Vang bóng anh hùng

Lữ Gia, cái tên của vị tướng nước Nam Việt tận trung vì nước, kiên quyết chống lại Hán quân xâm lăng, được người Việt qua các thời đại tôn vinh, cho dù không ít người vẫn đặt nghi ngờ về tính chính thống của nhà Triệu. Ngọn nguồn của thừa tướng Lữ Gia phải kể bắt đầu từ Triệu Vũ Đế, người sáng lập ra nước Nam Việt.
Vũ Đế họ Triệu tại làng Đồng Xâm (Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình) đã kết duyên với bà Trình Thị. Trình Thị không phải là người con gái họ Trình, ở khu vực Đồng Xâm không hề có gia tộc họ Trình. Trình Thị đọc thiết âm là Trĩ. Đây là tên cúng cơm của Lữ Hậu, người vợ đã cùng Lưu Bang dựng nghiệp. Lưu Bang và Lữ Hậu mới là khởi nguồn thực sự câu chuyện về thừa tướng Lữ Gia.

IMG_4207-1024x683Đền thờ Hoàng hậu Trình Thị ở Đồng Xâm.

Đất Thái Bình chẳng phải địa danh xa lạ gì trong cổ sử Trung Hoa vì Thái Bình đọc phản thiết là Bái, là nơi Lưu Bang dựng cờ khởi nghĩa. Dưới chế độ hà khắc của nhà Tần, Lưu Bang được nhân dân đất Bái tôn làm Bái Công, là “người tuấn kiệt” lãnh đạo cuộc nổi dậy chống Tần của người Việt.
Triệu Vũ Đế ở Thái Bình là Bái Công Lưu Bang, người đã dẫn quân vào Quan Trung của nhà Tần năm 206 TCN, chiếm lại 3 quận lớn mà Tần Thủy Hoàng lập ra trên đất Việt trước đó (Quế Lâm, Tượng và Nam Hải). Triều đại nhà Hiếu bắt đầu được tính từ đây. Năm 206 TCN là năm Hiếu Cao Tổ thứ nhất. Sử Tàu tráo đổi, biến triều Hiếu thành Hán, gọi triều đại do Lưu Bang lập nên là Tây Hán, cho dù Lưu Bang khởi nghĩa từ đất Thái Bình, là một người Việt chính cống.
Lưu Bang còn được sử Việt chép thành Nam Việt đế Lý Bôn người ở phủ Long Hưng đất Thái Bình. Hiện ở Thái Bình còn lưu đậm đặc các di tích, thần tích về thời kỳ Tiền Lý này vì đây là nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Tần của Lý Bôn – Lưu Bang. Hoàng hậu của Lý Bôn ở Thái Bình được các thần tích chép là bà Đỗ Thị Khương. Đỗ Thị Khương hay Trình Thị thực chất đều là Lữ Hậu, người đã giúp Lý Bôn – Triệu Vũ Đế – Lưu Bang diệt Tần phá Sở, lên ngôi đế vương của thiên hạ Trung Hoa.

Ly-Bon-1-1024x692
Tranh thờ Lý Bôn và hoàng hậu Đỗ Thị Khương ở Thái Bình.

Họ Lữ là những đại công thần khởi lập của triều Hiếu nên đều đã được phong tước hầu. Những người anh của Lữ Hậu là Lữ Thai được phong là Lịch hầu, còn Lữ Sản là Giao hầu. Lịch là đọc sai của Lạc. 2 chức vụ Lịch hầu và Giao hầu của anh em họ Lữ càng cho thấy Giao Chỉ – Lạc Việt là vùng đất khởi nghiệp của Lưu Bang – Lữ Hậu.
Hiếu Cao Lưu Bang mất, Lữ Hậu lên nắm toàn quyền triều chính, phế lập các vị đế họ Lưu theo ý mình. Lữ Hậu đã nhiều lần muốn phá bỏ cam kết ăn thề từ thời Lưu Bang “Ai không phải họ Lưu mà làm vương thì thiên hạ cùng nhau đánh nó”. Bà thái hậu này đã ép các quân thần và phong vương cho gia tộc họ Lữ. Tước vương đầu tiên được phong cho Lịch hầu Lữ Thai là Lữ vương, tức là vua của vùng đất Lữ.
Đất Lữ là quê của Lữ Hậu, tức là vùng đất Bái – Thái Bình. Lữ Vương là một vị trí chức vụ rất quan trọng dưới thời Lữ Hậu vì đó là người phụ trách hậu phương của họ Lữ. Người đầu tiên nắm chức Lữ Vương là Lữ Thai, anh của Lữ Hậu. Lữ Thai mất, thái tử Gia thay thế được lập làm Vương. Sau đó, Gia ăn ở kiêu ngạo hống hách, nên bị phế truất, cho Lữ Sản… làm Lữ Vương”. Mấy tháng sau, Lữ Sản được dời làm Lương Vương và làm thái phó. Lữ Hậu lập Bình Xương hầu Lữ Thai làm Lữ Vương, đổi tên đất Lương gọi là đất Lữ và đất Lữ đổi là Tế Xuyên (Sử ký Tư Mã Thiên, Lữ Hậu bản kỷ).
Việc đổi Lữ Sản làm Lương Vương và đổi tên đất Lương thành đất Lữ cho thấy thực chất Lữ Sản vẫn giữ vai trò của Lữ Vương (vua đất Lữ). Còn vùng đất Lữ trước đây đổi thành Tế Xuyên (Tam Xuyên?) do một vị hầu tước khác cai quản.
Khi Lữ Hậu mất, Lữ Sản làm binh biến định dành ngôi vị nhưng không thành, bị đám cận thần trung thành với họ Lưu giết chết. Trong sự kiện này “những người họ Lữ không kể trai gái, già trẻ đều chém hết”. Tuy vậy, Sử ký không nói gì đến vị Lữ Vương cuối cùng là Bình Xương hầu Lữ Thai sau cuộc binh biến này ra sao. Một vị vương chủ chốt, nắm toàn bộ hậu phương của họ Lữ, do chính Lữ Hậu quan tâm gây lập nên qua mấy đời chắc chắn phải có vai trò rất lớn đối với sự nghiệp của họ Lữ. Vậy mà tung tích của vị này lại không hề được nhắc tới.
Sử ký bàn: “Cao Hậu người đàn bà làm chủ, gọi mệnh lệnh của mình là “chế” nhưng việc chính sự không ta khỏi nhà, thiên hạ yên lành”. Có thật là “thiên hạ yên lành”, không ảnh hưởng gì bởi sự tiếm quyền của họ Lữ? Yên lành gì mà ngay sau khi Lữ Hậu mất ở phương Nam bỗng nhiên nổi lên nước Nam Việt của Triệu Đà, chiếm mất cả nửa diện tích Trung Quốc:
“Cao Hậu mất… Đà nhân đó dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình. Đất đai của Đà chiều ngang có hơn vạn dặm. Đà bèn đi xe mui lụa mầu vàng cắm cờ tả đạo, mệnh gọi là “chế”, chẳng kém gì Trung Quốc”.
Đặc biệt hơn nữa lúc này trong triều Nam Việt nhà Triệu bỗng xuất hiện Thừa tướng Lữ Gia. Theo Sử ký thì Lữ Gia dưới thời Triệu Anh Tề đã làm thừa tướng tới ba đời vua, tức là từ Triệu Vũ Đế, Triệu Văn Đế tới Triệu Minh Vương (Anh Tề). Như vậy Lữ Gia là thừa tướng của nhà Triệu ngay từ vị vua Triệu lập quốc đầu tiên sau khi Lữ Hậu mất.
Sử sách của nhà Hiếu (Sử ký Tư Mã Thiên) đã dấu đi hoặc đã cố ý không nói tới một sự thật. Sự tiếm ngôi của họ Lữ đã không hề kết thúc một cách yên lành sau khi Lữ Hậu mất. Họ Lữ ở kinh thành Trường An bị giết hết nhưng vẫn còn vị Lữ Vương cuối cùng, người nắm giữ vùng đất Lữ ở phương Nam. Đây chính là thừa tướng Lữ Gia của Nam Việt. Vị Lữ Vương này đã lập một người cháu của Lưu Bang lên làm vua Triệu của nước Nam Việt, bắt đầu thế đối kháng Nam Bắc. Vua Triệu xưng đế ngang với nhà Hiếu ở phương Bắc.
Diễn biến tiếp theo của nước Nam Việt thì như đã biết, sau khi Minh Vương Triệu Anh Tề mất, thái tử Hưng lên ngôi là Triệu Ai Vương. Thái hậu Cù Thị, truyền thuyết Việt gọi là Cảo Nương, con của Triệu Quang Phục, có ý theo về với nhà Hiếu ở phương Bắc. Tất nhiên thừa tướng Lữ Gia không đời nào đồng ý việc này vì mối thù diệt tộc khi Lữ Hậu mất vẫn còn đó, và họ Lữ đã mất công mấy đời gây dựng nước Nam Việt để có lãnh thổ riêng, vương quyền riêng, không thể nào lại hàng nhà Hiếu. Lữ Gia nhanh chóng giết mẹ con Cù Hậu, lập Triệu Kiến Đức lên ngôi và tích cực chiến đấu chống quân nhà Hiếu.
Khi kinh đô Phiên Ngung của Nam Việt thất thủ, vua Triệu Kiến Đức cùng Lữ Gia và cả gia đình hoàng thân quốc thích hàng trăm người đã lên thuyền đi về phía Tây. Phía Tây của Phiên Ngung (Quảng Đông) tức là đất Giao Chỉ, là miền đất gốc của họ Lữ từ thời Lữ Hậu (đất Bái). Không may, khi thuyền vừa mới tới miền đất cũ của họ Lữ, vua Triệu cùng Lữ Gia bị quân nhà Hiếu truy sát bắt được.

IMG_4785-1024x683
Đền thờ Lữ Gia ở chân núi Gôi.

Câu chuyện thảm thương, kết thúc một triều đại này trong sử Việt được truyền thuyết kể thành chuyện Triệu Việt Vương bị Hậu Lý Nam Đế đuổi, chạy đến cửa Đại Ác thì đường cùng, ra biển mà mất. Đại Ác là cửa sông Đáy đổ ra biển, nay còn di tích đền Độc Bộ (Ý Yên, Nam Định) thờ Triệu Quang Phục, “cháu đời xa của Triệu Vũ Đế”. Gần đó ở chân núi Gôi (Vụ Bản, Nam Định) là nơi thừa tướng Lữ Gia tử trận. Ngôi đền thờ vị tể tướng 4 đời vua Triệu này còn lưu câu đối, nói tới chí khí kiên cường chống giặc của Lữ Gia:
趙氏有天存社稷
漢人無地出楼船
Triệu thị hữu thiên tồn xã tắc
Hán nhân vô địa xuất lâu thuyền.
Dịch:
Còn trời họ Triệu còn xã tắc
Không Hán, lên thuyền đất chẳng chung.
Trong truyền thuyết Việt câu chuyện Lữ Gia không kết thúc ở đây. Sau thất bại ở Phiên Ngung Lữ Gia đã lui về vùng phía Tây dựng phòng tuyến chống lại quân nhà Hiếu. Đó là phòng tuyến bên sông Lô với các di tích về Lữ Gia ở 2 bên bờ sông ở Việt Trì và Lập Thạch. Cũng có chỗ là ở vùng đất Hà Tây (cũ), như các di tích Linh Tiên quán (Hoài Đức), nơi tương truyền Lữ Gia đã gặp tiên đánh cờ.

P1010119-1024x768
Nghi môn Linh Tiên quán.

Câu đối ở quán Linh Tiên :
聖駕仙棋趙承留勝跡
靈僊古觀三教顯名藍
Thánh giá tiên kỳ Triệu thừa lưu thắng tích
Linh tiên cổ quán tam giáo hiển danh lam.
Dịch
Thánh giá cờ tiên, Triệu tướng lưu thắng tích
Linh Tiên quán cổ, Tam giáo tỏ danh lam.
Trong sử Việt Lữ Gia còn được kể dưới một loạt các tên khác nữa. Đó là Đỗ Động tướng quân Đỗ Cảnh Thạc ở vùng Thanh Oai – Quốc Oai (Đỗ động). Họ Đỗ ở đây cũng giống như trường hợp Lữ Hậu ở Thái Bình được gọi là Đỗ Thị Khương. Đỗ Cảnh Thạc bị sử Việt ghép thành 1 trong 12 sứ quân của thời Đinh Bộ Lĩnh, cách sau đó hơn nghìn năm.

P1130096-1024x768
Đình Giá ở Yên Sở trong ngày hội.

Truyền thuyết Việt còn kể về thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu dưới tên nhân vật Lý Phục Man. Lý Phục Man là đại tướng của Lý Nam Đế, khi tử trận được người nhà là Trương Hống, Trương Hát đưa về an táng tại làng Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội). Lý Phục Man cũng được gọi là Đỗ Động tướng quân. Nơi mất của Lữ Gia – Lý Phục Man – Đỗ Cảnh Thạc đều ở dưới chân Sài Sơn là chứng thực rõ nhất rằng cả 3 sự tích này đều là về vị thừa tướng họ Lữ lẫy lừng của nhà Triệu Nam Việt.
Về Lữ Gia còn có thêm một dẫn chứng liên hệ nữa. Ở thôn Mai Trung xã Mai Đình (Hiệp Hòa, Bắc Giang) có đình Lợ hay gọi là đình Mới thờ Lữ tể tướng nhà Triệu. Bản thân tên đình Lợ có thể là đọc tránh của họ Lữ. Tương tự ở vùng này có vùng Đông Lỗ nhưng lại có chợ Lữ.
Là đình thờ Lữ Gia nhưng đình Lợ lại nằm trong trong cụm di tích làng Mai thờ anh em Trương Hống, Hát, Lẫy, Lừng và Đạm Nương cùng con thứ của Trương Hống là Trương Kiều. Lễ hội Mai Thượng ở Hiệp Hòa bên dòng sông Cầu tới nay vẫn là một lễ hội lớn, đặc sắc bởi màn tung hoa (bánh dày) để tưởng nhớ tới thánh Trương Kiều, hy sinh theo cha lúc mới 8 tuổi tại đây. Theo sự tích ở thôn Mai Trung thì Lữ Gia là thầy dạy của 5 vị thánh họ Trương.
Sự tích về thánh Tam Giang ở Vân Mẫu (Quế Võ, Bắc Ninh) cũng kể anh em họ Trương đã theo học tiên sinh Lã Thị người hương Chu Minh, lộ Bắc Giang. Tới khi Triệu Quang Phục khởi nghĩa ở đầm Dạ Trạch thì cả nhà họ Trương cùng dấy binh theo về… Triệu Quang Phục phong Trương Hống làm thượng tướng quân, Trương Hát làm phó tướng quân, Lã tiên sinh làm quân sư, Trương Lừng, Trương Lẫy làm tỳ tướng, Đạm Nương làm hậu binh lương và lo kế sách đánh giặc.
Thật khó hiểu vì sao thừa tướng nước Nam Việt ở thời kỳ trước Công nguyên lại làm “thầy” của các vị tướng thời Triệu Việt Vương, mà theo chính sử ngày nay là vào thế kỷ 6 sau Công nguyên. Chỉ khi xác định Triệu Quang Phục là vua Triệu nước Nam Việt thì thừa tướng Lữ Gia mới là cùng thời với anh em họ Trương.

P1240859-1024x768
Đình Lợ ở thôn Mai Trung thờ Lữ Gia, thầy dạy của Trương Hống, Trương Hát.

Lữ Gia là “thầy” của Trương Hống, Trương Hát. Chữ “thầy” ở đây không phải là thầy dạy học. Thầy nghĩa là cha. Lữ Gia là bố của anh em họ Trương, hay anh em Trương Hống Trương Hát mang họ Lữ. Cũng chính Trương Hống, Trương Hát là “người nhà” đã đem thi hài của Lữ Gia về an táng dưới chân núi Sài trong thần tích về Lý Phục Man ở Yên Sở.
Và cũng Trương Hống, Trương Hát là những người tiếp tục sự nghiệp của cha mình để làm nên cuộc khởi nghĩa tiếp theo ở đất Phong Châu. Trương Hống, Trương Hát chính là Trưng Trắc, Trưng Nhị. Các vị nữ vương này mang họ Lữ/Lã của gia tộc họ Lữ và nối tiếp truyền thống “quần thoa anh kiệt” từ tiền nhân là Lữ Hậu. Sông Như Nguyệt (sông Cầu) của thánh Tam Giang mới là dòng Lãng Bạc nơi nổ ra cuộc chiến ác liệt giữa quân của Trưng Vương và Phục Ba tướng quân.
Dòng họ Lữ của nhà Triệu Nam Việt sau thất bại của Trưng Vương vẫn còn cầm đầu các cuộc nổi dậy tiếp theo với sự kiện Triệu Quốc Đạt – Triệu Thị Trinh chống Mã Viện nhà Đông Hán. Họ Triệu của anh em Bà Triệu cho liên hệ với nhà Triệu Nam Việt. Lệ Hải bà vương Triệu Ẩu có thể mang họ Lữ/Lã vì Lệ Hải thiết . Khu vực khởi nghĩa của Bà Triệu được gọi là nước Nam Triệu, là tiền thân của nước Nam Chiếu thời kỳ sau này (Truyện Nam Chiếu, Lĩnh Nam chích quái).
Lịch sử luôn diễn biến theo quy luật, không có gì tự nhiên mà có. Các triều đại, các cuộc khởi nghĩa thời đầu Công nguyên ở nước Nam đã nối tiếp nhau và được xuyên suốt bởi một dòng họ Lữ từ khi Lữ Hậu theo Lưu Bang thấy rồng vàng bay lên trên sông Nhị Hà tới khi Bà Triệu tử tiết ở Tượng Sơn. Cái khí tiết anh hùng “mẹ truyền con nối” ấy thật đáng khâm phục, để lại cho đời sau cả một trang sử hào hùng, phát triển nền tảng của nước Nam người Việt qua mấy trăm năm.

Vài điều bàn về Cao Lỗ tướng quân

Về Cao Lỗ tướng quân của Thục An Dương Vương, người đã chế tạo nỏ thần chống giặc, có ý kiến cho rằng đây chẳng qua nguyên là tục “thờ đá” vì Cao Lỗ còn được gọi là Thạch thần. Di tích lăng mộ và đền thờ Cao Lỗ ở Gia Bình, Bắc Ninh bị cho là “nhầm” vì Cao Lỗ là người từ đất Thục sang nước ta, không phải quê hương bản quán ở đây và không đúng là thủy tổ họ Cao. Những ý kiến này thực ra không có cơ sở, chỉ là lấy cách nhìn “ngày nay” để bài bác chuyện xưa chứ chưa hiểu đúng bản chất của nhân vật Cao Lỗ trong bối cảnh lịch sử của thời nhà Thục.

IMG_9266Lăng mộ Cao Lỗ ở Đại Than.

Thần tích làng Vũ Dương Vũ (Hưng Hà, Thái Bình) kể (trích theo Đặng Đình Hùng, Họ Đinh thời Hùng Vương trên đất Thái Bình):
Đức Không Thuyền đại vương tên là Phẩm họ Đinh quê ở Bạch Hạc, Thành Phong Châu, tỉnh Sơn Tây, bà vợ là Trần Thị Anh. Ngài là người thi thư quán thế, hiếu đễ thuyền gia. Rất giỏi việc dùng binh, giỏi cả thi thư xạ ngự, bói toán. Khi ấy ở đời vua Hùng Duệ Vương, nghe tiếng của ngài nhà vua đã mời ngài ra giúp việc và cho ngài làm tri huyện nhưng ngài có tính khăng khái cương trực, từng không kiêng sợ. Đương thời ngài nhận chức tri huyện, có lập doanh cừ ở làng Vũ Xá, gặp năm đói kém ngài thương dân đói khát, bèn lấy tiền thuế phát chẩn cho dân. Có kẻ dèm pha tố giác với triều đình: ngài tiêu tiền thuế để làm phúc riêng cho mình. Vua bèn phế người xuống làm thứ dân, bắt ngài đi chèo đò ở bến Thần Vũ ngài không giám chối mệnh. Từ khi ngài phải về chèo đò, nhân dân đều tôn kính, thường xưng hiệu là Không Thuyền Ông.
Thời ấy ở đất Ai Lao bộ có họ Thục tên Ban (Bạn) là Thục Chúa, nghe tin vua Duệ Vương định nhường ngôi cho con rể là ông Tản Viên Sơn, bèn đem quân đánh họ Hùng. Vua sai Tản Viên Sơn đem quân ra nghênh chiến. Quân Thục bị thua, Thục Chúa chạy đến bến Hồng Vũ thì đã gần sáng, đương hồi tháng 6, tháng 7. Nước của sông to, quân của đức Tản Viên đã đuổi gần tới nơi. Trong lúc cấp bách đường cùng, Thục Chúa trông thấy ở mé sông có thuyền của Không Thuyền liền gọi cầu cứu chở qua sông. Không Thuyền cũng nghĩ thầm hẳn Thục Chúa thua trận chạy trốn, ta mà bắt được đem nộp thì được công to. Nhưng lại nghĩ rằng: “Chấp nhân ư nguy cấp chi trung, khởi vô nghĩa hồ cứu nhân ư hoạn nạn, chi chính thị nhân dã”. Ngài bảo rằng ngày nay quân của Hùng gia còn đương canh hàng nghiêm ngặt, Minh Công tạm trú gia thôn sở nguyệt. Thục Chúa còn nghi ngại chẳng giám nghe lời, ngài phải chỉ trời mà thề rằng: nếu tôi có lòng bất chính thì trời sẽ hại tôi. Thục Chúa thấy ngài quả có lòng thành thực, liền theo ngài về nhà, ngài để Thục Chúa ở chùa Vũ Xá hơn một tháng. Thấy quân Hùng gia không còn truy lùng nữa, hai ba lần Thục Chúa mời ngài cùng về bản quốc, để báo đại ân. Ngài từ chối không chịu đi, nói rằng tôi đã ăn lộc Hùng gia mà nay lại về với Minh Quân là vô đạo. Một đêm ngài nằm mộng thấy thần báo một bài thơ rằng:
Hữu thời quân tất hữu thời thần
Hà tất phu phu tác đạo nhân
Nghi giữ Thục Vương hồi Thục quốc
Công danh tái đắc ức liên thân.
Khi ấy ngài mới vui lòng về Ai Lao. Thục Chúa phong ngài là Bảo Hựu Không Thuyền đại đô đốc, thực ấp vạn hộ. Thục Chúa gọi em là bà Phượng Hoa công chúa gả cho ngài. Được 5 đến 6 tháng bà nằm mộng thấy 3 con lân nhập hoài mà có thai, đến ngày 10 tháng 2 năm Giáp Dần sinh ra một bọc, phá ra 3 người con trai. Khi đang sinh thấy hương hoa thơm ngát ở phòng sinh. Sinh được hơn trăm ngày, ngài đặt tên con trưởng là Nam Công, con thứ là Chiều Công, thứ ba là Hàn Công, đến năm 14 tuổi, bà mẹ hốt nhiên không ốm mà chết.
Đến khi Tam Công 18 tuổi, thiên kinh vạn quyển qua tay thuộc lòng. Thục Chúa đều phong tước cho. Khi ấy cha con ngài đều khuyên Thục Chúa cầu hòa cùng Duệ vương. Duệ vương được tin Thục Chúa xin cầu hòa, bèn triệu Thục Chúa lại nhường ngôi cho. Thục Chúa lên ngôi đóng đô ở thành Cổ Loa, phong Bảo Hựu làm Bảo Hựu Không Thuyền đại tướng, trưởng tử Nam Công làm quản Nam Đô phụng sự, thứ tử Chiều Công làm Phụng thị tả hữu. Quý tử Hàn công làm Chính hàn giáo thiên hạ tứ phương trí sĩ.
Từ khi ấy cha con ngài thường đi lại làng Vũ Xá. Ngài sai làm một nhà hội đồng cung để cho 3 con cùng ở. Một ngày 3 cha con cùng ngồi ở hội đồng cung chợt thấy một người đầu râu tóc bạc, đầu đội mũ hoa từ ngoài đi vào, cha con trông thấy mời vào cùng ngồi chơi nói chuyện thiên văn địa lý, văn chương thi phú thấy rất hợp liền kết làm nhất bái huynh đệ. Lão nhân đến tối thì đi, sáng sớm lại đến, đã ba, bốn ngày vẫn như thế. Đến hôm ấy lão nhân đi ra thì cha con ngài cùng đi theo, thấy lão nhân rẽ nước mà xuống sông, đến sáng sớm hôm sau cha con đi ra thì lại trông thấy lão nhân rẽ nước mà đi lên, rồi vào hội đồng cung. Thấy mọi người ngạc nhiên, lão nhân cười mà nói rằng, ta trước là con nhà Hùng gia cai trị ở Giang Khẩu, nay thấy cha con nhà ngươi là người anh tài đạo đức khí cao chí trung cho nên không lấy âm dương làm cách biệt mà đến chơi. Cha con ngài nói rằng tôn nhân đã không lấy âm dương làm cách biệt giám kết làm chi lan, có việc gì nguy cấp thì xin cấp cứu, lão nhân vâng dạ bảo rằng ta từ nay có việc triều đình không hay đi lại như trước, ngươi có việc gì muốn cầu cứu thì ta cho thần hiệu. Khi có việc gì thì hô thần hiệu ta sẽ tới, nói rồi viết hai chữ “Giang Khẩu” đưa cho cha con ngài, rồi đi.
Thời Thục Chúa tại vị đã được 32 năm có người ở Chân Định tên là Triệu Đà cử binh lại xâm chiếm, đồn trú ở Bắc Ninh Thiên Đức Giang. Thục Chúa sai sứ triệu cha con ngài về triều rồi đem quân đánh giặc. Khi ấy ngài đang thiết ban ở hội đồng cung để cầu Giang Khẩu đại vương, nghe thấy sứ triệu, ngài bèn gọi nhân dân ở làng Vũ Xá cắt cử coi giữ cung sở lập tức ngài xuất bản bộ binh mã và chọn những người tráng kiện ở làng Vũ Xá được 35 người để làm gia nô thủ túc. Thục Vương kíp sai đem một trăm nghìn quân ra đánh Triệu Đà, cha con ngài bái tạ Thục Vương rồi đem quân đường đường trực tuyến đến thiên đức giang thiết đầu sở rồi cùng Triệu Đà kháng cự. Cha con ngài cùng cha con Triệu Đà đánh nhau vài mươi trận, cha con ngài đều toàn thắng bắt được nhiều lương thực khí giới. Triệu Đà thấy cha con ngài uy dũng không dám ra đánh, đem quân về danh sở cố thủ không xuất chiến nữa.
Than ôi số mệnh tại thiên, Không Thuyền ở chốn chiến trường chợt bị bệnh nặng rồi chết vào ngày 19 tháng chạp. Ba vị Tam Công sai gia nhân về tâu Thục Vương. Vua Thục nghe tâu rất là thương tiếc, gấp sai xa giá ra chỗ quân trung đem Không Thuyền về thành đô. Khi ấy Triệu Đà gọi con cùng chư tướng bàn rằng nay Thục Vương đã mất một viên chúa tướng, Thục Vương xa giá đến đây, ta cố đánh một trận toàn thắng. Ngay đêm ấy chia làm bốn phía cùng tấn công. Đương khi 3 vị Tam Công còn đang sầu lão cùng với vua Thục và Quách Quàn thân phụ ở trong trại chợt thấy quân Triệu Đà vây bốn mặt giáp chiến. Quân Thục bị chết vô số, ba vị Tam Công ra đánh khi ấy quân Triệu phấn dũng, Tam Công không địch nổi lại chạy về trại cố thủ. Chúa Thục cả sợ, Tam Công nói rằng bệ hạ đừng lo, tôi đã có Giang Khẩu thần cấp cứu, nói rồi rồi đốt hương cầu Giang Khẩu xin lại cấp cứu ta. Vừa cầu xong chợt nổi: một trận gió to gẫy cây tốc nhà, bay sỏi đá, có tiếng gọi to rằng ta đã lại cứu lũ ngươi sao không đem quân ra đánh. Tam Công nghe thấy lập tức đem quân ra đánh. Triệu binh thất điên bát đảo bị chết vê số, Triệu Đà chạy về doanh sở.
Ba vị Tam Công mời Đức Giang Khẩu về lầu Thục Vương. Đức Giang Khẩu nói rằng ta muốn lại thăm Không Thuyền Vương rồi cùng về lầu bái yết Thục Vương. Đức Giang Khẩu thăm vị Không Thuyền Vương đã khuất rồi từ tạ mà đi, Thục Vương sai rước Không Thuyền Vương về táng ở thành Cổ Loa, lại gia tăng ở mỹ tự 6 chữ “bảo hộ, dục vận, chiến lưu”, sắc chỉ về làng Vũ Xá lập miếu ở hành cung bên chùa để thờ cúng. Thục Vương lại sai sứ đem Kim Quy thần cung giao cho ba vị Tam Công khiến lui quân Triệu Đà. Tam Quân được thần cung ấy liền thắng vài mươi trận. Triệu Đà từ ấy chạy về Chân Định, ba vị Tam Công bái tạ Thục Vương xin về làng Vũ Xá, túc trực tại nhà hội đồng cung ở làng Vũ Xá, chúc thỉnh Đức Giang Khẩu tới để mở tiệc khánh hạ.
Đương khoảng tháng 6, tháng 7, trong một ngày 3 vị Tam Công đương ngồi ở hội đồng cung sở thấy Đức Giang Khẩu rẽ nước đi lên cười mà tụng rằng:
Ngũ thập nhiên gian tại Thục Vương
Hựu quy Triệu thị khá tuy tường
Kim nai đặc thỉnh tam công đảng
Hồi thủy vân vương kết nghĩa trường.
Đương khoảng giời đất yên tĩnh ba vị Tam Công cùng hóa cả.
Câu chuyện về Không Thuyền đại vương và Giang Khẩu thần giúp Thục Vương đánh giặc đọc kỹ thấy có rất nhiều tư liệu mới mẻ đối với giai đoạn khúc mắc này của sử Việt. Tên của Thục Vương ở đây chép là Thục Ban (Bạn). Vì 2 phụ âm B và P đổi cho nhau nên Thục Bạn là tương đương với tên Thục Phán trong chính sử.
Thần tích chép Không Thuyền đại vương đánh giặc ở Thiên Đức giang. Thiên Đức là tên cổ của sông Đuống. Vị Giang thần sông Đuống ở đây gọi là Giang Khẩu hoặc Đức Giang Khẩu. Cửa sông Đuống là cửa Lục Đầu ở Bắc Ninh. Vị thần Giang Khẩu như vậy tương đương với Thanh Giang sứ giả trong truyền thuyết Kim Quy. Thanh Giang sứ là thần sông chứ không phải thần biển.
Khi nhận ra thần Giang Khẩu là thần Kim Quy thì Không Thuyền đại vương được kể phải là Cao Lỗ, vị tướng giúp vua Thục đánh giặc và chế tác nỏ thần. Cao Lỗ còn gọi là Cao Thông. Không Thuyền đọc thiết âm là Thông, trùng với tên của Cao Lỗ.
Tướng Cao Lỗ có đền thờ chính và lăng mộ tại thôn Đại Trung (Cao Đức, Gia Bình, Bắc Ninh). Khu vực này chính là nơi sông Đuống đổ vào Lục Đầu, gọi là bãi Đại Than. Sự trùng khớp vị trí của lăng Cao Lỗ và bến đò trên cửa sông Đuống trong thần tích Không Thuyền đại vương khẳng định thêm Không Thuyền chính là tướng Cao Lỗ.
Câu đối ở lăng Cao Lỗ tại Đại Than
愼密弩機萬代時君皆倚重
艱難農事千秋上帝憫精忠
Thận mật nỗ cơ vạn đại thời quân giai ỷ trọng
Gian nan nông sự thiên thu thượng đế mẫn tinh trung.
Dịch:
Cẩn mật nỏ thần, vạn đời các vua đều coi trọng
Gian nan nông nghiệp, nghìn thu thượng đế cảm lòng trung.
Cao Lỗ được biết đến là một vị tướng tài giỏi và là một nghệ nhân về các nghề thủ công, nông nghiệp. Ông là người chế tạo ra nỏ thần của nhà Thục, được coi là “ông tổ chế tạo vũ khí” của nước Nam.
Để nhận rõ Cao Lỗ là ai cần điểm lại lịch sử nhà Thục ở nước ta. Truyền thuyết về Thục An Dương Vương kể về cả một thời đại nhà Thục từ lúc dựng nước tới lúc mất nước. Đoạn đầu Thục Phán đánh Hùng Vương và lên ngôi đã được biết là chuyện Cơ Phát đánh giặc Ân, lập nên nhà Chu trong Hoa sử. Đoạn An Dương Vương xây thành Cổ Loa là sự kiện Chu Bình Vương dời đô từ Tây Kinh về Đông Kinh ở Đông Ngàn Cổ Loa. Đoạn cuối về Mỵ Châu – Trọng Thủy là việc nhà Tần diệt Chu Noãn Vương, kết thúc vương triều Chu kéo dài gần 1000 năm.
Xét trên một giai đoạn lịch sử dài như vậy, thật khó xác định Cao Lỗ là vị tướng ở thời gian nào. Chắc chắn một điều là tướng Cao Lỗ không liên quan tới việc trừ yêu diệt quỷ xây thành Cổ Loa như vẫn nhiều người lầm tưởng vì việc xây thành Cổ Loa là công tích của Huyền Thiên Lão Tử ở Đông Anh. Như vậy Cao Lỗ chỉ có thể là vị tướng ở thời kỳ đầu hoặc ở giai đoạn cuối của nhà Chu Thục.
Cao Lỗ chỉ một vị tướng người nước … Lỗ. Lỗ là nước chư hầu nằm ở phía Tây của nhà Chu. Lỗ hay Lẽ, Lý là tính chất lý lẽ của phương Tây, đối lập với tính chất tình thương, từ ái của phương Đông trong Dịch học. Cao là từ dùng để chỉ người lãnh đạo. Như thế Cao Lỗ tức là vị thủ lĩnh phía Tây.
Một loạt các tên gọi khác của Cao Lỗ khẳng định điểm này. Cao Lỗ còn gọi là Thạch thần. Hay trong thần tích ở Thái Bình Cao Lỗ trở thành Không Thuyền đại vương mang họ Đinh. Thạch hay Đinh đều là những dịch tượng chỉ hướng Tây, với tính chất tĩnh lặng, cương định.
Thần tích đền Đại Than cho biết Cao Lỗ khi sinh ra trên người có chữ Cao Lỗ Thiên, được đặt tên là Lỗ Công. Cao Lỗ Thiên không phải là “ông trời họ Cao tên Lỗ” mà là vị thủ lĩnh của trời Tây (Lỗ).
Giả thuyết như vậy thì Cao Lỗ có thể là vị tướng ở một trong 2 thời điểm. Ở thời lập quốc nhà Chu thì Cao Lỗ là Chu Công Đán, người em của Chu Vũ Vương được phong ở đất Lỗ. Chu Công hay Lỗ Công đã không về đất phong mà ở lại kinh thành nhà Chu phò tá cháu còn nhỏ là Chu Thành Vương. Sau khi dẹp loạn Vũ Canh và Tam Thúc, Chu Công đã đưa đám quý tộc nhà Ân cũ về an trí tại thành Lạc Dương, tức là ở thành Cổ Loa.
Thần tích ở Đại Than cho biết Cao Lỗ khi giúp Thục Vương đã dẫn quân như sau:
Chỉ đạo theo đường từ châu Minh Linh Bố Cánh đi ra, một đạo theo đường núi từ Quỳnh Nhai Hoàng Tùng thập châu đi ra, một đạo theo đường Tuyên Tiên Tụ Long đi ra, một đạo theo đường núi Tam Điệp Ái Châu đi ra, một đạo theo đường Hoan Châu hội quân ở cửa biển, dựng cờ lớn ở đất Mộc Châu.
Tất cả những địa danh trên cho thấy khu vực cai quản của Cao Lỗ là vùng rừng núi Tây Bắc và Bắc Trung Bộ ngày nay. Đây chính là địa phận nước Lỗ, đất phong của đại công thần Chu Công Đán của nhà Chu.
Giả thuyết thứ hai nếu Cao Lỗ ở vào cuối thời Chu Thục, đã từng giúp Thục kháng Tần (Triệu), thì khả dĩ nhất Cao Lỗ là ông Lỗ Ban. Cao Lỗ được thờ là tổ nghề rèn (dưới tên Lư Cao Sơn). Lỗ Ban cũng là người nước Lỗ và được tôn là ông tổ nghề xây dựng, nghề mộc. Truyện kể về Lỗ Ban từng chế tạo các máy móc dùng trong chiến trận, như truyện Công Thâu Ban và Mặc Gia bày sa bàn đấu với nhau chín ngày đêm.
Không Thuyền đại vương ở Thái Bình họ Đinh tên Phẩm. Rất có thể chữ Phẩm là biến âm của chữ Ban, tương tự trường hợp tên Thục Ban trong thần tích so với tên Thục Phán. Đinh là hướng Tây, giống như Lỗ. Như thế Đinh Phẩm tương đương với Lỗ Ban.

P1240478

Đền Phnom Bakheng, nơi có truyền thuyết về Lỗ Ban ở Angkor.

Không rõ làm sao, trong sách Chân Lạp phong thổ ký của viên công sứ nhà Nguyên là Châu Đạt Quan ở thế kỷ 13 lại kể ở Angkor Wat trên đất Cămpuchia có mộ của Lỗ Ban:
Ngôi tháp bằng đá (Phnom Bakheng) ở ngoài cửa thành hướng Nam nửa dặm, người ta thuật lại rằng ông Lỗ Ban, vị kiến trúc sư Trung Hoa theo huyền thoại đã xây cất trong một đêm. Ngôi mộ của ông Lỗ Ban (Angkor Wat) ở ngoài cửa Nam lối một dặm, trong một vòng thành gần mười dặm, có hàng trăm căn nhà bằng đá.
Bậc thầy về xây dựng Lỗ Ban của Trung Hoa lại ở Cămpuchia. Nước Lỗ rõ ràng không ở đâu xa tận bán đảo Sơn Đông, mà là khu vực nước Lào ngày nay. Có vậy thì mộ của Lỗ Ban mới nằm trong quần thể Angkor.
Bản thân trong cách bố trí số các ngọn tháp ở Angkor đều dùng số 5 với khái niệm tương tự như Ngũ hành. Ví dụ như ở ngôi đền Phnom Bakheng được nói đến có 5 bậc tháp khi đi lên.

P1240483

5 bậc tháp ở đền Phnom Bakheng.

Trong truyện kể về Lỗ Ban (Nghiên cứu của Lỗ Ban) có thể thấy ông đã rất ủng hộ nhà Chu. Thậm chí có chỗ kể ông có người chị ở đất Chu. Lỗ Ban chế tạo ra con chim gỗ để đi tìm chị ở nước Chu. Bố của ông không biết dùng chim gỗ nên bị rơi ở nước Vũ, sau đó bị giết ở đây…
Nước Lỗ vốn là nước của Chu Công, vị đại công thần của hoàng tộc nhà Chu nên với nước Chu có quan hệ đặc biệt, luôn luôn ủng hộ nhà Chu. Tới tận cuối thời Chiến Quốc nước Lỗ vẫn còn kẻ sĩ như Lỗ Trọng Liên, thà nhảy xuống biển Đông mà chết chứ không chịu theo Tần.
Quay lại vấn đề về Cao Lỗ, người mà danh tích và sự nghiệp gắn với việc chế tạo chiếc nỏ thần. Câu đối về Cao Lỗ ở đình Đại Trung:
名振螺城昭聖跡
靈揚龟弩赫神威
Danh chấn Loa thành chiêu thánh tích
Linh dương quy nỗ hách thần uy.
Dịch:
Danh dội Loa thành rạng thánh tích
Linh thiêng Quy nỏ tỏ uy thần.
Nỏ thần của Cao Lỗ thật sự là gì thật khó biết nhưng bí quyết của nỏ nằm ở chiếc lẫy nỏ do thần Kim Quy trao tặng. Lẫy nỏ thần này được gọi thần cơ. Chữ Cơ 機 còn có nghĩa là điều then chốt, cốt yếu, chứ không nhất thiết chỉ nghĩa là chiếc lẫy để bắn nỏ. Xét về ý nghĩa của bí quyết “móng rùa” này chắc chắn phải liên quan tới Dịch học. Rùa là loài vật có mai giáp dùng để chép Dịch thời cổ (Quy tàng dịch).

IMG_9258Đình Đại Trung ở Gia Bình, Bắc Ninh.

Ngay xem trong thần tích về Không Thuyền đại vương ở Thái Bình, 3 vị con của Không Thuyền (Cao Lỗ) là Chiều Công, Nam Công và Hàn Công cùng với Giang Khẩu thần dùng nỏ thần Kim Quy thắng giặc. Tên của các vị này xếp thành đủ 4 phương. Nam Công là hướng Nam. Chiều Công là hướng Tây, hướng buổi chiều mặt trời lặn. Hàn Công là hướng Bắc, hướng của xứ lạnh (hàn). Còn Giang Khẩu thần hay Thanh Giang sứ là hướng Đông (Thanh là màu xanh, màu của phương Đông). Cùng với Không Thuyền đại vương 4 phương này hợp thành Ngũ hành.
Lỗ Ban cũng là một bậc thầy về phong thủy (Dịch học). Tới ngày nay còn truyền lại dụng cụ “thước Lỗ Ban” được sử dụng rộng rãi trong thuật phong thủy. Phải chăng bí kíp móng rùa của Cao Lỗ chính là nằm ở chiếc “thước Lỗ Ban” này? Hiểu một cách rộng hơn thì Cao Lỗ đã tạo ra một mực thước tốt nhờ vận dụng Dịch học để thiết kế các công cụ tác chiến, nhờ đó giúp cho Thục An Dương Vương chống giặc.
Thay cho lời kết bài viết, xin dẫn thêm đôi câu đối ở cổng lăng mộ Cao Lỗ tại Đại Than:
文武兼全神機妙造無雙將
龍韜虎畧却趙抗秦第壹功
Văn vũ kiêm toàn, thần cơ diệu tạo vô song tướng
Long thao hổ lược khước Triệu kháng Tần đệ nhất công.
Dịch:
Đủ gồm văn võ, sáng tạo lẫy thần kỳ diệu, vị tướng có một không hai
Tài trí hổ rồng, đánh đuổi Triệu chống giữ Tần, công lao đứng hàng thứ nhất.

Lão Tử hóa … Cao Sơn Độc Cước

Tóm tắt lại những gì đã biết về thân thế và sự nghiệp của Lão Tử. Lão Tử, vị giáo chủ của Đạo giáo, tác giả của cuốn triết học Đạo Đức kinh nổi tiếng, xuất xứ không ở đâu xa. Những di tích, sự tích ở Việt Nam cho thấy quê hương của Lão Tử chính là ở miền Bắc Việt.
Làng Thổ Hà (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) là nơi Lão Tử từng tu luyện, cứu chữa dân lành và hóa về trời. Thái Thượng Lão Quân, thành hoàng làng Thổ Hà, được biết là người đã cử thần Kim Quy tới giúp vua An Dương Vương trừ yêu diệt quỷ trên núi Thất Diệu khi xây thành Cổ Loa trong huyền sử Việt. Câu đối ở cửa võng đình Thổ Hà kể lại những sự tích này của Lão Tử:
龜解効靈七燿山中傳役鬼
龍能承化五雲庄下記豋僊
Quy giải hiệu linh, Thất Diệu sơn trung truyền dịch quỷ
Long năng thừa hóa, ngũ vân trang hạ ký đăng tiên.
Dịch:
Rùa biết nghiệm linh thiêng, núi Thất Diệu truyền chuyện sai khiến quỷ
Rồng tài mau biến hóa, trang Ngũ Vân lưu tích bốc lên tiên.
Người đã giúp An Dương Vương diệt tinh gà trắng trên núi Thất Diệu còn là Huyền Thiên Trấn Vũ, có đền thờ chính nằm ở núi Sái (Thụy Lôi, Đông Anh, Hà Nội). Huyền Thiên là Lão Tử vì thời nhà Đường coi Lão Tử là tổ tiên họ Lý nên tôn là Thái thượng Huyền Nguyên hoàng đế. Núi Sái ở Đông Anh còn có tên là núi Vũ Đương, ngọn núi thánh của Đạo Giáo.
Huyền Thiên đại thánh còn có đền thờ ở khu vực ven sông Hồng. Tại đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) Huyền Thiên được thể hiện là một vị thần to lớn, diệt trừ giao long ở đoạn sông này. Ở đền Bộ Đầu, Huyền Thiên được gọi là Đổng Thiên vương. Tức là Huyền Thiên Lão Tử là một trong Tứ linh thần “Hương Bổng Đổng Đằng” và trong Tứ bất tử của nước Nam. Đổng là ghi âm Đùng của tiếng Nôm, chỉ người khổng lồ cao lớn. Hình tượng của Huyền Thiên là một vị thần to lớn kỳ dị, có khả năng điểu khiển rắn rùa và trấn phương Bắc (Huyền phương, Trấn Vũ).
Trong Đạo Giáo Lão Tử được tôn là Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn, một trong ba ngôi chí tôn Tam thanh. Ở Ninh Bình có đức Thiên Tôn trong Hoa Lư tứ trấn cũng chính là Lão Tử. Lão Tử còn có thể ở ngôi Ngọc Hoàng Thượng Đế, thần chủ của Thiên phủ trong tín ngưỡng Tam tứ phủ.
Theo sự tích ở Hoa Lư thì Ninh Bình là quê hương chôn rau cắt rốn của Lão Tử. Lão Tử là người sinh ở vùng Ninh Bình, tu luyện cứu thế ở Thổ Hà (Bắc Giang), khiển rắn rùa ở ven sông Hồng, thành nghiệp trên núi Vũ Đương qua việc trừ yêu quỷ giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Là thần chủ của Đạo giáo và là một trong Tứ bất tử nước Nam nên các ngôi của Lão Tử gặp rất đa dạng. Mỗi địa phương lại kể về Lão Tử dưới một cái tên khác nhau. Chỉ khi so sánh sự tích thì mới nhận ra đó đều là một nhân vật.

P1240973Đền Núi ở Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh.

Ở Yên Phụ (Yên Phong, Băc Ninh) có ngôi đền Núi nằm trên một gò đồi, có tên là núi Thất Diệu. Đền Núi thờ 3 vị thần gồm Cao Sơn đại vương, đức vua bà Ngọc Hậu phi và một vị thần bản thổ. Ngọn đồi này cũng là nơi đóng đại bản doanh của Lý Thường Kiệt trong trận chiến chống Tống trên sông Như Nguyệt.
Đôi câu đối cổ còn lưu lại qua năm tháng ở đền Núi:
龍御臨辰曜嶺草花増氣色
鸞車止 處德江波浪弄清光
Long ngự lâm thời Diệu Lĩnh thảo hoa tăng khí sắc
Loan xa chỉ xứ Đức Giang ba lãng lộng thanh quang.
Dịch:
Rồng ngự kíp thời, Diệu Lĩnh cỏ hoa thêm khí sắc
Xe loan tới chốn, Đức Giang sóng nước ánh hào quang.
Vế đầu câu đối nói tới một vị vua đã từng ngự giá đến núi Thất Diệu. Còn vế sau nói tới xe loan của vị nữ thần (đức Hậu phi?) trên sông Nguyệt Đức (sông Cầu). Tuy nhiên, điều lạ là xét trong số 3 vị thần được thờ ở đền Núi thì không có vị nào là vua mà lại hiển linh ở núi Thất Diệu cả. Vế đối trước chỉ có thể nói tới sự tích liên quan tới thần Cao Sơn đại vương được thờ ở đây. Đây là chuyện thần đã giúp An Dương Vương thân ngự diệt quỷ ở núi Thất Diệu.
Một câu đối cổ khác ở chính điện đền Núi:
退虜助奇功李將驚囬秋夜夣
除妖揚正氣曜山全現北辰光
Thoái lỗ trợ kỳ công, Lý tướng kinh hồi thu dạ mộng
Trừ yêu dương chính khí, Diệu sơn toàn hiện bắc thần quang.
Dịch:
Trợ giúp kỳ công lui giặc, tướng Lý bàng hoàng mộng đêm thu
Nêu cao chính khí trừ yêu, núi Diệu tỏ tường ánh thần Bắc.
Vế đối đầu nói tới thần được thờ ở đền Núi đã trợ giúp Lý Thường Kiệt phá Tống. Còn vế đối sau nói rõ hơn chuyện trừ yêu diệt quỷ ở núi Thất Diệu. Rõ ràng những câu đối này đang kể về sự tích thần được thờ tại đây giúp vua diệt yêu quái trên núi Thất Diệu. Thần ở đây là Cao Sơn đại vương. Đặc biệt thông tin về “Bắc thần quang” đã chỉ rõ thần Cao Sơn ở đây là vị thần trấn phương Bắc. Với những thông tin này thì có thể thấy chắc chắn vị Cao Sơn đại vương ở đền Núi chính là Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền Núi nằm không xa núi Sái, nơi thờ chính của Huyền Thiên.

Gieng Co TienGiếng Cô Tiên trên núi Thất Diệu (Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh).

Đền Núi ở Yên Phụ như vậy liên quan trực tiếp tới sự tích Huyền Thiên giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Trong cụm di tích ở đây còn có miếu Bạch Kê thờ vị tiên cô Bạch Kê đã gánh đất đắp thành Cổ Loa. Trên núi có giếng Cô Tiên, tương truyền là dấu vết tiên ở núi Thất Diệu. Rất có thể, vị thần thổ địa hay vị Ngọ hậu phi được thờ ở đền Núi chính là Mẫu Bạch Kê.
Trong câu đối trên kể về việc thần ở đền Núi trợ giúp Lý Thường Kiệt đánh lui quân Tống. Đây cũng là một trong những chuyện kể về sự hiển linh của đức Huyền Thiên ở đền Sái. Dưới chân đền Sái về phía Đông có đền Thượng, là nơi làm lễ bái vọng Huyền Thiên trong ngày hội đền Sái. Tuy nhiên đền Thượng này lại thờ Cao Sơn đại vương. Đặc biệt chính trong đền Thượng ở chân núi Sái cũng có một đôi câu đối như đôi câu đối đã dẫn của đền Núi Yên Phụ. Thông tin này một lần nữa cho thấy Huyền Thiên đại thánh còn được gọi là Cao Sơn ở khu vực này.
Việc xác định Huyền Thiên Lão Tử còn được gọi là Cao Sơn dẫn đến một phát hiện khác. Cao Sơn hay Tiêu Sơn cũng là tên của thần Độc Cước, vị thần được thờ phổ biến ở Thanh Hóa. So sánh giữa thần Độc Cước và Huyền Thiên cho thấy 2 vị thần này thực chất là một. Cả hai đều là dạng thiên thần hay nửa nhân thân nửa thiên thần. Thần Độc Cước được kể dưới hình ảnh vị thần chỉ có 1 bên thân.

P1240193.jpgTượng thần Độc Cước ở Linh Tiên Quán (Hoài Đức, Hà Nội).

Độc Cước chân nhân và Huyền Thiên đại thánh đều là đạo sĩ, có phép trừ yêu diệt quỷ. Thần Độc Cước ở Thanh Hóa được kể là dẹp quỷ Đỏ (thần tích làng Núi phường Trường Sơn, Sầm Sơn) hoặc Ma Nhung (truyền thuyết làng Vân Trai, Cẩm Vân, Cẩm Thủy). Còn Lão Tử theo thần tích ở làng Thổ Hà thì từng dẹp giặc Xích Tỵ (giặc Mũi đỏ). Thực ra đây là việc Lão Tử đã chữa bệnh giúp nhân dân. Bệnh dịch hạch xưa kia rất phổ biến, người bệnh nổi các nốt hạch đỏ. Truyền thuyết gọi thành quỷ Đỏ hay giặc Xích Tỵ. Nhờ việc chữa trị bệnh dịch này mà Lão Tử đã được nhân dân tôn thờ khắp nơi.
Tên của thần Độc Cước là Cao Sơn hay Tiêu Sơn. Những nơi thờ thần thường gọi địa danh là Núi. Như đã thấy ở trên Cao Sơn cũng là tên của Huyền Thiên. Đây không phải là những vị thần núi như nhầm tưởng. Tên gọi Núi hay Sơn là quẻ Cấn, chỉ hướng Bắc trong Bát quái. Tiêu Sơn nghĩa là hướng chính Bắc, là hướng của Huyền Thiên Trấn Vũ.
Bản thân hình ảnh Độc Cước về một vị thần chỉ có nửa người, một chân cũng là xuất phát từ nghĩa này. Độc là số 1, con số chỉ phương Bắc trong Hà thư. Thánh Độc tương đương với Tiêu Sơn hay Huyền Thiên, là vị thần trấn phương Bắc.
Hình ảnh của dấu chân to lớn như của thần Độc Cước để lại như ở núi Cổ Giải tại Sầm Sơn cũng gặp trong sự tích Huyền Thiên ở đền Bộ Đầu. Cổ Giải là núi rùa. Còn ở nghè Hạ làng Nhân Cao (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) có tượng thần Độc Cước cưỡi trên một con rắn lớn, tay cầm búa bắt nó phải khuất phục. Hình ảnh này liên tưởng tới biểu trưng của Huyền Thiên Trấn Vũ với tài khiển rắn rùa.
Ở núi Sái khi thần Kim Quy dẫn An Dương Vương đi dẹp yêu quỷ, lúc về thấy có một hốc đá lớn trên núi Sái, thần Kim Quy nói đó là dấu chân của đức Huyền Thiên Trấn Vũ, vì thế An Dương Vương cho lập đền thờ thần trên núi Vũ Đương này. Hình ảnh một dấu chân lớn của thần Huyền Thiên tương tự như của Cao Sơn Độc Cước.
Theo sách Bắc Ninh địa dư chí thì ở trại Bông Thắng, phường Phú Thứ, làng Yên Sơn, huyện Phong Phú (Yên Phong) cũng có sự tích thần Tiêu Sơn Độc Cước. Đây là khu vực gần núi Thất Diệu tại Yên Phong.
Ở Việt Yên, Bắc Giang, ngay gần làng Thổ Hà còn có ngôi đền nhỏ gọi là đền Núi Lùn (thôn Lát Thượng, xã Tiên Sơn). Đền thờ Tiêu Sơn Độc Cước. Đền thờ này nằm cạnh chùa Tư Ân (Bổ Đà), nơi còn tượng thờ Lão Tử và Khổng Tử. Câu đối ở chùa Tư Ân về Khổng – Lão:
楚邦鹿梦地鍾靈萬年僊主
魯邑鱗書天瑞表千載素王
Sở bang lộc mộng địa chung linh, vạn niên tiên chủ
Lỗ ấp lân thư thiên thụy biểu, thiên tải tố vương.
Dịch:
Nước Sở mộng hươu đất đúc linh thiêng, vạn năm tiên chủ
Ấp Lỗ sách lân trời soi áng rạng, ngàn thu tố vương.

P1320071
Tượng Lão Tử ở chùa Tư Ân.

Từ sự đồng nhất về sự tích, vai trò tín ngưỡng, tên gọi, địa điểm di tích, hình ảnh thể hiện trong truyền thuyết có thể thấy rõ Tiêu Sơn Độc Cước chính là Huyền Thiên, là một ngôi, một cách gọi, cách thờ khác của Lão Tử. Nguồn gốc của Lão Tử ở nước Nam lại thêm lần nữa được xác quyết với hình ảnh Cao Sơn – Độc Cước.
Tài liệu tham khảo:
1. Tục thờ thần Độc Cước ở một số làng ven sông biển tỉnh Thanh Hóa. Hoàng Minh Tường. NXB KHXH, 2015.
2. Các vị thần làng thờ ở Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh. Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.209-223.