Thần tích xã Hương Triện, tổng Nhân Hữu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh

NGỌC PHẢ GHI CHÉP CỔ VỀ VỊ THẠC THẦN ĐẠI VƯƠNG LÀ DÒNG DÕI VUA HÙNG NƯỚC NAM VIỆT

Thần thuộc hàng Thượng đẳng Đế vương, bộ Nam Hải, bản chính Ngọc phả lưu tại bộ Lễ của Quốc triều

Xưa Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ là Tiền Hoàng đế của đất nước trời Nam tôn quý, dựng mở cơ đồ lớn, là thủy tổ của Việt Nam, khai sáng họ Việt Thường trải 18 đời thánh vương ngự trị. Mở vận ở trời Nam, núi xanh vạn dặm khai sáng nền thành đô cung điện. Tạo ra muôn vật, cứu giúp dân sinh. Thống lĩnh 15 bộ làm thế vững chãi cho đất nước.

Xét: Trước kia Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai, tên là Âu Nương, lập làm chính cung, mang thai trong ba năm, sinh một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai, đều anh hùng nổi tiếng ở đời, dũng lược hơn người. Khi trưởng thành vua mới phong tước hầu và lập thành các bộ. Bộ thứ nhất là Sơn Nam, bộ thứ hai là Sơn Tây, bộ thứ ba là Hải Dương, bộ thứ tư là Kinh Bắc, bộ thứ năm là Hoan Châu, bộ thứ sáu là Ái Châu, bộ thứ bảy là Bố Chính Châu, bộ thứ tám là Ai Lao, bộ thứ chính là Ô Châu, bộ thứ mười là Hưng Hóa, bộ thứ mười một là Cao Bằng, bộ thứ mười hai là Tuyên Quang, bộ thứ mười ba là Lạng Sơn, bộ thứ mười mười bốn là Quảng Tây, bộ thứ mười lăm là Quảng Đông,

Vua bảo Âu Nương rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa không hợp”. Nhân đó mà phân 50 người theo cha về miền biển làm thủy thần, 50 người con theo mẹ về miền núi làm sơn thần, cùng nhau trấn trị các đầu sông góc biển, chia nhau hưởng lộc trời, cha truyền con nối, phát huy đất nước thành Viêm Hồng, có vua trị nước được hơn ba ngàn năm, phù trì cơ đồ mãi mãi vững như bàn đá, hiển ứng linh thông ở Nghĩa Lĩnh, truyền trăm đời đế vương ngự trị Nam Việt muôn năm. Ở điện thánh núi Hùng lập cung lăng miếu điện. Con cháu dòng dõi, công thần lớn nhỏ hết lòng lo việc nước, đều được thờ thờ phụng trong dân, hương khói lâu dài cùng ngày tháng không mất đi vậy.

Con cháu vua nhà Hậu Trần có thơ rằng:

Thập bát hùng đồ thế hữu truyền

Hậu [chung] tốn vị Thục vương yên

Nga mao kí lộ do thiên đạo

Vật dĩ Châu Nương bất thị hiền.

Lại nói, trải truyền ngôi đến thời vua Hùng thứ mười bảy là Nghị Vương, ngự trị ở sông Bạch Hạc, Việt Trì, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đặt kinh đô ở thành Phong Châu. Nghị Vương là người đức rộng tài cao, có nhiều ý chí sáng suốt, giúp rập cho đời. Người đời sau đều khen đây là vị vua giỏi. 

Đương lúc bấy giờ ở nước ta tương truyền rằng có ông Bộ chủ, vốn là dòng dõi Hùng Vương phân từ bọc trăm trứng, họ Hùng tên [Bích], làm Bộ chủ Ai Lao, cha truyền con nối trải mười bảy đời. Chính thất phu nhân của ông Bộ chủ trước khi qua đời, sinh được hai người con trai. Sau đó ông lại lấy người con gái trong một họ lớn ở huyện Gia Định, tên là Thận Nương, lập làm Đệ nhị phu nhân. Vợ chồng như đôi chim cưu hợp lứa, duyện lứa như đàn sắt quện với đàn cầm. Trải trong mấy năm, loan phương tình nồng, cực kỳ ân ái. Khi ấy phu nhân đã 23 tuổi. 

Một hôm vợ chồng cùng pha trà uống nước ở lầu hoa gác Tây ngắm trăng hóng mát. Lúc ấy trời đã về khuya. Phu nhân dựa vào lan can bàng hoàng mơ thấy một con rồng vàng từ trời giáng xuống thẳng vào bụng mình. Phu nhân dùng hai tay ôm lấy, hét một tiếng rất to. Khi tỉnh dậy mới biết đây là giấc mộng kỳ lạ. Bèn kể lại cho ông Bộ chủ nghe. Ông bảo với phu nhân rằng:

“Giấc mộng ấy phải chăng là phúc? Nếu quả vậy nàng sẽ mang thai”.

Trải ba bốn tháng sau, phu nhân quả nhiên có mang trong mười bốn tháng. Vào ngày 15 tháng 10 năm Canh Thìn, hôm ấy trời đất tối tăm, gió mưa nổi lên dữ dội, cả một xứ có tiếng động ầm ầm, khí lành huy hoàng, hương thơm tỏa ra ngào ngạt. Đến giờ Thìn, phu nhân sinh được một người con trai thần phong lẫm liệt, thể diện khôi kỳ, tai vương, nhan rồng, mắt phượng, tướng mặt hài hòa, hàm én mày ngài, hình dạng cân đối, cao lớn đĩnh đạc. Sau một trăm ngày ông Bộ chủ đặt tên cho con là Thạc công (ông Thạc).

Từ đó xuân sinh hạ trưởng, ngày tháng trôi đi, đến khi trưởng thành, vào năm 14 tuổi tính vốn thông minh, khí tượng ung dung, thiên tư cao mại, trí dũng hơn người. Đương thời có tiên sinh họ Ngô dạy học ở đất Ai Lao, Thạc công đến theo học ở thầy được trong mấy tháng. Hễ Thạc công đi lại đến đâu đều có một đám mây tựa như chiếc long che trên đỉnh đầu, cả chỗ đó trở nên mát mẻ. Tư chất thông minh kỳ dị, chỉ học trong một năm mà chư sử bách gia đều thuộc làu. Văn tài chỉ trong bảy bước đã làm xong một bài thơ. Võ nghệ tinh thông, tam lược lục thao cùng binh pháp của Thái công không chỗ nào không tinh nhạy. Thiên tư khí độ vượt hơn người bình thường. Đức rộng tài cao, khoan nhân đại lượng, bản tính anh hùng, lòng nhân nghĩa chính, lòng hiếu trung hòa.

Đương thời gian đó tiên sinh họ Ngô thường khen khí chất của Thạc công không phải là người bình thường, về sau nếu không làm vương ắt sẽ làm bá. Bạn bè không ai không kính phục.

Lại nói bấy giờ nước Nam ta có dịch khí hoành hành, nhân dân đều bị mắc bệnh không chừa một chỗ nào. Đương khi ấy Thạc công có một người dì tên là Hiếu thị, lấy con ông họ Nguyễn người đất trang Hương Triện huyện Gia Định phủ Thuận An đạo Bắc Giang (mẹ Thạc công và Hiếu thị vốn cùng là con ông huyện lệnh huyện Gia Định, cùng một cha mẹ). Do vậy khi ông nghe tin nhân dân địa phương của dì mắc bệnh, gia đình của dì cũng bị mắc bệnh nên xin cha mẹ trở về đất Hương Triện thăm dì.

Hôm ấy ông cử giá về đất Hương Triện, đến nửa đêm các họ trong đất Hương Triện (bấy giờ trong trang Hương Triện có các tộc Nguyễn, Đào, Đặng, Phạm, Đỗ, Hoàng, Bùi, Lê, Trần và Phan lập thành một trang) vốn đang có người bị mắc bệnh, cùng nhau mơ thấy ôn binh quỷ chúng đang báo tin chi nhau rằng: “ Dân chúng ở đất này có thiên tử đang trở về làm phúc thần của dân. Binh lính của ta nên gấp chóng rút khỏi đây ngay, không thể lưu cư ở đây”. Vừa nói chúng vừa tự rút hết khỏi nơi này. Nhân dân nghe thấy thế liền tỉnh giấc thì trời vừa sáng. 

Mọi người cùng thấy bệnh tật trong trang ai nấy đều qua khỏi. Hôm ấy nhân dân bàn luận, ai cũng bảo mình gặp một giấc mơ như thế. Mọi người cho là kỳ lạ, thực rất linh nghiệm, cùng nhau ra một ngôi quán đợi đến hết ngày xem sự thể ra sao. Chỉ trong một lúc quả nhiên thấy quân của Thạc công cử xa giá đến đây, thăm hỏi người dì và nhân dân bị mắc bệnh. Nhân dân ngầm nghĩ trong giấc mộng đã báo, nay lại thấy quả nhiên như vậy, lập tức làm lễ bái tạ, kể về giấc mộng, tự nguyện xin làm thần tử, xin ông cho tên húy để lập một sinh từ thờ ông làm thần, cơ hồ có nơi trấn trị quỷ xâm lấn từ bên ngoài.

Ông nghe xong đồng ý, cho tự hiệu để dân phụng thờ. Sau đó ông nhàn tản ngắm nhìn địa thế dân cư trong trang để chỉ bảo nhân dân lập sinh từ. Ông thấy địa thế nơi đây có chân long tú mạch, một dải dân cư ở gấp khúc như hình rắn bò, bên cạnh có ao hồ bao bọc, bốn hướng có phong tinh chầu về, bảng bút song hành. Núi Tam Thai chầu phía trước. Sông Thiên Đức chảy vắt ngang. Bên ngoài có một dải sông nhỏ ôm ấp. Bên trong có thế nước lòng vòng, long châu 9 khúc. 

Ông truyền nhân dân lập một sinh từ tại đầu địa giới dân cư, phía trước có đất kết cục tạo thành thế đầu rồng. Bên cạnh có giếng ẩn bút chầu phía sau. Tam Thai ứng phía trước. Bên phải bên trái lớp lớp chầu về, quanh co ở bên ngoài. Sinh từ nằm dựa Đông Bắc hướng Tây Nam, thu chính mạch rồng từ phương Tốn, tất cả đều chầu về, tạo thành quý cục. 

Nhân dân xây dựng hoàn thành, ông mới lưu nghỉ tại sinh từ, mở yến tiệc trong hơn một tháng, khoản tiếp người dì và nhân dân địa phương cùng dự hưởng. Sau đó ông lại cử giá về đất Ai Lao trải trong mấy năm. Bấy giờ ông mới 22 tuổi.

Đương thời vua nước Thục sinh muộn được một người con gái tên là Hằng Nương công chúa, không có con trai kế vị, nghe phong thanh Bộ chủ Ai Lao sinh được thứ tử Thạc công, vốn là người anh tài lương tuấn, mới dẫn quân đến  xin ông Bộ chủ cho Thạc công kết duyên với Hằng Nương công chúa, rồi nhường ngôi cho Thạc công. Ông Bộ chủ Ai Lao đồng ý. 

Từ đó Thạc công trở về nước Thục, được vua nước Thục gả công chúa và nhường ngôi báu. Đến khi vua Thục băng hà, ông lên ngôi vua xưng là Thục An Dương Vương. Ông nối thừa quyền nhạc phụ, khiến thiên hạ thanh bình, nhân dân nước Thục sống yên vui. Người dân cày ruộng đào giếng, khắp nơi rộn rã tiếng đàn ca, nghỉ việc võ, sửa việc văn, chăm lo giáo hóa, bốn biển đón cảnh tượng thái bình.

Lại nói nước ta khi Nghị Vương ở ngôi được 162 năm thì Nghị Vương băng hà. Thái tử Duệ Vương lên ngôi kế vị. Đến lúc ấy nhà Hùng đã trải 18 đời với hơn 2000 năm hưởng nước, nối truyền ngôi báu đã lâu. Do lòng trời định như thế. 

Khi Duệ Vương lên ngôi, lúc ấy thế nước cáo chung, cơ đồ mạt tạo. Duệ Vương sinh được 20 hoàng tử đều nối nhau về nơi tiên cảnh, cùng 6 nàng công chúa chỉ còn lại 2 người. Một người gả cho Chử Đồng Tử, một người gả cho Tản Viên Sơn Thánh. Duệ Vương không có người lập hậu mới triệu Thạc công (tức Thục An Dương Vương), nguyên từ Bộ chủ Ai Lao cũng là miêu duệ nhà Hùng, đến kế vị. Nhân đó Duệ Vương trao nỏ rùa lẫy thần cho Thục Vương để quản lý thiên hạ, đó là đồ quý báu của cơ đồ họ Hùng.

Lại nói, Thục An Dương Vương (húy Thạc) từ lúc nhận ngôi báu cơ đồ họ Hùng, chỉ khoanh tay rủ áo mà nước được thịnh trị, bốn biển thanh bình, người dân vui tiếng đàn ca, trong ngục không còn tiếng người kêu oan trái, vua sáng thần mình. Đương lúc ấy có ông Cao Lỗ giữ chức Tổng chính, Vũ Công Lỗ giữ chức Nghị chính, Phan Công Bính giữ chức Tham nghị triều chính, Nguyễn Tuấn (người trang Hương Triện) giữ chức Ty chính bình vụ, đều là những trung nghĩa lương thần của Thục An Dương Vương. Cai trị hơn 60 năm, lấy đức giáo hóa dân làm gốc. Vua tự tuân theo phúc họ Hùng, dời đô đến thành Cổ Loa. Đương lúc ấy vua lấy đất Hương Triện là nơi cung sở thêm, nên cho được miễn trừ việc binh lương, vinh hiển dồi dào, thấm nhuần tước lộc, cùng nhau chung hưởng đức độ của vua, thực là thịnh vậy.

Lại nói bấy giờ có người phủ Cửu Chân, Nam Hải, họ Triệu tên Đà, phát động hùng binh kéo đến đánh Thục Vương để cướp nước. Nhưng vì Thục Vương có nỏ rùa lẫy thần là báu vật giữ cơ đồ họ Hùng nên trải bốn năm năm giữa Triệu Đà và Thục Vương rồng hổ tranh đấu nhiều phen. Hễ dương nỏ là quân của Triệu Đà đại bại Trong lúc trống mái chưa định, cò trai dằng co, không ngờ đạo trời lại khiến như thế. Tuy có nỏ rùa lẫy thần là báu vật nhưng do thế nước cáo chung nên cũng khó mà bảo vệ. 

Lúc ấy Triệu Đà thấy Thục An Dương Vương có thần cơ dị thuật, lại trong nước có nhiều người tài giỏi nên dù đem binh cũng không địch nổi. Một hôm Triệu Đà bảo với các tướng sĩ rằng: “Thục Vương có thần tài dị thuật, nếu đánh thì quân ta khó thắng. Nay tiếp tục mang quân sang đánh quân Thục thì tất lại thu lấy thất bại. Chẳng bằng dùng mưu mà lấy được nước đó. Nay ta định dùng lễ cống xin làm nước anh em, giả làm kế cầu hòa để dò xét ý của Thục Vương ra sao. Ví như được lòng trời ta sẽ đánh một trận là thành đại nghiệp”.

Các tướng nghe xong tất cả đều đồng thuận. Nhân đó Triệu Đà sai bề tôi mang kễ đến Thục An Dương Vương xin cầu hòa. Thục Vương thấy sứ giả nhà Triệu mang lễ cống cầu hòa liền đồng ý. Từ đó kết làm nước anh em, giữ tình tín ái.

Bấy giờ có ông Cao Lỗ giữ chức Đại tướng cho Thục Vương, có thừa trí dũng, trung nghĩa vô song, nhưng bị quần thần nói dèm pha, khiến Thục Vương giáng chức, đày lên Thái Nguyên cho giữ chức huyện lệnh ở châu Bạch Thông. Cao Lỗ từ khi nhậm chức ở đây hổ báo trong địa phận sơn lâm bản châu nghe uy đức của ông, tất cả đều quy phục. Cao Lỗ do chứa hận trong lòng, phát thành chứng bệnh ung thư, hóa tại đất bản châu. Hổ thú rước về đất Đồng Than an táng, về sau lập đền tại sông Thiên Đầu, nhân dân thờ tự, có nhiều linh ứng.

Lại nói, sau đó mấy năm, Triệu Đà lại nghe tin Thục Vương có người con gái tên là Mỵ Châu công chúa. Triệu Đà mới xin cầu hôn cho con trai của mình là Trọng Thủy. Thục Vương cũng đồng ý gả cho Trọng Thủy. Đường thời các trung thần đều can gián, nhưng vua không nghe, lại bảo với quần thần rằng: “Ta có lấy thần của báu của trời thì sợ gì quân Triệu? Vả lại ta không phải là người bất nhẫn”.

Các nghĩa sĩ lương thần can ngăn không được đều từ quan trả chức xin về quê. Âu cũng là do lòng trời bỏ Thục mà theo về Triệu, khiến đức của vua tối tăm, còn lương sĩ quân thần thì đều xa lánh.

Lại nói Triệu Đà nghe tin quân thần của Thục Vương tự di phế nhau, ngầm nghĩ đến việc môi hở răng lạnh, lập tức mật báo cho con trai Trọng Thủy lấy chỗ thân ái mà do thám tình hình trong nước, tất được Trọng Thủy làm theo. Từ đó Trọng Thủy ra vào chỗ bệ hạ, Thục Vương lại rất tin yêu. 

Một hôm nhân lúc rỗi, trong phủ vô sự, Trọng Thủy mới hỏi công chúa Mỵ Châu rằng: “Ngày xưa trong lúc hai cha ta hiềm khích giao tranh, cha nàng có dị thuật gì khiến cho cha ta luôn phải thất bại vậy?”.

Thế là công chúa Mỵ Châu liền chỉ vào nỏ rùa lẫy thần. Trọng Thủy hiểu rõ mới tạo một chiếc lẫy khác đem vào đánh tráo. Sau đó tâu với Thục Vương xin trở về thăm cha. Thục Vương đồng ý.

Trọng Thủy lại lấy nệm gấm lông ngỗng trao cho công chúa Mỵ Châu và dặn: “Hai nước có động tĩnh bất thường, nay ta xin về thăm thân phụ, không biết nhanh chậm thế nào. Nếu có binh cách xảy ra, thắng thua khôn lường nên có lông ngỗng cho nàng đánh dấu đường. Ta sẽ theo đó mà tìm đến sau”.

Công chúa Mỵ Châu nghe theo lời dặn. Khi Trọng Thủy về đến thành phủ mang lẫy nỏ báo cho thân phụ, Triệu Đà được lẫy nỏ liền phát động hùng binh tiến đánh Thục Vương, cho quân vậy thành. Thục Vương ngồi trên thành bảo Triệu Đà rằng: “Ta có nỏ thần, quân Triệu không sợ chăng?”.

Quân Triệu Đà ngày một mạnh, xông vào giáp công. Thục Vương dương nỏ bắn nhưng không hiệu nghiệm, biết là mất lẫy thần, bèn cưỡi ngựa cùng công chúa Mỵ Châu, cha con đều chạy.

Công chúa Mỵ Châu cưỡi ngựa chạy phía sau, cứ theo lời giao ước với Trọng Thủy mà rắc lông ngỗng đánh dấu đường. Kịp lúc quân của Triệu Đà theo lông ngỗng truy đuổi Thục Vương, đến khi cùng quẫn, Thục Vương mới ngầm cầu rùa thần đến cứu giúp (do trước đây Duệ Vương trao nỏ thần cho Thục Vương bảo rừng về sau hễ gặp nạn thì hô rùa thần đến cứu giúp). Thục Vương cầu khấn xong bỗng thấy sóng to nổi lên dữ dội. Rùa thần đột nhiên nổi trên sông quay lại bảo Thục Vương rằng: “Giặc ở phía sau nhà vua!”.

Thục Vương quay đầu nhìn phía sau thấy công chúa Mỵ Châu đang phóng ngựa rải lông ngỗng, vua mới bảo Mỵ Châu rằng: “Mỵ Nương con đã giết cha!”.

Mỵ Châu nghe xong, thề cùng trời đất, ngay lúc ấy (tức ngày mồng 2 tháng 12) nhảy xuống sông tự vẫn. Thục Vương cưỡi ngựa chạy đến cửa Nam Hải thì đã thấy rùa thần rẽ nước thành đường. Thục Vương tay cầm ngọc tê dài 7 thước đi vào biển hóa sinh bất diệt. 

Về sau nhân dân địa phương ở Nam Hải đều lập đền thờ cúng. Đến triêu Hậu Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, thần có công âm phù giúp nước, có nhiều linh ứng, nên được phong là Nam Hải Đại vương.

Lại nói, đương khi ấy có ông Nguyễn Tuấn giữ chức Ty chính, người trang Hương Triện, huyện Gia Định, vốn là bề tôi của Thục Vương, do can gián vua nhưng vua không nghe, mới từ chức trở về dưỡng nhàn ở quê. Nghe tin vua đã hóa, Triệu Đà lấy được nước, mới truyền nhân dân (tức trang Hương Triện) cứ tuân theo húy tự là Thạc Đại vương mà lập đền ở hội đồng cung sở để thờ cugs. Còn Nguyễn Tuấn vào đất Ái Châu xuất gia đầu Phật, xuống tóc ăn chay, mải miết dạo ngắm trời đất, không quay về quê quán. Về sau mất tại chùa Ngọc Xá, huyện Tống Sơn, nhân dân địa phương thờ cúng.

Lại nói cho đến thời Đông Hán, Ngô, Tấn, Tề, Lương cộng là 349 năm, trải đến nước Nam có các đời Đinh, Lê, Lý, Trần gồm 4 họ khai sáng cơ đồ, vị Thạc Đại vương thường âm phù giúp nước, che chở dân, anh linh hiển hiện, nên được các đời đế vương gia phong là Thượng đẳng phúc thần, hương hỏa thờ cúng không dứt.

Lại nói, trải đền thời bấy giờ có người họ Lê, tên húy là Lợi, người trang Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, Ái Châu đứng lên khởi nghĩa, tập hợp nghĩa binh, tiễu trừ họ Hồ, tiêu diệt người Minh, lên ngôi Hoàng đế ở Lam Sơn (tức Thái tổ Cao Hoàng đế), đặt niên hiệu Thuận Thiên. Khi đang còn khởi nghĩa, vua đi qua ngôi đền của trang Hương Triện, vào đây cầu đảo vị âm thần phù giúp nước đánh giặc, sau khi bình xong giặc Minh, sẽ bao phong mỹ tự Thượng đẳng Phúc thần, thờ cúng lâu dài cùng đất nước trường tồn giữ làm lệ thường. Về sau đánh đuổi được giặc Minh, đất nước thanh bình, vua bèn gia phong mỹ tự, vạn đời là Phúc thần. Đức của thần thịnh vậy.

– Phong cho thần là Thạc thần Đại vương. Chuẩn cho dân của trang sở tại Hương Triện phụng thờ.

Lại nói, từ khi Lê Thái Tổ khai sáng cơ đồ trải truyền các đời vua Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiển Tông, Chiêu Tông đến đại thần họ Mạc tiếm quyền (tức Mạc Đăng Dung, là huyền tôn của Mạc Đĩnh Chi), trải năm đời làm vua với hơn 60 năm. Đến vua Trang Tông cùng đại thần họ Nguyễn có mưu kế lớn, khôi phục nghĩa binh, tiễu trừ họ mạc. Từ đó nhà Lê làm đế, họ Nguyễn là vương, tiền Lê, hậu Lê thần đều có công âm phù giúp nước, che chở dân, linh ứng tỏ rõ. Do vậy trải các đời đế vương đều được gia phong mỹ tự là Thượng đẳng Phúc thần, cùng đất nước dài lâu giữ làm lệ thường. Đức của thần thịnh vượng vậy (đền thờ chính của thần ở Cổ Loa, là nơi quốc tế, làm dân tạo lệ)

Lệ về ngày sinh, ngày hóa của thần cùng ngày tiệc, sắc phục, tên húy nhất thiết phải cấm, được ghi như sau:

– Ngày sinh của thần: 15 tháng 10, lấy làm lệ chính. Làm lễ trước một ngày, rước thần làm lễ tế, sửa lễ gồm cỗ chay, lợn, xôi, trầu, rượi. Ngày hôm sau (chính nhật) sửa lễ gồm bò, ca hát trong 3 ngày thì dừng.

– Ngày hóa của thần: mồng 2 tháng 12. Sửa lễ cỗ chay, lợn, xôi, trà, hoa quả, trầu cau.

– Ngày tiệc: 12 tháng 8. Làm lễ rước thần cáo tế. Sửa dùng lợn, bò cũng có thể được, ca hát tùy nghi.

– Ngày tiệc: mồng 7 tháng Giêng. Làm lễ trước một ngày, rước thần làm lễ tế cáo như ngày sinh của thần. Ngày hôm sau sửa lễ gồm bò, ca hát, đánh cờ, đấu vật trong 10 ngày thì dừng.

– Ngày tiệc: 12 tháng 9. Sửa lễ dùng lợn, xôi, rượu, ca hát tùy nghi.

– Ngày tiệc: 12 tháng 3. Làm lễ, ca hát tùy nghi.

– Ngày tiệc: mồng 10 tháng 11. Làm lễ tùy nghi.

– Tên húy của thánh phụ, thánh mẫu xem trong Ngọc phả này đều cấm dùng, cùng lệ về các ngày tiệc, thánh phụ thánh mẫu đều được phối thờ.

– Tên húy gồm chữ Thạc, nhất thiết cấm dùng, cùng hai chữ Nam, Hải phải tránh âm, sắc phục khi hành lễ, màu vàng, màu tía đều không được dùng. Lông ngỗng nuôi dưỡng cấm không được dùng.

Ngày mồng 10 thánh Giêng niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất  (1572) Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, bề tôi là Nguyễn Bính vâng mệnh soạn bản chính.

Ngày tốt tháng 2 niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 3 (1737) Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh, bề tôi là Nguyễn Hiền phụng mệnh sao lại theo bản chính.

Người dịch TS. Nguyễn Hữu Mùi, Viện nghiên cứu Hán Nôm năm 2009.

Leave a comment