Triệu Vũ bản kỷ

Tượng Triệu Vũ Đế ở đình Xuân Quan.

Năm 257 TCN Tần Vương phát động 50 vạn quân đánh chiếm đất Lục Lương của An Dương Vương, lập làm ba quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận. Tượng Quận là vùng đất Vân Nam, hay vùng đất Tây Âu, nơi Tần đã giết được quân trưởng của Tây Âu là Dịch Hu Tống. Nam Hải là vùng đất của Thục An Dương Vương đời cuối ở miền Bắc Việt ngày nay. An Dương Vương thất cơ, cầm sừng văn tê bảy tấc mà đi ra biển theo thần Kim Quy, sau được các nơi tôn thờ là Nam Hải Đại Vương.

Chiếm được vùng đất căn cơ cố tổ của họ Hùng, tới thời Tần Thủy Hoàng, phò mã hiệu úy Lý Thân được cử trấn giữ quận Nam Hải, tiếp tục mở rộng thành Cổ Loa, tòa thành có từ thời Thục Vương, thành một công trình đồ sộ quy mô lớn nhất vùng Đông Nam Á. Thủy Hoàng còn cho mở một con đường từ kinh đô nhà Tần thông ra biển Nam Hải, tức biển Đông ngày nay và vài lần theo con đường đó Đông du ra biển, nêu dương công đức của nhà Tần.

Thủy Hoàng cử đạo sĩ người nước Yên là Lư Sinh vượt biển Nam Hải đi tìm thuốc trường sinh. Yên Lư Sinh hẹn gặp Thủy Hoàng ở đình Phụ Hương bên bờ biển, rồi không từ mà giã, lên ngọn núi Yên Tử hóa tiên không trở lại. Vị Nam Hải Thiên Tuế Ông này chỉ còn lưu lại trên đỉnh Yên Tử mờ sương một tảng đá có hình người.

Những cuộc Đông du của đại đế Tần Thủy Hoàng và công trình thiên niên kỷ thành Cổ Loa đã tiêu tốn hàng triệu sức lao động của nhân dân. Để đáp ứng được nhu cầu này nhà Tần cho cho bắt tất cả các thanh niên đến tuổi đều phải đi dân phu, ai không tuân theo sẽ bị xử theo pháp luật nhà Tần, tức là chỉ có con đường chết.

Các quận phía Nam nhà Tần và các địa danh khởi nghĩa của Triệu Vũ Đế.

Phò mã Lý Ông Trọng mất, vị quận thủ thay thế ở đất Nam Hải là Nhâm Ngao. Trong khi đó, vùng Chân Định hay Long Xuyên xưa được giao cho một viên quan lệnh là Triệu Đà. Triệu Đà từng nhìn thấy Tần Thủy Hoàng đi tuần du ven biển Đông và rất ngưỡng mộ một đại trượng phu như vậy.

Là một viên quan lệnh địa phương, Triệu Đà có trách nhiệm bắt các dân phu phục vụ công trình xây dựng ở Cổ Loa cũng như cho các chuyến đi của Tần Thủy Hoàng. Một lần khi áp giải dân phu, dọc đường dân phu bỏ trốn nhiều, lại gặp trời mưa nên đoàn người bị lạc đường. Triệu Đà biết theo luật nhà Tần nếu đưa dân phu đến muộn và thiếu chắc chắn người đầu tiên bị xử tội chính là vị quan áp giải, nên khi đến vùng đầm nước Dạ Trạch, Triệu Đà cho thả hết dân phu rồi dẫn nhau lên núi ẩn náu, trốn tránh sự truy sát của nhà Tần.

Toàn bộ đám dân phu tử tội tôn người tuấn kiệt là Triệu Đà lên làm thủ lĩnh, bắt đầu cuộc “khởi nghĩa” kháng Tần. Quân khởi nghĩa ngày thì ẩn náu trong đầm lầy hay rừng rú, đêm thì ra cướp bóc, vì tất nhiên, không cướp bóc thì lấy gì mà ăn. Quân Tần gặp phải chiến tranh du kích của người Việt do vậy thường xuyên bị quấy phá, không cách nào dẹp được. Thế lực của Triệu Đà ngày càng lớn, hình thành nhiều vùng căn cứ khác nhau.

Trong quá trình khởi nghĩa ban đầu, tương truyền rằng Triệu Đà đã thấy rồng vàng bay lên bên bờ sông Hồng mà lập đồn quân ở Long Hưng (Xuân Quan), cạnh đầm Dạ Trạch. Cũng truyền thuyết Việt kể Triệu Việt Vương khi ở đầm Dạ Trạch đã được một thần nhân cho một chiếc móng rồng để làm mũ đâu mâu, đánh đâu thắng đó.

Con Rồng đá ở núi Vũ Ninh.

Triệu Đà là người quê gốc ở đất Phong Châu, đất tổ Hùng Vương, làm quan ở huyện Chân Định, tức vùng Thái Bình – Nam Định ngày nay. Tại đây ông đã kết duyên với bà Trình Thị Lan Nương, con gái một gia đình khá giả ở trong vùng. Trước đó, ông còn có quan hệ tình cảm với một vị gọi là Quận Phu nhân, cho sống cùng với con trai là Thạch công ở xã Luật Ngoại, đất Chân Định xưa (nay là huyện Kiến Xương, Thái Bình).

Khi Triệu Đà bất đắc dĩ cầm đầu dân phu khởi nghĩa ở đầm Dạ Trạch, 2 vị phu nhân tích cực tham gia tích trữ lương thực, chiêu mộ dân binh, trở thành 2 căn cứ kháng chiến phục vụ cho quân khởi nghĩa. Cứ như vậy trong vòng mười năm.

Khi Tần Thủy Hoàng mất, loạn lạc các nơi nổi lên. Ở vùng nước Sở tại Hồ Nam có nhà họ Hạng, dòng dõi vương tôn quý tộc Sở khởi nghĩa. Ở vùng Quế Lâm và Phiên Ngung, lúc này có họ Lê, là một hậu duệ Hùng Vương, tức là dòng dõi Thục An Dương Vương chiếm giữ. Thế cục thiên hạ uy hiếp trực tiếp đến vùng đất Nam Hải, nên buộc vị quận thủ Nam Hải lúc này là Nhâm Ngao phải tính kế tìm cách tự bảo vệ mình.

Nhâm Ngao bèn phải giảng hòa với quân khởi nghĩa của Triệu Đà, mà lúc này đã lan rộng với các căn cứ từ Thái Bình (Chân Định), Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) và núi Vũ Ninh (Quế Võ, Bắc Ninh). Triệu Đà nhân lúc Nhâm Ngao thất thế đã chiếm luôn quận Nam Hải mà tự xưng là Chúa công, mà sau được các thần tích và sắc phong ở Thái Bình gọi là Nam Hải Đại vương.

Từ bàn đạp là quận Nam Hải, quân Triệu đã tích cực chuẩn bị cho cuộc tranh hùng thiên hạ, mở lò rèn, đúc nên hàng vạn mũi tên đồng trong thành Cổ Loa, với lẫy nỏ đồng được cải tiến, có sức mạnh vượt trội, cùng với hàng loạt những rìu hình “lưỡi cày” cất trong trống đồng Cổ Loa.

Vũ khí hình lưỡi cày ở Cổ Loa.

Từ Nam Hải Triệu Đà đã hợp quân với Sở tấn công Ung Châu, thủ phủ của quận Quế Lâm. Con trai của thừa tướng Tần Lý Tư là Lý Do trấn thủ tại Ung Châu đã thất thủ, tử trận trong trận này.

Có thể, trong việc chiếm Quế Lâm còn có sự tham gia của đội quân Hậu Hùng Vương họ Lê là Chàng Út Ngọ Lôi Mao, nên sau đó họ Lê được phong đất tại Quảng Tây và lấy con gái của Triệu Đà. Đội quân họ Lê này sau đó tiếp tục tấn công chiếm được vùng Quảng Đông, chuyển về lập căn cứ ở Phiên Ngung.

Quân khởi nghĩa kháng Tần chia làm 2 hướng tấn công vào Tần đô. Quân Sở đi theo hướng Bắc, gặp nhiều khó khăn vì phải đương đầu với quân chủ lực của nhà Tần do đại tướng Chương Hàm chỉ huy. Quân của Triệu Đà vòng theo hướng Nam, dễ dàng lấy lại được vùng Tượng quận xưa của Tây Âu, rồi tấn công vào đất Ba Thục.

Năm 206 TCN, sử ghi nhà Tần sụp đổ, Triệu Đà giết các trưởng lại nhà Tần, lập tức chiếm Quế Lâm và Tượng Quận rồi xưng là Nam Việt Vương. Cái tên Triệu Việt Vương bắt đầu có từ đây.

Cuộc phân tranh thiên hạ giữa Sở và Triệu còn kéo dài trong nhiều năm. Đã có lúc quân Sở tấn công vào quê hương bản quán của quân Triệu là đất Nam Hải, được các thần tích Việt gọi là giặc Lương. Quân Triệu thiệt hại nặng nề trong trận này. Quận phu nhân và con trai Thạch công của Triệu Việt Vương tử trận trên sông Lịch Bài ở Kiến Xương. Trình phu nhân may mắn hơn, trốn thoát khỏi vòng vây để về hội ngộ với vua Triệu.

Cuối cùng thì thiên hạ được định đoạt về tay họ Triệu. Triệu Đà xưng là Hoàng đế, tức Triệu Vũ Đế, phong Trình Thị là Hoàng hậu. Vị con rể họ Lê ở Phiên Ngung thì được phong là Triệu Vương.

Khi Triệu Đà mất, rồi Trình Hoàng hậu nhiếp chính cũng không được lâu. Năm 190 TCN Trình Hoàng hậu qua đời. Triệu Vương ở Phiên Ngung bèn tự lập mình là Đế, dựng cờ tả đạo, đi xe hoàng ốc, sánh ngang với vua Hán. Ngôi mộ Triệu Mạt cùng với ấn Văn Đế hành tỷ tìm thấy ở Quảng Châu là minh chứng cho sự biệt tách Nam Bắc này.

Gương Tây Hán tìm thấy ở Bắc Việt.

Cuộc đời của Triệu Đà xuất thân là một thường dân áo vải đất Phong Châu, lưu lạc làm quan lệnh Chân Định, khởi nghĩa kháng Tần ở Dạ Trạch và Vũ Ninh, chiếm được quận đô Nam Hải là Cổ Loa, tiêu diệt các quan lại nhà Tần ở Quế Lâm, Tượng Quận, thuần phục được Tây Âu, Mân Việt, mà xưng Vũ Đế. Hành trình lang ba lang bang nhưng đã thống nhất, ổn định được thiên hạ sau nhà Tần, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong sử Việt, chuyển từ thời phong kiến phân quyền cho các chư hầu sang phong kiến tập quyền trung ương thống nhất.

Câu đối về Triệu Vũ Đế ở đình Xuân Quan (Long Hưng điện):

Nhất chỉ dĩ vô Tần, vạn lý khai tiên Mân Lạc tuyệt

Lưỡng lập hà nan Hán, ức niên xương thủy đế vương cơ.

Dịch nghĩa:

Một lệnh dẹp không Tần, mở ra vạn dặm vời Mân Lạc

Hai ngôi sánh cùng Hán, nền móng muôn năm khởi đế vương.

Phủ việt của Nam Hải đại vương Triệu Vũ Hoàng đế ở đền Đồng Xâm.

Nam Hải Triệu Việt Vương ở Chân Định

Sự tích mẫu tử A Dung và Thạch thần hộ quốc ở 2 xã Luật Nội và Luật Ngoại của đất Chân Định xưa chứa đựng những thông tin hết sức kỳ lạ, tưởng chừng như vô lý về thời kỳ Triệu Việt Vương. Chuyện kể bắt đầu từ một vị lệnh doãn huyện Chân Định thời Triệu Đà là dòng dõi Hùng Vương, tức là ở quãng thời gian ít nhất là thế kỷ 3 trước Công nguyên. Thế nhưng, vợ và con của ông lại đánh giặc Lương cho Triệu Việt Vương. Nếu theo sử sách chính thống ngày nay Triệu Việt Vương hay Triệu Quang Phục ở vào quãng thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, tức cách thời Triệu Đà ít nhất là 800 năm. Vậy Triệu Việt Vương ở Chân Định là ai, làm vua vào thời kỳ nào trong sử Việt?

Đình Luật Nội

Thần tích làng Luật Nội, nơi thờ Thạch Thần Đại tướng quân, nay thuộc xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình chép:

Hùng Tuệ, Lệnh doãn huyện Trực Định nhân chuyến thăm thú hạt huyện, ông tới xã Luật Nội và quyết định xây một dinh sở để Phu nhân Thánh mẫu dưỡng nhàn. Bấy giờ, ông đã 50 tuổi, Phu nhân tuổi cũng ngoài 40. Sau một đêm nằm mộng gặp thần nhân, Phu nhân có thai sinh ra một người con trai khôi ngô tuấn tú, mệnh danh là Thạch Công. Năm lên 16 tuổi thân cao sáu thước, sức khỏe trăm người không địch nổi. Tuệ Công làm sớ tâu lên Triệu Việt Vương. Vương cả mừng, phong cho thân mẫu là Bà A Phương Dung Trinh Thục Quận Phu nhân, tặng 10 hốt vàng, sắc chỉ cho về quê Luật Ngoại viết tên tự hiệu, hưởng lộc trăm năm.

Nước ta bị họa giặc Lương, vua trao cho Thạch Công chức Tổng đốc Kinh lược đốc lĩnh thủy bộ chư quân vụ, kiêm tri Tiết chế bình Lương tặc Đại thần quan Thạch thần Đại tướng quân. Trên đường ra trận, Tướng quân ghé về thăm mẹ, thân mẫu đã chiêu tập được gần 600 tráng đinh trong hạt. Không may trong một trận đánh không cân sức, mẫu tử phải nhảy xuống sông tự vẫn để bảo tồn danh tiết. Nghe tin Triệu Việt Vương vô cùng thương tiếc phong cho Thánh mẫu Phu nhân, Thánh tử Thạch thần Hộ quốc Đại vương. 

Còn thần tích Luật Ngoại, là nơi thờ Thánh mẫu (Luật giang linh từ) kể: Thục chúa nghe vua Duệ không có con trai nối dõi, mới dẫn quân mã đến đánh, một trận lấy được nước Nam. Đóng đô ở thành Cổ Loa, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc. Giữ nước cộng được 50 năm thì có người Chân Định Bắc quốc, họ Triệu tên là Đà, dẫn mười vạn hùng binh tiến thẳng đến nước Nam đánh Thục Vương. Qua ngoài 3 năm, tất cả 105 trận thì Thục Dương Vương mất. Khi ấy Triệu Đà lên ngôi Hoàng đế, đóng đô ở An Quảng. 

Người phát động hàng chục vạn quân diệt Thục Vương mang họ Triệu thì phải là Tần Vương, vì nhà Tần vốn mang họ Triệu từ tổ tiên là Tạo Phụ được phong đất ở Triệu Thành. “Triệu Đà” trong thần tích này là chỉ vua Tần. Câu chuyện ở Chân Định như vậy bắt đầu dưới thời nhà Tần.

Thần tích Luật Ngoại kể tiếp: Lại nói, khi đó nước ta truyền rằng ở động Nghĩa Lĩnh, tổng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao (nay là tại Cổ Tích) có một vị phụ đạo quan lang, là dòng dõi thủy thần trong trăm trứng của Hùng Vương, họ Hùng, tên là ông Tuệ, trấn ở đầu sông (tức nay là sông Đà và sông Nhị Hà), lấy người con gái của vị tiến quan miền núi, tên là nàng A Dung, có nhan sắc tuyệt thế, mặt như kính ngọc không chút bụi, miệng cười như hoa nở…

Lại nói, khi ấy ông Tuệ tinh thông võ nghệ, lại có thuật lạ tài kỳ. Lúc đó Triệu Việt Vương nghe tin ông Tuệ mạnh sánh trăm người, thân dài chín thước, sức có thể bát núi, thường lên rừng đuổi hổ, được nhân dân địa phương đều xưng là thiên tướng giáng trần. Ngay hôm đó Vua mới lệnh cho sứ thần đem chiếu đến triệu Ông vào kinh, hỏi xem tài lạ thuật kỳ. Khi đó ông Tuệ tuân chiếu theo sứ thần đến yết kiến Đế, làm lễ bái tạ, trình tấu văn võ thao lược, binh pháp Thái Công, không việc gì không biết, không vật gì không hiểu. Đế bèn phong làm quan doãn huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, đạo Sơn Nam Hạ. Ngày hôm đó ông Tuệ liền đi nhận chức.  

Người làm quan huyện Chân Định thời Tần chính là Triệu Úy Đà như được chép trong Sử ký Tư Mã Thiên. Úy Đà được kể là người Chân Định, thời Tần làm quan huyện lệnh huyện Long Xuyên, sau thay Nhâm Ngao làm Nam Hải úy, khi Tần Thủy Hoàng mất đã giết các quan lại nhà Tần mà xưng là Nam Việt Vương. 

Các bài văn tế và sớ tấu của đình Luật Ngoại đều gọi vị Hùng Tuệ Công là “Nam Hải Đại vương“. Một nơi khác ở Kiến Xương thờ Hùng Tuệ Công là thôn Thượng xã Cao Mại (nay là xã Quang Hưng), cũng gọi ông là thần Nam Hải tạo lực.  Đồng thời, sắc phong ở đền Đồng Xâm (xã Hồng Thái, cùng huyện Kiến Xương) cho Triệu Vũ Hoàng Đế cho biết tên thờ của Triệu Vũ Đế là “Nam Hải Tôn ninh“. Người làm chủ Nam Hải vào cuối thời Tần thì rõ ràng là Triệu Vũ Đế.

Bái sớ của đình Luật Ngoại.
Một mảnh sắc phong của đền Đồng Xâm có ghi: Gia phong Triệu Vũ Hoàng Đế Nam Hải Tôn ninh.

Chuyện lạ là khi Bà A, vợ của Hùng Tuệ Công sinh được người con trai Thạch Công có tướng lạ, Triệu Việt Vương cho gọi đến xem, khen Thạch Công. Nhưng thay vì phong tước cho Thạch Công, Triệu Việt Vương lại sắc phong cho bà mẹ là Quận Phu nhân, còn cho vàng để về làm nơi hưởng lộc trăm năm. Điều này chỉ có thể hiểu nếu Triệu Việt Vương chính là chồng của Bà A, tức ông Hùng Tuệ. Tước vị Quận phu nhân chỉ ra rằng đây là một trong những bà vợ của vua, mang họ Quận.

Quận phu nhân được Tuệ Công cho lưu lại ở Luật Ngoại, “giúp người già, trợ nhà nghèo, đem tài sản mà chiêu kết khách khứa. Những nơi như cầu chính, đường lớn đều được sửa chữa, không nơi nào là không làm“. Hành động này thực chất là chuẩn bị cơ sở cho cuộc khởi nghĩa lâu dài của Tuệ Công. Bà A là một nữ tướng, chứ không phải chỉ là một vị phu thê sinh con đẻ cái bình thường. 

Trong thần tích Luật Ngoại, khi hai mẹ con Bà A và Thạch Công đánh giặc lại không hề thấy xuất hiện người cha Tuệ Công, vốn là người có hùng tài đại lược và là quan huyện của khu vực này. Thay vào đó chỉ thấy Triệu Việt Vương phát quân dẹp tan giặc Lương. Chỉ có thể hiểu là Tuệ Công sau khi để vợ và con ở đất Chân Định, gây dựng căn cứ tại đây, đã dẫn quân đi nơi khác, đánh chiếm các vùng đất của nhà Tần mà xưng Vương (Triệu Việt Vương). Điều này hoàn toàn trùng khớp với hành trạng của Triệu Úy Đà được kể trong Sử ký Tư Mã Thiên ở trên, từ việc dời huyện Long Xuyên đến Nam Hải làm quan rồi đánh dẹp nhà Tần.

Trong thời gian loạn lạc, khi Tuệ Công đang dẫn quân đi nơi khác, “giặc Lương” đã tiến đánh vùng căn cứ khởi nghĩa ban đầu của Triệu Việt Vương, nơi có Bà A và Thạch Công đang trấn giữ, dẫn tới việc cả 2 mẹ con đều cầm vũ khí, lên ngựa ra trận mà tử chiến bên sông Lịch Bài. 

Câu đối đình Luật Ngoại ca ngợi hình ảnh thánh mẫu cưỡi ngựa trắng, múa bảo kiếm diệt giặc rất đẹp: 

紅裙赴敵忠義最家兒戰壘時揮双宝劍

白馬朝天灵聲自終古怒濤猶咽大江流

Hồng quần phó địch, trung nghĩa tối gia nhi, chiến luỹ thì huy song bảo kiếm

Bạch mã triều thiên, linh thanh tự chung cổ, nộ đào do yết đại giang lưu.

Dịch nghĩa:

Hồng quần chống giặc, trung nghĩa thật nữ gia, chiến lũy còn rung hai kiếm báu

Ngựa trắng chầu trời, linh thiêng tự xưa nay, sóng giận bởi nghẹn dòng sông rộng.

Tuệ Công khi đã trở thành Triệu Việt Vương, bèn quay về dẹp tan giặc, nhưng vợ và con của vua đã tử tiết bên sông trên đất Chân Định.

Một điều nữa xác nhận vị trí của Quận Phu nhân là bà được truy phong là Quốc mẫu Vua Bà Đệ nhất Thiên Tiên. Chỉ có thể là vợ của một vị đế vương mới được nhận danh phong như vậy. Đình Luật Ngoại nay được xây dựng với 2 lầu gác cao ở 2 bên, đề Long lâu và Phượng các (Lầu rồng, Gác phượng). Chỉ có nơi thờ các bậc vương giả mới có thể dùng những chữ như vậy.

Qua thần tích và di tích thờ Bà A Thánh mẫu và Thạch Thần Đại tướng quân ở Kiến Xương có thể rút ra một số thông tin đặc biệt quan trọng về thời kỳ khởi nghĩa của Triệu Vũ Đế:

– Triệu Vũ Đế là dòng dõi họ Hùng, quê gốc ở vùng Phong Châu – Phú Thọ.

– Triệu Vũ Đế ở vùng Thái Bình được gọi là Triệu Việt Vương. Phân biệt với vị Triệu Quang Phục sau này, hy sinh ở cửa biển Đại Ác bên Nam Định. Rất có thể ở các nơi khác, nhất là vùng Long Biên hay Hưng Yên, tên gọi Triệu Việt Vương cũng là chỉ Triệu Vũ Đế.

– Vùng Chân Định (Thái Bình – Nam Định) xưa là khu vực ban đầu khởi nghĩa của Triệu Việt Vương – Triệu Vũ Đế. Sự tích Việt chép là vùng đầm Dạ Trạch. Khu vực này cách nay hơn 2000 năm đúng là một vùng đầm phá ven biển. Cái tên “Đầm” còn lưu ở ngay trong tên gọi địa phương Đồng Xâm hay Đường Thâm, đều là những từ phiên thiết của chữ Đầm.

– Người vợ ban đầu của Triệu Vũ Đế là Quận phu nhân, đã cùng chồng gây dựng căn cứ kháng chiến và tử trận cùng với người con trai trước khi ông thành nghiệp đế vương. Do đó bà không được gọi là Hoàng hậu, nhưng được tôn phong là Vua Bà.

Câu đối ở đình Luật Ngoại sánh Quốc mẫu Vua Bà A với Hai Bà Trưng:

浩氣塞滄渙節烈一門皇趙日

芳名傳國母頡頏千古二徵間

Hạo khí tắc thương hoàn, tiết liệt nhất môn Hoàng Triệu nhật

Phương danh truyền quốc mẫu, hiệt hàng thiên cổ Nhị Trưng gian.

Dịch nghĩa:

Chí lớn trùm sóng khơi, tiết liệt một nhà thời Vua Triệu

Danh thơm truyền quốc mẫu, vút bay ngàn thủa sánh Hai Trưng.

Bộ chấp kích trong đình Luật Ngoại thờ Quốc mẫu Vua Bà.
Đình Luật Ngoại với Lầu rồng Gác phượng.

Ngọc phả Bà A Thánh mẫu Phương Dung Quận Phu nhân

Thần tích xã Luật Ngoại, Quan Lịch, Kiến Xương, Thái Bình.

Chính bản ngọc phả về công thần của Việt Vương Bà A Phu nhân Trang Thục Công chúa và Thạch Thần Đại vương do Quận công tước bộ Lễ quốc triều phụng soạn (bộ thứ ba).

Xưa nước Việt ta xét trục Ly Khảm núi sông phân ngang theo sao Dực Chẩn, Bắc quốc ban đầu nằm thẳng hướng phân theo sao Đẩu Ngưu. Từ Kinh Dương Vương ngự trị Nam Bang, gặp bà Tiên Vụ Nương, ở tại thành Phong Châu (tức nay là sông Bạch Hạc, sông Nhị Hà). Vua dạy dân cày cấy, đào giếng làm ruộng, bốn phương an bình. Nước không có tục dối trá, dân được yên vui. Khi đó Đế sinh được Lạc Long Quân kế ngôi. Xã tắc trải qua 400 năm thì Đế truyền ngôi lại cho Hùng Quốc Vương, Hùng Hy Vương, Hùng Hoa Vương, Hùng Huy, Hùng Ninh Vương, Hùng Chiêu Vương, Hùng Uy Vương, Hùng Trinh Vương, Hùng Võ Vương, Hùng Việt Vương, Hùng Định Vương, Hùng Triêu Vương, Hùng Tạo Vương, Hùng Nghị Vương tới Hùng Duệ Vương.

Vua có đại lược hùng tài, tư chất thánh triết, trong sửa văn đức, ngoài phòng biên phương, dốc ý hưng bình để yên Trung Quốc. Khi Vua tuổi thọ đã cao, sinh được 20 hoàng tử và 6 công chúa đều theo nhau về tiên hương. Chỉ còn 2 con gái, tên là công chúa Tiên Dung, gả cho Chử Đồng Tử ở xã Đa Hòa, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu. Còn người thứ hai tên là công chúa Mị Nương Ngọc Dung được gả cho Tản Viên Sơn Thánh, quê ở động Lăng Sương, huyện Thanh Châu, phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa. Khi đó, Thục chúa nghe vua Duệ không có con trai nối dõi, mới dẫn quân mã đến đánh, một trận lấy được nước Nam. Đóng đô ở thành Cổ Loa, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc. Giữ nước cộng được 50 năm thì có người Chân Định Bắc quốc, họ Triệu tên là Đà, dẫn mười vạn hùng binh tiến thẳng đến nước Nam đánh Thục Vương. Qua ngoài 3 năm, tất cả 105 trận thì Thục Dương Vương mất. Khi ấy Triệu Đà lên ngôi Hoàng đế, đóng đô ở An Quảng.

Lại nói, khi đó nước ta truyền rằng ở động Nghĩa Lĩnh, tổng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao (nay là tại Cổ Tích) có một vị phụ đạo quan lang, là dòng dõi thủy thần trong trăm trứng của Hùng Vương, họ Hùng, tên là ông Tuệ, trấn ở đầu sông (tức nay là sông Đà và sông Nhị Hà), lấy người con gái của vị tiến quan miền núi, tên là nàng A Dung, có nhan sắc tuyệt thế, mặt như kính ngọc không chút bụi, miệng cười như hoa nở. Tuổi quãng 18 mà có vẻ chim sa cá lặn, đúng là diện mạo nguyệt thẹn hoa nhường. Tứ đức không thiếu, tam tòng gìn giữ. Vợ chồng một nhà trung hậu, nối được nghiệp của một gia tộc có tiếng trên đời.

Lại nói, khi ấy ông Tuệ tinh thông võ nghệ, lại có thuật lạ tài kỳ. Lúc đó Triệu Việt Vương nghe tin ông Tuệ mạnh sánh trăm người, thân dài chín thước, sức có thể bát núi, thường lên rừng đuổi hổ, được nhân dân địa phương đều xưng là thiên tướng giáng trần. Ngay hôm đó Vua mới lệnh cho sứ thần đem chiếu đến triệu Ông vào kinh, hỏi xem tài lạ thuật kỳ. Khi đó ông Tuệ tuân chiếu theo sứ thần đến yết kiến Đế, làm lễ bái tạ, trình tấu văn võ thao lược, binh pháp Thái Công, không việc gì không biết, không vật gì không hiểu. Đế bèn phong làm quan doãn huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, đạo Sơn Nam Hạ. Ngày hôm đó ông Tuệ liền đi nhận chức.

Qua hơn một năm, một hôm, ngày mồng 10 tháng 3 Ông quay về cùng với vài chục gia thần, đi xem phong cảnh, xem xét động tĩnh trong nhân dân. Lúc ông đến xã Luật Nội, nhân dân làm lễ bái hạ, thì mặt trời đã gác núi, trời đã sắp tối. Ông cùng quân sĩ lưu ở trong ấp. Đến sáng ngày Ông ra xem vùng đất này, trông thấy địa thế rồng uốn khúc khuỷu, nước chảy quanh co, trống chiêng la liệt, gò đống dẫn mạch, tất cả đều quay về chầu vào chính cục. Quan huyện thả phóng tầm mắt, bèn truyền nhân dân lập một cung sở ở tại nơi đất có thế cục quý. Được một tháng làm xong thì giao cho A Phu nhân ở đó mà giúp người già, trợ nhà nghèo, đem tài sản mà chiêu kết khách khứa. Những nơi như cầu chính, đường lớn đều được sửa chữa, không nơi nào là không làm.

Khi ấy vị quan tuổi đã ngoài năm mươi, phu nhân tuổi chưa đến bốn mười, nhưng lại chưa được trải lúc sinh con, vì thế thường không vui. Một hôm Ông mới than rằng:

  • Nhà ta vốn là dòng dõi đế vương, 122 năm trị nước Nam, tới như vợ chồng ta tự cố gắng không hề có mảy may làm ác. Thế mà vợ chồng ta lại chưa có người kế tự, sau khi trăm tuổi biết ai là người hương khói. Chi bằng ta hãy cố gắng tìm kiếm nơi đền thiêng mà cầu đảo, cầu khấn để có con trai nối dõi.

Nói xong lại nghe rằng đền Phù Đổng Thiên Vương ở thôn Phù Minh, xã Phù Đổng, tổng Tiên Du, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc, có ngôi đền rất linh ứng, cầu gì được ứng, xin nguyện sẽ được theo ý, nước khấn dân cầu có nhiều linh ứng. Hôm đó ngày mồng 9 tháng 4 mới soạn lễ chay đến thẳng nơi đền làm lễ tâu rằng:

  • Vợ chồng thần ở nơi trần thế chưa có con trai nối dõi.

Chúc xong thì ở lại trong đền để cầu mộng. Đến nửa đêm phu nhân nửa tỉnh nửa mê thấy trong đền sáng rạng, lại thấy có một người từ trên điện xuống, đứng trước điện nói rằng:

  • Vợ chồng các người đúng là chăm làm việc thiện nên thiên đình cảm được đức đó. Thượng đế trên thiên đình ban cho một vị nam tử tên là Thạch Thần Đại tướng quân đầu thai nhập vào phu nhân làm con trai. Hãy mau mau quay về lập một bức tượng đá ở nhà, ngày đêm thắp hương đèn mà cầu. Ta tất sẽ ứng cho. Chớ tiết lộ! Chớ tiết lộ! Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận!

Dứt lời bay lên không mà biến đi. Lại nghe trên không trung có tiếng nhạc nổi lên rất to, tiếng vang liên hồi bên tai, đột nhiên tỉnh lại, mới biết là nằm mơ. Lại làm lễ tạ rồi quay về nhà, làm một tượng đá, thắp hương cầu chúc.

Qua một tháng quả nhiên phu nhân có mang. Mang thai 11 tháng tới mùa xuân giờ Dần ngày 15 tháng Giêng thì sinh (năm Giáp Tý). Ở nơi sinh khi đó có khí lành bao phủ, hương thơm đầy nhà, khi sinh có tướng mạo đường đường, uy nghi lẫm liệt, mặt như mặt trời lúc sớm, sau lưng lại có dòng chữ: “Thạch Thần Đại tướng quân”, bụng to, rốn sâu, chân có 7 chòm lông màu đỏ, thực có tướng kỳ dị.

Cha mẹ đều yêu quý, nuôi dưỡng. Đến khi lên ba tuổi đã hiểu âm luật. Thân phụ mới đặt tên là Thạch Công. Rồi ngày qua tháng lại, xuân sinh hạ trưởng, khi Ông được 16 tuổi thân dài 6 thước, có dũng khí trăm người không địch. Khi ấy quan huyện thân phụ làm sớ tâu lên Hoàng đế Triệu Việt Vương. Đế nghe vậy bèn gọi ông Thạch đến nói chuyện, biết được tướng mạo đúng như sớ tấu. Đế chắp tay nói:

  • Trời vì ngôi báu của ta mà sinh ra vị hiền tài trợ giúp. Ta thật may mắn vậy.

Bèn gia phong thân mẫu là Bà A Phương Dung Trinh Thục Quận phu nhân. Ban cho 10 nén vàng cho về ở Luật Ngoại để khi trăm tuổi thờ phụng tên húy tự đúng như sắc chỉ. Không được di dịch.

Hôm đó mồng 5 tháng 5 Phu nhân tuân mệnh Đế trở về cung sở ở xã Luật Ngoại, mở tiệc khao tiếp phụ lão nhân dân. Ba ngày sau nói với phụ lão nhân dân rằng:

  • Dân chúng cùng với ta vốn là ơn sâu đức dày, đâu phải chuyện mới ngày một ngày hai. Nay ta có ba nén vàng đem cho phụ lão nhân dân để dựng một nơi đền dựa Mão hướng Dậu mà làm nơi phụng thờ ta, cứ tuân theo lời của ta, không được thay đổi.

Lại nói, khi đó đất nước có quân Lương vào cướp bóc của cải ở Cao Bằng, Tụ Long, châu Bảo Lạc tới 12 động châu trang trại của đạo Hưng Hóa, chiếm 4 phần 10 của thiên hạ. Các quan địa phương không thể chống cự. Hôm đó, quan địa phương mới dân sớ tấu lên Đế. Đế nghe vậy rất lo lắng việc này, mới triệu tập trăm quan văn võ tại chính sân rồng để nghị luận chống giặc. Trăm quan văn võ triều đình dương mắt nhìn nhau, bó tay không có kế sách nào khả thi. Thế là lúc đó ông Thạch tâu thẳng với Đế rằng:

  • Thần xin được thay thánh giá tự tìm các tướng tài, xin cho 12 vạn tinh binh, 100 con ngựa tốt, 1000 chiến thuyền thì giặc Lương có thể dẹp được. Không quá một tháng đầu tướng giặc sẽ treo dưới trướng.

Tâu xong, Đế rất vui mừng. Hôm đó ngày mồng 1 tháng 7 tuyển chọn được 8 vạn quân, 13 viên danh tướng, bèn gia phong ông Thạch là Tổng đốc kinh lược, đốc lĩnh các việc quân thuỷ bộ, kiêm là quan đại thần tiết chế bình giặc Lương Thạch Thần Đại tướng quân. Phong xong, Ông phụng lệnh Đế, dẫn quân mã tiến công.

Khi đó Ông tiện đường quay về đến Luật Ngoại bái tạ thân mẫu. Phu nhân bỗng nhiên nổi chí tang bồng, phấn khích lòng hồ thỉ, coi giặc Lương nhẹ như lông hồng. Hôm đó bà cùng con trai Thạch công lấy các nghĩa binh mạnh khỏe ở xã Luật Ngoại là 100 người, Luật Nội là hơn 200 người làm gia thần tay chân. Lại lấy 36 người ở Nam Đường Lũ Khu, 150 người ở xã Thân Thượng, 56 người ở 2 thôn Đông Đoài của Hương Nghĩa, 20 người ở Bạt Trung Ngoại, 80 người ở Cao Bạt làm gia tướng.

Hôm ấy chia quân làm hai đạo. Một đạo tiến thuyền theo đường Ái Châu. Lúc đó Quận phu nhân tay cầm song kiếm, cưỡi ngựa trắng. Thạch Công tay cầm đao sắt, cưỡi ngựa hồng, cùng tiến vào đồn giặc ở bến Hương Xá Đông Yên, phủ Khoái Châu, sau lại ở châu Tự Nhiên ra vào giao chiến với giặc Lương. Qua hơn 5 tháng, cộng 35 trận, chém 100 đầu danh tướng, thắng bại chưa phân.

Khi ấy, mẹ con mới thu quân mã trở về Chân Định. Quận phu nhân thiết lập một đồn dinh ở xã Luật Ngoại để kiên trì chống giặc. Hôm đó, Thạch Công cũng truyền nhân dân Luật Nội lập một đồn chống giặc. Trải qua một tháng, quân mã hy sinh quá nửa. Mẹ con biết khó thoát mới ngẩng mặt lên trời than rằng:

  • Trời hại ta, không phải mắc tội vì chiến đấu.

Mới thấy trời đất mờ tỏ, mưa to gió lớn, giữa ngày mà như đêm. Mẹ con chạy tới bến bãi sông Lịch Bài, thấy một cây gỗ lớn ở đó. Cây gỗ hổng nửa bên trong. Mẹ con nhập thẳng vào lỗ hổng. Được một khắc, nước lớn dâng cao, mẹ con cùng mất. Hôm đó ngày mất là ngày 15 tháng 8.

Lại nói, khi ấy có vị Đại úy Nguyễn Đạt thấy hai vị đã hóa bèn làm biểu tấu lên Đế. Đế mới dẫn ba quân chia binh làm ba đạo, đồng thời tiến đánh, phá tan tướng giặc, thế như chẻ tre, bẻ củi khô, truy bắt các tướng giặc như sấm nổ, sét giật. Các tướng cùng quân sĩ đều bị chết đuối. Sông không thể chảy. Đồ khí giới vứt như gò núi. Quân giặc đại loạn bỏ chạy. Đế bắt sống chủ tướng, một xe không quay được, một ngựa không còn. Cả vùng sạch bóng giặc.

Đế lại rất thương cảm Quận phu nhân cùng với con trai là Thạch Công, một nhà mẹ con đã tận trung. Hôm ấy xa giá đến nơi hóa bên sông, truyền cho phụ lão hào mục Luật Nội, Luật Ngoại ra bến sông kéo cây gỗ lớn, chia làm hai đoạn, lập thành hai bức tượng, dựng hai miếu để phụng thờ. Đế lại gia phong sắc chỉ:

  • Một vị Bà A Thánh mẫu Phương Dung Quận phu nhân (cho Luật Ngoại phụng thờ).
  • Một vị Thạch Thần Hộ quốc Đại vương (cho xã Luật Nội xã phụng thờ).

Lại nói, sau khi hai vị đại vương mất có nhiều anh linh, quốc đảo ân cầu rất hiển ứng nên các đời đế vương đều truy phong mỹ tự Thượng đẳng phúc thần, cùng hưởng với nước nhà, mãi theo cách thức đó vậy. Cho đến triều Lê, Thái tổ Cao Hoàng đế mệnh đại thần là quan Thái úy Nguyễn Kim dẫn quân đi thảo phạt các tướng Liễu Thăng, Mộc Thạch, Hoàng Phúc. Quân đi qua hai xã, thấy miếu thờ đại vương sáng rạng, hương khói không ngừng, mới chúc rằng:

  • Hai vị tôn thần xin âm linh bảo vệ quốc gia, bình thảo được giặc.

Chúc xong, bỗng thấy trên điện xuất hiện một nữ nhân, một nam nhân, tự xưng:

  • Một là Quận phu nhân Bà A phu nhân và một là Thạch Thần Đại vương, chính là những danh tướng của Việt Triệu Hoàng đế. Mẹ con trung thần có một không hai. Nay thấy nước nhà có cầu đảo, mẹ con bầy tôi xin theo quan tướng đi chinh phạt. Xin báo để quan tướng biết.

Đêm đó quan Nguyễn Thái úy khấu đầu bái tạ, rồi cử binh tiến thảo giặc ở thành Lạng Sơn. Liễu Thăng thua chạy, chạy thẳng về thành Lạng Sơn. Chém được chủ tướng cùng các quân sĩ. Hôm ấy quan Thái úy dẫn quân sĩ khải hoàn trở về, làm biểu tấu lên Đế. Đế nghe việc thần thiêng đã âm phù giúp nước, dẹp yên giặc, bèn gia phong thêm mĩ tự ba chữ:

  • Gia phong Vua Bà A Phương Dung Trinh Thục Phu nhân.
  • Gia phong Thạch Thần Linh ứng Hộ quốc Tế thế Đại vương

(chuẩn cho hai xã Nội Ngoại cùng phụng thờ)

Phong sắc các lệ của hai vị đại vương:

  • Chính lệ ngày 15 tháng 10, lễ cúng tam sinh, rượu hoa cúc, ca hát ba ngày thì ngừng.
  • Cấm chữ húy là A, Thạch hai chữ nhất thiết cấm. Các màu vàng và trắng khi nhân dân làm lễ không được mặc, nhất thiết cấm.

Niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất, tháng giữa đông ngày tốt, Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ, bề tôi Nguyễn Bính phụng soạn.

Hoàng triều Vĩnh Hữu năm thứ năm mồng 1 tháng 10, Quản giám tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng sao tuân theo đúng như bản chính trước đây.

Các kỳ sinh nhật của hai vị cứ theo như ngày tháng năm trong tích mà làm lễ, dùng lễ tam sinh, ca hát ba ngày thì dừng.

Trong ngày hóa việc ca hát nhất thiết cấm, chỉ tổ chức đánh cờ ba ngày thì dừng.

Sinh thời Triệu Việt Vương Thánh mẫu khâm phụng được phong mỹ tự là Bà A Phương Dung Trinh Thục Quận Phu nhân (Sau khi hoá phong Thánh mẫu Vua Bà A Quận phu nhân).

Thái tổ triều Lê gia phong Quốc mẫu Vua Bà A Phương Dung Trinh Thục Phu nhân Thượng đẳng phúc thần.

Nguyên bản ngọc phả ở miếu trước đây lưu giữ để phụng thờ, sau do biến loạn bị hỏng, nên mới dám tìm phụng sao bản chính của xã Luật Nội vào thời Việt Nam dân chủ cộng hoà, năm Nhâm Thìn tháng 5 ngày tốt.

Văn tế cầu phúc xuân thu

Cung duy!

Đại vương

Vụ tinh dục tú

Thái nhạc chung anh

Đức hoằng khôn tải

Công đại khiêm chinh.

Lịch giang kiếm kích ba trừng, nhất môn nghĩa liệt

Tượng lĩnh lâu đài nhật lệ, vạn cổ anh thanh.

Tư nhân xuân/thu tiết tứ thất đan thành. 

Phục duy giám cách

Tích dĩ hoà bình.

Cẩn cáo.

Những Thục triều trong sử Việt

Đình Hương Triện, Nhân Thắng, Gia Bình, Bắc Ninh.

Thần tích xã Hương Triện ở Gia Bình, Bắc Ninh cung cấp những thông tin hết sức hiếm lạ về nguồn gốc  của Thục An Dương Vương. Bản thần tích Hương Triện ngay tên gọi là Ngọc phả ghi chép cổ về Thục đế Thạc thần là dòng dõi vua Hùng nước Nam Việt. Thông tin này có thể tóm tắt như sau:

Vào thời vua Hùng thứ 17 là Nghị Vương, có vị Bộ chủ bộ Ai Lao, là dòng dõi của người con thứ 8 từ bọc trăm trứng, mang họ Hùng tên Bích. Chính thất phu nhân của ông sinh được 2 người con trai rồi mất sớm. Ông Bộ chủ lấy thêm một người vợ nữa, con của vị huyện lệnh họ Trần huyện Gia Định đạo Bắc Giang, là bà Thận Nương làm đệ nhị phu nhân. Thận Nương nằm mơ thấy rồng nhập mà mang thai, sinh được người con đặt tên là Thạc công.

Khi đó vua nước Thục có con gái là công chúa Hằng Nương, nghe tin Bộ chủ Ai Lao sinh được Thạc công có hùng tài dũng lược, nên đã dẫn quân đến bộ Ai Lao, xin Thạc công về làm con rể. Thạc công lấy công chúa nước Thục rồi kế ngôi của nhạc phụ, xưng là Thục An Dương Vương.

Tới thời vua Hùng thứ 18 là Duệ Vương do không có con trai nối dõi nên đã nhường ngôi cho Thục An Dương Vương. An Dương Vương nhận thụ truyền lẫy nỏ thần từ Hùng Duệ Vương, dời về đóng đô ở Cổ Loa. Vua lại đi xem xét thế đất, thấy khu vực núi Đông Cứu có thế đất đẹp, lại là quê mẹ, nên đã lập hành cung ở đó, thường hay lui tới du lãm.

Lại nói bấy giờ có người phủ Cửu Chân, Nam Hải, họ Triệu tên Đà, phát động hùng binh kéo đến đánh Thục Vương để cướp nước. Vì Thục Vương có nỏ rùa lẫy thần nên Triệu Đà nhiều lần thất bại. Triệu Đà mới bày kế xin giảng hòa, hai nước coi nhau như anh em, rồi cử con trai là Trọng Thủy cầu hôn với con gái An Dương Vương là công chúa Mỵ Châu. An Dương Vương đồng ý.

Trọng Thủy gạt Mỵ Châu đánh tráo lẫy nỏ thần, rồi xin trở về Triệu. Trước khi về Trọng Thủy đưa cho Mỵ Châu chiếc áo lông ngỗng, dặn khi có sự biến thì rắc lông ngỗng làm dấu để tìm nhau. Trọng Thủy lấy được lẫy nỏ thần về Triệu thì Triệu Đà lập tức dẫn quân tấn công Cổ Loa. Nỏ thần vô dụng, An Dương Vương dẫn Mỵ Châu bỏ chạy. Khi gặp đường cùng bên sông, cầu khấn thần rùa hiện lên, nói: Giặc ở sau lưng nhà vua đó.

Mỵ Châu thề với trời rồi tự tiết xuống sông. An Dương Vương chạy ra đến cửa Nam Hải thì được thần rùa rẽ nước, cầm ngọc văn tê bảy tấc mà đi xuống biển, hóa sinh bất diệt.

Câu chuyện về An Dương Vương ở Hương Triện đọc qua có vẻ không có gì khác so với chuyện kể thông thường về Thục Vương. Tuy nhiên, thông tin đặc biệt ở đây chính là nguồn gốc cha mẹ của An Dương Vương được kể một cách rất rõ ràng. Cha là Bộ chủ Ai Lao, là dòng dõi họ Hùng. Mẹ là thứ phu nhân, người Gia Bình, Bắc Ninh. Hơn nữa, chi tiết khó giải là việc vua nước Thục dẫn quân tấn công Ai Lao lại chỉ để xin chàng rể cho con gái của mình và nhường ngôi cho Thạc công.

Sự kiện này vào thời Hùng Nghị Vương cũng được Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả kể: 

Hùng Nghị Vương thừa hưởng nhiều đời thiên hạ thái bình. Vua sinh ra đam mê tửu sắc, ham thích du chơi, không lo sửa sang võ bị. Vua nước Thục từ xa nghe tin Trung Quốc không mấy khi dùng đến việc võ nên muốn thống nhất dư đồ, nhưng sợ phương Nam có cây kiếm thần nên còn do dự chưa quyết.

Bấy giờ chúa phụ đạo bộ Ai Lao là người có hùng tài đại lược, cũng vốn là tông phái của Hùng Vương. Vua Thục biết thế bèn đem quân sang đánh bộ Ai Lao để đoạt chức chúa phụ đạo. Bộ Ai Lao không kháng cự được bèn sai sứ giả sang cầu cứu với Hùng Nghị Vương. Hùng Nghị Vương thân đem 10 vạn tinh binh tiến thẳng đến dưới thành Ai Lao để cứu viện. Thục Vương nghe tin bèn biên thư gửi cho Hùng Nghị Vương, nói: “Quân Thục từ phía Tây đến, chỉ muốn bộ chủ [Ai Lao] truyền lại cho ngôi báu, đâu dám giơ càng bọ ngựa mà chống với muôn cỗ xe của nhà vua”.

Hùng Nghị Vương thấy lời lẽ trong thư như thế bèn rút quân về. Thục vương bắt được bộ chủ phụ đạo [Ai Lao] đem về Thục, gả công chúa cho, rồi bắt nhường ngôi cho mình. Thục Vương sai sứ giả sang tạ ơn Hùng Nghị Vương, xin coi triều Nam là anh, triều Tây là em, cùng nhau giảng hoà định ước, hai nước quan hệ đi lại với nhau. Hùng Nghị Vương bằng lòng như thế. Từ đó triều Tây ngừng việc binh.   

Thần tích xã Cao Mại ở Phú Thọ cũng cho biết, người dẫn quân cùng với Hùng Nghị Vương đi ứng cứu Ai Lao là Phò mã Lý Lang Công. Sự kiện vua Thục đánh Ai Lao rõ ràng không đơn giản chỉ là để xin con rể, mà là một sự tranh chấp lớn giữa Hùng và Thục. Sự thực của việc này là như thế nào?

Để kiến giải việc này phải lần theo từng dữ kiện dựa trên sử thuyết Hùng Việt. Trước hết, Ai Lao là đất Âu, vào cuối thời Hùng Vương (Thiên tử Chu) vùng đất này do Tây Chu Quân cai quản. Thục Vương là con của Bộ chủ Ai Lao tức là con của Tây Chu Quân, nhưng lại làm chủ vùng Bắc Việt, đóng đô ở Cổ Loa. Như thế Thục Vương trong chuyện này chính là Đông Chu Quân. 

Lịch sử phân liệt Tây Chu Quân và Đông Chu Quân tóm tắt từ Sử ký Tư Mã Thiên như sau: Năm 440 TCN, Chu Khảo Vương Cơ Nguy sau khi lên ngôi đã phân phong cho em trai là Cơ Yết ở đất Vương Thành giữ chức Chu công để phụ giúp triều đình. Cơ Yết có hiệu là Tây Chu Hoàn công hoặc Tây Chu quân. Sau khi Cơ Yết mất, con là Cơ Táo nối ngôi, tức Tây Chu Uy công.

Năm Chu Hiển Vương thứ hai (367 TCN), Tây Chu Uy công mất, hai con là công tử Căn và công tử Triêu tranh đoạt ngôi vị với nhau. Hai nước chư hầu là Hàn và Triệu lập công tử Căn ở đất Củng, tức là Đông Chu Huệ công hoặc Đông Chu quân, Chu Hiển Vương không biết cư xử thế nào cũng không có thực lực để chống lại nên đành chấp nhận thực tế. Đó là nguồn gốc dẫn đến sự phân chia thành 2 nước Tây Chu và Đông Chu, sự chia rẽ này làm cho nhà Chu càng ngày càng thêm suy nhược. Thiên tử nhà Chu ở nhờ Tây Chu quân.

So sánh lịch sử này với chuyện Thục đế Thạc thần ở trên có thể thấy:

– Tây Chu Quân là Bộ chủ Ai Lao, dòng dõi họ Cơ của nhà Chu, được truyền thuyết Việt chép là họ Hùng. Vua Hùng Nghị Vương lúc này tương ứng với Chu Khảo Vương.

– Đông Chu Quân là con thứ của Tây Chu Uy Quân, do tranh chấp với người anh nên được chư hầu Hàn và Triệu giúp, lập riêng nước, xưng Đông Chu. Đông Chu Quân tương ứng với Thạc công, được vua Thục (Hàn Triệu) giúp mà xưng là An Dương Vương. Vua Hùng Duệ Vương lúc này là Chu Hiển Vương, buộc nhường vùng đất Đông Chu cho Thục Vương.

– Sự việc tiếp theo thì người diệt nhà Chu (Thục) là Tần Chiêu Tương Vương, nên tương ứng được truyền thuyết Việt gọi là Triệu Đà. Nhà Tần vốn mang họ Triệu theo đất phong ban đầu từ thời Chu Mục Vương. 

– Người đã “ở rể” ở Cổ Loa (Trọng Thủy) như thế chính là Dị Nhân Doanh Tử Sở, sau là Tần Trang Tương Vương, bố của Tần Thủy Hoàng. Công chúa Mỵ Châu được Hoa sử chép là Triệu Cơ, trong đó Cơ chính là họ của các vua Chu. 

Truyền thuyết về Thục Vương ở nước ta như thế có thể kể đến 4 giai đoạn với tình tiết khá tương đồng, đều cùng là đến từ vùng Ai Lao phía Tây, chiếm được vùng Bắc Việt mà xưng đế vương:

– Thục Vương I trong trận đánh với hàng chục vạn quân chia làm nhiều đạo tiến vào miền Bắc Việt, thắng lợi thì định đô ở Phong Châu. Đây là sự kiện Cơ Xương Chu Văn Vương đánh chiếm đất Sùng và dời về Phong kinh.

– Thục Vương II dời đô về xây thành Cổ Loa, với sự tích rùa vàng trừ Bạch Kê Tinh ở núi Thất Diệu. Đây là chuyện Chu Bình Vương dời đô từ Cảo kinh (Vân Nam) về Lạc Dương, khởi đầu thời kỳ Đông Chu.

– Thục Vương III là con Bộ chủ Ai Lao, được nhường ngôi ở miền Bắc Việt, rồi bị nhà Triệu lừa mà mất nước. Đây là sự kiện Đông Chu Quân kế nối Chu Noãn Vương rồi bị Tần Chiêu Tương Vương diệt, kết thúc 800 năm vương triều Chu trong lịch sử.

– Thục Vương IV cũng từ phía Tây đến, thống nhất thiên hạ các chư hầu thành một nước và là người đã mở rộng quy mô thành Cổ Loa 3 vòng thành rồi bị Triệu Vũ Đế – Lý Bôn lật đổ. Đây là nhà Tần với sự hiện diện của phò mã Lý Thân trấn giữ Hồ ở thành Cổ Loa và đạo sĩ Yên Kỳ Sinh gặp Tần Thủy Hoàng ở chân núi Yên Tử.

Chính bởi do có tới 4 sự kiện có chiều hướng rất giống nhau từ Tây chinh Đông, nên dẫn đến sự nhầm lẫn rất khó phân định trong các tư liệu sử Việt. Một sơ đồ sau khái quát lại thời kỳ này một cách mạch lạc.

Những Thục triều trong sử Việt.
Nội điện An Dương Vương từ ở Hương Triện.

Thần tích xã Hương Triện, tổng Nhân Hữu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh

NGỌC PHẢ GHI CHÉP CỔ VỀ VỊ THẠC THẦN ĐẠI VƯƠNG LÀ DÒNG DÕI VUA HÙNG NƯỚC NAM VIỆT

Thần thuộc hàng Thượng đẳng Đế vương, bộ Nam Hải, bản chính Ngọc phả lưu tại bộ Lễ của Quốc triều

Xưa Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ là Tiền Hoàng đế của đất nước trời Nam tôn quý, dựng mở cơ đồ lớn, là thủy tổ của Việt Nam, khai sáng họ Việt Thường trải 18 đời thánh vương ngự trị. Mở vận ở trời Nam, núi xanh vạn dặm khai sáng nền thành đô cung điện. Tạo ra muôn vật, cứu giúp dân sinh. Thống lĩnh 15 bộ làm thế vững chãi cho đất nước.

Xét: Trước kia Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai, tên là Âu Nương, lập làm chính cung, mang thai trong ba năm, sinh một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai, đều anh hùng nổi tiếng ở đời, dũng lược hơn người. Khi trưởng thành vua mới phong tước hầu và lập thành các bộ. Bộ thứ nhất là Sơn Nam, bộ thứ hai là Sơn Tây, bộ thứ ba là Hải Dương, bộ thứ tư là Kinh Bắc, bộ thứ năm là Hoan Châu, bộ thứ sáu là Ái Châu, bộ thứ bảy là Bố Chính Châu, bộ thứ tám là Ai Lao, bộ thứ chính là Ô Châu, bộ thứ mười là Hưng Hóa, bộ thứ mười một là Cao Bằng, bộ thứ mười hai là Tuyên Quang, bộ thứ mười ba là Lạng Sơn, bộ thứ mười mười bốn là Quảng Tây, bộ thứ mười lăm là Quảng Đông,

Vua bảo Âu Nương rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa không hợp”. Nhân đó mà phân 50 người theo cha về miền biển làm thủy thần, 50 người con theo mẹ về miền núi làm sơn thần, cùng nhau trấn trị các đầu sông góc biển, chia nhau hưởng lộc trời, cha truyền con nối, phát huy đất nước thành Viêm Hồng, có vua trị nước được hơn ba ngàn năm, phù trì cơ đồ mãi mãi vững như bàn đá, hiển ứng linh thông ở Nghĩa Lĩnh, truyền trăm đời đế vương ngự trị Nam Việt muôn năm. Ở điện thánh núi Hùng lập cung lăng miếu điện. Con cháu dòng dõi, công thần lớn nhỏ hết lòng lo việc nước, đều được thờ thờ phụng trong dân, hương khói lâu dài cùng ngày tháng không mất đi vậy.

Con cháu vua nhà Hậu Trần có thơ rằng:

Thập bát hùng đồ thế hữu truyền

Hậu [chung] tốn vị Thục vương yên

Nga mao kí lộ do thiên đạo

Vật dĩ Châu Nương bất thị hiền.

Lại nói, trải truyền ngôi đến thời vua Hùng thứ mười bảy là Nghị Vương, ngự trị ở sông Bạch Hạc, Việt Trì, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đặt kinh đô ở thành Phong Châu. Nghị Vương là người đức rộng tài cao, có nhiều ý chí sáng suốt, giúp rập cho đời. Người đời sau đều khen đây là vị vua giỏi. 

Đương lúc bấy giờ ở nước ta tương truyền rằng có ông Bộ chủ, vốn là dòng dõi Hùng Vương phân từ bọc trăm trứng, họ Hùng tên [Bích], làm Bộ chủ Ai Lao, cha truyền con nối trải mười bảy đời. Chính thất phu nhân của ông Bộ chủ trước khi qua đời, sinh được hai người con trai. Sau đó ông lại lấy người con gái trong một họ lớn ở huyện Gia Định, tên là Thận Nương, lập làm Đệ nhị phu nhân. Vợ chồng như đôi chim cưu hợp lứa, duyện lứa như đàn sắt quện với đàn cầm. Trải trong mấy năm, loan phương tình nồng, cực kỳ ân ái. Khi ấy phu nhân đã 23 tuổi. 

Một hôm vợ chồng cùng pha trà uống nước ở lầu hoa gác Tây ngắm trăng hóng mát. Lúc ấy trời đã về khuya. Phu nhân dựa vào lan can bàng hoàng mơ thấy một con rồng vàng từ trời giáng xuống thẳng vào bụng mình. Phu nhân dùng hai tay ôm lấy, hét một tiếng rất to. Khi tỉnh dậy mới biết đây là giấc mộng kỳ lạ. Bèn kể lại cho ông Bộ chủ nghe. Ông bảo với phu nhân rằng:

“Giấc mộng ấy phải chăng là phúc? Nếu quả vậy nàng sẽ mang thai”.

Trải ba bốn tháng sau, phu nhân quả nhiên có mang trong mười bốn tháng. Vào ngày 15 tháng 10 năm Canh Thìn, hôm ấy trời đất tối tăm, gió mưa nổi lên dữ dội, cả một xứ có tiếng động ầm ầm, khí lành huy hoàng, hương thơm tỏa ra ngào ngạt. Đến giờ Thìn, phu nhân sinh được một người con trai thần phong lẫm liệt, thể diện khôi kỳ, tai vương, nhan rồng, mắt phượng, tướng mặt hài hòa, hàm én mày ngài, hình dạng cân đối, cao lớn đĩnh đạc. Sau một trăm ngày ông Bộ chủ đặt tên cho con là Thạc công (ông Thạc).

Từ đó xuân sinh hạ trưởng, ngày tháng trôi đi, đến khi trưởng thành, vào năm 14 tuổi tính vốn thông minh, khí tượng ung dung, thiên tư cao mại, trí dũng hơn người. Đương thời có tiên sinh họ Ngô dạy học ở đất Ai Lao, Thạc công đến theo học ở thầy được trong mấy tháng. Hễ Thạc công đi lại đến đâu đều có một đám mây tựa như chiếc long che trên đỉnh đầu, cả chỗ đó trở nên mát mẻ. Tư chất thông minh kỳ dị, chỉ học trong một năm mà chư sử bách gia đều thuộc làu. Văn tài chỉ trong bảy bước đã làm xong một bài thơ. Võ nghệ tinh thông, tam lược lục thao cùng binh pháp của Thái công không chỗ nào không tinh nhạy. Thiên tư khí độ vượt hơn người bình thường. Đức rộng tài cao, khoan nhân đại lượng, bản tính anh hùng, lòng nhân nghĩa chính, lòng hiếu trung hòa.

Đương thời gian đó tiên sinh họ Ngô thường khen khí chất của Thạc công không phải là người bình thường, về sau nếu không làm vương ắt sẽ làm bá. Bạn bè không ai không kính phục.

Lại nói bấy giờ nước Nam ta có dịch khí hoành hành, nhân dân đều bị mắc bệnh không chừa một chỗ nào. Đương khi ấy Thạc công có một người dì tên là Hiếu thị, lấy con ông họ Nguyễn người đất trang Hương Triện huyện Gia Định phủ Thuận An đạo Bắc Giang (mẹ Thạc công và Hiếu thị vốn cùng là con ông huyện lệnh huyện Gia Định, cùng một cha mẹ). Do vậy khi ông nghe tin nhân dân địa phương của dì mắc bệnh, gia đình của dì cũng bị mắc bệnh nên xin cha mẹ trở về đất Hương Triện thăm dì.

Hôm ấy ông cử giá về đất Hương Triện, đến nửa đêm các họ trong đất Hương Triện (bấy giờ trong trang Hương Triện có các tộc Nguyễn, Đào, Đặng, Phạm, Đỗ, Hoàng, Bùi, Lê, Trần và Phan lập thành một trang) vốn đang có người bị mắc bệnh, cùng nhau mơ thấy ôn binh quỷ chúng đang báo tin chi nhau rằng: “ Dân chúng ở đất này có thiên tử đang trở về làm phúc thần của dân. Binh lính của ta nên gấp chóng rút khỏi đây ngay, không thể lưu cư ở đây”. Vừa nói chúng vừa tự rút hết khỏi nơi này. Nhân dân nghe thấy thế liền tỉnh giấc thì trời vừa sáng. 

Mọi người cùng thấy bệnh tật trong trang ai nấy đều qua khỏi. Hôm ấy nhân dân bàn luận, ai cũng bảo mình gặp một giấc mơ như thế. Mọi người cho là kỳ lạ, thực rất linh nghiệm, cùng nhau ra một ngôi quán đợi đến hết ngày xem sự thể ra sao. Chỉ trong một lúc quả nhiên thấy quân của Thạc công cử xa giá đến đây, thăm hỏi người dì và nhân dân bị mắc bệnh. Nhân dân ngầm nghĩ trong giấc mộng đã báo, nay lại thấy quả nhiên như vậy, lập tức làm lễ bái tạ, kể về giấc mộng, tự nguyện xin làm thần tử, xin ông cho tên húy để lập một sinh từ thờ ông làm thần, cơ hồ có nơi trấn trị quỷ xâm lấn từ bên ngoài.

Ông nghe xong đồng ý, cho tự hiệu để dân phụng thờ. Sau đó ông nhàn tản ngắm nhìn địa thế dân cư trong trang để chỉ bảo nhân dân lập sinh từ. Ông thấy địa thế nơi đây có chân long tú mạch, một dải dân cư ở gấp khúc như hình rắn bò, bên cạnh có ao hồ bao bọc, bốn hướng có phong tinh chầu về, bảng bút song hành. Núi Tam Thai chầu phía trước. Sông Thiên Đức chảy vắt ngang. Bên ngoài có một dải sông nhỏ ôm ấp. Bên trong có thế nước lòng vòng, long châu 9 khúc. 

Ông truyền nhân dân lập một sinh từ tại đầu địa giới dân cư, phía trước có đất kết cục tạo thành thế đầu rồng. Bên cạnh có giếng ẩn bút chầu phía sau. Tam Thai ứng phía trước. Bên phải bên trái lớp lớp chầu về, quanh co ở bên ngoài. Sinh từ nằm dựa Đông Bắc hướng Tây Nam, thu chính mạch rồng từ phương Tốn, tất cả đều chầu về, tạo thành quý cục. 

Nhân dân xây dựng hoàn thành, ông mới lưu nghỉ tại sinh từ, mở yến tiệc trong hơn một tháng, khoản tiếp người dì và nhân dân địa phương cùng dự hưởng. Sau đó ông lại cử giá về đất Ai Lao trải trong mấy năm. Bấy giờ ông mới 22 tuổi.

Đương thời vua nước Thục sinh muộn được một người con gái tên là Hằng Nương công chúa, không có con trai kế vị, nghe phong thanh Bộ chủ Ai Lao sinh được thứ tử Thạc công, vốn là người anh tài lương tuấn, mới dẫn quân đến  xin ông Bộ chủ cho Thạc công kết duyên với Hằng Nương công chúa, rồi nhường ngôi cho Thạc công. Ông Bộ chủ Ai Lao đồng ý. 

Từ đó Thạc công trở về nước Thục, được vua nước Thục gả công chúa và nhường ngôi báu. Đến khi vua Thục băng hà, ông lên ngôi vua xưng là Thục An Dương Vương. Ông nối thừa quyền nhạc phụ, khiến thiên hạ thanh bình, nhân dân nước Thục sống yên vui. Người dân cày ruộng đào giếng, khắp nơi rộn rã tiếng đàn ca, nghỉ việc võ, sửa việc văn, chăm lo giáo hóa, bốn biển đón cảnh tượng thái bình.

Lại nói nước ta khi Nghị Vương ở ngôi được 162 năm thì Nghị Vương băng hà. Thái tử Duệ Vương lên ngôi kế vị. Đến lúc ấy nhà Hùng đã trải 18 đời với hơn 2000 năm hưởng nước, nối truyền ngôi báu đã lâu. Do lòng trời định như thế. 

Khi Duệ Vương lên ngôi, lúc ấy thế nước cáo chung, cơ đồ mạt tạo. Duệ Vương sinh được 20 hoàng tử đều nối nhau về nơi tiên cảnh, cùng 6 nàng công chúa chỉ còn lại 2 người. Một người gả cho Chử Đồng Tử, một người gả cho Tản Viên Sơn Thánh. Duệ Vương không có người lập hậu mới triệu Thạc công (tức Thục An Dương Vương), nguyên từ Bộ chủ Ai Lao cũng là miêu duệ nhà Hùng, đến kế vị. Nhân đó Duệ Vương trao nỏ rùa lẫy thần cho Thục Vương để quản lý thiên hạ, đó là đồ quý báu của cơ đồ họ Hùng.

Lại nói, Thục An Dương Vương (húy Thạc) từ lúc nhận ngôi báu cơ đồ họ Hùng, chỉ khoanh tay rủ áo mà nước được thịnh trị, bốn biển thanh bình, người dân vui tiếng đàn ca, trong ngục không còn tiếng người kêu oan trái, vua sáng thần mình. Đương lúc ấy có ông Cao Lỗ giữ chức Tổng chính, Vũ Công Lỗ giữ chức Nghị chính, Phan Công Bính giữ chức Tham nghị triều chính, Nguyễn Tuấn (người trang Hương Triện) giữ chức Ty chính bình vụ, đều là những trung nghĩa lương thần của Thục An Dương Vương. Cai trị hơn 60 năm, lấy đức giáo hóa dân làm gốc. Vua tự tuân theo phúc họ Hùng, dời đô đến thành Cổ Loa. Đương lúc ấy vua lấy đất Hương Triện là nơi cung sở thêm, nên cho được miễn trừ việc binh lương, vinh hiển dồi dào, thấm nhuần tước lộc, cùng nhau chung hưởng đức độ của vua, thực là thịnh vậy.

Lại nói bấy giờ có người phủ Cửu Chân, Nam Hải, họ Triệu tên Đà, phát động hùng binh kéo đến đánh Thục Vương để cướp nước. Nhưng vì Thục Vương có nỏ rùa lẫy thần là báu vật giữ cơ đồ họ Hùng nên trải bốn năm năm giữa Triệu Đà và Thục Vương rồng hổ tranh đấu nhiều phen. Hễ dương nỏ là quân của Triệu Đà đại bại Trong lúc trống mái chưa định, cò trai dằng co, không ngờ đạo trời lại khiến như thế. Tuy có nỏ rùa lẫy thần là báu vật nhưng do thế nước cáo chung nên cũng khó mà bảo vệ. 

Lúc ấy Triệu Đà thấy Thục An Dương Vương có thần cơ dị thuật, lại trong nước có nhiều người tài giỏi nên dù đem binh cũng không địch nổi. Một hôm Triệu Đà bảo với các tướng sĩ rằng: “Thục Vương có thần tài dị thuật, nếu đánh thì quân ta khó thắng. Nay tiếp tục mang quân sang đánh quân Thục thì tất lại thu lấy thất bại. Chẳng bằng dùng mưu mà lấy được nước đó. Nay ta định dùng lễ cống xin làm nước anh em, giả làm kế cầu hòa để dò xét ý của Thục Vương ra sao. Ví như được lòng trời ta sẽ đánh một trận là thành đại nghiệp”.

Các tướng nghe xong tất cả đều đồng thuận. Nhân đó Triệu Đà sai bề tôi mang kễ đến Thục An Dương Vương xin cầu hòa. Thục Vương thấy sứ giả nhà Triệu mang lễ cống cầu hòa liền đồng ý. Từ đó kết làm nước anh em, giữ tình tín ái.

Bấy giờ có ông Cao Lỗ giữ chức Đại tướng cho Thục Vương, có thừa trí dũng, trung nghĩa vô song, nhưng bị quần thần nói dèm pha, khiến Thục Vương giáng chức, đày lên Thái Nguyên cho giữ chức huyện lệnh ở châu Bạch Thông. Cao Lỗ từ khi nhậm chức ở đây hổ báo trong địa phận sơn lâm bản châu nghe uy đức của ông, tất cả đều quy phục. Cao Lỗ do chứa hận trong lòng, phát thành chứng bệnh ung thư, hóa tại đất bản châu. Hổ thú rước về đất Đồng Than an táng, về sau lập đền tại sông Thiên Đầu, nhân dân thờ tự, có nhiều linh ứng.

Lại nói, sau đó mấy năm, Triệu Đà lại nghe tin Thục Vương có người con gái tên là Mỵ Châu công chúa. Triệu Đà mới xin cầu hôn cho con trai của mình là Trọng Thủy. Thục Vương cũng đồng ý gả cho Trọng Thủy. Đường thời các trung thần đều can gián, nhưng vua không nghe, lại bảo với quần thần rằng: “Ta có lấy thần của báu của trời thì sợ gì quân Triệu? Vả lại ta không phải là người bất nhẫn”.

Các nghĩa sĩ lương thần can ngăn không được đều từ quan trả chức xin về quê. Âu cũng là do lòng trời bỏ Thục mà theo về Triệu, khiến đức của vua tối tăm, còn lương sĩ quân thần thì đều xa lánh.

Lại nói Triệu Đà nghe tin quân thần của Thục Vương tự di phế nhau, ngầm nghĩ đến việc môi hở răng lạnh, lập tức mật báo cho con trai Trọng Thủy lấy chỗ thân ái mà do thám tình hình trong nước, tất được Trọng Thủy làm theo. Từ đó Trọng Thủy ra vào chỗ bệ hạ, Thục Vương lại rất tin yêu. 

Một hôm nhân lúc rỗi, trong phủ vô sự, Trọng Thủy mới hỏi công chúa Mỵ Châu rằng: “Ngày xưa trong lúc hai cha ta hiềm khích giao tranh, cha nàng có dị thuật gì khiến cho cha ta luôn phải thất bại vậy?”.

Thế là công chúa Mỵ Châu liền chỉ vào nỏ rùa lẫy thần. Trọng Thủy hiểu rõ mới tạo một chiếc lẫy khác đem vào đánh tráo. Sau đó tâu với Thục Vương xin trở về thăm cha. Thục Vương đồng ý.

Trọng Thủy lại lấy nệm gấm lông ngỗng trao cho công chúa Mỵ Châu và dặn: “Hai nước có động tĩnh bất thường, nay ta xin về thăm thân phụ, không biết nhanh chậm thế nào. Nếu có binh cách xảy ra, thắng thua khôn lường nên có lông ngỗng cho nàng đánh dấu đường. Ta sẽ theo đó mà tìm đến sau”.

Công chúa Mỵ Châu nghe theo lời dặn. Khi Trọng Thủy về đến thành phủ mang lẫy nỏ báo cho thân phụ, Triệu Đà được lẫy nỏ liền phát động hùng binh tiến đánh Thục Vương, cho quân vậy thành. Thục Vương ngồi trên thành bảo Triệu Đà rằng: “Ta có nỏ thần, quân Triệu không sợ chăng?”.

Quân Triệu Đà ngày một mạnh, xông vào giáp công. Thục Vương dương nỏ bắn nhưng không hiệu nghiệm, biết là mất lẫy thần, bèn cưỡi ngựa cùng công chúa Mỵ Châu, cha con đều chạy.

Công chúa Mỵ Châu cưỡi ngựa chạy phía sau, cứ theo lời giao ước với Trọng Thủy mà rắc lông ngỗng đánh dấu đường. Kịp lúc quân của Triệu Đà theo lông ngỗng truy đuổi Thục Vương, đến khi cùng quẫn, Thục Vương mới ngầm cầu rùa thần đến cứu giúp (do trước đây Duệ Vương trao nỏ thần cho Thục Vương bảo rừng về sau hễ gặp nạn thì hô rùa thần đến cứu giúp). Thục Vương cầu khấn xong bỗng thấy sóng to nổi lên dữ dội. Rùa thần đột nhiên nổi trên sông quay lại bảo Thục Vương rằng: “Giặc ở phía sau nhà vua!”.

Thục Vương quay đầu nhìn phía sau thấy công chúa Mỵ Châu đang phóng ngựa rải lông ngỗng, vua mới bảo Mỵ Châu rằng: “Mỵ Nương con đã giết cha!”.

Mỵ Châu nghe xong, thề cùng trời đất, ngay lúc ấy (tức ngày mồng 2 tháng 12) nhảy xuống sông tự vẫn. Thục Vương cưỡi ngựa chạy đến cửa Nam Hải thì đã thấy rùa thần rẽ nước thành đường. Thục Vương tay cầm ngọc tê dài 7 thước đi vào biển hóa sinh bất diệt. 

Về sau nhân dân địa phương ở Nam Hải đều lập đền thờ cúng. Đến triêu Hậu Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, thần có công âm phù giúp nước, có nhiều linh ứng, nên được phong là Nam Hải Đại vương.

Lại nói, đương khi ấy có ông Nguyễn Tuấn giữ chức Ty chính, người trang Hương Triện, huyện Gia Định, vốn là bề tôi của Thục Vương, do can gián vua nhưng vua không nghe, mới từ chức trở về dưỡng nhàn ở quê. Nghe tin vua đã hóa, Triệu Đà lấy được nước, mới truyền nhân dân (tức trang Hương Triện) cứ tuân theo húy tự là Thạc Đại vương mà lập đền ở hội đồng cung sở để thờ cugs. Còn Nguyễn Tuấn vào đất Ái Châu xuất gia đầu Phật, xuống tóc ăn chay, mải miết dạo ngắm trời đất, không quay về quê quán. Về sau mất tại chùa Ngọc Xá, huyện Tống Sơn, nhân dân địa phương thờ cúng.

Lại nói cho đến thời Đông Hán, Ngô, Tấn, Tề, Lương cộng là 349 năm, trải đến nước Nam có các đời Đinh, Lê, Lý, Trần gồm 4 họ khai sáng cơ đồ, vị Thạc Đại vương thường âm phù giúp nước, che chở dân, anh linh hiển hiện, nên được các đời đế vương gia phong là Thượng đẳng phúc thần, hương hỏa thờ cúng không dứt.

Lại nói, trải đền thời bấy giờ có người họ Lê, tên húy là Lợi, người trang Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, Ái Châu đứng lên khởi nghĩa, tập hợp nghĩa binh, tiễu trừ họ Hồ, tiêu diệt người Minh, lên ngôi Hoàng đế ở Lam Sơn (tức Thái tổ Cao Hoàng đế), đặt niên hiệu Thuận Thiên. Khi đang còn khởi nghĩa, vua đi qua ngôi đền của trang Hương Triện, vào đây cầu đảo vị âm thần phù giúp nước đánh giặc, sau khi bình xong giặc Minh, sẽ bao phong mỹ tự Thượng đẳng Phúc thần, thờ cúng lâu dài cùng đất nước trường tồn giữ làm lệ thường. Về sau đánh đuổi được giặc Minh, đất nước thanh bình, vua bèn gia phong mỹ tự, vạn đời là Phúc thần. Đức của thần thịnh vậy.

– Phong cho thần là Thạc thần Đại vương. Chuẩn cho dân của trang sở tại Hương Triện phụng thờ.

Lại nói, từ khi Lê Thái Tổ khai sáng cơ đồ trải truyền các đời vua Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiển Tông, Chiêu Tông đến đại thần họ Mạc tiếm quyền (tức Mạc Đăng Dung, là huyền tôn của Mạc Đĩnh Chi), trải năm đời làm vua với hơn 60 năm. Đến vua Trang Tông cùng đại thần họ Nguyễn có mưu kế lớn, khôi phục nghĩa binh, tiễu trừ họ mạc. Từ đó nhà Lê làm đế, họ Nguyễn là vương, tiền Lê, hậu Lê thần đều có công âm phù giúp nước, che chở dân, linh ứng tỏ rõ. Do vậy trải các đời đế vương đều được gia phong mỹ tự là Thượng đẳng Phúc thần, cùng đất nước dài lâu giữ làm lệ thường. Đức của thần thịnh vượng vậy (đền thờ chính của thần ở Cổ Loa, là nơi quốc tế, làm dân tạo lệ)

Lệ về ngày sinh, ngày hóa của thần cùng ngày tiệc, sắc phục, tên húy nhất thiết phải cấm, được ghi như sau:

– Ngày sinh của thần: 15 tháng 10, lấy làm lệ chính. Làm lễ trước một ngày, rước thần làm lễ tế, sửa lễ gồm cỗ chay, lợn, xôi, trầu, rượi. Ngày hôm sau (chính nhật) sửa lễ gồm bò, ca hát trong 3 ngày thì dừng.

– Ngày hóa của thần: mồng 2 tháng 12. Sửa lễ cỗ chay, lợn, xôi, trà, hoa quả, trầu cau.

– Ngày tiệc: 12 tháng 8. Làm lễ rước thần cáo tế. Sửa dùng lợn, bò cũng có thể được, ca hát tùy nghi.

– Ngày tiệc: mồng 7 tháng Giêng. Làm lễ trước một ngày, rước thần làm lễ tế cáo như ngày sinh của thần. Ngày hôm sau sửa lễ gồm bò, ca hát, đánh cờ, đấu vật trong 10 ngày thì dừng.

– Ngày tiệc: 12 tháng 9. Sửa lễ dùng lợn, xôi, rượu, ca hát tùy nghi.

– Ngày tiệc: 12 tháng 3. Làm lễ, ca hát tùy nghi.

– Ngày tiệc: mồng 10 tháng 11. Làm lễ tùy nghi.

– Tên húy của thánh phụ, thánh mẫu xem trong Ngọc phả này đều cấm dùng, cùng lệ về các ngày tiệc, thánh phụ thánh mẫu đều được phối thờ.

– Tên húy gồm chữ Thạc, nhất thiết cấm dùng, cùng hai chữ Nam, Hải phải tránh âm, sắc phục khi hành lễ, màu vàng, màu tía đều không được dùng. Lông ngỗng nuôi dưỡng cấm không được dùng.

Ngày mồng 10 thánh Giêng niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất  (1572) Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, bề tôi là Nguyễn Bính vâng mệnh soạn bản chính.

Ngày tốt tháng 2 niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 3 (1737) Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh, bề tôi là Nguyễn Hiền phụng mệnh sao lại theo bản chính.

Người dịch TS. Nguyễn Hữu Mùi, Viện nghiên cứu Hán Nôm năm 2009.