Thần tích làng Đào Động tổng Vọng Lỗ huyện Phụ Dực tỉnh Thái Bình

Ngọc phả chép về một vị thủy thần xuất thế triều Hùng

Chi Chấn, Thượng đẳng

Bản chính Lễ bộ quốc triều

Xưa Việt ta trời Nam mở vận, thánh tổ dựng cơ đồ 18 nhánh truyền nối nhau hơn hai ngàn năm thịnh trị, cha truyền con nối đều xưng hiệu là Hùng Vương. Ngọc lụa xe sách, núi sông thống nhất, chính là tổ của Bách Việt vậy. Khi cơ đồ họ Hùng trị vì 18 nhánh truyền đến Duệ Vương. Vương có đại lược hùng tài, tư chất thánh triết, được tổ gây dựng, cha ông bồi đắp 17 đời thịnh trị, trong tu dưỡng văn đức, ngoài phòng bị biên phương, dốc lòng hưng bình để yên Trung Quốc.

Đương khi đó ở tại trang An Cố, huyện Thụy Anh, phủ Thái Ninh, đạo Sơn Nam có một gia đình họ Phạm tên Túc, vợ là Trần Thị Ngoạn. Vợ chồng đều cùng có lòng từ ái, tạo phúc cho người. Gia đình vốn giàu có, nhưng chỉ có đường con cái là chưa thành sinh dục. Một ngày trời trong bà Trần đi ra đường ngoài dạo chơi, gặp một người con gái, mới hỏi rằng:

  • Cháu sống ở đâu đây?

Người con gái nói:

  • Cháu là người ở nước phương Bắc, gia đình vốn nghèo nàn. Cha mẹ mất sớm, không có anh em nào. Cháu nay đi tha phương tìm nơi sinh sống, xem có chốn nào dư giả, cháu xin được vào làm con cái.

Bà Trần bèn dẫn về nhà làm con nuôi, mới đặt tên là Quý Nương. Ở được mấy năm một hôm bỗng nhiên ông Phạm bị bệnh mà mất. Bà Trần cùng kế theo mà mất. Nàng Quý tìm đất tốt làm lễ chôn cất, phụng thờ trong nhà 3 năm. Tang sự xong, một hôm nàng Quý đi ra nơi cửa biển tắm rửa. Đang khi tắm gội bỗng thấy một con giao long thân dài hơn 8 thước, tiến đến quấn quanh người nàng Quý 3 vòng. Một lúc nàng Quý khi tỉnh lại, vô cùng sợ hãi. Từ đó thấy tâm thần cảm động mà có mang. Nhân dân đều nói không chồng mà chửa. Nàng Quý bèn trốn tới ở trang Hoa Diêm.

Mang thai được 13 tháng tới năm Đinh Tị sinh hạ một bọc. Nàng Quý lấy làm kỳ lạ mới đem ra ngoài cửa biển mà ném đi. Bọc đó trôi về đến ngoài sông trang Đào Động. Nơi đó có một người họ Nguyễn, tên Minh, gia cảnh nghèo nàn, lấy việc đánh giá làm nghề nghiệp. Lúc đó ông đang đánh cá bỗng thấy có một bọc trôi vào trong lưới cá của ông. Ông lấy làm lạ, vớt lấy đem ném đi thì bọc lại trôi vào. Do vậy ông mới khấn rằng:

  • Nếu bọc này quả thật linh thiêng như vậy, thần xin được lấy dao bổ ra.

Vừa bổ ra thì thấy ba con rắn đều rất hùng dũng, nhảy nhót chia nhau chạy về các hướng. Con rắn thứ nhất ở cửa sông trang Đào Động. Con rắn thứ hai chạy về cửa sông trang Thanh Do. Con rắn thứ ba chạy về nằm ở trang Hoa Diêm. Từ đó mỗi con ở một nơi.

Lại nói việc 2 con rắn có tích riêng. Còn con rắn thứ nhất sống ở cửa sông trang Đào Động. Khi ấy phụ lão nhân dân trang Đào Động thấy vậy đều sợ hãi, biết đúng là thủy thần xuất thế. Phụ lão quay về làm lễ ở cửa sông bái tạ, khấn rằng:

  • Nếu đúng là thủy thần xuất thế linh thiêng như vậy, chúng thần đều xin được làm thần tử, xin ngài về bản trang, dân chúng thần sẽ lập đền phụng thờ.

Từ đó trang Đào Động cầu gió được gió, cầu mưa được mưa, dân được lợi nhiều.

Lại nói, qua được 3 năm, một hôm thấy trời đất mờ mịt, mưa gió lớn nổi lên, tối tăm cả một vùng. Sấm chớp vang liền mấy chục tiếng trên cửa sông. Buổi sáng phụ lão nhân dân ra xem thì thấy ở dưới sông có tiếng ngâm thơ rằng:

Xuất vi danh tướng hoá vi thần

Vạn cổ danh phương nhật nhật tân

Hà nhật binh qua nhi mãn địa

Thử thì ngô đẳng thuỷ thành nhân.

Đến khi cơ đồ họ Hùng đương lúc vận suy, Duệ Vương sinh 20 hoàng tử, 6 công chúa, đều lần lượt theo nhau về chầu cố hương. Duy chỉ còn 2 người con gái, người thứ nhất là công chúa Tiên Dung, được gả cho ông Chử Đồng Tử. Còn người thứ hai tên là công chúa Ngọc Hoa, cung thiềm còn đóng, nhụy ngọc chính kỳ, duyên lành chưa sớm định ước. Vương bèn dựng lầu ở cổng thành Việt Trì, ban chiếu truyền rằng thần dân thiên hạ, ai có tài trí thông minh, anh hùng đức đô, có thể nhận ngôi vị của trẫm thì sẽ truyền ngôi và gả công chúa cho.

Ngày đó trên sông thuyền bè nối nhau, trước lầu toàn xe ngựa. Tất cả đều nghe chiếu thiên tử mà nổi lòng trạng nguyên bốn biển. Bút văn múa như động ảnh rồng rắn làm sao đẩu bay lạc, lạnh cả khúc sông. Trận võ mở mà hổ báo kinh hồn, sấm chớp lan cửa biển. Một vùng quốc gia bốn biển anh hùng. Nhưng tất cả đều không đạt, xuôi chảy tầm thường, không có người có thể gọi là toàn tài. Duy chỉ có Sơn Thánh có nhiều kỳ tài thông trời thấu đất, có phép màu ngăn sông dời núi. Vua cho là người đứng đầu thiên hạ, bèn gọi công chúa đến gả cho Sơn Thánh, muốn nhường lại ngôi vị.

Khi ấy có Thục chủ là bộ chủ Ai Lao, cũng là tông phái họ Hùng, nghe Duệ Vương tuổi trời đã cao mà 20 hoàng tử đồ đã tiên du, không có người nối dõi, bèn thừa cơ phát động, cầu viện nước láng giềng trăm vạn quân tỳ hưu, tám ngàn kỵ mã chia làm 5 đạo. Một đạo theo núi Hoàng Nghiêm, Quỳnh Nhai, đất 16 châu mà ra. Một đạo theo đất các châu Tuyên Quang, Tụ Long, Bảo Lạc mà ra. Một đạo theo châu Minh Linh, Bố Chính ra. Một đạo theo Ái Châu, đạo Sơn Nam ra. Một thủy đạo theo cửa biển Hội Thống, Hoan Châu. Thủy bộ cùng tiến, quân thanh vang dội. Duệ Vương vô cùng lo lắng, bèn lập đàn tràng cầu đảo trời đất bách thần. Tối dó Vua nằm mơ thấy trước mặt có sứ giả thiên đình áo xanh nói rằng:

  • Giặc này tuy là giặc lớn, nhưng Hoàng thiên thương xót nên đã giáng cử nhiều tướng tài. Nay có ba vị thủy thần giáng sinh ở huyện Thụy Anh, phủ Thái Ninh, đạo Sơn Nam. Một vị sống ở trang Hoa Diêm. Một vị sống ở trang Thanh Do. Một vị sống ở trang Đào Động. Đều đang ở hình rắn. Xin bệ hạ sai sứ giả đến các nơi này, tất sẽ biến thành người, với Sơn Thánh cùng nhau dẹp giặc. Tất trong vài ngày có thể định được.

Bỗng nhiên Vua tỉnh lại, bèn lập tức sai sứ trở về các nơi, triệu gọi ba vị thủy thần. Sứ giả vâng mệnh cầm cờ tiết trở về các nơi. Khi sứ giả đến trang Đào Động bỗng thấy trời đất mù mịt, sấm gió to nổi lên, cửa sông ầm ầm như sấm sét nổi lên. Tự nhiên rắn biến thành người, tự xưng là Vĩnh Công, đích thực thân cá mặt rồng, thân dài 8 thước, sức địch vạn người, về đứng trước sân. Rồi trở về trang Hoa Diêm bái yết thân mẫu. Anh em cùng nhau đường đường vào gặp Vua. Vua thấy ba người có hình lạ tướng kỳ, đúng là thủy thần xuất thế, khác hẳn người thường.

Ngay hôm đó Vua bái Vĩnh Công làm Trấn Tây, đóng ở đất Ái Châu, Sơn Nam, Hoan Châu, cùng với các tướng dẫn quân đánh giặc Thục. Lại triệu Sơn Thánh đến hỏi kế sách. Sơn Thánh tâu rằng:

  • Hai nghìn năm đến nay 17 bậc quân vương thánh hiền tạo nhân nghĩa sâu dày đã thấm sâu vào tận xương tủy. Nay đất nước đang lúc quân mạnh, oai đức của bệ hạ vang xa hải ngoại. Còn người Thục không biết tự giữ gìn lại dám quật cường, cơ sự thua bại đã thấy rõ vậy. Thần cùng với ba vị thủy thần xin được thay thánh giá xuất quân. Quân Thục không quá nửa tháng sẽ dẹp được.

Vua nghe vậy rất vui mừng, bèn đích thân lấy búa việt giao Sơn Thánh quản theo các đầu núi. Lại giao cho  ba vị thủy thần quản theo tới hải đảo. Ba vị thủy thần nhận hai mươi vạn hùng binh, một ngàn viên tướng giỏi. Hôm đó, Sơn Thánh cùng với ba vị thủy thần bái tạ trước sân vua, đường đường bày binh bố trận. Sơn Thánh là tiền quân. Vĩnh Công là trung quân. Còn hai vị là hậu quân, tiến thẳng đến các vùng hải đảo, cùng với vạn đội rồng rắn, ngàn hàng hổ báo. 5 đạo quân Thục đều thua to, xe không còn một chiếc, ngựa không còn một con, chạy về nước.

Các ngài dâng biểu báo tin thắng trận về cho vua rằng giặc Thục đã dẹp xong. Vua nghe tin bèn trong hôm đó hạ chiếu triệu các tướng về triều nhận việc. Vua bèn truyền trăm quan mổ trâu làm lễ bái tạ trời đất bách thần, khao thưởng gia thần thủ túc, thưởng cỗ ba quân. Từ đó vua tôi hợp đức, trong phủ vô sự, bốn biển thấy cảnh tượng thái bình, vạn dân no đủ vui vẻ. Vua bèn gia phong các bậc chức tước và thực ấp. Phong Vĩnh Công là Nhạc phủ Thượng đẳng thần.

Vĩnh Công bái tạ, không nhận. Lại dâng biểu xin cho trang Đào Động được dùng tô thuế binh dịch để làm ấp hộ nhi. Vua đồng ý. Ông bái tạ vua, xe ngựa trở về trang Đào Động, khao thưởng nhân dân, gia thần thân tín. Ông bèn lấy 10 người ở trang Đào Động làm gia thần thân tín. Rồi lại về bái yết thân mẫu, ở đó vài tháng. Chẳng may thân mẫu bị bệnh mà qua đời. Ông bèn tìm đất tốt làm lễ an táng, phụng thờ trong nhà 3 năm. Đến khi hết tang, Ông đi xem địa thế. Một hôm đi đến bên sông ở trang Đào Động, thấy có một khu đất có sơn thủy hữu tình. Bèn cho lập đồn dinh mà ở đó. Lại mở yến tiệc, gọi phụ lão nhân dân đến uống rượu, nói:

  • Ta cùng với nhân dân đã thành nghĩa cũ, không phải mới có ngày một ngày hai mà mất đi được. Ta có 10 nén vàng gửi cho nhân dân để mua thêm đất đai ao hồ dùng làm cơ sở để về sau khi ta trăm tuổi có nơi hưởng thần phụng thờ.

Từ đó nhân dân đều an vui, khuyến khích cấy trồng, tăng lợi bớt hại. Dân đều giàu có, được mùa, thật có công lớn với dân vậy.

Ở được vài năm tới năm Bính Dần trời thu ngày 25 tháng 8 Vĩnh Công một buổi cùng với nhân dân ngồi ở trong cung sở. Tự nhiên mưa gió nối nhau, ban ngày như đêm. Trong khoảnh khắc trời đất sáng lại. Nhân dân thấy nơi ông ngồi không có ai. Ông đã hóa vậy. Nhân dân lấy đó làm kỳ lạ, bèn làm biểu tâu lên vua. Vua nghe vậy nhớ ông là Trấn Tây An Tam Kỳ.

Vua bèn gia phong mỹ tự là Trấn Tây An Tam Kỳ Linh ứng Đại vương, Thượng đẳng quốc tế. Sắc chỉ ban về cùng với 400 quan tiền đồng, cho phép xã Đào Động đón thần hiệu về sửa sang miếu điện để phụng thờ, lưu truyền hương khói cùng với nước nhà hưởng lành vậy.

Truy phong Trấn Tây An Tam Kỳ Linh ứng Đại vương.

Lại nói từ đó về sau trải tới Tiền Lý, Hậu Lý, Đinh, Lê, Lý, Trần, thường có giúp nước giữ dân, có nhiều đời đế vương gia phong mỹ tự, để vạn năm cúng hưởng, vạn thế không ngừng.

Phụng khai các lệ sinh hóa cùng với các chữ húy Vĩnh, nhất thiết cấm.

Phụng ngày sinh là mồng 10 tháng Giêng, lễ dùng trên cỗ chay, dưới dùng lợn đen làm lễ.

Phụng ngày hóa 25 tháng 8, lễ dùng trâu, xôi, rượu.

Hoàng triều niên hiệu Vĩnh Hữu, năm thứ hai, tháng giữa đông, ngày tốt.

Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính vâng soạn.

Bát phẩm thư lại, thần là Nguyễn Hiền vâng sao.

Phả lục chép về năm vị đại vương thủy thần triều Hùng Tuấn Vương

Chi Cấn, bộ Thượng đẳng

Chính bản bộ Lễ quốc triều.

Xưa nước Việt trời Nam mở vận, phân chia núi sông theo sao Dực sao Chẩn. Nước Bắc phân phong ban đầu thẳng theo sao Đẩu sao Ngưu. Từ Kinh Dương Vương triều Hùng tuân theo mệnh vua cha phân phong làm dòng dõi đế vương nước Việt ta, đất đẹp châu Hoan xây dựng kinh đô, núi mạnh Nghĩa Lĩnh sửa tăng đến miếu, truyền nước đời kế tiếp xưng là Lạc Long Quân, lấy tiên nữ Động Đình, ở đầu núi Nghĩa Lĩnh. Mây lành năm sắc rạng rõ. Âu Cơ từ đó mang thai, đến khi sinh hạ được một bầu trăm trứng, nở ra trăm con trai tốt lành, đều là những anh hùng hơn đời, đức độ vượt người. Đến khi trưởng thành Vua bèn phong hầu lập bình phong, chia Trung Quốc thành 15 bộ. Thế rồi Long Quân nói với Âu Cơ rằng:

  • Ta là giống rồng, nàng là dòng tiên. Tuy khí âm dương ngũ hành hợp lại mà có con, nhưng chủng loại không giống nhau, không thể chung sống.

Nhân đó chia biệt, bèn phân 50 người con theo cha về biển làm thủy thần, phân trị các đầu sông góc biển. 50 người con theo mẹ lên núi làm sơn thần, phân trị các khu bãi trên núi vùng trung du. Sau này có việc báo cho nhau, tất đến tương trợ, như thế không thể suy được. Thế là họ Hùng có bách thần sông núi, thường có thể xuất thế, đầu thai nhập làm con của các gia đình người dân, để giúp nước trợ dân vậy. Gia đình nào có phúc tất sẽ gặp được.

Lại nói, khi đó cơ đồ họ Hùng truyền 17 đời đến Tuấn Vương, ngự đô ở Việt Trì bên sông Bạch Hạc, dựng nước  tên là Văn Lang. Quốc đô tên là thành Phong Châu. Vua là người có hùng tài đại lược, tư chất thánh triết, kế thừa cơ đồ 17 đời tổ dựng tôn đắp, trong sửa văn đức, ngoài phòng biên cương, cố sức để hưng bình mà yên Trung Quốc.

Trước đó có thánh quân Động Đình Bát Hải, chính cung hoàng hậu nằm mộng thấy rồng cuốn phượng quần quanh thân, hào quang đầy nhà. Hoàng hậu sợ hãi tỉnh lại mới biết là nằm mộng. Bèn đem sự việc kể với Thánh quân. Thánh quân nói đó tất là có điềm làm. Từ đó Hoàng hậu thấy trong người có mang. Tới ngày mồng 10 tháng 8 năm Mậu Tý thì sinh hạ được một bầu mười chàng hoàng tử, đều có thiên tự khác lạ, diện mạo phi thường. Thánh quân biết là thần tiên xuất thế nên rất yêu mến.

Tuấn Vương nghe chuyện bèn ban chiếu lệnh cho các châu huyện, nơi nào có 10 vị hoàng tử, lại có tài văn võ, học vấn sâu rộng cùng với những tài nghệ riêng biệt thì đến nhận quan tước. Khi ấy đạo Sơn Nam Thượng có 10 vị hoàng tử ứng tuyển, đến trước bệ rồng ứng đối lưu loát, thể hiện tài văn võ không thể nào sai. Trong 2 năm sau Vua cho vị thứ nhất là Long cung Thái tử. Còn lại 9 người đều là Hoàng tử. Từ đó thầm nhuần ơn thánh, đậm sâu ơn vua, có duyên lớn hương khói vậy.

Khi ấy họ Hùng đương lúc mạt, ý trời muốn dứt. Tuấn Vương sinh được 20 hoàng tử, 6 công chúa đều theo nhau tiên du tuyệt tích, không có người nối dõi. Chỉ còn công chúa thứ hai là Mị Nương được gả cho Tản Viên Sơn Thánh, định kế nối ngôi vị.

Khi đó các nước láng giềng vạn nhà Ai Lao, Chiêm Thành nghe đồn Tuấn Vương tuổi thọ đã cao mà 20 hoàng tử đều tiên bồng tuyệt tích, không người nối dõi, định nhường ngôi cho con rể Sơn Thánh, bèn thừa cơ động binh, cầu viên các nước tập hợp trăm vạn tinh binh, ba ngàn ngựa khỏe, chia làm 5 đạo, theo cửa biển Hội Thống thủy bộ cùng tiến. Quân thanh chấn động. Thư từ biên cương gửi gấp, một ngày tới 5 lần.

Vua rất lo lắng, bèn triệu gọi Sơn Thánh đến hỏi kế sách. Sơn Thánh tâu rằng:

  • Hơn 2000 năm 17 bậc quân chủ thánh hiền tạo ra ơn sâu đức dày đã tới tận xương tủy. Hiện nay nước giàu quân mạnh. Oai đức của bệ hạ vang ngoài hải ngoại, lại có lòng trời yêu mến, giáng sinh nhiều anh tài. Ví như mười vị hoàng tử long cung có khí độ hơn người, kinh luân trùm cổ, kiêm tài văn võ, có tài ứng đối, thật là bách thần sông núi có nhiều xuất thế. Còn nước giặc không biết bảo thủ, dám đến quật cường, thì cơ sự bại thua đã cầm chắc vậy. Một ngày Bệ hạ thảo phạt hỏi tội, lấy uy đức mà phục thì tất dân ta đều vì Bệ hạ mà chống giặc. Mối lo này chỉ là trong phút chốc. Sự thể thế này thì thần nguyện xin cử 10 vị hoàng tử đến trấn giữ ở các nơi hiểm yếu đầu các con sông. Còn thần tự xin được thay Bệ hạ tìm chọn tướng tài. Giặc nước không quá vài tuần là dẹp được.

Vua rất vui mừng, lập tức gọi 10 vị hoàng tử long cung đến dẫn quân tuần phòng, chia làm 2 đạo để giữ vững các đường quan trọng ở các đầu sông. 10 vị hoàng tử long cung bái nhận 5000 quân thủy bộ chia thành 2 đạo trước tiên lên đường. Cờ xí gió thổi vạn dặm. Đầu thuyền chiêng trống động ngàn núi.

Một hôm buổi chiều tối dẫn quân tiến đến vùng đất đầu bến sông ở trang Hoa Đào, quận Phụ Phụng, đạo Sơn Nam. Bèn cùng nhau đóng quân ở nơi đó. Xem xét địa thế, thấy có một nơi sông núi uốn lượn, rồng hổ chầu ôm. Núi không cao mà có các bãi. Nước có bến đẹp lại thuận tiên. Tưởng cũng là một nơi phong quang thắng cảnh. Thái tử bèn truyền quân sĩ cùng nhân dân xây dựng 5 đồn để chống giặc ngoài.

Khi ấy phụ lão nhân dân trang Hoa Đào đều sợ hãi, bèn đến làm lễ xin được làm thần tử. Thái tư đồng ý.

Ngày hôm đó Thái tử bèn truyền quân sĩ mổ trâu, lợn để tế cáo trời đất bách thần sông núi, khao hưởng quân sĩ. Lúc ấy đang trời mùa đông thượng tuần tháng 11, bỗng thấy thư của Sơn Thánh gửi đến, trong nói là thiên hạ đã yên bình. Các vị bèn làm biểu tâu về triều. Vua ban chiếu triệu hồi. Thái tử cùng với 9 vị hoàng tử vâng mệnh quay về. Vua mở tiệc lớn mừng chiến thắng, gia phong các cấp bậc cho các tướng sĩ. Cho 5 vị được hưởng thực ấp ở quận Phụ Phụng. Còn 5 vị được quản trị các cửa biển. 5 vị hoàng tử bái tạ, trở về quận Phụ Phung nhận chỗ quản trị thực ấp. Thời gian sau đến nơi đồn ở trang Hoa Đào.

Một hôm bày tiệc mời phụ lão nhân dân, gia thần đến ăn uống. Khi ấy phụ lão nhân dân Hoa Đào đều tâu rằng:

  • Từ khi đại nhân dựng đồn sở thì dân đều được yên ổn, lấy uy đực mà phục người. Xin nơi nay là đồn, sau sẽ làm nơi thờ phụng.

Ngài đồng ý, lại nói với phụ lão nhân dân rằng:

  • Trang của các ngươi đã có lòng với ta tất sẽ giữ di mệnh của ta, muôn năm hương khói, vạn cổ thờ phụng hưởng  5 vị hoàng tử ở nơi trang này.

Đại vương lại ban cho 10 nén vàng để sau này mua thêm đất đai dùng cho việc thờ cúng. Việc xong , bỗng không gian nơi đó thấy trời đất mờ mịt, mưa to gió lớn nổi lên, mây mù bốn phía. Có một chiếc thuyền rồng từ cửa biển tiến đến. 5 vị hoàng tử lên thuyền mà trở về thủy tế. Bỗng thấy mây phủ mù mịt. Ban ngày mà như đêm. Một lúc thì quang tạnh. Lai thấy trăm đến chầu. Không thấy 5 vị hoàng tử nữa, tức đã hóa thần vậy. Khi đó là ngày 15 tháng 2. Lúc đó mọi người đều rất sợ hãi, bèn làm biểu tâu lên Vua. Vua nghe việc đó bèn sai quay về làm lễ tế, lại sai sứ giả mang sắc phong bách thần đến.

Gia phong vị thứ nhất là Long cung Chàng Cả Trấn Bắc Anh linh Thịnh đức Đại vương.

Gia phong vị thứ ba là Bình Giang Hùng trưởng Hiển ứng Phổ quang Huệ đạt Đại vương.

Gia phong vị thứ tư là Thủy quan Linh ứng Hộ vật An dân Đại vương.

Gia phong vị thứ bẩy là Thủy quan Đào tiên Triệu mưu Tả tịch Thịnh đức Phong công Đại vương.

Gia phong vị thứ tám là Kim chi Cống Đôi Anh linh Đại vương.

Trang Hoa đào đón mỹ tự về dân lập miếu thờ phụng. Kính vâng!

Ngày sinh thần chính lệ là mồng 10 tháng 8, dùng trên cỗ chay, dưới thịt lợn đen, hát cơ, vui chơi các trò.

Ngày hóa thần chính lệ là 15 tháng 2, từ ngày 12 đến 15 dùng lễ trên cỗ chay phẩm quả, dưới dùng trâu lợn, bánh trôi bánh dày, cấm ca hát.

Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất, tháng đầu xuân ngày tốt, Thái tử Thiếu bảo Đại học sĩ Hàn lâm Lễ viện Đông các Đại học sĩ, thần, Nguyễn Bính vâng soạn bản chính.

Hoàng triều năm Vĩnh Hữu thứ 6, giữa thu, Nội các bộ Lại lại vâng theo bản chính cũ mà chép.

Phả lục chép về 5 vị Đại vương thiên thần âm phù triều Trưng nữ vương

Chi Cấn, bộ Thượng đẳng thần

Bản chính Lễ bộ quốc triều.

Xưa nước Việt trời Nam mở vận, phân ngang sông núi theo sao Dực sao Chẩn. Nước Bắc ban đầu phong phân thẳng theo hướng sao Đẩu sao Ngưu. Từ Kinh Dương Vương triều Hùng vâng mệnh vua cha phân phong làm dòng dõi đế vương nước Việt ta. Đất đẹp châu Hoan xây dựng kinh đô. Đầu núi Nghĩa Lĩnh mây lành năm sắc rực rỡ. Âu Cơ từ đó có mang, đến lúc sinh hạ được một bầu trăm trứng, rở ra được điềm trăm trai, đều là những anh hùng hơn đời, đức độ vượt người. Đến khi trưởng thành Vua bèn kiến phong hầu tước, lập bình phong, chia phong trong nước  làm 15 bộ. Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng:

  • Ta là giống rồng, nàng là giống tiên. Tuy khí ngũ hành hợp lại mà có con, nhưng chủng loại không giống nhau, nước lửa tương khắc, không thể chung sống.

Bèn chia biệt mới phân 50 người con theo cha xuống biển làm thủy thần, phân trị các đầu sông góc biển. 50 người con theo mẹ lên núi làm sơn thần, phân trị các bãi khu trên núi. Khi có sự thì báo cho nhau, tất đến tương trợ, để không thể cùng suy yếu. Từ đó về sau nhà họ Hùng có bách thần sông núi thường có thể xuất thế, biến hóa thần kỳ, âm phù giúp nước giúp dân vậy.

Xưa thời Đông Hán, Tô Định dẫn quân đến lãnh thổ, xâm chiếm Trung Nguyên. Họ Triệu tang thương, không người cứu giúp. Cho đến người cháu gái Hùng Vương tên Trắc, là bậc nữ trung hào kiệt, thánh thần nơi thượng thế, nổi hùng oai cất quân đến đánh. Thế mà đương khi ấy chưa có được người nam nhi có tài thao lược. Nữ tướng xuất quân, phát động thần linh. Trưng nữ bèn cáo tế Tản Viên Sơn Thánh và hội đồng trăm thần ở cửa sông Hát (tức xứ Sơn Tây), lập đàn cáo tế, chúc rằng:

  • Con người là dòng dõi của vạn vật trong trời đất, vốn là chủ của các sinh linh, gây dựng nên cây cỏ. Trải đời đời các thiên tử đế vương đời trước đều là thánh minh. Triều đình có đạo yêu dân lo nước, đức hóa thâm sâu, thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Nay có kẻ ngoại tộc tên Tô Định, loài dê chó thường cuồng xướng lộng hành, phá hoại chính sự, tàn hại nhân dân. Trời đất, người thần đều căm phẫn. Thiếp hiềm là một cháu gái của Hùng Vương, nhắc đến sinh linh Hoàng thiên rơi lệ. Ngày nay trong lòng đau xót, trượng nghĩa mà dẹp bạo tàn. Xin được trăm vị tôn linh thần về hội đàn chứng giám cho lời thề, giúp sức cho Trưng nữ thiếp dẫn quân dẹp giặc, giữ nước cứu dân. Để thiếp được phục tổ yên tông các chốn cũ, để yên sinh linh nơi ăn chỗ ở, đưa sinh linh khỏi nước lửa lầm than. Sau là để không phụ ý Hoàng thiên, yên nơi thiêng miếu thờ Tiên hoàng, an ủi tổ phụ nơi chín suối.

Chúc xong hô xuất âm binh ngàn hàng vạn đội. Lại truyền hịch đi các đạo châu huyện nước Nam, nếu có nhân tài văn võ đều đến giúp để giữ yên đất nước. Trong vài ngày đều cầm quân đến làm phiên thần, tiến đến đồn của Trưng nữ tự nguyện xin làm thần tử, hết sức lập công. Trưng nữ vui mừng, lập tức xuất quân.

Khi tiến đến đất trang Hoa Đào, quận Phụng, phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam Hạ, bỗng thấy một nơi có thể dùng binh rất tốt. Bèn truyền quân cho lập một đồn để sau này ứng phó với quân Tô Định. Đêm đó Trưng nữ nằm ở nơi đồn quân, đến cuối canh ba thấy mơ màng như mộng. Bỗng thấy có 5 ông lão quần áo chỉnh tề, hình dung cổ quái từ trên trời hạ xuống trên đường  mà tiến đến, tự xưng là năm vị thành hoàng linh thần, dõng dạc nói:

  • Chúng ta vốn là dòng dõi họ Hùng, vâng thừa mệnh Thiên đình. Đã có quân vương tất có thần giáng ứng âm phù theo quân đội lập công. Ngày sau hiển linh cùng được phối thờ.

Lời thần dứt thì bay lên không mà biến mất. Lúc thần hiện là mồng 2 tháng 2. Trong một lúc Trưng nữ tỉnh lại, biết là thần linh ứng mộng đến trợ giúp. Sáng hôm sau bèn làm lễ bái tạ. Trưng nữ tiến quân thẳng đến đồn Tô Định, bao vây các hướng, đánh một trận lớn, bắt được chính tướng cùng các tì tướng cùng quân sĩ vài ngàn đầu. Thu được vô số khí giới, xe ngựa. Quân Tô Định thua chạy không biết nơi nào. Trưng nữ mới xây dựng 65 thành ở Lĩnh Ngoại, khôi phục lại hết đất Nam bang.

Từ đó thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Bèn lên ngôi xưng vương. Mới sai sứ giả ban chiếu phong cho các cấp tướng sĩ. Xong việc Vương mở tiệc lớn, sắc ban thêm các cấp bậc cho các tướng sĩ. Nhân đó nói:

  • Giặc Tô Định dẹp sạch cũng là nhờ có thần âm phù trợ giúp.

Bèn gia phong bách thần.

Gia phong 5 vị bản cảnh thành hoàng Trung quốc Hùng chấn Uy linh Ngưng hưu Thượng đẳng thần.

Đến khi vua Lê Đại Hành niên hiệu Thiên Phúc xem xét bách thần, thấy có nhiều linh hiển bèn gia phong 5 vị thành hoàng là Đôn ngưng Chính trực Hiển hữu Đại vương Thượng đẳng thần.

Gia phong Uy minh Hiển hữu Đao lợi Thiên linh Đống Phan Hiển ứng Đại vương.

Gia phong Uy trực Hiển hữu Cương nghị Hùng kiệt Hãn vệ xã Ba lãng thần Đại vương.

Gia phong Cương đoạn Chính trực Lôi điện Đống thần Hùng canh Linh thông Hiển vị Đại vương.

Gia phong Minh trực Linh quang Trấn võ Đông Bắc Phu ngưng Chương tấu Hậu đồng Lực lượng Đại vương.

Gia phong Hùng nghị Trấn Bắc Thông minh Chính trực Trí huệ Anh mẫn Trợ thuận An dân Đại la Thiên tử Đại vương.

Lại nói từ đó về sau có nhiều linh ứng, nên có nhiều đời đế vương gia phong mỹ tự.

Thời Trần Thái Tông, giặc Nguyên đến xâm phạm, kinh thành bị vây hãm. Trần Quốc Tuấn vâng mệnh cầu đảo bách thần ở các nơi đền miếu. 5 vị lại cũng có hiển ứng âm phù. Đến khi dẹp được giặc Mã Nhi, Thái Tông bèn phong thêm mỹ tự 5 vị Linh ứng Anh triết Hiển hữu Trợ thuận Đại vương.

Đến khi Lê Thái Tổ khởi nghĩa dẹp giặc Minh Liễu Thăng, có được thiên hạ, bèn bao phong 5 vị là Phổ tế Cương nghị Anh linh,

Sắc chỉ ban cho các khu Hoa Đào trùng tu đền miếu để phụng thờ. Thật là tốt đẹp thay!

Vâng khai ngày mộng thần cùng với các chữ húy (Lợi, Hãn, Đống, Trấn, La) nhất thiết tối kỵ cấm. Cho phép trang Hoa Đào thờ.

Chính lệ ngày thần hiện mồng 2 tháng 2, trên dùng cỗ chay phẩm quả, dưới dùng xôi trâu lơn, rượu, bánh trôi bánh chay, ca hát các trò, đánh cờ các trò trong 5 lễ chính thì dừng.

Tiệc hội đồng các khu cùng nhau chính lệ ngày mồng 10 tháng 8, lễ trên dùng mâm chay, dưới dùng trâu đen, xôi, rượu, ca hát ba ngày theo lệ thì ngừng.

Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ 1 đầu xuân ngày tốt, Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, thần, Nguyễn Bính phụng soạn bản chính.

Hoàng triều Vĩnh Hữu năm thứ 6 giữa thu ngày tốt, Nội các Sử bộ tuân theo bản chính cũ vâng chép.

Đọc giải sự tích về Triệu Việt Vương

Trước những tư liệu mới về Triệu Đà ở miền Bắc Việt và Hậu Hùng Vương ở Phú Thọ (thần tích Hạ Mạo và Mạo Phổ) thì nay đã có thể xem xét lý giải được các sự tích về Triệu Việt Vương. Một sự tích Triệu Việt Vương điển hình là bản ngọc phả của thôn Kiều Ngõa, xã Lịch Đông, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam Hạ, nay thuộc xã Liêm Hải, Trực Ninh, Nam Định. Đây là bản ngọc phả được lưu truyền ở địa phương, không phải dạng thần tích do Hàn lâm viện đại học sĩ Nguyễn Bính soạn, nên nó còn lưu giữ được các thông tin nguyên bản dân gian, chưa qua chỉnh lý của nhà nước phong kiến xưa.

Trang cuối ngọc phả thôn Kiều Ngõa.

Kể về nguồn gốc của Triệu Quang Phục, ngọc phả chép: Khi đó ở nước ta tại huyện Châu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có một người họ Triệu tên Túc, vợ là Lý Thị Đàm. Tổ tiên của ông Túc vốn làm quan có tiếng, trải qua 6 triều thì về quê sinh sống.

Cha của Triệu Việt Vương là Triệu Túc, tổ tiên từng làm quan to qua 6 triều vua trước đây. Đây là thông tin khó hiểu nhưng cũng là manh mối xác định nguồn gốc của Triệu Việt Vương. Khi so sánh với thần tích Hạ Mạo (Phú Thọ) thì Triệu Túc tương đương với Chàng Ánh, dòng dõi Hùng Vương, quê ở Sơn Tây (Phú Thọ), làm quan nhiều đời trong triều Hùng. Bà mẹ Lý Thị Đàm tương đương với con gái Đông Chu Quân trong thần tích Hạ Mạo. Còn Triệu Quang Phục tương đương với Chàng Út Ngọ trong thần tích này.

Một điểm đáng suy nghĩ khác là ông Triệu Túc được biết là ở huyện Chu Diên. Chu Diên nghĩa là con chim màu đỏ, tương ứng với hình tượng Phượng hoàng ngậm bút ngọc bay đến trong tiếng sấm của thần tích Mạo Phổ. Lôi Mao hay lông sấm là hình ảnh gặp phổ biến trên trống đồng của nước Nam Việt. Rất có thể Chu Diên cũng là hình tượng biểu trưng của nước Nam Việt như được thể hiện trên các trống đồng. Ý nghĩa của hình chim Phượng hoàng đỏ là chỉ dòng Tiên của nhà Chu – Thục (An Dương Vương).

Ngọc phả Kiều Ngõa chép: Ông Túc rất vui mừng, cho rằng người con này tất sẽ hưng phục gia nghiệp, bèn đặt tên là ông Phục. Nếu Triệu Túc là dòng dõi Hùng Vương thì chữ Phục trong tên Triệu Quang Phục là có nghĩa phục hưng lại cơ đồ họ Hùng. Ở đây chỉ cơ đồ của nước Âu Lạc, đã bị nhà Tần chiếm mất vào thời Hùng Vương cuối cùng – thời An Dương Vương. Triệu Quang Phục là dòng dõi nước Âu Lạc của nhà Chu – Thục, đã tham gia khởi nghĩa chống lại nhà Tần mà phục quốc.

Ngọc phả kể: Ít lâu sau Lâm Ấp vào cướp bóc. Ông Bôn lập đàn bái ông Phục làm Tả tướng, Phạm Tu làm Hữu tướng, sai dẫn quân đánh phá. Từ đó Bắc đuổi Tiêu Tư, Nam dẹp Lâm Ấp. Triệu Quang Phục tham gia khởi nghĩa kháng Tần của Lý Bôn – Triệu Vũ Đế, được bái làm Tả tướng. Trong quá trình khởi nghĩa đó, Triệu Quang Phục được cử đánh dẹp quân Lâm Ấp ở phương Nam. Dấu vết của việc này là di tích thờ Triệu Việt Vương ở xa về phía Nam như đền Triệu Việt Vương ở xã Trinh Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Ngọc phả kể: Ông Phục tự lập là vua, hiệu là Triệu Việt Vương, đóng đô ở thành Long Biên. Đây là sự kiện Triệu Quang Phục được phong Vương ở vùng đất Bắc Việt sau khi khởi nghĩa chống Tần thắng lợi. Trong thần tích Hạ Mao thì Chàng Út Ngọ đã được Triệu Vũ Đế gả con gái cho và cho dùng chữ Triệu làm tên gọi. Trong Hoa sử gọi là Triệu Văn Vương, vị vua thứ hai của nước Nam Việt. Vị vua đầu là Triệu Vũ Vương, hẳn là để chỉ Triệu Túc – Hậu Hùng Vương.

Ngọc phả Kiều Ngõa kể: Ông Phục nhận được móng rồng ở đầm Dạ Trạch. Móng rồng là chiếc ấn rồng Văn Đế hành tỉ, mà nay đã tìm thấy trong mộ của Triệu Văn Đế tại Quảng Châu. Đây là sự kiện Triệu Văn Vương xưng Đế sau khi Lữ Hậu nhà Tây Hán mất. Với vị trí là Đại tướng quân và là con rể của Lý Bôn (Lưu Bang), khi cả Cao Tổ và Cao Hậu quy tiên, Triệu Quang Phục cho rằng mình mới là người nối ngôi chính thống nên đã xưng Đế và lập quốc gia riêng. Cũng vì sự tự xưng này mà Triệu Việt Vương còn được gọi là Hoàng đế trong các tư liệu xưa.

Ngọc phả kể: Việt Vương cũng dời đô về Ngọc Ninh. Ngọc Ninh ở đây hẳn là chỉ núi Vũ Ninh (Châu Sơn), từng là nơi đóng quân của Triệu Vũ Đế khi khởi nghĩa. Có thể Triệu Quang Phục đã tham gia khởi nghĩa cùng Triệu Vũ Đế ngay từ những ngày đầu ở núi Vũ Ninh. Ngoài ra, đây có thể còn chỉ sự kiện vua Triệu dời trị sở từ Long Biên về Phiên Ngung khi xưng đế, lập quốc Nam Việt.

Ngọc phả kể: Vương thường đi khắp thiên hạ, tìm chỗ lập đồn doanh để làm nơi phòng bị. Một hôm Vương xa giá tới thôn Kiều Ngõa, xã Lịch Đông, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam. Vương truyền quân cùng nhân dân thiết lập một đồn sở. Vương thường xa giá đến đây đóng quân ở đồn, dạy dân trồng cấy, dân được lợi nhiều.

Sau khi khởi nghĩa thắng lợi và lên ngôi vua, Triệu Việt Vương từng đi khắp nơi, lập các đồn doanh ở vùng ven biển. Như vậy khu vực hành cung vua Triệu ở Ninh Bình (Thần Thiệu, Trùng Thượng, Trùng Hạ) thuộc về thời Triệu Văn Vương, không phải thời Vũ Đế Triệu Đà. Dẫn chứng khác là ở đền Thượng Hoàng Đan (Ý Yên, Nam Định) gần đó thờ đủ 5 đời nhà Triệu nước Nam Việt, chứ không chỉ một mình Triệu Việt Vương hay Triệu Vũ Đế.

Ngọc phả kể về sự kết thúc của Triệu Việt Vương: Địa phương lập đền chính ở nơi Vương hóa, viết thần hiệu là Triệu Việt Hoàng đế để phụng thờ. Tới nay vẫn còn đền (tức xã Độc Bộ, nay đổi là Lục Bộ). Lại nói, từ khi ông Phục hóa về sau nhân dân thôn Cầu Ngõa, xã Lịch Động đều bị tật dịch, súc vật không yên. Nhân dân đi bốc quẻ xem, mới lập miếu ở nơi đồn dinh, viết thần hiệu Việt Vương Hoàng đế để phụng thờ.

Các di tích ở vùng ven biển Nam Định như vậy là di tích hình thành từ nơi hóa của Triệu Việt Vương. Người đã hóa ở cửa biển Đại Nha lúc này không phải là Triệu Văn Vương thời khởi nghĩa kháng Tần, mà là Triệu Vệ Dương Vương, vị vua cuối của nhà Triệu Nam Việt. Người cháu của Lý Bôn là Lý Phật Tử, tức là vua Hiếu Vũ Đế, đã tấn công kinh đô Phiên Ngung. Triệu Vệ Dương lên thuyền chạy về phía Tây, về nơi quê cha đất tổ, nhưng khi đổ bộ vào vùng cửa biển Nam Định – Ninh Bình thì bị quân của Lộ Bác Đức truy sát. Vua Triệu đã bị bắt và tử tiết ở vùng ven biển này. Nhân dân sau đó lập đền thờ, không chỉ thờ vị vua cuối cùng của nhà Triệu mà là thờ cả triều đại nhà Triệu nước Nam Việt dưới tên Triệu Việt Vương.

Các di tích thờ phụng Triệu Vũ Đế và Triệu Việt Vương.

Như vậy, danh xưng Triệu Việt Vương ở nước ta có thể là:

  1. Triệu Trọng Thủy: Ai cũng biết chuyện Trọng Thủy là con trai của Triệu Đà, lừa gạt con gái của An Dương Vương lấy mất lẫy nỏ thần, dẫn đến cơ đồ nước Âu Lạc đắm chìm biển sâu. Thế mà vẫn có một người không biết tới chuyện này, đó là Tư Mã Thiên, vì trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện không hề nhắc tới Trọng Thủy hay Mỵ Châu. Lý do là Trọng Thủy không phải con trai của Nam Việt Úy Đà, mà là vương tử của Tần Vương. Nhà Tần vốn mang họ Triệu do tổ tiên đánh xe ngựa cho Chu Mục Vương và được phân phong ở Triệu thành. Triệu Việt Vương thứ nhất do đó là Tần Vương.
  2. Triệu Vũ Đế: Vị quan lệnh Long Xuyên đã khởi nghĩa kháng Tần thành công, xưng Đế thiên hạ tất nhiên cũng là một vị vua Triệu của người Việt, nên gọi ông là Triệu Việt Vương hoàn toàn phù hợp. Các di tích ở miền Bắc Việt tại Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội hiện đang gọi Triệu Vũ Đế là Triệu Việt Vương. Đây chính là Cao Tổ của họ Triệu, cũng là Lý Bôn hay Lưu Bang.
  3. Triệu Quang Phục: Là người nối tiếp ngôi của Nam Việt Đế Lý Bôn, Triệu Quang Phục tất nhiên là vua của nước Nam Việt, nên cũng được gọi là Triệu Việt Vương. Sự tích Hạ Mạo cho biết chàng Út Ngọ là dòng dõi Hùng Vương, tham gia khởi nghĩa kháng Tần cùng Triệu Vũ Đế, được gả con gái và phong là Triệu Vương, cai quản đất Nam Việt. Như thế Triệu Túc tương đương với Hậu Hùng Vương, còn Triệu Quang Phục là Út Ngọ Lôi Mao. Trong Sử ký Tư Mã Thiên thì Út Ngọ tương ứng là Triệu Văn Vương, mà ngôi mộ có ấn Văn Đế hành tỉ đã được phát hiện ở Phiên Ngung – Quảng Châu. Triệu Văn Đế khi lên ngôi đã có một số lần về thăm quê ở Bắc Việt và từng dẹp quân Lâm Ấp ở phía Nam nên rải rác vẫn còn các di tích hành cung Triệu Việt Vương của vị vua này ở Thanh Hóa, Ninh Bình.
  4. Triệu Vệ Dương Vương: Vị vua Triệu đã thất thủ thành Phiên Ngung, phải lên thuyền chạy về phía Tây, tới cửa biển Đại Ác ở Nam Định thì bị truy sát bắt giết cũng là Triệu Việt Vương. Di tích thờ Triệu Việt Vương ven bờ biển Nam Định – Ninh Bình có rất nhiều, chính là dành cho Triệu Vệ Dương Vương, vị vua cuối cùng của nhà Triệu nước Nam Việt.
Phả đồ so sánh các dòng sử về Triệu Việt Vương.

Ngọc phả ghi về Triệu Việt Vương Hoàng đế

Thần tích thôn Kiều Ngõa, xã Lịch Đông, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam

(nay thuộc xã Liêm Hải, Trực Ninh, Nam Định)

Ngọc phả ghi về Triệu Việt Vương Hoàng đế

Chính bản của bộ Lễ quốc triều. Thượng đẳng thần.

Nước Việt xưa Càn Khôn định vị, Ly Khảm phân phương, giới hạn tong thiên thư theo sao Dực sao Chẩn. Từ họ Hùng dựng nghiệp, 18 đời truyền nhau hơn hai ngàn năm thịnh trị. Tới Duệ Vương không có người nối nghiệp (đều lên núi tu tiên), bèn nhường nước cho Thục An Dương Vương. Dương Vương có lòng vì dân vì nước, trị vì 50 năm thì Triệu Vũ lấy được nước, rồi nội thuộc Tây Hán. Trải qua Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, sai Tiêu Tư làm thứ sử đất Việt ta. Tư đối với người dùng hình nặng, pháp luật hà khắc, chính trị bạo ngược, tàn hại nhân dân. Khi đó đất Việt ta ai ai cũng lầm than, ca thán đối với thời này vậy. May sao ý trời muốn yên bình lòng người trong cảnh loạn lạc mà có người Long Hưng, Thái Bình, họ Lý tên Công Bôn, khởi binh ở châu Cửu Đức, cầu tìm hào kiệt khắp thiên hạ, chiêu dụ anh hùng bốn biển để nên kế lớn.

Đương khi đó còn chưa có được nam nhi thao lược, các tướng anh tài. Ông Bôn tích trữ quân lương, nhưng chưa phát động khởi nghĩa. Đáng tin thay! Đã có vua tất sẽ có thần tử. Đất Long Hưng không hướng mây mà mây ùn ùn kéo tới.

Đương khi đó ở nước ta tại huyện Châu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có một người họ Triệu tên Túc, vợ là Lý Thị Đàm. Tổ tiên của Ông Túc vốn làm quan có tiếng, trải qua 6 triều thì về quê sinh sống. Đến đời ông Túc, vợ chồng cùng là những người phúc hậu, từ tâm, nhân ái, vốn lấy nho y làm nghề nghiệp. Khi vợ chồng tuổi đều đã cao mà việc sinh nở chưa thành. Một hôm bà Lý nằm chơi ở bên mái hiên phía Đông, lờ mờ thiếp đi, mơ màng như nằm mộng. Thấy thân mình lên đến Thiên đình. Ngọc Hoàng tuyên triệu đến trước điện mà phán rằng:

  • Gia đình ông Túc phúc hậu. Ta đã biết rõ nên đồng ý cho họ Triệu một cậu bé, đầu nhập làm con nhà họ Triệu.

Đang khi trong mộng, bà Lý bế được một tiên đồng, rồi bái tạ. Trên nửa đường trở về gặp một người cưỡi một con lân đỏ theo từ phương Nam mà tới, hô lớn rằng:

  • Đây đúng là gia đình có phúc mà bế được tiên đồng. Tiếc là nghiệp phúc chưa vẹn, phúc này không được tròn.

Nói xong thì bay lên không đi mất. Bà Lý bỗng nhiên tỉnh giấc. Từ đó cảm động mà có mang. Mang thai được 10 tháng đến năm Giáp Dần, ngày mồng 6 tháng Giêng thì sinh hạ được một người con trai. Vào lúc sinh có ánh sáng đỏ chiếu khắp nhà, khí lành bao phủ. Thấy một người con trai tướng mạo đường đường, thần phong lẫm liệt, bộ dạng giống y như đã gặp ở trong mộng. Ông Túc rất vui mừng, cho rằng người con này tất sẽ hưng phục gia nghiệp, bèn đặt tên là ông Phục. Xuân sinh, hè trưởng được 12 năm, thiên tư minh mẫn, tính vốn anh thông. Đến khi 15 tuổi tính tình anh uy rất vẻ, có tài dũng liệt, tinh thông thao lược, quán triệt văn chương, thực là bậc hào kiệt đương thời vậy.

Khi đó ông Phục thấy thứ sử Tiêu Tư gây cảnh tàn bạo với nhân dân, dùng hình nặng, chính sự trái ngược. Ông rất thương sinh dân lầm than, bèn tìm kiếm những kẻ sĩ có mưu trí, chiêu tập dân lưu tán, cầu hào kiệt khắp thiên hạ được ngàn người. Thế là khi ấy có nhiều tướng anh tài mà chưa có được quân chủ, hẳn là do đợi thời mới phát động.

Một hôm ông Phục nghe thấy Lý Công Bôn khởi binh ở châu Cửu Đức. Ngay hôm đó Ông dẫn quân mã, gậy sách tìm đến yết kiến ông Bôn. Ông Bôn gặp, thấy người có diện mạo khác thường, liền hỏi xem tài năng. Ông Phục ứng đối không gì là không nói tới. Ông Bôn rất mừng, những tưởng trời sai người đến để giúp cho vận nước. Ngày hôm ấy liền bái là Điều bát binh nhung, dẫn quân tiên phong cùng với ông Bôn đại chiến một trận với Tiêu Tư. Quân Tư thua to, bỏ thành chạy về nước Bắc.

Ít lâu sau Lâm Ấp vào cướp bóc. Ông Bôn lập đàn bái ông Phục làm Tả tướng, Phạm Tu làm Hữu tướng, sai dẫn quân đánh phá. Từ đó Bắc đuổi Tiêu Tư, Nam dẹp Lâm Ấp. Ông Bôn bèn lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Long Biên, lập nước tên Vạn Xuân, đặt trăm quan, định đô ấp, phong các công thần, tướng tá các cấp bậc. Bèn phong ông Phục là Quốc tể Long lĩnh hầu, nhận ấn Đại tướng quân, cho vào triều phụ chính.

Trải được 6 năm, nhà Lương lại sai Trần Bá Tiên dẫn mười vạn hùng binh, ba ngàn ngựa khỏe đến xâm chiếm phương Nam mà phục thù xưa, để rửa nhục cũ. Khi đó Lý Đế đón đồn quân ở hồ Triệt. Quân Lương không dám tiến gần. Một hôm nước hồ dâng cao. Quân của Bá Tiên theo đó mà tiến, đánh một trận lớn. Quân của Đế thua to. Đế bèn giao quyền cho Đại tướng Triệu Quang giữ nước. Đế vào động Khuất Liêu, không lâu sau thì Đế mất.

Khi đó ông Phục đi khắp nơi trong thiên hạ tìm chỗ hiểm trở để lập đồn doanh mà đóng quân. Một hôm Ông về đến đầm Nhất Dạ (đầm này ở xã Đa Hòa, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, xứ Sơn Nam Hạ. Trước đây là đất ở của Chử Đồng Tử. Đến khi Đồng Tử bay lên trời cùng với gia thất, một đêm trở thành đầm, do đó có tên là đầm Nhất Dạ). Ông bèn thiết lập đồn doanh ở đất này, cùng với Bá Tiên giao chiến. Qua một năm mà không phân thắng bại. Khi ấy Lương đế lại lệnh cho tướng Dương Sàn dẫn quân đến tiếp ứng, quân ngày càng mạnh thêm. Quân của Ông gần đến lúc nguy bại, bèn lập đàn cầu đảo trời đất thần kỳ trong ba ngày. Thấy có một người đầu đội mũ trăm sao, thân khoác áo bào hồng, cưỡi rồng vàng từ trên trời hạ thẳng xuống, hô to một tiếng rồi nói với Ông rằng:

  • Nơi đây là đất của ta ngày trước ở tại đây.

Nói xong bèn tháo móng rồng trao cho ông Phục, lệnh đặt lên trên mũ đâu mâu và nói rằng:

  • Đến khi vào lúc chinh chiến thì hướng vào đâu sẽ thu được toàn thắng đến đó.

Ông Phục nhận được móng rồng, chưa kịp làm lễ bái hạ thì người đó bỗng nhiên biến mất. Từ đó Ông được móng rồng, đánh bại quân Lương, chém được tướng Dương Sàn. Quân Lương thua to, chạy về nước Bắc, không dám vượt biên giới nữa. Ông Phục tự lập là vua, hiệu là Triệu Việt Vương, đóng đô ở thành Long Biên.

Lại nói, Vương được nước qua mấy năm, thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Vạn dân chu cấp đầy đủ, hát ca vui mừng. Bốn biển trông cảnh tượng thái hòa. Vương thường đi khắp thiên hạ, tìm chỗ lập đồn doanh để làm nơi phòng bị. Một hôm Vương xa giá tới thôn Kiều Ngõa, xã Lịch Đông, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam. Vương truyền quân cùng nhân dân thiết lập một đồn sở. Vương thường xa giá đến đây đóng quân ở đồn, dạy dân trồng cấy, dân được lợi nhiều.

Lại nói, khi Vương ở ngôi qua 20 năm, có người con của anh trai Tiền Lý Nam Đế tên là Phật Tử (tức là Phật Tử là cháu của Tiền Lý Nam Đế, con của Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo), dẫn quân từ động Dã Năng đến cùng với Việt Vương tranh đoạt. Việt Vương thấy Phật Tử là dòng tộc Tiền Lý Nam Đế, không nỡ gây chiến, bèn chia nước làm đôi cùng trị, cắt giới là châu Quân Thần (tức xã Thượng Cát, Hạ Cát). Từ Thượng Cát trở về phía Tây cho Phật Tử cai quản. Phật Tử bèn dời đô về thành Ô Diên (tức xã Hạ Mỗ). Việt Vương cũng dời đô về Ngọc Ninh. Hai tướng cùng trị quốc.

Qua một năm sau Phật Tử biết Việt Vương có mũ đâu mâu móng rồng hướng đâu là tan đó. Vương có một con gái tên là Cảo Nương, tuổi tác tương đương với con trai Nhã Lang. Do đó Phật Tử sai sứ mang thư cầu hôn với Vương, thỉnh Cảo Nương với Nhã Lang cùng kết hôn. Vương đồng ý. Phật Tử sai con vào trong quân làm con tin. Vương rất yêu mến. Quần thần nhiều người can gián, nhưng Vương đều không nghe. Lại sai cho cùng với Cảo Nương ở Đông cung, gọi Nhã Lang là rể hiền. Từ đó Nhã Lang cùng Cảo Nương kết thân, tình vợ chồng keo sơn gắn kết. Được hơn một năm, một ngày Nhã Lang cùng với Cảo Nương ngồi uống nước, nhân đó hỏi Cảo Nương rằng:

  • Trước đây khi hai nước tương tranh, Vua cha có thuật lạ gì mà có thể đánh bại quân Lương?

Cảo Nương vô ý lấy mũ đâu mâu móng rồng cho xem. Nhã Lang biết là thần vật, ngày khác lấy đem tráo móng rồng. Việc xong nói với Cảo Nương rằng:

  • Ta cùng với nàng là tình vợ chồng, không thể phụ nhau được. Tuy nhiên đạo cha con lẽ nào lại chia biệt. Từ khi kết hôn vẫn chưa về nhà, chỉ cùng nàng tương hợp.

Dứt lời từ biệt, cưỡi ngựa trở về, báo với phụ thân Phật Tử. Phật Tử dẫn quân đến đánh. Việt Vương mất móng rồng, bèn lên ngựa chạy về phía Nam, chạy tới cửa biển Đại Nha thì quân họ Lý truy đuổi đến nơi. Vương biết khó thoát, bèn ngẩng lên trời mà than rằng:

  • Rồng vàng, rồng vàng phụ ta vậy sao!

Than rồi bèn nhảy xuống bên bờ biển mà chết (khi đó là 13 tháng 8). Từ khi Vương hóa về sau đều có nhiều hiển ứng linh thiêng. Địa phương lập đền chính ở nơi Vương hóa, viết thần hiệu là Triệu Việt Hoàng đế để phụng thờ. Tới nay vẫn còn đền (tức xã Độc Bộ, nay đổi là Lục Bộ).

Lại nói, từ khi ông Phục hóa về sau nhân dân thôn Cầu Ngõa, xã Lịch Động đều bị tật dịch, súc vật không yên. Nhân dân đi bốc quẻ xem, mới lập miếu ở nơi đồn dinh, viết thần hiệu Việt Vương Hoàng đế để phụng thờ. Bệnh tật đều khỏi ngay. Người và vật được yên ổn. Từ đó về sau nước cầu dân cúng có nhiều linh ứng. Trải Đinh, Lê, Lý, Trần bốn họ thay nhau khai sáng cơ đồ, đều có giúp nước cứu dân, nên qua các đời đều có đế vương gia phong mĩ tự Thượng đẳng phúc thần.

Đến cuối thời nhà Trần, họ Hồ tranh quyền, người Minh gậy loạn, sưu cao dịch nặng, chính trị trái ngược, tàn hại nhân dân. Dân bị hại và lo lắng rất nhiều. May là vì lòng người ghét loạn, ý trời mở nên cơ hội lớn. Triều ta Thái tổ Cao hoàng đế khởi nghĩa Lam Sơn, ba ngàn quân mạnh. Một hôm Đế tiến quân đi qua thôn Cầu Ngõa, xã Lịch Đông, huyện Tây Châu, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam. Lúc đó mặt trời đã xuống núi. Đế bèn đóng quân ở đền Triệu Việt Vương. Đến cuối canh ba Đế mơ màng như mộng. Bỗng thấy một vị thần tướng, thân khoác áo giáp vàng, tay cầm qua vàng, tiến thẳng đến trước Đế, vừa chắp tay vừa bái chào, xưng tên xưng họ, tự xin theo cùng dẹp giặc. Đế tỉnh lại biết là thần linh ứng mộng, bèn ghi lại vào sách vàng để xem nghiệm về sau.

Sáng hôm đó Đế cử binh tiến đến chiếm thành Lục Hoa, đánh dẹp được giặc Minh, chém đại tướng Liễu Thăng. Thái tổ lên ngôi Hoàng đế ở Lam Sơn, niên hiệu là Thuận Thiên, đổi triều đại, đại xá thiên hạ. Nhân đó tặng phong mĩ tự cho các vị bách thần. Bèn tôn phong Triệu Việt Vương Hoàng đế, sắc chỉ Thượng đẳng thần, cho phép thôn Cầu Ngõa, xã Lịch Đông đón sắc về dân, trùng tu miếu điện để phụng thờ, lưu truyền hương lửa vạn đại vô cùng, mãi cùng vận nước, mãi là thức lệ, liên miên bất tận, không thể mất vậy.

Tốt thay!

Tôn phong Triệu Việt Vương Hoàng đế, cho phép thôn Cầu Ngoã, xã Lịch Đông, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, đạo Nam Sơn phụng thờ.

Phụng khai các tiết sinh hóa và khánh hạ cùng với tên húy cấm hai chữ Quang, Phục.

Sinh thần ngày mồng 6 tháng Giêng, lễ dùng lợn đen, xôi, rượu, ca hát một ngày.

Ngày thánh hóa là 13 tháng 8, lễ dùng lợn đen, xôi, rượu, bánh trôi, cùng các thức vật.

Người bản thôn, cựu tiên chỉ Lê Văn Năng theo thần sắc phụng thờ mà tuân sao.

Hoàng triều niên hiệu Đồng Khánh thứ 9, ngày tốt tháng 8 đã sao.