VĂN BIA ĐẠI TÙY-THỨ SỬ LÊ HẦU VÀ LỊCH SỬ VIỆT NAM THẾ KỶ 6-7

Bài viết Trần Trọng Dương. Văn bia Đại Tùy Cửu Chân – Thứ sử Lê Hầu và lịch sử Việt Nam thế kỷ VI-VII. Suối nguồn. Nxb Hồng Đức. 2014. tr.13- 72.

Tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn được giáo sư Đào Duy Anh phát hiện năm 1960 và ông đã công bố một bài nghiên cứu vào năm 1963. Tấm bia được tìm thấy tại đền thờ Lê Cốc (hay Lê Ngọc) làng Trường Xuân, xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Giáo sư Đào gọi là “bia cổ Trường Xuân”, học giả Trần Văn Giáp gọi là “bia đời Tùy”, nay chúng tôi gọi tắt là “bia Đại Tùy Cửu Chân” để tiện trình bày. Văn bia hiện đang lưu trữ tại khu trưng bày hiện vật giai đoạn Bắc thuộc (tầng 1) trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội. Tác giả bài văn bia này là Kiểm hiệu Giao Chỉ quận, Nhật Nam quận thừa, kiêm Nội sử Xá nhân, Nguyên Nhân Khí người ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc (xem chú thích 11 trong phần dịch). Văn bản được khắc vào năm Nhâm Dần, ghi niên hiệu đời nhà Tùy năm Đại Nghiệp thứ 14 (618). Từ năm 1960 đến năm 2012, văn bia này được coi là hiện vật văn hiến có niên đại sớm nhất tại Việt Nam [Đào Duy Anh 1963, Trần Văn Giáp 1969, Trịnh Khắc Mạnh 2008], trong đó có chứa nhiều sử liệu có giá trị không thấy được ghi nhận trong các bộ sử lớn của Trung Quốc và Việt Nam. Bài viết này sẽ tiến hành nghiên cứu về vấn đề văn bản học, sử liệu học của văn bia Đại Tùy để từ đó góp phần soi sáng những góc khuất chưa từng biết đến của lịch sử Việt Nam từ nửa sau thế kỷ thứ sáu đến đầu thế kỷ thứ bảy.

1. Một số vấn đề văn bản học của bia Đại Tùy Cửu Chân

Tấm bia Đại Tùy Cửu Chân có chiều cao quãng 152-153cm, rộng quãng 76-78 cm, dày 10,5cm. Tấm bia được làm bằng phiến thạch, nhưng trải qua gần 1.500 năm, đến nay chất đá đã bở thành nhiều lớp. Bố cục bia chia làm 3 phần: trán bia, thân bia và chân bia.
Phần trán bia (bi ngạch) được đẽo thành hình bán nguyệt cao 46 cm, diềm trán bia không đẽo góc vuông như các bia đời sau mà trực tiếp tạc lên đó hình đôi rồng liền thân , hai đầu rồng hướng sang hai bên cạnh bia, hướng miệng cắm vuông góc với mặt đất. Miệng rồng há, để lộ 4 cặp răng hàm bằng đều và hai chiếc răng nanh dài nhọn. Bờm rồng vuốt từ khóe miệng ra phía sau, áp sát theo thân rồng. Phía dưới cằm và trên môi trên chạm các tua râu bó sát đầu rồng. Phía trên đầu là lông mày tạc nổi, che phần hốc mắt phía trong. Ngay sau phần mày rồng, tai rồng và sừng rồng cũng kéo dài về phía sau áp theo khối thân. Riêng cuống tai dài bằng cả phần chính của tai. Giữa thân rồng có ba vạch khắc sâu. Cách tạc này cho thấy, bia được tạc khối chữ nhật trước, sau đó mới chém các cạnh mà chạm sâu vào thớ đá. Cách tạc này khiến cho hình mình rồng chính là phần trên cùng của trán bia (cả ở hai mặt, dù mặt âm không có chữ), bụng rồng ôm lấy phần không gian khắc chữ trên ngạch bia.

Phần chữ trên ngạch bia có thể khảo tả lại như sau. Trong phần bán nguyệt phía trong, còn lại trên trán bia, không gian được đặt ở chính giữa bởi một hình chữ nhật. Hình chữ nhật này được chia đều thành 12 ô vuông, và cách nhau bởi các gờ tự nhiên sau khi đã giật lòng tạo nét trong từng ô đó. Trong mỗi ô là một chữ triện khắc dương bản, là các chữ: 大隋九真 郡寶安道場之碑文. Các chữ này được sắp theo hàng dọc từ phải sang trái, gồm 4 hàng, mỗi hàng 3 chữ. Những phong cách mỹ thuật và thư pháp trên trán bia có thể cho phép đi đến nhận định rằng, tấm bia này giống như các văn bia đời Lục Triều khác hiện còn . Bia còn kỵ húy chữ “tùy”, nhà Tùy cho chữ “隨” có bộ quai xước (辶), trỏ việc chạy đi chạy lại long đong vất vả, nên mới dùng tự dạng “隋” . Từ tiêu chí mỹ thuật và văn tự học, có thể khẳng định, đây là một tấm bia nguyên bản có từ đời Tùy.

Phần thân bia cao 106 cm. Mặt bia nhiều chỗ đã bị bào mòn, nhiều chữ bị mờ không nhìn thấy chữ nữa. Bia không giật lòng, chữ viết được khắc trên mặt phẳng với trán bia. Phần phía dưới cùng bên tay phải của bia bị vỡ mất một miếng lớn, phía sau vỡ rộng hơn và cao hơn mặt trước. Dòng thứ nhất các chữ bị mất là “Nhân Khí soạn”, dòng thứ hai mở đầu bằng chữ “phù” và các chữ bị vỡ mất là “hỏa trạch”, dòng thứ 3 là chữ “dẫn” mở đầu, kết thúc là các chữ “kỳ hồi hướng phúc địa”, trong đó chữ “phúc địa” cũng đã bị vỡ mất. Mặt dương của bia có ba đường kẻ sọc, tạo thành 2 phần diềm bia nhỏ hai bên và ba không gian lòng bia dùng để khắc chữ. Hiện trạng văn bia chỉ còn đọc được khoảng 40-50 chữ. Song có thể đếm được văn bia có 26 dòng, mỗi dòng khoảng 38-40 chữ, viết bằng chữ chân (khải thư) . Dòng đầu tiên ghi lại tên bia, hết tên bia để quãng cách không gian, để phần cuối của dòng đó khắc tên và chức vụ của người soạn văn, dòng cuối cùng là tên người lập bia và niên đại dựng. Phần chân bia không rõ nguyên bản ra sao, còn hay mất. Chỉ thấy hiện vật trưng bày trong bảo tàng ngày nay được gắn liền trên một chân bia bằng bê tông! Trần Văn Giáp đoán có khả năng chân bia hiện vẫn còn ở địa phương [1969: 3]. Nhưng theo thông tin từ một số cán bộ văn hóa ở Thanh Hóa hiện nay, chân bia đã bị đem nung vôi vào quãng cuối những năm 1960. Bản rập của tấm bia mang số ký hiệu 20945 hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tiếc rằng bản rập có niên đại quá muộn nên cũng không có tác dụng nhiều cho việc giải độc tự dạng và khôi phục văn bản.

Văn bản còn lại nhiều chữ nhất đến nay còn giữ được là một bản sao của ông Chu Văn Liên, được thực hiện vào ngày mùng 9 tháng 4 năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nhâm Dần (1962) có tên là Tùy thì Đại Nghiệp bi văn, hiện cũng được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số ký hiệu VHv.2369, có ghi nhận ông Nguyễn Tấn Minh là người kiểm duyệt việc sao chép. Văn bản này chép lại một bản sao vào đời Nguyễn, vào ngày 26 tháng 02 niên hiệu Thiệu Trị (1842). Bản này dùng để giao cho xã Đồng Pho để phụng thờ, lưu chiểu .

Bản chép đời Thiệu Trị nguyên chép lại một bản khác cổ hơn do thân hào các xã Phù Liễn, Đồng Pho, Vạn Lộc, Hữu Bộc thuộc tổng Thạch Khê huyện Đông Sơn đã hội họp cùng nhau, rửa bia đọc chữ, rồi sao chép lại vào ngày 28 tháng 4 năm Vĩnh Khánh thứ 3 (1731). Các cụ ở Thạch Khê đời Thiệu Trị đã dựa trên bản này mà chép thành năm bản, một bản lưu lại đền thờ Lê Cốc ở Thạch Khê, bốn bản còn lại giao cho các xã Phù Liễn, Đồng Pho, Vạn Lộc, Hữu Bộc để thờ truyền đời . Cũng theo Đào Duy Anh, ông đã nộp bài văn bia đời Vĩnh Khánh cùng các thần tích về Lê Hầu và vợ con ngài, biếu cho Thư viện Khoa học Trung ương năm 1963. Nhưng đến nay, chúng tôi chưa tìm ra ký hiệu của các sách này .

Dựa trên các văn bản văn bia, bản rập, các bản sao còn lại, nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo dị, khôi phục và chú thích bài văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn này. Đầu tiên là bản in trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Tập 1, Từ Bắc thuộc đến thời Lý, Học viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện, Paris-Hà Nội 1998: 7-9). Năm 2000, phó giáo sư Trần Nghĩa công bố một bản chỉnh lý mới, kèm thêm các phần phiên âm khảo dị trong chuyên luận Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X (tr. 262-271). Đối chiếu tất cả các bản trên, chúng tôi thấy tình trạng văn tự của văn bản này như sau. Bài minh có 30 câu, mỗi câu 4 chữ, độ dài văn bản là 120 chữ, hiện chỉ còn đọc được 102 chữ. Toàn bài văn bia có độ dài 957 chữ, hiện đã mờ mất 246 chữ, chỉ còn đọc được 711 chữ.

Đến đây chúng tôi thấy có thể chia ra làm ba hệ văn bản của bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn như sau.
(1) Hệ 1: [1a] văn bản gốc văn bia tại Bảo tàng (niên đại tuyệt đối 618) > [1b] bản dập thác bản văn bia (niên đại bản dập đầu thế kỷ 20) > [1c] các bản ảnh ấn lại thác bản này trong Tổng tập văn bia Việt Nam (2009), Một số vấn đề về văn bia Việt Nam (2008), [1d] các bản ảnh điện tử chụp văn bia và thác bản văn bia của chúng tôi (chụp năm 2012) được in lại trong lần xuất bản này, [1e] bản ảnh điện tử chụp lại thác bản văn bia của Viện NC Hán Nôm (niên đại: XX-2000).

(2) Hệ 2: các văn bản ghi chép-giải độc văn tự của đời sau. [2a] Bản chép tay của các cụ lão nhiều địa phương thực hiện vào năm Vĩnh Khánh thứ 3, gọi là bản 1731 (đã mất); [2b] Bản chép tay lại bản này vào đời Thiệu Trị, ta gọi là bản 1842. [2c] Bản chép tay lại bản Thiệu Trị vào năm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nhâm Dần, ta gọi là bản 1962. Hai bản [2a] và [2b] chúng ta không có trong tay. Bản [2a] khả năng cao là không thể tìm lại được. Bản [2b] có thể sưu tầm lại ở địa phương. Chúng tôi chỉ có bản [2c] để làm căn cứ đối chiếu.

(3) Hệ 3: các văn bản phục dựng của các nhà nghiên cứu. Trước nay chỉ có hai bản làm theo hướng này. Đó là bản của nhóm Phan Văn Các – Claudine Salmon năm 1998 và bản Trần Nghĩa năm 2000. Các tác giả đã tiến hành phục dựng một số vị trí đã mất, và cũng đã có những thảo luận khác nhau ở từng trường hợp cụ thể. Các phương pháp mà các nhà khoa học đưa ra là tiêu chí văn bản học, văn tự học, ngữ nghĩa học. Song, về cơ bản, hai bản này tuy không phải là bản gốc, và nếu tính về thời gian thì đây là hai bản muộn nhất, nhưng với phương pháp làm việc khoa học, đây có thể coi là hai bản tốt nhất đầy đủ nhất hiện còn.

Chúng tôi tạm lấy bản của nhóm Phan Văn Các và Claudine Salmon làm bản nền, bản Trần Nghĩa làm bản đối chiếu. Cách làm như vậy là ngược so với các thao tác văn bản học truyền thống. Sở dĩ như vậy là vì bản văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn còn lại đến nay đã tàn khuyết, hư hại nặng nề. Hiện chỉ còn đọc được vài chục chữ. Tuy nhiên, với vài chục chữ này, chúng tôi vẫn coi đây như là một văn bản gốc đáng tin cậy nhất để đưa ra những nhận định khoa học cuối cùng cho những vị trí ở trong các văn bản thuộc hệ 2 và hệ 3. Ví dụ, các hệ bản số 3 và số 2 không có tên phụ của bia, nay dựa trên bản gốc [1a] chúng tôi bổ sung thêm dòng này ngay đầu văn bản, rồi tiếp đó mới đến tên họ chức danh người soạn bia.

Ví dụ thứ hai, trước đây các nhà nghiên cứu có cân nhắc về tên hiệu con trai trưởng của Lê Hầu. Nhóm Phan Văn Các nhìn trên văn bia thì các nét bút còn lại không cho phép nghĩ rằng đó là chữ “益”, nên tạm để khuyết, và xác định tên của nhân vật này là “[…] Tự”. Nay dựa trên văn bia bản [1a] và bản 1962 [1c] , chúng tôi đưa ra hai kết luận như sau. (I) Tự dạng mà nhóm Phan Văn Các để khuyết là chữ “益”, vì lối viết liên bút trong hành thư khiến cho các nét chấm trong phần trên của chữ “ích” bị liền thành hai nét ngang ( ). (II) Tên hiệu của nhân vật này là “Ích Từ”. Nguyên văn chúng tôi xin đánh máy lại như sau: 長子益慈嗣… Sở dĩ, có thuyết cho đó là Ích Tự (益嗣) vì đọc sót chữ “từ”. Đoạn trên có thể phân tích như sau: “trưởng tử Ích Từ” là chủ ngữ, “tự” là động từ vị ngữ trong câu. Rất tiếc là sau chữ “tự” bị mất mấy chữ, nên không rõ tân ngữ/ hoặc bổ ngữ đầy đủ là gì, nhưng ngay sau đó còn một số chức danh và quan trọng nhất là chức Nhật Nam thứ sử. Chúng tôi tạm dịch cả câu như sau: “con trai trưởng [của Lê Hầu] tên hiệu là Ích Từ, nối [chức cha trước đây…], làm Thái thú quận Nhật Nam, kiêm [Tuyên] uy Tướng quân”. Bản 1962 là bản cũng khá muộn, song được sao chép có chủ đích về khoa học và có người giám sát về văn bản học, nên tạm thời có thể làm một bản tham khảo, đối chiếu. Bản Phan Văn Các có phục dựng được một số chữ và quan trọng nhất là lần đầu tiên có một bản làm đúng theo thao tác văn bản học, và bản này còn có trên 50 chú thích về từ ngữ, khảo dị, biện luận văn tự học. Bản của Trần Nghĩa chỉ có khoảng 20 chú thích. Đây chính là lý do khiến chúng tôi không lấy bản Trần Nghĩa mà chọn bản phục dựng của nhóm Phan Văn Các làm bản nền.

Công việc lần này của chúng tôi gồm:
1. Khảo tả lại tình trạng và mỹ thuật văn bia như đã thực hiện ở đầu bài khảo cứu.
2. Tái lập một số chữ đã bị mất thông qua con đường văn tự học, thi vận học, ngữ nghĩa học.
3. Tiến hành chú thích bổ sung các khái niệm Phật học, Nho học, nhân danh, địa danh, chức quan.
4. Phiên âm, hiệu điểm (chấm câu), ngắt ngữ đoạn.
5. Và quan trọng nhất, lần đầu tiên văn bản văn bia này được dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên, vì số lượng chữ mất quá nhiều, cho nên bản dịch này chỉ mang tính chất phỏng đoán ở nhiều đoạn (được đặt trong ngoặc vuông […] ), riêng đoạn giữa tàn khuyết nặng nhất, nên có khi chỉ dịch đôi ba chữ lẻ, không thể dịch thành một ngữ đoạn, chỉ có phần bài minh còn khá đầy đủ nên chúng tôi dịch đúng văn vận, một số câu, chữ bị mất thì được chúng tôi phỏng dựng bằng phương pháp ngôn ngữ học và từ chương học cổ điển.
Về cách trình bày, mỗi chữ bị mất đều được ký hiệu bằng một ô vuông (cả ở phần chính văn Hán văn và phần phiên âm), các chữ bị mờ trên văn bia hoặc trên các bản sao được đoán đọc thì tự dạng tái lập cùng phiên âm, dịch nghĩa của các vị trí tái lập đó sẽ được đặt trong ngoặc vuông. Các chú thích được đánh số ở cả chính văn, phiên âm và dịch nghĩa.

2. Sự nghiệp Lê Hầu và lịch sử Việt Nam thế kỷ 6-7 qua sử liệu bia Đại Tùy Cửu Chân

Về nội dung, tấm bia Đại Tùy Cửu Chân đề cập đến một nhân vật lịch sử họ Lê, giữ chức Thứ sử ở quận Cửu Chân, ông từng trải các chức Ái Châu Thứ sử, Đô đốc Ái-Đức-Minh-Lị-Hoan chư quân sự vào thời nhà Lương, sau giữ các chức Thường thị Uy vũ Tướng quân, Cửu Chân thứ sử, tước Mục Phong hầu. Cho nên, ông còn được Nguyên Nhân Khí gọi là Lê Hầu, Lê Thứ sử hay Sứ quân Lê.
Bài văn bia ghi lại việc Lê Hầu dựng đạo tràng Bảo An (chùa Bảo An) tại quận Cửu Chân. Như truyền thống dựng chùa tháp và lập bi văn, chúng ta có thể thấy, Lê Hầu chính là hưng công hội chủ để xây dựng chùa này. Sau khi dựng chùa, ông đã mời Nguyên Nhân Khí viết văn bia, khi đó ông này đang giữ các chức Kiểm hiệu Giao Chỉ quận, Nhật Nam quận thừa, kiêm Nội sử xá nhân. Xét về chức quan, thì Lê Hầu giữ chức vụ cao hơn Nguyên Nhân Khí. Nguyên Nhân Khí có lẽ khi đó ít tuổi hơn, nhưng vì là người “thông minh mẫn tiệp”, giỏi văn chương và hiểu sâu về đạo Phật, nên đã được Lê Hầu nhờ soạn minh văn. Nguyên Nhân Khí là người Bắc, đến làm quan tại Nhật Nam, là em trai của Nguyên Huy – một người đang rất được trọng vọng ở triều đình nhà Tùy thời bấy giờ (cụ thể xem chú thích 11 trong phần dịch văn bia ở sau). Việc Lê Hầu nhờ Nhân Khí, hẳn thấy được sự quan hệ ở tầm cấp cao của hệ thống chính quyền thời bấy giờ. Lê Hầu trước đó hẳn đã nghe được văn tài cũng như thưởng đọc các tác phẩm của Nhân Khí, nên mới giao trọng trách này cho ông. Và ta biết, bài văn bia này cũng là tác phẩm văn chương duy nhất còn lại của Nguyên Nhân Khí. Qua lời văn bia, ta có thể thấy phần nào văn tài cũng như học vấn về Phật giáo của nhân vật này:

夫 法理靈符,非世智之可求;
法性幽深,豈石言之所測。
故 梵魔之境,猶為化城;
三界之間,方稱火宅。
Phù,
Pháp lý linh phù, phi thế trí chi khả cầu;
Pháp tính u thâm, khởi thạch ngôn chi sở trắc.
Cố,
Phạm ma chi cảnh, do vi hóa thành;
Tam giới chi gian, phương xưng hỏa trạch.

Tạm dịch sang văn vần:
Ôi,
Pháp Phật thiêng liêng, trí tuệ thế gian há thửa cầu.
Pháp tính thâm sâu, lời nói của trời khôn đoán hết.
Nên,
Cảnh Phạm thiên, còn là hóa thành
Chốn tam giới, cũng là nhà lửa.

Quay trở lại với nội dung tấm bia, chúng ta thấy, văn bia này còn ghi lại nhiều địa danh hành chính cổ vào nửa sau thế kỷ 6, đầu thế kỷ 7, như quận Giao Chỉ, quận Nhật Nam, châu Đức, châu Ái, châu Lị, châu Minh, châu Hoan, huyện Cửu Chân, quận Cửu Chân, quận Nam, huyện Vệ An, Giao Chỉ và một số khe động ở quận Cửu Chân. Những mảnh chữ rời còn sót lại như vậy ít nhiều cho phép chúng ta mường tượng các cấp hành chính vào thời này. Khe và Động có khả năng là những đơn vị cư dân bản địa, hẳn sẽ có tên nhưng không thấy chép trong văn bia hoặc đã mờ mất, chỉ biết Lê Hầu từng đem ân đức tưới tắm ở các khe động này, khiến nhân dân đều an cư lạc nghiệp ([ân] toại phú dân) mà tôn sùng ông, theo về với ông.

Người đầu tiên nghiên cứu về Lê Ngọc/Lê Hầu là Le Breton, ông cho rằng Lê Ngọc là Đô hộ Giao Châu (sic), là người đã dựng một quốc gia riêng và đóng đô ở Trường Xuân (Cửu Chân), sau đó ông chia các vùng lãnh thổ cho các con. Con cả Ích Trí (sic) được giao trị nhậm ở Cửu Chân, con thứ hai là Trung Quốc được làm Tả Quốc, con gái Tưng Liệt (sic, có lẽ là Trung Liệt – TTD chú) được trấn ở Đông Kinh. Sau đó, gia tộc của Lê Ngọc đã bị nhà Đường đánh lui về Cửu Chân, rồi bị tiêu diệt. Ông cho rằng thời đại của Lê Ngọc tồn tại từ năm 612 đến năm 619 [Le Breton 1924: 29]. Tuy nhiên, học giả người Pháp lại không thấy dẫn sử liệu nào từ văn bia, ông cũng không nhắc đến sự tồn tại của bia này. Theo phán đoán của chúng tôi, ông đã chủ yếu dựa vào thần tích.

Năm 1960, giáo sư Đào Duy Anh đã trở về Thanh Hóa khảo sát thực địa. Trong chuyến điền dã này, ông đã phát hiện ra tấm bia Đại Tùy Cửu Chân tại Trường Xuân. Sau đó, giáo sư Đào Duy Anh đã kết hợp với các tư liệu thần phả sưu tầm được tại địa phương và xác định rằng Thứ sử Lê tên thật là Lê Cốc hay Lê Ngọc, tổ tiên làm quan đời Tấn ở Trung Quốc và được phong hầu, đến đời Lương thì đã trải được ba đời, đều được phong hầu cả. Đến đời Tùy thì Lê Hầu được bổ làm Tuyên Uy Tướng quân, Nhật Nam Thái thú, đến niên hiệu Đại Nghiệp thì đổi làm Cửu Chân Thái thú [Đào Duy Anh 1963: 27]. Những nghiên cứu của Le Breton và Đào Duy Anh sau đó được một số nhà nghiên cứu như Trần Quốc Vượng , Lê Cường [2007: 83] kế thừa. Những nghiên cứu trên tưởng đã khép lại về một nhân vật lịch sử vào cuối thế kỷ 6 – đầu thế kỷ 7. Thế nhưng, điểm đáng ngạc nghiên nhất mà khi chúng tôi thực hiện nghiên cứu này, là sau hơn 50 năm phát hiện, bia Đại Tùy Cửu Chân chưa từng được bất kỳ học giả nào tiến hành dịch chú, và lạ hơn nữa là chỉ có một vài thông tin trong tấm bia này được các nhà nghiên cứu khai thác, còn phần lớn các sử liệu về Lê Ngọc chủ yếu lấy từ… thần tích. Ví dụ: tên chức Đô hộ (có từ đời Đường về sau), tên con trai cả là Ích Trí (chứ không phải Ích Từ như văn bia), rồi Ích Trí được giao trị nhậm ở Cửu Chân (thay vì Thái thú Nhật Nam như văn bia), rồi con gái út là Trung Liệt trấn ở Đông Kinh (một địa danh rất muộn về sau này, thuộc miền Bắc),… Vì thế, những khảo cứu giới thiệu dưới đây, sẽ đưa ra một tình hình khác về Lê Ngọc so với những công trình trước đây.

Theo như văn bia Đại Tùy Cửu Chân, gia tộc họ Lê đến thời Lê Hầu là đã “ba đời tự lập” (tự vị tam đại) . Tổ tiên Lê Hầu vào đời Tấn, nhân loạn Vĩnh Gia (xem giải thích trong phần chú thích văn bia) nên đã chạy về phía Nam lánh nạn. Thân sinh của ông có khả năng đã làm Thứ sử Triều Châu kiêm [Tổng quản] Tướng soái. Sau đó, đến đời nhà Lương, Lê Ngọc mới chuyển về vùng phên dậu biên viễn phía Nam, giữ các chức Thứ sử Ái Châu, rồi Thứ sử quận Cửu Chân đồng thời kiêm luôn các chức Đô đốc Ái-Đức-Minh-Lị-Hoan ngũ châu chư quân sự, Thường thị Uy vũ Tướng quân. Việc các viên quan đứng đầu các châu quận đồng thời nắm luôn quyền quân sự là điều có thể hiểu được. Những thông tin ở trên cho phép đi đến nhận định rằng Lê Hầu đã chuyển đến làm quan và lưu trú tại Giao Châu cho đến khi ông mất, tức là thời gian lưu trú của ông ở Cửu Chân trên dưới 60 năm (xem giải thích thêm về tuổi tác của Lê Hầu tại chú về “Hữu Lương” trong phần chú thích). Như vậy, ông đã trị nhậm qua bốn triều đại là Lương (502-557), Trần (557-589), Tùy (581-618) và Đường (618-907). Văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn cho biết đời Lương, Lê Hầu giữ chức Ái Châu thứ sử kiêm Đô đốc quân sự năm châu Ái-Đức-Minh-Lị-Hoan. Cả giai đoạn nhà Trần, không thấy chép ông giữ các chức gì. Chỉ thấy đến đời Tùy ông vẫn giữ chức tướng quân, làm Thứ sử các quận châu, được ban Thường thị Uy vũ tướng quân và vẫn nhậm Ái Châu Thứ sử. Từ đời Lương ông đã được phong tước Mục Phong hầu, đến đời Tùy ông vẫn ở tước đó, không được tấn phong thêm.

Với một bề dày trên chính trường, trải giữ nhiều chức vụ tại Cửu Chân trong quãng 60 năm, Lê Hầu đã có những quan hệ mật thiết với tầng lớp quan lại ở khắp các nơi từ Ái Châu đến Nhật Nam. Chính vì lẽ đó, trong văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận, chúng ta còn thấy một số các chức vụ quan lại ở một số nơi, ví dụ như Bằng Thừa Tự là Huyện lệnh huyện Cửu Chân. Thông tin này cho thấy, Bằng Thừa Tự là một viên quan dưới cấp của ông. Vào thời ông làm Thái thú quận Cửu Chân thì lị sở có khả năng là huyện Cửu Chân. Ngoài ra, còn có Huyện lệnh huyện Vệ An, hiện cũng chưa rõ huyện Vệ An ở đâu, và vị huyện lệnh này tên là gì, song có lẽ địa danh hành chính này cũng nằm đâu đó trong vùng đất Cửu Chân mà thôi.

Theo như nghiên cứu của giáo sư Đào Duy Anh, khi làm Nhật Nam Thứ sử, Lê Hầu đã lấy một người vợ ở đất Nhật Nam (Nghệ An ngày nay), sinh được ba người con trai và một con gái [Đào Duy Anh 1963: 27]. Qua tư liệu văn bia Đại Tùy Cửu Chân, chúng tôi thấy có nhắc đến con trai cả của ông tên là Ích Từ. Theo các tư liệu thần phả và các nghiên cứu của Le Breton và Đào Duy Anh, thì con trai trưởng của Lê Hầu hiệu là Ích Trí, tục gọi là đức Thánh Cả, con trai thứ hai là Trung Quốc, tục gọi là đức Thánh Hai, con thứ ba hiệu là Tham Xung được gọi là đức Thánh Lưỡng, vợ và con gái của ông không rõ tên nhưng thần hiệu là Tam Giang Trinh Liệt Thần Mẫu và Liệt Nữ Công Chúa [Le Breton 1924: 29; Đào Duy Anh 1963: 22]. Trên bia Đại Tùy Cửu Chân, đoạn nhắc đến trưởng nam Ích Từ còn thấy chép một số chức vụ như [Tuyên] uy Tướng quân, Nhật Nam Thái thú. Chưa nhà nghiên cứu nào trước đây nhắc đến chi tiết này. Chúng tôi tạm đưa ra giả thuyết rằng, khi Lê Hầu làm Thái thú quận Cửu Chân thì con trai cả của ông đồng thời giữ chức Thái thú quận Nhật Nam kiêm [Tuyên] uy tướng quân. Điều này lý giải vì sao, Nguyên Nhân Khí – một viên quan dưới quyền của Lê Ích Từ được mời viết minh văn cho bia Trường Xuân.

Đặt trong hệ thống các sử liệu trước nay về giai đoạn này, chúng tôi thấy văn bia Đại Tùy Cửu Chân đã góp thêm một số sử liệu bổ sung cho diện mạo chính trường Giao Châu giai đoạn này như sau. Khi Lê Hầu mới sinh (quãng năm 535-540, có lẽ sinh ở Triều Châu) , Lý Bôn đánh Thứ sử nhà Lương là Tiêu Tư. Năm 546, Thứ sử Giao Châu là Dương Phiêu đánh bại Lý Bôn ở thành Giao Ninh, năm sau Lý Bôn bị chém đầu [Lương thư q3, chuyển dẫn Đào Duy Anh 1963: 23]. Quãng những năm 550-557, khi đang ở độ tuổi khoảng từ 20-25 tuổi, Lê Ngọc giữ chức Ái Châu Thứ sử, Đô đốc quân sự năm châu. Đến năm 557, nhà Lương mất, nhà Trần lập quốc. Trong quãng từ năm 557-602, Lê Ngọc có khả năng vẫn trấn giữ đất Ái Châu. Trong khi, chính trường có nhiều biến động. Sách Trần thư chép, năm 558, nhà Trần sai Âu Dương Ngỗi đem con em là Thứ sử Giao Châu Thịnh đi đánh Chu Địch ở phía Bắc Ngũ Lĩnh. Sách Trần thư không hề chép thêm một chi tiết nào về Giao Châu giai đoạn này, mà chỉ chép các thông tin về vùng Quảng. Việt sử lược chỉ ghi chép một số biến động chính trị như sau. Thời Vũ Đế nhà Lương, có Trần Bá Tiên đã dẹp được Lý Bôn nên được giao làm Binh uy Tướng quân, Thứ sử Giao châu, rồi được gọi về Bắc. Đến năm 602, Lưu Phương làm Hành quân Tổng quản đánh Phật Tử ở thành Việt Vương và Đại Quyền ở Long Biên. Trong khoảng niên hiệu Đại Nghiệp (605-616) đời Tùy Dạng Đế vì Lâm Ấp làm phản nên vua nhà Tùy đổi Nhật Nam làm Hoan Châu, dùng Lưu Phương làm chức Hoan đạo Hành quân Tổng quản để đánh Lâm Ấp. Đánh xong, Lưu Phương khắc đá ghi công rồi trở về. Giữa đường bị bệnh mà chết. Năm 622, vua Cao Tổ nhà Đường trao cho Khâu Hòa (người Lạc Dương) chức Đại tổng Quản, tước Đàm quốc công, Hòa lại tâu xin đặt chức Đô hộ Phủ chúa. Những sử liệu trên cho thấy, những vùng đất có biến loạn, buộc các quan tướng triều Tùy đến đánh dẹp là thuộc phạm vi quận Giao Chỉ (tương ứng Bắc Bộ) và Lâm Ấp, không thấy có đoạn nào ghi chép về việc chinh phạt quận Cửu Chân do Lê Hầu trấn giữ trong quãng 60 năm.

Như vậy, khoảng thời gian từ những năm 557 đến năm 622, cả một vùng rộng lớn của quận Cửu Chân và quận Nhật Nam đều không thấy xuất hiện một dòng nào về việc chiến tranh tranh giành quyền lực với các thế lực phương Bắc. Điều ấy chứng tỏ rằng, Lê Hầu cùng với các con và thuộc tướng của mình đã tiến hành các phương thức chính trị hiệu quả. Một mặt, ông vẫn có những ứng xử mềm dẻo với chính quyền phương Bắc – để không bị nghi ngờ là kẻ có âm mưu làm phản. Mặt khác, đối với các thế lực quân sự tại quận Giao Chỉ, ông dường như “án binh bất động”. Tức là, ông chỉ chăm chú vào việc cai quản địa hạt của mình, và không tham gia vào các hoạt động tranh giành quyền lực của các thế lực địa phương. Về mặt ngoại giao, Lê Hầu trong khoảng 60 năm trải giữ các chức vụ quan trọng nơi vùng biên ải (Nhật Nam Thái thú, và Cửu Chân Thái thú) tiếp giáp và gần kề nhất đối với Lâm Ấp. Nhưng khi Lâm Ấp tỏ ra không thần phục ông cũng không khởi phát một cuộc chiến nào. Những việc chinh phạt ấy, dường như ông đã “đẩy” hết về các lực lượng của phương Bắc. Cuộc chinh phạt Lâm Ấp của Lưu Phương năm 605 hẳn đằng sau phải có bàn tay hậu thuẫn của các Thứ sử địa phương – Lê Hầu và Lê Ích Từ. Nhưng, những sử liệu hiện còn không thấy chép hai cha con ông có trực tiếp tham gia vào bất kỳ một trận tuyến nào. Văn bia chỉ ghi các hoạt động quân sự của Lê Hầu chủ yếu là huy động cơ binh để giữ an ninh trong phạm vi lãnh thổ. Đó là một sự khôn ngoan, sáng suốt đủ để an định cuộc sống của nhân dân và không làm hao tổn binh lực của bản quận, cũng như quyền lợi gia tộc. Có thể nói, Cửu Chân-Nhật Nam dưới thời của cha con Lê Hầu-Lê Ích Từ là một vùng đất thái bình, thịnh trị. Cho nên, Nguyên Nhân Khí trong văn bia Trường Xuân mới ca ngợi ông là “Lê hoàng” (vua Lê) của vùng đất này. Tên tước Mục Phong hầu dành tặng cho ông hẳn cũng vận đúng vào con người của ông.

Văn bia và những sử liệu không cho biết ông mất khi nào. Theo thần phả mà giáo sư Đào Duy Anh khai thác, sau khi nhà Đường diệt Tiêu Tiển thì Lê Hầu lui giữ Cửu Chân mà trấn thủ địa phương. Ông cùng các con đã kháng chiến với quân nhà Đường rồi tử trận [Đào Duy Anh tb2010: 90-92]. Trên đây là giả thuyết của Đào Duy Anh từ một số sử liệu gạn lọc được từ thần phả. Tuy nhiên, một số ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư đã nêu ra bối cảnh lịch sử khiến cho chúng ta nghĩ đến nhiều khả năng khác. Năm 622, Khâu Hòa làm Thái thú Giao Châu, cậy uy thế của nhà Tùy, thường đi tuần các khe động ở biên giới, ở châu hơn 60 năm (sic), sở hữu rất nhiều châu báu, giàu như vương giả [1998: 188-189]. Nhưng thông tin “ở châu 60 năm” hẳn là có vấn đề. Bởi lúc mà Khâu Hòa chuyển về trấn nhậm ở biên viễn phía Nam là lúc ông đã 60 tuổi [Taylor 1982: 166], nhận xét này của Taylor trùng khít với các sử liệu trong Cựu Đường thư. Sách này chép: Cuối đời Đại Nghiệp Hòa lánh mình ở Hải Nam, quan lại ở đấy thường cướp của thuyền chài, bách tính đều hàm oan, nên dấy loạn. Khưu Hòa khi đó đang trị lý hai quận đều thi hành chính sách nhân ái, rất nổi tiếng nên được Tùy Dạng Đế sai làm Giao Chỉ Thái thú, vỗ về hào kiệt, rất được lòng người Man. Đến khi nhà Tùy mất, bọn Tiêu Tiển, Nịnh Trường Chân đem quân đến đánh. Hòa dẫn thủ lĩnh các châu Giao-Ái, đánh lui bọn Trường Chân. Bờ cõi vẹn yên. Sau đấy, Hòa mới biết nhà Tùy đã mất bèn theo Tiêu Tiển. Đến khi Tiển bị dẹp, thì Hòa lại lấy đất Hải Nam dâng về nhà Đường. Vua Đường sai sứ Lý Đạo Dụ đến trao chức Thượng Trụ quốc Đàm Quốc công-Giao Châu Tổng quản. Hòa lại sai Cao Sĩ Liêm dâng biểu xin về triều. Vua thuận cho. Lại thêm, Khưu Hòa mất năm Trinh Quán 11 (636), thọ 86 tuổi. Năm 60 tuổi ông nhậm chức tại Giao Châu, suy ra năm ông nhậm chức tại Giao Châu là năm 816. Những thông tin này cho thấy có khả năng xung đột giữa Khâu Hòa và Lê Hầu. Nếu như khả năng này xảy ra thì đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự tiêu vong của dòng họ nhà Lê trên đất Cửu Chân đúng như giả thuyết của Le Breton và Đào Duy Anh.

Nhưng chúng tôi muốn hướng đến một giả thuyết khác, rằng Lê Hầu vẫn giữ chức Thái thú Cửu Chân cho đến hết đời. Tức là đã không xảy ra một cuộc chiến tranh nào giữa lực lượng của Lê Hầu cũng như của con trai ông – Thái thú Nhật Nam Lê Ích Từ với Thái thú Giao Châu-Khưu Hòa (từ 616 trở về sau). Có hai lý do khiến chúng tôi đưa ra giả thuyết như vậy.

Trước nay, các nhà khoa học cho rằng tấm bia Đại Tùy Cửu Chân do Lê Hầu dựng vào năm 618 tức là vào năm nhà Đường lật đổ nhà Tùy. Thế nhưng, văn bia vẫn cứ ghi “Đại Tùy” mà không ghi niên hiệu nhà Đường. Điều này chứng tỏ, Lê Hầu đã không đầu hàng nhà Đường mà đã đứng lên nổi dậy chống lại thế lực phương Bắc. Nhưng tính chi tiết thì không hẳn như vậy, văn bia Trường Xuân dựng vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Nhâm Dần niên hiệu Đại Nghiệp thứ 14 (618), trong khi nhà Đường chính thức thay nhà Tùy vào ngày 18 tháng 6 năm này. Nghĩa là, bia dựng trước hai tháng mười ngày.

Thứ nữa, đến sau năm 618, Lê Hầu lúc đó có khả năng đã từ 85-90 tuổi, một độ tuổi đã rất cao để trực tiếp lãnh đạo chiến tranh để đến mức bị giết do thất bại. Cuối cùng, và quan trọng nhất, như chúng tôi đã phân tích ở trên, Lê Hầu luôn là một người có một độ lùi mẫu mực trên con đường chính trị, khiến cho suốt cuộc đời làm quan 60 năm, giữ chức Tướng quân năm quận, Thứ sử các châu quận của ông không hề phải “ra trận” một lần nào với các Thứ sử cùng cấp (như Lý Bôn, Lý Bí, Lý Phật Tử, Tiêu Tiển, Âu Dương Ngỗi, Chu Địch, Trần Bá Tiên…). Bất luận là triều đại nào, Lương, Trần hay Tùy ông đều mềm mỏng lĩnh chức để yên ổn với vùng đất “sinh địa” của mình. Những thay đổi triều đại dường như không có tác động nào đến cuộc đời chính trị của ông. Cho nên, từ sau năm 618, mặc dầu là quan nhà Tùy, nhưng trong bối cảnh toàn bộ lãnh thổ Hoa Hạ đã thuộc về nhà Đường, thì một người lão luyện về chính trị như ông cũng phải biết rằng vận của nhà Tùy đã hết. Khưu Hòa kiêu dũng vậy mà vẫn phải quy thuận huống hồ là một người chủ trương “vô vi nhi trị”, và đằm mình trong Phật pháp như ông.

Qua văn bia, ta vẫn thấy Lê Hầu vẫn là người thung dung trên dặm thanh vân, thảng thích trong nguồn Phật học (tâm tùy vô môn, thị yên du xứ). Ông đã cho xây dựng một số công trình như đạo tràng Bảo An (chùa bảo hộ sự an lành) , đài Sủng Tịnh (đài tôn thờ sự thanh tịnh) , và theo thông tin từ thần tích do giáo sư Đào Duy Anh khai thác, ông còn cho xây dựng thêm cả thọ oanh (sinh phần) . Có thể nói, sự mềm mỏng lão luyện trên chính trường cùng với tinh thần từ bi của nhà Phật đã làm nên công tích bình trị của Lê Hầu tại đất Cửu Chân-Ái châu-Nhật Nam.

Mặt khác, xét về cán cân lực lượng thì gia đình ông lúc đó đã chiếm đến 2/3 lãnh thổ thời và non nửa dân số thời bấy giơ . Ông giữ Cửu Chân, con trai ông giữ Nhật Nam, Khưu Hòa giữ Giao Châu. Cho nên, chiến tranh giữa Lê Hầu với nhà Đường đã là một chuyện khó xảy ra, xung đột giữa gia tộc nhà ông với Khưu Hòa có lẽ cũng khó trở thành hiện thực.

Việc ông cùng vợ con và tướng lĩnh khác được thờ làm phúc thần ở nhiều nơi trong Thanh Hóa ngày nay, theo chúng tôi, có lẽ không chắc là do ông đã hy sinh cho việc “đấu tranh giữ nước” (chúng tôi muốn chua thêm rằng khái niệm “đấu tranh giữ nước” là của đời sau dùng cho thế kỷ thứ 6-7). Người được thờ làm phúc thần còn là người suốt đời làm phúc cho nhân dân, khiến cho cuộc sống của dân được yên ổn hạnh phúc. Lê Hầu cùng gia tộc ông có lẽ thuộc về trường hợp này.

Xét ở khía cạnh nào đó, Lê Hầu có thể coi như là “một vị vua” ở vùng đất Cửu Chân-Nhật Nam vào cuối thế kỷ 6, đầu thế kỷ 7. Sự tự trị mang tính chất “mềm” đối với nhà Lương, nhà Trần, nhà Tùy cũng như nhà Đường đã làm nên tính ổn định cho sự độc lập, cho vương quyền của gia tộc họ Lê trên mảnh đất này. Sự độc lập ấy đã khiến Lê Hầu được nhân dân của Cửu Chân cũng như quan lại địa phương coi ông như là vị “Vương” của họ. Điều ấy được thể hiện qua hàng loạt các từ ngữ của Nguyên Nhân Khí dành cho ông trong văn bia Trường Xuân như Lê hoàng, vương cung, khâm minh (chữ dùng để ca ngợi vua Nghiêu), ngự điện, thiệu long (dùng để trỏ việc nhà vua kế nối sự nghiệp của tiên vương), nhân phong (từ dùng để ca ngợi công nghiệp trị lý của nhà vua)… Nguyên Nhân Khí đã coi ông như là “đấng triết vương ở nước Bội nước Dung làm phên giậu cho nhà Chu đời trước”, đã ca ngợi ông như là một vị Điều ngự “từ bi tính Phật, làu thông đạo học” để dắt đám lê dân còn mê muội đến với cõi Phật an lạc:
Lê hoàng kết thiêng,
Bốn bể hòa đồng.
Kính cẩn trên ngôi,
Chỉnh sửa huân nhung!
“Ơn trạch của ông đã tưới khắp, khiến muôn dân sung túc” giống như “ngọn gió xuân nuôi dưỡng muôn loài” (Mục Phong hầu). Nhân dân đời sau, nhớ đến công đức của Lê Hầu cũng như gia tộc ông nên đã tôn ông lên làm phúc thần ở nhiều nơi. Theo văn bia Tu tập uy linh miếu bi ký do tiến sĩ Nguyễn Thực soạn, đến thế kỷ 17, Lê Hầu đã được nhân dân thờ phụng, và tôn xưng là Cao Tổ Lê Ngọc hoàng đế . Theo khảo sát thực địa của giáo sư Đào Duy Anh, thì Lê Ngọc cùng với vợ và các con được thờ tại hơn trăm đền thờ tại Thanh Hóa ngày nay .

3. Văn bia Đại Tùy Cửu Chân: giá trị văn học và lịch sử Phật giáo

So với văn bia Xá lị tháp minh đời Tùy năm 601, thì văn bia Đại Tùy Cửu Chân có giá trị hơn hẳn về mặt văn học cũng như những thông tin sử học có liên quan đến các nhân vật lịch sử. Độ dài văn bia quãng trên 900 chữ, là một bài văn của đại bút Nguyên Nhân Khí. So với Xá lị tháp minh là một bài văn bia không có chất văn chương, thuần túy là “rập khuôn” theo một mẫu để chôn dưới các tháp xá lị do vua Tùy sai xây dựng. Tức là, bia Xá lị tháp minh chỉ có nêu những nội dung tương tự như vài chục bia xá lị được làm cùng đợt như vậy ở Trung Quốc.

Vì thế, ở phần này, chúng tôi thiết nghĩ cũng cần phải có đôi dòng khảo luận về thể thức, nội dung và nghệ thuật ngôn từ của văn bia Trường Xuân.
Về mặt nội dung, văn bia Trường Xuân rõ ràng được viết ra là nhằm mục đích ca ngợi Lê Hầu cũng như dòng họ nhà ông trong việc chăn dân. Thế nhưng, như phân tích của chúng tôi về phương thức chính trị của Lê Hầu ở phần trên, Lê Hầu tuy là người đứng ở vị trí “cai trị nhân dân”, nhưng ông luôn là người ứng xử như là một vị Phật sống để dẫn dắt nhân dân khỏi khổ ải lầm than của cõi nhân sinh. Ngay từ thời quãng 17 đến 25 tuổi, nhận thấy xã hội nhà Lương động loạn, ông đã tự đi tìm cho mình một mảnh đất mới xa xôi và an lạc. Cha ông là Thứ sử Triều Châu, còn ông đã chuyển về làm Thứ sử Nhật Nam (theo như thần tích), hay Thứ sử Ái châu. Khi đó, như ta biết, Nhật Nam hay Cửu Chân là mảnh đất biên viễn, là cực Nam của nhà Lương lúc bấy giờ. Phía Tây Bắc là giáp Đại Lý, phía Bắc giáp Giao Chỉ, phía Tây là giáp Bồn Man, phía Nam là giáp Lâm Ấp. Thường thì, trong tâm lý người đời, phải đi làm quan xứ ấy không khác gì phải đi đày, bởi khí hậu khắc nghiệt, nhiều lam chướng. Những câu chuyện chép trong một số bộ sử quan phương có thể cho thấy rõ việc này. Chuyện Lưu Phương, năm 605, dù có chiến thắng Lâm Ấp, nhưng cũng đã chết trên đường trở về. Chuyện tông thất nhà Đường chết nơi đất Giao Chỉ. Chuyện một viên quan nhà Đường sau đó, thà “khi quân” chịu chém đầu còn hơn phải đi nhậm chức ở Giao Châu. Thế nhưng, Lê Hầu đã chọn cái mảnh đất không ai muốn đến ấy, để xây dựng một triều đại 60 năm của mình kéo dài đến ba đời (từ ông, đến con trai ông Lê Ích Từ, và có thể cả cháu chắt ông nữa ). Chọn một nơi xa xôi như thế, Lê Hầu đã gần như cách li hoàn toàn khỏi những động loạn xã hội, những bể dâu thay đổi triều đại từ Lương, Trần, Tùy rồi đến Đường. Sự lựa chọn ấy thể hiện sự tinh tế và tầm viễn kiến của một người vừa lão luyện trên chính trường, vừa minh tuệ về mặt triết học nhân sinh.

Văn bia có ca ngợi ông một đoạn như sau:
“Ôi, Lê Hầu [sứ quân ta], [tính bẩm] thiên tư, đạo học dần đủ, trước xưng Thứ sử, [sau] gọi Lê Hầu. [Người trị lý đất Cửu Chân so với Hoa Hạ rộng lớn] như đấng triết vương ở nước Bội nước Dung [làm phên giậu cho nhà Chu thuở nọ], vì thế mới vâng mệnh [đến đây]. [Trước đây] khi [loạn] đời Vĩnh Gia, [tổ tiên ông lánh nạn đến]囗囗囗囗. [Thân phụ]囗囗囗囗囗囗, tổ cao làm [Tổng quản] tướng soái, Thứ sử quận Triều Châu. Khi nhà Lương còn đang cai trị, [ông] làm Đô đốc quân sự năm châu Ái-Đức-Minh-Lị-Hoan, [nhiếp] chức Thứ sử Ái [châu], 囗囗囗囗囗囗囗囗 tướng quân, [được] phong tước Mục Phong hầu. [Cho nên] mới biết [việc cũ], [nhà ông] tự lập đã ba đời, hưởng năm lâu dài [vậy]. Ông ở nhàn tĩnh nơi vùng đất mới yên ổn [tránh được những động loạn các đời Lương, Trần, Tùy], ơn trạch tưới khắp, khiến muôn dân sung túc. [Ông vốn là người ham chuộng Phật pháp], khi theo học luôn có đức lại giữ pháp môn, [nên] phẩm hạnh được viên mãn. [Ông] thường hay lễ Phật tụng kinh, [thấy] linh tượng tỏa sáng; [lại lấy] Thiền tông làm lòng, thường tự thảng thích trong đó”.

Mặc dầu, câu chữ trên văn bia không còn nguyên vẹn, song những khắc họa về thân thế, gia tộc, công nghiệp và đức hạnh của Lê Hầu dưới ngòi bút của Nguyên Nhân Khí, có thể nói là hiện lên một cách khá sắc nét, rõ ràng. Ông tư chất vốn là một người nhân từ, lại thêm từ nhỏ đã được học hành, cho nên đức tài đều viên mãn (đạo học tiệm cụ). Chính cái sở học, cái thiên tư ấy đã giúp ông có được cái quyết định đúng đắn: coi đất Ái Châu-Nhật Nam là một miền đất hứa, một miền đất để định cư mà an lạc, ông đã coi đó như là “sinh địa” của cuộc đời ông, gia tộc ông.

Trong văn bia, Nguyên Nhân Khí cũng ca ngợi về phép cư xử của Lê Hầu. Dưới nhãn quan của Nho gia, Nguyên Nhân Khí coi hành động “trấn giữ Ái Châu” của Lê Hầu là một hình mẫu ứng xử chính trị tiêu biểu của sự nghiệp “tu tề”. Ông viết: “[Người trị lý đất Cửu Chân so với Hoa Hạ rộng lớn] như đấng triết vương ở nước Bội nước Dung [làm phên giậu cho nhà Chu thuở nọ]”. Có thể nói, đây là một biểu hiện rất sinh động cho thấy Nho giáo đã được thực thi như thế nào ở Việt Nam trong thế kỷ 6 thế kỷ 7. Chính vì thế, Lê Hầu được phong tước là “Mục Phong hầu”. Chữ “mục phong” là một điển ngữ xuất nguồn trong Kinh thi để trỏ ngọn gió mùa xuân mát lành thổi đến khiến cho muôn cây cỏ tốt tươi, sinh sôi nảy nở. “Mục Phong” là cái đức của người quân tử, là cái dụng của bậc vương chủ. Trong văn bia, Nguyên Nhân Khí đã dùng nhiều từ ngữ của Nho gia để ca ngợi Lê Hầu, nhưng quan trọng hơn cả các từ ngữ đó đều mang sắc thái tôn vinh, xưng tụng đối với các vị vua, các vị quân chủ.

Song, điểm nổi trội hơn cả trong văn bia Đại Tùy Cửu Chân chính là nội dung về Phật học. Như trên đã nêu, Lê Hầu là người ham chuộng Phật pháp, thường hay tụng kinh, là người biết giữ pháp môn, phẩm hạnh viên mãn. Ông đã cho xây dựng chùa Bảo An, cho khắc bia Trường Xuân, cho dựng đài Sủng Tịnh,… đây đều là những công trình có liên quan đến việc hoằng dương Phật pháp. Chính vì thế, Nguyên Nhân Khí đã sử dụng sáu bảy chục thuật ngữ Phật giáo trong bài văn bia này để nói về sự nghiệp của “đại hộ pháp” họ Lê trên đất Cửu Chân. Trong vòng 60 năm cai trị ở mảnh đất này, ông đã đem ơn đức, ân trạch, đã đem ánh sáng trí tuệ của Phật pháp chiếu rọi cho lê dân, đã đem đuốc tuệ (trí cự), nước tuệ (tuệ thủy) để dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi lầm than khổ ải. Cho nên, nhân dân mới coi ông như là một vị Phật sống, là người nối được chân tông, là đức “điều ngự” để “cứu vớt sinh linh”.

Đặt trong bối cảnh thời đại, thời Lương, Trần, Tùy là thời đại Phật giáo đang hết sức phát triển. Xã hội càng động loạn, con người càng cần đến chốn nương tựa tâm linh. Vào thời Lương, chùa Hồng Lô thuộc về Thiền tông. Cũng trong thời gian này, các thiền sư Thiên Trúc đã rộng truyền thiền pháp vào Trung Quốc. Trong đó nổi tiếng nhất là Bồ Đề Đạt Ma. Lương Vũ Đế nghe danh, mà mời vị sư này đến kinh đô Kiến Khang. Như thế, Phật giáo từ thời Lương đã đi vào chốn cung đình. Trải đến triều nhà Tùy, Phật giáo đã lên đến cực thịnh. Tùy Văn Đế từng tự nhận “công nghiệp của mình là do Phật pháp” (ngã hưng do Phật pháp), thậm chí sau còn chuyển sang bài xích Nho học, coi Phật giáo là quốc giáo. Tùy Văn Đế cũng là người dùng tôn giáo nhằm mục đích chính trị, ông này đã từng hiệu triệu sư tăng xuất sơn để “hành đạo vì quốc gia”. Đến thời Tùy Dạng Đế, thì ông vua bạo ngược này còn đích thân thụ giới của tông Thiên Thai, trở thành đệ tử nhà Phật. Nhà Tùy đã cho xây dựng hơn 5000 chùa tháp, tạo đắp vài vạn tượng Phật, phiên dịch vài vạn cuốn kinh Phật, khiến cho Phật giáo phát triển gấp bội so với các triều đại trước. Tùy Văn Đế còn cho xây dựng 83 tháp xá lị ở khắp nơi, trong đó có một tháp ở Long Biên (Bắc Ninh ngày nay).

Trong bối cảnh như vậy, việc Lê Hầu đi theo Phật pháp cũng là điều có thể hiểu được. Thế nhưng, lối “tu đạo” của Lê Hầu khác hẳn về chất so với các hoàng đế phương Bắc. Các vua Tùy Văn Đế, Tùy Dạng Đế tuy đẩy Phật giáo lên địa vị quốc giáo, khiến Phật giáo có địa vị tối cao, song cũng là những người đã thế tục hóa tôn giáo này. Hẳn không ít nhà sư đã nghe lời kêu gọi của Văn Đế mà lao vào cuộc chiến tranh “hành đạo” của ông vua này. Nhà Tùy, dựa trên chiêu bài Phật giáo để tiến hành thôn tính, chinh phạt hàng loạt các quốc gia láng giềng như Đột Quyết, Lâm Ấp, Khiết Đan, Cao Ly, Lưu Cầu, Y Ngô… Trong khi đó, Lê Hầu trong suốt 60 năm cai trị ở Cửu Chân, Nhật Nam ông không hề tiến hành bất kỳ một cuộc chiến tranh nào với các thế lực đương thời. Ông chuyên chú chăm lo cho dân chúng đi theo Phật pháp. Nhân Nguyên Khí ca ngợi ông là người “nối được chân tông”, hẳn cũng là vì thế.

Về mặt ngôn ngữ, văn bia Trường Xuân, tuy bị khuyết nhiều chữ, không còn đọc được toàn văn. Nhưng chúng ta còn thấy được thể thức, bố cục của văn bia thời này như sau. Ngoài tên bia trên bi ngạch, còn có tên phụ ở lòng bia. Ngay dưới tên phụ là chức tước tên tuổi, quê quán người soạn văn bia. Tên văn bản ghi rõ thể loại là “bi văn” trong đó, phần chính văn gồm đoạn thuyết lý duyên khởi về đạo Phật. Sau đó, là đoạn ký thuật về tông tộc, hành trạng, công nghiệp của Lê Hầu. Đoạn cuối là bài minh độc vận ca ngợi Phật pháp và công cuộc hoằng dương Phật giáo, dẫn dắt chúng sinh của Lê Hầu.

Văn bia Trường Xuân thể hiện rõ lối dùng văn xen kẽ giữa văn xuôi và văn biền ngẫu. Vì thế, có những đoạn lên xuống nhịp nhàng, cân đối mà thanh thoát, có những chỗ lại trần thuật lớp lang, giàu giá trị thông tin. Ví như:
Ôi,
Pháp Phật thiêng liêng, trí tuệ thế gian há thửa cầu;
Pháp tính thâm sâu, lời nói của trời khôn đoán hết.
Nên,
Cảnh Phạm thiên, còn là hóa thành;
Chốn tam giới, cũng là nhà lửa.
[Chúng sinh] khốn khổ, nhạo báng làm trái đạo […], [nên] khiến cho [thân…] phải chịu khổ ải.
Tùy cơ trời mà làm lợi cho muôn vật, [như] vua Dục Vương [dựng] tháp báu, Đế Thích [có] chùa chiền, [thực] đều [là để] chiêm ngưỡng dung nhan tôn quý. [Các đấng ấy] đã bắc cầu bến cứu vớt muôn loài, [khiến chúng sinh] hồi hướng về nơi tịnh độ đất phúc vậy.
Có thể thấy, ngay cả trong những đoạn văn xuôi, tác giả thỉnh thoảng xen cả những tiểu đối, khiến cho câu văn cũng trở nên duyên dáng hơn, mượt mà hơn.
Phần bài minh được tác giả soạn bằng thể 4 chữ thông dụng, với lối gieo vần độc vận. Lối gieo vần này khác so với một số bài minh đời Lí đời Trần. Nhưng nhìn chung, bút khí đi khá đều đặn, ngôn từ trau chuốt, ca ngợi nhưng không sáo mòn:
[Theo nối] chân tông,
Tâm pháp khó cùng.
Đức sinh 囗 ngự,
Xem dấu vương cung.
Từ bi tính Phật,
Học đạo làu thông.
Bừng bừng đuốc tuệ,
Dắt đám mung lung.
Nên xưng Điều ngự,
Làm đức Thế tông.
[Người] phá [đạo] pháp,
Thảy đều về không.
Lê Hoàng kết thiêng,
Bốn bể hòa đồng.
Kính cẩn trên ngôi,
Chỉnh sửa huân nhung.
Đẹp thay [Lê Hầu]!
Truyền nối hết lòng.
Tầng đài cao vút,
Giảng đạo thung dung .
[Lòng] [theo] [cửa] [Phật]
Tính [khua] cầu vồng.
Trong điện chính giác,
Mà tỏ thần công.
Nước tuệ nhuần tưới,
Hoa tiên thắm nồng.
Nên xem bia đá,
Gìn giữ nhân phong.
Hoa ngân [đầy] [đủ]
[Với] [thiên] [địa] [cùng]
Có thể nói, văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn tại Trường Xuân là một áng văn chương cổ có giá trị về mặt văn học.
Hình thức, nội dung, thể chức văn bia đã khá ổn định, do một người nổi tiếng tài hoa là Nguyên Nhân Khí soạn. Văn bia này đánh dấu mốc son khởi đầu cho thể loại bi kí cả ở mặt vật chất lẫn phương diện thể loại, để sau đó nó được tiếp tục phát huy trong thời đại Lí Trần. Văn chương Lí Trần trong đó bi kí Lí Trần là một đỉnh cao, đỉnh cao ấy bắt nguồn từ văn hóa đời Tùy-Đường. Hay nói cách khác, Tùy Đường là bệ phóng cho những yếu tố văn hóa, văn chương cho thời đại Lý Trần cũng như nhiều nước khác trong khu vực.

Với bài văn bia cũng như bài minh trong bia Đại Tùy Cửu Chân, Nguyên Nhân Khí là tác gia văn học sớm hàng đầu mà chúng ta hiện biết. Bài văn bia không chỉ có ý nghĩa cho văn học mà còn là hiện vật giá trị để cung cấp thông tin cho các ngành lịch sử, mỹ thuật cổ (điêu khắc, thư pháp),… Có thể nói, những thông tin sử liệu qua bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn tại Trường Xuân đã bổ sung một số cứ liệu quan trọng làm sáng tỏ hơn một giai đoạn lịch sử của mảnh đất Cửu Chân-Ái Châu-Thanh Hóa cũng như Nhật Nam-Hoan Châu-Nghệ An rộng hơn là lịch sử Việt Nam vào giai đoạn từ năm 557 đến 618 mà trước nay các bộ sử quan phương không hề nhắc đến. Những khôn khéo trong việc đối nội, đối ngoại, thù trong giặc ngoài cũng như lối “ứng xử mềm” của Lê Hầu đối với các triều đại phong kiến phương Bắc, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự và lịch sử!

Tài liệu tham khảo
1. Đào Duy Anh, “Cái bia cổ ở Trường Xuân với vấn đề nhà Tiền Lý”, Nghiên Cứu Lịch Sử, 50 (5.1963), tr. 22-28.
2. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, tb. 2010.
3. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2000.
4. Le Breton, La Province de Thanh-Hoa, Imprimerie Kim Duc Giang, 1924.
5. Le Breton, Monuments et Lieux Historiques du Thanh Hoa (Contribution à l’inventaire des Vestiges), Revue Indochinoise, mars-avril-1921, XXIV, 3-4: 163-191.
6. Phan Văn Các – Claudine Salmon, Épigraphie en Chinois du Viet-Nam (Văn khắc Hán Nôm Việt Nam), Tập 1, École Française d’Extrême-Orient, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Paris-Hà Nội, 1998, tr. 1-12.
7. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội – Viện Mỹ thuật, Hà Nội, 2003.
8. Lê Cường, “Nghiên cứu Mỹ thuật truyền thống: chặng đường dài”, Nghiên Cứu Mỹ Thuật, Nxb. Mỹ Thuật, H, 2007, tr. 80-89.
9. Trần Trọng Dương, “Đinh Bộ Lĩnh-loạn sứ quân: từ sử liệu đến sử thực”, Tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển, Huế, số 01.2012.
10. Trần Trọng Dương, “Biểu tượng núi vũ trụ Tu Di-Meru trong văn hóa Việt Nam và châu Á”, Tạp chí Nghiên Cứu Mỹ Thuật, 06. 2012, tr. 23-36.
11. Trần Văn Giáp, “Văn bia Việt Nam (công dụng thác bản văn bia Việt Nam đối với Khoa học Xã hội và những thác bản văn bia hiện còn có ở Thư viện Khoa học Xã hội”, Nghiên Cứu Lịch Sử, 118 (1.1969), tr. 3-6.
12. (Khuyết danh), XIII (?), Đại Việt sử lược, Trần Kinh Hòa biên hiệu, Soka daigaku Asia kenkyujo, Tokyo, 1987.
13. Nguyễn Quang Hà, “Về tấm bia đời Tùy (601) mới phát hiện tại chùa Giàn – Huệ Trạch tự (xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)”, Thông Báo Khảo Cổ Học, 2012.
14. Nguyễn Quang Hồng vcs, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, H, 1992.
15. Phạm Lê Huy, “Việc xây dựng tháp Xá lợi dưới thời Tùy Văn Đế và minh văn tháp Xá lợi mới phát hiện tại Bắc Ninh”, Thông Báo Khảo Cổ Học 2012.
16. Hoàng Lê, “Tình hình sưu tầm và nghiên cứu văn bia”, Tạp chí Khảo Cổ Học, số 02.1982.
17. Trịnh Khắc Mạnh, Một số vấn đề về văn bia Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2008.
18. Trịnh Khắc Mạnh – Nguyễn Văn Nguyên – Philippe Papin, Corpus des Inscriptions Anciennes du Viet-Nam (Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam), Tập 21, Viện Cao học Thực hành-Viện Nghiên cứu Hán Nôm-Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp. Hà Nội, 2009.
19. Lê Viết Nga, “Về hai cổ vật niên đại thời Tùy ở Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh”, Báo Bắc Ninh, 2012.
20. Thủy kinh chú sớ, Lịch Đạo Nguyên chú, Dương Thủ Kính-Hùng Hội Trinh sớ, Đoàn Hy Trọng điểm hiệu, Trần Kiều Địch phúc hiệu, Nguyễn Bá Mão dịch, Nxb. Thuận Hóa-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2005 [dịch từ ấn bản Thủy kinh chú sớ, Cổ Tịch xuất bản xã, Giang Tô, 1999].
21. Ngô Thị Thanh Tâm, “Nghiên cứu văn bia huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa” (Luận văn Thạc sĩ Hán Nôm), Thư viện khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, 2008.
22. Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Mạc, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1996.
23. Keith Weller Taylor, The ‘twelve lords’ in tenth-century Vietnam, Journal of Southeast Asian Studies 14, 1 (March 1983), pp. 46-62.
24. Keith Weller Taylor, The Birth of Vietnam, University of California Press, Berkeley, 1983.
25. Trần Thái Tông, XIII, Thiền tông khóa hư ngữ lục, Tuệ Tĩnh (tk 14) dịch Nôm, Trần Trọng Dương khảo cứu-phiên chú, Nxb. Văn Học, TP. HCM.
26. Tỉnh ủy-Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Địa chí Thanh Hóa (Tập 2: Văn hóa xã hội), Nxb. KHXH, Thanh Hóa, 2004.
27. Lê Trắc, (1335) An Nam chí lược, Mạnh Nghị Trần Kinh Hòa dịch (Nxb. Thuận Hóa-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, tb. 2002.
28. Chu Quang Trứ, “Bia và bia chùa Việt Nam”, Mỹ thuật Lý Trần – Mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ thuật, H, 2012, tr. 506-557.
29. Trần Quốc Vượng, “Xứ Thanh-vài nét về lịch sử-văn hóa”, Theo dòng lịch sử: những vùng đất, thần và tâm thức người Việt, Nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1996.
30. Khuyết danh, (đời Trần), (Đại) Việt sử lược, trong Tứ khố toàn thư (đời Càn Long nhà Thanh).
31. Chính Hòa thứ 18 (1697), Đại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản, Bản khắc in, Bản dịch, 1998, Tập 1, Ngô Đức Thọ dịch chú, Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.
32. 阮實。《修葺昭慶廟碑》。1996。
33. 阮實。《修葺威靈廟碑記》。 1635。
34. 丁福寶。《佛教大辭典》 。文物出本社, 北京, 1984。
35. 葉昌熾 (撰) 。 柯昌泗 (評) 。 《石語異同評》。 中華書局。 北京。 1994。
36. 張正烺 (名譽主編) 。 呂宗力 (主編) 。 《中國歷代官制大辭典》。 北京出版社。 北京。 1994。
37. [唐] 林寶 (撰) 。 《元和姓篡》。四庫全書。(總纂:紀昀,陸錫熊,孫士毅)。
38. [唐] 李吉甫。《元和郡縣圖志》。四庫全書。(總纂:紀昀,陸錫熊,孫士毅)。
39. [唐] 魏徵, 顏師古、孔颖达。《随書》。 中华書局。北京。 2008。
40. 辭源。 商務印書館。
41. 沈起炜。徐光烈。《中国历代職官词典》。 上海辭書出版社。 上海。 1992。
42. 許慎。《說文解字》。 段玉裁注。 清代陳昌治刻本。

Nhân Thọ xá lợi tháp và văn bia tháp xá lợi mới phát hiện tại Bắc Ninh

1. Nhân Thọ xá lợi tháp và việc xây dựng tháp xá lợi tại Giao châu năm 601
              Trong vòng 4 năm, từ năm 601 (Nhân Thọ 1) đến năm 604 (Nhân Thọ 4), Tùy Văn Đế Dương Kiên đã ba lần phân phát xá lợi và tổ chức xây dựng bảo tháp an trí xá lợi tại hơn 100 châu thuộc bản đồ đế quốc. Đây là một phần trong chính sách phục hưng Phật giáo của người sáng lập vương triều nhà Tùy, với ý đồ sử dụng Phật giáo như một công cụ để thu thập nhân tâm, tái ổn định tình hình chính trị, xã hội Trung Quốc sau một thời kỳ biến động kéo dài. Đây cũng là một dịp để nhà Tùy xác lập cương giới, khẳng định lại quyền thống trị đối với những phần lãnh thổ đã chinh phục trực tiếp hoặc kế thừa một cách gián tiếp từ các vương triều đi trước. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, hoạt động phân phát xá lợi và hệ thống bảo tháp xá lợi được xây dựng dưới niên hiệu Nhân Thọ (thường được giới nghiên cứu biết đến dưới thuật ngữ Nhân Thọ xá lợi tháp) đã sớm nhận được sự quan tâm, nghiên cứu của rất nhiều học giả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
              Hoạt động xây dựng Nhân Thọ xá lợi tháp không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử chính trị, mỹ thuật và Phật giáo Trung Quốc. Trên thực tế, nó đã có những liên hệ và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị và Phật giáo Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ VI – đầu thế kỷ VII. Bởi lẽ, trong số hơn 100 châu huyện được nhà Tùy lựa chọn để phân phát xá lợi, có cả các châu Giao, Phong, Trường, Hoan, Ái,… những nơi vốn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền nhà Tiền Lý. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài một số giới thiệu hết sức ngắn gọn của học giả Lê Mạnh Thát trong phần chú thích bản dịch Thiền uyển tập anh ngữ lục (xuất bản lần đầu tiên năm 1976) (Lê Mạnh Thát, 1999) và của GS. Hà Văn Tấn trong sách Chùa Việt Nam (xuất bản lần đầu tiên năm 1993) (Hà Văn Tấn, 2010), các tư liệu và kết quả nghiên cứu xung quanh vấn đề này vẫn chưa được biết đến một cách rộng rãi.
              Chính vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, trước tiên, chúng tôi muốn hệ thống lại những tư liệu cơ bản cũng như giới thiệu một số thành quả nghiên cứu của giới sử học Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh hoạt động xây dựng Nhân Thọ xá lợi tháp dưới thời Tùy Văn Đế. Trên cơ sở đó, chúng tôi muốn đưa ra một số nhận định góp phần nhận diện văn bia tháp xá lợi mới được phát hiện gần đây tại Bắc Ninh. Từ đó, bài viết cũng muốn làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến chính quyền Lý Phật Tử và lịch sử Phật giáo ở Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ VI – đầu thế kỷ VII.
              Các nghiên cứu từ trước đến nay về Nhân Thọ xá lợi tháp nhìn chung đều được triển khai trên cơ sở các ghi chép trong sách Tập thần châu Tam bảo Cảm thông lục 集神州三宝感通錄 (dưới đây gọi tắt là Cảm thông lục),Quảng hoằng minh tập廣弘明集, Tục cao tăng truyện 續高僧傳 (đều do sư Đạo Tuyên 道宣 biên soạn vào thời Đường, trong đó Quảng hoằng minh tập được hoàn thành năm Lân Đức nguyên niên – 664, Tục Cao tăng truyệnhoàn thành năm Trinh Quán 19 – 645). Theo các nguồn tư liệu đó, Nhân Thọ xá lợi tháp được xây dựng trong ba lần với qui mô và thời điểm như sau:
·         Lần thứ nhất vào năm Nhân Thọ 1 (601), tổ chức trên phạm vi 30 châu. Vua Tùy xuống chiếu vào ngày 13 tháng 6, hạ thổ xá lợi vào ngày 15 tháng 10.
·         Lần thứ hai vào năm Nhân Thọ 2 (602), trên phạm vi 50 (có tài liệu cho là 53) châu. Vua Tùy xuống chiếu vào ngày 23 tháng Giêng, hạ thổ xá lợi vào ngày 8 tháng 4.
·         Lần thứ ba vào năm Nhân Thọ 4 (604), trên phạm vi hơn 30 châu. Vua Tùy xuống chiếu vào tháng Giêng, hạ thổ xá lợi vào ngày 8 tháng 4.
              Về nguồn gốc xá lợi được Tùy Văn Đế phân phát cho các địa phương, theo Cảm thông lục và Quảng hoằng minh tập, khi Tùy Văn Đế còn chưa lên ngôi (tiềm long), có một vị sa môn Bà La Môn đến nhà, đưa ra một bọc xá lợi và nói rằng: “Đàn việt [thí chủ] có lòng tốt, nên lưu lại (bọc xá lợi này) để cúng dường”, sau đó không biết đi đâu mất. Sau Tùy Văn Đế và sư Đàm Thiên lấy chỗ xá lợi đó ra đếm thì thấy lúc nhiều lúc ít. Sư Đàm Thiên giải thích rằng theo lời vị sa môn kia, chỗ xá lợi đó là “pháp thân” của nhà Phật nên không thể đo đếm được theo cách thông thường. Tùy Văn Đế bèn làm một chiếc hòm thất bảo để cất giữ những xá lợi đó[1]. Câu chuyện mang nhiều màu sắc tâm linh nói trên ít nhiều đã được nhào nặn dưới bàn tay của giới tăng lữ Phật giáo, nhưng nếu gạn bỏ đi những phần mang tính nhuận sắc, chúng ta thấy rằng các xá lợi được Tùy Văn Đế đưa về các địa phương dưới danh nghĩa là “pháp thân” – xá lợi của Phật, không phải là xá lợi của một vị danh tăng, danh ni nào đó.
              Trong ba lần xây tháp và phân phát xá lợi, hệ thống tư liệu về hoạt động năm 601 là đầy đủ nhất. Theo Cảm thông lục, Tùy Văn Đế đã xuống chiếu về việc phân phát xá lợi và xây dựng bảo tháp an trí xá lợi vào ngày 13 tháng 6 năm 601. Nội dung bài chiếu cũng như tên các châu được phân phát xá lợi khi đó được ghi chép cụ thể trong sáchQuảng hoằng minh tập.
              Sử liệu 1: Quảng hoằng minh tập, quyển 17, Phật đức thiên đệ tam chi tam
門下仰惟、正覺大慈大悲、救護群生、津梁庶品、朕歸依三寶重興聖教、思與四海之内一切人民俱發菩提共修福業、使當今現在、爰及來世、永作善因、同登妙果、宜請沙門三十人、諳解法相、兼堪宣導者、各將侍者二人、并散官各一人、薰陸香一百二十斤、馬五匹、分道送舍利、往前件諸州起塔、其未注寺者、就有山水寺所、起塔依前山、舊無寺者、於當州內清靜寺處建立其塔、所司造様送往當州、僧多者三百六十人、其次二百四十人、其次一百二十人、若僧少者、盡見僧、為朕、皇后、太子廣、諸王子孫等、及内外官人、一切民庶、幽顯生靈、各七日行道并懺悔、起行道日打剎、莫問同州異州、任人布施、錢限止十文已下、不得過十文、所施之錢以供營塔、若少不充役正丁、及用庫物、率土諸州僧尼、普為舍利設齋、限十月十五日午時、同下入石函、總管刺史已下縣尉已上、息軍機停常務七日、專檢校行道及打剎等事、務盡誠敬、副朕意焉、主者施行、仁壽元年六月十三日,内史令豫章王臣暕宣。
Tạm dịch:
Kẻ môn hạ kính ngưỡng nghĩ rằng: đức đại từ đại bi của bậc Chính Giác cứu giúp cho chúng sinh, là cầu nối cho vạn vật. Trẫm nay qui y tam bảo, trùng hưng thánh giáo, muốn cùng tất thảy nhân dân trong bốn bể, cùng phát nguyện bồ đề, cúng tu phúc nghiệp, để cho đương kim hiện tại, cùng với vị lai, vĩnh tạo thiện nhân, cùng đạt quả phúc. Nên mời 30 vị sa môn thông tuệ Pháp tướng [tức Phật pháp], kiêm kham truyền đạo, mỗi vị dẫn theo tùy tùng 2 người, tản quan 1 người, đem theo huân lục hương 120 cân, ngựa 5 con, chia ra các đạo hộ tống xá lợi đến các châu trên đây dựng tháp. Đối với các nơi không ghi chú tên chùa, chọn nơi chùa có sơn thủy, dựng tháp dựa vào núi phía trước. Những nơi vốn không có núi, dựng tháp tại chùa ở nơi thanh tịnh trong châu. Sở ty tạo “dung” [thiết kế] gửi cho các châu. Nơi có nhiều sư lấy 360 người, mức tiếp theo là 240 người, mức nữa là 120 người. Nếu có ít sư, huy động tất cả các sư hiện có. [Các sư] phải vì Trẫm, Hoàng hậu, Thái tử [Dương] Quảng, các vương tử vương tôn, quan viên nội ngoại, tất thảy dân thường, sinh linh hai cõi u huyền, mỗi nơi hành đạo, sám hối trong vòng 7 ngày. Vào ngày hành đạo tiến hành “đả sát”, không kể người trong châu ngoài châu, đều phải bố thí. Tiền (bố thí) phải dưới 10 văn, không được quá 10 văn. Lấy tiền bố thí cúng cho việc tạo tháp. Nếu thiếu không được sung chính đinh, dùng đồ trong quan khố. Tăng ni các châu đều phải làm trai lễ cho xá lợi. Hạn vào giờ Ngọ ngày 5 tháng 10, các nơi cùng đưa (xá lợi) vào hòm đá và hạ thổ. Từ chức tổng quản, thứ sử trở xuống đến chức huyện úy trở lên, đều phải nghỉ việc quân cơ, tạm dừng thường vụ trong 7 ngày, chuyên tâm đôn đốc việc hành đạo và “đả sát”, hết sức thành kính, không được phụ ý trẫm. Nhất nhất phải thi hành. Nhân Thọ nguyên niên, tháng 6 ngày 13. Nội sử lệnh Dự Chương vương thần [Dương] Giản tuyên đọc.
              Quảng hoằng minh tập cũng ghi danh sách 30 châu được phân phát xá lợi và tổ chức xây dựng tháp. Tương ứng với chiếu thư của vua Tùy, có thể thấy danh sách này được chia làm 2 nhóm. Bên cạnh 17 châu có ghi rõ tên chùa, ví dụ Ung châu Tiên Du tự 雍州仙遊寺, có 13 châu chỉ ghi tên châu mà không ghi tên chùa, trong số đó có Giao châu. Như vậy, đối với Giao châu, vua Tùy không chỉ định địa điểm cụ thể, mà để cho Giao châu lựa chọn chùa xây tháp. Tiêu chuẩn lựa chọn là chùa phải ở nơi có danh sơn danh thủy, tháp phải được xây dựa vào núi phía trước, hoặc với những châu không có núi thì phải là chùa ở nơi thanh tịnh. Tiếp theo chiếu thư của Tùy Văn Đế,Quảng hoằng minh tập dẫn sách Xá lợi cảm ứng ký 舍利感應記 của Vương Thiệu 王邵 ghi lại những nơi có tấu báo về việc xuất hiện “cảm ứng” khi xây tháp. “Cảm ứng” ở đây là các hiện tượng kỳ lạ, mang tính siêu nhiên xuất hiện cùng với việc an trí xá lợi. Ví dụ theo Xá lợi cảm ứng ký, tại chùa Tiên Du ở Ung châu, vào ngày xây tháp, trời vốn mây mù có mưa, nhưng đến khi đưa xá lợi xuống thì trời quang mây tạnh, đến khi cho xá lợi vào hòm thì trời lại đổ mưa[2]. Trong danh sách “cảm ứng” đó cũng có tên Giao châu, nhưng không thấy chép hiện tượng “cảm ứng” cụ thể mà chỉ đơn giản ghi việc Giao châu khởi dựng tháp tại chùa Thiền Chúng (交州於禪眾寺起塔). Qua ghi chép này, chúng ta có thể biết được Giao châu đã lựa chọn chùa Thiền Chúng làm nơi xây tháp năm 601 và báo lại sự kiện đó với nhà Tùy.
              Quảng hoằng minh tập cũng ghi chép rất cụ thể về trình tự tiến hành các nghi lễ. Tại kinh đô Đại Hưng (sau này là Trường An), Tùy Văn Đế đích thân mở hòm thất bảo, lấy ra 30 xá lợi đặt lên hương án trên ngôi báu, rồi cùng các sa môn đốt hương lễ bái. Sau đó, xá lợi được đặt vào 30 chiếc bình vàng nạm lưu ly 琉璃盛金瓶, dùng huân lục hương nhào thành “bùn” (nê), bôi lên nắp bình để phong lại, hẹn với ba mươi châu cùng vào giờ chính Ngọ ngày 15 tháng 10 cho vào hòm đồng, hòm đá 銅函石函, nhất loạt khởi dựng bảo tháp. Các sa môn sứ giả khi đến địa giới các châu, trước tiên phải lệnh cho các nhà trong châu dọn dẹp hết những thứ uế tạp để nghênh đón xá lợi. Quan viên từ chức tổng quản, thứ sử trở xuống đều phải đi bộ dẫn đường. Sư sãi[3] tại địa phương đều phải trang phục chỉnh tề, đem cờ quạt hương hoa đến cúng dường, hoặc cầm hương hoa, hoặc đốt hoặc rải, vây quanh tán tụng bằng âm Phạn. Khi đến nơi, vị sa môn sứ giả của nhà Tùy hướng đến các sư sãi hô lên rằng: “Chí tôn lấy đức bồ tát đại từ vô biên vô bờ thương xót chúng sinh dồn vào tinh túy của xương cốt [cốt túy]. Vậy nên phân phát xá lợi cùng thiên hạ tạo lấy thiện căn”, sau đó dẫn giảng các loại kinh văn. Các sư sãi đều phải chắp tay, quì gối phải xuống đất. Sa môn sau đó lại đọc kinh sám hối. Trước khi hạ thổ xá lợi, sa môn giơ cao chiếc bình đựng xá lợi cho các sư sãi tham dự xem một vòng[4].
              Khi chôn xá lợi, người ta thường chôn kèm bia đá có minh văn. Hiện nay, người ta đã tìm thấy 12 minh văn liên quan đến việc xây dựng Nhân Thọ xá lợi tháp tại Trung Quốc, trong đó có 6 minh văn về lần xây dựng năm 601, 3 minh văn về lần xây dựng năm 602, 3 minh văn về lần xây dựng năm 604.
Bảng 1: Các minh văn liên quan đến Nhân Thọ xá lợi tháp đã phát hiện được tại Trung Quốc

(dựa trên thống kê của Hida Romi – Oshima Sachio, 2012, có bổ sung thêm một số thông tin)

STT
Địa điểm
Thông tin
1
Ung châu Tiên Du tự
雍州仙遊寺
Niên đại
601 (Nhân Thọ 1)
Nơi lưu giữ
Bảo tàng Tiên Du tự
Ảnh thác bản
Ảnh thác bản chưa công bố. Ảnh văn bia có trên website kênh truyền hình Phượng Hoàng – Trung Quốc
Kích thước
khoảng 50x50cm
2
Kỳ châu Phượng Tuyền tự
岐州鳳泉寺
Niên đại
601 (Nhân Thọ 1)
Nơi lưu giữ
Bảo tàng huyện Phù Phong
Ảnh thác bản
Bắc đồ[5] (t9), tr.143
Kích thước
32x34cm
3
Đồng châu Đại Hưng Quốc tự
同州大興國寺
Niên đại
601 (Nhân Thọ 1)
Nơi lưu giữ
Uỷ ban quản lý văn vật huyện Đại Chi tỉnh Thiểm Tây
Ảnh thác bản
Thiểm Tây bi thạch tinh hoa, tr.30
Kích thước
Chưa có thông tin
4
Thanh châu Thắng Phúc tự
青州勝福寺
Niên đại
601 (Nhân Thọ 1)
Nơi lưu giữ
Bảo tàng Thành phố Thanh châu
Ảnh thác bản
Bắc đồ (t9), tr.144
Kích thước
63x77cm (trán bia: 31x27cm)
5
Kinh thành Đại Hưng huyện Long Trì tự
京城大興縣龍池寺
Niên đại
601 (Nhân Thọ 1)
Nơi lưu giữ
Không rõ
Ảnh thác bản
Bắc đồ (t9), tr.142
Kích thước
35x30cm
6
Tín châu Kim luân tự
信州金輪寺
Niên đại
602 (Nhân Thọ 2)
Nơi lưu giữ
Bạch Đế thành Tây Bi Lâm
Ảnh thác bản
Bắc đồ (t.9), tr.153
Kích thước
43x46cm
7
Lộ châu Phạn Cảnh tự
潞州梵境寺
Niên đại
602 (Nhân Thọ 2)
Nơi lưu giữ
Không rõ
Ảnh thác bản
Chưa có thông tin
Kích thước
Chưa có thông tin
8
Đặng châu Đại Hưng Quốc tự
鄧州大興国寺
Niên đại
602 (Nhân Thọ 2)
Nơi lưu giữ
Bảo tàng Thành phố Khai Phong
Ảnh thác bản
Bắc đồ (t.9), tr.156
9
Tử châu Hoa Lâm tự
梓州華林寺
Niên đại
604 (Nhân Thọ 4)
Nơi lưu giữ
Sưu tập tư nhân Nhật Bản
Ảnh thác bản
Nakamura Nobuo (2004)
10
Nghi châu Thần Đức tự
宜州神德寺
Niên đại
604 (Nhân Thọ 4)
Nơi lưu giữ
Bảo tàng Diệu huyện
Ảnh thác bản
Thiểm Tây bi khắc tinh hoa, tr.32
11
Liêm châu Hoa Thành tự
廉州花成寺
Niên đại
604 (Nhân Thọ 4)
Nơi lưu giữ
Không rõ
Ảnh thác bản
Bắc đồ, tr.166
12
Kinh thành Diên Hưng tự
京城延興寺
Niên đại
601 (Nhân Thọ 1)
Nơi lưu giữ
Bảo tàng Hàm Dương
Ảnh thác bản
Hàm Dương bi thạch, tr.18
2. Khảo sát về văn bia tháp xá lợi mới phát hiện tại Bắc Ninh
2.1. Nội dung minh văn
              Ngày 29 tháng 8 năm 2012, sau khi nhận được tin từ Bắc Ninh, chúng tôi đã có dịp cùng GS.Phan Huy Lê, PGS.TS.Tống Trung Tín, TS.Nguyễn Văn Sơn đến Bảo tàng Bắc Ninh và trực tiếp quan sát văn bia dưới sự hướng dẫn của Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh TS. Lê Viết Nga và một số cán bộ của bảo tàng.

Ảnh: Thác bản bia Bắc Ninh (chụp tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học 2012)

              Minh văn tổng cộng có 133 chữ, được chia làm 13 dòng (có thể tạm chia thành 1 dòng tiêu đề, 10 dòng chính văn, 2 dòng chú thích), mỗi dòng về cơ bản có 13 chữ. Nguyên văn như sau:
1      舍利塔銘
2      維大隋仁壽元年歳次辛酉十月
3      辛亥朔十五日乙丑
4      皇帝普為一切法界幽顯生靈謹
5      扵交州龍編縣禅衆寺奉安舍利
6      敬造靈塔願
7      太祖武元皇帝元明皇后皇帝皇
8      后皇太子諸王子孫等並内外羣
9      官爰及民庶六道三塗人非人等
10     生生世世值佛聞法永離苦空同
11     昇妙果
12     敕使大德慧雅法師吏部羽騎尉
13     姜徽送舎利扵此起塔
Phiên âm:
1            Xá lợi tháp minh văn
2            Duy[6] Đại Tuỳ Nhân Thọ nguyên niên tuế thứ Tân[7] Dậu thập nguyệt
3            Tân Hợi sóc[8] thập ngũ nhật Ất Sửu
4            Hoàng đế[9] phổ vi nhất thiết pháp giới u hiển sinh linh cẩn
5            ư Giao Châu Long Biên huyện Thiền Chúng tự phụng an xá lợi
6            kính tạo linh tháp nguyện[10]
7            Thái tổ Vũ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu[11], Hoàng đế, Hoàng
8            hậu, Hoàng thái tử[12], chư vương tử tôn đẳng, tịnh nội ngoại quần
9            quan, viên cập[13] dân thứ[14], lục đạo tam đồ[15], nhân, phi nhân đẳng
10          sinh sinh thế thế trị phật văn pháp, vĩnh ly khổ không, đồng
11          thăng diệu quả
12          Sắc sứ Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kị uý
13          Khương Huy[16] tống xá lợi ư thử khởi[17] tháp
Tạm dịch:
Bài minh tháp xá lợi
Đại Tùy niên hiệu Nhân Thọ nguyên niên (601) nhằm năm Tân Dậu, tháng 10, ngày sóc Tân Hợi, ngày 15 Ất Sửu,
Vì sinh linh u hiển của tất cả các cõi pháp giới, Hoàng đế [tức Tùy Văn Đế] kính cẩn kiến tạo linh tháp, phụng an xá lợi tại chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao châu, nguyện cho:
Đức Thái tổ Vũ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng hậu, Hoàng thái tử, các vương tử vương tôn, cùng quan viên nội ngoại, đến cả kẻ thứ dân, lục đạo tam đồ, nhân, phi nhân, đời đời kiếp kiếp được gặp Phật nghe pháp, vĩnh viễn thoát ly khổ đau, cùng đạt quả phúc.  
Sắc chỉ sai Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kị úy là Khương Huy đưa xá lợi đến đây xây tháp.
2.2. So sánh văn bia tháp xá lợi Bắc Ninh với các bia Nhân Thọ xá lợi tháp đã phát hiện tại Trung Quốc
              Dưới đây, chúng tôi thử tiến hành so sánh về mặt nội dung và hình thức tấm bia mới tìm thấy tại Bắc Ninh (để tiện phân biệt, tạm gọi là bia/minh văn Giao châu) với các bia Nhân Thọ xá lợi tháp có niên đại năm 601 đã được tìm thấy tại Trung Quốc. Trong 6 tấm bia của Trung Quốc, có 5 bia có liên quan trực tiếp đến sự kiện 601 là bia Ung châu Tiên Du tự, Kỳ châu Phượng Tuyền tự, Đồng châu Đại Hưng Quốc tự, Thanh châu Thắng Phúc tự, Kinh thành Đại Hưng huyện Long Trì tự, 1 bia có nội dung liên quan gián tiếp là bia Kinh thành Diên Hưng tự.
(1) So sánh về mặt nội dung
              Trước tiên, về mặt nội dung, có thể thấy bia Giao châu có minh văn về cơ bản giống với các bia Nhân Thọ xá lợi tháp có niên đại 601 đã phát hiện được tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy một số khác biệt như sau:
              Thứ nhất, trong minh văn Giao châu, dòng đầu tiên ghi tiêu đề “Xá lợi tháp minh” 舎利塔銘. Trong khi đó, một số minh văn Trung Quốc lại ghi là “Xá lợi tháp hạ minh” 舎利塔下銘  (Ung châu, Kỳ châu, Thanh châu, Đại Hưng huyện), riêng minh văn Đồng châu không ghi tiêu đề. Vị trí khắc dòng tiêu đề này cũng khác nhau tùy theo từng bia, minh văn Ung châu và Thanh châu ghi ở dòng đầu, minh văn Kỳ châu và Đại Hưng huyện ghi ở dòng cuối cùng.

Thứ hai là sự phân bố các chữ trên một dòng. Về cơ bản, minh văn Ung châu, Kỳ châu và Đồng châu có bố cục mỗi dòng 11 chữ, minh văn Thanh châu và Đại Hưng huyện mỗi dòng có 12 chữ. Trong khi đó, minh văn Giao châu có bố cục mỗi dòng 13 chữ.

              Thứ ba là sự khác biệt về địa điểm xây tháp. Theo văn bia Giao châu, địa điểm được chọn để xây tháp xá lợi tại Giao châu là “Thiền Chúng tự”, tức là phù hợp với ghi chép của sách Xá lợi cảm ứng ký của Vương Thiệu dẫn trong Quảng hoằng minh tập. Tuy nhiên, bia Giao châu ghi cụ thể hơn là chùa Thiền Chúng nằm tại “Giao châu Long Biên huyện”. Xung quanh địa danh “Long Biên”, gần đây, một số nhà nghiên cứu dẫn ghi chép của Lê Quí Đôn trong sách Vân đài loại ngữ và phần chú thích của học giả Trần Văn Giáp cho rằng địa danh “Long Biên” vốn bắt nguồn từ chữ “Long Uyên”, mà việc đổi tên này chỉ có từ thời Đường do kị húy tên gọi của Đường Cao Tổ Lý Uyên. Giả thuyết này phủ định sự tồn tại của địa danh “Long Biên” trước thời Đường và đặt nghi vấn đối với niên đại 601 của tấm bia phát hiện tại Bắc Ninh. Tuy nhiên, đây là một quan điểm không chính xác. Địa danh “Long Biên” trên thực tế đã xuất hiện từ trước thời Đường. Các sách Tống thư do Thẩm Ước (441─513) hay Nam Tề thư do Tiêu Tử Hiển đời Lương (Nam triều) biên soạn vào thế kỷ VI đã nhiều lần nhắc đến địa danh huyện “Long Biên” thuộc quận Giao Chỉ, đặc biệt trong sự kiện cuộc nổi dậy của Lư Tuần. Lư Tuần vốn là thái thú nhau với nhà Tấn thất bại ở Quảng Châu đã chạy xuống “Long Biên” và bị Thứ sử Giao châu là Đỗ Tuệ Độ dùng hỏa công đánh bại phải tự tử. Theo Tống thư, Đỗ Tuệ Độ sau đó được nhà Tấn phong chức “Long Biên huyện hầu” 龍編縣侯[18]. Như vậy, chúng ta thấy rằng tên gọi “Long Biên” đã xuất hiện từ đầu thế kỷ V, do đó, địa danh “Long Biên” không mâu thuẫn gì với niên đại 601 ghi trên tấm bia[19].
              Một đặc trưng nữa của minh văn Giao châu là trong khi các minh văn khác chỉ có dòng tiêu đề và phần chính văn, riêng minh văn Giao châu và Thanh châu có thêm chú thích ở phần cuối. Phần chú thích đó như sau:
Minh văn Giao châu:
Nguyên văn chữ Hán
敕使大德慧雅法師吏部羽騎尉姜徽送舎利扵此起塔
Phiên âm:
Sắc sứ Đại đức Tuệ Nhã pháp sư Lại bộ Vũ kị úy Khương Huy tống xá lợi ư thử khởi tháp
Ảnh: Thác bản minh văn Thanh châu trong sách Bắc đồ

Minh văn Thanh châu
              Nguyên văn chữ Hán
敕使大德僧智能   侍者曇辯
                               侍者善才
敕使羽騎尉李德諶
長使邢祖俊
司馬李信則
錄事參軍丘文安
司功參軍李俈
孟弼書
Phiên âm:
Sắc sứ Đại đức tăng Trí Năng                           Thị giả Đàm Biện
                                                            Thị giả Thiện Tài
Sắc sứ Vũ kị úy Lý Đức Kham
Trưởng sử Hình Tổ Tuấn
Tư mã Lý Tín Tắc
Lục sự Tham quân Khâu Văn An
Tư công Tham quân Lý Cáo
Mạnh Bật thư
              Như vậy, ngoài dòng tiêu đề và phần chính văn, minh văn Giao châu có thêm phần chú thích ghi tên hai sứ giả[20] là “Đại đức Tuệ Nhã pháp sư” và “Vũ kị uý Khương Huy”. Minh văn Thanh châu cũng ghi tên hai sứ giả (sắc sứ) là “Đại đức Trí Năng” và “Vũ kị uý Lý Đức Kham”. Đối chiếu với chiếu thư của Tùy Văn Đế (đã dẫn ở phần trên), có thể xác định Tuệ Nhã và Trí Năng là 2 trong số 30 sa môn được Tùy Văn Đế giao cho hộ tống bình xá lợi về các địa phương. Về chức Vũ kị úy, cần lưu ý rằng Vũ kị uý là chức “tản quan” chỉ có vào thời Tuỳ, đến niên hiệu Võ Đức thời Đường mới được đổi thành “Tướng sĩ lang”[21]. Như vậy, chức “Vũ kị úy” của Khương Huy trong minh văn Giao châu và “Lý Đức Kham” trong minh văn Thanh châu đều phù hợp với nội dung cử một viên tản quan hộ tống sa môn trong chiếu thư của Tùy Văn Đế.
              Như vậy, riêng với phần chú thích, minh văn Giao châu có một số điểm tương đồng với minh văn Thanh châu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta thấy minh văn Giao châu cũng có những nét đặc trưng riêng. Thứ nhất, trong khi minh văn Thanh châu chỉ ghi chức vụ của Lý Đức Kham đơn giản là “Vũ kị úy”, minh văn Giao châu lại ghi một cách tường tận hơn là “Lại bộ Vũ kị úy”. Thứ hai, minh văn Giao châu không ghi tên hai người thị giả (tùy tùng), cũng không ghi tên các viên chức địa phương tham gia nghi lễ (trưởng sử, lục sự …) như trong minh văn Thanh châu. Thứ tư, trong khi minh văn Thanh châu có ghi tên người viết chữ là “Mạnh Bật”, minh văn Giao châu lại không có phần này. Trong khi đó, minh văn Giao châu lại có thêm dòng chữ “tống xá lợi ư thử khởi tháp” (đưa xá lợi đến đây dựng tháp).
(2) Về tình trạng phát hiện
              Theo bài viết gửi cho Hội nghị Thông báo Khảo cổ học của TS. Lê Viết Nga (Bảo tàng Bắc Ninh), văn bia được ông Nguyễn Văn Đức (thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành) tìm thấy từ năm 2004 trong lúc đào đất làm gạch ở khu vực cách chùa làng Xuân Quan khoảng 20m. Bia bao gồm 2 phần úp khít vào nhau (tạm gọi là nắp và thân bia) được kết dính bằng “một chất gì đó” mà phải cậy bằng mai đào đất mới tách đôi ra được. Phần nắp và phần thân cùng có kích thước 45x46cm, phần nắp đậy dày 4cm. Mặt dưới phần nắp tạo gờ nổi xung quanh (có lẽ để tránh phần nắp tiếp xúc trực tiếp với mặt chữ và để trát hợp chất), mặt trên tạo “góc bạt chéo hình trụ”. Bia được tìm thấy cùng một hòm đá cũng bao gồm phần nắp và phần thân. Hòm có kích thước 45x46cm, phần nắp dày 8 cm, phần thân cao 20cm. Phần phía trên nắp cũng tạo góc bạt chéo hình trụ. Bên trong hòm có “tạp chất màu thâm đen”. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Đức, bia đá và hòm đá được đặt trên một phiến đá.

Như đã trình bày ở phần trước, hiện nay tại Trung Quốc đã phát hiện được 12 minh văn liên quan đến việc xây dựng Nhân Thọ xá lợi tháp. Tuy nhiên, theo khảo sát tư liệu của chúng tôi, chỉ có 2 trường hợp được phát hiện thông qua khai quật khảo cổ học.

Trường hợp thứ nhất là khai quật khảo cổ học tại tháp xá lợi chùa Tiên Du thuộc Ung châu (Tây An, Thiểm Tây) năm 1998. Tháp này nhiều khả năng đã được tu sửa dưới thời Đường. Ở địa cung dưới chân tháp đã phát hiện 1 hòm đá vuông mỗi cạnh khoảng 58cm, cao 40cm, bên trái hòm đá đặt một tấm bia làm bằng đá xanh, một mặt khắc minh văn “Xá lợi tháp hạ minh” năm Nhân Thọ 1 (601) thời Tùy, một mặt khắc minh văn “Tiên Du xá lợi tháp minh” năm Khai Nguyên 4 (716) thời Đường. Bốn phía hòm đá khắc hình 10 tiên nữ cầm các loại nhạc cụ. Bên trong hòm đá có một hòm đồng dài 11,7cm, phía trước rộng 5,48cm, cao 8,4cm, phía sau rộng 3,9cm, cao 6,2cm. Bên trong hòm đồng lại có 1 bình lưu ly cao 4,65cm. Bên trong bình có 10 hạt xá lợi (Lưu Á Vận, 1998).
Trường hợp thứ hai là khai quật nền tháp chùa Thần Đức ở Nghi châu (nay nằm trong phần đất của chùa Diệu Huyện, Thiểm Tây) năm 1964. Tháp này được xây dựng năm Nhân Thọ 4 (604). Hòm đá đựng xá lợi được tìm thấy bên dưới nền tháp, xung quanh được quây bằng gạch. Bốn phía và phía trên hòm đá lại được chặn bởi các phiến đá hình chữ nhật. Thành nắp hòm được trang trí hoa lá, thân hòm khắc cảnh A Nan và các đệ tử đau buồn sau khi Phật Thích Ca lên Niết Bàn cũng như hình Tứ Đại Thiên Vương, Kim Cương Lực Sĩ. Hòm đá có hình vuông mỗi cạnh 103cm, cao 119cm. Nắp hòm cao 52cm, phía trên có khắc 9 chữ “Đại Tùy hoàng đế xá lợi bảo tháp minh”. Điều đáng chú ý là bia được đặt bên trong hòm đá. Phần nắp hòm bên trong được cắt gọt giật cấp sâu 10cm, rộng 52,5cm. Bia khắc minh văn được đặt lọt trong phần giật cấp đó. Bên trong hòm đá có các hòm đồng nạm vàng đựng xá lợi và một số bảo vật như vòng vàng, hòm đồng đựng tóc, bình đồng đựng tro cốt (Dương Hoằng, 2006).

Hình: Cấu trúc hòm đá và bia đặt trong hòm đá của chùa Thần Đức (Dương Hoằng, 2006)

Như vậy, có thể thấy về mặt hình dáng, hòm đá tìm thấy tại Bắc Ninh và hòm đá tìm thấy tại chùa Tiên Du và chùa Thần Đức tuy có kích thước khác nhau nhưng hình dáng tương đối giống nhau, đặc biệt là phần nắp có góc bạt chéo. Qua so sánh, có thể suy đoán hòm đá tìm thấy tại Bắc Ninh chính là hòm đá đựng xá lợi.

              Khai quật ở chùa Tiên Du cho thấy cấu trúc 3 lớp hòm đá – hòm đồng – bình lưu ly,  phù hợp với cách thức an trí xá lợi năm 601 chép trong Quảng hoằng minh tập. Trong trường hợp của chùa Thần Đức, chúng ta thấy chỉ có 2 lớp hòm là hòm đá và hòm đồng nạm vàng, không có bình lưu ly. Đây có thể là do cách đặt xá lợi của năm 604 có khác biệt so với năm 601. Qua tài liệu văn bản và kết quả khai quật tại chùa Tiên Du, có thể cho rằng cấu trúc hòm đá – hòm đồng – bình lưu ly – xá lợi là qui chế chung của năm 601. Như vậy, nếu khai báo của ông Nguyễn Văn Đức là chính xác, tức là trong hòm đá tại Bắc Ninh chỉ còn một lớp “tạp chất màu thâm đen” mà không có hòm đồng và bình lưu ly nạm vàng, thì nhiều khả năng hòm đá ở Bắc Ninh đã từng bị khai quật, lấy đi xá lợi và sau đó được chôn lại.
              Về bia đá, trong trường hợp của chùa Thần Đức, chúng ta thấy minh văn 604 được đặt nằm gọn trong hòm đá. Trường hợp của chùa Tiên Du cho thấy bia đá của năm 601 nằm riêng rẽ so với hòm đá (nếu hòm đá được tìm thấy là hòm đá gốc của thời Tùy), tương tự như ở Bắc Ninh. Bia đá Bắc Ninh có phần nắp. Bia đá của chùa Tiên Du do đã được khắc thêm một mặt vào thời Đường, nên chúng ta không rõ tấm bia gốc vào thời Tùy có phần nắp hay không. Tuy nhiên, tại Trung Quốc cũng có một trường hợp bia có nắp tương tự như bia Bắc Ninh. Bia đá của chùa Thắng Phúc (minh văn Thanh châu) hiện nay vẫn còn lưu giữ được phần nắp, có góc bạt chéo hình trụ tương tự như bia Bắc Ninh.
2.3. Vấn đề niên đại của minh văn Giao châu
              Trên cơ sở so sánh về mặt nội dung cũng như các hiện vật liên quan, có thể thấy bia tháp xá lợi mới phát hiện tại Bắc Ninh có nhiều điểm tương đồng với các bia Nhân Thọ xá lợi tháp năm 601 hiện còn lưu giữ được tại Trung Quốc. Tuy nhiên, xung quanh niên đại 601 được ghi trên bia Bắc Ninh, trong giới học giả Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.
              Quan điểm thứ nhất phủ định niên đại 601 cũng như giá trị lịch sử của bia và cho rằng đây là một tấm bia giả cổ, mới được chế tác gần đây.
              Quan điểm thứ hai cho rằng bia được khắc vào thế kỷ VII, tuy nhiên vào thời điểm muộn hơn năm 601, có thể vào năm 604.
              Quan điểm thứ ba cho rằng bia được khắc vào năm 601, cùng thời điểm với niên đại “Nhân Thọ nguyên niên” ghi trên bia.
              Để tìm được câu trả lời cuối cùng, cần có nghiên cứu liên ngành với sự tham gia của nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các ngành khoa học tự nhiên. Dưới đây chúng tôi sẽ thử xem xét các khả năng nêu trên từ góc độ của một người nghiên cứu tư liệu chữ viết.
              Trước tiên, theo chúng tôi, xác suất xảy ra khả năng thứ nhất, tức bia mới được làm giả cổ là rất thấp. Khi so sánh với các văn bia đã được tìm thấy tại Trung Quốc, chúng ta thấy bia Bắc Ninh có nhiều điểm tương đồng về cả nội dung và hình thức. Mặt khác, bia Bắc Ninh cũng mang những nét đặc thù riêng, ngay cả so với bia Thanh Châu là minh văn có nhiều điểm tương đồng nhất. Điều này cho thấy ít nhất bia Bắc Ninh không phải là bản sao rập khuôn của bất kỳ một mẫu văn bia nào đã được biết đến trước đó. Hơn nữa, để làm giả được tấm bia như thế này, người làm giả phải có trình độ hiểu biết rất sâu sắc về Hán văn, lịch sử thời Tùy – Đường cũng như sưu tầm được tư liệu từ nhiều nguồn tản mác khác nhau. Ví dụ như việc sử dụng dị thể rất hiếm gặp của các chữ “tân”, “nguyện”, “thứ” hay “khởi”. Bản thân tên gọi chùa “Thiền Chúng” vốn không được ghi trong sắc chỉ của vua Tùy mà chỉ xuất hiện trong phần tấu báo “cảm ứng” của các địa phương, do đó nếu muốn làm giả, người làm giả cũng phải tra cứu tư liệu rất kỹ. Hơn nữa, người làm giả cũng phải có hiểu biết rất sâu về hệ thống quan chế của nhà Tùy (ví dụ chức Vũ kị úy là hàm tản quan của nhà Tùy), v.v… Bởi những lý lẽ nêu trên, ít nhất từ góc độ nghiên cứu văn bản học, chúng tôi cho rằng khả năng giả cổ của bia Bắc Ninh là rất thấp[22].
              Để trả lời cho quan điểm thứ hai, chúng ta phải xem xét vấn đề trong bối cảnh mối quan hệ giữa nhà Tùy và chính quyền Lý Phật Tử khi đó.
              Có thể nói người đại diện cho quan điểm thứ hai là học giả Lê Mạnh Thát (1976). Lê Mạnh Thát có lẽ là nhà nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam đề cập đến hoạt động xây dựng Nhân Thọ xá lợi tháp trong phần chú thích bản dịch sách Thiền uyển tập anh ngữ lục (do Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn xuất bản lần đầu tiên năm 1976). Xuất phát từ một sự thực lịch sử là vào năm 601, nước ta vẫn đang là một nước độc lập dưới quyền lãnh đạo của Lý Phật Tử, ông cho rằng Tùy Văn Đế không thể ban xá lợi qua Giao châu vào năm 601. Qua câu chuyện Tùy Văn Đế hỏi sư Đàm Thiên về tình hình phát triển của Phật giáo tại Giao châu được chép trong Thiền uyển tập anh, Lê Mạnh Thát cho rằng ngay cả sau khi Lưu Phương đã tiêu diệt chính quyền của Lý Phật Tử vào năm 602, “Tùy Văn Đế còn đang lo về việc Giao châu đã được giáo hóa theo Phật giáo hay chưa”, và vì vậy, “Giao châu làm gì mà được chọn làm một chỗ thanh tịnh giữa 30 chỗ khác của Trung Quốc” để xây dựng bảo tháp năm 601[23].
              Nói tóm lại, Lê Mạnh Thát phủ định việc nhà Tùy đưa xá lợi và xây dựng bảo tháp tại Giao châu năm 601. Lê Mạnh Thát cho rằng việc đưa xá lợi đến Giao châu chỉ có thể được tiến hành vào năm 604, với việc vua Tùy ban 5 hòm xá lợi cho Pháp Hiền để xây dựng bảo tháp tại chùa Pháp Vân ở Luy Lâu và các chùa khác tại các châu Phong, Hoan, Trường, Ái như ghi chép trong Thiền uyển tập anh. Suy rộng ra, nếu đứng trên quan điểm của Lê Mạnh Thát, tấm bia tìm thấy tại Bắc Ninh, nếu thực sự là bia thời Tùy, chỉ có thể được đưa đến Giao châu vào năm 604, sau cuộc xâm lược của Lưu Phương. Hơn nữa, Lê Mạnh Thát cũng không công nhận địa điểm xây tháp xá lợi tại Giao châu là chùa Thiền Chúng, mà cho rằng địa điểm chính xác phải là chùa Pháp Vân[24].
              Để giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ phải xem xét thực chất mối quan hệ giữa chính quyền của Lý Phật Tử và nhà Tùy khi đó. Trước tiên, chúng tôi cũng tán thành ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu đi trước cho rằng trước cuộc xâm lược của Lưu Phương, nước ta đã là một nước độc lập[25]. Tuy nhiên, câu chuyện dưới đây về Thứ sử Quảng châu Lệnh Hồ Hy chép trong Tùy thư hé lộ cho chúng ta thấy một số vấn đề liên quan đến mối quan hệ thực chất giữa nhà Tùy và nhà Tiền Lý.
              Sử liệu: Tùy thư, Q.56, Liệt truyện 21, Truyện Lệnh Hồ Hy
熙奉詔、令交州渠帥李佛子入朝、佛子欲為亂、請至仲冬上道、熙意在羈縻、遂從之、有人詣闕訟熙受佛子賂而捨之、上聞而固疑之、既而佛子反問至、上大怒、以為信然、遣使者鎖熙詣闕(中略)行軍總管劉方擒佛子送於京師、言熙實無贓貨、上乃悟、於是召其四子、聽預仕焉、
              Tạm dịch:
(Lệnh Hồ) Hy phụng chiếu lệnh Giao châu cừ súy là Lý Phật Tử vào triều. Phật Tử muốn làm loạn, xin đến trọng đông mới lên đường. Hy ý muốn ràng buộc theo kiểu kimi nên đồng ý. Có người đến cửa khuyết tố cáo Hy nhận hối lộ của Phật Tử. Hoàng thượng nghe được nên có ý nghi ngờ. Đến khi tin Lý Phật Tử làm phản đến nơi, Hoàng thượng nổi giận, lấy (chuyện tố cáo cũ) là thật, sai sứ giả bắt giam Hy đưa về cửa khuyết. [Lược một đoạn] Đến khi Hành quân Tổng quản Lưu Phương bắt được Lý Phật Tử đưa về kinh sư, nói Hy quả thực không ăn của đút, Hoàng thượng mới ngộ ra, mời bốn người con (của Hy), cho phép được làm quan.
              Câu chuyện của Lệnh Hồ Hy cho thấy mặc dù vào năm 601, chính quyền của Lý Phật Tử đã là một chính quyền độc lập, song nhà Tùy không thừa nhận sự độc lập đó mà vẫn coi Giao châu là đất cũ của Lương – Trần và là một bộ phận trong lãnh thổ của nhà Tùy. Điều này cũng thể hiện qua việc nhà Tùy chuẩn theo lời tấu của Lệnh Hồ Hy tiến hành đổi tên một số đơn vị hành chính đang nằm dưới sự kiểm soát của Lý Phật Tử như Hoàng châu thành Phong châu, Lợi châu thành Trí châu, Đức châu thành Hoan châu[26]. Việc đổi tên này chứng tỏ nhà Tùy nghiễm nhiên coi các châu này nằm dưới quyền quản lý của mình.
              Chính quyền Quảng Châu của Lệnh Hồ Hy vào thời điểm đó đóng vai trò là đầu mối liên lạc giữa chính quyền trung ương của nhà Tùy với Lý Phật Tử, song chỉ muốn “ràng buộc [Giao châu] theo kiểu kimi”. Về phía nhà Tiền Lý, mặc dù thực chất đã là một chính quyền độc lập, song cũng như nhiều vương triều khác trong lịch sử Việt Nam, Lý Phật Tử rõ ràng “đóng vai” một thần tử của chính quyền Trung Hoa, và để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Tùy, đã xin hoãn việc lên đường vào chầu vua Tùy đến giữa mùa đông năm 601.
              Mối quan hệ phức tạp khi đó giữa nhà Tùy và chính quyền Lý Phật Tử còn được thể hiện qua một tư liệu khác là mộ chí của Tô Hiếu Từ 蘇孝慈墓誌. Tô Hiếu Từ là người Phù Phong 扶風 (Thiểm Tây), làm quan cho ba triều Tây Ngụy, Bắc Chu và Tùy, chết năm 601 khi đang làm chức Hồng châu Tổng quản洪州總管của nhà Tùy. Mộ chí của Tô Hiếu Từ được khắc năm 603, được phát hiện tại Bồ Thành (Thiểm Tây, Trung Quốc) từ năm 1888 (Thanh Đạo Quang 14), hiện đang được lưu giữ tại Nhà văn hóa Bồ Thành. Điểm đáng chú ý trong nội dung tấm mộ chí này là việc Tô Hiếu Từ trước khi chết đã được vua Tùy phong làm “Giao châu đạo hành quân tổng quản” để chinh phạt Giao châu[27]. Mặt khác, theo Tùy thư, Hồng châu Tổng quản Tô Từ chết vào ngày Quí Sửu (tức ngày 1) tháng 6 năm Nhân Thọ 1 (601)[28]. Như vậy, nhờ mộ chí của Tô Hiếu Từ, chúng ta phát hiện được một sự thật rất quan trọng. Đó là không phải đợi đến năm 602, mà ngay từ thời điểm trước tháng 6 năm 601, nhà Tùy đã chuẩn bị cho việc tấn công Giao châu. Tuy nhiên, cuộc hành quân này trên thực tế đã bị hoãn, có lẽ là do cái chết đột ngột của Tô Hiếu Từ vào đầu tháng 6. Đến ngày 13 tháng 6, Tùy Văn Đế xuống chiếu ra lệnh phân phát xá lợi cho Giao châu. Điều đó có nghĩa là việc phân phát xá lợi của vua Tùy vào tháng 6 năm 601 không chỉ đơn thuần là một hoạt động tôn giáo, mà còn có âm mưu sâu xa là nhằm kiểm tra lại sự thần phục của Giao châu đối với nhà Tùy.

Ảnh: Thác bản mộ chí Tô Hiếu Từ

              Trong bối cảnh chính trị – ngoại giao như vậy, chúng tôi cho rằng vào giữa tháng 10 năm 601, chính quyền của Lý Phật Tử có thể chấp nhận một đoàn sứ giả gồm 1 sa môn, 2 tùy tùng là tăng lữ, 1 viên võ quan của nhà Tùy đến Giao châu với mục đích tổ chức một nghi lễ Phật giáo. Điều này có lẽ cũng không khó khăn đối với một người đứng đầu chính quyền mà tên gọi đã phản ánh sự sùng bái Phật giáo rất sâu đậm – Lý Phật Tử. Hơn nữa, về mặt chính trị, việc không đón tiếp đoàn hộ tống xá lợi của vua Tùy vào thời điểm tháng 10 có thể dẫn đến nguy cơ phá hỏng kế hoạch kéo dài thời gian để chuẩn bị kháng chiến của nhà Tiền Lý.
              Một lý do nữa khiến chúng tôi nghĩ rằng việc xây tháp tại Giao châu và cho khắc minh văn thực sự được tiến hành vào năm 601, không phải vào năm 604 là vì ngày tháng trên minh văn ghi rõ là năm “Nhân Thọ nguyên niên”. Như chúng ta đã biết, hoạt động phân phát xá lợi không chỉ được tiến hành vào hai năm Nhân Thọ 1 và 2 (601, 602) mà còn được tiến hành cả vào năm Nhân Thọ 4 (604). Như đã trình bày ở phần đầu, năm 604, vua Tùy xuống chiếu phân phát xá lợi vào tháng Giêng, ước hẹn cùng các địa phương hạ thổ xá lợi vào ngày 8 tháng 4 cùng năm. Hiện nay, tại Trung Quốc đã phát hiện được một số minh văn liên quan đến sự kiện năm 604 như các minh văn Tử châu, Nghi châu, Liêm châu (tham khảo Bảng 1). Các minh văn này đều ghi rõ thời điểm “Nhân Thọ tứ niên” (604). Như vậy, nếu giả sử vào năm 601, nhà Tùy không đưa xá lợi đến được Giao châu và chỉ làm được điều này vào năm 604, sau khi Lưu Phương đã kiểm soát được Giao châu, minh văn khắc kèm với hoạt động phân phát xá lợi đó theo lẽ thông thường sẽ phải được khắc niên hiệu “Nhân Thọ tứ niên” giống như các địa phương khác, hoàn toàn không cần thiết phải quay ngược lại thời gian để khắc lại niên hiệu “Nhân Thọ nguyên niên” như trên tấm bia tìm thấy tại Bắc Ninh.
              Hơn hết, về mặt tư liệu, như đã trình bày ở phần trước, Giao châu không chỉ được liệt kê trong danh sách phân phát xá lợi năm 601 mà tên chùa Thiền Chúng của Giao châu còn xuất hiện trong danh sách “cảm ứng” do các địa phương tấu lên với triều đình trung ương của nhà Tùy. Trong khi đó, địa điểm Pháp Hiền cho xây dựng các tháp xá lợi năm 604 theo Thiền uyển tập anh là chùa Pháp Vân và một số chùa khác tại Phong châu, Trường châu, Ái châu, Hoan châu. Điều này cho thấy việc xây dựng tháp xá lợi tại chùa Thiền Chúng vào năm 601 là có thực và là một sự kiện hoàn toàn khác biệt so với việc Pháp Hiền tổ chức xây dựng tháp xá lợi tại chùa Pháp Vân năm 604.
2.4. Tiểu kết – Đánh giá về bia Bắc Ninh:
              Khi xem xét bối cảnh lịch sử đương thời cũng như nội dung các tư liệu hiện còn lưu giữ được, có thể nói xác suất để xảy ra khả năng thứ nhất và thứ hai là rất thấp, hay nói cách khác, việc coi niên đại khắc trên bia Bắc Ninh chính là niên đại thực của tấm bia vẫn là khả năng có tính hiện thực và thuyết phục cao nhất ở thời điểm hiện tại.
              Với tình hình tư liệu hiện nay, có thể tạm thời xác nhận đây là văn bia hiện còn lưu giữ được có niên đại cổ nhất Việt Nam. Niên đại 601 của văn bia này sớm hơn 17 năm so với tấm bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn có niên đại năm 618 đã được GS.Đào Duy Anh phát hiện tại Thanh Hóa năm 1960. Bia Bắc Ninh thuộc cùng nhóm các văn bia liên quan đến chuỗi sự kiện Tùy Văn Đế cho phân phát xá lợi và xây dựng bảo tháp trong niên hiệu Nhân Thọ đầu thời Tùy. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị gọi tên tấm bia này là bia/minh văn Giao châu Nhân Thọ xá lợi tháp 交州仁寿舎利塔銘.
              Sự thống nhất về câu chữ trong minh văn cho thấy bên cạnh thiết kế tháp xá lợi, qui cách tổ chức nghi lễ, chính quyền trung ương của nhà Tùy đã biên soạn trước nội dung minh văn để phân phát cho các địa phương. Mặt khác, kích thước bia, kiểu chữ khắc lại có sự khác biệt tùy từng địa phương. Việc tìm thấy minh văn Giao châu giúp tái khẳng định ý kiến của học giả Nhật Bản Kegazawa Yasunori cho rằng nhà Tùy chỉ đóng vai trò biên soạn nội dung minh văn, còn việc khắc bia được giao về các địa phương (Kegasawa Yasunori, 2011). Với ý nghĩa đó, chúng tôi cho rằng bia Giao châu Nhân Thọ xá lợi tháp đã được khắc tại Việt Nam.
3. Tháp Nhân Thọ xá lợi ở Giao châu và mối quan hệ với dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi
              Như đã trình bày ở trên, với Giao châu, Tùy Văn Đế không chỉ định địa điểm xây tháp mà để cho chính quyền Giao châu tự lựa chọn. Vậy tại sao chùa Thiền Chúng, một ngôi chùa mới xây dựng vào thời điểm đó lại được lựa chọn?
              Điều này trước tiên bắt nguồn từ mối liên hệ trực tiếp giữa Tỳ Ni Đa Lưu Chi – sư phụ của Pháp Hiền với chính sách phục hưng Phật giáo của Tùy Văn Đế. Như các học giả Nguyễn Lang (1974) và Lê Mạnh Thát (1976) đã đề cập, theo các sách Lịch đại tam bảo ký[29]Tục Cao tăng truyện, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã từng đến nhà Tùy và được chính vua Tùy mời dịch các kinh Tượng đầu tinh xá và Đại thừa phương quảng tổng trì dưới tên hiệu là Diệt Hỷ. Theo Lịch đại tam bảo ký và Thích thị thông giám, Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch xong kinh Tượng đầu vào tháng 2, và dịch xong kinh Tổng trì vào tháng 7 năm Khai Hoàng 2 (582).
              Sử liệu: Lịch đại tam bảo ký, Q.12
象頭精舍經一卷                 開皇二年二月譯
大乘方廣總持經一卷         開皇二年七月譯
右二部二卷、北天竺烏場國三藏法師毘尼多流支、隋言滅喜。既聞我皇興復三寶。故能不遠五百由延。振錫巡方來觀盛化至止。便召入令翻經。即於大興善寺譯出。給事李道寶般若流支次子曇皮二人傳譯。大興善寺沙門長安釋法纂筆受為隋言。并整比文義。沙門彥琮並皆製序。
              Tạm dịch:
Tượng đầu tịnh xá kinh 1 quyển (dịch tháng 2 năm Khai Hoàng 2 – 582)
Đại thừa phương quảng tổng trì kinh 1 quyển (dịch tháng 7 năm Khai Hoàng 2 – 582)
Hai bộ hai quyển kinh trên do Tam tạng pháp sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tiếng Tùy gọi là Diệt Hỷ, người nước Ô Dương Bắc Thiên Trúc dịch. Sư nghe tin Hoàng thượng ta [tức Tùy Văn Đế] hưng phục Tam bảo… (Tùy Văn Đế) bèn mời vào lệnh cho dịch kinh. Dịch tại chùa Đại Hưng Thiện. Cấp sự Lý Đạo Bảo, con thứ của Ban Nhược Lưu Chi là Đàm Bì hai người truyền dịch. Sa môn chùa Đại Hưng Thiện Trường An Thích Pháp Toản chấp bút thành tiếng Tùy và chỉnh lý văn nghĩa. Sa môn Ngạn Tông viết lời tựa cho cả 2 bộ kinh.
              Ở đây, chúng ta cần lưu ý một điểm rất quan trọng là Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã tham gia vào hoạt động dịch thuật của chính quyền trung ương nhà Tùy sau khi đã có một thời gian hoạt động tại Giao châu.
              Theo những ghi chép của Thiền uyển tập anh, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã đến kinh đô Trường An của nhà Trần từ năm 574 (Thái Kiến 2). Gặp lúc Chu Võ Đế phá diệt Phật pháp, ông bèn theo lời khuyên của Tăng Xán xuống phía Nam. Ông lưu lại chùa Chế Chỉ ở Quảng Châu trong 6 năm, dịch xong kinh Tượng đầu. Sau đó, ông đến chùa Pháp Vân tại Việt Nam vào tháng 3 năm 580 (Chu Đại Tượng 2, Canh Tí). Tại đây, ông thu nạp đệ tử Pháp Hiền và dịch xong kinh Tổng trì (tức Đại thừa phương quảng tổng trì)[30].
       Trước đây, các tư liệu nêu trên đã được học giả Nguyễn Lang chú ý đến khi ông viết bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đứng từ quan điểm nghiên cứu Phật giáo, Nguyễn Lang chủ yếu quan tâm đến vấn đề kinh Tổng trì như vậy đã được dịch tại Việt Nam (như sách Thiền uyển tập anh chép) hay Trung Hoa (như các tài liệu Trung Quốc, mà tiêu biểu là Thích thị thông giám chép). Nguyễn Lang cũng đặt nghi vấn không rõ thời điểm Tỳ Ni Đa Lưu Chi lần đầu tiên đến Việt Nam là vào năm 580 (như Thiền uyển tập anh chép) hay sau năm 582, sau khi đã dịch kinh Phật ở kinh đô Đại Hưng của nhà Tùy (theo ghi chép của Thích thị thông giám)[31].
              Các nghi vấn mà Nguyễn Lang đưa ra xuất phát từ vấn đề ông quan niệm rằng Tỳ Ni Đa Lưu Chi chỉ đến Việt Nam sau khi đã tham gia hoạt động dịch thuật kinh Phật ở nhà Tùy. Từ đó dẫn đến việc ông không giải thích được tại sao theo Thiền uyển tập anh, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã đến Việt Nam từ năm 580 mà theo các nguồn tài liệu của Trung Quốc, đến năm 582, Tỳ Ni Đa Lưu Chi lại có thể dịch kinh ở kinh đô Đại Hưng, do đó Nguyễn Lang buộc phải đi đến lựa chọn một trong hai tư liệu, hoặc Thiền uyển tập anh hoặc Thích thị thông giám, và phủ định tư liệu còn lại. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, có thể thấy các ghi chép của Thiền uyển tập anh và Thích thị thông giám hoàn toàn không có điểm gì mâu thuẫn với nhau. Nếu đặt các sự việc theo trục thời gian, cần phải hiểu rằng Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã đến Việt Nam từ năm 580, đúng như ghi chép của Thiền uyển tập anh, ở lại chùa Pháp Vân một thời gian, sau đó khi được tin Tùy Văn Đế tiến hành chính sách phục hưng Phật giáo, ông đã quay trở lại Trung Quốc. Trong thời gian quay lại Trung Quốc đó, ông đã được mời tham gia hoạt động dịch kinh sách tại kinh đô Đại Hưng và hoàn thành công việc dịch 2 bộ kinh Tượng đầu và Tổng trì vào tháng 2 và tháng 7 năm 582. Nếu giải thích theo hướng này, chúng ta cũng giải quyết được vấn đề của kinh Tổng trì mà Nguyễn Lang thắc mắc. Có thể cho rằng Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch kinh Tổng trì ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Ông bắt đầu công việc dịch thuật tại chùa Pháp Vân ở Giao châu theo đúng ghi chép của Thiền uyển tập anh, và sau đó chính thức hoàn thành công trình này khi ông quay trở lại Trung Quốc và được mời tham gia vào công việc dịch thuật tại chùa Đại Hưng Thiện. Sau đó, ông lại quay trở lại chùa Pháp Vân và mất ở đây vào năm 594.
              Như vậy, chúng ta thấy rằng sau một thời gian hoạt động tại chùa Pháp Vân ở Việt Nam, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã quay trở lại Trung Quốc và tham gia trực tiếp vào các hoạt động phục hưng Phật giáo của Tùy Văn Đế ngay tại kinh đô Đại Hưng. Chắc chắn là khi quay trở lại Trung Quốc, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã mang theo những tri thức mà ông nắm được về hoạt động Phật giáo tại Giao châu. Danh tiếng của Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng như mối liên hệ của vị danh tăng này với chính quyền nhà Tùy là một trong những lý do dẫn đến việc chính quyền Lý Phật Tử lựa chọn chùa Thiền Chúng để xây dựng tháp xá lợi năm 601.
              Đệ tử của Tỳ Ni Đa Lưu Chi – Pháp Hiền chắc chắn cũng đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng tháp xá lợi năm 601. Như đã trình bày ở phần trước, đối với Giao châu, Tùy Văn Đế không chỉ định vị trí xây tháp mà để cho Giao châu lựa chọn, và ngôi chùa được chọn là chùa Thiền Chúng. Tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2012, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Hà khi bàn về bia xá lợi 601 cũng đã nhắc đến Pháp Hiền với tư cách là “trụ trì” của chùa Thiền Chúng (Nguyễn Quang Hà, 2012)[32]. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng không chỉ là “trụ trì”, Pháp Hiền còn chính là người sáng lập chùa Thiền Chúng. Nguyên văn văn bản của Thiền uyển tập anh viết rất rõ: ” Khi (Tỳ Ni Đa Lưu) Chi tịch rồi, sư thẳng vào núi ấy, tu tập thiền định, hình như cây khô, vật, ngã đều quên, chim bay đến chầu, dã thú vây quanh. Người đương thời nghe tiếng đến học, không thể đếm xiết. Nhân đó, sư lập chùa [sáng tự], dạy dỗ học trò. Tăng chúng đến ở thường hơn 300″[33].
              Tóm lại, chúng ta thấy rằng không phải ngẫu nhiên mà chùa Thiền Chúng lại được lựa chọn để xây dựng tháp xá lợi của nhà Tùy vào năm 601. Chùa Thiền Chúng được lựa chọn vì:
              Thứ nhất, chùa Thiền Chúng nằm trong dòng thiền của Tỳ Ni Đa Lưu Chi, một vị cao tăng đã từng tham gia dịch thuật kinh sách ở kinh đô nhà Tùy và có mối liên hệ mật thiết với chính sách phục hưng Phật giáo của Tùy Văn Đế.
              Thứ hai, sau khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi chết, đệ tử của ông là Pháp Hiền đã hoằng dương pháp môn của dòng thiền này, sáng lập ra chùa Thiền Chúng và biến nó trở thành một trung tâm Phật giáo lớn, mà theo Thiền uyển tập anh, số lượng tăng chúng thường cư trú lên đến hơn 300. Số lượng tăng chúng đông đảo này thỏa mãn điều kiện huy động sư sãi (nhiều nhất là 360 người, các mức tiếp theo là 240 hoặc 120 người) để tham gia nghi lễ xây tháp xá lợi của nhà Tùy.
              Thứ ba, Pháp Hiền không chỉ tinh thông pháp môn của Tỳ Ni Đa Lưu Chi mà còn là một người đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng tháp xá lợi tại Giao châu. Theo Thiền uyển tập anh, sau khi Tỳ Ni Đa Lưu Chi viên tịch, chính Pháp Hiền đã “làm lễ trà tỳ, thu xá lợi 5 sắc, xây tháp để thờ”. Đó là vào “năm Giáp Dần, đời Tùy Khai Hoàng năm 14 (594)”[34], tức là 7 năm trước khi Tùy Văn Đế xuống chiếu cho xây dựng tháp xá lợi tại Giao châu.
5. Các tháp xá lợi được xây dựng tại Việt Nam dưới thời Tùy – Đường
              Trên đây, chúng tôi đã so sánh văn bia Giao châu Nhân Thọ xá lợi tháp với các minh văn tương tự tìm thấy tại Trung Quốc. Trên cơ sở những nhận thức mới đạt được qua nghiên cứu so sánh, chúng tôi muốn tổng hợp và đánh giá lại một số di tích và hiện vật tháp xá lợi có niên đại từ nửa cuối thế kỷ VI đến hết thế kỷ IX tại Việt Nam (tương đương với thời Tùy – Đường).
5.1. Các tháp xá lợi được xây dựng vào thời Tùy
              Tháp xá lợi đầu tiên được xây dựng trong giai đoạn này có lẽ là tháp an trí xá lợi của thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, do đệ tử của ông là sư Pháp Hiền xây dựng tại chùa Pháp Vân vào năm 594. Đến năm 601, Pháp Hiền tiếp tục tham gia việc xây dựng tháp xá lợi tại chùa Thiền Chúng, thuộc huyện Long Biên, Giao châu. Theo Thiền uyển tập anh, sau khi Lưu Phương tiêu diệt chính quyền Lý Phật Tử, dưới sự tiến cử của Lưu Phương, vua Tùy đã chuyển đến Giao châu 5 hòm xá lợi. Pháp Hiền đã xây tháp an trí 5 hòm xá lợi này tại chùa Pháp Vân (Giao châu) và các châu Phong, Trường, Ái, Hoan. Như vậy, riêng tại chùa Pháp Vân ở Giao châu đã tồn tại hai tháp xá lợi, một của Tỳ Ni Đa Lưu Chi, một của nhà Tùy.
              Sang đến thời Lý, một trong hai tháp xá lợi này đã được khai quật. Theo Đại Việt sử lược, năm Giáp Tuất (1034), “sư ở chùa Pháp Vân tại Cổ châu tâu lên rằng: trong chùa phát ra mấy đạo tia sáng, theo tia sáng mà đào thì thấy một hòm bằng vàng, một hòm bằng đá, trong hòm đá có hòm bạc, trong hòm bạc có hòm vàng, trong hòm vàng có bình lưu ly, trong bình có xá lợi”[35]. Ở đây, chúng ta thấy xuất hiện bình lưu ly, tức là có điểm tương đồng với qui chế an trí xá lợi năm 601, nhưng mặt khác, lại có thêm một lớp hộp bạc. Kết hợp với các thông tin về tháp xá lợi của chùa Pháp Vân nêu trên, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng xá lợi được khai quật năm 1034 là xá lợi do Pháp Hiền cho hạ thổ năm 604 dưới thời Tùy.
5.2. Các tháp xá lợi được xây dựng vào thời Đường
              Trong hai năm 1985-1986, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật di chỉ Nhạn tháp (thôn Nhạn Tháp, xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Tại di chỉ này đã phát hiện được hòm vàng có hoa văn đựng xá lợi, dài 12cm, rộng 8cm, cao 8cm. Hòm vàng này lại được đặt trong lòng một hòm đồng trơn, 12cm, rộng 8cm, cao 8cm. Hòm đồng nằm trong một thân cây khoét rỗng cao 1,37m, chôn ở chính tâm lòng tháp[36].
              Qua các ghi chép khảo cổ học, chúng ta thấy cách thức chôn xá lợi tại Nhạn Tháp chỉ có 3 lớp: thân cây, hòm đồng, hòm vàng, khác với qui cách chôn hòm xá lợi của thời Tùy (ít nhất phải có 1 lớp hòm đá). Ngoài ra, tại di tích này cũng tìm được một số viên gạch có chữ, trong đó có minh văn “Trinh Quán lục niên” 貞観六年 (627). Tổng hợp các nguồn thông tin nêu trên, chúng tôi cho rằng đây là một tháp xá lợi thời Đường.
              Liên quan đến lòng thân cây khoét rỗng, trước đây GS. Hà Văn Tấn từng đặt vấn đề: cách thức chôn như vậy “gợi chúng ta nhớ đến tục chôn người chết trong những quan tài khoét bằng thân cây trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam. Các tháp Xá Lị vẫn được coi là tháp mộ, khác với các tháp kỷ niệm. Phải chăng ở đây, có sự tiếp hợp giữa Phật giáo với những truyền thống bản địa lâu đời ?” (Hà Văn Tấn, 1993). Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Kosugi Yasuo (1934), từ thời Lục Triều tại Trung Quốc, khi xây dựng tháp Phật, người ta thường lập một trụ gỗ nhỏ ở trung tâm để đánh dấu vị trí xây tháp, gọi là “đả sát”. Cách xây dựng này kéo dài đến tận thời Tùy – Đường. Hai chữ “đả sát” cũng xuất hiện trong chiếu thư xây dựng Nhân Thọ xá lợi tháp của Tùy Văn Đế mà chúng tôi đã giới thiệu ở phần đầu bài viết. Như vậy, cách thức xây dựng “đả sát” muộn nhất đã được truyền đến Giao châu từ năm 601, thân cây khoét rỗng mà chúng ta tìm được tại di chỉ Nhạn Tháp có lẽ cũng là một dạng “đả sát” của tháp xá lợi và không có nhiều liên hệ đến văn hóa Đông Sơn.
              Ngoài ra, liên quan đến hai hạt xá lợi màu trắng phát hiện trong hòm xá lợi ở Nhạn Tháp, chúng tôi cũng muốn lưu ý đến cách phân biệt xá lợi trong sách Pháp uyển chu lâm do sư Đạo Thế soạn vào năm Tổng Chương 1 (668) thời Đường. Theo đó, xá lợi vốn được chia làm 3 loại, thứ nhất là xá lợi xương, có màu trắng, thứ hai là xá lợi tóc, có màu đen, thứ ba là xá lợi thịt, có màu đỏ[37]. Nếu theo cách phân biệt này, hai viên xá lợi của Nhạn Tháp thuộc loại xá lợi xương.
              Ngoài di chỉ Nhạn Tháp, gần đây, trong quá trình điều tra các viên gạch có chữ Hán tại Hoàng thành Thăng Long, chúng tôi phát hiện được một viên gạch Đại La có minh văn như sau:
1            □和四年十一匚
2      塔元安 佛匚
3      善崇善寺匚
4      □會寺僧匚
5      塔左匚
Phiên âm:
1            […] Hòa tứ niên thập nhất […]
2            tháp nguyên an Phật […]
3            thiện Sùng Thiện tự […]
4            […] hội tự tăng […]
5            tháp tả […]
              Viên gạch nói trên không có ghi số hiệu khai quật, có lẽ đã bị bỏ sót trong quá trình chỉnh lý hiện vật. Dòng đầu tiên ghi niên hiệu “.. Hòa tứ niên”. Chữ đầu tiên bị mất một phần (có lẽ do bị cuốc vào khi khai quật). Tuy nhiên, nếu dựa vào 2 nét bên dưới còn sót lại, kết hợp với niên đại Đại La, chúng tôi cho rằng chữ này chỉ có thể là chữ “Nguyên” 元. Nếu suy đoán của chúng tôi là đúng, dòng niên đại trên viên gạch là tháng 11 năm Nguyên Hòa 4, tức năm 809 thời Đường. Năm 809 là năm dưới thời An Nam Đô hộ Trương Chu[38].
              Dòng thứ hai đáng tiếc cũng bị mất các chữ cuối. Tuy nhiên, ở đây chúng ta thấy có từ “tháp nguyên an Phật …”, tức là “tháp vốn an (trí) Phật …”. Đặc biệt, sau chữ “an” người viết để trống một chữ để thể hiện sự kính trọng rồi viết tiếp chữ “Phật”. Mạch văn, khuyết tự thể hiện ý kính trọng và chữ “an” khiến chúng tôi ngờ rằng chữ tiếp theo là chữ “tượng” hoặc “xá lợi”.
              Việc tìm thấy viên gạch có minh văn nêu trên không chỉ giúp khẳng định giả thuyết trước đây của chúng tôi cho rằng phủ thành An Nam dưới niên hiệu Nguyên Hòa thời Đô hộ Trương Chu đã nằm tại vị trí 18 Hoàng Diệu, mà còn hé lộ cho chúng ta sự tồn tại của một tòa tháp, nhiều khả năng là tháp xá lợi được xây dựng vào đầu thế kỷ IX ở An Nam. Tháp xá lợi này có liên hệ nào đó đến một ngôi chùa cùng thời có tên là chùa Sùng Thiện.
Ảnh: Thác bản viên gạch phát hiện được tại Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
              Đến nửa cuối thế kỷ IX, theo ghi chép của sách An Nam chí, tương truyền An Nam Đô hộ Cao Biền đã cho xây dựng tháp trên núi Đông Cứu (tức núi Thiên Thai, Gia Lương, Bắc Ninh)[39]. Theo Trần Cương Trung thi tập, khi sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu sang Việt Nam vào năm 1293 vẫn còn thấy tháp đá do Cao Biền xây dựng nằm bên trái “Phú Lương giang Thượng Kiều thị”[40], mà hiện nay chúng ta không rõ ở đâu.
              Kết luận
              Sự kiện phát hiện văn bia Giao châu Nhân Thọ xá lợi tháp năm 601 tại Bắc Ninh có ý nghĩa vô cùng quí giá. Qua nghiên cứu so sánh với các văn bia Nhân Thọ xá lợi tháp đã phát hiện được tại Trung Quốc, chúng tôi cho rằng với điều kiện tư liệu hiện tại, có thể cho rằng đây chính là văn bia được chế tác năm 601 cùng với sự kiện Tùy Văn Đế cho xây dựng bảo tháp xá lợi năm Nhân Thọ 1 (601) tại Giao châu.
              Với niên đại 601, văn bia Giao châu Nhân Thọ xá lợi tháp tìm thấy tại Bắc Ninh đã thay thế văn bia Đại Tùy Cửu Chân Bảo An đạo tràng chi bi văn (bia Trường Xuân) có niên đại năm 618 ở Thanh Hóa, trở thành văn bia có niên đại cổ nhất Việt Nam.
              Đây là nguồn tư liệu kim thạch văn quí giá, bên cạnh bia Trường Xuân và tấm bia được cho là tìm thấy tại khu vực Vạn Xoan trước đây[41], giúp nghiên cứu về tình hình chính trị, quan hệ ngoại giao, lịch sử Phật giáo tại Việt Nam giai đoạn thời Tiền Lý. Trên cơ sở khảo sát minh văn Giao châu Nhân Thọ xá lợi tháp, kết hợp với một nguồn tư liệu từ trước đến nay chưa được nhiều nhà nghiên cứu chú ý đến là mộ chí của Tô Hiếu Từ, chúng tôi đã chi ra được một số vấn đề quan trọng về lịch sử chính trị giai đoạn này. Thứ nhất, không phải đợi đến năm 602 mà ngay từ thời điểm tháng 6 năm 601, nhà Tùy đã ý thức về sự tồn tại của chính quyền độc lập của Lý Phật Tử và có ý đồ xâm lược Giao châu. Trong bối cảnh đó, việc vua Tùy xuống chiếu cử sứ giả hộ tống xá lợi đến Giao châu xây tháp vào ngày 10 tháng 6 năm 601 không đơn thuần là một hoạt động tôn giáo, mà còn ẩn chứa một ý đồ chính trị sâu xa là nhằm kiểm tra sự thần phục của Lý Phật Tử đối với nhà Tùy. Cũng cần đánh giá việc Lý Phật Tử tổ chức đón tiếp đoàn sứ giả của vua Tùy vào năm 601 như một bước đi về mặt chính trị – ngoại giao nhằm kéo dài thời gian để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Tùy diễn ra sau đó.
              Ngoài ra, minh văn cũng giúp chúng ta có được nhận thức hoàn chỉnh hơn về hoạt động xây dựng tháp xá lợi và các tín ngưỡng liên quan trong giai đoạn thuộc Tùy – Đường.
              Văn bia Giao châu Nhân Thọ xá lợi tháp cũng là một tài liệu quan trọng bổ sung cho nghiên cứu lịch sử giao thông thời Bắc thuộc. Chiếu thư Tùy Văn Đế phát ra vào ngày 13 tháng 6, ước hẹn các địa phương cùng hạ thổ xá lợi vào ngày 15 tháng 10. Như vậy, nhà Tùy đã phải cân nhắc quãng thời gian cần thiết để sứ giả hộ tống xá lợi di chuyển từ kinh đô Đại Hưng (Trường An) đến các địa phương, xa nhất là Giao châu. Nói cách khác, quãng thời gian 124 ngày (từ 13 tháng 6 đến ngày 15 tháng 10) là quãng thời gian tối đa để di chuyển từ Trường An đến Giao châu. Trước đây, qua nghiên cứu về trường hợp của khởi nghĩa Dương Thanh, chúng tôi đã tính toán di chuyển từ Trường An đến An Nam Đô hộ phủ mất khoảng 59-70 ngày nếu di chuyển bằng đường biển và dịch trạm, khoảng 124 ngày nếu di chuyển với tốc độ thông thường (Phạm Lê Huy, 2012).
              Trên phương diện địa lý học lịch sử, văn bia Giao châu Nhân Thọ xá lợi tháp là một tư liệu có giá trị tham khảo cao trong việc xác định vị trí chính xác của các tòa thành Luy Lâu và Long Biên thời Bắc thuộc. Văn bia được tìm thấy ở thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, chỉ cách di tích thành cổ Lũng Khê – “Luy Lâu” khoảng 2km về phía Tây. Đây là một cứ liệu quan trọng góp phần nghiên cứu xác định vị trí huyện Long Biên thời Nam triều và Tùy cũng như quan hệ giữa thành Long Biên và thành Luy Lâu mà giới khoa học Việt Nam đã thảo luận lâu nay[42].
              Đây là bia có nắp đầu tiên tìm thấy ở VN, thuộc loại hình bia tháp xá lợi, được chôn dưới chân tháp. Từ trước đến nay, giới khoa học Việt Nam đã tìm thấy nhiều bia có nắp trong các đình, chùa, đền từ thời Lê về sau, thường gắn vào tường. Trong bối cảnh đó, bia Giao châu Nhân Thọ xá lợi tháp cung cấp thêm tư liệu để nghiên cứu về quá trình ra đời và phát triển của loại hình bia có nắp ở Việt Nam.
              Không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam, tấm bia này cũng là nguồn tư liệu quí giá giúp nâng cao hiểu biết của giới học giả Trung Quốc và Nhật Bản về hoạt động xây dựng Nhân Thọ xá lợi tháp nói riêng cũng như chính sách Phật giáo của nhà Tùy nói chung. Cụ thể, nó giúp xác nhận lại địa điểm xây dựng tháp xá lợi tại Giao châu (chùa Thiền Chúng), cách thức triển khai (triều đình trung ương gửi mẫu văn bản, chính quyền địa phương tự khắc bia), cũng như cung cấp một số thông tin mới về sứ giả hộ tống (trong trường hợp Giao châu là Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kị úy Khương Huy).
Tài liệu tham khảo
Kosugi Kazuo, Về việc an trí xá lợi Phật tại các tháp Phật thời Lục triều, Hiệp hội Học thuật Đông phương, 1934
Đào Duy Anh, Cái bia cổ ở Trường Xuân với vấn đề nhà Tiền Lý, Tạp chí NCLS, 50(5), 1963
Trần Quốc Vượng – Vũ Tuân Sán, Bàn thêm về thành Thăng Long thời Lý – Trần, Tạp chí NCLS, 4, 1966.
Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB Lá Bối, 1974 (NXB Văn học in lại năm 2000)
Trần Anh Dũng – Nguyễn Mạnh Cường, Tháp Nhạn ở Nghệ Tĩnh qua hai lần khai quật, Tạp chí Khảo cổ học, 3, 1987
Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam, NXB KHXH, 1993 (NXB Thế giới in lại năm 2010)
Lưu Á Vận, Phát hiện khảo cổ tháp xá lợi chùa Tiên Du, Trung Quốc văn vật báo, số ngày 22 tháng 11 năm 1998.
劉呆運「仙游寺舍利塔的考古発見」(『中国文物報』1998年11月22日)
Lý Á Tân, Bí ẩn tháp Pháp Vương, Tạp chí Kiều, 1, 1999
李亜新「法王塔之謎(下)」(『橋』1999年第一期)
Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh (in lại bản của Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn 1976), 19999
Kegasawa Yasunori, Việc cắt giảm học hiệu và Cúng dường xá lợi năm Nhân Thọ nguyên niên (601) thời Tùy, Tạp chí Sử họcTra Surudai, 111 (2), 2001
氣賀澤保規「隋仁寿元年(601)の学校削減と舎利供養」(『駿台史学 』111(2)、2001年
Lê Thị Liên, Buddhism in Vietnam during the 1st millennium A.D. from archaeological evidence,  Transactions of the International Conference of Eastern Studies, No.48 (2003)
Nakamura Nobuo, Khảo sát về minh văn Nhân Thọ xá lợi tháp – Xung quanh minh văn Đại Tùy hoàng đế Tử châu xá lợi tháp, Tập san Nghiên cứu Mỹ thuật, 25, 2004
中村伸夫「仁寿舎利塔銘に関する一考察–羅振玉旧蔵<大随皇帝梓州舎利塔銘>をめぐって」(『芸術研究報』37、2004年
Dương Hoằng, Địa cung tháp xá lợi và đồ đựng xá lợi Trung Quốc thời Bắc Triều – Tùy – Đường, Tạp chí Lịch sử và Văn hóa (Đại học Tohoku Gakuin), 40, 2006
楊泓「中国北朝・隋・唐時代の舎利塔地宮と舎利容器」『(東北学院大学論集)歴史と文化』第40号、2006年
Phạm Lê Huy, Về một số thủ lĩnh An Nam thời thuộc Đường, Tạp chí NCLS, 401(9)-402(10), 2009
Nishimura Masanari, Khảo cổ – Cổ đại học Việt Nam, NXB Doseisha, 2011
西村昌也『ベトナムの考古・古代学』(同成社、2011年)
Phạm Lê Huy, Diện mạo và vị trí địa lý An Nam Đô hộ phủ thời thuộc Đường, Tạp chí NCLS, 429(1) – 430(2), 2012
Phạm Lê Huy, Nghiên cứu giao thông thời Đường qua trường hợp An Nam Đô hòmhủ, Kỷ yếu Hội thảo Giao hưởng Cổ đại II, Đại học Meiji, 2012
Hida Romi, Oshima Sachio, Ono Eiji, Tùy Nhân Thọ xá lợi tháp nghiên cứu dự thuyết (Chú thích và nghiên cứu tác phẩm Tập thần châu Tam bảo Cảm thông lục với tư cách là một nguồn sử liệu mỹ thuật – 5): Xá lợi Cảm ứng lục, Nhân Thọ xá lợi tháp thiên (phần đầu)), Nghiên cứu Mỹ thuật Nara, 12, 2012
肥田路美、大島幸代、小野英二「美術史料として読む『集神州三宝感通録』 : 釈読と研究(5)舎利感通篇、仁寿舎利塔篇(前半)(美術史料として読む『集神州三宝感通録』 : 釈読と研究(5)舎利感通篇、仁寿舎利塔篇(前半))(『奈良美術研究』12、2012年
Nguyễn Quang Hà, Về tấm bia thời Tùy (601) mới phát hiện, Hội nghị Thông báo Khảo cổ học, 2012
Lê Viết Nga, Về hai cổ vật niên đại thời Tùy tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Hội nghị Thông báo Khảo cổ học, 2012
Nguyễn Đạt Thức, Về niên đại của Bia tháp Xá Lị, chùa Thiền Chúng, huyện Long Biên, Giao Châu, Hội nghị Thông báo Khảo cổ học, 2012
Phạm Lê Huy, Khảo cứu lại khởi nghĩa Dương Thanh (819-820), Tạp chí NCLS (sắp đăng)
Phụ chú: Xung quanh việc tìm kiếm các tư liệu về Nhân Thọ xá lợi tháp và các kết quả điều tra khảo cổ học tại Trung Quốc, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của TS. Kawakami Mayuko (cán bộ nghiên cứu Đại học Kyoto), ThS. Nguyễn Văn Tuấn (Viện Hán Nôm). Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các cán bộ Viện Khảo cổ học, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Bảo tàng Nghệ An trong quá trình điều tra các hiện vật liên quan. Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các đồng nghiệp nêu trên.

 


[1] 「皇帝昔在潛龍、有婆羅門沙門來詣宅、出舍利一裏曰、檀越好心、故留與供養、沙門既去、求之不知所在、其後皇帝與沙門曇遷、各置舍利於掌而數之、或少或多、並不能定、曇遷曰、曾聞婆羅門說法身過於數量非世間所測、於是始作七寶箱、以置之」(『廣弘明集』卷第十七)。
[2]「雍州於仙遊寺起塔、天時陰雪、舍利將下日便朗照、始入函、雲復合」(『集神州三寶感通錄』卷上)。
[3] Nguyên văn: “tứ bộ chúng” 四部衆, chỉ các đệ tử của nhà Phật là tỳ khâu, tỳ khâu ni, cư sĩ nam (ưu bà tắc), cư sĩ nữ (ưu bà di).
[4]「皇帝於是親以七寶箱、奉三十舍利、自内而出置於御座之案、與諸沙門燒香禮拜、願弟子常以正法護持三寶、救度一切眾生、乃取金瓶琉璃各三十、以琉璃盛金瓶、置舍利於其内、薰陸香為泥、塗其蓋而印之、三十州同刻十月十五日正午入於銅函石函、一時起塔、諸沙門各以精勤、奉舍利而行、初入州境先令家家灑掃覆諸穢惡。道俗士女傾城遠迎、總管刺史諸官人、夾路步引、四部大眾容儀齊肅、共以寶蓋旛幢華臺像輦佛帳佛輿香山香缽種種音樂、盡來供養、各執香華或燒或散。圍繞讚唄梵音和雅、(中略)沙門對四部大眾作是唱言、至尊以菩薩大慈無邊無際哀愍眾生切於骨髓、是故分布舍利共天下同作善因、又引經文種種方便。訶責之教導之、(中略)大眾一心合掌右膝著地、沙門乃宣讀懺悔文曰、(中略)舍利將入函、大眾圍遶填噎、沙門高奉寶瓶巡示四部」(『廣弘明集』卷第十七)。
[5] Bắc đồ: Bắc Kinh đồ thư quán lịch đại thạch khắc thác bản vựng biên 北京図書館歴代石刻拓本彙编。
[6] Chữ “Duy” được sử dụng khá phổ biến như lời mở đầu trong Hán văn. Cách viết “duy” + niên hiệu có thể thấy trên rất nhiều minh văn thời Tùy – Đường, ở Việt Nam tiêu biểu là chuông Thanh Mai đúc năm 798. Một số bài viết dịch chữ “duy” là “trước (năm Nhân Thọ nguyên niên…)” là không chính xác.
[7] Chữ Tân được viết dưới dạng dị thể .
[8] Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu: một số bài viết nhầm Tân Hợi là can chi của tháng 10. Thật ra đây là một cách viết rất phổ biến vào thời Tùy Đường, trước khi nêu can chi của một ngày cụ thể, viết can chi của ngày sóc (tức ngày mùng 1). Trong trường hợp này, ngày sóc (ngày mùng 1) của tháng 10 năm Nhân Thọ nguyên niên có can chi là ngày Tân Hợi, ngày 15 (thập ngũ nhật) là ngày Ất Sửu. Điều này có thể kiểm chứng dễ dàng qua bảng tính can chi.
[9] Hoàng đế tức Dương Kiên, Hoàng hậu tức Độc cô thị.
[10] Chữ “nguyện” được viết dưới dạng dị thể hoặc .
[11] Thái Tổ Võ Nguyên Hoàng đế, Nguyên Minh Hoàng hậu chỉ bố mẹ của Tùy Văn Đế là Dương Trung và Lữ thị. Theo Tùy thư (Q.1, Cao Tổ kỷ thượng), tháng 2 năm 581 (Khai Hoàng 1), Tùy Văn Đế truy tôn cha (hoàng khảo) là Võ Nguyên Hoàng đế, đặt miếu hiệu là Thái Tổ, mẹ là Nguyên Minh Hoàng hậu. 「(開皇元年二月)乙丑、追尊皇考為武元皇帝、廟號太祖、皇妣為元明皇后」(『隋書』卷一、高祖上、開皇元年二月乙丑条)。
[12] Hoàng thái tử vào thời điểm này là Dương Quảng (sau là Tùy Dạng Đế). Trước đó, vào tháng 10 năm 600 (Khai Hoàng 20), Tùy Văn Đế phế Hoàng thái tử Dương Dũng và các con làm thứ dân, sang tháng 11 lấy Tấn vương Dương Quảng làm Hoàng Thái tử. 「乙丑,皇太子勇及諸子並廢為庶人」、「晉王廣為皇太子」(『隋書』 卷二、 高祖下、 開皇二十年十月乙丑条、十一月戊子)。
[13] Viên cập (爰及): chữ này cũng xuất hiện trong sắc chỉ của Tùy Văn Đế.
[14] Chữ “thứ” được viết dưới dạng dị thể .
[15] Lục đạo là “Thiên đạo”, “Nhân đạo”, “A tu la đạo”, “Súc sinh đạo”, “Ngạ quỉ (quỉ đói) đạo”, “Địa ngục đạo”. Ba đạo đầu là “tam thiện đạo”, ba đạo sau là “tam ác đạo”, cũng gọi là “tam đồ” (súc sinh, ngạ quỉ, địa ngục).
[16] Một số báo cáo trình bày trong Hội nghị Thông báo Khảo cổ học đọc nhầm là “Vi” 微. Tuy nhiên, qua quan sát trên văn bia và thác bản, có thể nhận thấy đây là chữ Huy 徽.
[17] Chữ “khởi” được viết dưới dạng dị thể .
[18]「交阯郡 龍編 武寧 望海 句漏(後略)」(『南齊書』卷十四、志六、州郡上、交州)。「封慧度龍編縣侯食邑千户」(『宋書』卷九十二、列傳五十二、杜慧度)。Ngoài ra, địa danh Long Biên cũng xuất hiện nhiều lần trong sách Tấn thư và Tùy thư (đặc biệt là sự kiện Lý Phật Tử sai Lý Đại Quyền giữ thành Long Biên để chống quân Tùy). Tuy nhiên, do cả hai bộ chính sử này đều được tổ chức biên soạn dưới thời Đường nên ở đây chúng tôi không sử dụng chúng làm căn cứ để chứng minh cho sự tồn tại của địa danh “Long Biên” trước thời Đường.
[19] Tại Quảng Tây (Trung Quốc) trước đây đã phát hiện được một viên gạch có chữ “Vĩnh Hòa lục niên thái tuế Canh Tuất Mạc Long Biên hầu chi mộ” 永和六年太歲庚戌莫龍编侯之墓. Quan điểm phố biến hiện nay coi chức “Long Biên hầu” này chỉ địa danh “Long Biên” của Giao Chỉ thời Đông Tấn. Xin tham khảo thêm Hán Ngụy Nam Bắc triều mộ chí vựng biên, NXB Thiên Tân, 1993, tr.19.
[20] Với hai chữ “sắc sứ” 敕使 trong minh văn Giao châu, có thể có hai cách đọc. Thứ nhất là đọc “sắc sứ” như một danh từ (chỉ sứ giả cầm theo sắc chỉ của nhà vua, giống minh văn Thanh châu) hoặc đọc tách “sắc, sử”, chữ “sứ/sử” ở đây đóng vai trò như một động từ nghĩa là “sai”, ghép với đoạn phía sau “tống xá lợi ư thử khởi tháp”, nghĩa là “sắc sai Tuệ Nhã, Khương Huy đưa xá lợi đến đây dựng tháp”. Chúng tôi nghiêng về cách đọc thứ hai.
[21] 「其散官文騎尉為承議郎、屯騎尉為通直郎、雲騎尉為登仕郎、羽騎尉為將仕郎」(『舊唐書』卷四十二、職官一)。
[22] Xung quanh vấn đề này, một số nhà nghiên cứu cũng đặt vấn đề nghiên cứu từ góc độ chữ húy. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, trên văn bia không tồn tại chữ húy. Hơn nữa, nếu văn bia được chế tác theo các mẫu văn bia trước đó thì việc rập khuôn chữ húy có thể xảy ra, do đó chữ húy không phải là yếu tố quyết định để khẳng định niên đại của văn bia.
[23] Lê Mạnh Thát (1999), chú thích 4 truyện Thiền sư Pháp Hiền, tr.502.
[24] Theo Tùy thư, cuộc khởi nghĩa của Lý Phật Tử nổ ra vào tháng 12 năm 602 (Nhân Thọ 2). 「交州人李佛子舉兵反,遣行軍總管劉方討平之」(『隋書』卷二、高祖下、仁壽二年十二月癸巳条)。
[25] Về vấn đề này, xin tham khảo thêm Đào Duy Anh (1963).
[26] 「熙以州縣多有同名者、於是奏改安州為欽州、黃州為峯州、利州為智州、德州為驩州、東寧為融州、上皆從之」(『隋書』卷五十六、令狐熙傳)。
[27] 「仁壽元年遷授使持節總管吉江虔饒袁撫七州諸軍事洪州刺史(中略)時桂部侵擾[交]川擁據、詔授公交州道行軍總管、方弘九伐、遽縶千里、遘疾薨于州治」(蘇孝慈墓誌)。Thác bản có thể tham khảo trong sách Bắc đồ (q.9. tr.159).
[28] 「六月癸丑、洪州總管蘇孝慈卒」(『隋書』卷二、高祖下、仁壽元年六月癸丑条)。
[29] Lịch đại tam bảo ký 歷代三寶紀: sách do Phiên kinh học sĩ thời Tùy là Phí Trường Phòng 費長房 dâng lên năm Khai Hoàng 17 đời Tùy.
[30]「龍編古州郷法雲寺比尼多流支(中略)陳朝大建六年壬午初至長安會周武帝破滅佛法、欲往于鄴、(中略)師辭去卓錫廣州制止寺、大抵六年、譯得象頭報業差別等経、迨周大祥象二年庚子三月、來于我土此寺居焉復譯出摠持経一卷」(『禅苑集英』比尼多流支)。
[31] Nguyễn Lang (2000), Chương V: Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tr. 112.
[32] Thiền uyển tập anh bản 1715 chép ngôi chùa của Pháp Hiền là chùa “Chúng Thiền”, nhưng chúng tôi cũng tán thành quan điểm của Nguyễn Quang Hà (2012) cho rằng đây chỉ là chép nhầm từ chùa “Thiền Chúng”.
[33]「時人嚮風來、學者不可勝數、剏寺授徒居僧常三百餘人、南方禅宗於此為盛」(『禅苑集英』法賢)。
[34] 「法賢闍維収五色舎利起塔時開皇十四年甲寅也」(『『禅苑集英』比尼多流支)。
[35] 「古州法雲寺僧上言寺中放光數道隨光掘之得石函一函内有銀函銀函内有金函金函内有瑠璃瓶瓶中有舍利」(『越史略』卷中、天成七年四月甲戌条)。
[36] Các thông tin liên quan đến Nhạn Tháp được chúng tôi khai thác từ tư liệu khảo cổ lưu trữ tại Thư viện Viện Khảo cổ. Xung quanh các hiện vật khai quật được tại Nhạn Tháp, xin tham khảo thêm Trần Anh Dũng (1987), Lê Thị Liên (2003). Hòm xá lợi của Nhạn Tháp hiện nay đang được lưu giữ trong kho của Bảo tàng Nghệ An với số liệu BTNA 2734/KL785. Chúng tôi đã khảo sát và chụp ảnh hòm xá lợi và các hiện vật của Nhạn Tháp trong chuyến điều tra ngày 4 tháng 9 năm 2012. Do bản quyền tư liệu thuộc về Bảo tàng Nghệ An, chúng tôi không đăng hình ảnh trong bài viết này.
[37]「舎利有其三種、一是骨舎利、其色白也、二是髪舎利、其色黒也、三是肉舎利、其色赤也」(『法苑珠林』卷四十)。
[38] Về An Nam dưới thời Trương Chu, xin tham khảo Phạm Lê Huy (2009, 2012).
[39] 「東究山、一名東皐山、在嘉定縣、唐刺史高聯建塔于其上」(『安南志』卷一、山川)。
[40] 「髙駢既定交州、遂於富良江上橋市之左、立石塔巋然猶存」(『陳剛中詩集』卷二)。
[41] Tấm bia có niên đại thời Lương này đã được học giả Vũ Tuân Sán (1966) đề cập trong bài viết nghiên cứu về hoàng thành Thăng Long, nhưng do bia đã thất lạc nên thông tin chưa được kiểm chứng.

[42] Về cuộc thảo luận xung quanh di chỉ Lũng Khê và các thành cổ Luy Lâu – Long Biên, xin tham khảo Nishimura (2011).

Ghi chú: Bài viết được đăng trên Tạp chí Khảo cổ học, số 1, 2013 (『考古学』雑誌〈越南〉、第1号、2013年). Do một số vấn đề về kỹ thuật, bài viết đăng trên Tạp chí là phiên bản cũ của bài viết, có chứa một số lỗi nhập liệu và thiếu phần mộ chí của Tô Hiếu Từ. Vì vậy, tác giả đăng tải bài viết chính xác ở đây để đính chính và bổ sung những phần còn thiếu sót.

Bia cổ nói…

Trích dẫn: http://danviet.vn/105247p1c32/phat-hien-tam-bia-co-nhat-viet-nam.htm

Phát hiện tấm bia cổ nhất Việt Nam

Trong lúc khai thác đất để làm gạch ở khu đồng phía sau chùa Xuân Quan (thôn Xuân Quan, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), ông Nguyễn Văn Đức bất ngờ tìm thấy hai cổ vật bằng đá vô cùng độc đáo. Từ đó đến nay, tròn 8 năm, những cổ vật này mới xác định được danh tính…

Cổ vật “lưu lạc” dân gian

Ông Nguyễn Văn Đức kể, năm 2004, trong lúc đào đất để làm gạch, ở độ sâu chừng 2m, bất ngờ máy xúc chạm phải vật lạ. Lúc đưa lên thì đó là hai tấm bia úp khít vào nhau và kết dính bởi một chất liệu đặc biệt. Ông và một vài công nhân đã phải rất vất vả, dùng mai mới tách đôi ra được. Bởi vậy nên mặt ngoài tấm bia vị nứt, vỡ một vài vị trí.

Mặt bên trong hai tấm bia sạch bong, không hề có gì bám vào, kể cả nước. Cùng với 2 tấm bia là một đỉnh đá (hay còn gọi là liễn) hình vuông, có nắp đậy, bên trong chỉ còn chút đất đen. Sau khi đào được các di vật đá trên, ông Đức đem bộ bia đá và nắp đá đậy trên đỉnh đá về nhà, còn lại ông mang ra gửi chùa làng (Huệ Trạch tự).

Ngay sau đó, ông Đức có nhờ vài người biết chữ Hán đến đọc xem tấm bia kia ghi những gì nhưng họ cũng chỉ đọc được một vài chữ. Một thời gian sau, việc đào được cổ vật của gia đình ông lắng xuống và trôi vào quên lãng.

250912_thoi-su_bia_dan-viet

Bộ Bia và Liễn đá hiện được bảo quản trong bảo tàng Bắc Ninh.

Phải đến hơn 8 năm sau, cuối tháng 8.2012, trong lúc xuống địa bàn để sưu tầm các cổ vật còn lưu lại trong nhân dân, tổ công tác thuộc phòng Nghiên cứu Sưu tầm Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh bất ngờ được nghe câu chuyện về tấm bia cổ năm xưa, đang được lưu giữ tại thôn Xuân Quan và một hiện vật giống như đỉnh đá tại Huệ Trạch tự. Khi các cán bộ bảo tàng tới nơi,
gia đình ông Đức vui vẻ trao tặng lại bảo tàng.

Sau những nghiên cứu ban đầu, bảo tàng Bắc Ninh đi đến nhận định bất ngờ: Đây là hai cổ vật bằng đá có niên đại từ năm 601, nếu thông tin được kiểm chứng, đây sẽ là bia đá cổ nhất từng được phát hiện tại Việt Nam và có giá trị rất lớn về mặt văn hóa lịch sử. Sự việc trên cũng thu hút được nhiều chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu lịch sử.

Các chuyên gia cho rằng, mô hình bia một tháp như vậy giống với những bia mộ tháp thời Tùy (Trung Quốc) đã từng được phát hiện trước đó (1 chiếc ở Thanh Hóa và một vài chiếc ở Trung Quốc). Nhận định này cũng trùng khớp với nội dung trên bia đá có tên “Xá lợi minh tháp”, cũng như niên đại 601 thời nhà Tùy.

Nội dung bia, nguyên văn:
Duy Đại Tuỳ nhân thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu. Nội dung cơ bản ghi lại việc Tùy Dạng Đế cho người đưa xá lợi vào bảo tháp được xây dựng trong chùa Thiền Chúng (Thuyền Chúng) thuộc huyện Long Biên đất Giao Châu xưa.

Đi tìm dấu tích chùa Thiền Chúng

Ông Lê Viết Nga – Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi đã tra cứu nhiều thư tịch cổ, duy nhất chỉ còn lại “Thiền Uyển tập anh” Quyển Hạ (trang 102) có ghi về 1 chùa mang tên là “Thiền Chúng” như sau: “Thiền sư Định Không (? – 808) ở chùa Thiền Chúng, làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức, nhưng ở phần chú cuối trang lại ghi “Cảm ứng xá lợi ký do Vương Thiệu viết vào cuối năm 601 dẫn trong “Quảng hoằng minh tập” có ghi chùa Thiền Chúng như là nơi dựng tháp rước xá lợi vào năm đó tại Giao Châu”. Như vậy đã phần nào chứng thực được nội dung tấm bia về sự việc xảy ra đúng vào năm 601. Dấu tích chùa Thiền Chúng chính xác ở đâu giờ vẫn còn là câu hỏi?

Nhiều nhà khoa học đưa ra giả thiết, tháp chùa Thiền Chúng sau nhiều năm bị đổ nát đã chìm vào sự quên lãng. Chùa tan, tháp đổ nên sau đó các cổ vật chìm trong lòng đất, đến nay tình cờ người dân phát hiện được. Do các cổ vật nói trên được phát hiện từ 8 năm trước- năm 2004, lớp đất vùi bên trên người dân dùng để đóng gạch hết, nên khi các cán bộ bảo tàng tới khảo sát địa điểm phát hiện cổ vật thì đã không còn gì? Phải chăng, tại địa điểm
phát hiện ra hai hiện vật bằng đá này trước đây từng tồn tại một ngôi chùa?

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Viết Nga cho biết, bảo tàng sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thông tin sau đó sẽ tính đến phương án xin được cấp phép khai quật thám sát. Những thông
tin cụ thể về tấm bia cổ dự kiến sẽ được đưa ra tại Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2012 vào ngày 27 và 28.9 tới đây.

Hiện hai cổ vật vẫn được lưu giữ cẩn thận tại bảo tàng tỉnh Bắc Ninh trong khi chờ các nhà khoa học có thêm các nghiên cứu, đánh giá và khẳng định.

—————

Bình luận:

Theo chính sử năm 602 Tùy quân Lưu Phương mới tấn công thu phục Hậu Lý Nam Đế ở miền Bắc Việt Nam. Vậy mà năm 601 ở Giao Châu lại có chuyện vua Tùy cho người đưa xá lợi vào chùa?! Theo văn bia này thì rõ ràng miền Bắc Việt lúc đó đã thuộc về nhà Tùy từ lâu. Đây là bằng chứng cho thấy không hề có triều Hậu Lý Nam Đế ở Bắc Việt vào thời điểm này. Cuộc tấn công của Lưu Phương nhằm vào Hậu Lý Nam Đế thực ra chính là cuộc tấn công tiêu diệt Lâm Ấp năm 605 của nhà Tùy. Lâm Ấp ở miền Trung Việt mới là phần “hậu” của Lý Nam Đế, tồn tại hơn 400 năm từ khi Lý Khu Kiên – Lưu Huyền Đức lập “nước Nam ta”.

Bia cổ nói … tiếp (tập 3)

Báo Thanh Niên tháng 10/2012 đưa tin “Tấm bia đá khắc minh văn ở Bắc Ninh đã “đốt cháy” diễn đàn của hội nghị thông báo khảo cổ học năm nay”. Đúng hơn có lẽ phải nói tấm bia mới phát hiện này còn “đốt cháy” cả sách sử hiện tại vì những thông tin ngược sử chéo ngoe của nó về thời nhà Tùy ở Việt Nam.
Nhân Thọ xá lợi tháp
Tấm bia “Xá lợi tháp minh” mới phát hiện ở xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, được xác nhận là thuộc nhóm minh văn “Nhân Thọ xá lợi tháp” của nhà Tùy, liên quan đến sự kiện xây dựng tháp xá lợi tại chùa Thiền Chúng ở Giao Châu. Trong vòng 4 năm, từ năm 601 (Nhân Thọ 1) đến năm 604 (Nhân Thọ 4), Tùy Văn Đế Dương Kiên đã ba lần phân phát xá lợi và tổ chức xây dựng bảo tháp an trí xá lợi tại các châu thuộc bản đồ đế quốc. Do cùng được xây dựng dưới niên hiệu Nhân Thọ, hệ thống tháp xá lợi này thường được biết đến dưới tên gọi “Nhân Thọ xá lợi tháp”.
Lần phát xá lợi thứ nhất vào năm Nhân Thọ nguyên niên, trên phạm vi 30 châu. Chiếu thư của Tùy Văn Đế về việc này được chép trong Quảng hoằng minh tập nói rõ lý do của việc phát xá lợi:
Trẫm nay qui y tam bảo, trùng hưng thánh giáo, muốn cùng tất thảy nhân dân trong bốn bể, cùng phát nguyện bồ đề, cúng tu phúc nghiệp, để cho đương kim hiện tại, cùng với vị lai, vĩnh tạo thiện nhân, cùng lên diệu quả. Nên mời 30 vị sa môn thông tuệ Pháp tướng [tức Phật pháp], kiêm kham truyền đạo, mỗi vị dẫn theo tùy tùng 2 người, tản quan 1 người, đem theo huân lục hương 120 cân, ngựa 5 con, chia ra các đạo hộ tống xá lợi đến các châu trên đây dựng tháp”.
Nghĩa là năm 601 Tùy Văn Đế đã qui y Phật giáo, đổi niên hiệu từ Khai Hoàng sang Nhân Thọ và tổ chức xây tháp phát xá lợi trên toàn lãnh thổ nhà Tùy.
Theo Quảng hoằng minh tập thì trong số các châu nhận xá lợi đợt đầu có cả Giao Châu, tuy không chỉ định ở chùa nào cụ thể, tức là Giao Châu tự lựa chọn nơi dựng tháp.
Tấm bia mới phát hiện ở Bắc Ninh cho biết “Giao Châu Long Biên huyện” là nơi đã xây tháp nhập xá lợi trong đợt đầu tiên vào năm Nhân Thọ nguyên niên, tức là 601. Câu hỏi lớn đặt ra là năm 601 Giao Châu còn đang là quốc gia độc lập do Hậu Lý Nam Đế làm chủ. Đại Việt sử ký toàn thư ghi “Vua sai con của anh là [Lý] Đại Quyền giữ thành Long Biên, Biệt súy là Lý Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên (bấy giờ vua đóng đô ở Phong Châu)”. Năm 601 Lý Đại Quyền còn đang ở Long Biên, làm thế nào mà Tùy Văn Đế lại xuống chiếu cho xây tháp nhập xá lợi vào Long Biên như là một nơi “thuộc bản đồ đế quốc” Tùy được?
Chùa Thiền Chúng
Vấn đề làm các nhà sử học, khảo cổ học trong Hội thảo đau đầu là chẳng biết chùa Thiền Chúng được nhắc tới trong tấm bia cổ nằm ở chỗ nào. Chùa Huệ Trạch ở Trí Quả, nơi tìm thấy tấm bia và hộp xá lợi, là chùa mới có từ thời Trần và văn bia ở đây chẳng hề đả động gì đến chuyện xây xá lợi tháp dưới thời Tùy cả.
Chùa Thiền Chúng là một ngôi chùa được nhắc đến nhiều lần trong Thiền uyển tập anh, một tập hợp các ghi chép cổ về các vị thiền sư Phật giáo Việt Nam. Theo sách này thì vị trụ trì của chùa những năm này là Pháp Hiền (?- 626), học trò của Tì Ni Đa Lưu Chi.
Nguyên văn bản dịch theo Thiền uyển tập anh về sư Pháp Hiền:
Sau khi Tì Ni Đa Lưu Chi tịch diệt, sư bèn đến núi Thiên Phúc tu tập thiền định, quên hết cả vật lẫn bản thân mình, chim rừng bay đến vây quanh, dã thú tới đùa rỡn. Người đương thời hâm mộ danh tiếng đến học đạo với sư đông không kể xiết. Nhân đó, sư dựng chùa Chúng Thiện nhận tuyển dạy học trò. Tăng đồ đến lưu học tại chùa có khi đông đến hơn ba trăm người. Dòng thiền Nam phương hưng thịnh từ đó. Thứ sử nhà Tùy là Lưu Phương tâu về triều. Tùy Cao tổ từ lâu đã nghe tiếng người nước Nam này sùng chuộng đạo phật, đã có các bậc cao tăng đức vọng, bèn sai sứ đem xá lỵ Phật và năm hòm sắc điệp sang ban cho sư để xây tháp cúng dàng. Sư bèn chia xá lỵ cho chùa Pháp Vân ở Luy Lâu và các chùa có tiếng ở các châu Phong, Hoan, Trường, Ái để dựng pháp thờ.
Truyện trên chép Pháp Hiền nhận xá lỵ và năm hòm sắc diệp rồi chia cho các nơi, trong đó có chùa Pháp Vân ở Luy Lâu, tức là chùa Dâu. Xem ra thì việc này là vô lý. Xá lợi do vua xuống chiếu ban ra, có pháp sư cùng tản quan hộ tống, mỗi châu chỉ được 1 hòm, lấy đâu ra tới 5 hòm và làm gì có chuyện sư địa phương tự tiện chia xá lợi cho các nơi. Chùa Thiền Chúng và chùa Pháp Vân nằm cùng trong một huyện Long Biên. Như vậy thành ra riêng Giao Châu có tới 2 tháp xá lợi?!
Thực ra chẳng có chùa Thiền Chúng nào cả. Chùa này tên gọi như trong đoạn trên thì là Chúng Thiện. Chúng Thiện thiết Chiền. Thì ra đây chỉ là tên phiên thiết của một ngôi “chiền”, tức là ngôi chùa gọi theo tiếng Nôm mà thôi.
Ngôi “Chiền” nơi Pháp Hiền trụ trì và nhập xá lợi chính là chùa Dâu hay chùa Pháp Vân ở Thuận Thành – Bắc Ninh. Chùa Dâu là ngôi chùa cổ từ thời Sĩ Nhiếp, nằm cách Trí Quả, nơi đào được văn bia chưa đầy 1km. Chẳng có chuyện chia xá lợi nào cả vì chỉ có 1 ngôi chùa ở đây. Cũng chỉ có một hòm xá lợi năm sắc chứ không phải 5 hòm mà chia đi các nơi.
Văn bia Hòa Phong tháp bi ký tại chùa Dâu khẳng định đây chính là nơi sư Pháp Hiền trụ trì và nhập xá lợi:
“Nước Việt ta từ thời Tùy Cao đế, đã dốc tâm nơi Phật đạo, sùng mộ người áo nâu, sai sứ giả đem hòm xá lỵ ủy cho Lệnh sử họ Lưu kén đất Giao Châu xây cất. Khi đó có đại sư Pháp Hiền nói rằng: đây thực là chốn đại thắng danh lam. Bèn xây tháp ở bên trong phụng thờ một hòm xá lỵ để truyền mãi mãi, khiến muôn vạn năm sau, xuân thu bất diệt.
Cổ Châu Phật bản hạnh, văn bản khắc Nôm hiện còn lưu tại chùa Dâu, cũng ghi rõ sự kiện này:

Thời ấy có ông Lưu Chi
Tâu rằng nhà Tùy Cao đế niên gian
Năm hòm xá lỵ Bụt quan
Giữa huyện Siêu Loại là chiền Cổ Châu
Danh lam bảo tháp phù đồ
Cao dự nghìn trượng khỏe phò thánh cung.

Chiền Cổ Châu” chính là chùa Thiền Chúng được khắc trong tấm bia cổ “Xá lợi tháp minh” mới tìm được.
Chùa Dâu ở Long Biên (Luy Lâu) trước đó do Tì Ni Đa Lưu Chi trụ trì. Đây có lẽ là “ông Lưu Chi” được nhắc đến ở trên. Vị sư này lưu lạc từ Tràng An, Hồ Nam từ lúc còn thời Trần của Trần Bá Tiên rồi sang Giao Châu vào thời Bắc Chu (năm 580). Thời đó Giao Châu còn đang là thủ đô của nhà Tiền Lý, thật khó hiểu vị sư này làm sao có thể đi lại dễ dàng giữa các nước và nhanh chóng được thành một trụ trì chùa lớn nhất nước ta như vậy?
Càng khó hiểu hơn khi xá lợi được nhập vào chùa Dâu ngay khi Lý Phật Tử còn đang xưng đế ở đất Giao Châu? Các nhà sử học nước ta … sẽ có cách giải thích, thời gian này triều đình của Lý Phật Tử chắc “có quan hệ đặc biệt” với nhà Tùy nên mới có chuyện xây tháp nhập xá lợi như vậy… (?!) “Quan hệ” gì đến mức có thể xây tháp thờ xá lợi Phật, cúng Thái Tổ Vũ Nguyên hoàng đếNguyên Minh hoàng hậu (bố và mẹ của Tùy Văn Đế), nếu không phải Giao Châu đã là đất của nhà Tùy?
Tùy tướng Lưu Phương
Thiền uyển tập anh cho biết “Thứ sử nhà Tùy là Lưu Phương tâu về triều” cho nhập xá lợi ở Giao Châu. Bia Hòa Phong tháp bi ký tại chùa Dâu thì chép vua Tùy “sai sứ giả đem hòm xá lỵ ủy cho Lệnh sử họ Lưu kén đất Giao Châu xây cất”. Rõ ràng “Lệnh sử họ Lưu” ở đây chính là thứ sử Giao Châu Lưu Phương.
Nghĩa là trước khi xá lợi được nhập về Giao Châu năm 601 thì Lưu Phương đã là thứ sử Giao Châu. Chuyện này cũng thật kỳ vì Lý Phật Tử đang là vua ở đây, sao lại còn có thứ sử Giao Châu của nhà Tùy? Chức thứ sử Giao Châu của Lưu Phương cho thấy Giao Châu đã là “châu” của nhà Tùy từ năm nảo năm nào rồi.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: Nhâm Tuất, năm thứ 32 [602]… Dương Tố nhà Tùy tiến cử Thứ sử Qua Châu là Lưu Phương người Trường An, có tài lược làm tướng. Vua Tùy xuống chiếu lấy Tố làm Giao Châu đạo hành quân tổng quản, thống lĩnh 27 doanh quân sang xâm chiếm. Quân lệnh của Phương rất nghiêm, ai phạm tất chém. Nhưng Phương tính nhân ái, binh sĩ người nào ốm đau đều thân đến thăm viếng nuôi dưỡng, quân lính ai nấy đều mến đức và sợ uy. Đến núi Đô Long gặp giặc cỏ, Phương đánh tan hết, rồi tiến quân sang đến cạnh dinh của vua, trước lấy họa phúc mà dụ. Vua sợ xin hàng, bị đưa về Bắc rồi chết.
Đoạn trên có lẽ hơi lẫn lộn. Người được vua Tùy phong làm tổng quản quân đội Giao Châu là Lưu Phương chứ không phải Dương Tố. Chức “Giao Châu đạo hành quân tổng quản” cho thấy… Giao Châu đã là đất của nhà Tùy. Có vậy mới có đạo quân Giao Châu. Cũng tương tự sau đó Lưu Phương khi đi đánh Lâm Ấp ở phía Nam được phong chức “Hoan Châu đạo hành quân tổng quản” thì Hoan Châu là đất nhà Tùy chứ không phải đất Lâm Ấp.
Giao Châu đã là đất của nhà Tùy từ lâu, năm 601 Tùy Văn Đế đã cho dựng tháp nhập xá lợi ở chùa Pháp Vân. Vậy Giao Châu đạo hành quân tổng quản Lưu Phương “hành quân” đi đánh Hậu Lý Nam Đế ở đâu? Chắc hẳn là ở Phong Châu, nơi Hậu Lý Nam Đế đóng đô như Đại Việt sử ký toàn thư chú.
Có thể thấy thời đó miền Bắc Việt được chia làm 2 vùng. Giao Châu là phần phía Đông, trị sở ở Long Biên, do thứ sử Lưu Phương cai quản, thuộc đất nhà Tùy. Còn Phong Châu không chỉ là vùng Phú Thọ mà là cả vùng đất Tây Bắc ngày nay. Đây là đất của con cháu nhà họ Lý, được truyền thuyết gọi là Lý Bát Lang (vua đời thứ tám?), người đã chống cự với quân Tùy, cùng với Lý Phổ Đỉnh ở thành Ô Diên Hạ Mụ. Ranh giới giữa Giao Châu và Phong Châu lúc đó là bãi Quân Thần, ở Từ Liêm – Hà Nội ngày nay, nơi Lý Phật Tử và Triệu Việt Vương đặt mốc giới Tây Đông theo truyền thuyết.
Di tích về Lý Bát Lang nay còn gặp ở một số nơi thuộc xứ Đoài như ở Chu Quyến (Ba Vì), Hạ Mỗ, hay Ngọc Mạch (Từ Liêm).

cong-den
Đền thờ Lý Bát Lang ở Chu Quyến (Ba Vì)

Ở phía Nam Lưu Phương được Tùy Văn Đế phong làm Hoan Châu đạo hành quân tổng quản, tấn công Lâm Ấp năm 605. Khi dẫn quân đến Tỷ Cảnh (Hoan Châu) thì Cao Tổ băng hà, Dạng Đế lên ngôi… (Tùy thư, Liệt truyện 18 Lưu Phương).
Như vậy đất Tùy Văn Đế phía Nam đã đến dãy Hoành Sơn, tới châu Hoan (Tỷ Cảnh), châu Ái (Hai Âm).
Vị tướng tài Lưu Phương, thứ sử Giao Châu, người đã dụ hàng con cháu Lý Nam Đế ở Phong Châu và tiến đánh Phạm Phạn Chí của Lâm Ấp thắng lợi, sau đó bị bệnh mất trên đường trở về.
Dưới thời Tùy Văn Đế ở Giao Châu có đủ cả nhân chứng (thứ sử Lưu Phương, sư Pháp Hiền), vật chứng (bia Xá lợi tháp minh, chùa Dâu) để chứng tỏ vùng đất này đã nằm trong nhà Tùy từ thời trước. Sử sách về nhà Tiền Lý, rồi Lâm Ấp rõ ràng cần phải xem xét lại hoàn toàn trước những minh chứng lịch sử mới được “khai quật” như vậy.

Bia cổ nói… tập 2

Trích văn bia “Hòa Phong tháp bi ký” tại chùa Dâu (Thuận Thành – Bắc Ninh), bản dịch in trong cuốn Chùa Dâu – Cổ Châu, Pháp Vân, Diên Ứng tự của Nguyễn Quang Khải (NXB Tôn giáo, 2011):
Nước Việt ta từ thời Tùy Cao đế, đã dốc tâm nơi Phật đạo, sùng mộ người áo nâu, sai sứ giả đem hòm xá lỵ ủy cho Lệnh sử họ Lưu kén đất Giao Châu xây cất. Khi đó có đại sư Pháp Hiền nói rằng: đây thực là chốn đại thắng danh lam. Bèn xây tháp ở bên trong phụng thờ một hòm xá lỵ để truyền mãi mãi, khiến muôn vạn năm sau, xuân thu bất diệt. Ngày tháng trôi đi, mưa dập gió dồi, rêu phong ngói vỡ, dẫu cũ ít còn.
May gặp ngài Vũ Hà Đoan, tự Huệ tiến, làm quan đến chức Nội trù tiểu thủy các đội Tri đội nhất phiên Thị Nội giám, tước Kiên Thọ hầu, …., xem “Cổ Châu thực lục” mà khâm sùng Tam bảo; xem nền cũ tháp xưa mà cảm khái hoài vọng. Vì thế bèn tu hạnh Bồ đề, phát tâm công đức, bỏ công đón thợ, đổi vàng mua gạch mong cầu phúc quả về sau…
May nhờ chư Phật ban cho trăm phúc, được tiết trời đẹp trời tháng 8 năm Đinh Tỵ (1737) bắt đầu khởi công trùng tu tháp cổ như cũ. Đến ngày tốt tháng 5 năm Mậu Ngọ (1738) thì công trình hoàn thành. Tầng tháp vòi vọi, trên có biển đề “Hòa Phong tháp”, chính là tên tháp vậy…

Thap Hoa Phong

Tháp Hòa Phong và bia tứ diện ở chân tháp

Tấm bia trên lập vào năm 1738 thời vua Lê Ý Tông, cho những thông tin thật lạ. Mở đầu bia ghi rõ ràng: “Nước Việt ta từ thời Tùy Cao Đế…“. Tùy Cao Đế tức là Tùy Văn Đế Dương Kiên, hiệu Cao Tổ, người lập nên nhà Tùy ở Trung Hoa năm 581. Văn bia đã gọi Tùy Cao Đế là vua của nước Việt ta. Triều Tùy của nước Việt ta, gọi chính xác là Việt Tủy, là một triều đại của người Việt.
Thông tin ghi trên tấm bia cổ mới tìm thấy ở Thuận Thành – Bắc Ninh “ghi lại việc Tùy Dạng Đế cho người đưa xá lợi vào bảo tháp được xây dựng trong chùa Thiền Chúng (Thuyền Chúng) thuộc huyện Long Biên đất Giao Châu xưa“. Tác giả bài báo trên đã lẫn giữa Tùy Dạng Đế và Tùy Văn Đế. Bia lập vào thời gian “Đại Tuỳ nhân thọ nguyên niên tuế thứ Tân Dậu thập nguyệt Tân Hợi sóc thập ngũ nhật Ất Sửu” là năm 601, là năm dưới triều Tùy Văn Đế Cao Tổ, chứ không phải Tùy Dạng Đế. Tùy Dạng Đế giết cha chiếm ngôi năm 605, sau sự kiện trên vài năm.
Đối chiếu 2 tấm bia thì có thể xác nhận chùa Thiền Chúng nơi Tùy Văn Đế cho nhập xá lỵ và xây tháp chính là chùa Dâu ngày nay. Tháp Hòa Phong cuối thời Lê đã được xây trên “nền cũ tháp xưa” của thời Tùy. Trong Cổ Châu Phật bản hạnh, văn bản khắc Nôm năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752) hiện còn lưu tại chùa Dâu cũng ghi rõ sự kiện này:

Thời ấy có ông Lưu Chi
Tâu rằng nhà Tùy Cao đế niên gian
Năm hòm xá lỵ Bụt quan
Giữa huyện Siêu Loại là chiền Cổ Châu
Danh lam bảo tháp phù đồ
Cao dự nghìn trượng khỏe phò thánh cung.

Chùa Dâu – Luy Lâu là trung tâm Phật giáo cổ nhất của phương Đông, còn trước cả các trung tâm ở Kiến Nghiệp hay Lạc Dương. Trong Thiền uyển tập anh có dẫn lời pháp sư Đàm Thiên khi vị pháp sư này đàm đạo với vua Tùy Cao Tổ:
Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới 20 ngôi bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 quyển kinh rồi“.
Hẳn là cuộc đàm đạo trên với pháp sư Đàm Thiên đã dẫn đến việc vua Tùy Cao Tổ cho nhập xá lỵ Phật vào Giao Châu và xây bảo tháp ở Luy Lâu. Năm 601 cũng là năm Tùy Văn Đế đổi niên hiệu từ Khai Hoàng thành Nhân Thọ, từ tên là người sáng lập triều đại sang quan tâm đến nhân mệnh của mình, chắc hẳn lòng đã hướng về Phật, cho nhập xá lỵ về đất tổ người Việt ở Giao Châu cũng hợp lý.
Vấn đề rắc rối là theo Việt sử thì từ khi Lý Bôn khởi nghĩa, đánh đuổi Tiêu Tư, lập nước Vạn Xuân năm 544 tới năm 602 Lý Phật Tử bị Tùy quân Lưu Phương thu phục, nước ta gần 60 năm độc lập, đô đóng ở Long Biên, tức là Luy Lâu. Vậy làm thế nào mà Tùy Cao Tổ có thể “đàm thiên luận địa” về Phật pháp ở vùng Giao Châu, lại còn cho nhập xá lỵ vào chùa Dâu, là nơi kinh đô của nhà nước Vạn Xuân năm 601???
Những tấm bia cổ đã cho một sự thật sáng tỏ. Giao Châu thời Tùy Cao Tổ đã từ lâu nằm trong đất của nhà Tùy hay triều Việt Tủy. Những cuộc đụng độ giữa nhà Lương, Trần Bá Tiên với Tiền Lý Nam Đế, rồi Tùy quân Lưu Phương với Hậu Lý Nam Đế thực ra là đụng độ với… quân Lâm Ấp. Hoa sử vốn chẳng có sách nào ghi nhận sự có mặt của Tiền, Hậu Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương ở thời kỳ này cả. Còn sử Lâm Ấp ghi “Dưới thời Phạm Phạn Chi, năm 598, nhà Tùy chiếm đóng Lâm Ấp và phân chia thành ba châu: châu Hoan (Tỷ Cảnh), châu Ái (Hai Âm) và châu Trong (Khương)“. Năm 598 ở Giao Châu theo chính sử đang là nước của Lý Phật Tử, nhà Tùy đi đằng nào mà chiếm đóng 3 châu của Lâm Ấp ở miền Trung Việt?
Luy Lâu – Long Biên là đất kinh đô từ thời Sĩ Vương. Câu đối ở đền Sĩ Vương tại Tam Á:
Khởi trung nghĩa công thần tâm kì / bỉ hà thì thử hà thì / an đắc lục bách tải di dung năng nhiếp Lâm Ấp
Thị sự nghiệp văn khoa cử tích / trị diệc tiến loạn diệc tiến / tối củ tứ thập niên chính sách chửng biểu Giao Châu.
Tạm dịch:
Với tấm lòng trung nghĩa công thần, lúc này cũng như lúc khác, sáu trăm năm đức khoan dung để lại giúp dựng cơ đồ Lâm Ấp.
Nhờ sự nghiệp văn hóa khoa cử cũ, thời bình cũng như thời loạn, bốn mươi thu qui củ chính sách làm rạng tỏ Giao Châu.
Từ thời Sĩ Vương tới Tùy Văn Đế khu vực chùa Dâu – Luy Lâu này luôn có sự kết nối với Lâm Ấp. Thời “Tiền Lý” nước ta thực ra bắt đầu từ Khu Liên – Lưu Bị khởi dựng nước Nam – Lâm Ấp, truyền tới tận 600 năm sau mới khép lại dưới thời nhà Tùy.