưỡng biên tân.
Dịch là:
Sống làm trung tướng, chết làm thần
Muôn thủa cương thường chẳng đổi thay
Chồng vợ một lòng cùng khí tiết
Lưu tuyền đền miếu hai bên sông.
Cũng vì sự tích ông chọn lấy 10 con trâu ở tổng Nhân Mục mở tiệc khao quân, mà ở tổng này có tục giết trâu hiến tế. Sử sách ghi lại rằng: Xã Bạch Lưu Hạ huyện Lập Thạch , hàng năm nuôi 20 con trâu, cứ ngày 18 tháng giêng hoặc ngày 28 tháng 12 đặt đàn tế thần ở ngoài nội, cho trâu uống rượu, rồi lùa vào trong cái chuồng có tường đất xung quanh cho trâu chọi nhau, con nào bị thua thì giết lấy thịt để tế thần.
Còn làng Nhân Mục có tục thi bơi để tưởng lệ hai phu nhân. Có ngôi “đền Bơi” để tổ chức các cuộc thi bơi đó.
Năm 2002, tục hội chọi trâu đẫ được khôi phục lại, gọi là “Hội chọi trâu xã Hải Lựu” để tưởng nhớ Lữ Gia. Tổ chức vào ngày 17 tháng giêng, có bài chúc văn làm theo lối mới tuyên đọc rất nhiều ý nghĩa. Bài văn ấy có đoạn mở đầu như thế này:
Nhớ Đại vương xưa,
Sinh vi tướng, tử vi thần
Đức sánh càn khôn, tài xoay vũ trụ.
Trung dũng vẹn toàn, võ văn gồm đủ.
Lòng trung ái trong triều, ngoài nội, thương xót muôn dân
Chí kinh luân dọc đất, ngang trời, giúp vì nước Tổ.
Bao trận sông Lô sôi nổi, giặc Hán hồn kinh
Mấy năm núi Thét vang lừng, trời Nam mặt tỏ.
Dư uy mặt nước réo ầm ầm
Chính khí đỉnh non soi rực rỡ.
Đầu dẫu mất, thề không thua giặc, một thời lẫm liệt oai động lân bang
Kiếm chưa mòn, sông núi reo thiêng, danh truyền lịch sử…
Sơn Đông. Ngày 30 tháng 08 năm 2011

Tài liệu chính dùng để viết bài:
1. SỬ KÝ. Tư Mã Thiên.  Đời Hán (Trung Hoa).
2. ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ. Ngô Sĩ Liên. Thế kỉ 15.
3. Việt sử tiêu án. Ngô Thì Sĩ. Thế kỉ 18.
4. Bia thần tích Đền Cả xã Liễn Sơn Huyện Lập Thạch, Có tên: VIỆT THƯỜNG THỊ ĐẠI LA THÀNH PHÙ KÍ TỨC HÀ THƯỢNG CỔ ĐẠI PHU HỰU PHỤ MINH PHU NHÂN NGỌC PHẢ CỔ LỤC CHÍNH BẢN.
5. Ngọc phả đình Nhân Lạc xã Đôn Nhân huyện Sông Lô: VIỆT THƯỜNG ĐẠI LA THÀNH DŨNG THÁNH ĐẠI VƯƠNG NGỌC PHẢ CỔ TRUYỀN.

Địa chỉ:  Thôn Quan Tử xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc.
ĐT;  02113828069. DĐ:  0984550547. Email: thuyenlk@gmail.com

Vang bóng anh hùng

Lữ Gia, cái tên của vị tướng nước Nam Việt tận trung vì nước, kiên quyết chống lại Hán quân xâm lăng, được người Việt qua các thời đại tôn vinh, cho dù không ít người vẫn đặt nghi ngờ về tính chính thống của nhà Triệu. Ngọn nguồn của thừa tướng Lữ Gia phải kể bắt đầu từ Triệu Vũ Đế, người sáng lập ra nước Nam Việt.
Vũ Đế họ Triệu tại làng Đồng Xâm (Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình) đã kết duyên với bà Trình Thị. Trình Thị không phải là người con gái họ Trình, ở khu vực Đồng Xâm không hề có gia tộc họ Trình. Trình Thị đọc thiết âm là Trĩ. Đây là tên cúng cơm của Lữ Hậu, người vợ đã cùng Lưu Bang dựng nghiệp. Lưu Bang và Lữ Hậu mới là khởi nguồn thực sự câu chuyện về thừa tướng Lữ Gia.

IMG_4207-1024x683Đền thờ Hoàng hậu Trình Thị ở Đồng Xâm.

Đất Thái Bình chẳng phải địa danh xa lạ gì trong cổ sử Trung Hoa vì Thái Bình đọc phản thiết là Bái, là nơi Lưu Bang dựng cờ khởi nghĩa. Dưới chế độ hà khắc của nhà Tần, Lưu Bang được nhân dân đất Bái tôn làm Bái Công, là “người tuấn kiệt” lãnh đạo cuộc nổi dậy chống Tần của người Việt.
Triệu Vũ Đế ở Thái Bình là Bái Công Lưu Bang, người đã dẫn quân vào Quan Trung của nhà Tần năm 206 TCN, chiếm lại 3 quận lớn mà Tần Thủy Hoàng lập ra trên đất Việt trước đó (Quế Lâm, Tượng và Nam Hải). Triều đại nhà Hiếu bắt đầu được tính từ đây. Năm 206 TCN là năm Hiếu Cao Tổ thứ nhất. Sử Tàu tráo đổi, biến triều Hiếu thành Hán, gọi triều đại do Lưu Bang lập nên là Tây Hán, cho dù Lưu Bang khởi nghĩa từ đất Thái Bình, là một người Việt chính cống.
Lưu Bang còn được sử Việt chép thành Nam Việt đế Lý Bôn người ở phủ Long Hưng đất Thái Bình. Hiện ở Thái Bình còn lưu đậm đặc các di tích, thần tích về thời kỳ Tiền Lý này vì đây là nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Tần của Lý Bôn – Lưu Bang. Hoàng hậu của Lý Bôn ở Thái Bình được các thần tích chép là bà Đỗ Thị Khương. Đỗ Thị Khương hay Trình Thị thực chất đều là Lữ Hậu, người đã giúp Lý Bôn – Triệu Vũ Đế – Lưu Bang diệt Tần phá Sở, lên ngôi đế vương của thiên hạ Trung Hoa.

Ly-Bon-1-1024x692
Tranh thờ Lý Bôn và hoàng hậu Đỗ Thị Khương ở Thái Bình.

Họ Lữ là những đại công thần khởi lập của triều Hiếu nên đều đã được phong tước hầu. Những người anh của Lữ Hậu là Lữ Thai được phong là Lịch hầu, còn Lữ Sản là Giao hầu. Lịch là đọc sai của Lạc. 2 chức vụ Lịch hầu và Giao hầu của anh em họ Lữ càng cho thấy Giao Chỉ – Lạc Việt là vùng đất khởi nghiệp của Lưu Bang – Lữ Hậu.
Hiếu Cao Lưu Bang mất, Lữ Hậu lên nắm toàn quyền triều chính, phế lập các vị đế họ Lưu theo ý mình. Lữ Hậu đã nhiều lần muốn phá bỏ cam kết ăn thề từ thời Lưu Bang “Ai không phải họ Lưu mà làm vương thì thiên hạ cùng nhau đánh nó”. Bà thái hậu này đã ép các quân thần và phong vương cho gia tộc họ Lữ. Tước vương đầu tiên được phong cho Lịch hầu Lữ Thai là Lữ vương, tức là vua của vùng đất Lữ.
Đất Lữ là quê của Lữ Hậu, tức là vùng đất Bái – Thái Bình. Lữ Vương là một vị trí chức vụ rất quan trọng dưới thời Lữ Hậu vì đó là người phụ trách hậu phương của họ Lữ. Người đầu tiên nắm chức Lữ Vương là Lữ Thai, anh của Lữ Hậu. Lữ Thai mất, thái tử Gia thay thế được lập làm Vương. Sau đó, Gia ăn ở kiêu ngạo hống hách, nên bị phế truất, cho Lữ Sản… làm Lữ Vương”. Mấy tháng sau, Lữ Sản được dời làm Lương Vương và làm thái phó. Lữ Hậu lập Bình Xương hầu Lữ Thai làm Lữ Vương, đổi tên đất Lương gọi là đất Lữ và đất Lữ đổi là Tế Xuyên (Sử ký Tư Mã Thiên, Lữ Hậu bản kỷ).
Việc đổi Lữ Sản làm Lương Vương và đổi tên đất Lương thành đất Lữ cho thấy thực chất Lữ Sản vẫn giữ vai trò của Lữ Vương (vua đất Lữ). Còn vùng đất Lữ trước đây đổi thành Tế Xuyên (Tam Xuyên?) do một vị hầu tước khác cai quản.
Khi Lữ Hậu mất, Lữ Sản làm binh biến định dành ngôi vị nhưng không thành, bị đám cận thần trung thành với họ Lưu giết chết. Trong sự kiện này “những người họ Lữ không kể trai gái, già trẻ đều chém hết”. Tuy vậy, Sử ký không nói gì đến vị Lữ Vương cuối cùng là Bình Xương hầu Lữ Thai sau cuộc binh biến này ra sao. Một vị vương chủ chốt, nắm toàn bộ hậu phương của họ Lữ, do chính Lữ Hậu quan tâm gây lập nên qua mấy đời chắc chắn phải có vai trò rất lớn đối với sự nghiệp của họ Lữ. Vậy mà tung tích của vị này lại không hề được nhắc tới.
Sử ký bàn: “Cao Hậu người đàn bà làm chủ, gọi mệnh lệnh của mình là “chế” nhưng việc chính sự không ta khỏi nhà, thiên hạ yên lành”. Có thật là “thiên hạ yên lành”, không ảnh hưởng gì bởi sự tiếm quyền của họ Lữ? Yên lành gì mà ngay sau khi Lữ Hậu mất ở phương Nam bỗng nhiên nổi lên nước Nam Việt của Triệu Đà, chiếm mất cả nửa diện tích Trung Quốc:
“Cao Hậu mất… Đà nhân đó dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình. Đất đai của Đà chiều ngang có hơn vạn dặm. Đà bèn đi xe mui lụa mầu vàng cắm cờ tả đạo, mệnh gọi là “chế”, chẳng kém gì Trung Quốc”.
Đặc biệt hơn nữa lúc này trong triều Nam Việt nhà Triệu bỗng xuất hiện Thừa tướng Lữ Gia. Theo Sử ký thì Lữ Gia dưới thời Triệu Anh Tề đã làm thừa tướng tới ba đời vua, tức là từ Triệu Vũ Đế, Triệu Văn Đế tới Triệu Minh Vương (Anh Tề). Như vậy Lữ Gia là thừa tướng của nhà Triệu ngay từ vị vua Triệu lập quốc đầu tiên sau khi Lữ Hậu mất.
Sử sách của nhà Hiếu (Sử ký Tư Mã Thiên) đã dấu đi hoặc đã cố ý không nói tới một sự thật. Sự tiếm ngôi của họ Lữ đã không hề kết thúc một cách yên lành sau khi Lữ Hậu mất. Họ Lữ ở kinh thành Trường An bị giết hết nhưng vẫn còn vị Lữ Vương cuối cùng, người nắm giữ vùng đất Lữ ở phương Nam. Đây chính là thừa tướng Lữ Gia của Nam Việt. Vị Lữ Vương này đã lập một người cháu của Lưu Bang lên làm vua Triệu của nước Nam Việt, bắt đầu thế đối kháng Nam Bắc. Vua Triệu xưng đế ngang với nhà Hiếu ở phương Bắc.
Diễn biến tiếp theo của nước Nam Việt thì như đã biết, sau khi Minh Vương Triệu Anh Tề mất, thái tử Hưng lên ngôi là Triệu Ai Vương. Thái hậu Cù Thị, truyền thuyết Việt gọi là Cảo Nương, con của Triệu Quang Phục, có ý theo về với nhà Hiếu ở phương Bắc. Tất nhiên thừa tướng Lữ Gia không đời nào đồng ý việc này vì mối thù diệt tộc khi Lữ Hậu mất vẫn còn đó, và họ Lữ đã mất công mấy đời gây dựng nước Nam Việt để có lãnh thổ riêng, vương quyền riêng, không thể nào lại hàng nhà Hiếu. Lữ Gia nhanh chóng giết mẹ con Cù Hậu, lập Triệu Kiến Đức lên ngôi và tích cực chiến đấu chống quân nhà Hiếu.
Khi kinh đô Phiên Ngung của Nam Việt thất thủ, vua Triệu Kiến Đức cùng Lữ Gia và cả gia đình hoàng thân quốc thích hàng trăm người đã lên thuyền đi về phía Tây. Phía Tây của Phiên Ngung (Quảng Đông) tức là đất Giao Chỉ, là miền đất gốc của họ Lữ từ thời Lữ Hậu (đất Bái). Không may, khi thuyền vừa mới tới miền đất cũ của họ Lữ, vua Triệu cùng Lữ Gia bị quân nhà Hiếu truy sát bắt được.

IMG_4785-1024x683
Đền thờ Lữ Gia ở chân núi Gôi.

Câu chuyện thảm thương, kết thúc một triều đại này trong sử Việt được truyền thuyết kể thành chuyện Triệu Việt Vương bị Hậu Lý Nam Đế đuổi, chạy đến cửa Đại Ác thì đường cùng, ra biển mà mất. Đại Ác là cửa sông Đáy đổ ra biển, nay còn di tích đền Độc Bộ (Ý Yên, Nam Định) thờ Triệu Quang Phục, “cháu đời xa của Triệu Vũ Đế”. Gần đó ở chân núi Gôi (Vụ Bản, Nam Định) là nơi thừa tướng Lữ Gia tử trận. Ngôi đền thờ vị tể tướng 4 đời vua Triệu này còn lưu câu đối, nói tới chí khí kiên cường chống giặc của Lữ Gia:
趙氏有天存社稷
漢人無地出楼船
Triệu thị hữu thiên tồn xã tắc
Hán nhân vô địa xuất lâu thuyền.
Dịch:
Còn trời họ Triệu còn xã tắc
Không Hán, lên thuyền đất chẳng chung.
Trong truyền thuyết Việt câu chuyện Lữ Gia không kết thúc ở đây. Sau thất bại ở Phiên Ngung Lữ Gia đã lui về vùng phía Tây dựng phòng tuyến chống lại quân nhà Hiếu. Đó là phòng tuyến bên sông Lô với các di tích về Lữ Gia ở 2 bên bờ sông ở Việt Trì và Lập Thạch. Cũng có chỗ là ở vùng đất Hà Tây (cũ), như các di tích Linh Tiên quán (Hoài Đức), nơi tương truyền Lữ Gia đã gặp tiên đánh cờ.

P1010119-1024x768
Nghi môn Linh Tiên quán.

Câu đối ở quán Linh Tiên :
聖駕仙棋趙承留勝跡
靈僊古觀三教顯名藍
Thánh giá tiên kỳ Triệu thừa lưu thắng tích
Linh tiên cổ quán tam giáo hiển danh lam.
Dịch
Thánh giá cờ tiên, Triệu tướng lưu thắng tích
Linh Tiên quán cổ, Tam giáo tỏ danh lam.
Trong sử Việt Lữ Gia còn được kể dưới một loạt các tên khác nữa. Đó là Đỗ Động tướng quân Đỗ Cảnh Thạc ở vùng Thanh Oai – Quốc Oai (Đỗ động). Họ Đỗ ở đây cũng giống như trường hợp Lữ Hậu ở Thái Bình được gọi là Đỗ Thị Khương. Đỗ Cảnh Thạc bị sử Việt ghép thành 1 trong 12 sứ quân của thời Đinh Bộ Lĩnh, cách sau đó hơn nghìn năm.

P1130096-1024x768
Đình Giá ở Yên Sở trong ngày hội.

Truyền thuyết Việt còn kể về thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu dưới tên nhân vật Lý Phục Man. Lý Phục Man là đại tướng của Lý Nam Đế, khi tử trận được người nhà là Trương Hống, Trương Hát đưa về an táng tại làng Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội). Lý Phục Man cũng được gọi là Đỗ Động tướng quân. Nơi mất của Lữ Gia – Lý Phục Man – Đỗ Cảnh Thạc đều ở dưới chân Sài Sơn là chứng thực rõ nhất rằng cả 3 sự tích này đều là về vị thừa tướng họ Lữ lẫy lừng của nhà Triệu Nam Việt.
Về Lữ Gia còn có thêm một dẫn chứng liên hệ nữa. Ở thôn Mai Trung xã Mai Đình (Hiệp Hòa, Bắc Giang) có đình Lợ hay gọi là đình Mới thờ Lữ tể tướng nhà Triệu. Bản thân tên đình Lợ có thể là đọc tránh của họ Lữ. Tương tự ở vùng này có vùng Đông Lỗ nhưng lại có chợ Lữ.
Là đình thờ Lữ Gia nhưng đình Lợ lại nằm trong trong cụm di tích làng Mai thờ anh em Trương Hống, Hát, Lẫy, Lừng và Đạm Nương cùng con thứ của Trương Hống là Trương Kiều. Lễ hội Mai Thượng ở Hiệp Hòa bên dòng sông Cầu tới nay vẫn là một lễ hội lớn, đặc sắc bởi màn tung hoa (bánh dày) để tưởng nhớ tới thánh Trương Kiều, hy sinh theo cha lúc mới 8 tuổi tại đây. Theo sự tích ở thôn Mai Trung thì Lữ Gia là thầy dạy của 5 vị thánh họ Trương.
Sự tích về thánh Tam Giang ở Vân Mẫu (Quế Võ, Bắc Ninh) cũng kể anh em họ Trương đã theo học tiên sinh Lã Thị người hương Chu Minh, lộ Bắc Giang. Tới khi Triệu Quang Phục khởi nghĩa ở đầm Dạ Trạch thì cả nhà họ Trương cùng dấy binh theo về… Triệu Quang Phục phong Trương Hống làm thượng tướng quân, Trương Hát làm phó tướng quân, Lã tiên sinh làm quân sư, Trương Lừng, Trương Lẫy làm tỳ tướng, Đạm Nương làm hậu binh lương và lo kế sách đánh giặc.
Thật khó hiểu vì sao thừa tướng nước Nam Việt ở thời kỳ trước Công nguyên lại làm “thầy” của các vị tướng thời Triệu Việt Vương, mà theo chính sử ngày nay là vào thế kỷ 6 sau Công nguyên. Chỉ khi xác định Triệu Quang Phục là vua Triệu nước Nam Việt thì thừa tướng Lữ Gia mới là cùng thời với anh em họ Trương.

P1240859-1024x768
Đình Lợ ở thôn Mai Trung thờ Lữ Gia, thầy dạy của Trương Hống, Trương Hát.

Lữ Gia là “thầy” của Trương Hống, Trương Hát. Chữ “thầy” ở đây không phải là thầy dạy học. Thầy nghĩa là cha. Lữ Gia là bố của anh em họ Trương, hay anh em Trương Hống Trương Hát mang họ Lữ. Cũng chính Trương Hống, Trương Hát là “người nhà” đã đem thi hài của Lữ Gia về an táng dưới chân núi Sài trong thần tích về Lý Phục Man ở Yên Sở.
Và cũng Trương Hống, Trương Hát là những người tiếp tục sự nghiệp của cha mình để làm nên cuộc khởi nghĩa tiếp theo ở đất Phong Châu. Trương Hống, Trương Hát chính là Trưng Trắc, Trưng Nhị. Các vị nữ vương này mang họ Lữ/Lã của gia tộc họ Lữ và nối tiếp truyền thống “quần thoa anh kiệt” từ tiền nhân là Lữ Hậu. Sông Như Nguyệt (sông Cầu) của thánh Tam Giang mới là dòng Lãng Bạc nơi nổ ra cuộc chiến ác liệt giữa quân của Trưng Vương và Phục Ba tướng quân.
Dòng họ Lữ của nhà Triệu Nam Việt sau thất bại của Trưng Vương vẫn còn cầm đầu các cuộc nổi dậy tiếp theo với sự kiện Triệu Quốc Đạt – Triệu Thị Trinh chống Mã Viện nhà Đông Hán. Họ Triệu của anh em Bà Triệu cho liên hệ với nhà Triệu Nam Việt. Lệ Hải bà vương Triệu Ẩu có thể mang họ Lữ/Lã vì Lệ Hải thiết . Khu vực khởi nghĩa của Bà Triệu được gọi là nước Nam Triệu, là tiền thân của nước Nam Chiếu thời kỳ sau này (Truyện Nam Chiếu, Lĩnh Nam chích quái).
Lịch sử luôn diễn biến theo quy luật, không có gì tự nhiên mà có. Các triều đại, các cuộc khởi nghĩa thời đầu Công nguyên ở nước Nam đã nối tiếp nhau và được xuyên suốt bởi một dòng họ Lữ từ khi Lữ Hậu theo Lưu Bang thấy rồng vàng bay lên trên sông Nhị Hà tới khi Bà Triệu tử tiết ở Tượng Sơn. Cái khí tiết anh hùng “mẹ truyền con nối” ấy thật đáng khâm phục, để lại cho đời sau cả một trang sử hào hùng, phát triển nền tảng của nước Nam người Việt qua mấy trăm năm.

Đỗ Động tướng quân là ai?

Chính sử Việt ngày nay chép năm 938 Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, lên ngôi vua, lập ra nhà Ngô, khởi đầu nền độc lập của nước ta. Tiền Ngô Vương qua đời, Dương Tam Kha tiếm ngôi, nhà Ngô suy yếu. Tới khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn mất, các hào trưởng, tướng lĩnh ở các nơi nổi lên chiếm giữ các vùng, bắt đầu thời kỳ gọi là loạn 12 sứ quân. Đến năm 968 Đinh Bộ Lĩnh mới dẹp được các sứ quân, thống nhất vùng Tĩnh Hải và lên ngôi Hoàng đế nước Đại Cồ Việt.
Mọi việc tưởng như hai năm rõ mười, sách nào cũng chép vậy… nhưng ngày càng có nhiều dẫn chứng cho thấy những chuyện của thời này không hẳn diễn ra như vẫn nghĩ. Đặc biệt khảo cổ học giai đoạn này không cho một dẫn chứng nào tương ứng với những biên chép của chính sử. Không hề tìm thấy chiếc cọc gỗ nào ở Bạch Đằng có niên đại quãng thế kỷ 9-10. Thành Cổ Loa, nơi được chép là kinh đô của triều Ngô không có vết tích gì về triều đại này. Các lớp gạch bên dưới Hoàng Thành Thăng Long và Hoa Lư cho thấy, không hề có nước Đại Cồ Việt như sử sách vẫn chép…
Thay vào đó, có thể dễ dàng nhận ra tên gọi “Sứ quân” là Tiết độ sứ của một Quân. Ví dụ, như Cao Biền sau khi đánh dẹp giặc Nam Chiếu ra khỏi thành Tống Bình được phong là Tĩnh Hải Tiết độ sứ, tức là vị Sứ quân của Tĩnh Hải quân. Bằng chứng rõ ràng về phạm vi của đơn vị “quân” thời này là lớp gạch “Giang Tây quân” nằm dưới cùng của thành Thăng Long, Hoa Lư hay thành nhà Hồ ở Thanh Hóa. Giang Tây quân là vùng đất Tĩnh Hải, bao gồm Bắc Việt và Tây Quảng Tây. Với quy mô của một Quân rộng lớn như vậy, không thể có chuyện trong vùng đồng bằng ven sông Hồng lại có tới 12 sứ quân. Với phạm vi mỗi sứ quân chỉ cỡ độ 2-3 huyện ngày nay thì nhân lực, vật lực đâu ra để mà đánh lẫn nhau? Sử Việt đang nhầm lẫn sự phân rã thời Mạt Đường của các Tiết độ sứ phụ trách các đạo/quân trên phạm vi toàn Trung Hoa thành Thập quốc (thời kỳ Ngũ đại Thập quốc) hóa ra loạn 12 sứ quân ở vùng Giao Chỉ.
Một trong những sứ quân chính được sử Việt chép là Đỗ Cảnh Thạc ở khu vực Đỗ Động Giang là vùng Thanh Oai – Quốc Oai ngày nay. Tuy nhiên, khi so sánh các sự tích về Đỗ Cảnh Thạc thì chợt nhận ra: vị tướng quân này không ai khác chính là Thừa tướng Lữ Gia của nhà Triệu Nam Việt, đã được dân gian kể lại dưới một góc độ khác.
Sách Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục của nhà Nguyễn chú rằng Đỗ Cảnh Thạc “người huyện Thuận Đức thuộc Quảng Đông“. Xuất thân trong gia đình quý tộc, ông bị mất một tai trong lần giao chiến vì chạy loạn xuống phương Nam. Đỗ Cảnh Thạc là vị phụ chính của 3 triều Ngô Vương từ Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập sang Ngô Xương Văn. Những thông tin này hoàn toàn giống với thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu Nam Việt. Nhà Triệu đóng đô ở Quảng Đông, gọi là Phiên Ngu hay Phiên Ngô. Chính vì vậy các vua Triệu trong chuyện của Đỗ Cảnh Thạc đã bị gọi thành Ngô Vương. Lữ Gia là thừa tướng 3 triều vua Triệu được dân gian kể thành Đỗ Cảnh Thạc làm quan phụ chính 3 triều vua Ngô.

Den Tam Xa

Câu đối ở đền Tam Xã (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) thờ Đỗ Cảnh Thạc:
罰北征東威武振二朝漢主
教民护國德光流三世吳王
Phạt Bắc chinh Đông, uy vũ chấn nhị triều Hán chủ
Giáo dân hộ quốc, đức quang lưu tam thế Ngô vương.
Dịch:
Đánh Bắc dẹp Đông, oai võ chấn hai triều chúa Hán
Dạy dân giúp nước, đức sáng lưu ba đời vua Ngô.
Câu đối trên nhấn mạnh đến việc Đỗ Cảnh Thạc đánh giặc Hán. Công nghiệp chính của Đỗ Cảnh Thạc là chống Hán chứ không phải làm sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh. Đây không phải là lần đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng thời Ngô Quyền mà là chuyện Lữ Gia kiên quyết chống lại nhà Tây Hán, giết bỏ phe theo Hán của Cù Hậu và Triệu Ai Vương, lập Triệu Kiến Đức lên ngôi.
Thần phả Cao Thị bản tự chùa Chợ ở Bình Đà (Thanh Oai) còn cho một thông tin… không thể hiểu nổi. Năm 16 – 17 tuổi Đỗ Cảnh Thạc gặp cảnh chướng tai gai mắt đã đánh lại quan quân nhà Nam Tấn, do thế cô bị chúng quây bắt và xẻo mất một tai… Nhà Tấn Trung Quốc kết thúc vào năm 420, Đỗ Cảnh Thạc sống vào thời nào mà lại đánh nhau với quan quân nhà Tấn? Phải chăng Tấn là chữ phiên thiết từ Tây Hán? Đỗ Cảnh Thạc đánh quân Tây Hán, tức là thời của Lữ Gia Nam Việt.
Tinh thần trung trinh với tiền triều được nhấn mạnh trong chuyện của Đỗ Cảnh Thạc. Đại Việt sử ký toàn thư chép ở Đỗ Động Giang có tới “500 con em họ Ngô” theo về. Còn về Lữ Gia Sử ký Tư Mã Thiên cho biết năm 111 trước Công nguyên khi nhà Tây Hán tiến đánh Nam Việt, Phiên Ngung thất thủ, “Lữ Gia cùng Kiến Đức từ đêm đã cùng gia thuộc vài trăm người, chạy trốn ra biển, lấy thuyền đi về phía Tây”. Cần nhớ rằng gia thuộc của Lữ Gia cũng là gia tộc nhà Triệu vì “Họ hàng [Lữ Gia] làm quan trường lại đến hơn bảy mươi người. Con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em, tôn thất của vua, lại thông gia với Tần vương ở quận Thương Ngô”. 500 con em họ Ngô được nhắc đến ở Đỗ Động Giang là những người đã lên thuyền cùng Lữ Gia và vua Triệu rút về đất Giao Chỉ – Phong Châu.
Thần tích về Đỗ Cảnh Thạc ở Bình Đà cho biết Ngô Quyền muốn xây dựng ở Đỗ Động Giang một bản doanh đủ mạnh, còn có ý định xây dựng lại “Minh đô Giao Chỉ”, giao việc này cho Đỗ Cảnh Thạc. Chữ Đỗ 杜 có nghĩa là “ngăn chặn”. Đây cũng là nghĩa của chữ Sài 柴 trong Sài Sơn (Quốc Oai), nơi Đỗ Cảnh Thạc hy sinh. Có thể thấy đây không phải là họ Đỗ, mà Đỗ Động có nghĩa là một căn cứ để chặn giặc.
Câu đối ở đền Tam Xã:
十二山河杜洞雄争王伯業
三千宫阙柴岩神界佛仙間
Thập nhị sơn hà, Đỗ Động hùng tranh vương bá nghiệp
Tam thiên cung khuyết, Sài Nham thần giới phật tiên gian.
Dịch:
Mười hai núi sông, Đỗ Động tranh hùng nghiệp vương bá
Ba ngàn thế giới, Đá Sài thần tách cõi phật tiên.
Thông tin về Minh Đô Giao Chỉ cũng khớp với chuyện Lữ Gia đã rút về vùng phía Tây Giao Chỉ chống Hán. Minh Đô là đất Phong Châu nơi các vua Hùng dựng nước. Minh Đô sau đó thời Hai Bà Trưng là đô kì của Trưng Vương vì Mê Linh thiết Minh. Đỗ Động như vậy là vùng cửa ngõ của Minh Đô – Mê Linh, chặn giặc phương Bắc.

Dinh Uoc LeĐình Ước Lễ, Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội.

Ở vùng Thanh Oai, tương truyền là quê của Đỗ Cảnh Thạc tới nay không còn di tích nào thờ vị tướng quân này. Nhưng thay vào đó, hai làng Ước Lễ và Phúc Thụy của vùng này lại thờ Lữ Gia làm thành hoàng làng. Câu đối về Lữ Gia ở đình Ước Lễ:
位望冠三朝趙帝山河身上重
精忠存一劍漢軍戈甲目中輕
Vị vọng quán tam triều, Triệu đế sơn hà thân thượng trọng
Tinh trung tồn nhất kiếm, Hán quân qua giáp mục trung khinh.
Dịch:
Ngôi danh đầu ba triều, núi sông đế Triệu thân coi trọng
Trung thành còn một kiếm, giáo mác quân Hán mắt xem khinh.
Còn ở thị trấn Quốc Oai nay còn đình Ngô Sài và miếu thờ Đỗ Tướng quân, tương truyền là nơi Đỗ Cảnh Thạc đã cai quản, an định nhân dân. Nơi đây trước được gọi là Sài Trang. Đình Ngô Sài còn phối thờ Ả Lã Nàng Đề, được nhân dân quanh vùng gọi là Vua Bà. Ả Lã như đã biết, chính là Trưng nữ Vương mang họ Lữ của Lữ Gia. Nàng Đề hay Lang Tề, nghĩa là vị vua phía Tây vì Trưng Vương dựng đô ở đất Tây Thổ Phong Châu. Sự phối thờ Ả Lã với Đỗ tướng quân ở Ngô Sài một lần nữa xác nhận khả năng Đỗ Cảnh Thạc chính là thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu.

Dinh Ngo SaiĐình Ngô Sài, Thị trấn Quốc Oai, Hà Nội.

Quốc Oai còn có di chỉ khảo cổ thành Quèn hay trại Quyền ở xã Tuyết Nghĩa, tương truyền là đại bản doanh của Đỗ Cảnh Thạc. Nay ở đây còn đình làng Cổ Hiền thờ Đỗ Tướng quân và các ngôi miếu xung quanh thờ các tướng của Đỗ Cảnh Thạc. Câu đối ở đình Cổ Hiền:
杜洞雄才稱第壹
古城主宰是無双
Đỗ Động hùng tài xưng đệ nhất
Cổ thành chủ tể thị vô song.
Dịch
Đỗ Động tài cao xưng đệ nhất
Thành cổ chúa tể chính vô song.
Cổ Hiền là tên chữ của trại Quyền hay thành Quèn. Cổ Hiền thiết Quyền – Quèn. Đây là cách dùng phiên thiết để đặt tên chữ cho địa danh xưa.

Ngu thuMột số đồng tiền Ngũ thù.

Di chỉ Thành Quèn được khai quật với những mảnh ngói, gốm thời Bắc thuộc. Gần đây ở phía Nam thành Quèn người ta đã đào được nhiều chum tiền Ngũ thù. Các cụ trong làng cho rằng đây là kho quân lương của Đỗ Tướng quân. Những đồng tiền này được các chuyên gia cổ tiền học xác định là của thời Hiếu Vũ Lưu Triệt nhà Tây Hán. Đây là bằng chứng rõ ràng rằng tướng quân Đỗ Cảnh Thạc không phải ở vào thời Đinh Bộ Lĩnh thế kỷ 10 mà là thời kỳ trước Công nguyên, đầu nhà Tây Hán. Đỗ Cảnh Thạc thời Tây Hán thì không thể là ai khác ngoài thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu cùng con cháu là Nhị Trưng Vương (Ả Lã) đã lập căn cứ chống nhà Hiếu (Tây Hán) ở Đỗ Động – Sài Trang và Minh Đô – Mê Linh.
Cuối cùng nơi mất của Đỗ Cảnh Thạc là ở chân núi Sài Sơn, nơi có đền Tam Xã trong quần thể di tích chùa Thầy. Sài Sơn là nơi có hang Cắc Cớ với bể xương các nghĩa quân của Lữ Gia tử trận. Sài Sơn còn là nơi hy sinh của tướng Lý Phục Man (Thánh Giá ở Yên Sở, Hoài Đức).

Sai SonSài Sơn ở Quốc Oai.

Còn có chuyện kể Đỗ Cảnh Thạc trước khi chết đã nói chuyện với bà bán nước dưới gốc đa ở Sài Sơn. Cây đa này nay nằm trong đền Tam Xã, nơi gọi là mộ của Đỗ tướng quân. Vừa mới đây cây đa này đã được cộng nhận là cây di sản. Chuyện bà bán nước và vị tướng quân trước lúc mất cũng gặp trong thần tích về Lý Phục Man ở Yên Sở.
Lý Phục Man cũng được gọi là Đỗ Động tướng quân. Trong các bài viết trước từng xác định Lý Phục Man là thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu. Như vậy, mọi thông tin đều trùng khớp và chỉ ra rằng Đỗ Cảnh Thạc chính là thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu.
Vị sứ quân lớn nhất trong 12 sứ quân thế kỷ 10 lại là thừa tướng Lữ Gia cách đó hơn 1000 năm trước. Sử Việt còn biết bao nhiêu điều cần được chỉnh lý từ những dữ liệu dân gian và thực tế.