Các quận trên đất Việt thời Tần

Tần Thủy Hoàng bản kỷ: Năm thứ 28 (năm 219 TCN), Thủy Hoàng đi về phía đông đến các quận và các huyện, lên núi Trâu Dịch, dựng đá cùng các nho sinh nước Lỗ bàn việc khắc vào đá để ca tụng công đức nhà Tần…

Tư liệu khác cho biết Lang Gia đài khắc thạch là bia đá có khắc chữ tiểu triện. Năm thứ hai mươi tám (năm 219 TCN), Thủy Hoàng nhà Tần đi tuần thú miền đông, đến núi Lang Gia, sai Thừa tướng là Lí Tư khắc bia đá này để ca tụng công đức. Trong đó đoạn văn như sau:
Ở trong sáu cõi đều là đất của hoàng đế. Phía tây vượt bãi cát Lưu Sa, phía nam đến tận miền cửa nhà quay mặt về hướng bắc. Phía đông có biển đông, phía bắc qua đất Đại Hạ. Nơi nào có vết chân người đi đến, không nơi nào là không thần phục.”

Lang Gia là nơi Thủy Hoàng cho khắc bia đá năm 219 TCN. Nơi đây Thủy Hoàng lại bàn chuyện với “các nho sinh nước Lỗ“. Phải chăng Lang Da thiết La = Lỗ?

Lang Gia cũng có thể là đất Dạ Lang. Khu vực người Dạ Lang gồm đất Vân Nam – Quí Châu – Quảng Tây.

Lang Gia còn là quê của đạo sĩ Yên Kỳ Sinh thời Tần. Chuyện về Yên Kỳ Sinh được một số từ điển Đạo giáo Trung Quốc hiện đại chép, đại thể như sau: Yên Kỳ Sinh người Phụ Hương, thuộc Lang Gia. Ông bán thuốc ở ven biển Đông Hải. Người đời gọi là Thiên Tuế Ông. Tương truyền khi Tần Thủy Hoàng đông du đã gặp ông, ban cho ông hàng vạn vàng ngọc. Ông bèn để tất cả lại nơi Phụ Hương đình rồi bỏ đi. Ông để thư lại cho Tần Thủy Hoàng đến tìm ông dưới núi Bồng Lai. Tần Thủy Hoàng mấy lần sai người ra biển tìm ông nhưng đều bị bão phải quay về. Bèn lập đền thờ ở Phụ Hương đình và hơn 10 nơi ven biển.

Một số nơi có di tích Yên Kỳ Sinh là núi Yên Tử ở Quảng Ninh Việt Nam, Ngọc Tích Các ở Bồ Giản thuộc Quảng Châu … Những di tích này cho thấy nơi Tần Thủy Hoảng gặp Yên Kỳ Sinh khi đi tuần du phía Đông là ở khu vực quanh bờ biển Đông. Quận Lang Gia thời Tần do vậy không thể nằm ở tận bán đảo Sơn Đông mà là phần đất Quảng Tây và Đông Bắc Việt ngày nay.

Tư liệu khác chép về chuyến Đông du khác của Tần Thủy Hoàng đi tìm chiếc đỉnh bị rơi khi chuyển cửu đỉnh của nhà Chu về Tần qua dòng Tứ Thủy gần Bành Thành: Thời điểm dừng lại tại Bành thành gần 30 ngày, (Tần Thủy Hoàng) khi đó lần lượt gặp mặt quận thủ 3 quận Tứ Thủy quận, Đông Hải quận, Lang Gia quận. Cuối tháng 6 từ Tam Xuyên quận rộng lớn trưng tập mười vạn hộ bách tính di cư tới 2 quận Lang Gia và Đông Hải.

Việc Tần Thủy Hoàng cho di cư 10 vạn hộ từ quận Tam Xuyên sang quận Lang Gia và Đông Hải có thể chính là vào năm thứ 33 (năm 214 TCN), khi “Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải, cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ.” (Tần Thủy Hoàng bản kỷ)

Như trong bia Lang Gia đài khắc thạch thì từ năm 219 TCN đất nhà Tần đã đến miền Bắc Hộ – miền Trung Việt Nam. Đất Giao Chỉ đã nằm trong đất nhà Tần từ lúc này. Vậy tại sao năm 214 TCN Tần còn phải đánh đất Lục Lương làm gì nữa?

Có thể thấy quận Tam Xuyên là đất nhà Chu đã bị Tần chiếm từ năm 256 TCN dưới thời Tần Chiêu Tương Vương. Cuộc chinh phạt đất Lục Lương (hay Dương Việt theo Nam Việt Úy Đà liệt truyện) vào năm 214 TCN của Tần Thủy Hoàng là cuộc di dân của quận Tam Xuyên sang phía Đông, xuôi theo dòng Tứ Thủy tới các quận Lang Gia và Đông Hải. Sau đó khu vực này được chia lập lại thành 3 quận Quế Lâm, Tượng Quận và Nam Hải.

Trên cơ sở các truyền tích và tư liệu trên có thể suy đoán:
– Quận Lang Gia là Quảng Tây + Đông Giao Chỉ, nơi có các di tích của Yên Kỳ Sinh người Lang Gia. Sau khi di dân Tần Thủy Hoàng đổi thành quận Quế Lâm. Thời Đường là đất Quế Hải hay Tĩnh Hải.
– Quận Đông Hải đổi thành Nam Hải. Thời Đường là đất Thanh Hải.
Que Tuong Nam
 Vị trí 3 quận nhà Tần lập trên đất Việt

– Tượng Quận là phần của quận Tam Xuyên cũ, gồm Vân Nam và Tây Giao Chỉ. Thời Đường là đất của Nam Chiếu.Một lý do khác cho việc Tần Thủy Hoàng di dân và đổi tên quận là việc nhà Tần dời đô về phía Đông Nam. Tần Thủy Hoàng bản kỷ chép:
Năm thứ 35 (205 TCN), sai làm con đường thông từ huyện Cửu Nguyên đến đất Vân Dương, đục núi, lấp các khe núi, nhờ vậy đường đi suốt và thẳng. Thủy Hoàng cho rằng ở Hàm Dương người thì đông mà cung đình các vua trước thì nhỏ nói:
– Ta nghe vua Văn Vương nhà Chu đóng đô ở đất Phong và Vũ Vương đóng đô ở Cảo, miền giữa Phong và Cảo là đô của đế vương.
Bèn sai xây cung để tiếp các triều thần ở phía Nam sông Vị….
Ở Quan Trung, số cung đến 300 cái, ở ngoài Quan Trung hơn 400 cái. Thủy Hoàng bèn sai dựng đá ở bờ biển Đông Hải thuộc đất Cù để làm cửa phía Đông của nhà Tần, nhân đấy dời 3 vạn nhà đến Ly Ấp, 5 vạn nhà đến Vân Dương, những nhà này đều được tha việc công dịch mười năm.

Ly Ấp có thể là Lâm Ấp (trong liên hệ “lâm ly”), chỉ đô ấp phía Nam. Nếu vậy thì Ly Ấp là quận trị của quận Quế Lâm đã lập trên đất Việt.

Vân Dương nơi Thủy Hoàng làm đường ra biển Đông hẳn là Dương Thành, tức là thành Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông ngày nay, hay quận Nam Hải thời Tần. Việc di 8 vạn hộ dân khi dời đô sang vùng đất “giữa Phong và Cảo” của hai nhà Chu như vậy hoàn toàn trùng với sự kiện đánh chiếm Dương Việt và lập 3 quận Quế Lâm, Tượng Quận và Nam Hải ở trên.

Sự kiện di dân và đổi tên 3 quận trên đất Việt thời Tần Thủy Hoàng như vậy cho phép nhận định lại thời điểm khu vực này bị Tần đánh chiếm. Vùng đất Tam Xuyên của nhà Chu đã bị chiếm dưới thời Tần Chiêu Tương Vương năm 256 TCN. Năm 214 TCN vùng này không bị đánh chiếm một lần nữa mà Tần Thủy Hoàng cho di dân và dời đô về phía Đông ra gần biển hơn, chia lập lại 3 quận lớn Quế Lâm, Tượng Quận và Nam Hải.