Khải ngả Nam Giao

Xem phần mở đầu Đại Việt sử ký toàn thư:
Xét: Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hy thị đến ở Nam Giao để định đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín châu thì Bách Việt thuộc phần đất châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đấy. Từ đời Thành Vương nhà Chu mới gọi là Việt Thường thị , tên Việt bắt đầu có từ đấy.

Kỷ Hồng Bàng Thị
Kinh Dương Vương

Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông.
Nhâm Tuất, năm thứ 1. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.
Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân…
Các sử gia Việt xưa một mặt chép chuyện của Hoàng Đế – Đế Nghiêu – Hy Thị – Đại Vũ ở đầu sử Việt, một mặt xuống dưới lại kể ngay chuyện Đế Minh – Đế Nghi – Lộc Tục – Kinh Dương Vương. Rõ ràng phần trên là chép theo Hoa sử (sách người Hoa), phần dưới là chép theo huyền sử Việt.
Theo Tư trị thông giám của Tư Mã Quang đời nhà Tống và phần bổ Tam Hoàng bản kỷ cho Sử ký Tư Mã Thiên của Tư Mã Trinh thời Đường thì dòng Thần Nông truyền từ Đế Minh – Đế Nghi – Đế Lai tới Du Võng thì xảy ra cuộc chiến giữa Hiên Viên và Xuy Vưu. Còn theo Truyện họ Hồng Bàng thì Lạc Long Quân đã lấy Âu Cơ là con của Đế Lai, nghĩa là cùng lúc với sự xuất hiện của Hiên Viên trong các sách của người Hoa.
Có thể thấy thời mở sử thì trong Hoa sử có huyền sử Việt (chuyện Đế Minh, Đế Nghi, Đế Lai), còn trong Việt sử có Hoa sử (chuyện Xuy Vưu, Hiên Viên). Các sử gia Hoa, Việt không phân định được nên đã chép thông tin từ cả 2 dòng sử. Có khác là sử gia Đường Tống nhấn mạnh vai trò của Hiên Viên và từ đó chép tiếp Hoa sử. Còn sử gia Đại Việt thì nhấn mạnh chuyện Lạc Long Quân, lấy đó chép tiếp Việt sử.
Thực ra 2 cách chép mở sử này đều là một chuyện vì Hoa chính là Việt, chỉ có 1 lịch sử mở nước Hoa Việt. So sánh 2 đoạn sử Hoa và Việt ở đầu Đại Việt sử lý toàn thư sẽ thấy rõ:
– Hoàng Đế mở muôn nước = Đế Minh, cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông.
– Đế Nghiêu = Đế Nghi cai quản phương Bắc.
– Hy Thị định Nam Giao (chính là Đế Thuấn) = Lộc Tục làm vua phương Nam
– Đại Vũ chia 9 châu (trị thủy) = Kinh Dương Vương lấy Thần Long Động Đình.
Các sử gia thời Đường thời Tống có quan niệm Hiên Viên là tổ người Hoa Hạ, còn người Việt thì quan niệm Lạc Long Quân là tổ. Từ đó dẫn đến 2 cách chép khác nhau. Chuyện Hiên Viên đánh tây dẹp bắc lập nước Hữu Hùng trong Hoa sử đã dùng để thay cho chuyện Lạc Long Quân đánh Thục trong Việt sử.
Hiên Viên Hoàng Đế lập nước Hữu Hùng, vậy phải là … vua Hùng dựng nước của người Việt. Trong sự tích của Hiên Viên không hề có chữ Hoa hay chữ Hạ nào để xác định Hiên Viên bắt đầu Hoa Hạ.
Chuyện Lạc Long Quân thì ngược lại, Vĩnh Công Bát Hải Động Đình mở Hoa Đào Trang chính là bắt đầu Hoa Hạ. Lạc Long Quân mới là người mở đầu nhà Hạ của Hoa sử.

Cong den Hung Cổng lên đền Hùng ở Phú Thọ.

Câu đối ở đền Hùng:
Khải ngả Nam Giao, Hồng Lạc thiên thu tôn đế quốc
Hiển vu Tây thổ, Tản Lô nhất đái thọ tân từ.

Dịch:
Bắt đầu ở ngả Nam Giao, nghìn năm Hồng Lạc xưng đế quốc
Sáng lên nơi Tây Thổ, một dải Tản Lô mãi lưu đền.

Câu đối trên đã khái quát đầy đủ phần mở đầu của sử Việt. Người họ Hùng đã phát triển theo 2 hướng. Đầu tiên nước mở ở Nam Giao do công của Nghiêu Thuấn hay Lộc Tục Kinh Dương Vương. Lập nên “đế quốc Hồng Lạc” là Lạc Long Quân. Hồng Lạc là tên khác của Hoa Hạ mà thôi. 50 người con theo cha Lạc Long đã xây dựng nhà Hạ, phát triển theo hướng Đông (Động Đình) và Nam (Nam Giao). Hướng Nam xưa là hướng Lạc = Nác = Nước, là hướng Bắc ngày nay.
Hướng thứ hai là hướng Tây trong vế đối dưới. Đây là hướng của Tản Viên, của Âu Cơ dẫn 50 người con lên núi, lập nước Văn Lang ở Phong Châu trên vùng đất Tam Giang (Đà, Lô, Thao).
Cuộc phân ly Lạc Long – Âu Cơ là hình ảnh của cuộc chiến Hùng – Thục trong thần tích Việt hay cuộc chiến tranh dành vương vị giữa Hạ Khải và Bá Ích trong Hoa sử. Dù phân tách nhưng cả hai vẫn đều là con cháu Đế Minh – Hiên Viên từ Hữu Hùng hay Họ Hùng ban đầu. Con cháu họ Hùng hai dòng Đông – Tây đã lại hòa hợp khi Thục Phán lập nước Âu – Lạc, thống nhất 2 vùng đất của cha Lạc Long, mẹ Âu Cơ.
Truyền thuyết Lạc Long – Âu Cơ đã xác định 2 hướng phát triển của người Bách Việt (trăm trứng sinh trăm trai) thời mở sử. Điều này hoàn toàn đúng với các phân tích di truyền nhân chủng học ngày nay. Thuyết “Nhất nguyên nhị phân” từ nghiên cứu ADN người Bách Việt đã cho thấy rõ 2 hướng lan rộng sang Đông Bắc và Tây của người Bách Việt. Cái gốc “nhất nguyên” của Bách Việt nằm ở vùng Nam Giao là Bắc Việt và Lưỡng Quảng ngày nay.

Lâm Ấp – Đại Nam

Câu đối ở đình Giang, thuộc xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nơi thờ Lý Bí:
Nam diện ung dung, thác thủy tương truyền Lâm Ấp địa
Giang đình nghiễm nhã, cận quang trường chúc Vạn Xuân thiên.

Dịch:
Phương Nam ung dung, khởi đầu truyền đó đất Lâm Ấp
Đình Giang nghiêm nhã, rực sáng mãi còn trời Vạn Xuân.

Cau doi dinh Giang
Đình Giang được xây dựng bởi một quan lớn triều Nguyễn, người làng này. Đình xây kiểu cung đình, do thợ ở Huế về dựng. Câu đối trên như vậy làm khoảng vào thời nhà Nguyễn.

Chỗ “lạ” của câu đối này là ở vế đầu. Lý Bí, còn gọi là Lý Nam Đế. Nói Lý Nam Đế “phương Nam ung dung” thì dễ hiểu, nhưng “thác thủy tương truyền Lâm Ấp địa” thì không biết phải giải thích thế nào. Làm sao mà Lý Nam Đế lại khởi lập đất Lâm Ấp được?

Câu đối này gợi nhớ tới câu ở đền Sĩ Nhiếp (Tam Á – Thuận Thành – Bắc Ninh):
Khởi trung nghĩa công thần tâm kỳ, bỉ hà thì thử hà thì, an đắc dục bách tải di dung năng nhiếp Lâm Ấp
Thị sự nghiệp văn khoa cử tích, trị diệc tiến loạn diệc tiến, tối củ tứ thập niên chính sách chửng biểu Giao Châu.

Dịch:
Với tấm lòng trung nghĩa công thần kia, lúc này cũng như lúc khác, sáu trăm năm đức khoan dung để lại giúp dựng cơ đồ Lâm Ấp.
Nhờ sự nghiệp văn hóa khoa cử cũ, thời bình cũng như thời loạn, bốn mươi thu qui củ chính sách làm rạng tỏ Giao Châu.

Nếu chỉ hiểu Lâm Ấp là vùng đất tiền thân của Chiêm Thành ở Nam Trung Bộ ngày nay như chính sử đang chép thì không thể hiểu Lý Bí và Sĩ Nhiếp, hai nhân vật ở miền Bắc Việt thì liên quan gì đến việc trị quốc Lâm Ấp tận miền Trung?

Có thể thấy, tới tận thời Nguyễn, người ta hiểu từ “Lâm Ấp” hoàn toàn khác so với các sử gia thời Tây ngày nay. Lâm Ấp được dùng như một từ tương đương với “Nam bang”, như trong câu đối trên:
Nam diện ung dung, thác thủy tương truyền Lâm Ấp địa
Nam diện” ở đây là “Lâm Ấp địa”. Lý Nam đế khởi thủy nước Nam – Lâm Ấp, hoàn toàn hợp lý.
Dinh Giang Đình Giang ở Viên Nội – Ứng Hòa – Hà Nội

Thiên Nam ngữ lục chép về sự khởi đầu của Lâm Ấp khi Khu Liên (Khu Linh) khởi nghĩa:
Khu Linh người nước Nam ta
Bình sinh tập dụng can qua một mình

Nước Nam ta” của Khu Linh là Lâm Ấp. Như vậy Lý Bí ở đình Giang cũng chính là Khu Linh/Khu Liên, người lập ra nước Lâm Ấp. Thông tin này một lần nữa xác nhận Khu Liên họ Lý, như tộc phả họ Phạm chép là Lý Khu Kiên (Lý Kiên thiết Liên).

Sử Việt thời Tiền Lý như vậy đã chép lẫn 2 sự kiện. Lý Bôn gọi là Lý Nam Đế vì đã lập nước Nam Việt của nhà Triệu. Hậu Lý Nam Đế thứ nhất là triều Hiếu (Tây Hán) đã đánh Triệu Việt Vương. Lý Bí cũng gọi là Lý Nam Đế vì lập nước Nam – Lâm Ấp. Hậu Lý Nam Đế thứ hai là phần Lâm Ấp ở phía Tây Giao Chỉ đã hàng Tuỳ thời Tuỳ Văn Đế.

Lâm Ấp là tên chỉ chung nước Nam ta, còn được dùng tới thời Nguyễn. Nước Đại Nam của nhà Nguyễn khi Minh Mạng đặt tên kỳ thực cũng tương đương với Lâm Ấp thời Lý Bí, bao gồm những phần của Lâm Ấp xưa như phần Đông Giao Chỉ (Bắc Việt), Tây Giao Chỉ (Tây Bắc và Lào), Trung Bộ (Chiêm Thành). Phần đất Vân Nam, Quí Châu của Lý Bí – Lưu Bị cũ được bù lại bởi phần đất Trấn Ninh (Căm-pu-chia) và Nam Bộ.

Thánh Tam Giang và bài thơ Nam quốc sơn hà (TT)

Hai tướng nhà Triệu là Trương Hống Trương Hát không theo Hậu Lý Nam Đế, tự vẫn ở Phù Long. Một ngàn năm sau hai vị thần này lại hiển linh, đọc bài thơ Nam quốc sơn hà tuyên ngôn độc lập trước quân Tống bên dòng Như Nguyệt. Trương Hống từ đó được phong là Khước địch thiện hựu trợ thuận đại vương, Trương Hát là Uy địch dũng cảm hiển thắng đại vương.
Nhưng tại sao lại chính hai vị này đọc thơ khước Tống?
Lịch sử luôn lặp lại. Nam Việt Đế Lý Bôn khởi nghĩa chống Tần, thống nhất giang sơn Bách Việt. Tới khi Lữ Hậu mất, Lý và Triệu con cháu một nhà nhưng Nam Bắc phân đôi. Hậu Lý Nam Đế là Hiếu Vũ Đế diệt Triệu Vệ Dương Vương ở Dương Thành. Nhưng ở phía Tây Nam Việt lại nổi lên nhà Nam Triệu của Tây Lý Vương, tiếp tục chống lại phương Bắc.
Thời Ngũ đại, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn thống nhất miền Bắc Trung Hoa. Phía Nam nhà họ Lý (Lưu) lập nước Đại Việt – Đại Hưng trên mảnh đất Nam Việt của Triệu Việt Vương xưa. Quân Tống tấn công Phiên Ngung, Lưu Sưởng bị bắt. Nhưng ở phía Tây trên đất Tĩnh Hải, cũng con cháu họ Lý là thủ lĩnh Đinh Bộ lại lần nữa âm thầm phục quốc. Qua hai đời Tiết độ sứ tới Lý Thánh Tông thì chính thức xưng vương, lấy lại tên nước Đại Việt của cha ông họ Lý.
Chính vì sự lặp lại của lịch sử nên hai vị thánh Tam Giang đại diện cho tinh thần chống giặc phương Bắc của nước Nam Việt xưa mới hiển linh đọc bài thơ thần trên sông Như Nguyệt:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược
Bạch phận phiên thành phá trúc dư.

Nước Việt gọi là “Nam quốc”, vua Việt là “Nam đế” chính là từ nước Nam Việt của Triệu Vũ Đế Lý Bôn. “Thiên thư” đây không phải Kinh Thư từ thời Chu. “Thiên thư” là sử sách thời Tần Hán, có thể chỉ … Sử ký Tư Mã Thiên, mà trong đó lịch sử thời Nam Việt của nhà Triệu đã được ghi chép đầy đủ.
Triệu Vũ Đế là “Nam bang thủy đế” (hoành phi ở đền Đồng Xâm – Thái Bình), hay “Thiên Nam đế thủy” (hoành phi điện Long Hưng – Xuân Quan), là vị Nam đế đầu tiên của nước Nam. Con cháu họ Hùng bắt đầu phân Nam Bắc từ thời Nam Việt như câu đối của Nguyễn Công Trứ ở đền Đồng Xâm:
Một thời gươm ngựa khinh Lưu Hạng
Tự đó non sông tách Bắc Nam.

Gần đây nhà nghiên cứu Vũ Kim Biên còn phát hiện tiền thân của bài thơ Nam quốc sơn hà ở đền Đào Xá (Thanh Thủy – Phú Thọ) như sau:
Nam thiên dĩ định đế Nam quân
Đại đức giai do đức nhật tân
Thất quận sơn hà đô nhất thống
Tống binh bất miễn tán như vân.

Dịch:
Trời Nam đã định vua Nam ta
Đức lớn ngày thêm đức mới ra
Bẩy quận non sông về một mối
Tống binh tan tác tựa mây sa.

Đặc biệt bài thơ này nói tới “thất quận sơn hà”, nước non gồm 7 quận. Chế độ quận huyện ở nước ta đã bỏ từ Tùy Đường, thay bằng chế độ phiên trấn (Tiết độ sứ) ở thời Cao Biền. Bài thơ thời Lý nói tới 7 quận là thế nào?

P1220114Đền Tam Công ở Đào Xá, nơi lưu giữ phiên bản cổ của bài thơ Nam quốc sơn hà.

Xem lại diễn biến nước Nam Việt, sau khi bị Hiếu Vũ Đế thu phục, được gọi là Giao Chỉ bộ, chia làm 9 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô và Đam Nhĩ, Chu Nhai. Tới thời Sĩ Nhiếp Giao Chỉ bộ đổi thành Giao Châu, nhưng chỉ còn 7 quận (trừ Đam Nhĩ và Chu Nhai). Có lẽ 2 quận Đam Nhĩ và Chu Nhai đã bị mất vào tay Hán Quang Vũ, Sĩ Vương chỉ còn giữ được 7 trong số 9 quận của nước Nam Việt trước đó. Cái tên “thất quận” bắt đầu từ đó, chỉ Giao Châu bộ.
Câu đối ở đền Sĩ Nhiếp ở Tam Á (Thuận Thành – Bắc Ninh):
汶陽幾辰遷為軍將為州牧為教育師儒恩信遍蒼梧七郡外
龍编何日事此城郭此人民此江河運會文采傳武寧一部中
Vấn Dương kỉ thời thiên/ vi quân tướng, vi châu mục, vi giáo dục sư Nho/ ân tín biến Thương Ngô thất quận ngoại
Long Biên hà nhật sự/ thử thành quách, thử nhân dân, thử giang hà vận hội/ văn thái truyền Vũ Ninh nhất bộ trung.

Dịch:
Vấn Dương mấy lúc dời/ vì quân tướng, vì châu mục, vì giáo dục Nho gia/ bảy quận ngoài Thương Ngô ơn nghĩa trải khắp
Long Biên sự ngày nọ/ đây thành quách, đây nhân dân, đây non sông vận hội/ toàn bộ trong Vũ Ninh văn đức còn truyền.

Den Si Nhiep Cổng đền Sĩ Nhiếp ở Tam Á

Trung tâm của quận Giao Chỉ đóng ở Long Biên. Nhà Hiếu (Tây Hán) không đóng trung tâm Giao Chỉ ở Phong Châu hay Cổ Loa có lẽ vì vùng phía Tây Giao Chỉ còn chưa yên ổn do con cháu nhà Triệu là Tây Lý Vương còn đang quấy rối. Một phần khác, Long Biên trở thành chốn trung tâm chính vì đây là vùng Tam Giang, Tam Xuyên hay Long Xuyên nơi Triệu Vũ Đế Lý Bôn khởi nghiệp.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng cũng nổ ra ở 7 quận của Giao Châu này. Câu đối ở đền Hát Môn:
Cung kiếm thất tu mi, nữ chủ uy thanh lưu thất quận
Bình mông phổ bào dư, thần vương phúc tỉ vĩnh thiên thu.

Dịch:
Cung kiếm vượt nam nhi, nữ chủ uy danh lưu bảy quận
Che chở khắp đồng bào, thần vương phúc đức mãi nghìn năm.

Hai Bà Trưng toàn thắng, chiếm 65 thành ở Lĩnh Nam … Lẽ ra nếu khởi nghĩa Trưng Vương xảy ra ngay sau khi nước Nam Việt của nhà Triệu bị mất thì “Lĩnh Nam” phải là toàn bộ vùng đất Nam Việt cũ, nghĩa là phải có tới 9 quận gồm cả Đam Nhĩ, Chu Nhai. Sự thật là khởi nghĩa Trưng Vương nổ ra sau thời Sĩ Nhiếp lập Giao Châu bộ, nên Lĩnh Nam lúc này chỉ còn 7 quận mà thôi.
Như vậy “thất quận” chính là vùng đất của nhà Nam Việt từ Triệu Vũ Đế. Bài thơ ở Đào Xá đã chỉ ra “Nam quốc” thực sự là gồm những vùng đất nào. Đồng thời bài thơ cũng cho thấy ý đồ của nhà Lý không chỉ giới hạn ở vùng Tĩnh Hải mà còn muốn phục quốc Đại Việt gồm 7 quận Lĩnh Nam. Thực tế thì Lý Thường Kiệt đã đánh vào châu Ung, châu Khâm, châu Liêm, mục đích rõ ràng là “thống nhất 7 quận” Nam Việt.
Câu đối ở đình Đông Xuyên (Yên Phong – Bắc Ninh) thờ Thánh Tam Giang:
Lưỡng mệnh khước Lý trưng, trung Triệu thanh phong phân đức thủy
Nhất thi tiêu Tống phạm, phù Lê hồng liệt đối hòa sơn

Dịch:
Một bài thơ phù Lê, tan Tống núi non nêu khí tiết
Hai anh em trung Triệu, chối Lý nước sông tỏa danh thơm.

Dinh Dong Xuyen Đình Đông Xuyên ở Yên Phong

Việc nhiều sử sách chép bài Nam quốc sơn hà được vang lên vào thời Tiền Lê nay cũng đã rõ. Lê Đại Hành là vị vua Lý ẩn họ. “Phù Lê” cũng là phù Lý. Tuy nhiên, khó có khả năng đã có một cuộc tấn công qui mô của nhà Tống vào thời Tiền Lê vì lúc này Lê Đại Hành – Lý Thái Tông vẫn còn nhận sắc phong của nhà Tống, chưa công khai lập quốc gia riêng. Với khẩu khí đòi độc lập “Nam quốc”, xưng “Nam đế”, thống nhất lại “thất quận” thì thời điểm đọc bài thơ này vào thời Lý Thường Kiệt (Lý Nhân Tông) là phù hợp hơn.
Phục quốc nước Nam thất quận luôn canh cánh trong các triều đại Việt sau này. Hoàng đế Quang Trung sau chiến thắng Đống Đa đuổi quân Thanh đã cử sứ giả đi đòi đất Lưỡng Quảng. Gia Long lên ngôi muốn đặt tên nước là Nam Việt…
“Nam quốc” đã đi vào tiềm thức người Việt như quốc danh của mình. Người Việt sẽ còn kể mãi chuyện “Nam đế” Lý Bôn, “Nam bang thủy đế” Triệu Vũ Đế như vị vua đầu tiên lập nước, phân Bắc Nam. Dòng sử nước Nam Việt đã mất đi phần Lưỡng Quảng, nhưng rồi lại thêm đất Nam Triệu – Lâm Ấp để nay trở thành nước Việt Nam độc lập.

Thánh Tam Giang và bài thơ Nam quốc sơn hà

Người Việt ai chẳng biết bài thơ Nam quốc sơn hà đã được vang lên trên phòng tuyến sông Như Nguyệt như một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta chống giặc phương Bắc xâm lược… Có điều bài thơ này được chép với nhiều dị bản và truyền thuyết bao quanh, nửa hư nửa thật làm cho chẳng ai hiểu ngọn ngành thật sự ra sao.
Tương truyền bên dòng sông Như Nguyệt hai vị thần là Trương Hống, Trương Hát đã hiển linh đọc bài thơ trong đêm trước quân Tống… Nhưng cuộc chiến Việt – Tống này có sách thì chép là của Lê Đại Hành, sách khác lại là của Lý Thường Kiệt. Phải xác định ra sao về thời điểm ra đời của bài thơ này?
Dị bản chính của bài thơ được chép trong Lĩnh Nam chích quái:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược
Bạch phận phiên thành phá trúc dư.

Nước ta từ Ngô, Đinh, Tiền Lê đến tận Lý Trần đều là Đại Cồ Việt, Đại Việt. Vậy sao ở đây lại gọi là “Nam quốc”, “Nam đế”? Nước ta là “nước Nam” từ lúc nào? Quốc danh còn không rõ thì sao gọi là “tuyên ngôn độc lập” được?
Để giải đáp những câu hỏi trên cần xem lại chuyện về đức thánh Tam Giang Trương Hống Trương Hát trên cơ sở những nhận định mới về cổ sử Việt Nam.
Hiện nay dọc sông Cầu có tới hơn 300 nơi thờ anh em Trương Hống, Trương Hát. Mỗi nơi một tích, mỗi nơi một chuyện, nhưng đều tương tự nhau. Theo thần tích làng Vân Mẫu (Quế Võ – Bắc Ninh) vào thời Tiền Lý Nam Đế trong làng có bà Phùng Từ Nhan, một đêm nằm chiêm bao thấy Thần long quấn mình trên sông Lục Đầu. Sau đó bà mang thai, sinh hạ 5 người con. Bốn con trai tên là Hống, Hát, Lẫy, Lừng và một con gái là Đạm Nương … (Không rõ vì sao những vị này lại lấy họ Trương?)
Lớn lên Trương Hống, Trương Hát theo học tiên sinh Lã Thị người hương Chu Minh, lộ Bắc Giang. Tới khi Triệu Quang Phục khởi nghĩa ở đầm Dạ Trạch thì cả nhà họ Trương cùng dấy binh theo về… Triệu Quang Phục phong Trương Hống làm thượng tướng quân, Trương Hát làm phó tướng quân, Lã tiên sinh làm quân sư, Trương Lừng, Trương Lẫy làm tỳ tướng, Đạm Nương làm hậu binh lương và lo kế sách đánh giặc.

Dẹp xong giặc rồi, Triệu Việt Vương kéo quân về Long Biên sang sửa đô thành, khao thưởng tướng sỹ, úy lạo muôn dân.Vua Triệu phong thực ấp cho hai anh em họ Trương ở Kinh Bắc, Trương Hống ở làng Tiên Tảo, huyện Kim Anh, Trương Hát ở làng Tam Lư, huyện Đông Ngàn là nơi dấy binh cũ.

Hong Hat Lay Lung Tượng bốn vị Hống, Hát, Lẫy, Lừng ở Vân Mẫu

Trong cách nhìn mới, với việc xác định Triệu Việt Vương là vua nước Nam Việt thời trước Công nguyên thì có thể thấy anh em Trương Hống, Trương Hát là những công thần lập quốc của nhà Triệu. Lã tiên sinh, thầy học của Trương Hống Trương Hát, có thể chính là tể tướng Lữ Gia của nhà Triệu Nam Việt.
Như đã biết nhà Triệu Nam Việt đóng đô ở Dương Thành (Quảng Đông). Sử Việt thì chép Triệu Việt Vương đóng đô ở Long Biên, có lẽ là đã lấy nơi ông tổ nhà Triệu là Triệu Vũ Đế lập hành cung Long Hưng ở thời kỳ khởi nghĩa kháng Tần. Có liên hệ sau: Long Biên <-> Long Xuyên <-> Tam Xuyên <-> Tam Giang.
Long Xuyên là nơi “Úy Đà” khởi nghiệp theo Sử ký Tư Mã Thiên. Long Biên là nơi đóng quân của Triệu Vũ Đế (điện Long Hưng ở Xuân Quan).
Trương Hống Trương Hát được gọi là đức thánh Tam Giang. Tam Giang đây không phải là Ngã ba Xà, nơi bài thơ thần được đọc sau này, bởi vì ngã ba này chỉ có … 2 con sông: sông Cà Lồ và sông Cầu, đổ vào nhau. Tam Giang ở đây là chỉ quận Tam Xuyên dưới thời Tần, là nơi Lưu Bang Triệu Vũ Đế khởi nghĩa.
Như vậy khi Triệu Văn Vương lập nước Nam Việt, anh em Trương Hống, Trương Hát theo tể tướng Lữ Gia đã được phong cai quản vùng đất quận Tam Xuyên cũ, là vùng “từ Thái Nguyên tới Lục Đầu Giang”, như thần tích thánh Tam Giang cho biết.
Tiếp theo, khi Hậu Lý Nam Đế cầu hôn con gái của Triệu Việt Vương cho con trai mình là Nhã Lang thì hai anh em Trương Hống, Trương Hát đã can ngăn. Đại Nam quốc sử diễn ca chép:

Có người: Hống, Hát họ Trương
Vũ biền nhưng cũng biết đường cơ mưu,
Rằng: “Xưa Trọng Thuỷ, Mỵ Châu,
Hôn nhân là giả, khấu thù là chân.
Mảnh gương vãng sự còn gần,
Lại toan dắt mối Châu Trần sao nên?”.

Thì ra hai đại tướng quân cai quản vùng đất tổ Tam Xuyên đã phản đối việc Triệu Anh Tề lấy Cù Thị người nhà Hiếu (Tây Hán).
Lĩnh Nam chích quái kể tiếp, khi Triệu Việt Vương bị Hậu Lý Nam Đế đánh bại, Nam Đế đem lễ vật đến rước anh em Trương Hống Trương Hát, có ý muốn cho làm quan, nhưng hai vị kiên quyết giữ lòng trung thành, trốn vào ở núi Phù Long. Nam Đế nhiều lần cho người đến truy nã nên hai vị đành tuẫn tiết mà chết…
Trương Hống Trương Hát tự vẫn ở vùng “Đu Đổm” thuộc Thái Nguyên ngày nay. Phù Long phiên thiết là Phong. Núi Phù Long liệu có phải là đất Phong (Mường Đăng) nơi Lưu Bang khởi nghĩa?
Có thể thấy hành trạng của anh em họ Trương hoàn toàn trùng với tể tướng Lữ Gia, từ việc tham gia lập nước Nam Việt, phản đối cuộc hôn nhân với người nhà Hiếu, kiên quyết không theo Hậu Lý, rút về vùng núi phía Tây khi thất bại. Điều này càng củng cố lập luận Lã tiên sinh, thầy học của anh em họ Trương trong thần tích là tể tướng nhà Triệu Lữ Gia.

Nghe Trau Lo Tam Giang thần từ ở làng Trâu Lỗ

Ở làng Trâu Lỗ thuộc xã Mai Đình, Hiệp Hòa – Bắc Giang còn có nghè (đền) thờ đức thánh Tam Giang, nhưng lại cùng với 2 thành hoàng làng là Vua ông Vua bà. Trong nghè có 4 tượng: tượng Vua ông đội mũ bình thiên, tượng Vua bà và 2 tượng Trương Hống, Trương Hát hai bên như quan hầu. Dân làng chỉ biết “Vua ông Vua bà” là thành hoàng làng, nhưng không biết cụ thể đó là ai, ở thời nào, công trạng ra sao.
Trong sử Việt, chỉ có hai vị mà cả vợ cả chồng đều có thể được gọi là Vua là: Lưu Bang và Lữ Hậu. Trương Hống, Trương Hát là tướng của nhà Triệu Nam Việt. Nhà Triệu lấy Lưu Bang làm tổ (Triệu Vũ Đế), họ Lữ làm tể tướng (Lữ Gia). Trương Hống, Trương Hát lại cai quản đất khởi nghiệp Long Xuyên của Lưu Bang, nên việc đặt thờ hai anh em họ Trương bên cạnh Lưu Bang, Lữ Hậu (Vua ông Vua bà) là rất hợp lý. Lưu Bang và Lữ Hậu cùng được thờ tương tự ở đình làng Bát Tràng.
Ở Bắc Ninh còn có 2 làng Đồng Văn và Đồng Đoài (xã Thuận Thành) cạnh sông Cầu thờ thành hoàng là Tam Công. Theo thần tích thì đây là 3 vị tướng của nhà Triệu Nam Việt, có công chống Hán. Ba vị này được sắc phong là “Đống Sức anh nghị linh thông đại vương”, “Đống Dạ chính trực linh ứng đại vương” và “Thập làng phù vận cảm ứng đại vương”.
Dấu vết của nhà Triệu Nam Việt ở nước ta còn lại không nhiều, hầu hết các đền miếu của các nhân vật liên quan đều đã bị hủy bỏ hoặc thần tích bị thay đổi. Đây là do cái nhìn sai lầm tai hại của các sử gia về tính chính thống của nhà Triệu. Nay với nhận định rõ ràng Nam Việt Đế Lý Bôn là Triệu Vũ Đế, chuyện Triệu Quang Phục là chuyện 4 đời vua Triệu Nam Việt thì phải có một Kỷ nhà Triệu trong lịch sử nước nhà. Hơn thế nữa, chính nhà Triệu đã khởi đầu “nước Nam”, “vua Nam” mà danh lưu còn mãi tới ngày nay như trong bài thơ thần Tam Giang đức thánh đã đọc bên sông Như Nguyệt … (xem phần tiếp theo)

Chuyện Nam Việt

Kể chuyện cũ Mỵ Châu Trọng Thủy
Tráo móng rùa Chu mạt sang Tần
Thu tàn đông lại nghênh tân
Đức Thủy xưng đế muôn dân phục tùng.

Người Tuấn kiệt nẻo rừng Phong Bái
Chém bạch xà sức trải thu đông
Viêm Lưu một sắc cờ hồng
Long Xuyên nổi vận, Long Hưng dựng đài.

Mở nhà Triệu tỏ oai Vũ Đế
Chiếm Quế Lâm, Tượng Quận, Trường Sa
Dương Thành định đỉnh nguy nga
Nam Việt từ đó trải đà bao phen.

Cuộc Hơn – Thua lập nên nhà Hiếu
Tiếp ngôi trời đài miếu thiên thu
Bắc Nam thu một cơ đồ
Hiếu Cao mất để ấn phù cho ai?

Nhà họ Lữ từ nơi Chân Định
Cùng Lý Bôn khởi nghĩa gian truân
Rồi khi nước mở Vạn Xuân
Lữ Hậu chấp chính thay phần Hiếu tôn.

Đầm Dạ Trạch vuốt rồng gắn mũ
Triệu Văn Vương cùng Lữ tướng gia
Nam Việt nối gót ông cha
Bãi Quân Thần rạch sơn hà làm hai.

Hậu Lý Đế bày bài ở rể
Triệu Anh Tề chuyện kể Nhã Lang
Ai Vương, Cù Hậu qui hàng
Xưng thần, nộp ấn, phiên bang vào chầu.

Âu còn có Lữ Gia trung nghĩa
Phế Ai Vương Kiến Đức lên ngôi
Khó thay chống được mệnh trời
Phiên Ngung kết lại bốn đời Việt Vương.

Đánh Nam Việt cờ dương Bác Đức
Xuất lâu thuyền chạy lúc cùng đường
Hiếu Vũ bắt Vệ Dương Vương
Cửa Đại Nha tạc đoạn trường diệt vong.

Trên đất tổ châu Phong họ Lý
Tây Vu Vương Nam Triệu lại hưng
Sáu trăm năm khí anh hùng
Kiên cường chống lại Hán cùng Tấn quân.

Xem dã sử xoay vần tang hải
Chép tỏ tường trái phải trước sau
Triệu là đâu, Lý là đâu
Nam Việt non nước thủa đầu còn đây.