Những biểu tượng trong bài ca dao “Anh là thợ mộc Thanh Hoa”

Anh là thợ mộc Thanh Hoa
Làm cầu, làm quán, làm nhà… khéo thay!
Lựa cột anh dựng đòn tay
Bào trơn đóng bén nó ngay một bề.

Phần mở đầu bài ca dao tỏ ra đơn giản và tả thực. Một người thợ mộc Thanh Hoa khéo léo, làm được đủ mọi thứ. Phần mở đầu này không cho biết tiếp theo là nói về anh thợ mộc đang đục chạm cho công trình nào. Làm cầu, làm quán hay đang làm nhà?
Phần tiếp theo không phải là làm nhà mấy gian, mấy chái, mà lại chỉ dùng “bốn cửa” để định khung cảnh. Ý nghĩa biểu tượng của bài ca dao bắt đầu từ đây. Bốn cửa ở đây là bốn phương, bốn lĩnh vực của đời sống xã hội, của nhân sinh quan đương thời. Do đó bài ca dao được tiếp bởi 4 đoạn thơ lục bát, mỗi đoạn có 4 câu. Mỗi đoạn thơ nói về một lĩnh vực.

Bốn cửa anh chạm bốn dê
Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
Bốn cửa anh chạm bồn rồng
Trên thì rồng ấp, dưới thì rồng leo.

Đối với người Việt thì việc đầu tiên là việc thờ cúng tổ tông. Trong bài được biểu hiện bằng hình ảnh con dê. Dê đực là loài vật được dùng để tế lễ từ thời xa xưa. Cùng với đó là hình ảnh Rồng, con thì ấp, con thì leo. Rồng là nói đến vua, đến người lãnh đạo. Đoạn thơ này như vậy dành cho tổ tiên và vua, đúng theo đạo lý của Nho giáo.

IMG_5109

Đôn Tứ dương.

Đặc biệt hình ảnh diễn tả trong đoạn thơ thứ hai trùng khớp với hình trên chiếc đôn Tứ dương, một đồ đồng đặc trưng của thời Thương. Đôn Tứ dương có từ 3000 năm trước, dùng trong việc tế lễ thần linh. Trên chiếc đôn vuông này bốn góc là hình đầu 4 con dê lớn, sừng uốn cong, râu dài. Còn ở giữa 4 cạnh có hình đầu con vật nhỏ hơn với 2 sừng thẳng. Rất có thể đó là những con rồng con (rồng ấp). Hoa văn trên thân có hình “rồng leo” và chim phượng.
Chiếc đôn Tứ dương cũng cho hiểu thêm ý nghĩa của “bốn cửa” trong bài ca dao. Mỗi cửa là một hướng, một phương vị. Đôn có bố cục vuông nhưng có 8 hướng (4 dê và 4 rồng). Dê tiếng Hoa là dương, đồng âm với Dương trong Âm – Dương. Sừng dê cong vì Trời tròn (Trời là Dương). Còn 4 con rồng nhỏ là Âm. Âm thì ẩn, ém đi nên hình rồng nhỏ. Đất vuông (Đất là Âm) nên sừng rồng thẳng. Âm Dương được phối hợp thể hiện thành 8 hướng (Bát quái) trên chiếc đôn này.

IMG_5067Dê và Rồng trên đôn Tứ dương.

Bốn cửa anh chạm bốn mèo
Con thì bắt chuột, con leo xà nhà.
Bốn cửa anh chạm bốn gà
Đêm thì nó gáy, ngày ra ăn vườn.

Đoạn ca dao tiếp theo dùng 2 con vật Mèo và Gà. Mèo bắt chuột và leo xà. Đây là thể hiện không gian trên – dưới. Gà đêm gáy, ngày đi kiếm ăn. Hình ảnh biểu tượng của thời gian ngày – đêm. Như vậy trên bốn cửa của anh thợ mộc đã thể hiện đủ không gian và thời gian.

Bốn cửa anh chạm bốn lươn
Con thì thắt khúc, con trườn bò ra.
Bốn cửa anh chạm bốn hoa
Trên là hoa sói, dưới là hoa sen.

Đoạn về Lươn và Hoa cũng mang tính biểu tượng. Sau không gian và thời gian đã khắc ra ở đoạn trên, đoạn này hẳn là nói về “nhân gian”. “Thân lươn bao quản lấm đầu”, Lươn là biểu tượng của giới bình dân. Con thắt khúc, con trườn ra. Còn Hoa là biểu tượng của tầng lớp cao hơn, “tinh hoa”, với dáng vẻ và kích cỡ khác nhau. Có hoa nhỏ như hoa sói, có hoa lớn như hoa sen. Đoạn ca dao nói đầy đủ về các loại người trong xã hội.

Bốn cửa anh chạm bốn đèn,
Một đèn dệt cửi, một đèn quay tơ.
Một đèn đọc sách ngâm thơ,
Một đèn anh để đợi chờ nàng đây.

Đoạn kết nói về Đèn. Đèn là biểu tượng của trí tuệ, của khoa học công nghệ, của lý trí. Do đó có đèn dùng để lao động sản xuất (dệt cửi, quay tơ). Có đèn để sinh hoạt văn hóa (đọc sách, ngâm thơ). Và cuối cùng là đèn để đợi chờ, tìm bạn.
Anh thợ mộc Thanh Hoa làm bài thơ dài dòng như vậy không phải khéo nói để “tán gái” (như căn cứ theo câu kết). Làm thợ, anh có tầm hiểu biết sâu sắc về thế giới và xã hội nên anh đã chạm khắc cả một thế giới quan, nhân sinh quan của người Việt vào trong bài ca dao.

Bàn về tín ngưỡng Tam tứ phủ

Tu phu 2
Tứ phủ trong tranh Hàng Trống.

Tín ngưỡng Tam tứ phủ của Việt Nam đang được đề xuất là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Thế nhưng, bản chất của Tứ phủ là gì? Nguồn gốc Công đồng từ đâu? Tín ngưỡng Tam tứ phủ của Việt Nam được gọi là Đạo Mẫu nhưng hệ thống lý luận, lý giải lại còn quá nhiều câu hỏi chưa giải đáp, để có thể gọi là Đạo. Bản chất và nguồn gốc Đạo không rõ dễ dẫn đến các chuẩn mực trong thực hành đạo không có căn cứ để xác định, tín ngưỡng dễ biến thành mê tín dị đoan.
Khi nhìn nhận “đạo” và “đời” trong Tam tứ phủ luôn đi liền với nhau thì sẽ thấy rõ các thần linh trong Tứ phủ đều có phần “đời” thực, tức là họ đều là những nhân vật có thực hóa thần mà thành. Tín ngưỡng Tam tứ phủ do vậy bản chất là tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ những người có công, có đức trong quá khứ. Đây hoàn toàn không phải tín ngưỡng xuất phát từ việc tôn thờ trời, đất, nước, núi mà thành. Thiên, Địa, Nhạc, Thoải không phải là đối tượng thờ của tín ngưỡng này mà chỉ là các “phủ”, tức là chỗ ngự trị của các thần trong tín ngưỡng mà thôi.
Do tín ngưỡng Tứ phủ xuất phát từ tục thờ tổ tiên nên nó không hề thần bí, vô lý, mê tín. Trái lại, thờ tổ tiên là trách nhiệm của mỗi người Việt nên tín ngưỡng Tứ phủ là tín ngưỡng chung của mọi người Việt. Cũng vì đây là tục thờ tiền nhân nên tín ngưỡng Tứ phủ không phải là Đạo để có thể tu hành. Trong Đạo Giáo các đạo sĩ đi tu để thành tiên. Các Phật tử cũng đi tu để thành chính quả. Còn tín ngưỡng Tứ phủ không có khái niệm thanh đồng hay cung văn “đắc đạo”. Trong tín ngưỡng Tứ phủ quan trọng không phải là đi tu mà là thực hành tín ngưỡng (hầu đồng, thờ cúng).
Tứ phủ không phân cõi âm, cõi dương vì đơn giản tất cả các vị thần được thờ đều là tiền nhân đã khuất, hiển linh mà thành thánh. Thần thánh và con người đều chung một thế giới chứ không phân biệt. Khái niệm cõi âm, cõi dương là khái niệm của đạo Phật, không phải của tín ngưỡng Tứ phủ.
Tín ngưỡng Tứ phủ không hoàn toàn chính xác nếu gọi là Đạo Mẫu vì trong Tứ phủ số nam thần và nữ thần tương đương. Mỗi phủ luôn có một nam thần làm vua cha và một nữ thần làm mẫu cai quản.
Xuất phát từ nhận định tín ngưỡng Tứ phủ là đạo thờ tổ tiên người Việt, có thể nhận diện nguồn gốc lịch sử từng vị thần trong Tứ phủ công đồng. Trước hết để xác định xuất phát lịch sử của các thần trong Tứ phủ hãy đọc trang sử đầu tiên của người Việt được chép trong Truyện họ Hồng Bàng (Lĩnh Nam chích quái):
Đế Minh cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục mặt mày sáng sủa, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh liền lập Đế Nghi làm người nối ngôi cai trị đất phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước.
Dưới đây xin dẫn tóm tắt đối chiếu truyền sử Việt với các thần chủ trong Tam phủ (gồm Thiên, Nhạc, Thoải). Địa phủ ra đời sau muộn nên không có mặt trong các truyền thuyết khởi thủy dân tộc.

THIÊN PHỦ
Đức vua cha của Thiên phủ là Ngọc Hoàng Thượng Đế, cai quản Thiên đình. Ngọc Hoàng Thượng Đế là Hoàng Đế Hiên Viên, người khởi đầu cổ sử Trung Hoa. Đây cũng là Đế Minh, vị vua Hùng đầu tiên được nói tới trong Truyện họ Hồng Bàng. Đế Minh được thờ tại núi Nghĩa Lĩnh (Ngũ Lĩnh) là đền Hùng ở Phú Thọ. Ngọc Hoàng Thượng Đế luôn hiện diện trong ban Công đồng ở các nơi thờ Tứ phủ.
Mẫu chủ của Thiên phủ là Mẫu Cửu Trùng. Mẫu Cửu Trùng được biết là Cửu Thiên Huyền Nữ, người đã giúp Hoàng Đế Hiên Viên khi khởi lập Trung Quốc. Trong truyền thuyết và tục thờ của người Việt thì Mẫu Cửu Trùng là Tây Thiên Quốc Mẫu ở núi Tam Đảo. Tây Thiên Quốc Mẫu là con gái bà Vụ Tiên trong truyền sử Việt. Tam Đảo là ngọn núi Côn Lôn của các thần tiên. Tây Thiên Quốc Mẫu cũng là bà Tây Vương Mẫu trong huyền thoại Trung Hoa.

THOẢI PHỦ
Mẫu chủ của Thoải phủ đã biết là Xích Lân Long Nữ hay Long Nữ Động Đình, vợ của Kinh Dương Vương. Truyện Tàu xuyên tạc ra thành Mẫu Thoải lấy Kính Xuyên, đi chăn dê, bị Thảo Mai vu oan… Mẫu Thoải là Quý Nương (nàng Ba) trong truyền thuyết về Vĩnh Công Bát Hải Động Đình, cũng là mẹ của Lạc Long Quân.
Vua cha Thoải phủ là Bát Hải Động Đình, thờ chính tại đền Đồng Bằng (Thái Bình). Bát Hải Động Đình rõ ràng là biển (Hải), không hề là cái hồ nước bên Hồ Nam Trung Quốc như nhầm tưởng. Bát là số 8, chỉ hướng Đông trong Hà thư, chứ không phải có tới 8 vị Long Vương. Bát Hải Động Đình là vua biển Đông. Người đứng đầu của Thủy phủ – Thủy cung trong truyền sử Việt là Lạc Long Quân (dẫn 50 người con xuống biển). Bát Hải Động Đình do vậy chính là người cha của Việt tộc – Lạc Long Quân.
Thoải phủ là nơi cai quản của Ngũ vị tôn quan, là những vị quan trong ban Công đồng ở các nơi thờ Tứ phủ. Trong truyền thuyết Việt thì 2 vị quan lớn hay giáng đồng Quan Đệ Tam và Quan Đệ Ngũ là các thần Thổ Lệnh và Thạch Khanh ở sông Bạch Hạc Tam Giang. 3 vị quan lớn còn lại là các Đức Thánh Cả, Đức Thánh Trung, Đức Thánh Hạ thờ ở khu vực Vân Đình (Ứng Hòa).

NHẠC PHỦ
Vua cha của Nhạc phủ được Văn công đồng gọi là Ngũ Nhạc thần vương. Ngũ Nhạc thần vương không ai khác ngoài Tản Viên Sơn Thánh. Thần tích Sơn Thánh ở đền Và (Sơn Tây) chỉ rõ núi Ngũ Nhạc là núi Ba Vì, chứ chẳng phải 5 quả núi nào ở bên Tàu. Cũng thần tích này cho biết Tản Viên được phong là Nhạc phủ kiên thượng đẳng. Tản Viên Sơn Thánh cũng là Kinh Dương Vương, cha của Lạc Long Quân.
Vị trí mẫu chủ của Nhạc phủ khá rắc rối do mỗi nơi tôn một vị khác nhau làm Mẫu Thượng Ngàn. Về cơ bản Lê Mại đại vương hiển linh ở ải Chi Lăng cũng là Cao Mại, vị chúa Mường thứ ba trong Sơn trang ở Lâm Thao (Phú Thọ). Vị chúa Ba hay bà Chúa Ót cũng là nàng Diệu Thiện trong truyền thuyết về Nam Hải Quan Âm ở Hương Sơn.
Nhạc phủ đứng khá độc lập trong Tứ phủ, có hẳn một hệ thống Tam vị chúa Mường và ban Sơn trang. Việc này có lý do từ lịch sử, do phần rừng núi phía Tây nước ta (Nhạc phủ) có tới ngàn năm phân tách với miền đồng bằng sông Hồng (Thoải phủ). Phải tới thời Ngũ đại, Lưu Cung mới nhập hai vùng Đông và Tây Giao Chỉ vào nhau, dẫn đến sự tái hợp tín ngưỡng Tam phủ của người Mường và người Kinh.

P1160208 (2)Đền Suối Mỡ (Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang) thờ Quế Mỵ Nương thời Hùng Vương làm Mẫu Thượng Ngàn.

Đoạn Truyện họ Hồng Bàng đã dẫn ở đầu bài nay đã có thể viết lại dưới ngôn ngữ của Tam phủ:
Ngọc Hoàng thượng đế, cháu ba đời Thái Viêm Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh mừng gặp và lấy được Mẫu Cửu Trùng (Mẫu Tây Thiên), rồi trở về, sinh ra Tản Viên Sơn Thánh (Ngũ Nhạc thần vương). Tản Viên Sơn Thánh mặt mày sáng sủa, thông minh phúc hậu, Ngọc Hoàng thượng đế rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Tản Viên Sơn Thánh cố từ, xin nhường cho anh là Đế Nghi. Ngọc Hoàng thượng đế liền lập Đế Nghi làm người nối ngôi cai trị đất phương Bắc, phong cho Sơn Thánh làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Mẫu Thoải là con gái Long Vương ở biển Đông, sinh ra Lạc Long Quân hiệu là Bát Hải Động Đình cho nối ngôi trị nước…

ĐỊA PHỦ
Ra đời sau cùng nhưng Địa phủ có đóng góp quan trọng vào tín ngưỡng Tam tứ phủ với sự xuất hiện của Mẫu Liễu Hạnh. Địa phủ là chốn con người nên với con người Mẫu Liễu trở nên đặc biệt quan trọng và linh thiêng. Điều này dẫn đến Mẫu Liễu đại diện luôn cho Mẫu Thượng Thiên, Thiên Địa hóa một trong Tam tòa thánh mẫu.
Nếu Địa phủ là nơi của con người, Thiên phủ là nơi của Thần Tiên thì rất có thể Thoải phủ là nơi của Tôm Cá và Nhạc phủ là của Cây cối Động vật. Mọi sinh linh trên thế giới này đều có chỗ trong tín ngưỡng Tứ phủ cả.
Mẫu Liễu Hạnh còn là vị thần bất tử thứ 4 trong Tứ bất tử. Tứ bất tử cũng có thể tương chiếu với Tứ phủ. Trong đó vị thần bất tử thứ nhất là Tản Viên Sơn Thánh ứng với Nhạc phủ. Vị thần bất tử thứ hai là Chử Đồng Tử ứng với Thoải phủ (ví dụ Chử Đồng Tử được thờ ở đền Lảnh cùng với Quan lớn đệ Tam Thoải phủ). Vị thần bất tử thứ ba là Đổng Thiên Vương ứng với Thiên phủ.
Vị trí vua cha Địa phủ hiện đang còn bỏ ngỏ. Văn công đồng gọi đó là Thập Điện Minh Vương, nhưng khái niệm Thập điện là khái niệm của Đạo Phật, không phải của Tứ phủ (Tứ phủ không có cõi u minh – cõi âm). Trong khi đó có một nhân thần được Tứ phủ gọi là cha là Trần Hưng Đạo đại vương (Tháng Tám giỗ cha…). Trần triều được phối thờ ở hầu hết các nơi thờ Tứ phủ. Xét về thời gian xuất hiện của thánh (tương đương với thời kỳ của Mẫu Liễu) và ý nghĩa (cai quản cõi người) thì hợp lý nhất nếu tôn đức Hưng Đạo đại vương là Vua cha Địa phủ. Như vậy Tứ phủ trở nên đầy đủ, rõ ràng về bản chất và nguồn gốc, mới có thể mong “hoằng dương” được Đạo thánh.

BƯỚC RA TỪ HUYỀN THOẠI xuất bản trên Alezaa

Phiên bản số hóa của cuốn BƯỚC RA TỪ HUYỀN THOẠI, Lịch sử nước Nam qua truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian đã được phát hành trên kho sách điện tử Alezaa. Sách có thể tải về và xem trên các thiết bị điện thoại thông minh và máy tính bảng.

cover_l

GIỚI THIỆU SÁCH

Lịch sử của quốc gia, của dân tộc không thuộc về riêng ai. Các sử gia chép sử, các nhà văn hóa mô tả sử,… còn nhân dân mới là những người làm nên lịch sử. Trong khi những sử gia thận trọng biên chép các sự kiện lịch sử theo quan niệm chính thống mỗi thời đại thì còn một dòng sử khác tồn tại song song. Đó là dòng sử trong dân gian, được lưu truyền qua các câu chuyện kể, các di tích, các di vật, các danh nhân địa phương…

Lượm lặt, sắp xếp lại những thông tin từ văn thơ cổ, những truyền thuyết từ nơi đền miếu, chốn dân dã, cuốn sách nhỏ này có tham vọng lớn đi tìm sự thật cho giai đoạn lịch sử nước Nam từ thời khai thiên lập địa tới khi nước Đại Việt xứng tên độc lập. 18 bài viết về huyền thoại lịch sử, đúng hơn là về những con người đã làm nên huyền thoại muốn góp phần nào chút ánh sáng soi tìm lịch sử chân xác của dân tộc đã chìm đắm sau hàng ngàn năm tăm tối.

Những huyền thoại của dân tộc từ thủa Hùng Vương dựng nước như Lạc Long – Âu Cơ, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, Trọng Thủy – Mỵ Châu,… cho tới những truyền thuyết của những vị anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Lý Công Uẩn… được trình bày, khám phá từ góc độ văn hóa lịch sử. Cuốn sách còn dành nhiều trang phân tích nguồn gốc và sự hình thành của Đạo Mẫu Tứ phủ, Đạo Giáo và bàn luận về một số sự kiện trong Đạo Phật, Đạo Nho ở Việt Nam.

Sách được viết dưới dạng chuyện kể hấp dẫn, trích dẫn các minh văn trên cổ vật và văn bia, hoành phi, câu đối Hán Nôm và ảnh minh họa phong phú từ thực tế điền dã ở các địa phương. Sách hướng tới đối tượng bạn đọc rộng rãi, là những người có quan tâm tới văn hóa và lịch sử cổ truyền của dân tộc, với một tấm lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân đã để lại những di sản văn hóa tinh thần vô giá của người Việt.