Lục đầu vô thủy bất thu thanh

Câu đối trên cổng đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ở Chí Linh, Hải Dương do Thám hoa Vũ Phạm Hàm đề, đã là chủ đề những tranh luận kéo dài giữa các bậc túc Nho xưa và nay:
萬劫有山皆剑氣
六頭無水不秋聲
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh.

CongdenKiepBac1Cổng đền Kiếp Bạc (ảnh internet).

Vấn đề ở cụm từ “thu thanh” trong vế đối sau được hiểu nghĩa như thế nào? Điểm qua quan điểm đã có hiện nay về nghĩa của câu đối này (theo Nguyễn Hồng Lam):
– Nhiều nhà văn nhà nho cho rằng chữ “thu thanh” là bị thợ ngõa “đắp nhầm”. Phải là “thung thanh” hay “trang thanh”, nghĩa là tiếng đóng cọc, thì mới đúng. Thậm chí, có người đã sốt sắng đề nghị đục bỏ chữ “thu” trên cổng đền đi để thay bằng chữ “thung” hay “chang”…
– Gần đây, một số nhà nghiên cứu cho rằng “thu thanh” nghĩa là tiếng của chiến tranh, tiếng của sự đau thương, hay dịch là “tiếng binh đao”.
Cả 2 ý kiến trên nghe có vẻ đều có lý vì tiếng cọc hay tiếng binh đao đều đối chỉnh với cụm từ “kiếm khí” ở vế đối trước và lại có liên quan đến công nghiệp đánh giặc Nguyên Mông hiển hách của Hưng Đạo đại vương.
Tuy nhiên, nếu đọc cả vế đối thì sẽ thấy dịch theo cả 2 phương án trên đều tối nghĩa vô cùng: Lục đầu vô thủy bất thu thanh. Làm sao mà trong nước (thủy) lại có tiếng gì được? Nếu nói là âm thanh thì phải là trong không trung, chứ sao lại trong nước?
Hơn nữa “vô thủy” mà dịch là “không có con nước nào” thì cũng không ổn vì “thủy” không phải là từ đếm được để mà thêm chữ “con” vào đây.
Kết cấu “vô… bất…” có nghĩa so sánh, nhấn mạnh, ví dụ như trong câu “vô tiểu bất thành đại” là không có việc nhỏ thì không thành việc lớn, chứ nếu dịch như cách nghĩ ở trên sẽ thành: không có gì nhỏ mà không thành lớn, rất vô lý.
Nếu hiểu “thu thanh” là tiếng chiến tranh, binh đao, tuy là có điển dẫn, nhưng lại không hợp ngữ cảnh vì chữ “thu” mang sắc thái tiêu cực (buồn, thảm, sầu, bi,…), không phải để trong câu đối mang tính ca ngợi như ở đây.
Còn nếu hiểu là “thung thanh” hay “trang thanh” là tiếng cọc trong nước cũng không hợp với thực tế, vì Hưng Đạo vương đóng cọc ở sông Bạch Đằng, ngoài cửa biển Hải Phòng, chứ không phải ở Lục Đầu. Nước ở Lục Đầu làm gì có cọc nào.
Câu đối nổi tiếng này xem ra để hiểu đúng không phải dễ. Các bậc văn nho ở trên có lẽ đã lạc hướng. Họ quá tập trung vào tra điển tích, điển cố về cụm từ “thu thanh” mà quên mất hiểu nghĩa chung cho cả câu đối trước cổng đền này.
Để hiểu nghĩa câu đối này thực ra khá đơn giản. Nhưng muốn hiểu trước hết phải tìm hiểu địa lý ở địa phương và tục thờ cúng Trần Hưng Đạo tại đây đã. Hãy đọc sự tích của khu vực này:
Tương truyền sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông, đem lại thái bình cho đất nước. Hưng Đạo Vương về nghỉ tại phủ đệ của mình ở Vạn Kiếp. Một hôm, ông cùng gia nhân dùng thuyền nhỏ đi dạo cảnh trên dòng sông Lục Đầu. Khi con thuyền đã quay về gần núi Dược Sơn, Hưng Đạo Vương cho dừng thuyền lại, đứng trên mũi thuyền, Người rút thanh kiếm của mình ra khỏi bao và nói : ”Thanh gươm này đã gắn bó với ta gần cả cuộc đời. Trong suốt cuộc chinh chiến nó đã dính bao máu giặc Thát, nó đã từng được bôi phân gà sáp với vôi tôi và bồ hóng để chém đầu tên giặc Phạm Nhan nhơ bẩn. Nay ta muốn nhờ dòng nước sông Lục Đầu để gột rửa sạch những vết nhơ trên nó”. Nói rồi ông ném thanh gươm xuống dòng sông. Tại khúc sông Trần Hưng Đạo thả kiếm, sau này đã hình thành một bãi bồi chạy dài rất giống hình lưỡi kiếm, dân gian gọi bãi bồi đó là Thanh kiếm thần của Trần Hưng Đạo. Bãi bồi ngày nay vẫn còn trên dòng sông Lục Đầu trước cửa đền Kiếp Bạc…
Như thế, trong câu đối trên cổng đền Kiếp Bạc, ở vế đầu: Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí, thì Sơn và Kiếm không phải là núi và gươm chung chung. Đây là chỉ cụ thể bãi bồi chạy dài trên sông hình lưỡi kiếm trong sự tích trên.
Cái còn lại không phải là bản thân thanh kiếm, mà là “kiếm khí“, tức là tinh thần của chiếc kiếm xưa của thánh Trần. Kiếm này không phải là kiếm đánh giặc, mà là kiếm phép (kiếm thần) Trần Hưng Đạo đã dùng để chém tên phù thủy Phạm Nhan.
Vế đối này cũng chơi chữ, ghép giữa tên địa danh Vạn Kiếp và nghĩa “vạn kiếp” – nhiều đời nhiều kiếp. Như thế nếu đọc là “Vạn kiếp hữu sơn giai kiếm khí” thì có thể hiểu là Vạn đời dải núi vẫn còn hơi kiếm.

2018-04-27

Bản đồ vệ tinh khu vực Lục Đầu giang. Thấy rõ dải đất hình thanh kiếm đối diện cổng đền Kiếp Bạc.

Hiểu đúng được vế đối đầu thì mới hiểu được vế đối sau. Câu đối này ca ngợi Trần Hưng Đạo không phải như một vị võ tướng xuất trận diệt giặc, mà là một pháp sư đạo sĩ, một vị thần trừ tà diệt ác được tôn thờ.
Cần biết rằng ở đền Vạn Kiếp đức thánh Trần được coi là Cửu Thiên Vũ Đế, với sứ mệnh diệt trừ yêu ma ở cả 3 cõi thiên đình, trần gian và âm phủ. Hai bên nơi ngài ngự là Nam Tào và Bắc Đẩu, tức là 2 vị thần giữ sổ sinh tử của mọi sinh linh.
Với góc nhìn như vậy thì thấy ngay, cụ từ “thu thanh” ở vế sau hoàn toàn không phải tiếng cọc hay tiếng binh đao, mà là chỉ sự linh thiêng của đức thánh Trần. Tiếng thu ở đây nghĩa tiếng thiêng ngàn thu (thiên thu linh thanh). Tiếng thu là tiếng vang vọng của người đã khuất, hay là sự linh thiêng của người được thờ.
Hiểu được nghĩa này thì cả vế đối sẽ rất rõ nghĩa: Lục Đầu vô thủy bất thu thanh nghĩa là Nước ở 6 con sông này có hết thì mới hết được tiếng vang linh thiêng của thánh Trần. Hoặc hiểu theo kết cấu câu trước đây thì là Không con nước nào không có tiếng thiêng của thánh.
Nghĩa mới phát hiện của vế đối thứ hai cũng tương ứng với vế đầu, chỉ sự trường tồn linh thiêng (vạn kiếp… giai kiếm khí) của thánh Trần.
Một lần nữa xin nhắc là Trần Hưng Đạo không chỉ là vị võ tướng giỏi đã được thế giới công nhận mà ông còn là một thần chủ trong tín ngưỡng dân gian, được thờ ở hầu hết các nơi có ban thờ Tứ phủ. Các nhà nho, nhà sử chỉ vì cách nhìn lệch lạc đối với tín ngưỡng dân gian nên mới không tài nào hiểu đúng câu đối cung tiến lên Đức thánh Trần của Vũ Phạm Hàm trong cả thế kỷ qua.
Dịch lại đôi câu đối ở cổng đền Kiếp Bạc theo nghĩa mới phát hiện:
Vạn kiếp núi còn cùng hơi kiếm
Lục đầu nước hết mới thôi thiêng.

Đạo thờ tổ tiên của người Việt

Bài phát biểu trong buổi giới thiệu dự án Khơi nguồn tinh hoa Việt tại đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc, Hà Nội.

Kính thưa các thầy, các cô, các bạn!

Hôm nay tôi rất vinh dự được tham gia và phát biểu về Đạo thờ Tổ tiên của người Việt vào ngày 9/3 Âm lịch, ngay trước ngày Giỗ tổ Hùng Vương trong một không gian văn hóa dân gian như đình Kim Ngân.
Về đạo thờ tổ tiên của người Việt đầu tiên tôi muốn dẫn lời của một học giả người Pháp của Viện Viễn Đông bác cổ từng viết trong cuốn An Tĩnh cổ lục:
Cái gọi là sự tiến bộ chỉ là truyền thống đang đi lên. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp, con người sẽ bị lôi cuốn theo bản năng xấu. Nước Đại Việt giàu về quá khứ và các bạn nên hiểu rằng chính người chết cai trị người sống. Những đức tính tốt mà chúng ta có, chúng ta nhờ cha mẹ ông bà mà có. Hãy kính thờ vong linh tổ tiên bằng cách phổ biến lịch sử của tổ tiên”.
Chính người chết cai trị người sống nghĩa là các bậc tiền nhân đã khuất mới là những người chi phối tinh thần của chúng ta ngày nay.
Đình Kim Ngân thờ Tổ của bách nghệ Hiên Viên. Nhưng có lẽ đến 90% mọi người ở đây đều không biết Hiên Viên là ai. Hoàng Đế Hiên Viên là người mà Trung Quốc hiện nay coi là tổ tiên của họ, người bắt đầu lịch sử 5.000 năm của Trung Hoa. Thực ra Hiên Viên là vua của Hữu Hùng thị, tức là vua Hùng của người Việt. Hiên Viên là đọc sai đi của Hiển Vương, tương đương với Đế Minh trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng, vị vua tổ đầu tiên của người Việt. Đây mới là người hiện được tôn thờ là quốc tổ tại đền Hùng Phú Thọ.
Thật bất ngờ khi đúng trước ngày giỗ tổ Hùng Vương chúng ta lại đến ngôi đình giữa trung tâm thủ đô này để bái yết tưởng nhớ tới Hiên Viên Hoàng Đế Hữu Hùng. Giỗ tổ Hùng Vương là một truyền thống thiêng liêng lâu đời của nhân dân ta, thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn. Quá khứ không phải là điều đã qua và qua rồi là hết. Lịch sử một đất nước, một dân tộc như phần rễ cây chìm trong lòng đất, không nhìn thấy nhưng lại quyết định khả năng vươn cao của cây. Rễ có sâu, có to thì thân và cành lá mới xum xuê vững chãi. Nền văn minh chói ngời của cha ông một thời soi đường cho cả Thiên hạ là sức mạnh tinh thần to lớn thúc đẩy con cháu ngày nay xốc tới.
Có thể nói người Việt là một dân tộc có hiếu nhất thế giới. Trong gia đình chúng ta có ban thờ cha mẹ, thờ gia tiên. Ngoài làng nước chúng ta có đền miếu tôn thờ các vị anh hùng dân tộc, những tiền nhân có công có đức với cộng đồng. Tín ngưỡng thờ cúng của người Việt không hề là mê tín, mà đó là nét văn hóa độc đáo, có giáo lý chặt chẽ, có giá trị nhân văn sâu sắc.
Điển hình, là tín ngưỡng Tứ phủ công đồng với đầy đủ các phủ Thiên Địa Nhạc Thoải. Nhưng đây không phải thờ trời, thờ đất, thờ núi, thờ nước như nhầm tưởng. Thực chất của tín ngưỡng Tứ phủ là đạo thờ tổ tiên. Mỗi phủ có 1 vị vua cha và 1 vị thánh mẫu làm chủ quản. Đứng đầu Thiên phủ là Ngọc hoàng Thượng đế. Đây cũng là vị vua Hùng đầu tiên của người Việt mà truyền thuyết họ Hồng Bàng gọi là Đế Minh như nói trên. Kính thiên điện trên núi Hùng ở Nghĩa Lĩnh là điện thờ ông Trời Đế Minh.
Vị thánh mẫu của Thiên phủ là Mẫu Cửu trùng hay Cửu Thiên Huyền Nữ. Trong truyền thuyết Việt thì đây là Tây Thiên quốc mẫu, vị nữ thần núi Tam Đảo. Hai vị tiền tổ khai sử đã được tôn thờ đời đời là ông Trời bà Trời trong suy nghĩ tâm niệm của người Việt, được thờ ở khắp nơi, trong gia đình, làng xóm cũng như trong các đền miếu quốc gia.
Đứng đầu Thoải phủ Vua cha Bát Hải Động Đình không ai khác là quốc tổ Lạc Long Quân, người đã cùng 50 người con đi khai phá miền ven biển Đông. Còn Nhạc phủ Thần vương, vị thần chủ của Nhạc phủ là Tản Viên Sơn Thánh, vị tối linh thần đứng đầu các thần bất tử trên đất Việt, ngự trị ở miền núi Tản sông Đà với công lao dựng nước từ thủa hồng hoang… Như vậy, tất cả các nhân vật trong Tứ phủ công đồng đều là những con người thực sự có công khai dân mở nước từ 5.000 năm lịch sử.
Người Việt cũng không hề thờ “nhầm” các nhân vật của Trung Hoa trong các đền miếu còn tới nay. Ngọc Hoàng hay Cửu Thiên Huyền Nữ là những vị vua thời Hùng Vương. Khổng Tử thờ ở Văn miếu, Lão Tử hay Huyền Thiên Trấn Vũ thờ ở Đạo quán không hề là người “Tàu” như nhầm tưởng. Đạo Khổng (Nho giáo), đạo Lão đều là những kết tinh của nền văn hóa Việt từ thời cổ đại và thấm nhuần trong tinh thần của người Việt.
Nói về đạo Hiếu của người Việt không thể không nói tới câu chuyện Lang Liêu chế ra bánh chưng bánh giày, lấy lòng thành và trí tuệ của mình mà dâng lên tổ tiên, trời đất. Lang Liêu không phải ai khác mà chính là bà mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết, cùng các con đã khởi lập nước Văn Lang, lấy nền tảng đạo đức hiếu kính tổ tiên nhận mệnh trời mà gây dựng dòng giống Việt, dựng nên một triều đại huy hoàng với nền văn hóa trống đồng tỏa sáng trên toàn cõi Đông Nam Á và Hoa Nam (Lĩnh Nam).
Lịch sử Việt cùng những con người đã làm nên lịch sử 5.000 năm đó hiện đang bị bụi mờ của thời gian và nhân gian che lấp. Một thời gian dài văn hóa Việt bị đứt gãy khi nền văn minh duy lý của phương Tây tràn vào Việt Nam, thay đổi toàn bộ bộ mặt văn hóa từ chữ viết, trang phục, kiến trúc, kỹ nghệ… Sự thay đổi này đã làm cho người Việt ngày nay mất đi mối liên kết với quá khứ, với tổ tiên, dẫn đến những lệch lạc về văn hóa, nhân sinh trong xã hội hiện đại. Trong bối cảnh đó, nối lại dòng linh khí của tiền nhân Việt là việc làm vô cùng cần thiết.
Nhóm Đền miếu Việt gồm những người tâm huyết với đạo thờ tổ tiên trong dòng chảy văn hóa Việt hiện đang nỗ lực tìm tòi làm sáng tỏ công đức, sự nghiệp của các bậc tiền nhân được thờ cúng trong thần điện Việt, nối mạch giữa tín ngưỡng và lịch sử, nhằm trả lại giá trị chân xác cho tín ngưỡng căn bản của người Việt và tri ân đối với tổ tiên.

IMG_9016.JPGBức hoành phi Vạn thế vĩnh lại ở đình Kim Ngân.

Câu đối đình Kim Ngân:
日月箕裘長濟美
百藝祖傳永生香
Nhật nguyệt cơ cừu trường tế mỹ
Bách nghề tổ truyện vĩnh sinh hương.

Người đầu tiên xây thành nhà Hồ ở Thanh Hóa

Thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, nằm giữa 2 dòng sông Mã và sông Bưởi, là di tích đã được công nhận di sản văn hóa thế giới. Thành nhà Hồ thì hiển nhiên do nhà Hồ (Hồ Quý Ly) xây dựng. Nhưng nơi đây đã từng là hành cung hay một trị sở quan trọng của các triều đại từ trước đó. Ai là người thật sự đầu tiên đặt gạch nền móng để xây dựng thành tại khu vực này?

Dinh Phu LuuGian tiền tế đình Phù Lưu (Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Xung quanh khu vực thành nhà Hồ có nhiều nơi thờ vị thần tên là Cao Sơn đại vương. Như ở phía cổng Tây của thành nhà Hồ có đình Phù Lưu và đền Cao Sơn tại xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc). Còn ở phía Đông thành có phế tích đền Còng tại xã Vĩnh Hưng, cũng là nơi thờ Cao Sơn đại vương.
Cao Sơn là một vị thần được thờ khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo thống kê trong sách Thanh Hóa chư thần lục do bộ lễ triều Nguyễn soạn vào năm Thành Thái thứ 15 cho biết ở Thanh Hóa có tới trên 400 làng nơi thờ Cao Sơn làm thành hoàng trải dài ở hầu hết các huyện của tỉnh Thanh. Hiện nay ngay ở thành phố Thanh Hóa còn có một con đường lớn mang tên Cao Sơn.
Vậy Cao Sơn là ai, có công nghiệp như thế nào đối với xứ Thanh mà được tôn thờ rộng rãi như vậy?
Theo sách Thanh Hóa chư thần lục thì: Bản ngọc phả làng Yên Tôn Thượng ghi cụ thể về xuất thân vị thần tên huý là Hiển, ông đỗ tiến sỹ vào thời Tấn (thế kỷ 10), khi đó nước Việt ta bị phong kiến phương Bắc cai trị, tiến sỹ Hiển được điều sang cai quản vùng đất thuộc Thanh – Nghệ này nay. Khi qua núi An Tôn, nhận thấy vùng đất này là thắng địa, ông cho xây dựng ở chân núi một số công trình để thỉnh thoảng về nghỉ ngơi. Viên quan cai trị đã lập công to trong lần đi chinh chiến ở đất Đông Di. Ông mất năm 103 tuổi, tại núi Đại Liễn. Trang Bảo Thánh huyện Đông Thành, Nghệ An, Cao Hiển vốn là viên quan có học vấn cao, lại có lòng thương dân, nên ông được dân tôn vinh. Nhân dân vùng đất An Tôn thờ Ông, coi Ông như một vị thành hoàng bảo hộ cho dân làng. Các triều đại phong kiến Việt Nam đều có sắc phong thần cho Ông thuộc hạng Thượng đẳng tối linh với nhiều mỹ tự ca ngợi.

Bia An TônTấm bia An Tôn… năm Thành Thái thứ nhất đặt ở sân đình Phù Lưu.

Thần tích này cho biết Cao Sơn có tên là Cao Hiển, người Trung Quốc sang nước ta dẹp giặc Đông Di và đã cho xây dựng một số công trình ở vùng núi xứ Thanh.
Chỗ khác, như ở đền Còng (Vĩnh Hưng, Vĩnh Lộc) thì chép thần Cao Sơn ở vào thời Lý: vào khoảng năm Khánh Lịch (1041-1048) ông làm quan tới chức Thừa tướng kiêm trấn thủ các xứ Nghệ An, Thanh Hóa… Bỗng năm đó có giặc Đông Di (Cao Ly Triều Tiên ngày nay) nổi lên xâm chiếm đất đó, quấy nhiễu cướp đoạt dân cư. Nhà vua bèn sai ông ra quân dẹp giặc…
Thật không biết vị thần Cao Sơn này chính xác sống vào thời nào. Chỗ thì bảo là đời Tấn (thế kỷ thứ 10), chỗ lại là thời Lý nhưng dùng niên hiệu Khánh Lịch của nhà Tống. Thậm chí ông này còn đánh giặc Đông Di ở tận Triều Tiên??? Quãng thời gian thế kỷ 10 – 11 thì nước ta đã độc lập rồi, lấy đâu ra vị quan đô hộ nào của phương Bắc cai quản ở đất Thanh Hóa nữa?
Vị tiến sĩ tài ba cai quản đất Thanh Nghệ mang tên Cao Hiển Văn Trường này thực ra là Tiết độ sứ của nhà Đường Cao Biền. Tướng Cao Biền có công đánh dẹp quân Nam Chiếu, truyền tích gọi là giặc Đông Di, ở vùng Thanh Nghệ, chứ chẳng phải ở tận Cao Ly Triều Tiên. Nam Chiếu là quốc gia xuất phát từ Bắc Trung Bộ Việt (không phải từ Vân Nam như sử Tàu vẫn chép) chiếm lĩnh vùng Tây Bắc Việt, làm nhà Đường lao đao, phải cử Cao Biền làm tướng đánh dẹp. Việc Cao Biền tiến xuống phía Nam, đánh vào sào huyệt của Nam Chiếu ở Nghệ An đã từng được bàn trong bài trước về thần Cao Sơn Cao Các. Thanh Hóa là nơi Cao Biền cho xây hành cung, là một vị trí chiến lược trong yếu trong việc trấn giữ quân Nam Chiếu thời kỳ này.
Sự xuất hiện của Cao Biền và hành cung tại Vĩnh Lộc thời Đường được khẳng định bởi những khai quật khảo cổ thành nhà Hồ. Tại di tích này đã phát hiện nhiều viên gạch mang dòng chữ Giang Tây quânGiang Tây chuyên. Giang Tây là từ tương đương với tên gọi Tĩnh Hải mà Cao Biền là vị Tiết độ sứ đầu tiên của Tĩnh Hải quân. Gạch Giang Tây quân là loại gạch của Tĩnh Hải sứ quân Cao Biền.

Giang Tay quanGạch Giang Tây quân tìm thấy ở thành nhà Hồ
(nguồn ảnh https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/phat-hien-gach-co-nghin-nam-tai-thanh-nha-ho-2662936.html)

Cũng tại di tích thành nhà Hồ còn tìm thấy các viên gạch mang chữ Đại Việt quốc, nhưng lại không hoàn toàn giống như gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên dùng trong xây thành Hoa Lư và Thăng Long. Viên gạch ở thành nhà Hồ mang các chữ còn lại đọc được là Đại Việt quốc Nam bình 大越国南平. Gạch Đại Việt là loại gạch dùng xây thành dưới thời nước Đại Việt do Lưu Cung lập nên, chứ không phải thời Lý vì mãi tới năm 1054 vua Lý thứ 3 là Lý Thánh Tông mới đặt tên nước là Đại Việt và dùng gạch với niên hiệu Long Thụy Thái Bình.

Gach Dai Viet quocGạch Đại Việt quốc Nam bìnhtìm thấy ở thành nhà Hồ
(Nguồn ảnh https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/phat-hien-gach-co-nghin-nam-tai-thanh-nha-ho-2662936.html)

Hai lớp gạch Giang Tây quânĐại Việt quốc ở thành nhà Hồ như vậy tương đồng với các lớp gạch xây thành tại Hoa Lư. Đây là bằng chứng xác thực về một trị sở quan trọng liên tục từ thời Đường tới thời Đinh Lê tại địa bàn Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Các hiện vật thời Lý Trần cũng được phát hiện và trưng bày tại thành nhà Hồ như lá đề có hình rồng, phượng, gạch lát nền hoa dây, hình đầu thú đất nung,… Có thể thấy rõ đây là một trung tâm chính trị tồn tại liên tục bắt đầu từ khi Tiết độ sứ Cao Biền xây dựng vào thời Đường cho tới khi nhà Hồ chuyển kinh đô của cả nước về An Tôn và xây thành đá. Việc loại bỏ không trưng bày hay không tính tới các lớp di vật của thời Đường, thời Đinh Lê tìm thấy trong di tích làm hạn chế giá trị của di tích này và làm khuất lấp sự thực lịch sử về vai trò của các triều đại trước thời Trần Hồ khi xây dựng khu vực thành ở Vĩnh Lộc.

La de lechLá đề lệch hình rồng trưng bày ở khu thành nhà Hồ.

Sự hiện diện của Tiết độ sứ Cao Biền và hành cung thời Đường ở Vĩnh Lộc còn được ghi nhận trong một sự tích khác. Đình Hồ Nam tại xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc) cũng như nhiều ngôi đình, nghè ở khu vực xung quanh thành nhà Hồ hiện đang thờ vị thần là Quản Gia Đô Bác. Sách Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo chép về vị thần này như sau:
Buổi đầu, ngài giữ chức Quan Lang Thổ Tù ở đất Thiên Vực họ Trịnh, tên La (Ngọc phả ghi là Ra), là người thông minh mẫn tiệp, trung tín, truyền mãi danh thơm. Nhà ở xứ Long Xá, đời thế làm tù trưởng, có 3 anh em, 2 trai, 1 gái, trai trưởng là ngài, thứ là Tú, gái út tên là Thị Ba. Cả ba anh em dung mạo đẹp đẽ, dáng dấp khỏe mạnh, đĩnh đạc.
Vào thời gian vua Đường Ý Tông niên hiệu Hàm Thông bên Bắc Quốc (Trung Quốc), vua xuất trị thiên hạ sai Cao Biền giữ chức Đô Hộ sứ trấn giữ nước Nam. Khi đặt chân tới Nam Bang, Cao Biền mệnh xưng là Cao Vương đi kinh lý quan sát địa hình núi sông. Qua đất nhà Trịnh ở huyện Vĩnh Ninh, Cao Biền ngang qua nhà ông. Biền biết ông là người trung thực, bình định xong được Nam Chiếu, Cao Biền cho ông theo cùng về thành Đông Quan. Ông không quản mệt nhọc, một lòng theo hầu, chuyên tâm vào việc. Cao Biền cho ông là người hiền lành, tài đức, chịu khó nên rất mực yêu thương, bèn giao cho ông năm quyền quản lý kho của phủ và việc nhà. Ông làm việc chăm chỉ nên lại lập được nhiều công lớn. Cao Vương rất mực yêu mến tài của ông, ban cho Thạch Khố sứ quan, kiêm Quản Tri quan trung Nội Ngoại chư khố.
Ông lại cáo từ về quê. Cao Vương quý ông trung thành ban cho ông 500 quan tiền, vì thế mà trở thành người giàu có. Ông lại có tính thương xót kẻ nghèo khó, mọi người trong huyện ai nấy đều được ông ban phát.
Trước kia tổ phụ họ Trịnh có hiềm khích với người làng Vĩnh Thanh, có oán thù về đời thế từ lâu mà chưa phân giải được, người đó tên là Hà Lang… Khi thuyền gần tới phía bờ cát, ba anh em đang ngồi trên thuyền nhìn nhau, Hà Lang từ trong bờ đột nhiên xông ra phục kích, cả ba anh em đều bị hại… Xác trôi quanh quẩn ở đó 5 ngày, người nhà biết được báo tin cho Cao Vương. Cao Vương nhớ đến công lao, bèn cho an táng ở đỉnh núi Nhật Chiêu, sai người đắp thành mộ, lập đền thờ trên đó, lệnh cho nhân dân thờ phụng… Cao Biền phong cho ngài là Đương Giang Quản Gia Thần Vương…

Dinh Ho NamĐình Hồ Nam (Vĩnh Khang, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Cuối triều nhà Trần, khi họ Hồ tiếm ngôi vua đế, dời kinh đô từ về Tây Đô. Một đêm, mộng thấy một người khách lạ, mình mặc áo lụa mỏng, đầu đội bình đính, lưng thắt đai đen, đứng bái trước mặt tự xưng: Thần là Trịnh La, nối đời làm Tù trưởng, xin Cao Vương phong làm Thần vương, giúp dân quanh vùng được hưởng phụng thờ bảo vệ dân trong một vùng. Nay thiên hạ thái bình, nguyện xin đại vương bày rõ uy đức, chớ đem tai ương đến cho dân sinh. Nói xong không thấy đâu nữa.
Vua Hồ tỉnh dậy, mới biết là mình nằm mộng, liền chiêu gọi các phụ lão hỏi rõ đầu đuôi. Vua Hồ biết được quả rất anh linh, có ý giúp lập cơ vận nhà Hồ, bèn ban lệnh cho sửa chữa đền thờ, gia phong cho thần là Đương Giang Quản Gia Đô Bác Đại Vương.
Từ sự tích trên ta có bằng chứng rõ ràng về hiện diện của Cao Vương Biền tại đất Vĩnh Lộc. Hơn thế, khi đó tù trưởng hay thủ lĩnh địa phương tại đây là người họ Trịnh, đã theo Cao Biền làm quản gia. Có thể suy luận, người đã giúp Cao Biền xây hành cung tại Vĩnh Lộc chính là vị Quản Tri quan trung nội ngoại chư khố Trịnh La. Đó cũng là lý do tại sao sau đó khi vua Hồ dời đô về An Tôn đã gặp vị “thành hoàng” họ Trịnh này hiển mộng phù trợ.

2018-04-19Sơ đồ các điểm di tích trong khu vực thành nhà Hồ ở Vĩnh Lộc
(ảnh theo Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ).

Điểm đáng lưu ý khác là như thần tích cho biết họ Trịnh ở đất Vĩnh Lộc đã đời thế làm tù trưởng, từ thời Đường. Sau đó đến thời Lê vùng đất này lại có danh tướng là Trịnh Khả, công thần lập quốc của nhà Lê, cùng tham gia khởi nghĩa với Lê Lợi. Trịnh Khả có cha là Tổng chính (chánh tổng) của vùng Vĩnh Ninh. Tổ tiên trước làm quan triều Trần, có công bình dẹp giặc Nguyên. Như vậy, họ Trịnh trên vùng đất Vĩnh Lộc là thủ lĩnh của khu vực này suốt từ thời Đường tới thời Lê sơ. Sang thời Lê trung hưng lại nổi lên chúa Trịnh, cũng quê ở Vĩnh Lộc, là người nắm quyền điều hành quốc gia trong một thời gian dài.
Như thế rất có thể cội nguồn của các chúa Trịnh, tướng quân Trịnh Khả thời Lê đều bắt đầu từ vị Trịnh La, người xây thành đầu tiên tại đất Vĩnh Lộc dưới thời Cao Vương Biền. Đồng thời, hơn 400 nơi thờ thần Cao Sơn ở Thanh Hóa cũng chính là nơi thờ Cao Biền, vị Tiết độ sứ quân đầu tiên của đất Tĩnh Hải, người xây thành Đại La, Hoa Lư và thành ở Vĩnh Lộc.

Mối quan hệ giữa văn hóa xẻng đá lớn ở Quảng Tây, Trung Quốc với văn hóa tiền sử Bắc Việt Nam

Bài của PGS. TS. Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học. Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 2 (81) -2008

Đã từ lâu, dựa vào nhiều nguồn tài liệu khác nhau, các nhà khoa học nhân văn coi khu vực Nam Trung Quốc (Hoa Nam) là một bộ phận khăng khít của Đông Nam Á thời tiền sử. Dưới góc độ cảnh quan tự nhiên, vùng Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc cùng chung một hệ thống sinh thái. Đặc điểm này góp phần không nhỏ tạo nên những đặc trưng văn hoá gần gũi giữa hai vùng trong suốt thời tiền sử và sơ sử.
Bài viết này đề cập đến những chiếc xẻng đá lớn – một loại hình di vật văn hoá khảo cổ mà sự hiện diện của chúng là nguồn tư liệu quý giúp ta hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa chủ nhân văn hoá xẻng đá lớn Quảng Tây, Trung Quốc và cư dân văn hoá tiền sử Bắc Việt Nam.

1. Vào giai đoạn hậu kỳ đá mới, ở vùng phía nam tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hình thành một khu vực phân bố hàng loạt di tích khảo cổ mà đặc trưng văn hoá nổi bật là những chiếc xẻng đá lớn. Các nhà khảo cổ học Trung Quốc định danh cho chúng là những di chỉ xẻng đá lớn hoặc “văn hoá xẻng đá lớn”(1).
Đến nay, đã có hơn một trăm di tích tìm thấy xẻng đá lớn ở Quảng Tây. Ngoài Quảng Tây, giới khảo cổ học Trung Quốc mới chỉ tìm thấy loại di vật ở một số địa điểm thuộc tỉnh Quảng Đông và tỉnh đảo Hải Nam(2). Căn cứ vào mật độ phân bố của di tích cũng như di vật, người ta coi vùng Quế Nam (gần biên giới Việt –Trung) là nơi phát sinh, là địa bàn gốc của nền văn hoá xẻng đá này. Từ đây loại công cụ đặc trưng này được phát tán đi các nơi. Càng xa trung tâm, số lượng xẻng đá phát hiện càng ít.
Hầu hết các di chỉ xẻng đá lớn có đặc điểm phân bố trên sườn đồi gò thấp gần sông, ao hồ. Tầng văn hoá của các di chỉ này khá thuần nhất, dày từ 30cm – 60 cm. Di vật hầu hết là đồ đá. Ngoài loại xẻng đá chiếm tỷ lệ lớn, người ta còn phát hiện một ít công cụ như: rìu, bôn, cuốc, đá xuyên lỗ, bàn mài, v.v… Đồ gốm rất hiếm. Loại xẻng đá chủ yếu được chế tác từ loại đá có kết cấu hạt mịn, độ cứng thấp. Di vật thường có kích thước lớn với chiều dài trung bình từ 20cm – 30 cm, rộng từ 10cm – 20 cm, thân mỏng từ 1 cm – 3cm. Đây là những chế phẩm của cư dân có trình độ gia công chế tác đá cao.
Hiện nay, giữa các nhà nghiên cứu Trung Quốc có những ý kiến khác nhau trong việc phân chia loại hình công cụ xẻng. Có người chia làm 2 loại lớn, có người chia làm 3 loại lớn, có người chia làm 4 loại với nhiều tiểu loại hình khác nhau. Trong bài nghiên cứu về văn hoá xẻng đá lớn ở Quảng Tây trước đây, chúng tôi nhận thấy xu hướng hiện nay phần lớn các học giả tán đồng với ý kiến chia làm 3 loại lớn như sau(3):
– Loại I: Hai vai vuông góc hoặc hơi cong xuôi so với chuôi công cụ. Ở 2 cạnh bên là đường thẳng song song hoặc không song song thu nhỏ dần đến đầu lưỡi, lưỡi cong nhẹ, cân xứng (hình vẽ 1).
– Loại II: Hai vai vuông góc hoặc hơi cong xuôi so với chuôi công cụ. Phần vai chưa có mấu và khấc. Phần dưới vai dần dần cong lõm vào khiến cho góc vai thành một góc nhọn, đến giữa thì dần dần mở rộng ra, rồi thu vào thành rìa lưỡi cong (hình vẽ 2).
– Loại III: Hai vai cong xuôi, hoặc cong lõm. Phần đầu vai có mấu và khấc. Thân thắt eo và nở ra ở phần lưỡi giống như loại II (hình vẽ 3).
Đối với công dụng của loại di vật này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có tác giả cho rằng hầu hết xẻng đá là công cụ đích thực dùng để canh tác nông nghiệp. Có ý kiến cho rằng đại đa số xẻng đá không phải là công cụ thực dụng mà chỉ là khí vật liên quan đến lễ nghi nông nghiệp. Xẻng đá có kích thước càng lớn là tượng trưng cho vụ mùa bội thu(4). Có tác giả căn cứ vào hiện trạng các di vật xẻng được chôn dưới đất theo hình gần tròn để cho rằng xẻng đá là khí vật dùng trong nghi lễ tế Thần Trời và Thần Đất(5). Gần đây có tác giả cho rằng xẻng đá là vật tổ – biểu tượng sinh thực khí của đàn ông(6).
Ở địa điểm Đại Long Đàm huyện Long An, hoặc Trung Đông huyện Phù Tuy, các nhà khảo cổ Quảng Tây thu được những bằng chứng chắc chắn là những công xưởng chế tác xẻng đá. Điều này chứng tỏ đương thời đã có sự phân công lao động xã hội và những chiếc xẻng đá được dùng làm hàng hoá để trao đổi. Khi bàn về vấn đề tộc thuộc của chủ nhân văn hoá xẻng đá lớn, có tác giả cho rằng người Lạc Việt, mà hậu duệ trực tiếp là người Choang cổ Quảng Tây là chủ nhân sáng tạo ra nền văn hoá này(7).
Về niên đại, căn cứ vào một số niên đại C14 và các tài liệu liên quan, các nhà khảo cổ Trung Quốc cho rằng những di chỉ xẻng đá khu vực nam Trung Quốc chủ yếu thuộc di tồn văn hoá hậu kỳ đá mới có niên đại khoảng 5.000 năm cách nay và tồn tại dai dẳng đến giai đoạn Tây Hán (thế kỷ II sau CN ).

2. Cho đến nay, tài liệu khảo cổ học Việt Nam đã ghi nhận được 37 trường hợp tìm thấy loại di vật xẻng đá tìm thấy ở 7 tỉnh vùng núi phía Bắc và khu vực duyên hải đông bắc Việt Nam:
– Quảng Ninh (huyện Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, huyện Đông Triều, thị xã Hòn Gai): 11 chiếc (ảnh 1, 4)
– Lạng Sơn (huyện Lộc Bình): 5 chiếc
– Tuyên Quang (huyện Nà Hang): 5 chiếc (ảnh 5)
– Cao Bằng (huyện Trà Lình, huyện Hoà An) : 6 chiếc (ảnh 6)
– Bắc Kạn (thị xã Bắc Kạn): 2 chiếc
– Bắc Giang (huyện Yên Thế, huyện Lạng Giang): 7 chiếc (ảnh 7, 8)
– Hải Phòng (đảo Cát Bà): 1 chiếc.
Điều đáng chú ý là địa bàn phát hiện những chiếc xẻng đá này nằm trong khu vực phân bố của văn hoá Hạ Long, văn hoá Mai Pha, văn hoá Hà Giang và cũng là địa bàn sinh tồn chủ yếu của các nhóm cư dân Tày – Nùng cổ. Tại khu vực duyên hải đông bắc hầu hết các địa điểm phát hiện xẻng đá đều gần đường bờ biển. Đây là một đặc điểm phân bố cần ghi nhận.
Không có xẻng đá nào được tìm thấy trong quá trình khảo sát hay khai quật khảo cổ học do các nhà chuyên môn tiến hành. Thường thì chúng được phát hiện ở độ sâu trên dưới 1m và không có các di vật khác kèm theo. Trường hợp chiếc xẻng đá ở hang Eo Bùa do những công nhân phát hiện được khi đào phân dơi trong hang cùng với những công cụ ghè đẽo, mài lưỡi kiểu Bắc Sơn muộn. Hầu hết các xẻng đá được tìm thấy trong tình trạng tầng vị không rõ ràng. Đáng chú ý là những chiếc xẻng ở Lộc Bình, Lạng Sơn được phát hiện cùng với một số tiền đồng (chưa rõ niên đại), 5 chiếc xẻng đá ở Nà Hang, Tuyên Quang tìm được trong tình trạng xếp cụm lại dưới độ sâu 60 cm, không có di vật khác kèm theo. Hiện tượng này cũng giống ở địa điểm Đại Long Đàm, Quảng Tây.
Những chiếc xẻng đá lớn ở Việt Nam về kiểu dáng, chất liệu đá, kích thước và kỹ thuật chế tác hoàn toàn giống với những xẻng đá lớn ở Quảng Tây, Trung Quốc.
Đối chiếu 37 chiếc xẻng tìm thấy ở các địa phương nói trên với bảng phân loại xẻng đá vùng Quế Nam cho thấy chúng tương ứng với loại hình II và loại III. Có một số chiếc do gãy ở phần thân cho nên có thể xếp vào loại II hay III. Hiện chưa tìm thấy xẻng loại I.
Một trong những vấn đề thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu là nguồn gốc, xuất xứ của những chiếc xẻng đá này.
Cho đến nay, tại vùng ven biển Đông Bắc đã có gần 20 di tích tiền sử thuộc văn hoá Hạ Long và hoặc tiền Đông Sơn đã được khai quật hoặc đào thám sát, nhưng cũng không tìm thấy di vật xẻng đá nào, dù chỉ là mảnh vỡ. Trong thời gian gần đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật 2 di chỉ xưởng thuộc văn hoá Hạ Long tại vùng này. Đó là di tích Bãi Bến ở đảo Cát Bà và di tích Ba Vũng ở đảo Cái Bàu. Ngoài số lượng vô cùng phong phú những mũi khoan và mũi nhọn có kích cỡ nhỏ ra, chúng ta cũng chưa được rõ sản phẩm chủ yếu của những di chỉ xưởng này là gì. Nhưng có một điều chắc chắn là chúng không liên quan gì đến những chiếc xẻng đá mà ta đang đề cập đến.
Tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam, tình hình cũng tương tự như vùng ven biển Đông Bắc.
Theo các công trình nghiên cứu cho biết đến nay, trong các công xưởng chế tác đá hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí ở Việt Nam chưa tìm thấy những phác vật hoặc chế phẩm có kiểu dáng như vậy. Do vậy các nhà khảo cổ học Việt Nam đều thống nhất ý kiến khi cho rằng, những chiếc xẻng đá tìm thấy ở vùng núi và ven biển phía Bắc Việt Nam là sản phẩm của sự giao lưu trao đổi giữa các nhóm cư dân hậu kỳ đá mới – sơ kỳ kim khí Bắc Việt Nam với cư dân đương thời ở Quảng Tây. Văn hoá xẻng đá lớn Quảng Tây có ảnh hưởng nhất định đến các cư dân cổ vùng lân cận, trong đó có Bắc Việt Nam.
Do vị trí địa lý tự nhiên, có thể có nhiều đợt tiếp xúc nhiều chiều giữa chủ nhân văn hoá xẻng đá Quế Nam với cư dân văn hoá Hạ Long chủ yếu thông qua đường biển, với cư dân văn hoá Mai Pha (Lạng Sơn) qua đường sông Kỳ Cùng, với cư dân văn hoá Hà Giang qua đường sông Bằng, sông Gâm.
Xuất phát từ cách nhìn nhận khu vực Nam Trung Quốc và vùng phía Bắc Việt Nam là một khu vực lịch sử văn hoá có nhiều quan hệ tương đồng, rõ ràng mối quan hệ văn hoá giữa cư dân tiền sử Bắc Việt Nam và các cư dân khác ở vùng Nam Trung Quốc là không thể phủ nhận được. Bên cạnh những yếu tố văn hoá như các loại rìu bôn có vai có nấc, rìu một vai, thì với sự hiện diện của những chiếc xẻng đá ở đây càng khẳng định trong thời tiền sử, có sự giao lưu trao đổi trong nội bộ giữa các nhóm cư dân Lạc Việt Bắc Việt Nam với cư dân Lạc Việt cổ vùng Nam Quảng Tây.

Chú thích

  1. Ban huấn luyện văn vật tỉnh Quảng Tây (1978), Những di tồn văn hoá hậu kỳ đá mới ở vùng phía nam Quảng Tây, Văn vật số 9 (Tiếng Trung).
    Đồng Trụ Thần (1989), Khảo sát xẻng đá lớn Quảng Tây, Tạp san Bảo tàng lịch sử Trung Quốc, số 13-14 (Tiếng Trung).
  1. Khâu Lập Thành, Trịnh Tăng Khôi (1983), Những xẻng đá lớn phát hiện ở Áo Tây, Khảo cổ, số 9.
    Dương Thức Đĩnh (1986), Sơ bộ bàn về văn hoá thời đại đá mới Quảng Đông và những vấn đề liên quan, Nghiên cứu tiền sử, số 1-2, tr. 63-82 (Tiếng Trung).
    Tưởng Đình Du, Bành Thư Lâm (1992), Nghiên cứu xẻng đá lớn Quế Nam, Văn vật Phương Nam, số 1, tr.19-24 (Tiếng Trung).
  1. Trình Năng Chung (1997), Văn hoá xẻng đá lớn ở Quảng Tây, Trung Quốc và mối quan hệ với Bắc Việt Nam, Khảo cổ học, số 2, tr. 85-92.
    Trình Năng Chung (2005), Những xẻng đá lớn miền ven biển Đông Bắc Việt Nam: Tư liệu và nhận thức. Khảo cổ học, số 3 (2005), tr. 66-73.
  1. Triệu Thiện Đức (1991), Phân tích di tồn văn hoá đá mới lưu vực sông Tây Giang, Tập luận văn kỷ niệm 30 năm phát hiện di chỉ Hoàng Nham Động, tr. 160-171 (Tiếng Trung).
    Tưởng Đình Du, Bành Thư Lâm (1992), Nghiên cứu xẻng đá lớn Quế Nam, Văn vật Phương Nam, số 1, tr. 19-24 (Tiếng Trung).
  1. Trịnh Triệu Hùng, Lý Quang Quân 1991, Thử bàn về di chỉ xẻng đá ở Quế Nam, Quảng Tây, Khảo cổ và văn vật, số 3 (Tiếng Trung).
  2. Dung Đạt Hiền (2003), Tìm tòi mới về xẻng đá lớn khu vực Quế Nam, Văn Vật, số 2 (2003), tr. 66-68 (Tiếng Trung).
  3. Trịnh Triệu Hùng, Lý Quang Quân 1991, Thử bàn về di chỉ xẻng đá ở Quế Nam, Quảng Tây, Khảo cổ và văn vật, số 3 (Tiếng Trung).

Xeng da lon

 

Vị thần bất tử Không Lộ Lý quốc sư

Không Lộ thiền sư là một trong các vị thần bất tử của tín ngưỡng dân gian người Việt. Tuy nhiên các ghi chép và di tích còn lại về vị này lại thường lẫn lộn trong thân thế và tiểu sử của thánh, ít nhất có 2 xuất xứ được nói tới. Một là Dương Không Lộ ở Hải Thanh – Thái Bình. Hai là Nguyễn Minh Không ở Đàm Xá – Ninh Bình. Dương Không Lộ sinh vào thời Lý Thái Tổ, còn Nguyễn Minh Không sinh vào thời Lý Thánh Tông. Thêm vào đó, sự tích và công trạng của những vị này theo các ghi chép rất giống nhau và phạm vi di tích tín ngưỡng thờ 2 người này cùng tập trung ở khu vực Thái Bình và Nam Định. Do đó về xuất xứ của Không Lộ Lý triều quốc sư hiện vẫn còn đang rất nhiều tranh cãi. Trong quá khứ thậm chí đã từng có một vụ các cụ đồ địa phương ở Thái Bình tranh kiện nhau xem đức thánh Không Lộ là họ Nguyễn hay họ Dương. Cho đến nay trong giới học thuật những thảo luận về xuất xứ của Không Lộ thiền sư cũng vẫn còn chưa ngã ngũ.

IMG_1675Gác chuông đền thờ thánh Nguyễn ở Đàm Xá (Gia Viễn, Ninh Bình).

Bài viết này nêu một góc nhìn mới cho phép lý giải được sự tích khác nhau của Không Lộ thiền sư thông qua phân tích tín ngưỡng dân gian, mà trước hết là từ quan niệm về thần bất tử. Các vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt đã được xác định là những vị tu tiên đắc đạo, có phép cải tử hoàn sinh, trường sinh bất lão hoặc giáng sinh chuyển thể. Không Lộ thiền sư là vị thần bất tử hàng thứ tư trong quan niệm này.
Đứng đầu Tứ bất tử là Tản Viên Sơn Thánh với cây gậy thần đầu sinh đầu tử và cuốn sách ước diệu kỳ. Tản Viên được gọi là Thần Sư, đi khắp nơi lên rừng xuống biển, cứu giúp nhân dân. Điểm đáng chú ý trong sự tích về Tản Viên là Sơn Thánh đã khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán và cùng đi ngao du, tức là đi tu tiên. Tản Viên Sơn Thánh còn là vị thần đứng đầu trong các linh thần Việt.
Thần bất tử thứ hai là Chử Đồng Tử cùng công chúa Tiên Dung và Tây Sa. Với cây gậy và chiếc nón thần gia đình nhà Chử là những bậc thánh tiên cứu chữa bệnh cho nhân dân và một đêm đã bay về trời trên đầm Dạ Trạch. Chử Đồng Tử được tôn gọi là Chử Đạo Tổ, tức là một trong những vị tổ Đạo của người Việt.
Thần bất tử thứ ba là Đổng Thiên vương Huyền Thiên đại thánh, người đã có công giúp An Dương Vương trừ yêu diệt quỷ khi xây thành Cổ Loa. Huyền Thiên Đổng Thiên Vương đã được xác định là Thái Thượng Lão Quân hay Lão Tử, vị giáo chủ khai mở Đạo Giáo. Lão Tử vừa là người khởi đầu cho một tín ngưỡng tâm linh, vừa là một thầy thuốc chữa bệnh dịch cho dân ở miền Bắc Việt (thần tích gọi là diệt giặc Xích Tỵ).
Một trong những vị thần bất tử ở hàng thứ tư là Liễu Hạnh công chúa. Thánh mẫu Liễu Hạnh với ba lần tái thế đã trở thành vị giáo chủ của Đạo Mẫu và Tứ phủ. Điểm đặc biệt của sự tích Liễu Hạnh là bà có vẻ như không có công nghiệp gì lớn lao trong việc cứu dân độ thế, nhưng lại được tôn làm giáo chủ của Đạo Mẫu. Công nghiệp chính của Mẫu Liễu là ở việc đã đề xướng Đạo Mẫu, đưa vai trò của các nữ thần lên bậc thần quyền chính thức trong Tứ phủ.
Điểm qua 4 vị thần bất tử Thần Sư, Đạo Tổ, Lão Quân và Thánh Mẫu trên ta nhận thấy họ đều là các vị “giáo chủ”, mở đầu cho những đạo phái trong tín ngưỡng của người Việt. Đây cũng chính là ý nghĩa cơ bản của tín ngưỡng thờ thần bất tử, là thờ những vị tổ khai lập môn phái, mở đường cho đạo.
2 vị Không Lộ thiền sư và Từ Đạo Hạnh cũng được xếp ở hàng thứ tư trong các vị thần bất tử. Vận dụng nhận định mới phát hiện trên về ý nghĩa của thần bất tử có thể thấy Không Lộ và Từ Đạo Hạnh cũng phải là những vị sư tổ, có công gây dựng tông phái và được thờ như các giáo chủ của giáo phái.
Giáo phái của Không Lộ thiền sư có thể được gọi là phái Không Lộ. Đồng thời Không Lộ cũng là danh xưng của Giáo chủ giáo phái này. Với cách hiểu như thế thì sẽ thấy rõ, không phải chỉ có 1 vị Không Lộ thiền sư bởi vì chức Giáo chủ của giáo phái có thể là những người khác nhau đảm nhận qua các thời.

IMG_7074Đền Lại Trì ở Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình.

Nhận định này giúp giải quyết được khúc mắc về việc có tới 2 ngài Không Lộ như ở phần đầu bài đã nêu. Có thể sắp xếp như sau, Dương Không Lộ quê Thái Bình là vị tổ thứ nhất của giáo phái Không Lộ, xuất hiện vào quãng thời Lý Thái Tổ – Thánh Tông. Kế tục ông là Nguyễn Chí Thành, người quê Ninh Bình, làm giáo chủ Không Lộ phái vào thời Lý Nhân Tông – Thần Tông.
Câu đối ở đền Lại Trì (Vũ Tây, Kiến Xương, Thái Bình) nơi thờ Dương Không Lộ:
蹟顯李朝三出世
名尊真定四靈祠
Tích hiển Lý triều tam xuất thế
Danh tôn Chân Định tứ linh từ.
Dịch:
Dấu tỏ Lý triều ba thế xuất
Tên nêu Chân Định bốn đền linh .
Tam xuất thế” ở đây có thể chỉ Không Lộ, Giác Hải và Từ Đạo Hạnh, nhưng cũng có thể là chỉ 3 lần xuất hiện của Không Lộ thiền sư. Cũng vì chức danh giáo chủ Không Lộ là gồm các đời nối tiếp nhau, tức là khả năng tái xuất thế nhiều lần, nên Không Lộ được xếp vào hàng thần bất tử.
Một đạo phái được xác lập khi nó có đủ 3 yếu tố, gọi là Tam bảo. Trước hết là có giáo chủ là Không Lộ thiền sư như nêu trên. Thứ hai là có giáo lý thể hiện qua những tiêu chí và hành động của giáo phái. Thứ ba là có các tăng lữ hay đạo sĩ theo đạo này.
Giáo lý của phái Không Lộ vừa theo giáo lý nhà Phật lại vừa kết hợp với Đạo Giáo ở nước ta. Điều này thể hiện qua các tài phép “lục trí thần thông” của Không Lộ thiền sư như đi trên không, nổi trên nước… Các chùa nơi Không Lộ từng tu hành đều có tên Thần Quang tự, phần nào cũng nói tới sự thần bí (tính chất của Đạo Giáo) của vị thiền sư này. Lý triều quốc sư Không Lộ như vậy không chỉ là một Phật tử mà còn là một Pháp sư cao tay. Bia chùa Keo Hành Thiện ở Nam Định ghi rõ ông là một Đại pháp sư.

P1280468Hoành phi “Đại Pháp Sư” ở chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định).

Câu đối khác ở đền Lại Trì nêu công nghiệp của Không Lộ thiền sư:
法手濟群生徳是聖神心是佛
仙丹扶九鼎國留事業史留名
Pháp thủ tế quần sinh, đức thị thánh thần tâm thị phật
Tiên đan phù cửu đỉnh, quốc lưu sự nghiệp sử lưu danh.
Dịch:
Tài phép cứu chúng sinh, đức chính thánh thân tâm chính phật
Thuốc tiên giúp thánh thượng, nước lưu sự nghiệp sử lưu tên.
Đặc biệt, đạo Không Lộ có mức độ nhập thế rất cao so với các thiền phái của nhà Phật thể hiện trong việc Không Lộ chữa bệnh cho vua Lý và thực hành nghề đúc đồng. Nhận định Không Lộ là tên giáo chủ hay giáo phái giúp giải quyết khúc mắc về sự kiện Không Lộ thiền sư đã đúc An Nam tứ đại khí vì 4 đồng khí lớn được đúc vào các thời kỳ khác nhau. Đỉnh tháp Báo Thiên chắc chắn đã được làm dưới thời Lý Thánh Tông vì đã phát hiện những viên gạch Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo ở chân tháp, là niên hiệu của vị vua Lý thứ ba này. Tượng Phật Di Lặc chùa Quỳnh Lâm, chuông Quy Điền hoặc chuông Phả Lại, vạc Phổ Minh lại là ở những nơi khác vào thời gian khác. Nếu Không Lộ chỉ là 1 người thì không thể có chuyện lại tham gia đúc nên cả 4 đồng khí này.
Vì Không Lộ là tên giáo phái nên ở đây có thể hiểu là những đại đồng khí trên đã do giáo phái Không Lộ đảm nhận việc đúc nên ở các thời kỳ khác nhau. Như thế thì giáo chủ của giáo phái ở các thời gian đó cũng khác nhau, không phải chỉ là 1 người. Câu chuyện Không Lộ thiền sư đi sang Trung Quốc chở đồng đen về đúc chuông có lẽ muốn nói giáo phái này đã học được nghề đúc đồng tới mức thu hút hết tinh hoa của nghề này về nước ta. Không Lộ thiền sư được các làng nghề đúc đồng trên cả nước tôn làm vị tổ nghề.

IMG_6470Một số tháp Phật và gạch hoa thời Lý mới phát lộ ở Nam Định.

Câu đối đền Lại Trì về tứ đại khí nước Nam:
四噐容成南越地
一囊括尽北京銅
Tứ khí dung thành Nam Việt địa
Nhất nang quát tận Bắc Kinh đồng.
Dịch:
Bốn đồ chứa nên đất Nam Việt
Một túi gói hết đồng Bắc Kinh.

IMG_7017Gian thờ Dương Không Lộ ở đền Lại Trì.

Về giáo lý, có thể Không Lộ nghĩa đúng không phải là tài bay trên không của các vị thiền sư như vẫn nghĩ. Không Lộ là con đường của đạo Không. Thiền uyển tập anh còn lưu một bài thơ của Không Lộ thiền sư như một tâm yếu chú, như sau:
Đoán luyện thân tâm thủy đắc thanh
Sâm sâm trực cán đối hư đình
Hữu nhân lai vấn không không pháp
Thân tọa bình biên ảnh tập hình.
Dịch:
Rèn luyện thân tâm tựa nước thanh
Sân thênh cổ thụ tỏa sum cành
Có người xin hỏi nguồn Không pháp
Lưng dựa bình phong, bóng tựa hình.
Bài thơ có nhiều dị bản, nhưng câu “Hữu nhân lai vấn không không pháp” cho thấy rõ “phép” của Không Lộ thiền sư là “Không pháp”. Nó cũng là lời giải thích cho danh xưng Không Lộ của giáo chủ giáo phái này.
Giáo phái Không Lộ từng phổ biến chính ở vùng Nam Định – Thái Bình, với trung tâm là 2 ngôi chùa Keo ở 2 bên sông Hồng. Chữ Keo có thể nghĩa là Cả, là thủ lĩnh hay giáo chủ. Chùa Keo nghĩa là chùa Cả, trung tâm của giáo hội.

P1170499Gian ngoài chùa Keo Thái Bình.

Về tăng lữ của phái Không Lộ, có thể thấy các chùa thờ Không Lộ và Từ Đạo Hạnh thường ban đầu không có sư trụ trì như chùa Keo Hành Thiện, Keo Thái Bình hay chùa Đại Bi. Điều này nay có thể hiểu vì giáo phái của Không Lộ khác với Phật giáo chính dòng.
Điểm đặc biệt là ở các chùa thờ Không Lộ và Từ Đạo Hạnh tới nay còn lưu được nghi lễ hầu thánh bằng múa rối đầu gỗ, là các thánh tượng, đại diện cho giới tăng lữ của giáo phái này. Câu chuyện về các thánh tượng này có liên quan đến truyền tích Pháp sư diệt thần Xương Cuồng trong Lĩnh Nam chích quái. Vị pháp sư và các đệ tử của mình đã diệt được thần Xương Cuồng chính là Không Lộ thiền sư.

P1170531Các thánh tượng đầu gỗ ở chùa Keo Thái Bình.

Với đầy đủ tam bảo: giáo chủ, giáo lý và tăng lữ, rõ ràng phái Không Lộ có thể được coi là một Đạo, phổ biến và có vai trò lớn dưới thời Lý. Vua Lý cũng là đệ tử của giáo phái này (Lý Thần Tông là hóa thân của Từ Đạo Hạnh) và giáo chủ Không Lộ được tôn làm Lý triều quốc sư. Đây mới là tôn giáo chính của nước ta dưới thời nhà Lý.

Nghiên cứu cổ văn hóa sử Việt qua một ví dụ về Huyền Thiên Trấn Vũ

Nghiên cứu cổ sử khác với sử hiện đại ở rất nhiều khía cạnh. Trước hết là giai đoạn cổ sử Việt thường xuyên thiếu các thư tịch thành văn do chưa có văn tự, chưa có sử sách và nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam các ghi chép lịch sử đã bị hủy hoạ, bị bóp méo và tráo đổi. Thêm vào đó, các bằng chứng vật chất cũng thường hiếm có thể được lưu lại qua một thời gian dài cho tới nay sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc tàn phá. Chính sử Việt của giai đoạn cổ sử được bắt đầu biên soạn từ thời Lê do đó đều là các ước đoán của các sử gia trên cơ sở tư liệu ít ỏi của thư tịch Trung Quốc về đất Việt và phần nhiều là ghi nhặt, chắp nối từ các truyền thuyết dân gian. Điều này dẫn tới một mảng trống rất lớn trong việc xác định lịch sử thời cổ đại và tạo ra nhiều quan điểm rất đối nghịch nhau của các nhóm nghiên cứu khác nhau hiện nay về cùng một vấn đề cổ sử.
Nhóm Hùng Việt sử quán được hình thành cách đây hơn 10 năm, bắt đầu lập fanpage vào năm 2015, tới nay lượng độc giả đã lên hơn 1 vạn người. Nhóm gồm 2 tác giả chính và một số cá nhân hỗ trợ công tác thu thập tư liệu và biên soạn các bài viết một cách độc lập. Nghiên cứu của nhóm đối với cổ văn hóa sử Việt được phân biệt ở 3 lĩnh vực: sử quan, sử pháp và sử liệu. Bài viết sau sử dụng trường hợp về vị Huyền Thiên Trấn Vũ để minh họa cho sự phối hợp 3 lĩnh vực này để đạt được những đột phá mới đối với nghiên cứu cổ sử Việt.
1. Sử quan (góc nhìn lịch sử)
Quan điểm trước hết là nhìn nhận sử Việt là sử chung của cả dòng tộc Bách Việt, hay dân tộc họ Hùng ở thời cổ sử. Phạm vi lãnh thổ của Bách Việt là toàn bộ Đông Nam Á và Nam Trung Quốc, được xác nhận trong tư liệu về nước Văn Lang Bắc giáp Động Đình Hồ, Nam giáp Hồ Tôn, Đông giáp Nam Hải, Tây giáp Xuyên Thục.
Quan điểm này đồng thời phân biệt giữa Hán tộc và Hoa tộc hay Việt tộc, là 2 đại chủng khác nhau người Mongoloid và Mongoloid Nam. Người Hoa Hạ thời sơ sử chính là người Bách Việt của thời Chu Văn Lang. Do đó lịch sử Trung Hoa thời cổ là lịch sử Việt. Còn Hán tộc chung gốc với Mông Cổ, Kim Mãn, Hung Nô, không liên quan gì đến lịch sử Trung Hoa cổ đại, chỉ mới xuất hiện ở Trung Hoa từ sau Công nguyên.
Sử quan quảng đạt và mạnh bạo này cho phép lý giải một loạt những vướng mắc trong cổ sử Việt như chuyện Thánh Dóng ở Vũ Ninh đánh giặc Ân ở tận An Huy. Hay chuyện Huyền Thiên Trấn Vũ người đã giúp Thục An Dương Vương diệt trừ yêu quỷ, xây thành Cổ Loa là vị Lão Tử của nhà Chu Trung Hoa. Nước Văn Lang – Âu Lạc của cổ sử Việt là vương triều Chu trong Hoa sử mà được khởi đầu bằng cuộc chiến đánh Trụ diệt Ân của Chu Vũ Vương và thành Cổ Loa đánh dấu sự dời đô từ Tây sang Đông dưới thời Chu Bình Vương.
Với quan điểm Trung Hoa chính là Bách Việt thì chữ Nho (chữ tượng hình) cũng là chữ viết của người Việt cổ. Các văn tự, thư tịch Trung Hoa viết bằng thứ chữ ấy cũng là sách vở của người Việt viết về quá khứ của mình. Kinh Dịch cũng như Tứ thư Ngũ kinh Trung Hoa đều là di sản văn hiến Việt.
2. Sử pháp (phương pháp nghiên cứu)
Khi nhận định Dịch học là nền tảng của văn hóa Việt thì chính Dịch lý sẽ là chiếc chìa khóa để giải mã các thông điệp từ quá khứ Việt. Các Dịch tượng như các bộ số của Hà đồ Lạc thư, hệ thống Ngũ hành – Ngũ sắc, những định vị các quẻ của Bát quái,… là những hệ tọa độ địa văn hóa để có thể hiểu được các nhân danh, địa danh trong cổ sử Việt và Trung Hoa.
Ví dụ, Huyền Thiên trong Dịch lý nghĩa là phương Bắc (Huyền là màu chỉ hướng Bắc trong Ngũ sắc). Thêm vào đó chữ Sơn là quẻ Cấn, tượng trưng cho hướng Bắc cho nên Huyền Thiên Trấn Vũ trong tín ngưỡng Việt còn có tên Cao Sơn đại vương. Hơn nữa, số 1 của Hà thư là con số chỉ phương Bắc nên vị thần này còn được gọi là Tiêu Sơn Độc Cước (độc = 1).

IMG_6741 (2)Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở Thạch Bàn, Long Biên.

Đồng thời do sự khác biệt trong ngôn ngữ tạo bởi giữa tiếng nói và văn viết cùng với sự sai lệch do thời gian nên phương pháp về các biến âm trong ngôn ngữ cần được áp dụng linh hoạt. Điển hình là phép phiên thiết, một phương pháp mà người xưa dùng để ghi các âm không có chữ viết tương ứng (trường hợp của các âm Nôm, hoặc âm tiếng nước ngoài). Ví dụ: Phù Đổng thiết Phổng hay Bổng là tên của một trong tứ linh Hương Bổng Đổng Đằng.
Cũng vì sự cận âm giữa Phù Đổng/Bổng với Đổng nên trong bộ Tứ bất tử Việt vị trí thần bất tử thứ ba không phải là Phù Đổng Thiên Vương mà là Đổng Thiên Vương, tức Huyền Thiên đại thánh. Di tích thờ Đổng Thiên Vương thấy rõ nhất là ở làng Bộ Đầu (Thường Tín, Hà Nội) với pho tượng đất nung lớn của Huyền Thiên đại thánh đang giẫm lên giao long như tượng của Huyền Thiên ở Gia Lâm, Cổ Loa hay Quán Thánh.
Trên cơ sở Dịch lý và liên hệ ngôn ngữ cho phép định vị lại các địa danh của cổ sử Trung Hoa. Không gian diễn ra của lịch sử ấy không phải trên đất Trung Quốc ngày nay mà có nguồn gốc từ vùng Bắc Việt. Việc nhận đúng âm đọc của các nhân danh hay danh xưng các nhân vật cho những hiểu biết bất ngờ và chân thực hơn về công tích, hành trạng của các nhân vật này.
Phương pháp khác được vận dụng đặc biệt hiệu quả đối với cổ sử là phương pháp huyền sử như cố GS. Kim Định đã đề xuất. Truyền thuyết dân gian không phải là lịch sử với ngày tháng năm như sử hiện đại mà cần hiểu nó qua các thông điệp, các biểu trưng, các ẩn ý phong phú. Thời gian trong huyền sử không tính bằng năm tháng, bằng niên hiệu triều đại mà bằng các sự kiện quan trọng có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng và để lại dấu ấn sâu sắc trong tiến trình lịch sử.
Mỗi một nhân vật trong huyền sử không phải là 1 người mà là danh xưng của cả 1 triều đại nhiều đời cha truyền con nối. Mỗi một sự kiện được huyền sử lưu lại có thể ứng với một thời kỳ lịch sử nên ví dụ An Dương Vương là danh hiệu của một triều đại kéo dài có thể tới cả ngàn năm. An Dương Vương thế Hùng Vương là một sự kiện của vị vua đầu lập triều đại An Dương. An Dương Vương xây thành Cổ Loa lại là sự kiện xảy ra sau đó vài trăm năm của một vị An Dương Vương khác khi dời đô lập ấp. An Dương Vương thất thế cầm sừng văn tê bảy tấc đi ra biển lại là sự kiện của vị vua cuối cùng kết thúc triều đại này.
3. Sử liệu (tư liệu lịch sử)
Trong bối cảnh tư liệu thành văn hiếm hoi, hoặc hầu như không có của giai đoạn cổ sử thì truyền thuyết lịch sử lại là nguồn tư liệu hết sức đa dạng và phong phú cho nghiên cứu cổ sử. Việt Nam may mắn nhờ có nhân sinh quan đa thần và tục tôn thờ tổ tiên nên đã lưu giữ được rất nhiều những câu chuyện về quá khứ và tiền nhân người Việt qua các thần phả, thần tích ở các địa phương, trong mỗi làng xóm Việt.
Cùng với các thần tích là hệ thống các minh văn trên hoành phi, câu đối, văn bia và các tập tục lễ hội, hệ thống phân bố rất có quy luật của các di tích đình đền miếu mạo trên toàn miền Bắc. Nguồn tư liệu lịch sử phong phú này là vô giá cho nghiên cứu cổ sử một khi có được phương pháp huyền sử giải mã chúng phù hợp.
Ví dụ đôi câu đối về Lão Tử ở làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang) nay còn ghi rõ:
東周風雨是何辰別把清虚開道教
南越山河惟此地獨傳幻化作神僊
Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai Đạo Giáo
Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền ảo hóa tác Thần Tiên.
Dịch:
Mưa gió Đông Chu đây một thời, riêng giữ thanh hư mở Đạo Giáo
Núi sông Nam Việt chỉ đất đó, một truyền màu nhiệm tạo Thần Tiên.
Câu đối này xác nhận rằng Lão Tử là người đã khai mở Đạo Giáo dưới thời Đông Chu ở tại đất Nam Việt. Nói cách khác đất Nam Việt nơi có thành Cổ Loa chính là nước của thiên tử Chu của Trung Hoa.
Tư liệu vật chất không chỉ ở các di tích tín ngưỡng còn lại mà còn là các vật chứng về khảo cổ trong suốt giai đoạn lịch sử, từ những đồ ngọc, đồ đồng, tiền cổ có minh văn, các bia cổ, gạch ngói cổ… khi được phân tích đối chiếu với truyền thuyết và thư tịch cũng làm cho lịch sử Việt trở nên sáng tỏ từng bước một. Ngay tại phạm vi Cổ Loa đã tìm thấy những đồng tiền mang chữ triện Đông Chu và Tây Chu, là bằng chứng gián tiếp rằng đây là kinh đô xưa của nhà Chu.

Tien ChuHoàn tiền Đông Chu và Tây Chu thấy ở Cổ Loa.

Phạm vi soi chiếu của khảo cổ hẹp hơn lịch sử vì các cổ vật không biết nói. Còn lịch sử đến lượt mình lại hẹp hơn văn hóa vì văn hóa nói tới mối quan tâm của toàn xã hội. Vì thế các tư liệu khảo cổ chỉ có thể nói lên những thông điệp thật sự khi đặt nó trong đúng bối cảnh lịch sử. Và lịch sử chân thực luôn được thể hiện qua văn hóa cộng đồng. Văn hóa dân gian chính là sự kết tinh của lịch sử dân tộc nên bản thân nó là những chứng liệu cho lịch sử.
Áp dụng cách tiếp cận đa ngành hệ thống trên nhóm Hùng Việt sử quán đã có những kết quả đáng ghi nhận mang tính chất đột phá trong lĩnh vực cổ văn hóa sử, được tóm tắt trong 4 tác phẩm:

  • Sử thuyết Hùng Việt: đã xây dựng một sử thuyết cho giai đoạn từ thời sơ sử tới thời Lý lập nước Đại Việt thông qua việc so sánh, đối chiếu các sự kiện và nhân vật giữa chính sử Trung Hoa và truyền thuyết dân gian Việt. 18 triều đại Hùng Vương đã được xác nhận qua từng nhân vật và sự kiện, diễn biến kế tiếp nhau. Giai đoạn ngàn năm Bắc thuộc được nhìn nhận lại để định rõ triều đại nào là triều đại Việt thật sự, thời kỳ nào là thời kỳ người Việt bị xâm lược, đô hộ bởi Hán tộc phương Bắc.
  • Dịch học Hùng Việt: với phương châm “Nôm na là cha mách qué” Dịch học đã được khơi thông bằng các ngôn từ Việt (Nôm), chỉnh lý những mô hình của Dịch từ Hà Lạc, Can Chi, Ngũ hành Bát quái tới 64 quẻ chồng. Sách cũng xác nhận người Việt là chủ nhân đích thực của nền Dịch học phương Đông.
  • Bước ra từ huyền thoại: tập hợp các truyền tích dân gian theo dòng lịch sử cho phép nhận chân các nhân vật và các sự kiện lịch sử Trung Hoa và Việt. Cuốn sách là một “bản đồ” tâm linh cho các vị thần được tôn thờ với công tích và sự nghiệp được làm sáng tỏ từ góc nhìn lịch sử chân thật.
  • Văn minh Hùng Việt: văn hóa là kết tinh của lịch sử nên các văn vật, các biểu tượng và tín ngưỡng của người Việt đã được phân tích giải nghĩa, tìm ra nguồn gốc xác đáng khi có một góc nhìn lịch sử chân thực.

Bốn cuốn sách đề cập tới 4 trụ cột trong nghiên cứu cổ văn hóa sử Việt, là nền tảng cho việc phát triển, bổ sung, chỉnh lý bởi nhiều người, bởi công chúng, để qua đó lịch sử chân xác của Việt tộc có thể được phục dựng một cách rõ ràng. Lịch sử không phải của riêng ai. Các sử gia chép sử, còn nhân dân mới là người làm nên lịch sử.
Bài phát biểu trong buổi gặp mặt đầu xuân năm 2018 do Trung tâm tâm nghiên cứu lý học phương Đông tổ chức ngày 1/4/2018.
Bách Việt trùng cửu