Lão Tử hóa … Cao Sơn Độc Cước

Tóm tắt lại những gì đã biết về thân thế và sự nghiệp của Lão Tử. Lão Tử, vị giáo chủ của Đạo giáo, tác giả của cuốn triết học Đạo Đức kinh nổi tiếng, xuất xứ không ở đâu xa. Những di tích, sự tích ở Việt Nam cho thấy quê hương của Lão Tử chính là ở miền Bắc Việt.
Làng Thổ Hà (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) là nơi Lão Tử từng tu luyện, cứu chữa dân lành và hóa về trời. Thái Thượng Lão Quân, thành hoàng làng Thổ Hà, được biết là người đã cử thần Kim Quy tới giúp vua An Dương Vương trừ yêu diệt quỷ trên núi Thất Diệu khi xây thành Cổ Loa trong huyền sử Việt. Câu đối ở cửa võng đình Thổ Hà kể lại những sự tích này của Lão Tử:
龜解効靈七燿山中傳役鬼
龍能承化五雲庄下記豋僊
Quy giải hiệu linh, Thất Diệu sơn trung truyền dịch quỷ
Long năng thừa hóa, ngũ vân trang hạ ký đăng tiên.
Dịch:
Rùa biết nghiệm linh thiêng, núi Thất Diệu truyền chuyện sai khiến quỷ
Rồng tài mau biến hóa, trang Ngũ Vân lưu tích bốc lên tiên.
Người đã giúp An Dương Vương diệt tinh gà trắng trên núi Thất Diệu còn là Huyền Thiên Trấn Vũ, có đền thờ chính nằm ở núi Sái (Thụy Lôi, Đông Anh, Hà Nội). Huyền Thiên là Lão Tử vì thời nhà Đường coi Lão Tử là tổ tiên họ Lý nên tôn là Thái thượng Huyền Nguyên hoàng đế. Núi Sái ở Đông Anh còn có tên là núi Vũ Đương, ngọn núi thánh của Đạo Giáo.
Huyền Thiên đại thánh còn có đền thờ ở khu vực ven sông Hồng. Tại đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất, Thường Tín, Hà Nội) Huyền Thiên được thể hiện là một vị thần to lớn, diệt trừ giao long ở đoạn sông này. Ở đền Bộ Đầu, Huyền Thiên được gọi là Đổng Thiên vương. Tức là Huyền Thiên Lão Tử là một trong Tứ linh thần “Hương Bổng Đổng Đằng” và trong Tứ bất tử của nước Nam. Đổng là ghi âm Đùng của tiếng Nôm, chỉ người khổng lồ cao lớn. Hình tượng của Huyền Thiên là một vị thần to lớn kỳ dị, có khả năng điểu khiển rắn rùa và trấn phương Bắc (Huyền phương, Trấn Vũ).
Trong Đạo Giáo Lão Tử được tôn là Thái Thanh Đạo Đức Thiên Tôn, một trong ba ngôi chí tôn Tam thanh. Ở Ninh Bình có đức Thiên Tôn trong Hoa Lư tứ trấn cũng chính là Lão Tử. Lão Tử còn có thể ở ngôi Ngọc Hoàng Thượng Đế, thần chủ của Thiên phủ trong tín ngưỡng Tam tứ phủ.
Theo sự tích ở Hoa Lư thì Ninh Bình là quê hương chôn rau cắt rốn của Lão Tử. Lão Tử là người sinh ở vùng Ninh Bình, tu luyện cứu thế ở Thổ Hà (Bắc Giang), khiển rắn rùa ở ven sông Hồng, thành nghiệp trên núi Vũ Đương qua việc trừ yêu quỷ giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Là thần chủ của Đạo giáo và là một trong Tứ bất tử nước Nam nên các ngôi của Lão Tử gặp rất đa dạng. Mỗi địa phương lại kể về Lão Tử dưới một cái tên khác nhau. Chỉ khi so sánh sự tích thì mới nhận ra đó đều là một nhân vật.

P1240973Đền Núi ở Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh.

Ở Yên Phụ (Yên Phong, Băc Ninh) có ngôi đền Núi nằm trên một gò đồi, có tên là núi Thất Diệu. Đền Núi thờ 3 vị thần gồm Cao Sơn đại vương, đức vua bà Ngọc Hậu phi và một vị thần bản thổ. Ngọn đồi này cũng là nơi đóng đại bản doanh của Lý Thường Kiệt trong trận chiến chống Tống trên sông Như Nguyệt.
Đôi câu đối cổ còn lưu lại qua năm tháng ở đền Núi:
龍御臨辰曜嶺草花増氣色
鸞車止 處德江波浪弄清光
Long ngự lâm thời Diệu Lĩnh thảo hoa tăng khí sắc
Loan xa chỉ xứ Đức Giang ba lãng lộng thanh quang.
Dịch:
Rồng ngự kíp thời, Diệu Lĩnh cỏ hoa thêm khí sắc
Xe loan tới chốn, Đức Giang sóng nước ánh hào quang.
Vế đầu câu đối nói tới một vị vua đã từng ngự giá đến núi Thất Diệu. Còn vế sau nói tới xe loan của vị nữ thần (đức Hậu phi?) trên sông Nguyệt Đức (sông Cầu). Tuy nhiên, điều lạ là xét trong số 3 vị thần được thờ ở đền Núi thì không có vị nào là vua mà lại hiển linh ở núi Thất Diệu cả. Vế đối trước chỉ có thể nói tới sự tích liên quan tới thần Cao Sơn đại vương được thờ ở đây. Đây là chuyện thần đã giúp An Dương Vương thân ngự diệt quỷ ở núi Thất Diệu.
Một câu đối cổ khác ở chính điện đền Núi:
退虜助奇功李將驚囬秋夜夣
除妖揚正氣曜山全現北辰光
Thoái lỗ trợ kỳ công, Lý tướng kinh hồi thu dạ mộng
Trừ yêu dương chính khí, Diệu sơn toàn hiện bắc thần quang.
Dịch:
Trợ giúp kỳ công lui giặc, tướng Lý bàng hoàng mộng đêm thu
Nêu cao chính khí trừ yêu, núi Diệu tỏ tường ánh thần Bắc.
Vế đối đầu nói tới thần được thờ ở đền Núi đã trợ giúp Lý Thường Kiệt phá Tống. Còn vế đối sau nói rõ hơn chuyện trừ yêu diệt quỷ ở núi Thất Diệu. Rõ ràng những câu đối này đang kể về sự tích thần được thờ tại đây giúp vua diệt yêu quái trên núi Thất Diệu. Thần ở đây là Cao Sơn đại vương. Đặc biệt thông tin về “Bắc thần quang” đã chỉ rõ thần Cao Sơn ở đây là vị thần trấn phương Bắc. Với những thông tin này thì có thể thấy chắc chắn vị Cao Sơn đại vương ở đền Núi chính là Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền Núi nằm không xa núi Sái, nơi thờ chính của Huyền Thiên.

Gieng Co TienGiếng Cô Tiên trên núi Thất Diệu (Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh).

Đền Núi ở Yên Phụ như vậy liên quan trực tiếp tới sự tích Huyền Thiên giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Trong cụm di tích ở đây còn có miếu Bạch Kê thờ vị tiên cô Bạch Kê đã gánh đất đắp thành Cổ Loa. Trên núi có giếng Cô Tiên, tương truyền là dấu vết tiên ở núi Thất Diệu. Rất có thể, vị thần thổ địa hay vị Ngọ hậu phi được thờ ở đền Núi chính là Mẫu Bạch Kê.
Trong câu đối trên kể về việc thần ở đền Núi trợ giúp Lý Thường Kiệt đánh lui quân Tống. Đây cũng là một trong những chuyện kể về sự hiển linh của đức Huyền Thiên ở đền Sái. Dưới chân đền Sái về phía Đông có đền Thượng, là nơi làm lễ bái vọng Huyền Thiên trong ngày hội đền Sái. Tuy nhiên đền Thượng này lại thờ Cao Sơn đại vương. Đặc biệt chính trong đền Thượng ở chân núi Sái cũng có một đôi câu đối như đôi câu đối đã dẫn của đền Núi Yên Phụ. Thông tin này một lần nữa cho thấy Huyền Thiên đại thánh còn được gọi là Cao Sơn ở khu vực này.
Việc xác định Huyền Thiên Lão Tử còn được gọi là Cao Sơn dẫn đến một phát hiện khác. Cao Sơn hay Tiêu Sơn cũng là tên của thần Độc Cước, vị thần được thờ phổ biến ở Thanh Hóa. So sánh giữa thần Độc Cước và Huyền Thiên cho thấy 2 vị thần này thực chất là một. Cả hai đều là dạng thiên thần hay nửa nhân thân nửa thiên thần. Thần Độc Cước được kể dưới hình ảnh vị thần chỉ có 1 bên thân.

P1240193.jpgTượng thần Độc Cước ở Linh Tiên Quán (Hoài Đức, Hà Nội).

Độc Cước chân nhân và Huyền Thiên đại thánh đều là đạo sĩ, có phép trừ yêu diệt quỷ. Thần Độc Cước ở Thanh Hóa được kể là dẹp quỷ Đỏ (thần tích làng Núi phường Trường Sơn, Sầm Sơn) hoặc Ma Nhung (truyền thuyết làng Vân Trai, Cẩm Vân, Cẩm Thủy). Còn Lão Tử theo thần tích ở làng Thổ Hà thì từng dẹp giặc Xích Tỵ (giặc Mũi đỏ). Thực ra đây là việc Lão Tử đã chữa bệnh giúp nhân dân. Bệnh dịch hạch xưa kia rất phổ biến, người bệnh nổi các nốt hạch đỏ. Truyền thuyết gọi thành quỷ Đỏ hay giặc Xích Tỵ. Nhờ việc chữa trị bệnh dịch này mà Lão Tử đã được nhân dân tôn thờ khắp nơi.
Tên của thần Độc Cước là Cao Sơn hay Tiêu Sơn. Những nơi thờ thần thường gọi địa danh là Núi. Như đã thấy ở trên Cao Sơn cũng là tên của Huyền Thiên. Đây không phải là những vị thần núi như nhầm tưởng. Tên gọi Núi hay Sơn là quẻ Cấn, chỉ hướng Bắc trong Bát quái. Tiêu Sơn nghĩa là hướng chính Bắc, là hướng của Huyền Thiên Trấn Vũ.
Bản thân hình ảnh Độc Cước về một vị thần chỉ có nửa người, một chân cũng là xuất phát từ nghĩa này. Độc là số 1, con số chỉ phương Bắc trong Hà thư. Thánh Độc tương đương với Tiêu Sơn hay Huyền Thiên, là vị thần trấn phương Bắc.
Hình ảnh của dấu chân to lớn như của thần Độc Cước để lại như ở núi Cổ Giải tại Sầm Sơn cũng gặp trong sự tích Huyền Thiên ở đền Bộ Đầu. Cổ Giải là núi rùa. Còn ở nghè Hạ làng Nhân Cao (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) có tượng thần Độc Cước cưỡi trên một con rắn lớn, tay cầm búa bắt nó phải khuất phục. Hình ảnh này liên tưởng tới biểu trưng của Huyền Thiên Trấn Vũ với tài khiển rắn rùa.
Ở núi Sái khi thần Kim Quy dẫn An Dương Vương đi dẹp yêu quỷ, lúc về thấy có một hốc đá lớn trên núi Sái, thần Kim Quy nói đó là dấu chân của đức Huyền Thiên Trấn Vũ, vì thế An Dương Vương cho lập đền thờ thần trên núi Vũ Đương này. Hình ảnh một dấu chân lớn của thần Huyền Thiên tương tự như của Cao Sơn Độc Cước.
Theo sách Bắc Ninh địa dư chí thì ở trại Bông Thắng, phường Phú Thứ, làng Yên Sơn, huyện Phong Phú (Yên Phong) cũng có sự tích thần Tiêu Sơn Độc Cước. Đây là khu vực gần núi Thất Diệu tại Yên Phong.
Ở Việt Yên, Bắc Giang, ngay gần làng Thổ Hà còn có ngôi đền nhỏ gọi là đền Núi Lùn (thôn Lát Thượng, xã Tiên Sơn). Đền thờ Tiêu Sơn Độc Cước. Đền thờ này nằm cạnh chùa Tư Ân (Bổ Đà), nơi còn tượng thờ Lão Tử và Khổng Tử. Câu đối ở chùa Tư Ân về Khổng – Lão:
楚邦鹿梦地鍾靈萬年僊主
魯邑鱗書天瑞表千載素王
Sở bang lộc mộng địa chung linh, vạn niên tiên chủ
Lỗ ấp lân thư thiên thụy biểu, thiên tải tố vương.
Dịch:
Nước Sở mộng hươu đất đúc linh thiêng, vạn năm tiên chủ
Ấp Lỗ sách lân trời soi áng rạng, ngàn thu tố vương.

P1320071
Tượng Lão Tử ở chùa Tư Ân.

Từ sự đồng nhất về sự tích, vai trò tín ngưỡng, tên gọi, địa điểm di tích, hình ảnh thể hiện trong truyền thuyết có thể thấy rõ Tiêu Sơn Độc Cước chính là Huyền Thiên, là một ngôi, một cách gọi, cách thờ khác của Lão Tử. Nguồn gốc của Lão Tử ở nước Nam lại thêm lần nữa được xác quyết với hình ảnh Cao Sơn – Độc Cước.
Tài liệu tham khảo:
1. Tục thờ thần Độc Cước ở một số làng ven sông biển tỉnh Thanh Hóa. Hoàng Minh Tường. NXB KHXH, 2015.
2. Các vị thần làng thờ ở Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh. Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.209-223.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s