Hùng Vương tứ hiếu Bài 2: Tản Viên Sơn Thánh

Gương hiếu thứ hai thời Hùng Vương là Tản Viên Sơn Thánh. Thánh Tản được biết nhiều qua truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh nổi tiếng, nhưng câu chuyện hiếu hạnh của Thánh Tản với mẹ đẻ, mẹ nuôi khi còn niên thiếu lại ít người biết tới.

Nhờ hiếu với mẹ đẻ mà được phép thuật gậy thần

Cuốn ngọc phả của núi Ba Vì là Tản Lĩnh ngọc ký kể, Tản Viên Sơn Thánh có tên là Nguyễn Tuấn, sinh ra ở động Lăng Sương (nay thuộc Thanh Thủy, Phú Thọ). 

Khi Nguyễn Tuấn 6 tuổi thì cha mất. Bảy tuổi, mẹ con dắt nhau đến núi thiêng Thứu Lĩnh Ngọc Tản ở xứ Mang Bồi mà ngụ cư tại đó. Lại kết thân cùng với một lão bà ở núi ấy tên là Ma Thị Cao Sơn Thần nữ. Được ba năm, nhớ đến mộ phần gia đình, bèn trở về động cũ Lăng Sương, đổi tên là Nguyễn Tùng.

Khi lên 12 tuổi Nguyễn Tuấn bắt đầu theo nghiệp với tiên sinh Lý Đường chuyên tâm học hành. Tuy là ngõ cụt ngách hẹp nhưng tính tình vui vẻ vốn có không đổi. Ngày ngày kiếm góp cây khô, búa rìu tiêu dao làm kế sinh nhai. Đêm đêm bên án tuyết song huỳnh một bầu rượu ngon làm thú vị. An bần lạc đạo, coi đó như chí lớn vậy. Tuy nhiên đôi khi cảm thương mẹ vất vả, xót xa mẹ cực nhọc, nên thường bỏ sách thở dài, gạt nước mắt mà rằng:

– Sinh ra ta, nuôi nấng ta là lòng yêu thương của mẹ hiền, sánh như chuyện ba lần di dời. Nay tình cảnh như thế này, không có gì để an ủi mẫu thân.

Tản Lĩnh Sơn Ngọc phả của đền Và, Sơn Tây.

Lời của Nguyễn Tuấn nhắc đến tích “Mạnh Mẫu tam thiên” kể mẹ của Mạnh Tử đã 3 lần dời chỗ ở để con mình có môi trường sống và học tập tốt nhất. Người sinh ra Thánh Tản là bà Đinh Thị Điêng (Đen), đã vất vả một mình nuôi con khôn lớn, ăn học, từng phải dời quê lên núi kiếm kế sinh nhai.

Ngày qua năm lại, Nguyễn Tuấn mới đến núi thiêng Ngọc Tản kêu than với lão bà Ma Thị rằng:

– Ô hô! Vận trời tuần hoàn, việc người thường biến. Trước đây ở động Lăng Sương khó khăn, tạm còn đủ ăn. Ngày nay, rừng đã cạn củi, cách nuôi mẹ như chim yến đợi mồi. Chí tình của người con có hiếu biết làm sao đâu. Con nguyện xin làm con nuôi của Lão bà để ngày tiện hái củi, sau là có thể nuôi dưỡng được mẹ nuôi vậy.

Lão bà nghe lời than đó bèn đồng ý. Nguyễn Tùng dẫn mẹ đến cùng ở trên núi Tản Viên. Sau đó được 1 năm thì Thái bà qua đời. Nguyễn Tùng làm lễ chôn cất. Sau cùng với Lão bà Ma Thị cùng sống tại đó.

Nguyễn Tùng để phụng dưỡng được mẹ già đã nhận lão bà Ma Thị làm mẹ nuôi. Khi bà Đinh Thị mất, Nguyễn Tùng sống cùng với dưỡng mẫu ở trên núi Tản Viên, hàng ngày lên núi kiếm củi.

Tản Viên Sơn Thánh và Đinh Phi Thánh Mẫu ở đền Lăng Sương.

Một hôm lên đỉnh núi thiêng để chặt một cây lớn cành dài. Ngày hôm đó quay về báo cho người trong động cùng lên trên núi để lấy cây gỗ đó, nên tới hôm sau đến nơi thì đã thấy cây gỗ cành lá tươi tốt y như cũ. Nguyễn Tùng tự thấy làm lạ, lại chặt cây một lần nữa. Chặt xong giả vờ đi rồi quay về phục ở đó để xem xét. Tới ban đêm bỗng thấy một lão ông thân cao một trượng, râu trắng phơ, đầu đội mũ hoa, mình khoác áo gấm, lưng thắt đai vàng, chân xỏ hài mây, tay phải cầm một cây gậy trúc…

Ông lão miệng đọc thần chú, lấy gậy chỉ vào cây. Bỗng thấy tất cả một bên gió mát thổi đến, lành mây bao phủ, tinh thần của rừng núi hội tụ, đất trời biến hóa trong chớp mắt. Cây gỗ sống lại. Nguyễn Tùng nhìn thấy rõ ràng, liền chạy ngay lại nơi đó, hai tay ôm lấy ông lão, hỏi rằng:

– Cụ là người ở đâu đến, xưng hô thế nào? Sao lại thương tiếc một cành cây già để mất nỗi trông mong của người dân đói rét?

Ông lão nói:

– Ta là Sơn Tinh Thái thần, tên là Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi Thiên tướng, vâng nhận sắc hạ của Ngọc Hoàng, canh giữ vùng rừng núi. Nay cái cây này là cây Ngô đồng quý giúp đời sinh thánh, đất dựng lầu phượng, chính là cây chủ của núi Ngọc Tản trời Nam, không thể chặt được. Cho nên ta phải giữ cây quý để cầu cho núi sông được vững bền, quốc gia được trị lâu dài bởi vua sáng, để thiên hạ có những ngày thái bình vậy.

Nguyễn Tùng chắp tay tạ và nói:

– Một lời nói của Thiên tướng đã sáng tầm nhìn của tôi. Đâu dám không theo mệnh. Đúng là sự đời như ngựa hoang, thói đời như phù du. Có có không không, sinh sinh hóa hóa. Cơ vi khó ngờ, sự đổi khác thường. Cả trời đất này cùng chung lý đó. Tùng tôi nay nguyện được nhận gậy thiêng cùng với thần chú để cứu sự sinh tử của nhân gian, để báo ơn sâu của cha mẹ, sau là để nhờ được ban phép mà không còn phải hái củi nuôi mẹ.

Ông Lão nghe lời nói đó, biết là người đại hiếu, không phải là người thường, bèn lấy gậy thần cùng thần chú truyền thụ cho. Rồi lại dặn rằng:

– Đầu trên của gậy có thể cứu người. Đầu dưới có thể trừ hại chúng. Chỉ đất đất nứt, chỉ nước nước cạn. Phép thực linh nghiệm, cơ sâu diệu huyền. Nếu chỉ trời thì mây bạt sương tan, chiếu tận cửu trùng. Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận! Không thể! Không thể!

Dặn xong, thần Thái Bạch bay lên không mà đi. Nguyễn Tùng từ khi có được gậy thần, vui mừng trở về động núi Tản Viên, bái tạ mẹ nuôi, lại đem mộ cốt của mẹ về động cũ Lăng Sương. Nhân đó tự xưng là Thần sư.

Nguyễn Tùng với lòng thành báo hiếu cha mẹ, cứu giúp chúng sinh đã cảm động Thái Bạch Thần Tinh và nhận được cây gậy thần đầu sinh đầu tử trên núi Tản. Từ đó Nguyễn Tùng trở thành Thần sư, có phép thuật không lường. Cũng bởi có lòng nhân đức, Thần sư đã cứu sống con rắn bị đám trẻ chăn trâu đánh chết bên bãi sông Đà, để rồi rắn hóa ra là Thái tử Long cung, dẫn Thần sư xuống Thủy phủ, được Động Đình Đế Quân đền ơn đáp nghĩa bằng cuốn Sách ước diệu kỳ.

Tỏ lòng hiếu với mẹ nuôi nên được truyền đất nước

Lại nói Thần sư trở về động Lăng Sương, gậy chú để cầu, sách thần để ước, tự nhiên hóa sinh thành lầu gác vạn vật, vàng bạc châu báu, đầy đủ mang tới núi thiêng Ngọc Tản. Thần sư nói với Lão bà rằng:

– Nghĩa tử từ lúc hàn vi cùng ở với mẹ. Công đức của mẹ lớn như trời vậy. Được một bữa cơm cũng tất đền đáp, huống chi là ơn sâu huệ dầy. Sao có thể quên tình? Hôm nay đến đây cảm vận thần vận quỷ, có ít nhiều là để báo công đức này.

Bèn lấy sách thần ngầm khấn trời đất, đọc ước một phép. Tự nhiên một trận mây mưa ập đến, sấm chớp nổi lên cùng sấm vang dậy trời, mưa châu ngọc khắp đất. Được nửa canh giờ bỗng thấy tiền vàng từ không trung rơi xuống trăm vạn ngàn quan. Thần sư lấy mang vào cung dâng cho dưỡng mẫu.

Đền Trung Ba Vì.
Chính điện đền Trung Ba Vì.

Thần sư khi đã thành pháp, được cả gậy thần trên núi, sách ước dưới biển, nhưng vẫn không quên ơn cha mẹ, tìm cách báo hiếu dưỡng mẫu một cách đầy đủ nhất.

Dưỡng mẫu thấy tấm lòng nhân hậu, ngầm mừng muôn việc đủ đầy. Bèn đem các vật rừng núi trao lại cho Thần sư để mình sau khi trăm tuổi có nơi thờ phụng, cúng tế. Nhân đó lập một bản chúc thư để mãi ngàn vạn đời coi giữ việc hương lửa miếu đường.

Thần nữ Ma Thị Cao Sơn ở núi làng quê Mang Bồi, sách Thủ Pháp, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, xứ Hưng Hóa, nước Văn Lang nay lập chúc thư.

Sự là ở tại động này, núi sông, khe suối, miếu mạo, cỏ cây, rừng rú, trước giờ đến nay đều là của tôi. Nghĩ mình sau khi trăm tuổi, thân về chốn Bồng Lai, tất việc hương hỏa xuân thu không ai phó thác phụng sự gia đường.

Năm nay đang là năm Quý Dậu, có một người con nuôi quê ở cùng huyện tại động Lăng Sương là Nguyễn Tuấn, từ nhỏ đã chung sống xem như con đẻ. Nay Ma Thị tôi tuổi đã ngoài 90, chỉ sợ mệnh trời chưa biết sớm tối ra sao, muốn kê khai ra đây mọi vật, nhất nhất ghi rõ trong chúc thư, giao lại cho Nguyễn Tuấn tuân theo mệnh của mẹ mà coi giữ các vật trong núi, mãi mãi không rời, lưu truyền vạn đời để làm hương hỏa phụng thờ. Trời đất có lẽ, xưa nay có luật, nên lập một đạo để lại ý này này cho người đời sau mãi tuân theo. Những nơi sở hữu núi sông, đất đai, khe suối, miếu mạo, cao rộng trượng xích thế nào đều được kê khai như sau, cứ chiếu theo đó mà sử dụng…

Hai Mẫu của Thánh Tản ở đền Tứ Đền, Lương Sơn, Hòa Bình.

Lại một lần nữa, tấm lòng nhân hậu và hiếu hạnh của Thánh Tản nhận được đáp đền xứng đáng. Lão bà Ma Thị đã để lại toàn bộ đất đai rừng núi sông ngòi giao cho Thánh Tản. Đây có thể xem như Thánh Tản đã được trao quyền cai quản toàn bộ vùng núi Tản Viên, trở thành một thủ lĩnh của đất nước.

Được 1 năm, Ma Thị mắc bệnh, gọi Thần sư lại đưa cho chúc thư mà rằng:

– Sau khi Ma Thị ta mất, con đặt cho một cỗ thọ đường ở trong miếu đường để phụng sự, để cho tỏ hiếu đạo.

Thần sư dập đầu lĩnh mệnh. Ngày hôm đó Ma Thị qua đời. Thần sư làm lễ an táng, thiết lập đền miếu, lại bày một cỗ thọ đường ở bên trái, bốn mùa hương lửa phụng thờ theo phép tắc. Đến nay hiện vẫn còn.

Cỗ quan tài của Ma Thị Cao Sơn Thần nữ bày trên đền Trung Ba Vì là minh chứng cho tấm lòng hiếu thảo của Thánh Tản, đã được trời đất, sông núi và người ủng hộ. Thánh Tản 3 lần thành đạo, thành nghiệp cũng đều là từ lòng hiếu và nhân của mình. Nhờ có gậy thần, sách ước và đất đai vùng núi Tản mà Sơn Thánh đã cùng nhân dân chống lũ lụt thành công, đánh thắng quân Thục, lên ngôi thay vua cha thống nhất thiên hạ. Tản Viên Sơn Thánh đã làm nên một thời mở nước huy hoàng, trở thành vị Thánh Tổ trời Nam.

Bài thơ trong Ngọc phả sách Tang Ma có đoạn ca ngợi Tản Viên Sơn Thánh:

Thế thời vua trị, Đường Nghiêu thịnh

Quảng đại Sơn Tinh, Ngu Thuấn vang.

Theo trời là Tiên, người là Thánh

Trung thần với nước, hiếu gia đường.

(còn nữa)

https://congdankhuyenhoc.vn/hung-vuong-tu-hieu-bai-2-tan-vien-son-thanh-179221022172218405.htm

Hùng Vương tứ hiếu Bài 1: Hùng Hi Vương Thánh Tổ

Hiếu là đức hạnh hàng đầu của con người. Từ thời các vua Hùng dựng nước, người Việt đã có những tấm gương về đức hiếu hạnh lưu truyền hậu thế. Hiếu đức của các bậc vua sáng tôi hiền đã làm nên những thời kỳ phát triển thịnh vượng trong hơn 4.000 năm lịch sử của dân tộc ta.

Vua Thuấn cày đồng Lịch Sơn

Ca dao Việt và quan họ Bắc Ninh lời cổ có câu hát:

Rủ nhau đi cấy xứ đương
Cấy cho vua Thuấn ở đồng Lịch Sơn.

Câu hát nói đến một điển tích có từ lâu đời là vua Thuấn, vị vua nổi tiếng đứng đầu trong danh sách Nhị thập tứ hiếu. Truyện về gương vua Thuấn hiếu cảm động trời kể:

Nguyên cha của Thuấn là người hung bạo, không biện biệt được người hay kẻ dở, người đương thời đặt tên là Cổ Tẩu (người mù mắt). Mẹ của Thuấn mất sớm, Cổ Tẩu tục huyền với người đàn bà sau này sinh ra Tượng. Vì có lời gièm pha của người kế mẫu và đứa em ngỗ nghịch cùng cha khác mẹ, Cổ Tẩu không ưa Thuấn và định bụng giết đi. Biết thế, nhưng Thuấn vẫn giữ trọn chữ hiếu đối với cha và người dì ghẻ ác nghiệt, hòa thuận với đứa em độc ác, không một lời than oán.

Một số tranh ghép sứ tích Đế Thuấn cày voi ở đình làng tại Huế.

Khi cha bắt đi cày ở đất Lịch Sơn cốt tìm cách trừ đi, vì nơi đây có tiếng là nhiều thú dữ hay ăn thịt người. Nhưng tấm lòng hiếu thảo và hòa mục của Thuấn động đến lòng trời, cả đàn voi ra giúp Thuấn cày đất và muông chim vô số đáp xuống nhặt cỏ hộ. Thấy không hại được Thuấn, Cổ Tẩu và người dì ghẻ sai Thuấn đánh cá ở Hồ Lôi Trạch, nơi có nhiều sóng to gió lớn, nhưng khi Thuấn đến thì sóng lặng gió yên.

Đến khi được vua Đường Nghiêu truyền ngôi, suốt 18 năm trị vì, Đế Thuấn chỉ ngồi gảy đàn hát khúc Nam Phong mà trị bình thiên hạ, nhà nhà đều lạc nghiệp âu ca.

Liên quan đến sự tích vua Thuấn, ở Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ có hội làng Tứ Xã với trò Trám. Tứ Xã là nơi có các di chỉ khảo cổ học nổi tiếng thời Hùng Vương như Gò Mun, Đồng Đậu con, Gót Rẽ… Trò Trám ở Tứ Xã là trò trình nghề tứ dân Sĩ – Nông – Công – Thương, trong đó có vai một người diễn tích “vua Thuấn cày voi” với lời hát ca trù như sau:

Vốn tôi đây dòng dõi thần minh

Kẻ tên hiệu tôi là Ngu Thuấn.

Nghĩ cha mẹ tôi càng oán hận

Hận ở điều ăn ở không cân.

Em dượng tôi ngạo mạn bất nhân

Ân tôi phải dĩ nông vi bản.

Tôi cũng mong hữu gia hữu sản,

Nhác trông lên núi Lịch tốt thay

Ân tôi phải bắt voi cày núi đá.

Núi Lịch Sơn, nơi vua Thuấn bắt voi đi cày ở đâu mà quan họ Bắc Ninh và ca trù Phú Thọ lại nhắc tới ngọn núi này?

Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cho biết xã Yên Lịch ở dưới núi cũng có miếu Đế Thuấn, 6 xã trong 1 tổng cùng phụng thờ. Ruộng này nằm ở phía bên phải xứ Ngòi Vực, rộng chừng 1 trượng, khá dài. Nước sông Lô mùa thu thường tràn vào. Tương truyền, ở bên bến sông này Đế Thuấn làm đồ gốm. Bên cạnh chỗ dân cư, có một cái giếng cổ, người ta cho là Đế Thuấn đào giếng ấy. Ở đó cũng có miếu Đế Thuấn, trước miếu có ruộng hè, rộng chừng vài mẫu, khá sâu. Người ta cho đó xưa là đầm Lôi, nơi Đế Thuấn đánh cá và cày ruộng.

Núi Lịch nhìn từ cánh đồng thôn An Lịch.

Lịch Sơn, nơi Đế Thuấn cày ruộng, đào giếng, làm gốm, đánh cá không ở đâu xa mà ở ngay huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang. Cũng sách Kiến văn tiểu lục chép tiếp:

Núi Sáng là ngọn cao nhất trong dãy núi Lịch. Trên núi Sáng cũng có đền thờ Đế Thuấn. Đằng trước núi lại đột khởi một ngọn núi đất hơi thấp, đỉnh núi như hình ghế chéo, trong núi có chỗ rộng ước dăm sào, có thể gieo được trăm bung mạ (nhổ mạ lên rồi buộc lại gọi là đon, mỗi đon phỏng 2,3 chét tay, 40 đon là một bung, bung là xâu những đon mạ gánh ra ruộng để cấy; thông thường khi xưa, cứ mỗi sào ruộng cấy 15-20 đon, trăm bung là 4.000 đon gieo khoảng 5 sào. Tương truyền chỗ ấy Đế Thuấn cấy lúa, nhân dân mới gọi là Bách Bung).

Núi Sáng còn có tên là Lãng Sơn, nay thuộc huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Địa danh Yên Lịch xưa đến nay vẫn còn, trong tên thôn An Lịch của xã Đông Lợi (Sơn Dương, Tuyên Quang). Trước đây nơi này được gọi là tổng Yên Lịch, nằm dưới chân núi Lịch, là một vùng ruộng lúa chiêm ven sông Lô. Đây là đầm Sấm hay Lôi Trạch được nói đến trong truyền thuyết về Đế Thuấn.

Ất Sơn Thánh Vương ở vùng đất tổ

Sách Kiến văn tiểu lục cho biết: Núi Lịch ở xã Yên Lịch huyện Sơn Dương, từ núi Sư Khổng ở huyện Đương Đạo mà chạy xuống, tới nơi đất bằng thì đột ngột nổi lên một ngọn núi có 5-6 đỉnh, giăng ngang ra chia thành một nhánh tới Lập Thạch là Lãng Sơn, một nhánh tới Tam Dương là núi Hoàng Chỉ. Trong núi Lịch ở đỉnh cao nhất có 5-6 chỗ bằng phẳng như đền đài, có động Đế Thuấn rất thiêng. Hoa quả trên núi người ta có thể hái ăn, nhưng không được mang đi. Ai mang đi sẽ bị lạc vào mê lộ, không thể ra được. Phía trên động Đế Thuấn có đền Đế Nghiêu, cúng bằng cỗ chay.

Ở An Lịch tới nay vẫn lưu truyền rằng trên núi Lịch có di tích của Đế Thuấn. Trên núi có một ao nước rộng chỉ 5-6m nhưng rất sâu, xung quanh có những cây quýt tươi tốt. Người dân địa phương kể, quả của cây này có thể hái ăn, nhưng nếu chỉ nhỡ cất một quả trong túi mang về thì sẽ như bị che mắt, đi vòng quanh 7 lần không ra được khu Ao Trời đó.

Đình An Lịch từ xưa thờ Ất Sơn Đại Vương, là vị vua Hùng thứ ba trong Tam vị Hùng Vương Thánh Tổ được thờ ở đền Hùng (gồm Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn và Ất Sơn Thánh Vương). Cũng ở vùng chân núi Lịch này còn có nhiều di tích thờ ba vị vua Hùng như đình Quang Tất, đình Thọ Vực và đền Ất Sơn.

Đình Quang Tất ở xã Hào Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) thờ ba vị vua Hùng là Cao Sơn, U Sơn và Ất Sơn. Cụ thủ từ đình Quang Tất cho biết, trước đây ở bên đình có 2 ông ngựa trắng và hồng bằng gỗ, đến ngày hội, dân làng kéo 2 ông ngựa này ra Mả Vua ở ngòi nước dưới chân núi Lịch để làm lễ. Vị vua có đền thờ trên núi Lịch cũng là một trong những vị vua Hùng được thờ ở đình. Tức là Đế Thuấn chính là Ất Sơn Thánh Vương, được thờ là quốc tổ ở đền Hùng.

Đền Ất Sơn sau bóng 2 cây đa cổ thụ.

Thông tin di tích Mả Vua ở An Lịch trùng khớp với chỉ dẫn huyệt mộ được chép trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả: Ba huyện Sơn Dương, Tam Dương, Tây Lan của phủ Đoan Hùng phụng thờ Hùng Vương, vì Hoàng Đế lập lăng điện tôn quý ở đầu núi Tam Đảo, Bạch Long, ở giữa mộ phần Tây Thiên, Phù Nghĩa có 2 huyệt, cùng lăng điện tôn quý trên các đỉnh núi hiểm Sơn Dương, Lịch Sơn, ở trong núi dưới chùa là lăng tôn quý ở bên đầm.

Đình Thọ Vực thuộc xã Hồng Lạc (Sơn Dương, Tuyên Quang) cũng là nơi thờ 3 vị vua Hùng. Lễ hội đình Thọ Vực nay đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều trò diễn dân gian. Trong lễ hội cũng có trò diễn Vua đi cày, diễn tả lại sự tích vua Hùng xuống đồng tại đây. Trò diễn Vua đi cày ở đình Thọ Vực như thế là nói đến sự tích Đế Thuấn đi cày ở đồng Lịch Sơn, tương tự như bài ca trù trình nghề trong hội làng Tứ Xã.

Đặc biệt hơn nữa, không xa đình Quang Tất còn có ngôi đền cổ không biết từ bao giờ. Ngôi đền mang tên đền Ất Sơn. Đây thực sự là một điều bất ngờ, một bằng chứng đến hiển nhiên về vua Hùng Ất Sơn là Lịch Sơn Đế Thuấn. Đền Ất Sơn cũng giống như ở đình Quang Tất và Thọ Vực thờ 3 vị vua Hùng. Nơi đây còn giữ được lễ hội Cầu đinh cầu lão cổ xưa với nhiều trò tích diễn. Khi được hỏi vì sao đền có tên là Ất Sơn thì cụ thủ từ cho biết nơi đây vốn từng mang tên này, sau cách mạng mới đổi thành châu Tự Do. Tra lại địa bạ cũ thì ra nơi đây vốn là tổng Át Sơn. Những chữ Ất – Át – Út Sơn đều chỉ là một vị thần, vị vua Hùng thứ 3 trong Tam vị Thánh tổ Hùng Vương.

Những di tích thờ Hùng Vương ở chân núi Lịch đã cho phép xác định Ất Sơn Thánh vương chính là Đế Thuấn. Như thế còn vị vua Hùng thứ hai Viễn Sơn hay U Sơn phải là Đế Nghiêu, người đã nhường ngôi cho Đế Thuấn. Điều này cũng dẫn đến một xác nhận khác, 2 vị công chúa họ Hùng được thờ cùng với Tam vị Thánh tổ Hùng Vương là 2 con gái của Đế Nghiêu đã gả cho Đế Thuấn.

Ở các di tích trên vùng đất tổ Hùng Vương, 2 công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung thường được thờ bằng ban Hai Cô, hoặc trở thành 2 vị “thành hoàng”, thờ cùng với 3 vị Cao Sơn, U Sơn và Ất Sơn. Khu vực ven sông Lô của huyện Phù Ninh, Phú Thọ có tục thờ Ất Sơn và Hai Cô là bởi đây là nơi Đế Thuấn đã rước dâu qua sông, từ vùng kinh đô ở Việt Trì về miền quê núi Lịch ở Tuyên Quang.

Đình Thọ Vực ở xã Hồng Lạc, Sơn Dương, Tuyên Quang.

Đức hiếu của Hùng Hi Vương

Đế Thuấn đi cày ở Lịch Sơn là Ất Sơn Thánh Vương, vị vua Hùng thứ 3 trong Tam vị Thánh tổ Hùng Vương. Lịch cũng nghĩa là “lịch pháp”, liên quan đến lịch khắc trên lưng rùa. Trong sử Việt có chuyện họ Việt Thường cống lịch rùa cho vua Nghiêu như sau:

“Đời Đào Đường, phương Nam có Việt Thường thị qua hai lần sứ dịch sang chầu, dâng con rùa thần; có lẽ nó được đến nghìn năm, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là quy lịch (lịch rùa)”.

Có thể thấy họ Việt Thường ở phương Nam cống rùa cho Đế Nghiêu chính là Lịch Sơn Đế Thuấn. Hơn nữa, Kinh Thư chép: “(Vua Nghiêu) sai Hi Thúc đến Nam Giao, quan sát mặt trời di chuyển về phương Nam, ghi ngày Hạ chí. Lúc ngày dài nhất, sao Hỏa đầu hôm ở đỉnh đầu sẽ là ngày trọng Hạ (giữa mùa Hạ). Dân ăn mặc quần áo mỏng, chim thú thay lông”.

Bia rùa chùa An Lịch.

Hi Thúc cũng là Đế Thuấn, người đã tuân mệnh Đế Nghiêu đi khai mở đất Nam Giao, xem thiên tượng mà đề ra lịch pháp. Nam Giao chính là đất Việt Thường xưa.

Đế Thuấn, gương hiếu hạnh đứng đầu Nhị thập tứ hiếu xưa là Hùng Hi Vương, vị Thánh Tổ thứ 3 trong ngọc phả Hùng Vương. Ất Sơn Thánh Vương là người rất có hiếu đễ trong gia đình, sáng tạo trong công việc nông tang, phát triển nghề thủ công làm gốm, sáng chế ra lịch pháp gắn liền với nông nghiệp bên núi Lịch Sơn. Bởi những đức hạnh và công lao này, Ất Sơn đã được vua Hùng Viễn Sơn truyền lại ngôi vua, cai quản thiên hạ. Tên Hi Vương cũng gắn liền với núi Hùng Nghĩa Lĩnh thuộc xã Hi Cương ngày nay.

Chữ Hiếu của Ất Sơn Hi Vương không chỉ là hiếu với cha mẹ, mà đó là sự hiếu hiền trong đối nhân xử thế, sống hết lòng vì mọi người, thu phục được nhân tâm mà trở thành vị vua sáng của thời đại Nghiêu Thuấn thịnh trị trong lịch sử.

Lời tựa trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả nói: Sự trọng yếu của quốc gia, căn bản gốc rễ của thiên hạ là giúp thành cho người dân cày ruộng, đào giếng, làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nước giàu quân mạnh, trị vạn dân, biết lấy trọng dưỡng sức dân làm nền tảng.

(Còn nữa)

https://congdankhuyenhoc.vn/hung-vuong-tu-hieubai-1-hung-hi-vuong-thanh-to-179221021100847789.htm

Bà Giàng và Tứ pháp

Ở miền Trung, có một vị thần được thờ rất phổ biến dọc ven biển từ Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đến Đà Nẵng, Quảng Nam. Vị thần có cái tên khá dân gian: Bà Giàng.
Bà Giàng là ai mà lại được thờ phổ biến như vậy? Để nhận diện vị thần này, hãy điểm qua các di tích thờ Bà Giàng ở vùng ven biển Trung Bộ.

Truyền thuyết về Thai Dương phu nhân

Một ngôi miếu cổ nổi tiếng ở cửa biển Thuận An (Huế) là miếu Bà Giàng. Sự tích ngôi miếu này đã được ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí và vị thần Thai Dương phu nhân thờ ở miếu đã được triều đình nhà Nguyễn nhiều lần sắc phong. Truyền thuyết về Thai Dương phu nhân được kể như sau:

Miếu Bà Giàng ở Thuận An, Huế.

“Có một ngư phủ ra làm nghề biển, nằm gối đầu lên khối đá mà ngủ. Ông nằm mộng thấy người đàn bà mang thai lay đầu mình dậy bảo rằng: “Chớ chạm vào thai ta”. Ngư phủ tỉnh dậy không thấy ai khấn rằng: “Thần có thiêng xin đêm nay phù hộ cho ta bắt được nhiều cá”. Quả nhiên, hôm đó ông đạt được ý nguyện như lời cầu xin. Dân chài trong địa phương cùng nhau lập đền thờ. Mỗi lần họ cầu xin điều gì đều được như ý”.
Tục thờ Thai Dương phu nhân gắn liền với tục thờ đá cổ. Miếu Bà Giàng nay nằm ở làng Thai Dương, Thuận An. Dễ nhận thấy âm Giàng đã được ghi trong sách vở bằng chữ “Dương”. Còn chữ “Bà” được dịch ra thành “phu nhân”.

Đá thờ trong nội điện miếu Bà Giàng ở Thuận An, Huế.
Bài vị Thai Dương phu nhân thượng đẳng thần ở miếu Bà Giàng, Thuận An, Huế

Câu đối ở miếu Thai Dương phu nhân:
Bạt thác hóa sinh, thiếp hải trừng ba chương thánh trạch
Thai dương hiển hiện, đằng vân giá vũ diệu thần cơ.

Dịch:
Dấu mạnh hóa sinh, biển lặng sóng yên ngời đức thánh
Thai trời hiển hiện, đi mây về gió khéo cơ thần.

Ở thôn Thanh Phước xã Hương Phong, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng có một viên đá được vua Nguyễn phong là “phu nhân”. Đó là “Kỳ Thạch phu nhân”, một tấm đá có khắc chạm tượng. Đây là tấm phù điêu của một tháp Chăm cổ được người dân tìm thấy trên bãi cồn. Tấm đá chạm hình quỷ vương Ravanda mười đầu, mười tám tay, bốn chân đang lay chuyển ngọn núi của thần Shiva trong Hindu giáo. Làng Thanh Phước gọi tấm chạm này là “Bà Đá”, cho dù hình khắc không thể hiện nhân vật nữ nào. Sắc phong cho Kỳ Thạch phu nhân ở làng Thanh Phước có từ thời Minh Mạng.

Am Bà Đá – Kỳ Thạch phu nhân ở Thanh Phước, Hương Trà, Thừa Thiên Huế.

“Bà” chỉ vị thần trong Hindu giáo

Từ 2 vị “phu nhân” Bà Giàng và Bà Đá trên, ta thấy chữ “Bà” ở đây không phải chỉ nữ giới, mà liên quan đến các vị thần Hindu giáo của của người Chăm xưa để lại qua các phiến tượng đá cổ. Bản thân tên gọi Chămpa được ghi là Chiêm Bà. Chữ “Bà” chỉ thủ lĩnh trong ngôn ngữ cổ. Chiêm Bà nghĩa là Vua Chiêm, nước của vua Chiêm.
Bà Giàng – Thai Dương phu nhân ở miếu Bà Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) còn gọi là Bô Bô. Như thế Bà là biến âm của Bô, hay Bố, vốn là từ chỉ Vua ngày trước, tương tự như trong danh xưng Bố Cái Đại Vương ở miền Bắc. Và tượng thờ trong miếu Bà Chiêm Sơn không phải là nữ thần, mà là tượng Đức Phật bằng đá đang ngồi thiền định trên con rắn thần 7 đầu, phong cách tượng tông phái Phật giáo Nam truyền.
Ở thôn Lương Hậu (Thủy Lương, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) có ngôi miếu Bà Giàng hay Lùm Giàng. Trên miếu có hoành phi ghi chữ Nho “Bố Y Na miếu”. Căn cứ vào chữ này mà người ta cho rằng đó là nữ thần Thiên Y A Na, phiên âm từ tên Poh Nagar ra. Tuy nhiên, đúng với tên gọi vị thần ở đây là Bà Giàng thì phải phiên âm như sau: Bố = Bà Y; Na = Yang = Giàng.
Bố Y Na là cách ghi âm Hán Việt khác của từ Bà Giàng. Miếu ở Lương Hậu còn có bức tượng thần Shiva nhiều tay trong điệu múa vũ trụ, cho thấy liên hệ trực tiếp giữa cái tên Bà Giàng với tín ngưỡng của Hindu giáo (người Chăm).
Từ Giàng (Yang) trong tiếng dân tộc miền Trung nghĩa là Trời. Từ phát hiện trên có thể thấy Bà là từ chỉ thủ lĩnh trong ngôn ngữ Chăm. Như thế, Bà Giàng nghĩa là Vua Trời. Ghi bằng âm Hán Việt ở miền Bắc là Thiên Đế (Đế Thích). Vua Trời trong văn hóa Chăm là thần Shiva.
Ở chùa Đông Lâm tại thôn Cù Hoan (Hải Thiện, Hải Lăng, Quảng Trị) có miếu Bà Giàng bên trong thờ một mukhalinga là hình một chiếc Linga tròn được gắn với đầu của thần Shiva. Hình thần Shiva còn thấy cả râu mép, rất rõ ràng không phải là nữ thần.

Tượng Bà Giàng – mukhalinga chùa Đông Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị.

Rất nhiều những điểm thờ cúng khác liên quan đến chữ “Bà” đều có tượng đá Chăm thể hiện các vị thần của Hindu giáo. Tại chùa Ưu Điềm (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) có miếu Bà Lồi, trong đó lưu giữ một bức phù điêu có khắc hình thần Shiva và vợ đang cưỡi trên con bò thần Nandin. Trong miếu còn các hiện vật khác của một ngôi đền Chăm cổ, có cả một Linga tròn và mảnh vỡ của tượng Yoni. Chữ “Bà” như vậy chỉ các vị thần trong Hindu giáo, nay được gọi theo tiếng miền Bắc là các Chư Thiên.
Các “Bà” hay Chư Thiên Hindu giáo thường gắn với truyền thuyết về “thai sinh”, sinh ra từ thân cây hay trong một tảng đá. Ví dụ như trường hợp Thai Dương phu nhân ở Thuận An đã nói ở trên. Có thể cái “Thai” này là tượng trưng của Linga, biểu tượng của thần Shiva.

Bốn vị thần Tứ pháp

Từ nhận định “Bà” là chỉ các vị thần của Hindu giáo ở miền Trung còn đi đến một phát hiện bất ngờ khác. Bốn vị thần Tứ Pháp – Vân Vũ Lôi Điện ở vùng Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) có tên dân gian là Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn. Những chữ “Bà” này làm cho người ta nghĩ rằng đây là 4 vị nữ thần…
Thực ra chữ “Bà” trong Tứ Pháp không phải là từ chỉ phụ nữ. Đây là từ có nguồn gốc trong tiếng Chăm, ví dụ như các nơi Bà Đanh, Bà Đá,… thường được cho là du nhập văn hóa Chăm. Như đã dẫn chứng ở trên, Bà tương đương với vua hay vương. 4 vị “Bà” làm Mây Mưa Sấm Chớp ở vùng Luy Lâu do đó là 4 vị vương thần, hay gọi chính xác là Tứ đại Thiên vương. Đây là 4 vị thần của Hindu giáo mà đã được tiểu thuyết lịch sử Phong Thần diễn nghĩa gọi là Phong Điều Vũ Thuận, là các vị thần liên quan đến việc làm mưa làm gió.
Cốt lõi của cây Dung thụ nơi sinh Tứ pháp là Thạch Quang Phật, tức là cái “Thai” đá, hay Linga, biểu tượng của thần Shiva. Tứ đại Thiên vương cũng là những vị thần theo hộ giúp thần Shiva trong Hindu giáo.
Tục thờ Tứ pháp do đó thực chất là thờ các vị thần Hindu giáo, đã du nhập vào miền Bắc từ rất sớm ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Khi đó, dưới sự cai quản của Sĩ Nhiếp miền Bắc và miền Trung Việt đang cùng trong 1 châu. Giao Châu thời này bao gồm cả các quận Nhật Nam, Cửu Chân, mà Nhật Nam chính là nơi phụ thân của Sĩ Nhiếp là Sĩ Tứ làm Thái thú. Do đó, hoàn toàn hợp lý khi tín ngưỡng của miền Bắc và miền Trung Việt lúc này cùng là một, thờ các vị Thiên Đế và Chư Thiên của đạo Bà La Môn (Hindu giáo).

Bức hoành phi “Bố Y Na miếu” ở miếu Bà Giàng Lương Hậu.
Phù điêu thần Shiva múa ở miếu Bà Giàng Lương Hậu.
Nội điện miếu Bà Giàng Chiêm Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam.
Tượng Bà Giàng (Phật – Rắn) ở miếu Bà Chiêm Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam.
Bia sao dịch sắc phong cho Thai Dương Phu nhân ở miếu Bà Giàng Chiêm Sơn. 
Ban thờ Pháp Vân ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Phù điêu và Linga cùng các hiện vật đá ở miếu Bà Lồi, chùa Ưu Điềm, Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Tượng Pháp Vân và hộp đựng Thạch Quang Phật ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Ban Pháp Vũ ở chùa Dâu, Thuận Thành Bắc Ninh.

Nhân Tết Trùng cửu, bàn về các vị thần bất tử nước Nam (bài cuối)

Riêng vị trí thứ tư của Tứ bất tử lại có tới 3 người từng được xếp ở đây. Đó là Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không và thánh mẫu Liễu Hạnh.
Đặc điểm rõ ràng là cả 3 vị này đều là những tu sĩ. Khả năng của các vị này khá hạn chế, còn chưa được trường sinh bất lão như Huyền Thiên Lão Tử. Các vị vẫn phải “hóa” rồi tái sinh chuyển thế. Điển hình như Từ Đạo Hạnh hóa sinh thành Lý Thần Tông, hay nhất là thánh mẫu Liễu Hạnh có tới 3 lần hóa sinh. Ở vị trí này ảnh hưởng của đạo Phật thấy cũng khá rõ vì Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không đều là các nhà sư, còn Liễu Hạnh công chúa đã quy y Phật sau trận chiến ở Sòng Sơn. Bản thân khái niệm “hóa sinh” hay luân hồi là khái niệm của Phật giáo, không phải gốc của đạo Giáo.

Từ Đạo Hạnh
Sách Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính kể: Đạo Hạnh… muốn sang nước Ấn Độ học phép, nhưng đi qua núi Kim Sỉ, hiểm trở lắm mới trở về. Đạo Hạnh mới vào trong hang núi Phật Tích, kết thành hội Bạch Liên để học phép Ngũ giáo. Ngày nào cũng tụng kinh “Đại bi tâm” và niệm câu thần chú “Bà la ni”, cứ tung 18 vạn lần mới thôi.

Một hôm thấy thần báo mộng rằng: Đệ tử tức là Tứ trấn thiên vương đây, cảm công đức của thầy tụng kinh cho nên lại hầu, tùy thầy muốn sai khiến gì tôi xin vâng lệnh. Đạo Hạnh biết là đạo pháp của mình đã thành rồi…

Từ Đạo Hạnh sang phương Tây tìm đạo, nhưng mới đi được đến núi Kim Sỉ đã quay về. Vậy đạo pháp mà Từ Đạo Hạnh tu thành được là đạo pháp gì? Rõ ràng không phải là Phật pháp chính tông. Nhiều nhận định hiện nay cho rằng Từ Đạo Hạnh đã sang vùng Tam giác vàng ở giáp Vân Nam – Miến Điến và học theo Mật tông. Kinh Đà la ni mà ông trì tụng cũng là bộ kinh điển hình của Mật tông, như từng được khắc trên các cột kinh tìm thấy ở Hoa Lư (Ninh Bình) trong thời nhà Đinh.

Cột kinh tràng thời Đinh tìm thấy ở Hoa Lư.

Khá đặc biệt là việc sau khi tụng 18 vạn lần kinh Đà la ni thì thấy xuất hiện Tứ trấn thiên vương, nhận theo sai khiến của Từ Đạo Hạnh. Tứ trấn thiên vương hay Tứ đại thiên vương là 4 vị thần của Bà La Môn, theo phục Vua Trời Đế Thích. Chi tiết này cho thấy, thực chất Từ Đạo Hạnh đã tu theo đạo Bà La Môn hay Hindu giáo. Bản thân “Mật tông” cũng là giáo phái chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Bà La Môn.

Theo Thiền uyển tập anh thì Từ Đạo Hạnh đã tìm đến chùa Pháp Vân thỉnh giáo thiền sư Sùng Phạm và ngộ thêm đạo. Từ đó pháp lực mạnh thêm, duyên thiền càng chín, pháp thuật của sư đã có thể khiến cho rắn rết, muông thú chầu phục. Các phép lạ như đốt ngón tay cầu mưa, phun nước phép chữa bệnh, không việc gì không ứng nghiệm.

Ghi chép này cho thấy Từ Đạo Hạnh có khả năng “cầu mưa”. Cần biết là Tứ đại thiên vương cũng là Tứ pháp Vân Vũ Lôi Điện ở vùng Luy Lâu (Bắc Ninh). Sự việc Từ Đạo Hạnh biết phép cầu mưa chứng tỏ thêm mối liên quan giữa đạo pháp của ông với Hindu giáo, tương tự như trong chuyện Khâu Đà La làm phép cầu mưa ở Luy Lâu trước đây.

Theo Việt điện u linh, khi Từ Đạo Hạnh chuẩn bị viên tịch có nói với các đệ tử: Ta chưa hết nhân duyên với đời, lại phải thác sinh làm vua ở nhân gian, khi nào chết lại về làm chủ “Tam thập tam thiên”. Sau đó ngài đã đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Chính từ sự thác sinh đầu thai này mà Từ Đạo Hạnh được tôn là một trong các vị thánh bất tử của trời Nam.

Đặc biệt nhất trong đoạn trên Từ Đạo Hạnh cho biết mình sẽ lại về “làm chủ Tam thập tam thiên”. Vị thần chủ của “Tam thập tam thiên”, cõi trời 33, là Vua trời Đế Thích trong đạo Bà La Môn. Từ Đạo Hạnh như vậy chính là hóa thân của Đế Thích.

Khả năng “bất tử” của Đế Thích cũng từng được biết trong câu chuyện “Hồn Trương Ba, xương da hàng thịt” khi mà Đế Thích đã triệu Tam phủ hoàn hồn cho kỳ thủ Trương Ba. Còn ở chùa Thầy, bên cạnh đó cũng có đền Tam phủ thờ ba vị vua Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ. Từ Đạo Hạnh là hóa thân của Đế Thích nên được xếp vào bậc thần bất tử là hoàn toàn hợp lý.

Hai bên chùa Thầy còn có 2 cây cầu gọi là Nhật Tiên và Nguyệt Tiên. Đây là hình tượng khá giống với các nơi thờ Đế Thích, có 2 vị thần là Nhật Thiên và Nguyệt Thiên theo cùng, như ở đền Đế Thích tại Cầu Váu (Vĩnh Khúc, Văn Giang, Hưng Yên) hay đền Xá (Ân Thi, Hưng Yên).

IMG_2497

Cầu Nhật Tiên bắc sang đền Tam phủ ở cạnh chùa Thầy.

Khám thờ ở chùa Thầy, bên trong có tượng xá lợi Từ Đạo Hạnh.

Không Lộ thiền sư
Không Lộ thiền sư là một trong các vị thần bất tử của tín ngưỡng dân gian người Việt. Tuy nhiên các ghi chép và di tích còn lại về vị này lại thường lẫn lộn trong thân thế và tiểu sử của thánh, ít nhất có 2 xuất xứ được nói tới. Một là Dương Không Lộ ở Hải Thanh – Thái Bình. Hai là Nguyễn Minh Không ở Đàm Xá – Ninh Bình. Sự tích và công trạng của những vị này theo các ghi chép rất giống nhau và phạm vi di tích tín ngưỡng thờ 2 người này cùng tập trung ở khu vực Thái Bình và Nam Định. Do đó về xuất xứ của Không Lộ Lý triều quốc sư cho đến nay trong giới học thuật vẫn còn chưa ngã ngũ.

Gác chuông đền thờ thánh Nguyễn ở Đàm Xá (Gia Viễn, Ninh Bình).

Các thần bất tử Tản Viên Sơn Thánh là Thần Sư, Chử Đồng Tử là Đạo Tổ, Phù Đổng là Thiết Xung Thần Vương, Đổng Thiên Vương là Thái Thượng Lão Quân. Như thế ta nhận thấy họ đều là các vị “giáo chủ”, mở đầu cho những đạo phái trong tín ngưỡng của người Việt. Đây cũng chính là ý nghĩa cơ bản của tín ngưỡng thờ thần bất tử, là thờ những vị tổ khai lập môn phái, mở đường cho đạo.

Hai vị Không Lộ thiền sư và Từ Đạo Hạnh được xếp ở hàng thứ tư trong các vị thần bất tử nên đây cũng là những vị sư tổ, có công gây dựng tông phái và được thờ như các giáo chủ của giáo phái. Giáo phái của Không Lộ thiền sư có thể được gọi là phái Không Lộ. Đồng thời Không Lộ cũng là danh xưng của Giáo chủ giáo phái này. Với cách hiểu như thế thì sẽ thấy rõ, không phải chỉ có 1 vị Không Lộ thiền sư bởi vì chức Giáo chủ của giáo phái có thể là những người khác nhau đảm nhận qua các thời. Nhận định này giúp giải quyết được khúc mắc về việc có tới 2 ngài Không Lộ như ở phần đầu bài đã nêu.

Một đạo phái được xác lập khi nó có đủ 3 yếu tố, gọi là Tam bảo. Trước hết là có giáo chủ là Không Lộ thiền sư như nêu trên. Thứ hai là có giáo lý thể hiện qua những tiêu chí và hành động của giáo phái. Thứ ba là có các tăng lữ hay đạo sĩ theo đạo này.

Giáo lý của phái Không Lộ vừa theo giáo lý nhà Phật lại vừa kết hợp với Đạo Giáo ở nước ta. Điều này thể hiện qua các tài phép “lục trí thần thông” của Không Lộ thiền sư như đi trên không, nổi trên nước… Các chùa nơi Không Lộ từng tu hành đều có tên Thần Quang tự, phần nào cũng nói tới sự thần bí (tính chất của Đạo Giáo) của vị thiền sư này. Lý triều quốc sư Không Lộ như vậy không chỉ là một Phật tử mà còn là một Pháp sư cao tay. Bia chùa Keo Hành Thiện ở Nam Định ghi rõ ông là một Đại pháp sư.

Câu đối ở đền Lại Trì nêu công nghiệp của Không Lộ thiền sư:

Tài phép cứu chúng sinh, đức chính thánh thần, tâm chính phật

Thuốc tiên giúp thánh thượng, nước lưu sự nghiệp, sử lưu tên.

Gian thờ Dương Không Lộ ở đền Lại Trì.

Đặc biệt, đạo Không Lộ có mức độ nhập thế rất cao so với các thiền phái của nhà Phật thể hiện trong việc Không Lộ chữa bệnh cho vua Lý và thực hành nghề đúc đồng. Nhận định Không Lộ là tên giáo chủ hay giáo phái giúp giải quyết khúc mắc về sự kiện Không Lộ thiền sư đã đúc An Nam tứ đại khí vì 4 đồng khí lớn được đúc vào các thời kỳ khác nhau. Câu chuyện Không Lộ thiền sư đi sang Trung Quốc chở đồng đen về đúc chuông có lẽ muốn nói giáo phái này đã học được nghề đúc đồng tới mức thu hút hết tinh hoa của nghề này về nước ta. Không Lộ thiền sư được các làng nghề đúc đồng trên cả nước tôn làm vị tổ nghề.

Đầu rối thánh tượng chùa Keo Hành Thiện, Nam Định.

Giáo phái Không Lộ từng phổ biến chính ở vùng Nam Định – Thái Bình, với trung tâm là 2 ngôi chùa Keo ở 2 bên sông Hồng. Chữ Keo có thể nghĩa là Cả, là thủ lĩnh hay giáo chủ. Chùa Keo nghĩa là chùa Cả, trung tâm của giáo hội.

Về tăng lữ của phái Không Lộ, có thể thấy các chùa thờ Không Lộ và Từ Đạo Hạnh thường ban đầu không có sư trụ trì như chùa Keo Hành Thiện, Keo Thái Bình hay chùa Đại Bi. Điều này nay có thể hiểu vì giáo phái của Không Lộ khác với Phật giáo chính dòng.

Đầu rối thánh tượng chùa Keo Thái Bình.

Điểm đặc biệt là ở các chùa thờ Không Lộ và Từ Đạo Hạnh tới nay còn lưu được nghi lễ hầu thánh bằng múa rối đầu gỗ, là các thánh tượng, đại diện cho giới tăng lữ của giáo phái này. Câu chuyện về các thánh tượng này có liên quan đến truyền tích Pháp sư diệt thần Xương Cuồng trong Lĩnh Nam chích quái. Vị pháp sư và các đệ tử của mình đã diệt được thần Xương Cuồng chính là Không Lộ thiền sư.

Với đầy đủ tam bảo: giáo chủ, giáo lý và tăng lữ, rõ ràng phái Không Lộ có thể được coi là một Đạo, phổ biến và có vai trò lớn dưới thời Lý. Vua Lý cũng là đệ tử của giáo phái này (Lý Thần Tông là hóa thân của Từ Đạo Hạnh) và giáo chủ Không Lộ được tôn làm Lý triều quốc sư. Đây mới là tôn giáo chính của nước ta dưới thời nhà Lý.

Liễu Hạnh Thánh Mẫu
Mẫu Liễu được tôn là một trong bốn vị thần bất tử, thay chỗ cho cả Từ Đạo Hạnh hay Nguyễn Minh Không. Tuy vậy, 3 lần giáng sinh của bà thực ra không có gì đáng kể về công tích. Lần thứ nhất bà giáng sinh ở Vi Nhuế (Vụ Bản, Nam Định) trong một gia đình giàu có họ Phạm. Trong lần giáng sinh đầu này bà là người rất có hiếu với cha mẹ, không lấy chồng, giúp đỡ nhân dân xây đường, đắp cầu, dựng chùa. Bà có tiếng tăm tốt (hiếu, trinh, từ) nên khi mất được người dân tôn làm phúc thần.

Lần giáng sinh thứ hai của Liễu Hạnh ở Vân Cát (Vụ Bản, Nam Định) vào nhà họ Lê, kết duyên với chồng họ Trần, sinh 2 con rồi hóa sớm năm 20 tuổi. Lần thứ ba bà giáng sinh ở Thanh Hóa, lấy chồng là kiếp sau của ông Trần Đào là Mai Thanh Lâm, sinh được 1 con trai, rồi cũng hóa sớm.

Thủy đình ở phủ Vân Cát tại Vụ Bản, Nam Định.

Sự kỳ lạ của câu chuyện Liễu Hạnh công chúa thực sự nằm ở các diễn biến sau đó. Ghi chép của tác giả Nguyễn Văn Huyên về hành tích của Mẫu Liễu trong cuốn Sự thờ cúng các thần tiên ở Việt Nam:

… Khi mãn hạn đi đầy, nàng chết. Nhưng thay vì trở về thiên đình nàng ở lại trên trái đất, khi thì dưới dạng một người đàn bà đi đường hoặc bán hàng, khi thì là một cô hàng nước để khiêu khích tình dục của người trần. Tất cả những ai làm trái ý nằng đều bị nàng làm cho chết. Hơn nữa, để thỏa cơn giận, nàng còn giết hại cả súc vật, gây nên sự kinh hoàng trong nhân dân vùng Sơn Nam. Để nàng nguôi giận tại nhiều làng người ta phải lập đền thờ nàng. Sau đó nàng đến tỉnh Thanh Hóa. Nàng đến bất cứ đâu thì ở đó súc vật chết hàng loạt và các vị thần thành hoàng đều lánh xa, để tránh nàng.

Tới vùng Sùng Sơn, thấy phong cảnh ngoạn mục, nàng quyết định ở lại đấy. Ngay đêm hôm đó, nàng báo mộng cho các vị chức sắc trong làng, ra lệnh cho họ phải xây cất ngay những ngôi đền để thờ nàng, nếu không thì chết chóc sẽ tàn phá cả vùng.

Từ khi đó, trong năm ngày liền, dân làng chết hàng loạt. Vì vậy người ta quyết định theo lời chỉ dẫn trong mộng, xây cất những ngôi đền tại Sùng Sơn để thờ nàng.

Gạt bỏ đi những quan niệm nhìn nhận về Mẫu Liễu từ các khía cạnh khác nhau, những ghi chép trên cho thấy Mẫu Liễu đã hành động rất tích cực không phải chỉ vì tính ngang tàng, phá phách. Mục đích chính của những hành động này được nói rất rõ khi hiển mộng: “Ra lệnh cho họ phải xây cất ngay những ngôi đền để thờ nàng”. Đây mới là động cơ chính cho sự tung hoành của Chúa Liễu. Mục tiêu chính mà bà yêu cầu là phải đưa các nữ thần vào trong thần điện phụng dưỡng thờ cúng. Đòi hỏi sự chia sẻ “thần quyền” cho phái nữ này sẽ dễ dàng hiểu được nếu biết bối cảnh về tín ngưỡng Tam phủ lúc đó.

Các di tích đền Tam phủ còn lại tới nay cho thấy trước khi Thánh mẫu Liễu Hạnh xuất hiện, tín ngưỡng Tam phủ gồm Thiên phủ, Địa phủ và Thủy phủ với 3 vị thần chủ là: Ngọc Hoàng thượng đế, Diêm La thiên tử và Long Vương Bát Hải. Ở thời gian này các phủ chưa hề có mặt các nữ thần với vai trò thần chủ như trong hệ thống Tứ phủ hiện nay. Việc đưa các nữ thần vào Tứ phủ thành các Mẫu, sánh ngang cùng với với các vị vua cha chính là công lao của mẫu Liễu Hạnh.

Chúa Liễu đã phải giáng sinh 3 lần, rồi khổ công đi Bắc (Lạng Sơn biên giới phía Bắc) vào Nam (tới Đèo Ngang, tức là biên giới phía Nam của nước ta thời đó) để “vận động hành lang” nhằm nâng cao vai trò của thần nữ trong Việt điện. Cuối cùng Chúa cũng phải ra mặt, yêu cầu gắt gao ở Sòng Sơn, dẫn đến cuộc đại chiến với các nam thần của Nội Đạo Tràng.

Đi sâu vào lai lịch của ba vị quan thánh đã đối đầu với Chúa Liễu trong trận chiến Sòng Sơn ta sẽ hiểu hơn, đây thực chất là cuộc đấu tranh của các tín đồ Tam phủ thờ nam thần chống lại đòi hỏi vị trí cho các nữ thần trong các phủ. Ba vị quan thánh là các con đầu của Thượng sư họ Trần có tên Nhật Quang, Nguyệt Quang và Ngọc Quang. Đây là khái niệm về Tam tài gồm Thiên (Nhật – Dương), Địa (Nguyệt – Âm) và Nhân (Ngọc). Sau này 3 vị quan thánh cũng được phân chia cai quản Tam phủ gồm Thiên đình, Trái đất và Người trần.

Nói cách khác, ba vị quan thánh là đại diện cho tín ngưỡng Tam phủ thờ nam thần khi đó. Chữ “Nội đạo” liệu có phải hiểu nghĩa là đạo Cha, đạo thờ nam thần, đối lập với “đạo Mẫu” do Chúa Liễu khởi xướng (“Ngoại đạo”, đạo bên ngoại)?

Khả năng hóa sinh nhiều lần và trong một ngôi gồm cả thánh thần tiên Phật thấy rõ ở thánh mẫu Liễu Hạnh. Câu đối ở lăng mộ Liễu Hạnh tại Vụ Bản (Nam Định) nói về khả năng hóa sinh, chuyển thể của thánh:

Năm trăm năm lẻ thần hóa cũ

Ba lần chuyển thế thánh là tiên.

Phép thuật cụ thể của Mẫu Liễu là gì thì truyền tích không đề cập đến. Có thể thấy khả năng của Mẫu Liễu hạn chế hơn nhiều so với Huyền Thiên Đổng Thiên Vương. So về năng lực và thời gian xuất hiện (thời Lê) thì Liễu Hạnh xếp thứ tư trong Tứ bất tử là đúng, cho dù Liễu Hạnh là Mẫu chủ của Địa phủ trong đạo Tứ phủ.

Nghi môn Nguyệt Du cung (Phủ Bóng) ở Phủ Giầy.
Đền Phố Cát, Thạch Thành, Thanh Hóa.
Tứ bất tử là 4 cấp độ tu tiên đạo, đánh dấu những mốc trong quá trình hình thành và phát triển Đạo thần tiên ở nước Nam. Thứ tự của Tứ bất tử được sắp xếp như sau:

- Đứng đầu là Tản Viên Sơn Thánh, người có gậy thần sách ước, là Hà thư Lạc đồ, những kiến thức khoa học thời sơ khai. Tản Viên là người đã tập hợp các bộ tộc Việt chiến thắng thiên tai trong thời kỳ dựng nước.

- Thứ hai là Chử Đạo Tổ, cũng là người nắm được thuật Âm dương, có bảo bối là gậy nón, có khả năng cải tử hoàn sinh. Truyền thuyết Chử Đồng Tử là cách kể khác của chuyện Hậu Nghệ thời nhà Hạ.

- Xếp hàng thứ ba là có Phù Đổng Thiên Vương và Huyền Thiên Lão Tử. Phù Đổng Thiên Vương với các thần khí là ngựa sắt, nón sắt, roi sắt, áo giáp hoa lau, đã lập nên kỳ tích phong bách thần ở núi Vệ Linh. Huyền Thiên Lão Tử là giáo chủ Đạo giáo, là thầy thuốc cứu dân độ thế, có khả năng trường sinh bất lão, có thể trừ yêu dẹp quỷ, trấn quy xà. Lão Tử là người đã giúp vua Chủ An Dương Vương xây thành Cổ Loa vào đầu thời Đông Chu.

- Ở hàng thứ tư gồm các vị thiền sư Không Lộ, Từ Đạo Hạnh và muộn nhất là thánh mẫu Liễu Hạnh. Thánh mẫu người sáng lập ra Đạo Mẫu Tứ phủ, có khả năng tái sinh nhiều lần, đắc đạo thánh thần tiên phật, nổi danh hiếu trinh từ ở thời Lê.

https://congdankhuyenhoc.vn/nhan-tet-trung-cuu-ban-ve-cac-vi-than-bat-tu-nuoc-nam-bai-cuoi-179220928152441888.htm