Bảy quận núi sông nước Nam

Hậu Hán thư ghi: Năm Nguyên Đỉnh thứ 5 (112 TCN) đời Hán Vũ Đế bèn diệt Nam Việt chia đặt thành 9 quận, do Thứ sử Giao Chỉ lĩnh lấy, trong đó 2 quận Châu Nhai, Đạm Nhĩ trên bãi ngoài biển. 9 quận chia ra từ nước Nam Việt cụ thể là nằm ở đâu?

Đến thời Sĩ Nhiếp thì Giao Châu chỉ còn 7 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nhật Nam, Nam Hải, gọi là “thất quận sơn hà”, thường được nhắc đến trong các thần tích về nước Nam. Như thế rõ ràng 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ không thể nằm ở đảo Hải Nam, mà là vùng đất xa hơn về phía Bắc giáp biển.

Châu Nhai vốn là tên của đảo Đài Loan như được ghi trên tấm bia bài minh Mộ Chí tiến sĩ Thái Đình Lan của Lâm Hào đời nhà Thanh soạn: “Miền Chu Nhai hoang phục xa xôi,  đất Quỳnh Sơn tích học, khởi nghiệp.” Do đó quận Châu Nhai phải là vùng tỉnh Phúc Kiến ngày nay.

Đạm Nhĩ tương tự sẽ là vùng Chiết Giang, nơi nhà thơ Tô Đông Pha từng đi lưu đày và làm bài thơ Cư Đam Nhĩ. 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ tương ứng là đất Mân Việt vào đầu thời Tây Hán. Do Mân Việt phục tùng nước Nam Việt nhà Triệu nên khi Hán Vũ Đế chia đất Nam Việt đã tính cả vùng đất Mân thành 9 quận.

Vị trí quận Nam Hải khả dĩ nhất là vùng Quảng Đông, không gây tranh cãi nhiều. Còn Hợp Phố là phía Nam Quảng Tây, nơi ngày nay vẫn còn địa danh huyện Hợp Phố. Uất Lâm hay Quế Lâm là phía Bắc Quảng Tây, nay còn thành phố Quế Lâm giáp với Hồ Nam. Quận Thương Ngô nằm gần với đất Mân Việt nên thuộc vùng Giang Tây ngày nay.

Vấn đề còn lại là 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thời Tây Hán nằm ở chỗ nào?

Quận Cửu Chân theo Truyện Nhâm Diên trong Hậu Hán thư thì giáp với Dạ Lang, mà Dạ Lang nằm ở Quý Châu. Theo Thái Bình hoàn vũ ký thì quận Cửu Chân Bắc giáp Ba Thục, Đông giáp Uất Lâm, Tây giáp Tường Kha, Nam giáp Nhật Nam. Ba Thục chính là đất Dạ Lang ở Quý Châu (không phải Xuyên Thục là Tứ Xuyên). Tường Kha là tên khác của Tượng quận, thuộc Vân Nam. Suy ra Cửu Chân nằm ở quãng phía Tây của Quảng Tây, giáp với Vân Nam.

Quận Nhật Nam là một quận mới xuất hiện khi Hán Vũ Đế chia Nam Việt thành 9 quận, vì trước đó thời nhà Triệu chỉ thấy nói đến cử người đến quản Giao Chỉ và Cửu Chân. Nhật Nam lúc này không ở vùng miền Trung Việt vì nó được biết là giáp với quận Cửu Chân ở trên.

Đặc biệt bản thần tích ở đất Thái Bình về bà Vương Chiêu Quân thời Hán Nguyên Đế cho một thông tin hết sức lạ: cha của bà là Vương Thức, người trang Bát Đồn (ở Thái Thụy, Thái Bình) làm Thái thú quận Lâm Ấp ở Nam thổ. Có thể thấy Lâm Ấp đây chính là chỉ quận Nhật Nam thời Tây Hán. Vị trí quận này khi đó bao gồm vùng tỉnh Thái Bình.

Bài vị Thái thú Vương Thức ở đền thờ bà Chiêu Quân tại thôn Diêm Tỉnh, Thụy Dũng, Thái Thụy, Thái Bình.

Từ thông tin này có thể đi đến nhận định rằng Nhật Nam là phần phía Đông vịnh Bắc Bộ, có thể cả phần Bắc Trung Bộ Việt. Còn quận Giao Chỉ như thế sẽ là phần Tây Bắc. Sự phân chia này còn thấy sau đó khi Sĩ Nhiếp cai quản vùng phía Đông Nam, Mạnh Hoạch chiếm giữ vùng Tây Bắc. Ranh giới Đông Tây lúc này theo truyền thuyết là bãi Quân Thần ở Thượng Cát – Từ Liêm. Nói cách khác quận Giao Chỉ thời nhà Triệu tới thời Tây Hán đã được tách thành 2 phần Tây Bắc và Đông Nam, là Giao Chỉ và Nhật Nam. Lý do sự chia tách này là bởi vùng phía Tây là địa bàn của hậu quân nhà Triệu Nam Việt chống lại nhà Tây Hán, được biết trong sử Việt với tên gọi Tây Vu Vương, hoặc sau đó là khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở Phong Châu phía Tây.

Việc xác định quận Giao Chỉ và Nhật Nam vào thời Tây Hán là 2 vùng Tây Bắc và Đông Nam nước ta là một nhận định mới, liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử trong thời gian tiếp theo. Ví dụ như sự kiện Khu Liên, con một công tào địa phương đã nổi dậy ở Lâm Ấp. Rõ ràng Lâm Ấp lúc này gồm cả miền Bắc Việt, chứ không không chỉ là ở miền Trung.

Tiếp nữa là việc Sĩ Nhiếp có bố là Sĩ Tứ, vốn là Thái thú quận Nhật Nam thời Hán Hoàn Đế. Với việc xác định Nhật Nam là vùng phía Đông Nam miền Bắc nước ta thì việc Sĩ Nhiếp nối tiếp vị trí Thái thú Nhật Nam của cha là rất hợp lý. Nếu quận Nhật Nam lúc này mà ở tận Nam Trung Bộ thì làm sao Sĩ Nhiếp lại trở thành Thái thú ở miền Bắc?

Rồi còn những chuyện như thời Lý Nam Đế giặc Lâm Ấp vào xâm chiếm. Tả tướng Triệu Quang Phục được cử đi dẹp Lâm Ấp… Rõ ràng Lâm Ấp lúc này ở ngay cạnh khu vực miền Bắc nước ta chứ không phải ở tận miền Nam Trung Bộ, muốn đánh ra Bắc còn phải qua Bình Trị Thiên rồi Thanh Nghệ.

Vị trí các quận phía Nam thời Tây Hán.
Chữ trắng là địa danh ngày nay. Chữ vàng là tên các quận thời Tây Hán. Chữ xanh nước biển là tên nước.

Những cuộc chiến tranh và di cư thời Hùng Vương qua các di tích đền miếu ở vùng đất tổ Phong Châu và đồng bằng Nam sông Hồng

Mở đầu

Thời đại Hùng Vương trên mảnh đất Việt ngày nay kéo dài khoảng 3.000 năm trải qua 18 triều đại vua Hùng với các nấc thang phát triển chế độ xã hội ngày càng tiến bộ từ thấp lên cao. Không phải triều đại Hùng Vương nào cũng bắt đầu bởi chiến tranh giành giật quyền thống lĩnh thiên hạ họ Hùng, nhưng phần lớn những bước tiến trên nấc thang lịch sử Việt thời dựng nước đều là kết quả của những cuộc chiến “cách cổ đỉnh tân”, phá bỏ đi triều đại cũ để xây nên nền móng cho một triều đại mới. Một triều đại mới lập nên kèm theo việc định cư người dân ở các vùng đất mới dưới một chế độ quản lý mới. Đây cũng là những mốc phát triển cương vực của nước ta trong thời đại Hùng Vương.

Những cuộc di cư, phân chia đất đai lãnh thổ được nói tới khá rõ ngay trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả. Trước tiên đó là cuộc chia tay lịch sử giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ. Khi đó Long Quân nói với Âu Cơ rằng: Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, giống loài không hợp nhau, chung sống với nhau thực cũng khó. Vì thế ta phải chia tách riêng. 50 con theo cha về biển, làm Thuỷ tinh. 50 con theo mẹ về núi, làm Sơn tinh, làm hiển rạng cho các vương tử, trấn ngự khắp các vùng núi biển, đều là với danh nghĩa thần thuộc.

Người con trưởng là Hùng Quốc Vương theo mẹ Âu Cơ lập nước Văn Lang, lên ngôi vua: Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thuỷ tinh, định làm trăm vương, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần, phân chia đầu núi góc biển, hùng cứ mỗi phương. 50 tên tộc trấn ở các đầu núi, cửa khe non ngàn, cùng gọi là quan lang, phiên thần, thổ tù phụ đạo. 50 tên tộc trấn ở các góc biển, vực suối cửa sông, cùng là các thần linh trên nước, tiện để bảo hộ dân sinh, giúp phù tông xã. Dựng hầu lập bình phong, chia nước thành 15 bộ.

Như thế, các vị sơn thần và thủy thần đều là những người con cùng bọc đồng bào đã chia ra trăm nơi đầu non góc bể trấn giữ, rồi mới hóa thần. Dấu vết của cuộc “đại phong thần” thời Hùng Vương này còn in đậm lưu truyền tới ngày nay qua các di tích thờ phụng các vị sơn thần thủy thần trải khắp từ miền trung du đất tổ Phong Châu tới vùng đồng bằng sông Hồng ven biển. Lần theo các di tích đền miếu còn lại và những sự tích lưu truyền có thể phục dựng lại lịch sử thời đại Hùng Vương với những cuộc chiến và di cư ở mỗi giai đoạn dựng nước.

GIAI ĐOẠN SƠN TRIỀU HÙNG VƯƠNG THÁNH TỔ

Câu đối ở đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh khái quát về giai đoạn “có tổ” của người Việt:
Thiên thư định phận, chính thống triệu Minh đô, Bách Việt sơn hà tri hữu tổ
Quang nhạc hiệp linh, cố cung thành tụy miếu, Tam Giang khâm đái thượng triều tôn.
Dịch:
Sách trời định chốn, chính thống dựng Minh đô, núi sông Bách Việt biết có tổ
Núi tỏa linh thiêng, cung cũ lập miếu đền, một dải Tam Giang hướng về nguồn.

Hữu Hùng Đế Minh mở vạn bang chư hầu thiên hạ

Huyền sử Việt bắt đầu bằng Truyện Họ Hồng Bàng có Đế Minh, cháu ba đời của Viêm Đế Thần Nông, sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần ở phương Nam, lấy bà Vụ Tiên mà sinh ra Lộc Tục… Còn Đại Việt sử ký toàn thư mở đầu bằng câu “Thủa Hoàng Đế mở muôn nước”, nói tới cuộc chiến giữa Hoàng Đế Hữu Hùng Hiên Viên với Xi Vưu của bộ tộc Cửu Lê. Sau chiến thắng này Hoàng Đế lên nắm quyền thống trị vạn bang gồm tộc người thuộc các dòng phương Nam xưa (của bà Vụ Tiên), phương Bắc xưa (của Viêm Đế), phương Tây (của Xi Vưu). Hiên Viên trở thành Minh chủ của thiên hạ muôn nước, được huyền sử Việt chép là Đế Minh.

Ba vị quốc tổ Hùng Vương được thờ ở đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và khắp các nơi trên vùng đất tổ Phong Châu (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn Tây) là:

  • Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng Thị thập bát thế Thánh Vương;
  • Viễn Sơn Thánh Vương;
  • Ất Sơn Thánh Vương.

3 vị Sơn Thánh là 3 vị vua Hùng đầu tiên của thời Hồng Bàng, có trước thời Lạc Long Quân nên tương ứng đó là các vị Đế Minh, Đế Nghi và Lộc Tục như kể trong Truyện họ Hồng Bàng

Cuộc chiến lập ra thiên hạ Họ Hùng đầu tiên được lưu truyền rõ nhất trong sự tích vùng núi Tây Thiên. Quốc Mẫu Tây Thiên là bà Vụ Tiên đã hội quân ở Đại Đình dưới chân núi Tam Đảo, tiến về Phong Châu giúp vua Hùng đầu tiên là Đột Ngột Cao Sơn chống giặc. Thắng trận, Tây Thiên trở thành Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu, vị Mẫu Thượng Thiên của người Việt trong tín ngưỡng Tứ phủ, và trong tục thờ Cha Trời, Mẹ Đất. Công Cha như núi Thái Sơn ở Nghĩa Lĩnh – Phong Châu. Nghĩa Mẹ như suối nguồn từ đỉnh Phù Nghi (Nghĩa) của Tam Đảo chảy mãi không ngừng.

Tam vị Thánh Tổ họ Hùng được thờ rộng khắp trên miền đất tổ Phong Châu mà trung tâm là núi Hùng Nghĩa Lĩnh ở Việt Trì, mở ra miền ngược ở Thanh Ba, Hạ Hòa, Yên Bái, hay sang phía Đông qua sông Lô tới Vĩnh Phúc và Tuyên Quang.

Xuôi sông Hồng, di tích thờ Hùng Vương Thánh Tổ ở đồng bằng phía Nam không nhiều, nhưng có thể kể đến: đình Đống Long ở xã Hòa Lâm, Ứng Hòa, Hà Nội thờ Đột Ngột Cao Sơn; đền Khả Phong ở Kim Bảng, Hà Nam thờ vua Hùng Cao Sơn, các đền ở xã Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình thờ vọng quốc tổ Hùng Vương. Ở nội thành Hà Nội từng có đền thờ vua Hùng, nay là đền Dâu (Thuận Mỹ) tại phố Hàng Quạt. Ngoài ra đáng kể là một số các đình ở ngay giữa khu phố cổ Hà Nội như đình Kim Ngân thờ Hiên Viên Hoàng Đế với tư cách là tổ bách nghệ.

Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn

Tiếp theo thời kỳ Sơn triều mở nước của 3 vị Thánh tổ Hùng Vương là thời kỳ của Kinh Dương Vương đi tuần ở Ngũ Lĩnh, gặp và lấy mẫu Thần Long Động Đình. Chuyện này cũng là việc Tản Viên Sơn Thánh cùng vui với các loài thủy tộc ở bộ Gia Ninh và kết thân với Thủy Tinh Động Đình thủy phủ. Kinh Dương Vương và Tản Viên Sơn Thánh đều được gọi là Nam Thiên Thánh Tổ, chỉ cùng một nhân vật trong lịch sử trời Nam.

Là vị Thánh tổ của trời Nam nên số lượng nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh trải khắp miền Bắc, nhưng tập trung nhất là ở vùng Sơn Tây. Nơi đây các di tích thờ Thánh Tản dày đặc thành từng cụm, được biết dưới tên Ngũ thần cung Tản Viên, cũng là vùng Ngũ Lĩnh nơi Kinh Dương Vương đi tuần phương Nam. 

Ngũ hành cung Tản Viên hình thành một khu vực “kinh đô” của thời kỳ Kinh Dương Vương, được truyền thuyết gọi là Ngũ Lĩnh. Mỗi một “Lĩnh” hay một “thần cung” là một khu vực, trong đó lại bao gồm nhiều các “hành cung”, nay là các đền, đình, di tích thờ Tản Viên Sơn.

  • Thượng Thần cung: là cụm di tích đền Thượng, đền Hạ, đền Trung ở núi Tản Viên. Đây là nơi thờ các bậc tiên tổ Thái Bạch Kim Tinh, Ma Thị Cao Sơn, Quốc mẫu Đinh Phi.
  • Hạ Thần cung: là khu vực thấp của vùng Bể Cạn (Hạc Hải) xưa, với các di tích như đình Thụy Phiêu, Văn Khê. Đây là nơi diễn ra cuộc giao chiến Sơn Tinh với Thủy Tinh.
  • Trung Thần cung: là vùng “hạ điền” (ruộng hè) xưa, gần với ngã ba Bạch Hạc, được thần tích gọi là vùng Cổ Đằng, Tam Vật Lại. Vùng này là nơi Thánh Tản dạy dân cày cấy, đánh cá, chăn nuôi…
  • Tây Thần cung: là vùng giáp sông Đà với các di tích Ngọc Nhị, Bằng Tạ, Khê Thượng. Đây cũng là nơi có bãi Trường Sa (bãi dâu Tang Ma), chốn Sơn Tinh cứu sống con rắn thần Thủy Tinh và cũng là chuyện Kinh Dương Vương gặp Thần Long Động Đình.
  • Đông Thần cung: nổi tiếng được biết là đền Và, cùng với đền Ngự Dội ở bên kia sông Nhị. Đây là nơi yết triều của Kinh Dương Vương.
  • Nam Thần cung: là vùng Thánh Tản đi săn ở xứ Mường Mang Sơn, Quang Diệu.
  • Bắc Thần cung: vùng phía bên kia sông Hồng, với những di tích như đền Thính, đền Tranh ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc.

Từ vùng kinh đô Ngũ Lĩnh này Kinh Dương Vương – Tản Viên đã khai mở quốc gia về các hướng Đông Tây Nam Bắc, cùng với “Tứ phủ Công đồng đi tuần trong nhân gian“, thực sự đã làm nên một cuộc “Đẻ Đất Đẻ Nước” trong lịch sử nước Xích Quỷ thời đầu Kinh triều.

Ở vùng phía Nam sông Hồng, di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh có thể kể đến khu vực Ứng Hòa, Hà Tây cũ; quần thể đền Tam Thôn gồm đền Kê Thượng, đền Kê Hạ và Miễu Sơn ở xã Ninh Vân của Hoa Lư, Ninh Bình. Việc thờ Thánh Tản ở vùng Hà Nam và Nam Định thường là thờ cùng trong bộ ba Tam vị Tản Viên Sơn Thánh.

Một điểm đặc biệt của khu vực đồng bằng Nam sông Hồng là tục thờ thần Hậu Tắc, nhất là ở vùng hành cung tịch điền thời Lý Trần tại xã Minh Thuận, Vụ Bản, Nam Định. Về Hậu Tắc có câu chuyện bà Khương Nguyên sinh con ra bỏ trong rừng, được muông thú che chở nuôi nấng, chính là một cách kể khác của truyền thuyết về Kỳ Mạng Tản Viên Sơn Thánh. Hậu Tắc được nhà Lý tôn là Thiên Tổ Địa Chủ Xã Tắc Đế Quân, là vị Đế Tổ sánh ngang thời với Kinh Dương Vương mở nước.

Ngũ Lĩnh và Động Đình.

GIAI ĐOẠN KINH TRIỀU LẠC LONG QUÂN

Câu đối ở đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ, Thái Bình):
Tứ thiên niên quốc tục thượng thần, Bát Hải long phi truyền dị tích
Thập bát hiệu Hùng triều xuất thế, Đào giang hổ lược chấn linh thanh.
Dịch:
Bốn nghìn năm nước gọi thượng thần, biển Bát rồng bay truyền tích lạ
Mười tám hiệu triều Hùng xuất thế, sông Đào hổ lược dậy danh thiêng.

Cuộc tranh đoạt giữa Lạc Long Quân và Đế Lai

Sau thời Hữu Hùng Đế Minh, người Việt đã đi nốt chặng đường khởi dựng nhờ hòa hợp 4 tộc người ở 4 phương Đông Tây Nam Bắc trong chuyện Kinh Dương Vương lấy Thần Long Động Đình. Con trai của Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân nhờ sự hỗ trợ của dòng tộc bên mẹ ở Động Đình (biển Đông) đã tiến hành cuộc chiến tranh đoạt lấy ngôi thủ lĩnh (biểu hiện trong hình tượng Âu Cơ) với chính dòng Hữu Hùng phương Bắc là Đế Lai.

Truyện Họ Hồng Bàng mô tả cuộc chiến này: “Đế Lai trở về, không thấy Âu Cơ, sai quần thần đi tìm khắp thiên hạ. Long Quân có phép thần thông, biến hóa thành trăm hình vạn trạng, yêu tinh, quỷ sứ, rồng, rắn, hổ, voi… làm cho bọn đi tìm Âu Cơ đều sợ hãi không dám sục sạo, Đế Lai bèn phải trở về phương Bắc.”

Cuộc chiến cách nay 4000 năm này đã khởi đầu thời kỳ thị tộc phụ đạo và còn lưu dấu rất đậm nét trong tín ngưỡng dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lạc Long Quân là Vua Cha của Thoải phủ, đã tập hợp những người anh em trong cùng bọc trứng đánh lại quân “Thục”. Những người anh em này được tôn thờ là Ngũ vị Tôn quan, lập thành ban Công đồng của điện thờ Tứ phủ.

Nếu vùng Phong Châu là vùng đất tổ với tục thờ các vị Hùng Vương Sơn Thánh thì vùng đồng bằng Nam sông Hồng lại là khu vực đậm đặc các di tích thờ các vị thủy thần của dòng theo cha Lạc Long Quân xuống khai phá miền biển Động Đình. Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả cho biết Lạc Long Quân “hóa sinh về biển làm đế chủ Thủy Tiên Động Đình Long Quân” nên đức vua cha Bát Hải Động Đình của Thủy phủ chính là Lạc Long Quân. Đền thờ chính của Bát Hải Động Đình là đền Đồng Bằng ở Thái Thụy, Thái Bình. Gắn liền với vua cha Bát Hải là Ngũ vị Tôn quan, mà điển hình nhất là Quan Đệ Tam ở đền Lảnh Giang (Duy Tiên, Hà Nam) và Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh ở Ninh Giang, Hải Dương.

Trong Truyện Hồ Tinh thì Long Quân đã sai “lục bộ thủy phủ” dâng nước tiêu diệt con Cửu vĩ Hồ ở Thủy quốc Động Đình (tức Hồ Tây). Cửu vĩ Hồ nghĩa là tộc người Hồ ở hướng Tây vì số 9 (cửu) là con số chỉ phương Tây trong Hà thư. Dòng tộc của Đế Lai bị Lạc Long Quân đánh đuổi phải chạy về hướng Tây, nên từ đó còn được gọi là Thục (từ “thục” trong tiếng Nôm có nghĩa là “chín”, đồng âm với số 9, chỉ hướng Tây).

Câu chuyện về Thánh Tam Giang ở Ngã Ba Bạch Hạc thi tài giữa thần Thổ Lệnh và Thanh Khanh cũng chính là giữa Quan Đệ Tam và Quan Đệ Ngũ. Thổ Lệnh được thờ ở vùng Thường Tín, Phủ Lý với tên Trung Thành Phổ Tế Đại Vương, với sự tích gắn với Ngã Ba Bạch Hạc rất rõ như kể ở đền Đa Chất (Phú Xuyên).

Xuyên suốt từ Ngã Ba Hạc ra tới cửa Ba Lạt là tục thờ Linh Lang Đại Vương tuy bị chép vào nhiều thời kỳ khác nhau, từ thời Hùng chống Thục ở Vụ Bản, Nam Định, tới thời Lý, rồi thời Trần. Thực ra tất cả chỉ có 1 vị Linh Lang thời Hùng Vương đã đánh Thục thắng lợi như trong thần tích ở Duyên Trường, Vụ Bản, Nam Định. Linh Lang chính là Lạc Long Quân, người đã thắng trận chiến tranh giành quyền lực với dòng lên núi của Đế Lai. Linh Lang là vua của Thủy phủ Động Đình, lấy hồ Dâm Đàm làm kinh đô của Thủy quốc. Các di tích thờ Linh Lang chạy dọc theo sông Cái từ Hồ Tây – Thanh Trì – Lý Nhân ra đến tận Thái Bình và cửa Ba Lạt.

Thế tộc Tản Viên.

Một vị thủy thần phổ biến khác là Quý Minh, thường chép là Hữu kiên thần trong Tam vị Tản Viên Sơn Thánh với xuất xứ từ vùng bãi dâu Tang Ma bên sông Đà, có mang danh là Lãng Nhạc Quý Minh, chỉ rõ là dòng Thủy thần. Nhiều nơi Quý Minh được phong là Đông Hải Đại vương cũng chứng tỏ điều này. Ngay cái tên Trần Quý Minh như ở đền Nội Lâm tại Hoa Lư cũng mang nghĩa là vị thần trấn Đông (vì Trần là Đông A), hay thủy thần vùng ven biển Đông. Tương tự chuyện Linh Lang đánh Thục, Quý Minh chống Thục là cuộc chiến lập quốc của Lạc Long Quân chống lại dòng Đế Lai. Quý Minh có thể chính là Lạc Long Quân hoặc người em thứ 3 cùng bọc, tức là Quan Đệ Tam Thoải phủ.

Phổ biến ở Hà Nam và Nam Định thờ vị thủy thần Câu Mang Đại Vương, cũng là một trong Ngũ phương Đế của Đạo Giáo. Ngũ đế của Đạo Giáo có thần phương Đông tên là Câu Mang Tử, hiệu là Văn Thuỷ Hồng Nhai Tiên Sinh, là Đông phương Thượng đế, Đông Hải quân. Có thể thấy thần Câu Mang hay Cao Mang tương đương với Đông Hải Quý Minh.

Còn nhiều hình thức thờ các vị Thủy thần khác ở vùng đồng bằng Nam sông Hồng bởi đây là khu vực của Thủy quốc Động Đình vào thời 4000 năm trước, khi nước sông và biển đang rút dần, mở ra vùng đầm phá, nơi con người có thể sinh sống, làm nghề đánh cá, sống lênh đênh trên sông nước. Đặc điểm chung của các thủy thần thời này là có xuất thế là Rắn hoặc Rồng, từ cùng một bọc 2, 3 hay 5 trứng, nở ra các vị tướng có công chống giặc Thục hoặc giặc Hồ, hoặc có sự tích giúp dân hộ đê hoặc cầu mưa. Không ít nơi kể chuyện ông Dài ông Cụt, khi có 1 vị thủy thần anh em đó bị mất đuôi.

Sự kiện rồng Lạc “cụt đuôi” có thể giải thích chính là trong truyện về Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử như một giai đoạn ngắt quãng của Lạc triều khi cướp công chúa Tiên Dung con gái vua Hùng làm chủ một phương, rồi bay về trời. Di tích thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung ở Nam sông Hồng chủ yếu gần ven sông như khu vực bãi Tự Nhiên ở Thường Tín, đền Lảnh Giang ở Duy Tiên, Hà Nam và một số di tích lân cận, tới tận Ý Yên, Nam Định..

Những vị thủy thần ở vùng Nam sông Hồng có thể kể đến 5 anh em Quảng Xung, Quảng Bác, Quảng Xuyên, Quảng Tế, Quảng Hóa ở khu vực Duy Tiên – Cầu Giẽ – Chương Mỹ, hay Tam Lang Long Vương từ trên khu Đào Xá (Thanh Thủy, Phú Thọ) xuống Vụ Bản (Nam Định), các vị thủy thần trong đình Công Đồng ở làng Tiên Lý (Bình Lục, Hà Nam), đình Xâm Dương (Ninh Sở, Thường Tín)…

Cuộc chiến về lại đất Lạc của Thục Chúa

Dòng tộc Đế Lai di dời về phía Tây, trải qua gần ngàn năm tới thời “Hùng Vương 18” đã trở thành “Bộ chủ Ai Lao”, tức là thủ lĩnh vùng đất Âu ở Vân Nam, Quý Châu (Ba Thục) ngày nay. Thục Chúa phát động một cuộc đại chiến mà các Ngọc phả về Tản Viên Sơn ghi lại với số quân lên tới hàng chục vạn, tấn công đất nước của Hùng Vương (Lạc Vương). Đối đầu với quân Thục lúc này là Tam vị Sơn Thánh gồm Nguyễn Tuấn, Cao Sơn và Quý Minh. Cuộc chiến Hùng – Thục (Lạc – Âu) lần này diễn ra ác liệt, qua nhiều trận đánh. Cuối cùng, Thục Vương giành thắng lợi, Sơn Thánh buộc phải khuyên Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Vương. 

Thục Vương về đất Phong Châu (Phú Thọ), lập kinh đô Văn Lang, dựng lại đền miếu của Thái tổ Đế Minh, trên núi Nghĩa Lĩnh để tôn thờ. Thục Vương trở thành Âu Cơ, vị quốc tổ của dòng sơn thần theo Mẹ lên núi của người Việt.

Âu Cơ được thờ chính ở đền Hiền Lương tại Hạ Hòa, Phú Thọ, và một vài nơi khác ở miền xuôi như đền Thuận Mỹ ở Hà Nội, đình Ngọc Trục ở Đại Mỗ, Hà Tây xưa.

Cuộc chiến Âu – Lạc là nền tảng lịch sử cho việc thờ các vị Lạc tướng Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Duệ Vương chống Thục, được lập miếu đền trải khắp cả vùng đồng bằng sông Hồng cũng như vùng trung du Bắc Bộ ngày nay. Cao Sơn, Quý Minh là dòng dõi của Lạc Long Quân, theo cha xuống biển, nên ở nhiều di tích 2 vị này, nhất là Quý Minh, được thờ dưới dạng các thủy thần xuất thế.

Trong Tam vị Tản Viên Sơn Thánh thì Tả kiên thần Cao Sơn còn được gọi là Nộn Nhạc Cao Sơn, là Sơn thần nên chỉ thỉnh thoảng bắt gặp một số di tích thờ ở vùng Nam sông Hồng. Làng Trung Kính Thượng tại Hà Nội thờ Hùng Nộn Công là một hình thức của Nộn Nhạc Cao Sơn Đại vương. Một số di tích ở Ninh Bình thờ Cao Sơn là Lạc tướng Vũ Lâm cũng có thể được nhận định là ở thời kỳ này.

Các vùng di tích Tam vị Tản Viên Sơn Thánh.

Vùng Phong Châu gặp nhiều di tích thờ Cao Sơn và các vị tướng chống Thục hơn bởi vì nơi đây đã diễn ra cuộc đụng độ giữa dòng Hùng Vương và Thục Vương trong truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh. Ví dụ:

  • Ở Quế Nham (Đồng Quế, Sông Lô, Vĩnh Phúc) thờ 4 vị đại vương là danh tướng theo Sơn Thánh đánh Thục.
  • Ở Hương Lan (Trưng Vương, Việt Trì, Phú Thọ) thờ 3 vị Chàng Chấu Linh Lang đại vương, là tùy tòng hầu kiệu của Duệ Vương.
  • Ở Bảo Đà (Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ) thờ Tả hữu kiên thần Cao Sơn, Quý Minh và Cương Trực tướng quân.

Sự kiện Hùng chống Thục thời Cao Sơn Đại vương  diễn ra 1000 năm sau cuộc chiến chống Thục thời Quý Minh – Linh Lang, khi đại diện của dòng Thục của Đế Lai xưa là Âu Cơ quay trở lại, đánh bại dòng Lạc từ Lạc Long Quân Sùng Lãm (Sùng cũng nghĩa là Cao nên Cao Sơn còn có tên Nguyễn Sùng), lập nên nước Văn Lang đóng đô ở Việt Trì.

GIAI ĐOẠN THỤC TRIỀU AN DƯƠNG VƯƠNG

Câu đối ở nghi môn đình Bảo Đà (Dữu Lâu, Việt Trì):
Sổ thiên niên vương tá thủy chung, phụ tử quân thần khai chửng điểm
Thập ngũ bộ thiên phân thảo dã, sơn hà nhật nguyệt cộng trường tồn.
Dịch:
Mấy ngàn năm giúp đế trước sau, cha con vua tôi mở nơi cứu giúp
Mười lăm bộ trời chia đồng nội, núi sông ngày tháng cùng nhau mãi còn.

Cuộc chiến đánh giặc Ân dựng nước Văn Lang

Lễ hội làng Phù Đổng kể Hùng Vương thứ 6 đã hiệu triệu các chư hầu, tìm người tài giỏi, thì được thiên thần giáng thế là Phù Đổng Thiên Vương giúp đỡ, tiên phong dẫn quân chống lại giặc Ân. Dẫn đầu quân đội nhà Ân lúc này là “28 tướng cường nữ nhung” với các thủ lĩnh là Thạch Linh Thần tướng và Ma Cô Tiên (Ma Lôi), hậu phi của vua Ân. Theo Truyện Giếng Việt, Ân Hậu bị Thánh Dóng đánh bại, chết dưới chân núi Vũ Ninh tại Châu Sơn (Quế Võ, Bắc Ninh ngày nay). Ân Vương được truyền thuyết Việt gọi là vua Hùng đời cuối (Hùng Duệ Vương), chết hóa thành Vua của Địa phủ. Thắng giặc, Thánh Dóng trở về núi Vệ Linh (Sóc Sơn) lập đàn tế cáo trời đất, ghi bảng “Bách thần nguyên tự”, phong thần cho các tướng sĩ tử trận của cả 2 bên Hùng – Thục để ngàn đời hương hỏa. 

Thục Vương còn được kể dưới tên Lang Liêu trong Truyện Bánh Chưng, chỉ thủ lĩnh của người Liêu – Lão (Ai Lao Di). Nhờ có lòng hiếu kính tổ tiên, Lang Liêu đã lên nối mệnh trời, lập cột đá ở Nghĩa Lĩnh thề trung thành với họ Hùng của Đế Minh, chia cho 22 người anh em ở các nơi đầu núi góc biển làm phiên dậu bình phong, cùng nhau giữ gìn đất nước. Trước đây ở Việt Trì có di tích phủ Lang Liêu ở làng Dữu Lâu, nay được được phục dựng lại. 

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể rằng Hùng Quốc Vương, người con trưởng của Âu Cơ lên ngôi, chia nước làm 15 bộ, phân phong cho trăm anh em Bách Việt làm các phiên thần, thổ tù, quan lang, phụ đạo, đời đời được cha truyền con nối đất đai và chức vị. Hùng Quốc Vương chính là vua Lang Liêu trong truyền thuyết. Bắt đầu từ đây xã hội Việt bước vào thời kỳ phong kiến phân quyền, hay thời kỳ “Trị bình kiến phu” (trị quốc, bình thiên hạ, kiến lập chư hầu) như chép trong Ngọc phả.

Khu vực phía Nam sông Hồng tuy không phải nơi xuất phát của Phù Đổng Thiên Vương nhưng cũng là nơi xuất tích của khá nhiều vị tướng cùng thời, theo Thánh Dóng diệt giặc Ân. Có thể kể đến anh em Minh Gia, Minh Tôn ở Hiển Khánh (Vụ Bản, Nam Định), Quan lang Hoàng Đào ở Hổ Sơn (Vụ Bản, Nam Định), 3 vị đại vương ở An Lạng (Văn Lý, Lý Nhân, Hà Nam), Cốt Tung ở Liễu Trì, Hạ Lôi, Lý Tiến ở Hà Nội…

Các vị thần nước Âu Lạc 

Trong thời kỳ dựng nước Văn Lang đã xuất hiện một số nhân thần được tôn thờ ở vùng Nam sông Hồng. Trước hết đó là Nam Hải Đại vương tức An Dương Vương, như ở Cố Đê, Vụ Bản, ở Lạc Na, Hồng Quang, Nam Trực (Nam Định) hay các nơi thờ vợ, con của An Dương Vương ở Thái Bình.

Tướng quân Cao Lỗ, người giúp An Dương Vương chế tạo nỏ thần cũng được thờ ở một số nơi tại vùng Nam sông Hồng, như ở đình Từ Châu, Liên Châu, Thanh Oai.

Vị thần khác thời kỳ Âu Lạc là Đồng Cổ Sơn thần được thờ rải rác từ Hà Nội (Nguyên Xá, Đông Xã), Nam Định (Vụ Bản) đến Thanh Hóa với sự tích về trống đồng trấn áp giặc Chiêm Hồ và hiển linh giúp vua Lý trong sự kiện Tam Vương.

Một vị nhân thần kỳ lạ đáng kể ở thời kỳ Thục An Dương Vương là Thái Thượng Lão Quân, tức Lão Tử Lý Nhĩ Đam mà sự tích ghi quê ở Thúc Lực, Kim Chân tại Hà Nam (Kim Bảng). Thái Thượng Lão Quân được thờ ở đình Phù Vân tại Phủ Lý, chùa Bà Đanh thuộc Kim Bảng, Hà Nam, hay ở động Thiên Tôn Hoa Lư, với sự tích là đã giúp An Dương Vương trừ yêu diệt quỷ xây thành Cổ Loa hoặc chống “giặc” Xích Tị bằng phép thư phù (chữa bệnh dịch).

GIAI ĐOẠN THỐNG NHẤT THIÊN HẠ

Câu đối ở đình Xuân Quang tại Văn Giang, Hưng Yên:
Nhất chỉ dĩ vô Tần, vạn lý khai tiên Mân Lạc tuyệt
Lưỡng lập hà nan Hán, ức niên xương thủy đế vương cơ.
Dịch:
Một lệnh dẹp không Tần, vạn dặm mở đầu dứt Mân Lạc
Hai ngôi sánh cùng Hán, nghìn năm gây nền vững đế vương.

Cuộc chiến thống nhất thiên hạ của Triệu Trọng Thủy

Truyện Rùa Vàng kể, cuối thời nhà Thục, nước Triệu nhăm nhe thôn tính nước Âu Lạc. Hoàng thế tôn của Triệu là Trọng Thủy được cử sang kết giao làm con tin (con rể) tại Đông Ngàn Cổ Loa của An Dương Vương. Rồi cuộc chiến giữa Triệu và Thục nổ ra. An Dương Vương thất thế, phải cầm sừng văn tê bảy tấc mà đi ra biển, chấm dứt thời kỳ tồn tại hơn 800 năm của nước Văn Lang – Âu Lạc. Từ đó bắt đầu một thời kỳ toàn trị thống nhất thiên hạ của nhà Triệu.

Sử ký Tư Mã Thiên chép đây là sự kiện Tần Chiêu Tương Vương đánh bại Chu Noãn Vương năm 257 TCN, khởi đầu triều Tần hùng mạnh. Tới Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, bãi bỏ chế độ phân phong chư hầu mà xưng Đế, lập quốc gia thống nhất, quản lý bằng chế độ quận huyện. Nhà Tần mang họ Triệu từ tổ tiên là Tạo Phụ đánh xe cho Chu Mục Vương được phong ở Triệu thành. Vì thế, truyền thuyết Việt kể thành Triệu Đà diệt nước của An Dương Vương mà lập quốc.

Vùng Phú Thọ có cụm di tích thờ  hai vị tướng là Hồ Thiên HươngĐinh Công Tuấn chống lại họ Triệu ở bên sông Thao.

Ở vùng phía Nam sông Hồng không có di tích thờ Trọng Thủy hoặc Mỵ Châu như vùng Cổ Loa. Tuy nhiên, có một số di tích ở vùng Hà Nam, Nam Định thờ các vị tướng của nhà Thục chống lại cuộc xâm lăng của nhà Triệu như ở đền Vĩ ở Cao Viên, Thanh Oai thờ tướng Vũ Chiêu Tâm. Ở Vụ Bản, Nam Định có các tướng của Thục là Cao ĐệTrì Chân chống lại giặc Triệu.

Về sự hiện hữu của nhà Tần trên đất Việt còn có di tích thờ Đức thánh Chèm là Lý Ông Trọng ở Ninh Sơn, Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, là nơi Lý Ông Trọng đã tử tiết.

Khởi nghĩa kháng Tần của Triệu Vũ Đế

Đế quốc Tần tồn tại không được lâu. Sau khi Tần Thủy Hoàng mất, các chư hầu khắp nơi lại nổi lên, như muốn quay lại thời kỳ phân phong xưa. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, lúc này một đình trưởng huyện Bái là Lưu Bang nhờ gặp được thời thế, dẫn quân chiếm Quan Trung của nhà Tần, rồi phân tranh thiên hạ với quân Sở của Hạng Vũ. Kết quả là Hán Vương chiến thắng, thống nhất thiên hạ, khởi đầu nhà Hán Hiếu (Hảo hán).

Lịch sử Việt gọi Hiếu Cao Tổ là Triệu Vũ Đế (Triệu Đà), năm 206 TCN đã khởi nghĩa kháng Tần từ vùng đất Long Xuyên, chiếm các quận ở Lĩnh Nam, lập quốc Nam Việt mà xưng Đế. Sau khi Cao Hậu mất, thiên hạ Trung Hoa lại chia thành 2 nước. Nhà Hiếu (Tây Hán) chiếm giữ vùng phương Bắc. Nhà Triệu ở Nam Việt với thừa tướng là Lữ Gia. Cuộc đối kháng 2 miền Bắc – Nam tiếp tục diễn ra.

Cụm di tích thờ Triệu Vũ Đế ở Gia Viễn, Ninh Bình tại các đình Trùng Thượng, Trùng Hạ, Thần Thiệu. Một số di tích thờ Triệu Việt Vương ở Nam Định cũng có thể là thờ Triệu Vũ Đế. Đền Nhự Nương thời Hoàng hậu Trình Thị, vợ của Triệu Vũ Đế tại Nam Trực, Nam Định.

Đặc biệt là cụm di tích ở Mạo Phổ, Lương Lỗ, Thanh Ba và thị xã Lâm Thao, Phú Thọ thờ Triệu Ông Út hay Út Ngọ Lôi Mao, là Việt Tây Vương sau thời Tần. Đây chính là vua Văn Vương nhà Triệu của nước Nam Việt có kinh đô ở Phiên Ngung.

Thay cho lời kết

Các di tích tín ngưỡng dân gian ở nước ta thực sự là kho tư liệu phong phú, đa dạng, độc đáo, đặc sắc, không gì thay thế được đối với những nghiên cứu tìm về lịch sử nguồn cội của dân tộc, từ thời kỳ xa xưa nhất khi xã hội và con người Việt mới hình thành, từng bước từng bước dựng nên non sông vững bền bởi những công sức của các bậc tiền nhân mà đã hóa thành những vị thần trong lòng dân tộc. Đó là cuốn đại sử thi được viết nên từ những di sản vật thể và phi vật thể trong dân gian qua suốt chiều dài lịch sử.

Tìm hiểu, so sánh đối chiếu, tổng hợp khái quát vào kho tàng sử liệu dân gian cho phép phát hiện, nhận diện ra từ những chi tiết lịch sử đến cả tiến trình phát triển xã hội trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử thật sự của dân tộc bị khuất lấp trong lớp bụi mờ của thời gian nhưng không mất đi, mà lịch sử đó vẫn đang sống cùng với nhân dân trong từng di tích, từng sự tích, từng lễ hội ở mỗi làng quê miền xuôi cũng như miền ngược. Bảo tồn di tích, nhìn nhận lại quá khứ là sự thôi thúc đối với mỗi người dân đất Việt, để hướng đến tương lai một cách tự tin hơn, vững chắc hơn.

Trên cơ sở phân tích các thần tích, ngọc phả và đối chiếu các di tích thờ cúng các vị thần ở nước ta, thời đại Hùng Vương có thể được diễn đạt qua 4 giai đoạn như trong sơ đồ sau.

Bốn giai đoạn của thời đại Hùng Vương.

Tài liệu tham khảo

Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả sưu khảo. Nguyễn Đức Tố Lưu, Nguyễn Đức Tố Huân, Thích Tâm Hiệp. NXB Lao động, 2022.

Kinh triều bảo lục Nam Thiên Thánh Tổ Tản Viên Sơn. Nguyễn Đức Tố Lưu, Nguyễn Đức Tố Huân, NXB Lao động, 2022.

Lĩnh Nam chích quái. Trần Thế Pháp; Vũ Quỳnh, Kiều Phú nhuận chính. Bản in của NXB Văn học, 1990.

Sự tích các vị thần linh thờ ở đền làng huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Bùi Văn Tam. NXB Khoa học xã hội, 2015.

Di sản văn hóa đình đền Mạo Phổ. Thích Tâm Hiệp, Nguyễn Đức Tố Lưu, Nguyễn Đức Tố Huân. NXB Lao động, 2022.

Sự tích các thành hoàng làng Thăng Long – Hà Nội. Đỗ Thị Hảo (chủ biên). NXB Chính trị quốc gia, 2020.

Hà Nội di tích và văn vật. Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội. Sở văn hóa và thông tin Hà Nội, 1994.

Thần tích thần sắc Hà Nam. Lại Văn Toàn, Trần Thị Băng Thanh (chủ biên). NXB Khoa học xã hội, 2004.

Thần tích Hà Nội. Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội. Nguyễn Thị Oanh. NXB Hà Nội, 2019.

Sử ký Tư Mã Thiên. Phan Ngọc dịch. NXB Văn học, 2006.

Kinh đô Ngũ Lĩnh thời Kinh Dương Vương mở nước

https://congdankhuyenhoc.vn/kinh-do-ngu-linh-thoi-kinh-duong-vuong-mo-nuoc-17922080212363715.htm

Kinh đô Ngũ Lĩnh của Kinh Dương Vương, người khởi đầu nước Xích Quỷ của người Việt là ở đâu?

Truyện Họ Hồng Bàng chép: Đế Minh cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục… Đế Minh phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước.

Kinh đô Ngũ Lĩnh của Kinh Dương Vương, người khởi đầu nước Xích Quỷ của người Việt là ở đâu?

Đình Tây Đằng.

Các di tích hành cung của Tản Viên Sơn Thánh còn truyền lại cho tới ngày nay cho thấy, kinh đô Ngũ Lĩnh thời Kinh Dương Vương là vùng đất Sơn Tây – Ba Vì, bởi Kinh Dương Vương chính là Tản Viên Sơn Thánh. Truyện núi Tản Viên chép: “Tương truyền rằng đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui ở với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh, huyện Phong Châu”. Đây là chuyện Kinh Dương Vương ở Phong Châu (Gia Ninh) lấy Thần Long Động Đình (loài thủy tộc).

Các hành cung Tản Viên được mô tả trong cuốn Tản Lĩnh ngọc ký (Ngọc phả núi Tản) như sau: “Thượng thần cung tọa Càn hướng Khôn là chính điện; Trung, Hạ thần cung là nơi cầu đảo; Đông thần cung là nơi yết kiến; Nam thần cung, Bắc thần cung là nơi trú ngự. Từ đó [Sơn Thánh] tuân mệnh Thượng Đế thường cùng với Tứ phủ Công đồng ở hải đảo mà đi tuần xem vạn sự trong nhân gian”.

Ngũ hành cung Tản Viên hình thành một khu vực “kinh đô” của thời kỳ Kinh Dương Vương, được truyền thuyết Việt gọi là Ngũ Lĩnh. Mỗi một “Lĩnh” hay một “Thần cung” là một khu vực, trong đó lại bao gồm nhiều các “hành cung”, nay là các đền, đình, di tích thờ Tản Viên Sơn. Hệ thống hành cung Thánh Tản lấy tên theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc cùng Trung tâm và trục Thượng – Hạ. Quan niệm theo phương hướng và không gian là hệ thống từ rất xa xưa nằm trong thế giới quan cổ đại. Đó chính là Lạc đồ (đồ hình mặt đất) được truyền từ vị Thái Bạch Kim Tinh qua hình tượng cây gậy thần cho Thánh Tản.

Dựa trên các di tích thờ Thánh Tản và sự tích còn truyền lại ở từng nơi, có thể xác định các Thần cung Tản Viên hay vùng Ngũ Lĩnh của Kinh Dương Vương như sau.

Thượng Thần Cung

Mặt sông Đà phía Tây Bắc núi Ba Vì đi lên đỉnh rất dốc và từ đền Thượng Ba Vì xuống đền Trung cũng không có lối đi. Hệ thống đền Thượng, Trung, Hạ Ba Vì nằm ở mạn núi này có thể coi là trong cùng một trục đứng chung, nên gọi là Thượng Thần cung. Các cung này ngoài thờ Tản Viên Sơn Thánh còn là nơi thờ các bậc “tiền bối” của Thánh Tản là Thái Bạch Kim Tinh (thầy của thánh Tản), Ma Thị Cao Sơn (mẹ nuôi Thánh Tản), Quốc mẫu Đinh Phi (mẹ đẻ Thánh Tản).

Hạ Thần Cung

Khu vực đất trũng thấp từ ven sông Hồng vào đến núi Ba Vì gồm một vòng cung các đầm hồ như đầm Long Bằng Tạ, hồ Suối Hai, đầm Đượng, hồ Xuân Khanh, hồ Đồng Mô. Bởi thế xưa kia vùng này được gọi là Bể Cạn. Nơi đây vẫn lưu truyền “Sự tích đầm Đượng và mười sáu đường nước chảy”, khi đạo quân của Thủy Tinh đánh vào mạn Đông núi Ba Vì, Sơn Tinh hướng dẫn mọi người đắp núi ngăn nước, đan phên dậu, làm lưới, thả cây cối chặn đường nước. Hai bên đánh nhau rất ác liệt ở vùng đầm Đượng. Quân của Thủy Tinh thua to tan vỡ, chạy toán loạn thành mười sáu ngả. Ngày nay giữa đầm Đượng còn ngôi miếu cổ thuộc xã Thụy Phiêu, gọi là đền Hạc Hải hay miếu Đầm, ghi lại chiến tích trị thủy này của Sơn Thánh.

Không xa bờ đầm Đượng là đình Thụy Phiêu, xã Thụy An, huyện Ba Vì, một trong những ngôi đình thuộc loại cổ kính nhất ở nước ta, nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc từ thời Mạc. Tên gọi Bể Cạn của đầm Đượng chỉ ra nơi đây là nơi thấp nhất trong khu vực, tức là vùng Hạ Thần cung Tản Viên. 

Trung Thần Cung

Vùng “hạ điền” (ruộng mùa hè) xưa, gần với ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì), được các thần tích về Tản Viên Sơn Thánh gọi là vùng Cổ Đằng, Tam Vật Lại. Đền Vật Lại tọa lạc tại một quả đồi hình đầu rồng hướng về sông Tích. Tục truyền Thánh Tản thường qua lại nơi này để dạy dân săn bắn và đánh cá. Trong đền có chuông lớn ghi “Trung Cung Chấn Trung” đúc thời vua Bảo Đại. 

Không xa đền Vật Lại về phía Nam là đình Tây Đằng nổi tiếng. Đình Tây Đằng là ngôi đình cổ kính bậc nhất xứ Đoài, cũng như đặc biệt nổi tiếng về giá trị nghệ thuật điêu khắc kiến trúc đình làng với các mảng chạm khắc phong phú thời Hậu Lê, có họa tiết bay bổng và thần bí như tượng quần tiên tấu nhạc, tiên ôm rắn, cưỡi rồng, đùa hổ… 

Nằm phía Bắc của khu vực này là đền Lác và đình Đồng Bảng, một cụm di tích cổ kính thuộc xã Đồng Thái, huyện Ba Vì. Đền Lác uy nghi nằm trên gò đồi nhỏ, có kiếu trúc thời Lê Trung Hưng với đầy đủ sân đình, giếng nước, tiền tế, trung cung và hậu cung. Đặc biệt theo bia tạo lệ lập thời Hậu Lê tại đình thì đây là Bắc Thần cung Tản Viên. Sự tích đền kể rằng mẹ con Thánh Tản dừng nghỉ ở nơi đây trên phiến đá nay còn lưu trong đền. 

Nhìn tổng quan cụm di tích Vật Lại, Tây Đằng là cụm gần ven bờ ngã ba sông Bạch Hạc (vùng Động Đình) thủa xưa nhất. Các di tích khu vực này chỉ ra có một cụm các “tiểu hành cung” mà trong đó có khá đủ các cung Đông, Tây, Nam, Bắc xung quanh. Như vậy trong Thần cung lại có cung (điện), là một cách lý giải tại sao nhiều cung của Thánh Tản có tên hướng trùng lặp. 

Tây Thần Cung

Tây Thần cung Tản Viên là vùng giáp sông Đà với các di tích Ngọc Nhị, Bằng Tạ, Khê Thượng (huyện Ba Vì). Đình Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì là ngôi đình của dân trưởng tạo lệ cho đền Thượng Ba Vì. Làng Ngọc Nhị được coi là anh cả trong việc lo nghi lễ thờ cúng, chăm sóc đền Thượng và đền Trung trên núi Ba Vì. Nơi đây còn lưu giữ được bản sách thần tích cổ về Tản Viên Sơn Thánh có tên Di tích thờ Tản Viên. 

Trong sách này có ghi: Đại mẫu của Vương [Sơn Thánh] thường du ở bãi Trường Sa, gặp Lạc Long Quân đi đến đó (tới xã Bạn Sơn tạo đền một dãy để phụng thờ, gọi là đền Trung cung, lấy xã Sơn Bạn làm tạo lệ phụng thờ hương hỏa). Sơn Bạn nay là vùng xã Sơn Đà là nơi có đình Khê Thượng và đình Đan Thê. Đối diện bên kia sông Đà là bãi Trường Sa, nay là khu Đảo Ngọc Xanh. Tây Thần cung do đó có vai trò tạo lệ cho cụm đền Thượng, đền Trung và gắn kết với bãi Trường Sa, nơi quê mẹ Thánh mẫu Động Đình tại làng La Phù (Thanh Thủy) và vùng đất Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ.

Đông Thần Cung

Sách Di tích thờ Tản Viên có ghi: “Vương thường đi vãng du đến sông Tiểu Hoành xem đánh cá tới xã An Vệ huyện Ma Nghĩa thấy một khu Thanh Lan Bảo Sơn, có hình rồng chầu về tổ, mới lập làm cung xá để ở, lấy xã An Vệ làm tạo lệ phụng sự hương hỏa”. Thôn Vân Gia, xã An Vệ và Bảo Vệ huyện Tùng Thiện xưa nay thuộc thị xã Sơn Tây là nơi có đền Và hiện nay. Đền Và là nơi Thánh Tản cho dựng để làm Yết Cung, là nơi các quần thần yết kiến Thánh Tản, đóng vai trò nơi thiết triều cai quản việc nước của Thánh Tản Viên. 

Lễ hội đền Và tiến hành xuân thu nhị kỳ. Trong hội xuân vào dịp rằm tháng Giêng sau lễ rước đi từ đền Và qua phần thị xã Sơn Tây ra bờ sông Hồng. Sau đó là lễ rước kiệu qua sông sang đền Ngự Dội, thuộc thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Sau khi làm lễ Mộc dục và tế lễ, đám rước lại trở về đền Và. Hội thu đền Và vào rằm tháng Chín gọi là hội Đả Ngư, tức nghĩa là đánh cá. Tục rước kiệu qua sông sang đền Ngự Dội và đánh cá thờ ở đền Và cho thấy tính hướng Đông ra phía biển của Đông Thần cung. 

Nam Thần Cung

Tản Lĩnh ngọc ký chép: “[Sơn Thánh] Lại thường đi săn tới xã An Diệu huyện Mỹ Lương, tạo cung Mang Sơn, lưu ruộng thờ để cho việc thờ cúng, định việc hàng năm tiết Xuân, tiết Đông nhân dân các xã theo như lệ đánh cá cùng nhau thờ phụng”. 

Hiện nay đền Mang Sơn tọa lạc trên một đồi thấp thuộc Sơn Đông, thị xã Sơn Tây. Theo truyền tích nơi đây, Sơn Tinh đã chỉ bảo phường săn ở rừng Măng (Mường) cách chăng lưới và làm bẫy để săn thú, bắt chim. Đây là ngôi đền nơi tổ chức chung lễ hội đầu năm của năm xã trong tổng Tường Phiêu xưa, gồm Sơn Đông, Sơn Trung, Tường Phiêu, Trạch Lôi, Thuần Mỹ, diễn ra từ mồng 6 đến 12 tháng Giêng. 

Cung Mang Sơn nằm ở phía Nam cũng là cửa ngõ ra theo sông Tích, sông Bùi, sông Đáy ra phía Nam và Tây Nam. Các di tích hiện nay ở khu vực Mang Sơn như đình Thiên Mã, đình Triều Đông, đình Ngõ Bắc thuộc xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây. Khu vực này là chặng đầu mối bao gồm cả đường thủy theo sông Tích và đường bộ ra toàn bộ phía Nam và Tây Nam núi Ba Vì, đúng với nghĩa Nam Thần cung.

Bắc Thần Cung

Trong Di tích thờ Tản Viên có ghi: “Sau Đại vương… ngược sông Cái mà qua đất Long Biên, tiếp tới bến Chấn, muốn ở lại đó nhưng rồi lại ngược sông Lô lên thượng nguồn, qua huyện Phúc Lộc, tới bến Bạn Phiên, nhìn về núi xanh Tam Đảo, đất quý hội loan là đô thành cũ của Hùng Vương.”

Nơi Thánh Tản “tới bến Chấn, muốn ở lại đó” là khu Bắc Hồng, có đền Thính và đền Tranh nay thuộc xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là những ngôi đền có quy mô, cổ kính thờ Thánh Tản Viên Sơn trên đất Vĩnh Phúc. Các đền này là Bắc Thần cung Tản Viên. “Chấn” là hướng Đông, tức là thẳng xuất từ Đông Cung đền Và sang bên kia sông Cái, xưa hẳn còn rộng như biển tới tận khu đền Thính nay. Từ Yên Lạc, Bắc cung đền Thính xưa dòng sông Cà Lồ nối sông Cầu vẫn là thủy mạch chính sang phía Đông ra Lục Đầu giang và ra biển.

Từ vùng kinh đô Ngũ Lĩnh ở Ba Vì Sơn Tây, Kinh Dương Vương – Tản Viên Sơn Thánh đã khai mở về các hướng Đông Tây Nam Bắc, cùng với “Tứ phủ công đồng đi tuần trong nhân gian”, thực sự đã làm nên một cuộc “Đẻ Đất Đẻ Nước” trong lịch sử nước Xích Quỷ thời đầu Kinh triều Hùng Vương.

Bắc Cung Thượng đền Tranh ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Rồng tiên trên cửa cung thờ ở đình Văn Khê, TX Sơn Tây.
Chạm khắc đầu hồi đình Tây Đằng.
Nghi môn đền Hạ Ba Vì.
Cổng ngoài Bắc Cung đền Thính ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Nghi môn đền Trung Ba Vì.
Đình Tường Phiêu ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ.
Lưỡng long chầu Nhật nguyệt ở đình Đồng Bảng, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì.
Đình Ngọc Nhị ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì.
Nghi môn đình Phú Hữu ở xã Phú Sơn, huyện Ba Vì.
Rồng phượng đình Văn Khê, TX Sơn Tây.
Rồng đình Văn Khê, TX Sơn Tây.
Quần tiên ở đình Tây Đằng, huyện Ba Vì.

Chim Âu và Rồng Lạc – xướng danh dòng giống Tiên Rồng

Người Việt ai cũng tự hào về truyền thuyết khởi nguồn Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm người con, là tổ của Bách Việt. Nhưng ít ai biết rằng biểu tượng Tiên Rồng lại hiện hữu ngay trên những hiện vật của thời Hùng Vương như trống và các vũ khí đồng cùng thời.

Hình ảnh những con chim lớn mỏ dài, đuôi rộng, giang cánh tung bay trên mặt các trống đồng không xa lạ gì với người Việt ngày nay. Loài chim này được Giáo sư Đào Duy Anh gọi là “chim Lạc” khi so sánh chúng với các loài “hậu điểu” ở vùng Giang Nam di cư cùng với những chiếc thuyền có các chiến binh đội lông chim như thể hiện trên tang trống đồng. 

Nhận xét của Giáo sư Đào Duy Anh khá xác đáng rằng hình chim trên trống đồng là loài chim di cư và được người Việt cổ coi là vật tổ. Tuy nhiên, việc gọi loài chim này là Lạc thì cần xét thêm, vì người Việt không biết loài chim nào tên là Lạc. 

Vật tổ của mình mà đến tên còn không lưu lại được thì sao gọi là vật tổ?

Trong khi đó, hình ảnh loài chim vật tổ của người Việt gắn liền với Tiên nữ Âu Cơ. Loài chim biểu tượng cho dòng Tiên là Phượng hoàng, khi gắn với tên bà Âu Cơ thì phải gọi là chim Âu mới hợp lý. Nguyên mẫu của loài chim di cư này có thể là loài chim Hạc lớn như Hồng hạc, tới nay vẫn còn bay về vùng Đồng Tháp Mười vào mùa đông mỗi năm. 

Nhận định khác cho rằng đó là loài chim Hồng hoàng hay Phượng hoàng đất. Dù là Hạc hay là Phượng thì ý nghĩa biểu tượng cho dòng Tiên lên núi theo Mẹ vẫn là nội hàm của hình ảnh này.

Một dẫn chứng khác về hình tượng chim Âu là ở đền Thượng khu di tích Cổ Loa. Đền Thượng thờ Thục An Dương Vương, nhưng nghi môn của đền không đắp rồng chầu mặt trời như những nơi khác, mà lại đắp hình Phượng chầu mặt trời. 

Đền Cổ Loa còn có tên là “Tiên từ đệ nhất”, có thể hiểu nghĩa là ngôi đền hàng đầu thờ dòng Tiên. An Dương Vương đã lấy đất Lạc của Hùng Vương để lập ra nước Âu Lạc nên An Dương Vương phải là dòng Âu hay dòng Tiên lên núi xuất phát từ mẹ Âu Cơ.

Còn tên gọi Lạc chính xác hơn phải là để chỉ vật tổ biểu tượng cho dòng theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Sách Giao Châu ngoại vực ký viết: “Xưa khi Giao Chỉ chưa có quận huyện, đất có ruộng lạc, ruộng ấy theo triều thuỷ lên xuống, dân khẩn thực ruộng ấy, nên gọi là Lạc dân. Lập ra Lạc vương, Lạc hầu, coi giữ các quận huyện. Nhiều huyện có Lạc tướng, Lạc tướng có ấn đồng và dây thao xanh”.

Rõ ràng từ Lạc gắn liền với ruộng lúa nước có “thủy triều lên xuống”, tức là vùng đồng bằng ven sông biển, bãi bồi bán ngập nước. Lạc thực ra là đọc khác của Nác, mà nay tiếng vùng Nghệ Tĩnh vẫn phát âm có nghĩa là Nước. Lạc Long Quân dẫn 50 người con trai xuống khai phá miền ven biển nên những người này được gọi là Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng. Biểu tượng của Lạc Long Quân là cha Rồng, nên gọi là Rồng Lạc, hay Lạc Long.

Rồng vốn có nguyên mẫu là Thuồng luồng, hay một loài Cá sấu lớn, sống bán cư ở vùng sông nước ven bờ. Loài vật này còn được gọi là Giao long trong truyền thuyết vì vào thời sơ sử trước Công nguyên, đồng bằng sông Hồng là một bãi bồi lớn, là nơi rất thuận lợi cho các loài bò sát lưỡng cư sinh sống. Truyện Chim bạch trĩ trong Lĩnh Nam chích quái kể rằng, sứ giả nước Việt Thường đối đáp với Chu Công rằng người Việt “vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao long không dám phạm đến”.

Người Việt lấy Giao long hay Rồng Lạc làm vật tổ bởi liên quan đến tục xăm mình cho những người sống ở vùng ven sông, làm nghề đánh cá, chài lưới, thường xuyên tiếp xúc với Thuồng luồng cá sấu. Chữ Lạc trong Lạc Long Quân có bộ Trãi, chỉ một loài bò sát, càng chứng tỏ thêm điều này.

Hình ảnh những con giao long vật tổ có thể thấy ở ngay trên các đồ đồng thời kỳ văn hóa Đông Sơn (quãng thế kỷ IV Trước Công Nguyên đến thế kỷ I). Trống đồng Nam Cường 1 là một trống dạng Đông Sơn, được phát hiện ở Thành phố Lào Cai. Trên mặt trống ở vòng ngoài có hình 14 con chim bay ngược chiều kim đồng hồ. Ở vòng trong là hình 4 con “thú lạ” chầu quay quanh mặt trời 14 cánh ở tâm mặt trống. Những con “thú lạ” có mõm dài như mỏ chim, đầu có sừng hoặc mào, 4 chân nâng thân thú ngắn. Đặc biệt là chiếc đuôi dài và rộng. 

Đuôi loài thú này có thể cuộn lại như trường hợp thể hiện trên mặt trống đồng Phú Xuyên, cho thấy đây không phải là loài cáo, mà là một loài bò sát có khả năng cuộn mình.

Con “thú lạ” đó thực ra không hề lạ, mà là cách thể hiện con Giao long hay Rồng của người Việt ở thời kỳ trống đồng. Hình Giao long tương tự được thấy trên nhiều vũ khí khác cùng thời như mũi giáo, lưỡi rìu, vỏ kiếm. Thường gặp hình một đôi Giao long thân dài, đối xứng chạm chân vào nhau, đuôi có thể cuộn lại, hoặc duỗi thẳng ra. Hình giao long hay rồng trên các vũ khí là linh hồn biểu trưng cho sức mạnh, sự cường tráng của chúng.

Biểu tượng cặp Giao long trên vũ khí thời Đông Sơn đã từng được Viện khảo cổ học Việt Nam lấy làm logo. Loài thú trên trống đồng và vũ khí đồng Đông Sơn như thế chính là biểu tượng của Rồng. Toàn cảnh mặt trống đồng Nam Cường 1 nhìn lại là hình Rồng chầu Phượng múa dưới ánh mặt trời rực rỡ.

Người viết bài này còn được xem trên vỏ một thanh kiếm thời kỳ Chiến Quốc (tương đương với thời văn hóa Đông Sơn) đúc nổi và mạ bạc hình Rồng và Phượng. Đặc biệt là hình Rồng được thể hiện trong phong cách Đông Sơn với thân kéo dài, đuôi xoắn và xếp thành cặp đối xứng. Đôi phượng được thể hiện với phong cách tương tự, đầu phượng có mỏ nhọn có mào, thân kéo dài, cánh ngắn, đuôi dài. Sự kết hợp Rồng – Phượng như vậy gặp một cách ổn định trên các hiện vật của thời kỳ này.

Rồng – Phượng hay chim Âu – rồng Lạc thể hiện trên các đồ đồng Đông Sơn là sự xướng danh nguồn gốc dân tộc từ Cha Rồng xăm mình lội nước đắp đê, chiến đấu với thủy quái, đến Mẹ Tiên ngẩng đầu giang cánh chinh phục các triền núi cao. 

Huyền thoại Tiên Rồng còn lưu dấu ngàn năm trên các cổ vật thời sơ sử.

Nghi môn trong đền Thượng Cổ Loa với bức đại tự “Tiên từ đệ nhất”.
Phượng chầu mặt trời trên nóc nghi môn đền Thượng Cổ Loa.
Trống đồng Nam Cường 1 ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Rồng Lạc, chim Âu trên mặt trống đồng Nam Cường 1 ở Bảo tàng tỉnh Lào Cai.
Giao long trên mũi giáo thời Đông Sơn.
Lưỡi rìu Đông Sơn có hình giao long.

https://congdankhuyenhoc.vn/chim-au-va-rong-lac-xuong-danh-dong-giong-tien-rong-1792207071643037.htm

ABC về NGUỒN GỐC NGƯỜI VIỆT

Nhân chuyện bàn luận về Nguồn gốc người Việt của một số học giả vừa rồi, rằng người Việt có nguồn gốc không “đơn tuyến”, rằng trống đồng thuộc về người Tày Thái, rằng người Mường không biết trồng lúa nước, rằng người Kinh là người Hoa di cư…

Ý kiến của các vị đó không sai, nhưng chưa đủ, vì mới chỉ là những hiện tượng bề nổi. “Nguồn gốc” của người Việt đúng là đa tuyến, bởi vì có tới 5 dòng tộc ban đầu đã cùng nhau lập ra thiên hạ họ Hùng từ thời vua Hùng Đế Minh, được lịch sử gọi là “Ngũ Đế Đức”.

Ngũ Đế và Tam Đại

Sử ký Tư Mã Thiên: “Từ Hoàng Đế tới Thuấn, Vũ đều cùng họ nhưng khác quốc hiệu, để làm rạng rỡ đức sáng. Vậy nên hiệu của Hoàng Đế là Hữu Hùng, hiệu của Đế Chuyên Húc là Cao Dương, hiệu của Đế Khốc là Cao Tân, hiệu của Đế Nghiêu là Đào Đường, hiệu của Đế Thuấn là Hữu Ngu. Hiệu của Đế Vũ là Hạ Hậu, nhưng khác thị tộc, họ Tự. Tiết là thủy tổ của nhà Thương, họ Tử. Khí là thủy tổ của nhà Chu, họ Cơ.”

5 họ tộc ban đầu này sau đó phân chia lên rừng xuống biển, đẻ đất đẻ nước, dẫn đến thiên hạ mỗi thời do một “đức” làm chủ. Thời Hạ từ Lạc Long Quân là nhóm Lạc và Long, tức 2 nhóm Kinh Mường và Tày Thái. Thời Thương vị trí chủ thiên hạ là nhóm Miêu Dao (người Man) vốn là Tiên tộc xưa. Thời Chu là nhóm Liêu Lão, dân tộc dùng trống đồng, vốn là dòng theo mẹ Âu Cơ lên núi (dòng Âu). Tới thời Tần Hán thì thiên hạ nhất thống, tộc nào cũng là người Việt cả. Thành phần dân tộc ở Bắc Việt định hình từ đó.

Người Hoa không phải là người Hán, mà là người Việt. Nên có là “Hoa kiều” cũng vẫn là Việt tộc. Điểm căn bản nhất, dù là tộc người nào thì người Việt đều thuộc về đại chủng tộc Mongoloid phương Nam, và hoàn toàn không liên quan nguồn gốc gì tới nhóm Mongoloid phương Bắc, tức nhóm Mông Cổ, Mãn Thanh, Liêu Hán.

Những sơ đồ các triều đại họ Hùng sau đây giúp giải thích cặn kẽ vấn đề Nguồn gốc người Việt, trăm con cùng bọc trứng, tuy nhiều cành nhưng đều chung gốc lớn lên.

Truyện Họ Hồng Bàng chép: Đế Minh, cháu 3 đời của Thần Nông, sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần ở phương Nam gặp bà Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục. Như thế đã xuất hiện 2 dòng tộc gốc ban đầu ở 2 đầu Nam và Bắc là dòng Viêm tộc và Lạc tộc, hay vẫn được gọi là Hồng – Lạc. Cả 3 vị thánh tổ ban đầu là Đế Minh, Đế Nghi và Lộc Tục được thờ thành Quốc tổ Hùng Vương ở vùng đất tổ là Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn, Ất Sơn.

Lộc Tục Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Động Đình Long Nữ mà sinh ra Lạc Long Quân. Tới đây thì dòng Lạc tộc đã bổ sung thêm tộc người ở phía Đông ven biển Động Đình là Long tộc, mà hình tượng ba tộc người lúc này là Tam Vị Tản Viên Sơn Thánh: Tản Sơn, Nộn Sơn, Lãng Sơn.

Con của Đế Nghi là Đế Lai, bị Lạc Long Quân xua đuổi phải trở về phương Bắc (xưa), sau đó nàng Âu Cơ “chia tay” với cha Rồng để mang 50 người lên núi. Tức là Viêm tộc lúc này tách thành 2 dòng: 1 chạy xa hơn về phía Bắc xưa (tức phương Nam ngày nay) và 1 chạy về phía Tây Nam xưa lên núi.

Ngũ tộc thời sơ sử

Từ một Thái cực ban đầu (Đế Minh), sinh ra Lưỡng nghi (Đế Nghi – Lộc Tục), rồi Lưỡng nghi sinh Tứ tượng (Đế Lai – Âu Cơ – Lạc – Long). Kết quả có 4 dòng tộc đã hình thành trên mảnh đất Việt Nam (miền Bắc Việt)

1. Dòng phương Bắc xưa, tức Nam nay, là chính dòng Viêm tộc, được gọi là người La hay người Lồi (từ Đế Lai), có chỗ gọi là người Chăm, Chiêm.

2. Dòng phía Tây là người Lý Lão, Ai Lao Di, là nhánh tách ra từ Viêm tộc theo mẹ Âu Cơ. Sau nhóm này quay trở về Phong Châu lập nước Văn Lang, với đặc trưng văn hóa là trống đồng. Là thành phần Âu trong nước Âu Lạc. Vua chủ là Lang Liêu hay An Dương Vương.

3. Dòng Lạc tộc sau là người Kinh Mường (Lạch – Kênh – Mương đều là các từ cùng nghĩa) ở Bắc Việt và Quảng Tây (Giao Chỉ và Nam Giao). Vua chủ gọi là Lạc Vương hay Hùng Vương.

4. Dòng Long tộc ven biển sau thành nhánh Tày Thái. Nhóm này vào thời Hiếu Vũ Đế khi nước Nam Việt sụp đổ đã di cư hàng loạt sang vùng Tây Bắc Việt, dẫn tới sự tương đồng giữa người Choang, người Tày Nùng và người Thái Lào. Nước Nam Chiếu – Nam Triệu hình thành từ đây.

5. Ngoài ra còn nhóm Tam Miêu trong cổ sử trở thành chủ thể thời Ân Thương, lấy Bàn Vương làm thủy tổ. Khi nhà Ân bị diệt bởi Thánh Dóng, các quý tộc nhà Ân bị cho về an trí ở Lạc Dương, tức vùng Cổ Loa. Do đó một phần dòng máu Miêu tộc cũng gặp tại vùng đồng bằng sông Hồng, mà được hình tượng hóa trong nhân vật Ma Cô Tiên – Bạch Kê Tinh.

Tần An Dương Vương và trống đồng Thục

Sử Việt kể Thục An Dương vương đến từ Ba Thục chiếm nước của Hùng Vương lập nên nhà nước Âu Lạc thống nhất vào năm 257 TCN. Về khảo cổ, đã có những so sánh cho thấy vào quãng thế kỷ 3-4 TCN văn hóa trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam có nhiều hiện vật và họa tiết biểu tượng tương đồng với các hiện vật cùng thời ở vùng đất Quý Châu Ba Thục. Điều này đưa đến suy nghĩ của một số nhà nghiên cứu cho rằng Thục Phán đúng là đến từ nước Thục, đã thay thế Hùng Vương trong cuộc chiến chống lại quân Tần.

Tác giả Tạ Đức trong cuốn Nguồn gốc và sự phát triển của trống đồng Đông Sơn cho rằng An Dương Vương là dòng dõi vua Khai Minh của nước Thục, sau khi bị Tần diệt quốc đã chạy sang nước Dạ Lang (Quý Châu), rồi nước Điền (Vân Nam) liên tục chống lại Tần. Cuối cùng thì An Dương Vương chạy đến đất Âu Lạc, được người Việt tôn lên làm thủ lĩnh, chỉ huy cuộc kháng chiến chống lại Đồ Thư và giành thắng lợi…

Cách lý giải về An Dương Vương như trên tuy có vẻ hợp lý đối với các hiện vật khảo cổ ở các vùng đất này, nhưng nó lại quá vô lý về mặt thực tế, cũng như không có truyền thuyết hay ghi chép lịch sử nào kể việc Thục An Dương Vương vừa chạy, vừa giành nước của người khác, vừa chống Tần kỳ khôi như vậy. Vị Thục Vương này liệu thọ bao nhiêu tuổi mà sống từ lúc Tần đánh Ba Thục (năm 316 TCN) tới khi Tần Thủy Hoàng mất (năm 210 TCN)? Sự thực chắn chắn đã khác.

Sự thật rõ ràng hơn là nước Tần tới Huệ Văn Vương đã chính thức xưng Vương và bắt đầu cuộc chinh phạt khắp nơi trong thiên hạ. Tần tướng Trương Nghi cho quân đánh chiếm Ba Thục. Năm 316 TCN nước Thục của vua Khai Minh diệt vong. Tại nước Thục, Trương Nghi cho xây Thành Đô, với truyền thuyết gọi là thành Rùa do khi xây thành có Rùa thần giúp đỡ. Như vậy người xây thành ở đất Thục là Tần, chứ không phải vua Thục họ Khai Minh.

Tiếp sau đó việc Tần tấn công các vùng Quý Châu (Dạ Lang), Vân Nam (Điền) rồi dẫn hàng vạn quân đánh chiếm Lĩnh Nam ở Quảng Tây và Bắc Việt của nước Âu Lạc thì đã được sử sách ghi chép khá rõ ràng.

Như vậy, sự tương đồng giữa 2 nền văn hóa khảo cổ Đông Sơn với Ba Thục lúc này rõ ràng nhất chính là ảnh hưởng của cuộc “Nam tiến” của nước Tần. Từ đó cho thấy, người đến từ đất Thục, đã thay thế “Hùng Vương” lập ra nước Âu Lạc thống nhất phải là Tần Vương. Hay nói cách khác Tần Vương chính là Thục An Dương Vương được kể đến trong các truyền thuyết Việt.

Mối quan hệ giữa nước Tần – Thục An Dương Vương và trống đồng được thấy trong một số tư liệu cổ. Trúc thư kỷ niên cho biết, Chu Tương Vương đã ban cho Tần Mục Công những chiếc trống đồng khi Tần đánh bại và thu phục được các tiểu quốc Tây Nhung. Đây là tư liệu sớm nhất nhắc đến trống đồng trong lịch sử.

Trong truyền thuyết Chín chúa tranh vua của người Tày ở Cao Bằng kể, trong cuộc so tài với các chúa mường khác, chúa mường Nam Cương là Thục Phán đi lấy trống đồng về đến gò Đống Lân, mệt ngủ say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng. Các chúa khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi. Tổng Lằn là trống lăn, gọi chệch là Đống Lân. Thục Phán là chúa mường thứ 9, đã giành thắng lợi trước các chúa mường khác và lên làm vua.

Truyền thuyết này cho thấy rõ ý nghĩa của trống đồng trong việc hiệu lệnh chư hầu trước các nước lân bang. Chỉ một tiếng trống vang lên cũng đã làm các chúa mường phải thuần phục. Thục An Dương Vương trong chuyện Chín chúa tranh vua, đã làm chủ 9 tộc người (3 Nùng chủ, 2 Dao chủ, 1 Mán chủ, 1 Sán chủ, 1 Tày chủ, 1 Miêu Chủ), rất giống việc Tần Vương đã đánh bại Lục quốc và thống nhất Trung Hoa.

Trống đồng, hiện vật đặc trưng của văn hóa Đông Sơn được biết gặp nhiều nhất tại Bắc Việt, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu. Đây cũng đúng là phân bố của dòng Thục ở phía Tây Trung Hoa và trùng với con đường mà Tần quốc đã đánh chiếm phương Nam.

Một chiếc trống đồng đặc biệt, có thể có nguồn gốc từ đất Tứ Xuyên hoặc Quý Châu, thể hiện rất rõ ý nghĩa Tần Vương thống nhất thiên hạ Bách Việt họ Hùng. Bài viết đặt tên cho chiếc trống này là trống Thục và xem xét nó ở từng chi tiết dưới đây.

Trống đồng Thục

Trống đồng – chữ Đại triện

Chiếc trống đồng Thục có dạng Heger II, dạng đặc trưng của văn hóa trống đồng. Trống cao 24cm, đường kính mặt trống 35 cm, đường kính đáy 29 cm. Ở vành ngoài trên mặt trống có 57 ký tự ở dạng Đại triện. Loại chữ Đại triện này rất lạ, về kết cấu thì nhiều chữ giống như Kim văn, nhưng hình thể theo kiểu tiểu triện, với nét chữ tròn, kéo dài theo chiều dọc. Phần lớn đều là chữ đơn thể, không phải chữ ghép bộ. Nhiều chữ không tra thấy trong các từ điển chữ Kim văn hiện nay.

Nhận định về loại chữ trên trống đồng này thì đây là loại chữ có niên gian giữa thời kỳ Kim văn thuộc Tây Chu với chữ Tiểu triện sau này. Đây không phải lối chữ Kim văn của Lục quốc được gặp trên các tiền đồng cổ vì nét tròn, Triện hóa rất rõ. Có thể gọi là lối chữ Đại triện của nước Tần, nước mà sau này hình thành ra chữ Tiểu triện. Niên đại của lối chữ này ước đoán vào khoảng thời Chiến Quốc, trước khi Tần thống nhất chữ viết toàn Trung Hoa thành chữ Tiểu triện.

Sự kết hợp giữa trống đồng và chữ Triện là minh chứng đầu tiên và rõ ràng nhất rằng văn hóa trống đồng thuộc chung nền văn hóa chữ tượng hình phương Đông, tức là nằm trong cùng một thiên hạ Trung Hoa thời nhà Chu.

Mặt trời – Ngũ hành

Ở giữa chiếc trống đồng là hình mặt trời có 16 tia, nhưng hết sức độc đáo là bên trong mặt trời lại có hình tròn với 5 vòng xoắn. Dạng hình tròn này gặp khá nhiều trên các hiện vật đồ đồng thuộc dòng đồ Thương Chu, mà một ví dụ là chiếc Lôi cùng thời được thấy ở Việt Nam, mang những hình vòng tròn 5 xoáy này với hình đôi quỳ long chầu 2 bên.

Hình tròn 5 xoáy vừa là biểu tượng cho mặt trời, cũng là biểu tượng của Ngũ hành, xưa có tên là Nhật nguyệt tinh thần, gồm 4 tượng của các vì tinh tú và 1 hình tròn ở trung tâm. Đây là biểu tượng của nguyên thần, của những gì căn cơ nhất trong trời đất, tương tự như khái niệm Thái cực đồ âm dương sau này. Biểu tượng lưỡng long chầu mặt nguyệt như vậy đã có từ thời Chiến Quốc trên các đồ đồng Thương Chu, tồn tại mãi cho tới nay như biểu tượng của tín ngưỡng.

Lôi đồng có hình Lưỡng long chầu Nhật và chữ Đại triện

Năm 2013 ở Bắc Cường, Lào Cai đã phát hiện ra một “kho đồng” gồm một chiếc Lôi và 4 chiếc trống đồng. Đây cũng là dẫn chứng cho thấy sự hòa trộn 2 nên văn hóa đồ đồng đỉnh vạc (lôi) với đồ đồng Đông Sơn (trống đồng) ngay tại đất Việt.

Chim – Rắn

Ở vòng tròn bên trong gần mặt trời là hình 16 con chim cổ dài như cổ cò, đứng thành từng 8 cặp quay vào nhau. Mỗi con chim đứng trên một con rắn dài nhỏ. Hình Chim – Rắn này khá giống cảnh đôi Hạc đứng trên lưng Rùa để chầu. Chim – Rắn cũng như Hạc – Rùa là thể hiện không gian, trên trời có chim, dưới đất có rắn rùa. Tương tự trên trống đồng Ngọc Lũ là chim bay trên trời, hươu chạy dưới đất.

Rắn cũng có thể coi là tượng hình của Rồng, nên biểu tượng Chim-Rắn là dẫn chứng nữa về sự hòa hợp biểu tượng của 2 dòng Tiên – Rồng trên mặt trống đồng.

Mặt trời và Chim – Rắn trên trống đồng Thục

Người chim và người đi săn

Vòng ngoài trên mặt trống gồm 4 đoạn giống nhau, phân tách bởi 4 tượng cóc. Mỗi đoạn gồm 3 cụm hoạt cảnh. Mỗi hoạt cảnh thể hiện hình một người có tóc búi đuôi sam dài, đang dương cung bắn vào một con thú, hình như con cáo. Đối diện là một hình người chim, có phần đầu như đầu chim, mỏ lớn, có 2 cánh. Tổng cộng có 12 hoạt cảnh giống nhau lặp lại ở vòng ngoài của mặt trống.

Tóc đuôi sam, hình người chim đều là những biểu tượng đặc trưng có trong văn hóa Thục. Người chim được thể hiện trên cây vũ trụ tìm thấy ở Tam Tinh Đôi trên đất Thục cổ. Sử dụng nỏ thành thạo là sự liên hệ đến câu chuyện nỏ thần của An Dương Vương trong truyền thuyết Việt.

Cảnh người chim – người đi săn và đoạn chữ Vương tứ Bá

Cóc sinh sôi

Trên mặt trống có 4 tượng cóc mẹ cõng cóc con. Khác với hình cóc thường gặp trên trống đồng Đông Sơn, mỗi tượng cóc ở đây được thể hiện thành khối dày chắc chắn, ngẩng đầu, có các xoáy âm dương ở hai bên thân.

4 tượng cóc nằm ở 4 góc, thể hiện tính vuông của Đất. Trong khi mặt trống hình Tròn, chỉ tính chất của Trời. 4 góc là nơi Trời tròn – Đất vuông giao hòa mà sinh ra vạn vật. Cho nên mới có cóc mẹ cõng cóc con, sinh sôi nảy nở không ngừng.

Tượng cóc mẹ cõng cóc con

Minh văn

Dòng chữ ngoài cùng được đúc sâu, khá rõ nét. Tuy nhiên do lối viết Đại triện đặc biệt như đã nói, hiện không thể đọc hết được số chữ này. Những gì đọc được như sau. Có 56 chữ và 1 hình đánh dấu như hình chữ Ngũ.

五字方九厥忘父子?賜?帀內山作師月分八川虫作賜師忘?合公乃帀之惟月長惟舟考作父句方王賜伯古巠虫用木止子子足作公齊?考

Ngũ tự phương cửu quyết vong Phụ tử ? tứ ? tạp nội sơn tác Sư nguyệt phân bát xuyên trùng tác tứ Sư vong ? hợp công nãi tạp chi duy nguyệt trường duy chu khảo tác phụ cú phương Vương tứ Bá cổ kinh trùng dụng mộc chỉ tử tử túc tác Công tề ? khảo

(Những chữ in nghiêng là những chữ đọc được chắc chắn)

Để hiểu ý nghĩa công dụng của trống đồng cần xem Quẻ Dự trong Kinh Dịch. Lời tượng của Quẻ Dự nói: Lôi địa Dự: Lợi kiến hầu, hành sư.

Lôi Địa là tượng của quẻ Dự, là sấm nổ trên mặt đất, tức là cảnh đánh trống đồng bằng cách úp trống xuống mặt đất mà đánh. Quẻ Dự như vậy có hình tượng là trống đồng. Theo lời tượng, trống đồng được sử dụng để “kiến hầu”, tức là dùng để phong tước phong hầu, và “hành sư”, nghĩa là dùng để điều khiển quân đội.

Trong bài minh văn của chiếc trống Thục trên có cả việc phong tước và hành sư. Đó là đoạn “Vương tứ bá” – Vua ban thưởng cho Bá. Và đoạn “nội sơn tác sư” – trong núi tạo ra quân đội. Đây là một chiếc trống được ban cho một vị (Công) tướng tước Bá để dùng làm hiệu lệnh, xây dựng quân đội (tác sư).

Đoạn chữ Nội sơn tác sư

Người cầm đầu quân đội nhà Tần ở đất Thục lúc đó là tướng Tư Mã Thác. Rất có thể đây là chiếc trống đồng được Tần Vương ban cho Tư Mã Thác dùng để thống lĩnh quân đội nhà Tần trên đất Thục.

Đội quân hùng mạnh

Công dụng về việc hiệu lệnh quân đội còn thể hiện ở phần thân trống. Thân trống chia làm 3 phần. Phần tang trống có 16 hoạt cảnh người đi săn – người chim như trên mặt trống. Còn 2 phần lưng và chân trống là vòng tròn các chiến binh, gồm cụm 3 người một. Một người chống tay cầm kiếm, một người đang dương cung và một ngươi vung 2 tay như đang dùng dùi đục. Mỗi vòng có 36 chiến binh. Thân trống như thế là 2 đội quân binh 72 chiến binh được trang bị vũ khí đầy đủ.

Tổng cộng cả phần mặt trống và thân trống có tất cả 156 hình người. Đội quân hùng mạnh này nhắc nhớ tới đội quân đất nung trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Sức mạnh của quân đội Tần thể hiện ngay trên chiếc trống đồng. Đây là trống quân dùng trong quân ngũ, chứ không phải trống dùng trong tế lễ như các trống Đông Sơn (có các hoạt cảnh nghi thức tế lễ).

Hoa văn trên thân trống dạng hoa thị, chấm tròn và vạch lớn, chạy xung quanh thân dưới các hàng chiến binh. Ý nghĩa có thể là thể hiện tiền tài, vật lực dồi dào cho đội quân Tần ở trên.

Thân trống Thục

Quai rồng

Trống Thục có 4 chiếc quai, khá đặc biệt. Không giống kiểu quang hình văn thừng như các trống đồng Đông Sơn, quai trống Thục có hình đầu rồng có tai lớn, ngậm quai. Hình này có thể gọi là hình Tiêu đồ, đặc trưng của các đồ đồng dòng đỉnh vạc thời Thương Chu. Sự kết hợp các chi tiết biểu tượng của 2 dòng đồ đồng Trung Hoa trên cùng một hiện vật, đánh dấu sự thống nhất 2 dòng văn hóa của thiên hạ. Dòng đồ đồng mang biểu tượng Rồng là dòng theo cha Lạc Long Quân, thể hiện trên các đồ vật có chân như đỉnh, vạc Thương Chu. Dòng đồ đồng mang biểu tượng Chim là dòng theo mẹ Âu Cơ, thể hiện trên các trống đồng, thạp đồng Đông Sơn.

Quai trống hình Tiêu đồ

Chiếc trống đồng có chữ Đại triện là minh chứng cho mối liên hệ trực tiếp giữa vùng Bắc Việt và đất Thục ở Tứ Xuyên, Quý Châu thời kỳ nhà Tần. Những cặp đôi: Mặt trời – Ngũ hành, Chim – Rắn/Rồng, Trống đồng – Chữ đại triện cho thấy thực chất cả 2 dòng Tiên – Rồng, Âu – Lạc của truyền thuyết Việt đều thuộc văn minh Trung Hoa dưới thời Xuân Thu, Chiến Quốc và sau đó thiên hạ đã hợp nhất vào thời Tần.

Lịch sử thời Tần An Dương Vương có thể tóm tắt như sau:

  • Tần Mục Công, một trong Xuân Thu ngũ bá là người đã thu phục Tây Nhung, được Chu Tương Vương ban cho trống đồng làm hiệu lệnh.
  • Tần Hiếu Công áp dụng biến pháp của Thương Ưởng, trung hưng nước Tần.
  • Tần Huệ Văn Vương năm Giáp Ngọ (325 TCN) xưng Vương. Tướng Tần Tư Mã Thác chiếm vùng đất Ba (Quý Châu), Trương Nghi xây Thành Đô (Thành Rùa) ở đất Thục. Từ lúc này quân Tần còn được gọi là Thục.
  • Tần Chiêu Tương Vương năm 256 TCN diệt Chu Noãn Vương, chiếm đất Tây Chu, tức là đất Tây Âu ở Vân Nam, chấm dứt sự tồn tại gần 800 năm của triều đại nhà Chu. Tần Vương trở thành thiên tử của thiên hạ Trung Hoa. Sử Việt chép là năm 257 TCN Thục An Dương Vương kế nối Hùng Vương.
  • Năm 255 TCN Tần Chiêu Tương Vương chiếm nốt đất Đông Chu, tức là đất Lạc ở Bắc Việt – Quảng Tây. Tần xuất phát từ vùng phía Tây (Thục) diệt Đông Chu ở phía Đông mà có được thiên hạ. Do đó Tần có tên gọi là An Dương Vương, trong đó Dương là hướng mặt trời lên, tức là hướng Đông. An Dương Vương là là vị Vương đã bình định phương Đông.
  • Năm 221 TCN Tần Thủy Hoàng xưng Đế, thống nhất thiên hạ Trung Hoa, cho dời kinh đô về vùng đất giữa 2 nhà Chu (ở Quý Châu?). Cổ Loa vốn là thành Lạc Dương thời Đông Chu, có thể đã được xây dựng thêm dưới thời Tần Thủy Hoàng.
Trống và Lôi đồng

Sử tích Sơn Tinh

Thủa Hoàng Đế mở muôn nước, Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ sau khi đã sát nhập được bộ tộc của Viêm Đế ở phương Nam, đánh đuổi tộc Cửu Lê của Xi Vưu – Ngô Thục ở miền Tây Bắc Việt và kết hợp Tiên tộc của bà Tây Thiên – Vụ Tiên ở dải núi Tam Đảo. Hoàng Đế Hữu Hùng Đế Minh dời từ cựu đô Ngàn Hống về vùng Phong Châu, lập Minh đô ở chân núi Thái Sơn trên miền Bắc Việt ngày nay. Vùng đất này trở thành đất tổ muôn đời của dòng họ Hùng dân Việt.

Kế nghiệp Hữu Hùng Hiên Viên là Đế Nghi hay Đế Nghiêu, thuộc dòng Viêm tộc, đóng đô ở 2 vùng đất chính là Đào và Đường, tức là ở Nghệ An và Phú Thọ. Đế Thuấn là một người thuộc Tiên tộc theo dòng dõi bà Vụ Tiên trên dải núi Tây Thiên, vì có lòng hiếu thuận động thiên tâm nên đã được Đế Nghiêu tín nhiệm, gả cho 2 người con gái của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh, rồi nhường ngôi cho. Truyền thuyết Việt chép là Sơn Tinh lấy 2 vị công chúa Ngọc Hoa Tiên Dung rước về Lịch Sơn ở Tuyên Quang.

Ba vị vua Hùng đầu tiên ở vùng đất tổ được thờ dưới “thụy hiệu” là Đột Ngột Cao Sơn (Hoàng Đế Đế Minh), Viễn Sơn (Đường Nghiêu Đế Nghi) và Ất Sơn (Ngu Thuấn Lộc Tục). Tam Sơn Thánh Tổ là 3 bộ tộc đã hợp nhất trong thời kỳ lập quốc họ Hùng, gồm Viêm tộc, Lạc tộc và Tiên tộc.

Núi Ba Vì nhìn từ động Lăng Sương

Tiếp theo, lịch sử Việt được lưu lại dưới truyền thuyết của Tản Viên Sơn, mà sự ra đời và sự nghiệp của vị Thánh tổ này hết sức phức tạp và đa dạng. Tản Viên Sơn có cha là ông Nguyễn Cao Hành, mẹ là bà Đinh Thị Đen, nhưng khi ông Hành tuổi đã 70, bà Đen khi đi tắm gội ở ngoài đồng thì có Rồng vàng xuất hiện phun nước, về cảm động có thai, sinh ra Thánh Tản. Như vậy, Rồng vàng mới thực sự là “bố đẻ” của Nguyễn Tuấn.

Không chỉ vậy, trong số các bậc “phụ huynh” của Tản Viên Sơn còn có bà dưỡng mẫu Ma Thị Cao Sơn, người sau đó đã lập chúc thư để lại toàn bộ khu vực Sơn Tây núi Tản lại cho con nuôi là Nguyễn Tuấn. Có tới 4 “phụ huynh” như vậy, Tản Viên Sơn Thánh thực chất là hình tượng của sự hợp nhất 4 dòng tộc, ngoài 3 dòng tộc của Tam Sơn Thánh tổ Hùng Vương đã thêm dòng Long tộc Rồng thiêng vùng ven biển Động Đình.

Năm tộc Việt thời Hùng Vương

Hoa sử kể, ông Cổn là thủ lĩnh đất Sùng nên gọi là Sùng Bá Cổn. Bá Cổn là cháu chính hệ của Hoàng Đế Hiên Viên. Thời Nghiêu Thuấn, Sùng Cổn được phân lo việc trị thủy nhưng không thành công, do ông tập trung vào việc đắp bờ đập ngăn hồng thủy. Cái tên “Cổn” thực ra tiếng Việt nghĩa là Cản, xuất phát từ cách “trị thủy” không hợp lý này của ông. Đế Thuấn đã bỏ Bá Cổn mà thay vào đó lấy con của ông là Vũ để lo việc trị thủy. Ông Vũ thay đổi cách làm của cha, không đắp bờ ngăn nước nữa mà đã khởi thông các dòng chảy để thoát nước. Nổi bất nhất là sự kiện ông Vũ đục bạt vách đá chắn trên sông Hắc Thủy ở Long Môn, dẫn nước con sông này qua núi Tam Nguy mà ra biển Nam Hải.

Còn sự tích Tản Viên Sơn thì chép: Thời Đường Nghiêu, hồng thủy bao trùm. Lạc Long Quân sai trăm người con trai cùng nhau trị thủy. Khi đó chỉ có Vương có oai anh võ dũng, đức cao đạo lớn, có thuật thần tiên, mới đọc ước chú làm cho đá vỡ tung tóe, hiện thành cây gậy sắt, lấy gậy đó mà chỉ vào nước thì nạn thủy tai mới hết, là người có công đầu vậy.

Cây gậy thần mà Tản Viên có được từ Thái Bạch Thần Tinh trên đỉnh núi Tản đã dùng để đục đá, khơi cạn nước hồng thủy bên thác Vạn Bờ ở Hòa Bình. Tản Viên Sơn là Đại Vũ trị thủy, còn lưu truyền trong câu ca dao:

Mồng Bốn cá đi ăn thề
Mồng Tám cá về cá vượt Vũ Môn.

Sự tích khác về Tản Viên Sơn chép Vương là một trong những người con của bà Âu Cơ và Lạc Long Quân. Đền Lăng Sương, nơi bà Đinh Thị Đen cảm động Rồng vàng mà sinh Thánh cũng là nơi thờ Tổ mẫu Âu Cơ, theo như ghi chép của cuốn Di tích thờ Tản Viên lưu tại làng Ngọc Nhị. Đen cũng là Ô, hay Âu trong tên Âu Cơ. Quốc mẫu Hoàng bà Đinh Thị Đen chính là Tổ mẫu Âu Cơ, hay là chính hệ của Hữu Hùng Hoàng Đế, tức là Sùng Bá Cổn.

Đình làng Ngọc Nhị, làng tạo lệ đền Thượng Ba Vì.

Ông Nguyễn Cao Hành trong chuyện này được chép có xuất xứ từ Hoan Châu, tức là dòng dõi của Viêm tộc theo hướng của Đế Nghiêu. Còn bà dưỡng mẫu Ma Thị Cao Sơn đã di chúc “nhường ngôi” lại cho Tản Viên là Sơn Tinh Đế Thuấn, dòng dõi Tiên tộc ở vùng núi cao Tam Đảo.

Tản Viên Sơn sau khi có được cây gậy đầu sinh đầu tử đã đi xuống chân núi, gặp đàn voi hổ quấy phá ở xóm Cốc của đất Thủ Pháp. Thần Vương đã chỉ gậy niệm thần chú, chốc lát hổ Bắc voi Nam tụ ở 2 đầu gậy. Nay chỗ này là khu vực đền Hạ Tản Viên, vẫn còn tượng đá hình một con quái thú nửa Voi nửa Hổ kích thước khá lơn đang chầu.

Quái thú đền Hạ Tản Viên

Thần Vương vượt sông Đà (cũng bằng cây gậy thần chỉ nước nước cạn như việc đục đá trị thủy ở trên), sang bãi Trường Sa và cứu được con rắn thần bị trẻ mục đồng đánh chết. Con rắn đen này là Thủy Tinh con vua Động Đình. Bãi Trường Sa ở Ma Xá, Trung Độ xưa có tên là bãi Tang Ma ở gần cầu Trung Hà bây giờ. Tại đây có sự tích y hệt về việc một con rắn đã được mua lại của lũ trẻ mục đồng mà hóa kiếp thành bà Phan Thị, rồi bà Phan lấy con rồng là vua Thủy Tề Động Đình, sinh nhất bào ngũ tử, được 5 người con, 2 gái 3 trai. Bà Phan được thờ là Thủy Tinh Động Đình Tang Ma Thánh mẫu, tức chính là con rắn Thủy Tinh đã được Tản Viên Sơn cứu sống ở bãi Trường Sa.

Chính điện đình La Phù ở Thanh Thủy, Phú Thọ, nơi thờ Tản Viên Sơn, Thủy Tinh Động Đình Tang Ma Thánh mẫu, Quý Minh Đại vương.

Sự kiện Đại Vũ trị thủy đã được truyền thuyết hóa thành cuộc giao tranh Sơn Tinh – Thủy Tinh vô cùng ác liệt dưới chân núi Tản. Từ đó mà gắn với tên những quả đồi, núi ở đây như núi Chẹ, núi Đùng, núi Sọt… mà Sơn Tinh dùng để chặn nước chế ngự thủy tai. Rồi với sông Tiểu Hoàng, tức là sông Tích, là đường tiến quân của Thủy Tinh. Đầm Đượng ở khu vực Suối Hai ngày nay là nơi mà Thủy Tinh thua trận, phải rút về theo 16 cửa nước. Đông cung Tản Viên ở xã An Vệ nay là đền Và là nơi trấn thủy trên lối thoát nước từ vùng Bể Cạn xưa (Đầm Đượng Suối Hai) ra sông Tích.

Đình Thụy Phiêu, bên đầm Đượng, ngôi đình cổ nhất Việt Nam hiện nay.

Nhờ công lao trị thủy to lớn mà Nguyễn Tuấn được tôn là Tản Viên Sơn Tam Vị Quốc chủ Đại vương. Tam Vị không phải là 3 vị thánh khác nhau mà chỉ có 1 vị Quốc chủ, lấy theo tên núi Ba Vì, mà cổ sử Trung Hoa gọi là Tam Nguy. Đúng ra tên thánh phải là Tam Nguy Sơn Tốn Vương Quốc chủ, vị vua chủ của vùng phía Tây (quẻ Tốn chỉ hướng Tây) ở núi Tam Nguy.

Cùng với công lớn trị nạn hồng thủy cứu dân, Đại Vũ Tản Viên còn là người đã khai sáng văn hóa và tạo ra các nghề nghiệp khác nhau. Lúc thì là Tản Viên Sơn dạy dân đi săn ở khu vực Mang Sơn (núi Mường), lập hành cung tại đó. Lúc thì ra Tiểu Hoành giang xem đánh cá, lập cung điện ở Liệp Tuyến (Khánh Xuân điện). Lúc thì Vương đến khu Cổ Đằng, là vùng “hạ điền” – ruộng hè mênh mông xưa, lập Nam cung điện, nay là đền Lác ở xã Đồng Thái, Ba Vì. Cày ruộng, đánh cá, săn bắt, khơi sông trị thủy, sáng tạo ra Hà đồ Lạc thư (gậy thần sách ước)…

Bia đình Đồng Bảng, xã Đồng Thái, là nơi có Bắc thần cung Tản Viên Sơn Tam Vị Quốc chủ.

Tản Viên Sơn hay Vua tổ phía Tây như vậy đã nối dõi 3 dòng tộc của thời Hùng Vương Thánh Tổ trên đất Phong Châu (Tây Thổ) rồi kết hợp thêm dòng tộc phía Đông của Thần Long Động Đình mà sinh ra các thần Rồng, anh em Ngũ vị của Lạc Long Quân. Dòng phía Đông này được đại diện bằng ngôi vị của Hữu kiên thần Quý Minh đại vương, vì Quý là thứ Ba, chỉ hướng Đông. Quý Minh cũng là vị thủy thẩn Trưởng Lệnh đã ở lại cai quản sông Đà (Đà Giang tôn thần) tại đất quê mẹ Thủy Tinh bên bãi Tang Ma, nơi ghềnh Bợ.

Đền Thượng núi Ba Vì xưa tới nay chỉ còn lưu lại 3 pho tượng đá cổ. Theo thần tích của làng Ngọc Nhị (làng tạo lệ của đền Thượng Tản Viên) thì đây là Tản Viên Sơn Tam Vị Quốc chủ Đại vương, Tả thánh Quý Minh Đại vương và Thái Bạch Thần Tinh (cũng là Sơn Tinh hay Cao Sơn).

Tản Viên Sơn cũng chính là Kinh Dương Vương, người có tài đi dưới Thủy phủ rồi lấy con gái Thần Long Động Đình, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đi qua bãi Trường Sa, thấy nàng Âu Cơ, ái thiếp của Đế Lai ở đó mà đem lòng yêu mến… Đây là đoạn Rồng vàng phún thủy khi bà Đinh Thị Đen cảm động hoài thai ở Lăng Sương. Do đó Đế Lai là ông Nguyễn Cao Hành, theo dòng Viêm tộc của Đế Nghiêu, mà Hoa sử gọi là Bá Ích. Bà Đinh Thị Đen là chính dòng Hoàng Đế họ Cơ, tức Âu Cơ. Lạc Long Quân là con của Đại Vũ, mang tên Khải, người đã đánh đuổi Bá Ích, cướp lấy ngôi vị thống trị vạn bang, khởi đầu (Khải) nhà Hạ, triều đại thế tập đầu tiên trong lịch sử Hoa Việt.

Rồng vàng và Đinh Phi Thánh mẫu ở đền Lăng Sương.

Đền Lăng Sương tới giờ vẫn có tượng thờ Rồng vàng ở chính cung sau tượng Đinh Phi Thánh mẫu. Bài thơ của đền Lăng Sương, nơi sinh thánh Tản và quê của tổ mẫu Âu Cơ ghi rõ việc này:

Lăng Sương cốt cách ngọc tinh thần
Bả thác Long linh giáng hạ trần
Thái Thủy diệc vi Thiên Thượng Mẫu
Cửu hoài hà nhược thế gian nhân.

Dịch thơ:

Tinh thần cốt cách ngọc Lăng Sương
Mở chốn Rồng thiêng xuống thế dương
Thái Thủy cũng là Thiên Thượng Mẫu
Hoài thai lâu lạ khác bao thường.

Quá trình “sinh nở” hợp nhất 4 tộc người giữa cha Rồng mẹ Tiên để thành một thiên hạ thống nhất tất nhiên là lâu và khác thường. Thời sơ sử Hùng Vương của Nghiêu Thuấn Vũ kết thúc để bước sang thời lịch sử từ nhà Hạ, bắt đầu với bước tiến khai phá vùng duyên hải ven biển Đông.

Bốn ngàn năm nước gọi Thượng thần, biển Bát Rồng bay truyền tích lạ…

Ngũ tộc Hoa thời Tam Đại

Đợi tuần tháng Tám cá ăn thề

Truyền thuyết cổ đại kể rằng, thời Đường Nghiêu hồng thủy mênh mông, nước ngập tới lưng trời. Vua Đại Vũ đi xem xét các nơi rồi đến đoạn hiểm trở nhất của sông Hắc Thủy, đục đá phá mỏm núi chắn ngang sông, khơi thông nước lũ. Thiên Vũ Cống của Kinh Thư có câu: “Dẫn nước sông Hắc Thủy đến núi Tam Nguy rồi ra biển Nam Hải”. Nơi Đại Vũ phá đá trị thủy gọi là Vũ Môn. Vũ Môn có nước chảy xiết, hằng năm cá chép tập trung đến đây, con nào vượt qua được Vũ Môn thì hóa rồng. Nên nơi đây còn gọi là Long Môn hay Vũ Long Môn.

Đối với người Việt, Cá vượt Vũ Môn là hình tượng rất thân thuộc, đã đi vào thơ văn, vào tranh dân gian, vào các mảng chạm khắc trang trí trong các đình làng quê lối xóm. Người Việt có câu ca dao:

Mồng bốn cá đi ăn thề

Mồng tám cá về cá vượt Vũ Môn.

Vũ Môn là nơi nào mà ca dao người Việt lại nói tới rõ ràng cả ngày tháng như một phong tục lâu đời vậy?

Chạm khắc cá hóa rồng ở đình Đông Viên, xã Đông Quang, huyện Ba Vì

Cuốn sách thờ cổ lưu truyền ở vùng chân núi Ba Vì là “Tản Viên Sơn từ di tích” có đoạn sau: “Thời Đường Nghiêu, hồng thủy bao trùm. Lạc Long Quân sai trăm người con trai cùng nhau trị thủy. Khi đó chỉ có Tản Viên đại vương có oai anh võ dũng, đức cao đạo lớn, có thuật thần tiên, bèn đọc ước chú làm cho đá vỡ tung, hiện thành cây gậy sắt, lấy gậy đó mà chỉ vào nước thì nạn thủy tai liền hết.”

So sánh đoạn sự tích này với truyền thuyết Trung Hoa cổ đại thì bất ngờ nhận ra rằng vua Đại Vũ trị thủy thời Đường Nghiêu chính là Tản Viên Sơn Thánh ở vùng núi Ba Vì. Sông Hắc Thủy, nơi Đại Vũ dùng “thuật thần tiên” bạt đá trừ thủy hoạn, vốn là tên của dòng sông Đà. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong sách “Kiến văn tiểu lục” đã ghi:

Dòng chính có một nhánh chảy xuống thành sông Hắc Thủy vào nước ta… đến sông Kim Tử thì nhập lại thành sông Đà. Sông này nước rất trong… Đường thủy khó đi với 83 ghềnh thác có tiếng hiểm trở mà Vạn Bờ là khó khăn hiểm trở nhất.

Còn nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, người mà quê hương và bút danh gắn với vùng núi Tản sông Đà có bài thơ “Tự thuật” như sau, minh chứng cho tên Hắc Thủy (sông Đen) của dòng sông Đà:

Văn chương thời nôm na,

Thú chơi có sơn hà,

Ba Vì ở trước mặt,

Hắc Giang bên cạnh nhà.”

Một đoạn sông Đà ở khu vực Vạn Bờ.

Long Môn, nơi vua Vũ đã đục thông lòng sông Hắc Thủy, khơi dòng dẫn nước qua núi Tam Nguy về Nam Hải, là đoạn sông Đà chảy qua Thác Bờ nay ở tỉnh Hòa Bình, rồi vòng qua núi Ba Vì mà chảy vào sông Nhị Hà ra biển. Sách “Đại Nam nhất thống chí” đã chép như sau: “Ở địa phận Đà Bắc, gần châu lị, đằng trước trông ra sông Đà, có núi Long Môn, tên nữa là núi Thác Bờ, đá núi chắn ngang nửa dòng sông, thế nước xoáy mạnh ầm ầm, trông rất dữ dội. Đầu đời Lý, quân đi đánh Ma Sa đóng ở mỏm Long Thuỷ. Hồi đầu đời Lê đi đánh Đèo Cát Hãn, đường qua bờ Long Thuỷ, tức là chỗ này. Ngay giữa ghềnh đá có một chỗ rộng chừng 5-6 trượng, người ta gọi là Ao Vua, tức là bến sông Vạn Bờ xưa, thuộc xã Hào Tráng, châu Đà Bắc.”

Mỏm đá có bài thơ “Chinh Đèo Cát Hãn hoàn quá Long Thủy đê” (Chinh phạt Đèo Cát Hãn về qua bờ Long Thủy) của Lê Thái Tổ đề khắc tháng ba năm Nhâm Tý (1432) nay vẫn còn lưu trong khu di tích đền Thác Bờ. Đây là những minh chứng rõ ràng cho tên gọi Long Môn xưa của Thác Bờ trên sông Đà.

Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn còn chép: “Thác Bờ ở địa phận động Dĩ Lý và Hào Trang thuộc Mộc Châu. Một ngọn núi đứng sững giữa dòng sông Đà. Đá lớn lởm chởm. Mỗi năm đến ngày 8 tháng 4 từng đàn cá ngược dòng bơi lên những chỉ có vài con cá chép là lên được. Sách Giao Châu ký viết rằng: Có Long Môn nước sâu đến trăm tầm, cá lớn vượt lên đến đấy sẽ hóa thành rồng. Sách Sơn Đường dị khảo viết: Sông Long Môn ở huyện Mông, phủ Gia Hưng, nước An Nam. Nước sông chảy đến đấy thì hai bên bờ đá lớn chắn ngang, nguy hiểm. Ở giữa mở ra ba đường, nước tung tóe, bay xa đến mấy trượng, ầm ầm như sấm dội trống vang, xa hơn trăm dặm mà vẫn còn nghe được. Đến đây thuyền phải kéo lên bờ mới đi được. Bên cạnh có hang lắm cá Anh Vũ. [Chỗ các sách trên nói tới] chính là đây… Hạ lưu của Vạn Bờ… có núi Ngải, ngó xuống sông Đà. Bờ bên kia là xứ Ngòi Lạt. Tương truyền trên núi có thứ cây ngải tiên, về mùa xuân hoa trôi xuống sông, đàn cá nào hớp được là lên được Long Môn hóa rồng.” 

Vũ Long Môn là Thác Bờ trên sông Đà, nơi Tản Viên Sơn Thánh đã khơi dòng trị thủy. Xứ Ngòi Lạt là quê hương của Sơn Thánh, nằm 2 bên bờ sông Đà ở đoạn giáp núi Ba Vì, thời Nguyễn thuộc tổng Tu Vũ. Ngày nay con ngòi này vẫn còn mang tên Ngòi Lạt chảy từ ở địa phận huyện Đà Bắc của tỉnh Hòa Bình sang huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ.

Truyền thuyết ở Ba Vì kể Ngòi Lạt là đường nước mà Thủy Tinh đã mở để đánh tập hậu vào mặt Tây núi Tản. Nơi đây Sơn Tinh dùng lạt hóa ra lũy tre, cắm chông đá (Đá Chông) để chặn quân của Thủy Tinh. Cửa Ngòi Lạt chảy từ núi Tản ra sông Đà nay là Xóm Lặt, nơi có đền Hạ thờ Tản Viên Sơn Thánh ở xã Minh Quang, huyện Ba Vì. 

Núi Tản nhìn từ sông Đà.

Núi Tản như thế là ngọn núi có cây ngải tiên, hoa rơi xuống ngòi, cá đớp được vượt Thác Bờ sẽ hóa rồng. Ở khúc sông Đà này có nhiều cá Anh Vũ, là loài cá có hình dáng tựa như cá chép nhưng có chiếc mõm rất dày, cong, có màu sắc như mỏ vẹt. Cá Anh Vũ dùng chiếc mõm dày khỏe này để bám vào vách đá, ăn rêu nơi nước chảy xiết. Đến mùa sinh sản tháng 3-4, loài cá này bơi ngược dòng để tìm những hốc đá nước sâu mà đẻ trứng. Hình ảnh những con cá Anh Vũ vượt ghềnh Thác Bờ đã được điển tích hóa thành cá hóa rồng ở Vũ Môn.

Cá đi ăn thề còn là hình tượng của việc Sơn Tinh cùng hẹn với Thủy Tinh đến Phong Châu nơi vua Hùng kén rể để thi tài. Cá vượt Vũ Môn cũng là việc vua Đại Vũ trị thủy, khơi thông dòng sông, vượt qua được nạn hồng thủy, chiến thắng Thủy Tinh.

Tương truyền vua Đại Vũ khi trị thủy đã nhìn hình vẽ trên lưng một con Long mã mà sáng tạo ra Hà đồ. Theo đồ hình này thì số 4 là con số chỉ hướng Tây, số 8 chỉ hướng Đông, số 5 chỉ trung cung. Trong câu ca dao, cá tụ họp ăn thề vào ngày mồng 4 ở hướng Tây (Sơn Tây), để đi sang hướng Đông (mồng 8), vượt qua trung cung (số 5 – ngũ – Vũ môn) mà ra biển lớn mà hóa rồng. 

Long mã cõng Hà đồ.

Trong Ngũ hành, cá thuộc về hành Thủy (nước), Rồng thuộc về hành Mộc. Thủy sinh Mộc là một giai đoạn trong Ngũ hành tương sinh, nói về sự phát triển từ những nền tảng vật chất (hành Thủy) mà đạt được sự thăng hoa trong xã hội (hành Mộc). Đại Vũ Sơn Tinh thật sự là “cá hóa rồng” khi khơi dòng Hắc Thủy Đà Giang ở Long Môn Thác Bờ, rồi lên làm chủ thiên hạ họ Hùng của người Việt.

Hình tượng cá vượt Vũ Môn là một lời thề, là tấm gương ngàn năm của Tản Viên Sơn Thánh, vị vua lớn thời lập quốc, đã tìm tòi sáng tạo ra những tri thức về thế giới và nhân sinh (Hà đồ, Ngũ hành), nhờ đó nỗ lực vượt qua thiên tai, xây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân, đưa xã hội người Việt ở thủa hồng hoang phát triển lên một nấc thang mới.

Một lần nữa xin dẫn lời của Tản Đà, người được nhà văn Hoài Thanh xếp hàng đầu trong “Thi nhân Việt Nam”. Bài thơ “Thề non nước” với lời nguyện nước thề non lấy từ điển tích cá đi ăn thề và truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh ở vùng núi Tản sông Đà.

Nước non nặng một lời thề

Nước đi, đi mãi, không về cùng non

Nhớ lời “nguyện nước thề non”

Nước đi chưa lại, non còn đứng không…

Bài viết đăng báo Lao động cuối tuần ngày 27/9/2020.

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/doi-tuan-thang-tam-ca-an-the-839005.ldo

LỜI RU KHÔNG QUÊN VỀ NÚI THÁI CÔNG CHA VÀ SUỐI NGUỒN NGHĨA MẸ

Từ thuở lọt lòng, tôi đã được nghe câu ca dao ngọt lành như hương lúa:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu ca dao xưa nay đã trở thành làn điệu ru con phổ biến ở vùng Bắc Bộ. Nhưng có lẽ không chỉ riêng ở miền Bắc mà người mẹ, người con nào trên đất Việt cũng thuộc nằm lòng lời ru bao đời này. Tuy nhiên, mấy ai hiểu rõ, ngọn núi Thái công Cha và dòng suối Nguồn nghĩa Mẹ trong câu ca dao là ở đâu? Lời ru của cha, của mẹ ấy nhắn gửi tới chúng ta điều gì?

Suoi Cuu tuyen

Suối Bát Nhã đoạn trên đỉnh Phù Nghi, Tam Đảo.

1. Tiếp tục đàm đạo với sư thầy Tâm Hiệp về hành trình khám phá và vén những lớp sương mờ của thời gian để tìm về nguồn cội. Lần này, những gì sư thầy Tâm Hiệp cho tôi biết về câu ca dao công cha nghĩa mẹ, thực sự đã làm tôi bất ngờ và ngạc nhiên bởi sự mộc mạc nhưng chân xác của những thông điệp mà tiền nhân người Việt đã để lại.

Thầy Tâm Hiệp giải thích, trong câu ca dao này Cha và Mẹ là nguồn cội của người Việt, là những người đã dựng nên đất nước này, dân tộc này. Vì thế đây là những vị vua Hùng đầu tiên của người Việt mà sự tôn thờ họ đã được lưu truyền trong các bản Ngọc phả Hùng Vương cũng như trong các di tích tín ngưỡng bao đời nay trên mảnh đất Việt này.

Tuong DNCS

Tượng Đột Ngột Cao Sơn ở xã Hiền Lương.

Hiện nay tại xã Hiền Lương của huyện Hạ Hòa, Phú Thọ còn giữ được một pho tượng thờ vua Hùng đầu tiên là đức Đột Ngột Cao Sơn. Bức tượng này được thể hiện một cách uy nghi, Vua ngự trên long ngai bệ sư, đầu đội mũ bình thiên hình vuông, trán miện có hình mặt trời rực rỡ, khoác áo cổn có vẽ rồng chầu, hổ phục, phượng vũ, trang hoàng bằng hình sóng nước, núi non, hoa lá và cả chữ viết nữa. Hai tay đức vua chắp lại, cầm ngọc khuê. Đây có lẽ là bức tượng Hùng Vương cổ nhất còn bảo tồn tới nay. Xã Hiền Lương cũng là nơi có đền thờ Mẫu, mà bức tượng mẹ Âu Cơ trong đó đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Bức tượng Đột Ngột Cao Sơn ở đây được tạo tác cùng thời với tượng mẹ Âu Cơ, quãng vào đầu triều Nguyễn.

Theo thầy Tâm Hiệp, công Cha là công đức sáng lập của các vua Hùng. Vậy ngọn núi Thái của các vua Hùng là ở đâu? Bản Nam Việt Hùng Vương sử ký kể chuyện đức vua cha Lạc Long Quân khi đang còn là Thái tử như sau:

“Thái tử lên núi tìm kiếm mạch rồng, đến châu Thu Vật, châu Tụ Long ở xứ Tuyên Quang, nhận thấy mạch đất rồng chạy đến, Nghĩa Lĩnh đúc thiêng. Lại qua giáp với thượng lưu sông Hoàng, sông Nhị. Đầu sông Hán, sông Lô là đầu nguồn nước một nhánh sâu thẳm, dẫn mạch nước Nam. Tạo dưỡng hai mạch rồng chạy tới từ châu Bảo Lạc núi Côn Lôn, trên dưới hai đỉnh, cho đến Ải Môn Thủy Đỗ. Mạch từ Ngũ Nhạc, Côn Lôn Thái tổ của đất nước, là đất tổ Linh Sơn Phong Thứu.

Trăm vạn đầu núi dựa Đông Tây Nam Bắc, giống như bầy con. Lấy Côn Lôn Ngũ Nhạc Đại quốc làm núi Thái tổ cha mẹ, cùng đầu núi góc biển vạn nước, trùng trùng các nhánh, một mối quy đồng.

Ngọc phả này cho biết ngọn núi tổ của người Việt là núi Côn Lôn Ngũ Nhạc ở vùng Bắc Việt ngày nay. Núi này chạy từ ải môn cửa sông Hồng (Vân Nam – Lào Cai) qua Tuyên Quang đổ về Việt Trì. Tức là Côn Lôn Ngũ Lĩnh là dải núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nơi có đỉnh Phan Xi Păng cao hơn 3.452m, được ví như nóc nhà Đông Dương.

Bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền cũng ghi: “Đời đời các triều vua giữ quyền chính, khi thay tên sửa chỗ cho cơ đồ, đều có xe loan ngự giá đến điện Hùng Vương trên núi, phụng tế trời đất, đốt lửa vọng về núi Thái để tế các bậc tiền hoàng đế tiên vương đời trước cùng trăm thần nước Nam.

Các đời vua khi lên ngôi đều lên núi Nghĩa Lĩnh ở Việt Trì mà hướng vọng Thái Sơn. Ngọn Thái Sơn núi tổ người Việt là dải núi Hoàng Liên vời vợi. Câu ca dao lưu truyền của cha ông chắc chắn không ví công cha với ngọn núi nào ở tận phương Bắc, không có liên hệ gì với nguồn gốc người Việt.

2. Ngọn núi Thái tổ công cha người Việt là dãy núi Hoàng Liên, nơi các vua Hùng mở nước. Vậy còn dòng suối nguồn nghĩa mẹ là ở đâu?

Thầy Tâm Hiệp kể, cách đây không lâu, thầy cùng với Nhóm nghiên cứu di sản Đền miếu Việt đã có dịp khảo sát kỹ lưỡng khu vực núi Tam Đảo là nơi có tục thờ Tây Thiên quốc mẫu. Khi đến hành lễ tại đền Hóa ở xã Đại Đình, Nhóm đã bất ngờ phát hiện trong khám thờ Quốc mẫu còn lưu giữ một cuốn ngọc phả chữ Nho chép tay có tựa đề Ngọc phả sự tích Quốc mẫu Tây Thiên Tam Đảo tối linh từ. Đây là một ngọc phả hiếm có vì trong hầu hết các nơi thờ quốc mẫu Tây Thiên hiện nay đều không còn lưu lại được thần tích chữ Nho.

Ngoc pha Tay Thien

Bản Ngọc phả Quốc Mẫu Tây Thiên ở đền Hóa.

Khác với Ngọc phả Hùng Vương ở Phú Thọ, bản Ngọc phả đền Hóa Tây Thiên kể lại sự tích vị quốc mẫu có tên Thẩm, húy là Nhược Cảm. Đức quốc mẫu giáng sinh ở thôn Đông Lộ chân núi Tam Đảo. Khi đất nước có giặc, bà đã tập hợp quân binh trong vùng, kéo về Phong Châu giúp vua Hùng dẹp yên giặc dữ. Do có công phù Hùng diệt Ngô Thục nên bà được phong là Tam Đảo sơn Trụ quốc mẫu, tức là vị mẫu trụ quốc họ Hùng ở núi Tam Đảo.

Cũng ngay ở chính điện tiền tế của đền Hóa Tây Thiên có một đôi câu đối đặc biệt:

Nghĩa Lĩnh Cao Sơn phụ lập quốc

Bát Tuyền trường thủy mẫu nghĩa dân.

Ý nghĩa của câu đối này hoàn toàn tương đồng với câu ca dao về công cha nghĩa mẹ, nhưng cung cấp những chỉ dẫn rõ ràng hơn. Theo đó, Nghĩa Lĩnh là ngọn núi có đền Hùng, nơi thờ đức Đột Ngột Cao Sơn. Cao Sơn là vị Thái tổ đã lập ra quốc gia họ Hùng. Núi Nghĩa Lĩnh như thế chính là ngọn Thái Sơn của người Việt.

“Bát tuyền” là con suối mang tên Bát Nhã, bắt nguồn từ trên đỉnh Phù Nghi của núi Tam Đảo, chảy qua 9 khúc suối thì tới chân núi. Dòng suối này nước trong vắt, quanh năm không bao giờ cạn, được gọi là “cửu khúc hồi hoàn” hay là suối Cửu tuyền. Đây là dòng suối nguồn gắn liền với sự tích Mẹ Tây Thiên, đã tụ nghĩa giúp muôn dân trong buổi đầu dựng nước. Lấy theo tên núi Phù Nghi thì dòng suối Nghĩa là dòng suối linh thiêng, mạch nguồn của dân tộc, chảy từ trên Trời (ngọn Kim Thiên là đỉnh cao nhất của núi Tam Đảo) hàng ngàn năm qua vẫn không ngừng tuôn chảy.

Bia Bat Nha tuyen

Tảng đá có khắc bia “Bát Nhã tuyền” bên dòng suối ở đỉnh Phù Nghi, Tam Đảo.

3. Núi Nghĩa Lĩnh còn đền thờ cha Cao Sơn và dòng suối nguồn Cửu tuyền từ đỉnh Phù Nghĩa đến nay vẫn là nơi thờ mẹ. Câu ca dao mộc mạc, gần gũi mà thực thà giản dị như ngọn nguồn lịch sử dân tộc mình. Chính bởi nếp sống trọng về ân nghĩa, lấy hiếu đạo làm nền tảng mà ông cha ta đã đời đời thờ phụng, thương tưởng và kính ngưỡng tổ tiên. Nếp sống ấy từ bao đời nay được tiền nhân trao truyền và cháu con tiếp nối, trở thành nếp nhà với ban thờ gia tiên và sự sum vầy đoàn tụ trong những ngày lễ kỵ, trở thành nếp làng xã nơi đình, đền, miếu và các lễ hội. Rồi nó lại trở thành nếp sống của cả dân tộc với việc thờ kính vị quốc tổ Hùng Vương ngàn đời.

Cả dân tộc gọi nhau là anh em, chú bác, cháu con như một đại gia đình cùng chung một mẹ cha. Người Việt có chung một đạo, chính là Đạo Hiếu, làm nền tảng cho việc hình thành tinh hoa văn hóa Việt. Cho nên, mới có câu “Ly hương, bất ly tổ”, hay “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ”. “Đạo nhà” là nếp sống, là hồn nước và tính dân tộc của người Việt. Cũng nhờ ở quan niệm vì kính ngưỡng, thương tưởng mà lập ra thờ tự nên có những mảng ghép lịch sử xa xưa thật may mắn vẫn còn lưu lại được đến ngày nay qua. Lịch sử từ thời Cha sinh Mẹ đẻ vẫn như còn sống động qua từng di tích.

Minh Thi

335

Lịch rùa cống vua Nghiêu

Có nhiều thư tịch cổ ghi lại sự kiện họ Việt Thường cống một con rùa lớn cho vua Nghiêu, trên lưng có khắc chữ, được vua Nghiêu chép làm Quy lịch (lịch rùa). Ví dụ, Thuật dị kí của Nhậm Phưởng (thời Nam Bắc triều) viết:
Thời Đào Đường, nước Việt Thường dâng rùa thần nghìn tuổi, rộng hơn ba thước. Trên lưng có hoa văn, đều là chữ khoa đẩu, ghi lịch rùa từ thủa mới mở mang đến nay.
Sự tích này thường được sách sử hiện nay coi là sự kiện “ngoại giao” đầu tiên của người Việt. Tuy nhiên, với những dữ liệu và thông tin mới, sự kiện này được nhìn nhận thực chất là một việc khác.
Chua An LichChùa An Lịch ở chân núi Lịch.
Xem phần Ngu thư trong Thượng Thư (Kinh Thư) chép Đế Nghiêu đã sai Hy Thúc đến Nam Giao, quan sát mặt trời di chuyển về phương Nam, ghi ngày Hạ chí. Lúc ngày dài nhất, sao Hỏa đầu hôm ở đỉnh đầu sẽ là ngày trọng Hạ (giữa mùa Hạ).
Đế Nghiêu đã sai người đi 4 phương, quan sát trời đất thiên văn để định làm lịch. Người được cử đi phương Nam là Hy Thúc đã đến Nam Giao để đảm nhận việc làm lịch này. Nam Giao rõ ràng là chỉ vùng đất Bắc Việt ngày nay, cũng có tên gọi là Việt Thường Thị. Đối chiếu 2 ghi chép thời Đế Nghiêu ở trên ta thấy Việt Thường Thị ở Nam Giao là ông Hy Thúc, người đã dâng lịch rùa lên cho Đế Nghiêu.
Việt Thường có nghĩa là vùng phía Nam đất Việt vì Thường – Thẳng, đối lập với Cong, là 2 dịch tượng chỉ hướng Bắc Nam. Việt Thường do đó tương ứng với Nam Giao hay Nam Man Giao Chỉ (từ dùng của Ngọc phả Hùng Vương).
Lich Son
Núi Lịch ở Sơn Dương, Tuyên Quang.
Nhà bác học Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục đã ghi chép khá rõ về núi Lịch Sơn ở vùng Tuyên Quang, có đền thờ Đế Nghiêu và là nơi Đế Thuấn đi cày bên đầm Lôi Trạch. Tên gọi Lịch Sơn, quê hương của Đế Thuấn đã cho thấy Đế Thuấn chính là Hy Thúc, người đã cống lịch rùa cho Đế Nghiêu. Ngọn núi Lịch ngày nay ở huyện Sơn Dương của Tuyên Quang vẫn còn lưu dấu tích. Ngọn núi này có một đỉnh nhọn dựng đứng, giống như một tấm bia đá được dựng trên lưng một con rùa lớn. Trên đỉnh núi còn di tích Ao Trời, tương truyền là nơi ngự của Đế Thuấn.
Sách Thuật Đế cống nguyệt minh của Phục Thao viết: “Văn lịch rùa là chữ của người Hồ Man”. Đế Thuấn được coi là một dòng người Di dưới thời Đế Nghiêu. Tới nay, ở khu vực Bắc Việt người Mường vẫn còn lưu truyền và sử dụng loại lịch gọi là “Trừ đá rò”, tương truyền có từ thời Hùng Vương. Trừ đá rò có thể chính là loại lịch rùa được Đế Thuấn tạo ra.
Chính sự phát triển của sản xuất nông nghiệp mà Đế Thuấn đại diện với sự tích đi cày Lịch Sơn người Việt đã sáng tạo ra Lịch pháp, gắn với đời sống sản xuất lúa nước.
Bia RuaBia chùa An Lịch.
Bài trước đã xác định, Đế Thuấn được Ngọc phả Hùng Vương ghi là Ất Sơn Thánh vương. Đế Nghiêu là Viễn Sơn hay U Sơn Thánh vương. 2 vị được thờ phổ biển ở vùng chân núi Lịch trong bộ Tam vị Hùng Vương Thánh tổ.
Đế Thuấn vì công khai mở đất Nam Giao, cày ruộng, đánh cá, săn bắt, làm gốm, lại có công sáng chế ra lịch pháp nên đã được Đế Nghiêu gả 2 con gái và truyền ngôi vị cho. Ngọc phả Hùng vương chép là chuyện vua Hùng gả công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung cho Sơn Tinh sau cuộc kén rể ở bến Việt Trì. Do đó, tục thờ Tam Sơn Hùng vương ở vùng đất tổ luôn kèm theo thờ ban Hai Cô công chúa hoặc 2 vị Long thần, Thành hoàng.
Ban do
Bản đồ thời Nguyễn vẽ núi Lịch có một đỉnh dựng đứng như tấm bia.